18/06/2018, 16:24

Rồi lịch sử vẫn cứ luôn trôi đi

Mậu dịch thời bao cấp Võ Hưng Thanh Khái niệm lịch sử vẫn luôn luôn là khái niệm hết sức đơn giản. Lịch sử là diễn tiến từ đầu đến cuối của một thực thể nào đó. Lịch sử một đất nước, một dân tộc chẳng hạn, là kể từ thời lập quốc, thời kỳ xây dựng xã hội, nhà nước đó cho đến mãi ...

b2-2

Mậu dịch thời bao cấp

Võ Hưng Thanh

Khái niệm lịch sử vẫn luôn luôn là khái niệm hết sức đơn giản. Lịch sử là diễn tiến từ đầu đến cuối của một thực thể nào đó. Lịch sử một đất nước, một dân tộc chẳng hạn, là kể từ thời lập quốc, thời kỳ xây dựng xã hội, nhà nước đó cho đến mãi mãi về sau nếu dân tộc, đất nước, xã hội đó vẫn tồn tại. Cho nên có bao nhiêu cuộc vật đổi sao dời trong từng dân tộc, từng xã hội, từng đất nước từ xưa đến nay. Có những yếu tố cũ mai một, qua đi, có những yếu tố mới xuất hiện, phát triển lên, rồi chịu chung số phận hay được kéo dài, đó chính là lịch sử của từng quốc gia, đất nước khác nhau trên thế giới từ cổ chí kim mà không ai không biết.

Thế thì lịch sử thật sự nó là cái gì ? Đó không gì ngoài là những cá nhân con người. Bởi từng cá nhân họp thành nhóm cá nhân, từng gia đình họp thành làng xóm, từng làng xóm họp thành đơn vị, thành xã hội, và cuối cùng thành quốc gia, đất nước. Tức cái cụ thể là những con người đơn lẻ luôn luôn nối tiếp nhau qua các thế hệ, tạo thành xã hội thực tế, còn quốc gia hay đất nước là nói về mặt lãnh thổ địa lý, mặt không gian sinh tồn, không gian sống của toàn thể những con người, là nói về mặt tổ chức, mặt pháp lý, mặt công quyền, hay nói cho cùng lại là các mặt khái niệm hay ý niệm trừu tượng. Tất nhiên, trong ý những những con người cụ thể đó luôn luôn có mặt kinh tế, mặt xã hội, mặt chính trị, mặt văn hóa, phát triển hay biến chuyển nói chung, tất cả những điều đó kết hợp lại chính là bản thân của lịch sử hay các yếu tố làm nên lịch sử.

Vậy thì rõ ràng lịch sử không gì hơn trong thực tế vẫn là sự tương quan giữa con người và con người. Có hai mảng lớn nhất của sự tương quan này, đó là mảng xã hội và mảng công quyền. Mảng xã hội là toàn bộ đời sống kinh tế, sản xuất, văn hóa, văn minh của xã hội nói chung. Mảng công quyền là toàn bộ các định chế, thể chế, tức pháp lý và tổ chức nhà nước hay sự hoạt động như là tổng thể của việc điều hành, dẫn dắt hay lãnh đạo xã hội. Bởi vậy khi xã hội Việt Nam cổ dưới thời Nam Hán phải nằm trong sự đô hộ của nhà Hán, đó là xã hội của những người dân mất nước, nhưng xã hội đó vẫn tồn tại và “phát triển”, cho đến khi hai bà Trưng nổi lên giành lại chủ quyền cho dân tộc. Thời gian giành lại này tuy ngắn ngủi nhưng thật sự rất cần thiết và quang vinh. Đó là cái mốc đầu tiên, rồi đến bà Triệu, đến Lý Nam Đế, cho mãi về sau đến Đinh, Lê, Lý, Trần v.v… dã dần dần xây dựng được những triều đại hoàn toàn cường thịnh, độc lập, phát triển thật sự cho dân tộc.

Như vậy, độc lập dân tộc chính là độc lập quan trọng và đầu tiên nhất mà bất cứ đất nước, quốc gia riêng lẻ nào đều cần phải có. Bởi đó là chủ quyền quốc gia, sự toàn vẹn lãnh thổ, quyền lợi thiết thực, và danh dự, uy tín đất nước, là điều kiện của tự do và phát triển của riêng mình, đó chính là ý nghĩa cao cả cũng như nhu cầu cần thiết nhất. Lãnh thổ là cương lĩnh cõi bờ vốn từ xưa đã có, đã do tiền nhân và ông cha nhiều ngàn đời để lại. Cương vực nào vốn có của đất nước khi những thế hệ mới sinh ra, đó là lãnh thổ, không thể để bị mất đi cho dầu chỉ là một tất đất, đó là sự toàn vẹn lãnh thổ mà không là gì khác. Ý nghĩa của độc lập dân tộc, của tự cường đất nước, cũng luôn đi đôi với sự toàn vẹn lãnh thổ mà không là gì khác. Sự yếu kém hay khuyết tật về mặt này cũng tất sẽ dẫn đến sự yếu kém hay khuyết tật ở mặt kia hay sự không toàn vẹn về các mặt, đó là điều quan trọng đáng lưu ý nhất.

Thế thì trở lại vấn đề, sự phát triển của xã hội cũng chính là sự phát triển của một đất nước mà không là gì khác. Chính xã hội phát triển làm cho đất nước phát triển mà không phải là điều ngược lại. Bởi xã hội là một thực thể, còn đất nước chỉ là khái niệm trừu tượng làm tiêu biểu hay đại diện trên tên gọi, trên ngôn ngữ của chính thực thể đó. Mà xã hội chính là những con người cụ thể như trên kia đã nói, cho nên sự độc lập, tự do của một đất nước thực chất chính là sự độc lập, tự do của mỗi cá nhân trong xã hội, là một điều mà phần lớn nhiều người không hề nghĩ tới hay không hề quan tâm tới. Bởi vậy, tranh đấu cho độc lập dân tộc, cho độc lập đất nước, thực chất cũng là tranh đấu cho sự độc lập của toàn dân, cho độc lập và tự do của mỗi con người cùng mang going máu đó trong suốt tiến trình đấu tranh lịch sử của mỗi quốc gia, dân tộc. Chính mối tương quan giữa con người và con người vẫn luôn luôn là mối tương quan tất yếu. Ở đất nước độc lập, mối tương quan đó là mối tương quan giữa những con người trong một đất nước với nhau. Ở một đất nước không độc lập, mối quan hệ đó là mối quan hệ với người ngoài, thuộc đất nước và chủng tộc khác, như nước ta trong thời Bắc thuộc hay trong thời Pháp thuộc.

Và mối tương quan đó như trên đã nói, nó thuộc hai mảng lớn, đó là mảng chính quyền và mảng đời sống dân sự. Mảng chính quyền là mảng nhà nước, mảng định chế hay thiết chế quốc gia. Mảng đời sống dân sự là mảng toàn dân, toàn xã hội. Mảng trước thật sự chỉ là mảng công quyền, mảng chính trị, nhưng mảng sau mới là mảng căn cơ, quyết định nhất, tức mảng kinh tế, văn hóa, đời sống xã hội nói chung. Hơn thế, mảng sau là cái vú sữa, cái yếu tố nuôi sống mảng trước, mảng trước là cái được nuôi mà không phải ngược lại. Ngay trong thời đại phong kiến, nhà vua chỉ là cá nhân đứng đầu, tiêu biểu quyền hành và đạo đức cho cả nước. Triều đình hay guồng máy công quyền là công cụ giúp nhà vua, giúp xã hội, nhằm để ổn định và phát triển đời sống của toàn dân mà không là điều gì khác. Người ta nói rằng một nước một ngày không thể không có vua, đó là ý nghĩa như thế. Tất nhiên, vua đây phải là những đấng minh quân, còn khi xã hội, thời đại rơi vào tay những kẻ hôn quân, bạo chúa lại là chuyện khác, lúc đó chính quyền hay guồng máy công quyền, từ triều đình cho đến các cấp hạ tầng trở thành công cụ của bạo chúa mà không còn công cụ của toàn dân, đó chẳng qua chỉ là những khúc ngoặt của lịch sử, của xã hội trong những giai đoạn tạm thời nào đó, nhưng về lâu về dài xã hội vẫn phải tìm được hướng ra, nếu không làm sao mà có hạnh phúc và phát triển. Đó là ý nghĩa chung của bản thân lịch sử như ngay từ đầu chúng ta đã nói.

Vậy thì lịch sử của con người phải luôn luôn là lịch sử của sự độc lập và tự do, đó là ý nghĩa về nguyên tắc. Còn khi nào tính độc lập và tự do này bị xâm hại, bị vi phạm, bị tiêu hủy đi, đó là các bước rẽ đặc thù, tạm thời, mà không hề là nguyên tắc. Cho nên nguyên lý chung, đúng đắn phải là cái chi phối thực tại. Còn khi thực tại thoát ra khỏi nguyên lý chung đúng đắn, đó chỉ là các thực tại tạm thời có tính sai trái, nhưng không nên tưởng lầm đó là nguyên lý. Bởi vậy, nguyên lý trong thời phong kiến, quân chủ, cơ bản vẫn luôn luôn là nguyên lý vương đạo, tức lo cho dân, cho nước, cho toàn thể xã hội, đó là mục đích của xã hội thanh bình, an cư lạc nghiệp. Còn khi xã hội rơi vào trạng thái tiêu cực, mang ý nghĩa ngược lại, đó không còn là triều đại của minh quân, mà là giai đoạn của hôn quân mờ ám mà mọi người đều biết. Khi xã hội chưa phát triển về mặt khoa học kỹ thuật, khi khái niệm dân chủ tự do theo ý nghĩa hiện đại chưa có, ý nghĩa của các triều đại phong kiến, của các chế độ quân chủ là hoàn toàn khách quan, tất yếu, đó là ý nghĩa tự nhiên phải có của lịch sử, bởi nó hình thành nên một nền công quyền bắt buộc, đó là điều tích cực, điều cần thiết, điều tốt, có gì đâu đáng nói. Chỉ tiếc có những người trong thời hiện đại lại ngoác mồm chữi rủa phong kiến, hiểu phong kiến theo nhu cầu của thời hiện đại, hiểu phong kiến theo kiểu xấu xa, đó quả thật là những kẻ bị ăn bả của tuyên truyền không đứng đắn, của những đầu óc kém ý thức, nghèo tri thức, thật cũng chẳng có gì đáng nói.

Thật ra, tư tưởng dân chủ, tự do của phương Tây cũng chỉ mới xuất hiện và phát triển vào cuối thế kỷ 18. Điều này tất cả mọi người đều biết. Đó là sự phát triển tự nhiên của xã hội. Chính sự phát triển của tri thức, của nhận thức, dựa vào cơ sở của sự phát triển khoa học kỹ thuật nói chung, đã đi đến các quan niệm về dân chủ, tự do, nhân quyền mà không là gì khác. Đây không chỉ là sản phẩm riêng của người phương Tây mà là sản phẩm chung của toàn thể nhân loại. Chỉ tiếc cái nôi của triết học, của khoa học kỹ thuật đúng nghĩa nhất, hay ít ra cũng cụ thể nhất, lại phát nguồn từ Hy lạp, sau đó lan ra khắp phương Tây mà không phải bắt nguồn từ các quốc gia khác và lan ra ở những vùng khác vào thời kỳ bình minh của lịch sử. Nhưng nói cho cùng, lịch sử vẫn là lịch sử chung của toàn nhân loại. Như con đường tơ lụa vẫn là con đường đã có từ xa xưa. Và con đường tơ lụa trên bộ có thể vẫn không phải là con đường giao lưu duy nhất trên thế gian này trong thời quá khứ, cho nên lịch sử thật sự vẫn còn một cái nôi chung duy nhất nào đó của tất cả loài người, đó là điều mà ngày nay lần lượt qua phát hiện của khảo cổ học, con người cũng đã dần dần biết được. Vậy nên, ngày nay còn phân biệt cái gì của người phương Tây, cái gì của người phương Đông trong thực tế là hoàn toàn vô lý. Trong di sản chung của nhân loại, cái gì phù hợp chân lý khách quan, cái gì phù hợp theo nguyên lý giá trị chung, cái đó mọi người đều phải nâng niu, quý mến và đều phải cùng thực hiện, bởi đó chính là ý nghĩa, giá trị, nhu cầu khách quan của cả nhân loại mà không phải chỉ của riêng ai.

Như nguyên lý tự do chính đáng của cá nhân con người chẳng hạn, là nguyên lý chung mà xã hội nào cũng cần phải tôn trọng, ngay cả trong thời phong kiến hay quân chủ cũng vậy. Trong thời phong kiến, các lãnh chúa chỉ có thể bắt dân làm sai dịch, đóng thuế, đi lính, nhưng không hề can thiệp vào đời sống cá nhân, ý thức cá nhân của bất kỳ ai. Thời quân chủ cũng vậy. Đinh Bộ Lĩnh có thể đặt vạt dầu trước điện để răn đe, nhằm thống nhất, ổn định nền quân chủ, nhưng không hề bắt buộc dân phải tung hô mình, bắt buộc dân phải suy nghĩ theo mình, phải ngày ngày xưng tụng và đề cao mình. Nói chung lại, trong các triều đại phong kiến, chỉ có bọn quan lại hàng ngày mới phải quỳ lạy mỗi ngày trước điện, tung hô hoàng đế vạn vạn tuế, hoàng đế anh minh thánh thiện, cho dầu có khi nhà vua chỉ là đứa con nít, mụ đàn bà, hay là kẻ bất tài, suy đốn. Thế nhưng, trong dân, vẫn mãi là đời sống tự do, lo làm ăn, tồn tại và phát triển, văn hóa không bị can dự vào, ý thức không hề bị trấn lột, tức người ta chỉ phải lệ thuộc vào công quyền là lẽ đương nhiên, nhưng tinh thần, ý thức là của họ, tuy rằng giai đoạn phát triển xã hội còn thấp, tầm hiểu biết của nhiều người hãy còn lạc hậu. Đó chính là tính tự do, dân chủ và nhân quyền trong thời phong kiến, thời quân chủ, hay mọi thời đại lành mạnh nói chung của nhân loại, mà không thể ai phủ nhận.

Vậy nên, ý nghĩa của mọi con người cá nhân nói riêng, hay xã hội nói chung vẫn là ý nghĩa tự do, dân chủ, nhân quyền một cách chính đáng trong mọi thời đại chính đáng. Âu châu cho đến thời Trung cổ, quyền này phần lớn đã bị chiếm đoạt bởi vương quyền, thần quyền, giáo quyền cùng đan kết hay thống nhất với nhau, nên những nhà khoa học, những con người có tư tưởng tự do mới phải luôn luôn tranh đấu. Ai cũng biết câu chuyện về Gallileo, Bruno … và kết thúc huy hoàng đó phải mãi đến cuối thể kỷ 18, đầu thế kỷ 19 mới hoàn toàn thực hiện. Thế nhưng sau đó, Hegel xuất hiện, cho lịch sử là sự phát triển khách quan của Tinh thần tự tại, Tinh thần phổ quát (der Geist), như một khái niệm siêu hình, hoàn toàn vượt lên trên, vượt ra ngoài khỏi mọi cá nhân cụ thể con người. Hegel cho rằng quy luật phát triển đó là quy luật “biện chứng” (Dialektik), tức ý nghĩa hoàn toàn duy tâm, mơ hồ, không thể chứng minh được về mặt khoa học khách quan và cụ thể. Song cái thô kệch nhất của Hegel chính là việc ông tự cho mình là đỉnh cao tuyệt đối của hệ thống nhận thức loài người, cho Vua (der Keiser) nước Phổ (tức nước Đức cũ) lúc đó là biểu hiện của Tinh thần nhập thế đó, có nghĩa Hegel đã vô tình hay cố ý rơi vào chủ nghĩa bảo hoàng, theo nghĩa quân vương, đế chế của nó, mà ngày nay mọi người có thể cho đó là một tư tưởng phản động.

Tiếp theo sau Hegel, Mác cũng là một nhà tư tưởng người Đức như Hegel, cũng giữ nguyên hệ thống Hegel, nhưng “lật ngược” lại. Tức Hegel chủ trương Tinh thần là động lực ẩn ngầm của lịch sử, thì Mác lại cho đó chỉ là vật chất (die Materie), và trên nguyên lý biện chứng duy vật đó, thì giai cấp vô sản chính là động lực của lịch sử, để qua độc tài toàn trị hay nền chuyên chính của giai cấp vô sản, mà loài người sẽ tiến tới chỗ thế giới đại đồng. Rõ ràng chỗ của nhà vua Phổ trong học thuyết Hegel đã được thay thế bằng chỗ của giai cấp vô sản (das Proletariat). Tuy nhiên, nếu cái nguyên lý tinh thần phổ quát của Hegel là cái trừu tượng, vô hình, kết hợp với quy luật biện chứng, theo kiểu duy tâm, siêu hình, còn khả dĩ mang tính lô-gích, tức còn hữu lý và hiểu được, thì nguyên lý duy vật, tức hoàn toàn vật chất, lại kết hợp với quy luật biện chứng duy tâm của Hegel, giống kiểu râu ông nọ cằm bà kia, quả thật phi lô-gích, nghịch lý, phản hữu lý, và thực chất khó hiểu, hay không thể nào hiểu được. Vả lẽ giai cấp vô sản là giai cấp lép vế trong xã hội trong thời kỳ nền sản xuất tức nền kinh tế tiền tư bản chủ nghĩa, đáng lẽ họ phải được bảo vệ bằng mọi cách, chống mọi sự lũng đoạn hoặc bóc lột đối với họ một cách hiệu quả nhất, đó là trách nhiệm của chính quyền thời ấy, của lương tâm thời đại lúc ấy, của nghĩa vụ những người trí thức lúc ấy. Mác thực sự đã không thực tế để thực hiện điều này, ông chỉ cốt đưa ra một lý thuyết đề cao, huyền hoặc hóa giai cấp vô sản, theo kiểu giống như cách làm của Hegel. Có nghĩa chẳng khác một tâm lý muốn chơi trội, muốn tỏ mình như một vị giáo chủ mới. Và điều đó về sau này, chính thực tế lịch sử đã trả lời tất cả mà mọi người đều biết.

Quả thật, dân tộc Đức trước đây có vẻ như một dân tộc có tâm lý hơi hợm mình. Dân tộc mà nhiều người trong đó tự cho mình có giòng máu thuần chủng của chủng tộc Aryan. Tâm lý này dường như đã biểu hiện rõ ra ở Hegel cho hệ thống nhận thức của mình là hệ thống của toàn bộ lịch sử nhân loại. Tức Hegel là đỉnh cao của trí tuệ lịch sử loài người. Đến Mác, điều đó dường như cũng hoàn toàn lặp lại. Mác không nói ra như dường như cũng tự cho nhận thức của mình là nhận thức của toàn nhân loại, quy luật lý thuyết của mình đưa ra là quy luật của toàn lịch sử, là chân lý tất yếu của mọi thời đại. Mác từng nói rằng tư tưởng của những người khác ông, phản bác lại ông đều là tư tưởng của bọn tư sản, của giai cấp tư hữu, của bọn phản động. Nói như vậy chẳng khác gì tự cho mình là độc tôn, là chân lý duy nhất tuyệt đối đúng, nếu không nói thể hiện tính tiểu xảo, tính lắt léo, chẳng khác gì bảo ai không phải ta đều là địch cả, đều là xấu cả. Đây cũng chính là một điều nghịch lý quan trọng trong tư duy của Mác mà ít người đã nhìn thấy. Cho nên học thuyết Mác đúng ra chỉ giống như một sự ức đoán, một sự ức đoán có phần vỏ đoán, và điều ấy ngày nay mọi người đều thấy. Sau Mác, đến Hitler cũng là người muốn bá chủ toàn cầu. Lý thuyết chủng tộc của Hitler thật sự cũng là lý thuyết hết sức phản động. Việc giết chết bao triệu người Do thái bằng cách hết sức dã man, việc gây ra thế chiến thứ hai với bao tan thương của loài người, đó chính là tội ác của Hitler mà ai cũng rõ.

Thật thì, mỗi cá nhân là một đơn vị chủ thể hoàn toàn độc lập, tự do, đó là điều trên kia đã nói và ai cũng thấy. Nếu gia đình là đơn vị tổ hợp cơ bản của xã hội, chẳng khác gì những phân tử, thì mỗi cá nhân chẳng khác gì những nguyên tử thành viên hay nguyên tử độc lập trong xã hội. Tất nhiên mỗi người trong chúng ta ai cũng tự nhận biết bản chất tinh thần, ý thức mình là gì, còn nguồn gốc của loài người trong thực tế theo quan điểm tiến hóa thì ai cũng rõ và cũng không ai phủ nhận. Cho nên trong mỗi cá nhân luôn luôn có hai hướng ngược chiều, hướng đi lên và hướng đi xuống. Hướng đi lên là ý hướng hướng thượng một cách tự nhiên, hướng đi xuống là hướng hướng hạ, thường khi cũng là cách tự nhiên. Tức khuynh hướng xây dựng, tích cực, phát triển luôn là khuynh hướng tự nhiên trong mỗi con người. Nhưng ngược lại, khuynh hướng phá hoại, tiêu cực, thụt lùi, tiêu diệt, cũng là khuynh hướng không phải không có ở một số cá nhân. Đó chính là khía cạnh bản năng luôn muốn quay về trở lại khởi điểm, giống như hòn đá lâu ngày sẽ có khuynh hướng vỡ ra, tan thành bụi nhỏ, hay giống hòn đá luôn luôn có khuynh hướng rơi xuống chỗ thấp nhất theo quán tính, theo trì lực, nếu không có những vật đỡ hay vật cản tự nhiên. Cho nên, sự đấu tranh giữa hai chiều ngược nhau, sự đấu tranh của những điều mâu thuẫn, trái ngược trong xã hội là luôn luôn có. Thần thánh hóa ý nghĩa giai cấp, cho đó là quy luật phổ biến nhất, đó là sự khái quát hóa quá đáng, phản khoa học, vô trách nhiệm, bất chấp ý nghĩa nhận thức khách quan, mà chính Mác đã làm.

Cho nên, nếu cá nhân là tự do, xã hội cũng phải là tự do, đó là ý nghĩa khách quan cần thiết, không thể nào phủ nhận. Mọi người đều phải làm việc, tạo ra sản phẩm mọi mặt, phải lao động cùng nhau để sống và phát triển, đó là ý nghĩa tự nhiên của đời sống xã hội mọi thời, mọi nơi không đâu không có. Nguyên lý tự do và nguyên lý hợp tác như vậy là hai nguyên lý nền tảng phải luôn đi đôi với nhau. Không thể có nguyên lý này nếu không có nguyên lý kia, bởi không ai có thể sống một mình để hoàn toàn và tuyệt đối tự do trong xã hội. Xã hội luôn luôn là sự ràng buộc, luôn luôn là sự hợp tác, cho nên hai nguyên lý tự do và hợp tác cũng phải kết hợp nhau sao cho cân bằng, phù hợp, cụ thể nhất. Do vậy, đề cao nguyên lý hợp tác để phủ nhận nguyên lý tự do cũng hoàn toàn vô lý, phiến diện, ngốc nghếch, mà ngược lại đề cao nguyên lý tự do quá đáng để chà đạp lên yêu cầu hợp tác cũng là tính hoang dã, phi nhân văn. Chủ nghĩa kinh tế tập thể, sản xuất tập thể trong thời đại Xô viết chính là theo cách đó, cách thứ nhất. Còn ý hướng xã hội tư bản trong thời kỳ sơ khai chính là ý nghĩa thứ hai, là điều mà Mác từng phê phán. Nhưng phê phán cái cực đoan thứ nhất để lại rơi vào trong cái cực đoan thứ hai, chính là sự phiến diện, sự thiển cận, sự chủ quan hay tính sự mờ mịt của Mác, mà chính ông không thể phủ nhận hay không cho mình không phải chịu trách nhiệm.

Người xưa có nói làm thầy thuốc sai lầm chỉ giết hại một người, làm thầy địa lý sai lầm chỉ giết hại một dòng họ, làm giáo dục sai lầm chỉ gây hại cho một thế hệ, nhưng làm tư tưởng sai lầm có thể hại muôn đời, chính là nghĩa đó, và đó cũng là chân lý khách quan hết sức giá trị nên không ai có thể nói khác đi hay nghĩ ngược lại. Bởi người vô sản hay giai cấp vô sản cũng chỉ là con người, nhưng con người trong điều kiện thất thế trong xã hội là một sự thiệt thòi, cho nên cũng kéo theo những mặt hạn chế nhất định nào đó. Trong khi đó, yêu cầu của lịch sử xã hội luôn luôn là yêu cầu thực tế, tức luôn luôn phải cần những thành phần tinh hoa hướng dẫn, dìu dắt, nói cụ thể là những người có năng lực, nhận thức, hiểu biết đi đầu, lãnh đạo, đó là nguyên lý chung và thời nào, ở đâu cũng vậy. Như ở Việt Nam ta ngày xưa, tuy Vua là người đứng đầu cả một nước, dưới đó là triều đình và quan lại, nhưng thực chất giai cấp sĩ phu vẫn là nền tảng chung của toàn xã hội. Đó là ý nghĩa của sĩ, nông, công, thương, hoàn toàn phù hợp với thực tế khách quan xã hội như người xưa đã nhận thức. Đây là một quy tắc hay một nhận thức rất thực tế, thông minh của xã hội nước ta ngày xưa, và không phải chỉ trong một triều đại mà nó luôn luôn tồn tại và kéo dài suốt trong mọi thời đại của thời kỳ phong kiến hoặc quân chủ Việt Nam. Ngày nay, trong thời hiện đại, tất nhiên nguyên tắc này vẫn hoàn toàn đúng, nếu người ta hiểu nó theo nghĩa đúng đắn nhất.

Có nghĩa Việt Nam là xã hội cơ bản vẫn là nông nghiệp. Bởi vì đây là nền kinh tế sinh sau đẻ muộn trong xu hướng công nghiệp hóa vốn đã có từ rất lâu trên toàn thế giới. Nên sĩ ở đây phải được hiểu là nền kinh tế tri thức mà không phải sĩ chỉ được hiểu như là giai cấp làm quan hay những người cốt học hành để được làm quan. Tức sĩ là trình độ tri thức, là mặt bằng tri thức của toàn xã hội. Vì thực chất người tri thức luôn không kể xuất thân hay nguồn gốc. Bất kỳ ai có trình độ hiểu biết, năng lực hiểu biết, phẩm chất hiểu biết, đều có thể là trí thức, cho dù trước đó họ thuộc về thành phần hay xuất thân từ thành phần thế nào. Bởi vậy trong xã hội quân chủ xưa của Việt Nam, nhà vua luôn luôn được rèn luyện, học tập. Các nhà vua triều Nguyễn từ Minh Mạng trở đi phần lớn đều cho thấy điều đó. Minh Mạng đúng là nhà trí thức. Còn Gia Long, vị vua sáng lập triều đại, tất nhiên lấy nghiệp võ là chính, nhưng không ai dám bảo Gia Long không phải là người hiểu biết, và lại các cận thần của ông ta rõ ràng là những người tài năng, có học vấn nói chung, nên triều đại mới được thiết lập và được kéo dài như thế, nếu không phải bị nạn ngoại xâm. Chính sách của vua Gia Long đối với người Pháp đã cho chúng ta thấy rõ điều đó. Chỉ tiếc về sau, khi xu hướng thế giới đã bắt đầu thay đổi, nền kinh tế tư bản chủ nghĩa đã bắt đầu phát triển toàn cầu, thế nhưng phần lớn những người chủ chốt trong triều đình vào cuối nhà Nguyễn chỉ là bọn ếch ngồi đáy giếng, nên hoàn cảnh mất nước là điều đáng tiếc nhưng dầu sao cũng là tất yếu đối với điều kiện của nước Việt lúc bấy giờ. Bởi vì nếu bọn quan lại cầm quyền lúc đó chỉ cần sáng suốt hơn một chút, thông minh hơn một chút, biết nghe theo Nguyễn Trường Tộ và nhiều người khác nữa, vận nước hẳn phải khác xa. Đó chính là trường hợp của Nhật bản và nhiều nơi khác nữa trên toàn thế giới.

Thế cho nên, giai cấp trí thức, hay các tầng lớp tinh hoa khác trong xã hội, phải là những yếu tố, những người lãnh đạo đất nước, xã hội mới luôn luôn là điều hợp lý. Lãnh đạo không chỉ có nghĩa cầm quyền, mà chính là sự đi đầu trong mọi lãnh vực. Nhưng muốn vậy phải là xã hội có tinh thần, ý thức dân chủ, tự do thật sự mới thực hiện hay hoàn thành được điều đó. Ngày xưa ai cũng biết Lê Lợi chỉ là một người điền giả xuất thân, nhưng có ai phủ nhận một trong những cánh tay đắc lực của ông chính là Nguyễn Trải, một nhà đại trí thức lúc bấy giờ. Rồi đến hoàng đế trẻ Quang Trung, cũng là một người không khoa bảng, một người dân giả từ vùng rừng núi trung du, nhưng thiên tài Nguyễn Huệ vẫn rất sáng suốt khi biết tìm đến Nguyễn Thiếp, một nhà đại trí thức ẩn dật lúc bấy giờ. Rồi ai chẳng biết Việt Nam có bia tiến sĩ từ đời Lê. Ai chẳng từng nghe câu nói của một nhà khoa bảng danh tiếng rằng hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Ai chẳng từng biết truyền thống hiếu học là thực tế có thật của người Việt Nam, cũng như khuynh hướng tôn trọng kẻ sĩ ngày xưa v.v… và v.v… Tất cả những điều đó đã trở thành nguyên lý, nguyên tắc xã hội, mà không phải chỉ là thực tế xã hội, như những người vẫn còn lờ mờ sự khác nhau giữa tính chất nguyên tắc hay nguyên lý và thực tế. Như dân gian có nói chó ngáp phải ruồi, đó là thực tế, không phải là nguyên tắc. Còn bắn bách phát bách trúng, đó là nguyên lý của nhà thiện xạ, không còn phải là thực tế của xác suất hay thồng kê gì nữa hết.

Bởi vậy, sự sai lầm của đám triều thần vào cuối đời nhà Nguyễn để khiến cho mất nước, đó là sự sai lầm về mặt nguyên lý, nguyên tắc lịch sử, xã hội, mà không phải chỉ là sự sai lầm thực tế trong nhất thời, như nhiều người không rõ. Nhiều người bây giờ còn lên án xã hội phong kiến và chủ nghĩa thực dân, đó chỉ là chuyện vuốc đuôi quá khứ, thực chất không để làm gì. Bởi vì mọi chuyện xảy ra rồi là do hoàn cảnh quá khứ của xã hội lúc đó, không sao sửa lại được. Cho nên lịch sử có sự can thiệp của nguyện vọng, ý chí, tài năng con người một phần nào, nhưng có khi phần lớn có yếu tố ngẫu nhiên hoặc hoàn cảnh bao quát khách quan. Như hoàn cảnh của thời hiện đại Việt Nam ta ai không biết đó là kết quả phần nào của bối cảnh toàn thế giới sau đệ nhị thế chiến. Đó là bàn cờ của toàn thế giới, là giai đoạn lịch sử nhất định của toàn thế giới, mà đâu phải chỉ có riêng sự quyết định chủ động hoặc tùy ý của chính đất nước và dân tộc chúng ta. Biết người biết mình trăm trận trăm thắng, cái ý nghĩa đơn sơ mà người xưa đã nói như thế. Thật ra, biết người biết mình cũng chưa chắc đã trăm trận trăm thắng, nhưng còn việc không biết người, không biết mình, thực chất lại còn dở tệ. Bởi vậy, dạy lịch sử, dạy khoa học trong nhà trường, mọi triều đại sáng suốt đều cốt yếu làm sao phải dạy đúng sự thật khách quan, cho dù đó bất kỳ là sự thật gì, tức phải thật sự rõ ràng, chính xác, khách quan, không thể bóp méo, không thể xuyên tạc, không thể nhập nhằng hay đổi trắng thay đen, cho dù bất cứ công dụng, ý nghĩa, lợi ích hoặc mục đích thế nào. Giáo dục không đúng cũng chẳng khác gì tướt đoạt ý thức con người, xâm hại sự hiểu biết con người, bóc lột sự nhận thức của con người, và cuối cùng là sự hủy diệt mọi giá trị và ý nghĩa chân chính của con người.

Như vậy trở lại vấn đề, con người độc lập tự do cũng phải là con người có khả năng hay được quyền làm kinh tế, sản xuất tự do. Đó là ý nghĩa của nền kinh tế thị trường hoàn toàn khách quan mà ngày nay ai cũng biết. Điều này không phải chỉ là ý nghĩa thực tế mà chính là ý nghĩa về nguyên lý, như trên kia đã nói. Bởi mọi người sinh ra đều tự do, bình đẳng, thì làm gì có ai có quyền bẩm sinh để điều khiển, lãnh đạo ai một cách tự nhiên, tiên quyết. Vậy thị trường phải là nơi hợp tác, kết hợp cần thiết, khách quan, tự nhiên của tất cả mọi người. Tất nhiên, thị trường là thực tế tự nhiên, khách quan của xã hội, nhưng xã hội phải nằm trong khuôn khổ pháp luật theo từng thời điểm của những đất nước, quốc gia nhất định. Bởi vậy, việc quản lý nhà nước đối với thị trường, nguyên tắc pháp lý xã hội đối với thị trường vẫn luôn luôn thiết yếu và chính đáng, miễn là nó không ức chế, xâm phạm, hay xâm hại thị trường một cách tùy tiện, độc đoán, sai trái, hoặc vô trách nhiệm. Đó chính là nhiệm vụ quản lý xã hội, quản lý thị trường một cách thông minh, hiệu quả của tất cả mọi nhà nước mà không riêng nhà nước nào. Và thực chất mà nói, nhiệm vụ chính yếu ở đây chính là nhiệm vụ của pháp luật, của nhà nước, rồi mới đến nhiệm vụ của xã hội, cũng như cuối cùng mới đến ý nghĩa của nhận thức và lương tâm từng con người cụ thể trong xã hội. Bởi vì nhà tư bản hay người đầu tư sản xuất, ý nghĩa và mục đích chủ yếu của họ chỉ là làm ra các dịch vụ, hàng hóa, và thu về lợi nhuận để tiếp tục như thế. Họ giống như những con chuột bạch trong các lồng đu, cứ mãi mãi phải quay tròn không thể nào đứng yên để ngắm được. Chức năng xã hội của họ là như thế, dù họ có tự biệt hay không tự biết, họ bị thúc đẩy bởi bản năng phát triển của xã hội. Thực chất họ cũng chỉ là công cụ của toàn xã hội, giống như mọi người lao động khác nhau. Đó chỉ là ý nghĩa và nhu cầu của xã hội luôn luôn phải tự nuôi sống mình bằng chính bản thân sự hoạt động của mình mà không là gì khác.

Thế cho nên khái niệm “bóc lột” của Mác nếu đúng, cũng chỉ là một khái niệm mang ý nghĩa phiến diện. Ý nghĩa công bằng xã hội là ý nghĩa của lương tâm và sự tự giác của mỗi người, không có ai có thể can thiệp hữu hiệu được vào ngoại trừ pháp luật và các chức năng nhà nước, tức là chức năng của các công cụ quản lý xã hội. Vậy thì sự thiếu sót trách nhiệm về chức năng này cần phải quy trách vô ai, vô nhà nước, vào giới cầm quyền hay nhà sản xuất và người làm kinh doanh thương mại. Ngay như trong những khu chế xuất của xã hội ta hiện nay, nếu mặt bằng lương hướng tối thiểu của người công nhân, sự bóc lột công nhân nếu có, sự đối xử độc ác hay phản nhân phẩm của người công nhân nếu xảy ra trong vài trường hợp, thì đó trách nhiệm chính của ai nếu không phải của pháp luật lao động chưa thật sự hoàn chỉnh và đầy đủ, của các chức năng quản lý nhà nước hãy còn chưa hoàn thiện, còn thiếu trách nhiệm hoặc chưa đầy đủ, hay chỉ nhằm trách các cá nhân những chủ tư bản nước ngoài đầu tư vào các khu chế xuất đó ? Cho nên ý nghĩa của con người, ý nghĩa của xã hội, ý nghĩa của sản xuất, vẫn luôn luôn là ý nghĩa khách quan, phải nhìn vào đó một cách chính xác, không thể mơ hồ, hoặc thậm chí hàm hồ. Có thể nào những nước nghèo đi cướp đoạt tư bản nước giàu hay không, hay chỉ cần nên lập ra những khu chế xuất rồi khuyến khích và kêu gọi họ đầu tư để hai bên cùng có lợi. Chính vì những quan niệm sai lầm về đấu tranh giai cấp, về quyền sở hữu, mà trước kia đã từng bao nhiêu xã hội phạm vào tội ác đã chà đạp lên cả nhân phẩm con người trong các sự kiện đấu tố, trại cải tạo, tại tập trung, như thời Stalin, thời Mao Trạch Đông, và bao nhiêu nơi khác nữa không cần phải nói.

Thật ra, xã hội hay nhà nước chỉ cần dùng pháp luật để tự chỉnh đốn lại các điều chưa ổn, các tệ nạn trong xã hội của mình. Điều này từ cổ chí kim, nhiều bộ phận thông minh, nhiều nơi của nhân loại đã làm. Thời cổ xưa ở Trung quốc và nước ta cũng đã từng có chế độ tĩnh điền. Nhiều biện pháp hợp lý hóa sở hữu đất đai như thế cũng từng được thực hiện rất nhiều nơi trong lịch sử nhân loại, kể cả mỗi quốc gia, không thể nói hết. Ngay cả khi nền sản xuất tư bản chủ nghĩa lần lần phát triển, sự can thiệp bằng luật pháp của nhà nước vào các bất công trong sản xuất, trong thị trường, trong xã hội, cũng là điều tất yếu và tự nhiên. Chính nhờ vậy mà xã hội tư sản hay tư bản mới tồn tại và tiếp tục phát triển cho đến ngày nay. Thế nhưng ý nghĩa của Mác là phủ nhận quyền tư hữu, cho tư hữu là nguồn gốc của mọi sự bất công, tệ hại, kể cả của nguyên nhân đấu tranh giai cấp, bởi vậy ông ta mới chủ trương xã hội vô sản, xóa bỏ quyền tư hữu, xóa bỏ thị trường, xóa bỏ lao động làm thuê, nhằm tiến lên nền kinh tế vô sản chủ nghĩa, tức nền kinh tế hoàn toàn tập thể, và điều đó chính lịch sử cận đại đã chứng tỏ như thế nào rồi. Đỉnh cao trong quá khứ về nguyên tắc đó chính là các công nông trường thời Stalin, công nông trường thời Mao Trạch Đông, cuối cùng là các mô thức Ăng ca của Khmer đỏ cùng với sự tiêu diệt dã man gần ba triệu người, để trở thành tội diệt chủng của nhân loại mà ngày nay mọi người đều biết. Bởi vì sao, vì các thực tế đó đi trái lại với các nguyên lý tâm lý tự nhiên của con người và xã hội. Nó triệt tiêu các động cơ kích thích phát triển tự nhiên nơi mọi chủ thể con người, nên cuối cùng nó phải bị đào thải. Đây cũng là cách tốt nhất để phân biệt sự khác nhau giữa nguyên lý và thực tế mà có thể có số người nào đó chưa rõ. Cũng giống như nguyên lý khách quan, hiệu quả nhất là nguyên lý chuyển động tròn. Thế rồi có người nghĩ chế ra các chiếc xe bánh vuông, cho là cách mạng lạ đời, để bắt buộc mọi người cùng đẩy, cùng khiêng một cách khốn khổ để cho là nguyên lý tối ưu, đó chính là sự khác nhau giữa chân lý khách quan và thực tại chủ quan.

Chính vì vậy, xã hội muốn phát triển tự nhiên phải dựa vào tâm lý khách quan của con người, đó là ý muốn về quyền sở hữu, là tâm lý thích hoạt động độc lập, tự do, tâm lý muốn làm chủ, tâm lý muốn phát huy sáng kiến hay tâm lý sáng tạo, tâm lý muốn thể hiện các cái tôi riêng chính đáng của mình, tâm lý muốn được thừa nhận, và còn rất nhiều nữa, tựu trung lại, đó chính là các động lực, động cơ kích thích tự nhiên cho mọi sự phát triển của cá nhân và xã hội, từ vật chất đến tinh thần, từ ý thức đến văn hóa, nói chung là tất cả mọi mặt. Sự nông cạn, khiếm khuyết hay sai lầm của Mác, chính là sự bỏ qua mọi ý nghĩa tâm lý khách quan, thực tiển của con người. Mác nhìn xã hội chỉ còn như những phạm trù ý niệm khái quát và trừu tượng, trong đó có phạm trù giai cấp và đấu tranh giai cấp. Nguồn gốc chính của nó là đem ý niệm biện chứng của Hegel áp dụng vào xã hội. Quan điểm của Mác chẳng khác gọt chân theo giầy, lý giải mọi yếu tố thực tiển của lịch sử xã hội theo nguyên lý biện chứng. Tức thay cái cụ thể bằng sự suy diễn trừu tượng. Nếu hệ thống Hegel là hệ thống tư biện thuần túy, hệ thống tư duy của Mác gần như cũng là hệ thống tư biện thuần túy, cho nên nó mang tính chất lý tưởng, nhưng thực chất đó là lý tưởng ảo, lý tưởng của tính toán theo kiểu lý luận toán học đơn giản, trừu tượng. Nói cụ thể, sự phát triển của lịch sử xã hội cơ bản là sự phát triển của các phát minh khoa học và kỹ thuật, không phải chỉ hoàn toàn dựa vào các quan hệ giai cấp như Mác nhận định(1).

Chính sự nhầm lẫn hay sự đánh đồng giữa mục đích và phương tiện trong quan điểm của Mác là điều quan trọng nhất. Như quyền sở hữu tài sản luôn luôn chỉ là phương tiện mà không phải là mục đích của con người. Phần lớn ai cũng hiểu như vậy, trừ những kẻ thờ bò vàng, đó là thiểu số sai trái mà không phải toàn thể xã hội sai trái. Mục đích của xã hội và cá nhân luôn luôn là sự phát triển. Còn các điều kiện bị ức chế ra sao lại là chuyện khác. Cho nên sự tự thích nghi, sự tự điều tiết hay điều chỉnh công cộng, vẫn luôn luôn là điều không thể thiếu, là các phương tiện và công cụ cần thiết, không thể không có, nếu muốn tồn tại. Do đó, nền kinh tế tự do hay nền kinh tế thị trường luôn luôn phát triển ngoạn mục hơn nền kinh tế tập thể thông thường èo uột, khô cằn, không sức sống, chính là ý nghĩa như thế. Nhưng cái quan trọng hơn cả và cũng nghịch lý hơn cả trong Mác chính là chủ trương chuyên chính hay độc tài vô sản để đi đến xóa bỏ nhà nước và trở thành nền kinh tế vô sản. Đây phải chăng cũng chính là quan điểm vô chính phủ vốn vẫn đã luôn ngầm ẩn trong tư tưởng của Mác. Thực bụng mà nói, giai cấp vô sản là giai cấp chịu thua thiệt nhiều mặt trong xã hội, như thế cũng có nghĩa là chịu nhiều hạn chế. Vậy mà nắm mọi quyền sinh sát xã hội trong tay theo Mác chủ trương, quả là thấy mẹ thiên hạ. Đó là chưa nói thực chất họ đã có được quyền đó. Thiếu gì các cá nhân tham vọng, các tập thể nào đó sẽ nhân danh lý thuyết của Mác, nhân danh giai cấp vô sản để nhằm củng cố quyền lực riêng cho bản thân, phe nhóm của mình như Stalin, Mao Trạch Đông, Tito, Pôn Pốt, Iêng Sari … mà nhiều người đã thấy. Cho nên, người làm triết học, người làm khoa học, người làm tư tưởng, mà chỉ ngẫu hứng, chủ quan, hời hợt, vô trách nhiệm trong chốc lát có thể để di hại muôn đời cho xã hội, và không khéo chỉ một bước có thể trở thành tội đồ của cả lịch sử nhân loại, thì quả thật nếu điều đó xảy ra cũng chẳng có gì để ta thán.

Đúng ra, bản thân Mác có nguồn gốc là người Do thái, nhưng gia đình đã từ lâu nhập quốc tịch Đức, sống trên quê hương Đức, nên bản chất của ông có thể coi như người Đức. Nhưng trên thế giới, tâm lý phần lớn người Do thái, người Đức, cả người Trung quốc có các đặc trưng tiêu biểu như thế nào, thì mọi người trên khắp thế giới và cả bản thân các dân tộc này đều biết. Đó là câu chuyện dài của nước Đức từ thế chiến lần thứ nhất, qua thế chiến lần thứ hai mà ai cũng rõ. Cho nên, dùng phân tâm học để phân tích học thuyết của Mác một cách toàn diện, sâu xa và cặn kẽ, có lẽ cũng nên dành cho các nhà phân tâm học, khi mọi sự kiện có liên quan về học thuyết của ông ngày nay đã hết sức cụ thể, rõ ràng. Chẳng hạn, trong thực tế cuộc đời, nếu sau khi Liên xô và khối Đông Âu trước đây đã quản lý được gần như một nửa thế giới, rồi nếu Trung quốc không phá bĩnh, không theo khuynh hướng bá quyền địa phương lúc đó, mà cùng thống nhất vào khối Liên xô, chắc hầu hết hay toàn thể nhân loại đã đi vào quỹ đạo của học thuyết Mác, ông đã trở thành như một Thiên Chúa thứ hai, và Tổng bí thư Liên xô biết đâu đã trở thành một vị Giáo hoàng, ý như Thiên chúa giáo. Điều này không biết Mác có tiên liệu không, có vô tình hay cố ý, là vô thức hay hữu thức, nhưng quả thật các quan điểm lạ thường của ông, nhất là sự chủ trương độc tài chuyên chính vô sản (Diktatur des Proletariates) đã là một bước thang hoàn toàn cần thiết để đưa đẩy đến chính những thực tế đó.

Đây cũng là điều nghịch lý trong Mác. Khởi thủy ông muốn mình là người đưa ra lý thuyết nhằm giải phóng nhân loại. Nhưng kết thúc cũng chính quan niệm của ông đã phản lại điều đó. Bởi khi đã chuyên chính rồi, giống như vòng tròn khép kín, làm sao còn lối ra để quay về với sự giải phóng của xã hội vô giai cấp như Mác quan niệm. Đây chẳng qua là niềm tin ngây thơ của Mác vào phép biện chứng của Hegel, tức là quy tắc phủ định của phủ định (die Negation der Negation). Nhưng thử hỏi trong vòng tròn khép kín thì cái gì là bước đột phá để tạo ra phép phủ định của sự phủ định ấy. Rõ ràng từ trước đến sau Mác vẫn là người mê tin, tin tưởng cuồng si, máy móc vào chính phép biện chứng chủ quan, độc chế của Hegel. Đây cũng còn là điều chứng minh sự xa rời thực tế của Mác, tức ông quên đi hết mọi ý nghĩa quy luật khách quan của tâm lý, ý thức con người như trên kia đã nói. Mác nói rằng xã hội loài người từ trước đến nay chỉ là xã hội đấu tranh giai cấp. Đến giai cấp cuối cùng là giai cấp vô sản sẽ xóa bỏ mọi giai cấp, thật là lối lý luận ngụy biện và không có cơ sở lô-gích. Mác cũng nói xã hội có giai cấp luôn luôn biểu hiện ra thành giai cấp thống trị và giai cấp bị trị. Ông còn nói trên cơ sở đó, thượng tầng kiến trúc, tức văn hóa, tôn giáo, pháp luật, nghệ thuật v.v… đều chỉ là sự phản ánh, là phụ phẩm của đấu tranh vật chất, đấu tranh kinh tế, tức đấu tranh giai cấp. Đúng là kết luận mọi người đều cùng một duột, đều là sự giành ăn với nhau trong lịch sử, chỉ có mình là thánh thiện mới đứng ngoài mà thấy hết việc đời.

Bởi nói như trên, quả thật Mác đã coi thường nền văn minh nhân loại, tầm thường hóa, hạ thấp hóa mọi ý nghĩa nhân văn trong thực tế. Đó cũng còn là sự sổ toẹt mọi thời kỳ vàng son về phát triển của nhân loại và trong mỗi đất nước. Đây giống như một tội phỉ báng nhân loại mà từ xưa đến nay trên thế giới hình như chưa có ai nhìn thấy. Nên rút cục, những gì mà Mác cho rằng là yêu cầu giải phóng nhân loại do ông đưa ra lúc ban đầu, cuối cùng ý nghĩa của chuyên chính vô sản như trên kia đã nói, đã trở thành như công cụ nô dịch nhân loại mà dưới thời Stalin, dưới thời Mao Trạch Đông, và dưới thời Khmer đỏ, người ta đều nhận rõ. Mọi người hãy tưởng tượng hình ảnh gần một tỉ dân Trung quốc dưới thời Chủ tịch Mao, có thể nói là mặc quần xà lỏn, gục đầu, chổng mông để hô khan theo lãnh tụ vĩ đại đả đảo Đế quốc Mỹ là con hổ giấy trong suốt nhiều thập niên, để cuối cùng ngày nay chính Trung quốc lại bắt tay với Mỹ, thì bao thế hệ bị nô dịch, bị đánh mất bản thân về mọi mặt đó ngày nay họ đã đi đâu ? Thế cho nên, lịch sử rồi vẫn cứ luôn trôi đi, như tiêu đề đã nói. Chính chân lý khách quan mới tồn tại đích thực, còn mọi tính chủ quan của con người, cho dù là những học thuyết kỳ dị và quái chiêu nào rồi cũng phải qua đi. Đó chính là sự khác nhau giữa nguyên lý và thực tế mà có thể nhiều người còn nhầm lẫn. Chỉ có nguyên lý khách quan, mang ý nghĩa khoa học chân thực mới luôn luôn đúng, còn thực tế có thể đúng với nó phần nào hoặc hoàn toàn không đúng với nó tức là sai. Điều đó cũng giống như việc xã hội khách quan luôn luôn tự nó phát triển nếu không bị ức chế, ngăn cản, còn nhà nước thực chất có làm cho nó phát triển hay không lại là chuyện khác. Nên bài này đáng lẽ không viết, tuy nhiên thấy nhiều người ngày nay trong quan niệm quản lý đất nước vẫn còn oang oang lên là nhân danh lý thuyết chủ nghĩa Mác, nên mới phải viết ra, mặc dầu có người vẫn cho đó là điều dư thừa và nhàm chán. Tuy nhiên, có phải chăng lịch sử vẫn luôn luôn lặp lại, cũng giống như vào cuối thời nhà Nguyễn, cả một triều đình có bao giờ mở mắt để biết trời trăng ất giáp của cả thế giới lúc đó đang rầm rộ chuyển vần nhanh chóng hay sao.

Võ Hưng Thanh
Đà Lạt, một ngày tiết Xuân Tân Mão
(15/02/2011)

Chú thích:

(1) Xem them cùng tác già : Chủ nghĩa nhân văn (23/01/2011), Thế nào là những chính phủ thông minh (10/02/2011),Chính trị như một khoa học và chính trị như một phạm trù đạo đức (14/02/2011)

Nguồn bài đăng

0