Bàn về cái chết của Tô Trung Từ
Cảnh phim Khát Vọng Thăng Long Đặng Thanh Bình (1) Việt sử lược chép: “Tân Mùi [1211] Tháng 6, Tô Trung Từ ban đêm sang nhà ở Gia Lâm để cùng với công chúa Thiên Cực tư thông, bị chồng của công chúa làm quan nội hầu là Vương Thượng giết”. * Không thấy Toàn thư chép ...
Đặng Thanh Bình
(1) Việt sử lược chép: “Tân Mùi [1211] Tháng 6, Tô Trung Từ ban đêm sang nhà ở Gia Lâm để cùng với công chúa Thiên Cực tư thông, bị chồng của công chúa làm quan nội hầu là Vương Thượng giết”.
* Không thấy Toàn thư chép về cái chết của Tô Trung Từ ? Đây là việc rất khó hiểu bởi vì vào năm 1211 Trung Từ giữ vai trò quan trọng!
Việt sử lược chép: “Kỷ Tị [1209] Vua sai Phạm Du đến Hồng Lộ để huấn luyện quân sĩ, sắp đánh người ở Thuận Lưu. Biết đã đến lúc dân vùng Hồng đến rước mà Phạm Du còn cùng với công chúa Thiên Cực tư thông, không ngờ qua khỏi các giờ phút tư thông ấy thì đã sai hẹn với người Hồng. Phạm Du bèn lên thuyền theo đường sông mà đi, đến Cổ Châu mới dừng lại, rồi theo đường bộ đến xã A Cảo thuộc vùng Ma Lãng thì bị người Bắc Giang là Nguyễn Nậu và Nguyễn Nãi bắt đưa cho Vương tử Sam giết đi”.
* Như vậy không chỉ có Tô Trung Từ vì tư thông với công chúa Thiên Cực mà Phạm Du cũng vì tư thông nên hại thân, nhưng Thiên Cực công chúa là ai ?
Việt sử lược chép: “Đinh Hợi [1167] Công chúa Thiên Cực về với quan Lạng Châu mục là Hoài Trung hầu”.
* Qua sự kiện công chúa Thiên Cực về với Lạng châu mục, cho thấy vào thời điểm năm 1167, công chúa khoảng 15 tuổi.
Thiền uyển tập anh chép: “Người ta nghi sư [Đại Xả] có yêu thuật, nên trong khoảng Thiên Cảm Chí Bảo [1174 – 1175] thái uý Đỗ Anh Vũ ra lệnh bắt vào trong cấm, hết lời nghiêm trách, sư vẫn không có vẻ gì sợ hãi, Thiên Cực tấu xin thả ra nên sư được khỏi”.
* Qua ghi chép của Thiền uyển tập anh chúng ta thấy 2 việc: thứ nhất là vào năm 1174 công chúa Thiên Cực đã trưởng thành [nên vào năm 1167 công chúa ước khoảng 15 tuổi, rồi được gả cho Lạng châu mục là phù hợp] và thứ hai là công chúa Thiên Cực rất có thế lực nên tấu xin được miễn tội cho thiền sư Đại Xả.
* Vào năm 1167 công chúa Thiên Cực ước khoảng 15 tuổi, vậy thì vào năm 1211 công chúa ước khoảng 59 tuổi. Vào độ tuổi này thì thật khó hiểu vì sao đại thần Tô Trung Từ phải lén sang Gia Lâm vào ban đêm để tư thông với công chúa ?
Toàn thư chép: “Bính Tuất [1226] Giáng hoàng hậu của Huệ Tông làm Thiên Cực công chúa, gả cho Trần Thủ Độ, cho châu Lạng làm ấp thang mộc”.
* Như vậy không chỉ có một công chúa Thiên Cực mà có tới hai công chúa Thiên Cực. Vua Anh Tông sinh khoảng năm 1135, giả sử vào năm 18 tuổi vua sinh công chúa Thiên Cực, thì năm 1167 công chúa khoảng 14 tuổi, rất phù hợp với các thông tin chép trong Việt sử lược và Thiền uyển tập anh. Thêm nữa sự kiện Thiên Cực được phong công chúa dưới triều Lý Anh Tông [1137 – 1175] nên rất có thể công chúa Thiên Cực là con gái của Lý Anh Tông. Chúng ta biết gì về vị công chúa Thiên Cực thứ hai ?
Toàn thư chép: “Tân Mùi [1211] Tháng 2 vua sai phụng ngự là Phạm Bố đi đón Trần thị (…) vào cung, lập làm nguyên phi (…) Quý Dậu [1213] Xuống chiếu lấy quân các đạo đi đánh Trần Tự Khánh, giáng nguyên phi làm ngự nữ (…) Bính Tí [1216] Mùa xuân, sách phong ngự nữ làm Thuận Trinh phu nhân (…) mùa đông sách phong phu nhân làm hoàng hậu (…) Bính Tuất [1226] Mùa đông tháng 10, tôn cha là Thừa làm thượng hoàng (…) mẹ là Lê thị làm Quốc Thánh hoàng thái hậu [có sách chép là Bảo Thánh quốc mẫu] Kỷ Mùi [1259] Mùa xuân tháng giêng, phu nhân của Trần Thủ Độ là Linh Từ quốc mẫu Trần thị chết. Trần thị được gọi là quốc mẫu vì đó vốn là hiệu của Ngô phu nhân trước kia, tức là hoàng hậu, thái tông thấy Linh Từ đã từng làm hoàng hậu của Lý Huệ Tông, không nỡ gọi là công chúa, cho nên phong làm quốc mẫu, cũng là biệt danh của hoàng hậu. Xe kiệu, mũ áo, quân hầu của bà đều ngang với hoàng hậu”.
Việt sử lược chép: “Kỷ Tị [1209] Vương tử Sam trở về Hải Ấp cư ngụ ở thôn Lưu Gia, lấy con gái thứ hai của Nguyên Tổ làm nguyên phi (…) Năm Tân Tị [1211] lập người con gái thứ hai của họ Trần làm nguyên phi (…) Ất Dậu [1225] Tháng 6, Chiêu Thánh lên ngôi lấy thuỵ hiệu là Chiêu Vương, tôn Huệ tông làm Thái Thượng vương (…) tháng chạp con của Trần Thừa là Trần Cảnh nhân việc nhường ngôi mà lên làm vua tại điện Thiên An. Rồi tôn vương hậu Thuận Trinh làm thái hậu, giáng Chiêu vương làm vương hậu Chiêu Thánh (…) Thái Thượng vương cùng mẹ ngài là thái hậu Đàm thị ra ở chùa Phù Liệt, lấy hiệu Huệ Quang thiền sư”.
* Theo như sách sử thì khi Huệ Tông còn tại vị, Trần thị được phong làm Thuận Trinh hoàng hậu, đến khi Huệ Tông nhường ngôi cho Chiêu Thánh thì Huệ Tông được tôn làm Thái thượng hoàng còn Trần thị được tôn làm Thái hậu. Khi Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh thì Việt sử lược và Toàn thư đã có những ghi chép sai khác. Theo Toàn thư thì khi Trần Cảnh lên làm vua, đã phế thái hậu Trần thị làm công chúa Thiên Cực, đồng thời tôn cha là Trần Thừa làm thái thượng hoàng và mẹ là Lê thị làm thái hậu. Theo Việt sử lược thì khi Trần Cảnh lên ngôi đã tôn hoàng hậu Thuận Trinh làm thái hậu.
* Ghi chép trong Việt sử lược khá khó hiểu! Khi Huệ Tông nhường ngôi cho Chiêu Thánh để làm thái thượng hoàng thì đúng lý hoàng hậu Thuận Trinh cũng phải được tôn làm thái hậu. Nhưng sách ấy lại chép Trần thị được tôn làm thái hậu sau khi Trần Cảnh lên ngôi. Toàn thư chép Trần thị bị giáng làm công chúa sau khi Huệ Tông mất. Như thế Việt sử lược và Toàn thư không mâu thuẫn nhau ? Toàn thư chép năm 1226 vua tôn cha là Trần Thừa làm thượng hoàng nếu như vậy thì phải tôn mẹ là Lê thị làm thái hậu, có sách chép là “Bảo Thánh quốc mẫu” e rằng chép nhầm tước vị hoặc nhầm người chăng ? Vì như Toàn thư chép năm 1259 thì quốc mẫu là tên gọi khác của hoàng hậu. Nên Lê thị không thể là quốc mẫu được.
* Theo như Toàn thư thì Trần Thái Tông phong Trần thị làm Linh Từ quốc mẫu nhưng thời điểm phong tước là khi nào ? Ngay sau đoạn chép về việc Trần Cảnh phong Trần thị làm quốc mẫu là ghi chép về đặc hưởng như sau “xe kiệu, mũ áo, quân hầu của bà đều ngang với hoàng hậu”. Như thế rõ ràng Trần thị được phong quốc mẫu khi còn sống. Với vai trò rất quan trọng trong quá trình chuyển giao quyền lực từ họ Lý sang họ Trần của Linh Từ tôi cho rằng Trần thị được phong quốc mẫu từ rất sớm, rất có thể là vào tháng 10/1226 và có thể “Bảo Thánh quốc mẫu” chính là dấu vết còn sót lại, khi trong quá trình sao chép thông tin đã bị thay đổi.
* Theo Toàn thư thì tháng 8/1226 thượng hoàng Lý Huệ Tông bị sát hại, tháng 10/1226 Trần Thừa và Lê thị được tấn phong, rất có thể Trần thị cũng được tấn phong quốc mẫu vào cùng thời điểm. Khoảng thời gian 2 tháng tuy rằng ngắn nhưng không thể dùng để bác ghi chép của Toàn thư về việc giáng thái hậu Trần thị làm công chúa Thiên Cực. Như vậy vị công chúa Thiên Cực thứ hai là con gái thứ của Trần Lý.
Sách Sex và triều đại của tác giả Tạ Chí Đại Trường viết: “Toàn thư tuy chép sơ lược về thời nhiễu nhương chuyển tiếp Lí Trần nhưng cũng cho ta thấy tên bà [Thiên Cực công chúa] vào lúc thành lập xong triều đại mới. Họ cho biết sau khi Lí Huệ Tông tự tử thì bà bị “giáng làm Thiên Cực Công chúa, gả cho Trần Thủ Độ” (1226). Tuy tên tước này xuất hiện muộn sau tài liệu của Đại Việt Sử Lược nhưng lại là khởi đầu để cho sử gia dùng theo kiểu hồi cố, vì lúc họ Trần chưa làm vua thì không thể có danh hiệu “công chúa” được. Tác giả Đại Việt Sử Lược chắc sử dụng nó theo thói quen đời Trần là thời gian sử quan sinh sống, như Trần Thủ Độ đã dùng chữ “công chúa” khi nói với người khác về vợ mình (…) Lại phải thấy Đại Việt Sử Lược không bao giờ liên kết Cô Hai [Họ Trần] và Công chúa Thiên Cực: Cô Hai họ Trần đi với Hoàng tử Sảm (Huệ Tông sau này) còn Công chúa Thiên Cực chỉ xuất hiện trong những chuyện thông dâm hấp dẫn với người khác mà thôi. Nhưng không thể vì sự tách biệt này và vì Thiên Cực được dẫn trong đời Lí mà có thể cho rằng Thiên Cực là một công chúa của Lí. Nhà Trần khá kiêu ngạo nên không thể lấy tên hiệu một công chúa Lí phong cho bà vợ ông Trần Thủ Độ đầy quyền uy và là mẹ vợ của Thái Tông, người không chịu gọi Bà là Công chúa mà phong cho chức Quốc mẫu, có “xe kiệu, mũ áo, quân hầu đều ngang với hoàng hậu”. Điều trở ngại khác là trong chuyện thông dâm với Tô Trung Từ/Tự (6âl.1211) thì sách có nói rõ chồng cô là Quan nội hầu Vương Thượng. Ta phải gỡ rối điều này, cũng là dịp nối kết Cô Hai với Công chúa Thiên Cực, tất nhiên là cũng không được hoàn hảo, như nhiều vấn đề khác. Có một Quan nội hầu Vương Thượng ở tận Lạng Châu “xa xôi hiểm trở” như lời Đàm Dĩ Mông can Huệ Tông khi ông vua muốn dẫn gia đình lên đấy tránh Trần Tự Khánh, tuy rằng cuối cùng ông vẫn có mặt nơi ấy (đầu 1214). Lạng Châu trong tranh chấp cũng thường đổi chủ. Tháng Giêng âl. 1212, Đinh Khôi đánh Lạng Châu, cướp các tài vật trong nhà Công chúa Thiên Cực rồi kéo đi. Điều này có vẻ như chứng tỏ có một Thiên Cực khác biệt với Cô Hai họ Trần, nhưng cũng có thể giải thích là một cách ghi sự việc hồi cố của sử gia vì sự hiện diện của Huệ Tông và Trần thị ở Lạng Châu về sau. Bởi vì chuyện Tô Trung Từ thông dâm với Thiên Cực lại xảy ra ở Gia Lâm, nơi này rõ ràng là cách xa Lạng Châu, khó thể liên kết với Quan nội hầu Vương Thượng, mà lại gần với Thăng Long của Cô Hai đang làm nguyên phi nơi ấy hơn, và cô cũng từng ở trong nhà Tô Trung Từ trước kia. Chuyện Phạm Du thông dâm với Thiên Cực đã xảy ra khoảng thời gian Cô Hai lấy Vương tử Sảm (tháng 7âl. 1209) và điều này là đáng chú ý: Phạm Du bận bịu với Thiên Cực, lỡ hẹn quân tình, bơ vơ bỏ thuyền lên bộ liền bị hai tướng bắt đưa cho Vương tử Sảm giết đi. Không phải ngẫu nhiên mà kẻ ngoại tình bị bắt lại được dẫn giải về cho ông chồng bị mọc sừng. Lê Tắc (An Nam chí lược, Huế 1961, 222) cho biết trước “hồi gần đây” lúc chưa có chuyện chuộc tiền thế mạng thì người chồng được tự chuyên giết chết gian phu. Tên Vương Thượng cũng có thể hiểu theo nghĩa khác. Đó là chữ theo lối ngày nay, viết thường, chỉ sự tôn xưng: “Vương thượng” chỉ Vương tử Sảm, lúc bấy giờ đã được họ Trần bỏ Vương tử Thầm, tôn là Thắng Vương. Sự nối kết “Vương thượng” với Quan nội hầu Vương Thượng ở Lạng Châu là lầm lạc của sử gia, hay của người sau chép lại sách. Như thế ta gần như đã nối kết được Công chúa Thiên Cực và Cô Hai họ Trần trong thời chưa vinh hiển, còn đầy quá khứ buông lung, phóng túng như những người con gái, con trai khác của thời đại. Đã nói, Đại Việt Sử Lược không chừa những chi tiết sỗ sàng, thường tục như chuyện Nguyễn Tự (1212) một tướng ngang ngửa tung hoành thời đại, đánh trận bị trúng tên, về nghỉ, hơn 10 ngày “vì lầm lỡ ăn nằm với đàn bà nên khí độc phát lên mà chết”! Ông cậu Tô Trung Từ không chừa cả cô cháu nên ban đêm lẻn vào nhà, bị giết rồi cũng được cháu Trần Tự Khánh chôn cất tử tế. Cô Hai họ Trần “có nhan sắc” (sử quan nhắc lại nhận định của Vương tử Sảm) lấy chồng tuy thuộc dòng hoàng phái, có cơ nối ngôi Trời, nhưng lúc bấy giờ chỉ là người long đong, nên cô không quên nhìn sang kẻ khác (…) Khúc dạo đầu của Cô Hai họ Trần khiến ta không lấy làm lạ với sinh hoạt tính dục của người họ Trần về sau”.
* Tác giả Tạ Chí Đại Trường cho rằng vị công chúa đã tư thông với Phạm Du và Tô Trung Từ là Trần thị! Nên từ đây giả thuyết về cái chết của Tô Trung Từ có liên quan đến họ Trần được đặt ra ? Cũng thật trùng hợp khi Việt sử lược chép “Trần Tự Khánh an táng Tô Trung Từ ở làng Hoạch”. Rõ ràng là Tự Khánh giữ xác của Trung Từ.
* Cũng thật khéo trùng hợp khi trước và sau cái chết của Tô Trung Từ vào đêm tháng 6/1211 đều có liên quan tới Nguyễn Tự. Tháng 4/1211 thuộc hạ của Nguyễn Tự là Nguyễn Giai báo với Tô Trung Từ rằng Nguyễn Tự muốn giết con rể Từ là Nguyễn Ma La và làm phản nên Từ giận, tước hết binh quyền của Nguyễn Tự, Tự sợ chạy sang Quốc Oai. Trước hết qua hành động “tước hết binh quyền” cho thấy Nguyễn Tự là thuộc hạ của Tô Trung Từ, nhưng vì sao Tự lại có ý làm phản ? Sau cùng vì sao Tự lại chọn chạy về Quốc Oai ? Việt sử lược chép sau khi Từ chết, Nguyễn Tự dẫn đồng đảng vào cướp phủ vua, lệnh truy nã gắt gao nên Tự chạy về Khô Sách. Chi tiết Tự “dẫn đồng đảng” cho thấy Tự chạy về Quốc Oai là có chủ đích. Lại thêm, khi Từ bị chết thì Nguyễn Tự lại là người đầu tiên tận dụng sự rồi loạn này ?
* Vào thời điểm trước khi Từ chết thì Tô công là người quyền lực nhất kinh sư, rồi khi Từ chết thì quyền lực ấy phải được chuyển giao cho người con rể là Nguyễn Ma La, nhưng Việt sử lược cho chúng ta biết Ma La cùng vợ là Tô thị phải chạy về Thuận Lưu để nương tự thuộc tướng của Tô Trung Từ là Nguyễn Trinh. Như thế rõ ràng sau cái chết của Từ, Ma La đã không được thừa hưởng quyền lực từ cha vợ mà thậm chí trước sức ép của kẻ đã giết Tô Trung Từ, Ma La đã phải cùng vợ chạy khỏi kinh sư để giữ tính mạng. Thế nhưng chi tiết “Nguyễn Tự buộc phải chạy sang Khô Sách” cho thấy Nguyễn Tự không thể là thế lực đứng đằng sau cái chết của Tô Trung Từ.
Việt sử lược chép: “Nhâm Thân [1212] Tháng giêng, Đinh Khôi đánh Lạng Châu, hàng phục được Lạng Châu và cướp tài vật trong nhà công chúa Thiên Cực (…) Tháng 2, vua và thái hậu thăm nhà đại liêu ban ở Đông Ngạn là Đỗ Thưởng, rồi vua lại sắp muốn đi Lạng Châu”.
* Rõ ràng mối quan hệ giữa hoàng đế Huệ Tông và công chúa Thiên Cực rất tốt nên Tô Trung Từ chết do vợ chồng Vương Thượng không phải ngẫu nhiên. Tôi cho rằng kịch bản diễn ra như sau: Tô Trung Từ nhờ Đỗ Quảng tấu xin với vua Cao Tông, được vua chấp thuận nên Từ đã đoạt vương tử Sảm từ Trần Lý, đưa về kinh sư. Khi Cao Tông băng, Hạo Sảm kế. Tô Trung Từ trở thành thế lực tại kinh sư, Đỗ Kính Tu mưu trừ nhưng bị Đỗ Quảng tố nên bị dìm chết. Rồi Đỗ Thế Qui, Đỗ Quảng, Phí Liệt mưu phế lập nhưng không thành. Tô công thanh trừ thế lực họ Đỗ. Nên kinh sư gồm 2 thế lực đối đầu: Tô Trung Từ và Đàm thị. Thái hậu, hoàng đế và Đàm Dĩ Mông thông mưu với thuộc hạ của Tô Trung Từ là Nguyễn Tự, bị phát hiện Từ tước hết binh quyền, Tự sợ hãi chạy về Quốc Oai. Vua liên kết với vợ chồng công chúa Thiên Cực và Nguyễn Tự lập kế hoạch sát hại Tô Trung Từ. Sau khi Từ chết, Huệ Tông và Nguyễn Tự mâu thuẫn.
* Chi tiết Trần thị được ban “Lạng châu làm ấp thang mộc” gợi ý cho chúng ta biết rất có thể vợ chồng công chúa Thiên Cực có hai tư trang, một ở kinh sư và một ở Lạng Châu. Chồng của công chúa là Vương Thượng về chức là quan nội hầu, về tước là Hoài Trung hầu.
An Nam chí lược chép: “Bắt được gian phu, được tự chuyên giết chết. Đời gần đây, mới ra lệnh cho gian phu được lấy 300 quan tiền chuộc tội chết”.
* Nếu Vương Thượng vô cớ giết Tô Trung Từ thì sẽ bị xử phát, nhưng nếu Tô Trung Từ lén tư thông với công chúa Thiên Cực nên bị chồng của công chúa là Vương Thượng giết thì theo luật pháp không bị truy cứu, rõ ràng kế hoạch rất hoàn hảo. Tô Trung Từ sang Gia Lâm gặp vợ chồng công chúa Thiên Cực, bị Vương Thượng giết, công chúa liền tự nhận có tư thông với Tô công, để Vương Thượng không bị kép tội và thế là tiếng hiếu dâm của vị công chúa khoảng 59 tuổi này lan truyền, rồi dân gian nhân đó thêm nàng vào câu chuyện của Phạm Du lỡ hẹn với người Hồng Châu. Kết quả các sử gia đã thu thập và lưu lại cho chúng ta những thông tin khó giải thích ?
(2) Toàn thư chép: “Nhâm Thìn [1232] Mùa hạ tháng 6, ban bố các chữ quốc huý và miếu huý. Vì nguyên tổ tên huý là Lý, mới đổi triều Lý làm triều Nguyễn, vả lại cũng để dứt bỏ lòng mong nhớ của dân chúng đối với nhà Lý (…) Mùa đông, nhân người họ Lý làm tế lễ các vua Lý ở Thái Đường, Hoa Lâm. Thủ Độ ngầm đào hố sâu, làm nhà lên trên, đợi khi mọi người uống rượu say, giật máy chôn sống hết. Xét thời Trần Anh Tông còn có người họ Lý làm tướng, hơn nữa Phu Tiên không ghi lại, việc này chưa chắc đã có thực, hãy tạm chép vào đây”.
* Chúng ta thấy rằng ghi chép của Toàn thư rất mâu thuẫn, mục mùa hạ Toàn thư chép đổi người họ Lý sang họ Nguyễn, nhưng đến mục mùa đông Toàn thư chép thời Trần Anh Tông còn có người họ Lý làm tướng. Rõ ràng thông tin là khá phức tạp và chúng ta sẽ tìm hiểu cụ thể trong bài khác, nhận định ban đầu của tôi là: mục chép rằng Phan Phu Tiên không chép lại là việc chép thêm vào của người đời sau chứ không phải của Ngô Sĩ Liên.
An Nam chí lược chép: “Tất cả tôn thất nhà Lý và bình dân họ Lý đều đuổi ra họ Nguyễn để dứt lòng dân trông nhớ”.
* Qua ghi chép trong Việt sử lược và Thiền uyển tập anh thì có thể chắc chắn rằng việc nhà Trần bắt đuổi từ họ Lý sang họ Nguyễn là chính xác.
Bài Những cuộc đổi họ lớn trong lịch sử của tác giả Trần Gia Phụng viết: “Một câu hỏi cần được đặt ra là tại sao triều đình nhà Trần buộc họ Lý đổi thành họ Nguyễn mà không qua họ khác ? Điều này rất khó trả lời vì không có tài liệu cụ thể, chỉ biết được rằng họ Nguyễn là một dòng họ ít người bên Trung Hoa và ngược lại họ Nguyễn có nhiều và có sớm ở nước ta. Phải chăng Trần Thủ Độ muốn cho họ Lý hòa lẫn trong số đông người Việt rải rác khắp nước ?”.
* Tôi đã rất cố gắng để bác bỏ ghi chép của Toàn thư về việc “giáng hoàng hậu của Huệ Tông làm công chúa Thiên Cực” nhưng đã không thành công. Nên đành phải chấp nhận ghi chép của Toàn thư! Và như thế thì câu hỏi: tại sao lại là công chúa Thiên Cực ? Qua sự việc công chúa Thiên Cực tấu xin cho sư Đại Xả cho thấy công chúa rất có thế lực và Trần thị được ban ấp thang mộc là châu Lạng, giống hệt như công chúa Thiên Cực nhà Lý. Đằng sau tất cả những sự trùng hợp này là gì ? Đó chính là tư tưởng kế thừa! Trần thị kế thừa Lý thị tước công chúa, lại kế thừa thực ấp, rõ ràng Trần triều muốn cho thiên hạ thấy, họ được chọn là kế thừa liên tục của tiền triều, vì thế họ là chính danh.
Toàn thư chép: “Ất Dậu [1125] Chiêu Hoàng bèn trút bỏ áo ngự mời Trần Cảnh lên ngôi hoàng đế. Đổi niên hiệu là Kiến Trung thứ 1, đại xá thiên hạ, Xưng là Thiện Hoàng, sau đổi là Văn Hoàng (…) Đinh Hợi [1227] Tuyên bố các điều khoản lễ minh thệ, theo như lệ cũ của triều Lý và bắt đầu định việc thực hiện (…) Canh Dần [1230] Mùa xuân tháng 3, khảo xét các luật lệ của triều trước, soạn thành Quốc triều thống chế và sửa đổi hình luật lễ nghi, gồm 20 quyển”.
* Chú thích trong Toàn thư rằng: Thiện là nhường ngôi nên Thiện Hoàng là vị vua được nhường ngôi. Không chỉ dùng tên hiệu thể hiện sự liên tục mà trong việc lễ nghi luật lệ, thậm chí việc giáng Chiêu Thánh, lập Thuận Thiên thế hoặc như gả hoàng hậu của Huệ Tông cho Trần Thủ Độ, cũng phần nào cố gắng thể hiện sự liên tục giữ Trần triều với tiên triều. Khi Lê triều chuyển giao quyền lực sang Lý triều cũng thông qua người con rể Công Uẩn. Rõ ràng các triều đại sau cố gắng thể hiện sự chính danh trong quyền thừa kế của triều đại trước, mà trong quá trình chuyển giao tính liên tục luôn được ưu tiên.
Toàn thư chép: “Tân Mão [1231] Mùa thu tháng 8, vua ngự đến hành cung Tức Mặc, dâng lễ hưởng ở tiên miếu, thết yến và ban lụa cho bô lão trong hương theo thứ bậc khác nhau. Thượng hoàng xuống chiếu rằng trong nước hễ chổ nào có đình trạm đều phải đắp tượng phật để thờ. Trước đây, tục nước ta vì nóng bức, nên làm nhiều đình cho người đi đường nghỉ chân, thường quét vôi trắng, gọi là đình trạm. Thượng hoàng khi còn hàn vi từng nghỉ ở đó, có một nhà sư bảo rằng: “Người trẻ tuổi này ngày sau sẽ đại quý”. Nói xong thì không thấy nhà sư đâu nữa. Đến nay vua lấy được thiên hạ mới có lệnh này. Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Việc này của Trần Thái Tông cũng giống như việc Vạn Hạnh với Lý Thái Tổ. Đó là mầm đầu tiên của sự sùng Phật ở đời Lý, đời Trần. Kể ra, người thức giả mọi việc đều biết trước, có gì lạ đâu”.
* Không chỉ có chức tước địa vị, không chỉ có lễ nghi luật lệ, không chỉ có con người cụ thể, mà hành động cũng phải sao cho triều đại sau giống với triều đại trước, để dân chúng không thấy lạ lẫm, không thấy hụt hẫng và thấy rằng triều đại sau với triều đại trước cũng chỉ là một triều đại mà thôi. Sử gia Ngô Sĩ Liên quả thực là “người thức giả” khi nhận ra hành động đặt tượng phật tại đình trạm chẳng qua là để cố tình giống với việc Vạn Hạnh và Lý Thái Tổ.
* Nhưng chính hành động giống nhau trong việc gieo “mần mống sùng phật” tôi đặt giả thuyết về nguyên do nhà Trần lại chọn họ Nguyễn để đổi họ Lý sang.
Thiền uyển tập anh chép: “Thiền sư Vạn Hạnh. Chùa Lục Tổ, làng Dịch Bảng, phủ Thiên Đức. Người Cổ Pháp, họ Nguyễn. Gia đình đời đời thờ phật”.
* Tôi cho rằng vì thiền sư Vạn Hạnh là biểu tượng khởi đầu của Lý triều nên nhà Trần đã chọn họ Nguyễn của Vạn Hạnh để “lá rụng về cội” cho người họ Lý. Có trở ngại rất lớn trong giả thuyết của tôi, ấy là những thông tin mà chúng ta có về thiền sư Vạn Hạnh đều thuộc thời nhà Trần, mà vào thời điểm đó chữ Lý bị chép thành chữ Nguyễn. Chúng ta sẽ trở lại việc này trong bài viết khác vậy.