Nền báo chí Việt Nam thời thuộc Pháp (1858-1945)- Bài 2
Lý Đăng Thạnh V- MỘT SỐ NHÀ BÁO THỜI THUỘC PHÁP (1862-1945) Một số ký giả, người quản lý báo, chủ báo, chủ nhà in và xuất bản tiêu biểu thời thuộc Pháp (1862-1945) gồm có – Alfred-Ernest Babut ( 1878-1962): đảng viên SFIO (Societé française de l’internationale ...
Lý Đăng Thạnh
V- MỘT SỐ NHÀ BÁO THỜI THUỘC PHÁP (1862-1945)
Một số ký giả, người quản lý báo, chủ báo, chủ nhà in và xuất bản tiêu biểu thời thuộc Pháp (1862-1945) gồm có
– Alfred-Ernest Babut (1878-1962): đảng viên SFIO (Societé française de l’internationale ouvriere) với lập trường thiên tả; hội viên Hội Nhân quyền (Ligue des Droits de l’Homme et du Citoyen); năm 1905 đứng tên làm chủ nhiệm tờ Đại Việt Tân Báo (L’Annam) tại Hà Nội; sau khi biết đến đường lối tranh đấu ôn hòa của Phan Châu Trinh liền mời về cộng tác, đồng thời cho dùng Đại Việt Tân Báo làm cơ quan ngôn luận không chánh thức của Đông Kinh Nghĩa Thục; năm 1908 đã vận động Hội Nhân quyền can thiệp với toàn quyền Anthony Klobukowski xóa án tử hình và thả Phan Châu Trinh khỏi nhà giam Côn Đảo vào tháng 5-1910; năm 1929 chủ trương tạp chí song ngữ Pháp-Việt là Revue Franco-Annamite tại Hà Nội.
– Alfred Raquez (1865-1907): năm 1897 du lịch sang Đông Dương; được nhà kinh doanh Francois-Henri Schneider mời làm giám đốc kiêm chủ nhiệm tạp chí Pháp ngữ Revue indochinoise tại Hà Nội (1897-1907).
– André Malraux (1901-1976): năm 1923 sang Đông Dương lập nghiệp; năm 1925 cùng thành lập đảng Jeune Annam (Việt Nam Thanh Niên Đảng); đồng thời hợp tác với luật sư Paul Monin thành lập và đồng chủ nhiệm nhật báo Indochine (Đông Dương) tại Sài Gòn từ tháng 6-1925, kêu gọi ‘một chế độ công bằng hơn, nhân đạo hơn, cho phép người dân Việt Nam được bảo vệ bởi những luật lệ y như người Pháp, được hưởng những quyền tự do cá nhân như người Pháp’; vì thế hoạt động được gần 2 tháng thì bị chánh quyền gây khó khăn trong việc in ấn nên phải đình bản tháng 8-1925; đến tháng 11-1925 lại cùng với Monin thành lập báo L’Indochine enchaînée (Đông Dương bị xiềng) nhưng hoạt động đến tháng 2-1926 cũng đình bản; sau đó về Pháp viết và xuất bản các tiểu thuyết tranh đấu; sau đó là bộ trưởng Thông tin (1945-46), rồi bộ trưởng Văn hóa (1959-69) trong nội các của tổng thống Charles de Gaulle.
– Ái Lan (~Lê Liễu Huê; 1910-1976; sinh tại tỉnh Quảng Trị): là vợ ký giả Công Minh Triệu Thường Thế; từ 1928 viết cho các báo: Đông Pháp Thời Báo, Đuốc Nhà Nam, Phụ Nữ Tân Văn, Phóng Sự Tuần Báo, Sông Hương, Đời Mới, Dân Ta, Tạp Chí Phổ Thông và các nhật báo: Tiếng Chuông, Buổi Sáng, Ánh Sáng, Sài Gòn Mới, Tân Sanh. Bà là em ruột ký giả Lê Trung Nghĩa (bút hiệu Việt Nam), chị ruột hai ký giả Lê Minh Đức (bút hiệu Bút Sơn) và Lê Chuyên Pha.
– Bà Tùng Long (~Lê Thị Bạch Vân; 1915-2007; sinh tại Đà Nẵng): năm 1935 thành hôn với ký giả Hồng Tiêu Nguyễn Đức Huy; thời kỳ 1933-45 cộng tác các báo như Phụ Nữ Tân Văn (1933-35), Sài Gòn Mới (mục Gỡ Rối Tơ Lòng, 1942-45) ở Sài Gòn, nhật báo Tiếng Vang (mục Tâm Tình Cởi Mở, 1940-45) ở Kontum…; đã cùng chồng trực tiếp chủ trương và điều hành báo Sài Thành (1935), chủ bút tuần báo Tân Thời (1935-36), tổng thư ký báo Phụ Nữ Diễn Đàn; đến năm 1945 do thời cuộc nên về Quảng Ngãi dạy Pháp văn; năm 1952 cùng gia đình trở vào Sài Gòn tiếp tục dạy Pháp văn và viết báo, sách, truyện cho đến 1972; cộng tác bài vở với nhiều tuần báo, nguyệt san ở Sài Gòn; các con trai sau này cũng là những nhà văn có tiếng như Nguyễn Đức Quang, Nguyễn Đông Thức…
– Bạch Thái Bưởi (1874-1932; sinh tại tỉnh Hà Đông): thành lập nhật báo Khai Hóa, ra ngày 13-7-1921 tại Hà Nội, hoạt động cho đến năm 1928.
– Băng Dương : là chồng bà Thụy An (Lưu Thị Yến); cùng với vợ thành lập và làm giám đốc chánh trị tuần báo Đàn Bà Mới ở Sài Gòn (1934-37).
– Biến Ngũ Nhy (~Nguyễn Bính; 1886-1973; sinh tại tỉnh Trà Vinh): tốt nghiệp bác sĩ tại Đại học Y Hà Nội năm 1910; vừa hành nghề thuốc vừa viết văn và báo; cộng tác thường xuyên với các báo Công Luận Báo, Nông Cổ Mín Đàm, Nữ Giới Chung…
– Bình Nguyên Lộc (~Tô Văn Tuấn, Diên Quỳnh, Hồ Văn Huấn, Phong Ngạn, Phóng Ngang Phóng Dọc, Trình Nguyên, Tôn Dzật Huân; 1914-1987; sinh tại tỉnh Biên Hòa): từ năm 1935 đến 1945 là công chức Ngân khố; từ năm 1942 bắt đầu sáng tác và viết báo, đã cộng tác với báo Thanh Niên và nhiều báo ở Sài Gòn; năm 1945 tham gia kháng chiến; năm 1946 phản đối Việt Cộng nên về ẩn cư ở Lái Thiêu rồi đến 1949 về Sài Gòn chuyên tâm viết văn làm báo; năm 1950 lần đầu in sách (tập truyện ngắn Nhốt gió); năm 1958 chủ trương tuần báo Vui Sống và nhà xuất bản Bến Nghé; năm 1985 sang Mỹ tỵ nạn, sống ở Sacramento, California nhưng hai năm sau bệnh mất; đã viết hàng trăm tác phẩm truyện, sách khảo cứu, tập thơ; chỉ tính đến 31-5-1966 đã viết 820 truyện ngắn (đã in năm tập), và 52 tiểu thuyết (đã in 11 quyển).
– Bồng Dinh : xem: Nguyễn Văn Sỏi.
– Bút Trà : xem: Nguyễn Đức Nhuận.
– Bùi Châu Quý : quản lý Tạp chí Phụ Nữ ở Hà Nội (1938-39).
– Bùi Đình Tiến : chủ nhiệm bán nguyệt san Thương Mại tại Hà Nội.
– Bùi Huy Phồn (Đồ Phồn): thành viên điều hành tuần báo Tiểu Thuyết Thứ Năm tại Hà Nội (1937-42).
– Bùi Huy Tín (1875-?; sinh tại Hà Nội): là một điền chủ, nhà kinh doanh và hoạt động chánh trị xã hội thời Pháp thuộc; thời kỳ 1913-37 đã kinh qua những chức vụ: uỷ viên Phòng thương mại Hà Nội, Hội đồng thành phố Hà Nội, Hội đồng Tư vấn Bắc Kỳ, Đại hội đồng Kinh tế lý tài Đông Dương, Viện Dân biểu Bắc Kỳ, Viện Dân biểu Trung Kỳ; chủ tịch Hội Từ thiện Trung Kỳ; chủ thầu xây dựng đoạn đường sắt Việt Trì – Lào Cai (1902-06), Hà Nội – Sài Gòn (1907-24); là chủ nhiều đồn điền ở Phú Thọ, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Quảng Ninh, khu mỏ ở Trung Kỳ; thành lập và chủ nhiệm Thực Nghiệp Dân Báo ở Hà Nội (1920), và các báo ở Huế như: Tràng An Báo (1932-35), La Gazette de Huế (từ 1936), Le Misogyne, Le People; thành lập và điều hành nhà xuất bản Bùi Huy Tín tại Huế (1936-45).
– Bùi Ngọc Ái : biên tập viên tạp chí Tương Lai (L’Avenir) tại Hà Nội (1936-37).
– Bùi Ngọc Thự : chủ nhiệm Kỳ Lân Báo tại Sài Gòn từ năm 1928.
– Bùi Quang Chiêu (1873-1945; sinh tại tỉnh Bến Tre): năm 1923 thành lập Đảng Lập Hiến Đông Dương, năm 1926 thành lập báo Pháp ngữ La Tribune Indochinoise của Đảng Lập Hiến xuất bản ở Sài Gòn, có khuynh hướng đối lập ôn hòa với chánh quyền thực dân; ngày 29-9-1945 bị Việt Cộng thảm sát cùng với cả gia đình tại Chợ Đệm (Sài Gòn).
– Bùi Thế Mỹ (Hy Tô, Lan Đình, Thông Reo; 1904-1943; sinh tại tỉnh Quảng Nam): lúc nhỏ học ở quê nhà và Huế; năm 1923 vào Sài Gòn viết báo, thơ văn với bút danh Thông Reo; làm chủ bút các tờ báo: Đông Pháp Thời Báo (1927), Trung Lập, Tân Thế Kỷ, Thần Chung; thời kỳ Mặt trận Bình Dân (1936) được giới nhân sĩ cách mạng bầu làm tổng thư ký Uỷ ban Vận động Đông Dương Đại Hội; do đó vào tháng 9-1936 cùng với Diệp Văn Kỳ và Đào Trinh Nhất bị thống đốc Pagès trục xuất khỏi Nam Kỳ về an trí tại Bình Thuận (thuộc Trung Kỳ); cuối năm 1937 trở lại Sài Gòn chủ bút nhật báo Điện Tín (với bút danh Lan Đình), rồi chủ nhiệm tờ Dân Báo (?-1943).
– Bùi Thị Hiến : quản lý tuần báo Đàn Bà Mới ở Sài Gòn (1934-37).
– Bùi Tuân : đồng chủ trương và điều hành báo Vì Chúa tại Huế năm 1936.
– Bùi Văn Còn : chủ nhiệm tuần báo Kịch Bóng tại Sài Gòn (từ 1935).
– Bùi Xuân Hạc (Bùi Xuân Học): chủ trương và chủ nhiệm các tờ báo tại Hà Nội như: báo Loa (1935-36), tuần báo Việt Nữ (1937).
– Bùi Xuân Thành : thành viên Tòa soạn Đông Dương Tạp Chí (1913-19).
– Bửu Đình (~Nguyễn Phước Bửu Đình, Hà Trì, Liên Chiểu; 1903-1931; sinh tại Huế): thuộc hoàng tộc Triều đình Huế; ký giả, văn sĩ; thời kỳ 1920-30 cộng tác thường trực với các báo Đông Pháp Thời Báo, Công Luận Báo, Phụ Nữ Tân Văn, Nam Kỳ Kinh Tế Báo…; làm tổng lý kiêm chủ bút chi nhánh tại Huế của nhật báo Tân Thế Kỷ ở Sài Gòn (từ số 6, ra ngày 10-11-1926); thành viên tích cực của Việt Nam Quang Phục Hội; rồi do hoạt động chống Pháp, nhất là sau khi viết công khai những bài báo đả kích kịch liệt chánh quyền Pháp, nên bị bắt ngày 24-2-1927 và bị kết án 9 năm tù đày ra Côn Đảo; ngoài đảo tiếp tục sáng tác tiểu thuyết (Mảnh trăng thu, Bước đầu, Cậu Tám Lọ, Đám cưới cậu Tám Lọ), được cô y tá Yvonne Ngọc gửi vào Sài Gòn đăng báo Phụ Nữ Tân Văn; vượt ngục Côn Đảo tháng 10-1930 nhưng bị bắt lại; sau đó lại vượt ngục vào cuối năm 1931 nhưng mất tích từ đó.
– C.I. Achard : giám đốc chánh trị tạp chí văn chương, chánh trị, châm biếm, hài hước Chantecler (con gà trống) tại Hà Nội (1932-39).
– Cao Hải Để (1895-1964; sinh tại Cai Lậy, Mỹ Tho): tốt nghiệp trường Pétrus Ký, Sài Gòn; từ năm 1924 viết cho các báo Công Ích Toàn Thơ, Pháp Việt Nhất Gia; từ tháng 7-1926 làm chủ nhiệm kiêm chủ bút cho tờ Nhựt Tân Báo; tháng 8-1926 thành lập và chủ nhiệm bán tuần san Pháp ngữ L’Ere nouvelle; tháng 11-1926 tham gia hội nghị thành lập Đông Dương Lao Động Đảng và đặt hai tờ báo này làm cơ quan ngôn luận của đảng, hoạt động đến 22-6-1929 thì bị giải thể; kiêm chủ bút bán tuần san Pháp Việt Nhứt Gia (1927); ngày 25-6-1929 bị bắt giam; năm 1936 ra tù, tiếp tục hoạt động trong phong trào Dân chủ 1936-39; tháng 6-1940 lại bị Pháp bắt và đày đi Bạc Liêu; tháng 8-1945 trở về Mỹ Tho, tham gia vào Mặt trận Việt Minh, kháng chiến chống Pháp; năm 1954 ly khai Việt Cộng trở về Sài Gòn tiếp tục viết báo cho đến khi mất tại Sài Gòn vào năm 1964.
– Cao Thị Khanh : xem: (Bà) Nguyễn Đức Nhuận.
– Cao Văn Chánh (Cao Chánh, Thạch Lan; 1903-1945; sinh tại tỉnh Mỹ Tho): năm 1921 thi đậu bằng tú tài Pháp tại Collège Mỹ Tho; từ năm 17 tuổi (1920) viết cho Công Luận Báo và Tân Đợi Thời Báo tại Sài Gòn với bút danh Cao Chánh; từ năm 19 tuổi lần lượt làm chủ bút các tờ báo Công Luận (1922-23), Nam Kỳ Kinh Tế Báo (1-1923 đến 2-1924); năm 1924 thành lập và chủ nhiệm báo Pháp ngữ đối lập L’Essor Indochinois, hoạt động đến tháng 8-1926 bị chánh quyền Pháp ra lệnh cấm; thời kỳ 1926-27 cộng tác với báo L’Ere nouveau và bản Việt ngữ của nó là Nhựt Tân Báo; tháng 11-1926 đồng sáng lập Việt Nam Ái Quốc Liên Hiệp Hội với ký giả Lê Chơn Tâm (Mộng Trần); cũng trong tháng 11-1926 thành lập và điều hành nhật báo Tân Thế Kỷ, hoạt động đến 1927 thì bị đóng cửa theo lệnh cấm ngày 19-4-1927 của toàn quyền Đông Dương Pasquier; tháng 4-1927 thuê tờ báo Pháp Việt Nhứt Gia của Trần Quang Nghiêm để làm chủ bút và tiếp tục mở cuộc tấn công mới chống chánh quyền Pháp và Triều đình Huế, cho đến ngày 17-5-1927 ra được thêm một số cuối với 10.000 bản phân phát miễn phí trên các đường phố Sài Gòn mà không trình lên ban kiểm duyệt trước khi in, rồi bị rút hẳn giấy phép theo lệnh cấm của toàn quyền Đông Dương Varenne; tháng 1-1928 tái lập báo Pháp ngữ L’Annam đối lập nhưng bị chánh quyền đình bản sau vài số; tháng 8-1928 cùng thành lập báo L’Action Indochinoise, được xem là ‘tờ báo chánh thức đầu tiên của đạo Cao Đài’; tháng 5-1929 cùng một số cộng sự thành lập tạp chí Phụ Nữ Tân Văn; tháng 7-1929 sang Pháp học khoa chánh trị Đại học Paris, đồng thời viết cho các báo ở Pháp, báo Phụ Nữ Tân Văn và nhiều báo khác ở Sài Gòn; tại đây năm 1930 thành lập và làm tổng thư ký Hội Tương Tế Học Thuật với hơn một trăm hội viên là các du sinh quốc tế tại Pháp, rồi chuyển theo khuynh hướng Đệ Tứ Quốc Tế; từ năm 1933 về Sài Gòn tham gia Ban biên tập báo Phụ Nữ Tân Văn và hoạt động trong lực lượng Đệ Tứ Quốc Tế, tranh đấu đòi độc lập với Pháp; năm 1938 làm trợ bút cho báo Đuốc Công Lý của Nam Đình (Nguyễn Thế Phương); từ tháng 10-1938 đến 1939 cùng một số thân hữu thành lập và điều hành nhật báo Thời Đại ở Sài Gòn, là cơ quan ngôn luận của Đệ Tứ Quốc Tế; cuối năm 1945 bị Việt Cộng sát hại ở Sài Gòn, hưởng dương 42 tuổi.
– Cẩm Tâm (nữ sĩ, ngụ ở Sài Gòn): ký giả, văn sĩ cộng tác thường xuyên với các báo Công Luận báo, Đuốc Nhà Nam, Phụ Nữ Tân Văn…
– Charles B. Maybon (1872-1926): tốt nghiệp cử nhân văn chương; năm 1905 sang Hà Nội, được toàn quyền Paul Beau cử làm hiệu trưởng trường Pháp tại Vân Nam, sau đó về Hà Nội dạy tại môn lịch sử Phương Đông tại Đại học Đông Dương; được nhà kinh doanh Francois-Henri Schneider cử làm giám đốc kiêm chủ nhiệm tạp chí Pháp ngữ Revue indochinoise tại Hà Nội (1907-25).
– Clément Edmond Koch : thành lập và chủ nhiệm tuần báo Pháp-Việt tại Hà Nội từ 1941.
– Cung Đình Bính : quản lý Tạp chí Đuốc Tuệ (1935).
– Cung Giũ Nguyên (1909-2008; sinh tại Huế): tốt nghiệp Trường Quốc Học Huế; sau đó vào Nha Trang dạy học và làm báo; đã cộng tác với nhiều tạp chí và nhật báo Pháp ngữ như: France-Asie, La Tribune, La Presse d’Extrême-Orient, La Gazette de Huê, cũng như báo Việt ngữ như: Đông Pháp Thời Báo, Nam Phong, Tiếng Dân, Bạn Đường…; đầu năm 1934 thành lập và chủ nhiệm nguyệt san Tương Lai Tạp Chí tại Nha Trang, ra được 4 số thì đình bản vì khó khăn tài chánh; sau đó cùng thành lập và đồng chủ bút tập san Les Cahiers de la Jeunesse tại Nha Trang (1939-40); năm 1940 vào Sài Gòn làm chủ bút nhật báo Pháp ngữ Le Soie d’Asie (Chiều Á Châu).
– Diệp Văn Cương (Thọ Sơn, Yên Sa; 1862-1929; sinh tại Cao Lãnh): được chánh quyền Pháp cấp học bổng du học và đậu tú tài tại trường Lycée d’Alger ở Algeria, cùng khóa với Nguyễn Trọng Quản; về nước dạy học trường Chasseloup-Laubat; sau đó được toàn quyền Paul Bert cử ra Huế dạy học cho hoàng tử Chánh Mông (vua Đồng Khánh); tại đây kết hôn với Công nữ Thiện Niệm (là con của Thoại Thái Vương Nguyễn Phước Hồng Y, em ruột vua Dục Đức và là cô ruột của vua Thành Thái); năm 1898 thành lập và điều hành tờ báo Việt ngữ là Phan Yên Báo ở Sài Gòn, có khuynh hướng chống đối chánh quyền thực dân Pháp nên chỉ ra được 7, 8 số trong vài tháng thì bị đình bản.
– Diệp Văn Kỳ (1895-1945; sinh tại Huế): là con học giả Diệp Văn Cương và Công nữ Thiện Niệm; sau khi học xong trung học ở Huế sang Pháp du học; tại Pháp tham gia Đảng Lập Hiến Đông Dương của Bùi Quang Chiêu, Dương Văn Giáo và An Nam Độc Lập Đảng của Nguyễn Thế Truyền, viết bài trên báo Việt Nam Hồn; sau khi đậu cử nhận luật thì về Cao Lãnh hành nghề luật sư; tham gia thành lập Hội Khuyến học và tổ chức nhiều buổi diễn thuyết văn hóa; sau đó lên Sài Gòn viết cho Nam Trung Nhật Báo và Đông Pháp Thời Báo; năm 1927 mua tờ Đông Pháp Thời Báo của Nguyễn Kim Đính, làm chủ nhiệm cho đến 1928 thì bị đình bản; đầu năm 1929 thành lập và chủ nhiệm báo Thần Chung cho đến 1932; năm 1936 cộng tác với Nhóm La Lutte tổ chức phong trào Đông Dương Đại Hội, rồi bị bắt và trục xuất về an trí tại Bình Thuận cùng với Bùi Thế Mỹ và Đào Trinh Nhất; cuối năm 1937 được trở vào Sài Gòn viết báo tiếp; năm 1941 ông từ chối hợp tác với Nhật và về cư ngụ tại nhà người anh cột chèo là kỹ sư Phan Mính (con ông Phan Thúc Duyện) ở Trảng Bàng, Tây Ninh, đồng thời tích cực hoạt động trong giáo phái Cao Đài; cuối năm 1945 bị toán mật vụ Việt Cộng do Nguyễn Chín cầm đầu lùng bắt, phải giả làm linh mục trốn trong nhà thờ Trảng Bàng nhưng bị phát hiện đem về sát hại tại Củ Chi chung với Phan Mính.
– Doãn Kế Thiện (Bất Ác, Long Thành, Sơn Vân, Sở Bảo; 1891-1965; sinh tại tỉnh Hà Đông): từ năm 1914 gia nhập làng báo và viết trên các báo: Khai Hóa, Mới, Nam Phong Tạp Chí, Thực Nghiệp, Trung Bắc Chủ Nhật, Trung Bắc Tân Văn…; chủ trương Tap chí Thanh Nghị tại Hà Nội năm 1941-45.
– Dương Bá Trạc (Tuyết Huy; 1884-1944; sinh tại tỉnh Hưng Yên): đồng chủ bút (1918-32) Nam Phong Tạp Chí tại Hà Nội; năm 1932-33 cùng với em là Dương Tụ Quán sáng lập và điều hành nguyệt san Văn Học tạp chí ở Hà Nội chuyên về cổ văn.
– Dương Bạch Mai (1905-1964; sinh tại tỉnh Bà Rịa): năm 1932 cộng tác với các báo đối lập La Cloche felée, La Lutte, Mai, Dân Quyền ở Sài Gòn; bản thân theo khuynh hướng cộng sản Đệ tam.
– Dương Đình Quang : chủ bút tuần báo Trung Kỳ tại Vinh, Nghệ An (1935-37).
– Dương Lâm (1847-1916; sinh tại tỉnh Hà Đông): làm chủ bút báo Đồng Văn ở Hà Nội (1891).
– Dương Minh Đạt (sinh tại tỉnh Chợ Lớn): ký giả, văn sĩ cộng tác thường xuyên với Công Luận Báo.
– Dương Phượng Dực (Đông Lĩnh; 1897-1958; sinh tại tỉnh Hà Đông): chủ bút báo Trung Bắc Tân Văn; quản lý Học Báo; thành viên Ban Văn học, Hội Khai Trí Tiến Đức, Hà Nội; đại biểu Nhân Dân Bắc Kỳ; chủ trương và quản lý tuần báo Trung Bắc Tân Văn Chủ Nhật tại Hà Nội (1940-43).
– Dương Quang Nhiều (Phụng Các; ngụ ở Sài Gòn): ký giả, văn sĩ cộng tác thường xuyên với các báo Trung Lập, Nhựt Tân…
– Dương Quảng Hàm (Hải Lượng; 1898-1946; sinh tại tỉnh Hưng Yên): cộng tác tạp chí Nam Phong thời kỳ 1920-32; bị Việt Cộng sát hại đêm 19-12-1946 tại Hà Nội, do là đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng.
– Dương Trọng Thực : chủ nhiệm tuần báo Hoạt Động tại Hải Phòng.
– Dương Trung Thực : chủ nhiệm tuần báo Nghề Mới tại Hải Phòng (từ 1936).
– Dương Tụ Quán (Khái Sinh, Mễ Nhân, Thật Lang, Trúc Nhân; 1901-1969; sinh tại tỉnh Hưng Yên): là em của hai học giả Dương Bá Trạc, Dương Quảng Hàm; lúc nhỏ học chữ Nho và trường Pháp-Việt, đậu bằng Thành chung năm 1921 rồi dạy học ở Hà Nội; năm 1929 lập nhà in Đông Tây và xuất bản sách, chủ trương và chủ nhiệm các tờ báo như Văn Học Tạp Chí (1932-33), Đông Tây Báo (1934-35), Ngày Mới (1939); tham gia thành lập và quản lý Tri Tân Tạp Chí (1941-45); thời kỳ 1945-54 về ẩn cư tại quê nhà Văn Giang, Hưng Yên; năm 1954 trở lại Hà Nội dạy học tư (1955-56); sau đó bị Việt Cộng bắt lao động cải tạo 2 năm (1958-59), rồi từ trần tại Hà Nội vì già yếu (1969).
– Dương Văn Giáo (1892-1945; sinh tại tỉnh Vĩnh Long): tốt nghiệp tiến sĩ luật và chánh trị học tại Pháp; tham gia các hoạt động đòi độc lập cùng Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền tại Pháp; năm 1925 về Sài Gòn mở văn phòng luật sư, cộng tác với các báo La Lutte, La Clochefêlée, Đông Pháp, Thần Chung, Mai, Dân Chúng… và cũng là luật sư đặc trách của các báo trên; năm 1928 cùng với Trần Văn Ân, Lương Trung Nghĩa thành lập nhật báo Đuốc Nhà Nam ở Sài Gòn, quyết liệt chống đối chủ nghĩa thực dân Pháp, chủ trương bệnh vực giới nông dân và lao động thành thị; thành viên Ban lãnh đạo Việt Nam Phục Quốc Đồng Minh Hội; tháng 8-1945 tham gia giành chánh quyền tại Sài Gòn; ngày 24-9-1945 bị bí thư Xứ ủy Nam Bộ Việt Cộng là Trần Văn Giàu ra lệnh cho Huỳnh Văn Nghệ và Hồng Tảo bắt cóc tại gần chợ Bà Chiểu, Sài Gòn, đến cuối tháng 9 bị sát hại tại Chợ Bến Phân, Gò Vấp cùng với Lê Quang Kim.
– Dương Văn Hạp : quản lý Nữ Lưu Tuần Báo ở Sài Gòn (1936-37).
– Dương Văn Lợi : ký giả viết báo Pháp ngữ L’écho Annamite.
– Đào Duy Anh (Vệ Thạch; 1904-1988; sinh tại tỉnh Hà Đông): năm 1927 cộng sự đắc lực với báo Tiếng Dân đối lập ở Huế, gia nhập và là tổng thư ký đảng Tân Việt, rồi chủ trương lập báo Quan Hải Tùng Thư, cơ quan văn hóa của Đảng Tân Việt; sau khi bị bắt giam và ra tù, đã thành lập và điều hành Kim Lai Tạp Chí tại Huế từ năm 1932.
– Đào Nguyên Phổ (~Đào Văn Mại; 1861-1907; sinh tại tỉnh Thái Bình): từ năm 1892 làm chủ bút Đại Nam Đồng Văn Nhật báo, tờ báo chữ Hán đầu tiên xuất bản ở Hà Nội và cũng là nhật báo đầu tiên ở Việt Nam; năm 1905 kiêm chủ bút Đại Việt Tân Báo (L’Annam); năm 1907 khi Đại Nam Đồng Văn nhật báo đổi thành tuần báo Đăng Cổ Tùng Báo, ông tiếp tục làm chủ bút ban Hán văn cho đến khi mất.
– Đào Thái Hanh (1871-1916; sinh tại tỉnh Sa Đéc): thông thạo Hán ngữ và Pháp ngữ; thời kỳ 1891-94 là thư ký Sở Thương chánh Sài Gòn, rồi thông sự địa hạt Bạc Liêu; cuối năm 1894 được điều ra làm ký lục tại Tòa Khâm sứ Trung Kỳ, tùng sự tại Bình Định; thành viên sáng lập và cộng tác viên Đô Thành Hiếu Cổ Tập San (Bulletin des Amis du Vieux Huế, 1914-16); từ 1915 là tuần phủ tỉnh Quảng Trị rồi mất năm 1916, được truy phong là Lễ Bộ thượng thư.
– Đào Trinh Nhất (Anh Đào, Hậu Đình, Hồng Phong, Nam Chúc, Quán Chi, Tinh Vệ, Viên Nạp, Vô Nhị, XYZ; 1900-1951; sinh tại tỉnh Thái Bình): là con của học giả Đào Nguyên Phổ; trong 35 năm làm báo đã từng làm chủ bút hoặc viết báo cho các tờ: Hữu Thanh Tạp Chí, Thực Nghiệp Dân Báo, Trung Hòa Nhật Báo, Đông Pháp, Phụ Nữ Tân Văn, Thần Chung, Công Luận, Đuốc Nhà Nam, Mai, Trung Bắc Tân Văn, Trung Bắc Chủ Nhật, Sài Gòn Mới, Anh Sáng, Tri Tân, Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Nước Nam, Việt Thanh, Cải Tạo… ở Sài Gòn thời Pháp thuộc; thời kỳ du học ở Pháp viết báo Việt Nam Hồn của An Nam Độc Lập (1926-28); năm 1934, tổ chức làm báo xuân Đuốc Nhà Nam là tờ báo xuân đầu tiên ở Việt Nam; năm 1936 mua và điều hành báo Mai; tháng 9-1936 cùng với Diệp Văn Kỳ và Bùi Thế Mỹ bị thống đốc Pagès trục xuất khỏi Nam Kỳ về an trí tại Bình Thuận (thuộc Trung Kỳ) khi các ông đang tham gia vận động cho phong trào Đông Dương Đại Hội; cuối năm 1937 trở lại tham gia các hoạt động báo chí tại Sài Gòn cho đến khi mất.
– Đào Văn Châu (?-1945): cộng tác với báo Công Luận (1922) ở Sài Gòn; sau đó bị Pháp bắt đày Côn Đảo, đến cuối năm 1945 bị Việt Cộng sát hại.
– Đạm Phương nữ sử (~Công Nữ Đồng Canh, Mme Nguyễn Khoa Tùng, Quý Lương; 1881-1947; sinh ở Huế): nữ ký giả, nữ sĩ, cộng tác thường xuyên và đã viết trên 155 bài báo khảo cứu, xã thuyết, tiểu thuyết và thơ đăng trên các báo Nam Phong tạp chí, Trung Bắc Tân Văn, Hữu Thanh, Tiến Dân, Lục Tỉnh Tân Văn, Phụ Nữ Tân Văn, Thực Nghiệm, Nữ Lưu Thư Quán Gò Gông (có trong ban biên tập)…
– Đặng Phúc Thông (1906-1951; sinh tại huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh): tốt nghiệp kỹ sư Địa chất và Cầu đường tại Pháp; sau đó về nước làm việc tại Thái Nguyên; năm 1941 cùng thành lập và điều hành Tạp chí Khoa Học tại Hà Nội.
– Đặng Thai Mai (Thanh Bình, Thanh Tuyền; 1902-1984; sinh tại tỉnh Nghệ An; là con học giả Đặng Nguyên Cẩn): năm 1925 tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Đông Dương – Hà Nội; từ 1928 dạy học tại Trường Quốc học Huế, rồi ở Hà Nội; biên tập viên tạp chí Tương Lai (L’Avenir) tại Hà Nội (1936-37); năm 1941 cùng thành lập và điều hành Tạp chí Khoa Học tại Hà Nội.
– Đặng Thúc Liêng (Đặng Huẩn, Lục Hà Tẩu, Mộng Liên, Trúc Am; 1867-1945; sinh tại tỉnh Gia Định); là con quan án sát tỉnh Gia Định Đặng Văn Duy; lúc nhỏ tên là Đặng Huẩn, đến 30 tuổi đổi là Đặng Thúc Liêng; đã trực tiếp thực hiện sáng kiến của vua Đồng Khánh, sang Hong Kong mở một văn phòng mậu dịch với Trung Hoa, lấy tên là Thông Thương Nha, hoạt động hai năm 1887-88; là một trong những học giả thời tiên phong phổ biến quốc ngữ, cùng thời với Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, Diệp Văn Cương; cộng tác với tờ báo quốc ngữ đầu tiên ở Sài Gòn là Gia Định Báo; thời kỳ 1906-08 cùng với Trần Chánh Chiếu lập Minh Tân Công Nghệ để kinh doanh cạnh tranh với Hoa kiều và Ấn kiều tại Sài Gòn; viết báo Nam Kỳ trong phong trào Duy Tân rồi bị bắt; từ năm 1911 viết các báo ở Sài Gòn như Nông Cổ Mín Đàm, Lục Tỉnh Tân Văn, Nam Trung Nhật Báo, Công Luận, Đông Pháp Thời Báo, Thần Chung, Trung Lập, Đại Việt Tạp Chí…; cũng là một trong những người tham gia phát triển sân khấu cải lương thời kỳ đầu; năm 1931 thành lập và chủ nhiệm tuần báo Việt Dân Báo, hoạt động được một thời gian thì đình bản; thời kỳ 1934-36 tục bản tuần báo Việt Dân Báo nhưng để cho luật sư Phan Văn Thiệt đứng tên; năm 1944 cùng với Lê Phát Vĩnh sáng lập tuần báo Đông Phong; ngày 16-8-1945 ông bị Việt Cộng Sài Gòn sát hại hại tại làng Tân Quy Đông, Sa Đéc, do từ 2-12-1936 ông cho Cộng Sản Đệ Tam thuê báo Việt Dân nhưng chỉ ra hai số thì bị mật thám đe dọa nên phải đòi báo lại.
– Đặng Trọng Duyệt : chủ nhiệm tuần báo Nhân Loại tại Hà Nội (từ 1934).
– Đặng Văn Ký (Minh Tải; 1899-1975): viết nhiều sách báo từ 1920 đến thập niên 1970.
– Đặng Văn Lợi : thiền sư, tăng trưởng chùa Trấn Quốc ở Hà Nội; tham gia thành lập và làm quản lý Tạp chí Tiếng Chuông Sớm (1935-36).
– Điền Ngọc Phụng : năm 1937 thành lập và điều hành báo Dân Đen (Le Peuple noir) tại Sài Gòn.
– Đinh Thái Sơn (tự Phát Toán hay Nguyễn Văn Toán; sinh tại tỉnh Nghệ An): tín đồ Công giáo; lúc trẻ làm phụ in sách quốc ngữ tại nhà in giáo xứ Tân Định, Sài Gòn; năm 1909 thành lập nhà in và xuất bản Phát Toán tại số 55-57 rue Ormay, còn gọi là nhà in Nguyễn Văn Toán hay nhà xuất bản Đinh Thái Sơn.
– Đoàn Như Khuê (Hải Nam, Nam Thăng Dã; 1883-1957; sinh tại tỉnh Hưng Yên): chủ nhiệm tuần báo Tiểu Thuyết Thứ Ba (1937-38) và Tiểu Thuyết Nhật Báo (1938-39) ở Hà Nội.
– Đoàn Phú Tứ (Tuấn Đô; 1910-1989; sinh tại Hà Nội): đậu bằng Tú tài Pháp; viết thơ văn từ năm 1925 lúc còn học ở lớp nhất, với những bài từ khúc đăng trên báo Đông Pháp; sau đó cộng tác với các báo Phong Hóa, Ngày Nay; năm 1937 thành lập và điều hành tạp chí Tinh Hoa chuyên về văn học ở Hà Nội; là thành viên nòng cốt của nhóm Xuân Thu Nhã Tập.
– Đoàn Quang Tấn (bác sĩ): năm 1932-33 tham gia chủ trương và điều hành tạp chí Đồng Nai.
– Đoàn Trung Còn (1908-1988; sinh tại Vũng Tàu): thi đậu bằng Thành chung (Diplomat), rồi đi làm tư chức tại Sài Gòn; năm 1931 thành lập Nhà xuất bản Đoàn Trung Còn, đặt tại tư gia số143 rue Dixmude (~Đề Thám), Sài Gòn; cũng từ năm 1931 biên soạn và xuất bản nhiều tập sách, truyện về Phật giáo; từ năm 1932 thành lập các cơ sở tu thư và xuất bản kinh sách Phật giáo như Phật Học Tòng Thơ (chuyên xuất bản những kinh sách Phật Giáo do riêng ông soạn, dịch), Phật Học Thơ Xã (chuyên xuất bản những kinh sách Phật Giáo do các chư tăng hay cư sĩ khác soạn, dịch), hoặc xuất bản sách Khổng giáo hay Hán văn như Trí Đức Tòng Thơ; năm 1955 cùng với chư Tăng và thân hữu thành lập Hội Phật giáo Tịnh Độ Tông Việt Nam, đặt trụ sở tại chùa Giác Hải, Phú Lâm Chợ Lớn, và được cử là trị sự trưởng Ban Chấp sự trung ương; đầu thập niên 70 xuất gia, thọ giới trở thành tu sĩ Thích Hồng Tại.
– Đông Hồ : xem: Lâm Tấn Phác.
– Đồng Sỹ Bình (sinh tại tỉnh Nghệ An): làm nhân viên tại Tòa Khâm sứ Pháp ở Huế; gia nhập và hoạt động trong Đảng Tân Việt và Việt Nam Quang Phục Hội; từ đầu năm 1926 bỏ nghề công chức để làm đặc phái viên tại Huế và Trung Kỳ cho một số tờ báo đối lập chánh quyền tại Sài Gòn và Hà Nội như: Tân Thế Kỷ…; tháng 3-1927 bị chánh quyền Pháp bắt giam sau khi viết những bài báo đả kích kịch liệt chánh quyền…
– Đỗ Như Ngọc : xem: Đỗ Xuân Mai.
– Đỗ Văn : cùng với Hoàng Tích Chu chủ trương Hà Thành Ngọ Báo (1927) và Đông Tây Nhật Báo ở Hà Nội, đích thân phụ trách việc ấn loát, trình bày, áp dụng kỹ thuật mới nhất của báo chí Tây phương; từ năm 1933 thành lập và điều hành tuần báo Nhật Tân tại Hà Nội.
– Đỗ Văn Hỷ : thiền sư, được triều đình Huế ban hiệu là Tăng Cương hòa thượng; trụ trì chùa Linh Quang (tức Hòa Giai, hay Bà Đá) ở Hà Nội, là hội chủ Sơn môn Linh Quang; tháng 11-1934 thành lập và chủ nhiệm Tạp chí Tiếng Chuông Sớm (1935-36).
– Đỗ Văn Tình : chủ nhiệm Ly Tao Tuần Báo tại Hà Nội từ năm 1937.
– Đỗ Xuân Mai (sinh tại tỉnh Phúc Yên): thường được văn hữu gọi là ‘ông Mai Lĩnh’; năm 1932 cùng với em là Đỗ Như Ngọc thành lập và điều hành Nhà xuất bản Mai Lĩnh ở Hải Phòng, Nhà in và xuất bản Mai Lĩnh ở Hà Nội, cùng các chi nhánh ở Sài Gòn, Phúc Yên, Phú Thọ, Uông Bí, hoạt động đến 1944 thì bị chánh quyền Pháp rút giấy phép; từ 21-1-1935 chủ trương Hải Phòng Tuần Báo bộ mới; thời kỳ 1938-39 cũng quản lý Tiểu Thuyết Nhật Báo ở Hà Nội; năm 1944 chuyển hẳn vào điều hành Nhà xuất bản Mai Lĩnh ở Sài Gòn. Tên Nhà Mai Lĩnh được đặt theo di nguyện của cha ông là Đỗ Văn Phong (1860-1930), là một nhà nho hoạt động trong phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục tại Phúc Yên năm 1907, bị Pháp đày biệt xứ tại Guyane, Nam Mỹ; năm 1924 vượt ngục về nước, hoạt động tại Bạc Liêu cho đến khi mất năm 1930, có di nguyện lại cho các con cháu phát triển tiệm tạp hóa Mai Lĩnh của gia đình ở Phúc Yên thành cơ sở truyền bá văn hóa phục vụ dân tộc.
– Edmond Gras : học giả Pháp, đồng sáng lập nguyệt san Đô Thành Hiếu Cổ Huế, 1914.
– Ernest Babut : chủ nhiệm Đại Việt Tân Báo từ năm 1905 tại Hà Nội, là báo song ngữ Hán-Việt, và cũng là tờ báo quốc ngữ ra đời đầu tiên ở Bắc Kỳ.
– Ernest Hippolyte Schneider (1843-?): chủ nhân hệ thống nhà in IDEO ở Hà Nội và Sài Gòn (1914-57).
– Ernest Outrey (Antoine Georges Amédée Ernest Outrey; 1863-1941): thời kỳ 1884-1910 là viên chức hành chánh thuộc địa; giữ chức khâm sứ tại Lào (1910-11), Cambodia (1911-14), rồi phó thống đốc Nam Kỳ (1914-36); năm 1917 mua lại tờ báo L’Impartial ở Phnom Penh rồi chuyển về Sài Gòn, trực tiếp làm giám đốc chánh trị, và giao cho một viên chức thuế quan trẻ là Henry Chavigny de Lachevrotière làm chủ biên, đã đạt số lượng phát hành cao nhất Sài Gòn và Đông Dương suốt thời kỳ 1917-26; năm 1918 cũng thành lập và làm giám đốc chánh trị các tờ báo như Correspondance universelle, Bulletin des Renseignements coloniaux; năm 1919 thành lập tạp chí Le Midi colonial et maritime và thường xuyên viết nhiều bài xã luận thể hiện quan điểm cai trị trong đó, nhất là chủ trương chống lại quan điểm ôn hòa của toàn quyền Albert Sarraut muốn cải cách lập hiến thuộc địa; ngoài ra đã viết nhiều bài báo về chánh trị, kinh tế trên các báo chí: Paris-Midi (1914), Courrier saïgonnais (1915), Écho de Paris (1915-19), La Revue du Pacifique (1922, 1934), La Revue politique et parlementaire (1924), La Revue indochinoise (1925), Le Petit Journal (1935)…
– Ernest Potteaux : thông ngôn tại Soái phủ Nam Kỳ (1862-65); chủ nhiệm Gia Định Báo (từ 1865).
– Eugène Dejean de la Bâtie (1898-1946) sinh tại Hà Nội; có cha là một viên chức ngoại giao người Pháp, mẹ là người Việt. Tốt nghiệp Cao đẳng Công chánh Hà Nội và hoàn thành quân dịch, rồi ông trở thành nhà báo từ năm 1920 ở Sài Gòn, chuyên viết về xã hội, kinh tế, chánh trị. Năm 1923 ông làm chủ bút tờ La Voix annamite (Tiếng nói An-nam), gia nhập Nghiệp đoàn Báo chí Nam Kỳ do Henry Chavigny de Lachevrotière lãnh đạo. Từ tháng 12-1923 đến 6-1924, ông cũng đứng tên làm giám đốc và viết bài cho báo La Cloche Fêlée (Cái chuông rè) của Nguyễn An Ninh.Từ năm 1924 đến tháng 6-1925, ông viết báo L’Echo annamite (Tiếng vọng An Nam) do Nguyễn Phan Long làm chủ nhiệm; tháng 4-1925 viết trên đó bài báo tựa đề ‘Tại sao chúng ta không mong ước cho dân tộc An Nam được tự do ngay lập tức, khỏi sự bảo hộ của người Pháp’, đồng thời cho rằng ‘dân tộc An Nam cần nước Pháp để tiến hành hiện đại hóa đất nước’. Tháng 6-1925, ông đứng tên quản lý nhật báo L’Indochine (Đông Dương) đối lập chánh quyền của luật sư Paul Monin và ký giả André Malraux. Trong một bài báo trên đó, ông viết: ‘Tôi chẳng thuộc về giống thịt lẫn giống cá, nên có ưu thế là thuộc về cả hai! Nhưng thiên hướng tự nhiên của tôi khiến mình nghiêng nhiều hơn về phía những người yếu thế…’. Ông xông xáo tham gia vào cuộc tranh đấu do Monin và Malraux đứng đầu nhằm ‘đòi quyền dân chủ cho người dân bản địa: quyền tự do đi lại, tự do hội họp, tự do ngôn luận với sự cho phép một ngành báo chí tự do bằng Việt ngữ’. Tháng 5-1926, ông cùng với luật sư Phan Văn Trường thành lập và điều hành báo L’Annam, với ‘giọng văn còn tấn công hơn so với La Cloche fêlée nhắm vào chánh quyền Pháp’. Tháng 11-1928, ông mua lại của Nguyễn Phan Long tờ báo Pháp ngữ L’Écho annamite (Tiếng vọng An Nam), và làm giám đốc kiêm chủ nhiệm từ 1-11-1928 đến 4-1931 thì bị đình bản, sau khi đăng nhiều bài quyết liệt chống chánh quyền. Do tờ báo có khuynh hướng chống Cộng Sản Đệ Tam Stalinist nên cuối năm 1931, ông lại bị mật vụ cộng sản đệ tam mưu sát bằng một vụ đụng xe, làm ông bị thương nặng nhưng thoát chết. Sau vụ này, ông đã viết khôi hài: ‘Vậy ra là tôi đã bị một lưỡi rìu chém. Mà sao không phải là một cái búa hoặc một cái liềm?’. Năm 1932, ông gia nhập ‘nhóm những người theo chủ nghĩa xã hội Đông Dương’ và viết trên nhật báo Le Populaire của họ. Tháng 3-1939, ông tục bản báo L’Echo annamite với cam kết ‘phải đáp ứng những đòi hỏi của ban kiểm duyệt báo chí’ dưới chế độ thân Pétain, hoạt động đến tháng 1-1943 thì bán lại cho Nguyễn Đình Nhơn, rồi tiếp tục viết báo tự do. Sau đó ông lại bị mật vụ Việt Cộng ám sát bằng thuốc độc, từ trần trong bệnh viện ngày 31-12-1946, hưởng dương 48 tuổi.
– Francois-Henri Schneider (1851-?): năm 1882 sang Sài Gòn phụ trách việc in ấn cho Dinh Thống đốc Nam Kỳ; năm sau được cử làm quản đốc nhà in Bảo hộ (Imprimerie du Protectorat) mới thành lập ở Hà Nội; năm 1885 mở hẳn một nhà in riêng mới từ Pháp đưa sang Hà Nội và bắt đầu công việc kinh doanh; năm 1886 mua luôn nhà in Bảo hộ; rồi phát triển thành chủ nhân hệ thống nhà in-xuất bản Imprimerie de F.-H. Schneider và IDEO hoạt động tại Hà Nội, Hải Phòng và Sài Gòn (1885-57); sáng lập và làm chủ, giám đốc, chủ nhiệm nhiều tờ báo tại Hà Nội và Sài Gòn như: Đại Nam Đồng Văn Nhật Báo (1891-1907), Nam Việt Quan Báo (1908-13), Lục Tỉnh Tân Văn (mua lại 1909), Nam Việt Công Báo (1911-13), Đông Dương Tạp Chí (1913-18), Pháp Việt Thông Báo (1914-18), Công Thị Báo (1914-15), Journal officiel de l’Indochine, Revue indochinoise, L’Avenir du Tonkin, Trung Bắc Tân Văn…; được bầu làm ủy viên Hội đồng thành phố Hà Nội, Phòng Thương mại và nhiều ủy ban quan hệ với nước ngoài; cố vấn chánh trị Phủ Toàn quyền Đông Dương…; năm 1920 nghĩ hưu và trở về Pháp.
– G. Sipière : giám đốc chánh trị tuần báo Pháp ngữ L’Indochine nouvelle tại Sài Gòn (từ tháng 11-1924).
– Gabriel Võ Lộ (Dật Sĩ Tử, Dinh Châu): là chủ bút các báo Nhựt Tân, Nam Nữ Giới Chung… ở Sài Gòn.
– Giác Ngã : ký giả viết báo Lục Tỉnh Tân Văn ở Sài Gòn.
– H. Cucherrousset : giám đốc kiêm chủ bút tuần báo kinh tế L’Eveil économique de l’Indochine tại Sài Gòn (1917-22) và Hà Nội (1922-35).
– Hàn Mặc Tử (~Nguyễn Trọng Trí, Lệ Thanh, Minh Duệ Thị, Phong Trần; 1912-1940; sinh tại Đồng Hới): đăng thơ trên báo từ từ năm 16 tuổi với bút hiệu Phong Trần và Lệ Thanh; rồi điều hành tờ phụ trương văn chương trên báo Saigon Mới với bút hiệu Hàn Mặc Tử, và phụ trách trang văn chương trên các báo Sài Gòn, Công Luận, Tân Thời, Trong Khuê Phòng…; sau đó mắc bịnh phong, vào điều trị tại bệnh viện Qui Hòa rồi mất ngày 11-10-1940.
– Hải Triều (~Nguyễn Khoa Văn; 1908-1954; sinh tại Huế; là con bà Đạm Phương nữ sử): thành lập và điều hành báo Nhành Lúa tại Huế năm 1937.
– Henri Blaquière : chủ tờ báo Pháp ngữ Le Courrier Saigonnais (1904-40); năm 1918 thành lập tuần báo Nữ Giới Chung tại Sài Gòn, cũng là tờ báo phụ nữ đầu tiên ở Đông Dương. 333
– Henry Chavigny de Lachevrotière (1883-1951): sinh tại Sài Gòn, có cha là một phi công người Pháp và mẹ người Việt; lúc nhỏ về Pháp học, rồi trở sang Việt Nam làm việc trong ngành quan thuế ở Sa Đéc; từ năm 1917 lên Sài Gòn làm chủ biên tờ báo L’Impartial cho đến 1926 thì chuyển sang kinh doanh; năm 1928 thành lập và điều hành báo La Dépêche, đạt được số lượng phát hành cao nhất tại Sài Gòn (và cả Đông Dương) thời ấy; năm 1923 cùng thành lập và lãnh đạo Nghiệp đoàn Báo chí Nam Kỳ ở Sài Gòn; từng giữ chức chủ tịch Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ (Conseil colonial de Cochinchine); làm chủ và giám đốc các khách sạn Majestic, Grand ở Sài Gòn, có phần hùn trong khách sạn Continental; làm chủ đồn điền cao su Lachevrotière rộng 1.100 ha ở Kampot (Cambodia), đồn điền Long Thuận rộng 240 ha ở Thành Tuy Hòa, cách Sài Gòn 64 cây số; năm 1945, ông sống ẩn dật tại Sài Gòn dưới thời Nhật chiếm đóng; năm 1946 thành lập báo L’union française, với đối tượng đọc là giới thượng lưu Pháp tại Đông Dương; ngày 12-1-1951, ông thiệt mạng vì một quả lựu đạn ám sát của mật vụ Việt Cộng tại Sài Gòn.
– Hoàng Đạo : xem: Nguyễn Tường Long.
– Hoàng Hoa Khôi (Bùi Thiện Chí, Hà Cương Nghị, Hoàng Giang; sinh năm 1917 tại tỉnh Nam Định): năm 1939 sang Pháp làm phiên dịch; sau đó tham gia phong trào Đệ Tứ Quốc Tế, biên tập các báo Công Binh tạp chí, Vô Sản, Tranh Đấu, Tiếng Thợ, Quan Sát, Chroniques Vietnamiennes…
– Hoàng Minh Giám (Chu Thiên; 1904-1995; sinh tại tỉnh Hà Đông): là con của học giả Hoàng Tăng Bí; năm 1926 tốt nghiệp khóa 3 Trường Cao đẳng Đông Dương; sau đó dạy học ở Phnom Penh, Sài Gòn; năm 1941 cùng thành lập và điều hành Tạp chí Khoa Học tại Hà Nội; biên tập viên tạp chí Tri Tân (1941-45) ở Hà Nội.
– Hoàng Minh Tuynh (1917-1977; sinh tại tỉnh Hưng Yên): chủ nhiệm tuần báo Đông Phương tại Hà Nội.
– Hoàng Minh Tự (ngụ ở Sài Gòn): ký giả, văn sĩ cộng tác thường xuyên với báo Lục Tỉnh Tân Văn.
– Hoàng Tăng Bí (Nguyên Phu, Tiểu Mai; 1883-1939; sinh tại tỉnh Hà Đông): viết báo Trung Bắc Tân Văn ở Hà Nội.
– Hoàng Thiếu Sơn : chủ bút bán tuần san Tràng An Báo ở Huế (1942).
– Hoàng Thị Tuyết Hoa : xem: Phan Thị Bạch Vân.
– Hoàng Thúc Trâm (Hoa Bằng, Sơn Tùng; 1902-1977; sinh tại tỉnh Hà Đông): viết các báo Tuần Báo Tân Văn, Thế Giới Tân Văn (Sài Gòn), tạp chí Thanh Nghị và thành viên ban biên tập tạp chí Tri Tân (Hà Nội).
– Hoàng Tích Chu (Hoàng Hồ, Kế Thương, Văn Tôi; 1897-1933; sinh tại tỉnh Bắc Ninh): đầu năm 1929 làm chủ bút Hà Thành Ngọ Báo; cuối năm 1929 cho đến 1932 cùng thành lập và điều hành báo Đông Tây, phổ biến lối văn mới theo cách viết báo của người Pháp ngắn gọn, sáng sủa dễ hiểu phù hợp với báo chí, làm cho Đông Tây trở thành tờ báo bán chạy nhất Bắc Kỳ thời đó.
– Hoàng Trọng Miên (1918-1981; sinh tại Huế): là em hai học giả Hoàng Trọng Thược và Hoàng Trọng Quỵ; lúc nhỏ học trường Quốc học Huế; viết báo từ năm 1935 tại Huế; năm 1936 vào Sài Gòn làm phóng viên nhật báo Dân Quyền và báo Renaissance Indochinoise (1936-39); tham gia thành lập và chủ biên báo Trong Khuê Phòng (1937-39); trợ bút báo Asie Nouvelle, chủ bút báo Người Mới, cộng tác với báo Điện Tín; sau khi Nhật đảo chánh Pháp tháng 3-1945 thì về Huế cùng với Bùi Tuân, Bửu Tiến, Lưu Trọng Lư… thành lập đoàn kịch Trọng Miên; cuối năm 1945 tham gia Việt Cộng.
– Hoàng Trọng Quỵ : xem: Thanh Nghị.
– Hoàng Xuân Hãn (1908-1996; sinh tại tỉnh Hà Tĩnh): năm 1928 nhận được học bổng sang Pháp du học; tốt nghiệp cử nhân Xây dựng cầu đường (1934), cử nhân Khoa học, và thạc sĩ Toán (1936) tại Đại học Sorbonne, Paris; năm 1936 về Hà Nội viết sách và dạy học tại Đại học Khoa học, Đại học Nông nghiệp và Đại học Hà Nội; năm 1941 cùng thành lập và điều hành Tạp chí Khoa Học tại Hà Nội; năm 1943 cùng thành lập và điều hành Hội Truyền bá quốc ngữ tại Hà Nội; tháng 4-1945 là bộ trưởng Giáo dục – Mỹ thuật trong Nội các Chánh phủ Trần Trọng Kim, cho đến tháng 8 thì từ nhiệm.
– Hồ Biểu Chánh : xem: Hồ Văn Trung.
– Hồ Dzếnh (~Hà Triệu Anh; 1916-1991; sinh tại tỉnh Thanh Hóa; dạy học tại Hà Nội; làm thơ, viết báo từ năm 1931.
– Hồ Hữu Tường (1910-1980; sinh tại tỉnh Cần Thơ): năm 1926 được bà con cho tiền sang Pháp học và đậu cử nhân Toán; năm 1927 gia nhập Đảng Cộng sản Pháp, theo khuynh hướng Đệ Tứ Quốc Tế và cùng với nhóm Nguyễn Ái Quốc viết bài trên báo Le Paria; năm 1930 chuẩn bị thi thạc sĩ thì tham gia tổ chức cuộc biểu tình phản đối bản án tử hình các thành viên Việt Nam Quốc Dân Đảng sau cuộc bạo động tại Yên Bái nên bị trục xuất về Sài Gòn; tại đây dạy học và viết báo, hoạt động trong Phái Tả Đông Dương theo khuynh hướng Đệ Tứ Quốc Tế; năm 1932 cùng với Đoàn Quang Tấn, Phan Văn Hùm điều hành tạp chí Đồng Nai; cũng trong năm này bị bắt, bị kết án ba năm tù treo; năm 1934 cùng Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm… thành lập tờ báo và nhóm La Lutte; năm 1938 tách khỏi tờ báo và nhóm La Lutte để thành lập và điều hành báo Militant, tạp chí Tháng Mười, tuần báo Tia Sáng (sau là nhật báo); giữa năm 1939 tuyên bố ly khai Đệ Tứ Quốc Tế và chủ nghĩa Marx; tháng 9-1939 bị bắt kết ám 4 năm tù giam ở Côn Đảo, cho đến 1944 mới được đưa về giam lỏng ở Cần Thơ.
– Hồ Phú Viên : Nghi lễ đại thần tại Đại Nội, nghĩ hưu năm 1933; thành lập và điều hành báo Phụ Nữ Tân Tiến tại Huế (bộ mới) ở Huế (1934).
– Hồ Tá Khanh (1908-1996; sinh tại tỉnh Phan Thiết): là con nghiệp chủ Hồ Tá Bang (đồng sáng lập và quản lý Tổng lý công ty Liên Thành ở Phan Thiết trong phong trào Duy Tân); tốt nghiệp bác sĩ tại Đại học Y khoa Paris; năm 1938 về nước mở phòng mạch tư, tham gia các hoạt động chánh trị, xã hội tại Sài Gòn; đồng thành lập và chủ bút tuần báo Văn Lang tại Sài Gòn năm 1939-40; giữ chức bộ trưởng Kinh tế trong Nội các Trần Trọng Kim của Đế quốc Việt Nam từ tháng 3 đến 8-1945.
– Hồ Thị Thục : là con gái học giả Hồ Phú Viên; cùng chồng là Nguyễn Tấn quản lý và chủ bút tuần báo Phụ Nữ Tân Tiến (bộ mới) ở Huế (1934).
– Hồ Văn Hiến (Viên Hoành; 1900-1957; sinh tại tỉnh Gò Công): là em ruột văn sĩ Hồ Biểu Chánh, từng viết cho các báo Nông Cổ Mín Đàm, Lục Tỉnh Tân Văn, Đông Pháp Thời Báo, Trung Lập, Công Luận… ở Sài Gòn trước năm 1945; sau 1945 viết báo: Dân Quyền, Trời Nam, Tiếng Dội…
– Hồ Văn Kỳ Trân : là trưởng nam của nhà văn Hồ Biểu Chánh (Hồ Văn Trung); quản lý Nam Kỳ Tuần Báo tại Sài Gòn (1942-44).
– Hồ Văn Lang (Thất Lang; sinh tại tỉnh Gò Công): là em các nhà văn Hồ Biểu Chánh, Hồ Văn Hiến; chủ bút tờ Thời Báo tại Sài Gòn (1918-19); viết cho các báo ở Sài Gòn: Đại Việt Tạp Chí, Trung Lập, Công Luận, Nam Kỳ Thời Báo…
– Hồ Văn Ngà (1901-1945; sinh tại Tân An): sáng lập và chủ bút báo Hưng Việt giữa năm 1945; bị Việt Minh sát hại tháng 10-1945 tại Đông Nam bộ.
– Hồ Văn Nhựt (1905-1986; sinh tại tỉnh Sa Đéc): năm 1933 tốt nghiệp bác sĩ y khoa tại Paris, Pháp; năm 1938 về Việt Nam, thành lập Bệnh viện tư nhân phụ sản đầu tiên tại Việt Nam ở Phú Nhuận, ngoại ô Sài Gòn; sau đó là giám đốc Bệnh viện phụ sản Từ Dũ; năm 1939 cùng thành lập và điều hành tuần báo Văn Lang tại Sài Gòn.
– Hồ Văn Sao : giám đốc nhà in và xuất bản Mékong ở Sa Đéc, chủ nhiệm Công Thương Báo (khoảng trước năm 1935).
– Hồ Văn Trung (Hồ Biểu Chánh, Thứ Tiên; 1885-1958; sinh tại tỉnh Gò Công): năm 9 tuổi học chữ nho; năm 13 tuổi học quốc ngữ; năm 1905 đậu hạng nhì bằng Thành chung; năm 1906 làm ký lục dinh thượng thư Sài Gòn; năm 1911 làm ký lục ở Bạc Liêu; năm 1912 làm tùng sự ở Cà Mau; tám tháng sau về làm tùng sự ở Long Xuyên; cùng với bạn bè trong Hội Khuyến học Long Xuyên thành lập Đại Việt tạp chí (1-1918); năm 1918 làm tùng sự ở Sài Gòn; sáng lập ở Sài Gòn hai tờ báo Tribune Indigène và Quốc Dân Diễn Đàn (1918-1919); năm 1920 làm tùng sự văn phòng thống đốc Nam kỳ; năm 1921 đậu tri huyện; năm 1927 làm tri phủ-chủ quận Càng Long (Trà Vinh); năm 1932 làm chủ quận Ô Môn (Cần Thơ); năm 1934 làm chủ quận Phụng Hiệp (Cần Thơ); năm 1935 về Sài Gòn làm chủ sự và kiểm soát ngân sách thành phố; đầu năm 1936 thăng đốc phủ sứ; từ 4-8-1941 làm nghị viên Hội đồng Liên bang Đông Dương; từ 26-8-1941 đến 8-1945 làm nghị viên Hội đồng thành phố Sài Gòn kiêm phó đốc lý (như phó đô trưởng) chuyên về Bộ Đời dân Á Đông; từ 1942 đến 1944 kiêm nghị viên Hội đồng quản trị Sài Gòn-Chợ Lớn và cũng thành lập và kiêm giám đốc hai tờ báo Đại Việt Tạp Chí bộ mới và Nam Kỳ Tuần Báo cho đến 1945; năm 1946 làm đổng lý văn phòng Chánh phủ Cộng hòa Nam Kỳ; từ năm 1947 ngưng hoạt động chánh trị để chuyên tâm sáng tác văn chương; tổng cộng đã viết 64 tiểu thuyết, 12 tập truyện ngắn và truyện kể, 12 vở hài kịch và ca kịch, 5 tập thơ và truyện thơ, 8 tập ký, 2 dịch phẩm, 28 tập khảo cứu và phê bình, hàng trăm bài báo, xã luận, diễn thuyết.
– Hồng Tiêu : xem: Nguyễn Đức Huy.
– Huỳnh Thị Bảo Hòa (Huỳnh Thị Thái, Mme Vương Khả Lãm; 1896-1982; sinh tại tỉnh Quảng Nam): là phóng viên thường trực của Thực Nghiệp Dân Báo tại Đà Nẵng; cộng tác với các báo Nam Phong tạp chí, An Nam tạp chí, Tiếng Dân, Đông Pháp Thời Báo, Công Luận Báo, Phụ Nữ Tân Văn…
– Huỳnh Thúc Kháng (Giới Sanh, Hải Âu, Khách Quan, Khỉ Ưu Sinh, Minh Viên, Ngu Sơn, Phi Bằng, Sử Bình Tử, Tha Sơn Thạch, Thức Tự Dân, Ưu Thời Khách, Xà Túc Tử; 1876-1947; sinh tại tỉnh Quảng Nam): năm 1927-43 sáng lập và làm chủ nhiệm, chủ bút báo Tiếng Dân tại Huế, đối lập với chánh quyền thực dân Pháp; đắc cử viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ.
– Huỳnh Tịnh Của (Paulus Của, Tịnh Trai; 1834-1907; sinh tại tỉnh Bà Rịa): từ năm 1865 viết cho Gia Định Báo (1865-1897); từ 1869 làm chủ bút báo này.
– J. Linage : chủ biên bán tuần san Le Courrier de Saïgon tại Sài Gòn (từ năm 1888).
– Jean M. Hertrich : cùng với Nguyễn Mạnh Tường thành lập và đồng chủ bút nguyệt san Pháp ngữ EST (Nguyệt san Phương Đông) tại Hà Nội (1939-40).
– Jules Boissière (1863-1897): nhà thơ và nhà văn Pháp; năm 1886 từ Paris sang Hà Nội làm thư ký cho thống sứ Trung-Bắc Kỳ Paul Bert; sau đó tham gia chiến đấu tại Tiểu đoàn súng trường 11 cho đến khi về Pháp năm 1891; năm 1892 cưới vợ và trở lại Hà Nội; được nhà kinh doanh Francois-Henri Schneider cử làm giám đốc kiêm chủ nhiệm tạp chí Pháp ngữ Revue indochinoise tại Hà Nội (1893-97); năm 1897 bệnh mất đột ngột lúc 34 tuổi.
– Khái Hưng (~Trần Khánh Giư; 1896-1947; sinh tại Hải Phòng): tốt nghiệp Tư thục Thăng Long (Hà Nội); cùng thành lập và phụ trách về tiểu thuyết trong ban biên tập tuần báo Phong Hóa (1932-34); thành viên sáng lập Tự Lực Văn Đoàn (1933); chủ nhiệm báo Ngày Nay (1935-36); thập niên 1940 hoạt động chánh trị, là đảng viên Đảng Đại Việt Dân Chính; bị Pháp bắt giam đến tháng 3-1945 được trả tự do sau khi Nhật đảo chánh Pháp; sau đó cùng Hoàng Đạo, Nguyễn Tường Bách ra báo Ngày Nay kỷ nguyên mới; năm 1947 bị Việt Cộng bắt cóc và sát hại tại bến đò Cựa Gà, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định.
– Khổng Dương (~Trương Văn Hai; 1921-1947; sinh tại tỉnh Trà Vinh): lúc trẻ học trung học ở Cần Thơ, rồi trường Phú Xuân (Huế), Thăng Long (Hà Nội); cộng tác thơ văn trên các báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Phổ Thông Bán Nguyệt San, Mới, Tổng Xã Báo, Đông Dương Tạp Chí, Trung Bắc Chủ Nhật, Văn Hóa…; sau đó về Sài Gòn lập nhà xuất bản Đồng Nai và cộng tác với báo Công Luận…; năm 1946 tham gia kháng chiến chống Pháp ở miền Tây, rồi tử trận vì trúng đạn từ máy bay Pháp tại Long Xuyên.
– Khuông Việt : xem: Lý Vĩnh Khuông.
– Kiều Oánh Mậu (Kiều Cung, Kiều Dực; 1854-1912; sinh tại tỉnh Sơn Tây): từ 1892 đến 1907 làm việc và viết cho Đại Nam Đồng Văn Nhật Báo ở Hà Nội.
– Kim Giang : xem: Lê Văn Phúc.
– Lan Khai (~Nguyễn Đình Khải, Nguyễn Lan Khai, Thế Hữu; 1906-1