Thế giới quan triết học của các nhà nho trong xã hội phong kiến Việt Nam
Các tân khoa nhận áo mũ vua ban- Ảnh internet Thạc sĩ Phạm Thị Loan Theo con đường xâm lược của các triều đại phong kiến phương Bắc và sau này là con đường giao lưu văn hóa, Nho giáo từ khi du nhập vào Việt Nam đã trải qua một quá trình biến đổi lâu dài và đầy khó khăn để có thể ...
Thạc sĩ Phạm Thị Loan
Theo con đường xâm lược của các triều đại phong kiến phương Bắc và sau này là con đường giao lưu văn hóa, Nho giáo từ khi du nhập vào Việt Nam đã trải qua một quá trình biến đổi lâu dài và đầy khó khăn để có thể tồn tại, ăn sâu, bám rễ vào trong đời sống xã hội của dân tộc. Cho đến thời kỳ xây dựng nhà nước phong kiến độc lập, tự chủ, Nho giáo mới được tiếp biến và dần trở thành hệ tư tưởng thống trị trong kiến trúc thượng tầng của xã hội phong kiến Việt Nam suốt nhiều thế kỷ sau đó. Vị trí quan trọng này đã đưa Nho giáo với hệ thống những nguyên tắc chính trị – xã hội và các tín điều đạo đức khắt khe lan tỏa, thâm nhập và ảnh hưởng sâu rộng đến mọi tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là các nhà Nho – những người được xem là tầng lớp có vai trò và uy tín nhất trong xã hội, là rường cột của chế độ phong kiến. Với tư cách một học thuyết chính trị – đạo đức, Nho giáo không chỉ thể hiện ảnh hưởng mạnh mẽ đối với các nhà Nho Việt Nam trong tư duy chính trị, trong quan điểm nhân sinh và lối sống đạo đức, trong tư tưởng giáo dục hay phong cách văn chương, nghệ thuật mà còn cả trong thế giới quan của họ. Trong xã hội phong kiến Việt Nam, thế giới quan triết học của các nhà Nho biểu lộ sự ảnh hưởng rõ nét của Nho giáo thông qua quan niệm của họ về trời đất, về mệnh trời, con người, về mối quan hệ giữa con người và trời đất.
Trước hết, trong quan niệm của hầu hết các nhà Nho trong xã hội phong kiến Việt Nam, “trời” được xem như một lực lượng thần bí, siêu nhiên sáng tạo và chi phối các sự vật, hiện tượng, quyết định vận mệnh vạn vật. Nhà Nho Nguyễn Phi Khanh (1335-1428) đời Trần đã viết: “Trời là gì? Là cái chí thanh, chí hư, chí đại đó thôi, bốn mùa thành năm mà không tỏ ra có công, vạn vật chịu ơn mà không lộ rõ dấu vết”(1). Nguyễn Trãi (1380 -1442), một nhà Nho với tài năng nổi bật trên nhiều lĩnh vực khác nhau, như chính trị, quân sự, ngoại giao, văn học, sử học, địa lý… cũng khẳng định rằng, “trên có trời đất quỷ thần”(2) và vạn vật sinh sôi là do “ơn tạo hóa của trời đất”. Ngô Sĩ Liên – nhà sử học xuất sắc thời Lê và là nhà Nho có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với tư tưởng của xã hội đương thời – đã đưa ra khá nhiều lời bình luận lịch sử thể hiện rõ ảnh hưởng của Nho giáo tới thế giới quan của ông, trong đó có tư tưởng về trời, mệnh trời. Trong quan niệm của mình, Ngô Sĩ Liên cũng coi trời như đấng tạo hóa sản sinh ra muôn vật: “Khi trời đất mới mở mang, có thứ do khí hóa hóa, đó là Bàn Cổ thị. Có khí hóa ra rồi sau có hình hóa, không thứ gì ngoài hai khí âm dương cả. Kinh Dịch nói: “Trời đất nung ủ, vạn vật thuần hóa, đực cái hợp tinh, vạn vật hóa sinh”. Cho nên có vợ chồng rồi sau mới có cha con, có cha con rồi sau mới có vua tôi”(3). Còn với Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585), trời như lực lượng tự nhiên tạo ra mọi vật, chi phối các sự vật, hiện tượng và con người, ngay cả tính con người cũng là do “trời phú”: “Trời phú tính ở mình ta, Đạo cả cương thường năm mấy ba” (Thơ Nôm).
Khi quan sát sự vận động, biến đổi của thế giới, Ngô Thì Nhậm (1746 -1803) đã nhận ra nguồn gốc đằng sau đó chính là sự tồn tại của một vị “hóa công” mà về thực chất, là tên gọi khác của “trời”. Theo ông, nhờ có hóa công hay trời mà vạn vật được sinh sôi nảy nở và có một trật tự ổn định, không có gì là không do trời sinh ra, từ đất đai, làng mạc cho đến những con người xuất chúng: “Trời sinh hào kiệt Đẩu, Thai gần. Đường qua ghi những làng danh nổi” (Nghệ An đạo trung).
Cùng với quan niệm xem trời như là đấng tạo hóa của muôn vật, các nhà Nho trong xã hội phong kiến Việt Nam còn nhìn nhận “trời” như một vị thần tối cao, có ý chí, có tình cảm, có thể có thể phù hộ, giám sát và trừng phạt con người. Theo Nguyễn Trãi, “trời đất đa tình” và tình cảm của trời đất cũng giống như tấm lòng của cha mẹ: “Thành thực yêu vật là lòng trời đất; thành thực yêu con là lòng cha mẹ. Nếu yêu vật thành thực thì cơ sinh hóa có lúc đình, yêu con không thành thực thì niềm từ ái có khi thiếu. Vì thế, nên trời đất đối với muôn vật, cha mẹ đối với con cái, chẳng qua chỉ một chữ “thành” mà thôi”(4). Nguyễn Bỉnh Khiêm thì tin rằng trời hết sức công bằng, mưu trí của con người chưa chắc đã thắng được sự công bằng đó: “Nẻo trời có sinh thì có dưỡng. Dễ hầu nằm giữa mất phần chăng?” (Thơ Nôm). Lê Quý Đôn (1726 -1784) cũng quan niệm về trời không phải như giới tự nhiên, mà như một chủ thể có ý chí, có nhân cách, quyết định mọi việc: “Trời thì không có hơi có tiếng, không có mùi vị, nhưng khi giáng lâm thì thật hiển hách” (Vân đài loại ngữ). Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du (1766 – 1820) đã thể hiện quan niệm của mình về một ông trời với quyền năng vô hạn: “Bắt phong trần phải phong trần/ Cho thanh cao mới được phần thanh cao”. Đó là một ông trời có nhân cách, có cảm xúc, ghen ghét cả với người có nhan sắc: “Lạ gì bỉ sắc tư phong. Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”…
Những quan niệm đó về một ông trời có nhân cách, có tình cảm còn xuất hiện ở nhiều nhà Nho thế kỷ XIX, trong đó có Nguyễn Đức Đạt (1823 – 1887). Trong Nam sơn tùng thoại, ông viết: “Hỏi: Cha yêu con, vua yêu tôi, có giống không? Đáp: Giống. Cha nuôi con, cho ăn uống là nhân, cho roi vọt cũng là nhân. Vua ban tước cho bề tôi là nhân, quở phạt cũng là nhân. Hỏi: Trời có giống thế không? Trời đối với vạn vật thì cho mưa móc, có khi cho sấm sét; đối với dân, thì có khi cho được mùa và vui vẻ, có khi giáng dịch lệ hung hoang, có khi cho tai dị để khiển trách, nhưng rốt cuộc cũng là lòng yêu cả” (thiên “Tư luận”).
Xuất phát từ quan niệm xem trời như là vị thần tối cao có ý chí, có nhân cách, các nhà Nho trong xã hội phong kiến Việt Nam đã đi đến tư tưởng về mệnh, mệnh trời. Mệnh hay mệnh trời chính là ý chí, sức mạnh của trời chi phối trật tự xã hội, tự nhiên và số phận của con người. Chu Văn An (1292 -1370) đã quan niệm rằng, người ta sinh ra ở đời, mỗi người đều có số mệnh do trời an bài, giàu nghèo là do trời định, con người mong ước cũng không được: “Nhà tranh hay nhà ngọc, đều có số mệnh”(5). Điều này cũng tương tự như việc ông ra làm quan hay không làm quan đều có liên hệ đến số mệnh cả, do vậy, ông cảm thấy thanh thản, ung dung, tự tại với cuộc sống của mình. Nguyễn Phi Khanh thì cho rằng, con người sống và làm việc phải theo “lẽ trời”, vì thế việc “xuất” hay “xử” của nhà Nho không phải là tùy tiện theo ý mình mà phải tuân thủ ý trời, phải theo lẽ trời. Có thể thấy, đối với các nhà Nho, mọi việc diễn ra từ việc lớn đến việc nhỏ, từ việc xã hội, của đất nước đến việc của đời người đều là do trời chi phối. Đây cũng chính là quan niệm của Nguyễn Trãi về mệnh trời. Với ông, sự biến đổi của một triều đại, sự thịnh suy của một đất nước đều liên hệ đến trời. Không chỉ vận nước hay mệnh vua mà cả sự thành hay bại, sang giàu hay đói rách của con người, theo Nguyễn Trãi, cũng do trời quy định: “Đời người muôn việc thảy do trời”; “mới biết doanh hư là có số, ai mà cãi được lòng trời”. Chính vì thế, ông luôn tâm niệm: “Sang cùng khó bởi chưng trời, lăn lóc làm chi cho nhọc hơi” hay “Vắn dài, được mất dầu thiên mệnh, Trãi quái làm chi cho nhọc nhằn”(6).
Bên cạnh đó, thời kỳ này, tư tưởng về “trời” và “mệnh trời” cũng được thể hiện khá rõ nét ở các nhà Nho đồng thời là những nhà sử học thời Lê – những người biên soạn lịch sử chủ yếu dựa trên hoạt động của các vị vua và coi các hoạt động đó là thể hiện ý chí của trời. Nhà sử học Phan Phu Tiên đã nhận xét: “Nhà Trần dựng nước vào năm Kiến Trung (1225), mất nước vào năm Kiến Tân (1400). Quân Minh vượt sông vào ngày 12 tháng 12 năm Bính Tuất (1406), cũng phải rút về nước ngày 12 tháng 12 năm Đinh Mùi (1472). Dẫu rằng mưu người chẳng nên, âu cũng là vận trời có số cả. Kể ra, Thái Tông tên huý là Cảnh, Thiếu Đế tên húy là An, nét chữ gần giống nhau. Quân Minh khi vượt sông, lúc về nước, đều gặp ngày 12 tháng 12, có phải là tình cờ mà không do số trời đâu”(7). Ngô Sĩ Liên cũng cho rằng, việc Tiền Lý Nam Đế dấy binh trừ bạo gặp bại vong, việc nhà Lý được hay mất nước nước đều là do mệnh trời đã định. Do đó, theo ông, việc họ Hồ giết Trần Thuận Tông để cướp ngôi là việc làm của bọn loạn thần cũng không thể có kết cục tốt đẹp được, bởi vì “bọn phạm tội đại ác làm sao trốn được sự trừng phạt của trời? Đạo trời rõ ràng như vậy, đáng sợ thay!”(8).
Từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII, cục diện nội chiến, chia cắt, chiến tranh loạn lạc của đất nước đã ảnh hưởng mạnh đến tư tưởng của các nhà Nho. Sự thay thế của các vương triều và sự biến đổi nhanh chóng của số phận con người làm cho các nhà Nho thời kỳ này, như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Dữ, Phùng Khắc Khoan, Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm… cảm thấy bất lực trước thời cuộc và do đó, họ càng tin tưởng vào ý trời, mệnh trời và sự phụ thuộc của con người vào mệnh trời. Họ còn dựa vào các luật biến dịch, tuần hoàn trong Kinh Dịch – cơ sở của Lý học thời Tống – để giải thích sự biến đổi xã hội, sự hưng suy của thời cuộc. Trong quan niệm của Nguyễn Bỉnh Khiêm, tất cả là do số, do mệnh, do trời chi phối, con người không thể làm gì được: “Được thua phú quý đều thiên mệnh. Chen lấn làm chi cho nhọc nhằn” (Thơ Nôm).(7)
Nguyễn Dữ và Phùng Khắc Khoan – hai học trò giỏi của Nguyễn Bỉnh Khiêm dưới triều Mạc và Lê, vừa chịu ảnh hưởng từ thầy, vừa chịu ảnh hưởng của Phật giáo và Đạo giáo nên thế giới quan của họ thể hiện rõ nét tính chất duy tâm thần bí. Nguyễn Dữ cho rằng, mọi thứ đều do trời, do số mệnh quy định: “Phú quý không thể cầu nghèo cũng do tự số” (Chuyện tướng Dạ Xoa). Trong các truyện của ông cũng mô tả rất nhiều về quỷ quái, về những hiện tượng thần bí, dị kì. Phùng Khắc Khoan cũng thừa nhận có mệnh trời, nhưng theo ông, không phải vì thế mà con người hoàn toàn phải chịu phục tùng ý trời. Từ đó, ông khẳng định tính tích cực sáng tạo của con người để xoay chuyển tình thế: “Sự vinh hiển do mệnh trời sắp đặt sẵn. Xưa nay trong mái nhà tranh lẽ nào lại không có công danh” (Vinh tiến an bài thiên mệnh định, Cổ lai bạch ốc khởi công danh – Bệnh trung thư hoài). Ngô Thì Sĩ (1726 -1780) thì tin tưởng và khẳng định tất cả là do ý trời, mệnh trời quy định: “Người ta sinh ra đều có mệnh… mệnh là trời phú cho” (Anh Ngôn thi tập). Lê Quý Đôn cũng quan niệm rằng, mệnh trời không thể lường hết được những việc lớn việc nhỏ chưa bao giờ là không tiền định. Thuyết tiền định người xưa thường nói đến đã thấy chép trong kinh sử (Vân đài loại ngữ).
Đến thế kỷ XIX, Nho giáo được nhà Nguyễn khôi phục vị trí độc tôn trên vũ đài chính trị, tư tưởng. Các nhà Nho thời kỳ này chịu ảnh hưởng rất sâu sắc quan niệm của Hán Nho và Tống Nho về trời, mệnh trời, số, về âm dương, ngũ hành, lý, khí. Hầu hết họ đều đề cập tới trời, tin tưởng vào ý trời, vào “mệnh trời”. Nguyễn Du tâm niệm: “Ngẫm hay muôn sự tại trời”. Theo đó, sự thành bại của cuộc đời con người cũng là do trời định mà Nguyễn Du gọi đó là “cơ”, tức là cơ trời và ông nhấn mạnh: “Cho hay thành bại là cơ” (Chiêu hồn thập loại chúng sinh). Nguyễn Công Trứ (1778 – 1858) khi đề cập đến thân phận của kẻ hàn nho cũng cho rằng, khó bởi tại trời, giàu là cái số” và theo ông, chỉ có người tài giỏi mới biết được mệnh trời và thời thế. Nguyễn Thông (1827 – 1884) – một nhà Nho yêu nước có ảnh hưởng lớn ở miền Nam nước ta thế kỷ XIX – cũng khẳng định rằng, “mọi việc trong thiên hạ cái thích mà có thể làm được là thuộc về người, cái thích mà không thể làm được là thuộc về trời, thuộc về người là việc tới sau, thuộc về trời là lẽ định trước”(9).
Cùng với các vấn đề về trời, mệnh trời, vấn đề về con người là lĩnh vực mà các nhà Nho trong xã hội phong kiến Việt Nam hết sức quan tâm. Theo họ, sự sinh thành, biến đổi của con người và xã hội loài người cũng không nằm ngoài sự biến hóa của trời, đất. Nguyễn Bá Tĩnh – nhà Nho, nhà y học nổi danh đời Trần đã nói rằng, “Tam tài là trời, đất, người. Con người chịu được chỉnh khí của trời đất, tinh khôn hơn vạn vật”(10). Nguyễn Bỉnh Khiêm sau này cũng khái quát điều đó bằng thơ: “Thái cực từ khi mới phân chia đã phân định rõ vị trí của tam tài. Trong và nhẹ bay lên trên làm trời, nặng và đục lắng xuống làm đất. ở giữa kết tụ lại thành người. Bẩm thụ cùng một khí” (Cảm hứng). Còn Lê Hữu Trác (1720 – 1791) trong bộ sách Y tông tâm lĩnh cũng khẳng định: “Muôn vật trong trời đất… không một loài nào là không bẩm thụ khí âm dương để thành hình” (tập Y hải cầu nguyên). Do đó, theo ông, “người ta sinh ra khoảng giữa hai khí [âm, dương] của trời đất thì trong thân thể con người cũng đủ hình thái cực, há không nên lưu tâm xem xét đó sao?” (tập Huyền tẫn phát vi). Như vậy, con người được sinh ra do sự giao hòa của trời và đất, sự xuất hiện của con người được xem như là sự kết tinh tại một vị trí trung gian giữa trời và đất. Do đó, trong mối quan hệ này, con người đóng vai trò hết sức quan trọng, có thể làm thay đổi bộ mặt của trời đất như trong quan niệm của Ngô Thì Nhậm: “Hẳn trời đất mở mang ra chừ, mượn tay người mà chuốt gọt. Tiên được cảnh mà thành danh chừ, cảnh có người nên tươi tốt”(11). Với ý nghĩa đó, các nhà Nho trong xã hội phong kiến Việt Nam đã đưa ra quan niệm của mình về mối quan hệ gắn bó giữa trời đất và con người.
Về mối quan hệ giữa trời đất và con người, các nhà Nho trong xã hội phong kiến Việt Nam đều khẳng định trời và người không phải tách rời nhau như hai thực thể đối lập mà có liên hệ mật thiết với nhau, có thể thấu hiểu, giúp đỡ hoặc hóa giải nạn tai cho con người nếu con người thật sự có thành ý và chân thành khấn xin làm cho trời cảm động. Về thực chất, đây cũng chính là nội dung của các thuyết “thiên nhân tương đồng”, “thiên nhân cảm ứng”, “thiên nhân hợp nhất” mà Hán Nho đã đưa ra. Các nhà Nho Việt Nam đều quan niệm quyền lực của vua là do trời trao cho để thực hiện ý chí của trời, vị vua ấy phải thường xuyên chăm lo công việc trị nước, cai quản muôn dân và quan sát những biến đổi của trời đất để xem việc mình làm có thuận theo ý trời hay không. Nếu việc làm của vua trái với ý trời, trời sẽ hiện ra những điềm tai biến để cảnh báo, như lụt lội, hạn hán, bệnh dịch,… và vua phải theo đó mà điều chỉnh việc làm của mình, thành ý cầu xin trời thì mới mong chấm dứt được tai biến. Ví như Nguyễn Phi Khanh, ông cho việc hạn hán là do trời giáng tội xuống nhân gian và chịu tội trước hết là vua, vua chịu tội với trời thì được nhân hòa, nhân dân thấm khắp niềm vui. Do đó, chỉ cần nhà vua “có lòng chí thành” để tu thân sửa đức thì có thể “cảm đến trời”, khiến cho trời ban điềm lành xuống muôn dân. Đúng như hàm ý trong bài thơ của ông về việc chuẩn bị cầu mưa của vua quan nhà Trần: “Rừng rực đất đai khắp nơi khô cháy, một trận mưa của trời gieo khắp ơn sâu. Quốc gia sắp làm lễ thỉnh tội để cầu mưa trọng thể, trời đem lại khí hòa, dân đã thấm khắp niềm vui. Rồng nằm vốn là con vật của nhân gian, tiếu tượng của trời có thể hẹn mưa dầm trong năm hạn. Chẳng phải dùng làm gì cái lẽ đưa một thân hình gầy còm ra phơi ngoài chợ, xưa nay chỉ có lòng chí thành là cảm đến trời”(12).
Ngô Sĩ Liên cũng quan niệm rằng, trời cai quản và quyết định tất cả mọi việc trên thế gian, còn vua là người thực thi ý chí của trời. Trời giám sát mọi hành động của vua, nếu thuận theo ý trời thì được hưởng phúc lành, mưa thuận gió hòa, xã tắc được yên ổn; trái lại, trời sẽ “răn bảo” bằng hạn hán, lụt lội, tai biến. Vì thế, người nắm vương quyền phải biết quan sát các hiện tượng tự nhiên mà hiểu được ý trời, mệnh trời, đoán biết ý khen chê, khuyến khích hay quở trách của trời. Ông viết: “Trong khoảng trời đất, chỉ có hai khí âm dương mà thôi. Người làm vua đạt đến mức trung hòa thì đất trời định vị, vạn vật sinh sôi và hai khí cũng được đều hòa. Nếu khí âm thịnh mà phạm bừa vào khí dương, thì trời đất tất xuất hiện tai biến để tỏ cho người làm vua biết. Cho nên tai biến xuất hiện trước rồi sau đó sẽ có chứng nghiệm ngay. Lúc bấy giờ, nào nhật thực, nào mặt trời lay động, nào đất nứt, nào mưa đá, sao sa, đều là khí âm thịnh hơn là khí dương cả. Phàm người làm vua thận trọng trước sự răn bảo của trời, lo lắng làm hết phận sự của người thì đó là đạo vãn hồi tai biến của trời”(13). “Đạo vãn hồi tai biến của trời” mà Ngô Sĩ Liên đã đề cập, về thực chất, là nỗ lực của con người để giải quyết những khó khăn trước khi trời giúp, nếu con người chưa làm hết chức phận của mình thì không thể nói đến chuyện trời giúp. Bởi vậy, theo ông, “Tiên Hoàng không được trọn đời là do chưa làm hết việc người, không phải mệnh trời không giúp”(14). Chỉ với sự nỗ lực của mình, với những hành động hợp lẽ phải, có lòng chí thành thì mới đạt được kết quả tốt, mới mong có sự giúp đỡ của trời. Bởi một lẽ đơn giản: “Lòng tin thành thực cảm thông đến cả vàng đá, huống nữa là trời? Việc gì trời đã giúp sức là thuận”(15). Có thể thấy, tuy Ngô Sĩ Liên tin ở trời và mệnh trời nhưng ông cũng hết sức đề cao sự nỗ lực và hành động tích cực để vượt qua khó khăn của con người. Quan niệm đó cũng được thể hiện ở các nhà Nho, nhà sử học khác sau này, như Vũ Quỳnh (đỗ tiến sĩ năm 1478), Lê Tung (đỗ tiến sĩ năm1484), Lê Hy (đỗ tiến sĩ năm 1664).
Thế kỷ XVI – XVIII, hầu hết các nhà Nho cũng cho rằng, giữa trời và người có sự thống nhất với nhau. Nguyễn Bỉnh Khiêm đưa ra quan niệm “thiên nhân tương dữ hựu tương phù” (trời và người cùng quan hệ với nhau lại cùng phù hợp với nhau). Tuy vậy, quan niệm của ông phần nhiều khác với quan niệm “thiên nhân tương dữ”, “thiên nhân cảm ứng” của Đổng Trọng Thư. Ông nói rằng, “sinh ý vô tư, vạn vật đồng” (cái ý sinh thành của trời không có thiên tư, muôn loài đều như nhau cả). Nguyễn Dữ, trong các truyện của Truyền kỳ mạn lục, đã thể hiện sự tin tưởng sâu sắc vào trời, vào quyền uy của trời, vào cái gọi là “thiên nhân cảm ứng”. Vì thế, theo ông, “làm thiện ở người, giáng phúc cho người thiện ở trời, sự cảm ứng ở giữa khoảng trời và người thật là sâu mờ vậy thay” (Chuyện gã Trà đồng giáng sinh). Lê Quý Đôn cũng thường đề cập đến mối quan hệ thống nhất giữa trời và con người trong tác phẩm của mình: “Người ta cùng với trời đất là một gốc; suốt ngày động tác ăn uống, càng cùng với khí đất cùng chung đụng” (Vân đài loại ngữ). Ông đã quy con người và tự nhiên về một mối và gắn tất cả trong mối quan hệ với trời.(13)
Nhìn chung, thế giới quan các nhà Nho trong xã hội phong kiến Việt Nam chịu ảnh hưởng khá sâu sắc bởi những quan niệm duy tâm của Nho giáo nói chung, đặc biệt là của Hán Nho và Tống Nho. Sự tác động mạnh mẽ của tư tưởng về trời, mệnh trời của Nho giáo đã khiến họ giảm sút tinh thần phản kháng trước những bất công của triều đình. Bởi lẽ, họ cho rằng trời chi phối mọi hoạt động của con người, trời trao quyền cho vua cai quản thiên hạ, trời không chỉ quyết định sự thịnh suy của một triều đại mà còn quyết định sự thắng lợi của một cuộc khởi nghĩa, giàu sang nghèo hèn, vinh nhục, sống chết của một con người, biết được những suy nghĩ và hành động của con người để ban thưởng hay trách phạt, giáng tai họa.
Tuy vậy, vẫn có nhiều quan điểm tiến bộ, nhấn mạnh nỗ lực và sự hoạt động tích cực của con người. Các nhà Nho quan niệm con người do trời sinh ra nhưng con người không thụ động ngồi xem tạo hóa xoay vần mà bằng nỗ lực của mình, con người có thể cải thiện được tình hình. Chính vì vậy, thời Trần, Đào Sư Tích đã khẳng định: “Trời người một lẽ, cảm thông rất mực, ứng nghiệm không ở trời mà ở người, tốt lành không tại điềm mà tại đức. Cho nên, trời giúp vua Thuấn không tại sách thấy thất chính mà tại thiên thời vâng kính. Trời ban cho vua Vũ, không tại trình bày Lạc Thư, mà tại sửa sang sáu phủ”(16). Thừa nhận mệnh trời, tin vào mệnh trời nhưng Nguyễn Trãi cũng cho rằng, “thời có thịnh suy, quan hệ ở vận trời; việc có thành bại thực ở tại người làm”(17). Có thể thấy, trong tư tưởng của Nguyễn Trãi, bất cứ sự việc xảy ra như thế nào đều do ý trời quyết định, nhưng trời ở đây không phải là một lực lượng siêu nhiên thần bí nào đó mà cũng tương tự như lẽ phải, đạo lý tất phải làm thế, như quy luật khách quan, không khác được và con người nếu biết tuân theo quy luật đó có thể thay đổi được mọi việc. Lê Quý Đôn cũng tin rằng nếu những việc làm “hợp với lẽ trời, với lòng người” (Quần thư khảo biện) thì chắc chắn sẽ thành công. Như vậy, con người không hoàn toàn bị trời chi phối, bị mệnh khuất phục mà con người vẫn có thể cải biến mệnh dựa vào nỗ lực của mình. Đây cũng là nhận thức chung của nhiều nhà Nho trong xã hội phong kiến Việt Nam. Nguyễn Du, một người hết sức tin trời, tư tưởng về mệnh trời có ở hầu khắp Truyện Kiều nhưng bản thân ông lại luôn đứng về phía những con người đau khổ mà tố cáo trời xanh, con tạo. Nguyễn Đức Đạt cũng thể hiện tư tưởng tiến bộ khi cho rằng, số mệnh không phải là cái định sẵn mà là cái có sau, họa phúc không hẳn do trời mà chủ yếu do con người tự tạo ra.
Với nhiều nhà Nho Việt Nam, tư tưởng “mệnh trời” còn được sử dụng như là cơ sở quan trọng để khẳng định nền độc lập chủ quyền của đất nước. Đối với họ, cuộc chiến tranh chính nghĩa nhằm chống kẻ thù xâm lăng của nhân dân ta là hợp với lẽ trời, thuận lòng người nên được trời giúp đỡ, còn kẻ thù hung bạo tất yếu sẽ bị thất bại, bị tiêu diệt. Chính những tư tưởng đó đã góp phần củng cố lòng tin của nhân dân vào cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc.
————–
(1) Viện Văn học. Thơ văn Lý – Trần, t.3. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978, tr.496-497.
(2) Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam. Nguyễn Trãi toàn tập. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1976, tr.122.
(3) Viện Khoa học xã hội Việt Nam. Đại Việt sử ký toàn thư, t.1. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998, tr.132.
(4) ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam. Nguyễn Trãi toàn tập. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1976, tr.511.
(5) Viện Văn học, Thơ văn Lý – Trần, t.3. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978, tr.60.
(6) ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam. Nguyễn Trãi toàn tập. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1976, tr.275, 424, 389, 454.
(7) Viện Khoa học xã hội Việt Nam. Đại Việt sử ký toàn thư, t.2. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998, tr.288.
(8) Viện Khoa học xã hội Việt Nam. Sđd., tr.221.
(9) Dẫn theo Trần Văn Giàu. Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng tháng Tám, t.1. Nxb Tp. Hồ Chí Minh, 1993, tr.126.
(10) Nguyễn Bá Tĩnh. Tuệ Tĩnh toàn tập, Hội y học cổ truyền, Tp. Hồ Chí Minh, 1994, tr.498.
(11) Cao Xuân Huy – Thạch Can (chủ biên). Tuyển tập thơ văn Ngô Thì Nhậm, t.2. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978, tr.76.
(12) Viện Văn học. Thơ văn Lý – Trần, t.3. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978, tr.392.
(13) Viện Khoa học xã hội Việt Nam. Đại Việt sử ký toàn thư, t.2. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998, tr.45.
(14) Viện Khoa học xã hội Việt Nam. Sđd., t.1, tr.215.
(15) Viện Khoa học xã hội Việt Nam. Sđd., t.1, tr.200.
(16) Viện Văn học. Thơ văn Lý – Trần, t.3. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978, tr.229-230.
(17) ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam. Nguyễn Trãi toàn tập. Sđd., tr.173
Nguồn bài đăng