Tìm hiểu các tư trào Nho học ảnh hưởng đến đường lối trị quốc tại nước ta
Tượng vua Lê Thánh Tông Hồ Bạch Thảo Tuy các triều đại từ đời Trần trở về trước, Phật, Lão được coi trọng tại nước ta, nhưng các tư tưởng này phần nhiều xuất thế, không đề cập cụ thể đến việc trị nước. Về cách thức tổ chức chính quyền, đường lối trị quốc, các triều đại nước ta ...
Hồ Bạch Thảo
Tuy các triều đại từ đời Trần trở về trước, Phật, Lão được coi trọng tại nước ta, nhưng các tư tưởng này phần nhiều xuất thế, không đề cập cụ thể đến việc trị nước. Về cách thức tổ chức chính quyền, đường lối trị quốc, các triều đại nước ta dựa vào phần ứng dụng với đời của Nho học, được gọi là hình nhi hạ. Nhưng Nho học tại Trung-Quốc, nơi phát xuất học thuyết này, bị thay đổi theo thời gian, thời trước nhà Tần khác với các đời sau; Nho học tại nước ta bắt nguồn từ Trung Quốc, nên không khỏi có sự ảnh hưởng dây chuyền.
Tìm hiểu vấn đề này, chỗ dựa chính là hai bộ sử lớn: Đại Việt sử ký và Đại Việt sử ký toàn thư. Tuy bộ Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu đã bị thất truyền, nhưng may mắn bộ Toàn thư của Ngô Sĩ Liên còn giữ lại 30 đoạn trích dẫn nguyên văn, với tiêu đề “Lê Văn Hưu viết”. Thú vị hơn, dưới lời nguyên văn đó, thường có thêm lời phê của Ngô Sĩ Liên, nhờ đó người đời sau thấy được ý kiến của hai sử gia có phần khác nhau. Tuy nhiên, với tư cách cao quí của bậc học giả, người xưa đã không bịt miệng người khác ý kiến với mình, nên lời phê của Lê Văn Hưu mới được lưu lại.
Lê Văn Hưu và Ngô Sĩ Liên là các bậc đại nho của nước ta. Với cương vị sử thần, lời phê của hai ông không phải chỉ là ý kiến cá nhân, mà nó phản ảnh hai tư trào Nho học tại nước ta từ nhà Trần trở về trước và nhà Lê trở về sau. Do đó, nghiêm chỉnh nghiên cứu ý kiến của hai sử gia này, có thể thấy được phần nào sự thay đổi trong đường lối cai trị tại nước ta dưới thời quân chủ.
Bàn về việc vua Lê Đại Hành đánh dẹp phe chống đối Nguyễn Bặc, Đinh Điền, bắt sống tướng nhà Tống là Quách Quân Biện và Triệu Phụng Huân, Lê Văn Hưu say sưa ca tụng như sau:
“Lê Đại Hành giết Đinh Điền, bắt Nguyễn Bặc, tóm Quân Biện, Phụng Huân dễ như lùa trẻ con, như sai nô lệ, chưa đầy vài năm mà bờ cõi định yên, công đánh dẹp chiến thắng dẫu là nhà Hán, nhà Đường cũng không hơn được. Có người hỏi: Đại Hành với Lý Thái Tổ ai hơn? Thưa rằng: kể về mặt dẹp gian trong, đánh tan giặc ngoài, làm mạnh nước Việt ta, ra oai với người Tống thì Lý Thái Tổ không bằng Lê Đại Hành có công lao gian khổ hơn. Nhưng về mặt tỏ ra ân uy, lòng người suy tôn, hưởng nước lâu dài, để phúc cho con cháu thì Lê Đại Hành không bằng Lý Thái Tổ lo tính lâu dài hơn. Thế thì Thái Tổ hơn ư? Đáp: hơn thì không biết, chỉ thấy đức của họ Lý dày hơn họ Lê, vì thế nên noi theo họ Lý.”
Cùng sự kiện nêu trên, Ngô Sĩ Liên đả kích vua Lê Đại Hành cướp ngôi với lời nghiêm khắc như sau:
“Tam cương là đạo thường của muôn đời, không thể một ngày rối loạn. Khi Đại Hành giữ chức nhiếp chính, Vệ Vương tuy còn nhỏ nhưng vẫn là vua, thế mà Đại Hành tự xưng là Phó Vương, rắp tâm làm điều bất lợi. Đạo làm tôi không được rắp tâm, rắp tâm thì ắt phải giết. Đó là phép của sách Xuân Thu, người người đều được nêu lên mà thi hành. Nguyễn Bặc, Đinh Điền sao có thể nhẫn tâm điềm nhiên mà nhìn? Rồi lui về dấy quân hỏi tội, mưu giữ xã tắc, thế là bề tôi trung nghĩa đấy. Việc không xong mà chết, thế là bề tôi tử tiết đấy. Lời bàn của Văn Hưu là đánh đồng với hàng loạn tặc, khiến cho đạo nhân luân không được sáng tỏ với đời sau, gây mầm mống tiếm đoạt, để cho kẻ có quyền lực tranh nhau bắt chước, quét sạch cương thường, [vì thế] không thể không biện bác.”
Cái tư tưởng Tam cương mà Ngô Sĩ Liên dựa vào để lập luận, bắt nguồn từ Hán Nho, được ghi trong sách Xuân thu phồn lộ của Đổng Trọng Thư, thời Hán Vũ Đế. Ba riềng mối ràng buộc chặt chẽ: vua tôi, cha con, vợ chồng trong Tam cương, đã làm nghèo nàn Nho học, tuy nhiên, vì có lợi cho vua chúa, nên vua Hán Vũ Đế và hầu hết các vua đời sau đều coi như khuôn vàng thước ngọc.
Nho học chính thống của Khổng, Mạnh chú trọng đến nước, ca tụng việc nhường ngôi cho người tài đức dưới thời Nghiêu, Thuấn để dân hạnh phúc, mà sử gọi là “truyền hiền”. Mạnh Tử khẳng định “dân quí nhất, thứ đến đất nước, vua đáng coi thường” (Dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh); rõ ràng dân và nước là trọng, vua là thứ yếu.
Chuyện về Khổng Tử được kể sau đây, chứng tỏ ông đánh giá cao những người biết giữ nước:
“Khổng Tử và đồ đệ đi qua cái thành kia, gặp dân trong thành rất đông, đang làm việc vất vả cực nhọc; nhưng Khổng Tử dửng dưng không thèm chào. Học trò lấy làm ngạc nhiên hỏi: Theo lễ gặp ba người phải xuống ngựa, hai người phải khấu đầu chào. Nay thầy thấy dân chúng đông đúc mà không thi lễ, là tại làm sao?. Khổng Tử trả lời: Dân nước này có thành mà không biết giữ, bây giờ bị ngoại bang bắt làm lao công vất vả. Hạng người có nước mà không biết giữ là đáng khinh, không cần gì phải thi lễ!”.
Qua những tư tưởng Khổng, Mạnh vừa đề cập, đem áp dụng vào hoàn cảnh nước ta sau khi vua Đinh Tiên Hoàng mất, thấy được lời phê của nho gia Lê Văn Hưu rất hợp lý. Lúc bấy giờ đất nước ngả nghiêng, phía nam Chiêm Thành quấy phá, phía bắc quân Tống trên đường xâm lăng, cậu bé Đinh Toàn [Vệ Vương] mới 6 tuổi nối ngôi, làm sao có thể đảm đương nổi! Vậy việc nhường ngôi cho kẻ có tài, mà sử gọi là “truyền hiền” là điều rất hợp lý, điều này đã được Đại tướng Phạm Cự Lượng, lúc bấy giờ tuyên bố minh bạch: “Thưởng người có công, giết kẻ trái lệnh là phép sáng để thi hành việc quân. Nay chúa thượng còn trẻ thơ, chúng ta dẫu hết sức liều chết để chặn giặc ngoài, may có chút công lao, thì ai biết cho? Chi bằng trước hãy tôn lập ông Thập đạo [Lê Hoàn] làm Thiên tử, sau đó sẽ xuất sư thì hơn.”Cần ghi thêm, Kinh Dịch do Khổng Tử san định, cũng xác định rằng: “Cách mệnh của Thang, Võ, lật đổ bạo quyền Kiệt, Trụ là thuận lòng trời, hợp lòng người” (Thang, Võ cách mệnh thuận hồ thiên nhi ứng hồ nhân ). Xét vậy, thì việc thay đổi triều đại một cách hòa bình, làm mạnh nước, yên lòng dân của Lê Hoàn, lại càng hợp với đạo lý Khổng, Mạnh.
Điểm khác biệt quan trọng về cơ chế chính trị từ triều Trần trở về trước và đời Lê về sau, phải kể đến chức Tể tướng. Sách An-Nam chí lược (1) xác nhận từ đời Trần về trước có chức Tể thần, tức Tể tướng hay Thái úy, để trợ giúp vua; tương tự Trung Quốc từ đời Tống trở về trước cũng có chức này. Nước ta từ đời Hậu Lê, bắt chước Minh Thái Tổ thi hành quân chủ chuyên chế, đặt 6 bộ [Lại, Lễ, Binh, Hình, Hộ, Công] dưới quyền trực tiếp của vua, không có Tể tướng giữ chức trung gian. Vua Minh Thái Tổ rất nghiêm khắc về việc này, nên có lời chiếu truyền lại cho con, cháu: “Từ nay trở về sau vua nối dõi không được bàn đến việc lập Tể tướng, nếu bề tôi có kẻ xin lập, phải trị tội cực hình.” (Thái Tổ chiếu: Dĩ hậu tự quân vô đắc nghị trí Thừa-tướng, thần hạ hữu tấu thỉnh thiết lập giả, luận dĩ cực hình )(2).
Có câu hỏi rằng vua Lê Thái Tổ chống quân Minh, sao lại noi theo đường lối trị nước của kẻ thù ? Qua lịch sử, các vua chúa tuy chống đối nhau, nhưng nếu gặp điều lợi thiết thực cho bản thân, họ đã không ngần ngại bắt chước lẫn nhau. Lịch sử Trung Quốc gọi vua là Hoàng đế bắt đầu từ đời Tần Thủy Hoàng, nhà Hán tuy chống đối nhà Tần, nhưng thấy “Đế” oai hơn “Vương” nên bắt chước ngay. Bỏ Tể tướng để trực tiếp độc quyền cai trị, vua chuyên chế nào không thích, nên bắt chước là lẽ dễ hiểu.
Tể tướng là chức vị giúp cho nhà vua điều hành các bộ. Tể tướng và Thượng thư, Tham tri tại các bộ không phải là chức vụ cha truyền con nối như vua; được bổ nhiệm do công lao, hoặc học vấn, nếu có lỗi thì bị cách chức trị tội. Lịch sử nước ta có những vị Tể thần nổi tiếng như Trương Bá Ngọc, Tô Hiến Thành triều Lý; Trần Thủ Độ, Trần Quang Khải, Đinh Củng Viên triều Trần. Vua sống trong cung cấm, ít biết đến việc bên ngoài; Tể tướng cầm đầu các quan, phần lớn xuất thân từ dân chúng, nên ý dân được đề đạt lên, để trên dưới thông cảm hòa hợp lẫn nhau, sự cai trị hợp với nguyên lý âm dương trong Kinh Dịch.
Kinh Dịch do Khổng tử san định chủ trương hai nguồn âm dương cứng mềm song hành đun đẩy, sinh ra biến hóa sáng tạo; Dịch Hệ Từ có câu, “Cương nhu tương thôi nhi sinh biến hóa và giải nghĩa cương đại biểu cho dương, nhu đại biểu cho âm, cùng khẳng định độc quyền là mối tai họa. Trong văn chương nước ta, bài thơ nổi tiếng của Nguyễn Khuyến khóc Dương Khuê có câu, “Buổi Dương Cửu cùng nhau hoạn nạn”. Tầm nguyên Kinh Dịch, hào “Dương Cửu” tượng trưng cho sự độc quyền, được cắt nghĩa như sau: Chín là số cực dương, trong dương không có âm, vạn vật dừng lại không giao tiếp với nhau, cái lý là khốn cực, thiên hạ loạn vậy! (Dương cửu: Cửu giả dương số chi cực, trọng dương vô âm, vạn vật bất giao, lý chi khổn cực nhi thiên hạ lọan hỷ! ). Chế độ chuyên chế đẩy nước nhà theo “Dương cửu”; điều này cắt nghĩa tại sao vận nước ta đời Lê, Nguyễn không bằng Lý,Trần trở về trước.
Điều oái oăm cần bàn thêm là người Âu, Mỹ chưa hề học Dịch, nhưng chính họ đã áp dụng nguyên lý âm dương của Dịch. Về vật lý họ thấy được, một động lực [action] phải có sức phản động [reaction] để cân bằng; viên đạn bay đi thì lực thối hậu đập ngay vào bả vai người bắn; phi cơ phản lực bay vút vượt bức tường âm thanh là nhờ hệ thống phản lực ở đằng sau; một lực là âm, lực kia là dương, hai lực cân bằng đến nỗi ly nước đầy để tại chiếc bàn nhỏ của hành khách trên máy bay, không hề bị rung động. Về chính trị, hai cơ chế hành pháp và lập pháp biểu tượng cho âm, dương; hai lực này kiểm soát lẫn nhau, giữ thế quân bình, nhờ vậy xã hội được thịnh vượng; sự việc tương tự như câu, “cương nhu tương thôi nhi sinh biến hóa” trình bày ở phần trên.
Về mặt phong tục, có bằng chứng về vấn đề tang lễ tại nước ta, từ thời nhà Minh đô hộ trở về trước, được ghi lại trong Minh thực lục như sau:
Ngày 4 tháng 7 năm Vĩnh Lạc thứ 18 [26/7/1419]Ty Bố-chánh Giao Chỉ Phó lý Lô Văn Chính tâu rằng:
“Người Giao-Chỉ tập quen phong tục man di, cha mẹ chết để tang cấm mặc áo đen; thổ quan, sinh viên, thư lại cha mẹ chết cũng không xin nghỉ việc cư tang. Xin dùng phép tắc quốc triều [Trung Quốc] đã định về tang lễ, ban hành dân gian để tuân hành. Các thổ quan, sinh viên, thư lại có cha mẹ chết, phải từ chức chịu tang; ngõ hầu dần dần từ bỏ tập tục man di.” Thiên tử xem lời tâu trực diện dụ bộ Lễ rằng: “Ba năm cư tang là thông lệ xưa nay, thiên hạ ai mà không có cha mẹ, cho theo lời thỉnh cầu.” (3).
Chỉ dụ này cung cấp bằng chứng rằng: Nước ta từ thời nhà Minh đô hộ trở về trước không có tập tục bắt quan lại viên chức phải nghỉ việc chịu tang cha mẹ trong 3 năm. Điều này phù hợp với tờ di chiếu của vua Lý Nhân Tông lúc sắp mất (năm Đinh Mùi 1127) như sau:
“… Lễ tang thì xong 3 ngày cho bỏ tang phục, thôi khóc thương. Lễ an táng thì theo lối tiết kiệm của Hán Văn đế, không xây lăng tẩm riêng mà chỉ cho chôn cất bên cạnh Tiên đế [vua cha], để được hầu hạ Tiên đế.” (4).
Đây là thuần phong mỹ tục, rất hợp với tư tưởng của tiên Nho về đạo hiếu; được Khổng Tử nêu rõ trong Luận ngữ như sau: “Lập thân hành đạo, dương danh phụ mẫu, hiếu chi nhất dã ” (Lập thân, hành đạo, làm rạng rỡ tên tuổi của cha mẹ; đó là một điều của đạo hiếu). Dĩ nhiên muốn thực hiện hoài bão lập thân hành đạo, phải xả thân lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ; đâu có thể bo bo lãng phí 3 năm cư tang.
Tại nước ta tập tục này còn kéo dài từ thời Minh thuộc cho đến triều Nguyễn; sử chép khi vua Hàm Nghi vời Đình nguyên Phan Đình Phùng ra ban chức lớn, lúc này cụ Phan đang đóng cửa chịu tang. Nho thời Minh chủ trương tôn quân, dụng ý của họ bắt vùi đầu vào việc cư tang cha mẹ, để thực tập việc tận trung với vua chúa, là người cha một nước (quốc phụ)! Từ đạo “trung” bị người đời sau biến thành “ngu trung”; như Phan Khôi một câu trong vở tuồng “Sơn Hậu” tại miền Nam như sau, “Quân sử thần tử, thần bất tử bất trung; phụ sử tử vong, tử bất vong bất hiếu” (vua bắt bầy tôi chết, bầy tôi không chết không trung; cha bảo con chết, con không chết là không có hiếu) (5).
Những điều vừa trình bày, nhắm biện biệt tư tưởng Nho học chủ đạo, tổ chức chính quyền và phong tục tại nước ta từ đời Trần trở về trước khác với các triều đại về sau.
Chú thích:
- An-Nam chí-lược, Lê Tắc, quyển 14.
- Quốc sử đại cương, Tiền mục, trang 666.
- Minh thực lục, quyển 214, trang 2146.
- Khâm định Việt sử thông giám cương mục, trang 155.
- “Cái ảnh hưởng của Khổng giáo tại nước ta”, Phan Khôi, Talawas 23/1/2006.
Nguồn bài đăng