23/05/2018, 15:29

Tình hình chăn nuôi lợn rừng hiện nay

Tình hình chăn nuôi lợn rừng trên thế giới như thế nào? Từ 2.500 năm trước, con người đã có những hiểu biết và khai thác lợn rừng. Theo tài liệu của nhiều nước thì lợn rừng được thuần hóa và bắt đầu đưa vào hệ thống từ thế kỷ XVI. Ngày nay lợn rừng đã được nuôi phổ biến ở nhiều nước trên thế ...

Tình hình chăn nuôi lợn rừng trên thế giới như thế nào?

Từ 2.500 năm trước, con người đã có những hiểu biết và khai thác lợn rừng. Theo tài liệu của nhiều nước thì lợn rừng được thuần hóa và bắt đầu đưa vào hệ thống từ thế kỷ XVI.

Ngày nay lợn rừng đã được nuôi phổ biến ở nhiều nước trên thế giới như Pháp (hiện có 800 trang trại chuyên nuôi lợn rừng), Ba Lan, Thái Lan, Canada, Anh, Trung Quốc, Đức, Ấn Độ, Braxin, Mexico, Tây Ban Nha, Italia, Đan Mạch, Nhật Bản, Nga, Nepan, Angeri, Indonesia,… và Việt Nam. Nghề nuôi dưỡng lợn rừng đã trở nên khá phổ biến, tỏ ra có nhiều sức thuyết phục bởi chúng thực sự là nghề có giá trị kinh tế cao và có thị trường lớn.

Lợn rừng cho thu hoạch nhiều sản phẩm: Thịt, da và lông.

Nghề nuôi lợn rừng ở các nước không chỉ dừng lại ở việc cung cấp thực phẩm tươi sống hàng ngày bày bán trong các siêu thị mà thịt lợn rừng còn được chế biến thành xúc xích, lạp sườn, đồ hộp,… rất đa dạng và được ưa chuộng hay nói cách khác công nghệ giết mổ, chế biến thịt lợn rừng ở các nước có nuôi lợn rừng cũng đã rất phát triển.

Da lợn rừng không những là món khoái khẩu mà còn là nguyên liệu cho công nghiệp thuộc da ở một số nước, hiện Peru là nước xuất khẩu da lợn rừng duy nhất ở châu Mỹ La-tinh với giá 30 USD/tấm.

Răng nanh và móng vuốt cũng được buôn bán với giá rất đắt và thị trường ngày càng trở nên khan hiếm.

Nghề nuôi lợn rừng càng trở nên sôi động khi nhu cầu tiêu thụ ngày một tăng. Số lượng các khu rừng bị đóng cửa cấm săn bắn ngày một nhiều nên nguồn cung cấp từ việc đi săn ngày càng ít ỏi, thị trường đã chấp nhận nguồn cung cấp chủ yếu từ việc nuôi thuần dưỡng và các trang trại chuyên chăn nuôi, cung cấp thịt và giống lợn rừng ở Thái Lan, Trung Quốc, Peru, Indonesia, … đã hình thành và phát triển hưng thịnh.

Ở Việt Nam lợn rừng đã được chăn nuôi như thế nào?

Ở Việt Nam, nhiều nơi đã thành công trong chăn nuôi lợn rừng, đem lại lợi nhuận cao cho người chăn nuôi và cũng góp phần đa dạng hóa sản phẩm chăn nuôi, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người chăn nuôi.

Một số trang trại đã có thương hiệu như Trại lợn rừng của ông Hữu Thành – Xuân Lộc, Đồng Nai; trại lợn rừng kết hợp nông lâm ngư du lịch sinh thái của ông Nguyễn Phước Hùng – thôn Phú Túc – Xã Hòa Phu – Huyện Hòa Vang – Đà Nẵng; trang trại lợn rừng của ông Bảy Dũng (Tân Hưng – Đồng Phú – Bình Phước), trại Chín Định (Cây Trường – Bến Cát – Bình Dương), trại Lê Song Bình (Mã Đà – Vĩnh Cửu – Đồng Nai), trang trại lợn rừng của anh Phan Đình Thế – buôn Bai – xã Ea Lâm – huyện Sông Hinh – tỉnh Phú Yên;… Chủ các trang trại nuôi lợn rừng ở Việt Nam đều khẳng định tính hiệu quả của chăn nuôi lợn rừng gấp 5 – 6 lần so với nuôi lợn nhà.

Thực ra, nghề nuôi lợn rừng ở Việt Nam chỉ mới bắt đầu được lan rộng từ năm 2005 và được chú ý mới từ năm 2006. Trên thị trường thịt và giống chủ yếu là lợn rừng lai. Đa số các trang trại mua lại giống (nhập lậu giống lợn rừng Thái Lan) hoặc mua của các trang trại đi trước và tự nhân giống bằng cách lai lợn rừng đực thuần với lợn cái địa phương thuần chủng.

Việc nuôi lợn rừng hiện chủ yếu là khai thác giống, khả năng cung cấp thịt còn hạn chế. Các hướng khai thác khác như lông, da, sừng, móng chưa có. Hơn nữa, giống lợn rừng lai Thái Lan có tầm vóc không lớn, răng nanh cũng ít phát triển hơn các giống khác.

Tiềm năng của ngành chăn nuôi lợn rừng ở Việt Nam như thế nào? Có nên nuôi lợn rừng ở Việt Nam hay không?

Thịt lợn vốn là thực phẩm truyền thống và ưa thích của người Việt Nam, nay lại có thịt lợn rừng thơm ngon hơn, gần như không có mỡ, da dầy và giòn ngậy rất hấp dẫn, mà cung đang rất không đủ cầu nên hiện vẫn đang được coi là hàng “đặc sản”.

Cả nước hiện chỉ mới có khoảng 20 trang trại lợn rừng kéo dài từ Nam ra Bắc. Ngoài 3 công ty đang kinh doanh giống, thịt lợn rừng quy mô và hiệu quả là Công ty TNHH Khánh Giang (Đồng Nơ – Bình Long – Bình Phước), Công ty TNHH Xây dựng, dịch vụ, thương mại Hương Tràm (Phường 2, quận Phú Nhuận, TP. HCM) và Công ty ANFA (171 Cao Thắng, P12, Q10, TP HCM) thì còn lại là các trang trại tư nhân với ngàn lẻ một cách tiếp cận lợn rừng và nuôi lợn rừng nhưng chưa có ai thất bại mà đều có thể thu lãi từ các trang trại của mình đến cả trăm triệu đồng mỗi năm.

Giá con giống hiện luôn ở mức 3 – 5 triệu đồng/con hoặc 210.000đ/kg. Từ giữa năm 2006, công ty ANFA cho biết có hơn 400 đơn đặt hàng mua giống lợn rừng lai từ khắp các tỉnh miền Nam mặc dù các tỉnh như Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai,… đã có rất nhiều hộ nuôi lợn rừng lai với quy mô 20 – 50 con/hộ song nhu cầu tiêu thụ ngày một lan rộng nên hiện vẫn không thể đáp ứng đủ.

Giá thịt hơi cũng luôn duy trì ở  mức 60.000đ – 250.000đ/kg mà vẫn chỉ có thể cung cấp cho một số nhà hàng đặc sản trong khi nhu cầu tiêu thụ vẫn đang ngày một tăng cao.

Một trong những cơ sở thành đạt từ nuôi lợn rừng hiện nay là trang trại của ông Nguyên Trùng Phương (Phước Chỉ – Trảng Bàng – Tây Ninh) với khởi nghiệp từ 1 cặp lợn rừng con mua ở quán cơm ven đường nay đã phát triển thành 2 trang trại lợn rừng ở Tây Ninh và Đồng Nai, mỗi năm xuất chuồng khoảng 200 con và duy trì đàn nái hơn 70 con để sản xuất giống. Chủ trang trại lợn rừng đầu tiên và duy nhất hiện nay ở miền Bắc (Lương Sơn – Hòa Bình) – ông Trần Đình Bá cho biết nếu nuôi thịt thì mỗi con lợn rừng cho thu lãi 3 – 4 triệu đồng/con, nếu bán giống thì còn lãi hơn. Nhiều hộ trồng rừng cây gỗ lớn, rừng cây nguyên liệu đã trưởng thành,… đã kết hợp nuôi lợn rừng dưới tán khá hiệu quả để tăng thêm nguồn thu nhập rất đáng kể.

Nuôi lợn rừng hoặc lợn rừng lai tuy không sản xuất con giống hàng loạt được nhưng không những cho con lai đáp ứng nhu cầu tiêu dùng mà còn có tác dụng tích cực trong việc gìn giữ nguồn gen các giống lợn bản địa vốn đang đứng trước tình trạng bị mai một và thoái hóa giống.

Nuôi lợn rừng có lãi cao do đầu tư thấp và thị trường tiêu dùng ưa thích chứ tuyệt đối không phải do lợn quá mắn đẻ hoặc tăng trọng nhanh như các giống lợn công nghiệp.

Nuôi lợn rừng lại tận dụng được các nguồn thức ăn xanh vốn có sẵn, rẻ tiền, phong phú và đa dạng quanh năm ở một nước nhiệt đới như nước ta.

Đầu tư thấp, thị trường rất tiềm năng, kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng đơn giản, rủi ro ít, sức cạnh tranh với thịt lợn công nghiệp rất cao lại thêm không bị ràng buộc gì từ các chính sách về bảo tồn động vật hoang dã của Nhà nước. Mặt khác chính sách “khóa cửa rừng” của Nhà nước làm hạn chế việc săn bắt lợn rừng tự nhiên nên thị trường tiêu thụ lợn rừng chủ yếu vẫn là từ nguồn chăn nuôi trong dân chúng. Với những lý do này, nuôi lợn rừng đang là một nghề chăn nuôi mới đầy hứa hẹn và rộng mở nhiều tiềm năng.

Tôi ở Hưng Yên là một tỉnh đồng bằng sông Hồng liệu có nuôi được lợn rừng không? Lợn rừng có thể nuôi được ở những vùng nào?

Lợn rừng vốn là loài ăn tạp, thuộc động vật đẳng nhiệt nên có phạm vi phân bố rất rộng, tính thích nghi cao, nhưng chúng ưa thích nhất kiểu sống gần gũi với tự nhiên và khá nhạy cảm nên trang trại lợn rừng cần được xây dựng trên diện tích đất rộng, yên tĩnh. Vì vậy, nếu diện tích đất của người chăn nuôi đáp ứng được tiêu chuẩn trang trại lợn rừng thì không cứ là miền núi mà bất kỳ vùng, miền nào ở nước ta đều có thể nuôi lợn rừng.

Hơn nữa, Hưng Yên là vùng có nhiều phụ phẩm của ngành trổng trọt nên có thể tận dụng làm thức ăn cho lợn rừng vừa làm giảm giá thành sản xuất vừa góp phần bảo vệ môi trường. Hưng Yên còn là vùng giáp ranh Hà Nội, thuận tiện cho việc cung cấp thịt và giống cho nhiều vùng, miền khác nên lưu thông sản phẩm rất thuận lợi.

0