23/05/2018, 15:54

Trồng điều có cần nước tưới không

Hầu hết các loại cỏ cây sống tươi tốt và ra hoa kết trái được là nhờ có nước. Ngoài lượng nước mưa và mù sương từ trên trời rơi xuống, cây cối còn nhờ bộ rễ ngày đêm liên tục hút nước ngầm ở dưới tầng đất sâu lên mới sống được. Nhưng, đó là mùa mưa. Còn trong mùa nắng, cây cối cần phải có nước ...

Hầu hết các loại cỏ cây sống tươi tốt và ra hoa kết trái được là nhờ có nước. Ngoài lượng nước mưa và mù sương từ trên trời rơi xuống, cây cối còn nhờ bộ rễ ngày đêm liên tục hút nước ngầm ở dưới tầng đất sâu lên mới sống được.

Nhưng, đó là mùa mưa. Còn trong mùa nắng, cây cối cần phải có nước tưới dặm thêm mới đủ sức sống nổi. Trong mùa hạn hán, ngay ruộng lúa mà dẫn thủy nhập điền không kịp cung bị vàng lá cháy khô đừng nói chi các loại thân thảo ở các nương rẫy. Ngay các loại cây ăn trái, thân mộc mà hàng ngày không có nước tưới đầy đủ, dù có sống được cũng chậm tăng trưởng, ảnh hưởng xấu đến việc ra hoa kết trái.

Câu : “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”  là kinh nghiệm quí báu trong nghề trồng tỉa của giới nhà nông. Xem đó đủ thấy, nước còn quan trọng hơn cả phân bón, vì trồng cây thiếu phân cây vẫn sống được, dù là sống còi cọc, nhưng nếu gặp buổi khô hạn mà không nước tưới thì cây sẽ héo úa thảm thương.

Chính vì lẽ đó nên khi lập vườn trồng cây, nhất là loại cây ăn trái, ai cũng phải lo ngay đến nguồn nước tưới sao cho đầy đủ phủ phê mới yên bụng.

Thế nhưng, trồng điều thì lại khác. Vì là giống cây của vùng nhiệt đới nên cây điều có khả năng chịu hạn rất tốt. Đúng ra phải nói rõ là cây điều nhờ vào sự cấu tạo của hệ rễ tốt nên mới đủ khả năng “thi gan” cùng nắng hạn, khi bộ rễ của cây điều con bắt đầu cắm sâu vào lòng đất.

Rễ điều có hai thứ : rễ chuột và rễ bàng.

Rễ chuột là rễ cái rất to, nối liền từ phần gốc của cây ăn sâu vào lòng đất, tìm mạch nước ngầm để hút nước nuôi cây. Có thể nói rễ chuột đã đóng vai trò cho sự sống của cây. Rễ chuột, nếu vì lý do nào đó bị đứt, nhất là khi chỗ đứt lại gần với gốc cây, thì không những cây đã trưởng thành, mà cây con cũng khó sống được.

Chức năng quan trọng khác của rễ chuột là tạo được thế đứng vững vàng cho cây trước mưa gió bão bùng.

Còn rễ bàng là các rễ nhỏ mọc ngang, xuất phát từ đoạn gốc của rễ chuột mà ra. Rễ bàng bò lan tứ phía chằng chịt khắp tầng đất mặt như …mạng nhện. Cây càng lớn, phạm vi hoạt động của rễ bàng càng xa, có thể cách xa gốc đến ba, bốn thước và từ mặt đất xuống đến năm, sáu tấc. Nhiệm vụ của rễ bàng là hút các chất bổ dưỡng trong đất để nuôi cây, giúp cây tăng trưởng mạnh, và đủ sức ra hoa kết trái khi đến vụ mùa.

Chức năng của các rễ bàng rất quan trọng, vì vậy mỗi khi cần phải cày bừa, cuốc xới làm cỏ trong vườn điều, ta nên cẩn thận tối đa tránh làm đứt các rễ nhỏ này, bằng cách chỉ cày nông cuốc cạn mà thôi.

Đồng ý rễ bàng nếu bị cuốc đứt vẫn sinh ra được rễ mới chứ không như rễ chuột hễ bị đứt là cụt luôn, nhưng dù sao cũng làm cho cây bị mất sức một thời gian.

Thông thường tán lá bên trên của cây tỏa rộng đến đâu thì dưới đất rễ bàng cũng bò ra đến đó. Vì vậy người xưa mới có câu: “Cây chạm lá cá chạm vi” ngụ ý khuyên người đời khi trồng cây không nên trồng quá khít, mà phải trồng với khoảng cách hợp lý để chúng không tranh đất sống cửa nhau, và nhờ đó mà cây mớỉ sinh trưởng tốt được.

Nếu tham lam muốn trồng được nhiều cây nên trồng khít, thì bên trên cành lá các cây cứ mọc vượt tới chồng chéo lên nhau tầng tầng lớp lớp, đâu còn chỗ trống để ánh sáng xuyên thấu cùng mọi cành? Còn phía dưới, rễ các cây cũng bò lan lấn chiếm đất nhau, tranh nhau từng chút phân tro trong đất mà sống thì làm sao cây đủ sức để tăng trưởng, để ra hoa kết trái ? Lợi đâu không thấy chỉ thấy cái hại truớc mắt khá to.

Cái lợi của việc trồng cây với khoảng cách đúng kỹ thuật là ở chỗ đó.

Trở lại cây điều với vấn đề tưới nước, thật ra nói là không cần thiết cũng không đúng.

Khi cây điều còn non, còn từ trong bầu ương, còn nằm lại ương liếp ương, và trong hom giống mới được đặt vào hố trồng cố định là lúc cây điều còn cần phải được tiếp tục tưới nước mỗi ngày hai cử sáng chiều. Tưới từ ngọn đến gốc, tưới cho im đất chung quanh, cốt để trợ lực cho cây con tươi tắn mà sống mạnh, khi bộ rễ non nớt của cây phát triển chưa già dặn …

Thường thì điều được trồng vào giữa mùa mưa nên công việc tưới cây cũng có phần nhàn nhã. Chỉ những ngày nắng ráo mới tưới, và không những thế, nhà vườn còn cẩn thận làm giàn che nắng cho cây con khỏi bị ánh nắng trực xạ làm héo úa. Nói là giàn, nhưng chỉ đơn giản là những tàu lá dừa, những nhánh cây rừng rậm lá, hay những tấm phên, tấm nứa cắm hay dựng cạnh bên để che chắn ánh nắng chiếu thẳng vào cây con.

Có thể nói việc “hạ thổ” cây điều vào mùa mưa là có sự tính toán khôn ngoan của nhà vườn. Mùa này mưa nhiều đất ẩm lại mát trời, thích hợp cho sự sinh trưởng của cây con, lại đỡ tốn công tưới nước.

Hết mùa mưa thì điều con đã bén rễ, cây đã mọc cao, tự sống được. Tuy vậy, những tháng đầu mùa nắng, người trồng vẫn phải tiếp tục tưới cho cây, cho đến khi cây con được sáu bảy tháng tuổi, chắc chắn hệ rễ của nó đã hoạt động hữu hiệu, đủ sức hút nước cũng như nhựa nguyên nuôi cây thì dù có gặp buổi trời nắng chang chang, chủ vườn cũng yên tâm mặc cho cây con tự sống…

Trồng điều nhắm vào mục đích “làm kinh tế”, dù là kinh tế phụ cho gia đình, người ta cũng trồng cả vạt cả nương, ít thì cũng vài ba công, nhiều cũng từ vài ba mẫu trở lên, nên dù chỉ tưới cho cây con trong năm bảy tháng đầu, lắm người cũng thấy ngán…

Đề cập vấn đề nước tưới đối với đời sống cây điều, cũng xin được trình bày thêm là điều chỉ thích hợp với đất trồng có hai mùa mưa nắng rõ rệt trong năm, như khí hậu của Nam bộ vậy. Hơn nữa, lượng mưa trong năm cũng phải ở múc độ vừa phải, trung bình từ 1000 đến 2000mm là vừa. Mưa đạt tối thiểu nhất, chừng 500mm trung bình trong năm cây điều vẫn sống được, nhưng nếu lượng mưa càng cao hơn mức trung bình thì cây điều khó thích ứng. Đã thế, mùa mưa lại không được trùng với mùa điều trổ hoa ra trái, dù đó là mưa phùn nhẹ hột. Mưa như vậy sẽ làm hỏng sự thụ phấn của hoa, mùa điều có thể bị mất trắng.

Cũng vì lẽ đó nên cây điều không thể trồng được tại miền Bắc nuớc ta, do mưa nhiều, mà hai mùa mưa nắng lạị không phân chia rõ rệt, tiết đông và xuân lại có mưa phùn, trời đã lạnh lại còn u ám. Trong khi đó, điều không chịu được lạnh và rất cần đến ánh sáng dồi dào, trung bình phải đạt được hai ngàn giờ mỗi năm mới tốt.

Tuy điều là giống cây chịu hạn giỏi, nhưng trong mùa hạn hán nếu có sẵn nguồn nước tưới dồi dào, tạo hệ thống ống dẫn để đưa nước tưới đến khắp vườn, đến tận từng gốc cây, dù là mỗi tuần chỉ một đôi lần chắc chắn sẽ làm cho điều tươi tốt hơn, năng suất sẽ cao hơn …

0