Lợn rừng thường bị những bệnh gì?
Lợn rừng và lợn nhà có nhiều điểm tương đồng về di truyền nên tiềm ẩn việc dễ cùng mắc các loại bệnh thường có ở lợn nhà như bệnh đóng dấu, bệnh thương hàn, bệnh suyễn, bệnh xoắn trùng, bệnh sảy thai truyền nhiễm,… Song trên thực tế, lợn rừng vốn là loài hoang dã, khỏe mạnh, có sức đề ...
Lợn rừng và lợn nhà có nhiều điểm tương đồng về di truyền nên tiềm ẩn việc dễ cùng mắc các loại bệnh thường có ở lợn nhà như bệnh đóng dấu, bệnh thương hàn, bệnh suyễn, bệnh xoắn trùng, bệnh sảy thai truyền nhiễm,…
Song trên thực tế, lợn rừng vốn là loài hoang dã, khỏe mạnh, có sức đề kháng cao nên hiện ở các trang trại nuôi lợn rừng chưa bao giờ thấy có dịch, các bệnh khác cũng ít xuất hiện. Hiện lợn rừng nuôi trong các trang trại chỉ hay bị bệnh sưng phổi do lợn nằm nơi ẩm ướt và bệnh tiêu chảy do thay đổi thức ăn đột ngột hoặc thức ăn không phù hợp, kém vệ sinh,… Tuy nhiên, một số bệnh hay xảy ra ở lợn rừng là một số bệnh sau:
Bệnh tiêu chảy
Bệnh do một loại siêu vi trùng gây nên. Bệnh xảy ra ở các lứa tuổi của lợn và là loại bệnh xuất hiện nhiều ở các trang trại lợn rừng hiện nay. Nguyên nhân chính là do khẩu phần thức ăn cung cấp không đầy đủ thành phần, giá trị dinh dưỡng và có thể là thức ăn, nước uống không được vệ sinh sạch sẽ. Lợn rừng không ăn quen các thức ăn mới lạ cũng dễ bị tiêu chảy.
Bệnh phân trắng lợn con
Bệnh thường xảy ra đối với lợn con ở giai đoạn sơ sinh đến 21 ngày tuổi. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng hay gặp nhất khi thời tiết thay đổi như nóng lạnh thất thường, mưa nhiều, gió bão,…
Nguyên nhân của bệnh thường là do lợn mẹ không được ăn đủ chất, đặc biệt là các loại khoáng chất và vitamin làm lợn con kém phát triển, sức đề kháng yếu lại gặp lúc thời tiết thất thường, nền chuồng ẩm ướt nên dễ bị nhiễm bệnh. Bệnh cũng có thể còn được gây nên bởi tình trạng chậm được bú sữa đầu, sức đề kháng giảm, một số vi khuẩn gây bệnh ỉa chảy phát triển, tăng độc lực gây bệnh ở lợn con yếu.
Khi nhiễm bệnh, lợn con kém bú, dáng ủ rũ, đi đứng xiêu vẹo. Lợn con tiêu chảy, da nhăn nheo, gầy nhanh, hậu môn thường dính bết phân màu trắng (lúc đầu phân màu xanh đen, sau chuyển sang màu xám rồi cuối cùng là màu trắng). Lợn hay khát nước, đôi khi nôn ra sữa chưa được tiêu hóa.
Bệnh kéo dài khoảng 2 – 7 ngày làm lợn con suy kiệt nhanh, co giật, run rẩy và chết. Tỷ lệ chết từ 50 – 80%. Đôi khi cũng gặp trường hợp lợn ở 40 – 50 ngày tuổi nhưng vẫn bị ỉa phân trắng (nếu còn bú mẹ) nhưng thường biểu hiện nhẹ hơn, tỷ lệ sống sót cao hơn nhưng còi cọc, chậm phát triển.
Bệnh giun đũa
Bệnh giun đũa do loài giun Ascaridae ký sinh ở ruột non của lợn. Vòng đời của giun đũa không cần vật chủ trung gian, trứng giun đũa lợn có thể sống lâu từ 11 tháng đến 5 năm. Trứng theo phân lợn ra ngoài, gặp điều kiện thích hợp, phát dục thành ấu trùng gây nhiễm qua đường ăn uống (nhất là dính vào thức ăn thô xanh) vào ruột non của lợn phát triển thành giun trưởng thành sống từ 7 – 10 tháng, hết vòng đời theo phân lợn ra ngoài. Mỗi cơ thể lợn rừng có thể phải chung sống với từ vài con đến 1000 giun đũa.
Lợn nhiễm giun đũa làm lợn chậm lớn, to bụng, ỉa chảy, xù lông, gầy còm và yếu ớt dần do bị chiếm đoạt chất dinh dưỡng. Lợn con có thể bị tắc ruột và thủng ruột nếu nhiễm giun với cường độ cao.
Bệnh lở mồm long móng
Bệnh lở mồm long móng là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra trên động vật móng guốc chẩn như trâu, bò, lợn, dê, cừu, hươu, nai,… Bệnh dễ phát thành đại dịch, gây tổn thất lớn cho ngành chăn nuôi, tốn kém trong việc phòng chống dịch, ảnh hưởng tới xuất khẩu, hội nhập quốc tế, du lịch, người tiêu dùng,… Virus lở mồm long móng đã được xác định có 7 tuýp (A, O, C, SAT1, SAT2, SAT3, Asia1) và hơn 60 tuýp phụ. Ở khu vực Đông Nam Á thường thấy 3 type A, O và Asia1. Sau khi phát bệnh từ 10 – 15 ngày, con vật có thể khỏi về triệu chứng lâm sàng nhưng mầm bệnh vẫn còn tồn tại trong lợn 4 tuần. Bệnh lây lan từ vùng này sang vùng khác, từ nước này sang nước khác theo đường vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ở dạng tươi sống (kể cả thịt ướp đông, da, xương, sừng, móng, sữa,…), qua tiếp xúc giữa động vật với động vật, dùng chung thức ăn, nước uống, dụng cụ chăn nuôi,phương tiện vận chuyển… Virus gây lở mồm long móng phát tán cực nhanh (trung bình một ngày, một con lợn có khả nâng thải tiết 400 triệu đơn vị lây nhiễm, đủ khả năng lây nhiễm cho 10.000 bò, ở bò là 120.000 đơn vị lây nhiễm,….). Hiện bệnh chưa có thuốc chữa trị đặc hiệu, chỉ có văcxin phòng bệnh. Lợn rừng nuôi tuy chưa phát hiện có trường hợp nào mắc bệnh này nhưng vẫn tồn tại nguy cơ nên vẫn cần phòng tránh cho đàn lợn rừng trước căn bệnh dễ phát dịch nguy hiểm này.
Bệnh thường có các triệu chứng sau:
– Lợn mệt mỏi, ủ rũ, lông dựng, xù xơ xác.
– Sốt cao 41 – 42°c kéo dài 2 – 3 ngày.
– Sau đó, xuất hiện các mụn nước ở mũi, mõm, chân,… chỗ da mỏng
– Đặc biệt ở chân, quanh vành móng, kẽ móng bị loét lở, long móng.
– Lợn đang nuôi con, mụn nổi ở vú, bầu vú sưng, da vú dầy đỏ đau đớn.
Lợn bị đau đớn, ruồi muỗi tấn công những vết lở nên dễ bị nhiễm trùng kế phát,… nên lợn gầy còm, khó đi lại, kém.ăn, đuối kiệt sức dần.
Phương pháp chữa các bệnh thông thường ở lợn rừng?
Đối với bệnh tiêu chảy
Khi phát hiện lợn bị tiêu chảy, người chăn nuôi tăng tỷ lệ cỏ, thức ăn xanh và bổ sung thức ăn, nước uống đắng, chát như ổi xanh, cà rốt, rễ cau, rễ dừa… trong khẩu phần thức ăn của lợn, đồng thời cho thuốc trị tiêu chảy vào thành phần cám gạo. Nếu tình trạng tiêu chảy bị nặng ta chích thuốc đặc trị. Để phòng bệnh tiêu chảy, không nên sử dụng các thức ăn hôi thối, ẩm mốc, khẩu phần thức ăn phải phong phú và đa dạng…
Bệnh phân trắng lợn con
Để phòng bệnh, người chăn nuôi cần chú ý chăm sóc lợn mẹ đầy đủ dinh dưỡng ở giai đoạn có thai và nuôi con. Chuồng nuôi lợn con cần khô ráo, tránh gió lùa, mưa tạt và phải có sân vận động không trơn trượt. Cố gắng cho lợn con bú được sữa đầu sớm nhất. Sớm bổ sung thức ăn cho lợn con, đồng thời tiêm thuốc bổ sắt (Dextran sắt) cho lợn con. Đối với lợn mẹ cần tiêm Autovacxin trước 1 – 2 tuần trước khi đẻ hay cho lợn mẹ uống 3 – 4 lần sau khi đẻ.
Khi lợn đã mắc bệnh, dùng ngay các thuốc đặc trị tiêu chảy như Neomyxin, Antidia, Becberin, nước sắc các loại lá, quả chát như hồng xiêm, lá sim, lá ổi,… Đồng thời giữ ấm và khô ráo chuồng.
Bệnh giun đũa
Cần tẩy giun cho lợn rừng định kỳ 4 tháng/lần. Song đối với lợn mang thai và nuôi con thì lại không nên tẩy vì thuốc tẩy giun khá độc. Triệt để vệ sinh chuồng trại để hạn chế mầm bệnh cho lợn, ủ phân để diệt trứng giun, ngăn ngừa sự phát tán mầm bệnh ra ngoài. Vệ sính thức ăn cho lợn rừng, không dùng phân tươi để bón cho cây thức ăn thô xanh trổng trong trang trại làm thức ăn cho lợn rừng.
Bệnh được điều trị bằng các loại thuốc như Phenithiazin, Tetramisol, Levanmisol, Piperazin Adipinat,…đạt hiệu quả tẩy sạch giun từ 70% – 100%.
Bệnh lở mồm long móng
Tiêm vacxin theo hướng dẫn của thú y
– Không vận chuyển, xuất nhập và mổ thịt lợn bị bệnh.
– Tiêu hủy, chốn lấp kỹ các con bị chết do bệnh.
– Vệ sinh đầy đủ về chuồng trại và môi trường xung quanh. Dung dịch anolit, ozon dùng để vệ sinh, sát trùng chuồng trại cho hiệu quả cao.
– Phân, rác, nước tiểu và các chất bài xuất của lợn bệnh phải đốt và quét vôi toàn bộ chuồng trại.
– Các vết loét nên dùng nước sắc đặc của các loại lá chua chát, đắng để bôi như nước sắc đặc lá ổi, lá khế, quả chanh xát trực tiếp,…. hoặc một số dung dịch sát trùng như 0,1%, 5%,…
– Để tránh sự xâm nhập của các Ịoại vi trùng khác vào vết lở loét trên cơ thể lợn bệnh, có thể tiêm một số loại kháng sinh như Peniciline, Streptomycin,… theo hướng dẫn của cán bộ thú y.
Các biện pháp phòng chống bệnh thông dụng cho lợn rừng?
Nghiên cứu nguồn gốc và lý lịch y bạ lợn rừng thật kỹ lưỡng: Người chăn nuôi phải nắm chắc lý lịch và khả năng sản xuất của từng con trong trang trại của mình. Đặc biệt các cặp bố mẹ làm giống, cần phải chắc chắn chúng được lai pha bao nhiêu máu lợn rừng? Lợn nái địa phương đem lai để tạo con lai là giống lợn nào?… Việc quản lý nguồn gốc không những giúp người chăn nuôi tổ chức ghép đôi giao phối thành công trong công tác nhân giống mà còn có ý nghĩa rất lớn trong việc tìm nguồn gốc các bệnh và khả năng lây lan tạo dịch đối với các con gần dòng giống nhau.
Trại nuôi cần xây mới và không nuôi chung với lợn nhà: Lợn nhà gần gũi với lợn rừng về mặt di truyền, về phương thức sống, các đặc điểm sinh lý sinh hóa cơ bản nên rất dễ lây bệnh cho lợn rừng và ngược lại. Vì vậy, tuyệt đối không tận dụng lại chuồng trại của lợn nhà và nuôi lợn rừng chung, nuôi gần với lợn nhà.
Tẩy giun sán định kỳ: Lợn rừng có tập tính kiếm ăn khá giỏi, chúng có thể dũi, đào để ăn các côn trùng dưới đất và phương thức sử dụng thức ăn của chúng chủ yếu là ăn tươi nên cũng dễ bị nhiễm giun. Việc tẩy giun sán định kỳ cho lợn rừng giúp chúng hay ăn, chóng lớn, phát dục nhanh.
Phát hiện bệnh sớm và thực hiện cách ly: Bằng cách quan sát kỹ từng cá thể hàng ngày sẽ giúp người chăn nuôi phát hiện được thể trạng của từng con. Bệnh càng được phát hiện sớm càng có khả năng chữa trị nhanh chóng, giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi. Dù lợn rừng có tập tính sống bầy đàn mạnh mẽ nhưng khi phát hiện có con ốm cần phải cách ly và điều trị tích cực ngay.
Điều trị bệnh sớm: Khi phát hiện thấy lợn bị bệnh thì dùng thuốc liều cao, sau vài ngày bệnh thuyên giảm thì có thể hạ liều để kích thích cơ thể hoạt động tạo miễn dịch và ít gây độc cho cơ thể. Đồng thời phải bồi dưỡng lợn bệnh chu đáo để tăng sức chịu đựng của cớ thể với thuốc và tăng sức đề kháng đối với mầm bệnh. Khi cần thiết phải dùng thủ thuật mớm thức ăn cho lợn và chú ý cho lợn rừng uống nước. Nói chung phải tích cực, kịp thời và nhanh chóng dập bệnh cho lợn, cố gắng không để bệnh tái diễn hoặc tiến triển.
Tích cực tiêu độc: Cần chú ý tẩy uế chuồng trại, tiêu hủy bệnh phẩm do lợn bệnh bài tiết hàng ngày. Biện pháp này nhằm ngăn cản mầm bệnh không xâm nhập từ môi trường ngoài vào cơ thể và cũng cắt đứt nguồn lây nhiễm vào những lợn lành mạnh khác.
Tiêm phòng: Lợn rừng vốn có sức đề kháng cao nhưng cũng nên gần gũi với chúng để có điều kiện thuận lợi cho việc tiêm phòng định kỳ các loại bệnh thường xuất hiện trên loài lợn nói chung.
Các biện pháp với lợn mới mua về: Tuyệt đối không nhập đàn ngay các con lợn mới mua về. Cần cách ly chúng cho dù là lợn hậu bị, lợn con hay lợn đực giống, lợn nái,… Phải nuôi tân đáo để kiểm tra mức thích nghi, tình hình sức khỏe và đảm bảo an toàn không có mầm bệnh ủ tiềm ẩn. Thời gian cách ly thường là 30 – 60 ngày.
Vệ sinh nguồn nước: Lợn rừng vốn rất thích nước và tiếp xúc nhiều lần với nước trong ngày như uống, tắm, đầm mình. Vì vậy, nếu nguồn nước trong trang trại bị ô nhiễm sẽ nhanh chóng xâm nhập dễ dàng vào bầy lợn. Để vệ sinh được nguồn nước nuôi lợn rừng, người chăn nuôi phải đảm bảo đủ số lượng và chất lượng nước ngay từ khi thiết kế trang trại. Cần có bể chứa nước dự trữ, bể lắng, lọc phù sa, phèn và sát trùng định kỳ. Các thiết bị chứa nước cần định kỳ dọn, rửa, loại bỏ cáu bẩn, rong rêu. Chú ý kiểm tra độ nhiễm phèn, nhiễm nước mặn, nhiễm dầu, chất thải công nghiệp, nhiễm khuẩn,… để có biện pháp xử lý kịp thời và thích hợp.
Vệ sinh thức ăn: Thức ăn cũng là nguồn lây nhiễm mầm bệnh hoặc chứa mầm bệnh. Các loại thức ăn giàu đạm thường dễ bị phân hủy do nhiệt độ, độ ẩm,… và phóng thích khí amoniac làm cho thức ăn trở nên độc, ít dưỡng chất và chứa nhiều vi sinh vật có hại, dễ gây rối loạn tiêu hóa cho lợn rừng.
Các loại thức ăn chứa nhiều dầu, lipit thì dễ bị oxy hóa, ôi dẩu, đóng vón khi tồn trữ lâu dài làm cho lợn không thích ăn và nếu có ăn cũng dễ bị rối loạn tiêu hóa.
Đặc biệt là sự phát triển các loại nấm mốc có trong các loại thức ăn dễ gây ngộ độc cho lợn. Sâu bọ, mọt, côn trùng thường phát triển trong những loại thức ăn dự trữ bằng phơi, sấy khô lâu ngày làm cho thức ăn kém phẩm chất. Các chất bài tiết của các sâu bọ này còn gây dị ứng cho lợn khi ăn hoặc tiếp xúc với chúng.
Vì vậy, kho chứa thức ăn nuôi lợn rừng phải thông thoáng, nhiệt độ, độ ẩm thích hợp, phải định kỳ sát trùng, thanh lý các lô hàng tồn trữ lâu, hư mốc, đóng vón và phải có các biện pháp chống mối mọt, chuột, côn trùng phá hại. Không dự trữ thức ăn khô quá 1 tháng, dự trữ nguyên liệu kể cả ở dạng khô và tươi quá 3 tháng. Thức ăn dư thừa phải san bớt kịp thời cho những ô chuồng còn thiếu tránh để lâu hư hỏng. Các thiết bị chứa thức ăn được định kỳ sát trùng, tẩy uế tránh tình trạng tích đọng thức ăn cũ hư mốc, giòi, bọ phát triển. Thức ăn xanh cần rửa sạch, loại bỏ tạp chất trước khi cho ăn để hạn chế sự tái nhiễm vi sinh vật có hại và ký sinh trùng khi dùng cho lợn ăn.
Sát trùng chuồng trại: Sát trùng chuồng trại là việc nhằm làm giảm mật độ vi sinh vật có hại trong chuồng nuôi, không cho chúng phát triển đến mức có thể gây thành bệnh cho lợn nuôi. Việc định kỳ sát trùng chuồng trại trên quy mô lớn, triệt để, giúp cho môi trường chăn nuôi sạch sẽ, rất ít vi sinh vật có hại, nhờ đó sức khỏe lợn nuôi tốt hơn, tăng trưởng tốt, ít bệnh, ít tốn thuốc thú y, năng suất cao nên đem lại lợi nhuận cao hơn cho người chăn nuôi.
Các loại thuốc sát trùng thông dụng, hiệu quả và rẻ tiền hiện nay đều có thể sử dụng ở trang trại lợn rừng như nước Javel, xút (NaOH), vôi bột (CaO), nước vôi trong Ca(OH)2 10 – 20%, nước ozon,…Các loại nước sát trùng này thường được dùng để quét lên toàn bộ nền, tường, máng ăn, máng uống, ổ úm,… nhưng không dùng để sát trùng các thiết bị bằng kim loại bởi tính ăn mòn của xút, Javel,…,
Khai thông cống rãnh quanh khu chuồng và trang trại, tránh ứ đọng tạo môi trường cho ruồi muỗi phát triển. Dù lợn rừng thích ẩn nấp ban ngày vào những lùm cây bụi nhưng chỉ nên để các bụi cỏ chăn thả hoặc các bụi cây nhỏ thưa nhau ở rải rác trong trang trại và ở những nơi khô ráo để tránh cỏ, lau lách mọc um tùm tạo nơi trú ẩn cho rắn rết, bọ cạp,… dễ gây chết cấp tính cho lợn, đặc biệt là lợn con.
Nơi ra vào chuồng cần có bể, hộc chứa thuốc sát trùng để người ra vào dẫm lên sát trùng giày dép, nhằm ngăn chặn các mầm bệnh có thể lây lan.
Vệ sinh nhân lực: Người cũng là phương tiện trung gian truyền bệnh hoặc mang trùng. Một số bệnh có thể lẩy truyền từ người sang lợn hoặc từ lợn sang người như bệnh cúm, ghẻ sarcoptes, vi nấm, liên cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn,… Vì vậy cần định kỳ khám sức khỏe, thử huyết thanh cho các những người thường xuyên gần gũi chăm sóc lợn rừng. Chăn nuôi lợn rừng chỉ nên ít người chăm sóc, qua lại vì lợn rừng thích yên tĩnh và những người chăm sóc thì nên cố gắng thân thiện với chúng để chăm sóc hiệu quả.
Cần có trang bị bảo hộ lao động cho người chăm sóc như quần áo, giầy ủng, mũ, khẩu trang, mắt kính 0°c. Khách thăm trại phải đi qua nơi sát trùng, có trang phục, quần áo, giầy ủng riêng trước khi vào trại.
Vệ sinh dụng cụ trang bị: Mỗi dãy, khu chuồng cần có vật dụng nuôi dưỡng, chăm sóc riêng biệt, không được sử dụng chung với những dãy chuồng khác. Những vật dụng này phải cọ rửa, làm vệ sinh hàng ngày. Các loại dụng cụ thú y cũng phải trang bị riêng cho từng khu chuồng và sát trùng kỹ lưỡng trước và sau khi dùng.