18/06/2018, 16:20

Tiến trình Nhà Thanh công nhận triều đại Quang Trung (bài 4)

chương II: công nhận Tây Sơn Nguyễn Duy Chính TỪ ĐỐI ĐẦU ĐẾN ĐỒNG THUẬN ĐẠI VIỆT Một trong những ẩn số của cuộc chiến là ngay từ trước khi giao tranh vua Quang Trung đã tính toán một đường lối hoàn toàn khác với Miến Điện. Thay vì thách thức và bất cần, triều đình Tây Sơn ...

chương II: công nhận Tây Sơn

Nguyễn Duy Chính

TỪ ĐỐI ĐẦU ĐẾN ĐỒNG THUẬN

ĐẠI VIỆT

Một trong những ẩn số của cuộc chiến là ngay từ trước khi giao tranh vua Quang Trung đã tính toán một đường lối hoàn toàn khác với Miến Điện. Thay vì thách thức và bất cần, triều đình Tây Sơn biết rằng từ vị trí địa lý, liên quan kinh tế, văn hóa, lịch sử, chính trị đều không lợi nếu tiếp tục đối đầu, chi bằng nhân cơ hội đang có thế thượng phong mà cầu hòa thì sẽ tránh được một xung đột tốn phí và dai dẳng. Nguyễn Huệ [nay được dùng dưới cái tên chính thức là Nguyễn Quang Bình] đã để ngỏ ba cánh cửa làm tiền đề cho đàm phán hậu chiến:

– Thứ nhất, ông giới hạn việc truy sát chỉ tới bờ phía nam sông Nhị dẫu có sử dụng một số thuỷ quân theo đường biển vào các cửa sông phá hoại và tiêu huỷ các đài trạm của quân Thanh từ Thăng Long đến Lạng Sơn đề phòng quân địch sẽ lập một phòng tuyến mới sau khi rút khỏi kinh đô. Chính vì thế, quân Thanh đã vượt sông Nhĩ Hà đều toàn mạng nên không ghi nhận một trận đánh nào khác sau khi họ tháo chạy.[1]

– Thứ hai, Nguyễn Quang Bình đã chuẩn bị sẵn những phái đoàn nghị hoà ngay khi chiến tranh vừa chấm dứt. Vừa tái chiếm Thăng Long, việc đầu tiên vua Quang Trung xúc tiến là tìm kiếm và kêu gọi giới sĩ phu ra cộng tác với tân triều, không những không một ai bị trừng phạt mà còn được giao ngay công tác tối quan trọng là “lấy ngọc lụa thay gươm giáo, chuyển binh mã thành gặp gỡ áo xiêm”.[2]

– Để tạo cơ sở ngoại giao, vua Quang Trung cũng tổng kết số lượng quan quân nhà Thanh bị bắt nay đã được tập trung sinh sống riêng một nơi. Theo lời cung khai của tù hàng binh khi về nước thì họ không bị ngược đãi mà được đối xử tương đối chu đáo. Nước ta cũng đệ lên các tài liệu biện minh cho việc bất đắc dĩ phải dấy động can qua trong đó có các tờ hịch khiêu khích của Tôn Sĩ Nghị và văn thư diễn tiến việc cầu hoà trước đây để trút trách nhiệm cho đối phương.

Trong tiến trình đàm phán, nhà Thanh đã dàn ra một vở kịch lớn để từ từ xoá đi nỗi nhục bại trận với nhiều tướng lãnh cao cấp tử thương. Vở kịch đó hoàn hảo đến nỗi nhiều sử gia Trung Hoa – cả đại lục lẫn Đài Loan –vẫn nhấn mạnh vào việc nước ta cầu hoà (mà họ gọi là khất hàng) được Thanh triều chấp thuận mặc dù trên ngôn từ ngoại giao, cầu hòa không đồng nghĩa với khiếp nhược.

TRUNG HOA

Tháng Hai (năm Kỷ Dậu), Phúc Khang An có tâu lên như sau:

臣此時前往。自以養軍威。存國體爲要。至阮惠等聞内地四路會勦。勢必窮蹙款關。臣必不肯輕受其請。俟其畏極感生。然後據情陳奏。[3]

Thần thử thời tiền vãng. Tự dĩ dưỡng quân uy, tồn quốc thể vi yếu. Chí Nguyễn Huệ đẳng văn nội địa tứ lộ hội tiễu. Thế tất cùng xúc khoản quan. Thần tất bất khẳng khinh thụ kỳ thỉnh. Sĩ kỳ uý cực cảm sinh, nhiên hậu cứ tình trần tấu.

[…] Thần lần này đến đây, ắt phải lấy việc nuôi nấng quân uy, giữ gìn quốc thể làm trọng. Còn như bọn Nguyễn Huệ nghe tin nội địa bốn mặt cùng đánh,[4] thế ắt sợ hãi phải gõ cửa quan [cầu khẩn]. Thần lúc đó không dễ dàng nhận lời thỉnh cầu đợi đến khi sợ quá hoá thương, lúc ấy cứ theo tình mà tâu lên rõ ràng…

Ngày Tân Tị (24 tháng Ba) triều đình nhà Thanh nhận được tấu thư của Phúc Khang An trên đường đến Nam Quan có đoạn nguyên văn như sau:

…臣行至廣西貴縣地方接授督篆一路密察安南動靜。並以情事推之黎維祁棄印潛逃竟係一童騃昏豎。不足憐惜。其國中亦並無愛戴故主者。阮惠旣欲號召國人。自必仰藉天朝聲勢。其畏懼震懾。似非虛假。惟曾抗我顏行。此時未便遽畧跡原心。臣到關後。當於拒絕之中。予以轉旋之路。總須審愼隄防。一有把握。即當馳奏請旨。[5]

…Thần hành chí Quảng Tây Quí huyện địa phương tiếp thụ đốc triện, nhất lộ mật sát An Nam động tĩnh. Tịnh dĩ tình sự suy chi, Lê Duy Kỳ khí ấn tiềm đào cánh hệ nhất đồng ngãi hôn thụ. Bất túc lân tích. Kỳ quốc trung diệc tịnh vô ái đái cố chủ giả. Nguyễn Huệ ký dục hiệu triệu quốc nhân. Tự tất ngưỡng tịch thiên triều thanh thế. Kỳ úy cụ chấn nhiếp, tự phi hư giả. Duy tằng kháng ngã nhan hành, thử thời vị tiện cự lược tích nguyên tâm. Thần đáo quan hậu, đương ư cư tuyệt chi trung, dư dĩ chuyển toàn chi lộ. Tổng tu thẩm thận đề phòng, nhất hữu bả ác, tức đương trì tấu thỉnh chỉ.

… Thần đi đến huyện Quí thuộc tỉnh Quảng Tây nhận triện tổng đốc, trên đường xem xét kỹ càng An Nam động tĩnh ra sao. Cứ theo sự tình mà luận đoán, Lê Duy Kỳ bỏ ấn chạy trốn, hẳn chỉ là một đứa trẻ u mê, không đáng để phải thương xót. Trong nước đó lại không có người muốn ủng hộ chủ cũ. [Còn như] Nguyễn Huệ muốn kêu gọi dân chúng, ắt phải trông vào danh nghĩa của thiên triều, [cho nên] việc sợ hãi khép nép hẳn không phải là giả dối. Có điều đã từng có hành động chống cự lại ta, lúc này chưa tiện bỏ qua bụng dạ nguyên ủy thế nào. Thần đến [Nam] quan rồi, trong việc cự tuyệt, cũng sẽ cho y một dịp quay đầu lại. Nói chung thì phải xem xét đề phòng thật cẩn thận, một khi thấy được gì mới, thần sẽ lập tức tâu lên ngay để xin chỉ thị.

Phúc Khang An đã nói lên điều trong thâm tâm vua Càn Long mong mỏi nhưng không tiện nói ra vì thể diện và vai trò của một vì thiên tử. Đó là làm cách nào có thể bỏ rơi Lê Duy Kỳ để xoay sang một hướng khác thuận lợi hơn. Trước đây khi hưng binh tiến sang nước ta, nhà Thanh nêu cao nguyên tắc “hưng diệt kế tuyệt” bảo vệ thuộc quốc như một chiêu bài sáng chói thì nay lại nhất loạt phủ nhận cái quá trình thần phục hơn 100 năm qua mà cho rằng khí vận nhà Lê đã hết, Lê Duy Kỳ hôn ám vô năng để quay sang công nhận người vừa mới đây còn là kẻ đối đầu, bị kết án là tiếm quyền, cướp nước.

Việc tạo ra một “chuyển toàn chi lộ” [轉旋之路] như lời tâu của Phúc Khang An được khai triển dưới nhiều áp lực, mỗi lúc một chút, khi bên này, lúc bên kia để hướng dẫn đối phương đi theo hướng mà họ muốn.

CÁC BIỆN PHÁP RỬA MẶT

Khi Phúc Khang An sang làm tổng đốc Lưỡng Quảng, ông ta lập lại một số đòi hỏi vốn sẵn có trong lịch sử giao thiệp với nước ta để xem Đại Việt sẽ nhượng bộ tới đâu. Vì chỉ là những quả bóng thăm dò, hầu như rất ít ai nhắc đến những đòi hỏi này như những đấu tranh ngoại giao mà thường nhấn mạnh đến những thách thức quân sự.

Xử tội những người đã giết các tướng nhà Thanh

Để giải thích cho qua việc Nguyễn Quang Bình khai rằng ông đem quân ra chỉ cốt nhờ thiên triều phân xử phải trái với Lê Duy Kỳ nhưng vì không thể bó tay chịu chết nên đành phản ứng lại sự dũng mãnh của “thiên binh” (quân thiên triều). Nhà Thanh nhân đó đã đòi xử tội những người đã giết hại các tướng lãnh của họ. Yêu cầu đó là một đòi hỏi rất trái khoáy và cả hai bên cùng biết là giả dối nên Phúc Khang An chỉ chờ nước ta thông báo đã xử phạt rồi thì liền tuyên bố sẽ gác việc đó qua một bên không truy cứu thêm nữa.

Lập đền thờ những người tử trận

Nhà Thanh cũng yêu cầu nước ta phải lập một đền thờ, xuân thu cúng tế. Không cứ gì một trận chiến khốc liệt như trận đánh năm Kỷ Dậu mà số người chết của cả hai bên lên đến hàng vạn, việc lập đền thờ những oan hồn vất vưởng, cúng tế thập loại chúng sinh vốn dĩ là một tập tục khá phổ thông ở phương nam nên triều đình Tây Sơn thấy không có gì trở ngại. Thành Lâm khi sang Thăng Long cũng đã cùng với một số quan lại nước ta đến tế ở đền thờ tân tạo này. Hai việc trên đây thực ra không nhằm đưa ra như những yêu sách ngoại giao mà thực sự chỉ là cái cớ để Phúc Khang An tâu lên rằng nước ta đã thần phục và thỏa đáng những yêu cầu của Thanh triều.

Trả đất

Ngày 14 tháng Hai năm Kỷ Dậu, vua Càn Long gửi thư cho Phúc Khang An bắt nước ta đem các khu vực có mỏ ở biên giới dâng cho nhà Thanh để tạ tội thì mới chấp thuận cho đầu hàng. Ngày 30 tháng Hai, quân cơ đại thần nhà Thanh lại tra trong Đại Thanh Nhất Thống Chí để truy tìm thêm những khu vực trước đây vua Ung Chính trả lại cho nước ta [mà họ nói là “ban cho”], bao gồm 40 dặm lấy sông Đổ Chú [賭咒] làm ranh giới. Văn thư này nhà Thanh gửi cho Phúc Khang An theo lối hoả tốc [600 dặm một ngày] có ý dùng như một áp lực trước khi họ chính thức nhận tờ biểu “thâu thành” của nước ta.[6]

Nguyên đời Lê Gia Tông, Vũ Công Tuấn làm phản ở Tuyên Quang bị triều đình đánh đuổi chạy sang Tàu, đem ba châu của nước ta (Vị Xuyên, Bảo Lạc, Thuỷ Vĩ) xin sáp nhập vào tỉnh Vân Nam để nhờ nhà Thanh che chở, trong đó có cả mỏ đồng Tụ Long thuộc châu Vị Xuyên. Nước ta nhiều lần đòi lại nhưng Thanh triều không chịu trả. Ðến năm Mậu Thân (1728, Ung Chính thứ 6, Bảo Thái thứ 9 đời Lê Dụ Tông) sau khi quân Việt đánh lui được đạo quân Vân – Quí tràn qua, vua Ung Chính đành phải nhượng bộ trả lại 40 dặm cho Ðại Việt.[7]

Năm Càn Long 34 (Kỷ Sửu, 1769), thổ mục là Hoàng Công Toản theo đường Mãnh Tích (猛腊) chạy qua Vân Nam đem dâng cho nhà Thanh 7 châu Tung Lăng, Lễ Tuyền, Hoàng Nham, Tuy Phụ, Hợp Phì, Lai Châu, Khiêm Châu.[8] Việc mất đất này nước ta nhiều lần đòi lại (từ đời Lê sang đời Tây Sơn, rồi cả triều Nguyễn) nhưng không thành công. Trong khi đàm phán, nhà Thanh lại đòi phần đất 40 dặm vua Ung Chính đã trả lại nước ta kèm thêm một số mỏ sát biên giới Vân Nam nhưng triều đình Tây Sơn không đồng ý.[9]

Cống voi

Trong các loại cống phẩm đưa sang Trung Hoa đời Thanh, nước ta không phải cống voi. Voi đã thuần dưỡng [tuần tượng – 馴象] chỉ thấy các nước Nam Chưởng, Xiêm La hay Miến Điện tiến cống. Khi đưa ra đòi hỏi phải cống voi, nhà Thanh muốn Đại Việt cũng phải như Nam Chưởng [tức Ai Lao] nhằm hạ thấp coi như những tiểu quốc man mọi và cũng là một hình thức thị uy của Phúc Khang An.

Sau khi tiếp phái bộ Nguyễn Hữu Trù, họ Phúc thông báo nước ta muốn “đầu thành” phải cống voi và đích thân vua Quang Trung lên cửa quan tạ tội. Triều đình Tây Sơn đã trả lời rất nhũn nhặn nhưng cương quyết như sau:

Càn Long năm thứ 54 [Kỷ Dậu, 1789], ngày 28 tháng Tư

Tiếp kiến bồi thần nước tôi là Vũ Huy Tấn từ cửa quan trở về quốc thành [kinh đô Thăng Long] thuật lại lời dụ tận mặt của ân công, một là đòi kẻ hèn này đến Nam Quan để yết kiến Phúc công gia, hai là thêm vào cống vật của bản quốc bốn con voi, hoặc hai con, không phải là loại voi đánh trận mà là loại voi đã thuần dưỡng, chuẩn bị cho sẵn sàng để tiến cống.

Phàm là chư hầu thống ngự ở núi sông các nơi, hẹn nơi mà tương kiến ấy là lễ, lấy hết sản vật đem tới triều đình cũng là lễ vậy. Hai điều ngài dụ xuống là lẽ ấy, quả vì hạ quốc mà ân công chu toàn nên muốn cả tình lẫn văn đều ổn thoả, nghi lễ phương vật đều xong để xin mệnh của hoàng đế. Đáp lại thịnh tâm của chế hiến tôn đại nhân, kẻ hèn này quả thật không dám có ý gì khác.

Hiện nay nước tôi vừa mới ổn định, binh lính dân chúng cần nghỉ ngơi, từ cửa quan đi đường núi xuống mất đến năm, sáu ngày mới đến được sông Phú Lương [tức Nhĩ Hà]. Sau khi binh lửa rồi nơi nào cũng cây cối rậm rạp, nếu như tôi đi lên cửa quan, ắt phải đem theo nhiều binh sĩ hộ vệ, phá núi khai đường, gặp khe bắc cầu sức dân rất là hao tốn, lại thêm trên đường đi việc cung ứng cũng thật phiền phức. Do kẻ hèn này xin được ân phong mà phải lặn lội sơn khê, phí phạm tài lực dân chúng, trong lòng quả thực có chỗ áy náy không yên, ân công cũng nên nghĩ đến tình này mà để cho hạ quốc không phải mệt nhọc.

Còn việc gõ cửa quan để trình bày mọi việc thì tôi đã sai cháu ruột là Nguyễn Quang Hiển thay tôi mà làm lễ đem biểu nhập cận rồi. Đến tấm lòng cung thuận, hết sức tha thiết chí thành, tuy kẻ hèn nay chưa đích thân đến được, thì cháu tôi cũng đã thay mặt mà làm đấy thôi chứ nào có lần lữa.

Nếu được các đại phu bỏ qua cho, tôi sẽ lấy lòng chí thành hết sức mà phụng sự đại hoàng đế như trời, tuy cách xa vạn dặm mà uy nhan thực gần như gang tấc. Nếu như được lượng rộng như bể cả của Phúc công gia mà chiếu cố để gầy dựng cho bản quốc chỉ còn chưa được đến mạc phủ đâm ra thiếu sót việc trần tình chuyện cũ, ấy cũng đều là ở tấm lòng chí thành chứ không phải vì ngạo mạn mà thác ra như thế.

Còn như voi để đánh trận thì ngài đã thể lượng cho tình hình trong nước mà không đòi tiến cống. Đến như voi đã huấn luyện rồi, ấy là sản vật thường có của phương nam, mong ân công vì kẻ hèn này mà ngọc thành cho việc tốt, sau này được liệt vào vương hội thì dẫu có ngọc dạ quang, vải tị hoả tôi cũng tìm cho bằng được để dâng lên.

Còn như voi đã thuần là chuyện nhỏ, các nước Miến Điện, Nam Chưởng cũng còn có được thì lẽ nào nước tôi lại không có hay sao? Có điều ở bản quốc thì có nhiều voi ở vùng rừng núi tây nam, các giống man Lao, Phàm, Cao,Hợp có, trước đây cũng đã từng thu dụng đến hỏi mua ở những nơi này.

Từ khi binh lửa các nơi ấy cũng không yên, những con voi tôi dùng trong chiến trận đều là voi trong các chuồng của họ Trịnh, họ Nguyễn còn lại, tính ra cũng chẳng còn nhiều. Những con voi đó tính tình dữ tợn, bướng bỉnh, phải dùng tượng nô người man, biết cách dùng bùa chú vùng rừng núi thì mới có thể chế phục được. Số voi đó nay đã xua vào trấn giữ biên giới phía nam để khống chế chư man.

Kẻ hèn này đã đem bản quốc nội thuộc, ấy là phên dậu của thiên triều rồi thì những con voi dùng trong việc binh tuy ở hạ quốc nhưng có khác gì ở thượng quốc. Còn tuần tượng là giống voi không giỏi chiến đấu, người man dụ được rồi huấn luyện, hiện nay các bộ lạc trong núi như Hạt Xà Kiều, Hạt Xà Đồng, Chiêu Pha Mang, Lộc Quần các tù trưởng đánh lẫn nhau.

Bản quốc nay mới tạo dựng, việc trong nước còn đang trù tính, đợi các nơi tương đối vững vàng, nhờ vào uy linh thiên triều, sẽ tính đến chuyện các xứ man khi đó sai sứ đến bắt họ vào khuôn phép, khi đó có thể mua được voi để tiến hiến lên.

Còn như từ quốc thành trèo non vượt núi để đến các thuộc đỗng thì phải chinh phục các giống sơn man mới có thể lấy, cho nên việc voi thuần dưỡng thực không phải dễ dàng gì mà cũng không gấp được.

Còn nhục quế Ái Châu, từ khi bản quốc có chuyện loạn lạc, các hộ trồng quế không còn chăm lo nên dù tôi đã sức xuống cho các trấn mục, hết sức tìm kiếm trong núi loại thượng hạng, đến khoảng tháng nhuận hạ thì chắc cũng được vài cân sẽ kính cẩn đưa lên thượng hiến để tỏ tấc lòng thành kính.

Ngày xưa đại hiền họ Mạnh [tức Mạnh Tử] có ví cắp núi mà nhảy qua biển để nói về việc khó có thể làm. Mấy điều kẻ hèn này trình lên chưa làm được mà ân công đã phí bao tâm sức giúp lại, quả thật là hiệp sơn siêu hải chi sự vậy khiến cho tôi hết sức sượng sùng chỉ biết đem hết tình ghi khắc trong phế phủ, những điều nghi ngại không thể không đưa lên để ngài xem xét.

Trông lên sao Đẩu, sao Khuê, đốt hương hạ bút mong ngài trông đến thì thật may mắn.[10]

Cống người vàng

Trong vai trò đại thần trấn ngự biên cương, Phúc Khang An là người chủ trì mọi việc tiếp xúc với nước ta để đạt được mục đích “dưỡng quân uy, tồn quốc thể” mà ông ta đã tâu lên vua Càn Long như một tiêu chí cơ bản cho vai trò của mình.

Trước hết, họ Phúc minh định rằng muốn được công nhận làm An Nam quốc vương, Nguyễn Quang Bình phải thực hiện những đòi hỏi và lễ nghi mà mọi triều đại của nước ta phải thi hành. Chỉ đến đó vua Quang Trung mới có thể xưng “thần” còn trước đó ông chỉ được giao thiệp với các cấp địa phương và xưng mình là “tiểu phiên” [phên dậu nhỏ], “tiểu mục” [đầu mục nhỏ], “bộc” [kẻ hèn] hay “An Nam quốc trưởng mục” [đầu mục trưởng của An Nam]. Nhà Thanh cũng chưa gọi ông là “quốc vương” mà chỉ gọi là “quốc trưởng”.[11] Khi chưa chính thức chấp thuận, nhà Thanh cũng gọi tên tục của ông là “Nguyễn Huệ” nhưng khi đã tiến hành việc phong vương, họ chuyển sang gọi tên ông trong các văn thư [của chính họ] là “Nguyễn Quang Bình”. Ngược lại, vua Quang Trung luôn luôn xưng tên mình là Nguyễn Quang Bình cho thấy không phải đợi đến khi cầu hòa với nhà Thanh ông mới đổi tên như sử triều Nguyễn chép.

Một trong những điều kiện mà nhà Thanh đòi hỏi là quốc vương An Nam phải đích thân lên kinh đô để được ban phát danh hiệu. Đây không phải là việc mới đặt ra mà có từ đời Nguyên và đời Minh nhưng vì đường sá xa xôi lại e ngại triều đình Trung Hoa không thật lòng nên vua nước ta thường tìm cách thoái thác.

Trong trường hợp vua nước Nam không trực tiếp sang được thì phải đưa một người bằng vàng để thay mặt [đại thân kim nhân]. Còn như nếu là hậu quả của một vụ binh cách, nước ta còn phải đền mạng cho tướng lãnh bị giết [trường hợp Liễu Thăng đời Minh], và cũng phải làm một người vàng khác thế vào. Phúc Khang An cũng chiếu lệ cũ để đòi nước ta phải cống người vàng nếu quốc vương không đích thân sang Yên Kinh.[12]

Qui luật này về sau cũng nhạt dần và trở thành một đòi hỏi hình thức có tính vòi vĩnh hơn là nghi lễ nên nước ta phải bấm bụng chấp thuận nhưng luôn luôn coi đó như một món nợ phải trả. Đến khi Mạc Đăng Dung cống người vàng đúc hình cổ buộc dây, mặt cúi xuống thì sĩ phu đều coi như một nỗi nhục khó mà gột rửa. Tệ hơn nữa, họ Mạc chỉ được phong An Nam đô thống sứ, một chức quan tòng nhị phẩm chứ không phải là An Nam quốc vương.

Ngô Thì Nhậm thay mặt vua Quang Trung đã trả lời rất đanh thép về lịch sử và nguyên do việc cống người vàng[13] nên Phúc Khang An đã bí mật đề nghị một biện pháp trung gian là cử người thay mặt sang Trung Hoa. Vua Quang Trung thuận theo ý đó và thông báo rằng sẽ đưa một nhân vật quan trọng “tuy đại do thân” [tuy thay mặt nhưng cũng như chính mình] đích thân đem tờ biểu cầu phong sang kinh đô.

Nghe tin đó, Phúc Khang An vội vàng báo về triều và chuẩn bị đón tiếp. Khác với những báo cáo của quan lại ở Quảng Tây, việc tiếp đón đó tương đối trọng thể và là một mốc lớn trong lịch sử giao thiệp với Trung Hoa cuối thế kỷ XVIII.


[1] Theo báo cáo của nhà Thanh, số quân lính đi theo đường Lạng Sơn trở về Quảng Tây đều là những nhóm nhỏ vượt đường núi còn toàn bộ số binh lính bảo vệ lương đài đều tử trận. Điều đó giúp chúng ta suy luận rằng những cánh quân phá huỷ các trạm lương thực được thực hiện không trước thì cũng đồng thời với các cánh quân tiến vào Thăng Long, có lẽ là những hải phỉ vốn là dư đảng Thiên Địa Hội sau khi thất trận ở Đài Loan được Nguyễn Huệ thu nhận và phong tước đã theo đường sông tiến lên đánh vào các nơi tồn trữ lương thực của quân Thanh. Sử triều Nguyễn có chép một người là đô đốc Tuyết cầm quân thuỷ đánh vào sông Lục Đầu. Cũng ông này, khi nhà Tây Sơn đã bị diệt vẫn còn chỉ huy hoành hành trên biển và từng đánh vào duyên hải miền Bắc đời Gia Long. Xem Quốc Sử Di Biên (1973) tr. 206, 211.

[2] 以帛玉代干戈,轉兵馬爲衣裳之會 (dĩ bạch ngọc đại can qua, chuyển binh mã vi y thường chi hội) LT q. XXX “Nguỵ Tây: Nguyễn Văn Huệ” tr. 36

[3] TTL, q. 1323, tr. 913.

[4] Nhà Thanh phao rằng họ sẽ đem hai cánh quân đường bộ là Vân Nam, Quảng Tây và hai cánh quân đường biển từ Khâm Châu (Quảng Đông) đánh vào miền Bắc và từ Phúc Kiến tiến xuống đánh vào Thuận Hóa.

[5] TTL, q. 1325, tr. 942-3. Tục Tu Tứ Khố Toàn Thư, Đông Hoa Tục Lục, Càn Long 109 tr. 147

[6] Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 387

[7] Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Ðại Nam Nhất Thống Chí, Phạm Trọng Ðiềm dịch (Huế: nxb Thuận Hoá, 1997) tập 4 tr. 334-5

[8] Trung Quốc Xã Hội Khoa Học Viện Lịch Sử Nghiên Cứu Sở, Cổ Đại Trung Việt Quan Hệ Sử Tư Liệu Tuyển Biên(1982) tr. 566

[9] Xem thêm “Đòi Đất Bảy Châu Hưng Hoá” biên khảo NDC.

[10]乾隆五十四年,四月二十八日

接見本國陪臣武輝瑨自關上回到國城,具述恩公面諭。一則要僕赴關。謁見福公爺。二飭令本國貢物,須添象四隻,或兩隻。不要打仗之象。只要馴優之象。以備進奉。

夫以諸侯統於方岳,卻地而謁見禮也。庭實旅百任土作貢。亦禮也。此二則諭來。乃思公曲為下國周旋。欲其情文俱妥。儀物兼至。以邀大皇帝之庥命。答制憲尊大人之盛心。僕誠不敢有異。衹今小邦初定。兵民甫息。關上一條山路。須五六日子方抵富良江。兵火之餘。叢篁滿目。如僕躬來關上。又須帶隨多少兵衛。逢山開路。遇水疊橋。民力亦大勞攘。且派撥沿途。供需尤為煩擾。是僕以邀求恩封之故。跋涉山溪。費了許多民財與力。於心上寔有踧踖不安之處。恩公洞悉此情。自當為下國舒此勞頓。且僕叩關陳情。經遣親侄阮光顯代躬行禮。隨表入覲。葢其恭順之心,誠切諄篤。雖僕躬未能來,僕侄猶僕之躬身也。非有所持疑。若小大夫之私憂過計者,僕惟以至誠持心,事大皇帝如天,雖在萬里之遙,威顏不違咫尺。矧遇福公爺海量,恩公波照,於本國有大造化,獨未能一謁幕府之前,探用歉然,葢前情所陳,皆由至誠所發,非敢偃蹇驕倨而爲是扺賴之辭也。至如打仗之象,旣蒙體諒國情不在錫貢。卽馴擾之象,亦南方常產,蒙恩公爲僕玉成好事,將來列諸王會,卽使夜光之珠,火浣之布,有可搜尋供貢,僕亦無所不盡其心。此馴象之微,錯出常貢,在緬甸南掌諸國。猶能有之,豈以本國而獨不能之乎。惟本國象產。多在西南林間。牢凡臯合諸蠻有之。本國前有所取用,並於此處討買。自兵興以來。蠻陬屢廸弗静,僕所蓄養打扙之象。皆鄭阮象場留來之物,見數亦無幾。其象性頑惡,須用蠻子爲象奴,施以林隴符咒,方能制服得他。此象見今並已驅出南陲,控禦諸蠻。僕旣以本國內屬,乃是天朝藩籬,卽可充兵用之象,其在下國亦猶在上國也。馴象乃象之不善闘者,蠻人誘掖馴習得來,自今山蠻部落如曷蛇轎,曷蛇桐,佋頗芒,鹿群諸酋長,互相攻打。本國締造之初,內事方在區畫,待邦域稍稍綏定,憑仗天朝威靈,謹當經理諸蠻,使之去争順軌,便可責他採買奉轉進獻。然自國城踰山越嶺,乃芒達諸屬峝,必緝綏山蠻,方能討取,馴象寔有未能容易著急者。又愛州肉桂,自本國兵亂,桂户不置榷場,謹已飭下鎭目,勒令所在山子盡力採取上號之油美者,大約閏夏早晚,該得若干斤,謹奉獻上憲前,聊寓芹敬。昔孟大賢以挾泰山超北海比况折枝。極言其難易之不侔。僕於向上數條,折之未能,而近來思公費心囬幹,其所能皆挾山超海之事,愧甚感甚。惟以俯就至情,銘諸肺腑。故凡有所寚礙,不敢不佈達於台鑒之前也。斗奎在望,臨紙焚香,敢希審悉爲幸。LTTK, q. VI, số hiệu A 15.6 VHN-HN (bản dịch NDC)

[11] Việc chi li với danh xưng cũng vốn là một đặc điểm của Thanh triều như trước đây vua Ung Chính từng khiển trách các quan người Hán xưng mình là “nô tài” là chữ chỉ dùng cho đại thần gốc Mãn tộc.

[12] Dù được giải thích cách nào, việc đem người vàng sang cống là một việc hạ thấp quốc thể nhất là trong những trường hợp cố tình làm bỉ mặt triều đình nước ta như việc đòi Mạc Đăng Dung phải cống người vàng cúi mặt xuống có dây buộc vào cổ mà sau này nhà Lê phải tranh biện mãi mới được đúc người vàng nhìn thẳng như truyền thống. Nhà Minh công nhận cả hai bên nhưng giáng cấp người đứng đầu nước ta xuống An Nam Đô Thống Sứ, ngạch tòng nhị phẩm hiểu ngầm như một viên quan của triều đình viễn thú. Tuy thực tế, hai triều Lê Mạc vẫn hoàn toàn tách biệt với Trung Hoa nhưng trên giấy tờ, việc lệ thuộc đó là một mối nhục khó quên.

[13] BGHT, Biện Đại Nạp Kim Nhân (辨代納金人).

0