Dân chủ và trí thức
Rise of Democracy in Ancient Athens Chu Hảo I. Định nghĩa và giới hạn Trong chuyên khảo này những khái niệm về Dân chủ, Đoàn kết dân tộc, Đồng thuận xã hội và Trí thức được đề cập đến và thảo luận trong khuôn khổ sự hiểu biết của tác giả và được giới hạn trong nội dung ...
Chu Hảo
I. Định nghĩa và giới hạn
Trong chuyên khảo này những khái niệm về Dân chủ, Đoàn kết dân tộc, Đồng thuận xã hội và Trí thức được đề cập đến và thảo luận trong khuôn khổ sự hiểu biết của tác giả và được giới hạn trong nội dung hẹp của chuyên đề.
1. Dân chủ là một khái niệm rất rộng, đôi khi cũng mơ hồ, nhưng trong chuyên đề này chúng tôi chỉ giới hạn ở mấy điểm cụ thể và cơ bản sau đây:
a) Dân chủ và Tự do là hai khái niệm gắn liền nhau, cái này có trong cái kia. Tuy vậy Tự do có thể là khát vọng bẩm sinh của con người; nhưng Dân chủ thì phải được dạy, được học, được thực hành mới dần dần có được. Vì những điều kiện lịch sử cụ thể so với nhiều dân tộc khác, dân tộc Việt Nam ta có một thiệt thòi lớn là chưa bao giờ được huấn luyện và thực hành dân chủ một cách nghiêm chỉnh.
b) Muốn “phát triển tự do cho mỗi người để đảm bảo tự do cho mọi người” thì phải có phương tiện (cơ chế, thể chế…) thực hiện các quyền tự do ấy chính là Dân chủ. Dân chủ đồng thời cũng là phương tiện đảm bảo quyền bình đẳng của con người: Bình đẳng trước pháp luật và bình đẳng trong cơ hội mưu cầu lợi ích riêng phù hợp với lợi ích của cộng đồng. Vì những lẽ đó, trong lý thuyết cũng như trong thực tiễn, Dân chủ thường được coi là điều kiện tất yếu cho phát triển bền vững, thường được coi là tỷ lệ thuận với phát triển bền vững. Tuy nhiên Dân chủ chỉ là điều kiện cần chứ không phải điều kiện đủ, bởi có khi có dân chủ (với những đặc trưng nêu ở phần sau) mà chưa có phát triển (chủ yếu là về kinh tế) hay cao hơn là phát triển bền vững (về cả ba mặt: tăng trưởng kinh tế, công bằng văn hóa – xã hội và bảo vệ môi trường).
c) Thể chế hay Nền Dân chủ có những đặc trưng phổ quát sau:
– Phổ thông đầu phiếu là quyền được bầu cử của tất cả mọi công dân để lựa chọn người vào cơ quan lãnh đạo cao nhất của đất nước (quốc hội chẳng hạn). ở đâu không có phổ thông đầu phiếu thì ở đó chưa thể có Dân chủ. Nhưng thực hiện phổ thông đầu phiếu (trực tiếp hay gián tiếp) cũng mới chỉ là điều kiện cần, chứ chưa đủ để thực hành dân chủ. ở nước ta, cuộc tổng tuyển cử năm 1946 của chế độ Việt Nam dân chủ công hòa, do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, có lẽ là cuộc phổ thông đầu phiếu dân chủ nhất từ xưa đến nay.
– Các cơ quan Nhà nước được tổ chức theo nguyên tắc tam quyền phân lập: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Về hình thức, hiện nay ở nước ta có sự tách biệt giữa các quyền ấy. Nhưng ở nước ta, bao trùm lên tất cả là quyền lực thực sự và trực tiếp của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Công thức “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” có thể là thích hợp trong bối cảnh lịch sử cụ thể của riêng nước ta, nhưng đã không được thể chế hóa và thực hành một cách đúng đắn. Nhà nước pháp quyền vẫn là một mục tiêu xa vời đối với đất nước ta.
Mức độ cao nhất của Dân chủ là chấp nhận thể chế đa Đảng (có Đảng cầm quyền và Đảng đối lập) hoạt động bình đẳng trong khuôn khổ luật pháp, đồng thời có các lực lượng xã hội đối trọng (mà quan trọng nhất là xã hội dân sự và các phương tiện truyền thông đại chúng) hoạt động độc lập (chứ không đối lập), và bình đẳng với Nhà nước. Trong điều kiện hiện tại của nước ta, do hoàn cảnh lịch sử để lại, thể chế chính trị một Đảng có thể còn kéo dài, nhưng vẫn có thể cải thiện được hiện trạng Dân chủ ở nước ta với ba điều kiện sau. Một là trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam chấp nhận sự đa dạng ý kiến và thực hiện nghiêm chỉnh chế độ dân chủ tập trung (Dân chủ có tập trung, chứ không phải tập trung là chính và có chút dân chủ!) để đảm bảo cơ chế quyền lực “thuận”(tức là Đại hội Đảng là cơ quan quyền lực cao nhất, sau đó lần lượt đến Ban chấp hành trung ương và Bộ chính trị) chứ không “nghịch” như hiện nay. Hai là phải quyết tâm xây dựng một xã hội dân sự lành mạnh. Ba là phải thực sự tôn trọng Hiến pháp về quyền tự do ngôn luận và báo chí.
2. Đoàn kết dân tộc có ý nghĩa là gắn kết mọi người trong cộng đồng xã hội của toàn dân tộc thành một khối thống nhất, hoạt động vì một mục đích chung. Như vậy phải có một mục đích chung của tất cả các thành viên xã hội thì mới có đoàn kết dân tộc. Nhưng Mục đích chung ấy chỉ có thể có được trên cơ sở Đồng thuận xã hội, tức là trên cơ sở thống nhất ý kiến của toàn dân.
Thế nhưng trong thực tiễn, không có sự đoàn kết thì khó lòng đạt được sự đồng thuận để thực hiện một mục tiêu chung. Vậy nên Đoàn kết dân tộc và Đồng thuận xã hội vừa là nguyên nhân vừa là hệ quả lẫn nhau.
Vì vậy mục đích chung mới là điều quan trọng nhất, nó phải là nguyện vọng của toàn dân tộc, mục đích chung ấy phải được đặt ra trên nguyên tắc: đặt quyền lợi của toàn dân tộc lên trên hết, lên trên mọi ý thức hệ, mọi chủ thuyết và mọi lợi ích của cá nhân và của nhóm xã hội khác nhau. Trong thời đại hiện nay mục tiêu Dân giàu, Nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ và văn minh hoàn toàn đáp ứng đòi hỏi của Đồng thuận xã hội và Đoàn kết dân tộc.
Mặt khác khối Đại đoàn kết dân tộc, đặc biệt là trong thời bình, chỉ có thể được duy trì bền vững và phát huy được sức mạnh nếu thể chế dân chủ (như được tóm tắt ở mục 1.a) được vận hành tốt. Cũng như vậy, không có dân chủ thì chỉ có thể có sự đồng thuận xã hội tức thời, ngắn hạn chứ không thể có sự đồng thuận xã hội bền vững.
3. Trí thức như được đề cập đến trong Nghị quyết của Trung ương 7 khóa 10 theo ý kiến của riêng tôi là không rõ ràng. Cái mà Nghị quyết gọi là “tầng lớp trí thức” thực chất là tầng lớp lao động trí óc có bằng cấp từ cao đẳng và đại học trở lên.
Thật ra ngay từ khi từ tầng lớp trí thức (intelligentsia) xuất hiện lần đầu tiên ở Nga vào nửa đầu thế kỷ 19, đã mang một ý nghĩa khá rõ ràng: đó là những người không chỉ có học vấn hay trình độ chuyên môn cao, mà hơn hết phải là những người quan tâm và có chính kiến trước những vấn đề chính trị – xã hội nóng bỏng của thời cuộc. Cũng trong tinh thần cách mạng ấy Karl Marx đã coi trí thức là những người có đủ tri thức để quan tâm và có chính kiến riêng đối với các vấn đề của xã hội nên họ phải là những người: “phê bình không nhân nhượng những gì đang hiện hữu, không nhân nhượng với nghĩa rằng họ không lùi bước trước kết luận của chính quyền hoặc trước xung đột với chính quyền, bất cứ chính quyền nào ”
Với những hiểu biết trên đây, chúng ta có thể suy ra rằng tầng lớp trí thức của xã hội có thiên chức sau: Tiếp thu và truyền bá tri thức hoặc/ và văn hóa ; Tạo các giá trị mới của tri thức hoặc/ và văn hóa; Đề xuất, phản biện một cách độc lập các chủ trương chính sách và biện pháp giải quyết các vấn đề của xã hội; Dự báo và định hướng dư luận xã hội.
Ngày nay trong cụm từ “Liên minh Công – Nông – Trí” tôi ngờ rằng chúng ta đã dùng từ “trí” để chỉ những người lao đông trí óc (kỹ sư, bác sỹ, nhà văn, họa sỹ,v.v…) chứ không phải là trí thức theo cách hiểu thông thường của thế giới hiện đại. Nước ta có hai tổ chức được coi (gần như mặc nhiên) là các hội của giới trí thức, đó là Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Liên hiệp các hội Văn học và Nghệ thuật Việt Nam. Thật ra không hoàn toàn như vậy. Đó thực chất là các hội của những người thực hành chuyên môn của mình chủ yếu bằng trí óc. Trong số rất đông đó chỉ có một số là trí thức thực thụ mà thôi. “Một số” này đã quy tụ lại (chủ yếu là thông qua diễn đàn, dư luận) thành một tầng lớp trí thức với đúng nghĩa của nó hay chưa vẫn còn là một vấn đề cần được thảo luận.
Rốt cuộc thì câu hỏi “Ai là trí thức ?” vẫn còn bỏ ngỏ, nhưng đối tượng của Nghị quyết Trung ương khóa 10 là tầng lớp lao động trí óc, tầng lớp “có học” chứ không phải là tầng lớp trí thức như cách hiểu theo thông lệ thế giới hiện đại như đã nói ở trên
II. Vai trò của tầng lớp trí thức
Ở đây tầng lớp trí thức được hiểu như ở Mục I.3, tức là tầng lớp tinh hoa trong số hàng triệu người lao động trí óc có trình độ học vấn từ cao đẳng và đại học trở lên. Đây cũng chính là tầng lớp tinh hoa của Dân tộc. Từ giữa thế kỷ 19, cùng với sự sáng tạo ra từ Intelligentsia người Nga đã coi “tầng lớp trí thức” là cơ quan nhận thức của cơ thể xã hội. Tầm quan trọng của tầng lớp trí thức đối sự tồn tại và phát triển của một dân tộc đã được họ (người Nga) tôn vinh như bộ não của một con người, tuy có thể là hơi quá đáng, nhưng dù sao cũng phản ánh được một thực tế không thể phủ nhận được rằng: không có các cá nhân trí thức thì không thể có các bước đột phá trong nhận thức của loài người về thế giới tự nhiên và về bản thân mình. Và do đó đã không có các tri thức mới, loài người hẳn đã không tiến bộ như ngày nay. Cần phải nói rõ rằng: tiếp thu truyền bá và tạo ra các giá trị mới của tri thức hoặc/và văn hóa là công việc chính của những người lao động trí óc ở mọi trình độ từ thấp đến cao. Nhưng chỉ những cá nhân có đầu óc sáng tạo, dám nghi ngờ, dám phản biện mới góp phần tạo nên các bước đột phá về nhận thức. Họ là trí thức. Lịch sử các nền văn hóa nói chung hay nói riêng của các nền Văn học – Nghệ thuật, Khoa học – Kỹ thuật, Triết học – Tư tưởng… của các dân tộc đều gắn liền với các nhân vật kiệt xuất là các các nhân trí thức (dù đã tồn tại hoặc chưa tồn tại một tầng lớp trí thức thực thụ).
Ngày nay, loài người đã bước sang một thời đại mới, thời đại văn minh trí tuệ (sau văn minh Nông nghiệp và văn minh Công nghiệp) với nền kinh tế tri thức thì vai trò của tầng lớp trí thức càng trở nên quan trọng hơn. Trước hết là bởi vì khi tài nguyên Thông tin – Tri thức trở nên quan trọng hơn tất cả các loại tài nguyên khác thì lao động trí óc mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội hơn nhiều so với lao động chân tay. Số người lao đông trí óc ngày càng nhiều hơn số người lao động chân tay. Sau nữa là bởi vì lao động trí óc càng đông, càng có chất lượng và hiệu quả hơn, thì tầng lớp tinh hoa của nó – tầng lớp trí thức càng cần phải tỏ rõ vai trò phản biện và định hướng để góp phần liên kết và tổ chức tri thức phục vụ phát triển xã hội.
Ở Việt Nam chúng ta hiện nay vai trò của tầng lớp có học, đặc biệt là có bằng cấp trong giai đoạn Công nghiệp hóa và Hiện đại hóa và hội nhập quốc tế được đánh đồng với vai trò của tầng lớp trí thức. Điều này được quán triệt trong Nghị quyết trung ương 7 về trí thức. Vấn đề được đặt ra là: ở nước ta hiện nay tuy có thể có những cá nhân trí thức (ở thời nào cũng có), nhưng họ đã điều kiện xã hội – kinh tế – chính trị để liên kết được với nhau (chủ yếu thông qua diễn đàn và giao lưu tư tưởng) thành một tầng lớp xã hội hay chưa? Và thực sự thì hệ thống chính trị của chúng ta có cần đến hoặc có chấp nhận hay không sự tồn tại của một tầng lớp trong xã hội dân sự dám thể hiện chính kiến của mình một cách công khai, thẳng thắn, cho dù chính kiến có thể bị chính quyền đương thời phản ứng một cách quyết liệt? Đó là những vấn đề cần được nghiên cứu thấu đáo và cẩn trọng, chứ không thể trả lời một cách hàm hồ.
III. Thực trạng tầng lớp trí thức và thể chế dân chủ
1. Quan niệm về trí thức như được trình bày ở Mục I.3 là phổ quát đối với các xã hội văn minh cận, hiện đại. Riêng ở nước ta, quan niệm này có lẽ chỉ thích hợp trong một giai đoạn phát triển ngắn ngủi, từ đầu đến giữa thế kỷ 20, khi xuất hiện tình huống giới trí thức mới (dùng chữ quốc ngữ) có cơ hội trở thành một tầng lớp xã hội khá độc lập với chính quyền về hoạt động nghề nghiệp và chính kiến. Ngoài giai đoạn này chúng tôi e rằng chưa bao giờ ở nước ta thực sự có một tầng lớp trí thức như cách hiểu thông thường của thế giới.
Thường ở ta trí thức được gán một cách không đúng cho những người “có học” chỉ xuất hiện ở xã hội Việt Nam ở buổi đầu công nguyên từ khi nhà Hán du nhập Nho giáo vào Việt Nam với mục đích giáo hóa và đào tạo quan lại bản xứ. Sau khi giành được độc lập vào năm 939 các triều đại phong kiến ngày càng tôn sùng Nho giáo; và đến đời nhà Trần (thế kỷ 13) thì Nho giáo đã được coi là hệ tư tưởng chính thống cho đến hết các triều Nguyễn (đầu thế kỷ 20). Suốt gần một nghìn năm ấy chỉ có một thứ được dậy và được học (một cách có hệ thống) là Nho giáo (khác với sự chuyên biệt hạn hẹp của Phật giáo và Đạo giáo). Các Nho sỹ sau khi đỗ đạt sẽ được bổ nhiệm làm các quan lớn nhỏ trong hệ thống cai trị của Nhà nước phong kiến. Các Nho sỹ thi trượt thì trở lại làng quê vừa dạy “chữ thánh hiền” như một kế sinh nhai, vừa “dùi mài kinh sử” đợi kỳ thi sau, đợi được đi làm quan để “cả họ được nhờ”!
Cái cơ hội “đổi đời” dường như duy nhất ấy đã tạo ra, một mặt là cái mà chúng ta vẫn thường tự ca ngợi là truyền thống hiếu học của dân ta, mặt khác, quan trọng hơn đã tạo nên sự lệ thuộc đến nô dịch của những người “có học” vào Nhà nước phong kiến. Và do đó, có thể nói rằng dưới các triều đại phong kiến ở nước ta chưa bao giờ tồn tại một tầng lớp trí thức theo cách hiểu đúng đắn của từ này. Các sĩ phu là những người “có học” có danh tiếng của các thời đại phong kiến, do vậy cũng chỉ gọi là các “quan văn” mang sứ mệnh “phò chính thống” mà thôi – họ không hẳn là trí thức (intellectuel), hoặc tầng lớp trí thức (intelligensia). Tuy vậy, cùng với tầng lớp Nho học bình dân ở thôn quê và các phật tử họ cũng góp phần hết sức quan trọng trong việc duy trì và phác triển nền văn hóa dân tộc.
Đến giữa thế kỷ 19 cùng với sự suy đồi của Triều Nguyễn, sự xâm lược của thực dân Pháp và bước đầu tiếp cận với nền văn minh công nghiệp phương tây, tầng lớp Nho sỹ ở nước ta đã phân hóa sâu sắc và xuất hiện những nhóm sỹ phu tiến bộ có đầu óc canh tân – tiền thân của nhóm trí thức đầu tiên của nước ta nửa đầu thế kỷ 20. Những nhân vật điển hình có thể kể đến là Vũ Tông Phan (1800 – 1851, cùng với Hội Hướng thiện); Nguyễn Trường Tộ (1828 -1871); Nguyễn Lộ Trạch (1852 – 1895); Nguyễn Tư Giản (1823 – 1890); Phạm Phù Thứ (1820 – 1883)v.v…Đấy chính là những sỹ phu có đầu óc canh tân đầu tiên trong lịch sử nước ta, đặt nền móng cho cuộc vận động giải phóng dân tộc vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 dù là theo đường lối bạo lực, như các phong trào Cần vương (Phan Đình Phùng, 1844-1895), và Đông Du (Phan Bội Châu, 1867-1940); hay chủ trương tiến hành một cuộc cách mạng văn hóa – giáo dục như phong trào Duy Tân (Phan Châu Trinh, 1872-1920), và Đông kinh nghĩa thục (Lương Văn Can, 1854-1927).
Vào những năm đầu của thế kỷ 20, cùng với sự tàn lụi của chế độ phong kiến và sự thiết lập chế độ của thực dân, ảnh hưởng của tư tưởng Dân chủ tư sản và khoa học – kỹ thuật phương tây đã tràn vào xã hội Việt Nam thông qua Nhật Bản và Trung Hoa. Trong bối cảnh đó phong trào Duy Tân và Đông kinh nghĩa thục đã quy tụ được một tầng lớp sỹ phu trí thức bao gồm các nho sỹ cách tân (Huỳnh Thúc Kháng, 1876-1947; Trần Quý Cáp, 1870-1908; Đào Nguyên Phổ, 1861-1907 v.v…), và các trí thức mới dùng quốc ngữ và tiếng Pháp (Trương Vĩnh Ký; 1837-1898, Phan Khôi; 1887-1960; Nguyễn Văn Vĩnh1882-1936, Phạm Quỳnh; 1892-1945, Nguyễn Văn Tố; 1889-1947 v.v…). Đây chính là tầng lớp trí thức đầu tiên của nước ta.
Hoàn cảnh lịch sử đã tạo ra cho một số người điều kiện có chỗ đứng khá độc lập với chính quyền, có thể sống bằng nghề lao động trí óc của mình chứ không nhất thiết phải ra “làm quan”, và tiếng nói của họ càng ngày càng có uy tín trong xã hội. Họ phần đông là người hành nghề tự do như bác sỹ, kỹ sư, luật sư, thầy giáo, nhà báo, nhà văn, hoạ sỹ, nhạc sỹ, và nghệ sỹ…Những phần tử ưu tú trong số đó chính là tầng lớp trí thức mới, và nhiều người đã đóng vai trò nòng cốt trong các tổ chức văn hóa hoạt động công khai. Đó là các hội, chẳng hạn Trí Tri, Khai trí Tiến đức, Truyền bá Quốc ngữ và Tự lực Văn đoàn v.v…Là các báo hoặc tạp chí, chẳng hạn Đông Dương, Nam Phong, Tiếng Dân, Tri Tân, Thanh Nghị, Khoa học v.v…Tình trạng này đã tiếp diễn cho đến năm 1945 khi cách mạng tháng 8 thành công Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quy tụ được tầng lớp trí thức ấy tham gia vào chính quyền cách mạng non trẻ của mình. Những nhân vật tiêu biểu như Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố, Phạm Khắc Hoè, Vũ Đình Hòe …(xuất thân từ các sỹ phu Nho học); Tạ Quang Bửu, Trần Đăng Khoa, Tôn Thất Tùng, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Xiển, Hồ Đắc Di, Nguyễn Văn Huyên, ….(xuất thân từ tầng lớp trí thức “Tây học”) đã và sẽ luôn là tấm guơng mẫu mực về phẩm tính cao quý của người tri thức. Tiếc rằng từ đầu những năm 50 của đầu thế kỷ trước, ngay khi còn trong thời kỳ kháng chiến chống pháp, tầng lớp trí thức của chúng ta với những nhân cách văn hoá đẹp đẽ ấy, lại rơi vào một thời kỳ phát triển đặc biệt mà chắc còn cần phải tốn nhiều thời gian và công sức để nghiên cứu một cách nghiêm túc sự tồn tại và vai trò của họ trong xã hội. Thời kỳ phát triển đặc biệt này có thể phân kỳ thành 3 giai đoạn 1945-1950 là thời kỳ cách mạng và kháng chiến nhưng hết sức “lãng mạn” của tầng lớp trí thức yêu nước, 1950-1965 là thời kỳ du nhập một cách hoàn chỉnh ý thức hệ đấu tranh giai cấp và phương pháp tư tưởng Maoist vào Việt Nam, qua các phong trào chính huấn tư tưởng, cải cách ruộng đất, chỉnh đốn tổ chức, phê phán nhân văn gia phẩm và chống “xét lại”; 1965-1975 là thời chiến mọi nhu cầu tinh thần và các giá trị văn hóa đều hướng vào mục tiêu giải phóng Miền Nam và thống nhất đất nước; 1976-1986 là thời kỳ quan liêu bao cấp, đặc biệt là về mặt tư tưởng; 1986 cho đến nay là thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế. Mỗi giai đoạn trên đây đều có hoàn cảnh chính trị – kinh tế – xã hội khá đặc biệt đối với sinh hoạt tinh thần – tư tưởng của tầng lớp có học. Sau giai đoạn giao thời 1945 – 1950, có lẽ tầng lớp trí thức trước cách mạng đã không tồn tại nữa. Từ năm 1950 trở đi tầng lớp có học ngày càng đông; các cá nhân trí thức thì lúc nào cũng tồn tại, có lúc hết sức hiếm hoi như giai đoạn 1950-1965; nhưng tầng lớp trí thức thì không tồn tại, ít nhất là cho đến trước đổi mới (1986). Từ năm 1986 đến nay tầng lớp có học có bằng cấp cao ngày càng đông nhưng phẩm tính tri thức thì chỉ thấy ở những cá nhân lẻ tẻ. Những cá nhân này ngày càng đông cùng với quá trình mở rộng dân chủ trong sinh hoạt xã hội, nhưng điều kiện để cho họ tự liên kết lại thành một tầng lớp có vị trí xác định trong xã hội dân sự thì chưa đủ.
Cần phải có những nghiên cứu nghiêm chỉnh về tầng lớp “có học” từ sau cách mạng tháng 8 cho đến nay để có được bức tranh hoàn chỉnh về trí thức Việt Nam từ khi có độc lập dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Muốn vậy ngoài việc thống kê đầy đủ sự biến động về số lượng và tính chất hoạt động của những người có học vấn nói chung, cần phải nghiên cứu hồ sơ của những trí thức tiêu biểu qua từng thời kỳ. Hồ sơ của những người như: Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Hồ Đắc Di, Nguyễn Đình Thi…cũng như của Phan Khôi, Trần Đức Thảo, Trương Tửu, Nguyễn Mạnh Tường…sẽ nói lên được rất nhiều điều đáng quan tâm.
2. Đã là trí thức thì ở nước nào cũng vậy, thời đại nào cũng vậy, đều có tính cách chung là: Tôn thờ lý tưởng Chân – Thiện – Mỹ; Độc lập tư duy; Hoài nghi lành mạnh; và Tự do sáng tạo. Tuy nhiên, mỗi dân tộc đều có tính cách riêng, tầng lớp trí thức của mỗi dân tộc cũng có bản sắc riêng. Chúng ta thường nghe nói: trí thức Trung Hoa thâm thúy (thâm nho), trí thức Nhật khiêm tốn (đến khách khí), trí thức Nga sâu sắc đôn hậu, trí thức Mỹ thực dụng, trí thức Anh lạnh lùng tỉnh táo, trí thức Pháp hào hoa phong nhã, v.v… Vậy trí thức Việt Nam có đặc điểm gì? Chúng ta đã từng nghe nói đến tính cách “phò chính thống”; và tính cách “quan văn”, tựu chung lại là tính “thích được chính quyền sử dụng”. Có nhiều người nói là tính cách “tuỳ thời”, nghe có vẻ dễ chịu hơn chữ “cơ hội” hay là “hèn” mà một số bạn đồng nghiệp của chúng ta không ngại ngần khẳng định. Nguyên cớ gì mà phải “hèn”? Đã “hèn” làm sao có nhân cách? Thiếu nhân cách liệu có xứng đáng là trí thức? Nhiều ý kiến cho rằng bi kịch của giới trí thức Việt Nam chính là ở chỗ này! Nhưng như vậy có lẽ chưa được công bằng cho lắm! Bởi lẽ, còn có một thực tế khác nữa cần phải xem xét. Đó là tính cách uyển chuyển, kết hợp “hành” và “tàng” của Sỹ phu – Trí thức nước nhà. Điều kiện cho phép thì bung ra hoạt động; lúc khó khăn thì tạm ẩn dật chờ thời, có khi “tàng” ngay trong lòng cường quyền với tâm trạng “cấp lưu, dũng thoái” (trước giòng nước xiết, can đảm thoái lui). Thế nhưng gianh giới giữa thái độ đúng đắn này với cái sự hèn thật là mong manh; chỉ “tự mình, mình biết cho mình” chứ khó lòng mà phán xét từ phía ngoài. Vậy thực sự trí thức Việt Nam có phầm tính gì?
Phẩm tính cao quý nhất của ng trí thức là Tôn thờ lý tưởng Chân – Thiện – Mỹ, không bị gò bó bởi ý thức hệ, dũng cảm đấu tranh cho lẽ phải, không khuất phục trước uy quyền và không bị tha hóa bởi danh lợi. Nếu trong một xã hội có nhiều người có học vấn cao đồng thời có những phẩm tính như vậy lại liên kết được với nhau (chủ yếu bằng diễn đàn và giao lưu tư tưởng chứ không phải bằng các hội đoàn) thành một tầng lớp, thì đấy là một xã hội dân sự lành mạnh, có nhiều tiềm năng phát triển.
Tạm gác sang một bên khái niệm “tầng lớp trí thức” như cần được làm rõ ở mục I.3, chúng ta hãy xem xét tầng lớp những người “có học” trong giai đoạn hiện nay phù hợp với đối tượng điều chỉnh của NQTW7 khóa 10. Trước Cách mạng tháng Tám, tầng lớp “có học”, như được xã hội đương thời công nhận, có thể bao gồm những người có học vấn từ trung học trở lên. Ngày nay, những người có bằng cấp từ Đại học, Cao đẳng trở lên được coi là tầng lớp “có học”. Con số này vào khoảng 2 triệu 6. Trong đó có bằng Tiến sỹ khoảng 16 nghìn, Thạc sỹ 20 nghìn, Giáo sư khoảng 1 nghìn 2 và Phó Giáo sư khoảng 7 nghìn. Lực lượng này nằm đông nhất là trong các cơ quan quản lý của Đảng và Nhà nước, sau đó là ở các trường học, bệnh viên, các lực lượng quân đội an ninh, và doanh nghiệp. Lực lượng này cũng được tập hợp trong một số Hội hoặc Liên hiệp hội như: Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam, Liên hiệp các Hội VH&NT Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam…
Những nét đặc trưng của tầng lớp này là gì? Ngoài những đặc tính được Đảng và Nhà nước và phần nào là xã hội thừa nhận là ưu điểm, là tích cực như: yêu và trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Đảng, với Chủ nghĩa xã hội; cần cù, thông minh, sáng tạo, v.v… thì những tiêu cực không thể phủ nhận được là hết sức điển hình. Đó là:
- Hời hợt trong tư duy và thiếu nghiêm túc trong nghiên cứu.
- Tính cơ hội, thực dụng và vụ lợi trong hành xử.
- Ưa thành tích và chấp nhận sự giả dối một cách dễ dàng.
- Thiếu tinh thần hợp tác và ít lòng vị tha.
3. Tất cả những mặt tiêu cực điển hình của tầng lớp có học nói trên đều xuất phát từ một nguyên nhân chính là sự mất dân chủ trong sinh hoạt tư tưởng, trước hết trong nội bộ Đảng, rồi từ đó trong toàn xã hội. Sự mất dân chủ này đã bắt đầu từ đầu những năm 50 của thế kỷ trước, sau chiến dịch Biên giới, khi tư tưởng Mao Trạch Đông, luẩn quẩn trong vòng đấu tranh giai cấp, tràn vào Việt Nam theo con đường chính thống, được một bộ phận chủ chốt của Đảng tiếp thu và áp dụng một cách rốt ráo cho đến tận trước Đại hội VI. Những năm đầu của thời kỳ đổi mới, phát huy dân chủ và tự do tư tưởng đã được Đảng đề sướng (qua chủ trương “cởi trói” của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh) và được toàn dân hân hoan đón nhận, nhất là tầng lớp “có học”, đặc biệt là giới văn nghệ sỹ “được cởi trói”. Nhưng tiếc rằng chỉ ít năm sau đó không khí dân chủ trong sinh hoạt tư tưởng dần dần bị loãng hẳn đi cho đến trước Đại hội 10. Khi Đảng chủ trương lấy ý kiến của quần chúng đóng góp cho văn kiện Đại hội 10, bầu không khí dân chủ lại đuợc thổi vào một luồng sinh khí mới từ nhân dân. Tiếc rằng ngay sau Đại hội 10 cho đến nay, càng ngày càng có những biểu hiện đáng lo ngại về thực chất của nền dân chủ của chúng ta, về sự bóp nghẹt quyền tự do tư tưởng mà đã có một thời chúng ta định “cởi trói” cho nó.
Hai thí dụ điển hình sau đây có thể minh chứng cho sự lo ngại này:
a) Việc bắt giam một cách không bình thường và xử án một cách chưa có tính thuyết phục hai nhà báo của Thanh Niên và Tuổi Trẻ hồi giữa năm và cách chức các Tổng biên tập báo Đại Đoàn kết và Nhà xuất bản Đà Nẵng hồi cuối năm 2008, cùng với các vụ xử lý hành chính khác trong lĩnh vực báo chí và xuất bản ….đã làm cho bầu không khí tinh thần của toàn xã hội trở nên ngột ngạt.
Báo chí và xuất bản là mặt tiền, là thước đo của mỗi nền dân chủ. Chúng ta muốn xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh thì trước hết phải xây dựng được một nền báo chí và xuất bản dân chủ và công bằng. Sách và báo chí còn là vật mang, là phương tiện trường tồn của các nền văn hóa. Chúng ta muốn có một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc thì một lần nữa, trước hết phải xây dựng được một nền báo chí và xuất bản tiên tiến và nhân bản. Những nhiệm vụ nặng nề ấy không phải của riêng ai mà của tất cả: Nhà nước, cộng đồng người viết và cộng đồng người đọc.
b) Thực hiện ý kiến chỉ đạo của chính phủ, Bộ KH & CN đã có Tờ trình Dự thảo Quyết định của Chính phủ về việc cấm các cá nhân được nghiên cứu một số lĩnh vực khoa học và công nghệ. Trong tờ trình này các lĩnh vực nghiên cứu về Khoa học xã hội và Nhân văn cấm không cho các cá nhân nghiên cứu là: Tôn giáo, Dân tộc học, Đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nướcv.v…Đây là một bằng chứng cho thấy sự vi phạm nghiêm trọng của cơ quan chính phủ đối với các quyền dân chủ và tự do của sơ đẳng con người. Các câu hỏi đặt ra là: Tại sao trong các lĩnh vực ấy chỉ có các tổ chức nhà nước còn các cá nhân và các tổ chức tư nhân lại không được nghiên cứu ? Công việc nghiên cứu chủ yếu là hoạt động tinh thần, diễn ra ở trong óc người ta thì làm sao mà cấm được ? Nếu người ta không công bố, hoặc không vi phạm luật báo chí và luật xuất bản thì kết tội gì cho người ta ?
Với một thể chế mà chúng ta tự coi là dân chủ như vậy thì làm sao có thể xây dựng được một xã hội dân sự lành mạnh, một đội ngũ trí thức có phẩm cách và một khối đại đoàn kết dân tộc và đồng thuận xã hội như ý chí của chúng ta được thể hiện qua các khẩu hiệu chính trị.
IV. Quan điểm, định hướng và giải pháp nâng cao chất lượng thực hành dân chủ.
1. Các bài học lịch sử.
Khẩu hiệu “Trí, phú, địa hào đào tận gốc, trốc tận dễ”, nghe nói có từ thời Xô Viết Nghệ tĩnh, nhưng hình như không có văn bản nào chứng tỏ đó là chủ trương chính thức của Đảng Cộng sản. Tuy nhiên sau Cách mạng tháng 8, nhất là sau Đại hội lần thứ 2, nói chung khẩu hiệu này đã được thực hiện ở các mức độ khác nhau, trừ một số trường hợp được chính phủ Cụ Hồ trọng dụng, nâng đỡ ngay từ đầu hoặc có hoàn cảnh đặc biệt mà cách mạng không thể bỏ qua. Cùng với thắng lợi của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân chúng ta đã trả giá đến tận ngày nay cho thái độ kỳ thị của cách mạng đối với các tầng lớp trí thức, công thương gia và địa chủ.
Thái độ kỳ thị này cũng giống hệt như thái độ của những người cộng sản Nga từ sau cách mạng tháng 10 đối với tầng lớp trí thức của nước họ. Ngay sau cách mạng tháng 10, hàng ngàn gia đình trí thức Nga đã buộc phải lưu vong ra nước ngoài. Số còn lại hầu hết đã trở thành đối tượng của cách mạng và dần dần không còn tồn tại như một tầng lớp xã hội nữa: Số muốn giữ nhân cách trí thức thì bị đàn áp không những về mặt tư tưởng mà thậm chí bị tù tội ở các khu cải tạo; số khác tự đánh mất mình bằng thái độ “chùm chăn” hoặc cơ hội chính trị. Trong cuốn sách “Về trí thức Nga”(ở mục