18/06/2018, 16:19

Tiến trình Nhà Thanh công nhận triều đại Quang Trung (bài 10)

Chương VII :thành quả của bang giao Nguyễn Duy Chính 1/ Kết quả đầu tiên Theo lời tâu của Thành Lâm thì sau lễ phong vương vua Quang Trung thỉnh cầu vua Càn Long chấp thuận cho ba việc: Ban cho chính sóc Xin dời đô Xin tái lập thông thương ở biên giới lịch thời ...

Chương VII :thành quả của bang giao

Nguyễn Duy Chính

1/ Kết quả đầu tiên

Theo lời tâu của Thành Lâm thì sau lễ phong vương vua Quang Trung thỉnh cầu vua Càn Long chấp thuận cho ba việc:

  1. Ban cho chính sóc
  2. Xin dời đô
  3. Xin tái lập thông thương ở biên giới

lịch thời hiến

Nhà Thanh từ năm 1644 làm chủ Trung Nguyên thay lịch Đại Thống nhà Minh bằng lịch Thời Hiến là lịch do giáo sĩ Thang Nhược Vọng (Adam Schall) tính toán từ cuối đời Minh nhưng chưa áp dụng nhưng phải đến năm 1669 mới triệt để theo tân pháp.[59] Năm 1674, vua Khang Hy sai soạn Lịch Tượng Khảo Thành.

Về phần nước ta, dưới đời Lê dùng lịch Đại Thống của nhà Minh và có thể cả đời Tây Sơn nên đôi khi lịch nước ta và lịch Trung Hoa có sự khác biệt. Việc được ban cho lịch Thời Hiến cũng là việc được công nhận trong quĩ đạo Trung Hoa. Theo lời tâu của Thành Lâm thì sau khi được phong vương, vua Quang Trung đã xin được ban lịch Thời Hiến nhà Thanh:

… Cứ theo lời Nguyễn Quang Bình thì nước y mới dựng việc hàng đầu là thụ sóc [授朔],[60] trước đây có lối tính riêng,[61] vì ở khuất một cõi tây nam nên thiên triều chưa từng có lệ ban sóc, trong nước lại không có người thâm hiểu thiên văn, tôi đã từng tìm hiến thư[62] của nội địa thỉnh thoảng lưu truyền một hai bản rồi theo đó san khắc để dùng thành ra lắm chỗ sai ngoa, lộn xộn, tứ thời tiết khí, có nhiều lầm lẫn. Nay mong thánh chúa cách ngoại long ân, ban cho để dùng thì toàn cõi Nam Giao nhân dân cày cấy gieo trồng có tiết khí làm chuẩn. Việc có được khâm định thời hiến thư không biết tâu xin thánh ân có được không? Nếu được thì từ nay mỗi khi mùa đông đến xin đại hoàng đế ban cho vài mươi bản, nhờ Tả Giang đạo gửi trát báo cho bản quốc tôi sẽ sai người đến cửa quan kính cẩn nhận lãnh để tiện tuân theo.

Bọn thần tra xét đạo lập quốc việc đầu tiên là đặt nặng mùa màng của dân, nay quốc vương vừa dựng nước đã xin thiên triều ban sóc, coi đó là việc cần kíp nhất. Bọn Thành Lâm đã nhận lời chuyển bẩm, lại đem về một bản hiến thư san khắc của nước đó. Bọn thần xem trang bìa có đề Càn Long thứ 54 hiến thư, đủ thấy có lòng chăm chú theo lịch nhưng khí hậu bốn mùa, trước sau lộn xộn sai lầm rất nhiều.[63]

Vua Càn Long đã chấp thuận lời thỉnh cầu và ra lệnh kể từ cuối năm Càn Long 54 (Kỷ Dậu – 1789), mỗi năm bộ Lễ sẽ theo lệ ban cho Triều Tiên mà ban cho An Nam 20 bản lịch Thời Hiến của nhà Thanh giao cho tỉnh Quảng Tây rồi đem xuống Nam Quan cho nước ta. [64]

Dời đô

Một trong những lý do để vua Quang Trung thoái thác việc nhà Thanh làm lễ phong vương tại Thăng Long là cố đô nay đã hết “vượng khí”. Lý do đó có thể được hiểu theo nhiều cách, vì Nguyễn Quang Bình không muốn đóng đô tại một nơi mà dân chúng còn lưu luyến cựu triều, cũng có thể quan niệm về tổ chức chính trị của ông bị ảnh hưởng văn minh Nam Á nên khi thiết lập một triều đại cần có một kinh đô khác với trước kia. Việc thay đổi kinh đô theo triều đại là một tập quán áp dụng ở nhiều nơi mà gần nhất là các nước Xiêm La, Chân Lạp hay Chiêm Thành vốn dĩ ảnh hưởng sâu đậm đến người dân Đàng Ngoài thời đó.

Nghiên cứu về văn minh và lịch sử Champa, Xiêm La, Chân Lạp chúng ta thấy họ thay đổi nhiều kinh đô và mỗi thời kỳ ngoài kinh đô chính có những kinh đô phụ, có chính vương và phó vương, chia đất thành những khu vực để cho anh em, con cháu mỗi người cai trị một vùng rất tương cận với việc vua Thái Đức chia cho các em hay vua Quang Trung chia cho các con mỗi người đứng đầu một cõi.

Quan niệm về vũ trụ và con người của các dân tộc Ðông Nam Á rất gần với khái niệm “thiên nhân tương dữ” của Trung Hoa khi cho rằng các tinh tú và thiên thể có liên quan trực tiếp đến sự thịnh vượng và an lạc của nhân loại. Kết cấu và sinh hoạt xã hội của con người ở trần gian phải phù hợp với vận hành của trời đất nên một vương quốc càng gần với hình ảnh của vũ trụ càng tốt.[65]

Theo triết học Ấn Ðộ thì thế giới là những vòng tròn đồng tâm bao gồm một đại lục ở giữa hình tròn tên là Jambudvipa, bao quanh là bảy đại dương và bảy lục địa. Xa hơn nữa là những dãy núi cao.[66] Ngay chính giữa đại lục Jambudvipa là ngọn núi Meru[67] có mặt trời, mặt trăng và các tinh tú xoay quanh. Ðỉnh ngọn Meru là nơi các thần linh ngự trị có 8 vị Lokapalas trấn giữ chung quanh.

Từ ý niệm nguyên thuỷ đó, những dân tộc chịu ảnh hưởng văn minh Ấn Ðộ đều coi việc xây dựng kinh đô là công tác tối quan trọng, không phải chỉ là một trung tâm văn hoá và chính trị mà còn là một linh địa qui tụ mọi tú khí của quốc gia. Việc chọn một khu vực làm đế kinh luôn luôn gắn liền với những huyền thoại siêu nhiên để tăng gia mức quan trọng của nó mặc dầu không thể không kèm theo những thuận lợi khác về phòng ngự cũng như về kinh tế.

Cũng tương tự như quan niệm của Trung Hoa coi nhà vua như vì sao Bắc Ðẩu để các tinh tú chầu vào, bốn phía kinh đô cũng có các thị trấn quan trọng do những cận thần hay người trong hoàng gia cai quản. Kinh đô thường vây quanh một vùng đất cao tượng trưng cho núi Meru. Kinh đô Angkor của Cambodia chẳng hạn, là một thành trì hình vuông, mỗi chiều hai dặm rưỡi, chính giữa là Phnom Bakheng, một ngọn núi nhỏ.

Việc tổ chức triều đình cũng dựa trên khuôn mẫu tương tự. Vua Miến Ðiện có bốn chính hậu (principal queens) và bốn thứ phi (secondary rank). Bốn chính cung được đặt tên là Bắc Cung Hoàng Hậu, Nam Cung Hoàng Hậu, Ðông Cung Hoàng Hậu, Tây Cung Hoàng Hậu tượng trưng cho bốn phương chính còn bốn thứ phi được đặt tên theo bốn phương bàng[68]. Nhiều tài liệu cho thấy vào thời xưa, cung điện của các hậu phi được bố trí chung quanh cung vua theo các hướng. Triều đình cũng có bốn đại thần tượng trưng cho tứ thiên vương trong giáo lý Phật giáo. Mô hình này hiện hữu tại Xiêm La, Chân Lạp, Java. Ở Chân Lạp, bốn đại thần được mệnh danh là “tứ trụ” và theo truyền thống, những viên quan đó không phải chỉ nắm giữ trọng quyền mà còn có nhiệm vụ bảo vệ bốn phương chính.[69]

Tại khu vực Bắc Thái và vùng đất thuộc Ai Lao hiện nay, vào thời đó các tiểu quốc được gọi là các muang (mường), chúa tể các mường gọi là chao (chậu), thường được dịch ra tiếng Hán Việt là chiêu. Những tiểu quốc đó thần phục một quốc gia lớn như những cánh hoa nên được đặt tên là mandala[70] và có nghĩa vụ thần phục nhưng cũng được bảo vệ một khi bị xâm lấn. Theo O. W. Wolters thì:

Mandala tượng trưng cho một tình trạng chính trị đặc biệt và thường không cố định về một khu vực địa lý không có ranh giới rõ rệt mà các trung tâm nhỏ có khuynh hướng tìm an toàn từ mọi hướng… Mỗi trung tâm lại có nhiều lãnh địa phụ thuộc và khi có cơ hội thì những lãnh địa này cũng tách ra để nổi lên thiết lập một hệ thống thuộc địa cho chính mình.[71]

Tương quan giữa nhị hoa (trung ương) và cánh hoa (địa phương) đó cũng gần giống như hình thức thiên triều và phiên thuộc của Trung Hoa nhưng linh động hơn và hai bên có những giao kết để tuân thủ những nghĩa vụ, chế tài và liên minh (obligations, sanctions, and allegiance).

Ràng buộc chặt chẽ nhất của hai bên là nghi lễ thần phục (ritual of submission), tương tự như cầu phong và triều cống mà Trung Hoa đòi hỏi các tiểu quốc ở chung quanh phải thi hành. Riêng ở Xiêm La, những nước chịu nhận họ làm thượng quốc thì hàng năm phải cho người đem sang một cây vàng bạc (gold and silver tree) kèm theo sản vật, tiền bạc, món quí giá… để biểu lộ sự trung thành. Ngược lại vua Xiêm cũng tặng lại những vật phẩm khác thường là có giá trị hơn những gì các tiểu quốc triều cống họ.

Chế tài là quyền “trừng phạt” một khi hạ quốc không làm tròn những nghĩa vụ đối với thượng quốc. Một người soán ngôi vua thường không được công nhận và có thể còn bị đem quân chinh phạt. Cho nên việc phong tước cũng là một cách để ràng buộc các nước nhỏ trung thành với nước lớn.

Quan trọng hơn hết trong tương quan nước lớn nước nhỏ là mỗi khi có việc binh đao, nếu được yêu cầu, nước lệ thuộc phải gửi quân đội, tàu bè, khí giới đến giúp nước lớn đánh trận. Ngược lại nước lớn cũng có nhiệm vụ bảo vệ nước nhỏ khi bị xâm lăng và hoặc trực tiếp gửi quân đội, khí giới đến giúp, hoặc điều động các tiểu quốc khác đem quân hỗ trợ.

Chính từ những giao ước về các nghĩa vụ và quyền lợi song phương, chúng ta có thể có những nhận định minh bạch hơn về liên hệ giữa Việt Nam và Xiêm La trong một bố cục chung của cả vùng. Những liên hệ đó thay đổi liên tục nên lắm khi chúng ta không thấy có những ranh giới rõ rệt để xem xét vấn đề cho chính xác.

2. Chân mệnh đế vương

Từ quan niệm về tổ chức theo khuôn mẫu của vũ trụ, những quốc gia lớn tự đặt vào vị trí trung tâm mộtmandala. Trung tâm đó không phải chỉ là một vị trí chính trị mà cũng thường đóng vai một trọng điểm kinh tế. Trong nền kinh tế nông nghiệp, các vua chúa khi thấy đất đai ở kinh đô đã kém màu mỡ, vấn đề buôn bán qua lại kém sầm uất (mà họ cho rằng đã hết vượng khí) thường đi tìm một kinh đô mới tốt đẹp hơn. Những vùng đất mới đó thường là ở các cửa sông đổ ra biển, tàu bè ghé lại dễ dàng, đất tân bồi phì nhiêu hơn vì người ta cho rằng bao nhiêu linh khí của thượng nguồn sẽ đổ xuống hạ lưu và các tiểu quốc ở vùng núi cao phải thần phục.

… Các lãnh chúa dần dần hạn chế bớt quyền lực của các vùng cao nguyên và tạo ảnh hưởng bằng cách kiểm soát các khu vực hạ nguồn hay vùng đồng bằng trồng lúa đất đai màu mỡ. Bản đồ các con sông tự nhiên trở thành một biểu kế đo lường quyền thống trị. Giới sử gia đã tìm thấy sự tương quan rõ rệt giữa việc kiểm soát các con sông và hệ thống sông đào với sự gia tăng chuyên chế tại Ðông Nam Á.[72]

Nắm được khu vực huyết mạch này có thể coi như một ân sủng đặc biệt mà nhiều khi người ta lẫn lộn giữa giả và thật. Vua chúa thường xưng là Phật vương (cũng như văn hoá Trung Hoa coi vua là con của trời – thiên tử) và được củng cố khi có những điềm lành [chẳng hạn như săn bắt được voi trắng]. Chính sử Xiêm La, Miến Ðiện thường ghi chép rất kỹ về những biến cố đặc biệt này. Ðể đánh dấu mỗi triều đại, nhiều đền đài dinh thự được xây cất bằng nhân công[73] từ các tiểu quốc đến phục dịch và khi xẩy ra chiến tranh, những công nhân này cũng được điều động tham gia quân đội.

Trong những nghi lễ chính của một triều đại, việc lên ngôi được đặc biệt chú trọng. Nghi lễ này luôn luôn được cử hành trên một vùng đất cao với một ngai vàng cho nhà vua tượng trưng núi Meru, chung quanh là 8 tu sĩ tượng trưng cho 8 thiên vương[74]. Nhiều dân tộc còn tin rằng nhà vua chính là thần Siva hay thần Vishnu giáng trần. Những chi tiết này được tìm thấy trong nhiều kinh văn khắc trên đá của người Chăm, người Java, người Chân Lạp. Ngôi đền nổi tiếng Angkor Wat do vua Suryavarman II của Cambodge dựng nên hồi thế kỷ XII là để kỷ niệm thần Vishnu mà ông cho rằng đã hiện thân. Việc thần thánh hoá các vị vua cũng có thể là một phương cách để hợp thức hoá những quá khứ không lấy gì làm minh bạch tương tự như kiểu người Trung Hoa cho rằng ngôi vua về tay những người có chân mệnh đế vương, chân long thiên tử.

Trong lịch sử các quốc gia Ðông Nam Á, việc tạo nên những huyền thoại để củng cố uy tín và xác định sự chính thống của một triều đại là điều rất phổ biến. Những cuộc nổi dậy để giành chính quyền luôn luôn được yểm trợ bởi các dật sự ly kỳ, sấm vĩ, đồng dao…

3. Ranh giới linh động

Một đặc điểm đã được nhiều nhà nghiên cứu nêu lên là sự bất minh về ranh giới giữa các quốc gia được mệnh danh là vùng ảnh hưởng (sphere of influence), co dãn và thay đổi liên tục tuỳ theo tình hình chính trị, kinh tế.

Người Tây phương cho rằng lãnh thổ của một quốc gia kéo dài đến biên giới của nước láng giềng thì ở Ðông Nam Á lại luôn luôn có một “khoảng trống” giữa hai bên, vùng đất này không thuộc một quốc gia nào cả và nhiều khi đóng vai một trái đệm. Nếu người Tây phương dựng lên một bức tường vô hình và canh chừng để không ai có thể vi phạm thì biên giới các xứ ở Ðông Nam Á lại”xốp” không ngăn cấm dân chúng qua lại.[75]

Ảnh hưởng của trung ương có mức độ khác nhau, có những vùng hoàn toàn dưới quyền kiểm soát, kể cả thừa kế hay lãnh thổ (cho thêm hoặc rút bớt) nhưng cũng có những nơi xa xôi hơn, thần phục chỉ là danh nghĩa qua một số cống phẩm hay triều kiến. Những khu vực đó thường được ghi lại dưới cái tên khu tự trị (autonomous regions), chẳng hạn vùng Bắc Lào bao gồm một vùng đất rộng bao phủ cả một phần bắc Việt Nam ngày nay.

Cũng như trong thời kỳ phong kiến ở Âu Châu, một vương quốc Ðông Nam Á là những vùng ảnh hưởng không rõ rệt, bao gồm lãnh thổ riêng của nhà vua mà ông ta hoàn toàn kiểm soát được, ra xa hơn nữa là những vùng phải triều cống được áp đặt bằng nhiều mức độ quyền hành. Bên ngoài nữa là những khu vực có vương quyền riêng mặc dù không hoàn toàn tự trị. Những vùng đó bị lệ thuộc vào một hay nhiều vương quốc, bắt buộc phải tiến cống và không được làm điều gì ngược lại với quyền lợi của thượng quốc.[76]

Những quan niệm chặt chẽ về biên cương hành chánh, trước đây là của Trung Hoa và sau này là của Tây phương du nhập vào khu vực này đã tạo ra rất nhiều nghi vấn vì quan niệm hai bên hoàn toàn khác hẳn. Khi nghiên cứu về các bản đồ cổ của vùng Ðông Nam Á, những đường ranh giới biến dạng rất khó hiểu theo mỗi thời kỳ và nhiều câu hỏi về sự bành trướng của mỗi dân tộc được đặt ra dựa trên sự hiểu biết của chúng ta về địa lý hiện tại, lắm khi được củng cố bằng những lý thuyết đấu tranh trong thế kỷ XX.

mở cửa thông thương

Theo lời tâu của Phúc Khang An [tổng đốc Lưỡng Quảng] và Tôn Vĩnh Thanh [tuần phủ Quảng Tây] tháng 12 năm Kỷ Dậu (1789) thì:

Lại theo quốc vương kia nói thì Giao Nam sản vật vốn ít, lại thêm nhiều năm binh lửa, nên vật lực suy kiệt, đại hoàng đế che chở cho quần sinh như ánh sáng mùa xuân chiếu xuống vạn vật, mong hoàng thượng ngó xuống đất viêm hoang ở bên ngoài cũng là con dân mà chuẩn cho mở lại cửa Thủy Khẩu để buôn bán qua lại, như thế thì sinh linh toàn cảnh An Nam đều được lợi và có đồ dùng. Bọn thần tra thấy An Nam vốn mậu dịch thông thương nhưng từ khi có lệnh cấm đến nay thì hàng hóa ở nội địa khó mà đến Nam Giao được, chẳng hạn thuốc men, trà lá là những thứ mà nước này cần dùng, gần đây cầu xin nhiều lần nhưng chưa được chấp thuận.[77]

Trong lời tâu này, Phúc Khang An đề nghị đợi vua Quang Trung khi sang Trung Hoa dự lễ bát tuần khánh thọ sẽ xin và chấp thuận như một ân điển đặc biệt nhưng vua Càn Long đã bác khước giải pháp này và truyền chỉ lập tức mở cửa lại để hai bên thông thương:

…Còn các cửa quan Thủy Khẩu ở Việt Tây có đường thông thương, nếu không thuận cho ngay e rằng hóa vật ở nước đó khan hiếm, người dân không có mà dùng, xem ra không phải là ý nhất thị đồng nhân, thể tuất ngoại phiên của trẫm.

Nay trẫm đã minh giáng dụ chỉ, chuẩn cho mở cửa quan, thông thương chợ búa [開關通市], không cần phải đợi đến khi quốc vương lai kinh, tận mặt cầu khẩn, khi đó mới bằng lòng.[78]

Khi đọc về việc mở cửa thông thương, chúng ta thấy sự việc có vẻ giản dị nhưng thực ra đòi hỏi nhiều nỗ lực để thi hành. Tuy nhiên, đây là một thỏa hiệp song phương – nói theo ngôn ngữ thời nay là một hiệp ước thương mại mà cả hai bên đều có nhiệm vụ thi hành nghiêm chỉnh nên ảnh hưởng của nó liên quan đến không phải chỉ nước ta mà cả vùng nam Trung Hoa.

Trước đây khi có chiến tranh với Miến Điện, vì thua trận nên vua Càn Long đã ra lệnh phong quan, nghiêm cấm mọi việc buôn bán qua lại vùng tây nam, trong đó có cả những cửa khẩu sang nước ta. Theo tài liệu nhà Thanh, dọc theo biên giới Việt Hoa có bách ải, tam quan là những nơi có thể qua lại. Tuy nhiên, việc buôn bán chỉ tập trung ở ba cửa lớn có đóng trọng binh là Trấn Nam, Bình Nhi và Thủy Khẩu. Ba cửa quan này một bên là phủ Thái Bình (Quảng Tây, Trung Hoa) một bên là hai trấn Cao Bằng (Thủy Khẩu, Bình Nhi) và Lạng Sơn (Trấn Nam) thuộc nước ta.

Khi mở cửa quan để buôn bán trở lại, mỗi bên thiết lập một nơi tập trung hàng hóa để kiểm soát và phân phối, bên phía nhà Thanh gọi là xưởng còn bên nước ta gọi là chợ [thị]. Ở Cao Bằng, chợ họp tại Mục Mã còn ở Lạng Sơn thì tập trung tại Kỳ Lừa thuộc Ðồng Ðăng. Vì khu vực Nam Quan có nhiều con buôn từ xa đổ đến nên tại Kỳ Lừa chia thành hai khu, một khu gọi là Thái Hòa cho dân từ Quảng Ðông đến, một khu gọi là Phong Thịnh cho người Quảng Tây đến. Mỗi khu vực lại có nhân viên quản lý và bảo vệ. Trấn Nam Quan không mở ra cho dân chúng qua lại mà chỉ khi nào có sứ thần thì binh lính canh gác mới mở để cho qua, đôi khi còn làm khó thử tài văn chương nữa. Tuy nhiên ở gần đó có một ải gọi là Do Thôn là nơi khách thương qua lại và hàng hóa theo đường này.

Tuy không có số liệu cụ thể, việc mở cửa lại các cửa quan đã ảnh hưởng lớn đến việc giao thương ở miền Bắc, vực dậy một khu vực bị chiến tranh và nạn cát cứ tàn phá trong một thời gian dài. Chỉ ba năm sau, Thành Lâm [khi đó là đồng tri Ninh Minh] đã tâu lên vua Càn Long:

Từ năm 56 được thánh ân chuẩn cho nước An Nam thông thị đến nay, lúc đầu các loại hàng hóa xuất khẩu chỉ có các loại dầu, đồ sứ, giấy bản, nồi gang… đều là những món nặng nề, thô kệch.

Gần đây, dân chúng nước ấy vui vẻ làm ăn nên những đồ cần dùng gia tăng gấp bội khi trước, nô tài qua lại Trấn Nam Quan mục kích trên đường đến ải Do Thôn hàng hóa xuất khẩu cuồn cuộn không dứt.

Tra hỏi họ đem những hàng hóa gì thì biết là có vải tơ, trà thơm và những món hàng không nặng lắm. Còn Bình Nhi, Thủy Khẩu hai cửa thuộc đồng tri Long Châu kinh lý, cách Trấn Nam Quan khá xa, hỏi ra thì đồng tri Vương Khẳng Ðường cũng nói rằng gần đây hàng hóa xuất khẩu so với khi mới mở chợ, mỗi ngày một nhiều…[79]

giao thiệp sau lễ phong vương

Nhận sắc ấn: Việc đầu tiên vua Quang Trung cần phải hoàn tất là nhận sắc ấn của nhà Thanh do Nguyễn Quang Hiển đem về. Theo tấu thư của tuần phủ Quảng Tây Tôn Vĩnh Thanh thì ngày 12 tháng chạp năm Kỷ Dậu, vua Quang Trung cùng các vệ sĩ lên đến Nam Quan.

Ngày 13 tháng Chạp vua Quang Trung sai hai bồi thần là Nguyễn Văn Danh và Ngô Văn Sở sang Chiêu Đức Đài (tức phía Trung Hoa) để làm lễ nhận sắc ấn. Theo lời Ngô Văn Sở thì quốc vương đã định rằng trong khoảng tháng Ba sẽ lên đường phó kinh để dự lễ Vạn Thọ và Ngô Văn Sở xin được cùng đi cho thoả lòng chiêm cận rồi trình lên biểu văn ta ơn của nước ta.

Ngày mồng 5 tháng Giêng năm Canh Tuất, khi nhận được biểu văn này, vua Càn Long hết sức mừng rỡ phê lên trên biểu: “Ta rất vui mừng xem biểu này. Khi bồi thần khanh sai đến đây sẽ lập tức giao cho mang về để khanh xem châu phê của trẫm mà thêm hoan hỉ. Sắp gặp nhau rồi, trẫm cũng ân cần nghĩ đến như khanh vậy” (欣悅覽之。卿所使陪臣適至卽交彼持囘。卿閱朕硃批益當歡喜。相見在卽。同此殷念也。)

Cũng trong dịp này, sứ thần nước ta là Nguyễn Hoành Khuông vừa tới Bắc Kinh nên được xem biểu văn có châu phê để mang về nước. Về việc vua Quang Trung có đến Nam Quan hay không thì ngoài lời tâu của Tôn Vĩnh Thanh (dựa theo lời của Thang Hùng Nghiệp) nên chúng ta cũng đoán là y bịa ra cho vua Càn Long vui lòng chứ thực sự chỉ có Ngô Văn Sở và Nguyễn Văn Danh. Sau này trong một tờ biểu khác, Phan Huy Ích cũng nói rằng Nguyễn Quang Hiển về đến Thăng Long mới gặp vua Quang Trung vào ngày 18 tháng Chạp.

Sau khi nghi lễ hoàn tất, việc giao thiệp với nhà Thanh trở nên nhộn nhịp. Ngoải các nghi lễ vốn là một phần trong tương quan thiên triều – phiên thuộc mà nước ta phải thi hành như tuế cống, tạ ơn … như đã nói ở trên thì vấn đề qua lại, thù tạc với các quan nhà Thanh ở sát biên giới điển hình là tổng đốc Lưỡng Quảng và các quan cấp dưới nhất là sau chuyến đi của Nguyễn Quang Hiển.

Mùa xuân năm đó, vua Quang Trung sai Vũ Huy Tấn viết văn thư cám ơn tổng đốc Phúc Khang An (Tạ Phúc tước các bộ đường khải), đề đốc Hải Lộc trông coi binh bị hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây thay thế Hứa Thế Hanh đã tử trận (Tạ Hải đề đốc khải), tuần phủ Quảng Tây Tôn Vĩnh Thanh (Tạ Tôn bộ viện khải), Thang Hùng Nghiệp (Tạ Tả Giang binh bị đạo Thang khải), Vương Lâm (Tạ Hữu Giang Vương đô đốc phủ khải).[80]

Nhân dịp sinh nhật Phúc Khang An, vua Quang Trung cũng sai người đem quà mừng (Tạ Phúc tước các bộ đường thọ đản khải). Nước ta cũng làm giỗ cho các tướng sĩ nhà Thanh tử trận để chứng tỏ cho mọi người biết hai bên đã tái lập bang giao.

Hiện nay trong Hoa Nguyên Tuỳ Bộ Tập còn ghi lại bài văn tế của Vũ Huy Tấn nhưng có lẽ không phải trong dịp Thành Lâm qua nước ta (vì khi đó họ Vũ tham dự phái bộ Nguyễn Quang Hiển còn đang trên đường về nước) mà có lẽ trong dịp đầu năm khi kỷ niệm trận đánh. [81] Ngoài ra còn có một bản văn Nôm tế tướng sĩ nhà Thanh Bài văn có tên là “Thiên Triều Văn” được Tạ Ngọc Liễn phát hiện và phiên dịch “Phát hiện tài liệu Nôm thời Tây Sơn: Văn cúng quân Thanh chết trận Đống Đa”.[82]

Việc Vũ Huy Tấn chủ trì một số liên lạc sau lễ phong vương cho thấy ông cũng là nhân vật có nhiều tin tức nhất về nhà Thanh sau chuyến đi cùng với Nguyễn Quang Hiển. Trong hoàn cảnh đó, họ Vũ đã đóng vai cố vấn quan trọng về việc bang giao và có một tiếng nói quan trọng trong quyết định của vua Quang Trung dẫn đầu một phái đoàn sang Bắc Kinh chúc thọ năm Canh Tuất. Chỉ ba tháng sau khi về đến nhà, một lần nữa ông lại đóng vai trò tuỳ viên trong phái đoàn Quang Trung, một vinh dự hầu như độc nhất vô nhị đời Tây Sơn.

CHƯƠNG VIII: KẾT LUẬN

Điểm lại các công trình cũ, hầu hết những biên khảo về thời kỳ Tây Sơn chỉ chú trọng đến cuộc giao tranh xảy ra rất ngắn cuối thế kỷ XVIII nhưng lại không quan tâm đến việc giao thiệp với Trung Hoa ở mười năm kế tiếp. Trong kho tài liệu của cả Trung Hoa lẫn Việt Nam, số lượng văn thư của cả hai bên còn lưu trữ rất nhiều nhưng vì chưa có dịp đối chiếu và tổng hợp nên hầu hết chỉ mới nói lên được một mặt của vấn đề.

Trong khi đáng án của Thanh triều tập trung trong công văn bao gồm thượng dụ, chiếu biểu, tấu triệp thì các tài liệu nước ta nằm trong di cảo tư nhân, điển hình là những sĩ phu tham gia đàm phán. Ngoài văn kiện chính thức trong giao thiệp với nhà Thanh (Dụ Am Văn Tập, Đại Việt Quốc Thư, Bang Giao Hảo Thoại, Tây Sơn Bang Giao Tập …) chúng ta cũng còn được đọc nhiều thơ văn miêu tả các cuộc hành trình sang Trung Hoa của Vũ Huy Tấn, Nguyễn Đề, Ngô Thì Nhậm, Đoàn Nguyễn Tuấn … và thỉnh thoảng những tường thuật ghi chép (Từ Hạo Tu, Liễu Đắc Cung…) của Triều Tiên.

Việc so sánh để tìm những góc khuất trong nghị hòa không dễ dàng vì triều đình Trung Hoa chỉ lưu trữ những lá thư nặng phần ngoại giao, ca công tụng đức theo khuôn mẫu cổ còn nước ta lại nhấn mạnh vào việc cung ứng, tiếp đãi như một yêu sách phải đáp ứng.

Trên liên hệ giữa hai nước, việc triều đình Trung Hoa chấp nhận và cho người sang tuyên thị vẫn được nước ta coi như truyền thống. Chính vì thế, vua Quang Trung xin nhà Thanh phong tước không có gì phải ngạc nhiên. Tuy nhiên, muốn biết những đặc điểm nổi bật của thời kỳ này, chúng ta cần so sánh với những thời đại khác để thấy được sự bất thường trước nay hầu như không mấy ai quan tâm.

Dưới đời Lê, sau khi đánh thắng quân Minh, Lê Thái Tổ cầu phong (1429) – lấy cớ là họ Trần không còn ai – nhưng cũng phải đến ba năm sau (1431) nhà Minh mới sai Từ Kỳ mang ấn sang cho Lê Lợi “quyền thự quốc sự” [tạm quyền coi việc nước]. Tuy thế, cái danh hàm ấy còn kéo dài đến mấy đời, đến năm Thái Hoà thứ nhất (1443), nhà Minh mới chính thức phong cho vua Lê Nhân Tông làm An Nam quốc vương.[83]

Đầu đời Mạc, nhà Minh nhân cớ Mạc Đăng Dung tiếm ngôi nên đem quân sang hỏi tội. Mạc Đăng Dung và Mạc Phúc Hải phải tự trói ra hàng ở Nam Quan, tình nguyện giao “bốn động Tê Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát” về châu Khâm [Quảng Đông] cho nhà Minh lại dâng thêm “bảy châu Quảng Lăng và các trại Hồng Y cùng một vài nơi phụ cận” nhập về Vân Nam.[84] Tuy chấp nhận phục tùng như thế, họ Mạc chỉ được phong Đô Thống Sứ, ấn bạc nha môn tòng nhị phẩm, đổi nước ta thành An Nam đô thống sứ ty, coi như một phần đất trực thuộc Trung Hoa.[85]

Khi nhà Lê trung hưng, năm Quang Hưng 20 (1597) vua Lê sai Phùng Khắc Khoan đem người bằng vàng sang cầu phong, thay cho họ Mạc chờ ở Yên Kinh đến mấy tháng, tranh biện nhiều lần thế mà cũng chỉ được vua Minh phong cho làm An Nam Đô Thống Sứ ngang với nhà Mạc nghĩa là trên hình thức không coi là một phần đất độc lập. Nước ta còn nhiều lần sang yêu cầu cải danh nhưng nhà Minh lần lữa, lấy cớ không có điển lệ để tra nên không phong vương mà chỉ ban sắc khen thưởng mà thôi. Năm Dương Hoà 3 [1637] đời Minh Sùng Trinh (1627-1644), sứ thần nước ta Giang Văn Minh ngang bướng cãi lại, vua Minh sai mổ bụng xem gan lớn bậc nào.

Khi nhà Minh bị quân Thanh đuổi chạy xuống phương nam, thế lực suy yếu có bụng nương cậy nước ta nên cho người sang cầu viện. Đến khi đó vua Minh mới phong cho Lê Thần Tông [khi ấy đã chết] làm An Nam quốc vương (1646). Năm năm sau (1651), nhà Minh lại phong cho Trịnh Tráng làm phó quốc vương.

Khi nhà Minh mất hẳn, vua Khang Hi phong cho vua Lê Huyền Tông làm An Nam quốc vương (1667) nhưng bắt phải đem sắc ấn cũ của nhà Minh nạp cho nhà Thanh.

Đời Lê Hi Tông, vua Khang Hi ban cho vua nước ta bốn chữ ngự bút “Trung Hiếu Thủ Bang” (1683). Sang đời Lê Dụ Tông, nhà Thanh bắt nước ta phải theo điển lệ của họ, khi thụ phong phải hành lễ “tam quị cửu khấu” (ba quì chín rập đầu) và đời sau vẫn theo lệ đó.

Trong nhiều đời vua, khi thụ phong vua nước ta phải lên tận Nam Quan để làm lễ, chỉ từ trung điệp nhà Lê sứ thần Trung Hoa mới xuống Thăng Long. Chính vua Gia Long cũng định lên Nam Quan nhận sắc ấn nhưng Phan Huy Ích và Ngô Thì Nhậm nói rằng “không có lệ đó”.[86] Xem như thế, nếu xét toàn bộ quá trình giao thiệp của Trung Hoa với nước ta, việc nhượng bộ của triều đình Bắc Kinh đời Quang Trung thực chưa từng có trong lịch sử.

Ngay từ đầu Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Vũ Huy Tấn … đã nhận thức được rằng quốc thể là yếu tố hàng đầu và phải được dùng như một lợi khí khi giao thiệp với nhà Thanh. Các nhà nho nước ta cũng sử dụng lễ nghĩa để ràng buộc đối phương vào những nguyên tắc mà chính họ nêu cao nên không bị kém thế chút nào. Bỏ ra ngoài những ngôn từ khiêm tốn vốn là hình thức chung trong các văn thư ngoại giao, việc giao thiệp với Trung Hoa đời Tây Sơn là một khuôn mẫu làm xương sống để chỉ đạo các chính sách.

Trong tiến trình công nhận triều đại Tây Sơn, chính sách của Thanh triều – hay nói đúng hơn, chủ trương của vua Càn Long – không thuần nhất mà thay đổi theo từng giai đoạn, từng biến cố theo kiểu mềm nắn rắn buông, nếu ta nhún nhường thì họ lấn tới, nếu ta cứng rắn thì họ đấu dịu, làm lành. Nhiều sự việc tưởng như mâu thuẫn và bất nhất nhưng thực tế chỉ là nhân quả cần phải đi vào chi tiết để hiểu cách phản ứng của nước ta.

Điều quan trọng hơn cả, những yêu cầu tưởng như vô lối của phía Trung Hoa thực ra đều dựa trên những cơ sở trong quá khứ. Với chủ trương tiến hai bước lùi một bước, nhà Thanh tin rằng về lâu về dài ít nhiều họ cũng được lợi. Về phía nước ta, việc cầu phong trong bất cứ triều đại nào cũng vẫn phải coi như ân huệ từ thiên triều ban phát cho nước nhỏ, tiến hành nhanh hay chậm, đi tới đâu là tùy ở người. Riêng lần này, hai bên có những trao đổi và cùng phải nhượng bộ để đi tới đồng thuận nên qui tắc ứng xử có khác trước nhất là nước ta lại có một lợi thế lớn là càng kéo dài thì đối phương càng sốt ruột và chính thời gian là một yếu tố quan trọng đặt trên bàn hội nghị.

Trước đây, khi ghi lại việc vua Quang Trung cầu phong, sử nước ta – do sự sai lầm có chủ ý của triều Nguyễn – đã coi như một thái độ trí trá, không phải chỉ một lần mà liên tục cho đến khi Tây Sơn bị diệt. Cách ứng xử đó không những nhằm hạ thấp đối phương, nêu cao chính thống mà còn là một cách để người ngoài tưởng rằng những thành quả ngoại giao sau này mà họ có được là do uy tín tự thân của triều đại Nguyễn Gia Miêu. Thực ra, vua Gia Long được công nhận chưa hẳn đã vì thiên mệnh đã đổi ở phương Nam mà chính vì sự sự ghen tức ngấm ngầm của vua Gia Khánh (còn là hoàng tử) khi vua Quang Trung được vua Càn Long ưu đãi như một thân vương sáng giá nên việc đổi triều đại cũng là một cơ hội để hiện thực tâm tư đố kỵ đó.

Việc phong vương cho vua Quang Trung là một tiến trình cam go không chỉ thu hẹp trong việc nhà Thanh chấp nhận một An Nam quốc vương mà là một cuộc đấu trí để đi đến một “win-win solution” như lối nói ngày nay. Thành quả của đường lối ngoại giao này hoàn toàn không chỉ do đút lót cho Phúc Khang An như vài hàng trong sử triều Nguyễn chép.[87]

Trong khi nhà Thanh chia nhỏ mục tiêu của họ thành từng giai đoạn để đòi hỏi nước ta nhượng bộ, triều đình Tây Sơn cũng từng bước yêu cầu đối phương công nhận, trước là sự chính thống, sau là hợp thức hoá những gì họ đồng ý. Chúng ta thấy có một nghi vấn trong sử nhà Thanh: Phúc Khang An được bổ nhiệm làm tổng đốc Lưỡng Quảng từ ngày 24 tháng Giêng [ngay sau khi vua Càn Long nghe tin Tôn Sĩ Nghị bại trận] nhưng mãi đến ngày 16 tháng Ba[88] ông ta mới đến Quảng Tây để nhận nhiệm vụ mới.

Trong thời gian “bản lề” đó, Thanh triều đã có đủ thì giờ để cân nhắc phản ứng và thái độ của nước ta đồng thời trù liệu một kế hoạch cho Phúc Khang An theo đó mà thi hành. Đó cũng là thời gian mà Tôn Sĩ Nghị, Tôn Vĩnh Thanh dùng con thoi Thang Hùng Nghiệp để vận động, sắp xếp những điều kiện thuận lợi nhất cho bàn hội nghị, dọn sạch những chướng ngại cơ bản đáng lẽ Phúc Khang An phải giải quyết.

Những đòi hỏi của Tôn Sĩ Nghị được nước ta đáp ứng tương đối sốt sắng và trên cơ bản nghị hòa, triều đình Quang Trung đã công khai tỏ ra muốn chấm dứt sự căng thẳng để đi vào một bước tiến mới. Lợi thế của nước ta là nắm giữ trong tay khoảng 800 tù binh coi như điều kiện sơ khởi để trao đổi nhưng thực sự cũng không biết đối phương sẽ ra tay hành động như thế nào?

Trong thời gian đó, tin đồn về việc Phúc Khang An được đưa tới để điều động binh mã bốn mặt giáp công vẫn tiếp tục loan truyền rộng rãi. Trên cơ sở hội nghị, nước ta cũng biết rằng đối với Thanh triều việc bắt giữ vài trăm binh sĩ không phải là một “con tin” lớn, giữ lâu cũng chẳng ích lợi gì và nếu cần vua Càn Long có thể hi sinh không thương tiếc.

Việc nhanh chóng giao trả tù binh đã được đối phương đánh giá là thành thực, thủ tín và cũng tạo cơ sở để công nhận nhà Tây Sơn thay thế nhà Lê, vốn dĩ không phải là mục tiêu đầu tiên của Thanh triều. Chính từ một cơ sở đồng thuận, Phúc Khang An đã thay mặt triều đình bước vào bàn đàm phán để từng bước đưa ra những yêu sách thăm dò.

Việc công nhận Tây Sơn được không chỉ nhằm thay đổi người cầm đầu của một tiểu quốc mà còn những mục tiêu khác quan trọng hơn. Ngoài chủ trương tái lập bang giao, Phúc Khang An còn làm sao ép được quốc vương An Nam sang dự lễ Bát Tuần Khánh Thọ, một dự tính mà trước đây Tôn Sĩ Nghị đã đề xướng khi tái lập vua Chiêu Thống ở Thăng Long.

Như một viên tướng phường tuồng, Phúc Khang An xuất hiện với đầy đủ lỗ bộ và trên thư từ giao thiệp ông ta luôn luôn ghi rõ mọi danh hiệu,[89] chức hàm nhằm phô trương và trấn áp đối phương. Phúc Khang An cũng mang ảo tưởng là nước ta sợ hãi khi nghe tin một danh tướng Mãn Châu được bổ nhiệm làm tổng đốc Lưỡng Quảng nên đưa ra nhiều đòi hỏi hơn yêu cầu cơ bản mà Tôn Sĩ Nghị gợi ý cho vua Càn Long (trao trả tù binh và lập miếu cho những quan binh tử trận). Ngược lại triều đình Quang Trung cũng nhân thế đứng mới mà đòi hỏi được công nhận như một triều đại chứ không chỉ hạn chế vào mục tiêu ban đầu là giảng hoà với nhà Thanh rồi dần dần từng bước xin thay thế cựu triều như thời Trần, Hồ, Lê, Mạc.

Từ trước đến nay, việc vua Quang Trung trì hoãn ra Thăng Long làm lễ vẫn bị suy đoán một cách chủ quan là coi thường nên “không thèm” nhận và cho người giả ra thay. Thái độ đó có thể được hiểu rõ ràng hơn nếu chúng ta biết rằng lễ nghi và việc danh chính ngôn thuận là tiêu chí hàng đầu của nho gia nên khi thấy phái đoàn Thành Lâm không mang sắc ấn, triều đình nước ta không khỏi nghi hoặc.

Một chi tiết nữa cũng cần xem xét đến. Đó là trước khi tiến quân, Tôn Sĩ Nghị đã gửi thư cho Xiêm La yêu cầu trợ giúp để ngăn chặn Nguyễn Huệ đào tẩu bằng đường biển hay đường núi. Khi nhận được tin này, Xiêm vương đã yêu cầu chúa Nguyễn Ánh – khi ấy đã chiếm lại Gia Định – đem quân tiếp ứng giữ các hải đạo và chính sử triều Nguyễn cũng chép rằng họ đã gửi gạo giúp quân Thanh. Theo Đại Nam Thực Lục Chính Biên, Đệ Nhất Kỷ, quyển V chép về Thế Tổ Cao Hoàng Đế nhà Nguyễn (tức vua Gia Long) có đoạn như sau:

… [Tháng Bảy năm Canh Tuất, 1790] Sai cai cơ Nguyễn Đình Đắc đi dò xét đất Bắc Hà. Nguyên mùa hạ năm Kỷ Dậu [1789], nhà vua nghe rằng người Thanh vì họ Lê đem binh hai tỉnh Quảng chinh thảo giặc Tây (tức Tây Sơn) nên sai sứ thần là Phan Văn Trọng và Lâm Đề mang thư ra hướng đông (tức đường biển) đem theo 50 vạn cân gạo (khoảng 225 tấn ngày nay) để giúp quân lương (cho quân Thanh) nhưng bị bão chìm cả xuống biển, lâu ngày không nghe tin tức. Sau lại nghe rằng quân Thanh bị giặc đánh bại nhưng không những không phục thù mà lại nghe theo phong cho [làm vương]. Vì thế mới sai Đình Đắc đi nghe ngóng tin vua Lê đồng thời chiêu dụ hào kiệt Bắc Hà …

clip_image005clip_image006clip_image007clip_image009

Đại Nam Thực Lục, đệ Nhất kỷ, quyển V

Lá thư Tôn Sĩ Nghị gửi Xiêm vương như sau:

Lưỡng Quảng tổng đốc kiêm Quảng Ðông tuần phủ toàn hạt vì hịch mà biết được việc rằng quí quốc vương ở một góc biển, vẫn thường ngưỡng mộ điều nghĩa, nên được đại hoàng đế đãi ngộ hậu hĩ, đặc biệt sách phong nên mới có thể cai trị, vỗ về nhân dân ở nơi đó, mãi mãi được vui vẻ lợi lộc, nên quí quốc vương cực kỳ cảm kích, không biết bao nhiêu cho hết.

Gần đây nhân nước An Nam có nghịch thần là Nguyễn Huệ, đuổi chúa, chiếm lấy đất đai nên thân tộc họ Lê đã đầu phục qua Trung Quốc. Vì thế bản đôác bộ đường theo lệnh chỉ đích thân thống lãnh đại binh đến hỏi tội, chẳng khác gì sấm ran gió cuốn, thế như chẻ tre, Nguyễn tặc ắt sẽ bị bắt trong nay mai.

Ta cũng biết rằng tên giặc Nguyễn hùng cứ nơi đất Quảng Nam, vốn đường biển ngay sát với Xiêm La, chạy trốn rất dễ, Nguyễn tặc cũng hẳn biết rằng tội ác khó dung, gặp lúc cùng đường ắt sẽ bỏ chạy để mong lấy chút hơi tàn.

Quí quốc vốn thờ phụng thiên triều, chịu ơn thật nặng, theo lẽ thì phải hết sức ra công, nên vì thế phải phái binh ra, đến duyên hải Quảng Nam để hỗ trợ phòng khi bọn chúng đào tẩu. Nếu như tên giặc Nguyễn đi theo đường biển chạy sang Xiêm La, quí quốc vương hãy tìm cách bắt lấy y, dùng chính pháp mà xử tử như thế thì công lao không biết là nhường nào. Vả lại quí quốc cùng Nguyễn tặc đã đánh qua đánh lại, nay Nguyễn tặc tự tìm chỗ diệt vong mà phải chạy thoát thì quốc vương nếu bắt được tên giặc cùng đường này cũng để rửa được mối hờn, lại cũng là cách thiên triều vỗ về ngoại phiên luôn thể. Nước An Nam có nghịch thần thì cũng không khác gì Xiêm La có nghịch thần vậy.

Nguyễn tặc hiếp chúa làm loạn luân thường, có ý soán nghịch, đại hoàng đế vì nghĩ đến tình An Nam thần phục đã lâu, xưa nay rất cung kính thuận tòng, nên mới đặc khiến đại binh sang để khôi phục lại, cốt lấy lại quốc đô cho họ Lê, tuyệt nhiên không có ý dòm ngó đất đai, quả là hết sức nhân nghĩa, vượt quá cổ kim, phàm là thuộc quốc nên nghĩ đến như thế mà thêm cảm kích.

Xiêm La đất đai liền với An Nam, trông thấy thiên triều làm những điều đó, thì cũng nên nghĩ đến việc có chung mối thù, lại chẳng là món thưởng lớn hay sao? Nay truyền hịch này đến quốc vương lập tức một mặt phát binh chặn đường, một mặt chờ bản bộ đường xong việc rồi sẽ tâu lên đại hoàng đế, ắt sẽ hết sức khen ngợi là quốc vương vì ngưỡng mộ lòng quyến cố, lại hiểu đại nghĩa nên trợ điều thuận bỏ điều nghịch, hãy nên gắng sức làm theo điều hịch này.[90]

Lá thư đến tay vua Xiêm lúc nào thật khó biết nhưng tháng Tám năm Kỷ Dậu, Phúc Khang An nhận được một lá thư của Xiêm vương Trịnh Hoa (Rama I) nói rằng vào tháng Năm đã sai bang trưởng Quảng Nam Ông Chính Sử(廣南翁正史) [Ông Chính Sử là phiên âm ba chữ Ông Thượng Sư mà người Âu Tây viết thành Ong Chiang Su tức chúa Nguyễn tự xưng khi còn làm chủ Nam Hà] điều 6 vạn tinh binh đem quân chặn các nơi hiểm yếu kèm theo một văn thư để chúa Nguyễn mang sang cho Tôn Sĩ Nghị.

Trong dụ chỉ ngày 28 tháng Tám năm Kỷ Dậu, vua Thanh nói rằng ông chưa nhận được tin gì về chuyện này và ra lệnh nếu khi nào thư đó đến thì phải trình ngay lên Nhiệt Hà (là nơi ông nghỉ tránh nắng mùa hè) để ông xem xét.[91] Trong thư Phúc Khang An trả lời Xiêm vương có đoạn như sau:

Ngày mồng 8 tháng này (tháng Tám) thông sự của quí quốc là Tạ Thượng Kim có đem đến một lá thư của quốc vương và bản tước các bộ đường cùng phủ bộ viện (tức Tôn Vĩnh Thanh, tuần phủ Quảng Tây) đã xem kỹ, thấy trong đó nói về việc xử lý thư của tiền Tôn đốc bộ đường (tức Tôn Sĩ Nghị, nguyên tổng đốc Lưỡng Quảng), Đồ phủ bộ viện (tức Đồ Tát Bố, tuần phủ Quảng Đông) khi đem binh tiễu trừ Nguyễn Huệ hồi mùa đông năm ngoái có yêu cầu quốc vương đem quân đến vùng duyên hải Quảng Nam rồi lên tiếng thanh viện để phòng y chạy trốn. Quốc vương nhận được thư đó liền lập tức điều binh chặn các nơi yếu hại …[92]

Phối hợp chi tiết của triều Nguyễn, Xiêm La và nhà Thanh chúng ta biết rằng quả thực Tôn Sĩ Nghị có gửi thư cho vua Xiêm cuối năm Mậu Thân và vua Xiêm đã yêu cầu [mà ông ta nói rằng ra lệnh] chúa Nguyễn – khi đó mới khôi phục lại được khu vực Gia Định từ tay Nguyễn Lữ và Phạm Văn Tham – đem quân ngăn chặn vùng bờ biển. Chúa Nguyễn cũng [không biết có do ý kiến của Xiêm La hay không] giúp cho quân Thanh 50 vạn cân gạo.

Một chi tiết cũng đáng lưu tâm là ngày mồng 4 tháng Tám năm Kỷ Dậu (Càn Long 54) vua Càn Long có gửi một văn thư mật, do chính đại học sĩ Hòa Thân viết tay (tự ký) gửi tổng đốc Lưỡng Quảng Phúc (Khang An) và tuần phủ Phúc Kiến Từ (Tự Tăng – 徐嗣曾) để chỉ thị về việc thự tri huyện Chương Phố (漳浦) là Trình Gia Toản (程嘉瓚) trình lên việc một thương gia người Việt (đây là người Quảng Đông, không phải người nước ta) tên là Trương Hợp Hưng (張合興) đi thuyền sang An Nam buôn bán có đưa về Phúc Kiến 20 binh sĩ Bành Hồ do Lý Vinh Quang (李榮光) chỉ huy bị bão trên biển và một số người Nam Hà có trình lên một tấu thư của Nguyễn Phúc (阮福)[93] tố cáo Nguyễn Huệ là một đứa em hư (nghiệt đệ – 孽弟) quấy phá nơi nơi nên hai bên thành ra cừu địch. Vua Càn Long nay đã nhận cho Nguyễn Huệ H “thâu thành nạp khoản”, lại phong vương tước nên không còn xét hỏi làm gì và ra lệnh cho các tổng đốc giữ kín đừng để lộ ra ngoài (密而不露).[94]

Như vậy, trong khoảng 7 tháng đầu năm Kỷ Dậu, khi nghe tin nhà Thanh sắp sửa thông hiếu, các thế lực đối nghịch với Nguyễn Quang Bình (chúa Nguyễn Ánh, Nguyễn Nhạc …) ráo riết tấn công ông bằng nhiều hình thức. Khi chưa biết tin quân Thanh bại trận thì chúa Nguyễn gửi gạo sang giúp, đến khi biết quân Thanh đã thua chạy và nhà Thanh công nhận triều đình Quang Trung thì lại tung ra những lời dèm pha để dao động triều đình Trung Hoa. Tuy những việc đó không làm xoay chuyển cuộc diện nhưng cũng đưa đến những trở ngại ảnh hưởng đến việc phong vương. Tin tức về thuyền bè đe dọa vùng biển Thuận Hóa hay việc Phúc Khang An đổi kế hoạch của Thành Lâm có thể cũng liên quan với những chi tiết mơ hồ này.

clip_image011clip_image013

Thượng dụ ngày mồng 4 tháng Tám gửi Phúc Khang An và Từ Tự Tăng

Càn Long Triều Thượng Dụ Đáng, quyển XV, tr. 136-7
NHỮNG ĐẶC ĐIỂM NGOẠI GIAO THỜI TÂY SƠN

Thời gian nhanh nhất

Trong lịch sử giao thiệp với Trung Hoa, từ khi cầu phong đến khi được triều đình Trung Hoa cho người sang làm lễ phong vương dù bình thường cũng mất nhiều tháng nhiều năm. Trong trường hợp thay đổi một dòng họ, việc qua lại còn kéo dài nhiều hơn nữa và thiên triều ngoài việc hoạnh hoẹ nọ kia còn tìm đủ mọi cách để o ép nước ta cả trên danh vị lẫn tiền của. Trường hợp nhà Tây Sơn là một ngoại lệ và nếu không có những trở ngại gây trì hoãn thì tình hình từ lúc ngỏ lời cầu phong đến khi được chính thức công nhận chỉ trong khoảng 3 đến 4 tháng trời.

Nghi lễ trang trọng nhất, qui mô nhất

Nếu tính riêng về nghi lễ, ý định của Thanh triều [đúng hơn là của vua Càn Long] bao gồm hai giai đoạn: thông báo đã chấp thuận và đưa người sang phong vương. Tuy có sự tiết giảm vì hoàn cảnh bất đắc dĩ nhưng chưa bao giờ việc công nhận tân vương của Trung Hoa [không phải chỉ đối với nước ta mà với mọi quốc gia phiên thuộc] lại phức tạp và hậu hĩnh đến thế. Trước khi chính thức công nhận, vua Thanh đã ban tặng nhiều quà cáp, sau lại đặc biệt gia ân ban cho nhân sâm, ngự thi, triều châu, hà bao …, chưa kể ý định sẽ sai Phúc Khang An sang làm lễ cho thật trịnh trọng.

Lần đầu trong lịch sử có sự tranh biện

Trong những triều đại trước, việc biện giải nếu có đều chỉ tập trung vào việc từ chối một đòi hỏi quá đáng của đối phương. Riêng lần này, vị thế hai bên đã thay đổi. Việc đạt tới đồng thuận không phải thuần tuý do lý luận của bên ta sắc bén mà còn khai thác được hoàn cảnh thực tế khiến nhà Thanh phải nhượng bộ.

Lần đầu chúng ta đứng ngang với Trung Hoa trong lập trường

Sau khi thất trận, mối quan tâm to lớn nhất của vua Càn Long là làm sao không bị mất mặt và giải thích cho xuôi việc nối lại bang giao. Thay vì dùng những tù binh như một món hàng trao đổi, nước ta biết rằng sinh mạng của vài trăm người không có thể ép nhà Thanh nhượng bộ. Sự thành tín và sốt sắng trả về Trung Hoa 800 người bị bắt đã làm dịu tình hình và mở ra một cánh cửa ngoại giao.

Lần đầu ta ở trong thế đối phương phải cầu khẩn

Từ trước tới nay, việc xin phong vương – dù là mở nước hay chỉ để thay một ông vua mới – cũng đều mất nhiều thì giờ. Vốn dĩ là một nghi lễ nặng phần hình thức, thông thường hầu như không có một hạn định thời gian nên thường phải mất nhiều tháng, nhiều năm.

Riêng lần này, việc phong vương phải tổ chức càng sớm càng tốt để vua Quang Trung có thể sắp xếp cuộc du hành sang Trung Hoa và nhà Thanh cũng yên tâm tổ chức nghi lễ đón tiếp nên chính đối phương phải thúc giục cho việc mau tiến hành đưa tới những nhượng bộ mà trước đây không có được.

Coi như khuôn mẫu ngoại giao cho tương lai

Nghi thức và thủ tục tuy không ghi thành điển lệ nhưng đây cũng là lần đầu được lưu trữ tương đối kỹ lưỡng kể cả những văn thư không mấy quan trọng. Chính các tài liệu này là văn thư căn bản để được soạn thành lớp lang, thứ tự trong Lịch Triều Hiến Chương Loai Chí (LTHCLC) và Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ (KDDNHDSL), qui định chi tiết việc tiếp đón sứ đoàn, các dịch trạm và cung ứng mỗi nơi từ ăn nghỉ đến phương tiện sinh hoạt.

Việc tổ chức chu đáo đó không những làm tôn vinh phái đoàn Trung Hoa mà còn tỏ ra nước ta là một quốc gia có văn hiến, nghi lễ chu đáo không kém gì đại quốc. Dưới quan điểm cổ thời, nghi lễ, y phục, văn tự là thước đo của văn minh nên công việc tổ chức tiếp đón trong bang giao là một thể hiện quan trọng cho quốc thể.

Xét về lịch sử giao thiệp với Trung Hoa, việc nhà Thanh công nhận triều đại Tây Sơn có thể coi như một trường hợp hành chánh điển hình mà trong khi đàm phán hai bên đều có những điểm mạnh, điểm yếu để khai thác, khác hẳn với những lần khác đặt trọng tâm vào thủ tục. Những cường và nhược điểm ấy thuộc đủ mọi phạm vi, từ chính sách đến thực tế xã hội, kể cả vai trò cá nhân của mỗi người. Một bàn cờ phức tạp như thế không thể thu gọn trong vài hàng, lại càng không thể suy luận một cách dễ dãi. Với qui mô như vậy, chúng ta không thể chỉ giới hạn vào đấu tranh ngoại giao thuần tuý mà phải mở rộng đến mọi vấn đề, kể cả những định luật giữa các khu vực mới manh nha của thời đại.

Trước đây, sử nước ta hầu như thu hẹp cơ chế đàm phán, chỉ tập trung vào việc bắt liên lạc và “ngoại giao gầm bàn” với Thang Hùng Nghiệp hay Lâm Hổ Bảng. Hạn chế đó chính vì đối phương không muốn ta biết nhiều hơn, và đưa ra một cấp nhỏ làm trung gian cũng dễ cho họ xoay chuyển theo tình hình. Trong khi nước ta đưa ra những danh nho bậc nhất chờ đợi ở Nam Quan (Ngô Thì Nhậm, Vũ Huy Tấn, Phan Huy Ích …) thì đối phương lại chỉ đưa ra vài cấp đạo, phủ để dò xét nghe ngóng. Tuy nhiên đó chỉ là chỏm của tảng băng còn theo thư từ qua lại bên trong nội bộ nhà Thanh, thực tế họ vận dụng toàn bộ lực lượng, ngoài các cấp tổng đốc, tuần phủ ở địa phương mà ngay tại trung ương hầu như cả triều đình đều tập trung vào “kinh lý” việc An Nam.

Chúng ta thấy hầu như mọi cơ nghi mà địa phương thực hiện đều nhận chỉ thị từ hoàng đế, khi nắm khi buông, lớn như việc ép vua Quang Trung sang chúc thọ, nhỏ như việc khống chế vua Chiêu Thống đều phải được sự chấp thuận của Bắc Kinh. Ngay cả một việc không mấy quan trọng là thưởng một cái lông chim cài trên mũ cho Thang Hùng Nghiệp mà vua Càn Long cũng bác, nhắc rằng đừng để cho nước ta biết sợ đoán ra rằng nhà Thanh muốn gấp rút cho mau xong. Chính vì thế, chúng ta thấy mọi việc họ đều có bài bản nên không thể chỉ dựa vào một vài nhượng bộ hay hoà hoãn bên ngoài để đánh giá toàn cục.

Như chúng tôi từng đề cập trong những biên khảo khác, đến cuối thế kỷ XVIII, khu vực Đông Á đã có những thay đổi lớn song hành với tiến bộ kỹ thuật. Nhiều quốc gia đã đạt được những bước nhảy vọt trong kỹ thu

0