18/06/2018, 16:24

Công trạng của các Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn, đôi điều suy ngẫm

Huỳnh Thiệu Phong Kể từ những năm 70 của thế kỷ XX trở về trước, ở nhiều góc độ khác nhau, Vương triều Nguyễn từng bị phê phán gay gắt và thời kỳ này cũng từng bị xem là thời kỳ chuyên chế phản động nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Khuynh hướng này vẫn còn tồn tại cho đến tận ...

NgoMonHue.jpg

Huỳnh Thiệu Phong

Kể từ những năm 70 của thế kỷ XX trở về trước, ở nhiều góc độ khác nhau, Vương triều Nguyễn từng bị phê phán gay gắt và thời kỳ này cũng từng bị xem là thời kỳ chuyên chế phản động nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Khuynh hướng này vẫn còn tồn tại cho đến tận ngày nay, mặc dù về sau này, trong giới Sử học nước nhà đã có những chuyển biến tích cực về mặt nhận thức. Biểu hiện rõ nét nhất cho khuynh hướng này là nội dung trong những bộ sử dành cho học sinh cấp II và cấp III. Tôi đã đặt thử một câu hỏi cho các em học sinh cấp II, cấp III rằng: “Theo các em, Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh, ai mới là anh hùng dân tộc?”. Và hầu như tất cả học sinh đều xem Nguyễn Huệ là anh hùng dân tộc và không công nhận những gì mà Nguyễn Ánh đã làm cho đất nước. Rõ ràng, một câu hỏi nhỏ cũng đã phản ánh một sự bất công bằng khi đánh giá về Nguyễn Ánh nói riêng và Vương triều Nguyễn nói chung.

Sự lên án triều Nguyễn trong giới Sử học nước nhà được biểu hiện qua những “chỉ khống” như: Chia cắt đất nước, cầu viện Tư bản Pháp, hành động cầu viện quân Xiêm để “cõng rắn cắn gà nhà”… Những “chỉ khống” đó đã kết thúc sự đánh giá của các nhà nghiên cứu về triều đình này bằng cụm từ: “Triều đại bán nước”.

Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh thực tiễn tình hình chính trị của đất nước trong giai đoạn trước (đặc biệt là từ năm 1945 đến những năm trước 1975), ta có thể hiểu được. Đây là giai đoạn mà cả nước đang ráo riết tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Điều này đồng nghĩa với một thực tiễn: Độc lập dân tộc là quan trọng nhất; bất kỳ hành động nào trong quá khứ xúc phạm hay đi ngược lại với chân lý đó đều bị phê phán kịch liệt. Tôi không phủ định triều Nguyễn đã có những động thái đi ngược lại với chân lý đó. Nhưng, lịch sừ phải công minh, lịch sử càng phải là sự thật. Mà sự thật thì với những gì đã làm được cho đất nước, triều Nguyễn đã có những đóng góp hết sức to lớn cho dân tộc. Đấy là sự thật mà ta không thể phủ định !

Tội trạng của triều Nguyễn có hay không ? Xin thưa là “Có”. Thậm chí trước đây, ở trong bối cảnh lịch sử như vậy, tội trạng của vương triều này có lẽ còn được nghiên cứu kỹ hơn so với công trạng, mà do vậy, khi may mắn được tiếp cận quyển Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX”cá nhân tôi vô cùng phấn khởi. Hội thảo này đã minh chứng cho việc xem xét Vương triều Nguyễn trong dòng chảy lịch sử dân tộc ở một cách tiếp cận khách quan hơn.

Nhân cơ hội được đọc những bài tham luận của các học giả trong và ngoài nước, tôi xin được mạn phép chia sẻ đôi điều về những công trạng của vương triều này thông qua một vài tham luận của những nhà nghiên cứu đã được in trong quyển Kỷ yếu này. Cũng xin được khẳng định, đây không phải là vấn đề mới. Hội thảo này đã được tổ chức ngót nghét 10 năm, do vậy mà tham vọng của tác giả chỉ dừng lại ở mức tổng hợp những quan điểm của các chuyên gia đầu ngành về vấn đề này. Sự góp nhặt này hi vọng sẽ có ích cho người đọc.

***

Vương triều Nguyễn chính thức thành lập vào năm 1802, sau khi Nguyễn Ánh đánh bại triều Tây Sơn và lên ngôi, lấy niên hiệu là Gia Long. Có thể nói, bên cạnh những yếu tố khách quan, bản thân Nguyễn Ánh cũng là một người có tài. Trước đây, khi đánh giá về Nguyễn Ánh, với góc nhìn chủ quan và đơn chiều, các nhà nghiên cứu xem ông là một con người hẹp hòi vì đã có những hành động báo thù đối với những người của nhà Tây Sơn. Tuy nhiên, nói một cách khách quan, những hành động mà như chính Gia Long đã nói: “Trẫm vì chín đời mà báo thù” cũng phát xuất từ chính những hành động gay hấn trước đó của Quang Trung đối với tổ tiên và cha mẹ của Nguyễn Ánh. Do đó, bỏ qua những hành động mang tính báo thù đó, Gia Long cũng được xem là một nhân vật xuất chúng đương thời. Nguyễn Hữu Hiếu trong bài viết Tiếp cận những yếu tố giúp Nguyễn Ánh thành công trong việc xây dựng Vương triều Nguyễn” đã có những phân tích lý giải nguyên nhân thành công của Nguyễn Ánh. Theo đó, việc đánh bại nhà Tây Sơn theo Nguyễn Hữu Hiếu là bắt nguồn từ hai nhóm nguyên nhân: Chủ quan và khách quan. Trong đó, những yếu tố chủ quan mà ông đề cập bao gồm: Phẩm chất của con người Nguyễn Ánh, phát động cuộc chiến phục thù đúng thời cơ, khai thác triệt để các yếu tố địa lợi và nhân hòa. Về yếu tố khách quan, ông cho rằng: Hoàn cảnh xã hội của Gia Định góp phần vào thắng lợi của Nguyễn Ánh, việc đánh giá sai lầm vai trò của Nam Bộ trong lịch sử đã dẫn đến việc quản lý Gia Định lỏng lẻo của chính quyền Tây Sơn, Nguyễn Huệ bận đối phó với quân Thanh trong khi Nguyễn Nhạc bỏ rơi thành Gia Định, tình trạng cát cứ của nhà Tây Sơn. Để lý giải cho từng nguyên nhân trên, hiển nhiên cần có thêm dẫn giải, nhưng trong phạm vi bài viết, tôi không đi sâu lý giải chúng. Sở dĩ đề cập đến nguyên nhân thành công của Nguyễn Ánh trong việc đánh bại nhà Tây Sơn để lập nên Vương triều Nguyễn ngay trong bài viết này bởi vì cá nhân tôi muốn nhấn mạnh một nhận thức sai lầm của giới Sử học ngày trước, đó là việc chưa nhận định được những nguyên nhân khách quan (yếu tố khách quan trong bài viết của Nguyễn Hữu Hiếu) trong việc đánh giá năng lực của Nguyễn Ánh. Và với vai trò là người sáng lập Vương triều Nguyễn, sự đánh giá chủ quan về ông, theo tôi, có lẽ là tiền đề để những người nghiên cứu tiếp tục lún sâu vào con đường đánh giá tiêu cực triều Nguyễn. Và tôi thực sự hoan nghênh những nhìn nhận khách quan mà Nguyễn Hữu Hiếu đã chỉ ra để lý giải sự thành công của Nguyễn Ánh trong việc mở đầu triều Nguyễn trong lịch sử dân tộc.

Trong tổng số 90 bài tham luận được in trong Kỷ yếu, bằng phương pháp tổng hợp, cá nhân tác giả xin phép được tổng kết lại những công trạng mà các nhà nghiên cứu, các học giả đã nhìn nhận và công nhận các Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn đã làm được cho đất nước. Cụ thể, tôi tập trung vào 4 đóng góp lớn của nhà Nguyễn trong việc củng cố và phát triển đất nước: Thống nhất và mở rộng lãnh thổ – Xác lập chủ quyền tại 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa – Phát triển nền văn hóa dân tộc với việc để lại những di sản văn hóa – Hình thành những cảng thị có vai trò quan trọng.Cũng cần nói thêm, “9 người 10 ý” mà do vậy, sự tổng hợp ở đây của cá nhân tác giả mang tính chủ quan vì tôi cho rằng, 4 đóng góp này là ý nghĩa nhất mà các Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn đã làm cho dân tộc. Nói nó ý nghĩa vì những việc làm này của các Chúa Nguyễn và triều Nguyễn đã tác động đến cả thực tại, hay nói cách khác là những đóng góp ấy vẫn còn giá trị đến ngày nay.

Thứ nhất, thống nhất và mở rộng lãnh thổ:Người ta cứ bảo nhau rằng Nguyễn Ánh “rước voi về giày mã tổ”, “cõng rắn cắn gà nhà” khi cầu viện quân Xiêm. Nhưng xét lại lịch sử, năm 1801, Cảnh Thịnh cũng cầu viện quân Thanh. Nếu khi đấy, quân Thanh kéo sang xâm lược nước ta thì như thế nào ? Như vậy, đặt trong tình thế khi ấy, Nguyễn Ánh cầu viện quân Xiêm cũng là lẽ thường tình. Hoàng Tuấn Phổ trong tham luận “Nguồn gốc Gia Miêu Ngoại Trang và những đóng góp của dòng họ Nguyễn trong lịch sử dân tộc” đã có một nhận xét rất xác đáng: “…Cái người xưa gọi là “khí số” chính là vai trò lịch sử. Khi nhà Tây Sơn hết vai trò lịch sử, lịch sử tất phải chọn ai đó, không người này thì người khác, đứng ra dọn dẹp đống đổ nát để xây dựng trên nền tảng quốc gia ngôi nhà mới. Và lịch sử đã chọn Nguyễn Ánh. Lịch sử có thể chọn nhầm ai đó, nhưng với Nguyễn Ánh, là nhân vật xứng đáng nhất vì ông đã thành công nhất. Nếu không chọn Nguyễn Ánh, lịch sử chọn ai bây giờ ? Điểm mặt các anh hùng, hào kiệt nổi lên buổi ấy, không còn ai hơn Nguyễn Ánh hay bằng Nguyễn Ánh…” [10: 631]. Vấn đề ở đây tôi muốn đề cập là ta đã từng đánh đồng thời kỳ chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn với những gì mà bản thân Nguyễn Ánh đã làm.

Nếu lượng hóa vấn đề “cõng rắn cắn gà nhà” và vấn đề “thống nhất và mở rộng lãnh thổ” và đem chúng lên bàn cân để xem xét, thiết nghĩ việc thống nhất và mở rộng lãnh thổ là đáng quan tâm hơn. “…Chưa đầy hai thế kỷ tính từ thời điểm mở đất Phú Yên, chúa Nguyễn đã vượt qua được một quãng đường dài suốt mấy trăm năm mà thời Lý, Trần, Hồ, Lê thực hiện. So với quá trình mở mang lãnh thổ của các triều đại trước, thì công cuộc mở đất của chúa Nguyễn tiến hành với tốc độ nhanh hơn, quyết liệt hơn…” [9: 307].

Đặt trong mục tiêu của bài viết là chỉ rõ công trạng “thống nhất và mở rộng lãnh thổ” của các Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn, tôi sẽ cụ thể hóa tiến trình đó bằng những mốc thời gian chính để người đọc dễ hình dung [4: 82 – 85]:

  • Từ thế kỷ IX đến XVI, vùng đất Nam Bộ còn thưa thớt dân cư, đất đai chưa được khai phá.
  • Từ đầu thế kỷ XVII, cư dân người Việt từ Thuận – Quảng đến vùng đất Mô Xoài, Đồng Nai khai hoang, lập ấp.
  • Năm 1620, Chúa Nguyễn Phúc Nguyên gả con gái cho vua Chân Lạp Chey Chetta II.
  • Năm 1623, Chúa Nguyễn cho lập sở thu thuế ở Sài Gòn và Bến Nghé, cử quan quân đến đóng đồn trấn giữ.
  • Năm 1679, cựu thần nhà Minh là Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên tới xin cư trú. Chúa Nguyễn cho vào khai phá vùng Lôi Lạp, Bàn Lân.
  • Năm 1698, Chúa Nguyễn Phúc Chu cho đặt phủ Gia Định.
  • Năm 1732, Chúa Nguyễn lập châu Định Viễn và dinh Long Hồ.
  • Năm 1757, vua Chân Lạp là Nặc Nguyên mất, chúa Nguyễn đưa Nặc Ông Tôn lên ngôi. Để tạ ơn, Nặc Ông Tôn cắt đất cho chúa Nguyễn để tạ ơn.
  • Năm 1790, Nguyễn Ánh cho xây thành Gia Định.
  • Ngày 15/6/1801, Nguyễn Ánh chiếm được Phú Xuân và lên ngôi trong năm sau.
  • Năm 1804, đặt quốc hiệu là Việt Nam.

            Như vậy, về cơ bản, kể từ năm 1802, cương vực của Việt Nam đã trở thành một chỉnh thể thống nhất cho đến tận ngày nay (không kể sự thay đổi về việc phân chia hành chính qua các giai đoạn sau). Hình hài của nước Việt Nam với hình chữ S như ngày nay có sự góp sức rất nhiều của các Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn.

Những sự kiện chính yếu mà tôi đã thống kê ở trên cho phép ta nhìn nhận sự linh hoạt trong vấn đề mở rộng lãnh thổ của đất nước dưới thời các Chúa Nguyễn. Trong đó, mở rộng lãnh thổ bằng con đường hôn nhân là một phương thức quen thuộc mà lịch sử dân tộc đã chứng kiến không dưới một lần. Đó là mối hôn nhân giữa Công nữ Ngọc Vạn – con của Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (sau này là Hoàng hậu Ang Cuv) với quốc vương Chân Lạp là Chey Chetta II vào năm 1620. Một cuộc hôn nhân chính trị đã diễn ra với viễn cảnh đôi bên vừa có lợi: Chân Lạp có thể dựa vào thế lực của Chúa Nguyễn để chống đỡ với Xiêm La, các Chúa Nguyễn có thể dựa vào mối quan hệ này để đưa lưu dân vào khai phá và định cư tại vùng đất Nam Bộ. Những bước đi đầu tiên này chính là tiền đề vững chắc để Vương triều Nguyễn có thể gầy dựng và phát triển đất nước sau này.

Nói tóm lại, Quang Trung – Nguyễn Huệ và triều Tây Sơn đã có công trong việc củng cố và hoàn tất việc thống nhất đất nước sau bao năm nội chiến và chia cắt đất nước, đồng thời cũng đã đập tan âm mưu đánh chiếm nước ta của các thế lực ngoại bang. Tuy nhiên, Gia Long – Nguyễn Ánh mới là người đã tiếp nối sự thống nhất đó với việc phát triển đất nước. Hai con người của hai triều đại này đã có những hành động theo mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau để giúp đất nước thống nhất và phát triển. Nhìn nhận được mấu chốt này mới gọi là đánh giá khách quan và công bằng. Và những động thái khôn khéo dưới thời các Chúa Nguyễn là bàn đạp vững chắc để sau này Gia Long có cơ sở phát triển đất nước.

Thứ hai, xác lập chủ quyền tại 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa: Ngày 1/5/2014, báo chí trong nước đồng loạt đưa tin về việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào lãnh hải của nước ta, gần với quần đảo Hoàng Sa và mạnh dạn tuyên bố đây là vùng biển thuộc chủ quyền của mình. Từ ngày 2/5/2014 đến 27/5/2014, vị trí của giàn khoan chỉ cách đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) 120 hải lý về phía Đông. Động thái này cho thấy tham vọng nuốt trọn biển Đông của Trung Quốc, đồng thời Trung Quốc cũng muốn chiếm trọn hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Trước tình hình đó, giới nghiên cứu trong nước đã tìm lại rất nguồn sử liệu, bằng chứng lịch sử để chứng minh đây là một phần của lãnh thổ Việt Nam. Trong quá trình chứng minh cho quan điểm “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”, giới Sử học đã tìm thấy những minh chứng về chủ quyền lãnh thổ của dân tộc thông qua các tư liệu như: “Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư” (1686) trong Hồng Đức Bản Đồ, “Toản Tập An Nam Lộ” trong Thiên Hạ Bản Đồ hay trong Phủ Biên tạp Lục (1776) của Lê Quý Đôn. Tất cả những tài liệu đó đều có đề cập ở những mức độ khác nhau về hoạt động xác lập chủ quyền trên hai quần đảo này dưới thời các Chúa Nguyễn (là các Chúa Nguyễn chứ không phải chờ đến Vương triều Nguyễn). “…Ngoài ra các bản đồ cổ của Việt Nam từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX đều vẽ Bãi Cát Vàng hay Hoàng Sa là Vạn Lý Trường Sa trong cương vực của Việt Nam…” [8: 154]. Theo đó, “Trước năm 1909, Trung Quốc cũng như các nước Đông Nam á không có bằng chứng nào minh chứng họ quan tâm đến việc xác lập chủ quyền của nhà nước trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong khi đó, suốt ba thế kỷ từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XIX,  một tổ chức dân binh Việt Nam, đội Hoàng Sa đã hoạt động tại Hoàng Sa và Trường Sa, vừa có nhiệm vụ kiểm soát, vừa khai thác tài nguyên ở các hải đảo thuộc Hoàng Sa, Trường Sa…” [8: 155]. Và điều quan trọng hơn, đội Hoàng Sa được thành lập vào đầu thời Chúa Nguyễn. Thậm chí, cả khi Chúa Nguyễn chạy vào đất Gia Định để tránh sự truy đuổi gắt gao của nhà Tây Sơn thì khi đó, đội Hoàng Sa vẫn đặt dưới quyền kiểm soát của Tây Sơn. Trong tham luận của mình, Nguyễn Nhã đã dẫn ra rất nhiều dẫn chứng trong các tài liệu lịch sử của nước ta mà tôi đã dẫn ra ở trên để minh chứng cho hoạt động vô cùng “nhộn nhịp” của chính người Việt ta trên hai quần đảo này. Điều này cho thấy, các Chúa Nguyễn được xem như những người mở cõi ra vùng biển lớn cho dân tộc ta.

Cũng theo Nguyễn Nhã, nhà Nguyễn về sau vẫn tiếp tục sử dụng đội Hoàng Sa, đội Bắc Hải để khai thác và quản lý biển Đông. Cụ thể, Vương triều Nguyễn đã có những hành động như cho tiến hành đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ, cắm cột mốc ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cho xây dựng chùa miếu và trồng cây tại Hoàng Sa và Trường Sa, v.v…

Như đã đề cập, công việc xác lập chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mặc dù đã được tiến hành ngay từ thời các Chúa Nguyễn, thế nhưng, dấu ấn của một cá nhân trong cả một giai đoạn lịch sử đó vô cùng nổi bật mà ta không thể không nhắc đến chính là Vua Minh Mạng – vị vua thứ hai của nhà Nguyễn. Trong tập Kỷ yếu này, trong cả hai bài tham luận của Nguyễn Nhã và Vu Hướng Đông khi viết về chuyên đề này, cả hai nhà nghiên cứu đều nhiều lần nhấn mạnh đến vua Minh Mạng. Những động thái kịch liệt của ông về việc chỉ đạo các hoạt động khai thác và cắm mốc chủ quyền tại hai hòn đảo này đã được dẫn chứng rất chi tiết. Điều này cho phép tác giả đồng ý với quan điểm của nhà nghiên cứu người Trung Quốc Vu Hướng Đông: Ý thức về biển của Minh Mạng là rất mạnh ! Đây là cơ sở vững chắc để các tài liệu sử học ghi chép lại và là bằng chứng rõ ràng nhất về chủ quyển biển đảo của nước ta. Vậy, ý thức về biển của Minh Mạng mạnh đến mức nào ? Nó thể hiện trên những phương diện gì ? Và những chỉ đạo của ông về việc cắm mốc chủ quyền và khai thác tại hai hòn đảo này có tác động như thế nào với Việt Nam đương đại ?

Trong tham luận “Ý thức về biển của vua Minh Mệnh”  cho rằng khoảng thởi gian 21 năm trị vì của Minh Mạng là đỉnh cao của sự phát triển nền hàng hải thuyền buồm và xây dựng hải quân của Việt Nam. Vua Minh Mạng luôn theo dõi việc đóng tàu thuyền và nâng cao kỹ thuật hàng hải; vì theo ông, sự phát triển của thủy quân phải gắn chặt với sự phát triển của những con tàu, ngoài kỹ thuật thì đây là phương tiện đắc lực quyết định chất lượng thủy quân. Ngoài ra, việc xây dựng lực lượng hải quân biển nhằm mục tiêu chống cướp biển, giữ gìn an ninh hàng hải, thúc đẩy hoạt động hàng hải ở hải ngoại, … Những việc làm trên cho ta thấy được tầm nhìn của vị vua này trong việc nhận định tầm quan trọng của hải đảo nước ta. Ngoài những hoạt động mang tính thúc đẩy kinh tế và bảo vệ tổ quốc, bên cạnh đó, những chỉ đạo của ông về phương diện văn hóa tinh thần cũng rất đáng lưu ý. Đó là việc thờ các vị thần Biển với mong ước cầu cho mưa thuận gió hòa, bình yên trong hoạt động biển… Theo quan điểm của bản thân, tác giả nghĩ rằng đây cũng là một điểm nhấn trong dòng chảy lịch sử văn hóa của dân tộc mà rõ nét nhất chính là tín ngưỡng thờ Cá Ông mà hiện nay cư dân biển vẫn còn giữ được tập tục ấy. Ngoài những biểu hiện ấy, có một đặc điểm cũng khá thú vị dù không nói lên tất cả, thế nhưng một trong 9 chiếc vạc (Cửu Đỉnh) đặt trong Kinh thành Huế cũng phản ánh ý thức về biển của vị vua này. “… Những hình vẽ phản ánh về lực lượng quân sự trên vạc Cửu Đỉnh chủ yếu là hỏa khí và tàu thuyền, những hình vẽ về tàu thuyền chủ yếu bao gồm các tàu thuyền trên biển…” [3: 276].

Những biểu hiện trên chứng minh một nhận thức về biển nói chung của Minh Mạng là rất lớn. Về phía hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, ngay từ dưới thời vua Gia Long (bắt đầu từ năm 1815) đã bắt đầu tiến hành đo đạc hải trình nhằm giúp cho các tàu thuyền di chuyển an toàn trên biển. Tuy nhiên, đến thời vua Minh Mạng, công việc này càng được chú trọng. Việc ban thưởng và giáng tội đã được thực hiện một cách nghiêm túc. Bên cạnh đó, lực lượng thủy quân – một lực lượng đặc nhiệm nhận sự chỉ đạo trực tiếp từ vua Minh Mạng (sau này có vua Thiệu Trị cũng như vậy) hằng năm theo định kỳ đều đặn ra Hoàng Sa, Trường Sa để “… đi vãng thám, đo đạc thủy trình, cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền, và các hoạt động khác trên quần đảo Hoàng Sa và  Trường Sa…” [8: 163].

Nói tóm lại, các Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn (mà trong đó đáng kể nhất là vua Minh Mạng) đã có những bước đi đầu tiên cực kỳ quan trọng trong việc giúp nước ta sớm xác định chủ quyền trên biển Đông nói chung và tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng. Những động thái mà Trung Quốc đã làm trong tình hình diễn biến thế giới đang theo chiều hướng phức tạp như hiện nay là vô nghĩa, vì những bằng chứng trong các nguồn tài liệu ghi chép về hai quần đảo này dưới thời các Chúa Nguyễn và nhà Nguyễn đã đi ngược lại hoàn toàn những gì mà Trung Quốc đã nói. Tôi đánh giá đây là đóng góp hết sức to lớn mà Vương triều Nguyễn đã làm cho đất nước mà ta cần nhìn nhận một cách thực sự nghiêm túc.

Thứ ba, phát triển nền văn hóa dân tộc với việc để lại những di sản văn hóa:

Đánh giá về văn hóa của Vương triều Nguyễn trong lịch sử dân tộc, cố giáo sư Trần Văn Giàu từng nhận định: “Không thời nào văn hóa phát triển như thời Nguyễn. Những nhà tư tưởng của thời Nguyễn cao hơn những nhà tư tưởng trước, những nhà văn cao hơn những nhà văn trước, những nhà làm sử cũng giỏi hơn những nhà làm sử trước. Có thể nói, sự phát triển văn hóa dưới thời Nguyễn tương đương với sự thống nhất của quốc gia. Sự thống nhất về chính trị thúc đẩy sự phát triển về văn hóa rất nhiều”. Lời bình của cố giáo sư Trần Văn Giàu cho ta thấy một đỉnh cao văn hóa dưới thời nhà Nguyễn.

Đóng góp to lớn thứ ba của Vương triều Nguyễn cho dân tộc được thể hiện qua tham luận “Đôi điều cảm nhận về văn hóa và di sản văn hóa Vương triều Nguyễn” của  Phạm Mai Hùng được đăng trong Kỷ yếu. Ai cũng biết, nội hàm khái niệm “văn hóa” hiện nay được chấp nhận trong giới nghiên cứu chỉ ở mức độ tương đối vì tiếp cận ở các góc độ khác nhau. Bài viết này không xây dựng nền tảng cơ sở lý luận về văn hóa và do vậy, tác giả không dám đưa ra cái nhìn toàn diện và đầy đủ về cái gọi là văn hóa triều Nguyễn. Song, ở một mức độ mà tôi cho rằng chấp nhận được, bài viết này giới thuyết nội hàm khái niệm văn hóa ở hai lĩnh vực: Vật chất (vật thể) và tinh thần (phi vật thể).

Về văn hóa vật chất của triều Nguyễn, tại phiên họp lần thứ 17 của Ủy ban Di sản Thế giới tại Colombia (từ ngày 6 – 11/12/1993), UNESCO đã công nhận Quần thể Di tích Cố đô Huế là Di sản Văn hóa Thế giới. Để đạt được danh hiệu cao quý này, Quần thể Di tích Cố đô Huế đã đạt được những tiêu chí sau đây [13: 107, 108]:

  • Tiêu biểu cho những thành tựu nghệ thuật độc đáo, những kiệt tác do bàn tay con người lao động.
  • Có giá trị to lớn về mặt kỹ thuật xây dựng, nghệ thuật kiến trúc trong một kế hoạch phát triển đô thị hay một chương trình làm đẹp cảnh quan tại một khu vực văn hóa của thế giới.
  • Quần thể kiến trúc tiêu biểu cho một thời kỳ lịch sử quan trọng.
  • Kết hợp chặt chẽ với các sự kiện trọng đại, những tư tưởng hay tín ngưỡng có ảnh hưởng lớn, hay với các danh nhân lịch sử.

Như vậy, rõ ràng là trong xu thế phát triển du lịch trên quy mô toàn cầu như hiện nay, những giá trị văn hóa (trong đó bao gồm giá trị về mặt kiến trúc, điêu khắc, mỹ thuật, phong thủy, …) tại đây thực sự là một kho tàng văn hóa nghiên cứu đa dạng và đầy thú vị. Đất nước ta đã thống nhất, hòa bình đã 40 năm; những giá trị văn hóa vật thể mà Vương triều Nguyễn để lại còn rất nhiều, nhưng cá nhân tôi chỉ nêu ra công trình Quần thể Di tích Cố đô Huế để minh chứng cho sự thịnh vượng một thời của Vương triều này. Đóng góp này theo tác giả nghĩ, đây không chỉ là một công trình mang yếu tố cảm quan, mà ẩn trong đó còn khắc họa đậm nét yếu tố lịch sử – Vương triều Nguyễn đã từng phát triển cực thịnh trong một thời gian dài; bởi vì Quần thể Di tích Cố đô Huế đã minh chứng cho sự phát triển đỉnh cao cả về kinh tế và văn hóa, như chính cố giáo sư Trần Văn Giàu đã nhận xét.

Về văn hóa phi vật thể của triều Nguyễn,Vương triều Nguyễn không phải là cái nôi hình thành nên âm nhạc cung đình bởi vì“Nó mang trong mình tất cả những tinh hoa của dòng nhạc cung đình Việt đã hình thành và phát triển trên một nghìn năm” [13: 288]. Nền tảng ban đầu của Âm nhạc Cung đình Huế phát xuất và manh nha phát triển từ thế kỷ XVII dưới thời các Chúa Nguyễn khi vào Đàng Trong. Sự “di chuyển” của thể loại âm nhạc này đã ghi nhận công lao rất lớn của Đào Duy Từ khi chính ông là người đã đem chúng vào Đàng Trong khi theo phò tá Chúa Nguyễn. Trải qua bao sóng gió, những giá trị nổi bật của thể loại âm nhạc này như: Thể hiện sự giao lưu và tiếp biến văn hóa Hoa, Chăm và những ảnh hưởng của Phật giáo và Nho giáo; đã hình thành hệ thống lý luận âm nhạc, được xây dựng theo vụ trụ quan cổ đại, thể hiện tính bác học, … đã được ghi nhận với việc UNESCO công nhận Âm nhạc, Nhã nhạc cung đình Huế là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại vào ngày 7 tháng 11 năm 2003.

Tác giả ngay từ đầu đã cho rằng với giới thuyết nội hàm khái niệm “văn hóa” trong một bài viết là rất khó khăn, do đó, những di sản văn hóa mà triều Nguyễn để lại chắc chắn sẽ còn nhiều hơn hai di sản mà bài viết đã đề cập. Nghiên cứu và biến những giá trị di sản văn hóa đó thành một hệ giá trị trong một triều đại hiển nhiên cũng sẽ vô cùng khó khăn. Tôi chỉ xin phép được tạm dẫn ra hai giá trị văn hóa ở trên để minh chứng cho luận điểm của mình. Những giá trị đó là kết tinh của văn hóa dân tộc; vì vậy, sẽ là thiếu sót nếu ta xem việc bảo tồn chúng là của Nhà nước, các cơ quan chức năng. Mỗi cá nhân cùng cần hiểu được những đóng góp về phương diện văn hóa nói chung của vương triều này để có cái nhìn khách quan hơn cho nhà Nguyễn; chính đấy cũng là góp phần vào bản tồn văn hóa. Tôi cho là vậy !

Thứ tư, hình thành những cảng thị có vai trò quan trọng:

            Những đóng góp của các Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn cho lịch sử dân tộc không đơn thuần chỉ có 4 yếu tố mà bài viết đề cập. Tác giả chỉ muốn liệt kê và hệ thống lại 4 yếu tố mang tính quá trình nhất, tức là chúng có ảnh hưởng đến ngày nay. Và đóng góp thứ tư này mang yếu tố quá trình sâu sắc.

            Cùng với quá trình mở rộng lãnh thổ về phương Nam mà tổ tiên đã làm được, đến thời Vương triều Nguyễn, các vua Nguyễn đã làm cho ý nghĩa của vùng đất Nam Bộ này càng được thể hiện rõ nét; vai trò của chúng càng được chú trọng khi mà những cảng thị quan trọng đã dần được hình thành và phát huy vai trò của chúng. Những tác phẩm như “Gia Định Thành Thông Chí”, “Đại Nam thực lục”, “Đại Nam nhất thống chí” đã có những ghi chép về diện mạo của các cảng thị Cù Lao Phố, Mỹ Tho Đại phố, Hà Tiên và Sài Gòn; bên cạnh đó còn có những ghi chép về các đô thị thương cảng của những người nước ngoài trong giai đoạn này. Trong số những cảng thị lớn ấy, cho đến ngày nay chỉ còn duy nhất Sài Gòn còn giữ được vai trò của nó, các cảng thị khác chỉ còn trong quá khứ, sự biến mất ấy chủ yếu là do nguyên nhân chiến tranh. Tuy đã lụi tàn, thế nhưng chính chúng đã từng tạo nên một diện mạo sống động trong đời sống của cư dân tại vùng đất mới này mà trong đó, dấu ấn của các Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn là rất đậm nét.

            Với cảng thị Bến Nghé – Sài Gòn, khởi điểm vốn là nơi quần cư của cộng đồng người Việt. Sự phát triển của nơi đây được đánh dấu với sự kiện năm 1698, Chúa Nguyễn Phúc Chu đã cho Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lý vùng đất ở phương Nam; vùng đất này đã trở thành một đơn vị hành chính của chính quyền Đàng Trong và nhanh chóng trở thành một trung tâm buôn bán, quần tụ trên sông Bến Nghé. “Từ một điểm tụ cư, trạm thu thuế, trở thành trung tâm hành chính – quân sự, trung tâm kinh tế – văn hóa, vùng Bến Nghé – Sài Gòn – Chợ Lớn phát triển hơn cả, dần dần trở thành một đô thị tiêu biểu của Nam Bộ. Thành lũy,đường sá phục vụ yêu cầu hành chính, quân sự, góp phần tạo điều kiện cho hoạt động thương mại…” [11: 702].

Đánh giá về sự hình thành phát triển cũng như vai trò của các cảng thị Nam Bộ, Trần Thị Thanh Thanh trong tham luận “Góp thêm ý kiến về vai trò của các Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam” đã nhận xét: “Như vậy, có thể nhận xét rằng trong các thế kỷ XVII – XVIII, các chúa Nguyễn đã để lại những dấu ấn quan trọng cho quá trình đô thị hóa ở Nam Bộ. Các chúa Nguyễn đã tạo điều kiện cho việc quần cư tụ dân, phát triển kinh tế, mở mang hệ thống giao thông, giao thương, chọn đặt và tổ chức xây dựng lập trấn, làm nên các trung tâm hành chính – quân sự, kinh tế – văn hóa, hình thành nên các cảng thị, nền móng và diện mạo ban đầu cho các đô thị này” [11: 702].

Nhà thơ Nguyễn Duy từng nói: “Lịch sử có cách đi của nó. Cho đến bây giờ, nhiều người biết rằng nhà Nguyễn có công lớn đối với nước nhà, nhưng không hiểu tại sao và từ lúc nào, lại bị biến dạng, bị hạ thấp một cách oan sai về thang bậc giá trị lịch sử và văn hóa. Cho đến nay, [tháng 7 năm 2008 – HTP] đã có 10 hội thảo về nhà Nguyễn, nhưng chỉ là hội thảo khu vực, để nhìn nhận về một góc của vấn đề lịch sử thời ấy… nếu không công tâm với lịch sử thì sẽ không thực thi được công bằng xã hội… Minh bạch với quá khứ là phẩm chất tối thiểu của đạo lý”. Lời đánh giá ấy là một cuộc trả lời phỏng vấn của nhà thơ Phạm Duy với nhà báo Minh Thi. Sau Hội thảo Khoa học được tổ chức vào năm 2008, nhận thức về Vương triều Nguyễn đã có sự chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Song, điều này không đồng nghĩa với việc tất cả mọi người đều đã có cái nhìn “công tâm” hơn với Vương triều Nguyễn. Bởi lẽ, nếu mọi người đã hoàn toàn có cái nhìn “công tâm” với vương triều này thì có lẽ, tác giả bài viết đã không nói lên trăn trở của bản thân qua bài viết này. Tác giả không phải một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, cũng chẳng phải một người uyên thâm lịch sử nước nhà, nhưng với sự phấn khởi khi có được tài liệu quý là quyển Kỷ yếu Hội thảo, và càng phấn khởi hơn khi lịch sử đã và đang một phần nào đó công minh hơn với Vương triều Nguyễn, tôi mạo muội viết bài viết này để trước hết là thử tập hợp những quan điểm của các học giả tham dự Hội thảo về phương diện những đóng góp của nhà Nguyễn với dân tộc, sau là để thử năng lực của bản thân ở mảng Sử học khi phải đọc và tổng hợp những quan điểm ấy.

Cuối cùng, “thư bất tận ngôn, ngôn bất tận ý” nên xin phép được dừng bút ở đây. Song, có một chân lý không bao giờ thay đổi: Triều Nguyễn mãi mãi là một phần trong dòng chảy của lịch sử dân tộc !

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

[1]: Phan Thuận An (2011), Kiến trúc Cố đô Huế, NXB Đà Nẵng.

[2]: Phan Thuận An (2008), “Từ sự thành lập vương triều Nguyễn đến sự đảo lộn nhận thức về triều đại này trong giai đoạn vừa qua”, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học “Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX”, tt247 – 258.

[3]: Vu Hướng Đông (2008), “Ý thức về biển của vua Minh Mệnh”, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học “Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX”, tr272 – 281.

[4]:Vũ Minh Giang (chủ biên) (2008), Lược sử vùng đất Nam Bộ, NXB Thế giới.

   [5]: Nguyễn Hữu Hiếu (2008), “Tiếp cận những yếu tố giúp Nguyễn Ánh thành công trong việc xây dựng vương triều Nguyễn”, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học “Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX”, tr82 – 90.

[6]: Phan Văn Hoàng (2008), “Đóng góp của một công nữ họ Nguyễn vào công cuộc mở đất phương Nam trong thế kỷ XVII”, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học “Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX”, tr90 – 102.

[7]:Phạm Mai Hùng (2008), “Đôi điều cảm nhận về Văn hóa và Di sản văn hóa Vương triều Nguyễn (1802 – 1945), Kỷ yếu Hội thảo Khoa học “Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX”, tr548 – 553.

[8]: Nguyễn Nhã (2008),“Các chúa Nguyễn và nhà Nguyễn xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ đầu thế ky3 XVII đến khi thực dân Pháp xâm lược và đô hộ Việt Nam”, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học “Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX”, tr153 – 170.

[9]: Đỗ Quỳnh Nga (2013), Công cuộc mở đất Tây Nam Bộ dưới thời Chúa Nguyễn, NXB Chính trị Quốc gia.

[10]: Hoàng Tuấn Phổ (2008), “Nguồn gốc Gia Miêu Ngoại Trang và những đóng góp của dòng họ Nguyễn trong lịch sử dân tộc”, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học “Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX”, tr626 – 635.

[11]: Trần Thị Thanh Thanh (2008), “Góp thêm ý kiến về vai trò của các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam”, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học “Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX”, tr699 – 706.

[12]: Trần Thuận (2008), “Cuộc nhân duyên giữa công nữ Ngọc Vạn với Quốc vương Chân Lạp – đôi điều suy ngẫm, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học “Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX”, tr209 – 214.

[13]: Tổng cục Du lịch (2012), Di sản thế giới ở Việt Nam, NXB Thanh niên.

[14]: Tạ Chí Đại Trường(2015), Lịch sử nội chiến Việt Nam từ năm 1771 đến 1802, NXB Tri thức.

H.T.P

SÀI GÒN, 22.11.2015

0