18/06/2018, 16:23

Nagornyi Karabakh – Điểm nóng mới mà không mới

Nagornyi Karabakh trước khi nổ ra chiến tranh Nguyễn Minh Tâm Nagorno-Karabakh là vùng đất ở phía Nam Kavkaz, nằm giữa vùng hạ Karabakh và Zangezur trên khu vực phía đông nam dãy Kavkz. Hầu hết địa hình là đồi núi và rừng, có diện tích 8.223 kilômét vuông. Đây là vùng sinh sống ...

cbe

Nagornyi Karabakh trước khi nổ ra chiến tranh

Nguyễn Minh Tâm

Nagorno-Karabakh là vùng đất ở phía Nam Kavkaz, nằm giữa vùng hạ Karabakh và Zangezur trên khu vực phía đông nam dãy Kavkz. Hầu hết địa hình là đồi núi và rừng, có diện tích 8.223 kilômét vuông. Đây là vùng sinh sống của người Armenia từ xa xưa. Trước Cách mạng tháng 10 Nga, cả Armenia và Azerbaizhan đều là thuộc địa của đế quốc Nga. Năm 1918, khi Armenia và Azerbaizhan thành lập chính quyền Xô Viết, cả hai nước đã có tranh chấp đối với vùng đất này. Ở thời kỳ Liên bang Xô viết, Nagorno-Karabakh là một tỉnh tự trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết Azerbaizhan vào năm 1923. Năm 1991, sát trước thời điểm Liên Xô sụp đổ, xung đột quân sự đã nổ ra tại đây giữa Armenia và Azerbaizhan. Một cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức tại tỉnh tự trị Nagorno-Karabakh và khu vực Shahumian giáp giới với Armenia với kết quả là Cộng hòa Nagorno-Karabakh tuyên bố độc lập, đặt thủ đô tại thành phố Stepanakert, vốn là thủ phủ của tỉnh tự trị Nagorno-Karrabakh. Tuy nhiên, Liên hợp quốc không công nhận thực thể địa chính trị này.

Xung đột ở Nagorno-Karabakh kéo dài trong 7 năm (1988-1994) giữa Armenia và nước Cộng hòa tự xưng Nagorno-Karabakh được Armenia bảo trợ với Azerbaizhan. Các cuộc xung đột nổ ra không bao lâu sau khi Quốc hội Nagorno-Karabakh, một tỉnh tự trị thuộc Azerbaizhan, bỏ phiếu ủng hộ việc gia nhập Armenia ngày 20-2-1988. Tuyên bố ly khai khỏi Azerbaizhan là kết quả của sự bất bình kéo dài từ phía cộng đồng người Armenia ở Nagorno Karabakh do sự cấm đoán tự do tôn giáo và văn hóa bởi chính quyền Azerbaizhan. Nhưng quan trọng hơn đây là cuộc xung đột tranh giành lãnh thổ. Sau sụp đổ Liên bang Xô Viết. Khi Azerbaizhan tuyên bố độc lập và cách chức chính quyền Nagorno Karabakh, cộng đồng Armenia chiếm tuyệt đại đa số dân cư ở tỉnh này bỏ phiếu tuyên bố ly khai khỏi Azerbaizhan và tuyên bố thành lập nhà nước Cộng hòa Nagorno-Karabakh.

Xung đột vũ trang liên tục leo thang dẫn đến cuộc giao tranh lớn nổ ra vào năm 1991 và lên đến đỉnh điểm vào năm 1992. Các nỗ lực thương thảo từ nhiều tổ chức quốc tế, bao gồm cả OSCE đều thất bại trong việc tìm ra một giải pháp được cả hai bên chấp nhận. Mùa xuân năm 1993, các lực lượng Armenia chiếm được các khu vực nằm phía ngoài Karabahk, khiến cho cuộc xung đột có nguy cơ lan rộng với sự can thiệp của những quốc gia khác trong khu vực.

Tới cuối cuộc chiến, người Armenia giành được quyền kiểm soát phần lớn vùng lãnh thổ, ngoài ra còn chiếm được thêm chừng 9% lãnh thổ Azerbaizhan. Khoảng 230.000 người Armenia từ Azerbaizhan và 800.000 người Azeris từ Armenia và Karabakh đã phải tị nạn do cuộc xung đột. Một cuộc ngưng bắn do Nga làm trung gian được ký kết tháng 5 năm 1994, dẫn đến cuộc đàm phán hòa bình do OSCE làm trung gian. Nhưng cho đến nay, đàm phán vẫn dẫm chân tại chỗ và xung đột lại nổ ra.

1- Những xung đột trong lịch sử:

Chủ quyền lãnh thổ Nagorno-Karabakh cho tới ngày nay vẫn là một vấn đề bị tranh cãi quyết liệt giữa Armenia và Azerbaizhan. Người Armenia gọi nó là Artsakh, với lịch sử kéo dài nhiều thế kỷ, và đã trải qua nhiều ách thống trị của nhiều đế quốc trong vùng. Cuộc tranh chấp trở nên căng thẳng sau Chiến tranh thế giới thứ nhất. Sau khi Đế quốc Ottoman đầu hàng, Đế quốc Nga sụp đổ tháng 10 năm 1917, ba quốc gia ở Kavkaz, là Armenia, Azerbaizhan và Gruzia, trước đó nằm dưới ách thống trị của Sa Hoàng, tuyên bố độc lập và thành lập Liên bang Ngoại Kavkaz, nhưng liên bang này nhanh chóng giải tán chỉ sau ba tháng tồn tại.
Năm 1918, xung đột nhanh chóng bùng lên giữa Cộng hòa Armenia và Cộng hòa Azerbaizhan tại ba vùng Nakhichevan, Zangezur (nay là tỉnh Syunik thuộc Armenian) và vùng Karabakh. Armenia và Azerbaizhan cãi nhau về việc phân định đường biên giới của các tỉnh trên. Người Armenia tại Karabakh muốn tuyên bố độc lập, nhưng không thành công trong việc thiết lập liên lạc với Cộng hòa Armenia. Sau khi Đế chế Ottoman bị đánh bại, quân Anh chiếm đóng miền Nam Kavkaz năm 1919. Chính quyền Anh tạm thời công nhận Khosrov Bey Sultanov (người được bổ nhiệm bởi chính phủ Azerbaizhan) làm tổng trấn Karabakh và Zangezur, trong khi chờ quyết định cuối cùng từ Hội nghị Verseille năm 1919.

Mùa xuân năm 1921, Tập đoàn quân 11 của Hồng quân Liên Xô mở chiến dịch Kavkaz và tiêu diệt các toán thổ phỉ hoạt động ở phía Nam dãy Kavkaz, khôi phục chính quyền Xô viết ở Tbilissi, Erevan và Baku. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết Liên bang Ngoại Kavkaz được thành lập ngày 12-3-1922 và gia nhập Liên bang Xô Viết ngày 30-12-1922. Ngày 5-12-1936, Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Xô viết Liên bang Ngoại Kavkaz được giải thể để thành lập các nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết Gruzia, Armenia và Azerbaizhan. Các nước Cộng hòa này vẫn nằm trong 15 nước cộng hòa của Liên bang Xô Viết. Dưới thời Xô Viết, vấn đề mâu thuẫn sắc tộc giữa người Azerbaizhan và người Armenia được giải quyết tương đối ổn thỏa trên cơ sở sự bình đẳng, hợp tác anh em của các nước thành viên trong Liên bang Xô Viết. Mọi mưu đồ ly khai do các thế lực ngoại bang kích động đều bị dập tắt nhanh chóng. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, người Armenia đã sát cánh chiến đấu cùng với người Azebaizhan, người Gruzia và các dân tộc anh em đánh bại phát xít Đức, bảo vệ Liên bang Xô Viết.

2- Những nguy cơ xung đột khi Liên Xô bắt đầu tan rã.

Mọi chuyện lộn xộn ở Nagorno Karabakh bùng phát trở lại cho chính sách sai lầm của Mikhail Gorbachov và những kẻ thân cận với ông ta trong chính quyền Trung ương Liên Xô ở Moskva mở đường cho chủ nghĩa dân tộc ích kỷ, hẹp hòi trở lại vùng này. Cộng với đó là những sai lầm và sự mất đoàn kết giữa hai ban lãnh đạo của 2 Đảng Cộng sản Armenia và Azerrbaizhan, trong khi họ đều là thành viên của Đảng Cộng sản Liên Xô thống nhất. Với tư cách Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, đứng đầu nhà nước trên thực tế, Mikhail Gorbachov nắm quyền năm 1985 và bắt đầu kế hoạch cải tổ của ông ta. Các kế hoạch đó có thể tóm gọn trong hai chương trình: “perestroika” và “glasnost”. “Perestroika” hướng về cải cách kinh tế, còn “glasnost” trao các quyền tự do ngôn luận có giới hạn, khiến người dân có thể khiếu nại với hệ thống Xô Viết và các nhà lãnh đạo. Trên cơ sở đó, ban lãnh đạo Cộng hòa Xô viết tự trị Karabakh quyết định bỏ phiếu thống nhất lãnh thổ tự trị này với Armenia ngày 20-2-1988. Các nhà lãnh đạo người Armenia ở Karabakh phàn nàn là tại đây không có sách giáo khoa cũng như đài phát thanh dùng tiếng Armenia. Họ cho rằng các lãnh đạo Đảng cộng sản Azerbaizhan, đứng đầu là Bí thư thứ nhất Gaidar Aliyev tiến hành các hoạt động rộng khắp nhằm “Azeris hóa” vùng lãnh thổ này, tăng cường ảnh hưởng cũng như dân số người Azeris sinh sống tại Nagorno-Karabakh, trong khi giảm số dân người Armenian. Tới năm 1988, người Armenia tại Karabakh đã giảm xuống còn ba phần tư tổng số dân cư tại đây.

Dẫn đầu phong trào là các nhân sỹ người Armenia và cả các trí thức Nga, như nhà hoạt động đối lập, từng được giải Nobel, Andrei Sakharov. Trước khi tuyên bố bỏ phiếu trưng cầu thống nhất với Armenia, người Armenia tổ chức biểu tình phản đối và tiến hành bãi công tại Erevan, đòi thống nhất với lãnh thổ Nagorno Karabakh. Người Azeri cũng ngay lập tức biểu tình đáp trả tại Baku. Phản ứng trước các cuộc biểu tình, Gorbachov tuyên bố biên giới giữa các nước cộng hòa không thể xê dịch, theo tinh thần Điều 78 của Hiến pháp Liên Xô năm 1977. Gorbachov cũng tuyên bố là nhiều vùng khác thuộc Liên Xô cũng có mong muốn thay đổi lãnh thổ, nên việc vẽ lại biên giới tại Karabakh sẽ tạo nên một tiền lệ nguy hiểm. Người Armenia nhìn nhận quyết định của chính quyền Xô Viết vùng Kavkaz năm 1921 tách Karabakh khỏi Armenia là một sai lầm. Họ cho rằng bằng quyết tâm của mình, có thể sửa chữa một sai lầm có tính chất lịch sử ấy theo nguyên tắc tự quyết là một quyền được đảm bảo trong hiến pháp. Người Azeri thì coi đòi hỏi chia cắt lãnh thổ bởi người Armenia là không thể hiểu nổi và ủng hộ lập trường của Gorbachov.

Chính quyền trung ương Liên Xô dưới sự lãnh đạo của Gorbachov đã không có giải pháp thỏa đáng và liên tiếp mắc hết những sai lầm này đến sai lầm khác. Sai lầm đầu tiên là việc rút các lực lượng của Bộ Nội vụ Liên Xô khỏi khu vực đang có nguy cơ xung đột. Khi rút đi, đội quân đông tới 8 sư đoàn này đã bỏ lại cho người Armenia và người Azerbaizhan một số lượng khổng lồ vũ khí, đạn dược và xe quân sự. Số quân này được chính quyền Gorbachov gửi đến từ 3 năm trước không những không hoàn thành nhiệm vụ chính là ngăn chặn xung đột mà còn bán lại vũ khí cho bất kỳ phe nào, thậm chí còn bán xe tăng và xe bọc thép chở quân. Các kho vũ khí Liên Xô tại đây không được kiểm soát là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến cuộc chiến. Các thế lực nước ngoài cũng lợi dụng sự yếu kém của chính quyền Trung ương Liên Xô để tuồn vũ khí vào cho cả hai phe. Trong đó, người Azeris đã mua được 286 xe tăng, 842 xe bọc thép và 386 pháo. Một số chợ đen vũ khí cũng bắt đầu hoạt động. Vũ khí xuất xứ từ Mỹ và phương Tây được bày bán công khai.

Trong các cuộc điều tra sau khi chiến tranh tạm ngừng, người ta thu thập được rất nhiều bằng chứng cho thấy phía Azerbaizhan nhận được nhiều viện trợ quân sự từ phía Israel, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều quốc gia Arabia. Phía Armenia cũng không chịu kém, Cộng đồng Armenia hải ngoại quyên góp một số lớn tiền bạc gửi về cho Armenia. Thậm chí họ còn vận động Quốc hội Mỹ ban hành luật “Section 907 of the Freedom Support Ac” để phản đối việc Azerbaizhan tiến hành phong tỏa Armenia; hạn chế việc hỗ trợ quân sự của Mỹ cho Azerbaizhan năm 1992. Trong khi phía Azerbaizhan buộc tội người Nga hỗ trợ cho phía Armenia. Trên thực tế, binh lính người Azeri trong khu vực được vũ trang tốt hơn rất nhiều bằng vũ khí thời Xô Viết so với đối thủ Armenia của họ.

3- Chiến tranh nóng Nagorno Karabakh (1991-1994)

Dân quân Nagorno Karrabakh tự trị chỉ có khoảng 20.000 người, được trang bị 13 xe tăng, 120 xe bọc thép và 12 khẩu pháo. Sau lưng đội quân này là quân đội chính quy Armenia với quân số 20.000 người, được trang bị 160 xe tăng, 440 xe bọc thép, 170 khẩu pháo và hơn 100 máy bay. Quân đội Azerbaizhan đã đưa đến chiến trường 42.000 quân, 240 xe tăng, 840 xe bọc thép, 330 khẩu và 170 máy bay. Ngoài ra, chiến đấu bên hàng ngũ quân Azerbaizhan còn có Lữ đoàn tình nguyện 709 của tỷ phú người Azeris Suret Guseynov, Lữ đoàn Sói xám của Isganda Gamidov vốn là một trùm phỉ đã bị quân Bộ Nội vụ Liên Xô đánh đuổi, phải lưu vong ở Thổ Nhĩ Kỳ. Chính phủ Azerbaizhan bỏ ra một khoản tiền lớn để tuyển mộ lính đánh thuê từ nguồn lợi dầu mỏ. Như thường thấy trong lịch sử xung đọt ở khu vực này, Thổ Nhĩ Kỳ yểm trợ cho Azerbaizhan, còn Nga thì ủng hộ người Armenia.

Chiến sự bùng nổ ác liệt vào ngày 23-2-1992 khi pháo binh Azerbaizhan đóng tại căn cứ Khozhaly bắn phá các đơn vị Armenia và Nga đóng tại Stepanaker, thủ phủ Nagorno Karabakh. Ngay lập tức, căn cứ này bị quân Nga và Armenia bao vậy, phong tỏa. Ngày 26-2-1992, các lực lượng Armenia, được xe bọc thép thuộc Trung đoàn thiết giáp 366 của Nga hỗ trợ, mở cuộc tấn công đánh chiếm Khojaly. Với lực lượng áp đảo, quân Armenia dễ dàng tràn ngập căn cứ này. Quân Azerbaizhan cùng dân chúng bỏ chạy về thành phố Agdam ở phía bắc, khi đó vẫn do người Azeris kiểm soát. Đường băng của sân bay bị phá hủy không thể sử dụng được. Quân Armenia truy kích những người bỏ chạy và bắn vào họ, khiến cho hàng chục dân thường bị thiệt mạng. Phía Azerbaizhan cho biết đã có có 613 thường dân người Azeris, trong đó có 106 phụ nữ và 83 trẻ em bị thiệt mạng tại Khozhaly. Còn phía Armenia thì cáo buộc chính quyền Baku cố tình thổi phòng con số thương vong của thường dân.

Sau sự kiện Khozhaly, ngày 6-3-1992, tổng thống Azerbaizhan, ông Ayaz Mutalibov buộc phải từ chức do sức ép dư luận bất bình về thất bại của quân đội Azebaizhan trong việc bảo vệ và di tản dân cư ở Khozhaly. Thay thế ông ta là Yagub Mammadov. Trong các tháng tiếp theo, các chỉ huy người Azeri cố bám trụ ở thành lũy cuối cùng trong vùng là Shusha đã tiến hành một cuộc bắn phá quy mô lớn vào thủ phủ Stepanakert bằng các dàn hỏa tiễn nhiều nòng BM-21 Grad. Suốt trong tháng 4-1992, các cuộc bắn phá khiến cho 50.000 người dân Stepanakert phải trú ẩn trong các công sự và tầng hầm.

Đối phó với các cuộc đột nhập bằng bộ binh vào các vị trí ngoại vi thành phố, các chỉ huy quân sự Nagorno-Karabakh tổ chức một chiến dịch đánh chiếm thị trấn này. Ngày 8-5-1992, một lực lượng gồm hàng trăm quân Armenia, hỗ trợ bởi xe tăng và máy bay trực thăng, tiến công pháo đài Shusha. Giao tranh quyết liệt diễn ra trên đường phố thị trấn, khiến cho hàng trăm người thuộc cả hai phía thiệt mạng. Không thể chống lại lực lượng áp đảo, các chỉ huy người Azeris tại Shusha hạ lệnh rút lui. Chiến sự tạm chấm dứt ngày 9-5-1992.

Việc Shusha thất thủ làm rung động Thổ Nhĩ Kỳ. Quan hệ giữa quốc gia này và Armenia vốn đã trở nên tốt hơn sau khi Armenia giành được độc lập, nhưng dần xấu đi từ khi Armenia chiếm được ưu thế tại Nagorno-Karabakh. Người Armenia vẫn thù oán người Thổ, kể từ cuộc diệt chủng ở Armenia do Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành từ trước khi Liên Bang Xô Viết hình thành. Nhiều người Armenia vẫn gọi người Azeris là “người Thổ”, vì họ có chung nguồn gốc dân tộc. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ khi đó là Suleyman Demirel, cho biết ông ta chịu sức ép nặng nề phải can thiệp và hỗ trợ Azerbaizhan. Tuy nhiên Demirel phản đối chính sách can thiệp quân sự vì cho rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ động binh sẽ làm bùng nổ cuộc xung đột Hồi giáo – Thiên chúa giáo ở khu vực đầy nhạy cảm này. Tuy không gửi quân tham chiến nhưng Thổ Nhĩ Kỳ đã viện trợ một số lớn trang thiết bị quân sự và cử cố vấn quân sự yểm trợ cho Azerbaizhan. Tháng 5-1992, Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang SNG, Nguyên soái Yevgeny Shaposhnikov, ra một thông điệp cảnh cáo các quốc gia phương Tây, đặc biệt là Mỹ, không nên can thiệp vào cuộc xung đột tại Kavkaz; bởi sự can thiệp đó sẽ đẩy Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) tới bờ vực Chiến tranh thế giới lần thứ ba và việc đó là không thể chấp nhận được.

Trong khi cuộc chiến đang đến hồi quyết liệt thì các thế lực khủng bố mang danh Hồi giáo người Cherchenia được Mỹ yểm trợ thông qua Gruzia đã tham chiến tại đây và làm tình hình càng trở nên phức tạp hơn. Một cánh quân Chechnya do trùm phỉ Shamil Basayev đã tham chiến. Viên đại tá người Azeris có tên Azer Rustamov cho biết: ”Vào năm 1992 đã có hàng trăm quân tình nguyện Chechen do Shamil Basayev và Salman Raduev chỉ huy tham chiến và dành cho chúng tôi sự giúp đỡ to lớn trong các trận đánh”. Basayev được cho là một trong số các chiến binh cuối cùng rút khỏi Shusha. Sau này, chính Basayev đã cho biết trong cuộc đời binh nghiệp của mình, y và tiểu đoàn của mình chỉ thất trận một lần duy nhất. Đó là trận chiến ở Karabakh chống lại tiểu đoàn ‘”Dashnak”. Y cho biết nguyên nhân rút cánh quân mujahideen của mình khỏi cuộc xung đột là khi chiến sự trở nên mang tính dân tộc chủ nghĩa hơn là thánh chiến. Cũng tại đây Basayev lần đầu biết đến Amir Ibn Khattab, một trong các trùm khủng bố khét tiếng người Chechnia được CIA yểm trợ.

Thất bại liên tiếp trên chiến trường đã khiến chính trường Baku hỗn loạn. Ngày 15-5-1992 Quốc hội Azebaizhan buộc Yagub Mammadov phải chịu trách nhiệm và phế truất ông ta, đồng thời dỡ bỏ mọi trách nhiệm cho Ayaz Mutalibov trong việc Khozhaly thất thủ và tái bổ nhiệm ông này làm tổng thống. Cuộc bầu cử quốc hội Azerrbaizhan theo dự định sẽ tiến hành vào tháng 6 năm đó cũng bị bãi bỏ. Nhiều người Azeris xem động thái này là một cuộc đảo chính.

Ngày 18-5-1992, người Armenia mở cuộc tấn công đánh chiếm thị trấn Lachin trên hành lang chiến lược ngăn cách Armenia và Nagorno-Karabakh. Thị trấn này chỉ được phòng ngự rất sơ sài, nên chỉ trong ngày hôm sau, người Armenia đã chiếm được thị trấn và càn quét tàn quân Azeris để mở con đường tiếp nối với Armenia, cho phép các đoàn xe tiếp viện có thể băng qua con đường đèo Lachin tiến vào Karabakh. Việc Lachin thất thủ là đòn cuối cùng giáng vào chế độ Mutalibov. Các cuộc biểu tình diễn ra bất chấp lệnh cấm kéo theo cuộc bạo loạn của những người theo Mặt trận bình dân Azerbaizhan bùng nổ thành nội chiến trong lòng Azerbaizhan. Giao tranh giữa quân chính phủ và người của Mặt trận bình dân ngày càng ác liệt. Phe đối lập đánh chiếm nhà quốc hội ở Baku, sân bay và phủ tổng thống. Ngày 16-6-1992, Abulfaz Elchibey được bầu làm Tổng thống Azerbaijan. Nhiều thủ lĩnh của đảng Mặt trận bình dân cũng được bầu vào nghị viện. Những người chủ xướng cuộc nổi dậy cáo buộc Mutalibov lơ là trách nhiệm và tở ra yếu kém trong cuộc chiến ở Karabakh. Elchibey kiên quyết phản đối việc nhờ Nga hỗ trợ và tìm kiếm sự liên kết chặt chẽ với Thổ Nhĩ Kỳ.

Từ mùa Hè đến mùa Đông năm 1992, giao tranh vẫn tiếp tục nổ ra trên chiến trường. Quân Azerbazhan mở một số cuộc phản công như không bẻ gãy được sức kháng cự quân quân Nagorno-Karrabakh. Hội nghị an ninh và hợp tác châu Âu CSCE (tiền thân của Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu OSCE) đã cố gắng tìm kiếm giải pháp chính trị để chấm cuộc chiến nhưng đều thất bại bởi không bên tham chiến nào chịu từ bỏ mục tiêu của mình. CSCE đề xuất sử dụng lực lượng gìn giữ hòa bình NATO và SNG để kiểm soát lệnh ngừng bắn, bảo vệ các chuyến hàng nhân đạo gửi đến cho người tị nạn nhưng Nga kiên quyết phản đối sự có mặt của bất kỳ lực lượng đa quốc gia nào ở vùng núi Kavkaz, coi đó là hành vi xâm lấn vào ”sân sau” của mình. Các thất bại quân sự đã dẫn đến những rối loạn trong nội bộ Azerbaizhan.

Quân đội Azerbaizhan ngày càng lâm vào tình thế tuyệt vọng, Bộ trưởng Quốc phòng Gaziev và lữ đoàn Huseynov quay sang cầu cứu Nga, một bước đi ngược lại với chính sách của Elchibey và bị xem là bất phục tùng. Các cuộc ẩu đả chính trị và tranh cãi về việc dịch chuyển vị trí các đơn vị quân đội giữa Bộ trưởng Nội vụ Isgandar Hamidov và Gaziev dẫn đến việc ông này từ chức vào ngày 20-2-1993. Phía bên kia chiến tuyến, một cuộc cải tổ nội các cũng diễn ra ở Armenia, Tỏng thống Ter-Petrossian bãi nhiệm thủ tướng Khosrov Arutyunyan và nội các vì không thực thi được kế hoạch phục hồi kinh tế. Các cuộc biểu tình phản đối của người Armenia chống lại Ter-Petrossian cũng bị dập tắt.

Từ đầu mà hè năm 1993, quân Armenia mở lại các cuộc tấn công, đánh chiếm Kelbazhar ngày 3-4. Ngày 30-4, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua Nghị quyết 822 được đồng bảo trợ bởi Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan. Nghị quyết xác nhận Nagorno-Karabakh là một phần không thể tách rời của Azerbaijan và yêu cầu lực lượng Armenia rút khỏi Kelbazhar. Tuy nhiên, nghị quyết này bị Armenia bác bỏ và không bao giờ được thi hành. Trong một diễn biến chính trị ở Baku, Suret Guseynov phàn nàn về sự yếu kém của Tổng thống Elchibey trong việc giải quyết cuộc xung đột và liền bị Elchibey tước quân hàm đại tá. Tức giận vì bị xúc phạm, ngày 11-6-1993, Suret Guseynov đưa lữ đoàn của ông ta tiến về Baku làm một cuộc đảo chính lật đổ tổng thống Elchibey, yêu cầu ông này quyền lực được chuyển cho nghị sĩ Gaidar Aliev, cha đẻ tổng thống Azerrbaizhan đương nhiệm Ilgam Aliyev. Ngày 18-6-1993, Guseynov được bổ nhiệm làm thủ tướng Azerbaizhan.

Quân đội Armenia đã nắm lấy cơ hội khủng hoảng chính trị ở Baku, khiến cho mặt trận Karabakh gần như bỏ ngỏ. Mùa hè năm 1993, quân Armenia đã giành được quyền kiểm soát them 5 tỉnh lân cận và phần phía bắc của Nagorno Karabakh. Quân Azerbaizhan không thể chặn được bước tiến của người Armenia, phải bỏ hầu hết các vị trí của mình mà không kháng cự. Tới cuối tháng 6, quân Azerbaizhan đã bị đánh bật khỏi bàn đạp chiến lược Martakert. Từ tháng 7 đến tháng 9-1993, quân Armenia lần lượt đánh chiếm các khu vực Agdam, Fizuli, Jebrail và Zangelan. Trước đà chiến thắng của người Armenia, thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tansu Çiller, cảnh cáo chính quyền Armenia không được phép tấn công tỉnh Nakhichevan và đòi người Armenia phải rút khỏi lãnh thổ Azerbaizhan. Cuối tháng 9-1993, hàng ngàn lính Thổ Nhĩ Kỳ được bó trí tới biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia. Quân đội Liên bang Nga đồn trú tại Armenia phản ứng lại bằng cách tăng cường lực lượng ở khu vực biên giới, ngăn ngừa khả năng quân Thổ can thiệp quân sự vào cuộc xung đột.

Nguy cơ sụp đổ hoàn toàn của Azerbaizhan đã làm cho Mỹ và các nước phương Tây sốt ruột. Bởi Mỹ và các nước phương Tây cùng với Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai nhiều dự án khia thác dầu mỏ và khi đốt tại vùng ven bờ phía Tây biển Caspian mà trọng điểm là Azerbaizhan. Các công ty dầu của Hoa Kỳ như Exxon, Texso, Mega Oil… đã bỏ tiền thuê chuyên gia quân sự huấn luyện cho quân đội Azerrbaizhan với điều kiện tiên quyết là chính phủ Azerbaizhan cho phép họ được khoan khai thác dầu ở các vỉa dầu mỏ của Azerbaizhan. Tháng 10-1993, Gaidar Aliev chính thức được bầu là tổng thống Azerrbaizhan trong hoàn cảnh đất nước kiệt quệ và quân đội đứng trước nguy cơ sụp đổ. Ông này đã mở một cuộc tuyển mộ các chiến binh đánh thuê từ lực lượng Mujaheedin ở Afghanistan và người Arabia ở Trung Đông. Azerbaizhan còn tìm cách tuyển mộ người thiểu số Lezgin và Talysh ở vùng giáp biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ vào quân đội.

NEW UPDATED armenia_azerbaijan_gas-2

Ngày 10-1-1994, quân Azerbaizhan mở chiến dịch tiến công vào khu vực bàn đạp Mardakert để từ đây tái chiếm phần phía bắc Karabakh. Sau khi chiếm được một số cứ điểm ở phía bắc và nam Karabakh, quân Azerbaizhan bị chặn lại. Quân đội Armenia bắt đầu phản công bằng lực lượng dân quân cùng với quân chính quy và quân của Bộ Nội vụ. Trong hai chiến dịch mùa đông, Azerbaizhan tổn thất tới 5.000 sĩ quan và binh lính, trong khi Armenia chỉ mất chừng vài trăm người. Chiến dịch chính của phía Azebaizhan nhằm tái chiếm quận Khelbazhar để trực tiếp uy hiếp hành lang Lachin đã thất bại. Cuộc tiến công lúc đầu chỉ gặp sự kháng cự yếu ớt và quân Azebaizhan dễ dàng chiếm được đèo Omar. Ba ngày sau, quân Armenia phản công. Các trận đánh đẫm máu diễn ra với sự thất bại nặng nề của quân Azebaizhan. 7 lữ đoàn quân Azeris bị bao vây và cô lập khi quân Armenia chiếm lại đèo Omar và cuối cùng bị tiêu diệt hoàn toàn.

Sau thất bại này, quân đội Azerbaizhan đứng trước bờ vực sụp đổ. Trái với sự ủng hộ của Mỹ và phương Tây giành cho Baku. Các chuyên gia phân tích chính trị quốc tế cho rằng Azerbaizhan đã tự làm hại chính mình khi chọn giải pháp quân sự để đối đầu với Armenia tại Nagorno-Karrabakh. Giáo sư Nga Georgiy I. Mirsky cũng đồng tình với nhận định đó, ông nói “Karabakh không có giá trị với người Azerbaizhan như với người Armenia. Có lẽ đó là lý do mà những thanh niên tình nguyện từ tận nội địa Armenia cũng hăng hái xung phong chiến đấu và hy sinh cho mảnh đất Karabakh hơn là người Azerbaijan.” Thực tế này được phóng viên chiến trường Michael Specter của tờ New York Times ghi nhận: ‘‘Tại Stepanakert, không thể nào tìm được một người đàn ông, dù là quân tình nguyện hay người địa phương, mà không mặc quân phục. Ngược lại, ở Azerbaijan, thanh niên trong độ tuổi quân dịch thì lại la cà trong các quán cà phê”. Trước đó, vào năm 1989, khi xung đột ở Nogorno Karabakh mới bùng phái, Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô Andrey Dmitrievich Sakharov đã nhận định: “Với Azerbaizhan, vấn đề Karabakh chỉ là lòng tham, còn với người Armenia ở Karabakh, đó là vấn đề sinh tử.”.

4- Một giải pháp hòa bình nửa với:

Sau sáu năm chiến tranh ác liệt, cả hai phía đều đã sẵn sàng ký lệnh ngưng bắn.

Azerbaizhan, sau khi đã cạn kiệt nguồn lực quốc gia và thất bại toàn diện về quân sự, đã phải nhờ Nga và CSCE đưa ra giải pháp ngưng bắn. Các chỉ huy Armenia tuyên bố họ không có bất kỳ trở ngại nào trên đường thẳng tiến đánh chiếm Baku. Đường biên giới mới chỉ hạn chế tại Karabakh và các tỉnh giáp gianh. Các kênh liên lạc ngoại giao giữa Armenia và Azerbaijan được tăng cường trong tháng 5-1994. Các trận đánh cuối cùng của trận chiến diễn ra gần Shahumyan trong một loạt các cuộc chạm trán giữa quân Armenia và Azerbaizhan tại Gulistan. Tuy nhiên, ngọn lửa chiến tranh đang dần lụi tàn. Ngày 15-5-1994, các lãnh đạo của Armenia, Azerbaijan, Nagorno-Karabakh và Nga gặp nhau tại Moskva để ký kết một hiệp định ngưng bắn. Tại Azerbaizhan, nhiều người vui vẻ đón mừng lệnh ngừng bắn, trong khi nhiều người khác muốn lực lượng gìn giữ hòa bình đóng tại khu vực đó mà không phải là quân đội Nga. Tuy nhiên, CSCE buộc phải chấp nhận để Nga làm trung gian hòa giải do Nga kiên quyết không chấp nhận quân đội đa quốc gia có mặt tại vùng gần biên giới Nga dù dưới bất kỳ danh nghĩa nào.  Sau khi Hiệp định ngừng bắn dược ký kết, các cuộc giao tranh lẻ tẻ tiếp tục tại một số nơi nhưng các phe đều xác nhận họ quyết tâm tôn trọng lệnh ngừng bắn.

Cho tới nay, cuộc xung đột Nagorno-Karabakh vẫn là một trong những bất ổn âm ỉ ở các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, cùng với các cuộc xung đột ở Abkhazia và Nam Ossetia cũng như ở khu vực Transnistria thuộc Moldova. Karabakh tiếp tục nằm dưới sự quản lý của chính phủ Cộng hòa Nagorno-Karabakh và nước Cộng hòa này đã có quân đội riêng (NKRD). Ngược lại với những gì giới truyền thông đưa tin về khía cạnh tôn giáo của người Armenia và Azeris, tôn giáo chưa bao giờ đóng vai trò quan trọng như một nguyên nhân gây ra chiến tranh. Nguyên nhân chính vẫn là vấn đề lãnh thổ và quyền con người của người Armenia tại Karabakh. Kể từ năm 1995, đồng chủ tịch của nhóm Minsk tiếp tục đàm phám với chính phủ Armenia và Azerbaizhan để tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột. Nhiều đề nghị được đưa ra, chủ yếu tập trung vào việc thuyết phục mỗi bên nhân nhượng trong một số điểm. Một đề nghị được đưa ra là binh lính Armenia rút khỏi 7 khu vực xung quanh Karabakh, Azerbaizhan sẽ chia sẻ nguồn lợi kinh tế, bao gồm cả lợi nhuận từ đường ống dẫn dầu từ Baku, trung chuyển qua Armenia để đến Thổ Nhĩ Kỳ. Các đề xuất khác bao gồm Azerbaizhan sẽ trao quyền tự trị rộng rãi cho vùng này, gần như được độc lập. Armenia cũng phải chịu nhiều sức ép do bị đe dọa loại khỏi các lợi ích phát triển kinh tế diễn ra trong khu vực, bao gồm tuyến đường ống dẫn dầu Baku-Tbilisi-Ceyhan và tuyến đường sắt Kars-Tbilisi-Baku.

Giống như tình hình bán đaro Triều Tiên, các cuộc đàm phán để đem lại một giải pháp toàn bộ đối với Nagorno-Karabakh đều dẫm chân tại chỗ. Trên lý thuyết, giữa Armenia và Azerbaizhan vẫn đang trong tình trạng chiến tranh và chiến sự có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào. Bên cạnh đó, Mỹ và phương Tây chưa bao giờ từ bỏ âm mưu làm quy yếu Nga bằng cách “nhóm lửa” gây bất ổn bên các sườn của Nga trong “không gian Hậu Xô Viết” vốn đầy rẫy những bất ổn do tranh chấp giữa các nhóm sắc tộc được các thế lực phản động quốc tế lợi dụng. Và cuối cùng, do giải pháp hòa bình nửa vời đối với vấn đề Nagorno-Karabakh, xác suất sự bùng phát trở lại của chiến sự là rát cao. Vấn đề chỉ còn là thời gian và thời điểm. Và ngày 1-4-2016 vừa qua, nó đã bùng phát khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin phải kêu gọi hai bên lập tức chấm dứt các hành động quân sự, lập tức ngừng bắn và kiềm chế để tránh gây thêm thương vong.

Nguồn bài đăng

0