Huế – Biểu tượng du lịch Việt Nam nhìn từ góc độ văn hóa
Huỳnh Thiệu Phong Lựa chọn để xây dựng biểu tượng nhằm mục đích quảng bá du lịch là việc làm cần thiết. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Song, trong những năm qua, công tác này vẫn còn tồn tại nhiều bất cập vì tiếp cận ở nhiều góc độ khác nhau. Chính điều này đã khiến cho biểu tượng ...
Huỳnh Thiệu Phong
Lựa chọn để xây dựng biểu tượng nhằm mục đích quảng bá du lịch là việc làm cần thiết. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Song, trong những năm qua, công tác này vẫn còn tồn tại nhiều bất cập vì tiếp cận ở nhiều góc độ khác nhau. Chính điều này đã khiến cho biểu tượng du lịch Việt Nam vẫn đang trong một vòng luẩn quẩn, chưa có một hình ảnh thống nhất. Bài viết sẽ nêu quan điểm từ góc nhìn văn hóa để làm tiền đề thử đề xuất biểu tượng du lịch Việt Nam – Quần thể Di tích Cố đô Huế.
- Đặt vấn đề
Lựa chọn một biểu tượng để làm biểu tượng cho ngành Du lịch là một việc làm cần thiết để thúc đẩy du lịch quốc gia. Trong những năm qua, Việt Nam đã xây dựng những hình ảnh kèm theo khẩu hiệu để quảng báo du lịch nước nhà. Tuy nhiên, những biểu tượng và khẩu hiệu ấy thường xuyên bị thay đổi. Điều này đã dẫn đến việc điểm nhấn trong lòng du khách quốc tế về du lịch Việt Nam chưa đủ sâu đậm.
Mặt khác, Việt Nam có nhiều lợi thế vô cùng to lớn so với các quốc gia trong khu vực về nhiều phương diện: Tài nguyên du lịch phong phú, vị trí địa lý thuận lợi, khí hậu ôn hòa, … Tuy vậy, để đưa những giá trị đó đến với bạn bè quốc tế lại là một câu chuyện khác. Biểu tượng du lịch có thể giải quyết vấn đề này khi chính nó là phương tiện để giới thiệu đất nước và con người Việt Nam đến với bè bạn quốc tế. Dưới góc nhìn văn hóa, bài viết này sẽ nêu quan điểmvề việc xem Huế như là mộtbiểu tượng du lịch Việt Nam thông qua việc tiếp cận từ góc độ văn hóa.
- Vài vấn đề về biểu tượng và biểu tượng du lịch từ góc độ văn hóa
Biểu tượng (symbol) là một từ có nguồn gốc từ ngôn ngữ cổ ở châu Âu (symbolous trong tiếng La Mã – symbolon trong tiếng Hy Lạp). Cách giải thích thuật ngữ này hiện nay có khá nhiều quan điểm. Dẫn ra trong bài viết này một vài quan điểm của một vài nhà nghiên cứu để giúp ta có cái nhìn tổng quan về khái niệm này là việc làm mang tính tiên quyết.
+ Theo Từ điển mở Wikipedia, “Một biểu tượng là cái gì đó đại diện cho một ý tưởng, thực thể vật chất hoặc một quá trình. Mục đích của một biểu tượng là để truyền thông điệp ý nghĩa”.
+ Mặt khác, Tự điển Larousse thì cho rằng: “Biểu tượng là một dấu hiệu hình ảnh, con vật sống động hay đồ vật, biểu hiện một điều trừu tượng, nó là hình ảnh cụ thể của một sự vật hay hiện tượng gì đó” [8].
+ Còn dưới góc độ từ nguyên học, trong tiếng Hán thì “biểu” là cái được bày ra, được biểu hiện ra bên ngoài như là một dấu hiệu để người khác nhận biết một điều gì đó. Tượng có nghĩa là hình tượng. Như vậy, với góc độ từ nguyên học thì cụm từ “biểu tượng” cho ta thấy biểu tượng gồm hai phần, đó là cái được biểu đạt (biểu) và cái biểu đạt (tượng); hay nói cách khác, nội dung của cái biểu đạt được hiện thực hóa bằng cái biểu đạt.
+ Ở Việt Nam, khái niệm “Biểu tượng” đã được lý giải trong Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học với hai nghĩa, thứ nhất là mang nghĩa “hình ảnh tượng trưng”; nghĩa thứ hai là: “Hình thức của nhận thức, cao hơn cảm giác, cho ta hình ảnh của sự vật còn giữ lại trong đầu óc khi tác động của sự vật vào giác quan ta đã chấm dứt” [3].
Với một vài quan điểm trên của các nhà nghiên cứu về khái niệm “Biểu tượng” như vậy, “Biểu tượng du lịch có thể được hiểu là một hình ảnh đại diện (điểm đến) đặc trưng, có thể bao hàm những giá trị văn hóa – lịch sử của một đất nước, thông qua đó có thể tác động vào tâm trí của du khách theo chiều hướng tích cực trong việc nhìn nhận các giá trị tốt đẹp của một đất nước, góp phần vào việc thúc đẩy nền Du lịch của quốc gia”.
Với quan điểm cá nhân của tác giả về định nghĩa “Biểu tượng du lịch” đã được nêu ở trên, tôi tạm chấp nhận và xem đó là cơ sở cho việc phân tích biểu tượng du lịch của Việt Nam. Theo đó, nghiên cứu về trường hợp tại Việt Nam, một điểm đến muốn được lựa chọn là biểu tượng du lịch cần phải được tổng hợp và mang những giá trị về văn hóa – lịch sử và phải có những nét khu biệt với những điểm đến của những quốc gia trong khu vực.
Thực chất, trong những năm qua, biểu tượng du lịch của Việt Nam chưa đứng dưới góc nhìn của văn hóa để lựa chọn. Sự thiết kế biểu tượng du lịch của Việt Nam chưa làm nổi bật được những thế mạnh của nguồn tài nguyên du lịch Việt Nam. Sở dĩ tác giả muốn làm rõ mối liên hệ giữa biểu tượng văn hóa và biểu tượng du lịch là bởi vì văn hóa và du lịch là hai nội dung có mối quan hệ biện chứng với nhau.“… cả về lý luận và thực tiễn, yếu tố văn hóa và du lịch đều có mối quan hệ mật thiết với nhau. Hay nói cách khác, văn hóa là đòn bẩy để thúc đẩy phát triển du lịch; và du lịch được xem như một công cụ hữu hiệu trong việc bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc…” [6: 94].
Song song với việc chưa đứng từ góc nhìn văn hóa để lựa chọn và xây dựng biểu tượng du lịch, Việt Nam còn vướng phải một điều tối kỵ trong nghiên cứu truyền thông, đó là việc thường xuyên thay đổi biểu tượng và khẩu hiệu của ngành Du lịch. Điều này dẫn đến một thực trạng là du khách chưa kịp định hình và ghi nhớ hình ảnh đại diện của ngành Du lịch Việt Nam đã phải chuyển sang ghi nhớ một biểu tượng khác. Mặt khác, biểu tượng du lịch là một hình ảnh của điểm đến tiêu biểu cũng tác động rất lớn đến các đối tượng du khách khác nhau. Sản phẩm du lịch dù cho có đặc sắc bao nhiêu thì cũng chỉ được đánh giá sau khi đã sử dụng và trải nghiệm nó. Song, biểu tượng du lịch lại tác động một cách mạnh mẽ và là cái nhìn đầu tiên mà du khách có thể tiếp cận và quyết định đến tính hấp dẫn của điểm đến.
Sự phân kỳ lịch sử văn hóa Việt Nam có thể được khái quát hóa thành 3 giai đoạn: (1) Từ nguyên thủy cho đến đầu Công nguyên: Hình thành các không gian văn hóa xã hội Việt cổ và tạo nên cơ tầng văn hóa bản địa – (2) Thiên niên kỷ thứ nhất: Tiếp biến văn hóa Hán Việt – (3) Từ thế kỷ X đến cuối thế kỷ XIX: Tích hợp nền văn hóa dân tộc truyền thống [4: 33]. Sự phân kỳ lịch sử văn hóa mà bài viết dẫn ra để chứng minh rằng văn hóa Việt Nam không chỉ dài mà còn dày. Dài vì nó được hình thành gần như trùng hợp với sự phân kỳ lịch sử; dày vì trong một tiến trình ấy, ở từng giai đoạn khác nhau, văn hóa Việt Nam đã tích hợp nhiều nền văn hóa khác nhau có chọn lọc.
Với đặc điểm phức tạp như vậy của văn hóa Việt Nam, ta có lý do để đồng nhất biểu tượng văn hóa với biểu tượng du lịch. Điều này là phù hợp trong thời điểm khi mà người ta đã đầy đủ về vật chất, việc tìm lại những giá trị truyền thống cổ xưa thông qua hoạt động du lịch đang là một xu thế tất yếu. Lựa chọn biểu tượng văn hóa để làm biểu tượng du lịch có khả năng thu hút và tạo dấu ấn cao cho du khách khi đến với Việt Nam.
Phạm Đức Dương cho rằng: “… Nhờ có khả năng biểu trưng hóa (nét khu biệt giữa con người và động vật) nên con người sống đồng thời với ba thế giới:
- Thế giới thực tại ngoài con người, thế giới hữu hình, hữu hạn và khả tri; đó là thế giới tự nhiên, có trước con người.
- Thế giới ý niệm nằm trong đầu não con người, là thế giới vô hình, vô hạn, vô khả tri, là sự phản ánh của thế giới thực tại vào bộ não con người theo phương pháp biểu trưng hóa; là cái có sau.
- Thế giới biểu tượng do con người sáng tạo ra nhằm thông báo, biểu thị các ý niệm thành những biểu tượng làm cầu nối giữa thế giới thực tại và ý niệm (tức là dùng hình diễn tả nghĩa)…” [2: 5].
Trong bài viết này, tác giả không có tham vọng chỉ ra và phân tích những đặc trưng của văn hóa Việt Nam; đây là một việc làm không đơn giản có thể được giải quyết trong phạm vi một bài viết. Bởi vì, như đã được nhận định, ta có quyền tự hào về độ dài và bề dày của văn hóa truyền thống dân tộc; song, cũng chính nó là rào cản khiến cho việc lựa chọn biểu tượng du lịch Việt Nam gặp nhiều khó khăn.
- Huế – biểu tượng du lịch Việt Nam từ góc nhìn văn hóa
Hiện nay có hàng trăm định nghĩa về khái niệm “văn hóa”; bài viết sử dụng định nghĩa về “văn hóa” của Trần Ngọc Thêm, cụ thể: “Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội” [9: 10]. Việc lựa chọn khái niệm này vì nội hàm nó đã chỉ ra những đặc trưng trong khái niệm “văn hóa”: Tính hệ thống – tính giá trị – tính nhân sinh – tính lịch sử.
Với những vấn đề về cơ sở về lý thuyết trong việc tiếp cận lựa chọn biểu tượng du lịch Việt Nam, cá nhân tác giả bài viết nêu quan điểm của bản thân trong việc lựa chọn hình ảnh biểu tượng cho du lịch Việt Nam là Di sản văn hóa vật thể Quần thể di tích Cố đô Huế. Đưa Di sản văn hóa vật thể Quần thể di tích Cố đô Huế vào khung cơ sở lý thuyết là xác định những đặc trưng của văn hóa, ta có mối quan hệ cực kỳ chặt chẽ (xem Bảng 1). Ngoài ra, cũng cần bổ sung rằng, với việc được UNESO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, Việt Nam sẽ có rất nhiều lợi thế trong việc quảng bá hình ảnh du lịch của Việt Nam nếu chọn Huế là biểu tượng du lịch.
Bảng 1:Huế trong mối quan hệ với các đặc trưng văn hóa
HUẾ = VĂN HÓA (VẬT CHẤT + TINH THẦN) | |
Tính hệ thống | Ý nghĩa về mặt phong thủy, tính liên kết của các công trình trong Quần thể di tích Cố đô Huế. |
Tính giá trị | Giá trị thẩm mỹ trong nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc. |
Tính nhân sinh | Thể hiện triết lý nhân sinh là “uống nước nhớ nguồn” của văn hóa truyền thống Việt Nam. |
Tính lịch sử | Chứng kiến một quá trình hình thành và một giai đoạn phát triển của đất nước Việt Nam dưới một triều đại phong kiến. |
[Nguồn: Tác giả]
Thứ nhất, về tính hệ thống: Quần thể di tích Cố đô Huếlà một công trình không chỉ to lớn mà nó còn mang nhiều ý nghĩa về mặt giá trị văn hóa. Một trong số những giá trị tinh hoa đáng lưu ý chính là việc nó tuân thủ hết sức chặt chẽ những nguyên tắc về mặt phong thủy và kiến trúc xây dựng. Về tính hệ thống trong việc xây dựng Cố đô Huế, nhà nghiên cứu Phan Thuận An đã nhận xét: “Bố cục mặt bằng của hệ thống kiến trúc hết sức chặt chẽ, cân đối, nhịp nhàng và liên tục. Phần lớn đối xứng nhau từng cặp qua đường trục chính của Hoàng thành, gọi là đường Dũng đạo, và các công trình kiến trúc đều ở vào những vị trí tiền, hậu, tả, hữu, thượng, hạ rất nhất quán…” [1: 20]. Việc tuân thủ những nguyên tắc trong xây dựng đã giúp cho Cố đô Huế thực sự là một hệ thống hoàn chỉnh, cả về phương diện khoa học xây dựng lẫn phương diện văn hóa (yếu tố phong thủy). Trong biên bản phiên họp lần thứ 17, Ủy ban Di sản thế giới đã nhận xét về Cố đô Huế như sau: “… Nó [Cố đô Huế – HTP] kết hợp triết lý Đông phương và truyền thống Việt Nam, hòa quyện vào môi trường tự nhiên. Vẻ đẹp với sự phong phú đặc biệt của kiến trúc và trang trí ở các tòa nhà là một phản ánh độc đáo của đế chế Việt Nam ngày xưa vào thời cực thịnh của nó” [10: 106].
Thứ hai, về tính giá trị: Nguyên Tổng Giám đốc của UNESO Amadou Mahtar M’Blow đã nhận xét: “Giữa lòng Huế, đô thị lịch sử ấy là một mẫu mực về cấu trúc cân đối, mà sự hài hòa tự nhiên đến nỗi người ta quên bàn tay con người đã tạo ra nó” [1: 21]. Tổng thể của Quần thể này được xây dựng trên một mặt bằng rộng 500 hecta và được giới hạn bởi ba vòng thành: Kinh thành – Hoàng thành – Tử cấm thành. Ở mỗi vòng thành là tập hợp những công trình kiến trúc có giá trị cao về mỹ thuật và kiến trúc, đặc biệt là việc tuân thủ theo nguyên tắc về phong thủy. Một ví dụ điển hình cho giá trị về mặt kiến trúc của Cố đô Huế chính là kết cấu và trang trí nội ngoại thất. “… Cung điện và đền miếu đều làm theo kiểu nhà kép, gọi là “trùng lương trùng thiềm”: nhà trước và nhà sau liên kết lại bằng trần thừa lưu uốn cong mềm mại. Hàng cột hiên đứng ngay trên sân để tạo ra ảo giác bề cao. Mái được chia ra làm thành hai hoặc ba mảng tính từ trên xuống để tránh sự nặng nề. Bờ nóc, bờ quyết thẳng chứ không có tàu đao uốn cong lên như đình chùa miếu vũ ở miền Bắc…” [1: 21]. Phan Thuận An đã gọi kiểu kiến trúc trong Quần thể Cố đô Huế là một “thức” kiến trúc độc đáo, một thần thái đặc biệt của thời Nguyễn. Đó là chưa kể đến từng kiểu thiết kế mang nhiều giá trị mỹ thuật của từng công trình cụ thể trong đó. Do vậy, tính giá trị nổi bật nhất của Quần thể di tích này chính là yếu tố mỹ thuật đặc sắc.
Thứ ba, về tính nhân sinh: Liên quan đến tính nhân sinh của Quần thể di tích Cố đô Huế, có lẽ ta cần quay dòng lịch sử của triều đại này để làm rõ tính nhân sinh. Trước khi thống nhất lãnh thổ và thành lập vương triều Nguyễn vào năm 1802, Nguyễn Ánh đã vấp phải sự truy đuổi vô cùng kịch liệt của nhà Tây Sơn. Chưa dừng lại ở việc truy đuổi Nguyễn Ánh, nhà Tây Sơn còn cho quật mộ của Nguyễn Phúc Luân – thân phụ của Nguyễn Ánh và đem hài cốt đổ xuống sông vào năm 1790. Hành động đó đã khiến cho mối thâm thù của Nguyễn Ánh và nhà Tây Sơn lên đến đỉnh điểm. Do vậy, sau khi thống nhất đất nước, Gia Long đã làm lễ Hiến Phù để báo thù cho tổ tiên của mình. Việc làm này thực chất đã vấp phải rất nhiều sự lên án vì nó mang tính chất tàn bạo. Song, hành động ấy cũng chỉ là việc trả thù triều Tây Sơn theo lẽ tự nhiên vì những gì mà Tây Sơn đã làm với tổ tiên của Gia Long. Như vậy, tính nhân sinh của Cố đô Huế nằm ở đâu ? Đó chính là việc nội trong một quần thể công trình to lớn ấy đã tồn tại rất nhiều công trình để thờ tổ tiên của triều đại Nguyễn; đó chính là: Triệu Miếu – Thái Miếu – Thế miếu – Hưng Miếu. Điều này minh chứng một sự thật rằng, nhà Nguyễn là triều đại rất tôn trọng tổ tiên và tôn sùng thế phả. Đặc trưng này của nhà Nguyễn là phù hợp với tinh thần truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của văn hóa Việt Nam. Đồng thời, việc xây dựng hệ thống miếu thờ của các vua nhà Nguyễn có thể được hiểu giống như tín ngưỡng thờ tổ tiên trong dân gian. Đó là triết lý nhân sinh đậm nét trong tổng thể công trình này.
Thứ tư, về tính lịch sử: Huế – vùng đất ghi dấu ấn của một giai đoạn phát triển trong lịch sử dân tộc. Từ năm 1306, cuộc hôn nhân mang đậm tính chính trị giữa Huyền Trân công chúa với vua Chăm là Chế Mân đã sát nhập hai vùng Châu Ô, Châu Rý vào lãnh thổ của nước ta với tên gọi Thuận Hóa. “Vào nửa cuối thế kỷ, thời Vua Lê Thánh Tông, địa danh Huế lần đầu tiên xuất hiện. Năm 1636, phủ Chúa Nguyễn đặt ở Kim Long (Huế), tới năm 1687 dời về Phú Xuân – Thành Nội Huế ngày nay. Vào những năm đầu của thế kỷ 18, Phú Xuân là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của xứ Đàng Trong, từ năm 1788 đến 1802, Phú Xuân trở thành kinh đô của triều đại Tây Sơn thống nhất” [10: 107]. Về sau, khi Gia Long thống nhất đất nước, Huế tiếp tục trở thành kinh đô của nước ta liên tục trong khoảng thời gian hơn một thế kỷ (1802 – 1945). Trong 143 năm đó, Huế đã chứng kiến nhiều biến động của lịch sử đất nước, chưa kể đây còn là “… mảnh đất ghi nhiều dấu ấn của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ để giành lại độc lập dân tộc” [10: 107].
- Kết luận
Với những giá trị đạt được, Huế dưới góc nhìn văn hóa xứng đáng là một biểu tượng cho Du lịch Việt Nam. Quần thể này như một hiện tượng độc đáo của văn hóa dân tộc. Đưa Quần thể di tích Cố đô Huế vào mối quan hệ với các đặc trưng của văn hóa, ta thấy rõ điều này với những đặc trưng vô cùng trùng khớp.
Dưới nhiều góc độ khác nhau, hành trình tìm ra câu trả lời cho câu hỏi: “Đâu là biểu tượng của du lịch Việt Nam ?” chắc chắn sẽ còn rất dài mới có sự thống nhất. Việc tiếp cận ở góc độ văn hóa để lựa chọn biểu tượng du lịch cho Việt Nam trong bài viết này chỉ góp một phần rất nhỏ trong hành trình đi tìm câu trả lời cho câu hỏi đó. Hiện nay, Việt Nam đang đương đầu với hàng loạt những khó khăn trong việc xây dựng biểu tượng cho ngành Du lịch; những thách thức lớn có thể được kể đến như: Có quá nhiều chủ thể tham gia xây dựng biểu tượng du lịch, thời gian hoạt động của những người quản lý du lịch ngắn, sự cạnh tranh gay gắt trong hệ thống thị trường du lịch toàn cầu, ngân sách hạn chế, … [5: 353 – 353]. Do vậy, những cơ quan chức năng có thể thử tiếp cận biểu tượng du lịch Việt Nam từ góc nhìn không phải Marketing truyền thông (chẳng hạn như góc nhìn từ văn hóa như nội dung của bài viết này) để tạo ra bước đột phá trong nhận thức và xây dựng hình ảnh du lịch thực sự có tầm, bộc lộ được những giá trị văn hóa tốt đẹp của Việt Nam để góp phần quảng bá và thúc đẩy nền Du lịch nước nhà đến một tầm cao mới./
H.T.P
Sài Gòn, 4/ 1/ 2015