18/06/2018, 16:05

Khảo cứu về Binh Thư Yếu Lược

ĐI TÌM NGUỒN GỐC VÀ NĂM XUẤT HIỆN CỦA VĂN BẢN BINH THƯ YẾU LƯỢC HIỆN CÓ Ngô Đức Thọ Văn bản Binh thư yếu lược (viết tắt: BTYL) chúng tôi nói đến trong bài này là bộ sách chữ Hán chép tai gồm 4 quyển đóng làm 2 tập, cộng 410 tờ (26x15cm, ký hiệu A.476/1-2 lưu tàng từ trước ...

ĐI TÌM NGUỒN GỐC VÀ NĂM XUẤT HIỆN CỦA VĂN BẢN BINH THƯ YẾU LƯỢC HIỆN CÓ

btyl2
Ngô Đức Thọ
 

Văn bản Binh thư yếu lược (viết tắt: BTYL) chúng tôi nói đến trong bài này là bộ sách chữ Hán chép tai gồm 4 quyển đóng làm 2 tập, cộng 410 tờ (26x15cm, ký hiệu A.476/1-2 lưu tàng từ trước ở Thư viện Viện Viễn Đông Bác cổ, hiện nay do Viện Nghiên cứu Hán Nôm quản lý, sách này là bản chính của một dịch phẩm do Nxb. KHXH xuất bản tại Hà Nội vào các năm 1970 và 1977(1). Ở Sài Gòn cũng có bản dịch BTYL do Nhà Khai Trí xuất bản(2). Do trong sách có những chỗ nói đến tướng nhà Minh Mộc Thạch, Liễu Thăng, vua Lê, Nguyễn Huệ (Bd, tr. 232, 213, 245) v.v cho nên rõ ràng không thể coi bản BTYL hiện có là di tác của Trần Hưng Đạo được. Tuy vậy, Lời giới thiệu Thuyết minh bản dịch của cả 2 lần xuất bản, ở mức độ dè dặt, vẫn kết luận rằng: “BTYL của Trần Quốc Tuấn đến đầu thế kỷ XIX đã được một nho sĩ am hiểu quân sự, yêu khoa học quân sự, sửa chữa và bổ sung nhiều” (tr.8), hoặc cho đó “là một bộ sách được biên soạn theo một phương pháp thời Trần (có thể đặc biệt là Hưng Đạo vương), thời Lê, thời Nguyễn tiếp tục nhau mà biên soạn” (tr.27). Vậy sự thực về văn bản BTYL ra sao? Chúng tôi nghĩ rằng vấn đề này cần được nghiên cứu để có thể nhận định tương đối chính xác giá trị văn bản, từ đó mới tránh được những suy diễn sai lầm, như từng có ý kiến dựa vào BTYL để mô tả cơ cấu Bộ tư lệnh và hệ thống quân đội đời Trần, cùng những vũ khí binh cụ của thời kỳ ấy v.v.(3). 

1. Hai đầu mối: “Kỷ sự tân biên” và “Kim thang thập nhị trù” 

Để giải đáp vấn đề nói trên, chúng tôi đã tìm đọc những sách Hán Nôm Trung Quốc cổ liên quan thuộc môn loại quân sự học. Nhưng đầu mối thực sự chỉ bắt đầu từ cuốn Kỷ sự tân biên: Sách chữ Hán do nhà tàng bản Trí Trung Đường, khắc in tại Hà Nội mùa hè năm Tự Đức Kỷ Tỵ (1869). Đầu sách có bài Tựa của Đặng Huy Trứ tước Hoàng Trung Tử, một sĩ phu yêu nước trước sau thuộc phái chủ chiến, khi ấy ông giữ chức Khâm phái Thượng biện Hà Nội tỉnh vụ. Đại ý bài Tựa nói: Mùa xuân năm Kỷ Mùi (1859) ông làm Tri huyện Thọ Xương (Hà Nội) gặp lúc Phú Lãng Sa (chỉ quân Pháp) gây sự ở Đà Nẵng, trong lòng phẫn uất muốn quét sách đi. Vì vậy ông muốn rộng tìm loại sách binh thư để phòng khi dùng đến nhưng tìm kiếm chưa được. Sau gặp Tú tài Lương Mộng Thiều người làng Phượng Lịch, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) bấy giờ đang làm Huấn đạo huyện Nông Cống, trong khi trò chuyện bàn đến môn học của binh gia, Lượng Mộng Thiều nhân đó đưa cho ông tập Kỷ sự tân biên (viết tắt: KSTB) do thân phụ đã quá cố của ông là Thận Trai tiên sinh soạn ra. Ông nhận sách đó mà đọc, hơn một tháng trời, bỏ sách xuống mà than rằng: “Tiên sinh là một trong Tứ hổ ở đất Thanh Hóa. Ông nghiên cứu thiên văn, địa lý, luật lịch, binh thư, bản đồ núi sông, không môn nào không học tới, mà soạn thuật ra chỉ một sách này. Cái chí của tiên sinh có lẽ cũng là lo trước cái lo của thiên hạ chăng?”. Đoạn sau tác giả bài Tựa cho biết: Ông trước đã biên tập sách Vũ kinh trích chú lại vừa cho khắc in sách Kim thang tá trợ, nay cho khắc ván in sách này để công bố với các bạn đồng chí, khiến cho cái học của Thận Trai tiên sinh đã không thi hành được ở đương thời thì sách của tiên sinh được truyền lại cho hậu thế. Tiếp theo là bàn Dẫn do con rể của Thận Trai là Cử nhân Đỗ Xuân Cát, tự Bá Trinh viết năm Thiệu Trị Bính ngọ (1846) cho biết: Thận Trai là tên hiệu của Lương Huy Bích tự Huyền Chương, người đời cuối Lê, thời Tây Sơn ở nhà dạy học đời Nguyễn có chiếu của Minh Mệnh triệu vào kinh nhưng cáo bệnh không đi, được ban tước Hàn lâm đãi chiếu, tước Ngô Giang Tử. Sau khi ông mất, con trai là Khanh và Huyền sợ để lâu ngày di thảo mai một, bèn đưa cho anh rể là Đỗ Xuân Cát hiệu đính. Tờ đầu sách đề: “Cổ Ái Lương Huy Bích Huyền Chương Phủ soạn định, năm Huy Khanh Mộng Thiều, tế Đỗ Xuân Cát Bá Trinh biên tập, Hậu học Đặng Huy Trứ Hoàng Trung hiệu chính. Sách gồm 5 quyển đóng làm 1 tập, cộng 202 tờ (25x15cm) ký hiệu ở Thư viện Viện Hán Nôm: A. 684. Phương pháp làm sách đại thể là dẫn đầu mỗi chương mục đều có lời dẫn giải bình luận về chủ đề bàn đến, sau đó dẫn ý kiến của các nhà quân sự học Trung Quốc thời cổ, trích trong các sách binh pháp của Tôn Vũ, Ngô Khôi Hoàng Thạch Công, Lý Vệ Công v.v. tức là những sách thuộc hệ thốngVũ kinh thất thư được ban định năm Nguyên Phong (1078 – 1086) đời Tống. Ngoài ra còn trích dẫn các sách khác như Hổ kiềm tinh của Hứa Động đời Tống, Kỷ hiệu tân thư của Thích Kế Quang đời Minh v.v. 

Đối chiếu KSTB với BTYT chúng tôi thấy có một khối lượng đáng kể các thoại(4) giống nhau khá có hệ thống, như ở chươngHành quân (BTYL, T.1, 159/Bd. tr.118-122) tiến phát giống với 16 điều ở mục Độ hiểm (vượt nơi hiểm yếu) trong KSTB (Q.3, tờ 10-12b); BTYL (T.1, tr.167/Bd. tr.125) chép riêng một mục Độ hiểm pháp chỉ gồm 1 thoại ở KSTB trích theo Liên châu hành doanh đảo quyên đồ. Ở chương Đồn trú, BTYL (T.1, 199/Bản diễn ca, tr.146-148) chép 12 quy định về việc đóng trại lần lượt tương ứng với các điều 5-7, 9-10, 13, 15-19 (cộng 12 điều) trong số 25 điều ở mục Thủ dinh ước thúc ở KSTB (Q.2, tờ 19-23) v.v. Các chương sau như Dạ doanh (phép đóng trại ban đêm). Ám doanh (đóng trại bí mật), Thại lương (chuyển lương) v.v cũng có nhiều thoại tương đồng giữa KSTB và BYTL. 

Theo ý của bài Tựa, chúng tôi tìm đọc Kim thang tá trợ. Tên sách in ngoài bìa là Kim thang thập nhị trù (viết tắt KTTNT), nhưng tên đầy đủ là Kim thang tá trợ thập nhị trù. Sách cũng do Đặng Huy Trứ giao cho nhà Trí Trung Đường khắc in năm Tự Đức Kỷ Tỵ (1869), in vào mùa xuân, sớm hơn mấy tháng so với KSTB. Toàn bộ gồm 12 quyển đóng làm 3 tập, cộng 451 tờ (26×16), ký hiệu ở Thư viện Viện Hán Nôm: AC.202/1-3. Sách của soạn giả Trung Quốc là Lý Bàn tự Tiên Hữu, có bài Dẫn của Hùng Ứng Cưu và bàiTựa của soạn giả. Tiếp theo là Tựa của Đặng Huy Trứ cho biết ông nhận được sách này do người quen là Dương Tuệ Khanh tặng nhân khi ông đi công cán ở Quảng Đông năm Mậu Thìn (1868). Ông nhận thấy so với Vũ kinh trích chú KSTB thì sách này đặc biệt giản yếu dễ hiểu, đúng là của báu của nhà tướng. Vì vậy, ông ngày đêm khảo đính để khắc ván ấn hành. Như vậy là cùng trong năm Kỷ Tị (1869), nghĩa là chưa đầy 2 năm sau khi thực dân Pháp thôn tính nốt 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ và đang ráo riết chuẩn bị đánh ra Bắc Kỳ, Đặng Huy Trứ đã cho in 2 bộ binh thư khá có giá trị. Có lẽ đó là một trong những cách trả lời tốt nhất của một nhà nho trước nạn ngoại xâm đang đe dọa vận mệnh của đất nước.

Đối chiếu KSTB với KTTNT chúng ta dễ nhận ra có sự tương đồng ở một số chương mục, điều đó có thể hiểu được vì cả 2 sách đều thoát cảo từ Đặng Huy Trứ. Mà liên quan tới văn bản BTYL thì ở KTTNT còn ở mức độ nhiều hơn, như ở các mục thuộc chương Thủy chiến: Thuyền máy thần phi, thuyền mẹ con, thuyền liên hoàn, bè gỗ, áo lội nước (phi ba giáp), ngựa nước (thủy mã) v.v… BTYL, 2-261/Bd tr. 271-281; KTTNT. Q11, tờ 12-32b) (xem thêm ở mục sau). 

2. BTYL với Kim Thang Thập Nhị trù 

Mở rộng việc tìm kiếm xuất xứ các thoại trong BTYL chúng tôi tìm đến nguyên thư của tác phẩm được trích dẫn… Nói chung, những thoại nào có xuất xứ ở binh thư Trung Quốc, từ Tôn Tử (của Tôn Vũ). Ngô Tử (của Ngô Khởi), Lục thao, Tư Mã pháp, Tam lược, Uất Liệu Tử, Lý Vệ công vấn đôi (của Lý Tĩnh, cũng gọi là Vệ Công binh pháp), Hồ kiềm kinh (của Hứa Động), Kinh thể bát loại toàn biên (của Trần Nhân Tích), Vũ kinh tổng yếu (của nhóm Tăng Công Lượng). Kỷ hiệu tân thư (của Thích Kê Quang) v.v.. đều tìm được xuất xứ chính xác, chủ yếu dựa theo 2 bộ tùng thư Vũ kinh tổng yếu (P.1121) ở thư viện Viện Thông tin KHXH hoặc các sách riêng biệt (đơn hành ban) hiện có ở Thư viện Quốc gia. 

Kết quả đối chiếu làm xuất hiện mấy điều đáng lưu ý sau đây: 

a. Trong BTYL có 5 thoại ghi là trích sách Bảo giám (Bd, tr 39, 54, 55, 168) trong đó 2 thoại ở tr.54 và 168 (Bd) là của Tôn tử, còn 3 thoại khác là trích theo Vũ kinh tổng yếu. 

Như vậy tại sao người làm sách BTYL lại không ghi xuất xứ ở sách Tôn Tử hoặc Vũ kinh (tức Vũ kinh tổng yếu) như nhiều trường hợp khác trong sách đã ghi? Xuất xứ thì tác giả có thể quên hoặc chép sót, nhưng tại sao lại ghi là Bảo giám? Qua tra cứu có thể khẳng định không có binh thư nào có tên chính hoặc tên gọi tắt là Bảo giám, cũng không thấy tên sách nào (Người dịch bản Nxb KHXH cũng đã từng ghi “Chúng tôi không tìm ra sách Bảo giám”, Bd, tr.39). Phải chăng người làm sách BTYL đã vô tình hay hữu ý đưa ra một tên sách mơ hồ? Điều đó có thể còn liên quan đến một tên sách mơ hồ khác sau đây:

 b. Trong BTYL có 4 thoại ghi xuất xứ ở sách Binh lược (Bd, tr.65, 88, 213, 245). Cả 4 thoại này đều liên quan đến các sự việc của Việt Nam, không có xuất xứ nhiều tầng bậc trong các binh thư Trung Quốc. Những thông tin quá khứ không cho chúng ta biết sách nào gọi là Binh lược, mà tên sách gần giống với nó là Binh thư yếu lược thì chúng ta chỉ được biết đó là tên tác phẩm của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đời Trần và tên của bản chép BTYL hiện hành mà thôi.

 Thoại ở tr.65 (Bd) có liên hệ một câu: “Liễu Thăng vào nước Nam ta vì chí kiêu mà đổ quân mất mạng”. Thoại ở tr.213 (Bd) nói đến quân năm Giáp Ngọ (chỉ quân Trịnh), quân năm Bính Ngọ (1786, chỉ quân Tây Sơn), và quân Bắc năm Kỷ Dậu (1789, chỉ quân Thanh) v.v. Thoại tr. 245 nói việc Nguyễn Huệ đem thủy quân đến sông Nhị Hà. Ba thoại này hiển nhiên là bằng chứng tự bác bỏ nguồn gốc tác phẩm đời Trần! Thoại tr.88 (Bd) nói về tên lửa (hỏa tiễn) ở trên đầu có dùng thuốc súng của người Hồi Hồi, lại nói xa xôi đến một thứ tên lửa ở phương Nam. Thoại này ở hầu hết các sách đã nêu trên đều không có, chỉ tìm thấy một xuất xứ duy nhất ở KTTNT (Q.11, tờ 33a). Đó là một dẫn chứng cho thấy có sự liên quan trực tiếp giữa văn bản KTTNT và BTYL.

 c. Tiếp tục khảo sát quan hệ giữa KTTNT và BTYL có thể thấy thêm những hiện tượng sau đây:

 Chương Thủy chiến trong BTYL bám sát theo mục Phụ khảo Thủy chiến trong KTTNT (Q.11, tờ 12b), sau mục Quạ già nước (Thủy lão nha, BTYL chép nhầm là Thủy nha lão!) đáng lẽ tới các mục: câu liên và một số binh cụ khác, người làm BTYL đã lược bỏ, đặt ra một mục Hỏa công, mở đầu bằng câu: “Đại phàm thủy chiến thường chuyên dùng hỏa công…”, minh họa bằng 4 câu thoại: Chu Du và Lưu Bị đánh Tào Tháo ở Xích Bích, Du Thông Hải đánh Trần Hữu Lượng ở Nam Xương, Âu Dương Ngột làm phản ở Lĩnh Nam (?), Hàn Thế Trung cầm cự với quân Kim ở Hoàng Thiên Đăng (BTYL, 2-217/Bd, tr. 277 – Bd thay Kim nhân bằng tên vua Kim, và nhầm Hoàng Thiên Đăng là tên người). 3 trong 4 thoại nói trên đều có trong KTTNT (Q.11, tờ 44-45), hợp thành một mục hoàn chỉnh nói về phép hỏa công trong thủy chiến. Có mấy thoại đó minh chứng rồi mới đi đến tiểu kết: “Dĩ thượng thủy chiến nhi chuyên dụng hỏa công giả dã”. Người làm BTYL lấy câu đó đem lên đầu làm thành tên một mục, đổi 2 chữ “Dĩ thượng…” thay bằng “Đại phàm…” và bỏ hai chữ sau (… giả dã). Thêm nữa thoại thứ 3 nói việc Âu Dương Ngột đóng quân ở Nhai khẩu cho chứa các đá vào lồng tre thả xuống sông để chặn thuyền của Chiêu Đạt, xét ra không ăn nhập gì với việc đánh hỏa công. Đúng ra đó là 1 thoại minh họa cho một mục khác “Dùng mưu cắt đường thủy” như đã thấy ở KTTNT (Q.11, tờ 49a).

 Lại ở mục Thủy chiến kiêm dùng lục quân (BTYL T.2, tờ 172/Bd tr.279; KTTNT Q.11, tờ 46a) cũng thấy hiện tượng cắt câu nhằm mục như trên. Ở đây, KTTNT dẫn 1 thoại: Lưu Dụ sai quân đâo thủ đi thuyền nhẹ chặn đánh đoàn thuyền lớn của Lự Tuần, một mặt sai quân kỵ và quân bộ đi ở bờ tây để hỗ trợ. Thuyền của Lự Tuần không tiến được, cùng lúc lại bị quân cung nỏ trên bờ bắn xuống…, Lự Tuần cả thua phải chạy sang Giao Châu. Thứ sử Giao Châu là Đỗ Tuệ Độ cho quân bắn tên lửa lông trĩ xuống làm cháy thuyền, giết được Lự Tuần. Do thoại ấy mới có tiểu kết “Dĩ thượng thủy chiến nhi kiêm dụng lực binh giả dã”. BTYL không có thoại ấy (bỏ sót) thì không có nội dung minh họa cho đề mục. Đã vậy lại tiếp theo bằng câu: “Thủy chiến lấy thuận gió là thế”, không ăn nhập gì với đề mục đã nêu. Câu này thực ra là một mục đồng đẳng tiếp theo: “Thủy chiến dĩ thuận phong vi thế” (KTTNT Q.11, tờ 46b), được thuyết minh bằng thoại Vương Lâm nhà Hậu Lương đi đánh quân của nhà Hậu Trần (không có trong BTYL). Còn thoại Vương Tuấn bị quân nước Ngô dùng xích sắt chặn ngang dòng sông, Tuấn biết trước sai dùng bè gỗ đẩy đi trước để phá, BTYL đã chép vào mục “… kim dùng lục quân”, thì lại cính là 1 trong 6 thoại dùng để minh họa cho mục “Dùng mưu cắt đường thủy” (KTTNT, Q.11, tờ 49a) v.v. Sai lầm móc xích như vậy còn kéo dài đến một số mục khác nữa. Đó là bằng chứng cho thấy người làm BTYL đã sử dụng tài liệu ở KTTNT mà vì sơ suất đã để lại những sai lầm.

 3. Đầu mút: BTYL và Vũ bị chế thắng chí

 Trong BTYL có nhiều thoại trích ở sách Võ bị chế thắng chí (viết tắt VBCTC) (Bd tr.1, 118, 148, 234, 283, 355). Tuy vậy, qua tìm kiếm xuất xứ chúng tôi phát hiện việc trích VBCTC đã diễn ra trên quy mô rộng lớn hơn nhiều. Có thể dẫn hàng loạt thoại mục như sau: 

– Hạ doanh trạch địa pháp (chọn đất đóng dinh): BTYL 2-1, Bd, tr. 144-146/ / VBCTC, T.1, Q.3, tờ 58a.

– Dạ doanh (Đóng trại ban đêm) BTYL 1-259; Bd. tr.148-155/ /VBCTC, Q.6, tờ 16a.

– Ám doanh (Đóng trại bí mật): BTYL 1-258, Bd. tr.155-15 // VBCTC, T.1, Q.3, tờ 72b.

– Thủy chiến (phần nói về các đồ dùng trên thuyền) BTYL 2-258, Bd. tr.288-292 // VBCTC, T.4, Q.13, tờ 45b-57b.

– Đánh thành (các binh cụ: thang bay – Sào xa) BTYL, 2-261, Bd. Tr.316-320 // VBCTC, T.2, Q.5, tờ 54-76.

– Giữ thành (các dụng cụ: Cửa treo – giếng khơi) BTYL, 2-389, Bd. tr.365-368 // VBCTC, T.3, Q.10, tờ 19a v.v.

 Mặt khác cũng có bằng chứng cho thấy việc trích dẫn các binh thư cổ Trung Quốc trong BTYL không phải trực tiếp từ nguyên thư mà một phần lớn thông qua trung gian VBCTC. Ví dụ: về “quật hào doanh giáp” (phép đào hào đóng trại), theo Vũ binh tổng yếu:“… hào đào xong thì tạm bắc cầu phao, khi gấp rút thì chặt đi ngay, cứ cách 20 bước thì đặt một chiếc lâu” (…đương giới nhị thập bộ trí nhất chiến lâu)… ở ngoài lại đào một hố sập ngựa rộng 25 bước (… ngoại quật hãm mã khanh nhất trùng, khoát nhị thập ngũ bộ) (Tân san Vũ kinh tổng yếu tiền tập, Q.6, tờ 12b – 13a). Thoại này ở KSTB (Q.2, tờ 17a) cũng trích đúng là 20 bước, và hố sập ngựa rộng 25 bước. VBCTC T.1, Q.1, tờ 28 nhầm nhị thập bộ thành nhi thiên bộ (2000 bước), và hố sập ngựa rộng 2 bước. BTYL (1-233) sao chép lại ở VBCTC, rốt cuộc nhầm “nhị thập bộ” thành “nhị thiên bộ” và “nhị thập ngũ bộ” thành “nhị bộ”! 

Từ công việc điều tra văn bản trên đây có thể sơ bộ xác lập một lược đồ như sau(5) 

tho041

 Theo lược đồ trên đây thì thời điểm xuất hiện văn bản BTYL không thể sớm hơn năm Tự Đức Kỷ Tị (1869) là năm in KTTNT và KSTB, và cũng không thể sớm hơn năm xuất hiện của VBCTC.

 Nhưng VBCTC là một bộ sách như thế nào?

 Đó là một bộ sách khá dày, toàn bộ gồm 27 quyển, cộng 655 tờ (28×8), đóng làm 7 tập, ký hiệm từ thư viện của VĐBC cũ: AC.597/1-7. Sách chép tay, ở tờ mặt sách đề Trùng khắc Vũ bị chế thắng chí (Hai chữ Trùng khắc gợi liên tưởng một bản sao căn cứ theo một bản sách in). Đầu sách chép 1 bài Tựa của Tri phủ (?) Quảng Đông là Dương Bái Úy tự Nông Phủ (Tiến sĩ) đề năm Quý Mão niên hiệu Đạo Quang 23 (1843). Tác giả bài Tựa nói khi ông ta đến Việt Đông (tức Quảng Đông) thấy một hàng sách đang bắt đầu khắc ván in bộ Vũ bị chế thắng chí¸ bèn cầm lấy xem, thì thấy sách này “cũng tựa như một món trong loại sách viết về võ bị” (tự diệc vũ bị chí trung chi nhất luyến). Theo lời thỉnh cầu của nhà hàng, ông bèn viết vài lời đặt lên đầu sách để chất chính cùng các bậc quân tử. Đó là một bài Tựa khiến ta ngạc nhiên nhiều hơn thú vị. Đối với một bộ sách lớn mà ở quyển đầu có ghi rõ là tác phẩm do Mao Nguyên Nghi soạn, hầu hết mọi chương mục đều có một đoạn ngôn luận mở đầu bằng mấy chữ: “Mao Tử viết…” (Thầy Mao nói…), vậy mà việc đề tựa chỉ làm hầu như ngẫu nhiên, không một lời nào nhắc đến Mao Tử. Một điều băn khoăn khác: Quảng Đông là một tỉnh, quan chức đứng đầu tỉnh ấy là chức Tuần phủ, đây lại ghi là “Tri phủ”? Người dịch bản của Nxb KHXH trong khi điểm lướt các bộ binh thư cổ của Trung Quốc có ghi Mao Nguyên Nghi soạn bị chí, 19 quyển; lại có Vũ bị chế thắng chí do học trò của Mao Nguyên Nghi soạn, 31 quyển. Người dịch bản của nhà Khai Trí (Sài Gòn) thì lại kê Võ bị chí của Mao Nguyên Nghi, 240 quyển, mà không nói gì đến VBCTC. Chưa rõ hai dịch giả căn cứ vào đâu để ghi như trên, mà cũng không thấy nói qua điều gì về Mao Nguyên Nghi? Chúng tôi vì chưa đủ tư liệu nên chưa dám tin như vậy. Trong khi nghiên cứu văn bản BTYL lục tìm các binh thư Trung Quốc thì thấy hầu hết các sách liên quan đều có bản in ở Thư viện Viện Thông tin KHXH, các bản hiệu chú xuất bản sau 1949 cũng có khá đủ ở Thư viện Quốc gia, mà riêng VBCTC (hoặc rộng ra là sách của Mao Nguyên Nghi) thì chỉ có 1 bản chép tay AC.597 như đã nói mà thôi. Hai bộ từ điển: Trung Quốc nhân danh đại từ điển (tr.716) và Trung Quốc văn học gia đại từ điển (tr.1266) đều có ghi tiểu sử và tác phẩm của Mao Nguyên Nghi, nhưng không thấy tên sách nào là Vũ bị chí hoặc VBCTC. Sơ đồ của chúng tôi vì vậy tạm thời phải dừng lại với thời điểm xuất hiện bản chép tay VBCTC còn bỏ ngỏ. Tuy vậy, chúng tôi nghĩ đến khả năng bản chép VBCTC là bản sách được chép ra để bán lại cho thư viện của VĐ – BC có nghĩa là phải có sau năm 1900 là năm bộ sưu tập sách Trung Quốc cổ được bắt đầu thực hiện ở thư viện này. Với những dữ kiện như đã trình bày, thời điểm xuất hiện BTYL tất phải lùi muộn có thể đến 1, 2 thập kỷ sau năm nói trên.

Nói tóm lại, qua những cứ liệu trên đây, chúng ta nghĩ rằng có thể đi đến kết luận văn bản Binh thư yếu lược hiện có chẳng những không liên quan gì đến di tác của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, mà cũng không phải là một bộ sách được biên soạn tiếp nối qua các đời Lê – Nguyễn như có ý kiến trước đây đã khẳng định.

 

CHÚ THÍCH 

(1) Binh thư yếu lược. Phụ: Hồ trướng khu cơ Nguyễn Ngọc Tỉnh và Đỗ Mộng Khương dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, Văn Tân giới thiệu, Nxb. KHXH. H. in lần thứ 1: 1970, 418 tr; lần thứ 2: 1977, 525 tr. Trong bài này khi dẫn bản dịch (Bd) chúng tôi ghi số tran lần in thứ 2.

(2) Binh thư yếu lược. Nguyễn Phước Hải, Mã Nguyên Lương, Lê Xuân Mai dịch. Sài Gòn Nhà sách Khai Trí, 1969, 162 tr. Bản dịch này chỉ dịch hết quyển 1, và không thấy ghi căn cứ theo bản chữ Hán nào. Nhưng đối chiếu nội dung thì có phần chắc là dịch giả đã sử dụng bản vi phim sao chụp lại bản A.476 từ Viện Viễn đông Bác cổ.

(3) Xem: Quản Hùng – Binh thư yếu lược của Trần Hưng Đạo. Sài Gòn, Phương Đông, Số 11, tháng 5-1972, tr.357.

(4) Chúng tôi dùng chữ “thoại” để chỉ đoạn văn gồm một hoặc nhiều câu diễn đạt trọn vẹn một chủ ý của tác giả.

(5) Chúng tôi loại bỏ không thể hiện trong sơ đồ phần nội dung mà người làm ra văn bản BTYL đã lấy từ tác phẩm Hổ trướng khu cơ (của Đào Duy Từ).

Nguồn: Tạp chí Hán Nôm số 1 năm 1989.

Tác giả Ngô Đức Thọ là PGS.TS, nhà nghiên cứu văn bản học Hán Nôm hàng đầu của Việt Nam, nguyên cán bộ Viện Nghiên cứu Hán Nôm

 
Nguồn bài đăng : 
0