23/05/2018, 15:29

Bệnh viêm da do tụ cầu (Staphylococcal dermatitis)

Bệnh Tụ cầu gây viêm da ở lợn con theo mẹ, lợn vỗ béo dẫn đến chết, còn lợn nái thường bị bệnh mãn tính và truyền bệnh nguy hiểm cho đàn con. Bệnh này bà con còn gọi là “Bệnh ghẻ dầu”. Bệnh dễ xảy ra ở cơ sở chăn nuôi lợn sinh sản không đảm bảo vệ sinh. Tuy ít gặp nhưng nếu không biết ...

Bệnh Tụ cầu gây viêm da ở lợn con theo mẹ, lợn vỗ béo dẫn đến chết, còn lợn nái thường bị bệnh mãn tính và truyền bệnh nguy hiểm cho đàn con. Bệnh này bà con còn gọi là “Bệnh ghẻ dầu”. Bệnh dễ xảy ra ở cơ sở chăn nuôi lợn sinh sản không đảm bảo vệ sinh. Tuy ít gặp nhưng nếu không biết cách khống chế bệnh sẽ xảy ra liên tục và gây nhiều tốn kém cho các cơ sở chăn nuôi lợn. Bệnh do tụ cầu Staphylococcus epidermidis (trước đây gọi là tụ cầu trắng – S. albus) gây ra.

Triệu chứng

Biểu hiện rõ rệt chỉ ở lợn con theo mẹ và lợn choai, nhưng triệu chứng lâm sàng ở đàn lợn thuộc 2 lứa tuổi này khác nhau hoàn toàn. Còn lợn trưởng thành và lợn nái bị bệnh mãn tính dạng thể ẩn, tạo nguồn bệnh truyền cho đàn con.

Đàn lợn con theo mẹ bị bệnh giảm bú, sốt, gầy, viêm chân lông tiết nhiều dịch, về sau dịch viêm khô đóng vẩy thành mảng màu nâu ở trên da và lông, làm cho lổng dính bết vào nhau như bôi cám khô lên. Lật lớp vẩy khô lên ta có thể thấy nhiều đường nứt trên da lợn bệnh, vùng da viêm hơi ướt. Hiện tượng viêm da ngày càng lan rộng ra toàn bộ cơ thể lợn, kể cả tai và 4 chân. Da nứt mất tính đàn hồi nên một số lợn bệnh đứng dúm người vì da co và đau. Nếu viêm da xảy ra quanh miệng lợn bệnh không thể tự bú được nên bị đói dẫn đến chết.

Triệu chứng lâm sàng ở lợn choai hoàn toàn khác. Lợn bệnh cũng bị viêm chân lông nhưng lông không dính bết vào nhau (vì lông ở lợn lớn không dày như ở lợn con theo mẹ), da có nhiều vẩy màu nâu hoặc tạo thành đám viêm màu đỏ hình đồng xu, nổi lên như nốt hắc lào. Trong trường hợp này dễ nhầm với bệnh Ghẻ, bệnh Đậu hoặc bệnh Đóng dấu. Khác với các bệnh này là lợn bệnh ít ngứa, nốt viêm da do tụ cầu to hơn và lúc đầu tập trung chủ yếu ở vùng da 2 bên mông, 2 chân sau, sau đó mới lan toả sang vùng da khác.

Vi khuẩn tụ cầu ít gây bệnh nguyên phát ở lợn trưởng thành và ở lợn nái. Ở lợn nái có thể gặp trong bệnh Viêm tử cung, Viêm vú, đặc biệt trong bệnh Viêm phổi truyền nhiễm. Bệnh viêm da do tụ cầuBệnh viêm da do tụ cầu

Chẩn đoán

Căn cứ triệu chứng lâm sàng và dịch tễ bệnh tại cơ sở chăn nuôi. Cần chẩn đoán phân biệt với bệnh Ghẻ, bệnh Đậu, bênh Viêm da dọ thiếu Zn và bệnh Đóng dấu lợn.

Trong bệnh Ghẻ lợn, đầu tiên lợn bị viêm vùng da gốc tai, sau đến vùng da mỏng (da bụng, da 4 chân,…), các nốt viêm có thể liền nhau, lợn bệnh bị ngứa. Khi bị ghẻ nhiễm trùng nốt viêm da sưng to, lợn bệnh sốt cho nên dùng thuốc điều trị bệnh Ghẻ (tiêm Pharmectin, Mectin – pharm hoặc phun Etox – pharm 2 lần cách nhau 7 ngày) kết hợp tiêm kháng sinh (Combi – pharm, Oxyvet – L.A, Lincocin hoặc Lincoseptin) mới cho kết quả tốt.

Trong bệnh Đậu lợn nốt viêm da tròn, to hơn nốt ghẻ, nhưng thưa (không mọc liên nhau) và mọc chủ yếu đối xứng ở 2 bên sườn.

Bệnh Viêm da do thiếu Zn thường xảy ra ở lợn vỗ béo và lợn nái do thiếu kẽm trong thức ăn. Xuất hiện các nốt viêm da nhỏ tràn lan khắp cơ thể, nhưng lợn không ngứa, vẫn ăn uống bình thường. Sau khi bổ sung kẽm vào thức ăn bệnh sẽ giảm. Đối với lợn nái, nhất là lợn địa phương cho ăn cám tự chế, bệnh hay xảy ra trong thời kỳ mang thai, sau khi đẻ thì bệnh hết. Trong trường hợp này bệnh xảy ra do cho nái chửa ăn cám thiếu khoáng vi lượng.

Trong bệnh Đóng dấu trên da lợn nổi nhiều vùng viêm hình vuông, chữ nhật như hình dấu cho nên gọi là “bệnh Đóng dấu lợn”.

Điều trị

Đây là bệnh điều trị được, nhưng phải kiên trì. Mặt khác nếu cơ sở nuôi nái sinh sản thì ngoài đàn lợn con cần điều trị cả đàn nái, kết hợp vệ sinh, định kỳ sát trùng chuồng trại (bình thường: 7 – 10 ngày/lần, trong đợt dịch: 2 – 3 lần/tuần).

Hộ lý

– Nếu dịch viêm khô nhiều ở trên da và lông thì trước hết cố gắng làm sạch các vẩy khô bằng cách dùng kéo cắt bớt lông dính vào nhau. Dùng một số thuốc bôi làm bong vẩy trên da như hỗn hợp Oxyd kẽm 15%, Vaselin 85%, bôi 1 lần/ngày.

– Phun sát trùng toàn bộ đàn lợn và khu vực chăn nuôi (Cloramin T).

Dùng thuốc điều trị

– Tiêm bắp một trong các loại kháng sinh sau: Oxyvet – L.A, 0,5 – 1ml/con theo mẹ hoặc 1ml/10kgP lợn cai sữa, 2 mũi cách nhau 3 ngày; Combi – pharm, 1ml/7,5kgP, 1 lần/ngày; phối hợp tiêm bắp 1ml kháng sinh Lincocin hoặc 2ml Lincoseptin hoặc 1ml L.S – pharm với 1ml Dexa – pharm cho 10kgP, một lần/ngày, liên tục 3 ngày.

– Kết hợp bôi kháng sinh Oxyvet – L.A hoặc dung dịch Xanhmethylen lên vùng da viêm, 1 lần/ngày.

– Tiêm bắp urotropin, 5ml/con, 1 lần/ngày, tiêm 3 – 4 mũi.

Chú ý:

– Trường hợp ghép bệnh Ghẻ tiêm thêm Pharmectin (1ml/7kgP/lần) hoặc Mectin – pharm (1,5ml/50kgP/lần), 2 mũi cách nhau 7 ngày hoặc phun Etox – pharm (2ml/lít nước), phun 2 lần cách nhau 7 ngày.

– Trường hợp bệnh xảy ra trên diện rộng và liên tục ở đàn lợn con cần điều trị cả đàn lợn bố mẹ bằng cách cho đàn nái, đực sinh sản ăn/uống kháng sinh Pharamox, 10g/200kgP/Iần, 2 lần/ngày hoặc 1g/lít nước uống một đợt 7 ngày/thang; cần cho ăn liên tục 2 – 3 đợt cho đến khi trong đàn con không xuất hiện bệnh Viêm da do tụ cầu. Biện pháp này ngoài việc điều trị dứt điểm bệnh Tụ cẩu, còn khống chế hiệu quả nhiều bệnh khác, trong đó có bệnh viêm vú, viêm tử cung ở lợn nái và tiêu chảy ở đàn lợn con theo mẹ.

Phòng bệnh

Đây là bệnh do ô nhiễm môi trường, cho nên phòng bệnh tốt nhất là đảm bảo vệ sinh trong và xung quanh khu vực chăn nuôi. Nuôi tách riêng lợn nái sinh sản, lợn cai sữa, lợn vỗ béo. Phát quang khu vực xung quanh chuồng nuôi, định kỳ rắc vôi bột hoặc phun sát trùng. Phun Etox – pharm để diệt ruồi, muỗi va một số côn trùng khác (10 – 15 ngày phun 1 lần).

0