18/06/2018, 16:05

Đàm Thận Huy và tác phẩm Sĩ hoạn châm qui

Tiết Nghĩa Từ, đền thờ cụ Tiết Nghĩa Đàm Thận Huy tại Bắc Ninh Lâm Giang Trên Tạp chí Hán Nôm số 2.1987, chúng tôi có đăng bài Bước đầu tìm hiểu về Hội Tao đàn, giới thiệu một số nét chung nhất về Hội, như năm thành lập, thời gian hoạt đông, con số hội viên chính thức, chức ...

Tiết Nghĩa Từ, đền thờ cụ Tiết Nghĩa Đàm Thận Huy tại Bắc Ninh

Tiết Nghĩa Từ, đền thờ cụ Tiết Nghĩa Đàm Thận Huy tại Bắc Ninh

Lâm Giang

Trên Tạp chí Hán Nôm số 2.1987, chúng tôi có đăng bài Bước đầu tìm hiểu về Hội Tao đàn, giới thiệu một số nét chung nhất về Hội, như năm thành lập, thời gian hoạt đông, con số hội viên chính thức, chức danh những hội viên chủ chốt…

Bài viết lần này về Đàm Thận Huy và tác phẩm Sĩ hoạn châm qui có thể xem như một nỗ lực mới nhằm đi sâu tìm hiểu những vấn đề tồm nghi ở một số thành viên quan trọng thuộc hội thơ Tao Đàn.

Bài viết này, trước hết giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của Đàm Thận Huy, đồng thời bàn về những nghi vấn chung quanh cuộc đời ông. Và, sau nữa là những ý kiến mới về tác phẩm Sĩ hoạn châm qui.

  1. ĐÀM THẬN HUY VÀ NHỮNG NGHI VẤN CHUNG QUANH CUỘC ĐỜI ÔNG.

Đàm Thận Huy, hiệu Mặc Trai, tước Lâm Xuyên bá, sinh năm Nhâm Ngọ, Quang Thuận thứ 3 (1462), tại làng Ông Mặc, huyện Đông Ngàn (nay là thôn Hương Mạc – tục gọi là làng Me, xã Hương Mạc, huyện Tiên Sơn – Hà Bắc), mất năm Bính Tuất, Thống Nguyên thứ 5 (1526), thọ 64 tuổi(1).

Năm Canh Tuất, Hồng Đức thứ 21 (1490), Đàm Thận Huy thi đỗ tiến sĩ lúc 28 tuổi đời(2). Khi vào thi Điện Lê Thánh Tông thân ra đề văn sách. Binh bộ Thượng thư Đinh Công Bá Trịnh Công Đán và Hình bộ thượng thu Lê Năng Nhượng làm đề điệu. Ngự sử đài phó đô ngự sử Quách Hữu Nghiêm làm giám thị, Đông các đại học sĩ Thân Nhân Trung và Lại bộ Thượng thư Nguyễn Bá Ký làm độc quyền. Khoa ấy có ba người đỗ cao nhất là: Vũ Duệ, Ngô Hoán, Lưu Thư Ngạn, đều đỗ tiến sĩ cập đệ, còn lại 51 người đỗ tiến sĩ xuất thân và đồng tiến sĩ xuất thân(3). Trong số ấy có Thân Nhân Tín, con trai đầu Thân Nhân Trung 52 tuổi đỗ(4). Những người đỗ khoa này sau tham gia Hội Tao đàn có: Ngô Hoán, Lưu Thư Ngạn, Dương Trực Nguyên, Lưu Dịch, Phạm Đạo Phu(5).

Không rõ sau khi đỗ, Đàm Thận Huy được bổ làm chức quan gì, chỉ biết bốn năm sau, Hồng Đức thứ 25 (1494) ông được tham gia Hội Tao Đàn, xếp thứ 26 trong số 28 hội viên. Ông làm quan trải các đời vua: Lê Thánh Tông 8 năm, Lê Hiến Tông 6 năm, và 5 năm giúp Chiêu Tông tập hợp nghĩa binh chống lại Mạc Đăng Dung. Như vậy, trong 36 năm làm quan cho 6 đời vua, đủ thấy ông ở vào thời buổi hết sức rối ren.

Về truyền thống thi thư, họ Đàm thời bấy giờ nổi tiếng huyện Đông Ngạn. Em trai Đàm Thận Huy là Đàm Thận Giản, 34 tuổi đỗ Hoàng Giáp, khoa Kỷ Mùi Cảnh Thống thứ 2 (1499), làm quan đến Công bộ thượng thư, con trai Đàm Thận Giản là Đàm Cư, 30 tuổi cũng đỗ Hoàng Giáp khoa Mậu Tuất, Đại Chính thứ 9 (1538) làm quan trải lục bộ thượng thư, tước Công (Thế Quận Công), tham dự triều chính thiếu bảo(6).

Từ khoảng thời Cảnh Thống (Lê Hiến Tông) đến đời Đoan Khánh (Lê Uy Mục), Đàm Thận Huy có một thời gian làm quan ở dưới huyện(7).

Tháng 12 năm Kỷ Tỵ, Đoan Khánh thứ 5 (1509) nội bộ triều đình nhà Lê lục đục: Lê Tương Dực khởi nghĩa giết Lê Uy Mục, rồi tự lên làm vua, lấy niên hiệu là Hồng Thuận. Tháng giêng năm Canh Ngọ, Hồng Thuận thứ 1 (1510), Lê Tương Dực ban công những người ứng nghĩa, phong tước công cho bẩy người, tước hầu cho hai người. Đàm Thận Huy vì có công trong vụ phế lập này, nên cũng được cất nhắc làm Hình bộ thượng thư(8).

Tháng hai năm ấy, Đàm lại được cử làm Chánh sứ sang nhà Minh trình bày sự việc Tương Dực phế truất Uy Mục và cầu phong. Cung đi có Đông các hiệu thư Nguyễn Thái Đô cấp sự trung Binh khoa Lê Thừa Hưu, Thông sự Nguyễn Phong…

Sau khi đi sứ trở về, tháng 5 năm Tân Mùi Hồng Thuận thứ 3 (1511). Đàm Thận Huy được thăng Lại bộ thượng thư chiêu văn quán tú lâm cực.

Tháng 2 năm Giáp Tuất, Hồng Thuận thứ 6 (1514) thi Đình, Đàm Thận Huy với tư cách là Lại bộ thượng thư tri chiêu văn quân tú lâm cục, được cử trông coi việc thi.

Tháng 4 năm Bính Tý Quang Thiệu nguyên niên (1516) triều đình nhà Lê lại lộn xộn: Ở ngoài, bọn Trần Cảo nổi lên, tiến sát kinh thành Thăng Long; bên trong Trịnh Duy sản giết Lê Tương Dực, lập Lê Chiêu Tông lên làm vua, lấy niên hiệu Quang Thiệu. Quang Thiệu vẫn tin dùng Đàm Thận Huy và cử giữ chức Lễ bộ thượng thư(9).

Tháng 10, năm Mậu Dần, Quang Thiệu thứ 3 (1518). Lê Chiêu Tông chính thức lấy Đàm Thận Huy làm thiếu bảo Lễ bộ thượng thư nhập thị kinh diên. Lúc này Đàm Thận huy đã 56 tuổi. Nhà lê ngày càng suy vi, sắp đến ngày sụp đổ. Các cuộc khởi nghĩa nổi lên khắp nơi. Trong triều, Mạc Đăng Dung ngày càng lấn quyền vua.

Cuối tháng 7 năm Nhâm Ngọ, Quang Thiệu thứ 7 (1522), Lê Chiêu Tông bỏ kinh thành Thăng Long chạy ra Sơn Tây, Mạc Đăng Dung lập Lê Cung Hoàng lên làm vua, dùng chiêu bài này đánh Lê Chiêu Tông.

Ngày 16 tháng 8 năm ấy, Lê Chiêu Tông sai Đàm Thận Huy và Hà Phi Chuẩn đem mật chiếu về Bắc Giang tổ chức khởi nghĩa. Đàm đã tập hợp hương binh đóng quân ở sông Ninh Kiều. Song tình thế không thể cứu vãn, Lê Chiêu Tông bị bắt, quân ứng nghĩa bị Mạc Đăng Dung đánh cho tan tác. Hà Phi Chuẩn bị bắt đưa về kinh, thắt cổ chết. Nghiêm Bá Ký, Nguyễn Xí đi trốn, rồi chết ở châu Văn Uyên, trấn Lạng Sơn. Đàm Thận Huy vì ngày trước đi sứ đã quen đường, đi trốn rồi chết(10).

Về sự kiện này, nhiều sách ghi chép khác nhau:

Đăng khoa lục (A.2572, tờ 39b; VHv.1651, tờ 39b) đều chép: khi Mạc Đăng Dung thoán vị, Đàm Thận Huy về Bắc Giang khởi nghĩa, thế cô, bị thua, uống thuốc độc tự vẫn.

Đại Việt lịch đại tiến sĩ khoa thực lục (A.2040 tờ 38a) chép: Mạc Đăng Dung thoán vị, bức Đàm Thận Huy phải làm bài “Thiền chiếu”. Ông nói “việc đó có nghĩa lý gì?” rồi tự vẫn mà chế.

Toàn Lê tiết nghĩa (A.1444, tờ 4a) chép: ông nhận mật chiếu của Quang Thiệu (Lê Chiêu Tông) đốc suất hương binh khởi nghĩa, thế cô, không thắng, phải chạy sang đị a phận Yên Thế (Bắc Giang) rồi uống thuốc độc tự vẫn, có thơ vịnh rằng:

Học vấn gia đình tướng tướng khoa,
Ô đài Đẩu toạ đế ân đa.
Kiệt thành báo quốc ngô năng sự,
Thiên ý nam hồi khả nại hà(11).

(Một gia đình học vấn, kiêm cả tướng võ, tướng văn, được ở Đài ô Toà Đẩu(12), ơn vua nhiều lắm. Dốc hết lòng thành báo thù cho nước, ta có thể làm. Nhưng ý trời khó thay đổi, biết làm sao được!)

– Gia phả họ Đàm Thận thôn Hương Mạc, xã Hương Mạc (Tiên Sơn, Hà Bắc) chép: ông cùng bọn Nghiêm Bá Ký, Hà Phi Chuẩn, nhận tờ mật chiếu về Bắc Giang phủ dụ hương binh khởi nghĩa, được 37 người, đóng phía đông bờ sông Tày Kiều. Sau bị Mạc Đăng Dung phá, phải rút về đóng ở Thọ Thành huyện Yên Thế. Đặng Dung thường sai sứ đến dụ dỗ, khuyên ra đầu thú sẽ cho quan chức. Ông nói: “Bề tôi trung không thờ hai vua; liệt nữ không lấy hai chồng. Hãy về nói với chủ của nhà ngươi, chí ta đã quyết, chớ có nhiều lờ!”.

Sau đó, ông sang nước Minh trình bày sự việc, nhưng không được người Minh giúp lại quay về Yên Thế, gửi thư cho gia đình rằng:

“Con người ta sinh ra trong khoảng trời đất, lấy trung, hiếu làm vinh, chăm lo đến tước trời thì tước người sẽ đến. Các con nên theo lời dạy của thánh hiền: phải biết thế nào là trung, thế nào là hiếu. Sau khi ta chết, hãy thận trọng, chớ có theo Ngụy triều, nhận chức tước của Ngụy triều, được thế thì ý nguyện của ta cũng thoả vậy”.

Ngày 3 tháng 8 năm Bính Tuất (1526), ban đêm ông cùng với những người ứng nghĩa, nhìn về Lam Sơn xa xôi, vừa lạy vừa khóc, rồi uống thuốc độc tự vẫn, thọ 61 tuổi. Người nhà và người làng đi theo đem ông chôn ở chân núi Đại (tục gọi là núi Cóc)(13) hợp táng với vợ là Nghiêm Thị, và xếp đá làm dấu.

– Sách Danh công truyện ký chép: khoa thi năm Canh Tuất, Hồng Đức 21 (1490) Đàm Thận Huy thi đỗ tiến sĩ năm 28 tuổi, xếp thứ 39. Cùng đỗ khoa ấy có Nguyễn Ích Khiêm, người xã Lan Độ, cùng huyện, đỗ Hoàng Giáp. Khi vinh qui, Ích Khiêm nói đùa với ông rằng: “Anh chưa có vợ, tôi có cô em gái, anh lấy, tôi gả cho đấy!”. Đàm cười: “Được!” thế là việc ấy thành.

Đàm Thận Huy nổi tiếng là hay thơ, sánh ngang với Thân Nhân Trung và Đỗ Nhuận. Người đương thời thường suy tôn: “Ông Mặc chi Đàm” (họ Đàm ở Ông Mặc).

Một hôm, sau khi giảng học xong thì trời đổ mưa rất to thầy trò không thể nào về được. Thấy vậy, thầy bèn ra câu đối rằng: “Vũ vô kiềm toả năng lưu khách”. (Mưa không phải là xiềng, khoá mà giữ được khách lại). Người học trò trong xã là Nguyễn Giản Thanh xin đối lại rằng: “Sắc bất ba đào dị nịch nhân” (sắc đẹp không phải là sóng nước mà dễ dìm người). Ông cho rằng người này sau sẽ hiếu sắc. Người học trò khác là Nguyễn Chiêu Huấn người xã Yên Khang, huyện Yên Phong thì đối lại là “Nguyệt dĩ loan cung bất xạ nhân” (Trăng là cây cung nhưng không bắn người). Ông cho rằng người này sau có đức độ bèn đem con gái gả cho. Còn vợ ông chỉ muốn gả con gái cho Nguyễn Giản Thanh. Sau đó ít lâu, Nguyễn Giản Thanh đỗ trạng nguyên mở tiệc ca hát hơn một tháng trời. Người vợ lúc ấy rất tiếc là đã không gả con cho Giản Thanh. Thấy vậy, ông bèn nói: “đấy trạng nguyên thì đây bảng nhãn, kém gì!” Không bao lâu, Chiêu Huấn thi Hội trúng cách. Khi ấy, ông còn đang tắm dưới ao nghe tin, cứ thế trần truồng chạy về nhà nói: “Nó đỗ rồi! Nó đỗ rồi!”. Đến khi thi Đình, Chiêu Huấn đỗ Hoàng Giáp, quả như lời ông dự đoán.

Ông làm quan trải 6 triều vua. Năm Hồng Thuận thứ 2 (1510) đi sứ phương Bắc, sứ bộ gồm bọn Nguyễn VănThanh, Nguyễn Kiệt làm bồi thần, Nguyễn Phong làm thông sự. Ông có tập Mặc Trai thi tậplưu hành ở đời, làm quan đến Lễ bộ thượng thư thiếu bảo, Lâm Xuyên bá. Khoảng năm Quang Thiệu, thấy chính sự rối nát, ông đã nhiều lần can ngăn. Đến khi Lê Chiêu Tông chạy ra ngoài, ông cùng bọn Nguyễn Bá Ký nhận mật chiếu về Bắc Giang khởi binh bên bờ sông Thiên Đức …(14).

Vợ Đàm Thận Huy họ Nghiêm, là con gái Nghiêm Khắc Nhượng, làm quan tri phủ bầy phủ, người xã Lan Độ (nay là Quan Độ, Tiên Sơn, Hà Bắc). Bà sinh được bốn người con, hai trai, hai gái. Khi Đàm Thận Huy ứng nghĩa chống lại Mạc Đăng Dung, bà theo ông giúp việc hậu cần cho binh lính. Mùa xuân năm Ất Dậu (1525) bà mắc bệnh nặng biết mình không thể qua khỏi, bà nói với ông rằng: “Thiếp thấy họ Mạc thừa thời cơ khởi sự, việc ấy ắt thành. Còn thầy trò ông vì nước mà khởi binh, xin chớ vì việc thành bại mà ngăn trở chí khí; Những mong lòng trời kính giúp, giữ lấy một phương, để cho thiên hạ còn biết có họ Lê. Được như vậy, dù thiếp dưới chín suối cũng không lấy làm tiếc”. Nói xong, nấc lên một cái qua đời. Khi ấy, vào ngày 25 tháng 2, táng tại chân núi Đại ở Thọ Thành(15). Năm sau, Đàm Thận Huy mất, cùng hợp táng với bà.

Sau khi Đàm Thận Huy mất. Mạc Đăng Dung vì muốn mua chuộc các cựu thần nhà Lê, nên cho phép gia đình đưa Đàm về táng tại quê nhà. Lại sai quan đem sắc phong đến tế. Tương truyền, sắc phong mới đưa về đến chợ Dâu, thì bỗng nhiên không có lửa mà tự bốc cháy(16)..

Sau khi nhà Lê trung hưng, vào năm Cảnh Trị thứ 4 (1666) Lê Huyền Tông truy phong Đàm Thận Uy là “tiết nghĩa thượng đẳng thần”, ban tên thụy “Trung Hiến” lập đền thờ ở quê, đặt tên là “Tiết nghĩa từ”, lệnh cho quan huyện hàng năm, mùa xuân, mùa thu phải đến tế. Người cháu nối dõi, cho ở bên cạnh đền, làm cháu tiết nghĩa, miễn mọi phu phen tạp dịch. Trong họ, người nào hiền tài thì giao cho bộ Lại bổ dụng. Từ đó, trải các triều đều phong tặng sắc phong(17).

Tại nhà thờ họ Đàm Thận hiện còn giữ được 15 sắc phong. Tờ sắc sớm nhất đề ngày 8 tháng 12 năm Cảnh Trị thứ 4 (1666), gia phong là: “Toàn đức túy hạnh cẩn tiết chính dung phù nguy chửng hoán đại vương”.

Hiện từ đường còn giữ được khá đầy đủ những câu đối, hoành phi, bia, thơ… ca ngợi công lao Đàm Thận huy, trong đó có câu:

Danh tại Tao Đàn tứ thất tú
Trật u tự điển ức thiên thu.

(Nêu tên ở Tao Đàn, hai tám vì tinh tú:
Liệt trong tự điển, đài ức ngàn thu).

Khoa giáp liên phương huynh hữu đệ,
Cương thường nhậm trọng phụ chi phu

(Anh và em thơm tho khoa hoạn,
Vợ cùng chồng nặng gánh cương thường.

Khoa hoạn phương danh thùy vũ trụ;
Quân thần đại nghĩa binh càn khôn.

(Khoa hoạn tiếng thơm lưu trong vũ trụ;
Vua tôi nghĩa lớn sáng rực đất trời).

Trước nhà thờ khắc một bài thơ vịnh sử của vua Tự Đức rằng:

Tao Đàn tứ thất liệt quần tinh,
Sinh hữu tài danh tử hữu linh.
Ngụy sắc truy bao hà xứ vãng?
Trung đồ quỉ hoá dĩ huỳnh huỳnh.

(Ông là một trong hai tám vì Tao Đàn, xếp trong bầy sao.
Sống nổi tiếng hiền tài, chết linh thiêng.
Sắc truy phong của Ngụy (Mạc) đi đằng nào?
Giữa đường, lửa quỉ thần đã rừng rực thiêu cháy).

Không chỉ riêng Đàm Thận Huy mà Đàm Thận Giản và sau này là Đàm Cư, cũng đều được phong “Tiết nghĩa đại vương”(18). Chính vì một gia đình có ba người đỗ cao, trung thành với nhà Lê, được phong là phúc thần như thế, nên đời sau có huyền thoại rằng:

Bà mẹ Đàm Thận Huy là mỗ phu nhân, sinh hạ 2 người con trai Đàm Thận huy và Đàm Thận Giản. Người chồng mất sớm, bà thủ tiết thờ chồng nuôi con. Bấy giờ có một ông già người làng Tả Ao, đất Hoan Châu (Nghệ An) đến làng xem đất để mộ, có nhiều sự ứng nghiệm. Bà nghe tiếng, đến xin để hộ ngôi mả chồng. Ông già nhận lời, nhưng cố ý trung trinh mãi. Mỗi khi đi đâu, tối đến vẫn về ở nhà họ Đàm. Một hôm gặp mưa, ông già bắt bà phải cõng mình, hai người con xin cõng thay thì ông già gạt đuổi đi, bà vui vẻ cõng. Đến đêm, ông già lenr vào buồng ngủ thì bà chống cự một cách nghiêm nghị. Ông già than rằng: “Đó thật là một người đàn bà tiết tháo, ta phải đền bồi mới được!”

Rồi ông già chọn chỗ đất tốt để mộ cho. Sau quả hai người con của bà nối nhau đỗ cao. Gặp khi nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, người con cả là Đàm Thận huy, nhan đang làm Thượng thư bộ Lại, đem quân đánh kẻ phản nghịch, bị thua mà chết. Triều Lê khi trung hưng, tặng tước vương và lập đền tiết nghĩa để thờ(19).

Trên đây là những ghi chép khác nhau giữa các sách thuộc nhiều đời khác nhau về Đàm Thận huy và gia đình ông, chúng tôi sao lục ra để bạn đọc tham khảo.

  1. NHỮNG ĐIỂM CẦN CHÚ Ý VỀ “SĨ HOẠN CHÂM QUI”

Đàm Thận Huy để lại sáng tác không nhiều. Các sách Đăng khoa lụcđều nói ông có tập thơ lưu hành ở đời (20). Hiện nay, thấy còn 9 bài thơ chép trong tập Quỳnh uyển cửu ca và 3 bài thơ khác chép trong tập Minh lương cẩm tú. Trước mỗi bài thơ hoạ trong Quỳnh uyển cửu ca có lời bình gồm 8 chữ. Đó là những bài:

– Hoạ Ngự chế “Phong niên”

– Hoạ Ngự chế “Quân đạo”

– Hoạ Ngự chế “Thần tiết”

– Hoạ Ngự chế “Minh lương”

– Hoạ Ngự chế “Anh hiền”

– Hoạ Ngự chế “Kỳ khí”

– Hoạ Ngự chế “Thảo tự”

– Hoạ Ngự chế “Văn nhân”

– Hoạ Ngự chế “Mai hoa”

Trong Minh lương cẩm tú có 3 bài:

– Hoạ Ngự chế “Tư gia tướng sĩ”

– Hoạ Ngự chế “Anh tài tử”

– Hoạ Ngự chế “Lục Vân động”

Riêng về văn xuôi, Đàm Thận Huy có tác phẩm Sĩ hoạn châm qui.Sách này, Trần Văn Giáp nhận định: “Sĩ hoạn châm qui” theo nghĩa của nó, là một tên sách chung làm cho các người đi làm quan, cho nên thường có nhiều sách trùng điệp. Thư viện KHXH hiện có 4 bản sao mang tên sách nói trên (ký hiệu: 4594 A. 1317, A.1998, A.1917). Có một bản nói là sách của Hoàng Hi, hiệu Thì Giang và Mặc Trai, không rõ nguyên uỷ ra sao. Trong sách có chỗ ghi niên hiệu Cảnh Hưng thứ 25 (1764) , có nhiều đoạn ghi: “Quốc triều Hồng Đức niên lệ” (lệ của khoảng năm Hồng Đức triều ta); thí dụ ở các tờ số 11, số 44, số 51 trong sách A. 1998. Vậy cả bốn bản hiện có đều không phải là sách từ đời Hồng Đức để lại; chỉ là những bản sách làm về cuối thời Lê…” (21).

Sau khi tiến hành khảo sát kỹ bốn văn bản trên đây, thấy rằng:

– Bản A.1998: khổ 24 x 17, 80 tờ, tờ 15 dòng, dòng 26 chữ, có tựa. Sách chép tay, chữ chân, đã cũ nát, mất bìa cậy, đã đóng lại bằng bia giấy tây cứng. Tờ lót trong bìa bằng giấy bản còn mới, có ghi dòng chữ bút chì “Sĩ hoạn châm qui, tiến sĩ Đàm Thận Huy soạn, Nhất trật”. Cuối sách, tờ 79a, có dòng: “Sao chép ngày 13 tháng 4 năm Vĩnh Thịnh thứ 3 (1707)”. Tờ 80 a chép: “Ngày 10 tháng 7 Cảnh Hưng 25 (1764)”.

Như vậy, bản này chép thời Cảnh Hưng 25 từ một bản sao năm Vĩnh Thịnh thứ 3. Gồm 93 điều mục.

Nhận xét: Vì tờ đầu của sách quá cũ nát, nên phải đóng lại. Khi đóng, phải bỏ tờ rách nát ấy đi mà thay vào đấy một tờ mới. Tờ bị bỏ đi ấy, có chép tên tác giả và số tập. Cho nên, khi thay, người ta cũng ghi đầy đủ chi tiết như tờ chính tạm thời bằng bút chì, để sau đó sẽ viết lại bằng bút lông. Nhưng vì lý do nào đấy, người ta quên hoặc chưa kịp làm. Do đó, dòng chữ tuy bằng bút chì, nhưng vẫn có giá trị riêng của nó.

– Bản A. 1378: khổ 29×20, 102 tờ, tờ 18 dòng, dòng 20 chữ. Sách mới được chép lại gần đây từ bản A.1998. Vì nội dung của chúng giống hệt nhau, các đề mục cũng sắp xếp thứ tự như nhau, chỉ có khác là ở tờ đầu không có dòng chữ bút chì như bản A.1998.

– Bản A.594: khổ 29×30, 137 tờ, tờ 18 dòng, dòng 20 chữ. Sách chép tay có tựa, mục lục, gồm 166 điều mục. Có ghi tên tác giả: “Mặc Trai Hoàng Hi trước”. Cuối sách, tờ 137a có dòng “Ngày 5 tháng 3 năm 1915. Nguyễn Văn Nghì, người xã Đa Ngưu, huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh. Còn có một bản nữa trình lên bản đường duyệt”.

– Bản A.1917: khổ 24×17, 75 tờ, tờ 16 dòng, dòng 26 chữ. Sách cũ nát, không tựa, mục lục, mất dấu mất đuôi, bìa giấy tây mới đóng lại. Tờ lót trong bìa có ghi tên sách: “Sĩ hoạn châm qui, nhất trật”.Gồm 160 điều mục.

Nhận xét chung:

  1. Trong bốn bản trên đây, thì ba bản có tựa, nội dung tựa giống hệt nhau, và đều không ghi tên tác giả viết bài tựa ấy.
  2. Hai bản A. 1998 và A.1378 cùng loại gồm 93 điều mục.
  3. Hai bản A.594 và A.1917 cùng loại, tuy trong đó có xuất nhập đôi chỗ, gồm trên dưới 160 điều mục:
  4. Trong bốn bản trên có bản ghi tên tác giả: “Đàm Thận Huy soạn” (A.1998), có bản ghi: “Mặc Trai Hoàng Hi trước” (A.594). Vậy Mặc Trai Hoàng hi là ai? Câu mở đầu của bài tựa: “Thì Giang Hoàng hi Mặc Trai tiên sinh nhậm huyện ấp mục dân chi chức … (Tiên sinh Thì Giang Hoàng hi Mặc Trai khi nhậm chức chăn dân ở huyện ấp…) Trần Văn Giáp dựa vào câu này cho rằng: Thì Giang và Mặc Trai là tên hiệu của Hoàng Di! Theo chúng tôi có lẽ, Thì Giang, Hoàng Hi, Mặc Trai là tên hiệu của người khác nhau. Nếu thế thì, Thì Giang, Hoàng Hi chưa rõ là ai, còn Mặc Trai thì đích thị là Đàm Thận huy rồi (22).

Ngoài 4 văn bản mà Trần Văn Giáp nêu ra trên đây, ở Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn có một bản Sĩ hoạn châm qui nữa: VHb 221. Đây là một bản in, Ước Đình tàng bản, khắc năm Cảnh Hưng thứ 38. Sách có khổ nhỏ: 12 x 18, 23 tờ 10 dòng, dòng 20 chữ, có khắc tên tác giả: “Mặc Trai tiên sinh trước”, gồm 69 điều mục.

Như vậy, hiện ta có 2 bản Cảnh Hưng, một bản chép tay Cảnh Hưng thứ 25 (A.1998), một bản khắc in năm Cảnh Hưng thứ 38 (VHb.221). Khi so sánh hai bản trên ta thấy: Bản in năm Cảnh hưng 38 đã được biên tập và rút gọn trên cơ sở của bản chép tay năm Cảnh Hưng 25. Nếu bản Cảnh Hưng 25 gồm 166 điều, thì bản Cảnh Hưng 38 chỉ còn 69 điều. Lời nói đầu của người khắc in cũng đã nói rõ điều đó: (Sĩ hoạn châm qui” là do Mặc Trai tiên sinh làm ra, lưu hành đã lâu, thường thường có những chỗ đáng ngờ. Nay theo sách đó mà hiệu chỉnh, biên tập lại, sửa chỗ sai, đính chính chỗ lầm, lược chỗ rối, bỏ chỗ trùng, để cho người đọc được giản tiện và dễ hiểu. Lại lo lâu ngày bị sai lạc đi, bèn cho khắc in để truyền lại mãi mãi…!

Bài tựa của bản khắc in này cũng được rút gọn trên cơ sở của bài tựa ở bản chép tay Cảnh Hưng 25. Đoạn mở đầu chép: “Mặc Trai tiên sinh, khi nhận chức ở huyện ấp, rộng sâu văn học, tinh thông đường sử, sự vụ hợp thời, không gì là không tinh thục. Nhân đó trước thuật một thiên gọi là Sĩ hoạn châm qui…

Như vậy, ở đây chỉ khẳng định tác giả Sĩ hoạn châm qui là Mặc Trai tiên sinh, còn Thì Giang, Hoàng Hi lược đi.

Đến đây ta có thể tạm kết luận: Đàm Thận Huy là người đầu tiên biên soạn Sĩ hoạn châm qui. Về đầu tiên biên soạn Sĩ hoạn châm qui.Về sau, được một số người khác bổ sung thêm như hai ông Thì Giang và Hoàng Hi nào đó chẳng hạn, làm cho tập sách phong phú hơn, đầy đủ hơn, phù hợp với hoàn cảnh xã hội và chế độ xã hội của người bổ sung đang sống. Cũng chính vì thế mà tập sách thêm rườm, nhiều chỗ đáng ngờ… như trong lời nói đầu của người khắc in năm Cảnh Hưng đã nêu.

Tác phẩm Sĩ hoạn châm qui được biên soạn trong thời kỳ Đàm Thận Huy làm quan dưới huyện ấp, có lẽ vào khoảng năm Cảnh Thống đến đời Đoan Khánh. Vì dưới thời Hồng Đức, ông làm quan trong triều, tham gia Hội Tao Đàn. Và từ thời Hồng Thuận cho đến hết đời, ông làm quan trong triều với nhiều chức vị quan trọng.

Lê Quí Đôn trong Đại Việt thông sử và Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí cho rằng Sĩ hoạn châm qui sáng tác khoảng đời Hồng Đức, nhận định trên đây của chúng tôi cũng không vượt xa ý kiến của hai nhà thư tịch cổ đó.

1-6-1988

CHÚ THÍCH

(1) Theo Đăng khoa lục (VHv.1651, tờ 39b) Đàm Thận Huy đỗ tiến sĩ năm 28 tuổi, năm đỗ Hồng Đức, thứ 21 (1490); vậy ông sinh năm 1462 (1490-28=1462). theo Đại Việt sử ký toàn thư (từ đây viết tắt Toàn thư); Bản dịch KHXH – Hà Nội, 1973 – in lần 2 – tr.115 thì cuối tháng 12 năm Thống Nguyên thứ 4 (1525, ông đi trốn rồi chết. Thư mục Hán Nôm

0