Lịch sử và huyền tích Họ Vũ Bắc Ninh với sự nghiệp dựng nước giữ nước của dân tộc Việt Nam
Vũ Ngọc Phương Gia phả Vũ Tộc ( Bắc Ninh) chữ Hán, bản gốc viết trên giấy dó sắc phong thần mầu vàng in hình rồng phượng của Đoan Hậu Công Vũ Đức Quang chép lại từ Vũ Tộc Thủy tổ cho biết Họ Vũ Bắc Ninh ( Làng Đông Cao, xã Đông Cứu, huyện Gia Lương Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh ngày ...
Vũ Ngọc Phương
Gia phả Vũ Tộc ( Bắc Ninh) chữ Hán, bản gốc viết trên giấy dó sắc phong thần mầu vàng in hình rồng phượng của Đoan Hậu Công Vũ Đức Quang chép lại từ Vũ Tộc Thủy tổ cho biết Họ Vũ Bắc Ninh ( Làng Đông Cao, xã Đông Cứu, huyện Gia Lương Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh ngày nay) là Chi đích Tôn của Họ Vũ Công ở Phượng Lâu, Việt Trì, Phú Thọ. Sau khi Bà Vũ thị Thục Nương – Uy viễn Đông Nhung Đại tướng quân tuẫn tiết ngày 17 tháng 3 năm 43 sau Công Nguyên khi chống lại 30 vạn quân Đông Hán trong Đại khởi nghĩa Hai Bà Trưng, họ Vũ Công bị truy sát gắt gao nhưng quyết không đổi họ. Họ Vũ Công phân tán một phần lên vùng rừng núi Phú Thọ, Hà Giang. Một số về vùng ven biển Hải Phòng lúc đó là rừng ngập mặn hiểm trở, sau này nơi lập nghiệp chính là trang Du Lễ, Du Lễ, xã Cung Hiệp, huyện Nghi Dương, nay là huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng. Nơi đây sinh ra Danh Tướng Tả Phó Đô Ngự sử, Bát Hải Đại Vương Vũ Hải sinh năm Giáp Ngọ (1255) dưới triều Trần, hai lần ra trận đánh quân Nguyên Mông và hy sinh ngày 8 tháng 3 năm Mậu Tý (1288) khi mới 33 tuổi trên cửa biển Đại Bàng thuộc xã Bàng La ( huyện Đồ Sơn, Hải Phòng), thôn Quần Mục (Đại Hợp ngày nay).
Đến cuối thời Lê Sơ, dưới triều Lê Uy Mục( 1505 – 1509), Lê Tương Dực (1510 – 1516) ngày càng mục ruỗng. Vua thì tàn bạo, ăn chơi xa sỉ, lấy việc giết cung nữ, giết sư làm vui. Trong nước lúc đó loạn lạc, giặc cướp nổi lên khắp nơi, mất mùa, dân lầm than lưu tán, người chết đường không ai chôn cất. Sau, Chi Họ Vũ ở trang Du Lễ có Vũ Hộ ((1478–1531), là người văn võ song toàn, sức khỏe địch nổi muôn người, có nhiều quân công dẹp loạn nên Năm Tân Tỵ (1521), ông được phong làm Quỳnh Khê Hầu dưới triều vua Lê Chiêu Tông và Cung Hoàng
( 1516 – 1527). Thấy nước loạn, ông đã cầm quân giúp Mạc Đăng Dung dẹp loạn, lập nên Vương triều Nhà Mạc. Vũ Hộ được phong Khai phủ Nghi đồng tam ty, Bình Chương Quân quốc trọng sự, Thừa tướng Thượng tể coi quản tất cả công việc triều đình Nhà Mạc, ông là Khai quốc Công thần Nhà Mạc, được xếp hạng công đầu. Dưới thời Mạc Thái Tổ Đăng Dung, Vũ Hộ đã có công trị nước, yên dân, chỉ mấy năm thiên hạ thái bình, dân chúng no đủ, phép nước nghiêm mà khoan sức dân nên đêm nhà không phải đóng cửa, của rơi ngoài đường được trả lại. Sử thần Lê Quý Đôn nhà Hậu Lê ghi trong Bộ Đại Việt Thông sử đã đánh giá rất cao vai trò của Vũ Hộ trong việc giúp Mạc Đăng Dung lập nên Vương triều Nhà Mạc:“Trong khoảng những năm Quang Thiệu, Thống Nguyên (1516-1527), Vũ Hộ trấn giữ một trấn quan trọng, nắm giữ quân đội mạnh, chống lại chiếu mệnh của thiên tử, cùng với Mạc Đăng Dung liên quân chống đối triều đình. Cho nên việc giặc Mạc cướp ngôi thực là nhờ vào Vũ Hộ mà ra”.
Sau năm Nhâm Thìn (1592), khi Nhà Lê được Chúa Trịnh chấn hưng cơ nghiệp chiếm lại Thăng Long “ Bình An Vương giúp vua Lê Thế Tông khôi phục nhà Lê giết hết ngụy đảng, đem quân về Cổ Trai phá hết cung điện, hủy bia đá, chặt hết cây trồng trong lăng ( Mạc) – Đại Việt Thông sử, Lê Quý Đôn). Các đền thờ, di tích của Triều Mạc bị đốt phá hết, trong đó có các đền thờ Vũ Hộ. Con cháu nhà Mạc phải đổi họ, tản mát khắp nơi để tránh sự trả thù của triều Lê – Trịnh.
Sau 1,549 năm phiêu tán từ Phượng Lâu, Việt trì, Phú Thọ, chi Họ Vũ về định cư ở làng Đông Cao, dưới chân núi Thiên Thai, huyện Lương Tài (nay là huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh). Cụ Tổ họ Vũ Đông Cao là Cụ Vũ hiệu Phúc Trường, Cụ bà là họ Nguyễn hiệu Từ Trang sinh Cụ Vũ hiệu Phúc Trung, vợ là bà họ Nguyễn hiệu Từ Định sinh hạ được 3 trai, 4 gái. Một người con là Huyền Tuấn Vũ Pháp Ứng có hai con trai là Vũ Phúc ( Lương Công) và Vũ Pháp (Ninh Công), quan vị, chức tước đều không ghi rõ. Cụ Huyền Tuấn Vũ Pháp Ứng thọ hơn 60 tuổi, mất ngày 19 tháng 10, đến năm Canh Thân (1740) đời Lê Hiển Tông ( Niên hiệu Cảnh Hưng, 1740 – 1786) thì cải táng ở Đồng Ấn, thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu (nay là xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, Bắc Ninh) có truyền rằng sau hơn 20 Kỷ ( 12 năm là một Kỷ) thì sẽ phát. Theo các bậc Trưởng Lão Họ Vũ ở Đông Cao nói rằng hơn 30 năm trước mộ của Cụ Vũ Pháp Ứng chỉ nhỏ như một nấm đất, sau cứ to dần lên. Đến nay đã to như một gò đất tròn có đường kính khoảng hơn 4m, cao khoảng 3m. Hàng năm họ Vũ Đông Cao vẫn tế lễ, trông coi mộ Cụ. Vợ cụ Vũ Pháp Ứng là bà Nguyễn hiệu Thục Mỹ Nhụ Nhân sinh được hai trai là Vũ hiệu Phúc Lương sau chi này dứt. Con trai thứ hai là Pháp Ninh Vũ Nghiêm. Bà phu nhân họ Nguyễn Thục Mỹ Nhụ Nhân thọ 62 tuổi, mất ngày 29 tháng 8, mộ táng ở xứ Ao Khoai của làng. Truyền rằng nơi mộ táng là gò đất con Thổ, trước án có huyệt gò nổi lên như “ Tiền quan phủ phục cúi lậy”. Sau khi táng xong, Pháp Ninh Vũ Nghiêm làm quan đến chức Thiêm sự thuộc Mật Viện (chức Chánh ngũ phẩm, dưới có chức Thiếu Thiêm sự – Từ điển Chức quan Việt Nam, Đỗ văn Ninh). Pháp Ninh Vũ Nghiêm có bà chính Phu nhân là Nguyễn ( thị) húy là Vực, sinh được 2 trai, 3 gái. Hai trai sau đều hiển đạt, một người làm đến chức Đề Lĩnh Mật sát tứ thành, Quản trấn hậu cơ, Thái Lĩnh Hầu, một người làm Trạch Đức Hầu dưới triều Lê (Trung hưng).Gia phả ghi Cụ Thái Lĩnh Hầu Vũ Bân cải cát Cụ Nội là Huyền Tuấn Vũ Pháp Ứng năm 1779 và cải táng cha là Cụ Pháp Ninh Vũ Nghiêm năm 1807.
Thái Lĩnh Hầu Chính Hòa Vũ Bân sinh năm Bính Dần (1746 – Đời Lê Cảnh Hưng), thọ 67 tuổi, mất ở nhà ngày 13 tháng 6 năm Nhâm Thân (1812 – Năm thứ 11 triều Nguyễn Gia Long) là quan nhất phẩm ( Ngang với Tể tướng Thái bảo) vì có nhiều công lớn dẹp giặc. Gia phả Họ Vũ Đông Cao ghi rõ: “ Năm 13 tuổi thì Cụ Pháp Ninh Vũ Nghiêm mất, tạm táng ở cửa Nam thành Thăng Long, gia sản nghèo túng, Cụ Vũ Bân phải bỏ học cùng mẹ và các em về quê. Sau Cụ nói: “ Làm trai phải lập danh, sao ở mãi xó nhà” rồi bỏ đi. Một hôm Thụy Quận Công Đề Lãnh Tứ thành ở triều về thấy công tử họ Vũ ngoài đường bèn gọi lại, hỏi cơ sự lấy làm thương cảm đưa về nhà nuôi dậy. Lúc ấy Vũ Bân 19 tuổi rất cường tráng, diện mạo lại khôi ngô, Thụy Quận Công cho học võ, không môn nào không tinh thông, bèn làm biểu tấu vua cho được tập ấm. Triều đình ban cho chức Cai Cơ ( Thời Lê Cảnh Hưng đặt một tỉnh có một Cơ binh là 400 người – Từ điển Chức quan Việt Nam, Đỗ văn Ninh) dưới quyền Thụy Quận Công. Ra trận vì có nhiều công, rất có tài, tự học mà thơ phú hay còn truyền lại ở đời, chỉ qua ít lâu được triều đình thăng lên Trung Lang tướng”.
Sau Vũ Bân dẹp yên loạn trong nước được thăng Thai Lĩnh Hầu, ở kinh đô một năm thì được giao đi trấn thủ biên cương. Thái Lĩnh Hầu Vũ Bân có nhiều vợ và thiếp sinh được hai trai, sáu gái. Một người thiếp sinh một con gái là Vũ thị Nguyên. Gia phả Họ Vũ Đông Cao trang 21 ghi rõ về Bà Vũ thị Nguyên như sau:
” Cụ (Vũ Bân) nạp một người thiếp sinh được một gái tên là Nguyên, về sau cùng chồng tuẫn nạn. Chồng Thị Nguyên là Quan Tư Đồ Thiếu phó, Đại tướng Tây Sơn lúc đó giữ thành Bình Định bị Đại tướng triều Nguyễn là Võ Tánh vây rất gấp. Thị Nguyên đích thân thống xuất đạo quân tinh nhuệ giải vây cho chồng rồ vây lại Võ Tánh. Võ Tánh dùng thuốc súng tự vẫn. Vua Gia Long đi xuyên sơn ra lấy Bắc Thành. Nhà Tây Sơn bị diệt, quân Bình Định vỡ. Vợ chồng Quan Thiếu phó mưu việc đi Ai Lao (Lào) tính việc khôi phục, quân Nhà Nguyễn Gia Long dò biết, đón đường bắt được, quấn nến vào người Vũ thị Nguyên đốt tế Võ Tánh để báo thù. Cụ Thái Lĩnh Hầu ăn mặc giả thường dân tới tận nơi, mục kính sự việc về thuật lại. Việc này có chép trong truyện Võ Tánh, Hoàng Nguyễn Thực Lục”.
Chức quan Thiếu Phó là một trong Tứ trụ triều đình, không thể có hai người. Tư Đồ Thiếu Phó duy nhất của Nhà Tây Sơn là Trần Quang Diệu. Có nghi vấn Thái sư Bùi Đắc Tuyên nhận bà Vũ Thị Nguyên làm con nuôi. Các sự kiện ghi trong Gia phả gốc Họ Vũ Đông Cao đều đúng với Hoàng Nguyễn Thực lục và Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn. Về cái chết của Đô đốc Bùi Thị Xuân được một giáo sỹ phương Tây là giáo sĩ De La Bissachère người chứng kiến buổi hành hình viết năm 1807, mô tả lại cái chết của mẹ con bà Bùi Thị Xuân, :
“ Đến lượt bà (Bùi thị Xuân), nhờ lớp vải ở bên trong quấn kín thân thể, nên tránh khỏi sự lõa lồ. Và bà rất bình thản bước lại trước đầu voi hét một tiếng thật lớn khiến voi giật mình lùi lại. Bọn lính phải vội vàng bắn hỏa pháo,đâm cây nhọn sau đít con vật để nó trở nên hung tợn, chạy bổ tới, giơ vòi quấn lấy bà tung lên trời…Nhưng trái với lệ thường, nó không chà đạp phạm nhân như mọi bận mà bỏ chạy vòng quanh pháp trường, rống lên những tiếng đầy sợ hãi khiến hàng vạn người xem hoảng hốt theo… nên phải trói bà vào cọc sắt quấn nến mà đốt”
Sử gia C. B. Mabon kể:
“Trần Quang Diệu cùng vợ và con gái, dẫn theo một số tàn quân chạy ra Bắc bằng đường thượng đạo Ai Lao. Đến châu Quy Hợp, Diệu xuống Hương Sơn thì biết tin Nghệ An đã mất. Quân sĩ của Diệu bỏ cả rồi, mấy hôm sau vợ chồng Quang Diệu đều bị bắt cả…”.
Vì vậy, phần viết trong gia phả bản gốc của Họ Vũ Đông Cao, Bắc Ninh – khác với nhiều gia phả một số họ viết chữ Hán gần đây – là một cứ liệu lịch sử tin cậy để tìm ra nguồn gốc và sự nghiệp của Nữ Anh Hùng Dân tộc Bùi thị Xuân có phải chính là bà Vũ thị Nguyên?
Bắc Hà binh biến, quân trong dinh tan vỡ, Thái Lĩnh Hầu Vũ Bân cùng với mấy thủ hạ thân tín cùng người thiếp quê ở Cổ Lễ đi đường xuyên sơn về Hà Hồi. Vũ Bân họp mấy mươi cựu thần Nhà Lê khởi binh đánh quân Tây Sơn. Được một tháng thua lớn, Vũ Bân và các quan đồng liêu bị bắt. Quan Tây Sơn hỏi:” Nhà ngươi sao dám làm vậy?” . Vũ Bân trả lời:” Vẫn biết không đánh được, nhưng chịu ơn Nhà Lê nên muốn lấy cái chết để trả ơn”. Quan Tây Sơn khen có nghĩa, không giết, chỉ giam lỏng. Sau khi Nhà Tây Sơn mất, Vũ Bân trở về quê chuyên làm ruộng và nuôi con ăn học. Vua Nguyễn Gia Long mời Vũ Bân ra làm quan, nhưng Cụ Vũ Bân lấy cớ tuổi già, sức yếu nhất định từ chối.
Tính Cụ Vũ Bân hào hiệp, hay cứu giúp người hoạn nạn, nghèo khổ. Ở quê nhà, thời đó dân nổi lên làm loạn, quan tri phủ, tri huyện được quyền sinh sát. Được dân báo quan tri huyện bắt hơn 100 người làng Phương Độ gần Đông Cao sắp đem hành hình. Cụ Vũ Bân giả không biết gì, đến gặp viên Tri Huyện rủ đi săn, viên quan huyện từ chối vì phải hành hình giặc ở Phương Độ. Cụ Vũ Bân bảo:” Tôi có người thiếp làng Phương Độ, không biết có bà con nào liên lụy không?”. Viên Quan Huyện nói:” Đã sai đóng cũi lăn cả xuống sông khỏi dùng gươm đao. Nếu Cụ có bà con xin mở cho về”. Cụ Vũ Bân ra cứu được hơn 30 người thoát chết. Cảm ơn đức được cứu sống, một người danh vọng Phương Độ đưa em giá rất xinh đẹp là Nguyễn thị Duyên 20 tuổi sang làm thiếp cho đúng với lời Cụ nói. Sau bà Nguyễn thị Duyên sinh được một trai và ba gái. Khi Cụ Vũ Bân mất, người con trai là Vũ Diệm mới 15 tuổi cùng mẹ và ba em gái là: Vũ thị Khiết, Vũ thị Thái, Vũ thị Hải, ra Thăng Long ( Bắc Thành), lúc đầu ở xóm chợ Đông Thành, sau về Đồng Lạc làm nghệ nhuộm vải đào ở Phường Đồng Lạc chuyên nhuộm vải điều ( mầu đỏ tươi hay mầu Đào) nay chính là phố Hàng Đào, Hà Nội. Ngày ấy, còn có hồ Hàng Đào thông với hồ Tả Vọng ( Hồ Hoàn Kiếm ngày nay) bởi một lạch nước có cầu bắc qua (phố Cầu Gỗ) Thời Chất Quận Công Tổng trấn Bắc thành Nguyễn văn Thành thấy Vũ Diệm văn tài giỏi, bèn bổ dụng vào Chiêu Văn quán. Nhiều lần tiến cử với Triều đình Nguyễn nhưng vì nghi kỵ Danh sỹ Bắc Hà nên lần lữa không bổ nhiệm. Ông cũng từ quan về nhà dậy học. Nhà của Thông Mẫn Công Vũ Diệm nay là số nhà 42 phố Hàng Đào, Hà nội. Nhà xưa thông liền ra phía sau nay là đầu phố Hàng Quạt.
Tại 90 phố Hàng Đào ngày nay vẫn còn di tích đình thờ Thành Hoàng là Thông Mẫn Công Vũ Diệm. Hiện vẫn còn bia đá cổ của đình Hoa Lộc thị ( Gọi là Đình Đồng Lạc) ghi công Họ Vũ đã gây dựng nên Phường Đồng Lạc – Phố Hàng Đào ngày nay.
Thông Mẫn Công Vũ Diệm, tự là Ngọc Khanh, là Quán sinh Chiêu Văn quán thời cuối Lê. Trước khi sinh Vũ Diệm năm Đinh Tỵ (1797), lúc ấy Thái Lĩnh Hầu Vũ Bân đã 52 tuổi, nằm mộng thấy giữa nhà mọc lên một cây rất lớn, xanh tốt, hỏi thì thần bảo đó là cây Đức. Tỉnh giấc thì Thứ Phu Nhân họ Nguyễn sinh ra Vũ Diệm. Sau khi Thái Lĩnh Hầu mất, Vũ Diệm sang Bắc thành (Hà Nội) học được 7 năm thì cưới vợ họ Lê là quan tri huyện An Phong, ở riêng xóm Đông Thành làm nghề thợ nhuộm điều, ra Phường Đồng Lạc tháng 8 năm Giáp Ngọ ( 1834). Ba, bốn năm sau cưới thêm hai bà vợ nữa là Đào thị Bẩy hiệu Diệu Bẩy người làng Do đồng và Đào thị Thúy hiệu Từ Huệ người làng Đại Toán. Thông Mẫn Công Vũ Diệm dậy con: “ Phàm làm người chớ dùng hết thông minh của mình, dễ tổn âm đức”. Giờ tỵ ngày 28 tháng 2 năm Ất Mão (1855) thì mất, thọ 59 tuổi. Các bà Phu nhân sinh được năm trai, bốn gái.
Bà chính Phu nhân họ Lê (1795 – 1842) húy là Tú, hiệu là Trinh Thục, sinh đến 24 lần nhưng chỉ được một trai là Vũ Đức Quang, một gái lấy chồng làm tri huyện Đồng Hỉ, tỉnh Thái nguyên, sau mất năm Canh Tuất (1850) lúc 26 tuổi. Thông Mẫn Công Vũ Diệm làm nghề nhuộm vải, gia tư bần bách. Sau nhà có một ngõ nhỏ (nay là phố Lương Văn Can), một vườn chuối, có kẻ bị đuổi ném vào vườn một túi vàng nén. Bà Phu nhân Lê thị nhặt được đưa chồng bảo:” Nhà ta nghèo túng được của thế này không phải là dễ, nhưng của phi nghĩa lấy ích gì”, Vũ Diệm cho là phải bảo cất đi, sau mấy ngày có người đến tìm, hỏi nói đúng số vàng. Bà Phu nhân họ Lê mang trả, người nhận vàng xin chỉ nhận một nửa, nhưng cả hai vợ chồng nhất định không nhận. Trước khi mất dặn lại:” Từ đây về sau, thầy nhớ dặn con cũng như cháu chớ bỏ nghiệp học. Thôi tôi đi” . Phu Nhân Lê thị thọ 46 tuổi.
Đoan Hậu Công Vũ Đức Quang sinh giờ tỵ, ngày 19 tháng Chạp năm Kỷ Mão (1819), niên hiệu Gia Long thứ 18. Đêm trước khi sinh, Thông Mẫn Công Vũ Diệm ngủ mơ thấy Thần Nhân đưa cho con cá chép sống ở Đông Cao bảo rằng:” Ở đầm ao này có con yêu long hại trẻ con, được con cá này không lo gì nữa”. Tỉnh dậy thì Phu nhân họ Lê thị sinh ra Đức Quang, dưới da thấy có ngấn vẩy, lại sợ không nuôi được. Có thầy Tướng đi qua xem rồi bảo:” Chú bé này có kỳ cốt, không nhưng thọ mà còn sang nữa”. Lớn lên Vũ Đức Quang rất giỏi kinh sử, học thầy là Nguyễn Đình Dao, giáo thụ Cử nhân khoa Tân Tỵ (1822), lại học quan Nghè khoa Bính Tuất (1826) là Vũ Như Phan, người huyện Thọ xương, làm Đốc Học Bắc Ninh. Cụ Vũ Đức Quang nổi danh hay chữ một thời.
Năm 22 tuổi bị chứng hoàng đản, chữa mãi không khỏi. Một buổi trưa, ngủ mơ thấy một Thần Nữ xách giỏ đến cho ăn một thứ quả, đến quả thứ bẩy, Thần Nữ bảo:” Khỏi rồi”. Hỏi quả gì thì nói là quả Hòe Tiên. Tỉnh dậy đi tiểu nhiều lần, bệnh hết hẳn. Một đêm, đi trong ngõ làng, phía trước có 4 cô gái áo vá vừa đi vừa than thở:” Sao mãi không sang được kiếp khác” rồi mất hút vào nhà bên. Sáng ra, Cụ Vũ Đức Quang vào hỏi thăm nhà ấy có con chó cái mới sinh 4 con chó cái con vá, hỏi mua cả bốn con rồi hóa. Đêm về, Cụ Vũ Đức Quang lại mơ thấy 4 cô gái nọ đến tạ vì đã hóa kiếp, nay được đi thác sinh làm người. Năm canh Tuất (1850), mùa xuân, Vũ Đức Quang bị bệnh thời khí, rất nguy kịch, trong lúc mê mệt thấy quân lính tới dẫn đi đến một nơi Phủ đường uy nghi có một ông quan áo đỏ,râu dài, hai bên có đông võ sỹ mặc giáp trụ. Ông quan mời Cụ Vũ Đức Quang ngồi bảo:” Quân dịch bốn bề bận rộn, phiền ông giúp”. Cụ cố từ chối không được phải cầm bút viết ngay, trong bài có câu:” Tiếp lý công phi tiểu, điều nguyên phẩm cách cao”. Vị quan lớn khen mãi rồi tiễn xuống thềm, qua sân thấy lính đánh một người, nhìn ra là thầy lang quen biết ở Thành Đông. Đi một khoảng nữa thấy lính áp giải một người nhìn ra là em nuôi tên là Nguyễn văn Thi. Cụ Vũ Đức Quang cố phân giải mãi mới được tha cùng về. Tỉnh dậy bệnh khỏi hẳn, con trai văn Thi là Văn Nghị chạy vào thưa cha mắc bệnh chết nửa ngày vừa sống lại. Cụ Vũ Đức Qaung gọi con cháu kể lại giấc mơ, sai người đi xem thì quả nhiên ông lang nọ mất hôm đó.
Năm Bính Dần (1866), Tổng đốc tam huyện Sứ phần Nguyễn Bá Nghi ( Trước là Thượng Thư bộ Hộ, Khâm sai Đại thần ký Hòa ước Nhâm Tuất 1862) thấy Vũ Đức Quang đỗ mà không ra làm quan, lại nổi tiếng Danh sỹ Bắc Hà, mới cho mời làm Giáo thụ Phủ Quốc Oai (1867), quyền nhiếp Tri huyện Bất Đạt 3 tháng, Thạch Thất 6 tháng, vậy nên đương thời còn gọi là Cụ Giáo. Thường đi công phái, đỗ thuyền ở bến Việt Trì vào thăm đền, hoảng nhiên thấy cảnh trí y như mộng cũ. Từ đấy, việc quan bỏ hẳn, Cụ đi vân du khắp nơi kết giao các bậc danh nhân. Bậc tiền bối Phương Đình Nguyễn Siêu tặng Cụ có câu:” Hành chỉ đô vi hoặc, bất do nhân toán thành”, ý nói Vũ Đức Quang như hạc đồng, mây núi, tự tại ung dung. Đoan Hậu công Vũ Đức Quang nổi tiếng Danh Nho một thời, bạn quen đều là các nhân vật chủ chốt thời ấy.
Thời đó giặc Thanh kéo tràn sang hạt Tây Sơn giết người cướp của, xác chết trôi lấp sông Nhị Hà ( sông Hồng), Cụ Vũ Đức Quang thương xót quyên tiền thuê người ở bến Thanh Trì vớt xác mai táng bên chùa Mục Đồng kể có mấy nghìn. Mấy năm sau lại mua tiểu cải táng vào phía trong đê. Lại có thuyền buôn qua đồn Bạch Hạc bị giặc Thanh bắt mấy chục phụ nữ hãm hiếp. Trong đó có bà quê làng Đông Ngạc không chịu nhục nhẩy xuống sông tự trầm, cụ Vũ Đức Quang nghe tin thuê phường chài mò tìm vớt lên táng ở nơi gò cao. Giấy tờ vải lụa của bà còn trong người, chồng là Phan Nghĩa xin chuyển táng về làng Đông Ngạc. Các sĩ phu đương thời làm thơ phúng viếng rất nhiều. Cụ viết trình lên Triều đình tập thơ ấy, bà họ Phan được phong Tiết Phụ lập đền thờ Tiết phụ Nguyễn thị tại làng Đông Ngạc bây giờ.
Thời bấy giờ Bắc Hà loạn mãi không yên, Cụ Vũ Đức Quang thường đi khắp nơi quyên góp phát chẩn cứu đói, giặc cướp các nơi thấy cụ đều tránh, đương thời gọi cụ là Phật sống. Mùa thu Bính tý (1876) con trưởng Cụ là Vũ Cẩn đỗ cử nhân, sung vào Hàn Lâm Viện về kinh nhận chức, năm Đinh Hợi (1887) Vũ Cẩn được thăng Tham tá Bắc kỳ Kinh Lược sứ, Cụ Vũ Đức Quang được phong Hàn Lâm Viện thị giảng, Cụ bà được phong Ngũ Phẩm phu nhân. Năm Mậu Tý (1888) cụ Vũ Đức Quang 70 tuổi, cụ bà 68 tuổi, con cháu cân đai mũ mãng dự lễ mừng thọ đến mấy trăm người. Quan viên khắp nơi xa gần gửi thơ tặng đầy nhà. Cuối năm đó, nhân việc Tây xây cất khắp nơi phải di dời nghĩa địa, cụ Vũ Đức Quang đứng lên quyên góp dời táng được đến 7 vạn ngôi mộ. Cụ lại dịch “ Hiếu Cật Tâm Kinh” ra quốc âm, nay bản in còn ở Đền Ngọc Sơn. Vì cả đời Cụ làm việc cứu khổ cho dân nên đương thời gọi Cụ là Đoan Hậu Công. Ngày nay trên cổng đền Trung Liệt gò Đống Đa hiện vẫn còn đôi câu đối của Cụ Vũ Đức Quang:
“Thử thành quách, thử giang sang, bách chiến phong trần dư xích địa.
Vi Nhật linh, Vi Hà nhạc, thập niên tâm sự công thiên thanh”
Nghĩa là:
“Thành quách này, giang sơn này trăm trận phong trần đất vẫn còn hồng
Vì Trời cao, vì sông núi, mười năm tâm sự với trời xanh”
Là nói khí tiết của người Sĩ phu hy sinh vì việc nước được thờ ở Đền Trung Liệt là Đoàn Thọ đánh quân Thanh rồi chết trận năm Tân Mùi (1871), Nguyễn Tri Phương giữ thành Hà Nội chống Pháp tuẫn tiết năm Quý Dậu (1873), Hoàng Diệu giữ thành Hà Nội bị thất thủ vì Pháp tấn công đã tuẫn tiết năm Nhâm Ngọ (1882).
Trong Họ Vũ còn truyền lại Cụ Vũ Đức Quang nằm mộng thấy một ông già đưa Cụ đến một nơi nhà cửa to rộng, có một bảng vàng ghi chữ Nôm:
” Năm năm hoa nở một lần,
Xanh đen vàng đỏ đồng lần theo nhau”
Rồi ông già nói: “ Đây là thuộc về Chi họ nhà ông đấy”. Cụ Vũ Đức Quang bèn đối lại:
“ Nào đâu đã chắc hơn đâu,
Nhờ ơn Tạo Hóa về sau tài bồi”
Câu chuyện này được truyền tụng rộng khắp thời bấy giờ nên các câu đối mừng họ Vũ Đồng Lạc đều bóng gió đến câu:” Xanh, đen, vàng, đỏ” ở chuyện này. Theo cách tính thì Cụ Vũ Cẩn ứng vào Xanh,…
Thời Cụ, các con cụ là Vũ Cẩn, Vũ Ái, cháu là Vũ Hán Bích đều đỗ cao ra làm quan to, nhưng sau lại cáo quan về nhà. Trước đó, năm Canh Thìn (1880) Cụ Cử Đặng Đình Tuấn ( sau làm Đốc học) vào Kinh thi Hội đi qua đèo Ngang, đêm mơ thấy Thần nhân bảo:” Ta với Vũ Quân ở Đồng lạc là bạn cũ, không lâu nữa ông đi làm ở nơi rừng núi, còn Vũ Quân lại về làm nơi hải khẩu”. Cụ Đặng hỏi lại thì Thần nhân nói thêm:” Ông không quá mười năm, còn Vũ Quân được một kỷ (12 năm)” . Năm Kỷ Sửu quả nhiên Cụ Đặng mất, hai năm sau là năm Nhâm Thìn (1892), tháng 3, Cụ bị cảm sốt. Cụ tựa ghế ôn tồn kể cho các cháu mọi sự trên đời đã qua. Sau mười ngày bệnh giảm, Cụ đang ngồi uống nước thì bỗng nhưu có ai tới. Cụ bảo:” Cụ Quân Công họ Nguyễn ở Tống Khê lại chơi, các con dọn dẹp, đốt đèn rước Ngài”, rồi lại nói:” Bẩm chúng tôi vốn lười vụng không làm quan được. Tướng Công ép chúng tôi làm gì”. Hai con trai là Vũ Cẩn, Vũ Ái đứng bên tưởng Cụ nói sảng, Cụ ngoảnh lại bảo:” Không, ta không mê sảng. Tướng Công bảo ta đi, chắc ta không qua khỏi được”. Giờ Hợi ngày 15, con cháu túc trực đông đủ, Cụ từ biệt từng người rồi thiêm thiếp mà đi, trời đang trăng sao vằng vặc bỗng đâu nổi gió mưa ầm ầm. Đoan Hậu Công Vũ Đức Quang thọ 74 tuổi.
Khi sinh thời, Cụ Cống Vẽ để lại cho ông bà ngoại ( Thân mẫu của nhà văn Vũ Ngọc Phan là Cụ bà Nguyễn thị Thuần con gái Cụ Tú Vẽ) hai căn nhà lớn. Một ở phố Hàng Gai rất rộng bị Tây chiếm làm dinh Công sứ, một ở phố Hàng Bồ sau Tây cũng chiếm nốt. Ông ngoại Nhà văn Vũ Ngọc Phan có nuôi một con chó vàng tuyền, chân lùn tè, lưỡi đốm, đặt tên là Con Vịt. Quanh Phường Đồng Lạc thời ấy toàn nhà họ hàng và các Danh sỹ như Lương Văn Can ( Cử Can nhà bên số chẵn), Ngô văn Dạng ( tức là Cụ Kim Cổ ở phố Hàng Hài), Bùi Thức tức ông Nghè Châu Cầu thân sinh Phó Bảng Bùi Kỷ, Cụ Cống Sùng, Cống Vẽ – Có câu: “Hà thành thứ nhất Cống Sùng, thứ nhì Cống Vẽ,”… là nói các Cử Nhân làm nghề buôn bán. Mỗi khi nhà nào có tiệc tùng, giỗ,lễ,… Cụ bảo:” Vịt, hôm nay ở nhà ấy, nhà nọ có việc đấy. Mày sang mà chầu ăn”. Con Vịt ngồi nghe chăm chú, vẫy tít đuôi rồi đi. Các nhà đã biết con chó Vịt đến xin ăn, nên ăn xong cũng dồn thức ăn thừa cho nó. Ăn no rồi, con Vịt vừa sủa vừa vẫy đuôi như cảm ơn mới về nhà chui vào gầm gường Cụ. Sau khi Cụ mất, con Vịt nằm lỳ dưới gầm gường Cụ nhịn ăn rồi chết. Chuyện về con chó có nghĩa này được rất nhiều người đương thời biết. Nhà văn Vũ Ngọc Phan sau được bà mẹ đẻ kể lại, ông cũng hay nhắc đến chuyện chó Vịt trong những lần trò chuyện về thói đời. Sau trong hồi ký Những năm tháng ấy, Nhà văn cũng viết lại câu chuyện cảm động này ở chương:” Những ngày Tết xưa, ăn và mặc của người Hà Nội thời trước”.
Vũ Cẩn là trưởng nam của Đoan Hậu công Vũ Đức Quang, sinh vào giờ Tuất ngày 19 tháng 10 năm Mậu Tuất (1838). Trước khi sinh, Cụ Vũ Đức Quang mơ thấy đến nơi núi rừng hùng vĩ, trùng điệp, sông nước mênh mông rất đẹp, thấy đứa bé trai tắm dưới sông da đỏ hồng, Cụ hỏi thì được nói:” Cậu bé này thuộc hành Hỏa, sắp về nhà Cụ nên tắm”. Tỉnh giấc thì phu nhân sinh ra đúng nhưu cậu bé trong mộng, chỉ có da đỏ quá, có người mách tắm nước dừa thì khỏi, độ nửa năm thì trắng dần. Lúc bé hay ốm, bẩy tuổi đã khai tâm, học một biết mười, 10 tuổi làm thơ phú ai cũng khen hay. Đến năm 14 tuổi đã thông làu kinh sử, sách gì cũng biết. Thế nhưng đi thi lại không đỗ. Tháng 4 năm Ất Mão (1855), có tang Cụ Tằng tổ thì Cụ Vũ Cẩn theo mẹ ra Hà Nội. Học mấy tháng Cụ Tú Nguyễn ở Lương Đường rồi sang học Cụ Phương Đình Nguyễn Siêu. Học mấy tháng tiến bộ vượt bậc, Nguyễn Siêu lấy làm lạ. Vũ Cẩn được xếp vào hàng tỉnh nguyên nổi tiếng hay chữ, khi thi lại không đậu. Nguyên Siêu phải than thở mãi, nhiều bậc lão nho, các nhà cự phú đến xin văn Nguyễn Siêu rất đông, đều giao cho Cụ Vũ Cẩn viết. Năm Nhâm Thân (1872), Phương Đình Nguyễn Siêu ốm sắp mất thì Đại thần Phạm văn Khải cùng môn sinh Phạm Thận Duật về xin văn bia, Nguyễn Siêu đọc cho chép rồi mất. Đám tang Nguyễn Siêu có rất đông các vị Danh Nho viếng, các bức trướng rất nhiều. Bức đầu do Tiến sỹ Vũ Đông Phần tức Vũ Nhự ( Tiến sỹ năm Ất Sửu 1865) viết bị chê không dám viết. Tất cả hơn mười bức còn lại đều do Cụ Vũ Cẩn viết, người đời khen hay truyền tụng mãi về sau.
Năm Bính tý (1876), Cụ Vũ Cẩn đỗ Cử Nhân. Khao thi Hội năm sau bãi vì Chủ Khảo tư ý bị tội, kế luôn mấy năm có Lễ nên cũng không mở. Vua châu phê chọn người vào Hàn Lâm Viện Trước tác, cử chọn mãi được 3 người là Vũ Cẩn, Phạm Bành, Vũ Nhứ. Tết Nguyên Đán năm đó có lệnh Quan từ tứ phẩm trở lên được họa thơ vua, Cụ Vũ Cẩn làm thử, Biện Lý Bộ Hộ Bùi Văn Quế xem văn Vũ Cẩn lấy làm kinh ngạc cứ thế trình vua, bèn được thưởng thăng lên Thị lang. Cùng năm, Cụ Vũ Cẩn được giao làm tri huyện Phúc Thọ, kiêm Tri phủ Quốc Oai. Vừa nhận chức thì Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ nhất, Tổng đốc Nguyễn Tri phương cùng Phò mã Lâm chết trận (1873). Hòa ước chưa ký thì Thống Đốc Hoàng Kế Viêm chỉ huy quân Triều đình và quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc tiến đánh Pháp. Tổng đốc Sơn Tây Tôn Thất Úy sợ bèn giao cho Cụ Vũ Cẩn thay mình lo quân lương cho đại quân 4 vạn người của Hoàng Tá Viêm. Quân lương đủ cả, Hoàng Kế Viêm thống xuất quân đánh lui quân Pháp. Phục binh quân Cờ Đen giết được Đại úy Francis Garnier ở Cầu Giấy ( Sau 1954, mộ Francis Garnier vẫn còn lại bên đường Cầu Giấy trước cửa nhà khoảng 103 đến 108). Sau khi ký Hòa ước Giáp Tuất 1874, Hoàng Kế Viêm không tuân lệnh triều đình vẫn đánh Pháp, Cụ Vũ Cẩn tự minh chiêu mộ quân sỹ, rèn luyện làm thành một đội quân tinh nhuệ hơn cả quân triều đình để đánh Pháp, dẹp loạn. Hoàng Kế Viêm thấy vậy đã dùng quyền Đại Thần của mình thu hết quân đội của Cụ Vũ Cẩn. Cuối năm Tân Tỵ (1881) Đại tá Henri Riviere đem hai tầu và 400 quân ra Hà Nội. Tổng Đốc Hà nội là Hoàng Diệu đã phòng thủ nhưng 8g ngày 8 tháng 3 năm Nhâm Ngọ (1882) quân Pháp nổ súng đến 11g đã chiếm được. Tổng Đốc Hoàng Diệu tự vẫn.
Tiết chế Hoàng Kế Viêm sai Lưu Vĩnh Phúc lại phục binh ở Cầu Giấy, khi Henri Riviere đem quân ra bị chết tại trận, Đại úy Berthe de Villers bị thương nặng, hơn 100 quân Pháp chết và bị thương. Sơn tây thất thủ, Vũ Cẩn cùng quân sỹ thân tín đem gia đình chạy thoát. Nhiều người chịu ơn Quan Phủ Vũ Cẩn đều kéo theo bảo vệ. Bấy giờ trong một tháng triều đình thay đến ba vua, chỉ dụ ra bắt các quan ở Bắc Hà phải tuân lệnh, năm Ất Dậu (1885) Vũ Cẩn được triều đình bổ Hàn Lâm Viện thị Giảng, Án sát Ninh Bình rồi Tuần Phủ Ninh Bình. Sau vì dân được yên làm ăn nên lại thăng Vũ Cẩn Thị Giảng Học sỹ, Tham Biện Kinh Lược sự vụ. Vì không chịu sự sai khiến của Pháp nên Văn Khiêm tướng công Vũ Cẩn lấy cớ phụng dưỡng cha mẹ xin từ chức về quê. Năm Mậu Tý (1888) triều đình lại gọi Vũ Cẩn giao làm Chánh Giám khảo trường Nghệ An, Quang Lộc Tự khanh Tuần Phủ Ninh Bình, vì trong địa phận Vũ Cẩn cai trị dân được yên vui nên triều đình thăng thêm một cấp, nhưng Vũ cẩn vẫn xin về phụng dưỡng cha mẹ. Năm Thành Thái thứ 10 (1898), Vũ Cẩn về nghỉ vẫn giữ nguyên hàm vị lại giao Đốc Học Bắc Ninh, rồi thăng Thị Lang. Vũ Cẩn dậy học trò đông hàng ngàn người, có hơn 30 người đỗ đại khoa. Đêm 15 tháng 9 năm Thành Thái thứ 19 (1907) Cụ Vũ Cẩn mộng thấy Thần Nhân đến bảo:” Ta là Thần Đất này, Ông công thành danh toại rồi, sớm về thôi”, tỉnh dậy Cụ lấy bút ghi lại lời nói ấy, đến giờ Tuất đêm 24 thì Cụ không bệnh mà mất, thọ 70 tuổi. Tác phẩm để lại có Hàn Lâm Văn Thảo, Thai Lộc Văn thảo, Thai Lộc thi thảo và mấy tập câu đối. Sau khi mất, hung táng Cụ Vũ Cẩn trên sườn núi Phúc Đức, tục gọi là núi Nác. Học trò mặc áo tang mấy nghìn người trắng cả sườn núi. Có một người học trò ở lại dựng nhà để trông mộ thầy, sau thành một làng dưới chân núi. Cụ Vũ Cẩn có 3 bà phu nhân, sinh được 7 trai, 4 gái. Sau đều thành đạt.
Mộ Cụ Văn Khiêm Tướng Công Vũ Cẩn được Cụ xem từ trước nằm trên sườn núi Phúc Đức, đầu thế kỷ 20, núi Phúc Đức (tục gọi là núi Nác) là một quả núi đất cao gần 100m, cây cối um tùm. Sau khi an táng mộ Cụ Vũ Cẩn, thấy địa thế đẹp, nhiều gia đình mang mộ về táng tại đây nhưng rồi trong nhà không yên phải dời mộ của nhà họ đi nơi khác. Những người lên dựng nhà trên núi, gần mộ đều tự nhiên cháy rụi, vì thế dân gọi là núi Một Mộ. Các thời sau lấy đất của núi để san lấp thành thị trấn Bắc Ninh, núi thấp dần.
Sau năm 1954, đã có nhiều cơ quan Nhà nước lên đóng dựng trụ sở tại núi này nhưng rồi đều phải chuyển đi. Năm 1960, Nhà văn Vũ Ngọc Phan và phu nhân Nhà thơ Lê Hằng Phương về tìm lại mộ Cụ Vũ Cẩn nhưng cây sim mua mọc um tùm và mấy cây bàng, cây phượng già trơ vơ, không còn thấy dấu tích đành đặt đĩa xôi và gà cúng lễ vọng bên một gốc cây. Năm 1966, tỉnh Bắc Ninh báo về khi đào hầm trú máy bay Mỹ có thấy một quách mộ, theo dân làng truyền lại là của Văn Khiêm Tướng Công Vũ Cẩn, cụ tổ Nhà văn Vũ Ngọc Phan. Hai ông bà vội về xem thì đúng nơi đã đặt đĩa xôi gà trước. Sau trường Cao Đẳng Sư phạm Bắc Ninh về đây xây dựng được, nay mộ cụ Vũ Cẩn ở ngay trước sân trường.
Ngày 17/01/2008 ( tức là ngày 10 tháng Chạp năm Đinh Hợi) Vũ Ngọc Phương và gia đình về thăm mộ Cụ Vũ Cẩn được Ban Giám hiệu Trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh kể nhiều giai thoại rất ly kỳ quanh mộ Cụ Vũ Cẩn là khi về đây đã phải làm lễ xin Cụ. khi xây dựng, nhiều lần xe san nền, xe xây dựng cứ đến gần mộ Cụ Vũ Cẩn thì chết máy. Vì vậy ngày Lễ, ngày Tết đều phải thắp hương Lễ Cụ. Một ông cán bộ nghỉ hưu làm bảo vệ trông xe cho học sinh lấy thanh sắt đóng trên sân gần mộ Cụ để căng dây trông xe, ngay tối hôm đó về ốm sốt rồi liệt không đi được. Anh con là cán bộ nông nghiệp cấp tỉnh, đưa ông đi các bệnh viện chữa vẫn không khỏi, sau đi hỏi Thầy (?) phán rằng:” Nhổ bỏ ngay cọc sắt, lễ tạ thì khỏi”. Gia đình vội làm theo, ngày hôm sau ông bảo vệ nhúc nhắc ngồi dậy rồi bình phục khỏe lại. Từ đó ông rất chăm đặt hương hoa trước mộ Cụ Vũ Cẩn.
Thứ phu nhân của Cụ Vũ Cẩn là Lê thị Xuân hiệu là Thuần Kiêm, người làng Bằng Sở, Thường Tín, Hà Tây ( nay thuộc Hà Nội), sinh hạ được bốn trai, hai gái. Trong đó có Vũ Kỳ Sâm ( Quý Dậu, 1873 – 1928), thụy là Cung Ý, hiệu là Ấu Tùng, thường gọi là Cụ Huấn Ba. Vũ Kỳ Sâm đỗ Tú Tài trường Nam Định năm 1909, làm Huấn Đạo Phủ Cừ, sau làm Trợ tá Chương Mỹ. Vũ Kỳ Sâm có phu nhân là bà Nguyễn thị Thuần, người làng Kẻ Vẽ. Bà là con gái Cụ Tú Vẽ, sinh hạ được 3 trai và 4 gái. Ba trai là Nhà văn Vũ Ngọc Phan (1902 – 1987). Vũ Huy Cảnh ( 1905 – mất tại Hoa Kỳ) là giáo học sau làm Tỉnh trưởng Hải Dương 1952 – 1953 rồi định cư ở Hoa Kỳ.Vũ Minh Thiều (1911 – 1998) công chức cao cấp Giáo dục Việt Nam Cộng Hòa, 1970 định cư ở Hoa Kỳ. Bốn con gái là: Vũ Sơ Huyên (1898 – 1922), Vũ Thanh Phức (1900 – 1922), Vũ Vân Nghiễn ( 1909 – 1989, chồng là Bác sỹ Hoàng tích Trí Bộ Trưởng Y tế đầu tiên của Việt Nam Dân chủ Công hòa), Vũ Thanh Tâm (1913 – 1987, chồng là Bác sỹ Hoàng Tích Mịnh Viên trưởng đầu tiên của Viên Vệ sinh Dịch tễ Việt Nam dân chủ cộng hòa).
Tính từ sau năm Nhâm Thìn (1592), Chi Họ Vũ về định cư ở làng Đông Cao đến nay, trong 422 năm, các hậu duệ của Chi họ Vũ Đông Cao, Bắc Ninh chủ yếu tham gia vào Văn hóa – Giáo dục, vào Phúc Lợi cho Nhân Dân,… góp một phần không nhỏ cho Văn Hiến nước nhà, cũng có không ít Vị đã hy sinh vì việc nước. Ngày nay tại lưu trữ Nhà nước còn rất nhiều tác phẩm, thơ văn, giáo dục,… của các bậc Danh sỹ của Chi Họ Vũ Đông Cao, Bắc Ninh.
Bài viết này chỉ là sự trích dẫn trung thực từ bản dịch Gia Phả gốc. Đầu thế kỷ 20, cuốn Gia phả này được ông Vũ Cầu (sinh năm 1891, là con Cụ Vũ Hán Bích (1860 – 1933) đỗ Cử Nhân khoa Đinh Dậu 1997, Tri Huyện,có mẹ đẻ là bà Phan thị Bẩy (1840 – 1866), hiệu Diệu Trinh là Chính Phu Nhân của Tả thị Lang, Tuần phủ Ninh Bình, Văn Khiêm Tướng công Vũ Cẩn).Ông đỗ Tú tài trường Nam Định, rồi trường Hậu bổ, làm Tri huyện Phú Thọ có công yên dân nên được thăng lên Thương Tá. Khi cuộc Tổng khởi nghĩa 1945, ông Vũ Cầu đã chỉ huy binh lính và quan lại Phú Thọ hưởng ứng Cách mạng. Vì buổi đầu, chính quyền Cách mạng không có đủ người quản lý hành chính nên vẫn giao lại cho ông Vũ Cầu cai quản, sau mới bàn giao đầy đủ cho chính quyền Cách mạng rồi về nghỉ tại quê nhà Đông Cao. Năm 1952, cải cách ruộng đất, ông Vũ Cầu bị quy là Địa chủ quan lại phong kiến, vì có công giúp Việt Minh nên bị bắt giam ở Thái Nguyên rồi chết trong tù ngày 27/8/1953. Nhà thờ họ Vũ Đông Cao bị phá tan, tất cả đồ thờ được chia cho bần cố nông trong đó có cuốn Gia phả gốc này. Ông Vũ Cầu có hai bà, chính phu nhân là Vũ thị Sinh có 7 người con, bà mất ngày 21/5 ( trong biến loạn không rõ năm), bà thứ phu nhân là Dương thị Hồng không có con. Sau khi nhà và nhà thờ họ bị phá, bà Dương thị Hồng ( người làng Vân Đình) phải ăn mày ngoài chợ.
Một buổi sáng sớm năm 1953, Người chủ nhà vốn là môn sinh của Họ Vũ Đông Cao, vì đỗ đạt làm Giáo Thụ nên cũng bị đuổi việc về nhà làm giấy bổi (giấy bồi) tại nhà một người làm nghề giấy buổi (giấy bồi) ở Hải Dương. Ông đứng xem người làm xé các quyển sách để ngâm vào bể nước chợt thấy cuốn Gia Phả này, ông vội nhặt lên xem rồi nói: “ Phúc họ Vũ còn dầy”. Lúc đó những việc làm cực đoan trong cải cách lan tràn, vì Gia phả của “Địa chủ Phong kiến” nên ông phải gói giấu cẩn thận trong trái nhà. Sau đến đầu năm 1960, ông về Đông Cao tìm đưa lại cho Bà Dương thị Hồng lúc đó bán rau ngoài chợ. Bà Dương thị Hồng đã gìn giữ Gia Phả gốc này đến tận năm 1973 mới tìm để giao lại cho Nhà văn Vũ Ngọc Phan. Bà Dương thị Hồng có cháu ruột là Dương Công Thành theo Bà từ năm 18 tuổi vì họ Dương Vân Đình cũng là hào phú nên Dương Công Thành không được học tiếp ở cùng cô ruột trong túp lều ven đê, mãi sau ông mới được đi học về làm giáo viên trường Đại học Lâm Nghiệp Xuân Mai đón về nuôi dưỡng đến cuối đời, mộ bà Dương thị Hồng hiện ở trên đồi sau nhà ông Dương Công Thành.
Trước khi qua đời, đầu năm 1987, Nhà văn Vũ Ngọc Phan giao cuốn Gia Phả gốc này cho con trai là Giáo sư Viện sỹ Vũ Tuyên Hoàng. Tháng 10/2002, Chú Vũ Thượng Quát, chuyên gia của ITEL tại Hoa Kỳ về Việt Nam tìm lại Họ Vũ Đông Cao. Vũ Ngọc Phương đã mượn cuốn Gia phả gốc nay để chụp lại, việc tra cứu, đối chiếu giữa bản gốc với các bản chép khác được làm nhiều lần phải mượn đi, mượn lại của Giáo sư Viện sỹ Vũ Tuyên Hoàng ( Ghi chú: Gs Viện sỹ Vũ Tuyên Hoàng được bầu là Phó Chủ Tịch Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới, giải nhất về chọn giống lúa Quốc tế. Năm 1995, Vương quốc Anh có gửi mô hình tượng và văn bản đề nghị dựng tượng của Gs Viện sỹ Vũ Tuyên Hoàng tại Lodon).