18/06/2018, 16:05

Vị tiến sĩ được khen: Biết dạy con…

Nguyễn Ngọc Lanh Tấm bia khắc muộn trăm năm. Lạ và không lạ Thời Lý, khi chưa có đê sông Hồng, làng trung du Xuân Lũng mỗi năm vẫn bị ngập vào mùa nước. Nước sông Thao cuồn cuộn ùa vào các cánh đồng nhỏ: đồng Lềnh, đồng Dạt, đồng Chằm…, rồi từ đó len lỏi dâng lên vô ...

Bia chùa Xuân Lũng

Nguyễn Ngọc Lanh

 Tấm bia khắc muộn trăm năm. Lạ và không lạ

Thời Lý, khi chưa có đê sông Hồng, làng trung du Xuân Lũng mỗi năm vẫn bị ngập vào mùa nước. Nước sông Thao cuồn cuộn ùa vào các cánh đồng nhỏ: đồng Lềnh, đồng Dạt, đồng Chằm…, rồi từ đó len lỏi dâng lên vô số ngách ruộng bậc thang nằm giữa những vạt đồi, khi rút đi còn để lại đây một lớp phù sa mỏng.

Chùa làng 3 gian lợp lá cọ, tường đất, phải đặt trên trên ngọn đồi cao, cây cối um tùm, được dân tôn là “núi” – nay vẫn có tên là “Núi Chùa”(!). Phạm Sư Mạnh khi kinh lý miền Thao Giang từng rẽ vào đây thắp hương, làm thơ. Tận cuối đời Trần – chùa được chuyển đến địa điểm mới: bằng phẳng và thấp – vì đã có con đê che chở. Lại một thế kỷ nữa – vào cuối thời Lê sơ – chùa được tôn tạo lớn nhờ huy động của cải, công sức cả làng, xứng đáng lập bia ghi nhớ và đủ để thời nay nó được xếp hạng di tích quốc gia.

Tấm bia kỷ niệm ghi niên đại Vĩnh Tộ (đời Lê trung hưng) được coi là “nhiều chữ nhất” (trong số 5 tấm bia của làng). Điều này không lạ, vì nó phù hợp với một sự kiện trọng đại dường ấy, để người soạn bia – ông Nguyễn Thừa Bật, vốn là người “hay chữ” nhất một vùng – tha hồ múa bút. Ắt hẳn ông là người mong nhất tác phẩm của mình sớm hiện lên mặt đá. Nhưng điều lạ, là bài văn bia cứ nằm “trên giấy” suốt trăm năm, cho đến đời con, cháu và chắt. Té ra, tác giả tấm bia là một vị cử nhân, từng học quốc tử giám (để chuẩn bị thi tiến sĩ) nhưng bỏ học, khi nhận ra Mạc Đăng Dung lăm le cướp ngôi. Văn bia soạn xong, cũng là lúc vương triều Mạc đang thịnh. Nếu khắc lên đá, niên đại của bia phải ghi là “Đại Chính” (niên hiệu của Mạc Thái Tông, húy là Đăng Doanh). Thế là, vị giám sinh – có cha, anh, chị và em đều tuyệt đối trung thành với nhà Lê – đã di ngôn cho con, cháu và chắt hãy đợi nhà Mạc… đổ (!). Cuộc chờ đợi tưởng chừng vô vọng, nhưng rốt cuộc lại rất có hậu. Bia ra đời năm 1628, đứng sừng sững trước chùa.

Tiến sĩ Nguyễn Doãn Cung

Sử sách ghi ông là Nguyễn Khắc Cung, nhưng cũng có chỗ ghi là Nguyễn Doãn Cung. Con cháu ông khi soạn gia phả và khấn vái tổ tiên, vẫn dùng tên Nguyễn Doãn Cung. Một tấm bia ở Văn Chỉ làng ghi tên các vị đỗ đạt cũng dùng tên này, và còn ghi hàng chục người khác mang họ Nguyễn Doãn – là hậu duệ ông.

Suốt cuộc đời làm quan trên 30 năm, ông tiến sĩ này chỉ ở bộ Hình và bộ Lại – hai bộ trực tiếp thực thi Luật Hông Đức. Mỗi sai sót rất dễ bị vua trách cứ. Ông trụ được suốt đời ở hai bộ (lo hình phạt và bổ nhiệm, thăng-giáng) là nhờ tính nghiêm cẩn và thận trọng trong công vụ cũng như trong phát ngôn. Ông được cử đi sứ hai lần cũng do phẩm chất này rất thích hợp trong đối đáp, thuyết phục, vừa được việc, vừa không nhục mệnh trước thiên triều.

Lần 1 đi sứ

Mùa đông, tháng 10, ngày 19, sai bọn bồi thần Nguyễn Khắc Cung, Bùi Xương Trạch, Nguyễn Hán Đình sang tuế cống nhà Minh. (trích: Đại Việt Sử Ký Toàn Thư – chương 29-35)

 Một ví dụ về công vụ của bộ Lại

(Vua) Ban xuống lệ khảo khóa:
1- Phép khảo khoá: 3 năm sơ khảo, 6 năm tái khảo, 9 năm thông khảo rồi mới tiến hành thăng giáng.
2- Hoàng thân nội, ngoại và con cháu các khai quốc công thần cùng là những võ quan trước đã bổ quan, sau có quân công, nhậm chức đủ hạn khảo khoá, xứng chức, theo lệ, được thăng lên nhất, nhị phẩm thì bộ Lại làm danh sách, xin lệnh chỉ, nếu được lệnh thì cho thăng như lệ. Nếu là con dân, từ chân trắng được bổ nhiệm quan chức, hoặc từ chân trắng do có chiến công được làm quan, nhậm chức đủ hạn, khảo khoá xứng chức đáng được thăng cấp thì chỉ cho thăng đến tam phẩm, không được nhất, nhị phẩm.
3- Trong 9 năm, nếu đã được thăng cấp do lập công khác, tới kỳ thông khảo, lại xứng chức, đáng [60a] được thăng đến nhị phẩm trở lại thì bộ Lại làm bản tâu lên để nhận lệnh, còn từ tam phẩm trở xuống thì cứ theo lệ mà thi hành.
4- Quan các nha môn tại chức đủ ba kỳ khảo khóa phải khai trình đầy đủ những việc đã làm trong nhiệm kỳ, có phạm lỗi gì hay không. Trưởng quan phụ trách phải công bằng xét duyệt, tính bắt đầu từ ngày được bổ nhiệm. Thí quan đủ 3 năm được thực thụ thì được coi là qua kỳ sơ khảo. Trong khi tại chức mà có phạm lỗi thì không được khảo khoá, cùng là người không phải do quân công mà được thăng đặc cách, thì từ khi phạm lỗi và đặc cách thăng cấp đó, lại tính là kỳ sơ khảo. Kê rõ từng hạng xứng chức, bình thường, không xứng chức để định việc khảo khóa. (trích: Đại Việt Sử Ký Toàn Thư – chương 29-35)

Từ tính cách, có thể suy ra cách dạy con của ông. Nhưng những truyền thuyết lưu truyền tới nay mới thật sự là những minh họa sống động nhất. Làm quan ở kinh đô, nhưng ông tận dụng mọi dịp để về làng nhằm chăm sóc mồ mả, thực hiện giỗ chạp, dạy bảo con cháu và tìm hiểu cuộc sống người dân. Khi hưu, ông về làng dạy học, trong số học trò có người đỗ đại khoa. Vị này, khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi, cũng bỏ quan, về làng…

Dật sĩ Nguyễn Hãng

Sử sách xưa và tư liệu nay ghi khá đầy đủ về nhân vật này, nhưng tập trung và đầy đủ nhất là tác phẩm khảo cứu của nhà văn Nguyễn Văn Toại, cùng quê. Cùng thời Nguyễn Bỉnh Khiêm, cùng là những tác giả có công lớn dùng chữ Nôm trong sáng tác văn, thơ và phú, cùng để lại nhiều tác phẩm cho đời sau… Hai bên đều là những nhà nho uyên thâm, chỉ khác nhau về quan điểm: một vị được nhà Mạc cho đậu trạng nguyên và trọng dụng; còn vị kia thì bỏ thi, về làng ra vẻ “ở ẩn”, kỳ thực lặn lội lên mạn ngược (Tuyên Quang) mưu đồ “phù Lê, diệt Mạc” – sau trăm năm được nhà Lê phong tặng danh hiệu Thảo Mao Dật Sĩ, lập đền thờ… Một đứa trẻ trong làng, chẳng biết tí chữ Nôm nào, ngay từ thuở 9 tuổi – nếu được dạy dỗ phù hợp – cũng biết khâm phục, kính trọng cả “quan dật sĩ”, lẫn quan “trạng Trình”…

Điều liên quan ở đây: Nguyễn Hãng là con rể của tiến sĩ Nguyễn Doãn Cung. Vợ ông là trưởng nữ, được dạy dỗ đúng theo gia phong và truyền thống – đủ Công, Dung, Ngôn, Hạnh – xứng đáng là vợ hiền của bậc danh sĩ, quán xuyến gia đình khi chồng bôn ba ở miền sơn cước. Đương nhiên, bà trở thành tổ mẫu của một dòng họ nổi tiếng ở Xuân lũng. 

Nguyễn Thừa Thôi

Trưởng nam của Nguyễn Doãn Cung, đậu cử nhân, tu nghiệp tiếp ở Quốc Tử Giám. Tấm bia lớn nhất ở Văn Chỉ làng gọi ông là giám sinh. Và còn thêm: tri huyện. Đó là chức ông được “tập ấm” (cha có công, làm đến tam phẩm; do vậy một con được giao chức tương đương thất phẩm). Ông còn được phong tước “bá”, cũng là do được tập ấm tước “hầu” của cha. Câu chuyện dòng họ cho biết: Khi nhà Mạc tiếm ngôi, ông “vứt” luôn chức tri huyện, về làng làm dân.

Nguyễn Mẫn Đốc

Con út, thi “một lèo” (Hương – Hội – Đình) đậu luôn bảng nhãn. Hơn hẳn hai anh về thành tích khoa cử. Quyết liệt hơn hơn các anh về hành động “chống Mạc”, xứng với tước Tiết Nghĩa Vương…  

Vẫn lưu truyền tiếng khen sau khi đã từ trần cả trăm năm

Không những các con đẻ, con rể, học trò… mà cả những vị đại khoa cùng huyện – được Nguyễn Doãn Cung đề đạt xin vua cất nhắc (Vũ Duệ, Đặng Minh Khiêm) đều thống nhất một hành vi: “bất hợp tác” với nhà Mạc, thậm chí chống đối – mặc dù khi đó Nguyễn Doãn Cung đã mất được 20 năm – vẫn khiến ông được khen: Biết dạy con… Tiếng khen càng nức, càng công khai, khi nhà Mạc thất thủ Thăng Long, cuốn gói lên Cao Bằng (1592).

0