18/06/2018, 16:06

Tân Việt Nam, một bước phát triển rõ rệt của Phan Bội Châu về tư tưởng dân chủ

Đinh Xuân Lâm Đồng chí Võ Văn Sạch, cán bộ nghiên cứu của Trung tâm lưu trữ Quốc gia (Cục Lưu trữ Nhà Nước) trong khi làm công tác chỉnh lý tài liệu chữ Hán trước năm 1945, đã may mắn tìm thấy tác phẩm Tân Việt Nam của Phan Bội Châu, và đã hoàn thành việc dịch thuật và chú ...

Tan-Viet-Nam-Phan-Boi-Chau

Đinh Xuân Lâm

 

Đồng chí Võ Văn Sạch, cán bộ nghiên cứu của Trung tâm lưu trữ Quốc gia (Cục Lưu trữ Nhà Nước) trong khi làm công tác chỉnh lý tài liệu chữ Hán trước năm 1945, đã may mắn tìm thấy tác phẩmTân Việt Nam của Phan Bội Châu, và đã hoàn thành việc dịch thuật và chú thích khoa học, tác phẩm đó sẽ xuất bản theo kế hoạch của cơ quan. Chúng tôi nghĩ rằng việc công bố rộng rãi tác phẩm Tân Việt Nam sẽ góp thêm tư liệu cần thiết cho việc nghiên cứu và tìm hiểu quá trình biến chuyển tư tưởng chính trị của nhà yêu nước họ Phan hồi đầu thế kỷ XX, nên không ngần ngại giới thiệu cùng độc giả.

1. Tình hình văn bản

Đây là lần đầu tiên Tân Việt Nam được giới thiệu một cách tương đối hoàn chỉnh, từ một bản chữ Hán(1). Sách chép tay trên giấy dó khổ 29x16cm, dày 26 trang (tờ), mỗi trang có 16 dòng, mỗi dòng khoảng 21 chữ. Sách còn nguyên vẹn, rõ ràng, dễ đọc. Trang đầu ghi tên sách: Tân Việt Nam. Trang cuối ghi: Thượng Hải, Hoành Tân thư quán và tên tác giả: Sào Nam tử. Lòng sách có 3 bút tích khác nhau: của người chép lại toàn bộ cuốn sách bằng mực đen; của người soát lại và chấm câu, có thêm một số chữ viết mực đỏ; của người viết dòng chữ: “Thượng Hải – Hoành Tân thư quán, Sào Nam tử tập” ở cuối sách. Về số chữ viết mực đỏ của người soát lại và chấm câu, cụ thể như sau:

Trang dòng chữ từ trên xuống  
9 1 13 Tái khủng thú Pháp nữ chi lực vô du
10 3 1 thủ
20 6 9 tân
31 1 13 xu
33 5 10 Nhật sửa lại thành mục
36 1 1 mai
37 3 5 giả
45 4 17 thử
46 5 12 kim
47 5 2 Vi
55     Giá thư tuyên thúc chi cao các sĩ thiên hạ thái bình thiên hậu dụng chi

Với tình hình văn bản như trên, có thể ngờ rằng đây chưa phải là nguyên bản của Phan Bội Châu. Đã vậy, nghiên cứu nội dung tài liệu thì thấy có một số điểm cho phép khẳng định đây chỉ là một bản sao với một số sửa chữa nhỏ để phù hợp với tư tưởng của người sao:

– Người chép lại bản này đã kỵ húy các chữ “thời” là tên vua Tự Đức nên viết thành chữ “thì”. Điều này không hề bắt gặp lần nào trong các công trình khác của Phan Bội Châu(2).

– Về các triều đại phong kiến Trung Quốc sang xâm lược Việt Nam, không thấy chép nhà Thanh, hay có chép rồi lại xóa đi. Phan Bội Châu không hề kiêng kỵ như vậy trong các tác phẩm của Cụ.

– Danh từ Ấn Độ – Chi na (tr.7) phiên âm chữ Pháp Indochina chỉ chung xứ Đông Dương, người chấm câu lại chấm tách ra thành hai nước Ấn Độ và China (Trung Quốc). Phan Bội Châu không thể lầm như vậy, trong các sách khác Cụ đã phiên âm đúng chữ đó.

– Trang cuối cùng có câu “Sách này tạm gói cất trên gác cao, đợi khi thiên hạ thái bình mới đem ra dùng”, đối với cụ Phan là người có ý thức viết sách để kịp thời tuyên truyền vận động cách mạng thì tư tưởng đó thật sự xa lạ.

– Bản sao này không mang bút tích Phan Bội Châu, nếu có thì rất dễ nhận đối với những ai đã từng tiếp cận một số nguyên bản tác phẩm của Cụ. Vì các lẽ trên, chúng tôi cho rằng đây là hai bản khác nhau: bản thứ nhất sao lại bằng mực đen và bản thứ hai cùng nội dung với bản trên có thêm một số chữ của người chấm câu soát lại viết bằng mực đỏ. Hiện nay, do chưa có một bản khác để so sánh kết luận, chúng tôi căn cứ vào bản 2 có nội dung đầy đủ hơn, những chữ được thêm vào không hề làm thay đổi nội dung chính của văn bản, để khẳng định bản đó có nhiều khả năng, gần hơn với nguyên tác của Phan Bội Châu.

2. Niên đại nguyên bản và bản sao.

Cho tới nay xung quanh Tân Việt Nam vẫn có những ý kiến khác nhau về năm và nơi sách ra đời. Trong Ngục trung thư(3) Phan Bội Châu có nói tới tác phẩm Tân Việt Nam nhưng không cho biết viết vào thời kỳ nào? và viết ở đâu? Nguyễn Huệ Chi cho rằng cụ Phan viết vào khoảng thời gian từ tháng 4 tới tháng 6 năm 1907 (Đinh Mùi) là lúc Cụ đang ở Trung Quốc(4). Chương Thâu cho là viết vào năm 1907 ở Nhật Bản(5) và Trần Lê Sáng cũng ý kiến đó(6). Chúng tôi thấy cần lưu ý tới các điểm sau:

– Trong Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 78 (tháng 9-1965) khi chỉnh lý và giới thiệu Tân Việt Nam đồng chí Chương Thâu có cho biết đó là bản dịch quốc ngữ từ một bản Tân Việt Nam chữ Hán có 26 trang in, có ghi viết là Bính ngọ hiên và sách được bán tại nhà Tân Hưng, thành Đông Kinh (Nhật Bản).

– Trong hồ sơ số 74 thuộc phòng tài liệu Hà Đông (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 Hà Nội) có nói tới tác phẩm Tân Việt Nam do Phan Bội Châu viết ở Yokohama(7) và bán tại nhà sách Tân Hưng ở Tokyo (Shinkoto). Đồng thời hồ sơ đó cũng cho biết sách Tân Việt Nam này cùng với một số tài liệu khác như Bài hát khuyên trẻ em chữ Nôm của Phan Bội Châu, sách kinh và 2 cuốn sách của Đông Kinh nghĩa thục ấn hành đã bị tịch thu tại nhà Nguyễn Sĩ Luận ngày 19-5-1913(8). Tiếc rằng toàn bộ số tài liệu trên hiện nay vẫn chưa tìm thấy, chỉ có ghi tên trong hồ sơ mà thôi.

Cuốn Sùng bái giai nhân phát hiện trước đây trong Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 Hà Nội và đã được giới thiệu rộng rãi(9) cũng được viết ở Bính Ngọ hiên, Hoành Tân (Nhật Bản) vào năm 1906 rồi in và phát hành ở nhà sách Tân Hưng ở Đông Kinh (Tokyo – Nhật Bản) vào giữa tháng 5 năm 1907.

Căn cứ vào tình hình trên, có thể cho rằng Phan Bội Châu viết Tân Việt Nam ở Hoành Tân vào năm 1906, sau đó cho in và phát hành vào năm 1907 ở Đông Kinh, nghĩa là viết và in vào cùng thời gian và cùng nơi với Sùng bái giai nhân.

Thế còn niên đại bản sao chúng ta hiện có trong tay thì như thế nào?

Bản sao Tân Việt Nam hiện có không ghi rõ chép từ đâu, ở đâu, vào ngày nào,tháng nào. Nhưng trong văn bản có ghi: Thượng Hải, Hoành Tân thư quán, Sào Nam tử tập (nơi in và bán sách ở Thượng Hải, Hoành Tân, Phan Sào Nam soạn). Trong cuộc đời hoạt động của Phan Bội Châu, không có thời kỳ nào Cụ sống lâu ở Thượng Hải, vì vậy Cụ không thể viết Tân Việt Nam tại địa điểm đó. Còn Hoành Tân là nợi Cụ Phan từng sống một thời kỳ dài vào năm 1906. Như vậy có nhiều khả năng Cụ Phan đã viết cuốn này ở Hoành Tân vào năm 1906, và sách đó đã được in và đem bán ở cả hai nơi Hoành Tân và Thượng Hải. Khi nhắc tới sách Tân Việt Nam Cụ Phan viết: “Lúc tôi ở Quảng Đông ra đi (tức vào cuối năm 1906) gặp hai đồng chí tỉnh Quảng Ngãi từ trong nước xuất dương, tôi thấy hai người có nhiệt tình, có dũng cảm có thể làm được những việc trọng yếu… tôi mới đem những văn kiện đã làm ra như Việt Nam vong quốc sử Tân Việt Nam… giao cho hai anh này đem về nước để dùng làm tài liệu tuyên truyền vận động”(10).

Kết hợp với việc chúng ta đã biết rằng Việt Nam vong quốc sử được viết năm 1905, rõ ràng Tân Việt Nam phải được viết vào khoảng đầu năm 1906 để có thể đưa cho người đem về nước vào cuối năm đó.

Nhưng ở một đoạn khác, Cụ Phan lại viết: “Trong lúc này (tức 1907) tôi có chút thời giờ nhàn rỗi, viết quyển sách Tân Việt Nam đại lược chia làm hai mục lớn, mục thứ nhất là Thập đại khoái, mục thứ hai là Lục đại nguyện in thành 1000 bản”.

Căn cứ vào ý kiến trên của Phan Bội Châu, chúng tôi cho rằng Cụ đã viết Tân Việt Nam vào khoảng đầu năm 1906 và đã gửi người mang về nước một số bản chép tay vào cuối năm đó, đến năm 1907 thì tiến hành tu chỉnh và cho in. Như vậy Tân Việt Nam đã được đưa về nước thành hai đợt:

– Sách chép tay (với số lượng ít) đem về nước từ cuối năm 1906.

– Sách in và phát hành ở Nhật Bản vào năm 1907 trong đó có ghi: Soạn ở Hoành Tân và phát hành ở Tân Hưng đường (Tokyo).

Bản sao chúng tôi hiện có trong tay được sao lại từ nguồn thứ hai là bản in có niên đại 1907.

3. Nội dung tác phẩm:

Có thể khẳng định Tân Việt Nam là một luận văn trong đó tác giả Phan Bội Châu trình bày mô hình nước Việt Nam mới theo Cụ quan niệm. Đây là một nước Việt Nam trong đó mọi ngành kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa, giáo dục, xã hội đều được đổi mới theo hướng tư bản chủ nghĩa. Trên cơ sở công cuộc “duy tân” đó, dân sẽ giàu nước sẽ mạnh, văn minh ngày càng phát triển, uy tín nước ta trên trường thế giới ngày càng nâng cao. Muốn được vậy thì có sáu điều mong muốn lớn (Lục đại nguyện) đối với mỗi người dân trong nước: có chí tiến thủ mạo hiểm; có tinh thần thương mến, tin yêu lẫn nhau; có tư tưởng tiến bước lên nền văn minh; có sự nghiệp thực hành yêu nước có sự nghiệp thực hành công đức; có hy vọng về danh dự và lợi ích. Thực hiện đầy đủ sáu điều mong muốn lớn đó thì sẽ đạt tới mười điều sung sướng lớn (Thập đại khoái): không có cường quốc nào bảo hộ; không có bọn quan lại hại dân; không có người dân nào mà không được thỏa nguyện; không có người lính nào mà không được vinh hiển; không có loại thuế má nào mà không công bằng, không có hình pháp nào mà không thỏa đáng; không có nền giáo dục nào mà không hoàn thiện; không có nguồn địa lợi nào mà không được khai thác; không có ngành công nghệ nào mà không phát đạt; không có ngành thương nghiệp nào mà không được mở mang. Trong khi tập trung trình bày nội dung trên, tác giả đã thể hiện khá sâu sắc nhiều tư tưởng tiến bộ. Trước hết phải nói tới một lòng tin vững chắc vào tinh thần và khả năng của đồng bào, đồng chí. Theo Cụ Phan, sở dĩ trước đó trong các tầng lớp nhân dân ta có phần nào thiếu sót về suy nghĩ và hành động, chính vì thiếu một sự hiểu biết cần thiết, vì chưa được giác ngộ về quyền lợi và nghĩa vụ. Một khi đã hiểu biết, đã giác ngộ thì tất nhiên ai nấy đều sẽ tự nguyện vượt qua mọi cực khổ, chấp nhận mọi gian lao, hy sinh mọi phí tổn để cùng nhau phấn đấu cho mục đích cao cả.

Tiếp đó tác giả đặc biệt nhấn mạnh tới quyền làm chủ của người dân. Trên cơ sở, duy tân đất nước, dân trí sẽ mở mang nhiều, dân khí sẽ lớn mạnh hơn, dân quyền sẽ phát triển nhanh, vận mệnh nước nhà sẽ do toàn dân nắm giữ và quyết định trên cơ sở kết hợp chặt chẽ giữa quyền lợi và nghĩa vụ của người dân trong nước.

Đặc biệt tác giả đã dành nhiều trang để nói về vai trò to lớn và quan trọng của người phụ nữ trong xã hội, trên mọi lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, giáo dục. Trách nhiệm của người phụ nữ đối với xã hội vô cùng to lớn, vì vậy xã hội có nghĩa vụ phải chú ý tới người phụ nữ, bảo đảm quyền bình đẳng hoàn toàn của họ với nam giới, sao cho “phụ nữ trong cả nước không ai là không mong muốn làm một người mẹ anh hùng, làm một người chị anh hùng, làm một người phụ nữ giàu lòng yêu nước”. Cũng trong phần nói về quyền làm chủ của người dân, tác giả đã đề cập tới các quyền tự do ngôn luận, hội họp, xuất bản, báo chí… đành rằng những điều kiện lịch sử đầu thế kỷ XX chưa cho phép Cụ Phan có một nhận thức sâu sắc và đầy đủ. Nhưng nếu ta nhớ rằng phải 13 năm sau các yêu sách của nhân dân Việt Nam mới được người thanh niên yêu nước thuộc thế hệ mới là Nguyễn Ái Quốc trình bày một cách hệ thống và toàn diện để đưa tới bàn hội nghị các nước đế quốc thắng trận vào giữa tháng 6-1919 đòi Chính phủ Pháp phải thừa nhận các quyền tự do dân chủ và bình đẳng của dân tộc ta thì sẽ thấm thía biết bao về ý nghĩa tiến bộ và tính chất tiên phong của tư tưởng và việc làm của Phan Bội Châu hồi đó. Đồng thời, nếu ta nhớ rằng Tân Việt Nam được viết chưa đầy hai năm sau khi Duy tân Hội với chủ trương quân chủ lập hiến ra đời (5 -1904) thì sẽ thấy rõ nhà yêu nước họ Phan đã chuyển biến nhanh chóng đến chừng nào về tư tưởng chính trị trong thời gian ngắn ngủi đó để khi thời cơ tới, chủ động thành lập Việt Nam quang phục hội với chủ trương cộng hòa dân quốc (6-1912), đánh dấu một bước tiến mới của cách mạng Việt Nam trên con đường dân tộc và dân chủ.

Giá trị của Tân Việt Nam về mặt nội dung tư tưởng vì những lẽ đó, và đặt trong những điều kiện lịch sử cụ thể của nước ta hồi đầu thế kỷ rõ ràng là to lớn, rất đáng trân trọng. Tư tưởng đó cần được tiếp tục phát huy trong hoàn cảnh hiện nay có lợi cho việc nâng cao quyền làm chủ của người dân vì lợi ích của cách mạng. Nội dung củaTân Việt Nam có nhiều điểm tích cực, tiến bộ như vậy, đó là điều cần khẳng định và cần được giới thiệu rộng rãi với bạn đọc. Nhưng sẽ vô cùng thiếu sót nếu không đề cập tới mặt hạn chế trong nội dung tác phẩm. Rải rác qua các trang, các đoạn, người đọc có thể bắt gặp một số tư tưởng không thích hợp, thậm chí lệch lạc, như đề cao sức mạnh quân sự, nuôi ảo tưởng bành trướng thế lực ra ngoài, nặng về chủ nghĩa chủng tộc v.v… Tất nhiên đối với một người vốn căm thù sâu sắc mọi hình thức áp bức bóc lột, suốt đời kiên trì chống cường quyền và bất công thì tuyệt nhiên đây không phải vì vật chất, vì lợi nhuận, mà chỉ vì say sưa một thứ “vinh quang” giả tạo, đặt không đúng chỗ, cốt sao cho “dung mạo nước ta lừng lẫy chói lọi ở hoàn cầu”.

Cuối cùng xin nói vài lời về hình thức tác phẩm. Đọc Tân Việt Namchúng ta vô cùng sung sướng gặp lại giọng văn rất đặc sắc của Phan Bội Châu, rất dễ nhận, không thể lẫn lộn với văn người khác. Đó là một giọng văn đằm thắm, thiết tha khi nói về đồng bào, đồng chí, nhưng cũng hừng hực căm thù khi nói tới bè lũ thực dân cướp nước và vua quan bán nước. Đó cũng là một giọng văn có sức cổ vũ, động viên mạnh mẽ, khiến người đọc như bị cuốn hút theo để rồi chia sẻ mối đồng tình và sẵn sàng hành động theo lời kêu gọi của người viết.

“Nếu người trong nước ta đều đồng lòng thì việc dời đất trời xoay sông núi đều làm dư sức. Người nước ta há lẽ nào lại tụt lùi mà không làm được hay sao? Gom chí khí của muôn người để xây nên thành cao ngút trời, góp trí tuệ lớn rung chuyển cả núi cao thì biển nào mà không lấn nổi. Tôi xin cúi đầu lạy, xin cúi đầu chào nước Việt Nam mới muôn muôn năm ! Đồng bào nước Việt Nam mới muôn muôn năm!”.

Thiết tưởng có thể mượn mấy câu cuối tác phẩm Tân Việt Nam,khẳng định lòng tin sắt đá, không gì lay chuyển nổi của nhà yêu nước họ Phan vào tinh thần và khả năng của nhân dân vào tiền đồ của dân tộc để kết thúc bài giới thiệu này vậy.

Đ.X.L

CHÚ THÍCH

(1) Trước đây, trên Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 78 (tháng 9-1965); khi giới thiệu Tân Việt Nam, đồng chí Chương Thâu cho biết đã dựa vào một bản dịch quốc ngữ mà không có bản chữ Hán. So với bản đó, bản chữ Hán mới sưu tầm được lần này có nội dung đầy đủ hơn, câu văn cũng hoàn chỉnh hơn. Chúng tôi cho rằng bản của Chương Thâu có khả năng là một bản viết tóm lược lại.

(2) Như cuốn Việt Nam vong quốc sử, Việt Nam quốc sứ khảo…

(3) Phan Bội Châu: Ngục Trung thư, Đào Trinh Nhất dịch, Tân Việt, Sài Gòn, 1959.

(4) Nguyễn Huệ Chi: Niên biểu Phan Bội Châu, trong cuốn: Nhà yêu nước và nhà văn Phan Bội Châu, Nxb. KHXH, H. 1970).

(5) Chương Thâu: Tác phẩm Tân Việt Nam của Phan Bội Châu, Tạp chí NCLS, số 78 tháng 9 – 1965).

(6) Trần Lê Sáng – Thư mục về Phan Bội Châu (trong cùng sách trên).

(7) Hoành Tân (Nhật Bản) Bính Ngọ hiện được cụ Phan thành lập đầu tiên tại Hoành Tân, tới đầu năm 1907 Phan Bội Châu dời về Đông Kinh, nhưng vẫn giữ tên cũ.

(8) Nguyễn Sĩ Luận người làng Đông Phủ, tổng Nam Phù liệt, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (cũ), bố là Nguyễn Hữu Dự, từng giữ chức Bố Chánh tỉnh Hà Nội.

(9) Phan Bội Châu: Sùng bái giai nhân, Nxb. Nghệ Tĩnh, Vinh, 1983.

(10) Phan Bội Châu: Niên biểu, Phạm Trọng Điểm và Tôn Quang Phiệt dịch, Nxb. Văn – Sử – Địa, H. 1957.

Nguồn : Tạp chí Hán Nôm 

 

Phụ lục :  Tân Việt Nam – Phan Bội Châu

Tân Việt Nam, tác phẩm còn ít được biết đến của Phan Bội Châu, viết có thể vào khoảng năm 1906-1907 ở Nhật Bản, là một cuốn sách mỏng trình bày quan niệm của tác giả về một nước Việt Nam mới, với mô hình chính trị dân chủ và mô hình kinh tế tư bản chủ nghĩa – hiểu theo thuật ngữ hiện đại.

Bố cục cuốn sách gồm hai phần. Phần đầu (Thập đại khoái) trình bày mười điều sung sướng trong một nước Việt Nam duy tân thành công. Đó là:

  1.     Không có cường quốc nào bảo hộ
  2.     Không có bọn quan lại hại dân
  3.     Không có người dân nào mà không được thỏa nguyện
  4.     Không có người lính nào mà không được vinh hiển
  5.     Không có loại thuế nào mà không công bằng
  6.     Không có hình pháp nào mà không thỏa đáng
  7.     Không có sự giáo dục nào mà không hoàn thiện
  8.     Không có nguồn địa lợi nào mà không được khai thác
  9.     Không có ngành công nghệ nào mà không phát đạt
  10.     Không có ngành thương nghiệp nào mà không được mở mang.

Phần cuối (Lục đại nguyện) bàn về sáu điều mong mỏi lớn để đạt được thành công đó.

Mười điều sung sướng lớn (Thập đại khoái)

Nếu như mà đường sắt dài muôn dặm làm rồi thì công việc buôn bán, trong chốc lát có thể tập trung đầy đủ được; từ các đô thị thôn ấp lớn có thể nối liền và đi tới khắp mọi nơi nhanh chóng. Ngồi ung dung nơi lầu chạm chiếu hoa mà có hiệu quả như vượt núi qua sông, thật sung sướng biết chừng nào! Được như vậy mà ban đầu không chịu khó nhọc kinh doanh, xây đắp thì thành sao được? Bây giờ nói đến những việc phải khó nhọc gian nan như thế sao lại chùn tay lè lưỡi? Vì chưa biết rằng sau khi đường sắt làm rồi là sướng đó thôi!

Nếu như mà lầu cao muôn trượng xây rồi thì sao trời, trăng biển bên cửa sổ ngắm như ở trong bàn tay, khí mát gió trong vờn quanh dưới gót. Ngạo nghễ nơi cửa cao ghế đá mà nhìn thấy được ba đảo năm châu, sướng biết chừng nào! Được như vậy mà ban đầu không chịu phí tổn, trù hoạch, khó nhọc thì thành sao được? Bây giờ nói đến việc làm những công trình lớn lao như thế sao lại cúi đầu thất sắc? Vì chưa biết rằng sau khi lầu cao đá xây rồi là sướng đó thôi! Biết sau này có sự ngọt bùi khôn cùng, thì cái cay đắng hôm nay phải chịu đựng chỉ là cái điểm tiến tới cái ngọt bùi đó, ta nguyện nếm cái cay đắng ấy. Biết sau này có sự vui mừng khôn cùng thì cái gian lao hôm nay là cái cơ sở dẫn đến sự vui mừng đó, ta nguyện nhận cái gian lao ấy. Biết sau này có cái sự lợi khôn cùng thì cái phí tổn hôm nay là cái vật gốc dẫn đến cái lợi đó, ta nguyện dùng những phí tổn ấy.

Bây giờ tôi xin nói cùng với đồng bào rằng: muốn tạo dựng được một nước Việt Nam mới có đường sắt muôn dặm và nhà cao muôn trượng như thế thì tất phải nếm chịu những cay đắng như vậy, nhận sự gian lao như vậy, và tất cả những phí tổn như vậy. Đồng bào ta há sợ cực khổ lắm sao? Nếu quả có thế là vì chưa biết rằng nước Việt Nam ta sau khi đã duy tân rồi là rất sướng, rất vui và có lợi không lường hết được đó thôi.

Bây giờ tôi xin thưa với đồng bào rằng: nước Việt Nam mới có 10 điều sung sướng lớn như sau:

  1.     Không có cường quốc nào bảo hộ
  2.     Không có bọn quan lại hại dân
  3.     Không có người dân nào mà không được thỏa nguyện
  4.     Không có người lính nào mà không được vinh hiển
  5.     Không có loại thuế nào mà không công bằng
  6.     Không có hình pháp nào mà không thỏa đáng
  7.     Không có sự giáo dục nào mà không hoàn thiện
  8.     Không có nguồn địa lợi nào mà không được khai thác
  9.     Không có ngành công nghệ nào mà không phát đạt
  10.     Không có ngành thương nghiệp nào mà không được mở mang.

Diện tích nước ta có 25 vạn dặm vuông Anh, không phải là rộng sao? Dân số nước ta hơn 50 triệu tráng đinh [1] không phải là đông sao? Đất đai mầu mỡ phì nhiêu, sản vật dồi dào, non sông tươi đẹp, nếu đem so sánh với các nước mạnh trong năm châu không thua kém mấy ai. Thế thì sao ta lại cam chịu để cho nước Pháp bảo hộ? Than ôi! Căn tính nô lệ đã ăn sâu, thói ỷ lại quá nặng rồi! Mấy ngàn năm cam bề nội thuộc các triều Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh[2] xưng tôi tớ không còn có khí người. Giặc Pháp gian giảo, khinh ta yếu, dối ta ngu, thừa lúc con sư tử đương ngủ say mà nghiễm nhiên lấn át chủ nhà, giầy xéo con em ta, bắt cha anh ta làm kiếp trâu ngựa, lấy thành trì nước ta làm sào huyệt của chúng, moi hút máu mỡ dân ta. Thế mà chúng lại còn dám ngạo mạn công bố với thế giới rằng: nước Pháp là nước thống trị cõi Đông Dương. Chao ôi! Đồng bào ta ôi! Nước ta là nước ta, dân ta là dân ta, nước Pháp-lan-tây có gì ở đây mà trái lại chúng lại còn bảo hộ nước ta?

Từ khi người Pháp bảo hộ cho đến bây giờ, chúng nắm giữ hết thảy mọi quyền trong tay, muốn làm sống, làm chết ai cũng được. Tính mạng của muôn người nước Nam chẳng bằng một con chó Tây. Kìa những người mắt biếc xanh, râu sắc hồng, bay chẳng phải là cha anh ta, chẳng phải là thầy dạy của ta mà sao lại ngồi chồm chỗm, ỉa đái trên đầu ta? Đường đường các bậc nam nhi của nước Nam lẽ nào lại không biết xấu hổ, nhục nhã, phẫn uất giết bọn giặc được hay sao? Thân ta hãy còn thề phải dẹp bằng lớp sóng biển lớn, quyết giết chết bọn giặc ấy, để tỏ rõ khí tiết giống da vàng.

Khi đã duy tân rồi, tư cách nội trị do ta sắp đạt, quyền lợi ngoại giao tự ta nắm giữ. Sự nghiệp văn minh ngày càng tiến bộ, phạm vi thế lực ngày một mở mang. Ta sẽ có 300 vạn lục quân mạnh như cọp ngó nhìn bốn cõi; 50 vạn thủy quân dữ như cá kình thét trong biển lớn. Rồi ta phái các công sứ đi tới các nước mạnh ở Châu Âu, Châu Mỹ. Các nước mạnh như Nhật, Mỹ, Đức, Anh đều liên kết với nước Việt Nam ta, coi ta là đồng minh bậc nhất. Các nước Tiêm La [3], Ấn Độ và các nước ở quần đảo Nam Dương đều tôn nước ta làm minh chủ. Nước lớn nhất ở Châu Á là Trung Quốc cũng sẽ là nước anh em thân thiết với ta. Nước thù cũ của ta là nước Pháp-lan-tây cũng phải sợ ta, nghe theo ta và nguyện nhận sự bảo hộ của ta. Cờ nước Việt Nam ta phần phật, bay trên nóc thành Ba Lê và dung mạo nước ta lừng lẫy chói lọi ở hoàn cầu. Đến lúc ấy, người Việt Nam ta chỉ sợ không rảnh mà bảo hộ cho nước khác, lại sợ không dư sức lấy con gái nước Pháp, và sự nhục nhã vì người khác bảo hộ trước đây như là một phương thuốc hay để hoàn thành công việc duy tân đó mà thôi.

Đài kỉ niệm xây cao, muôn ngọn đuốc dẫn đường trong đêm tối. Gió tự do thổi mạnh, một luồng vui thấu tận trời xanh. Chúng ta ưu thắng đến thế, sung sướng biết chừng nào! Cái nọc độc hàng nghìn năm nay của bọn chuyên chế hại dân ấp ủ từ bên nước Thanh nhiễm sang nước ta để mà một tên độc phu [4] khống chế vài vạn kẻ dung nhân [5]làm cá thịt ức vạn dân ta. Rồi vài vạn tên dung phu lại thờ phụng một tên độc phu làm cá thịt ức vạn dân ta. Thế mà dân ta ngu muội không biết giành lấy dân quyền, không biết giữ lấy quốc mệnh, chỉ ngày đêm đem hết máu mỡ khô kiệt của mình cung đốn cho bọn độc phu và dung nhân uống nuốt. Than ôi! Thật đáng thương thay!

Khi đã duy tân rồi thì dân trí sẽ mở mang nhiều, dân khí sẽ lớn mạnh hơn, dân quyền tất phải phát đạt lớn; vận mệnh nước ta tất do toàn dân nắm giữ. Thủ đô nước ta đặt một tòa nghị viện lớn, tất cả những việc chính sự đều do công chúng quyết định. Thượng Nghị viện tất phải đợi Trung Nghị viện đồng ý. Trung Nghị viện tất phải đợi Hạ Nghị viện đồng ý. Hạ Nghị viện là nơi đa số công chúng có quyền phê chuẩn công việc của Thượng Nghị viện và Trung Nghị viện. Phàm đã là người dân nước ta, không kể sang hèn, giầu nghèo, lớn bé đều có nghĩa vụ bỏ phiếu bầu cử. Vua nên để hay nên phế, quan lại nên truất hay nên thăng, dân ta đều có quyền quyết định cả. Tất cả những tên vua bạo ngược, quan lại ô trọc không hợp với công đạo thì dân ta khi khai họp trong nghị viện cùng nhau bàn bạc quyết định thi hành trừng phạt chúng theo hiến pháp. Đến lúc ấy, bọn quan lại hại dân tất bị chôn vùi tiệt nọc mãi mãi không còn trên trời đất nữa. Đến lúc ấy, người nước ta chỉ ca múa thái bình, ngậm cơm vỗ bụng mà thôi. Ngẩng đầu thấy mặt trời, tiếng ca vui muôn năm còn vọng mãi: tiếng vỗ tay như sấm, điệu múa hay nghìn thu vẫn còn khen. Chúng ta vinh thịnh đến thế, sướng biết chừng nào!

Người Pháp cướp nước ta, khóa kín miệng ta, trói buộc chân tay ta, bịt kín tai mắt ta. Những việc như xuất bản, sách báo, hội họp luận bàn không kể ngày đêm, không kể đông hay ít, lớn hay nhỏ đều bị người Pháp áp chế ngặt nghèo. Người Pháp mà tức giận bắt ta phải coi cha làm thù; người Pháp mà ưa thích đặt chó làm vua cũng phải chịu. Ngay đến họ vua, nhà quan, kẻ giầu người giỏi nếu không được giấy của người Pháp cấp cho thì một bước cũng chẳng dám ra khỏi cửa. Không được người Pháp cấp thuế bài thì chủ nhà cũng giống như trộm cướp. Kìa những con chó Tây, ngựa Tây, vợ Tây và những kẻ bồi Tây thung dung tự do muốn nạt ai thì nạt theo ý mình so với người nước ta thật là khác biệt nhau như thiên đường, địa ngục. bất bình đẳng đến như thế, không công đạo đến như thế, hỏi nỗi oan khuất trong thế giới này còn có đâu hơn thế nữa hay không? Lẽ nào ta lại ngồi yên, không dám đứng lên mà réo muôn tiếng chuông độc lập. Đè nén cong nhiều tất phải bật thẳng, phải bẻ gãy vòng cường quyền áp chế mới thôi.

Khi đã duy tân rồ
i thì uy quyền nước ta, ta nắm trong tay; cái đạo của ta, ta cân nhắc. Nền văn minh rạng rỡ khắp nơi. Cửa tự do rộng mở không cùng, báo chí đầy đường, sách mới đầy ngõ. Người dân nghèo tha hồ kiện tụng, tiếng nói vang lên như sấm; kẻ văn sĩ được thả bút luận bàn chính sự. Bao nhiêu ẩn tình của chú phu xe, của người lính ngựa, của người mẹ góa, của đứa con côi, hết thảy đều đạt tới tai vua. Đến khi ấy, người nước ta yêu mến nước ta như biển lớn vô bờ mắt thu khó hết, lạ vì trời xanh sao quá thấp như chạm vào đầu. Chúng ta vẻ vang đến thế, sướng biết chừng nào!

Người nước ta khi chưa duy tân, thói dã man nhiễm đã quá thịnh, chí tiến thủ đã mất đi, tôn hư văn làm thánh làm thần, coi thực nghiệp như cỏ như rác. Từ vua cho đến quan lại xem tướng tá như con vật bỏ đi, coi ba quân khác chi chó dại, xem võ quan như vật để sai khiến chà đạp. Dân ta thì kiến thức ấu trĩ, tai mắt ngu tối, thấy người trên bỉ bác thì dưới xóm thôn cũng khinh rẻ. Khi sống làm lính chạy trước ngựa, bỏ xương chốn sa trường, khi chết làm quỷ ở ven đường, vùi danh nơi hoang vắng. Làm người lính đã vất vả nghèo hèn, phải chịu tiếng vô phúc như thế thật đáng thương thay! Đáng chán lắm thay! Đã đáng thương, đáng chán như thế thì ai muốn đi lính nữa, mà không ai muốn đi lính thì lấy ai ra giữ nước? Đến khi nước mất biết để lỗi cho ai? Than ôi! Vận mệnh một nước phần nhiều gửi gắm, trông mong ở ba quân, người lính tức là nước nhà ta vậy. người lính bị khinh rẻ đến thế, hỏi nước nhà còn tồn tại được không? Xe trước đổ gương còn soi đó, gọi to hồn người ném đá bắn tên [6]; tương lai kia hãy còn dài, đánh tiếng trống làm khí thiêng sông núi. Người lính ơi, người lính! Xin hãy xem từ nay về sau mình sẽ thế nào.

Khi đã duy tân rồi thì võ quan một đường, vua dân một thể. Nước nhà trông cậy và người lính bảo vệ, người lính được kính trọng vô cùng. Tôi cùng đồng bào cả nước đều biết rằng, nước là nước chung của tất cả mọi người thì ai ai cũng phải có trách nhiệm giữ gìn đất nước. Mọi người đều có trách nhiệm giữ nước thì ai ai cũng phải có nghĩa vụ vào lính. Mọi người có nghĩa vụ vào lính thì ai ai cũng phải có tấm lòng trọng người lính. Trong nước từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài đã là có tai có mắt, không ai là không chú trọng tới người lính. Có bút mà viết, có lưỡi để nói, không thể nào nói hết, viết hết về cái hay của người lính. Người lính khi sống làm cho quốc sĩ được mở mày, gây oai hùng trong thế giới, đến khi chết làm quốc linh, hồn phách mãi mãi trường tồn với núi sông. Người trong nước đem máu thịt của mình mà sùng phụng những người chết vì Tổ quốc là người lính, vua trong nước lên tận đàn tế mà bái chúc những người hi sinh vì Tổ quốc là người lính (ở Đông Kinh nước Nhật Bản có lập một đàn tế gọi là “Tịnh quốc Thần xã” để tế những người lính tử trận, mỗi năm hai kì Thiên Hoàng phải thân hành đến tế lễ ở đàn ấy. Sau khi duy tân rổi ta cũng sẽ lễ theo cách đó). Kho tiền công, kho chứa lúa của Nhà nước phải được dùng đề nuôi nấng vợ con người lính chết trận. Triều đình và xã hội phải bảo toàn, lo lắng đến gia đình, họ hàng những người lính chết trận. Tượng đồng nguy nga ngất trời dành riêng để đúc chân dung người lính: mộ đá nhấp nhô trên mặt đất để dành đắp cho nơi yên nghỉ của người lính. Người lính ơi! Người lính! Vinh hiển trong nước thực chẳng ai bằng, danh dự muôn đời thực chẳng hề phai. Lúc bấy giờ, người nước ta chỉ có mở mắt mà ngắm trời đất, khen ông cha ta trước từng làm người lính mở đường, quay lại nhìn thôn xóm mới buồn rằng mình phải chết già dưới cửa sổ thật là như kẻ vô duyên vậy. Chúng ta hoan hỉ đến thế, sướng biết chừng nào.

Các triều đại vua trước ở nước ta, thu thuế của dân có phần khoan nhẹ, nhưng chưa thoát khỏi chế độ chính trị dã man như:

–          Một là tệ quan lại tham lam gian trá

–          Hai là tệ cường hào tàn ác hách dịch

–          Ba là tệ hương lí lộng hành.

Trăm mối phiền nhiễu, dân không chịu nổi. Nhưng dù sao vẫn còn nhân đạo ít nhiều. Đến như người Pháp hiện nay thì coi dân ta như súc vật, trâu ngựa để buôn bán mà thôi. Xin hỏi các bậc cha anh, chú bác, con em dòng họ nước ta rằng: giặc Pháp thu dân ta mỗi người một năm phải nạp thuế công sưu hoặc 2 đồng, 3 đồng hoặc 4, 5 đồng thì so với một con trâu, con ngựa, con gà phải nạp bao nhiêu tiền hỏi có khác gì không? Than ôi! Người nước ta bị vắt kiệt đến hết cả mỡ màng, huyết mạch để cung đốn cho các ông Tây, bà đầm, chó Tây một năm biết mấy nghìn ức vạn. Tất cả vật gì có thể dùng để ăn uống được cũng đều phải có thuế. Bao nhiêu sự sinh sống gì cũng đều phải đóng thuế, bao nhiêu những nơi sinh hoạt, nơi nào cũng phải đóng thuế. Cho đến cái thân ta là do đất trời sinh thành, cha mẹ tổ tiên ta để lại: mỏi chân tay, hao tâm huyết để cung phụng, nuôi nấng bọn giặc Pháp mà rồi mỗi năm phải bỏ ra 4, 5 đồng bạc để chuộc tấm thân bảy thước của mình! Than ôi! Cái tấm thân ta! Thật chẳng bằng con trâu, con ngựa, con chó, con gà. Thật đáng thương thay! Thật đáng thương thay! Người nước ta bị giặc làm nhục đến thế mà còn không biết tự mình phấn kích lên là tại làm sao? Công sưu, thuế thân là những thứ thuế mà các nước trong địa cầu chẳng nước nào có cả, chỉ riêng có ở nước ta thôi. Người nước ta không phải gỗ, đá, đồng bùn mà sao cam chịu nhục hèn đến thế? Con thú kia khi khốn quẫn còn biết cắn mổ giương lông giương vuốt. Con sâu khi bị nhốt còn biết cách vươn mình tìm trốn thì con người phải biết tính sao đây để có ngày mở mày mở mặt?

Khi đã duy tân rồi về lâu dài phải trừ bỏ ngay những tệ phiền toái cũ kéo đến mấy triều vua trước, trước mắt phải sửa đổi, tẩy sạch hết phép chính trị hà khắc của người Pháp. Công sưu, thuế thân chẳng những không còn, mà tất cả những thứ thuế khác nữa đều phải xin nghị viện phê chuẩn. Việc thu các loại thuế, các khoản quyên tiền cứu trợ đều phải được nhân dân công nhận, coi đó là nghĩa vụ cần kíp để giúp đỡ cho công ích. Sau đó chính phủ mới được sức giấy xuống để trưng cầu ý của dân. Dân ta dù thiệt một đồng tiền, góp một hạt thóc đều vui vẻ thoải mái, xuất phát từ lòng yêu nước mà đóng góp hết sức nhiệt thành, không hề có một tí gì gọi là dã man cưỡng bức. Trời cao biển rộng ai ai cũng như thấy mình bay nhảy khôn cùng. Ngày ấm gió hòa, ai nấy đều vui vẻ, tự do nhảy múa. Chúng ta vui vẻ, có lợi đến thế, sướng biết chừng nào!

Hình luật nước ta trước kia, tay chân bị gông cùm, thân thể bị đè nén. Thân muốn động mà không dám động, miệng muốn nói mà không dám nói. Người tù khi ăn uống, thức ở so với con trâu ngựa, gà lợn không có gì khác biệt. Than ôi! Phàm đã là đồng bào ta đều là con em ta cả, ai mà không cùng chung cốt nhục với mình. Sự nhẫn nhục chịu cảnh khổ cực cũng không có lòng nào khác, việc xây dựng một đất nước, cũng đều không ngoài mục đích là được sinh ra và làm ăn trên đất nước của mình. Người nước ta ơi! Người nước ta ơi! Xin xem hình pháp sau khi duy tân.

Khi đã duy tân rồ
i thì trong cả nước không một người nào là không có lòng yêu nước, không một người nào là không phụng sự việc công, không một người nào là không thương yêu nhau, không một người nào là không phục tùng theo phép tắc văn minh. Như vậy, cần gì phải có những hình pháp lôi thôi nữa. Tuy nhiên, nếu không may mà có một vài người phạm tội, tất cũng phải xử lí theo khuôn khổ hình pháp văn minh. Trong thời đại duy tân, hình pháp cũng bắt chước theo các nước như Nhật Bản và Châu Á. Tại kinh đô lập ra một Viện Cảm hóa có viên tài phán ở đại học đứng ra phụ trách. Phàm những người phạm tội, lập ra cho họ một trường học riêng khiến cho họ khi vào học ở đó sẽ mở mang lương thiện, tu dưỡng tư cách của một người dân; lập một xưởng thợ riêng, khi họ vào học, tùy theo sở trường của từng người mà dạy họ các nghề ở đó để họ có đủ tư cách làm việc trong khuôn khổ cuộc sống, khiến họ không thể tái phạm lầm lỗi nữa. Lại đặt một người thẩm phán công minh, những nhà giáo hiền lành có trách nhiệm, hàng ngày vào nhà giam mà thuyết giáo những điều phải trái, khiến cho phạm nhân biết ăn năn hối cải. Đến khi hết hạn giam, họ cũng như người vô tội, mọi thứ dân quyền đều được bình đẳng. Khi đương bị giam thì họ là con em thụ giáo, khi ra khỏi nhà giam thì là dân một nước cùng làm những việc hay giỏi, tự do như ngọn gió xuân thổi khắp trong ngoài có bệnh tật gì rồi cũng được mạnh khỏe. Đến lúc bấy giờ dân ta chỉ còn biết trị hóa mà không hề biết gì đến hình pháp. Đau đớn bệnh tật nhờ thuốc trời mà chữa khỏi, lòng dữ như con cọp beo, chim cú nhờ có nước thánh mà bị tiêu tán hết. Chúng ta sinh sống đến thế, sướng biết chừng nào!

Việc giáo dục là một cái lò đúc nên người để trị nước. Quan lại, binh lính cũng đều từ đó mà ra. Cho nên giáo dục là cái gốc trong di sản của chính trị. Thuế má, hình pháp cũng đều từ giáo dục định ra. Nền giáo dục của nước ta sở dĩ hủ bại, cũ nát là bởi vì trước đó chưa duy tân đó thôi, chẳng nên nói làm gì. Như cánh tay chín lần gãy mới biết thuốc tốt, cho đến bây giờ chỉ có nền giáo dục mới làm tan biến đi  mọi sự ngu dốt được. Trong thời đại duy tân nền giáo dục sẽ mãi mãi hoàn thiện, điều đó không nói cũng biết, nhưng người nước ta còn có người chưa rõ. Vì thế xin nói ra để người trong nước rõ thêm.

Khi đã duy tân rồi thì triều đình sẽ dốc hết lòng, tận tụy trông nom nền giáo dục. Tinh thần toàn xã hội dồn hết cho giáo dục. Đức dục, trí dục, thể dục… tất cả đều được đề cao mà không bỏ điều gì. Phải học Trung Quốc, học Nhật Bản, học nước ngoài tất nhiều người sẽ hái lượm được đầy đủ kiến thức. Các vườn cho trẻ chơi, trường tiểu học, trung học, cao đẳng, đại học từ kinh đô đến thôn quê nơi nào cũng có. Khi mới duy tân thì các giáo sư ở các học đường tất phải mời người Nhật Bản, người Châu Âu, người Mỹ dạy: trong thời duy tân thì người nước ta cùng với một số người nước ngoài tham gia giảng dạy, khi duy tân sắp xong rồi thì nhân tài nước ta trình độ sẽ hơn hẳn họ, nên không cần phải mời người nước ngoài dạy nữa. Tên gọi các trường học, tư cách của học sinh, đặt ra các môn học, sự nghiệp học hành đạt kết quả cao, cơ bản đều phải thu lượm theo cái hay, cái tốt của nước Nhật và Châu Âu, đồng thời phải tìm cách để tự hoàn thiện nữa. Trong các trường học, các môn như triết học, chính trị học, kinh tế, quân sự, hình pháp, ngoại giao, công nghiệp, thương nghiệp, nông nghiệp, nữ công, y học, lâm nghiệp, phàm tất cả những gì liên quan tới cuộc sống con người cần phải học tập và phải mời thày giáo dạy tại học đường đầy đủ. Người nước ta được vào học không kể sang hèn, giàu nghèo, nam hay nữ, cứ từ 5 tuổi trở lên thì vào học ở vườn trẻ chịu sự giáo dục của bậc trẻ em, từ 8 tuổi trở lên vào học bậc tiểu học chịu sự giáo dục của bậc tiểu học, từ 14 tuổi trở lên vào học ở trường trung học chịu sự giáo dục của bậc trung học; cho đến khi 18 tuổi tài chất đã khá rồi thì được nhận vào học ở các trường bậc cao học theo sự giáo dục của các ngành chuyên môn bậc đại học. Tất cả những phí tổn về việc giáo dục, do triều đình, xã hội đảm nhiệm. Nếu người dân nào nghèo túng quá không thể đủ tiền đóng học phí thì triều đình và xã hội phải giúp đỡ, chu cấp thêm khiến cho con em trong cả nước đều được học qua ở các trường tiểu học bậc cao. Trước khi vào học ở các trường tiều học, đều phải đặt các trường dạy quốc ngữ, quốc văn, khiến cho nhi đồng và phụ nữ đều có thể đọc được báo chí, để nghe biết được những tin tức mới, bàn luận về thời sự để mở mang dân trí. Trong các trường học, hết thảy phải dùng chữ Quốc ngữ khiến cho mọi người ai ai cũng đọc được, khi đọc được ai ai cũng hiểu biết được để đến khi vào học ở các trường tiểu học ai nấy đều có điều kiện và hết lòng lĩnh hội kiến thức, mới có thể có đủ tư cách trở thành một người dân tốt hơn được. Hơn nữa, các sách giáo khoa ở các trường tiểu học, trung học, đại học phải được Bộ Văn[7] kiểm định, nhưng có sự châm chước, xét duyệt, bàn bạc chung trong nghị viện. Nội dung cơ bản của sách vở đều là cội nguồn để mở mang lòng yêu nước, khai thông tình ruột thịt đồng bào, phát huy dân trí giúp dân quyền khiến cho mọi người ai ai cũng tiến bộ ngày hàng ngàn dặm.

Tựu trung việc đào tạo nhân cách con người là trên hết, nhưng đối với binh lính và phụ nữ thì việc giáo dục đó lại càng cần thiết hơn. Vì người lính có trách nhiệm bảo vệ người làm ruộng và người đi buôn bán; có nhiệm vụ đi mở đất, dời dân và tăng thêm thế mạnh, uy nghi của một nước. Nếu ngay từ ban đầu, giáo dục không chu đáo, sâu sắc thì người lính làm sao mà dám xả thân vì nước, làm sao mà có lòng yêu thương đồng bào và làm sao mà gây dựng cho nước nhà ngày một cường thịnh được? Sau khi duy tân rồi thì người lính ở nhà được giáo dục tại nhà, ở doanh trại thì được giáo dục tại doanh trại. Là pháo binh, kị binh, công binh thì được giáo dục về công việc của pháo binh, kị binh, công binh. Là lục quân, hải quân, sĩ quan thì được giáo dục theo cách thức của lục quân, hải quân, sĩ quan. Không chỗ nào, không lúc nào là không giáo dục người lính để làm cho người lính sẵn sàng chết, làm tướng thì có khả năng cầm quân, làm cho nước nhà trở thành cường quốc trong năm châu. Đó cũng là mục đích trên hết để giáo dục người lính vậy.

Phụ nữ là người có trách nhiệm làm một người mẹ hiền, một người vợ đảm, có trách nhiệm trong việc buôn bán, làm đồ công nghệ, có trách nhiệm dạy dỗ con em, giúp đỡ việc quân. Có người mẹ anh hùng thì mới có thể giúp cho người chồng thành người anh hùng được. Vả lại, trên các mặt nghệ thuật, kinh tế người phụ nữ thực sự sẽ nắm được những quyền lợi vô cùng. Chỉ có giáo dục người phụ nữ một cách sâu sắc thì mới tạo ra cho họ lòng yêu nước sâu sắc, bỏ được riêng tư mà theo công lợi, dám hi sinh vì việc nghĩa để làm nên một quốc gia cường thịnh được. Cho nên trong một nước mà không có người phụ nữ yêu nước thì cuối cùng nước ấy sẽ phải làm đầy tớ cho nước khác mà thôi. Sau khi duy tân rồi, tất phải chú ý đặc biệt tới sự giáo dục cho phụ nữ. Sách giáo khoa dạy cho chị em phụ nữ phải chọn những sách có nội dung thật tốt; trường học để dạy chị em phụ nữ phải khuyến khích, lựa chọn những giáo viên thật giỏi. Những trường công nghệ, bệnh viện, thương điếm, ngân hàng, bưu điện, xe hơi, tàu thủy… cùng tất cả những ngành gì có liên quan đến tài chính nên tuyển dụng phụ nữ có trình độ học vấn cao, khiến cho họ phát huy hết tài năng để giúp cho việc quân, việc nước và có nghĩa vụ bình đẳng với nam giới. Tất cả những gì mà quốc gia khen thưởng, những vấn đề thuộc về xã hội thì người phụ nữ cũng có giá trị bình đẳng với nam giới. Điều đó, khiến cho phụ nữ trong cả nước không ai là không mong muốn làm một người mẹ anh hùng, làm một người vợ anh hùng, làm một người phụ nữ giàu lòng yêu nước. Bia đá tượng đồng tạc phường khăn yếm, việc sử dụng súng ống, lưu danh tên tuổi, việc hội ước, xông pha nơi chiến trường thì người phụ nữ so với kẻ mày râu đều cùng giá trị. Do đó, việc giáo dục người phụ nữ là mục đích trên hết vậy.

Còn như trong khuôn khổ của một nền chính trị thì lấy việc học về công đức, học về lòng bác ái là một việc tối quan trọng. Nói người trong nước, đó là tiếng gọi chung người trong một nhà.

Nước ta phía Nam đến tận Hà Tiên, phía Bắc đến tận Lạng Sơn. Một dải núi sông, thực như nhà chung của mọi người. Cùng được sinh ra và lớn lên như trong một nhà, cùng sống và đoàn tụ như trong một nhà, cùng được trời che đất chở, thì sẽ là anh em đồng bào ruột thịt với nhau. Khi sống chơi với nhau một chốn, khi chết cùng chôn với nhau một gò. Huyết mạch từ nghìn năm, giống nòi ai để lại? Tên họ sau muôn thuở, người nào đến viếng thăm? Há đâu cứ nhìn vào các nước Hồ, Hán, Tần, Việt mà nói rằng người nước ta chẳng phải một nhà?

Đau khổ xót thương cũng đều có quan hệ xương thịt với nhau, ấp ủ, giúp đỡ nhau chẳng khác nào như thích mùa xuân vậy.

Nước ta đương buổi duy tân, tất phải khiến cho dân trong nước không có người nào là không có chỗ ở. Lại đặt viện từ thiện cảm hóa để giáo dục cho những người tàn tật đáng thương. Lập nhà nuôi trẻ mồ côi, nhà nuôi dưỡng người già yếu, nhà hộ sinh cho phụ nữ. Tất cả những trường học đó đều nhằm giáo dục những người nghèo khó, cô đơn. Phàm tất cả những trường phải chọn học sinh nam nữ là những người tốt có đạo đức và những thày giáo giàu lòng bác ái để dạy bảo, chăm sóc, trông nom, khiến cho họ cùng với quốc dân, cùng hưởng thái bình, tự do và hạnh phúc. Đến khi ấy, nền giáo dục thật hoàn thiện, không có thiếu sót gì, cũng như trời mưa to vạn vật đều tươi tốt, biển lặng sóng yên cá tôm cùng nhảy múa. Chúng ta được thấm ơn như thế, sướng biết chừng nào!

Đất đai nước ta, phía Tây sát nước Tiêm La, phía Bắc thông đến xứ Việt – Điền [8], phía Đông liền biển lớn, phía Nam tiếp đến Côn Lôn, ở giữa là tỉnh Nghệ An có 4 trấn [9], xứ Bắc Kỳ có 10 châu, Quảng Trị có 2 xứ Cam [10], Nam Kỳ có hai Xá [11], đất đai đều có thể cày cấy được, rừng có thể chăn nuôi được, núi có thể khai khẩn được. Riêng những điều đó thôi thì nước ta đã không thể đứng dưới một nước trung đẳng được. Huống hồ nước ta lại có cả đồng bằng rộng lớn, có nhiều hồ lớn và vùng đất tốt đã được cày cấy từ lâu. Nhưng vì sao cũng vẫn còn có nơi nửa văn minh, nửa dã man? Là bởi vì dân trí chưa được mở mang, nhân tài chưa nhiều, chỉ mới dùng sức chân tay mà làm chứ chưa biết dùng máy móc. Lại còn mùa màng hạn hán, thiên tai hoành hành, mất hàng nửa công sức để khai khẩn ruộng đất, bỏ hoang, đến một đấu thóc, nửa thăng thóc mà dân cũng không có mà tích trữ. Mà đất đai thì có đến hàng ngàn, vạn mẫu bỏ hoang. Triều đình có thế lực mà không biết mở mang ra, xã hội có công cụ làm ăn mà không biết vun trồng lại, đất nước ngày càng nghèo, dân càng ngày càng khổ. Thật đáng thương thay!

Khi đã duy tân rồi thì việc nghiên cứu về nông nghiệp phát triển mạnh, nghề nông ngày một tiến tới. Sức người không đủ sẽ có máy móc bổ sung hỗ trợ cho. Thiên tai bất lợi sẽ có trí tuệ con người chinh phục. Một người khai khẩn chưa xong thì xã hội giúp tiền để cùng làm cho thành. Dưới dân mà làm không xong thì triều đình sẽ đốc thúc quan lại giúp đỡ thêm. Quan đại thần trông coi việc nông phải là bậc học sĩ cao cấp. Người nghiên cứu về nông nghiệp phải sử dụng những người sành sỏi, tài giỏi về nghề nông. Rồi thì khắp mặt đất mới chứa đầy mầm châu báu, trời rộng kia mới chở hết sự mạnh giàu. Trên rừng núi không bỏ sót nguồn lợi nào, ở làng xóm tài sản không bao giờ cạn. Lúc bấy giờ, đất đai ngày một mở rộng, thế nước mạnh như nuốt các nước láng giềng. Của cải, sản vật tràn trề khắp nơi, danh giá nước ta trên thế giới ngày càng được trọng vọng. Chúng ta sung túc, giàu có đến thế, sướng biết chừng nào!

Người nước ta có sự suy ng

0