18/06/2018, 16:36

Người Hoa tại Việt Nam (bài 2)

Nguyễn Văn Huy Phần Ba : …để hiểu và thông cảm lẫn nhau trong tiến trình xây dựng một tương lai chung Từ trước đến nay, mỗi khi nhắc đến cộng đồng người Hoa tại Việt Nam người ta thường liên tưởng đến huyền thoại “Chú Hỏa”, một người Hoa di cư nghèo khó về ...

 cho-lon-4

Nguyễn Văn Huy

Phần Ba : …để hiểu và thông cảm lẫn nhau trong tiến trình xây dựng một tương lai chung

 Từ trước đến nay, mỗi khi nhắc đến cộng đồng người Hoa tại Việt Nam người ta thường liên tưởng đến huyền thoại “Chú Hỏa”, một người Hoa di cư nghèo khó về sau đã trở thành giàu có nhờ may mắn và chịu khó làm việc. Người ta còn thêu dệt thêm nhiều chuyện kinh hồn khác quanh sinh hoạt của người Hoa như chuyện các thầy bùa, thầy ngải chuyên bắt cóc trinh nữ làm thần giữ của cho những gia đình Hoa giàu có, chuyện bắt cóc trẻ con làm xíu mại, chuyện tráo thịt chuột thay thịt heo, ăn óc khỉ v.v… Người bình dân thì truyền tai nhau những tin đồn về truyền thống sinh hoạt bí mật của người Hoa, cách thức làm giàu không lương thiện, làm hàng giả v.v… Tất cả những lập luận “dễ dàng” trên cho thấy một sự thiếu sót thông tin và thiếu thông cảm giữa người Hoa và người Việt.

Người Việt bản chất thật thà và kém hiểu biết trong nghề kinh doanh rất dễ tin theo những tin đồn bịa đặt đó. Người ta thường lấy bụng ta suy ra bụng người. Đối với người bình dân làm giàu là một việc làm khó khăn, vì cuộc sống gắn liền với nghề nông, nghề thủ công hay nghề làm công, sinh hoạt gia đình không bao giờ được sung túc. Nhiều người chỉ mơ đào được lu vàng hay trúng số độc đắc để vượt lên sự nghèo khó chứ không hề nghĩ nếu biết suy luận và chịu khó họ có thể có một đời sống khá hơn bằng cách tham gia trực tiếp vào sinh hoạt kinh doanh. Nếu như vậy thì quá dễ ai làm chẳng được, nhưng muốn làm kinh doanh phải nắm vững một số qui luật sơ đẳng : thích kinh doanh và tôn trọng lời hứa. Vốn liếng tuy quan trọng nhưng không phải là yếu tố quyết định, người làm kinh doanh phải biết rõ khả năng của mình, nhạy cảm với nhu cầu của thị trường và biết thích ứng với những biến chuyển của thị trường. Người Hoa tại Việt Nam là một thí dụ về khả năng biết thích nghi đó.

Sinh hoạt của cộng đồng người Hoa không có gì bí hiểm. Sở dĩ người Hoa thành công là nhờ biết khai thác một số đặc tính trong của thị trường Việt Nam và thế giới. Những đặc tính đó đã góp phần tạo nên huyền thoại về sự giàu có của người Hoa. Tìm hiểu sinh hoạt của người Hoa là bước đầu của tiến trình thông cảm. Thông cảm là nền tảng của mọi cố gắng xây dựng một tương lai chung, tương lai của một nước Việt Nam có chỗ đứng và có tiếng nói cho mọi người.

I. Tìm hiểu những đặc tính của cộng đồng người Hoa

A. Giữ gìn bản thể trong mọi hoàn cảnh

Từ nhiều ngàn năm trước người Hoa đã tự xưng là Con Trời, Trung Hoa là nước ở giữa, trung tâm của hoàn vũ. Có một nhận định như vậy, người Hoa không thể nào chịu để mất bản thể, chấp nhận bị đồng hóa, vì họ là một dân tộc lớn.

Từ khi lập quốc đến thế kỷ thứ 13, đất nước Trung Hoa chỉ có loạn lạc nội chiến, người Hoa chỉ đi xâm lấn các lân bang và chưa bao giờ bị xâm lấn. Nhân vật đã đánh bại đế quốc Trung Hoa là Thành Cát Tư Hãn, người Mông Cổ, nhưng sau đó dân tộc Mông cũng đã bị dân tộc Hoa đồng hóa cả về văn hóa lẫn chính trị. Từ mốc thời gian đó, đế quốc Trung Hoa suy yếu hẳn, những cuộc xâm lấn về sau chỉ là một chuổi dài những thất bại. Những quốc gia nhỏ như Việt Nam đã đẩy lùi tất cả những cuộc tiến công, tệ hơn nữa Trung Hoa không những bị Tây phương và Nhật Bản đánh bại mà còn bị bảo hộ. Mặc dù vậy bản chất của một dân tộc lớn vẫn tồn tại, Trung Hoa là một thế giới hơn là một quốc gia.

Ngày nay tuy Trung Quốc không phải là một quốc gia giàu có, nhưng trong những cuộc đàm phán quốc tế sự tham dự của phái đoàn Trung Quốc lúc nào cũng giữ một tầm quan trọng quyết định. Những tranh chấp trong vùng Đông Nam Á, nếu Trung Quốc bất đồng ý kiến vấn đề coi như chưa được giải quyết. Một thí dụ điển hình là vấn đề tái lập hòa bình tại Kampuchea, nếu không có sự chấp thuận của Trung Quốc cho dù Liên Hiệp Quốc có trực tiếp đứng ra bảo trợ tình hình bất ổn vẫn luôn tồn tại.

Người Hoa trong nước có thể chia rẽ, đàn áp ức chế lẫn nhau, nhưng khi ra ngoài nước họ bảo vệ dân tộc tính một cách triệt để : người Hoa rất đoàn kết khi giữ gìn bản thể. Phong trào di dân xa khỏi lục địa chỉ bộc phát mạnh từ thế kỷ 13 khi một số gia đình quyền quí trốn chạy quân Nguyên (Mông Cổ). Nhiều đợt di cư quan trọng khác đã xảy ra khi nhà Minh bị nhà Mãn Thanh đánh bại (thế kỷ 16), nhất là khi triều đình Mãn Thanh bị các cường quốc Tây phương, Nhật Bản xâu xé và chiếm đóng (thế kỷ 17 đến giữa thế kỷ 20). Thành phần di tản là những gia đình quan quyền, binh lính, thương gia, dân chúng không chấp nhận sự cai trị của đối phương. Đó là những người tị nạn chính trị. Họ là dân cư các tỉnh Phúc Kiến, Quảng Đông và Triều Châu vượt biển chạy ra phía đông (Đài Loan, Hoa Kỳ và châu Âu) hay xuống phía nam (ASEAN, Đông Dương và Úc Đại Lợi). Đợt tị nạn chính trị quan trọng nhất là sau năm 1949 khi chế độ cộng sản được áp đặt trên toàn lãnh thổ Trung Hoa, hàng chục triệu người đã đổ bộ lên đảo Đài Loan, hàng triệu người khác chạy tản mát trên khắp thế giới, đông nhất là tại Đông Nam Á.

Do ảnh hưởng của những xáo động kinh tế và chính trị từ thế kỷ thứ 19, dân nghèo các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Hạ Môn, Triều Châu, Phúc Kiến, Hải Nàm v.v… di cư sang các quốc gia lân cận trong vùng Biển Đông. Họ rời quê hương nghèo khổ với hy vọng tìm những vùng đất mới để xây dựng một đời sống khá hơn. Đây là những người tị nạn kinh tế. Ý thức được thân phận hèn mọn của mình, những người này sẵn sàng làm bất cứ việc gì có thể làm được để sinh sống : tạp dịch, bồi bàn, mua bán ve chai, cày thuê, cuốc mướn, nội dịch, khuân vác, cu-li, v.v… Với thời gian những người này, sau khi vượt lên những khó khăn ban đầu, đều dấn thân vào nghề kinh doanh và cho con cái ăn học thành tài để có một chỗ đứng danh dự nơi đất khách quê người.

Tuy phải sống xa quê hương, người Hoa di tản vẫn giữ nguyên bản chất của một dân tộc lớn: tự hào về nguồn gốc xuất thân và nền văn minh đã hấp thụ. Văn minh của người Hoa nền văn minh chữ Hán. Bất cứ nơi nào người Hoa cũng muốn phổ biến chữ viết của mình. Hán tự là gạch nối liền quan hệ người Hoa hải ngoại với nhau. Bất kỳ xuất thân từ nguồn gốc ngữ phương nào, người Hoa hải ngoại nhận diện lẫn nhau một cách dễ dàng qua chữ Hán. Chữ Hán là ký hiệu, là mẫu số chung của tất cả người Hoa hải ngoại. Cơ sở nào càng viết nhiều chữ Hán, nơi đó sẽ được đông đảo người Hoa ly hương chiếu cố. Lâu dần chữ Hán đồng nghĩa với bản thể Trung Hoa. Trung thành với chữ Hán là trung thành với bản thể Trung Hoa. Càng muốn duy trì bản thể Trung Hoa thì càng phải phổ biến rộng rãi văn minh chữ Hán. Người Hoa nào không nói, không đọc hay viết được chữ Hán, người đó không còn là người Hoa thuần túy.

Trẻ em Trung Hoa tại bất cứ quốc gia nào, chung đụng với bất cứ nền văn hóa nào, khi đến tuổi đi học đều phải học tập chữ Hán song song với nền giáo dục của quốc gia địa phương. Bang hội nào cũng dành ưu tiên cho việc dạy chữ Hán, đây là lãnh vực văn hóa để trẻ em Trung Hoa tìm hiểu bản thể. Tại nhiều nơi, thành phần trẻ thấy việc dạy kinh điển thánh hiền xưa đã lỗi thời nhưng không vì thế mà bỏ bê chữ Hán, những người lãnh đạo cộng đồng vẫn kiên chí duy trì việc phổ biến chữ Hán. Sách báo, lịch tam tông miếu thường được phát không cho người Hoa với những lời thánh hiền ghi trên từng trang giấy để mọi người không quên chữ Hán.

Tại những nơi định cư mới, người Hoa ngoài việc phổ biến rộng rãi nền văn minh chữ Hán: văn học, nghệ thuật, kinh sử, tín ngưỡng, kỹ thuật cầm quân luyện tướng, cách thức chế biến vật dụng, dệt vải và nhất là nghề buôn bán, họ còn làm nảy sinh một phong thái làm việc mới : cần cù, nhẫn nại, chịu khó làm việc trong những điều kiện khó khăn lúc ban đầu, chấp nhận rủi ro. Người Hoa còn thể hiện tinh thần đùm bọc trong tình gia tộc, nghĩa đồng hương với hy vọng có chung một mức sống xứng đáng và một cộng đồng mạnh.

Niềm tự hào về bản thể phần nào cũng do quá khứ để lại. Người Việt xưa kia bị liệt kê vào hạng Man Di thấp kém cùng với các giống dân Mông, Mán, Tạng, Hàn. Hơn nữa lịch sử xa xưa của Trung Hoa vẫn ghi miền Bắc Việt Nam là phần đất phía Nam của họ (Giao Chỉ bộ, Giao Châu hay An Nam phủ). Chính vì niềm tự hào đó mà những Hoa kiều này không muốn bị đồng hóa với các dân tộc bản địa thấp kém hơn. Cũng chính vì không muốn bị đồng hóa với bản thể Trung Hoa mà các quốc gia thuộc văn minh Trung Hoa đã sáng chế ra chữ viết riêng mặc dù vẫn lấy Hán tự làm căn bản. Nhật Bản, Triều Tiên,Việt Nam là những quốc gia thuộc ảnh hưởng của văn minh văn hóa Trung Hoa nhưng không muốn sử dụng chữ viết Trung Hoa.

Trong thực tế có rất nhiều người Hoa, ân sâu nghĩa nặng với các triều chính Việt Nam, quan niệm rằng Việt Nam là một quốc gia có chung nền văn hóa với Trung Hoa, khi hội nhập vào xã hội Việt Nam đó cũng chỉ là một hình thức hội nhập vào chính xã hội Trung Hoa. Vấn đề đặt ra là xã hội đó có chấp nhận cho người Hoa hội nhập bình thường vào đời sống hay không. Nhật Bản, Đại Hàn và Việt Nam, mặc dù có chung nền văn minh và văn hóa với Trung Hoa, nhưng vì có nhiều kinh nghiệm không hay với Trung Hoa đã không tạo nhiều điều kiện để cộng đồng người Hoa phát triển.

Dưới thời nhà Nguyễn, Hoa kiều nhà Thanh bị chỉ định cư trú và chịu nhiều khoản thuế đặc biệt. Đến thời Pháp thuộc số phận người Hoa có phần cải tiến nhưng vẫn không có một chính sách hội nhập bình thường, người Hoa là Hoa kiều. Sau đó vì những lý do kinh tế, chính trị dưới thời đệ nhất Cộng Hòa và chế độ cộng sản, người Hoa là đối tượng bị phân biệt đối xử. Nhưng tại nhiều quốc gia khác trong vùng như Kampuchea, Malaysia và Thái Lan (các quốc gia này chịu ảnh hưởng của nền văn minh, văn hóa Ấn Độ), người Hoa di tản gặp nhiều dễ dàng trong đời sống và trong kinh doanh. Khi ổn định được cuộc sống, họ tham gia sinh hoạt thương mại và làm phát triển luôn nền kinh tế địa phương (thường rất yếu kém). Có nơi cộng đồng người Hoa lập thành một quốc gia như Đài Loan, Hồng Kông, Singapore.

Những nghi kỵ, dè dặt chẳng qua là những biện pháp đề phòng, vì thật ra cả hai dân tộc, Hoa và Việt, trong thâm tâm bên nào cũng muốn đồng hóa bên kia. Dưới thời Bắc thuộc người Hoa nhà Hán, sau đó là nhà Minh, bộc lộ ý đồ muốn đồng hóa dân Việt bằng cách xóa bỏ mọi căn bản tổ chức xã hội từ phong tục, ngôn ngữ đến nghi lễ thờ phượng để áp đặt văn minh, văn hóa, phong tục tập quán Trung Hoa. Ngược lại, người Hoa di cư trước thế kỷ thứ 17 tại miền Bắc không có điều kiện để phát triển đã phần nào tan biến vào xã hội Việt Nam, một số khác sống riêng lẽ trong những khu vực riêng biệt (Quảng Ninh, Hải Phòng và Hà Nội) và vẫn giữ quan hệ chặt chẽ với mẫu quốc. Khi có biến động hay gặp khó khăn, những người này sẵn sàng trở về quê cha đất tổ. Người Hoa đi theo Trần Thượng Xuyên và Mạc Cửu, vì ơn vì nghĩa quyết định chọn miền Nam làm quê hương thứ hai, đã hội nhập hoàn toàn vào xã hội Việt Nam, họ là người Việt Nam. Nhiều nhân vật đã để lại tên tuổi trong văn học và lịch sử Việt Nam , đã bảo vệ và xây dựng đất nước, tranh thủ được nhiều cảm tình của quần chúng (xem Phụ lục 2). Con cháu của họ sau này sinh hoạt tự do về chính trị và kinh tế, nắm những địa vị cao trong triều đình, bản thể Trung Hoa vẫn được gìn giữ nguyên vẹn.

Nhiều người Việt Nam thường lầm tưởng người Hoa kỳ thị, không muốn giao thiệp với dân bản xứ. Thật ra họ biết rất rõ khi lập gia đình với các dân tộc địa phương họ sẽ không còn giữ nổi bản thể. Giữ gìn bản thể đối với người Hoa quí báu như giữ gìn một gia tài, mất gia tài đó người Hoa sẽ không còn là người Hoa nữa. Bản thể Trung Hoa là tài sản tinh thần cuối cùng khi rời bỏ quê cha đất tổ sống kiếp ly hương, do đó một số gia đình quyền quý, giàu có khuyến cáo con em họ không nên có những cuộc hôn nhân dị chủng. Cũng có một số gia đình Trung Hoa, còn giữ tinh thần gia tộc cực đoan, cho rằng hội nhập vào xã hội Việt Nam là không vinh quang vì Việt Nam là một dân tộc thấp kém đã từng bị Trung Hoa đô hộ cả ngàn năm. Trong những gia tộc lớn, trưởng nam phải làm gương cho em út, phải lấy người đồng chủng. Thiếu nữ gốc Hoa cũng được khuyến cáo chỉ nên lấy người chồng Hoa nếu không sẽ bị mất gốc, mất họ. Có nhiều trường hợp thiếu nữ gốc Hoa cãi lệnh cha mẹ lấy trai Việt bị cả gia đình, bang hội đồng tộc từ bỏ.

Bản thể Trung Hoa được nung nấu cho trẻ em từ khi vừa chào đời. Các bậc trưởng thượng (cha mẹ, phụ huynh, thân hào, nhân sĩ) dùng tiếng Hoa để dạy con cái trong các điệu ru, khi tập nói, lúc tập viết. Trong gia đình người Hoa, nhiều thế hệ sống chung dưới một mái nhà, sự dạy dỗ trẻ em càng thêm chặt chẽ từ cách suy nghĩ đến lối cư xử. Khi lớn lên trẻ em được hướng dẫn tham gia sinh hoạt trong các hội đoàn, bang hội để khóa chặt vòng đai đồng tộc: chỉ kết giao thân mật với những người trong cùng tổ chức, theo châm ngôn “Tiên vi tộc, hậu vi sơ” (gia tộc trước nhất, kế mới đến người ngoài).

Bản thể Trung Hoa được gắn liền với truyền thống Nho giáo. Nho giáo là nền tảng căn bản giáo dục Trung Hoa, theo đó mỗi người đều có một bổn phận phải thi hành : con phải sống theo đúng đạo làm con, cha mẹ phải sống đúng cương vị làm cha làm mẹ, gia trưởng phải xử sự đúng theo vai trò gia trưởng, bang chúng cư xử đúng cương vị bang chúng. Đối với cộng đồng người Hoa, bổn phận của mỗi thành viên là phát huy bản thể Trung Hoa, hay đúng hơn tôn ti trật tự Nho giáo kiểu Trung Hoa. Nho giáo là bản thể tinh thần của cộng đồng người Hoa ly hương phải gìn giữ.

Thêm vào đó, triết lý Nho giáo luôn đề cao những gương Hiếu Để, Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín, triết lý này được truyền tụng từ đời này sang đời nọ đã trở thành một đặc tính: truyền thống bảo vệ văn hóa Trung Hoa. Một người muốn trở thành lãnh tụ, muốn được mọi người quí trọng phải thể hiện truyền thống này trong cuộc sống: bảo vệ bản thể Trung Hoa.

Giữ gìn bản thể là một hình thức chứng tỏ sự trung thành đối với tổ tiên. Trung thành với tổ tiên, các đấng sinh thành là trung thành với nền văn hóa đã hấp thụ, do đó giữ gìn bản thể là duy trì niềm tự hào trong mỗi người Hoa. Giữ gìn bản thể cũng là một hình thức để nhận diện lẫn nhau nơi đất khách quê người. Là người Hoa tức phải để lộ bản thể Trung Hoa ra ngoài đời sống : nói đọc được chữ Hán, duy trì văn hóa Trung Hoa và phải sinh hoạt trong khuôn khổ của các bang hội Trung Hoa.

Nhưng trong cuộc sống, điều kiện sinh hoạt xã hội không diễn tiến đúng theo ý của những người có trách nhiệm. Những gia đình gốc Hoa đã sống chung chạ với người Việt, trẻ em gốc Hoa khi học chung với trẻ Việt, không nhiều thì ít mất dần bản thể. Đàn ông Hoa khi lấy vợ Việt, vài thế hệ sau con cháu không còn giữ gìn bản thể Trung Hoa Chỉ những nơi tập trung đông đảo người Hoa kiểu ốc đảo (oasis) nơi đó còn duy trì được truyền thống sinh hoạt cổ truyền. Tại Chợ Lớn, người Hoa còn giữ một vài sắc thái sinh hoạt của nếp sống cổ truyền Trung Hoa trong các quan hệ xã hội, nhất là trong các nghi thức về hôn nhân, tang chế.

Bản thể Trung Hoa đôi khi trùng lặp với bản thể Việt Nam. Văn hóa và tập quán của hai dân tộc không có nhiều khác biệt : các dịp lễ lạc (tết Nguyên Đán, tết Trung Thu, Vu Lan…) người Việt và người Hoa cử hành lễ giống nhau. Tại nhiều nơi dân chúng thường tổ chức những lễ lạc chung như lễ khánh thành các cơ sở hay phương tiện kinh doanh, lễ tất niên, lễ tân niên v.v… Những chùa, đền miếu của người Hoa được rất đông tín đồ Việt Nam đến chiêm bái, cầu tự, nhất là vào những dịp rằm hay lễ lớn. Phật Bà Quan êm, Thánh Mẫu, Quan Công (Quan Vân Trường) là những bậc thánh mà các tín đồ Việt-Hoa cùng thờ phượng. Các tuồng hát cổ (Hồ Quảng, Hát Bội…) được rất đông dân chúng Việt Nam ưa chuộng, ngược lại nhiều điệu nhạc Vọng Cổ hay Tân Nhạc cũng được rất nhiều người Hoa ưa thích. Làng tân nhạc Việt Nam có nhiều nghệ sĩ gốc Hoa tài danh (La Hối, Kim Anh). Về tín ngưỡng, Phật giáo đại thừa, đạo Nho, đạo Lão là đạo chung của rất đông tín đồ Việt và Hoa. Thờ cúng Ông Bà, Thần Tài là phong tục của rất đông người Việt và Hoa.

Về mặt xã hội, tâm lý lo sợ mất bản thể nói lên nỗi lo âu bị lạc loài, bị bỏ rơi nơi đất khách quê người, nhất là tại những quốc gia có nền văn minh tiến bộ và phát triển hơn (Tây phương). Tại những quốc gia châu Á khác, gìn giữ bản thể là gìn giữ sự đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau. Những bậc trưởng thượng – trước kia là giai cấp quyền quí, sĩ phu không chuyên việc đồng án, thủ công, hay là thành phần binh lính, nông dân – lo âu tuổi già không nơi nương tựa thường dạy con cháu phải thương yêu đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau phòng khi sa cơ thất thế. Nhiều thế hệ phải sống chung với nhau trong một mái nhà để tìm sự bao che, sự đùm bọc.

Gần đây, cộng đồng người Việt hải ngoại cũng để lộ ra nhiều dấu hiệu gìn giữ bản thể Việt Nam giống người Hoa, nhưng vì thiếu yếu tố là một dân tộc lớn và chưa có nhiều kinh nghiệm ly hương, vấn đề gìn giữ bản thể gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó triết lý Nho giáo không phải là những giá trị tuyệt đối của một số gia đình Việt Nam, bản thể Việt Nam được thể hiện theo cách riêng của từng gia đình. Chỉ những gia đình Việt Nam đã từng có kinh nghiệm ly hương đều có truyền thống giữ gìn bản thể như người Hoa, đặc biệt là cộng đồng Việt Nam tại Lào và Kampuchea.

B. Truyền thống tương thân tương trợ cao

Sau nhiều thế hệ ly hương, cộng đồng người Hoa ngày nay được biết đến như là một cộng đồng của sự đoàn kết, của tinh thần tương thân tương trợ. Sự đoàn kết của người Hoa có thể làm trường hợp mẫu cho những cộng đồng ly hương khác noi theo.

Thứ nhất, tinh thần tương thân tương trợ thể hiện qua lối sống tập trung kiểu làng xã. Nhất cử nhất động của mỗi gia đình, mỗi người trong khu phố được tất cả hàng xóm, láng giềng hay biết. Mỗi tập hợp dân cư đều có một người đại diện hay một bang hội riêng để quản trị tất cả những công việc có liên quan đến cộng đồng đó.

Những người thành công giàu có, hay có kiến thức, đều được mọi người quí trọng và cầu cạnh xin giúp đỡ. Những người yếu kém được sự giúp đỡ của gia đình, bà con, hàng xóm láng giềng hay của bang hội trực thuộc. Sự giúp đỡ cũng rất đặc biệt, ban đầu là ủng hộ tinh thần sau là cho vay những món tiền nhỏ để thoát khỏi cảnh sống khó khăn. Về sau nữa, nếu người vay mượn có khả năng vượt qua, bang hội chủ quản hay những người giàu có khác cho vay những món tiền lớn hơn để khuếch trương thêm công việc kinh doanh. Công việc kinh doanh của mỗi người được cả cộng đồng liên thuộc quan sát và theo dõi rất kỹ để tiếp tay khi cần.

Những nơi đông dân cư gốc Hoa cư ngụ, các bang hội xây cất những đình làng, nhà hội để mọi người có nơi họp mặt và sinh hoạt. Trong những công viên người già thường đến để hàn huyên hay luyện tập thể dục. Thanh thiếu niên sinh hoạt trong những lớp học Hoa ngữ, lớp võ thuật, các đội múa hát, văn nghệ, thể thao. Người trưởng thành thường họp mặt tại những tửu lầu của đồng hương để ủng hộ và khi có biến chuyển quan trọng họ được triệu tập đông đủ để lấy một thái độ hay một quyết định chung. Thông thường người lớn chỉ cần gặp nhau tại các quán ăn để tán gẩu, thoả thuận giá cả hay chỉ vẻ cho nhau những cơ hội làm ăn. Mỗi lần có dịp đình đám, kyï giổ, những gia đình gốc Hoa cố gắng phô trương khả năng tài chánh của mình qua cách chi tiêu trong các nhà hàng, thuê bao những đoàn ca múa nhạc có tiếng để được đồng hương nhắc đến.

Quan hệ trao đổi kinh tế của người Hoa trước hết trông cậy vào chính cộng đồng của họ. Người Hoa mua bán trước tiên giữa họ nhau, sau mới đến người ngoài. Vòng đai kinh tế của họ có mục đích bảo vệ và tương trợ lẫn nhau do đó rất khép kín. Người ta thường chú ý tới mặt nổi những hoạt động kinh doanh của người gốc Hoa nhưng ít ai để ý đến mặt chìm của những cố gắng của họ.

Trong đời sống gia đình, người Hoa rất tằn tiện kể cả những gia đình giàu có. Cách phối trí trong mỗi gia đình bình dân gốc Hoa rất bề bộn, chật vật và tối tăm. Họ không thích khoe tiền của, ham chưng diện nhưng khi cần họ có thể chi tiêu rất hào phóng để lo cho cộng đồng hay cho công việc kinh doanh. Chỉ họ với nhau mới biết ai là người có tiền của hay nghèo khó, nhìn thoáng qua bề ngoài khó có thể quyết đoán ai là người có đời sống thực sự sung túc.

Những chi tiêu có tính phô trương thường nhằm dễ dàng hóa công việc làm ăn hay tranh thủ lòng nể phục và kính yêu của bang chúng. Những nhân vật giàu có thường làm việc nghĩa cho chính bang ngữ phương của họ như xây trường học, cất đình, lập chùa, xây bệnh viện, cô nhi viện, nghĩa trang… để lấy tiếng thơm. Sự tiêu xài của họ cũng có mục đích tương trợ lẫn nhau : chi tiêu của người này sẽ làm tăng doanh thu của người khác, số tiền thu về sau đó được chi tiêu cho những nhu cầu khác như mua sản phẩm của đồng hương khác sản xuất ra. Vòng đai chi tiêu của người Hoa rất khép kín, tiền của người Hoa này bỏ ra, người Hoa khác thu vào, nói chung đồng tiền chỉ luân chuyển quanh quẩn trong cộng đồng người Hoa với nhau.

Thứ hai là ước muốn bảo vệ truyền thống cá biệt của từng địa phương xuất thân. Không cộng đồng người Hoa nào chịu thua kém cộng đồng người Hoa nào. Bang Quảng Châu không chịu lép vế bang Phúc Kiến, bang Hạ Phương không chịu nhường bang Triều Châu. Mỗi bang đều có niềm tự hào riêng và mọi người trong bang đều cố gắng gìn giữ, phát huy niềm tự hào đó.

Chính nhờ tinh thần ganh đua đó, mỗi bang ngữ phương không ngừng cải tiến phương thức quản trị nội bộ, tạo điều kiện để cho bang của mình phát triển mạnh hơn. Tinh thần ganh đua đôi khi dẫn đến nạn bè phái, bang chúng trở thành con tin của mỗi bang (người Triều Châu chỉ đi khám bệnh tại những bệnh viện Triều Châu, người Phúc Kiến chỉ đi chùa Phúc Kiến…). Nhưng trong mua bán họ không bao giờ hãm hại lẫn nhau, nếu có tranh chấp, các bang trưởng họp nhau dàn xếp ổn thỏa để không ai bị thiệt thòi hay mất mát. Người Hoa rất đoàn kết khi bảo vệ nguồn lợi kinh tế hay đời sống của tập thể. Sống khép kín, co cụm cũng là một hình thức phản kháng chính trị để tránh sự hội nhập.

Mỗi bang hội xây cất những đình, chùa, trường học, bệnh viện, võ đường, lập các đội lân, dàn nhạc đình đám riêng, tranh tiếng tăm với các bang hội khác. Khi hữu sự họ không ngần ngại làm cho sinh hoạt của bang hội của họ nổi bật hẳn lên : các lớp học có đông học sinh, đãi cơm chùa thật ngon, ban nhạc chơi thật ồn ào, mời những võ sư danh tiếng đến dạy võ thuật hay biểu diễn, tổ chức các đội múa lân thật độc đáo v.v… để mọi người hãnh diện về bang của mình.

Thứ ba, do phải chung đụng hằng ngày với những cộng đồng dân tộc bản xứ, tinh thần tương thân tương trợ thể hiện sự phản kháng thụ động trước các sức ép của xã hội địa phương. Sự phản kháng thụ động của người Hoa là tinh thần đoàn kết và cách sử dụng đồng tiền.

Đoàn kết để sinh tồn, để bảo vệ sắc thái sinh hoạt, bảo vệ niềm tự hào của một dân tộc lớn. Biết chắc không thể giữ những vai trò quan trọng trong sinh hoạt chính trị tại các quốc gia định cư, vì là thiểu số, cộng đồng người Hoa chuyên chú vào dịch vụ thương mại, một lãnh vực mà các quốc gia địa phương rất cần nhưng yếu kém. Chính quyền của các quốc gia địa phương rất muốn loại trừ thế lực kinh tế của người Hoa, nhưng không thể một sớm một chiều loại hẳn ra khỏi địa bàn sinh hoạt quốc gia. Các công ty Hoa kiều biết rất rõ điều này nên thường tập trung đầu tư vào những ngành nghề nào có khả năng thu lợi nhanh mà không phải bỏ nhiều vốn.

Sức mạnh kinh tế của người Hoa là sự sung túc, sự giàu có. Đối với họ có tiền là có tất cả, không cần phải tham chính mới có. Để bảo vệ tiềm năng và sức mạnh kinh tế, cộng đồng người Hoa rất khép kín trong việc phổ biến những kỹ thuật cũng như mánh lới nghề nghiệp. Tất cả bí mật nghề nghiệp của người Hoa tập trung vào cách sử dụng đồng tiền. Kiếm tiền ai cũng có thể kiếm được, nhưng sử dụng như thế nào chỉ những người bản lãnh mới chủ động được. Một người Hoa thành công là người nắm vững kỹ thuật sử dụng đồng tiền.

Bên cạnh hai yếu tố đó, người Hoa còn nổi tiếng về bảo vệ bí mật nhà nghề. Những bí mật nghề nghiệp, đúng hơn là những kỹ thuật gia truyền, chỉ truyền dạy cho phái nam, nhất là con trai trưởng. Trưởng nam trong gia đình có nhiệm vụ gìn giữ, bảo vệ bí quyết gia truyền và chỉ truyền lại cho con trai và dòng dõi. Anh em trai trong gia đình có nhiệm vụ tương thân, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau để duy trì thế lực của gia tộc. Những người thành công trong gia đình phải giúp cho thân nhân, bà con thân thuộc trước tiên, kế mới đến người ngoài.

Trên qui mô lớn hơn, bảo vệ bí mật nghề nghiệp là bảo vệ độc quyền. Người Hoa có thể rất hiền hòa, vui vẻ với mọi người trong giao tế hằng ngày nhưng khi quyền lợi bị đụng chạm họ sẽ phản ứng rất phủ phàng để tự bảo vệ và sẽ vận dụng mọi khả năng để bảo vệ độc quyền đó. Hợp pháp họ có thể sẽ huy động những số vốn lớn hơn vay mượn của đồng hương, bất hợp pháp họ sẽ mua chuộc, đút lót những viên chức có thẩm quyền để giữ độc quyền.

Người phụ nữ trong gia đình Trung Hoa chỉ giữ vai trò phụ thuộc, nhất là đối với những gia đình còn nặng óc phong kiến Nho giáo. Người phụ nữ ngoài chuyện sinh con đẻ cái, làm bếp núc còn có nhiệm vụ phụ giúp chồng, con trai và anh em trai của cha, của chồng trong việc làm ăn. Có nhiều trường hợp khi chồng là con trai trưởng mất sớm, người vợ phải lấy em chồng để bảo tồn nòi giống và sản nghiệp. Tuy nhiên cũng có nhiều phụ nử đã tỏ ra rất quáng xuyến trong việc kinh doanh của chồng con như trường hợp bà Trần Thị, vợ của Tổng đốc Đỗ Hữu Phương, người được xếp hạng giàu có thứ nhì thời Pháp thuộc (nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Ích).

Thứ tư là bao che, tuy là một yếu tố tiêu cực nhưng là một biểu hiện của tinh thần tương thân tương trợ. Người gốc Hoa ý thức rất rõ thân phận tại quốc gia địa phương, do đó sẵn sàng chia sẻ với nhau những vinh nhục của kiếp sống ly hương. Cho dù là người Quảng Đông, Triều Châu hay Phúc Kiến, họ đều bênh vực lẫn nhau mỗi khi hữu sự. Người Hoa quan niệm khi một người Triều Châu hay Quảng Đông mang tiếng xấu, cả cộng đồng người Hoa mang tiếng xấu theo, do đó họ rất cẩn trọng trong việc giao tiếp với các cộng đồng bản xứ.

Người Hoa cũng có nhiều thói hư, tật xấu như bao sắc dân khác nhưng những sự xấu xa này ít khi tiết lộ ra ngoài, những tranh chấp nội tộc, gia đình đều được giải quyết “kín đáo”. Đây là bí ẩn của người Hoa mà rất nhiều chính quyền địa phương muốn biết nhưng không thể biết. Giữa người Hoa với nhau, những thu xếp và thanh toán nội bộ chỉ người liên hệ trực tiếp mới rõ, nhiều khi cả gia đình hay bà con thân thuộc không hay biết, và sẽ không ai biết gì cả khi người ngoài muốn tìm hiểu. Một số “hội kín” đã tỏ ra rất tàn bạo đối với những hội viên làm sai lời cam kết. Cách giải quyết những tranh chấp nội bộ của các bang hội làm nhiều người liên tưởng tới các nhóm mafia : nội bộ rất khắt khe, bên ngoài rất nhũn nhặn.

Quốc Dân Đảng Trung Hoa đã tỏ ra rất hữu hiệu khi vận dụng Hoa kiều hải ngoại góp tiền về giúp nước. Những ai chống đối thường bị xử kín (thủ tiêu hay làm tan gia bại sản) bởi những hội kín qua những hình thức tai nạn có vẻ bình thường như đụng xe, đứt gân máu, nghẽn mạch tim, trúng thực hay làm ăn thua lỗ phải tự vẫn.

Tố cáo đồng hương là một hành vi đồi bại khó được các hội kín và đồng hương tha thứ. Những bất đồng nội bộ nếu có, bang chúng trình bày rõ mọi chi tiết cho bang trưởng và người này trực tiếp giải quyết giữa hai bang chúng, hay tiếp xúc với bang trưởng có liên quan nếu là sự tranh chấp giữa bang chúng của hai bang. Điều này vừa là ưu điểm và cũng là khuyết điểm của họ. Ưu điểm vì ít khi người ngoài thấy được những bất đồng hay bí mật nội bộ. Khuyết điểm vì không hiểu rõ sinh hoạt của cộng đồng người Hoa, người bản xứ xem họ như những người xa lạ, không sẵn sàng thông cảm mỗi khi có biến động bất lợi cho họ.

Các chính quyền bản xứ gặp rất nhiều khó khăn trong việc xét duyệt thương vụ của cộng đồng người Hoa. Sổ sách kinh doanh của họ không bao giờ rõ ràng, và khi khai thuế họ có đủ mánh lới lòn lách để chịu phần nhẹ nhất. Nhân viên gốc Hoa thường không biết hoặc không muốn nói rõ những hoạt động của chủ nhân, nhờ đó họ trở thành người thân tín của chủ nhân. Một hình thức rất phổ biến khác là khi công ty, xí nghiệp hay cơ sở kinh doanh sắp hết hạn được miễn thuế trong thời gian đầu, các chủ cơ sở kinh doanh thường sang nhượng cho thân nhân hay tuyên bố khánh tận để tránh thuế. Những công ty lớn luôn có một đội ngũ kế toán, thu ngân viên thân tín, nắm vững luật lệ về tài chánh và thuế khóa để bao che và bảo vệ quyền lợi cho chủ nhân.

Thái độ tiêu cực này đã khiến một số người Hoa có tiền ỷ lại vào sức lôi cuốn của đồng tiền và tỏ ra thờ ơ trước những nỗi đau hay ưu tư của phần còn lại của quốc gia địa phương. Trong thời kỳ chiến tranh, một số không ít thanh niên gốc Hoa tìm cách trốn lánh thi hành nghĩa vụ công dân, họ từ chối tham gia vào quân đội để bảo vệ phần đất mà gia đình họ đang được yên ổn sinh sống. Nhiều khu vực đông dân cư gốc Hoa trước kia là những an toàn khu của sự làm ăn phi pháp, trốn quân dịch, chứa chấp những cán bộ cộng sản nằm vùng.

Dân chúng bao che tất cả các hoạt động bất chính vì sợ báo thù hay mang tiếng phản bội. Tâm lý người Hoa có thể là không xen vào công việc của người khác, nhưng sự im lặng của họ chứng tỏ mạng lưới khủng bố tinh thần rất hiệu lực. Khủng bố đầu tiên là sợ bị đồng hương khinh rẻ.

Thứ năm, tinh thần tương trợ được duy trì bền chặt cũng nhờ sự điều động khéo léo của các bang hội. Bang trưởng là một người giàu có, nhiều uy tín hay đức độ cao được bang chúng trong khu vực mặc nhiên công nhận hay được đề cử giữa những vị trưởng thượng với nhau. Thường thì những vị trưởng gia tộc lớn hay chủ kinh doanh giàu có được những Hoa trong bang bầu lên giữ chức vị bang trưởng. Bang trưởng hành xử như một chủ gia, chăm sóc cộng đồng dưới tay như chăm sóc con cái trong nhà, bang chúng nghe lời bang trưởng một cách tuyệt đối.

Bang trưởng có nhiệm vụ giúp đỡ công ăn việc làm, kêu gọi vốn, hòa giải những mối bất đồng nội bộ và khuyến khích bang chúng yêu thương đùm bọc lẫn nhau (“lá lành đùm lá rách”) và rất khắt khe với những kẻ đi sai đường lạc lối. Bang trưởng còn có nhiệm vụ bênh vực bang chúng trước những áp lực hay cạnh tranh của những người khác. Bang trưởng thường xuất tiền riêng để xây cất những cơ sở vật chất có tính lợi ích tập thể như trường học, bệnh viện, chùa chiền, cô nhi viện, nghĩa trang, cấp học bổng cho những học sinh nghèo, tổ chức những hội chợ từ thiện hay giúp vốn cho những người có chí làm ăn đang gặp khó khăn v.v…

Có nhiều trường hợp một bang chúng không nghe lời gia đình nhưng khi được bang trưởng khuyến cáo, chỉ dạy người đó chấp hành ngay. Hình phạt nặng nhất của lối sống bang hội là bị khai trừ ra khỏi cộng đồng, sự gắn bó do đó chỉ càng thắt chặt. Tinh thần kỷ luật và ý thức tôn ti trật tự rất được tôn trọng trong mỗi bang, ai giữ vững nguyên tắc này ắt được sự tin tưởng và giúp đỡ của người khác. Nếu vị bang trưởng khu vực bất đồng ý kiến với ai thì cả cộng đồng đó bất đồng ý kiến theo. Tranh thủ sự hợp tác của bang trưởng khu vực là điều cần thiết khi muốn kêu gọi sự ủng hộ của tập thể cộng đồng người Hoa.

Thứ sáu, tinh thần tương thân tương trợ thể hiện tính đa quốc. Tinh thần này chỉ bắt đầu có khi những gia đình người Hoa giàu có ra đi khỏi nước. Ban đầu các sinh hoạt thương mại chỉ mang tính địa phương, khi phát triển nó vượt không gian địa phương sang các cộng đồng người Hoa tại những nước khác để sau đó kết hợp thành những tập đoàn kinh tế tài chánh lớn. Tại Đông Nam Á, nhất là tại ASEAN, người Hoa hải ngoại liên kết chặt chẽ với nhau trong tất cả mọi lãnh vực : văn hóa, xã hội, chính trị và kinh tế. Khi có một biến động liên quan đến một cộng đồng người Hoa địa phương nào đó trên thế giới, cả thế giới người Hoa lên tiếng bênh vực.

Để hỗ trợ lẫn nhau trên khắp nơi trên thế giới, cộng đồng người Hoa hải ngoại dành nhiều dễ dãi và nâng đỡ lẫn nhau trong việc kinh doanh. Sản phẩm của người Hoa xứ này được chấp nhận dễ dàng tại xứ kia. Các nhóm tài phiệt Hoa kiều liên quốc tận tình chỉ bảo cho nhau lãnh vực nào nên khai thác, lãnh vực nào nên thôi, phương tiện sản xuất nào nên bỏ, cần trang bị loại máy móc nào nhằm gia tăng hiệu quả kinh tế và luôn giữ địa vị dẫn đầu. Khi có cạnh tranh giữa hai nhóm kinh doanh người Hoa, những người có trách nhiệm tìm cách dàn xếp ổn thỏa mọi bất đồng để không ai bị thiệt thòi. Nguyên tắc của những nhà kinh doanh người Hoa là mỗi người một chợ, không ai được quyền xâm phạm đất sống của nhau. Trường hợp bang hội đã xử mà người trong cuộc vẫn tiếp tục vi phạm lời cam kết, cộng đồng người Hoa địa phương làm áp lực tẩy chay, và người đó khó có hy vọng trông cậy vào sự hỗ trợ của chính cộng đồng cuœa mình.

Bang đồng hương địa phương tận tình giúp đỡ bang đồng hương hải ngoại đầu tư tại quốc gia cư ngụ. Người Hoa địa phương cố vấn, chỉ vẻ cho các tập đoàn kinh doanh Hoa kiều quốc tế về phong tục, tập quán và luật pháp nơi cư ngụ. Những tin tức bí mật liên quan đến tình hình chính trị, kinh tế tài chánh tại mỗi quốc gia chỉ người trong bang mới được biết. Doanh nhân Hoa kiều luôn có những chấn chỉnh kịp thời để thích nghi với sự biến động liên tục của thị trường quốc tế qua trung gian các bang hội địa phương. Hệ thống thông tin liên lạc của người Hoa rất hữu hiệu và họ có nhiều phương tiện để hiện đại hóa hệ thống thông tin, nhất là thông tin về sinh hoạt kinh tế của các “quốc gia-thị trường” của họ. Quốc Dân Đảng Đài Loan xây dựng một mạng lưới kinh tế tài chánh to lớn và hùng mạnh nhất Đông Nam Á để bảo vệ quyền lợi kinh tế của cộng đồng người Hoa trong vùng.

Vai trò của các bang hội liên quốc rất quan trọng. Bang trưởng là người có uy tín, đại diện cho một sinh hoạt kinh doanh lớn của cộng đồng, thường là một người đứng đầu một ngân hàng lớn hay một tập đoàn kinh doanh lớn, có khả năng vận dụng nguồn nhân lực và tài chánh cao. Bang trưởng bang liên quốc đại diện các bang địa phương trong các cuộc thương nghị quốc tế hay khu vực về khả năng đầu tư và bảo vệ đời sống cư dân gốc Hoa. Đây là bộ phận đầu não lãnh đạo giới tài phiệt Hoa kiều hải ngoại thuộc hệ thống tư nhân, bên cạnh đó là hệ thống tài phiệt Quốc Dân Đảng của Đài Loan cũng rất hùng mạnh, chi phối luôn các bang trưởng liên quốc. Tại Đông Nam Á, không một vận động đầu tư lớn nào không có sự tham dự của ngân hàng China Trade? Development Corporation (Quốc Dân Đảng), ngân hàng OCBC (Overseas Chinese Banking Corporation), UOB (United Overseas Bank), AIC Development và các Liên Phòng Thương Mại ASEAN. Chủ tịch các tổ chức kinh tế tài chánh này thường là bang trưởng các bang ngữ phương, chủ tịch của các ngành từ nhiều quốc gia họp lại thường là bang trưởng bang ngữ phương liên quốc.

Doanh nhân Việt kiều đồn rằng khi nào thấy người Hoa di tản về lại Việt Nam làm ăn, người Việt có thể theo họ mà về. Người Hoa chỉ chịu bỏ vốn làm ăn khi biết chắc lợi tức thu về sẽ cao hơn số vốn bỏ ra. Tại hải ngoại nơi nào tập trung đông sinh hoạt của người Hoa nơi đó có phát triển. Sự nhạy bén doanh lợi của người Hoa cho thấy họ nắm rất vững tương lai kinh tế trong từng quốc gia hay từng địa phương. Tại châu Âu, Bắc Mỹ hay Úc Đại Lợi, người Hoa chỉ tập trung vào những khu vựcđịa dư có tiềm năng phát triển cao.

Trung Quốc và Đài Loan tuy là hai thể chế chính trị khác nhau, nhưng khi bênh vực cho quyền lợi của Hoa kiều họ là một. Khi người Hoa tại một nơi nào đó bị bách hại, cả hai quốc gia Trung Hoa này và toàn thể cộng đồng người Hoa hải ngoại lên tiếng bênh vực và bảo vệ. Có khi cộng đồng người Hoa hải ngoại tập trung làm áp lực kinh tế với quốc gia ngược đãi đồng hương của họ. Về kinh tế tài chánh, hai quốc gia Trung Hoa không ngừng yểm trợ và cố vấn thương gia Hoa kiều, qua trung gian các chuyên viên kinh tế của chính quyền, nhất là qua các định chế lớn của quốc gia : toà đại sứ, lãnh sự quán, hệ thống ngân hàng, văn phòng thương mại, ủy ban chuyên ngành.

C. Gắn bó với cộng đồng của họ hơn với các chính quyền quốc gia địa phương

Sự khôn ngoan của các lãnh tụ cộng đồng người Hoa khi di cư vào những vùng đất mới là không đe dọa chiếm đoạt đất đai hay đồng hóa các dân tộc địa phương, mặc dầu đời sống của các dân tộc địa phương còn quá lạc hậu. Người Hoa di cư được các dân tộc bản địa quí trọng vì không bị áp đặt văn hóa hay tín ngưỡng của thế giới Trung Hoa. Người Hoa không tìm cách đả phá, bài xích hay biểu lộ tham vọng chính trị đe dọa chỗ đứng của các lãnh tụ địa phương, do đó họ được tự do sinh hoạt kinh tế , cung cấp hàng hóa cho cư dân bản địa. Người Hoa có thể chất, lối sống, tín ngưỡng, phong tục tập quán gần giống với các dân tộc địa phương nên sự hiện diện của họ dễ dàng được chấp nhận hơn so với người Tây phương trong cùng thời kỳ. Thật ra chính vì cách sử dụng đồng tiền một cách rộng rãi của người Hoa mà họ dễ dàng chiếm được cảm tình của các dân t-ôc nơi cư ngụ. Tại nhiều nơi, người Hoa còn hợp tác với người địa phương chống lại sự xâm lấn của quân đội viễn chinh Tây phương.

Sự có mặt của người Tây phương tại Đông Nam Á trái ngược hẳn. Tây phương dùng sức mạnh quân sự để chiếm đoạt đất đai, tài sản và nô lệ hóa con người. Khi chiếm đoạt xong, họ áp đặt văn hóa Tây phương lên các dân tộc địa phương, chính vì thế mà Tây phương mặc dầu có xây dựng cơ sở hạ tầng, khai hóa trí thức nhưng họ vẫn bị dân cư địa phương chống đối vì sinh hoạt văn hóa cổ truyền bị đe đọa và nhất là vì mất độc lập. Tây phương cũng không đào tạo những nhà lãnh đạo hay chuyên viên kỹ thuật người bản xứ có tầm vóc vì sợ mất vai trò lãnh đạo.

Sự có mặt của các giáo sĩ Thiên chúa giáo lúc ban đầu tại một vài nơi được dân cư địa phương chấp nhận và mến chuộng. Các giáo sĩ truyền dạy cho người bản xứ những kỹ thuật mới về sản xuất, về phương thức tổ chức xã hội nhưng vì không cùng trình độ văn hóa, sự hấp thụ không được bao nhiêu. Hơn nữa tôn giáo của Tây phương không phù hợp với tín ngưỡng sẵn có của người bản xứ nên sự hợp tác cũng không cao.

Những người Hoa đầu tiên đến định cư Việt Nam là những người tị nạn chính trị, họ trốn chạy những chế độ khắt khe cai trị đất nước của họ (nhà Nguyên, nhà Thanh, chế độ cộng sản). Việt Nam có ưu điểm là có cùng phong tục, tập quán, văn hóa, tôn giáo và nếp sống gần với thế giới Trung Hoa nên người Hoa di cư ít cảm thấy bị xa lạ. Thêm vào đó dân tộc Việt Nam là một dân tộc hiếu hòa và hiếu khách, người Hoa hòa nhập vào cuộc sống khá dễ dàng. Đa số dân chúng gốc Hoa cũng hiếu hòa, họ lấy tinh thần “dĩ hòa vi quí” làm phương châm sống. Cộng đồng người Hoa chỉ muốn được đối xử công bằng và được sống yên ổn với dân cư địa phương. Nhưng vì những hành động xâm lược của đế quốc Trung Hoa trong quá khứ, các chính quyền Việt Nam luôn e dè sự lớn mạnh của cộng đồng này. Cứ mỗi lần cộng đồng người Hoa lớn mạnh lên (về kinh tế), các chính quyền Việt Nam luôn có những biện pháp chính trị để hạn chế thế lực của họ.

Cộng đồng người Hoa trước kia biết thần phục triều đình Việt Nam. Trong quá khứ những hành động phản loạn (nếu có) chỉ xảy ra dọc các vùng biên giới do những nhóm thổ phỉ gốc Hoa chủ xướng. Người Hoa tị nạn tại miền Nam không những có công khai phá đất mới mà còn góp công sức vào sự nghiệp bảo vệ vùng đất nơi cư trú. Trần Thượng Xuyên và Mạc Cửu sau khi bình định những vùng đất hoang đã dâng lên chúa Nguyễn và chịu làm người nước Nam. Con cháu của họ đã phụ giúp các chính quyền địa phương quản trị những vùng đất mới, đa số đã hội nhập và tan biến hoàn toàn vào xã hội Việt Nam.

Người Hoa rất biết ơn những chính quyền nào tận tình cưu mang tổ tiên họ trong lúc hoạn nạn, đã hết sức trung thành với chính quyền đó. Lịch sử đã ghi lại những hành động vì nghĩa của cộng đồng người Hoa tại miền Nam, mặc dầu bị quân Tây Sơn nhiều lần sát hại, họ vẫn một mực trung thành và ủng hộ chúa Nguyễn. Nhưng từ khi có nhiều đợt di dân khác (đa số là những người tị nạn kinh tế) vào Việt Nam dân số gốc Hoa tăng nhanh, vua chúa ta áp dụng chính sách phân biệt đối xử : ưu đãi người này (người Minh Hương), bạc đãi người kia (Hoa kiều nhà Thanh). Bản năng sinh tồn thúc đẩy những nhóm di cư nhà Thanh tổ chức thành những cụm dân cư biệt lập để tự bảo vệ và nương tựa lẫn nhau.

Với thời gian, vì cùng sinh hoạt kinh tế, những nhóm tị nạn chính trị và tị nạn kinh tế kết hợp lại thành một cộng đồng duy nhất: cộng đồng người Hoa miền Nam. Và cũng vì chỉ chuyên chú vào các hoạt động thương mãi, cộng đồng người Hoa xa dần với thực tại chính trị của quốc gia Việt Nam và nhiều lúc đã lẫn lộn chính quyền Việt Nam với các chính quyền Trung Hoa. Tại Việt Nam họ hưởng đầy đủ quyền lợi của một công dân Việt nhưng lại muốn trực thuộc chính trị vào một quốc gia Trung Hoa để tránh thi hành những nghĩa vụ công dân.

Càng xa rời thực tại chính trị của quốc gia lưu ngụ, cộng đồng người Hoa càng muốn tự trị và sống biệt lập. Dưới bất cứ chế độ nào, cộng đồng người Hoa cũng tìm cách hưởng qui chế tự trị, đổi lại họ sẵn sàng đóng góp công sức, tiền của vào việc kinh doanh, làm phát triển kinh tế quốc gia địa phương. Tâm lý này xuất phát từ niềm tự hào của một dân tộc lớn: không muốn bị cai trị trực tiếp. Điều kiện này trước kia được chấp thuận vì cộng đồng người Hoa di cư biết tuân phục triều đình Việt Nam và đã tích cực phụ lực với triều đình trong việc khai hoang những vùng đất mới tại miền Nam.

Thực dân Pháp, do áp lực của Trung Hoa và trong ý đồ chia để trị, cho người Hoa ngoài quyền tự trị còn quyền độc lập với sinh hoạt chung của đất nước, tạo điều kiện cho người Hoa trở thành những “khách trú” ưu đãi: miễn đóng thuế thân, miễn tạp dịch và thi hành quân dịch. Tự trị đối với người Hoa về sau còn mang ý nghĩa độc lập. Đây là một lập luận nguy hiểm đòi hỏi một sự quan tâm đặc biệt, nó là đầu mối của mọi hành vi thù địch, phân biệt đối xử người Hoa trong nước và làm ung nhọt mọi quan hệ ngoại giao với thế giới Trung Hoa sau khi thực dân Pháp rút khỏi Đông Dương.

Sau 1954, người Hoa miền Bắc tin rằng với sự giúp đỡ tận tình của Trung Quốc, họ sẽ được hưởng qui chế đặc biệt. Người Hoa miền Nam tin rằng chế độ cộng hòa còn phôi thai ở miền Nam rất cần sự giúp đỡ của các quốc gia chống cộng như Đài Loan, Hồng Kông, Singapore, sẽ dành cho người Hoa nhiều dễ dãi để được giúp đỡ. Chính quyền hai miền đều lúng túng trong việc giải quyết vấn đề hội nhập người Hoa vào cuộc sống. Miền Bắc áp dụng chính sách thân thiện với Trung Quốc, dành cho người Hoa quyền chọn lựa quốc tịch hay lệ thuộc tinh thần vào Trung Quốc. Những cải cách liên quan đến cộng đồng người Hoa miền Bắc về chính trị đều phải có sự ưng thuận của sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội. Miền Nam áp dụng chính sách hội nhập cưỡng bách : hoặc là người Việt, hoặc là Hoa kiều chứ không thể vừa là người Hoa vừa là công dân Việt, quốc gia không dành cho Hoa kiều qui chế ưu đãi. Nói chung cả hai chính quyền Nam-BắcViệt Nam đều nghi ngờ ước muốn tự trị của người Hoa. Những bài học về tự trị kiểu Hồng Kông và Singapore làm cho hai chính quyền Việt Nam e ngại.

Tâm lý nghi ngại người Hoa có lẽ còn tồn đọng trong ký ức tập thể: hai ngàn năm trước nhà Hán sáp nhập miền Bắc vào lãnh thổ Trung Hoa, và gần đây thế giới Trung Hoa có khuynh hướng nhìn nhận người Hoa sinh sống tại Việt Nam là con dân của Trung Quốc, của Đài Loan. Việt Nam chưa bao giờ được yên ổn tồn tại bên cạnh thế giới Trung Hoa. Thêm vào đó trong những tranh chấp về lãnh hải và lãnh thổ, Trung Quốc thường áp dụng nguyên tắc “lấy thịt đè người”, tâm lý kẻ cả lúc nào cũng muốn “dạy cho Việt Nam bài học” khiến mọi quan hệ bình đẳng trở nên khó khăn. Nạn nhân của những tranh chấp này là cộng đồng người Hoa trong nước và những nhóm gốc Hoa sống gần biên giới Việt-Trung. Sự có mặt đông đảo của thương gia Hoa kiều tại Việt Nam từ sau 1986 càng làm nhiều người e ngại: Việt Nam có thể sẽ trở thành một thuộc địa văn hóa hay kinh tế của thế giới Trung Hoa?

D. Biết cách sử dụng đồng tiền

Người Hoa có lối suy nghĩ rất thực tiễn: có tiền là có tất cả. Trẻ em gốc Hoa khi bắt đầu biết nói đã biết cách kiếm tiền và tiêu tiền. Những bậc trưởng thượng, phụ huynh thường tạo cơ hội cho thanh niên gốc Hoa trực tiếp xúc với môi trường tiền bạc để làm chủ được lòng ham muốn. Kiếm tiến đối với người Hoa là một khả năng, một nghề nghiệp mà bất cứ ai cũng phải biết. Nếu được sống trong một môi trường lành mạnh, người Hoa sẽ là những công dân lương thiện. Trái lại nếu phải sống trong một môi trường không lành mạnh, người Hoa sẽ sinh hoạt không lương thiện để tồn tại và để không bị ức hiếp.

Dưới thời nhà Nguyễn, người Hoa gần như độc quyền khai thác và cung cấp dịch vụ và hàng hóa cho toàn xã hội. Toàn thể cộng đồng người Hoa, trừ một số gia đình quí phái Minh Hương, đều tham gia vào việc kiếm tiền. Họ làm tất cả các nghề để sống, đa số tập trung vào thương mại. Cộng đồng người Hoa đã góp tiền của rất nhiều cho triều Nguyễn tiến hành công cuộc khôi phục và thống nhất đất nước. Những lãnh tụ cộng đồng người Hoa miền Nam thay mặt triều đình gom góp tiền của trong quần chúng gốc Hoa, bù lại nhà Nguyễn để người Hoa toàn quyền định giá cả hàng hóa và nông phẩm.

Sang thời Pháp thuộc doanh nhân gốc Hoa vừa là đồng minh của chính quyền thuộc địa vừa là đối thủ của doanh nhân Pháp. Doanh nhân gốc Hoa tránh không đụng chạm đến những ngành công nghiệp hay dịch vụ mà người Pháp muốn độc quyền như khai thác cây công nghiệp, các ngành sản xuất đòi hỏi một trình độ kỹ thuật cao như thuốc lá, thuốc Tây, hóa chất v.v… Một số thương gia giàu có gốc Hoa tại miền Nam đã trở thành người thân tín của chế độ thuộc địa (xem Chú Hỏa, Quách Đàm, Phụ lục 2). Khi có tiền người Hoa không mua ruộng đất, vườn tược hay tính chuyện ra đi như người Việt, họ tái đầu tư vào các ngành kinh doanh khác để tăng thêm tích sản cố định. Những số tiền thặng dư, người Hoa xây đình, dựng chùa, mở bệnh viện, cất trường học cho cộng đồng của họ.

Sau 1954, cộng đồng người Hoa có một đời sống sung túc, họ không còn quan tâm nhiều đến sự sống còn của chính quyền còn non yếu miền Nam, đã sống tách biệt hẳn với phần còn lại của đất nước. Những gia đình trở nên giàu có đầu tư vào những ngành sản xuất hay dịch vụ có kỹ thuật cao trong các ngành vận tải và chế biến công nghệ để tăng thêm lợi tức. Khi bị áp lực hội nhập từ phía chính quyền, người gốc Hoa dùng tiền bạc để mua chuộc sự yên thân. Sự giàu có của người Hoa cũng gợi lòng ham muốn của một số viên chức trong chính quyền. Tệ nạn tham nhũng, hối lộ bắt đầu xuất hiện, những người đại diện chính quyền quản trị khu vực đông cư dân gốc Hoa lưu ngụ dễ trở nên giàu có hơn những viên chức chính quyền khác.

Khi tham nhũng đã trở thành thông lệ, người Hoa không còn e ngại gì nữa, họ có thể dùng tiền bạc mua chuộc bất cứ nhân vật nào trong chính quyền để được yên thân buôn bán. Họ chẳng cần phải tham gia vào các sinh hoạt chính trị của quốc gia địa phương mớ

0