Người Choang, các dân tộc ít người vùng biên giới Việt-Hoa trong triều đại nhà Tống
http://www.chinaculture.org JEFFREY G.BARLOW NGÔ BẮC dịch Lời người dịch: Tập biên khảo này được ấn hành hồi tháng Chín năm 1987 và do đó đã được viết trong thời khoảng có sự đối nghịch giữa Việt Nam và Trung Hoa sau cuộc chiến tranh Việt Nam – Căm Bốt và cuộc ...
JEFFREY G.BARLOW
NGÔ BẮC dịch
Lời người dịch:
Tập biên khảo này được ấn hành hồi tháng Chín năm 1987 và do đó đã được viết trong thời khoảng có sự đối nghịch giữa Việt Nam và Trung Hoa sau cuộc chiến tranh Việt Nam – Căm Bốt và cuộc tấn công vào Việt Nam của Trung Quốc hồi cuối năm 1978 và đầu năm 1979. Một số quan điểm lịch sử trong bài vì thế được phản ảnh dưới cái nhìn của chủ nghĩa Mác-xít / Lê-nin-nit là học thuyết chính thống thịnh hành tại hai nước khi đó.
Sắc dân Choang (Zhuang) mìền nam nước Trung Hoa là những dân tộc ít người đông nhất ở Trung Hoa.(1) Tại Việt Nam, người dân Choang được xác định trong lịch sử là người Nùng, và gần đây hơn như sắc dân hỗn hợp Tầy-Nùng, là nhóm đông nhất trong 36 dân tộc ít người của Việt Nam.(2) Một những những thời điểm quan trọng nhất trong lịch sử người Choang xảy ra dưới thời nhà Tống (960-1126 sau Dưong Lịch], khi dân Hoa gốc Hán và dân Việt Nam khởi sự thực hiện một hành động kéo dài tại những vùng đất trung tâm của người Choang. Nhiều người Choang đã kháng cự lại sự kiểm soát của ngoại bang, gắng sức cho nền độc lập liên tục. Sự thất bại liên tiếp của họ có nghĩa rằng người Choang sẽ không bao giờ có được một cơ hội để phát triển sự tự trị.
Câu hỏi về lý lịch người Choang là một vấn đề phức tạp, bởi nó được gắn liền một cách quá mật thiết với quy chế hiện thời của họ như các dân tộc ít người tại Trung Hoa và Việt Nam. Chữ Choang (có kèm Hán tự của từ Zhuang) là một từ có từ thời cổ, nhưng được dùng để chỉ tất cả sắc dân ngày nay được xác định là người Choang mới từ năm 1965. Các nhà chép sử biên niên người Hán đã sử dụng nhiều danh từ khác nhau để chỉ tổ tiên người Choang.(3) Có nhiều nhóm dân liên hệ ở các tỉnh Quảng Đông, Vân Nam, ở Việt Nam và ở cả Thái Lan.(4)
Câu hỏi về nguồn gốc dân Choang hãy còn để ngỏ. Khu vực họ cư ngụ ngày nay có một số địa điểm [khảo cổ] thời đồ đá cũ (Palaeolithic), nhưng sợi dây liên hệ giữa những di tích hóa thạch với sắc dân Choang ngày nay, khi được nêu ra, bị phần lớn các khoa học gia Trung Hoa xem là chưa được chứng minh.(5) Hai địa điểm được phân tích kỹ càng hơn trong các địa điểm này là Bai-lian Dong gần Liu-zhou [Lưu Châu?, chú của người dịch] và Zhen-pi Yan gần Quế Lâm (Guilin). Bai-lian Dong vẫn có người cư trú liên tục từ cuối thời đồ đá cũ cho mãi đến lúc ban đầu của thời đồ đá mới (Neolithic), cung cấp các cứ liệu Carbon 14 có niên đại từ khoảng 30,000 đến 7,500 năm trước thời Đồ Đá Cũ (B.P)(6). Khu Zhen-pi Yan cung cấp cứ liệu Carbon 14 có nhật kỳ khoảng năm 10,000 (B.P.) trước Thời Đồ Đá Cũ (7). Hơn 400 ngôi mộ Thời Đồ Đá Mới được nói là của người Choang đã được tìm thấy trong khu vực. Các cứ liệu Carbon 14 được chứng nhận có niên đại từ 10,735 +/- 200 năm đến 8,950 +/-130 năm từ Thời Đồ Đá Cũ. Các cách thức chôn cất tại các ngôi mộ này, theo đó thi thể được chôn cất trong tư thế ngồi với tay chân gấp lại, vốn rất hiếm được tìm thấy ở Trung Hoa (trừ miền Hắc Long Giang), nhưng khá thông thường tại Việt Nam.(8)
Tổ tiên người Choang đã cư ngụ trong vùng ít nhất là từ lúc ban sơ của Thời Đồ Đá Mới. Nhiều học giả tin tưởng rằng họ đã di chuyển về miền nam sớm hơn nữa, bị đẩy lùi bởi các nền văn hóa Hoa Hán bành trướng của vùng Trung Nguyên (Central Plain).(9) Nhưng các cung cách chôn cất trong các ngôi mộ Thời Đồ Đá Mới cũng khiến ta nghĩ rằng người Choang có gốc rễ phương nam và có các mối liên hệ với các nền văn hóa Hòa Bình (9,000 đến 5,600 năm trước Dương Lịch) và Bắc Sơn (8,300-5,900 năm trước Dương Lịch) của Việt Nam.(10) Trong bàu không khí chính trị hiện nay khả tính này khơi dậy nhiều khó khăn cho các học giả Trung Hoa và hiếm khi được thảo luận.(11)
Cư dân vùng Trung Nguyên, tổ tiên người Hoa Hán, gọi chung các sắc dân bộ lạc miền nam là Bách Việt (Hundred Yue). Một ngôi mộ từ thời Xuân Thu (năm 722-481 trước Dương Lịch) được khai quật tại tỉnh Quảng Tây năm 1971 có chứa cả những đồ vật nhân tạo có đặc tính địa phương và một vài đồ vật có nguyên ủy từ miền Trung Nguyên. Các ngôi mộ khác của cùng thời kỳ, chẳng hạn như ngôi mộ được khai quật tại Ping Dong Yan-shan-ling năm 1974 và tại Tian Dong năm 1977, có chứa nhiều đồ vật cho thấy quốc gia nhà Chu thuộc khu vực trung tâm sông Dương Tử là quyền lực thống trị trong vùng. Bằng cứ này cũng cho thấy quốc gia miền duyên hải tên Việt đã nới dài ảnh hưởng hạn chế đến khu vực đông bắc của tỉnh Quảng Tây ngày nay, nhưng phần đất còn lại của người Choang đã không có ảnh hưởng ngoại lai đáng kể. (12)
Triều đại nhà Tần (năm 221-206 trước Dương Lịch) đã tiến vào vùng này, đặt tên vùng là Lĩnh Nam (Ling-nan) và đã giao tranh trong một loạt các cuộc chiến với các người dân địa phương. Những chiến dịch không mấy thành công này đã là bước khởi đầu của sự bành trướng kéo dài của Trung Hoa vào trong khu vực. Nhà Tần đã cho đào kinh Li [Lí?] tại Xing-an, nối liền các hệ thống sông ngòi miền nam với miền trung.(13) Mặc dù sự kiểm soát của Trung Hoa xem ra chỉ vươn không xa hơn trung tâm có tường thành bao quanh nhằm phục vụ cho việc xây dựng con kinh Li tại Xing-an (14), vùng Lĩnh Nam kể từ đó có thể được tiếp cận từ phía bắc và phía nam, và được ràng buộc với chính Trung Hoa.
Trong thời kỳ suy sụp của nhà Tần, khu vực trở thành nước độc lập dưới quyền của một người Hoa gốc Hán, Zhao Tuo [có kèm chữ Hán, để chỉ Triệu Đà, chú của người dịch], tự xưng là “Võ Vương của nước Nam Viêt.”(15) Zhao Tuo kiểm soát vùng Lĩnh Nam, và mở rộng nó bằng việc sáp nhập các lãnh địa của Trung Hoa nơi phía Bắc và đất đai của Việt Nam về phía Nam.(16) Vương quốc của ông ta bị tái chinh phục bởi Nhà Hán (206 Trước Dương Lịch – 220 sau Dương Lịch) trong năm 111 trước Dương Lịch.
Trong suốt thời nhà Hán sự hiện diện của Trung Hoa tại vùng Lĩnh Nam đã được mở rộng một cách lớn lao. Một khu định cư thường trực, “Thành Phố Người Hán: Han City”, được triển khai ở khu đông bắc Quế Lâm (Guilin) ngày nay, và các ảnh hưởng của Trung Hoa được phóng ra xuống phía nam từ đó.(17) Người Hán theo dòng sông Quế (Gui) chạy xuống phía nam nơi nó nối liền với dòng sông Lưu (Liu) để tạo thành con sông Tây Giang, nơi đặt thành phố Wu-zhou ngày nay. Vài trăm ngôi mộ thời Hán được phát hiện tại đó, hơn nhiều những khu tập trung lăng mộ của tỉnh Quảng Tây.(18) Một sự tập trung khác các di vật nhân tạo thời Hán cho thấy một sự hiện diện quan trọng tại He-pu [Hợp Phố?, chú của người dịch], gần vùng Bei-hai [Bắc Hải?] ngày nay (19). Sự bành trướng của Trung Hoa trong suốt thời kỳ nhà Hán vào vùng nam và đông của tỉnh Quảng Tây ngày nay vẫn chừa trung tâm dân cư của người Choang, miền nằm giữa các con sông You và sông Zuo thuộc phía tây nam Quảng Tây, hầu như chưa động chạm gì tới(20) Nhà Hán cũng đã vươn tay kiểm soát trực tiếp tới tận Việt Nam, được tập trung tại Giao Chỉ Chỉ Huy Sứ (Jiao-zhi Commander) chung quanh khu vực Hà Nội ngày nay. Một hoạt động chính tại Giao Chỉ là việc tiếp tế cho các cơ sở nuôi bắt ngọc trai tại He-pu.(21)
Trong suốt các thời kỳ Tam Quốc và thời Nam-Bắc Triều (317-589 sau Dương Lịch) hệ thống hành chính nhà Hán vẫn tiếp tục hiện diện trong khu vực, nhưng sự kiểm soát chính trị của Trung Hoa vẫn còn bị giới hạn vào một số thành phố lớn. Trong thời trị vì của vua nhà Tấn, Tai-kang (343-5), Trung Hoa đã chỉ đăng ký được 25,000 gia đình tại vùng Lĩnh Nam, chiếm một tỷ lệ nhỏ của dân số.(22)
Thời nhà Tùy (581-618), mặc dù không mạnh ở phương nam, đã có thể dành được sự kiểm soát vùng Lĩnh Nam (23). Người cai tri phong kiến của quốc gia Nan Yue [Nam Việt?], bà Xi (Madame Xi) [có kèm chữ Hán, chú của người dịch], đã nắm vững khu vực và chấp nhận quyền chủ tể của nhà Tùy. Sự kiểm soát của Trung Hoa giờ đây đã được nới rộng trên khoảng 189,000 hộ, nhưng vùng đất trung tâm của dân tộc Choang nằm giữa hai con sông You và Zuo vẫn còn nằm ngoài sự kiểm soát của Trung Hoa.(24) Nhà Tùy cũng đã tái lập quyền bá chủ của Trung Hoa trên đất Việt Nam.
Trung Hoa đã cho lực lượng xâm nhập lần đầu tiên vào ngay chính khu vực của người Choang trong thời nhà Đường (618-907). Nhà Đường đã củng cố các vùng chiếm giữ được từ thời Hán trước đây và bắt đầu xuôi theo hệ thống sông Lưu xuống phía nam và phía tây. Bằng việc cho đào các con kinh mới họ đã khai mở con sông Lưu thành một thủy lộ giao thông quan trọng và khai khẩn vùng đất mới để canh tác.(25) Sự di dân đáng kể của người Hán tiếp diễn theo đó.
Các nhà cai trị nhà Đường đã toan tính việc sửa đổi các văn hóa bộ lạc, một tiến trình không khác gì việc đồng hóa cưỡng bách. Thí dụ, tại Lưu Châu (Liu-zhou), một quan chức – thi sĩ tên Liu Zong-yuan đã chỉ trích các hoạt động phù thủy là không văn minh và đã nỗ lực mang đạo Phật thay vào đó(26). Một trong những bài thơ của ông Lưu, “Từ Lâu Thành của Lưu Châu: From the City-tower of Liu-zhou” đã chuyên chở những cảm nghĩ của các quan lại Hoa Hán sống trong vùng này:
Tại lầu cao cuối thành phố, là nơi sự hoang dã khởi đầu;
Và niềm ước ao của chúng tôi bay xa như đại dương hay bàu trời vời vợi …
Các cánh hoa dâm bụt quanh hào phất phơ trong cơn gió đột nhiên
Và dàn dây leo dọc tường thành hứng chịu hạt mưa nghiêng.
Không thấy gì suốt khoảng đất ba trặm dặm ngoài cảnh núi rừng mờ mịt —
Và dòng sông chín khúc, quặn đau trong lòng chúng tôi …
Đây là nơi chốn mà họ đã gửi chúng tôi đến, vùng đất của giống dân xâm mình —
Và không có cả chữ nghĩa, để giúp chúng tôi liên lạc với quê nhà.(27)
Người Choang tập trung tại những thung lũng hay cánh đồng dưới chân núi nơi có thể canh tác được. Các thung lũng này, được gọi là “dong: động [hay đồng?, chú của người dich.]” [có kèm chữ Hán, chú của người dịch], bởi người Hoa Hán, đã là các trung tâm của hệ thống chính trị của người Choang, và từ ngữ này cũng tiến hóa để chỉ chính hệ thống.(28) Các “động” được kiểm soát bởi các tộc trưởng là người có quyền kiểm soát gần như tuyệt đối trên sự phân phối đất đai.(29) Danh tính của thị tộc đứng đầu khi đó được dùng để gọi cho các thân thuộc của họ.
Người Choang thì cực kỳ hiếu chiến, và để có thể sinh tồn với môi trường núi rừng khắc nghiệt, rất khỏe mạnh và cứng rắn. Ngay khi hệ thống nhà Đường phơi bày tính chất đàn áp, các tù trưởng đã nổi dậy chống lại hệ thống. Các cuộc nổi dậy được tập trung tại vùng giữa các con sông You và Zuo vốn được nhà Đường tổ chức thành Tây Nguyên Châu (Xi-yuan zhou) [có kèm chữ Hán, chú của người dịch].
Dòng họ Hoàng [có kèm chữ Hán, chú của người dịch] cai trị đã lãnh đạo một loạt các cuộc nổi dậy bắt đầu từ năm 756, (30) và kéo dài mãi cho đến năm 824.(31) Các cuộc tranh chấp thị tộc làm hạn chế sự thống hợp người Choang và đã đưa đến sự thất bại của họ trước người Hán Hoa. Các lãnh tụ của các cuộc khởi nghĩa thường sử dụng danh xưng “Vương: King” [Wang, có kèm chữ Hán, chú của người dịch], như trong các danh xưng Trung Việt Vương (Zhong Yue Wang) [có kèm chữ Hán, chú của người dịch], Nam Hải Vương (Nan Hai Wang) [có kèm chữ Hán, chú của người dịch] và Nam Việt Vương (Nan Yue Wang) [có kèm chữ Hán, chú của người dịch]. Có lẽ các tù trưởng nhiều tham vọng đã muốn khích động ước vọng của các vương quốc Choang ở địa phương, dựa theo những truyền thống của các nước Việt. Các danh hiệu này cũng có thể phản ảnh cuộc đấu tranh đồng thời tại Việt Namchống lại quyền chủ tể của Trung Hoa. Mặc dù các sử gia Trung Hoa chỉ nhìn nhận có rất ít hay không có sự liên kết nào giữa các mặt trận chống lại nhà Đường của người Việt Nam và người Choang, (32) các phong trào kháng chiến rái rác nhiều nơi trong vùng đã làm trở ngại cho các nỗ lực bình định của Trung Hoa. Đôi khi các lực lượng kháng chiến của người Việt và người Choang có trực tiếp tăng cường cho nhau, như trong năm 820 khi một đoàn quân của Việt Nam được trưng tập để bình định các người Choang nổi dậy đã quay đầu chống lại Trung Hoa.(33)
Tình hình chính trị càng trở nên phức tạp hơn với sự bành trướng của các quyền lực phương nam khác. Nam Chiếu (Nan Zhao) từ Vân Nam khởi sự đột nhập, tấn công Yong-zhou (Ung châu) trong năm 861, với sự liên minh với các tù trưởng người Choang thuộc các dòng họ Hoàng và họ Nông [có kèm chữ Hán, chú của người dịch]. Người Choang từ lâu đã thành lập một liên minh lỏng lẻo với Nam Chiếu, và sẽ tiếp tục liên minh với nước kế thừa của nó, Đại Lý [có kèm chữ Hán, chú của người dịch].(34)
Nhà Đường, gặp khó khăn ở cả hai biên giới phía bắc và phía nam, tìm cách trấn áp các cuộc nổi dậy của người Choang, nhưng các chiến thắng sau hết đã mang lại các hậu quả quá nặng nề. Hệ thống canh nông của vùng Lĩnh Namhãy còn kém phát triển và nhà Đường đã phải vận tải lương thực từ Hồ Nam và Giang Tây đến cho các đội quân đồn trú của họ.(35)
Nhà Đường cai quản lưu vực thượng nguồn của con sông Zuo, xuống tới phía nam và phía tây của khu trung tâm người Choang, như một phần của tỉnh Lĩnh Nam, kế cận tỉnh (phủ) An Nam thuộc Việt Nam ngày nay. Khi sự kiểm soát của nhà Đường suy yếu, khu vực sát biên giới từ Cao Bằng đến Lạng Sơn bị bứt ra khỏi bởi tay người Việt Nam. Sự khó khăn của việc kiểm soát khu vực được minh chứng trong phúc thư cấp bộ trả lời sự yêu cầu của hoàng đế nhà Tống tên Yin Zong về thông tin liên hệ đến Giao Chỉ: “Địa thế của Giao Chỉ rất hiểm trở và khí hậu thì độc hại. Ngay dù nhà Đường đã có thể dành được nó, họ cũng đã không thể kiểm soát nó.”(36) Sự sụp đổ của chính quyền trung ương của Trung Hoa mau chóng được phản ảnh tại phía nam, mang lại cho người Choang một thời kỳ tương đối hòa bình.(37) Người Việt Nam đã thành công trong việc chiến đấu chống lại các mưu toan của các quốc gia miền nam Trung Hoa muốn tái lập sự kiểm soát. Nhà lãnh đạo Việt Nam Đinh Bộ Lĩnh đã tự xưng làm Hoàng Đế năm 966, dựng nước Đại Cồ Việt, một quốc gia Việt Nam mà Trung Hoa vẫn tiếp tục gọi là Giao Chỉ. Thời kỳ này chứng kiến sự củng cố một dân tộc tính Việt Nam đích thực, hoàn toàn tách biệt khỏi diện mạo của Trung Hoa, và người Việt Nam giờ đây khởi sự cố gắng ổn định các biên giới của họ, bành trướng về phía nam bằng cách nuốt gọn xứ Chàm, và về phía bắc nơi vùng biên giới Việt-Hoa. Phải đợi mãi đến lúc lên ngôi của nhà Tống, Trung Hoa mới kiện toàn tổ chức đủ để đe dọa đến sự tự trị của người Việt và người Choang.
Sau khi nhà Tống tái tu bổ vùng Quế Châu (tức Quế Lâm này nay), khu vực được cai quản như trấn Quảng Nam Tây Lộ [có kèm chữ Hán, chú của người dịch]. Các thị tộc người Choang nằm giữa các con sông You và Zuo, thuộc huyện mà nhà Tống gọi là Quảng Nguyên châu [có kèm chữ Hán, chú của người dịch], giờ đây bị bao vây từ bắc chí nam. Quyền lực nhà Tống chói sáng, thiết lập các cứ điểm của Trung Hoa nơi các phần đất phía đông bắc và tây bắc của người Choang. Nơi phía nam, người Việt đang tổ chức vùng đất trước đây thuộc nhà Đường nằm phía tây nam Lĩnh Nam khi mà quyền lực của Đại Cồ Việt vươn cao.(38) Một cuộc viễn chinh của Trung Hoa đánh Đại Cồ Việt đã bị đánh bại bởi Lê Hoàn tại Lạng Sơn năm 981. Sau đó, Trung Hoa thời Tống, chưa có thể phóng ra một mưu toan để tái chinh phục, đã thừa nhận cho Việt Nam một sự tự trị thực sự trong khi vẫn duy trì các lời tuyên bố về quyền bá chủ trên hình thức.
Mặc dù sự lãnh đạo người Choang của thị tộc Hoàng đã suy giảm kể từ thời nhà Đường, triều đình nhà Tống vẫn trao cho họ quyền kiểm soát bình nguyên nằm giữa hai con sông You và Zuo.(39) Nhưng thế lực của thị tộc họ Nông gia tăng một cách mau lẹ.(40) Nguồn gốc của dòng họ Nông được tóm tắt trong đoạn văn dưới đây rút ra từ sử nhà Tống:
Dòng họ Nông thuộc rợ mán tại Quảng Nguyên châu phát sinh từ phía tây nam … của Yon-zhou và chiếm giữ các huyện ở đó. Địa thế gồm các núi dốc và các thung lũng không thể tiếp cận được; nó có sản xuất được vàng và thần sa (cinnabar). Có khá nhiều người sinh sống tại đó. Họ để tóc dài và cài cúc áo bên tay trái. Họ thích đánh nhau và tranh đấu và xem nhẹ cái chết. Các nhà lãnh đạo ban đầu là họ Ngụy (Wei), họ Hoàng (Huang), Chu (Zhou) và họ Nông là những thị tộc thường xuyên tranh chấp và đánh phá lẫn nhau … Dòng họ Hoàng tuyên hứa trung thành và 13 bộ-huyện (Bu-districts) và 29 Châu-huyện người rợ Mán đã được thiết lập.(41)
Sự trổi dậy của dòng họ Nông cho thấy tính phức tạp trong chính trị của người Choang. Hệ thống giống phái người Choang có tính cách bình đằng, so với học thuyết Khổng học chính thống.(42) Hệ thống có tính cách song phương, và quyền lực của một thị tộc đuợc tiếp truyền xuyên qua cả phía nam lẫn phía nữ. Các sử gia theo Khổng học thường cắt giảm xuống đến mức thấp nhất hay không đếm xỉa gì đến những người phu nữ mạnh mẽ, quy chiếu các hành động của họ cho cha, chồng hay con trai của họ. Nhưng tầm quan trọng của nữ tộc trưởng người Choang, A Nông [có kèm chữ Hán, chú của người dịch], có thể được nhận thấy, bất kể đến bức màn che đậy của các thành kiến theo Khổng học.
A Nông [sử sách Việt gọi là A Nùng, chú của ngườI dịch] là con gái của một vị tù trưởng được phong tước kiến điền bởi người Hoa Hán, làm một quan chức cấp châu (43). Người anh của bà, Nông Đương Đạo[?][có kèm chữ Hán, chú của người dịch], thừa kế một khu vực nằm trong vùng trung tâm của người Choang. Bà kết hôn với Nông Toàn Phúc [có kèm chữ Hán, sủ Việt dịch là Nùng Tồn Phúc, chú của người dịch], cũng là một tù trưởng và một viên chức cấp châu, là người kiểm soát phần đất khác. Em của ông ta [sử Việt cho biết tên là Nùng Tồn Lộc, chú của người dịch] cũng kiểm soát một huyện, khiến cho gia đình họ trở thành các trung tâm quyền lực trải khắp Quảng Nguyên châu, bao quanh phía nam bởi Đại Cồ Việt, phía đông nam và đông bắc bởi các trung tâm hành chính nhà Tống. Trong khi các thành kiến Khổng học có thể bôi bác các dữ kiện, Tống Sử (Song history) cho thấy bà A Nông là một người phù thủy thường hay tham dự vào các ma thuật, kể cả các nghi lễ mạnh bạo nhất, lễ hiến dâng con người (44). Thuật phù thủy của bà ta chắc hẳn có gắn bó mật thiết với quyền lực chính trị trực tiếp được hành sử trước tiên bởi chồng của bà, và sau này bởi người con trai của bà.
Nông Toàn Phúc, bị ảnh hưởng, các biến cố sau này làm liên tưởng mạnh mẽ như thế, bởi người vợ tên A Nông, trước tiên, giết chết người em của chính mình, khi đó là một lãnh tụ của dòng họ Cen, và chiếm lấy đất đai của họ (45). Các tù trưởng người Choang phân chia đất đai cho các thủ hạ theo một hệ thống phong kiến thực sự, với một vài đặc tính của tập tục cầm giữ nô lệ. Số lượng đất đai được kiểm soát bởi một tù trưởng ảnh hưởng đến số nhân lực mà ông ta có thể cấp ruộng đất, một điều khích lệ mạnh mẽ để mở rộng chiến tranh. Dòng họ Nông sau rốt kiểm soát được 14 động quan trọng, so với 5 động được xác nhận bởi dòng họ Hoàng (46). Nông Toàn Phúc tuyên bố thành lập một quốc gia, Trường Kỳ Quốc (Chang Qi Guo) [có kèm chữ Hán, chú của người dịch], và tự xưng là “Tu Dan Chao” [có kèm chữ Hán, chú của người dịch] (47), giống như vị vua đầu tiên của nước Đại Lý.
Sự khoa trương này tất nhiên gây bực tức cho Đại Cồ Việt là nước đã tuyên bố chủ quyền trong vùng này. Trong quá khứ sự thù nghịch của người Choang phần nhiều đã bị làm ngơ bởi Trung Hoa hay Việt Nam, nhưng giờ đây hai quyền lực này đang bành trướng vào khu vực biên giới tranh chấp, làm suy yếu sự tự trị của các tù trưởng.
Nhà Vua của Đại Cồ Việt, Phật Mã, trị vì với vương hiệu Lý Thái Tông (trong sách Tàu gọi là Li De-zheng: Lý Đức Thành?), dẫn quân tiến vào khu vực hồi tháng ba năm 1039, (48) bắt giữ Nông Toàn Phúc và phần lớn gia đình ông ta, và giải giao họ về Đại Cồ Việt để hành quyết (49). A Nông và đứa con trai kế nghiệp 14 tuổi, Nông Trí Cao [có kèm chữ Hán, chú của người dịch], trốn thoát.
Nông Trí Cao thừa hưởng các quyền hành hạn chế của người cha dưới cả hệ thống của Trung Hoa lẫn Việt Nam. Trong khi xây dựng cơ sở của mình, anh ta triều cống vàng cho Đại Cồ Việt, và dâng tặng các con voi thuần thục, vàng và bạc cho nhà Tống (50). Được hướng dẫn bởi người mẹ, anh ta tiếp tục đòi hỏi của người cha là muốn duy trì quyền tự trị của các tù trưởng người Choang.
Với một căn cứ địa tại Long châu (Long-zhou) trong năm 1041-1042, anh ta tuyên bố thành lập một quốc gia, Đại Lý Quốc (Da-li Guo) [có kèm chữ Hán, sử sách Việt dịch thành Đại Lịch quốc, chú của người dịch]. Nông Trí Cao, trong thực tế, có thể đã tuyên bố trung thành với nước Đại Lý xa xôi hơn nằm trong tỉnh Vân Nam (trước đây được gọi là Nam Chiếu (Nan Zhao) với hy vọng rằng sự bảo trợ của nước này có thể bảo vệ được nền tự trị của người Choang khỏi sự xâm lấn của người Trung Hoa và người Việt Nam. Đại Cồ Việt không đếm xỉa đến sự khoa trương này và đề nghị giao cho anh ta quyền kiểm soát chính thức trên một số huyện, phong tước cho anh ta làm Tai-bao (Thái Bảo) của khu vực trong năm sau đó (51). Trong tháng 10 năm 1048 anh ta nổi dậy nhưng mau chóng bị đánh bại. Lần nữa Việt Nam lại tha thứ cho anh ta về hành vi ngỗ ngược, có lẽ vì muốn duy trì dòng tộc tù trưởng họ Nông tại biên giới làm vùng đệm chống lại Trung Hoa.
Nông Trí Cao kế đó tiếp xúc với trung tâm nhà Tống tại Yong (Ung) ( tức Nam Ninh: Nanning) xin trợ giúp. Không muốn biện luận về vùng đất nhiều tranh chấp với Việt Nam, Trung Hoa đã từ chối không tiếp kiến anh ta (52). Nông Trí Cao phóng ra một cuộc biểu dương quân sự bên dưới tường thành Nam Ninh giúp anh ta dành được một cuộc gặp gỡ. Anh ta tái bảo đảm với các quan chức rằng anh ta đến không phải để gây chiến, mà là để thỉnh cầu. Yên tâm với sự phúc đáp của quan chức Trung Hoa, anh ta đã dâng cống phẩm quý giá, xong quay về lại căn cứ địa của mình (53). Các giới chức thẩm quyền Trung Hoa, hiển nhiên lo ngại về việc đối nghịch với Việt Nam, có vẻ là đã không chuyển lời thỉnh cầu của anh ta lên trên.
Nông Trí cao giờ đây đổi tên nước của anh ta, từ Đại Lý Quốc thành Nam Thiên Quốc (Nan Tian Guo) [có kèm chữ Hán, chú của người dịch]. Bước đi này có thể cho thấy một sự tuyên hứa trung thành, mặc dù chi rất giới hạn, với Trung Hoa. Họ Nông có thể đã ao ước một sự tự trị thực sự được hỗ trợ bởI sự thần phục trên nghi lễ trước Trung Hoa, theo mô thức Việt Nam. Họ Nông có thể đã nhìn người Trung Hoa sau hết ít đe dọa hơn Việt Nam, nước đã hai lần đánh bại anh ta.
Nông Trí Cao di chuyển từ Long Châu về An Đức châu (An-de zhou), tự tách mình ra xa Việt Nam hơn. Sự phục hồi của anh ta từ lần thất trận ban đầu được dễ dàng khắc phục hơn nhờ ở sự giàu có quặng mỏ trong vùng đất anh ta nắm giữ. Các nhà mậu dịch Trung Hoa từ Quảng Châu thường xuyên lui tới khu vực và mua vàng. A Nông và Nông Trí Cao tạo ra các mối quan hệ chặt chẽ với một số người trong bọn này. Một người trong họ, Huang Wei [có kèm chữ Hán], đã thi đậu cấp bằng ngạch quan lai Trung Hoa cao cấp nhất, Jin-shi, (54). Được cố vấn bởi Huang và A Nông, Nông Trí Cao quyết tâm tiến đánh các lực lượng nhu nhược của nhà Tống tại Yong (Ung).
Nông Trí Cao đã thất bại trong việc tìm kiếm một kẻ bảo hộ có thể cho phép họ Nông duy trì được mộtt mức độ tư trị rộng rãi. Đại Lý thì xa xôi và không liên quan bởi nhà Tống đã đình chỉ tiến trình bành trướng của nhà Đường vào đất Vân Nam. Việt Nam sẽ không chấp nhận nền tự trị thực sự. Trung Hoa lo sợ Việt Nam và không dám ủng hộ họ Nông. Giải pháp duy nhất là sự tuyên bố công khai sự độc lập bất kể các sự tuyên nhận chủ quyền trong vùng của Trung Hoa và Việt Nam.
Sự giàu có và và lòng say mê vũ thuật của người Choang đã biến họ thành các đối thủ đáng nể sợ. Đàn ông Choang dắt bên mình cả kiếm dài lẫn kiếm ngắn. Áo giáp che chắn cho voi dầy đến ½ phân Anh (inch) được sản xuất từ phía nam. Vũ khí bao gồm hai loại cung thông thuờng, một loại dài 6 bộ Anh (feet) chỉ có thể dương cung bằng chân, và loại kia dài bằng phân nửa loại trước. Tre và thông được dùng để chế tạo một loạt các mũi tên đặc chế thường được tẩm thuốc độc. Nhược điểm của người Choang nằm ở bộ phận kỵ binh. Khu vực là một trung tâm mua bán ngựa và đã có các đơn vị được trang bị chuyên biệt, cả người lẫn ngựa đều mang áo giáp, nhưng địa thế núi đồi và nhiều sông rạch hạn chế sự hữu dụng của kỵ binh. (55)
Tổ chức quân sự của người Choang vừa phức tạp lẫn linh động. Đơn vị căn bản là một tổ ba người lính bộ binh, những người cùng thị tộc canh tác cùng với nhau trên đồng ruộng được cấp cho họ bởi tù trưởng. Một viên tướng nhà Tống đã giao chiến trong các chiến dịch chống Nông Trí Cao đã viết trong tập hồi ký của mình như sau:
Kỹ thuật đánh từ xa của quân nổi dậy là sử dụng một thuẫn của người rợ và các mũi lao. Một người lính cầm khiên (thuẫn) che chở cho thân thể và hai người kia phóng lao từ bên sau tấm khiên và giết hại [địch quân]. Khi họ tiến quân như thế, các mũi tên không có hiệu quả gì nữa. Họ đến như một ngọn lửa phương nam. (56)
Ngược lại, cơ sở quân sự nhà Tống tại phương nam bị lơ là bởi có nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn ỏ phương bắc. Nhiều thành phố không có cổng thành và các đơn vị đồn trú nơi thành thị thường không có áo giáp. (57)
Nông Trí Cao lần theo các con sông xuôi nam, mau chóng loại trừ các đơn vị đồn trú trên đường tiến. Yong (Ung) bị thất thủ một cách dễ dàng. Kế đó anh ta chiếm được thành phố rào bằng hàng dậu Hằng Châu (Heng-zhou) và các thành phố vệ tinh, sau đó, chiếm Wu-zhou (Ngô chân ?), một trung tâm hành chánh quan trọng dọc con sông. Các lực lượng Choang di chuyển về phía đông với một tốc độ chưa từng có, loại trừ từng đoàn quân một, phần lớn đều không cầm cự được hơn một ngày. Họ đã tiến tới sát chân thành Quảng Châu trong vòng 20 ngày sau sự thất thủ của Yong, vào tháng Bẩy năm 1052. Sự kiểm soát của nhà Tống tại miền nam ở vào tình trạng nguy cấp. Tuy nhiên thành phố Quảng Châu (Canton) được chống đỡ bởi các quan chức có khả năng. Các quan chức của thành phố đã sửa chữa các bức tường thành, lắp dựng dàn cung to lớn, và tích trữ thức ăn và nước.(58) Nông Trí Cao bị dậm chân tại chỗ trong một cuộc bao vây kéo dài. Các lực lượng trong vùng được thu kết và khởi sự bao vây vòng ngoài quân nổi dậy. Sau 57 ngày, người Choang đã phải triệt thoái. (59)
Nhà Tống đã khởi sự thực hiện các nỗ lực đặc biệt để triệt hạ Nông Trí Cao. Chiếc đầu của Nông Trí Cao được triều đình [nhà Tống] treo giá 3,000 quan (một xâu 1,000 hiện kim bằng tiền đồng), 2,000 cây lụa, và một chức vụ trong quan trường. Đầu của A Nông được treo giá là 3,000 quan và một chức vụ công quyền thấp hơn. Đầu của hai viên cố vấn chính trị người Quảng Châu được treo giá là 1,000 quan và một chức vụ thấp hơn nữa. Điều cần lưu ý là nữ tộc trưởng A Nông được đánh giá bởi triều đình nhà Tống là nguy hiểm hơn cả hai người Quảng Châu phản bội. Sự hiểu biết của nhà Tống về vai trò của bà ta trong các chiến dịch của người Choang rất tường tận.
Có thể một nguồn tin tức tình báo của nhà Tống là một hay nhiều di dân gốc Hoa Hán. Mặc dù có vẻ là không có con số ước lượng nào về tỉ lệ dân số Choang-Hán dưới thời nhà Tống, trong thời nhà Đường, người ta nghĩ rằng 70 phần trăm dân số địa phương thuộc “sắc dân rợ”, 30 phần trăm là người Hán.(60) Một trong những cư dân gốc Hán này là một ứng viên bằng Jin-shi [tiến sĩ ?, chú của người dịch] nhưng không thành công có tên là Thạch (Shi) [có kèm chữ Hán, chú của người dịch] có các thân nhân bị chết khi thành Yong thất thủ. Ông này chạy trốn về Quế Châu (tức Quế Lâm) và thông báo cho các viên chức địa phương rằng sự hậu thuẫn của Nông Trí cao trong số các tù trưởng của các “động” miền núi rất yếu bởi có sự tranh chấp giữa các thị tộc. Ông Thạch này vạch ra rằng Nông Trí Cao được biết tỏ ra lo sợ rằng kỵ binh người Hán có thể sẽ chứng tỏ nắm phần quyết định trong trận chiến chống lại bộ binh của anh ta và rằng anh ta đã xem căn cứ của Huang Shou-ling [có kèm chữ Hán, chú của người dich.] như là đồn lũy cuối cùng.(61) Nếu thua trận, anh ta đã dự trù sẽ tái chỉnh trang đồn đó, chiêu mộ nhân lực, và huấn luyện giao chiến bằng kỵ binh. Các giới chức thẩm quyền đã thưởng cho ông Thạch một chức vụ quân sự thấp và phái ông ta đến các động miền núi để thuyết phục các tù trưởng đừng hậu thuẫn cho phong trào độc lập của dòng họ Nông.(62)
Sau khi bãi bỏ việc vây hãm Quảng Châu, Nông Trí Cao di chuyển lên hướng bắc, mau chóng đánh bại các lực lượng quân Tống nhờ ở ưu thế lưu động của mình. Sau đó, đoàn quân Choang quay xuống hướng nam và hướng tây, tái chiếm thành Yong (Ung) nguyên đã trở về trong tay quân Tống, trong tháng 10 năm 1052.
Tại Yong (Ung), Nông Trí Cao tức thời khởi sự đóng thuyền, loan bố ý định của anh ta nhằm tái tấn công thành phố Quảng Châu và thành lập quốc gia Nam Việt tai đó. Một loạt các lực lượng quân Tống được phái đến để đánh anh ta, nhưng anh ta đánh bại họ trong vùng núi đồi bao quanh Yong. Anh ta đã hạ sát năm vị chỉ huy đầu tiên được phái đến đánh anh ta bởi triều đình. Hoàng Đế [Trung Hoa] đã phái Địch Thanh (Di Qing) [có kèm chữ Hán, chú của người dịch], một quân nhân chuyên nghiệp thuộc tỉnh Sơn Tây, một môn đệ của các binh pháp nhà Tần và nhà Hán, người đã chinh chiến qua 25 trận trong 4 năm chống lại xứ Tây hạ (Xi-xia) (63). Địch Thanh được ủy toàn quyền và đã gom góp 31,000 quân và 32 vị tướng tại tỉnh Hồ Nam. Ông trưng tập đội kỵ binh thiện chiến của bộ lạc Fan-luo [có kèm chữ Hán, chú của người dịch] từ miền Đông Bắc, đội quân được nói là “Họ có thể leo lên hay xuống núi như thể đi trên đất bằng” (64)
Vua của Đại Cồ Việt, Lý Thái Tông, đặt vấn đề hợp tác trong việc khuất phục Nông Trí Cao, đề nghị sẽ phái 20,000 quân sang đó (65). Đề nghi này khởi đầu được chấp nhận bởi viên chỉ huy quân sự tại Quế Châu (Quế Lâm). Hoàng Đế Ren Zong (Nhân Tông?) đã tham khảo với Tướng Địch Thanh là người vạch ra cho cả hai thấy sự bối rối khi phải sử dụng đến quân đội ngoại quốc và khả tính rằng quân Việt sau cùng có thể từ chối không chịu triệt thoái. Đề nghị này đã bị cự tuyệt. (66)
Địch Thanh biết rằng vũ khí tối thượng của quân Choang là khả năng di động của họ, và đã cưỡng hành kỷ luật nghiêm ngặt để che dấu các sự chuyển quân của ông. Khi một vị tướng tấn công lúc khởi đầu với đoàn quân 8,000 người, bị thất trận lần nữa, Địch Thanh đã ra lệnh xử tử viên tướng đó cùng 31 sĩ quan khác.(67) Địch Thanh cho thực hiện một cuộc di hành 25 cây số ban đêm và bao vây khu đèo then chốt Kun-lun (Côn Luân ?) phía đông bắc thành phố Yong.(68) Nông Trí Cao ưa thích một cuộc chiến tranh di động hơn là việc bị vây hãm và đã đụng độ vớI Địch Thanh tại phía bắc thành phố Yong, trong tháng Giêng năm 1054.
Quân Choang đã tấn công với đội hình cổ điển của họ, mặc đồng phục màu sắc rực rỡ, chiến đấu theo các đơn vị ba người một. Một trong hai vị chỉ huy quân Tống dưới quyền Địch Thanh đã gục ngã trong những giai đoạn khởi đầu cuộc chiến, nhưng kinh nghiệm và kỷ luật đã giúp giữ vững hàng ngũ. Đội quân được huấn luyện kỹ lưỡng của Địch Thanh đã có thể thay đổi đội hình mau chóng làm quân Choang lẫn lộn, không còn giữ được hàng ngũ. Trong khi bộ binh nhà Tống đốn chém các khiên của quân Choang bằng kiếm nặng và rìu, kỵ binh bộ lạc Fan-Luo tấn công vào hai bên cạnh sườn.(69) Quân Choang bỏ chạy, để lại số quân tử vong là 3,000 người.
Tại Yong, Địch Thanh đã xử tử Jin-shi Huang, hai thân nhân trong gia đình Nông Trí Cao, và 57 viên chức của vương quốc Choang. Địch Thanh cũng tịch thu 9 ấn tín chính thức, nhiều số lượng vàng, đồ thêu, ngựa và trâu bò.(70) Nông Trí Cao, mẹ, em, và các con trai chạy thoát, với ý định tăng cường đội quântrừ các thị tộc khác của dân Choang, và để huấn luyện chiến tranh kỵ binh vốn được chứng minh là yếu tố quyết định, đúng như anh ta đã lo sợ.
Đây là lúc cư dân gốc Hán tên Thạch chứng minh được giá trị của mình; các thị tộc Choang sẽ không tập họp để ủng họ dòng họ Nông nữa. Sự từ chối của tù trưởng họ Hoàng, Huang Shou-ling, người mà Nông Trí Cao đã đặt tin tưởng vào, là cú đấm sau cùng.
A Nông và các con trai của Trí Cao, kể cả đứa con kế ngôi của anh ta, ở lại Temo [có kèm chữ Hán, chú của người dịch] thuộc tỉnh Vân Nam, cách xa Yong bốn mươi ngày đường, cố gắng gây dựng đôi quân 3,000 người từ các thị tộc người Choang.(71) Họ bị bắt giữ trong năm 1055 bởi một lực lượng người Choang, do người Hán chỉ huy, đã đầu quân theo nhà Tống. A Nông và các đứa con trai nhỏ của Trí Cao đã bị xử tử.
Nông Trí Cao nuôi hy vọng sẽ gầy dựng được một độI quân khác tại Đại Lý, nhưng khi anh ta đến đó, Đại Lý đang ở cơn xáo trộn nội bộ và không thể nào trợ giúp anh ta. Một sự tường thuật cho hay rằng anh ta bị giết chết tại Đại Lý.(77) Tống sử chỉ nói: “Sự từ trần của anh ta không được biết rõ.”(73)
Sự kiểm soát của Hoa Hán giờ đây có thể được mổ rộng tới vùng trung tâm của người Choang. Khu vực nằm giữa sông Zuo và sông You được sáp nhập hoàn toàn vào đế quốc Trung Hoa lần đầu tiên. Người Choang vốn đã sẵn bị ảnh hưởng bởi hệ thống hành chính Trung Hoa từ lâu trước khi có sự thất trận của Nông Trí Cao. Một vài tù trưởng đã từng triều cống ba năm một lần trong thời nhà Đường. Trong năm 1027, 311 tù trưởng của vùng thượng lưu sông You đã trao tặng phẩm vật cho các giới chức thẩm quyền triều Tống.(74) Nhưng nói chung, mối quan hệ giữa các thị tộc người Choang với triều đình Trung Hoa chỉ mang tính cách nghi lễ.
Khi Nông Trí Cao chạy trốn, các tù trưởng của các thị tộc nổi dậy khác tháp tùng anh ta. Sự kiện này tạo ra một khoảng trống được lấp đầy bởi các thị tộc ủng hộ nhà Tống. Các thi tộc này, chính yếu là các dòng họ Hoàng và Cen [?],được tưởng thưởng bởi nhà Tống với những chức vụ thế tập trong hệ thống Tu-si (Thổ tù?)[có kèm chữ Hán, chú của người dịch]. Hệ thống Tu-si có nguồn gốc từ thời nhà Đường. Nó chỉ đơn giản công nhận các tù trưởng địa phương đồng thời cũng là các quan chức trong chế độ thư lại Trung Hoa, với môt quyền tự trị địa phương đáng kể.
Miền này đã khởi sự hội nhập vào nền kinh tế Trung Hoa rộng lớn hơn, khi mà miền nam Trung Hoa nói chung đã phát triển thay cho một miền bắc bị chiến tranh tàn phá. Vùng hạ lưu của sông Dương Tử, vùng Giang Nam, hưng thịnh lên. Quảng Châu trở thành trung tâm mâu dịch ngoại quốc và Quế Lâm thành một trung tâm chiến lược của vùng tây-nam.(75) Vào thời Tống, Wu-zhou (Ngô châu), Lưu Châu, Quế Châu (Quế Lâm) và Yong (Nam Ninh) đã sẵn là các trung tâm mậu dịch, (76) nhưng dưới thời những người kế nhiệm Địch Thanh, một nỗ lực đã được thực hiện nhằm mở rộng hệ thống thị trường vào vùng sâu trong nôi địa.
Ngựa miền nam, chính yếu là từ Vân Nam, có giá cao thời nhà Tống, bởi các cuộc chiến tranh nơi phương bắc đòi hỏi một nguồn thay thế số ngựa.(77) Các con lộ mua bán ngựa chạy từ Vân Nam qua Quảng Tây, và từ đó sang Việt Nam hay đến Quảng Châu. Một chủ mua ngựa cho hoàng triều trú sở tại Yong và đã thăm viếng các trại cung cấp ngựa trên các ngọn đồi nơi mà người Choang đã từng thực hiện việc mua bán trước đây.(78)
Tại Heng-shan (Hằng Sơn?), ngoài ngựa của người rợ, thuốc men, hương trầm, súc vật, và dao kiếm Vân nam cũng được trao đổi. Sự kiện dao kiếm Vân Nam được hỏi mua khi các dao kiếm bằng thép từ Wu-zhou (Ngô châu) vốn đã sẵn được coi trọng khắp đế quốc cho thấy mức độ theo đó các hệ thống thị trường địa phương được ấn định bởi yếu tố địa lý và chủng tộc. Miền nam và miền tây Quảng Tây sẽ vẫn hướng đến Việt Nam và đến Đại Lý ở Vân Namtrong một số thời điểm.(79)
Người Choang cũng mua bán các tài nguyên thiên nhiên. Sản phẩm chính của sự trao đổi là vàng cát của người Choang. Vàng nhiều đến nỗi điều được truyền tụng là các tù trưởng ở các trang trại xa xôi giữ các giỏ chứa từ 5 đến 10 đấu vàng nhằm “xua đuổi các ảnh hưởng ma quỷ”(80). Gỗ cứng từ những khu rừng dọc biên giới Việt Nam và từ các hệ thống các con sông Zuo và You được đánh giá cao, góp phần vào sự tăng trưởng kỹ nghệ đóng quan tài của Lưu Châu vốn được xuất cảng khắp đế quốc, trở thành bất hủ với câu tục ngữ: “Mặc đồ Hàng Châu, ăn đồ Quảng Châu, chết ở Lưu Chậu” Các hàng thủ công của người Choang, đặc biệt các hàng gấm dệt có thêu nhiều hoa văn được sản xuất bởi phụ nữ Choang, cũng có giá trị cao (81).
Phần lớn sự mua bán vào Trung Hoa qua tay người Choang, và ngày càng nhiều hơn xuyên qua các thương nhân gốc Hán di dân đến, đều có nguồn gốc từ Việt Nam. Jin-zhou nằm bên bờ biển Trung Hoa đã là một trung tâm nơi mà gạo và vải vóc Trung Hoa được trao đổi lấy cá, kim loại, ngà voi, kỳ hương, giấy, bút, gạo, và quần áo.(82) Việt Nam cũng là một nguồn cung cấp vàng, sản xuất nhiều vàng với phẩm chất cao hơn vàng vùng đất Choang.(83) Sự giàu có của vùng biên giới và sự mua bán thịnh đạt của nó giải thích phần nào cuộc tranh đấu lâu dài giữa Trung Hoa và Việt nam nhằm nắm quyền kiểm soát tại đó. (84)
Cuộc bình định vùng này lôi cuốn một trào lượng gia tăng số di dân gốc Hán. Thời ban đầu của nhà Tống một huyện đã đăng ký một tổng số gồm 17,760 gia đình (hộ), bao gồm cả người Choang lẫn “khách” (các di dân gốc Hán). Vào khoảng 1078-1085, cùng châu đó đã đăng ký số gia đình “khách” không thôi là 56,596 hộ. Một vài huyện dân tộc ít người trước đây không có gia đình người Hán nào đã đột nhiên bị áp đảo bởi số người nhập cư (85).
Cùng với các di dân mới là nền văn hóa Trung Hoa. Các trí thức Trung Hoa đã bắt đầu mở các trường học và học viện tại đó con cái các người Choang giữ chức vụ trong nền thư lại mới thường ghi danh theo học. Triều đình cũng ra lệnh cưỡng bách ăn mặc theo kiểu Trung Hoa. Dĩ nhiên, các chiếu chỉ về việc tiêu pha ăn mặc khởi đầu chỉ ảnh hưởng đến các người Choang mới làm việc với người Hán, nhưng các người này là tầng lớp thượng lưu của xã hội Choang, và đã ảnh hưởng đến các tầng lớp xã hội bên dưới họ (86). Đàn ông và phụ nữ bắt đầu cài cúc áo bên tay phải, đàn bà mang yếm, mặc váy thay cho quần, và các kiểu tóc cũng bắt đầu phản ảnh các kiểu thức Hán Hoa.
Trong xã hôi Choang cổ xưa sự tỏ tình là một định chế ve vãn với các cuộc hôn phối thử nghiệm, thường được giao kết bởi chính hai bên kết ước tại các buổi lễ hội định kỳ khi các thanh niên nam nữ Choang tụ họp, “cười đùa, ca hát; và lấy nhau.”(87) Giờ đây lễ nghi nghiêm ngặt của sự kết hôn được sắp xếp theo kiểu Khổng học bắt đầu xâm nhập xã hội Choang. Các tang lễ và tục lệ chôn cất cũng đến theo. Vai trò của phụ nữ bắt đầu thích nghi với các tiêu chuẩn Khổng học. Các cuộc hôn phối dị tộc trở nên một yếu tố quan trọng (88).
Các Tu-si [thổ tù?] trở thành các địa chủ phong kiến với quyền hành thực sự tuyệt đối. Sự hỗn hợp các cơ chế kiểm soát của người Hán và người Choang đã tạo ra một xã hội phong kiến bóc lột dã man, không mấy khác chế độ nông nô trắng trợn (89). Hệ thống này, mặc dù đã được sửa đổi một cách đáng kể trong thời Minh khi các quyền lực của các Tu-si bị giảm thiểu rất nhiều và giới thư lại chính ngạch được ban cho nhiều quyền kiểm soát hơn, vẫn còn tồn tại trong khuôn khổ tổng quát của nó mãi cho đến thủa ban sơ của thời Cộng Hòa.
Sự thất trận của Nông Trí Cao và sự di chuyển các thị tộc người Choang hoang dại ra khỏi vùng đất dọc biên giới Việt-Hoa đã có ảnh hưởng đến việc gia tăng quyền lực của Đại Cồ Việt. Trong năm 1054, khi Nông Trí Cao bị thất trận, vua Lý Thánh Tông lên ngôi, đổi tên nước thành Đại Việt. Bận tâm với cuộc bành trướng về phía nam xâm lấn vào đất xứ Chàm, người Việt đã không yên tâm để cho phép các tàn dư của họ Nông đe dọa biên giới phía bắc của họ. Việt Nam đã nhiều lần thông báo cho triều đình Trung Hoa về mối nguy hiểm đặt ra bởi các người họ Nông còn sống sót và đã đe dọa sẽ vượt qua biên giới để tự mình giải quyết vấn đề đó(90).
Nhà Tống cũng đang ở trạng thái hiếu chiến. Các sự cải cách của Vương An Thạch (Wang An-shi) vào lúc đó làm tăng cường cơ sở quân sự. Tại phía nam, việc sự này diễn ra dưới hình thức tuyển mộ nhiều người Choang vào các đội quân địa phương. Bước tiến này phản ảnh sự nhận thức của nhà Tống về việc các đội quân người bắc thường hay đào ngũ và dễ dàng mắc bệnh và chết đi dưới các điều kiện khổ nhọc của miền nam (91).
Phương thức để tuyển mộ vào các đội quân địa phương là đơn giản trả cho các Tu-si (thổ tù?) để họ trưng tập các thổ dân thuộc chế độ phong kiến của họ. Từ năm 1064 đến năm 1067 các viên chức nhà Tống đã tuyển mộ được hơn 50,000 binh sĩ này, được gọi bằng nhiều tên bởi người Choang nhưng thông dụng nhất là Thổ đinh (Tu-ding) [có kèm chữ Hán, chú của người dịch] đối với các sử quan Trung Hoa (92). Nhiều quân nổi dậy trước đây đã lặng lẽ quay về quê cũ, kể cả một trong những đứa con trai và một anh em của Nông Trí Cao, sau hết đã nhập ngũ (93). Sự tuyển mộ họ Nông không thôi đã nâng cao sự lo ngại của Việt Nam về các mối nguy hiểm được đặt ra bởi dòng họ Nông và bởi người Trung Hoa bảo trợ của họ.
Một vài học giả đã tranh luận rằng Vương An Thạch cũng đã trù hoạch một cuộc bành trướng sâu hơn về phía nam, lấn sang Việt Nam (94). Không rõ rằng đây có phải là các kế hoạch trước mắt của Vương An Thạch hay không, chắc chắn ông ta cực kỳ quan tâm đến việc ấn định các biên giới dễ phòng thủ, và đến việc kháng cự các sự xâm nhập của ngoại bang (95). Nhưng Vương An Thạch cũng có một sự thẩm định về các giới hạn của lực lượng như một phương sách chính trị (96), và có thể đã nhìn cuộc chiến tranh sau này với Việt Nam là có tính chất phòng thủ thuần túy.
Bất kể các ý định của người Trung Hoa và người Việt, vùng biên giớI đã không được xác định rõ ràng và dẫn đến sự tranh chấp. Dưới thời Đường, biên giới giữa An Nam và các quản hạt Quảng Nguyên vạch ra một loạt các đường uốn lượn xuyên qua đúng khu vực có người họ Nông sinh sống. Đường ranh biên giới khó có thể nào được vẽ một cách khổ sở hơn nữa, chắc chắn tạo ra các sự tranh chấp khi mà nhà Tống và nước Đại Việt củng cố các quyền lực địa phương của họ.
Nhà Tống bắt đầu tuyển mộ Thổ đinh trong năm 1064, và ngày càng quan tâm hơn đến các ý định của Việt Nam từ nằm 1067 trở đi. Sự tăng cường của nhà Tống trong vùng đã bị đối phó bởi các cuộc đột kích phủ đầu của Việt Nam, lên cao nhất với sự triệt hạ thành phố Nam Ninh (Yong: Ung) của anh hùng Việt Nam, Lý Thường Kiệt, trong năm 1076 (97). Không giống như Nông Trí Cao đã chiếm giữ nó một cách tương đối hòa bình, Việt Nam đã hạ sát khoảng từ 80,000 đến 100,000 cư dân (98). Nhà Tống đã xâm lăng Việt nam, đạt được vài chiến thắng và gánh chịu một số sự thất trận nặng nề. Trong thập niên 1080, theo sau sự thừa nhận cụa nhà Tống về sự độc lập của Việt Nam, và sau một thời gian thương thuyết kéo dài, các sự bất thường trong biên giới đời Đường đã được sửa chữa cách nào đó, dành cho Việt Nam sự kiểm soát các đỉnh núi mọc trong toàn vùng (99).
Trong khi hệ thống Thổ đinh đã ngăn chặn một cuộc xâm lăng thành công của nhà Tống vào Việt Nam, sau rốt nó đã bình định được phía bên giới Trung Hoa. Khuyết điểm của hệ thống này là sự kiện quân đội chỉ có thể được sử dụng với sự cho phép của các tù trưởng người Choang. Như Zhou Qufei, người đã sử dụng họ như các cận vệ trong các cuộc tuần tra thu thuế của ông ta, đã nói: “Các quan chức không thể nào kiểm soát dù chỉ một người, họ sống và chết theo các mệnh lệnh của các thủ lĩnh của họ.”(100) Nhưng khi các Thổ Tù người Choang hợp tác, các Thổ Đinh là một trong các đội quân xuấ