18/06/2018, 16:20

Tiến trình Nhà Thanh công nhận triều đại Quang Trung (bài 7)

Chương IV: đại lễ phong vương (tiếp theo) Nguyễn Duy Chính PHẦN II: PHÁI ĐOÀN THÀNH LÂM thủ tục phong vương như thế nào? Nhà Thanh là triều đại lễ nghi phức tạp hơn hết trong lịch sử Trung Hoa. Mọi sinh hoạt đều được qui định rất chi tiết nên chúng ta có thể hiểu được nhiều ...

Chương IV: đại lễ phong vương (tiếp theo)

Nguyễn Duy Chính

PHẦN II: PHÁI ĐOÀN THÀNH LÂM

thủ tục phong vương như thế nào?

Nhà Thanh là triều đại lễ nghi phức tạp hơn hết trong lịch sử Trung Hoa. Mọi sinh hoạt đều được qui định rất chi tiết nên chúng ta có thể hiểu được nhiều ẩn dấu nội bộ khi quan sát cặn kẽ từ bên ngoài. Sự phân biệt về màu sắc, y phục, hay những vật dụng nho nhỏ tưởng như đồ trang sức thực ra đều có ý nghĩa riêng. Thứ tự trong danh sách ban thưởng hay sắp đặt chỗ ngồi trên bàn tiệc phản ảnh rõ rệt vị thế và uy vọng của từng người. Ngay cả cách dùng chữ, cách xưng hô cũng được qui định rất chặt chẽ. Vua Ung Chính đã từng khiển trách một viên quan người Hán vì tự xưng “nô tài” là danh hiệu chỉ người Mãn mới được dùng. Vua Quang Trung trước khi được phong vương chỉ dám nhận là “tiểu phiên” chứ không dám xưng ‘thần” và nhà Thanh cũng chỉ gọi ông là “quốc trưởng” chứ không gọi là “quốc vương”.

Theo Lễ Chí (禮志), phần Phiên Quốc Lễ (藩國禮) trong chương Tân Lễ (賓禮) thì “[…] Từ khi quốc gia kiến tạo đến nay, cả đức lẫn uy đều lan rộng, thanh giáo tràn tới nên không đâu là không đến triều đình … chiếu theo sách cũ cũng đều coi như nhau.” Cũng theo Phiên Quốc Lễ, Thanh triều qui định rằng việc sách phong cho phiên thuộc thì sẽ sai đại thần mang “ tín ước”(信约) sang, khi [sứ thần] đến biên giới của nước đó sẽ kiểm tra (验视) tín ước cùng chức danh của đại thần phụng sai cùng nghi lễ sách phong phi báo cho thủ lãnh [quốc trưởng] nước đó. Quốc trưởng nước kia sẽ ra tới nơi cách năm dặm, xuống ngựa quì ở bên phải đường đi, đợi khi chế sách đi qua sẽ cưỡi ngựa tuỳ hành.[1]

Sứ thần cùng đi đến phủ đệ của thủ lãnh kia, bày hương án, sứ thần bưng chế sắc để trên hương án, thủ lãnh làm lễ tam quị cửu khấu [ba lần quì, chín lần rập đầu], nghi độc quan [viên quan được chỉ định đọc tờ sắc] sẽ đọc tờ chế phong, thủ lãnh kia lại làm lễ tam quị cửu khấu lần nữa, sau đó quay qua cùng sứ thần hai người làm lễ nhị quị lục khấu [hai lần quì, sáu lần rập đầu], ấy là hoàn tất nghi thức sách phong. [2]

Cũng trong sách này, việc sách phong cho hai nước Lưu Cầu, An Nam được chép như sau:

Định chế đời Sùng Đức [1636-1643], một khi ngoại bang qui thuận thì đều ban sách phong tích tước vị để khi có điều gì tâu lên được dùng niên hiệu Đại Thanh. Nếu nước triều cống không có người nối ngôi thì phải sai bồi thần sang xin phép thiên triều, khi đó bộ Lễ sẽ tâu lên để sai một chánh, một phó sứ mang cờ tiết sang phong vương.Được đặc biệt ban cho triều phục nhất phẩm có thêu kỳ lân để chuyến đi thêm long trọng.

Đến ngày đi, bộ Công sẽ cấp cho kỳ trượng (旗仗 –cờ và các món binh khí trang sức), bộ Binh cấp cho thừa truyền (乘传 –xe dành riêng cho người đi xa), phong sứ sẽ đến bộ Lễ, một viên quan thuộc Nghi Chế Ty sẽ cầm cờ tiết, một người cầm chiếu sắc trao cho quan lớn của bộ [Lễ] để trao lại cho chánh , phó sứ quì nhận lấy, đứng lên. Hai người đi ra thay chinh y, ngồi xe lên đường. Khi đến cảnh giới nước kia thì kẻ biên lại nước ấy đã chuẩn bị xe ngựa phu dịch sẵn sàng, những nơi nào phải đi ngang qua đều có viên chức quì đón cùng bồi thần của người được nối ngôi nghinh tiếp, làm lễ tam quị cửu khấu, sứ giả sẽ đáp lại nhất quị tam khấu, sau đó mới vào trong quán. Sau khi đã trần thiết các loại cờ tiết long đình rồi, mọi người hành lễ theo nghi thức, ai đến yết kiến sứ thần thì khấu đầu ba lần, sứ thần không phải đáp lễ.

Đến ngày làm lễ phong vương, nhà vua đem bồi thần đến quán, làm lễ [kiến diện] xong, vua về trước. Khi rước long đình đi thì có cờ quạt và nhạc công đi đầu, phong sứ đi theo sau. Vào trong cửa bày ra ở chính giữa, sứ giả và người đi theo xuống ngựa. Chánh sứ cầm cờ tiết, phó sứ bưng chiếu sắc, vào trong điện để lên trên án, lui ra đứng ở bên cạnh phía đông.

Nhà vua dẫn trăm quan đứng quay mặt về hướng bắc làm lễ tam quị cửu khấu, đứng lên đi đến vị trí phong vương rồi quì xuống. Phó sứ bưng chiếu thư giao cho tuyên độc quan (viên quan đọc chiếu). Đọc xong, nhà vua hành lễ, làm như lúc trước sau đó ra khỏi điện. Sứ giả đi ra, các quan quì tiễn rồi đãi tiệc ở công quán. Khi sứ giả trở về triều, nhà vua soạn biểu văn cùng các phương vật sai bồi thần đến cửa quan tạ ơn.[3]

Chính vì những qui định chặt chẽ như thế, chúng ta có thể nhận ra một số chi tiết không đúng cách khiến cho quan lại nước ta đặt thành nghi vấn chẳng hạn sứ giả không phải do hoàng đế chỉ định [qua sự đề nghị của bộ Lễ và sự sắp xếp của bộ Công, bộ Binh] trong khi Thành Lâm lại đi từ Quảng Đông, không đem theo sắc thư, bảo tỉ mà mang ngự thi, đặc dụ …

Thoạt đầu, Phúc Khang An cử Thành Lâm, một viên ngoại lang đang đi thanh tra và chờ bổ nhiệm coi một đạo [đơn vị nhỏ hơn tỉnh] là người Mãn Châu duy nhất có mặt tại địa phương đem tờ đặc dụ và bài ngự thi sang cho vua Quang Trung. Có lẽ cũng nhận ra rằng nếu tổ chức rềnh rang như ý muốn của vua Càn Long [cho một sứ bộ sang báo tin và thanh tra các dịch trạm, công quán trước rồi một phái đoàn phong vương sang sau] thì Phúc Khang An phải chờ cho Nguyễn Quang Hiển về đến Quảng Tây rồi sẽ cùng sang An Nam làm lễ. Việc hai sứ đoàn không những gây tốn kém, khó nhọc lại mất thì giờ và thêm phức tạp nên sau đó chính Phúc Khang An đã ngầm tâu lên để gộp lại làm một gây quan ngại cho nước ta đã đành mà còn khó khăn trong việc tổ chức nghi lễ.

Chúng ta không biết quyết định thay đổi đó xảy ra lúc nào – có lẽ trong khoảng cuối tháng Tám và chi tiết [nếu có] cũng nằm trong những tấu triệp mật viết bằng Mãn văn chúng tôi chưa được tham khảo. Cũng vì sự thay đổi gấp rút và nhiều vấn đề chưa giải quyết thoả đáng nên Phúc Khang An phải gửi riêng một đặc sứ [tổng quản] đi cùng với phái đoàn để bàn luận về việc Nguyễn Quang Bình sang chúc thọ vua Càn Long.

Chính vì có sự lấn cấn và phải trì hoãn ngoài ý muốn nên Thành Lâm đến Quảng Tây từ tháng Bảy nhưng phải đến tháng Chín mới làm lễ mở cửa đi sang nước ta còn triều đình Quang Trung thì chưa thấy Nguyễn Quang Hiển trở về nên cũng nghi ngại khi một thủ tục dạo đầu nay trở thành lễ phong vương mà lại không có sắc ấn.

Do đó, vua Quang Trung tuy đã thụ phong từ ngày 15 tháng Mười nhưng đến tháng Chạp thì ấn và sắc mới về đến Thăng Long nên các tờ biểu gửi lên vua Càn Long cũng phải chờ đến sau lễ khai ấn đầu năm Canh Tuất mới chính thức áp triện An Nam quốc vương.

ĐẶC DỤ

Tờ đặc dụ[4] của vua Càn Long [mà Thành Lâm mang sang cùng với bài thơ ngự chế] nguyên văn ghi lại trong KDANKL (quyển XXII) như sau:

Dịch nghĩa

Theo như Hiệp Biện đại học sĩ tước công là tổng đốc Lưỡng Quảng Phúc Khang An tâu lên thì trong biểu tạ ân ngươi đã giãi bày thành thực mọi điều. Trẫm phê duyệt biểu văn thấy lời lẽ khẩn khoản, lại xin được sang năm tiến kinh nhập cận chúc thọ, ân cần tha thiết, thực là cung cẩn. Những cống vật mà ngươi mang tới trẫm đã gửi dụ ra lệnh thu nhận để toại lòng dâng tiến những món quà nhỏ mọn[5] của ngươi.

Trong biểu cũng xin được gia ân vượt mức ban cho phong hiệu để có danh phận cưu tập tiểu bang. Nước An Nam trước đây Lê Duy Kỳ tầm thường kém cỏi không có tài năng nên trời ghét bỏ, quốc tộ cáo chung. Ngươi hiện đã hối tội đầu thành, sai cháu ruột là Nguyễn Quang Hiển mang biểu chiêm cận, cầu xin khẩn thiết đến mấy lần.

Trẫm thuận theo trời mà làm, có phế có hưng điều gì cũng đều đại công chí chính. Trước đây vốn định rằng đợi sang năm khi ngươi thân hành khấu cận sẽ thưởng cho tước vương. Thế nhưng khi xem những điều ngươi viết trong biểu, là lúc mới tạo bang nên cần được vinh sủng của thiên triều mới có thể giá ngự được dân chúng.

Lại nghĩ nước ngươi vừa trải qua nhiều cơn binh lửa, dân chúng chưa an cư tập hợp, nếu không được phong hiệu của thiên triều, thì e rằng gọi không có người thưa, tình hình quả như thế, ngươi đã cứ thực mà trình bày, không vẽ vời chút nào, trẫm rất là khen ngợi.

Vả lại bậc vương giả chia đất nhưng không chia dân, An Nam tuy ở nơi viêm hoang xa xôi nhưng cũng đều là con đỏ của trẫm cả, trung ngoại cũng đều như nhau. Ngươi phải dựa vào ân sủng của thiên triều mới có thể vỗ về sắp đặt để cho dân gian trong nước ai nấy an ninh làm ăn, đó là thâm nguyện của trẫm vậy.

Vì thế nay giáng ân luân, phong ngươi làm An Nam quốc vương để có danh hiệu mà cai trị vỗ về, lại đích thân làm một bài thơ ban cho ngươi để làm quốc bảo truyền đời. Từ nay mỗi khi trình tiến biểu từ cùng hành văn trong nước đều chuẩn cho viết theo danh hiệu quốc vương. Còn việc phát cấp ấn tín, sắc thư, hiện trẫm đã giao cho các nha môn soạn văn đúc triện, đợi cháu ngươi Nguyễn Quang Hiển đến kinh, giao cho đem về.

Về việc các đề trấn đại viên của thiên triều, bỏ mình trong khi lâm trận, trong nước ngươi đã lập miếu thờ cúng đủ biết đã hối tội sợ hãi nên xin quan hàm húy hiệu, trẫm cũng đã sắc cho bộ ban phát sau. Vậy ngươi hãy chăm lo kính sợ, giữ phận phiên phong để mãi mãi thừa hưởng ân quyến.

Ðặc dụ.

NGỰ THI

Bài thơ ngự chế do chính vua Càn Long viết để ban cho vua Quang Trung như sau:

三藩耆武匪佳兵,昨歲安南重有征。

無奈復黎黎厭德,爰教封阮阮輸城。

守封彊勿滋他族,傳子孫恆奉大清。

幸沐天恩欽久道,不遑日監凜持盈。

Dịch âm

Tam phiên kỳ võ phỉ giai binh,[6]

Tạc tuế An Nam trọng hữu chinh.

Vô nại phục Lê Lê yếm đức,

Viên giao phong Nguyễn Nguyễn thâu thành.[7]

Thủ phong cương vật tư tha tộc,

Truyền tử tôn hằng phụng Ðại Thanh.

Hạnh mộc thiên ân khâm cửu đạo,

Bất hoàn nhật giám lẫm trì doanh.

Dịch nghĩa

Ba phen dụng binh không phải là chuyện tốt lành,

Năm ngoái đem quân sang nước Nam cũng chỉ để chinh phạt.

Không nề lấy lại nước cho nhà Lê nhưng nhà Lê thiếu đức,

Giao lại cho nhà Nguyễn (Tây Sơn) vì đã thành tâm qui phục.

Cố gắng giữ gìn đừng để rơi vào tay họ khác,

Truyền cho con cháu giốc lòng phụng nhà Thanh.

May mắn được tắm gội ơn trời cho lâu dài,

Ngày ngày phải kính cẩn như bưng bát nước đầy.

Trong dịp bệ kiến ở Nhiệt Hà, Vũ Huy Tấn đã hoạ bài thơ này được nhà vua khen ngợi và thưởng cho một hộp mười cây bút Khuê Tảo Long Chương [奎藻龍章].

聖世衣裳代甲兵,服人言正匪言征。

未能寸土供常貢,早荷重天監至誠。

伊昔海瀕猶附國,如今藩服屬皇清。

鴻私深覺無階答,臣子長孚易缶盈。

Dịch âm

Thánh thế y thường đại giáp binh,

Phục nhân ngôn chính phỉ ngôn chinh.

Vị năng thốn thổ cung thường cống,

Tảo hạ trùng thiên giám chí thành.

Y tích hải tần do phụ quốc,

Như kim phiên phục thuộc hoàng Thanh.

Hồng tư thâm giác vô giai đáp,

Thần tử trường phù dị phẫu doanh.

Dịch nghĩa

Đời thánh nhân lấy y thường thay cho binh giáp,

Hàng phục bằng lời nói chính đáng chứ không phải bằng chinh phạt.

Chưa từng lấy một tấc đất để thay việc triều cống,

Sớm đem gánh nặng thiên tử để xét cho dạ chí thành.

Như xưa kia nước ở góc bể cũng cho phụ vào,

Thì hôm nay phên dậu cũng thuộc nhà Thanh.

Ơn to lớn biết rằng không có thể đáp đền được,

Đạo tôi con tin tưởng lâu dài chẳng khác gì chum đầy.

PHÀN III

sự chuẩn bị của nước ta

sơ lược về giao thiệp với trung hoa

Nước ta là nước nhỏ ở cạnh một nước lớn thường xuyên bị xâm lấn nên trong việc đối xử với Trung Hoa luôn luôn phải nhún nhường nhưng lúc nào cũng thận trọng cảnh giác. Nhờ vị trí địa lý cách bức với lục địa bằng những dãy núi hiểm trở, lại thêm tính khí quật cường nên sau hàng nghìn năm nội thuộc ông cha ta vẫn giành lại được quyền tự chủ. Phan Huy Chú chép trong LTHCLC, quyển XLVI, mục Bang Giao Chí như sau:

Nước Việt ta có cả cõi đất phía nam mà thông hiếu với Trung-hoa, tuy nuôi dân dựng nước có quy mô riêng, nhưng ở trong thì xưng đế, mà đối ngoài thì xưng vương, vẫn chịu phong hiệu, xét lý thế thực phải như thế. Cho nên lễ sách phong, lễ cống sính, việc bang giao các đời đều xem là quan trọng. Kỳ gian thể lệ có khinh có trọng, có giản có phiền, trước sau hoặc có khác nhau, không thể không cho biết rõ.[8]

Khi mới được độc lập, vua nước ta đời Đinh, Lê chỉ được phong là Giao chỉ quận vương, cuối đời Lý mới được phong An Nam quốc vương.

Năm Thiên-cảm-chí-bảo thứ 2 [1175] (ngang với năm Thuần-hy thứ 2 nhà Tống), nhà Tống phong vua làm An-nam quốc vương. Bấy giờ sứ nước ta tự xa đến sính, vua Tống rất vui lòng, lại cho là vua được phong nối ngôi đã lâu ngày, biệt đãi bằng lễ khác thường, bèn chiếu cho các quan bàn bạc điển cố về việc cho tên nước mà tâu lên. [Vua Tống] đặc cách cho tên là An-nam quốc, ban ấn vàng quốc vương. Nước ta xưng là An-nam bắt đầu từ đấy.[9]

Khi nhà Tống sắp sửa diệt vong, nhà Nguyên đang mạnh, không đợi nước ta cầu xin, cả hai triều đình nhà Tống và nhà Nguyên đều cho người sang phong cho vua Trần Thánh Tông làm An-nam quốc vương. Phan Huy Chú nhận định rằng:

Các vua nhà Trần được nhường ngôi, chưa từng cầu phong ở Trung-quốc. Nhân-tông được lập, nhà Nguyên thường cho sứ sang trách là không xin mệnh mà tự lập, dụ vào chầu, nhưng Nhân-tông không nghe, cho nên Nguyên Thái-tổ chứa giận đã lâu, bèn muốn sinh sự. Năm ấy [tức là năm Trùng-hưng thứ 2,1286] muốn đưa Trần Ích Tắc về nước không được, mới đem quân xâm lược, nhưng rốt cuộc bị thua. Vì nhà Nguyên rất bất bình với nhà Trần, cho nên về sau dù có sính sứ đi lại, mà lễ sách phong suốt đời nhà Nguyên không thi hành nữa.[10]

Khi nhà Minh mới lập, vua Trần Dụ Tông sai sứ sang Trung Hoa, sau đó Minh Thái Tổ cho thị độc học sĩ Trương Dĩ Ninh và điển tịch Ngưu Lượng sang phong cho vua Trần làm An Nam quốc vương, ban cho quả ấn bằng bạc mạ vàng, núm hình lạc đà nhưng sứ giả chưa đến thì nghe tin vua Dụ Tông mất nên lại trở về.

Sang đời Lê, sau khi đánh đuổi được giặc Minh, Lê Lợi giả lập Trần Cảo làm vua dâng biểu cầu phong, nhà Minh không thuận nên lại phải gửi thư trần tình và xin nạp người vàng thế thân. Vua Minh bằng lòng sai Lý Kỳ mang chiếu dụ và sắc phong Trần Cảo làm An Nam quốc vương.

Sau khi Trần Cảo qua đời [1428], Lê Lợi trình rằng con cháu nhà Trần không còn ai để xin phong vương nhưng mãi đến 3 năm sau [1431] mới được nhà Minh mang ấn sang cho “quyền thự An Nam quốc sự” nghĩa là chỉ tạm thời trông coi việc nước mà thôi. Phan Huy Chú nhận xét:

Buổi đầu nhà Lê, sau khi đã bình giặc Ngô, chưa tiện nói rõ cầu phong, bấy giờ phải quyền nghi cho xong việc, cho nên trước hết giả lập con cháu họ Trần, dùng lời nói dịu dàng mềm dẻo để nhà Minh thôi việc binh mà nhận việc hoà hiếu. Đến khi Trần Cảo đã chết mới lại một phen bày tỏ, nói rõ cầu phong, thế mà vua Minh hãy còn lần lữa chưa cho trải ba năm mà mới cho tạm quyền việc nước, chưa chính thức phong vương vị. Như thế cũng đủ thấy sự thể bấy giờ là khó.[11]

Năm 1434, vua Lê Thái Tông sai sứ sang báo tang vua Thái Tổ nhưng nhà Minh cũng vẫn chỉ phong cho vua Lê làm “quyền thự quốc sự”. Đến năm 1443, sau khi vua Thái Tông mất, nhà Minh khi đó mới chính thức phong cho vua Lê Nhân Tông làm An Nam quốc vương. Từ đó về sau các vua nhà Lê đều được phong làm quốc vương.

Khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi, truyền đến đời cháu là Mạc Phúc Hải, năm Gia Tĩnh 19 (1540) nhà Minh thuận cho đầu phục nhưng không phong vương mà chỉ cho làm An Nam đô thống sứ, đổi nước ta thành đô thống sứ ti coi như một phần đất nội thuộc. Đô thống sứ ti là chức vụ ngang hàng tòng nhị phẩm nhưng được thế tập, ấn bằng bạc. Mạc Đăng Dung phải dâng cho nhà Minh bốn động Tê Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát thuộc về Khâm Châu và bảy châu Quảng Lăng và các trại Hồng Y và những nơi phụ cận thuộc về Vân Nam cùng đúc người vàng thế mạng. Trong tờ chiếu của vua Minh Thế Tông có đoạn như sau:

[…] Đất An-nam nhà ngươi, ở cõi Nam xa, đời đời chức cống, nhưng gần đây không đến triều cống, trẫm đã xét ra duyên do tội đó là ở ông ngươi là Đăng Dung, cho nên đã phái quan sang khám xét và đánh dẹp. Vì ông ngươi đã biết ăn năn sửa lỗi, dâng biểu xin hàng, nhận tội tự tiện truyền nối, xin hiến đất và dân, để tuỳ lệnh triều đình phân xử. Thượng thư Mao Bá-ôn tâu báo, Binh bộ đã họp bàn và đề thỉnh nói rằng ông ngươi là Đăng Dung đã biết sợ oai xin hàng và thực tình đợi tội. Trẫm trên thể theo đức hiếu sinh của thượng đế, dưới thuận theo tình muốn yên của nhân dân, tha cho hết cả mọi tội, nhưng bỏ quốc hiệu và tước vương, cho chức Đô thống sứ, và ấn bạc nha môn tòng nhị phẩm để theo chính sóc và giữ triều cống, con cháu được nối đời giữ đất[12]

Tới năm Vạn Lịch 25 (1597) khi vua Lê Thế Tông đã dẹp được nhà Mạc mới sai Phùng Khắc Khoan sang xin phong vương, biện bạch mãi nhưng cũng chỉ được phong làm An Nam đô thống sứ, ban cho ấn bạc mang về nước. Trải qua các đời vua Thế Tông, Kính Tông, Thần Tông đều chỉ được ban cho chức Đô thống sứ. Mãi đến năm 1647, khi nhà Minh bị quân Thanh đánh bại phải chạy về Vân Nam, cần nương cậy vào nước ta thì mới phong cho vua Lê Chân Tông làm An Nam quốc vương rồi sau đó lại phong cho chúa Trịnh Tráng làm An Nam phó quốc vương đại nguyên soái tổng quốc chính Thanh vương.[13] Phan Huy Chú nhận xét rằng:

Nhà Lê buổi đầu trung hưng cầu phong vương luôn luôn mà nhà Minh chưa cho. Đến đây nhà Minh đã phong quốc vương, lại có mệnh phong phó quốc vương và phụ chính vương cho Trịnh, sứ giả sách phong sang luôn không ngớt, so với trước thực khác hẳn. Đó là bởi bấy giờ nhà Minh phải chạy về phương Nam, sự thế cùng quẫn, muốn cầu cứu ở nước ta, sớm chiều mong mỏi, cho nên ân mệnh ban nhiều, không ngại gì phiền nhảm. Nay cứ đọc tờ cáo sách cũng có thể tưởng tượng biết được tình trạng đó, mà vận hội thịnh suy của nhà Minh, cũng thực đáng than.[14]

Khi nhà Thanh lấy được trung nguyên, đời Thanh Thuận Trị có đưa sắc thư sang dụ nước ta nạp ấn sắc nhà Minh ban cho nhưng lúc ấy vua Lê mới được nhà Minh phong vương nên không nhận. Khi nhà Minh hoàn toàn bị diệt, nước ta mới đem giao nạp ấn cũ và được vua Khang Hi sai bảng nhãn Trình Phương Triều và hoàng giáp Trương Dịch Bí sang phong cho vua Huyền Tông làm An Nam quốc vương, ban cho ấn bạc mạ vàng, làm lễ ở kinh đô (1667).

Năm Quí Hợi (1683), vua Khang Hi sai Ô Hắc và Chu Xán sang phong cho vua Hi Tông làm An Nam quốc vương, lại ban cho bốn chữ ngự bút đại tự “Trung Hiếu Thủ Bang” (忠孝守邦) để ban khen.

Lễ nghi nước ta tuy cũng có tham bác điển lệ nhà Thanh để hai bên không lệch nhau nhưng có qui định riêng cho đúng thể thống. Nhà Thanh đặt trọng tâm vào việc phải đón rước bất cứ những gì được ban cho như chính hoàng đế ở trước mặt nên phải làm lễ “tam quị cửu khấu” là lễ triều kiến nhà vua. Ngoài ra, mỗi hành động, mỗi giai đoạn đều có qui luật sao cho đúng với điển lệ không thể sai sót. Dưới triều Lê hai bên đã tranh biện nhiều lần về thể thức, có khi tranh cãi đến hàng tháng vẫn chưa đi đến thoả hiệp.[15]

Về việc này sử Trung Hoa chép:

Vua Càn Long nghe thế rất khó chịu nói rằng:An Nam nhiều đời là thuộc quốc, mỗi khi gặp sứ thần của triều đình đến sách phong thì phải tuân theo lễ ba quì chín rập đầu, có điều vua nước kia quen thói nước nhỏ kiến thức thô lậu … là ngoại phiên không biết thể chế, vậy bộ thần [quan bộ Lễ] phải dự bị mà bảo cho biết trước để về sau khi có việc sách phong cho An Nam thì đem điển lễ phải làm gì, cái nào trước cái nào sau nghi tiết quì lạy cho chánh phó sứ biết để mãi mãi từ nay tuân hành.”[16]

nghi lễ triều tây sơn

Trước khi cử phái đoàn sang nước ta, quan nhà Thanh gửi thư hỏi thủ tục nghi lễ nước ta thế nào, và triều đình Tây Sơn trả lời như sau:

Trước đây chúng tôi có nhận được trát sức cho bản quốc tra chiếu điển lễ sách phong và chương trình đón tiếp các loại sự nghi gửi triệp bẩm lên để đưa tới đài chế hiến tra xét.

Theo như thế chúng tôi kê cứu rõ ràng. Điển cố bản quốc từ khi binh lửa về sau không còn gì nữa. Duy có năm Tân Tị (Càn Long 26, 1761), khâm phụng sắc phong cho vua Lê trước đây là Duy Đoan thì điển lễ còn có thể khảo được 1, 2 phần…[17]

Năm Nhâm Ngọ Càn Long 27 (1762), vua Thanh sai sứ thần là Đức Bảo và Cố Nhữ Tu sang sách phong cho Lê Duy Đoan (tức vua Hiển Tông) làm An Nam quốc vương. Nước ta xin được làm lễ “ngũ bái sự thiên”[18] (五拜事天- năm vái thờ thiên tử) để thay cho lễ tam quị cửu khấu (三跪九叩) nhưng sứ nhà Thanh không đồng ý.

Nguyên từ năm Canh Thân (1740), Trịnh Doanh ép vua Ý Tông truyền ngôi cho cháu là vua Hiển Tông để lên làm Thái Thượng Hoàng nhưng đến năm Kỷ Mão (1759), thượng hoàng Ý Tông mất mới sai Trần Huy Mật và Lê Quí Đôn sang tiến cống và cáo ai để xin phong vương cho vua Hiển Tông. Thành thử khi được phong vương thì vua Lê đã lên ngôi hơn 20 năm rồi.[19]

Tính đến năm Kỷ Dậu (1789), tài liệu này là điển lệ gần nhất được dùng làm nghi thức tham chiếu và chuẩn bị cho nghi lễ phong vương cho vua Quang Trung. Tuy mấy tháng trước đây, Tôn Sĩ Nghị có làm lễ phong vương cho vua Chiêu Thống nhưng chỉ làm cho có lệ để báo cáo về triều đình nên không theo điển cũ.

Theo như thế, điển lễ nước ta mỗi kỳ lại thay đổi nên Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích phải soạn thành chương trình mới để gửi lên cho Phúc Khang An. Chúng ta cũng có thể đoán được đại lễ phong vương soạn minh bạch và ghi lại chi tiết trên giấy trắng mực đen trong Đại Việt Quốc Thư là do hai ông Phan, Ngô đã châm chước những tài liệu cũ mà biên soạn cho đầy đủ. Việc này cũng cho chúng ta biết điển lễ được biên chép cho rành mạch thành nguyên tắc là từ đời Tây Sơn, sau đó đời Nguyễn kế thừa di sản này qua công trình của hai họ Phan Huy, Ngô Thì. Vì nước ta là thuộc quốc, việc ghi chép chú trọng vào đón tiếp cung ứng sao cho phải đạo, còn nghi lễ thường phải tuỳ thuộc vào sứ thần và đòi hỏi của Trung Hoa như GS Hoàng Xuân Hãn nhận xét.

Sứ thần Trung Hoa sang phong vương khi trở về đều ghi lại chi tiết và hành trình để tâu lên vua Thanh, nước ta cũng có khi tường thuật nhưng không mấy tỏ tường, thường nặng về tranh biện ngoại giao và thơ văn xướng hoạ. Dựa theo điển lệ và những công văn còn lưu lại, việc phong vương năm Kỷ Dậu đánh dấu một thịnh sự của nước ta.

lễ phong vương cho vua quang trung

phân phối và điều động nhân sự

Chính vì đặt nặng vấn đề tiếp đón nên nhiều trọng điểm ngoại giao không được quan tâm, hậu nhân khó có thể biết được lập luận của người xưa như thế nào về những việc hai bên không đồng ý. Điều may mắn cho người nghiên cứu là chính Phan Huy Ích lại trông coi việc giao thiệp với nhà Thanh đầu triều Nguyễn vốn căn cứ vào các cuộc tiếp sứ đời Lê, đời Tây Sơn nên chúng ta có thể dựng lại khá rõ ràng về tổ chức mặc dầu không nhiều về sự kiện. Cứ như các công văn qua lại trong Đại Việt Quốc Thư chúng ta biết được việc phân phối nhân sự đại lược như sau:

TRUNG ƯƠNG

Trong khi tiến hành đại lễ phong vương, vua Quang Trung tuy có qua lại giữa các trung tâm Phú Xuân, Nghệ An và Thăng Long nhưng phần lớn ông lưu ngụ tại Nghệ An là kinh đô mới chọn và đang xúc tiến việc xây dựng thành quách, cung điện. Khi mới lên ngôi, vua Quang Trung có sử dụng một số văn quan đóng vai trò cố vấn trong đó Nguyễn Thiếp chuyên về phong thuỷ, đạo thuật liên quan đến kiến trúc tân đô ở Nghệ An, Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích lo việc từ hàn giao thiệp với Trung Hoa ở Thăng Long còn Trần Văn Kỷ lo việc nội trị và hành chánh chủ yếu ở Phú Xuân.

Trước đây, GS Hoàng Xuân Hãn – dựa trên vài lời khen ngợi trong một số văn thư – có khuynh hướng cho rằng Nguyễn Thiếp là cố vấn cho vua Quang Trung về sách lược [một mẫu hình quân sư trong tiểu thuyết chương hồi], nhưng cũng chỉ là suy đoán, không có chứng cớ gì rõ rệt. Xét trên tài liệu còn để lại, Nguyễn Thiếp không hẳn đã thân cận hơn Phan Huy Ích, Ngô Thì Nhậm, Vũ Huy Tấn … nên những gì đề cao xem ra chỉ là những văn sức ngoại giao thường thấy trong thư từ ngày trước.

Theo sử triều Nguyễn và nhiều chi tiết trong gia phả họ Phan, vua Quang Trung uỷ nhiệm toàn quyền về liên lạc với nhà Thanh và điều động nhân sự trong đại lễ phong vương cho hai ông Ngô Thì Nhậm[20] và Phan Huy Ích.[21] Đại Việt Quốc Thư cũng còn một lá thư Ngô Văn Sở gửi cho Ngô Thì Nhậm bằng chữ nôm như sau:

大都督振郡公肅詞于吏部左侍郎晴派侯照灼。自忝職回朝奉侍。如役使内地。饒柬扎往復。具賢侯啟禀時忝㐌面奏德皇上御覽耒。吏判咧賢侯。忝㐌群當朝直。雙貞役使內地貝謁望賢侯。

丕沛敬修夬扎。以德聊情。如例役内地固柬牒之。賢侯沛朱歇飭。善於辭命。可經則經。可權則權。爫牢濟國事。時賢侯料理朱十分穩當。耒遲急蔑。忝職拱羅妬同憂國事。關山萬里心事半箋兹詞。

光中二年七月十七日。

Đại đô đốc Chấn Quận Công kính gửi đến Lại Bộ Tả Thị Lang Tinh Phái Hầu được rõ:

Từ khi thiểm chức về triều phụng thị, những việc lo liệu cho sứ thần nội địa, thư từ qua lại và những điều hiền hầu khải bẩm thì thiểm chức đã diện tấu hoàng thượng ngự lãm rồi.

Hoàng thượng lại ban lời hiền hầu, vì thiểm chức còn đương chầu chực nên riêng việc lo liệu cho sứ thần nội địa thì trông vào hiền hầu cả.

Vậy phải kính sửa giấy trát lấy đức liệu tình, như rầy [từ nay] việc nội địa có thư từ đưa sang, hiền hầu phải cho hết sức, khéo ở từ mệnh, cần kinh thì kinh, cần quyền thì quyền. Làm sao xong việc nước thời hiền hầu liệu lý cho thập phần ổn thoả, rồi sớm muộn độ một hai tháng, thiểm chức cũng ra đó cùng lo quốc sự. [22]

Quan san vạn dặm, tâm sự bán tiên, nay có mấy lời.

Quang Trung năm thứ hai, ngày mười bảy [17] tháng Bảy.[23]

Theo phối hợp hàng ngang, Ngô Thì Nhậm ở lại Thăng Long lo chuẩn bị nghi lễ ở Lễ Bộ Đường trong kinh thành và trạm đón khách ở Kiên Nghĩa Đình[24] ở bờ sông Nhĩ Hà [còn gọi là Phú Lương giang]. Phan Huy Ích lo liệu việc tiếp đón phái đoàn Thành Lâm ở Nam Quan rồi cùng đi từ Lạng Sơn về kinh đô. Về hàng võ, tại Thăng Long có đại tư mã Ngô Văn Sở (tước Chấn Quận Công), nội hầu Phan Văn Lân (tước Mưu Lược Hầu) cung ứng nhân sự, vệ sĩ và binh mã.

Trong dịp này, triều đình Quang Trung cũng lập riêng một bộ lấy tên lả Sách Phong Bộ (Đại Việt Quốc Thư, tr. 226), một dạng cơ quan đặc nhiệm nhằm phối hợp và điều động văn võ các cấp từ trung ương đến địa phương để lo công việc này từ lúc chuẩn bị cho đến khi hoàn tất. Theo các văn thư trong Đại Việt Quốc Thư thì hai người được coi như chủ trì là Ngô Văn Sở và Ngô Thì Nhậm mặc dù sau này vua Quang Trung có sai Nguyễn Quang Thuỳ thay mặt quốc vương ra Thăng Long đón các sứ thần thì tuy là người đứng đầu mọi sự nhưng chỉ trên danh nghĩa.

HOÀNG THÀNH THĂNG LONG

Tháng Tám năm đó, trung thư tỉnh lại Nguyễn Chí gửi văn thư cho các huyện Cẩm Giang, Đường An, Đường Hào triệu tập các quan văn võ cựu triều như Nguyễn Đình Huấn, Nguyễn Đình Bưu, Ngô Trọng Cẩn, Nguyễn Thực Uyên, Lê Hữu Thể phải chuẩn bị áo mũ đến ứng trực ở kinh đô để diễn tập nghi lễ. Những quan văn phải mặc áo thanh cát (áo dài màu xanh đen), khăn đội đầu (lương cân) và giày vớ là y phục khi vào chầu trong phủ chúa trước đây. Những chi tiết đó cho thấy y phục và đội ngũ nghinh đón sứ thẩn theo lễ nghi nước ta cũng không khác gì các đời trước. GS Hoàng Xuân Hãn chép về nghi lễ tại hoàng cung trong kỳ tiếp sứ năm Quí Hợi (1683) như sau:

… Ngày 15 (tháng Mười) các quân bộ và thủy dàn bày trận theo đồ thứ. Hai bên đường sứ đi, bày lính, voi, long kỳ, ngũ kỳ và vải mầu. Từ cửa Tam môn trở vào, thì dùng áo và mũ bằng nỉ đỏ; từ ngoài cửa Tam môn trở ra thì dùng áo vải cát bá xanh và mũ nỉ đỏ. Các quan quản binh thì từ thự vệ trở lên đã có phẩm phục, còn những người hầu nội điện từ tả hiệu điểm trở xuống thì mặc áo mũ cát bá xanh, để đứng sắp hàng.

Trong điện Kính thiên có 180 lính đứng chực… Đứng đầu về phía nam thì có các quan Đề đốc quận công và Tham đốc quận công. Trên sân điện Kính thiên, có 560 lính đứng hai bên, mỗi bên 4 hàng…

Trong sân điện Thị triều có 760 lính đứng hai bên, mỗi bên 4 hàng… Trong sân cửa Đoan môn có 1064 lính đứng hai bên, mỗi bên 4 hàng … Trong sân điện Triều nguyên có 792 lính đứng 2 bên, mỗi bên 3 hàng.

Từ cửa Tam môn đến cửa Đại hưng, bộ binh sắp hàng hai bên đường, mỗi bên hai hàng. Từ cửa Đại hưng đến dinh Tá lý ở Cấm chỉ cũng vậy. Từ Cấm chỉ đến Hàng Vải dàn 15 cơ đội bộ binh. Từ Ngã ba Hàng Vải đến sông bến Chùa Mọc dàn 27 cơ đội thủy binh.

Cắt 60 quân đội Tả xa và Hữu xa để giữ ba cửa: Đoan môn, Tam môn và Đại hưng, mỗi cửa 20 người đứng hai phía tả hữu ở trong và ngoài cửa.[25]

Xét như thế, việc bài trí, bài binh trong kỳ phong vương cho vua Quang Trung chắc cũng tương tự vì chiếu theo cách thức đón tiếp đời Lê.

Theo Đại Việt Quốc Thư, Thận Đức Hầu (không rõ tên, có lẽ là đô đốc Nguyễn Văn Thận, trấn thủ Nghệ An) được lệnh vẽ bản đồ đường đi từ đình Kiên Nghĩa “theo bờ sông vào cửa Ô Môn đến hàng Mắm, qua hàng Buồm, xuống hàng Áo, đến hàng Đào, rẽ ra hàng Túi, qua ngã ba hàng Gương lên chợ huyện, qua Cẩm Chỉ lên đình Quảng Văn vào cửa Vò Vò lên nội điện[26]

Trong hoàng thành Thăng Long, ngoài điện Kính Thiên là nơi làm đại lễ phong vương còn có điện Cần Chính [ở trước điện Kính Thiên] và điện Tiếp Thụ là nơi các sứ thần và phái đoàn ngừng lại. Theo lệ, sứ giả nhà Thanh tới Nam Môn thì những người đi theo xuống ngựa tới bên ngoài cửa Đông Trường An thì khâm sứ xuống kiệu, vua nước ta đón vào điện Kính Thiên.

Theo Đại Việt Quốc Thư, ngay giữa điện Kính Thiên là nơi để long đình, trước long đình bày hương án, dưới đất trải chiếu hoa cạp điều. Vua Quang Trung sẽ làm lễ ở trước hương án, dưới lót nan tre trải chiếu hoa cạp điều loại tốt.

Khâm sứ nhà Thanh sẽ đứng phía bên trái hương án chếch về hướng bắc, còn nhà vua đứng ở phía bên phải hương án [cùng đều trải chiếu hoa cạp điều loại tốt].

Lại bộ tả thị lang Tinh Phái Hầu (tức Ngô Thì Nhậm) và lang trung bộ Hộ Liên Phong Bá (không rõ tên) hai người đảm trách nhiệm vụ sắp xếp và bố trí mọi việc. Chúng ta thấy trong nghi lễ sách phong những nhân vật sau đây được điều động tại bộ Lễ:

lễ bộ đường

Đảm trách Số lượng Nhân vật Chức vụ
Đổng cán quan

董幹官

2 người Ngạn Đức Hầu [岸德侯] Chỉ huy
Long Ngọc Hầu [龍玉侯] Cai cơ
Tuỳ đổng cán 1 huyện Thọ Xương [壽昌] Huyện
Hầu tiếp 1 người Ngô Thản Quì [吳坦逵] Cựu thiêm chi hộ phiên
Thư ký 1 người Kiên Trung Bá Nguyễn Quốc Khuể [堅忠伯阮國] Cựu Lễ bộ câu kê[27] khâm thủ mật sự

Thành Thăng Long theo Hồng Đức Bản Đồ[28]

clip_image002

clip_image004

Kinh thành nhà Lê (tức Thăng Long)

Tiền Lê Nam Việt Bản Đồ Mô Bản (前黎南越版圖摹本)


Nhiệm vụ   Quan chức Số lượng Ghi chú
Điển Nghi (trông coi mọi nghi lễ) 典儀 Cảnh Đức Hầu [璟德侯] 1 Thượng thư Bộ Hộ
Tuyên Sắc (đọc tờ sắc) 宣勅 Xuyên Trạch Hầu [川澤侯] 1 Tham mưu
Triển Sắc

(mở tờ sắc)

展勅 Luận Chính Hầu [論政侯]

Khánh Trạch Hầu [慶澤侯]

2 Phó Tri Hình Phiên

Phó Tri Hình Phiên

Thụ Sắc

(nhận tờ sắc)

受勅 Luận Chính Hầu [論政侯] 1 Phó Tri Hình Phiên
Nội Tán

(xướng lễ trong điện)

內賛 Ngôn Thuận Hầu [言順侯]

Giới Đức Hầu [界德侯]

2 Phó Tri Hộ Phiên

Tham mưu

Củ Nghi

(kiểm soát nghi lễ để chỉnh sửa nếu sai)

糾儀   8  
(kiểm soát xem có ai lầm lỗi) Chính Củ Nghi Khánh Xuyên Hầu [慶川侯] 1 Hộ Bộ Tả Thị Lang
Đồng Củ Nghi   7  
Nghị Thành Hầu [誼誠侯]   Cai Bạ[29]
Nghi Lễ Hầu [儀禮侯]   Cai Bạ
Lãng Nhuận Bá [朗潤伯]   Lại Bộ Lang Trung
Liên Phong Bá [蓮峯伯]   Hộ Bộ Lang Trung
Phượng Hoa Bá [鳳華伯]   Binh Bộ Lang Trung
Hồng Liệt Bá [洪烈伯]   Hình Bộ Lang Trung
Ninh Phái Bá [寧派伯]   Lại Bộ Viên Ngoại Lang
Ngoại Tán

(xướng lễ ngoài sân còn gọi là thông tán)

外賛   8  
  Thanh Phái Bá [清派伯]   Hộ Bộ Viên Ngoại Lang
  Gia Đình Bá [嘉亭伯]   Binh Bộ Viên Ngoại Lang
  Từ Xuyên Bá [慈川伯]   Hình Bộ Viên Ngoại Lang
  Đức Xuyên Bá [德川伯]   Công Bộ Viên Ngoại Lang
  Nguyễn Trước [阮著]   Cựu Tri Phủ
  Nguyễn Gia Trữ [阮嘉竚]   Cựu Trúng thức
  Nguyễn Gia Tuy [阮嘉綏]   Cựu Tri Huyện
  Nguyễn Hoành [阮宏]   Giám Sinh

điện kính thiên và điện cần chính [敬天勤政殿]

Địa điểm Nhiệm vụ Quan chức Số lượng Ghi chú
Điện Kính Thiên và điện Cần Chính Bài trí khâm tiếp Hoà Đức Hầu [和德侯]

Thanh Xuyên Bá [青川伯]

2 Tham luận

Lễ bộ lang trung

Đảm trách Số lượng Nhân vật Chức vụ
Đổng cán quan

董幹官

2 người Ngạn Đức Hầu [岸德侯] Chỉ huy
Long Ngọc Hầu [龍玉侯] Cai cơ
Tuỳ đổng cán 1 huyện Thọ Xương [壽昌] Tri huyện
Hầu tiếp 1 người Ngô Thản Quì [吳坦逵] Cựu thiêm chi hộ phiên
Thư ký 1 người Kiên Trung Bá Nguyễn Quốc Khuể

[堅忠伯阮國]

Cựu Lễ bộ câu kê[30] khâm thủ mật sự
Tên Chức vụ Huyện
Nguyễn Bá Sai [阮伯晐] Cựu tham nghị Cao Lãm [高覽] Sơn Minh [山明]
Nguyễn Duy Hinh [阮惟馨] Cựu tri huyện Tả Thanh Oai [左青威] Thanh Oai [青威]
Lê Trần Hạo [黎陳灝] Cựu tri phủ Nhị Khê [蘂溪] Thượng Phúc [上福]
Nguyễn Huy Quýnh [阮輝泂] Cựu giám sinh Hoà Triền [禾廛] Thạch Thất [石室]
Chu Duy Trọng [周惟重] Cựu giám sinh Hoà Triền [禾廛] Thạch Thất [石室]
Hoàng Nguyễn Tuyển [黄阮選] Cựu giám sinh Lôi Trạch [雷澤] Thạch Thất [石室]
Kiều Văn Chí [喬文致] Cựu giám sinh Tường Diễm [祥晱] Thạch Thất [石室]
Khuất Đôn Hiếu [屈惇孝] Cựu giám sinh Tường Diễm [祥晱] Thạch Thất [石室]
Đỗ Toản [杜鑽] Cựu giám sinh Canh Lậu [耕] Thạch Thất [石室]
Nguyễn Duy Cự [阮惟岠] Cựu giám sinh Nguyễn Xá [阮舍] Thạch Thất [石室]
Nguyễn Trù [阮璹] Cựu giám sinh Cung Thận [恭慎] Thạch Thất [石室]

0