18/06/2018, 17:03

Thể chế và cơ sở kinh tế của dòng họ người Việt trước năm 1945

Phan Đại Doãn Các nhà sử học và dân tộc học đã bàn nhiều về dòng họ người Việt (Kinh), tuy nhiên khía cạnh về thể chế hoạt động và cơ sở kinh tế của dòng họ thì hầu như chưa được bàn. Tác giả bài viết này xin trình bày sơ lược về thể chế hoạt động của dòng họ và cơ sở kinh tế duy trì ...

vietnam xua (14).jpg

Phan Đại Doãn

Các nhà sử học và dân tộc học đã bàn nhiều về dòng họ người Việt (Kinh), tuy nhiên khía cạnh về thể chế hoạt động và cơ sở kinh tế của dòng họ thì hầu như chưa được bàn. Tác giả bài viết này xin trình bày sơ lược về thể chế hoạt động của dòng họ và cơ sở kinh tế duy trì những hoạt động của nó.

Không phải tất cả các tộc người trên đất nước Việt Nam đều có tổ chức dòng họ giống nhau. Ở Hòa Bình, hầu hết người Mường chỉ có một họ Bùi, trừ các họ Nhà Lang: Đinh, Quách, Bạch, Hoàng. Tôi nghĩ rằng gần nửa triệu người Mường ở tỉnh Hòa Bình mà chỉ có một họ thì cũng giống như không có họ vì đấy chỉ là do triều đình quân chủ áp đặt để dùng trong đăng ký sổ bộ. Người Vân Kiều ở Bình Trị Thiên, người Thượng ở Tây Nguyên cũng không có loại hình họ như của người Việt. Người Vân Kiều mãi đến sau Cách mạng tháng Tám 1945 mới có tên họ cụ thể là họ Hồ. Tôi nghĩ rằng: có lẽ người Việt cổ thời văn minh Đông Sơn là như vậy. Các dòng họ của người Việt (Kinh) như hiện nay mới xuất hiện vào thời “Bắc thuộc” về sau. Người Khmer Nam Bộ cũng mới có tên họ vào đầu thế kỷ XIX. Có nơi người Khmer lấy tên làng làm tên họ như họ Dương ở làng Dương Hòa, họ Kỳ ở làng Kỳ Lộ, họ Lộc ở làng Lộc Trí, họ Thuận ở làng Thuận Yên. Nhiều nơi lại theo nguyên tắc pháp lý của nhà Nguyễn cho phép người Khmer được mang 5 họ là: Thạch, Lâm, Sơn, Kim, Danh. Có nơi người Khmer lại theo nguyên tắc “phụ tử liên danh”, chẳng hạn cha là Uôn Tiêm thì con là Tiêm Phel và cháu là Phel Sóc (1).

Nhận xét về sự khác biệt giữa các dòng họ của các tộc người trên đất nước Việt Nam, nhà dân tộc học Phan Xuân Biên đã khảo cứu nhiều năm ở Tây Nguyên cho rằng: “Trong xã hội cổ truyền và cả thời hiện đại, ở tất cả các dân tộc trong vùng [Tây Nguyên] tồn tại một loại hình tổ chức xã hội đặc biệt dựa trên mối quan hệ thân thuộc được gọi bằng những thuật ngữ riêng của mỗi dân tộc mà khi được chuyển sang tiếng Việt đều được ghi là dòng họ. Nhưng thực chất những tổ chức này lại không giống nhau giữa các dân tộc và càng không giống dòng họ của người Việt” (2). Đúng như vậy, dòng họ của Bana, Xơ Đăng, Mạ cũng không giống dòng họ của Giarai, Mnông, cũng không giống với dòng họ người Việt về nhiều phương diện.

Trong các tộc người nói trên, tục thờ cúng tổ tiên và các quan hệ dòng họ có khác nhau. Phần lớn người Mường chỉ thờ cúng tổ tiên vào dịp tết âm lịch. Người Thượng Tây Nguyên không có tục thờ cúng tổ tiên hàng năm. Sau lễ “bỏ mả” thì họ không còn thờ người chết, như vậy, tục thờ cúng tổ tiên và quan hệ dòng họ của người Việt đã khác nhiều với người Mường, người Thượng. Đó là vì người Việt có một thể chế dòng họ phức tạp và chặt chẽ mà nhiều người gọi là thể chế tông pháp (3).

Thế nào là thể chế dòng họ? Đó là những qui định về cách ứng xử giữa người và người, trước hết trong các công việc quan, hôn, tang, tế, tức là các qui định trên cơ sở huyết thống về các mặt chủ yếu sau đây:

+ Tục lễ hôn nhân của trai và gái.

+ Tục lễ tang ma.

+ Ngày cúng, các nghi thức cúng lễ tổ tiên.

Thường thì các thể chế dòng họ tập trung nhiều qui định về các công việc như thờ cúng tổ tiên, tang ma và hôn nhân trên nguyên tắc lễ chế (4) nhằm phân biệt tôn – ti, trưởng, ấu, thân – sơ, nội – ngoại, nam – nữ trong dòng họ. Chẳng hạn trong công việc tang ma thì theo thể chế dòng họ của người Việt qui định có 5 bậc là: đại tang, cơ niên, đại công, tiểu công và ti ma; con cái phải để đại tang ba năm cho cha mẹ đẻ, còn là bà con xa thì chỉ để tiểu công hay ti ma từ 5 tháng đến 3 tháng đối với người đã khuất. Hoặc như trong hôn nhân và gia đình, thể chế dòng họ qui định phụ nữ phải “tam tòng” và khi cưới hỏi phải đầy đủ các lễ nghi, lấy nhau phải được cha mẹ đồng ý, có mai mối (5).

Sự phân biệt tôn – ti, trưởng – ấu, nam – nữ không phải nhằm tạo ra sự đối lập giữa những người trong họ mà là giúp cho con người thấy được trách nhiệm của mình trong dòng họ theo phận vị của bản thân. Các bậc tôn trưởng phải có nhiệm vụ giúp đỡ người ti ấu, người ti ấu phải biết vâng lời các bậc tôn trưởng. Các thể chế không mang tính bắt buộc, nhưng đều được các thành viên dòng họ thi hành nghiêm chỉnh, tự nguyện.

Cơ sở thực hiện các thể chế như trên là gia đình và dòng họ. Hầu hết các thành viên mỗi khi gặp tang ma, cưới hỏi, cúng tế tổ tiên (và mở rộng ra là cuộc sống hàng ngày như: việc làm, học hành, thi cử, bệnh tật… của từng gia đình) đều được họ hàng quan tâm giúp đỡ. Thể chế dòng họ qui định các quan hệ giữa người với người là trách nhiệm, là nghĩa vụ (theo tinh thần Nho giáo).

Ở Việt Nam phần lớn các thể chế dòng họ được qui định thành văn bản là Thọ Mai gia lễ của tiến sĩ nho học Hồ Sĩ Tân (1690 – 1760) người làng Quỳnh Đôi (Nghệ An). Các qui định trong Thọ Mai gia lễ được người Việt thực hiện cho đến giữa thế kỷ 20 này và còn ảnh hưởng sâu đậm đến ngày nay. Thể chế dòng họ được thực hiện làm cho quan hệ dòng họ được củng cố, rồi từ đó tạo nên ý thức dòng họ ngày càng sâu đậm. Với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, với nghĩa vụ và trách nhiệm họ hàng và nhiều quan hệ khác thì ý thức về dòng họ cũng dần dần được ngưng kết thành tình cảm hướng nội và đối với bên ngoài lại biểu hiện thành “chủ nghĩa họ hàng” (cũng có thể nói là chủ nghĩa gia tộc), đậm nhạt tùy nơi tùy lúc có khác nhau.

Sự thực là nhiều thể chế trong Thọ Mai gia lễ có tham khảo và mô phỏng thể chế tông pháp thời Tống Minh bên Trung Quốc. Sự phát triển của nó theo thời gian ngày càng sâu rộng phức tạp, thời Nguyễn sâu đậm hơn thời Lê.

Đồng thời với việc thực hiện các qui định trong Thọ Mai gia lễ về quan, hôn, tang, tế thì thể chế dòng họ cũng hình thành các bộ phận hợp thành sau đây (Các gia phả hiện nay còn lại phần lớn từ sau thế kỷ XVIII):

– Lập từ đường thờ cúng tổ tiên hoặc thờ cúng tổ tiên trong gia đình.

– Lập gia phả để biết nguồn gốc và thế thứ phận sự từng người trong hệ thống dòng họ.

– Lập ruộng hương hỏa, ruộng hậu và quỹ họ… làm cơ sở vật chất cho dòng họ hoạt động.

Các thành tố trên không phải đã được tất cả các dòng họ người Việt thực hiện đầy đủ. Không phải dòng họ nào cũng có từ đường, gia phả. Thường thì họ giàu và có học hành thì mới có đầy đủ ba thành tố trên. Tuy nhiên, việc thờ cúng tổ tiên thì hầu như gia đình nào, dòng họ nào cũng thực hiện nghiêm chỉnh.

Tại Bắc Ninh, một số nơi ở các huyện Gia Lương, Thuận Thành lại có cách xưng hô trong dòng họ khá độc đáo. Ông bà thuộc bên họ nội được gọi là “ông đực”, “bà đực”; ông bà thuộc bên họ ngoại được gọi là “ông cái”, “bà cái” (6). Cách xưng hô như thế trên vùng đất cổ phản ánh tàn dư của một kiểu hôn nhân – gia đình không giống như ngày nay. Có thể đó là kiểu hôn nhân – gia đình “tiền Bắc thuộc”. Còn kiểu xưng hô theo thứ bậc nội ngoại để xác định phận vị của từng người như: chú, bác, cô, dì, cậu… là hiện tượng “nhập nội” phản ánh ảnh hưởng của thế chế tông pháp từ Trung Quốc truyền vào.

Nếu so sánh – đối chiếu thể chế dòng họ của người Việt và người Hán thì tôi thấy ở người Hán có chế độ gia trưởng phụ quyền khá nặng nề chặt chẽ, gia phả dòng họ phổ biến lâu đời và hầu như họ nào cũng có từ đường (7).

Tôi cho rằng những thể chế dòng họ của người Việt có chịu ảnh hưởng của văn hóa Hán – mà chủ yếu là văn hóa Hán thời Tống Minh. Dường như thời Lý Trần thể chế dòng họ của Việt Nam không nặng nề phức tạp như ở thời Lê Nguyễn. Sự tiếp nhận những yếu tố văn hóa Hán hoàn toàn không có nghĩa là chấp nhận sự lệ thuộc vào Trung Quốc mà là tìm một công cụ để tổ chức xã hội. Chính Hồ Quý Ly cũng viết “Y quan – Đường chế độ, Lễ nhạc – Hán quân thần” và Nguyễn Trãi cũng nói: “Người có Bắc – Nam, Đạo không kia khác”, “Nhà ngặt ta bền đạo Khổng Nhan”. Vậy là những nhà yêu nước thế kỷ XV đã từng tổ chức cuộc kháng chiến chống Minh mà trong ý thức vẫn là “Đường chế độ”, “Hán quân thần”, “Đạo Khổng Nhan”.

Khi người Việt có những thể chế dòng họ theo kiểu Hoa Hán nhưng đã tái cấu trúc cho phù hợp với thực tế Việt Nam: phổ biến là gia đình nhỏ và đây đó vẫn còn tàn dư song hệ (phụ hệ – mẫu hệ) (8) và vị trí của phụ nữ trong cuộc sống kinh tế – xã hội quan trọng.

Quan hệ dòng họ đối với người Việt thực sự có ý nghĩa quan trọng trong đời sống hàng ngày. Ở nước ta, kinh tế hàng hóa – tiền tệ chưa cao, đồng tiền chưa phải là lực lượng bảo đảm an toàn cho con người trước  mọi rủi ro thường xuyên xảy ra. Trong điều kiện này thì quan hệ dòng họ với các thể chế của nó lại góp phần tích cực tạo nên sự an toàn cho cuộc sống. Gặp khi mùa màng thất bát, gặp khi đau ốm, gặp khi người thân qua đời, gặp khi con cả trưởng thành phải cưới hỏi… thì quan hệ dòng họ sẽ góp phần giải quyết, giúp cho con người vượt qua rủi ro để an toàn trong cuộc sống. Quan hệ dòng họ – với ý nghĩa đó là điểm tựa thường xuyên của cuộc sống con người. Hẳn vì vậy mà các thể chế trong Thọ Mai gia lễ được duy trì trong một thời gian dài.

Sự tồn tại của dòng họ với các thể chế phức tạp và các quan hệ chằng chéo đã tạo cho nó có một quyền lực nhất định điều khiển con người mà có người nói là tộc quyền. Sự duy trì quyền lực dòng họ với sự phân biệt trưởng – ấu, tôn – ti, trách nhiệm của người già, của tộc trưởng là bộ phận trong thiết chế tự quản của làng xã (9) còn ảnh hưởng đến ngày nay.

Điều kiện gì mà người Việt lại có thể có những thể chế dòng họ khá chặt chẽ trong thờ cúng tổ tiên, trong tang ma, trong hôn nhân – gia đình mà trong khi đó người Nhật cũng chịu ảnh hưởng của văn hóa Hán nhưng ở họ thể chế tông tộc lại rất mờ nhạt? Tôi cho rằng điểm giống nhau giữa người Hán và người Việt là ở chỗ chế độ kế thừa gia sản, và đây chính là tiền đề – điều kiện để tồn tại và duy trì thể chế dòng họ. Đó là chế độ kế thừa đa tử (tức là chia cho tất cả các con).

Nhật Bản thực hiện kế thừa gia sản theo đơn tử thì không có thể chế tông pháp như ở Trung Quốc và Việt Nam. Ở Nhật Bản, gia sản được kế thừa theo con trai trưởng, nếu không có con trai trưởng thì con rể hoặc con nuôi cũng có thể được kế thừa. Kiểu kế thừa đơn tử như trên tạo cho gia sản được truyền thừa tương đối nguyên vẹn theo một trục thời gian nhiều thế hệ kế tiếp. Do hiện tượng này mà các quan hệ dòng họ bị mờ nhạt suy giảm.Ở Nhật Bản, các người con trong gia đình không được quyền thừa kế gia sản tự nhiên cũng không mặn mà gắn bó với anh em họ hàng, cũng không mặn mà với việc thờ cúng tổ tiên và do đó cũng không có thể chế dòng họ phức tạp như ở người Việt người Hán.

Ở Trung Quốc và Việt Nam, gia sản được kế thừa đa tử. Luật pháp Tống – Minh đều qui định gia sản được phân chia cho các con trai, sự kế thừa như vậy tạo ra sự phân tán tài sản. Ở Trung Quốc đến ngày nay có câu ngạn ngữ “phú bất quá tam đại” (giàu không quá ba đời) (10). Việt Nam cũng có nét tương đồng, thậm chí sự kế thừa gia sản còn mở rộng hơn, phụ nữ cũng có quyền như nam giới. Hồng Đức thiện chính thư là luật thời Lê sơ và thời Mạc (các điều số 1, 2, 6, 127, 319) và Quốc triều hình luật (các điều 391, 397) cho biết nếu gia đình không có con trai thì con gái cũng được hưởng ruộng hương hỏa. Luật nhà Lê (từ thế kỷ 15 đến 18) qua các sách Hồng Đức thiện chính thư (các điều 3, 84, 85, 90), Quốc triều hình luật (các điều 374, 380, 388…) và Lịch triều hiến chương loại chí (phần Hình luật chí) (chương điền sản và hương hỏa) đều ghi thống nhất là: “(nếu) cha mẹ mất cả, có ruộng đất nhưng chưa kịp để lại chúc thư, mà anh em – chị em tự chia nhau thì lấy một phần hai mươi số ruộng đất làm ruộng hương hỏa, còn lại thì chia nhau; phần của con vợ lẽ nàng hầu thì phải kém” (11). Sang thời Nguyễn, Luật Gia Long (tức Hoàng Việt luật lệ) không ghi phụ nữ có quyền kế thừa ruộng đất, nhưng trong nhân dân vẫn tuân theo tập tục cũ, giữ cách phân chia của luật nhà Lê. Sau đây, tôi xin dẫn chứng hai trường hợp phân chia gia sản (ruộng đất) vào đầu thế kỷ 20 của người Việt có khác với Trung Quốc chỉ phân chia cho nam giới mà thôi. Năm 1900, bá hộ Vũ Hữu Lân ở xã Doanh Châu (Hải Hậu, Nam Định) làm chúc thư phân chia số ruộng đất mới khai hoang 533 mẫu như sau:

– Trưởng nam Vũ Hữu Lục: 136 mẫu và đê phận 34 trượng.

– Thứ nam Vũ Hữu Trưng: 92 mẫu và đê phận 23 trượng.

– Tam nam Vũ Ngọc Trác: 91 mẫu và đê phận 23 trượng 7 thước.

– Tứ nam Vũ Tất Tế: 91 mẫu và đê phận 23 trượng 7 thước.

– Ngũ nam Vũ Khắc Tiệm: 91 mẫu và đê phận 23 trượng 7 thước.

– Trưởng nữ là vợ của Đặng Đình Trường: 10 mẫu.

– Thứ nữ là vợ của Trần Văn Chế: 10 mẫu.

– Kỵ điền: 13 mẫu.

Năm 1908, cửu phẩm Lê Chức ở làng Thổ Hậu (Diễn Châu, Nghệ An) lập chúc thư phân chia số ruộng đất 28 mẫu 5 sào Trung Bộ cho 6 người con như sau (12):

– Trưởng nam Lê Chất: 7 mẫu 2 sào.

– Thứ nam Lê Khá: 5 mẫu 5 sào.

– Tam nam Lê Chương: 5 mẫu 5 sào.

– Tứ nam Lê Hồng: 5 mẫu 5 sào.

– Trưởng nữ Lê Thị Hòa (đã lấy chồng): 1 mẫu 3 sào.

– Thứ nữ Lê Thị Hoàng (đã lấy chồng): 1 mẫu 3 sào.

– Hương hỏa điền: 2 mẫu 2 sào.

Gia phả họ Lê giải thích sở dĩ Lê Chất có ruộng đất nhiều hơn các em trai khác gần 2 mẫu là do có công nuôi cha mẹ trong nhiều năm. Như vậy hiệu lực pháp luật nhà Lê về phân chia gia sản đã thành tập tục kéo dài đến đầu thế kỷ 20.

Cách phân chia gia sản như trên khiến cho mối dây ràng buộc trong gia đình và trong gia tộc, bên vợ và bên ngoại được duy trì thường xuyên, lâu dài. Ở đây không chỉ có mối dây tình cảm mà còn có điều kiện kinh tế duy trì. Sự phân chia gia sản (chủ yếu là ruộng đất) theo kiểu đa tử như trên đã tạo ra các đặc điểm sau:

+ Quan hệ cha mẹ và con cái luôn luôn chặt chẽ trong suốt cả đời người.

+ Ý thức củng cố gia đình và dòng họ thường xuyên sâu đậm.

+ Các quan hệ nội – ngoại được duy trì lâu dài.

+ Tài sản trong gia đình (kể cả ruộng đất) mang tính sở hữu chung cho tất cả cha mẹ và con cái. Tôi xin gọi đó là dạng đồng tư hữu.

Kiểu kế thừa gia sản đa tử đưa đến hiện tượng của cải tập trung rồi phân tán, đúng như dân gian nói: “Ai giàu ba họ, ai khó ba đời”. Nhưng đồng thời chính kiểu kế thừa này lại tạo nên sự gắn bó chặt chẽ giữa gia đình và dòng họ. Và từ đây nó tạo nên thể chế dòng họ làm cơ sở xã hội cho sự duy trì những quan niệm phát sinh đẹp và quí như: con cháu Lạc Hồng, con Rồng cháu Tiên, uống nước nhớ nguồn, tình nghĩa đồng bào đã được kế tục lâu dài.

Chú thích :

  1. Xem Nguyễn Khắc Cảnh, Phum Sóc Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long, Nxb Giáo dục, 1998, tr.58-59 và Lê Trung Hòa, Họ và tên người Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992, tr.28.
  2. Hội thảo quốc tế về Việt Nam học (báo cáo tóm tắt), Nxb Thế giới, Hà Nội, 1998, tr.183-184.
  3. Hiện nay, chưa có số liệu số lượng các dòng họ. Theo Lê Trung Hòa trong sách Họ và tên người Việt Nam thì số lượng tên họ (Nguyễn, Trần, Lê) trong người Việt khoảng 170 (tr.36-37), có lẽ số lượng trên còn ít hơn thực tế.
  4. Xin tham khảo Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, thiên thứ nhất phong tục về gia tộc. Trong sách này, cụ Phan Kế Bính đã mô tả cụ thể về tục thờ cúng tổ tiên, tục tang ma, tục cưới hỏi, hầu hết là thể chế dòng họ của người Việt đến đầu thế kỷ 20. Tuy nhiên đây đó cũng có dòng họ lại đặt ra một vài thể chế riêng, ví dụ như họ Trần ở làng Gia Lạc huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An có nguyên tắc “Phú vi trưởng”, trưởng tộc phải là người giàu có nhất trong họ (chứ không phải là đích tử, đích tôn làm trưởng).
  5. Nguyễn Duy Hinh, Vài tư liệu có liên quan đến hệ thống thân tộc người Việt, tạp chí Dân tộc học số 2-1982, tr.34-38. Bản thân tác giả bài viết này còn biết hiện tượng xưng hô: “ông đực”, “bà đực” có tại một số thôn ở Mỹ Văn tỉnh Hưng Yên.
  6. Trên cơ sở tìm hiểu thực địa của tác giả ở một vùng nông thôn Bắc Ninh năm 1965.
  7. Hiện nay chưa có ai ở Việt Nam bàn về vấn đề này. Trong tập quán gia đình người Việt vẫn còn dấu ấn của mẫu hệ – mẫu quyền. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Cha chết ấp chân chú, mẹ chết ấp vú dì” hoặc ca dao cổ có câu: “Công anh làm rể chương đài, ăn hết mười một mười hai vại cà”. Trong nhiều gia phả Việt Nam có ghi chép cụ thể cả bên ngoại khá chi tiết. Những điều trên phản ánh tàn dư song hệ trong hôn nhân và gia đình Việt Nam trước kia.
  8. Về vấn đề dòng họ và tự quản làng xã có liên quan hữu cơ với nhau. Hiện nay vị trí của dòng họ trong làng còn khá cao, tiếng nói của dòng họ còn có ý nghĩa. Đây là vấn đề phức tạp, tôi xin bàn trong dịp khác.
  9. Tham khảo các sách của Nhạc Khánh Bình, Trung Quốc đích gia dữ quốc (Trung Quốc, gia đình cùng đất nước) Cát Lâm văn sử xbx, 1990 (chữ Hán); Trương Đình Viễn, Hoàng sắc văn minh (Văn minh sắc vàng), Thượng Hải văn nghệ xbx, 1990 (chữ Hán); Từ Kiệt Tuấn, Hán dân tộc phát triển sử (Lịch sử phát triển của dân tộc Hán), Tứ Xuyên dân tộc xbx, 1992 (chữ Hán).
  10. Xem Quốc triều hình luật, bản dịch của Cao Nãi Quang, trường Luật Khoa đại học xuất bản, Sài Gòn, 1956, tr.159; Lịch triều hiến chương loại chí, bản dịch của Nxb Sử học, Hà Nội, 1961, tập III, tr.131 (phần Hình luật chí).
  11. Gia phả họ Vũ ở thôn Doanh Châu xã Hải Quang, huyện Hải Hậu, Nam Định (chữ Hán).
  12. Gia phả họ Lê ở thôn Thổ Hậu xã Diễn Quảng, huyện Diễn Châu, Nghệ An (chữ Hán).

Nguồn bài đăng

0