18/06/2018, 16:24

Về Phủ Giao Châu thời thuộc Đường

GIAO CHÂU TỔNG QUẢN PHỦ Bản đồ Giao Châu (màu xanh) và Quảng Châu (màu vàng) năm 264, thời Đông Ngô Đặng Thanh Bình Tuỳ thư chép: “(Lệnh Hồ) Hy phụng chiếu lệnh Giao châu cừ súy là Lý Phật Tử vào triều. Phật Tử muốn làm loạn, xin đến trọng đông mới lên đường. Hy ý ...

GIAO CHÂU TỔNG QUẢN PHỦ

交州264

Bản đồ Giao Châu (màu xanh) và Quảng Châu (màu vàng) năm 264, thời Đông Ngô

Đặng Thanh Bình

Tuỳ thư chép: “(Lệnh Hồ) Hy phụng chiếu lệnh Giao châu cừ súy là Lý Phật Tử vào triều. Phật Tử muốn làm loạn, xin đến trọng đông mới lên đường. Hy ý muốn ràng buộc theo kiểu kimi nên đồng ý. Có người đến cửa khuyết tố cáo Hy nhận hối lộ của Phật Tử. Hoàng thượng nghe được nên có ý nghi ngờ. Đến khi tin Lý Phật Tử làm phản đến nơi, Hoàng thượng nổi giận, lấy (chuyện tố cáo cũ) là thật, sai sứ giả bắt giam Hy đưa về cửa khuyết. [Lược một đoạn] Đến khi Hành quân Tổng quản Lưu Phương bắt được Lý Phật Tử đưa về kinh sư, nói Hy quả thực không ăn của đút, Hoàng thượng mới ngộ ra, mời bốn người con (của Hy), cho phép được làm quan” và “Năm Nhân Thọ thứ 2 (năm 602), mùa đông, tháng 12, người Giao châu là Lí Phật Tử dấy binh phản, sai Hành quân tổng quản là Lưu Phương đánh dẹp hắn” và “Lưu Phương là người huyện Tràng An quận Kinh Triệu. Tính cương quyết, có đảm khí. Thời nhà (Hậu) Chu làm Thừa ngự thượng sĩ, rồi vì đánh trận có công làm Thượng nghi đồng. Vào thời Cao Tổ làm Thừa tướng thì Phương theo Vi Hiếu Khoan đánh phá Uất (Trì) Quýnh ở Tương châu, vì lập công bái thêm làm Khai phủ, phong tước Hà Âm Huyện Hầu, ăn lộc 8 trăm hộ. Cao Tổ lên ngôi, tiến phong tước Công. Năm Khai Hoàng thứ 3, theo Vệ Vương tên là Sảng đánh phá quân Đột Quyết ở núi Bạch Đạo, tiến chức Đại tướng quân. Sau đó trải qua làm Thứ sử 2 châu Cam-Qua, vẫn chưa nổi tiếng. Kịp đến giữa năm Nhân Thọ (năm 601 – năm 604) gặp lúc người Lí ở Giao châu là Lí Phật Tử làm loạn, giữ thành cũ Việt Vương, sai con anh hắn là (Lí) Đại Quyền giữ thành Long Biên, sai cừ soái khác của hắn là Lí Phổ Đỉnh giữ thành Ô Diên. Bấy giờ Tả bộc xạ là Dương Tố nói Phương có tài lược của tướng soái, do đó vua hạ chiếu lấy Phương làm Hành quân tổng quản đạo Giao châu, lấy Độ chi thị lang là Kính Đức Lượng làm Trưởng sử, đem 27 doanh mà đi đánh. Phương đặt pháp lệnh nghiêm túc, quân dung chỉnh tề, có kẻ phạm cất tất ồn ào chém ngay. Nhưng có lòng nhân mà yêu quân lính, có kẻ bệnh tật thì tự mình chăm sóc. Trưởng sử là Kính Đức Lượng theo quân đến Doãn châu thì bệnh nặng không đi được, ở lại châu quán. Trong lúc chia tay, Phương xót cảnh ốm nặng của hắn mà khóc lóc nức nở, cảm động cả mọi người. Người này có oai huệ đến như vậy, những kẻ bàn tán đều khen là tướng tốt. Đến núi Đô Long thì gặp hơn 2 nghìn quân giặc chặn quan quân, Phương sai Doanh chủ là bọn Tống Toản-Hà Quý-Nghiêm Nguyện đánh phá chúng. Tiến binh đến gần chỗ Phật Tử, sai người đem điều họa phúc để dụ trước, Phật Tử sợ mà hàng, đưa về kinh sư, còn những kẻ kiệt hiệt của hắn thì sợ về sau gây loạn thì đều chém chúng. Rồi trao chức Hành quân tổng quản đạo Hoan châu, lấy Thượng thư hữu thừa là Lí Cương làm Tư mã đi đánh cướp nước Lâm Ấp. Phương sai Thứ sử Khâm châu là Ninh Trường Chân-Thứ sử Hoan châu là Lí Vận-Thượng khai phủ là Tần Hùng đem quân bộ kị xuất từ huyện Việt Thường, còn Phương tự dẫn Đại tướng quân là Trương Tốn-Tư mã là Lí Cương đem quân thuyền đến huyện Tỉ Cảnh. Kịp lúc Cao Tổ băng, Dạng Đế lên ngôi, vào năm Đại Nghiệp thứ 1 (năm 605) tháng 1 quân đến cửa biển, vua Lâm Ấp là Phạn Chí sai quân giữ chỗ hiểm, Phương đánh đuổi hắn. Quân đến sông Xà Lê, giặc dựng rào ở bờ nam, Phương bày đầy cờ xí, đánh trống vàng, giặc sợ mà tan. Đã qua sông, đi được 3 chục dặm thì giặc cưỡi voi lớn bốn bề xông đến, Phương đem nỏ bắn voi, voi trúng thương, dày xéo lại trận giặc, quan quân đánh gắt, giặc chạy về rào, nhân đó đánh phá chúng, chém hơn 1 vạn đầu giặc. Do đó qua thành Khu Túc được 6 dặm, trước sau gặp giặc, hễ đánh là bắt, đi đến sông Đại Duyên, giặc dựng rào giữ chỗ hiểm, lại đánh phá chúng. Đến thẳng cột đồng Mã Viện, đi về phía nam 8 ngày thì đến kinh đô nước ấy, vua Lâm Ấp là Phạn Chí bỏ thành ra biển, bắt được tượng người vàng miếu chủ, khoắng sạch cung thất nước ấy, khắc đá ghi công rồi về. Quân lính sưng phù chết đến 4-5 phần 10, Phương bị bệnh trên đường mà chết, vua rất thương tiếc hắn”.

Như vậy là nhà Tuỳ chiếu lệnh cho cừ suý người Lí ở Giao châu là Lí Phật Tử vào triều, Phật Tử đã biết âm mưu của triều đình phương bắc nên chống lệnh, chính danh chiếm giữ châu Giao, tháng 12 năm 602 nhà Tuỳ cử Lưu Phương tiến đánh, Phật Tử đầu hàng, bị bắt đưa về phương bắc, các tướng kiệt hiệt đều giết cả. Năm 605, Phương tiến đánh diệt Lâm Ấp, khi quay về bị bệnh chết trên đường.

Tuỳ thư chép: “Cuối năm Đại Nghiệp, vua vì thấy miền Nam Hải xa lánh, quan lại phần nhiều xâm lấn dân đánh cá, trăm họ đều oán giận, nhiều lần gây loạn phản, do đó chọn quan Thái thú tốt lành để vỗ về họ. Hoàng môn thị lang là Bùi Củ tấu rằng: “Khâu Hòa làm quan trải qua 2 quận đều nổi tiếng ân huệ, rộng rãi mà chẳng lo gì.” Dạng Đế nghe theo, sai Hòa làm Thái thú Giao Chỉ, đến nơi, vỗ về các hào kiệt, rất được lòng người Man-Di. Kịp lúc Dạng Đế bị (Vũ Văn) Hóa Cập giết, quan Hồng lô khanh là Ninh Trường Chân đem các đất quận Uất Lâm-Thủy An theo về Tiêu Tiển, Phùng Áng đem đất các quận Thương Ngô-Cao Lương-Nhu Nhai-Phiên Ngu theo về Lâm Sĩ Hoằng, đều sai người dụ Hòa. Bấy giờ Hòa lúc đầu chưa biết nhà Tùy mất, đều không theo. Các nước ở phía tây nước Lâm Ấp đều sai người dâng các đồ minh châu-văn tê-vàng quý cho Hòa, giàu ngang vương giả. (Tiêu) Tiển ham lợi ấy, sai (Ninh) Trường Chân đem quân người Bách Việt vượt biển đánh Hòa, Hòa sai Cao Sĩ Khiêm đem các thủ lĩnh miền Giao-Ái đánh lại, Trường Chân rút chạy, trong cõi được yên, người trong quận dựng bia khen đức. Kịp lúc gặp quân kiêu dũng trước đây từ quận Giang Đô quay về mới dò biết được chuyện nhà Tùy mất, bèn đem cả châu theo Tiển. Vào lúc Tiển bị dẹp, Hòa đem các quận miền nam theo về nhà nước (nhà Đường). Vua hạ chiếu sai Lí Đạo Dụ đến trao tước Thượng trụ quốc-Đàm Quốc công, chức Tổng quản Giao châu. Hòa sai Tư mã là Cao Sĩ Khiêm dâng biểu xin vào chầu, hạ chiếu cho phép. Cao Tổ sai con mình tên là (Lí) Sư Lợi đón Hòa. Kịp lúc gặp vua, Cao Tổ tự dâng dậy, dẫn vào chỗ nằm, nói chuyện thời bình sinh, rất vui vẻ, sai tấu bài ‘Cửu bộ nhạc’ để tặng Hòa, bái làm Tả võ hậu đại tướng quân. Bấy giờ Hòa đã già yếu, bèn bái làm Thứ sử Tắc châu, vì đấy là quê mình, sai tự nghỉ quan. Năm (Trinh Quan) thứ 9, thêm hiệu Đặc tiến. Năm Trinh Quan thứ 11 thì chết, bấy giờ 86 tuổi, tặng chức Tổng quản Kinh châu, thụy là Tương, ban đồ dùng Đông Viên, bồi táng ở Hiến Lăng. Có 15 con trai, phần nhiều làm quan to, chỉ có (Khâu) Hành Cung là nổi tiếng”.

Những năm Đại Nghiệp do chính sách tàn bạo của triều đình, dân chúng ở các địa phương đồng loạt khởi nghĩa, trong đó có Nam Hải. Dạng Đế sai Khâu Hoà làm thái thú Giao Chỉ, sau Giang Đô chính biến, Tuỳ Dạng Đế bị Vũ Văn Hoá Cập giết năm 618, cùng năm Lý Uyên tuyên bố thành lập triều đại nhà Đường, cùng năm Tiêu Tiển xưng đế lập triều Lương, các quan lại cũ của nhà Tuỳ ở khu vực Quảng Tây theo về với Tiêu Tiển, Phùng Áng cát cứ Lĩnh Nam theo về với Lâm Sĩ Hoằng, Khâu Hoà cát cứ Giao Chỉ. Đến năm 621 Lý Tĩnh diệt nhà Lương, năm 622 Phùng Áng ở Lĩnh Nam hàng phục, cùng năm Khâu Hoà ở Giao Chỉ hàng phục, được phong Tổng quản Giao Châu (10 châu). Khâu Hoà nắm giữ Giao châu phía bắc cự được Tiêu Tiển, phía nam buộc các nước phía tây Lâm Ấp cống, cho thấy Hoà thực tài ở châu, nhà Đường đang trong quá trình bình loạn, nên phương nam tạm để Phùng Áng và Khâu Hoà giữ, sự ràng buộc của nhà Đường đối với Lĩnh Nam rất lỏng lẻo, ngay cái cách vua Đường đối xử với Hoà cũng cho thấy chính sách mềm mỏng này của triều đình phương bắc.

Thế nhưng phương bắc luôn có binh loạn, năm 623 nhà Đường diệt Lưu Hắc Thát bình Hà Bắc, năm 624 diệt Phụ Công Thạch, Đỗ Phục Uy bình Giang Hoài, Giang Nam. Năm 626 Đông Đột Quyết (chính bắc biên giới) đem quân tiến đánh gần kinh đô Trường An, năm 628 thủ lĩnh Hạ châu là Lương Sư Đô bị giết, tình hình cát cứ địa phương chấm dứt, nhà Đường thống nhất lãnh thổ, cùng năm Lý Thọ làm đô đốc Giao châu tham ô phải tội, triều đình cử Lư Tổ Thượng thay, nhưng Thượng từ chối vì sợ lam chướng, nên bị giết.

Năm 630 Tiết Diên Đà một chư hầu của Đột Quyết (biên giới phía bắc của Đông Đột Quyết) đã liên minh với nhà Đường đánh bại Hãn quốc Đông Đột Quyết, tiểu khả hãn Đột Lợi khả hãn và đại khả hãn Hiệt Lợi khả hãn bị bắt, Tiết Diên Đà kiểm soát trên thực tế lãnh thổ của Đông Đột Quyết, trong khi nhà Đường ủng hộ khả hãn Đông Đột Quyết Sĩ Lực Bật khả hãn, đồng thời lập Tây Y châu gồm 7 thành ở phía tây bắc. Năm 632 Tiết Diên Đà đẩy lùi cuộc tấn công của Tứ Diệp Hộ khả hãn của Tây Đột Quyết, năm 634 đối thủ lớn của Tiết Diên Đà là Đột Lục khả hãn, người cai trị phần lớn lãnh thổ phía đông của Tây Đột Quyết chết, cùng năm Tùng Tán Cán Bố đăng cơ ở phía tây nam Đại Đường, đã đánh bại Thổ Dục Hồn (phía tây bắc Đại Đường) ở gần hồ Thanh Hải, liền 3 năm 634 – 635 – 636 Đại Đường tấn công và đánh bại Thổ Dục Hồn. Năm 635 Lý Uyên và Lý Đạo Hưng chết.

 Tân Đường thư chép: “[Lý Đạo Hưng] Năm Trịnh Quán thứ 9 (năm 635) làm đô đốc Giao châu, phương nam chướng khí, chết ở nơi làm việc”.

 Năm 640 Đại Đường tấn công và chiếm vùng lãnh thổ trước đây là chư hầu của Đột Quyết do họ Khúc cai trị là Cao Xương lập An Tây đô hộ phủ. Năm 641 Đại Đường gả Văn Thành công chúa cho vua của Thổ Phồn là Tùng Tán Cán Bố, xung đột giữa Đại Đường, Thổ Phồn và Thổ Dục Hồn diễn ra. Sau khi diệt Đông Đột Quyết, một đồng minh quan trọng của Câu Cao Ly (phía đông bắc Đại Đường) Đại Đường liên kết với Tân La tấn công Câu Cao Ly từ những năm 642 – 645. Năm 646 Tiết Diên Đà bị liên minh giữa Đại Đường với vùng lãnh thổ của người Duy Ngô Nhĩ là Hồi Hột (vốn trước đây bị Tiết Diên Đà khống chế) diệt, Y Đặc Vật Thất khả hãn Đốt Ma Chi đầu hàng, Hồi Hột chiếm lấy lãnh thổ trước đây của Hãn quốc Tiết Diên Đà. Năm 647 Đại Đường lập An Bắc đô hộ phủ, cùng năm bình định Yên Kì, năm 648 bình định Quy Từ. Năm 650 Đại Đường lập Thiền Vu đô hộ phủ [năm 682 Cốt Hốt Lộc xưng hãn trên lãnh thổ Đông Đột Quyết, gọi tên Hậu Đột Quyết, năm 744 Đại Đường và Hồi Hột diệt Hậu Đột Quyết, người Hồi Hột tự lập quốc].

Năm 654 giải cứu Tân La, năm 656 – 657 bình định Tây Đột Quyết, năm 660 liên minh Đường – Tân La diệt Bách Tế, năm 661 – 662 tấn công Câu Cao Ly, năm 663 Thổ Phồn chiếm Thổ Dục Hồn, năm 668 liên minh Đại Đường – Tân La diệt Câu Cao Ly, cùng năm Đại Đường lập An Đông đô hộ phủ, xung đột giữa Tân La và Đại Đường xảy ra [năm 673 – 674 bình Tân La, năm 677 Tân La đánh bại Đại Đường, buộc phải rời An Đông đô hộ phủ về Liêu Đông] cùng năm Thổ Phồn đánh bại Đại Đường. Năm 678 Thổ Phồn đánh bại quân Đường ở Thanh Hải. Năm 679 vua Thổ Phiên là Mang Tùng Mang Tán Khất Lê Bát Bố qua đời, Đỗ Tùng Mang Ba Kiệt Khí Nô Tất kế vị, Đại Đường thắng Tây Đột Quyết [680 Bùi Hành Kiệm bình định hẳn Tây Đột Quyết].

Cựu Đường thư chép: “Năm điều lộ thứ nhất (năm 679) (…) Tháng 8 (…) Tân mão, cải Giao châu thành An Nam đô hộ phủ”.

Như vậy là năm 679 nhà Đường đổi Giao Châu thành An Nam đô hộ phủ. Khảo sát sự hình thành An Tây đô hộ phủ (năm 640), An Bắc đô hộ phủ (năm 647), Thiền Vu đô hộ phủ (năm 650) và An Đông đô hộ phủ (năm 668) thì chúng ta đều nhận thấy rằng: những Đô hộ phủ này đều được lập ra sau khi nhà Đường bình định một vùng lãnh thổ nào đó, đây là một cấp hành chính đặc biệt với mục đích quản lý vùng lãnh thổ mà có sự hiện diện của tộc người không phải Hán. An Nam đô hộ phủ có điểm giống với những Đô hộ phủ khác là phần lớn cư dân sinh sống ở đây không phải là người Hán, nhưng lại có điểm khác biệt rất lớn là không hề có cuộc chiến tranh nào giữa Đại đường với dân bản địa An Nam như những đô hộ khác và điểm khác biệt này trở nên khó hiểu khi mãi tới năm 679 nhà Đường mới lập An Nam đô hộ phủ, câu hỏi là nếu như phương bắc kiểm soát hoàn toàn Giao châu thì sao không đổi lập Đô hộ phủ từ những năm 630.

Chúng ta sẽ tìm hiểu thêm một trường hợp, đó là nhân vật Phùng Áng. Như chúng ta biết Trung Nguyên và Giao châu bị chia cách bởi Lưỡng Quảng, từ cuối thời Tuỳ, Phùng Áng đã cát cứ Quảng Đông, năm 622 thì quy phục triều Đường, Cao Tổ cho quản 8 châu thuộc Lưỡng Quảng và Hải Nam ngày nay. Thế nhưng một sự kiện khá thú vị diễn ra vào khoảng những năm đầu Trịnh Quán (năm 627 – 649) Phùng Áng cử binh tới biên cảnh, Thái Tông hạ chiếu lệnh Lận Mộ thảo phạt tuy nhiên chiến tranh đã không xảy ra, năm 635 Phùng Áng đến Trường An yết kiến Thái Tông và được ban thưởng rất hậu, Phùng Áng cai trị địa phương tốt đẹp, tất cả cho thấy rằng: Lưỡng Quảng bị ràng buộc rất lỏng lẻo với triều đình phương bắc, vẫn tồn tại thế lực địa phương cai trị vùng đất này, tôi nghĩ nên dùng từ cát cứ, quy thuận cho trường hợp này, từ đây chúng ta mở rộng sự suy luận đối với Giao châu, châu Giao còn bị ngăn cách với triều đình bởi Lưỡng Quảng thì sự ràng buộc còn lỏng lẻo hơn nữa, tôi cho rằng: Châu Giao quy thuận Phùng Áng có khi còn hơn Đại Đường.

Tư trị thông giám chép: “Năm Thuỳ Củng thứ 3 (năm 687) (…) Tháng 7 (…) Lĩnh Nam Lí hộ nộp thuế theo lệ một nửa, Giao Chỉ đô hộ Lưu Diên Hựu bắt nộp hết, Lí hộ không theo, Diên Hựu giết người thủ lĩnh, đồng đảng làm loạn, công phá An Nam phủ thành, giết Diên Hựu. Quế châu ti mã Tào Huyền Tĩnh đem binh dẹp chúng”.

Tân Đường thư chép: “Năm Thùy Củng thứ 3 (năm 687) (…) Giao Chỉ nhân Lý Tự Tiên giết An Nam đô hộ Lưu Diên Hựu, chiếm Giao Châu, Quế Châu ti mã Tào Huyền Tĩnh đánh dẹp”.

Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép: “Theo Đường thư, trước kia, đám người Lý hằng năm nộp tô có một nửa số đã quy định. Diên Hựu bắt phải nộp cả số ấy. Mọi người đều oán, mưu định cùng nhau dấy loạn. Diên Hựu giết chết người cầm đầu là Lý Tự Tiên. Dư đảng của Tự Tiên là bọn Đinh Kiến nổi lên làm phản, họp nhau lại vây phủ thành. Trong thành quân ít, không thể chống lại được, bèn đóng cửa thành, đợi quân cứu viện. Phùng Tử Du là một đại tộc ở Quảng Châu, nhân dịp đó, mong để lập công, đóng quân lại không đi cứu. Diên Hựu bị giết. Về sau, tư mã Quế Châu là Tào Huyền Tĩnh đem quân sang đánh, chém được Đinh Kiến”.

Đây là một thông tin khá quan trọng, năm 687 đô hộ An Nam là Lưu Diên Hựu bắt các hộ người Lí nộp đủ số thuế, trong khi theo như hàng năm thì các hộ người Lí chỉ phải nộp có một nửa mà thôi, các hộ người Lí đứng đầu là Lí Tự Tiên không chịu, làm loạn thì bị Diên Hựu giết, tướng của Tự Tiên là Đinh Kiến đã hợp binh tấn công phủ thành giết Hựu, triều đình phái Tào Huyền Tĩnh đi đánh dẹp. Ở đây có 2 thông tin cần khai thác: Thứ nhất là theo lệ thường thì các hộ người Lí chỉ phải nộp một nửa số thuế, đây rõ ràng là một chính sách ưu ái các hộ người Lí, một nửa số thuế này là so với gì, có phải là so với số thuế mà người Hán ở Trung Nguyên phải nộp không? Nếu vậy thì ít nhất là tới năm 687 sự quản lý của nhà Đường đối với An Nam vẫn rất khác so với quản lý các châu quận ở Trung Nguyên và nếu đúng như thế thì việc Lưu Diên Hựu bắt nộp cả không phải do sự tham lam của Hựu mà đó là sự thay đổi chính sách thuế, hay chính là sự thay đổi chính sách trong việc quản lý An Nam. Thứ hai là các hộ người Lí này có gì đặc biệt mà chỉ phải nộp có một nửa số thuế? Chúng ta xem lại một đoạn trích trong Tuỳ thư: “Kịp đến giữa năm Nhân Thọ (năm 601 – năm 604) gặp lúc người Lí ở Giao châu là Lí Phật Tử làm loạn, giữ thành cũ Việt Vương, sai con anh hắn là (Lí) Đại Quyền giữ thành Long Biên, sai cừ soái khác của hắn là Lí Phổ Đỉnh giữ thành Ô Diên”. Câu hỏi là người Lí ở Giao Châu năm 602 trong Tuỳ thư có phải là người Lí năm 687 trong Tư trị thông giám? Năm 602 người Lí ở Giao châu rất có thế lực, thủ lĩnh của họ là Lí Phật Tử đã đầu hàng, những tướng tài có mưu đồ phản loạn đều bị giết, dù vậy người Lí sẽ vẫn rất mạnh, nên tất yếu dẫn đến sự hình thành thủ lĩnh của người Lí, do đó 2 nhóm người Lí này khả năng cao chỉ là một, kết luận này được củng cố khi khoảng thời gian của 2 nhóm người lý này là 85 năm tức là khoảng 2 đời. Nếu vậy thì các hộ người Lí này là những nhóm người tiếp xúc sớm với hệ thống quản lý của nhà Đường, những nhóm người tạm gọi là “tân tiến”, vậy mà họ mới chỉ phải chịu có một nửa số thuế, thì những nhóm người ở các vùng lãnh thổ miền núi, tạm gọi là “thiểu số” có lẽ vẫn đang dừng ở chế độ quản lý cống nạp. Việc các hộ người Lí có thủ lĩnh, cũng như các tướng lĩnh có thể tập hợp quân lính để đánh hạ phủ thành, giết được quan đô hộ, cho thấy mức độ quân chủ ở những vùng lãnh thổ này, chúng ta cũng không đủ bằng chứng để giả thuyết rằng, sự tiếp nối về việc quản lý từ Lí Phật Tử tới Lí Tự Tiên?

Như vậy rõ ràng việc nhà Đường đặt An Nam đô hộ phủ, đã chứng tỏ triều đình phương bắc muốn quản lý An Nam một cách có hệ thống và chặt chẽ, mà những bước đầu là việc thay đổi cấp độ hành chính và các chính sách về thuế.

Cuối cùng chúng ta bàn thêm về 2 chi tiết nữa, đó là: sự thiếu vắng các quan lại ở Tổng quản Giao châu trước năm 679 và lại dày đặc những cuộc nổi loạn của người An Nam sau khi Đô hộ phủ được lập? Từ năm 622 đến năm 679 là khoảng 55 năm, mà sự hiện diện của các quan do triều đình phương bắc cử đến quản lý An Nam rất ít, triều đình phương bắc quản lý một cách êm đềm, không xảy ra bất cứ một sự kiện nào, không khỏi khiến chúng ta không đặt câu hỏi? Trong khi kể từ lúc đặt An Nam đô hộ phủ năm 679 thì liên lục các cuộc nổi loạn ở An Nam do người bản địa thực hiện như: Năm 687; năm 713 – 722; năm 791; năm 819.

Tiểu kết, trong bài này chúng ta đã tìm hiểu các ý sau:

– Khâu Hoà và Phùng Áng tuy quy thuận bắc triều nhưng vẫn cát cứ phương nam, vua Đường đối xử rất đặc biệt với 2 người này, Phùng Áng thậm chí còn đem binh đe doạ phương bắc.

– Sau khi chiếm được vùng lãnh thổ nào là nhà Đường lập Đô hộ phủ để quản lý, ở Giao Châu nhà Đường cũng lập Đô hộ phủ nhưng rất muộn và không có bất cứ cuộc chiến nào diễn ra.

– Nhà Đường thực hiện chính sách thuế đặc biệt ở Giao Châu, tại An Nam vẫn tồn tại các thế lực địa phương. Sau khi đặt Đô hộ phủ thì liên tiếp diễn ra các cuộc khởi binh của người bản địa.

Từ đó tôi cho rằng:

– Cuối thời nhà Tuỳ, xã hội loạn lạc, các cuộc khởi nghĩa nổ ra khắp nơi, tình trạng cát cứ xuất hiện. Nhà Đường hình thành và bắt đầu quá trình bình loạn, phương nam có 2 vùng lãnh thổ cát cứ là Lưỡng Quảng do Phùng Áng cai trị và Giao châu do Khâu Hoà cai trị. Cả hai vùng lãnh thổ này đều quy thuận triều đình.

– Ngay từ khi bắt đầu quá trình bình loạn phương bắc, phương tây nhà Đường rơi vào xung đột với các thế lực bên ngoài như Thổ Phồn, Đột Quyết và Câu Cao Ly (phía đông) vì thế mà đối với phương nam Đại Đường thực hiện chính sách hoà hợp. Khi phương bắc, phương tây và đông tạm ổn, nhà Đường mở rộng sự cai trị phương nam qua việc lập An Nam đô hộ phủ, đã gây tổn hại tới nền tự trị của vùng lãnh thổ này do đó mà dẫn tới các cuộc khởi nghĩa của cư dân bản địa.

0