18/06/2018, 16:20

Tiến trình Nhà Thanh công nhận triều đại Quang Trung (bài 3)

Chương I: từ căng thẳng đến hòa hoãn Phần 2: đàm phán sơ khởi Nguyễn Duy Chính Tuy không đưa ra một nghị trình rõ rệt, nhưng hai bên đều có những mục tiêu cụ thể để hướng tới và nhượng bộ dần cho đến khi có những điểm chung. Về phần nhà Thanh, các quan ở địa phương đã nhìn thấy hai ...

Chương I: từ căng thẳng đến hòa hoãn

Phần 2: đàm phán sơ khởi

Nguyễn Duy Chính

Tuy không đưa ra một nghị trình rõ rệt, nhưng hai bên đều có những mục tiêu cụ thể để hướng tới và nhượng bộ dần cho đến khi có những điểm chung. Về phần nhà Thanh, các quan ở địa phương đã nhìn thấy hai chủ đề chính:

– Giải quyết hậu quả chiến tranh mà ưu tiên là trả về số tù binh bị bắt,

– Yêu cầu vua Quang Trung đích thân tham dự lễ khánh thọ của vua Càn Long.

Một cách tổng quát, Tôn Sĩ Nghị trong những ngày sau cùng còn ở Quảng Tây đã hết sức cố gắng để đạt cho bằng được mục tiêu thứ nhất [để chạy tội] nên khi Phúc Khang An sang làm tổng đốc Lưỡng Quảng thì chỉ tập trung vào hoàn thành mục tiêu thứ hai [để lập công]. Khi phân biệt hai đòi hỏi cơ bản đó, chúng ta có thể dễ dàng theo dõi được từng bước đi của cả hai bên.

tôn sĩ nghị

Ngày 22 tháng Giêng năm Kỷ Dậu [Càn Long 54], triều đình Tây Sơn sai Ngô Thì Nhậm mang một tờ biểu xin “đầu thành” [投誠] đến Lạng Sơn nhờ thông sự đưa qua Nam Quan. Ngay hôm đó, tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị và tuần phủ Quảng Tây Tôn Vĩnh Thanh gửi tấu thư về triều có đoạn như sau:

Ngày 22 tháng Giêng có tặc mục [quan nước ta] Lạng Sơn sai thông sự [người nói được cả hai thứ tiếng Hoa – Việt] mang lên một biểu văn nói là hiện thời Nguyễn Huệ đã sai mấy di mục đem thư lên Lạng Sơn tình nguyện đầu thành nạp khoản nhưng sợ thiên triều không thuận nên ra lệnh cho thông sự đem đến Nam Quan. Y cũng khai rằng hiện nay còn vài trăm quan binh ở bên đó đều được nuôi dưỡng tử tế sau này sẽ đem trả về, giọng lưỡi thật đáng ghét, còn những ai không trong số đó thì không biết ra sao.

Thần sợ rằng nếu mở biểu văn ra xem e rằng tặc nhân ngờ rằng nội địa đang mưu tính việc tương tựu [nhân theo đó mà tiếp tục] để cho xong việc nên ra lệnh cho văn võ quan viên giữ cửa trách mắng rằng nếu như còn các quan binh đang ở Lê thành thì Nguyễn Huệ ngươi hãy lập tức đưa về nội địa cho mau rồi trần tình tạ tội duyên do nếu không đốc phủ đại thần không thể bắng lòng chuyển tấu được. Nay ngươi chưa đem quan binh đem trả về mà đệ biểu xưng phiên thì rõ ràng ngươi Nguyễn Huệ muốn mượn việc này để dọ ý.

Sau đó đem biểu văn vứt trả rồi bỏ đi. Bọn thần cũng muốn trách mắng nghiêm lệ hơn nữa nhưng vì các nơi quan ải quan binh điều động tới chưa được mười phần hùng hậu nên chỉ đem việc quan binh chưa đưa trả mà thôi, đợi khi nào các nơi phòng thủ kéo đến đủ thì khi giặc quay lại khẩn cầu sẽ trách mắng nhiều hơn nữa …[1]

Việc nước ta mở lời cầu hòa do chính vua Quang Trung và các quan chủ động hay do Thang Hùng Nghiệp bí mật liên lạc mớm ý thực ra chưa rõ ràng vì thời gian giữa lúc Tôn Sĩ Nghị về đến Quảng Tây (11 tháng Giêng) đến khi sứ bộ nước Nam gõ cửa (22 tháng Giêng) chỉ cách nhau hơn 10 ngày.

Trong thời gian ngắn ngủi đó, tuy vua Quang Trung bận rộn với việc giải quyết hậu quả cuộc chiến (tổng kết thiệt hại, thu dọn chiến trường, kiểm điểm chiến lợi phẩm, phát phối tù hàng binh, chiêu an dân chúng …) nhưng cũng gấp rút ra lệnh cho tìm kiếm giới sĩ phu và quan lại Bắc Hà mời họ ra cộng tác (qua sự giới thiệu của một số văn quan cũ như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích …) và giao cho họ việc từ lệnh bang giao trong những ngày sắp tới.

Lịch Triều Tạp Kỷ, quyển VI chép:

Các tiến sĩ triều Lê là Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Nguyễn Thế Lịch cùng các quan văn cống sĩ như bọn Vũ Huy Tấn, Đoàn Nguyễn Tuấn, Đào Xuân Lãng lần lượt về hàng. Nguyễn Quang Bình đều cho họ quan chức để họ tham gia vào việc từ lệnh bang giao …[2]

Theo lời tựa trong Hoa Nguyên Tuỳ Bộ Tập của Vũ Huy Tấn thì:

… Đầu mùa xuân năm Kỷ Dậu, ta đang náu mình ở quê nhà bỗng nghe có lệnh gọi những người đang ở hương ấp phải theo chiếu thư ra trình diện gấp. Ngày 24 tháng đó [Giêng] ta đến kinh đô vào triều kiến mới biết thượng quốc có thư gửi đến nên được đưa vào làm hầu mệnh [người chờ ở cửa quan để theo dõi công việc].

Ta cố gắng từ chối nhưng không thuận, ngay hôm đó phải lên đường, ngày mồng 2 tháng Hai thì đến Lạng Sơn cùng với quan trấn giữ biên thuỳ qua lại thù ứng [với nước Thanh]. Ta phải ở lại đây đến mấy tháng trời cho đến khi có dụ của thượng quốc cho lên kinh triều cận. Ta được uỷ nhiệm trong phái đoàn đi sứ, cố từ chối mà không được … [3]

MẬT NGHỊ

tam độ khất hàng

Theo tài liệu nhà Thanh thì chỉ trong vòng một tháng, nước ta ba lần gửi thư sang giảng hoà.[4] Việc gọi là ba lần “xin hàng” này trên thực tế chỉ là những lá thư gửi Thang Hùng Nghiệp – chủ yếu là đề nghị về một biện pháp thương thảo mà hai bên có thể đồng thuận.

lần thứ nhất:

Tính theo thời gian, trong khoảng nửa tháng sau trận đánh ở Thăng Long, cả hai bên – nước ta lẫn Trung Hoa –chưa bên nào tổng kết được những kết quả cụ thể để dùng làm cơ sở đàm phán.

Về phía nước ta, có lẽ cũng chỉ nghe phong thanh là nhà Thanh sẽ đem quân báo thù và lực lượng được điều động rất lớn. Cựu thần nhà Lê phần lớn chạy về quê nên tin tức đến tai họ càng ít ỏi [có lẽ chỉ là tin đồn] và hầu như không ai biết vua Chiêu Thống và thân quyến đang ở đâu, còn sống hay đã chết?

Triều đình Tây Sơn tuy chuẩn bị đối phó với quân địch sang phục thù, vua Quang Trung vẫn nhanh chóng tìm kiếm các danh nho miền Bắc điều động vào thành phần có thể lấy bút mực thay gươm giáo, đưa ra những kế hoạch giảng hoà với nhà Thanh.

Không biết rằng nhà Thanh loan truyền Tôn Sĩ Nghị bị triệu về kinh chịu tội nhưng thực ra vẫn đang ở Quảng Tây, Ngô Thì Nhậm viết thư cho Thang Hùng Nghiệp biện bạch nguyên do việc can qua, đổ hết tội cho viên cựu tổng đốc nghe một bên để đem quân xuống phương Nam. Lá thư đầu tiên [theo sử nhà Thanh thì vào ngày 22 tháng Giêng][5] của nước ta trong BGHT như sau:

Bộc[6] vốn là người áo vải đất Quảng Nam, sinh trưởng ở nơi hoang vắng từ lâu vẫn ngưỡng mộ thanh giáo đất Trung Hoa nhằm thời nhiều việc khó khăn nên phải theo đường chinh phạt. Mùa hạ năm Bính Ngọ, có việc phải đến Lê thành nhưng sau đó đã trở về phương nam. Mùa xuân năm Mậu Thân, vì trong nước không yên nên phải sửa giáp quay lại. Cũng trong năm đó, bộc đã từng sai bầy tôi đến cửa quan, đem hết mọi tình hình trong nước tâu lên rõ ràng, mong được đại hoàng đế phân xử. Thế nhưng tổng đốc Tôn Sĩ Nghị vứt thư khước sứ lấp liếm chẳng thèm tâu lên, điều động đại binh không có lý do, càn rỡ gây chuyện nơi biên giới.

Ngày mồng 5 tháng Giêng năm nay, bộc gửi thư đến mong được gặp Tôn Sĩ Nghị để hỏi xem vì cớ gì mà lại dụng binh, có thực được đại hoàng đế sai khiến hay không? Thế nhưng Tôn Sĩ Nghị lại đưa quân đến đánh nên bị những người theo bộc đánh bại chết đè lên nhau, không biết bao nhiêu mà kể, còn kẻ bị bắt cũng đến hơn một nghìn người. Có điều tiếng nói không hiểu nhau nên chẳng biết ai với ai, người nào chỉ huy người nào binh lính, bộc đã cấp cho lương ăn và chia ra nơi ở nhiều chỗ.

Bộc xưa nay chưa từng xâm cương phạm cảnh để mà đắc tội với thượng quốc, thế nhưng Sĩ Nghị đã đem cái lòng chân tình cung thuận của tôi ném đi hết cả, lại gửi thư vào trong biên giới có ý gây chuyện, nhân đó khởi binh, đối xử với sinh linh hết sức tàn độc.

Bộc ở nơi góc biển xa xôi bị Sĩ Nghị áp bức nên ở vào thế cùng, đành gượng giơ cái càng bọ ngựa chống lại cỗ xe. Nay nhận được lời dụ của tôn đài nên mắt lòng thông tỏ, tôn đài quả là bầy tôi lương đống trụ thạch của đại hoàng đế nên đã có thể tuyên dương đức ý mà lo liệu việc biên cương, lòng thành như thế thật là làm rõ sự tận tâm so với Sĩ Nghị kia thì cái tội coi thường phép nước thật hơn xa.

Nay được thịnh tình của ngài soi xuống nên kính cẩn đệ lên tờ biểu trần tình mong được hết lòng mà chuyển lên để cầu xin ân điển của đại hoàng đế xin được giữ phận phên dậu theo lệ cống mà binh lính khỏi bị cái khổ của việc binh đao, ấy là đại nguyện vọng của bộc này vậy.

Phàm việc ra quân cốt ở chỗ hòa, không phải ở số đông, binh quí tinh nhuệ chứ chẳng cần nhiều, người giỏi trận mạc thắng ở chỗ chí nhu, chứ không phải ở chỗ cậy mạnh khinh khi người yếu, cậy đông hiếp đáp kẻ ít người.[7]Nếu như tình cảnh trước đây chưa biện bạch được thì thiên triều lẽ nào có thể khoan dung, ắt sẽ động binh gây chiến thì nước nhỏ không thể làm tròn tấm lòng phụng thờ nước lớn, bộc này chỉ đành lắng nghe thiên triều bảo sao thì làm vậy.

Nay kèm theo đây hịch văn của Tôn Sĩ Nghị , đều là lời lẽ lăng nhục khích bác tất cả dâng nạp, xin ngài xem xét cho.[8]

Nội dung lá thư đầu tiên chưa mang cung cách ngoại giao mà nhằm tranh biện đúng sai lại biểu lộ sự tự hào của chiến thắng, đổ lỗi cho Tôn Sĩ Nghị nên quan nhà Thanh đã trả lại.[9] Vả lại, khi tâu rằng đã ném trả biểu văn, Tôn Sĩ Nghị cũng dấu được những lời tố cáo vốn dĩ không xa thực sự bao nhiêu. Như vậy nước ta lần đầu tiên viết thư sang Trung Hoa chỉ thuần tuý đòi hỏi đối phương bãi binh.

Tuy nhận được lá thư gợi ý cầu hoà, nhà Thanh cũng chưa lường được phản ứng của triều đình Tây Sơn thực sự muốn chấm dứt binh đao hay chỉ mua thời gian [theo các báo cáo qua lại nay còn thấy] nên vẫn tiếp tục gia tăng phòng thủ, điều động canh giữ quan ải và nhất là tổng kết số người chạy được về.

Con số 8000 quân qua cửa ải mà Tôn Sĩ Nghị báo cáo xem ra không chính xác vì nếu tính số quân họ Tôn đem sang trừ đi số người tử trận [báo cáo sau này] chúng ta thấy có sự chênh lệch khoảng 2 đến 3000 người. Rõ ràng đây là một bịa đặt nhằm che dấu thất bại gửi lên vua Càn Long như một vận động ngầm để vua Thanh bằng lòng bãi binh. Số tù binh bị bắt lại càng khó biết.

ba tờ hịch của tôn sĩ nghị

Lá thư có kèm những tờ hịch vốn là một số bố cáo [hịch] gửi cho dân chúng Bắc Hà, còn ghi lại trong KDANKL, sao lục như sau:

Bản số 1

Nguyên văn

諭知該國,以阮岳,阮惠,退出黎城。仍回伊等故土。是其心不敢干犯天朝法紀。尚可不事苛求。

至爾鎭目人等。理應即日迎還故主。仍就藩封。倘竟彼此觀望遷延。暗爲阮姓守土。不肯迎請嗣王。則是爾國綱紀蕩然。全不知君臣大義。且爾等身係安南職官。轉不如爾國百姓。

倘能依戀黎王舊德。紛紛向關呈請。願効前驅。爾等清夜問心。置身何地。此番出示之後。爾等立即擁戴黎氏。迎請返正。則前此從逆與否。概置不問。

如仍執迷不悟。更無効順之心。即當一面奏聞大皇帝。一面親統大兵。尅期進剿。諒蕞爾一隅。豈能抗我王師。勢將咸就誅夷。爲爾國永垂炯戒等因。愷切曉諭。

Dịch âm

Dụ tri cai quốc, dĩ Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ thoái xuất Lê thành. Nhưng hồi y đẳng cố thổ. Thị dĩ tâm bất cảm can phạm thiên triều pháp kỷ. Thượng khả bất sự hà cầu.

Chí nhĩ trấn mục nhân đẳng. Lý ứng tức nhật nghinh hoàn cố chủ. Nhưng tựu phiên phong. Thảng cánh bỉ thử quan vọng thiên diên. Ám vi Nguyễn tính thủ thổ. Bất khẳng nghinh thỉnh tự vương. Tắc thị nhĩ quốc cương kỷ đãng nhiên. Toàn bất tri quân thần đại nghĩa. Thả nhĩ đẳng thân hệ An Nam chức quan. Chuyển bất như nhĩ quốc bách tính.

Thảng năng y luyến Lê vương cựu đức. Phân phân hướng quan trình thỉnh. Nguyện hiệu tiền khu. Nhĩ đẳng thanh dạ vấn tâm. Trí thân hà địa. Thử phiên xuất thị chi hậu. Nhĩ đẳng lập tức ủng đái Lê thị. Nghinh thỉnh phản chính. Tắc tiền thử tòng nghịch dữ phủ. Khái trí bất vấn.

Như nhưng chấp mê bất ngộ. Cánh vô hiệu thuận chi tâm. Tức đương nhất diện tấu văn đại hoàng đế. Nhất diện thân thống đại binh. Khắc kỳ tiến tiễu. Lượng tối nhĩ nhất ngung. Khải năng kháng ngã vương sư. Thế tương hàm tựu tru di. Vi nhĩ quốc vĩnh thừa quýnh giới đẳng nhân. Khải thiết hiểu dụ.

Dịch nghĩa

Dụ cho [người] nước kia được biết:

Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ rút khỏi Lê thành trở về đất cũ của chúng, ấy là trong bụng không dám phạm vào pháp kỷ của thiên triều nên chẳng dám quấy nhiễu nữa.

Trấn mục các ngươi đáng ra phải lập tức đón chủ cũ về để được phiên phong [phong làm phiên thuộc]. Còn như lần khân người nọ trông người kia, lén giữ đất cho họ Nguyễn, không chịu nghinh tiếp tự vương, vậy là nước các ngươi cương kỷ lỏng lẻo chẳng biết chi là đại nghĩa quân thần. Quan chức An Nam như các ngươi hoá ra lại không bằng thường dân bách tính.

Vậy nếu còn nhớ đến đức cũ của vua Lê thì các ngươi phải rầm rộ chạy đến cửa quan tình nguyện ra sức đi đầu, sáng tối tự hỏi nên để thân ở chỗ nào?

Sau khi cáo thị này gửi ra rồi, các ngươi phải lập tức ủng hộ nghinh đón họ Lê, quay đầu về nẻo chính, trước đây lỡ theo giặc, phạm sai lầm cũng bỏ qua không hỏi đến.

Còn như vẫn còn chấp mê không tỉnh, ấy là không biết hướng về chỗ thuận thì ta sẽ vừa tâu lên đại hoàng đế, vừa đích thân thống lãnh đại binh, định ngày tiến tiễu, dẻo đất cỏn con của các ngươi có thể chống với vương sư hay sẽ bị giết sạch?

Vì chưng muốn nước các ngươi được thiên triều soi chiếu mãi mãi nên ta thiết tha hiểu dụ.

Bản số 2

Nguyên văn

諭以爾等於大兵經時。跪迎道傍。爭獻牛米等物。實爲恭順。今不但不收爾等餽獻。又各賞給銀牌。示以嘉獎。並恪遵大皇帝諭旨。此次大兵進剿。原爲救護爾等夷民。嚴禁兵丁。不許擅入村莊。妄取一草一木。

天朝厚待爾等。從古未有。其附從阮惠之廣南賊匪。除臨陣剿殺。不計其數外。兹將生擒之數十人。立即梟首。使衆人觀看。以洩憤恨。從此爾等當益知感激。去逆效順。

Dịch âm

Dụ dĩ nhĩ đẳng ư đại binh kinh thời. Quỵ nghinh đạo bàng. Tranh hiến ngưu mễ đẳng vật. Thực vi cung thuận. Kim bất đãn bất thu nhĩ đẳng quỹ hiến. Hựu các thưởng cấp ngân bài. Thị dĩ gia tưởng. Tịnh khác tuân đại hoàng đế dụ chỉ. Thử thứ đại binh tiến tiễu. Nguyên vi cứu hộ nhĩ đẳng di dân. Nghiêm cấm binh đinh. Bất hứa thiện nhập thôn trang. Vọng thủ nhất thảo nhất mộc.

Thiên triều hậu đãi nhĩ đẳng. Tòng cổ vị hữu. Kỳ phụ tòng Nguyễn Huệ chi Quảng Nam tặc phỉ. Trừ lâm trận tiễu sát. Bất kế kì số ngoại. Tư tương sinh cầm chi sổ thập nhân. Lập tức kiêu thủ. Sử chúng nhân quan khán. Dĩ tiết phẫn hận. Tòng thử nhĩ đẳng đương ích tri cảm kích. Khứ nghịch hiệu thuận.

Dịch nghĩa

Nay dụ cho các ngươi biết:

Khi đại binh đi ngang qua, các ngươi quì đón ở bên đường, tranh nhau hiến trâu gạo các loại, thực là cung thuận. Nay ta không nhận bất cứ đồ gì hiến tặng, lại thưởng cho ngân bài để tỏ lòng khen ngợi.

Kính tuân theo dụ chỉ của đại hoàng đế, đại binh tiến tiễu lần này vốn là để cứu vớt người di các ngươi, nghiêm cấm binh đinh không được tự tiện vào các thôn xóm, lấy càn một cành cây, một ngọn cỏ.

Thiên triều hậu đãi các ngươi như thế, từ xưa chưa có bao giờ. Những kẻ đi theo bọn giặc Quảng Nam Nguyễn Huệ, khi lâm trận đã bị giết không biết bao nhiêu rồi, còn mấy chục đứa bắt sống thì lập tức bêu đầu để mọi người thấy cho hả phẫn hận. Có như thế các ngươi mới thêm cảm kích, bỏ kẻ nghịch giúp kẻ thuận.

Bản số 3

Nguyên văn

爾等久爲賊匪毒害。今大兵進剿。除臨陣誅戮外。逃匿必多。若令官兵分赴各鄉搜捕。不免藉端滋擾。不如各村寨自行挨查縛獻。既洩爾等忿恨。且可免諱匿包庇之罪。

Dịch âm

Nhĩ đẳng cửu vi tặc phỉ độc hại. Kim đại binh tiến tiễu. Trừ lâm trận tru lục ngoại. Ðào nặc tất đa. Nhược lệnh quan binh phân phó các hương sưu bộ. Bất miễn tịch đoan tư nhiễu. Bất như các thôn trại tự hành ai tra phược hiến. Ký tiết nhĩ đẳng phẫn hận. Thả khả miễn huý nặc bao tí chi tội.

Dịch nghĩa

Các ngươi bị tặc phỉ làm hại đã lâu, nay đại binh tiến tiễu, ngoài số bị giết khi lâm trận, chạy trốn chắc là đông. Nếu ta ra lệnh cho quan binh đến các làng xóm tìm bắt, không khỏi gây chuyện phiền nhiễu. Chi bằng các thôn trại tự tra xét trói chúng đem trình ra, vừa để các ngươi hả lòng phẫn hận, vừa được miễn tội bao che, dấu diếm.

lần thứ hai:

Lá thư thứ hai của nước ta do Nguyễn Hữu Trù [阮有啁] và Vũ Huy Phác[10] [武煇璞][11] đưa sang [vào ngày mồng 9 tháng Hai][12], không còn gửi Thang Hùng Nghiệp để trình bày nguyên do cuộc chiến mà gửi lên triều đình nhà Thanh để xin công nhận.

Trong lá thư này có một câu khá quan trọng đã bị lược bỏ (xem nguyên bản hình tờ bẩm kèm theo còn lưu trong đáng án nhà Thanh). Đó là không còn nhắc tới câu “… thiết bản quốc tị xứ hoang tưu, vị thông triều cống, kim nguyện tu thần chức …” [竊本國避處荒陬未通朝貢今願修臣職] trộm nghĩ nước tôi ở nơi hoang vắng xa xôi, chưa từng triều cống, nay mong được làm bầy tôi … cho thấy có một sự thay đổi lớn.

Trước đây Nguyễn Quang Bình viết thư nhân danh “xứ Quảng Nam”, coi như một quốc gia riêng biệt là hậu thân của Chiêm Thành chưa từng liên lạc với nhà Thanh, việc đụng độ với thiên triều chủ yếu là do xung đột với nhà Lê, nay cầu hoà cũng là xin tái lập một quan hệ bị cắt đứt từ đời Minh. Nếu như vua Càn Long chấp thuận, rất có thể hai bên đồng ý một giải pháp: vua Quang Trung sẽ trả lại miền bắc cho vua Lê và làm vua ở Nam Hà như hai nước riêng rẽ thời Trịnh Nguyễn nhưng cả hai đều được nhà Thanh công nhận. Như vậy khởi thuỷ việc xin thay nhà Lê chưa được đặt ra.

Lá thư đó còn chép trong Liệt TruyệnNguyễn Thị Tây Sơn dịch ra như sau:

Thần vốn là kẻ áo vải đất Tây Sơn, theo thời mà cử sự. Năm Bính Ngọ [1786] đem quân diệt họ Trịnh, trả lại nước cho nhà Lê. Lê vương trước tạ thế, lại ủng lập tự tôn Duy Kỳ kế vị. Duy Kỳ là người dâm bạo, thần dân trong nước chạy về với thần, xin đem quân trừ loạn. Năm Đinh Vị [1787], thần sai một tiểu tướng đem binh hỏi kẻ tả hữu ai là người giúp cho [vua] Kiệt, thế nhưng Duy Kỳ nghe tiếng chạy trốn, tự chuốc lấy diệt vong. Năm Mậu Thân [1788], thần tiến đến Lê thành, uỷ cho con vua cũ là Duy Cẩn giám quốc rồi sai người gõ cửa quan, đem hết việc trong nước tâu lên. Thế nhưng mẹ của Duy Kỳ đã đến ải Đẩu Áo trước rồi, sai người xin giúp đỡ.

Tôn Sĩ Nghị là phong cương đại thần nhưng lại vì tiền của, nữ sắc, đem biểu chương của thần xé ném xuống đất, lăng nhục người đem thư, ý muốn hưng sư động chúng, không biết ấy là do hoàng đế sai khiến, hay vì Sĩ Nghị nghe lời một người đàn bà mà làm, muốn lập công nơi biên cương mưu cầu đại lợi.

Nếu như sánh nhân sĩ một góc biển thì giáp binh làm sao chọi lại được một phần trong muôn một của Trung triều. Thế nhưng trước mặt là sông sâu, sau lưng là hổ dữ, ai nấy sợ chết nên đều hết sức mà chống trả.

Thần không nề câu ném chuột tránh đồ nên lấy năm ba dân đinh trong ấp đi theo. Ngày mồng 5 tháng giêng năm nay tiến đến Lê thành mong gặp được Tôn Sĩ Nghị may ra có thể đem ngọc lụa thay việc can qua, chuyển binh mã thành hội xiêm áo. Binh của Tôn Sĩ Nghị đến trước nghinh chiến nhưng mới giao phong đã chạy tứ tán, ai trốn tránh ở thôn trang bên ngoài thành lại bị dân chúng giết sạch. Ngày thần vào trong thành lập tức cấm chỉ, không được giết càn, nhất thiết phải đưa đến đô thành, số hơn tám trăm nhân khẩu thần đã cho lương ăn.

Trộm nghĩ bản quốc từ Đinh Lê Lý Trần đến nay, các đời thay đổi, không phải chỉ có một họ. Hễ ai có khả năng làm phên dậu ở phương Nam thì được vun xới, ấy thật là chí công chí nhân, theo trời hành hoá, thuận theo tự nhiên.

Vậy xin tha cho thần cái tội nghinh chiến với Tôn Sĩ Nghị, xét cho lòng thành của thần mấy lần gõ cửa quan trần tấu mà phong cho thần làm An Nam quốc vương để được thống nhiếp. Thần nay sai sứ giả đến cửa quan để xin được sửa lễ cống, lại đem những người còn đang ở đây nạp về để tỏ chí thành.

Vốn dĩ đường đường là phận thiên triều đâu so kè việc thắng phụ với tiểu di, lạm việc chinh chiến[13] cho hả lòng tham tàn ắt là thánh tâm không nỡ. Quá lắm nếu như việc binh không dứt thì thế đến đâu cũng không phải là sở nguyện của thần, mà thần cũng không dám biết nữa.[14]

Bài này có lẽ cũng chép lại Trần Tình Biểu trong BGHT của Ngô Thì Nhậm nhưng nhiều chi tiết đã bỏ đi (mặc dù bản văn trong BGHT cũng đã lược đi một số chi tiết quan trọng):

Thần sống ở nơi hoang vắng xa xôi xứ An Nam đã từ lâu tắm gội nơi thanh giáo. Thế nhưng từ khi họ Lê không còn cầm trịch, việc chính trị vào tay quyền thần, trong nước ngả nghiêng ly tán, dân tình oán thán.

Thần là kẻ áo vải theo thời mà cử sự, nguyên do vì kẻ vong nhân là Nguyễn Chỉnh chạy tới xin quân. Mùa hạ năm Bính Ngọ (1786) là lần đầu có việc ở Lê thành, khi vua Lê trước tạ thế, thần nâng đỡ tự tôn là Duy Kỳ nối ngôi sau đó quay về phương Nam, bản ý không muốn chiếm lấy…

clip_image002

Hình 3: Tờ bẩm của vua Quang Trung gửi quan nhà Thanh

tháng Hai năm Càn Long 54[15]

(khúc đầu)

Việc triều đình Tây Sơn chuyển từ trần tình nguyên do chiến tranh sang xin phong cho Nguyễn Quang Bình làm An Nam quốc vương, đồng thời xin công nhận một dòng họ mới cho ta thấy rằng lúc này quan lại nhà Thanh đã nhận được chỉ dụ của vua Càn Long [gửi trước trận đánh ở Thăng Long] trong đó ông nghi ngờ khả năng tồn tại của Lê Duy Kỳ – không có Nguyễn Huệ này thì cũng sẽ có một Nguyễn Huệ khác nổi lên chiếm nước – nên đã “bật đèn xanh” cho quan lại ở Quảng Tây tiến hành việc thay đổi một triều đại tại An Nam. Đối với các quan nhà Thanh, việc đồng ý chấm dứt yểm trợ nhà Lê gỡ cho họ rất nhiểu lo ngại nhất là trút được gánh nặng sẽ phải tiếp tục tiến hành một cuộc chiến cam go và dai dẳng. Còn như công nhận cả hai nước – An Nam và Quảng Nam – thì cũng nhiêu khê không giải quyết được gì mà yêu cầu Nguyễn Quang Bình sang chúc thọ còn khó khăn hơn nữa. Chính vì vậy, hai bên nhất loạt trút mọi sai trái lên gia đình vua Lê [mà chính họ Lê không có điều kiện và cũng không biết những kết tội đó] tạo nên nhiều oan khuất tồn tại đến tận hôm nay.[16]

lần thứ ba:

Theo nội dung lá thư, nước ta chưa đề cập đến việc trao trả tù binh như một thiện chí biểu lộ sự “thâu thành” nhất là vẫn còn có giọng khiêu khích nên Thang Hùng Nghiệp đã hốt hoảng trả lại bức thư kèm theo những lời dặn dò và cố vấn nước ta không nên dùng số người bị bắt giữ như con tin và chỉ chuyển lên vua Càn Long nếu số tù binh đó được trả về.

Theo sử nhà Thanh, ngày 21 tháng Hai nước ta lại gửi lá thư thứ ba để trình bày sự việc.[17] Trong BGHT còn lá thư vua Quang Trung gửi Thang Hùng Nghiệp sau đây:

Ngày 13 tháng Hai, Càn Long năm thứ 54, tôi nhận được một tờ trát của bồi thần bản quốc là Nguyễn Hữu Trù[阮有賙] được tôn đài thiết tha chỉ bảo về kế sách yên ổn và cai trị lâu dài của nước tôi. Tôi cầm lên đọc đi đọc lại, cảm kích khôn cùng thấy rằng lời tâu trong biểu ngoài việc còn có chỗ chưa hợp thức cần phải sửa lại rồi trình lên thì quan binh thiên triều hiện đang ở tại quốc đô đã được cho ở yên một chỗ cũng chưa tuân theo mà trao trả về.

Việc này nguyên do chẳng phải vì bộc có điều cầu xin nên dùng để ép uổng mà vì qua một phen tao loạn bọn họ đã bị bắt giữ. Nếu như bộc lại giận dữ nghe lời quân sĩ bản bộ mà cho phép tùy tiện lúc giao tranh thì bây giờ còn gì để nói?

Có điều bậc trượng phu xử sự minh bạch, không giết kẻ ngã ngựa nên nhất nhất thu dưỡng rồi tâu lên cho rõ ràng đợi thiên tử định đoạt để làm sao đưa về cho thuận tiện, ấy là lòng thành trong việc lớn xin phong. Còn như khư khư giữ lấy vài trăm binh lính, đòi hỏi yêu sủng trước khi trả về thì có khác gì đưa dưa mận mà đòi quỳnh cửu[18] đâu có thể gọi là cung thuận chân thành. Cho nên mấy phen qua lại, chưa từng đem chuyện đó nói ra. Nay nghe lời dạy rằng đợi khi nào đưa trả quan binh sẽ dựa theo đó mà chuyển tấu, ấy là lòng chân thật của tôn đài mà chu toàn cho bản quốc nên không câu nệ dấu vết cũ.

Bộc lại nghĩ lại rằng, vạn sự trong thiên hạ không qua khỏi một chữ thành. Lần này quan quân trở về kinh mong tôn đài đừng nhắc tới cũng như trát lần trước đã nói là “tức sự ninh nhân, thực duy đại nguyện”.[19] Nếu như có nảy sinh lời lẽ vào ra, vạn nhất chuyện đổi khác thì bộc cũng đành chiều theo vậy, cốt thuận với tự nhiên, làm như không có sự gì mà thôi.

Phàm nước nhỏ đối với nước lớn, ngoài việc “uý thiên sự đại”[20] ra, thì không còn gì khác nên tôi đã tra chiếu quan binh hiện đang ở đây thì ở quốc đô là hơn 700 người, còn khoảng 200 người đưa đi trấn giữ trong các đội quân bản bộ, nhưng gần đây số ốm đau bệnh hoạn cũng đến cả trăm người. Cho nên tôi đã ủy cho bồi giới Nguyễn Hữu Chu [Trù] chuẩn bị đưa lên cửa quan hơn 600 người giao nạp, còn 300 người sẽ lần lượt đưa đi.

Lần này ngoài giấy tờ tâu lên, cũng có tiến lễ vật đúng ra phải có thổ ngơi nhưng vì nước mới dựng, không thể mọi thứ đều lo liệu được nên trộm đưa lên hoàng kim 10 dật, bạc 20 dật để thay cho chút lễ đơn bạc[21], xin tôn đài xem xét tấm lòng chân thành mà thu nạp rồi chuyển tâu lên. Còn như bọn bồi giới Nguyễn Hữu Trù, Vũ Huy Phác đem biểu lên gõ cửa quan, đợi chỉ cho phép tiến kinh thì mới dám nghệ khuyết. Số người tùy hành, tất cả tổng số là bao nhiêu thì mong được biết số lượng.

Tấm lòng vạn dặm, không bút mực nào có thể hết được, mong tôn đài giúp đỡ cúi xuống mà ngọc thành cho.[22]

Kèm theo bức thư, nước ta cũng tặng cho Thang Hùng Nghiệp 100 lượng bạc, một món tiền làm quà tương đối nhỏ không nhằm đút lót như sử triều Nguyễn ghi chép.

Trước đây tôi đã được kín đáo dạy bảo rằng nếu có điều gì bẩm bạch lên bộ đường đại nhân thì tuyệt đối đừng nên đề cập cái lòng tôn đài yêu mến thâm sâu bộc này. Phàm dù ghét nhưng vẫn biết đến cái thiện của kẻ kia thực không có mấy người. Quan tổng đốc đối với bộc có ý không thể dung tha được nên trước đây mới gây ra cớ sự, nay lại nhờ vun vén cho thành việc của người ắt sẽ không ra sức giúp đỡ nên bộc không dám ngỏ lời. Nay được thịnh tình giảng giải cho, việc phong điển rất quan trọng, nên việc trình bẩm cần phải cho hợp cách thức bình thường, bộc không thể không tuân theo.

Vậy kính cẩn trình lên một đạo bẩm văn viết rõ ràng, theo đúng như đã gửi lại mong được thu nạp và chuyển đệ lên. Hiện nay nước tôi vừa mới dựng, văn hiến chưa đủ mọi việc nghi thức tâu lên còn nhiều chỗ thô lỗ, khiếm khuyết mong tôn đài chu toàn mà giúp cho thành tựu. Trong kinh Thi có viết: “Bồng bồng thử miêu, âm vũ cao chi”. Thiệu Bá gia ơn cho nước Nam công lao cũng không khác gì mưa đầy đủ, bộc đọc thơ này nhiều lần nên gửi lên để ca tụng tôn đài.

Tiểu bang không có gì để tạ ơn, chỉ có chút thổ ngân [bạc sản xuất tại địa phương] một trăm lượng xem như chén rượu thọ, không dám gọi là để báo đáp, chỉ lấy vật để thay tình mà thôi. Mong ngài lấy lượng hải hà mà nhận cho thì chúng tôi thật vinh hạnh. [23]

Theo nội dung lá thư, Thang Hùng Nghiệp đã tiếp xúc riêng với Nguyễn Hữu Trù và những trao đổi đã được gửi về Thăng Long. Kế sách lâu dài mà họ Thang đề cập hẳn có liên quan đến việc “Lê Duy Kỳ bỏ nước chạy trốn, thiên triều không còn có ý lấy lại An Nam giao cho y. Vậy nhân lúc phương bắc chưa nhận được dụ chỉ [tức chưa có chủ trương và hành động dứt khoát], hãy sai người gõ cửa quan thỉnh cầu ân điển” như nhắc đến trong Liệt Truyện.

Lẽ dĩ nhiên, không phải chỉ một chi tiết nhỏ như thế có thể được gọi là “kế sách yên ổn và cai trị lâu dài của nước tôi” nếu không đưa ra những áp lực mới. Việc “Lê Duy Kỳ bỏ nước chạy trốn” mà Thang Hùng Nghiệp gợi ýkhông phải chỉ là một sự kiện bình thường mà chính là một thông tin mật của nhà Thanh cho Tây Sơnbiết rằng hiện nay Lê Duy Kỳ không còn ở trong nước mà đang là con tin ở Trung Hoa, đồng thời cũng là một đe dọa ngầm nếu như Nguyễn Quang Bình không thần phục, chậm trễ trao trả tù binh thì sẽ là một mầm họa lớn tác động đến việc trị an.

Về phía Trung Hoa, các quan lại địa phương cũng biết rằng mục tiêu của những trao đổi này không phải để xem ai đúng ai sai mà làm thế nào cho quan điểm hai bên có thể dung hoà, đấu dịu để không xúc phạm đến sự tự tôn của vua Thanh. Việc tranh cãi và lý luận đó kéo dài khá lâu đúng như Vũ Huy Tấn đã phải than là ông lên xuống gõ cửa Nam Quan đến bảy lần thì việc mới xong. Theo những chi tiết còn lưu lại trong sử sách, triều đình Tây Sơn đã thay Ngô Thì Nhậm bằng Phan Huy Ích rồi sau đó là Vũ Huy Tấn ứng trực ở Lạng Sơn chờ đợi kết quả bang giao và cũng khiến cho giới nghiên cứu phải ngạc nhiên vì những lời lẽ quá sai sự thực trong những biểu văn cầu phong nên không mấy ai trích dẫn.

Nhìn từ hai góc cạnh khác nhau, việc gọi là ba lần xin hàng đó không phản ảnh sự thật. Lẽ dễ hiểu, tài liệu nhà Thanh không lưu lại những văn thư ban đầu mà chỉ sử dụng bản văn sau cùng, vốn dĩ đã được sửa lại theo đúng ý họ, là tài liệu nặng phần ngoại giao. Thanh triều cũng không nhắc đến những tiến trình đàm phán, kể cả việc nước ta thay đổi các sứ bộ như một hình thức xa luân chiến, khi quyết liệt cứng rắn, khi hòa dịu nhún nhường. Nhà Thanh cũng đưa ra nhiều yêu sách – như qui phạm đàm phán của Trung Hoa – và từ từ rút bớt cho đến khi đồng thuận.

Về phía nước ta, có lẽ các quan ở Lạng Sơn cũng không biết rằng Tôn Sĩ Nghị vẫn còn ở Quảng Tây kinh lý các vấn đề hậu chiến nhưng bên ngoài thì bắn tiếng là ông ta đã bị cách chức triệu hồi về kinh và một nhân vật tiếng tăm hơn là Phúc Khang An sẽ sang thay thế.

Chính mô hình bán chính thức này tạo cho phía nhà Thanh một khoảng trống vì trong suốt mấy tháng đầu nước ta chỉ có thể tiếp xúc với một viên chức cấp nhỏ là Thang Hùng Nghiệp nên đối phương không bị ràng buộc bởi những gì họ Thang đưa ra và vẫn có thể điều chỉnh sao cho thuận với ý hướng và chủ trương của họ nếu cần.[24] Quan nhà Thanh cũng có thể từ chối những quyết định quan trọng lấy cớ là tân tổng đốc chưa có mặt.

Tuy nhiên, nếu không giới hạn trong lối nhận định chủ quan của hai bên, một đằng thì nói rằng nhà Thanh sợ ta đem quân đánh sang nên bí mật cầu hòa, một đằng thì nhấn mạnh đối phương nhiều lần gõ cửa xin hàng để mong được công nhận, chúng ta cũng thấy rằng trong tiến trình đàm phán, mỗi bên đều có những “thế mạnh” để dựa vào đó mà thương lượng. Chính những yếu điểm được khai thác đúng thời đúng chỗ là động cơ thúc đẩy việc thỏa hiệp nhanh chóng hơn.

Về phần nước ta, ưu thế nếu có chỉ dựa vào số hơn 800 tù binh bắt được, trong đó có cả một số dân phu. Việc trao trả những binh sĩ này có thể giúp phô trương thắng lợi nhưng nếu để trên bàn hội nghị, vài trăm người đó chưa đủ để Thanh triều phải gấp rút thỏa mãn những điều vua Quang Trung đang mong mỏi.

Ngược lại, tuy thua trận nhưng trong tư thế của một đại quốc, nhà Thanh vẫn có thể tiến hành một lần xâm lăng thứ hai và trong trường kỳ, phần thiệt vẫn về phía nước Nam, dù có đuổi được giặc thì vẫn lâm vào cùng kiệt. Việc tái dụng binh cũng không phải là chọn lựa duy nhất, nhà Thanh còn một lưỡi dao sắc dấu sau lưng. Đó là thanh viện và giúp đỡ tiền bạc, quân nhu, chiến cụ cho các nhóm thân Lê để quạt bùng lên một cuộc nội loạn kèm theo áp lực Xiêm La, Chân Lạp hay chúa Nguyễn ở Gia Định khởi binh nhằm bao vây chia xẻ lực lượng rồi đưa Lê Duy Kỳ về nước. Nhà Thanh cũng có thể ám trợ cho vua Lê [hay em trai ông là Lạn Quận Công Lê Duy Chỉ khi đó đang ở Tuyên Quang Hưng Hóa] dùng lãnh thổ Trung Hoa làm hậu phương để chống Tây Sơn.[25]

Việc triều đình Quang Trung trả tù binh là một cử chỉ thiện chí nhằm tạo một tương quan mới làm cơ sở đàm phán với Phúc Khang An và cũng giải thích được thái độ từ cứng rắn sang hòa hoãn mà cả hai bên đều tiến hành.

Hình 4: Nghi vệ của một tổng đốc khi ra ngoài theo tranh vẽ Tây Phương[26]

clip_image004

CHỦ TRƯƠNG CỦA THANH TRIỀU

Việc quan lại nhà Thanh ở Quảng Tây trao đổi qua lại với triều đình Tây Sơn trong mấy tháng đầu là một màn khói làm giả diện để nhà Thanh có đủ thì giờ tính toán một kế hoạch lâu dài. Chỉ ba ngày sau khi nhận được tin Tôn Sĩ Nghị bại trận – ngày 29 tháng Giêng năm Kỷ Dậu vua Càn Long đã viết “An Nam thủy mạt sự ký” [ghi lại việc nước An Nam từ đầu chí cuối], trong đó nêu ra những điểm quan trọng nhất để hướng dẫn tiến trình đàm phán:

clip_image006

AN NAM THỦY MẠT SỰ KÝ[27]

Nguyên văn

御製書安南始末事記曰、春日齋居。敬觀皇祖御書心經。張照等、跋錄御製戒之在得之諭。憬然有悟。

因憶安南始末事。為之記曰。

我皇祖戒之在得之訓。孫臣固建堂於避暑山莊。其義其事。已見之前後之記矣。

昨歲夏、居山莊。因有緬甸歸順之事。不無為之喜。無何而有孫士毅复黎城封黎王之奏。則又不無為之喜。夫喜者懼之對也。懼則若有所失。喜則無所更慮。若有所失。心不敢放。無所更慮。心或放乎。

緬甸歸順。無過宴賚山莊。事則已矣。安南之事。雖云復其城。封其王。而其凶首未擒。弗屑費中國之力。為藩國掃蕩擒渠。因降旨班師。使孫士毅速遵旨班師。即逆兇复擾黎城。則固外藩之事。變亂無常。亦不屑每問之。

乃孫士毅駐彼踰月。以待或有所擒獻。而又未曾謹設防。以致逆兇席捲而來。我師倉卒與戰。遂有所失。而提鎮三臣。同以致命。幸而孫士毅全師以歸。尚不致有傷國體。然而赫濯威重。實不無少損焉。

夫興滅繼絕。弗利其土地臣民。此非欲得也。然而得其名。與得其實同之。安南之事。予果無得名之意乎。喜而忘懼。謂之能戒可乎。

故予不咎孫士毅之貪功。久駐失防。致損威重。而自咎予之未能體皇祖訓戒之在茲。書以志過。抑亦慎守此志於永久弗替云爾。

Bản dịch

Mùa xuân ở Trai Cư kính cẩn xem Tâm Kinh do chính tay hoàng tổ (tức vua Khang Hy) viết, bọn Trương Chiếu viết lời bạt thấy lời ngự chế răn dạy về chuyện được (戒之在得 – giới chi tại đắc) rằng phải cẩn thận đừng để xảy ra sai lầm.

Nhân ngẫm trước sau việc An Nam mà ghi lại:

Lời dạy của hoàng tổ về việc”được” thì tôn thần[28] đã dựng một toà nhà ở Tị Thử Sơn Trang để thấy mà hiểu được nghĩa lý việc đó trước sau như thế nào?

Mùa hạ năm ngoái ở Sơn Trang nhân có việc Miến Điện qui thuận chẳng phải “vô vi chi hỉ” [無爲之喜][29] thì là gì? Lại có việc Tôn Sĩ Nghị tâu lên đã khôi phục Lê thành rồi phong vương cho họ Lê cũng lại là niềm vui không làm mà đến. Thế nhưng việc vui thì trái lại cũng có điều sợ vậy. Sợ nếu như có điều gì mất nên vui khi không có gì đổi khác còn lo mà có điều mất thì bụng dạ ngay ngáy không quên đâu có thể nhẹ nhõm được?

Miến Điện qui thuận thì chỉ cho ăn yến khoản đãi ở Sơn Trang cũng đủ, còn việc An Nam tuy đã lấy lại kinh thành, phong cho vương tước nhưng hung thủ chưa bắt được. Thế nhưng ta coi là chuyện nhỏ không đáng phí sức của Trung Quốc để ra công quét sạch nước phiên bắt kẻ đầu đảng nên đã giáng chỉ ban sư. Cũng biết nếu như Tôn Sĩ Nghị lập tức tuân chỉ rút quân về thì kẻ nghịch sẽ quay lại Lê thành nhưng đó là chuyện của ngoại phiên, biến loạn vô thường không phải việc nhỏ nhặt gì ta cũng phải can thiệp.

Thế nhưng vì Tôn Sĩ Nghị ở lại đến hơn một tháng để chờ xem có ai bắt [Nguyễn Huệ] đem đến nạp hay chăng, lại không cẩn thận phòng ngự đến nỗi kẻ nghịch kia thừa cơ lẻn đến, quân ta bất ngờ nên thua trận khiến cho đề trấn ba bầy tôi bỏ mạng, may mà Tôn Sĩ Nghị đem quân chạy về được tuy không đến nỗi tổn thương quốc thể nhưng uy nghiêm sút giảm không nhỏ.

Phàm hưng diệt kế tuyệt tính chuyện lợi đất đai hay dân chúng không phải là điều ta muốn nhưng được danh và được lợi phải ngang nhau. Chuyện nước An Nam trẫm nào có ý được danh đâu nhưng vì vui mà quên sợ ấy là điều cần răn mình vậy.

Ta không trách Tôn Sĩ Nghị tham công ở lâu không phòng bị để đến tổn thương uy trọng mà tự trách mình không theo thánh huấn của hoàng tổ răn dạy trong sách. Vậy các ngươi phải chăm lo cẩn thận giữ gìn lời dạy này mãi mãi về sau.

phúc khang an

Phúc Khang An là người Mãn Châu trong Nhương Hoàng Kỳ, con của danh tướng Phó Hằng, cháu gọi Hiếu Hiền hoàng hậu bằng cô, uy tín rất lớn vì năm trước đã dẹp được nhóm Thiên Địa Hội ở Đài Loan và được thăng lên Gia Dũng Công [嘉勇公][30].

Theo sử sách, Phúc Khang An là người trọng hình thức, thích màu mè, đi đâu cũng phải tiền hô hậu ủng, cờ xí rợp trời để phô diễn sự oai vệ của một đại quan. Để tỏ ra mình là một văn quan trong vai võ tướng, họ Phúc luôn luôn đi kiệu, cầm quạt lông, bắt chước Gia Cát Lượng đời Tam Quốc.

Chính sử thường chỉ chép về hoạn lộ của Phúc Khang An nhưng ngoại sử lại đưa nhiều chi tiết cá nhân giúp chúng ta phần nào hình dung được con người mà nước ta phải tiếp xúc trong vai tổng đốc trọng thần trấn nhậm biên cương:

[…] Kiệu đi ra ngoài của Phúc Văn Tương, phải dùng đến 36 kiệu phu thay đổi lẫn nhau để cho đi nhanh như bay. Khi ra quân đốc trận ông ta cũng ngồi kiệu, mỗi phu kiệu kèm theo 4 con ngựa tốt, khi không phải khiêng thì cưỡi ngựa đi theo thành thử rất là phiền nhiểu cho dân chúng, có viên huyện lệnh nọ đánh một ngưởi khiêng kiệu mà bị mất chức. Khi ông làm tổng đốc Tứ Xuyên thì làm cái kiệu rất lớn, 16 người mới khiêng nổi. Bên trong kiệu có hai tiểu đồng để hầu hạ châm thuốc pha trà, lại có đồ điểm tâm nóng lạnh mấy chục món …

[…] Khi đi hành quân thì Phúc Khang An tuyển chọn phu khiêng đều là những người khoẻ mạnh chia phiên nhau mỗi ngày đi được 100 dặm…[31]

Trước đó, khi đang làm tổng đốc Mân Triết, nghe tin Tôn Sĩ Nghị bại trận Phúc Khang An đã gửi ngay lên vua Càn Long một tấu thư xin tình nguyện sang làm tổng đốc Lưỡng Quảng để giải quyết việc An Nam.

Phúc Khang An giao lại ấn tín tổng đốc cho tuần phủ Từ Tự Tăng [徐嗣曾] để thự lý [tạm thay, chưa chính thức] rồi lập tức ngày đêm theo đường Mân (Phúc Kiến) Liêm (châu) đi sang Quảng Tây. Ngày 26 tháng Giêng vua Càn Long đã gửi triệp cho Phúc Khang An trong đó có đoạn như sau:

Nguyễn Huệ chỉ là một thổ tù đất An Nam, đuổi chúa làm loạn cương thường để thiên binh phải đến đánh dẹp, mấy lần bỏ chạy rồi lại dám tập trung lẻn đến làm hại quan binh, quả là tội ác cực lớn.

Hiện nay đã đến thời giao Xuân, xứ đó là nơi nhiều chướng lệ, không tiện việc lập tức đem quân vào sâu hỏi tội bọn chúng, vậy các đốc, phủ ở biên cương hãy đem quân các doanh thao diễn, bao giờ lương hướng đầy đủ, lính tráng tinh nhuệ thì nghe lệnh điều động để kể tội đánh dẹp.

Tuy nhiên, cũng cùng ngày hôm đó, vua Càn Long lại gửi thư cho Phúc Khang An một dụ chỉ có nội dung khác hơn:

Nguyễn Huệ chẳng qua chỉ là một thổ tù nước An Nam mà nay quốc gia đang hồi toàn thịnh, nếu tập trung binh lực cho đông, bốn đường tiến đánh thì đến sào huyệt bắt đầu sỏ không khó khăn gì. Thế nhưng nước đó vốn nhiều chướng lệ, chẳng khác gì Miến Điện, lấy được đất thì không đáng giữ, có được dân không đáng làm bầy tôi, việc gì phải hao tốn tiền bạc, lương thực của Trung Quốc ở một vùng viêm hoang vô dụng như thế?

Đem quân tiễu trừ Nguyễn Huệ lúc này không phải là không thể làm nhưng tính toán thiên thời, địa lợi, nhân sự đều thấy không nên … Vậy Phúc Khang An khi đến Trấn Nam Quan, nếu Nguyễn Huệ nghe tiếng sợ hãi mà đến cửa quan phục tội qui hàng thì Phúc Khang An hãy nặng lời mắng nhiếc, không nhận lời ngay để xem y có thực thành tâm sợ tội hay không, thỉnh cầu vài ba lần rồi hãy tùy cơ mà hành sự để cho đại cục hoàn thành.[32]

BÁN CÔNG KHAI

Việc nước ta trao trả tù binh có thể coi là một đại công của Tôn Sĩ Nghị, một thắng lợi ngoại giao quan trọng khai mở một lối giải quyết mà Quân Cơ Xứ về sau coi như sáng kiến từ triều đình. Từ khởi đầu này, Tôn Sĩ Nghị, Tôn Vĩnh Thanh và Thang Hùng Nghiệp đã cùng với các phái đoàn nghị hoà của nước ta dựng thành một tiến trình lớp lang, thuận lý. Những lá thư có tính cách trách cứ, đổ lỗi, khiêu khích từ phía Đại Việt được huỷ đi và Thang Hùng Nghiệp được lệnh bí mật sang bàn tính một kế hoạch mà hai bên đều có lợi đưa đến những tin đồn ngoại sử.[33]

Về phần nước ta, việc tỏ thiện chí có lẽ để đáp ứng một bảo đảm từ phía Thanh triều là chấm dứt việc ủng hộ vua Lê [mà họ cho biết là đang ở Trung Hoa], qua danh nghĩa “hưng diệt kế tuyệt” như lần trước. Trong tình hình lúc đó, bảo đảm như thế là biến chuyển quan trọng trong tiến trình nghị hòa nên vua Quang Trung đã ra lệnh trả tù binh trước khi Phúc Khang An sang tới nơi giúp cho viên tân tổng đốc không còn phải bận tâm đến việc rửa mặt cho vua Càn Long mả bắt tay ngay vào tiến hành nghi thức công nhận An Nam quốc vương.

Ngày 21 tháng Hai, vua Quang Trung cho Nguyễn Hữu Trù đưa lên biểu văn [đã gọt dũa lại cho phù hợp] cho quan nhà Thanh xem trước và hôm sau [22 tháng Hai] đưa lên Nam Quan 500 tù binh, bao gồm 300 binh lính và 200 phu dịch[34]. Cùng lúc đó, vua Quang Trung ra lệnh cho trấn thủ Lạng Sơn chuẩn bị lễ lạc và tiệc mừng, đánh dấu một thắng lợi trong tiến trình đàm phán[35]. Sau lần trả tù binh lớn này, nước ta còn trả thêm lần thứ hai gồm 39 người, lần thứ ba 28 người và lần thứ tư 18 người nữa.[36] Để đáp lại, nhà Thanh cũng trả về nhóm Chu Đình Lý 7 người[37] khi đó đang bị giam ở huyện Sùng Thiện, phủ Thái Bình, tỉnh Quảng Tây.

Việc hai bên trao trả tù binh có thể coi như thời điểm kết thúc thái độ đối nghịch để chuyển sang thời kỳ đàm phán về nghi lễ. Vai trò của Tôn Sĩ Nghị cũng chấm dứt để Phúc Khang An ra mặt bước vào bàn hội nghị.

CÔNG KHAI HOÁ VIỆC ĐÀM PHÁN

Sau khi tù binh đã được trả về, các quan nhà Thanh đã bằng lòng chuyển biểu văn lên Yên Kinh nhưng còn đợi Phúc Khang An đến nơi sẽ chủ trì.

Đầu tháng Ba năm Càn Long 54, Phúc Khang An đến Quí Huyện thuộc Quảng Tây, nhận ấn triện tổng đốc xong, đến ngày 12 [tháng Ba] đến Nam Ninh, trên đường vừa đi vừa thăm dò tình hình. Ngày 16 tháng Ba, Phúc Khang An đến Trấn Nam Quan, gặp những nhân vật đã có kinh nghiệm trực tiếp đối phó với vấn đề, chủ yếu là tiền tổng đốc Tôn Sĩ Nghị, tuần phủ Quảng Tây Tôn Vĩnh Thanh, đề đốc Hải Lộc [thay thế Hứa Thế Hanh] mà trong hai tháng qua đóng bản doanh ở đây. Là người thân của vua Càn Long được chỉ thị mật nên Phúc Khang An đã có sẵn một kế sách hợp với tâm nguyện của hoàng đế.

kết quả ban đầu

Ngay khi vừa đến Trấn Nam Quan, họ Phúc đã tâu lên:

Ngày 16 tháng Ba thần đến Trấn Nam Quan, phủ thần Tôn Vĩnh Thanh đóng ở Thụ Hàng [受降] thành cách cửa quan 90 dặm còn tổng đốc tiền nhiệm Tôn Sĩ Nghị đến đón thần về mạc phủ [幕府] doanh cách cửa quan 20 dặm còn đề thần Hải Lộc thì đã đến đóng ở cửa quan trước sau cùng thần tiếp kiến báo cáo đại khái tình hình biên quan.

An Nam ở nơi hẻo lánh nóng nực, xưa nay người man tranh giành với nhau, chinh chiến không dứt. Hiện nay thổ tù Nguyễn Huệ cùng họ Lê tranh chấp, quân ta kể tội đánh dẹp, y cũng không chịu cúi đầu trước quân doanh,[38]đến khi ta toan triệt binh khỏi Lê thành thì xảy ra chuyện sơ sót ngoài ý muốn, thật gã tù trưởng kia đắc tội với thiên triều chứng cớ rành rành.

Hoàng thượng ngự vũ mấy chục năm qua, bình định Tân Cương, Hồi bộ, đại tiểu lưỡng Kim Xuyên, tiễu trừ Hồi phỉ ở nội địa, nghịch tặc ở Ðài Loan, công lao phong phú, sự nghiệp lẫy lừng vượt quá cổ kim. Nay mảnh đất An Nam nhỏ bé, cất tay lên đánh dẹp, thu làm quận huyện thì có khó gì.

Thần nhiều đời thụ ơn nặng, mấy lần được bổ nhiệm, việc hành quân trước nay chưa từng khiếp sợ chút nào. Tình hình hiện nay nếu cần dụng binh ắt cũng xin tâu lên điều động quân đội, trưng dụng lương hướng đại cử xuất quan đâu có gì mà phải rụt rè, đến kẻ văn nhược thư sinh Tôn Sĩ Nghị còn dám dẫn quân tiến vào không lẽ thần lại không bằng hay sao?

Có điều địa phương nước này, từ bắc xuống nam 3000 dặm, từ đông sang tây 2000 dặm, trình trạm rất nhiều việc đưa quân đi không thể nhanh được mà nói chung trong khí hậu bốn mùa chỉ có ba tháng mùa đông là chướng lệ không nổi lên, còn xuân hạ thu tam quí ắt sương độc dày đặc không thể bị nhiễm chẳng khác gì Miến Ðiện. Nếu như đại cử hưng sư, muốn cho vạn toàn vô sự thì việc quân lữ phải làm sao ấn định ngày giờ, nếu trong ba tháng không xong thì khi vừa giao xuân, chướng khí bốc lên, triệt binh thì bao nhiêu công lao trước đều bỏ hết, để quân lại thì thương vong ắt là nhiều.

Việc An Nam không nên dụng binh, không c

0