Sữa bò và kỹ thuật khai thác, bảo quản, chế biến sữa
Sữa bò và quá trình tạo thành sữa Khi nói đến sữa mà không chỉ dẫn loài gia súc nào thì phải hiểu đó là sữa bò. Đối với sữa từ một loài gia súc khác, ngoài bò cái ra, cần nêu rõ thêm tên loài gia súc đó, ví dụ sữa dê, sữa trâu. Đặc tính của sữa Cảm quan: Sữa là chất lỏng màu trắng, vàng ngà ...
Sữa bò và quá trình tạo thành sữa
Khi nói đến sữa mà không chỉ dẫn loài gia súc nào thì phải hiểu đó là sữa bò. Đối với sữa từ một loài gia súc khác, ngoài bò cái ra, cần nêu rõ thêm tên loài gia súc đó, ví dụ sữa dê, sữa trâu.
Đặc tính của sữa
Cảm quan:
Sữa là chất lỏng màu trắng, vàng ngà đến vàng nhạt, nhớt hơn nước hai lần, không mùi, không có vết bẩn và không bị nhiễm gì cả. Để nguyên sữa và sau một vài phút, các hạt chất béo tập trung trên bề mặt và hình thành một lớp kem. Sữa không đóng vón khi đun sôi.
Khi thấy màu xanh nhạt thì đó là chỉ thị của sữa giả dối, do pha thêm nước.
Vị của sữa hấp dẫn đối với đa số người, khi để sữa lâu trong các điều kiện xấu, đường lactoza trong sữa sẽ chuyển thành axit lactic và sữa sẽ có vị chua.
Thành phần hóa học của sữa gồm:
– Nước: 87,3%
– Mỡ sữa: 3,9%.
– Chất khô không mỡ: 8,8%, trong đó:
+ Protein: 3,25% (3/4 là cazein).
+ Lactoza: 4,6%.
+ Khoáng: 0,65%, gồm Ca, p, Mg, K, Na
+ Các axit: 0,18%, gồm citrate, formate, acetate, lactate.
+ Enzym gồm peroxidaza, catalaza, lipaza, photphataza.
+ Các chất khí: oxygen, nitrogen.
+ Các vitamin: A, C, D, thiamin.
Đặc tính sinh vật học:
Sữa cũng chứa các thành phần sinh vật. Đó là các tế bào có nguồn gốc từ máu, từ tuyến vú và các vi sinh vật. Ngay cả khi tuân thủ nghiêm ngặt tất cả các biện pháp vệ sinh, sữa vẫn chứa một lượng lớn tế bào (khoảng từ 100.000 – 200.000 tế bào trong 1ml sữa) và có chứa các vi sinh vật (chủ yếu là các vi sinh vật cư trú trong ống núm vú).
Khi gia súc bị bệnh viêm vú thì số lượng tế bào và số lượng các vi sinh vật trong sữa tăng lên rất mạnh, có tới hàng triệu tế bào trong 1ml sữa.
Sữa mới vắt ra luôn có chứa một số chất kháng khuẩn. Do tác động của các chất này nên sau khi mới vắt ra, số lượng các vi khuẩn trong sữa có giảm đi đôi chút. Nhưng sau đó, nếu như sữa không được bảo quản lạnh (ở 4ºC) hoặc không được xử lý ở nhiệt độ cao hoặc chế biến, thì số lượng các vi sinh vật tăng lên rất nhanh chóng, theo cấp số nhân. Bởi vì bản thân sữa là một môi trường lý tưởng cho các vi sinh vật phát triển, và như vậy có thể chỉ sau 4 – 5 giờ số sữa này phải đổ bỏ.
Chính từ đặc điểm này của sản phẩm sữa, để bảo đảm hiệu quả của chăn nuôi bò sữa, cẩn phải chú trọng đến việc bảo quản hoặc tiêu thụ sữa sau khi vắt.
Quá trình tạo sữa
Sữa được tạo ra trong bầu vú ngay sau khi gia súc cái đẻ. Như vậy, muốn có sữa phải làm cho gia súc cái chửa và đẻ. Ở bò cái, bầu vú gắn với cơ thể bằng hệ thống dây chằng và bầu vú được cấu tạo từ bốn khoang vú. Giữa các khoang vú có vách ngăn, làm cho các khoang này độc lập với nhau. Chính vì vậy, lượng sữa sản sinh ra trong các khoang vú không bằng nhau và cũng có thể một trong các khoang bị viêm nhiễm mà các khoang khác vẫn không bị ảnh hưởng.
Bên trong bầu vú là hệ thống mô tuyến, mô liên kết, hệ thống mạch máu… Mô tuyến bao gồm các nang tuyến và hệ thống ống dẫn sữa. Mỗi nang tuyến được bao phủ bên trong bởi một lớp tế bào tuyến. Chính tại các tế bào tuyến này sữa được tạo ra, đổ vào xoang tiết, sau đó được chuyển đến bể sữa qua hệ thống ống dẫn.
Tạo sữa là một quá trình sinh học phức tạp, có sự tham gia của toàn bô cơ thể. Để có được 1 lít sữa cần 400 – 800 lít máu chảy qua tuyến vú. Thực chất tạo sữa là quá trình chọn lọc những chất từ huyết tương đưa vào tuyến vú và tổng hợp nên những thành phần đặc trưng của sữa. Tức là, trong quá trình tạo sữa, một số chất từ máu thấm trực tiếp qua tuyến vú và một số chất không có trong máu được tổng hợp ngay trong tuyến vú. Phân tích thành phần của sữa và huyết tương người ta thấy sữa có nhiều chất mà huyết tương không có, như cazein, lactoza, mỡ sữa…Hàm lượng của một số chất cũng rất khác nhau, ví dụ: hàm lượng đường sữa lớn hơn hàm lượng đường huyết 90 – 95 lần, mỡ lớn hơn 19 lần, hàm lượng protein ít hơn 2 lần, vitamin ít hơn 6 lần.
Các thành phần khác nhau của sữa được tổng hợp và được đổ vào xoang tiết dưới dạng “bọng túi”. Protit sữa mà chủ yếu là cazein (chiếm 76 – 86% tổng số protit trong sữa), được tổng hợp từ các axit amin của huyết tương chuyển vào. Đường lactoza trong sữa được tổng hợp chủ yếu từ glucoza của máu (80%), còn một phần (20%) được tổng hợp từ axetat và propionat, là những sản phẩm axit béo bay hơi từ dạ cỏ vào. Mỡ sữa được tổng hợp từ axit béo mạch ngắn và từ glyxerin. Glyxerin thì tuyến vú lấy glucoza từ máu để biến thành. Còn nguồn axit béo thì 50% từ axit béo của huyết tương và 50 % lấy từ axit béo của thức ăn.
Kỹ thuật sản xuất sữa chất lượng, vệ sinh
Việc tiết và thải sữa tiến hành thông qua các phản xạ có điều kiện: nhìn thấy hình ảnh người vắt sữa, dụng cụ vắt sữa, được dẫn vào vị trí vắt sữa và đến giờ vắt sữa. Và thông qua kích thích trực tiếp lên bầu vú (rửa lau bằng nước ấm, xoa bóp bầu vú,..). Kích thích sẽ theo dây thần kinh truyền vào tuỷ sống, đến vùng dưới đồi. Dưới sự điều khiển của vùng dưới đồi, thuỳ sau tuyến yên tiết và đổ oxytoxin vào máu. Oxytoxin làm co các cơ biểu mô và đầy sữa vào bể chứa. Trong trường hợp có các kích thích đau, khó chịu (như đánh đập, xoa bóp quá mạnh, tiếng kêu thét, có đông người hoặc người lạ vào vắt sữa…) thì vùng dưới đồi điều khiển vùng tuỷ tuyến thượng thận tiết ra adrenalin, hocmôn này ngăn cản sự co bóp của các cơ biểu mô và cơ trơn, gây ảnh hưởng không tốt đến quá trình tiết và thải sữa.
Như vậy, để vắt sữa đạt hiệu quả cao, cần tuân thủ một số quy định sau đây:
– Phải luôn luôn bảo đảm cho bò trong trạng thái dễ chịu, không gây ra những biến động bất thường.
– Kích thích lên bầu vú phải nhẹ nhàng (nên dùng khăn lau thấm ướt với nước ấm 40 – 42°C lau bầu vú và xoa bóp nhẹ nhàng lên bầu vú), thời gian kích thích trong khoảng 1 – 2 phút.
-Việc vắt sữa cần luôn được tiến hành chỉ do cùng một người, vào thời gian nhất định và theo cùng một trình tự vắt sữa (nếu như có nhiều bò khai thác sữa).
– Tốc độ vắt sữa bảo đảm vừa phải, không nên quá nhanh hay quá chậm. Tốc độ vắt phải phù hợp với tần số co bóp của cơ trơn bể sữa (thông thường là 84 – 132 lần/phút). Kỹ thuật vắt sữa là yếu tố quan trọng quyết định sản lượng sữa, sau yếu tố nuôi dưỡng. Một con bò sữa tốt có thể bị hư hỏng hoặc bị loại thải do vắt sữa không đúng cách gây ra.
Người ta có thể tiến hành vắt sữa bằng máy hoặc vắt sữa bằng tay (vắt sữa thủ công), vắt sữa bằng máy không gây hại cho bầu vú, giảm nhẹ cường độ lao đông của người vắt sữa, nâng cao năng suất lao động và sản lượng sữa. Nói chung máy vắt sữa có các bộ phận chính sau đây: môtơ điện để chạy máy lúc chân không, máy hút chân không, thùng chân không, bô phận điều chỉnh chân không, đồng hồ đo áp suất, bộ phận kích động, cổ góp sữa, cốc vắt sữa, thùng đựng sữa, ống chân không.
Trong điều kiện chăn nuôi bò sữa ở nước ta, đặc biệt là những nơi chăn nuôi theo quy mô trang trại (có trên 10 bò vắt sữa), nên sử dụng máy vắt sữa kiểu cơ động trên bánh xe.
Nói chung, hiện nay máy vắt sữa vẫn còn rất ít được sử dụng. Chúng tôi trình bày kỹ về phương pháp vắt sữa thủ công.
Các công việc chuẩn bị để vắt sữa vệ sinh
Dọn vệ sinh chuồng trại:
Nếu tiến hành vắt sữa tại chuồng nuôi thì trước khi vắt sữa bắt buộc phải dọn vệ sinh chuồng cẩn thận. Đưa ra khỏi máng phần thức ăn dư thừa; dọn phân trên nền chuồng và dội rửa nên chuồng bằng nước.
Trong khi làm vệ sinh chuồng, cần tránh gây tung bụi bẩn. Bụi bẩn chứa nhiều vi sinh vật: lg bụi có thể mang theo tới 10.000.000 vi sinh vật.
Cũng có thể tiến hành vắt sữa ở 1 nơi khác, như phần phụ của chuồng hay ngoài sân chẳng hạn. Nhưng nên nhớ rằng bò sữa là gia súc có thói quen, vì vậy cần phải tránh thay đổi địa điểm vắt sữa.
Dụng cụ vắt sữa:
Không nên dùng các dụng cụ vắt sữa bằng chất dẻo vì làm vệ sinh khó khăn. Tốt nhất nên dùng các dụng cụ bằng nhôm. Tuỳ theo số lượng đàn bò khai thác sữa mà chuẩn bị đủ số lượng dụng cụ để vắt sữa và vận chuyển sữa. Thông thường cần có: xô bằng nhôm để vắt sữa, bình chứa sữa sau khi vắt và để vận chuyển và phễu lọc sữa cùng với vải màn để lọc.
Các dụng cụ này nên có đáy vát tròn, có vậy mới dễ làm vệ sinh và tránh cặn bẩn bám vào các kẽ quanh đáy. Xô vắt sữa chỉ được sử dụng để vắt sữa. Không bao giờ được dùng vào việc khác.
Tất cả các dụng cụ để vắt sữa và vận chuyển sữa phải được cọ rửa cẩn thận. Tốt nhất là dùng nước nóng và xà phòng để làm vệ sinh các dụng cụ này. Nhưng lưu ý là không dùng xà phòng thơm vì sữa sẽ bị ám mùi. Sau khi cọ rửa, gác các dụng cụ lên giá gỗ trong bóng râm cho rỏ hết nước và khô hoàn toàn mới đem sử dụng.
Vệ sinh người vắt sữa:
Việc vắt sữa tốt nhất là luôn luôn do một người tiến hành. Người vắt sữa làm việc phải nhẹ nhàng, bình tĩnh, có hiểu biết về bò sữa và yêu mến con vật, Phải là người không mắc bất kỳ một bệnh truyền nhiễm nào. Móng tay thường xuyên được cắt ngắn.
Nên sử dụng quần áo lao động trong vắt sữa và luôn luôn bảo đảm quần áo sạch sẽ. Trước khi vắt sữa, phải rửa tay với xà phòng, kỳ chải móng tay và sau đó lau khô cẩn thận bằng khăn lau sạch.
Vệ sinh thân thể bò sữa và bầu vú:
Trong trường hợp bò cái bẩn quá, cần tắm rửa trước khi vắt sữa: dùng vòi phun nước, phun rửa hai bên sườn, chân sau và bụng.
Nếu bò không bẩn lắm thì không cần tắm như nêu trên mà chỉ cần dùng một khăn mềm nhúng vào nước ấm 40 – 42°c và lau rửa bầu vú, sau đó lau khô nhẹ nhàng. Có thể nhúng khăn vào dung dịch sát trùng nhẹ như dung dịch iôt 1 – 2% chẳng hạn.
Việc lau rửa bằng nước ấm và lau khô bầu vú nhẹ nhàng sẽ kích thích tiết oxytoxin, mặt khác tránh gây thương tổn lên da bầu vú cũng như nhiễm bẩn sữa lúc vắt.
Một số bò cái có thói quen cho vắt sữa chỉ khi có mặt bê con tại đó, hoặc phải được bê con bú thúc lúc ban đầu. Cần phải tập cho bò để bỏ thói quen này bằng cách vắt sữa ngay từ những ngày đầu sau khi đẻ, không có sự hiện diện của bệ và cho bê ăn sữa trong một chiếc xô.
Phải bỏ thói quen này vì những lý do sau đây:
+ Tránh phiền phức là phải có mặt bê con mới vắt được sữa.
+ Nếu bò con đã bú thúc ta không xác định được chính xác năng suất sữa của bò cái và không thể lên khẩu phần ăn hợp lý được.
+ Bò cái cho bê bú sữa sẽ chậm động dục trở lại.
+ Môi, miệng, đầu bê con có thể bẩn và sẽ làm bẩn núm vú, bầu vú và làm vấy bẩn sữa.
+ Có thể bê con có răng dài không đều và khi mải mê bú sẽ làm tổn thương núm vú và gây ra viêm vú. Vắt sữa thủ công
Vắt sữa thủ công
Sau khi làm các thao tác chuẩn bị như đã nêu trên và sau khi rửa và xoa bóp kích thích bầu vú, cần vắt một vài giọt sữa từ mỗi núm vú vào các ca hoặc tách đáy đen để kiểm tra xem sữa có váng lợn cợn không hay sữa bình thường.
Những tia sữa đầu tiên chứa nhiều vi khuẩn và phải vắt bỏ đi, không vắt lẫn vào xô.
Sau đó tiến hành vắt sữa:
Vị trí ngồi vắt có thể là bên trái hay bên phải bò, tùy theo người vắt thuận tay trái hay tay phải. Việc vắt sữa cần tiến hành nhanh. Người vắt sữa cần sử dụng hai tay, nghĩa là vắt cà hai núm vú cùng một lúc. Người ta khuyên là nên vắt sữa theo đường chéo: bắt đầu là các núm vú trước trái – sau phải, và sau đó vắt đến các núm vú trước phải – sau trái.
Có hai phương pháp vắt sữa thủ công:
Vắt vuốt núm vú:
Có nghĩa là kéo núm vú được kẹp giữa ngón tay trỏ và ngón cái xuống phía dưới; đẩy sữa theo chiều ống núm vú cho đến khi ra khỏi lỗ mở núm vú. Phương pháp này ít nặng nhọc cho người vắt sữa, nhưng nó nguy hiểm cho bò cái. Dễ gây ra thay đổi núm vú (bị kéo dài) và thường gây rách hoặc viêm nhiễm mô tuyến vú.
Phương pháp này chỉ cho phép trong trường hợp bò cái có núm vú rất ngắn.
Phương pháp vắt nắm:
Dùng ngón cái và ngón trỏ nắm chặt phía trên núm vú làm cho sữa không trở lại bầu vú được nữa, sau đó lần lượt đóng và xiết chặt các ngón tay lại, làm cho sữa bị đẩy ra ngoài. Sau đó lại mở bàn tay cho sữa chảy xuống núm vú.
Dù sử dụng phương pháp nào thì cũng cần phải vắt kiệt bầu vú. Vắt kiệt bầu vú tránh được sữa dư trong bầu vú, tránh gây viêm nhiễm và kích thích khả năng tạo sữa cho lần vắt sau.
Phương pháp làm kiệt như sau: khi những tia sữa cuối cùng rất nhỏ và yếu ta dừng lại và dùng hai tay xoa lên bầu vú theo chiều từ trên xuống để kích thích lần nữa. Tay trái giữ phía trên bầu vú còn tay phải vắt nốt lượng sữa cuối cùng trong núm vú ra.
Sau khi đã vắt kiệt bầu vú, cần nhúng núm vú vào dung dịch sát trùng iốt 1 – 2% hoặc tốt nhất là dùng dung dịch iodamam vì dung dịch này có độ bám dính lên da, nhất là lỗ thông ống núm vú rất tốt, tạo thành một lớp màng bảo vệ núm vú.
Bảo quản sữa
Bảo quản lạnh
Như chúng ta biết, sữa là một sản phẩm giàu dinh dưỡng. Sữa mới vắt ra ở nhiệt độ 35 – 37 °C và dù chúng ta có tuân thủ chặt chẽ điều kiện vệ sinh vắt sữa đến đâu thì trong sữa vẫn luôn luôn có một lượng vi khuẩn nhất định. Các vi khuẩn này phát triển và nhân lên nhanh chóng, làm cho sữa bị chua, bị hỏng và không còn sử dụng được nữa. Chính vì vậy, trong vòng một giờ sau khi vắt, sữa phải được chế biến hoặc phải được đổ vào tăng bảo quản lạnh. Bảo quản lạnh là biện pháp hiệu quả kìm hãm sự phát triển của các vi sinh vật. Bằng cách hạ nhiệt độ của sữa xuống 3 – 5ºC, chúng ta có thể giữ sữa tươi được 1 – 2 ngày.
Ở các nước công nghiệp phát triển, tất cả các trang trại chăn nuôi bò sữa đều có các thiết bị hiện đại để bảo quản sữa. Sữa vắt ra được chuyển thẳng theo đường ống vào tăng lạnh. Sau đó, bằng các xe chuyên dụng, sữa được chuyển đến các nhà máy chế biến.
Ở các nước đang phát triển như nước ta, sản xuất sữa còn ở quy mô nhỏ, phân tán, sản lượng sữa của mỗi nông hộ và mỗi trang trại không lớn. Trong khi đó, các gia đình và các chủ trang trại khó hoặc chưa thể tự trang bị các phương tiện làm lạnh. Việc tổ chức thu gom, làm lạnh sữa theo phương thức liên kết, hiệp hội, với sự hỗ trợ của nhà nước, của các công ty chế biến sữa là một hình thức vừa mang tính thực tiễn, vừa hiệu quả.
Hiện nay, ở những vùng chăn nuôi bò sữa trọng điểm của nước ta, một số công ty chế biến sữa (Vinamilk, Foremost, Nestlé… ) và Dự án bò sữa vùng Hà Nội đã xây dựng và lắp đặt các trung tâm thu gom, làm lạnh sữa. Mỗi trung tâm có 1 – 2 tăng làm lạnh, với tổng công suất thu gom từ 1000 đến 2000kg sữa mỗi ngày. Các trung tâm thu gom và làm lạnh sữa đặt phân bố rải rác, gần với các nông hộ và trang trại chăn nuôi, đã và đang là yếu tố quan trọng hỗ trợ và thúc đẩy chăn nuôi bò sữa phát triển, đổng thời bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng sữa.
Đối với những vùng xa xôi và khó khăn, để kéo dài thời gian an toàn của sữa, trong khi phải chờ đợi chuyển đi tiêu thụ, có thể áp dụng biện pháp bảo quản lạnh đơn giản là ngâm cả bình sữa (đã đậy nắp cẩn thận) vào một bể hoặc một thùng nước đá. Trong trường hợp không có nước đá, có thể dùng nước lạnh thông thường.
Bảo quản bằng phức chất LPS
Phức chất Lactoperoxydaza (LPS) là phương tiện bảo vệ tự nhiên có sẵn trong sữa. Nó bao gồm một enzym (Lactoperoxydaza), liên kết với một anion và một lượng nhỏ Peroxyde. Phức chất này oxy hoá các cơ chất đặc trưng trên màng tế bào, dẫn đến rối loạn quá trình trao đổi chất và kết quả là vi khuẩn có thể bị chết.
Thông thường, phức chất này có tác dụng diệt các vi khuẩn Gram – và tác động kìm hãm các vi khuẩn Gram + phát triển.
Trong thực tế, để kích thích hệ thống kháng khuẩn trong sữa và kéo dài thời gian an toàn cho sữa, người ta bổ sung một lượng nhỏ (8,5 ppm) Hydrogen peroxyde (H202) và 15 ppm Thiocyanate. Lượng bổ sung này rất nhỏ và hoàn toàn không độc hại đối với người tiêu dùng sữa, nhưng có tác dụng kháng khuẩn 5 – 6 ngày (đối với loại sữa được làm lạnh) và tăng thời gian an toàn cho sữa tươi 3 – 5 giờ (đối với sữa ở nhiệt độ môi trường 30°C).
Liên đoàn sữa Quốc tế (IDF) đã tiến hành khảo nghiệm và giám định biện pháp bảo quản sữa bằng phức chất LPS. Theo IDF thì biện pháp này có hiệu quả, dễ thực hiện và phù hợp với điều kiện của các nước đang phát triển. Từ tháng 7/1991 phương pháp bảo quản này cũng đã được Uỷ ban tiêu chuẩn thực phẩm của FAO/WHO chấp nhận. Hiện nay FAO đang đề ra những biện pháp ứng dụng rộng rãi công nghệ này để thúc đẩy sản xuất sữa ở các nước đang phát triển.
Chế biến sữa thủ công
Trong trường hợp tiêu thụ không hết sữa hoặc trong trường hợp gia đình có nhu cầu tiêu dùng, có thể tiến hành chế biến ra một số sản phẩm sữa theo các cách đơn giản sau đây:
Làm sữa tươi thanh trùng
Sau khi vắt sữa, tiến hành lọc sữa qua hai lớp vải màn. Đổ sữa vào một nồi hoặc một thùng nhôm và đun cách thuỷ ở nhiệt độ 65 – 70°C trong 30 phút. Sau khi đun xong, hạ nhiệt độ xuống thật nhanh bằng cách ngâm thùng sữa vào nước lạnh. Nếu có thể cho sữa vào trong tủ lạnh thì càng tốt. Loại sữa này có thể bảo quản được 20 – 30 giờ ở 4 – 6ºC.
Chú ý là chỉ đun cách thuỷ mà không đun trực tiếp trên bếp. Đun trực tiếp làm cho sữa bị bén cháy ở đáy nồi và sữa có vị khê khét.
Làm sữa đặc có đường
Sau khi lọc sữa, tiến hành chế biến ngay. Sữa cũng được đun cách thuỷ trong nồi hoặc thùng nhôm (nếu có nồi hai lớp thì càng tốt). Nhưng lưu ý là không đổ sữa vào quá nửa chiều cao của nồi, để cho lúc sôi sữa không bị trào và lúc khuấy sữa không bị bắn ra ngoài.
Ngay từ khi đặt nồi sữa lên bếp, phải khuấy liên tục và đều tay, đều khắp mọi chỗ ở đáy nồi. Cứ đun như vây (khoảng 45 phút đến 1 giờ) cho đến khi thấy sữa sền sệt, sôi lụp hụp như nồi cơm sấp cạn (có màu trắng ngà) thì cho đường cát trắng vào, theo tỷ lệ cứ 2kg sữa tươi thì đổ vào 0,5kg đường cát trắng (và như vậy thu được 1kg sữa đặc). Tiếp tục đun và khuấy đều cho đến khi sữa đặc lại thì dừng. Sau đó làm lạnh sữa càng nhanh càng tốt. Trong lúc làm lạnh, vẫn tiếp tục khuấy cho đến khi nguội hẳn.
Loại sữa cô đặc này có thể để ở nhiệt độ thường trong vòng 3 – 5 ngày. Nếu để trong tủ lạnh có thể bảo quản được vài ba tuần lễ.
Làm bánh sữa
Cách chế biến cũng giống như chế biến sữa đặc có đường, nhưng có điểm khác là khi đến độ đặc của sữa đặc có đường, ta tiếp tục đun cho đến khi sữa dẻo quánh lại thì dừng. Đổ sữa ra và cán mỏng. Khi sữa nguội thì dùng dao cát thành những mẩu to nhờ tuỳ ỷ. Gói sữa vào giấy dầu hay giấy bóng và có thể bảo quản ở nơi khô, mát trong khoảng một tháng.