18/06/2018, 17:04

Trần triều nghi vấn: Quốc mẫu Trần Thị

công chúa đời Trần- tranh của Phan Thanh Nam Đặng Thanh Bình Việt sử lược chép: “Kỷ Tị [1209] Rước vương tử Thầm lên ngôi ở tại nhà đó. Lúc bấy giờ, gia thần của Sảm là Lưu Thiệu nói với Nguyên Tổ và người Giao Hào là Phạm Ngu rằng: Thầm tuy lớn nhưng là con thứ, Sảm tuy bé ...

cong chua doi tran

công chúa đời Trần- tranh của Phan Thanh Nam

Đặng Thanh Bình

Việt sử lược chép: “Kỷ Tị [1209] Rước vương tử Thầm lên ngôi ở tại nhà đó. Lúc bấy giờ, gia thần của Sảm là Lưu Thiệu nói với Nguyên Tổ và người Giao Hào là Phạm Ngu rằng: Thầm tuy lớn nhưng là con thứ, Sảm tuy bé nhưng là con cả, xin 2 ông lo liệu. Nguyên Tổ bèn cùng Ngu rước Sảm về Mang Nhân lên ngôi, xưng là Thắng vương, giáng Thầm làm vương (…) lấy Nguyên Tổ làm Minh sự, Ngu làm Thượng phẩm phụng ngự”.   

Việt sử lược chép: “Canh Ngọ [1210] Vua sai người đi đón con gái thứ họ Trần. Tự Khánh không chịu cho đón (…) Tân Mùi [1211] Mùa xuân tháng giêng, vua lại sai đón con gái thứ họ Trần. Tự Khánh không chịu cho đón (…) Ngày Quý Dậu, vua lại sai đón con gái thứ họ Trần. Tự Khánh sai nội điện trực là Phùng Tá Chu và tướng là Phan Lân, Nguyễn Ngạnh đưa con gái thứ của họ Trần về kinh sư”.

Toàn thư chép: “Tân Mùi [1211] Tháng 2 vua lại sai Phụng ngự là Phạm Bố đi đón Trần thị. Tự Khánh bèn sai bọn Phùng Tá Chu đưa Trần thị đi. Gặp khi Tô Trung Từ và Đỗ Quảng đang đánh nhau ở [bến] Triều Đông, Tá Chu bèn đỗ thuyền ở bến Đại Thông [Trung Từ mượn binh của Lân và Ngạnh] Đỗ Quảng bị thua. Bố và Trung Từ đưa Trần thị vào cung, lập làm nguyên phi; cho Trung Từ làm Thái uý phụ chính; phong Thuận Lưu bá Trần Tự Khánh làm Chương Thành hầu”.

– Khoảng tháng 10/2010 Cao Tông băng, xảy ra xung đột giữa các quan lại cũ của triều đình với Tô Trung Từ. Huệ Tông nhiều lần muốn rước Trần thị về kinh sư, nhưng Tự Khánh không chịu. Khánh giận bởi khi Cao Tông mất, muốn vào dự lễ tang như Trung Tự không cho. Theo Toàn thư thì tháng 2/1211 Huệ Tông lại sai người đi rước Trần thị và lần này Tự Khánh chấp thuận, nhưng trong các lần vua sai người đi rước, tuyệt không thấy chép đến tên sứ giả, lần rước được Trần thị thì Toàn thư chép rất rõ là Phụng ngự Phạm Bố. Không rõ Phạm Bố có mối quan hệ gì với Phạm Ngu hay không ?

– Vua sai sứ đi rước vợ thì ai dám cướp mà Trần Tự Khánh phải cử Phùng Tá Chu, Phan Lân, Nguyễn Ngạnh đưa Trần thị về kinh sư. Đỗ Quảng và Tô Trung Tự giữ nhau từ tháng 12/1210 đến tháng 2/1211 vẫn chưa phân thắng thua. Nhưng khi có Lân và Ngạnh giúp sức thì Quảng bại. Rõ ràng Tự Khánh đã cử rất nhiều binh lính để hộ tống Trần thị. Hoặc là Trung Tự thấy sức không đủ chống lại quan quân cũ của triều đình nên có ý liên kết với người cháu là Tự Khánh, nên nhân việc rước Trần thị cũng tiện việc mượn binh và điều kiện mà Khánh đưa ra có lẽ là tước Chương Thành hầu chăng ?

Việt sử lược chép: “Tân Mùi [1211] Tháng 10, người Hồng đánh Phạm Vũ ở Nam Sách (…) Vũ thắt cổ chết. Người Nam Sách cầu cứu Tự Khánh (…) Quý Dậu [1213] Tháng 7, người Nam Sách là Phạm Dĩ đánh Đinh Khôi phải bỏ chạy (…) Tháng 9, tướng của Tự Khánh là Đinh Khôi làm phản. Tự Khánh bắt giết đi (…) Giáp Tuất [1214] Phạm Ngữ giữ Bần Ải [Bần Yên Nhân, Mỹ Hào, Hưng Yên ? – TQV] Đinh Sửu [1217] Tháng 4, Nguyễn Nộn đem binh đánh Phạm Ân. Quân của Ân bị hãm ở cửa đầm Lãnh Kinh (…) Vua ngự ở tòa Lương Thạch, xét tội Phạm Ân thua trận, truất Ân làm tiểu thị vệ, đánh 80 trượng (…) Kỷ Mão [1219] Thái úy sai Vương Lê đem binh đến Nam Sách hợp cùng Phạm Dĩ đánh Nộn. Gặp lúc Dĩ bệnh nặng, thái úy sai thầy thuốc Thạch Chương sang chữa, chưa tới nơi thì Dĩ đã mất”.

– Trong những người họ Phạm theo Trần Tự Khánh khởi binh thì thấy rằng có nhóm người Nam Sách như Phạm Vũ, Phạm Dĩ và nhóm người Giao Hào như Phạm Ngu, Phạm Ngữ. Mỹ Hào trước là Đường Hào, quê của Phạm Ngũ Lão (1255-1320). Tôi phỏng đoán bà Phạm thị, vợ của Trần Tự Khánh có mối liên hệ với họ Phạm ở Đường Hào, bởi vì việc tôn Hạo Sảm lên ngôi, rồi giáng Thầm làm vương là việc rất quan trọng. Phạm Ngu, Trần Lý và Lưu Thiệu phải có mối quan hệ rất tốt mới cùng nhau thực hiện việc phế lập ?

Toàn thư chép: “Kỉ Mùi [1259] Mùa xuân tháng giêng, phu nhân của Trần Thủ Độ là Linh Từ quốc mẫu Trần thị mất. Trần thị được gọi là quốc mẫu vì đó vốn là hiệu của Ngô phu nhân trước kia, tức là hoàng hậu. Thái Tông thấy Linh Từ đã từng làm hoàng hậu của Lý Huệ Tông, không nỡ gọi là công chúa, cho nên phong làm quốc mẫu, cũng là biệt danh của hoàng hậu. Xe kiệu mũ áo quân hầu của bà đều ngang với hoàng hậu”.

– Theo như Toàn thư thì Trần thị được gọi là quốc mẫu, tức là hoàng hậu. Quốc mẫu vốn là hiệu của Ngô phu nhân. Chúng ta biết gì về vị Ngô phu nhân này ? Theo như Toàn thư thì Thái Tông “không nỡ” gọi Trần thị là công chúa nên mới phong làm quốc mẫu vì Trần thị đã từng là hoàng hậu của Lý Huệ Tông. Xem như thế Quốc mẫu là để dùng cho những người từng là hoàng hậu ?

Việt sử lược chép năm 1188, thái sư Đỗ An Thuận mất, lấy thái phó Ngô Lý Tín làm phụ chính. Năm 1190, thái phó Ngô Lý Tín chết, dùng Đàm Dĩ Mông làm phụ chính. Rõ ràng dưới triều Cao Tông có nhân vật họ Ngô giữ chức vụ rất lớn trong triều đình. Nhưng điều thú vị là người thay thế Ngô thái phó là Đàm Dĩ Mông, chính là chú của Đàm thái hậu và là em trai của tướng Đàm Thì Phụng (và Thì Phụng có lẽ mới là vị tả cụ thánh trong sự biến liên quan tới Đỗ Anh Vũ năm 1148 chứ không phải Đàm Dĩ Mông như Toàn thư chép).

Cũng tương tự, tiền nhiệm của Ngô thái phó là Đỗ An Thuận, chính là em trai của Đỗ thái hậu Thụy Châu. Nên ngờ rằng Ngô Lý Tín hẳn là có quan hệ với vị Ngô phu nhân, nhưng vào thời điểm mà Ngô thái phó còn làm phụ chính thì Ngô phu nhân vẫn còn là hoàng hậu. Nhưng Việt sử lược có chép một sự kiện liên quan tới Mạc Hiển Tích tư thông với Thái hậu Thụy Châu năm 1189. Trước hết, Đỗ thái hậu và Mạc Hiển Tích (như Toàn thư chép năm 1086 trúng Hàn lâm viện) thì cả 2 vị này cũng đã rất lớn tuổi, việc tư thông rất khó xảy ra ? Có lẽ do cái tiếng của vị thái hậu này trước đây đã từng tư thông với Đỗ Anh Vũ nên nay chịu tiếng ngờ hoặc của người đời chăng ?

Như vậy là năm 1188, Ngô Lý Tín giữ chức phụ chính, năm 1189 thì liên quan tới vụ án Mạc Hiển Tích, năm 1190 thì chết. Có lẽ vụ án Mạc Hiển Tích không đơn giản như sách sử đã chép, tôi ngờ rằng nó liên quan tới âm mưu chính trị, mà kết cục là Ngô thái phó chết, Ngô hoàng hậu bị biếm thành quốc mẫu.

– Bằng chứng khác cho thấy sự biến năm 1189 là một âm mưu chính trị, đó là vào tháng 2/1190 Đỗ thái hậu chết thì sau đó Ngô thái phó cũng chết. Việc này cũng cho thấy Ngô thái phó có mối quan hệ tốt với Đỗ thái hậu. Theo tài liệu của tiến sĩ Ngô Đăng Doanh thì đền Gắm [thôn Cẩm Khê, Tiên Lãng, Hải Phòng] là nơi thờ thượng tướng quân Ngô Lý Tín, ngài sinh năm 1126 và mất năm 1190, cha ngài là Ngô Huy Hiếu và mẹ ngài là Đào Thị Phúc, quê trang Vĩnh Đồng, huyện Khoái Châu, trấn Sơn Nam. Tôi cho rằng: Ngô Lý Tín có liên quan tới mạn ven biển vì như Toàn thư chép: năm 1182 lấy Ngô Lý Tín làm thượng tướng quân, đem quân thủy bộ đi tuần bắt trộm cướp nên năm 1184 hai nước Xiêm La và Tam Phật Tề vào trấn Vân Đồn xin buôn bán.

Thiền uyển tập anh chép: “Thiền sư Trì Bát ( ? – 1190). Chùa Thanh Tước, núi Du Hý, làng Cát Lợi Hy, Thường Lạc. Người Ô Diên Vĩnh Khương, họ Nguyễn, nguyên là cậu của Thái úy Tô Hiến Thành, triều vua Anh Tôn nhà Lý”.

Thiền uyển tập anh chép: “Thiền sư Khuông Việt (933-1011). Chùa Phật Đà, làng Cát Lợi, Thường Lạc. Người Cát Lợi, họ Ngô, thuộc dòng dõi Ngô Thuận Đế (…) Sau Sư lấy cớ già yếu, xin từ về núi Du Hí ở quận mình, lập chùa trụ trì; người học tìm tới đông đảo”.

Thiền uyển tập anh chép: “Thiền sư Tịnh Lực (1112-1175). Am Việt Vương Trì, Tỉnh Cương, Vũ Ninh. Người Cát Lăng, Vũ Bình họ Ngô, tên Trạm”.

Thiền uyển tập anh chép: “Thiền sư Trí Nhàn. Am Phù Môn, núi Cao Dã, Yên Lãng. Người Phong Châu, họ Lê, tên Thước là miêu duệ của Ngự Man Vương triều Lê (…) Hai triều đại Anh Tôn và Cao Tôn, nhiều lần triệu thỉnh mà Sư không đáp. Phụ quốc thái úy Tô Hiến Thành và thái bảo Ngô Hòa Nghĩa đem lễ thầy trò đến tìm, trải qua 10 năm chưa hề biết mặt. Bỗng một hôm, Sư cùng các vị ấy gặp nhau, họ vui mừng khôn xiết”.

Việt sử lược chép: “Tân Mùi [1211] Tướng của Nguyễn Tự là Nguyễn Thử báo với Trung Từ rằng: Tự định giết con rể Từ là Nguyễn Ma La, rồi làm phản. Trung Từ giận, đoạt hết binh quyền của Tự. Tự sợ chạy sang Quốc Oai (…) Nhâm Thân [1212] Tự đánh người Cát Lợi là Ngô Thưởng Vu và Vũ Cao, bị trúng tên bèn về ở ngõ Tây Dương (…) Quý Dậu [1213] Thái hậu ngầm sai tên tiểu thị vệ hỏa đầu Vương Thường vời tướng ở đạo Phù Lạc là Phan Thế, ở đạo Bắc Giang là Ngô Nãi hẹn phát binh đánh Tự Khánh”.

– Theo tác giả Lê Mạnh Thát núi Thanh Tước chính là núi Du Hí và chùa Thanh Tước mà Trì Bát ở, rất có thể là do Khuông Việt dựng. Khi Nguyễn Tự bị chủ tướng Tô Trung Từ tước binh quyền, Tự sợ hãi chạy về Quốc Oai, sau khi Trung Từ chết, Tự dẫn người Quốc Oai cướp phủ vua. Như thế tôi cho rằng Nguyễn Tự người Quốc Oai và rất có thể có mối quan hệ thân tộc với Trí Bát thiền sư. Trì Bát thiền sư là cậu của thái úy Tô Hiến Thành và như thế rất có thể Tô Trung Từ có quan hệ thân tộc với Tô Hiến Thành.

Theo Thiền uyển tập anh thì thiền sư Trí Nhàn gặp Tô Hiến Thành và Ngô Hòa Nghĩa đồng thời, như thế cuộc gặp phải diễn ra trước khi Tô Hiến Thành mất, tức là trước năm 1179. Cũng theo Thiền uyển tập anh thì Tô thái úy và Ngô thái phó trải 10 năm dâng lễ mới gặp được thiền sư, xem như vậy thì 10 năm, trước cuộc gặp bất ngờ thì thiền sư Lê Thước đã rất nổi tiếng.

 Theo trình tự ghi chép của Thiền uyển tập anh thì triều Cao Tông cho thỉnh nhưng sư không đáp, rồi bỗng một hôm sư gặp Tô thái úy và Ngô thái phó, sau đó là họ vui mừng khôn xiết, như thế xem ra rất có thể kịch bản diễn ra như sau: thiền sư Lê Thước đã rất nổi tiếng dưới triều Anh Tông, triều đình thỉnh nhưng sư không đáp, các thái úy Tô Hiến Thành, thái phó Ngô Hòa Nghĩa dâng lễ. Sang thời Cao Tông triều đình tiếp tục thỉnh nhưng sư không đáp, nhưng bỗng một hôm sư xuất hiện ở kinh thành và gặp đồng thời 2 vị đệ tử là Tô thái úy và Ngô thái phó. Vậy thì thời điểm diễn ra cuộc gặp vào khoảng từ năm 1175 đến năm 1179.

Theo Việt sử lược thì vào tháng 9/1175 có ánh sáng thần xuất hiện ở núi Thái Lãm, phải chăng đây là điềm báo sự xuất hiện của thiền sư tại kinh thành ? Nhưng nếu đúng thì vì sao thiền sư tự dưng lại xuất hiện ở kinh sư, trong khi nhiều lần triều đình cho thỉnh mà sư không đáp ?

 Đó có thể là do vào tháng 7/1175 đã xảy ra 1 sự kiện lớn, chính là việc vua Anh Tông mất. Mẹ vua Lý Anh Tông là người trong gia tộc họ Lê của thiền sư Trí Nhàn. Nếu cuộc gặp diễn ra vào tháng 9/1175 thì đến  1188 là 13 năm, mà trước đó vào năm 1182, Ngô Lý Tín mới được phong thượng tướng quân, tất nhiên là lối chép truyện của Thiền uyển tập anh thường không chính xác giữa thời gian và chức tước, nhưng dù sao tôi cũng thấy rất khó để Ngô Hòa Nghĩa là Ngô Lý Tín! Nhưng tôi ngờ rằng 2 nhân vật này có mối quan hệ thân tộc, vì thời gian khá sát nên tôi cho rằng có thể họ là anh em chăng ?

– Theo tác giả Lê Mạnh Thát thì thiền sư Tịnh Lực quê Cát Lăng, thuộc huyện Tiên Lữ, phủ Khoái Châu. Trùng hợp với ba của Ngô Lý Tín là Ngô Huy Hiếu theo thần tích truyền thuyết. Còn vị tướng Ngô Thưởng Vu người Cát Lợi và Ngô Nãi người Bắc Giang có lẽ liên quan tới Khuông Việt đại sư chăng ?

Việt sử lược chép: “Nhâm Thân [1212] Mùa xuân tháng giêng, Quan Minh Tự ở Thuận Lưu là Trần Tự Khánh cùng với Nguyễn Tự hội họp nhau ở bến Triều Đông thề là đến chết vẫn kết giao với nhau mà hết lòng giúp nước, cùng chung dẹp yên cho dân cái họa nhiễu loạn. Rồi chia theo hai bờ con sông lớn, mỗi người tự quản lãnh mọi việc một bên. Từ Thượng Khối đến Na Ngạn, con đường ven theo Bắc Giang và làng ấp ở Lục Lộ thì thuộc về Trần Tự Khánh. Từ Kinh Ngạn đến Ô Diên thì thuộc về Nguyễn Tự. Hẹn nhau đến tháng 3 họp binh đánh người vùng Hồng (…) Tháng 2, Nguyễn Tự đánh người Cát Lợi là Ngô Thưởng Vu và Võ Cao, bị tên bắn trúng bèn trở về ở ngõ Tây Dương. Hơn một tuần thì vì lầm lỡ ăn nằm cùng với đàn bà nên khí độc lại phát lên mà chết. Nhà vua sai người đến vỗ về tướng lĩnh của Tự. Nhưng người vua sai bị tên phó tướng là Nguyễn Cuộc giết. Nhà vua giận lắm, mới tự làm tướng dẫn quân đi đánh Nguyễn Cuộc ở ngoài thành Tây Dương. Lúc tiến đến ngõ Phổ Hỷ, quan quân nhà vua thua to. Cây bảo kiếm nhà vua dùng cũng mất. Vua phải ra roi giục ngựa mà chạy về đến ngõ Diêu Tắc mới thoát được”.

– Ghi chép của Việt sử lược về cái chết của Nguyễn Tự cũng rất đang nghi ngờ ? Thoặt xem qua thấy Việt sử lược chép Nguyễn Tự lỡ ăn nằm với đàn bà nên độc khí lại bốc lên dẫn tới cái chết (độc khí phục phát nhi tốt) làm chúng ta nghĩ rằng khi đánh Cát Lợi vào tháng 2/1212 Tự trúng tên có độc, nhưng xem kỹ thì thấy rằng mô tả của Việt sử lược không hề nhắc tới tên có độc tố (vi lưu thỉ sở trúng).

Theo ghi chép của Việt sử lược thì Nguyễn Tự chỉ bị trúng tên lạc mà thôi, nhưng hẳn là vết thương nặng, tuy nhiên cơn nguy kịch đã qua, cũng hơn 10 ngày kể từ thời điểm trúng tên, Tự vẫn sống dù là chưa bình phục hẳn. Việc tử vong khi quan hệ tính dục là chuyện không hiếm, nhưng ở đây tôi muốn hướng đến giả thuyết về cái chết của Nguyễn Tự liên quan tới âm mưu chính trị.

Cái chết của Nguyễn Tự liên quan tới đàn bà nên đối tượng mà chúng ta nghĩ đến đầu tiên là họ Trần, nhưng trước khi đánh Cát Lợi, Tự đã có thỏa thuận với Khánh sẽ cùng công người Hồng vào tháng 3/1212. Thỏa thuận này rất có lợi cho Khánh nên rất khó để họ Trần là thủ phạm ?

Thú vị là sau khi Tự chết, Huệ Tông sai sứ đến chiêu an phó tướng của Tự là Nguyễn Cuộc. Nhưng Nguyễn Cuộc đã giết sai sứ của vua. Chúng ta không biết chính xác thì vì lý do gì mà Cuộc phải giết sứ giả của vua ? Nhưng bình thường thì chủ tướng vừa chết, lòng quân hỗn loạn, trước mắt Cuộc cứ tạm nhận đề nghị của vua, rồi toan tính tiếp hoặc chí ít nếu có từ chối cũng không nhất thiết phải giết sứ giả của vua, vì việc đó rõ ràng đã khiến triều đình tức giận và bằng chứng là cuộc tấn công do đích thân vua tiến hành.

Về phía triều đình, việc cử sứ giả đi chiêu an, khi sứ bị chém, triều đình đã tức giận, dẫn quân thảo phạt, nhưng nếu sức triều đình yếu thế thì cũng không nên vì sứ giả bị chém mà tấn công, lại thêm nếu có thảo phạt thì cũng không nhất thiết phải đích thân vua tiến hành, có thể dùng em của thái hậu là Đàm Kinh Bang, người được giữ chức  phụ chính vào tháng 1/1212. Nhưng Huệ Tông vẫn thân chinh thảo phạt, ấy là vì vua muốn khẳng định với các sứ quân cát cứ và rất có thể Huệ Tông đã có kế hoạch tấn công Nguyễn Cuộc nếu như việc chiêu an không thành ?

Kế hoạch đã được toan tính kỹ nên vua mới tự tin dẫn quân thảo phạt. Vào tháng 12/1211 Trần Tự Khánh đem quân đóng ở Tế Giang khiến vua và thái hậu đã vội đi chơi ở bến Lãnh Kinh, trong khi Khánh phải chịu thỏa thuận chia đất, hòa bình với Nguyễn Tự. Tôi cho rằng sau khi thua người Cát Lợi, Huệ Tông đã lên kế hoạch kiêm tính Nguyễn Tự.

         

0