18/06/2018, 16:24

Lê Quý Dật Sử

Phạm Văn Thắm Xã hội phong kiến Việt Nam cuối thời Lê – Trịnh đã xẩy ra nhiều biến động lịch sử. Trong kho tàng thư tịch Hán Nôm, chúng ta còn giữ được nhiều sách sử ghi chép về giai đoạn này. Ngoài các bộ chính sử như Đại Việt sử ký toàn thư, Phần Tục biên, hay Việt sử thông giám ...

abc.jpg

Phạm Văn Thắm

Xã hội phong kiến Việt Nam cuối thời Lê – Trịnh đã xẩy ra nhiều biến động lịch sử. Trong kho tàng thư tịch Hán Nôm, chúng ta còn giữ được nhiều sách sử ghi chép về giai đoạn này. Ngoài các bộ chính sử như Đại Việt sử ký toàn thư, Phần Tục biên, hay Việt sử thông giám cương mục, còn có loại dã sử (sách sử do tư nhân chép như Lịch triều tạp kỷ (Ngô Quang Lãng), Lê Quý Kỷ sự (Nguyễn Thu) Vấn Lê di sử (Nguyễn Quốc Ninh); Hậu Lê dã lục; Hậu Lê thời sự kỷ lược; Lê quý dật sử… mỗi tác phẩm đều có nét đặc trưng và giá trị riêng. Nhiều tác phẩm đã được xuất bản như Lịch triều tạp kỷ Lê quý kỷ sự. Trong bài viết này, chúng tôi muốn bàn về vấn đề tác giả và giá trị sử.

I. Vấn Đề tác giả của dật sử.

Lê quý dật sử không để tác giả, ghi chép các sự kiện lịch sử theo thể biên niên từ năm Mậu Dần Cảnh Hưng thứ mười chín (1758) đến năm Quý Sửu Cảnh Thịnh một (1793). Sách này có một bản, hiện để tại thư viện Viện Sử học, kí hiệu HV.195, 140 trang, chữ viết có Nôm, lối đá thảo.
Từ trước tới nay Lê quý dật sử được trích dẫn trong nhiều công trình nghiên cứu, nhưng ít người đề cập tới tác giả của nó. Riêng Lược truyện các tác gia Việt Nam có ghi nhận tác giả của sách là Bùi Dương Lịch(1). Trong lời giới thiệu sách Đại Việt sử kí toàn thư phần Bản kỷ tục biên, cũng có nhắc lại Lê quý dật sử là của Bùi Dương Lịch nhưng vấn đề chưa được chứng minh. Vậy ở đây, chúng tôi sẽ trình bày rõ những chứng cứ cho thấy tác giả của Lê quý dật sử chính là Bùi Dương Lịch.

Trước hết, đi vào nội dung, cuốn sách có tới mười một chi tiết liên quan tới cuộc đời tư của Bùi Dương Lịch ở các thời kỳ: thi đỗ tam trường và thi đỗ Hoàng giáp năm Chiêu Thống một (1787); ra Thăng Long gặp lúc nghĩa quân Tây Sơn ra Bắc tiêu diệt họ Trịnh, Phải lẩn trốn tại thôn Phùng Quang; làm quan phò giúp Lê Chiêu Thống, không đi với phong trào Tây Sơn…(2) Những chi tiết này viết khá cụ thể, sinh động, như: Thấy cảnh kiêu binh làm loạn “Huấn đạo Bùi Dương Lịch đang ở kinh có bài thơ:

Phiên âm:

Nam lai nhất kỵ dịch trần phi
Quốc thế biên tình vị khả tri
Tuệ giới bất linh biên tướng cấp
Thái A ký đảo viện bình trì
Thuỳ đầu Ban lão phong hầu bút
Bất kiến Phùng quân thoái lỗ thi
Vô kể ưu thiên hoàn tự tiếu
Khu khu văn mặc quả hà vi.

Dịch nghĩa:

Một con ngựa chạy trạm từ phương Nam phi tới
Thế nước và tình nơi biên cương chưa biết thế nào
Phật chùa không thiêng, tướng cầm quân nơi biên cương nguy cấp
Gươm Thái A cầm ngược cán, viện binh chậm trễ.
Ai ném bút {tòng quân} được phong hầu như Ban Lão
Không thấy thơ lui “giặc của Phùng quân”
Cứ tự cười mình lo trời sập, mà chả có mưu kế gì.
Bo bo với sách vở thì làm được gì.

Hay khi theo Chiêu Thống chạy trốn Tây Sơn “Bùi Dương Lịch đi Lang Tài tìm vua, không qua được quãng đò Bình phải quay về có thơ rằng…” (tờ 46b). Nghiên cứu tất cả các chi tiết đó, theo chúng tôi, đấy không phải là Bùi Dương Lịch thì khó ai có thể viết ra những chi tiết về quãng đời tư của ông một cách tường tận như vậy.

Thứ hai, về lập trường quan điểm của người viết. Các sử gia phong kiến thời Hậu Lê phần nhiều đều mang tư tưởng “không phò chính thống” và coi các phong trào nông dân là “Nguỵ” là “giặc” cả những tư tưởng “khuông phò chính thống” ở mỗi tác phẩm lại có các biểu hiện khác nhau, thường đề cao họ Trịnh, hạ thấp uy quyền nhà Lê, riêng ởLê quý dật sử những đoạn nói đến vua Lê đều rất cung kính, trân trọng, ngược lại khi miêu tả chúa Trịnh, tác giả lại biểu thị thái độ phủ định rõ rệt, như đoạn nói về Trịnh Bồng “Bồng vốn tính nhu nhược, thiếu tình quyết đoán, đối với bề dưới thì bẽn lẽn, chính sự đều do tay Tích Nhưỡng. Các bề tôi chỉ so kè chức vị hơn kém, không lo việc nước, kẻ trong ngoài chỉ nghiêng nghé dòm ngó lẫn nhau, bọn thủ hạ cướp bóc dân ven thành giữa ban ngày không ai kiềm chế nổi…”(tờ 40a). Rõ ràng ở đây tác giả đề cao họ Lê, hạ thấp vai trò họ Trịnh. Còn đối với Tây Sơn, chiến thắng chống quân xâm lược nhà Thanh chỉ được tác giả ghi lại có ít dòng, nhưng cái gọi là “tội” của Tây Sơn được tác giả ghi lại rất nhiều. Những điều này rất phù hợp với những chi tiết có liên quan tới tiểu sử của Bùi Dương Lịch được ghi ngay trong tác phẩm này_ một con người đã từng làm quan phò giúp Lê Chiêu Thống, mong muốn khôi phục lại uy quyền cho nhà Lê, một con người biết khá nhiều về phong trào Tây Sơn, nhưng do mang nặng tư tưởng trung quân mà không đi với Tây Sơn.

Thứ ba, trong sách Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch(3) có phần tiểu truyện Bùi Dương Lịch và một số sự kiện xảy ra trong năm 1786. Nếu so sánh một số đoạn ghi chép trong tác phẩm này với các đoạn tương ứng trong Lệ quý dật sử thì thấy từ nội dung các sự kiện được miêu tả cho đến lối hành văn, kể cả tên riêng ở hai tác phẩm này đều giống nhau. Điều này chứng tỏ chúng có chung nguồn gốc và do Bùi Dương Lịch viết, ví dụ:

– Nghệ An ký chép: “Ngày 24 tin từ biên giới báo về, đình thần bàn việc sai tướng đem quân vào cứu viện và bàn sách lược phòng thủ các trấn. Nội giám là Quyên được Trịnh Đoan Vương tin cầu xin cẩn cho con nuôi là Mãn làm thống lĩnh, đình thần viết thư bác đi bác lại ba bốn lần…(tờ 75a).”

– Lê quý dật sử chép: “Ngày 24 tin từ biên giới báo về, đình thần bàn việc sai tướng đem quân vào cứu viện và bàn kế bảo vệ các trấn. Xin cho con nuôi là Mân làm Thống lĩnh, đình thần viết thư bác đi bác lại ba bốn lần vẫn chưa quyết định (tờ 31a).

– Nghệ An ký chép: “Vua đến dụ Chỉnh hộ giá, Chỉnh xin cho con là Hoằng đi theo, Hoằng từ chối, Chỉnh chần chừ nhìn quanh trong nhà, trời sắp mưa. Bị ép mãi Hoằng bất đắc dĩ phải theo…”

– Lê quý dật sử chép: “Vua đến dụ chỉnh hộ giá, Chỉnh xin cho con là Hoằng đi theo, Hoằng từ chối, Chỉnh chần chừ nhìn quanh trong nhà, trời sắp trưa. Bị ép mãi Hoằng bất đắc dĩ phải theo…” (tờ 45a).

Các tác phẩm ghi chép về giai đoạn cuối Lê như Hậu Lê dã lục, Hậu Lê thời sự kỷ lược, Việt sử thông giám cương mục… đều chép con của Chỉnh là Du. Riêng Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch, chúng ta có thể khẳng định tác giả của Lê quý dật sử là Bùi Dương Lịch.

II. vài nét về đặc trưng và giá trị sử liệu của tác phẩm:

Lê quý dật sử đã ghi chép được nhiều sự kiện lịch sử khá chi tiết. Sở dĩ như vậy là vì Bùi Dương Lịch đã sống cùng thời với những biến động thời bấy giờ. Rất có thể tác giả đã xem các sách sử ghi chép về giai đoạn này nhưng ông thấy còn nhiều thiếu sót. Là chứng nhân của những biến động xã hội, hơn nữa lại là một nhân vật có vai trò lịch sử trong một thời gian khá dài. Bùi Dương Lịch có điều kiện thuận lợi ghi lại một cách chi tiết nhiều sự kiện mà các tác phẩm khác bỏ qua. Đây chính là nguyện vọng của các tác giả và cũng là nét tiêu biểu của tác phẩm. Những sự kiện mà Bùi Dương Lịch đã ghi lại, có thể chia làm hai loại:

1. Loại ghi tóm tắt: Đại để các sự kiện lớn mà chính sử đã ghi, tác giả đã tóm tắt cho dễ theo dõi.

2. Loại ghi chi tiết thêm: Ví dụ về thi cử thì các sách sử đều ghi chép về khoa cử. Nhưng qua Lê quý dật sử ta biết thêm về những tệ nạn, phiền toái trong thi cử. Lê quý dật sử chép: “Các quyển thi của các bậc sảo thông(4) lại dùng nhiều duyệt lẫn với các quyển thi của bậc thứ thông(5) và bọn trẻ nhỏ. Do vậy nhiều người bất hạnh bị trượt hoặc là “việc kho hạch cho người trong sổ và ngoài sổ(6) hơn kém nhau nhưng cũng có khoa không cho hơn kém nhau mà đánh trượt cả. Như vậy há không phiền phức tạo ra vận rủi may cho học trò và mở đường cho quan khảo hạch ăn hối lộ đó sao?…(tờ 10, T1). Về loạn kiêu binh, Lê quý dật sử ” chép rõ “kiêu binhđòi hỏi mối lợi nơi điếm tuần, bến đò, đầm hồ, gò bãi, của ải, chợ búa. Dân chúng khổ sở về sự quấy nhiễu hà khắc của chúng” (tờ 24).

3. Loại bổ sung thêm, không thấy ghi ở các sử sách khác. Về loại này khá phong phú. Thí dụ Lê quý dật sử đã sưu tập chép được nhiều thơ văn bằng chữ Nôm, qua đó ta thấy được chữ Nôm hồi ấy đã được sử dụng rất rộng rãi trong các hoạt động của đời sống xã hội. Lê quý dật sử đã trích ghi lại bốn câu thơ Nôm của Nguyễn Huệ viết về Nguyễn Hữu Chỉnh:

“Gạo Phục Ba khéo chất hình non
Đường Thục đạo rõ bầy nơi hiểm dễ
Đây nhược thuỷ hay dò đáy nước
Sông Nhị Hà tỏ mạch chôn sâu nông.
(tờ 47a)

Lê quý dật sử cũng ghi lại hoàn chỉnh hai bài hịch bằng chữ Nôm; Bài hịch của lính tam phủ khi nổi dậy phể Cán lập Tông và Bài hịch của Tây Sơn. Bài hịch thứ nhất, mở đầu là lời kể tội họ Trịnh:

“Sắc khuynh quốc dễ bao phen nhẫm tịch
Nỗi yêu da nên đích tử dời ngôi
Mộng bại gia lân sấm chốn đình vi
Lời kết tóc để Đông cung rủi mạng
Kết bè dừ há e chi nữa
Ôm thống thiêng mong giữ được chăng vv….”

Bài hịch thứ hai nêu lên khí thế mãnh liệt khi tiến quân ra Bắc:

“…Chúng điêu tàn đều mong cờ nghĩa quân về đầu, khiến quân số một ngày một thịnh;
Dân cơ cận cảm lòng nhân ngóng cổ, nên binh uy càng tháng càng thêm.
Quảng Nam đã quét sạch bụi nhơ. Thuận Hoá lại đem về bờ cõi
Nam một dải tăm kình phẳng lặng, cơ thái bình đứng đợi đã gần;
Bắc mấy thành chằm chán chưa yên, bề cứu viện ngồi xem sao tiện…”

Do quan điểm chính thống, Bùi Dương Lịch đã không đi với phong trào Tây Sơn, coi Tây Sơn là “nguỵ triều” bởi vậy ông đã ghi lại nhiều “tội” của Tây Sơn. Nhưng trong khi kể “tội”, tác giả thỉnh thoảng cũng ghi lại nhiều chi tiết khách quan đáng quý. Ví du: khi Tây Sơn ra Bắc tiêu diệt họ Trịnh “thuyền đến cửa Hội, trấn thủ là Bùi Thế Toại bỏ chạy, thuyền đi như vào chỗ không người, quân đi đến đâu như gió lướt đến đó, không ai dám chống cự” (tờ 32). Khi Nguyễn Huệ đã vào thành Thăng Long “quân lệnh của Tây Sơn rất nghiêm ngặt, không ai được tơ hào một tý gì của dân” (tờ 36). Hoặc khi Nguyễn Huệ bắt tay công cuộc xây dựng lại đất nước; “sắp xếp lại hàng ngũ quan lại” (tờ 57); “đổi mới các chế độ luật lệ, định rõ ngạch thuế ruộng công, ruộng tư” (tờ 57b) “gặp năm đói kém mất mùa , Tây Sơn ban chiếu đại xá tô ruộng” tờ (53a); chú trọng nhân tài thì ngoài việc “mời La Sơn Phu tử Nguyễn Khải Xuyên” Quang Trung còn triệu “Hoàng giáp triều Lê cũ là Bùi Dương Lịch, tiến sĩ Phan Bảo Định vào Phú Xuân” (tờ 58). Loại sự kiện bổ sung thêm trong Lê quý dật sử đã làm phong phú thêm mảng tư liệu trong giai đoạn này. Những tư liệu trong Lê quý dật sửrất đáng tin cậy nên đã được Quốc sử quán triều Nguyễn chọn làm tư liệu gốc để tham khảo(7) Lê quý dật sử còn được dẫn dụ trong nhiều công trình nghiên cứu và biên dịch. Khi bộ Việt sử thông giám cương mục người dịch đã tham khảo Lê quý dật sử đê bổ sung cho chỗ bị mờ, bị sót trong nguyên bản(8) Hoặc khi dịch Lịch triều tạp kỷ, Hoa Bằng đã dựa vào Lê quý dật sử để chua rõ một số chi tiết về Phạm Nguyễn Du tức Vĩ Khiêm(9). Hoàng Xuân Hãn khi viết về La Sơn phu tử(10),Văn Tân khi viết về phong trào Tây Sơn(11). Nguyễn Lương Bích và Phan Ngọc Phụng khi viết Tìm hiểu thêm về tài quân sự Nguyễn Huệ(12) đã dẫn dụng khá nhiều tư liệu trong Lê quý dật sử.

Nguồn sử liệu trong Lê quý dật sử tương đối phong phú và đáng tin cậy. Hi vọng một ngày không xa, Lê quý dật sử sẽ được dịch và ra mắt bạn đọc.

CHÚ THÍCH

(1) Lược truyện các tác gia Việt Nam, Nxb KHXH, Hà Nội. 1971.
(2) Đại Việt sử ký toàn thư phần Tục biên, tập I. Nxb KHXH, H., 1982, tr. 7.
(3) Nghệ An ký, Thư viện Viện Hán Nôm, ký hiệu VHv. 1713/1-2. Sách này được con cháu Bùi Dương Lịch đem khắc in khoảng năm Tự Đức. Về Bùi Dương Lịch, xin xem thêm: Nguyễn Thị Thảo: Bùi Dương Lịch. Nghiên cứu Hán Nôm số 2, 1985.
(4) (5) Từ năm Bảo Thái 2 (1721) bỏ lệ khảo hạch ở xã mà cho thi ở huyện 2 lần. Ai trúng tuyển thì cho th ỉ trấn. Người nào trúng luôn được gọi là sảo thông. Người nào chỉ trúng kỳ khảo ở huyện gọi là thứ thông.
(6) Số trúng tuyển được phân làm hạng sảo thông và thứ thông. Nừu người thứ thông chưa được phục tình, cho phép vạch rõ đích danh người sảo thông, và cho phép người đó được cùng so đọ để định người hơn người kém.
(7) Ví dụ: Một chi tiết khi vua Lê Chiêu Thống chay lên Kinh Bắc:
+ Lê quý kỷ sự chép: “Chỉnh vào Thăng Long bàn với Tự hoàng sang Kinh Bắc (Lê quý kỷ sự, Nxb KHXH, H., 1974, tr. 85).
+ Hoàng Lê nhất thống chí chép: “Chỉnh liền bảo quan Tham tri chính sự là Nguyễn Khuê vào tâu xin với vua đến ngày mai xa giá đi sang Kinh Bắc” (Hoàng Lê nhất thống chí, Nxb Văn học, H., 1964, tr. 271).
+ Lê quý kỷ sự chép: “Nửa đêm Chỉnh từ sông Sinh Quyết trở về vua sai với mấy lần, Chỉnh không đến mà uỷ cho Tham tri chính sự Nguyễn Như Khuê đến tâu xin vua chạy lên phía Bắc” (tờ 44).
+ Việt sử thông giám cương mục chép: “Nửa đên Chỉnh từ sông Thanh Quyết trở về, nhà vua sai với mấy lần, nhưng Chỉnh không đến, chỉ bí mật uỷ thác cho Tham tri chính ự Nguyễn Khuê vào tâu với nhà vua đi sang Kinh Bắc” (Việt sử thông giám cương mục, Quyển 47, tr. 42).
(8) Việt sử thông giám cương mục, Nxb Văn Sử Địa, Hà Nội. 1957, tr. 1988.
(9) Lịch triều tạp kỷ, Nxb KHXH, Hà Nội, 1975, tr. 197.
(10) Xem Hoàng Xuân Hãn: la Sơn Phu tử, Nxb Minh Tân. 1952.
(11) Xem Văn Tân: Con người Nguyễn Huệ. Nghiên cứu Lịch sử, 1965, số 71, tr. 10.
(12) Xem Nguyễn Lương Bích, Phạm Ngọc Phụng: Tìm hiểu thiên tài quân sự Nguyễn Huệ, Nxb QĐND, Hà Nội, 1971.

Nguồn bài đăng

0