26/04/2018, 12:50

Soạn bài Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc trang 29 SBT Văn 12 tập 1...

Giải câu 1, 2, 3 trang 29 Sách bài tập (SBT) Ngữ Văn 12 tập 1. Soạn bài Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc trang 29 Sách bài tập (SBT) Ngữ Văn 12 tập 1 – Giải câu 1, 2, 3 trang 29 Sách bài tập (SBT) Ngữ Văn 12 tập 1 1. Giả sử anh (chị) phải làm một bài văn nghị ...

Giải câu 1, 2, 3 trang 29 Sách bài tập (SBT) Ngữ Văn 12 tập 1. Soạn bài Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc trang 29 Sách bài tập (SBT) Ngữ Văn 12 tập 1 –

Giải câu 1, 2, 3 trang 29 Sách bài tập (SBT) Ngữ Văn 12 tập 1

1. Giả sử anh (chị) phải làm một bài văn nghị luận để chứng minh nhận định : “Trên trời có những vì sao có ánh sáng khác thường, nhưng con mắt của chúng ta phải chăm chú nhìn thì mới thấy, và càng nhìn thì càng thấy sáng. Văn thơ của Nguyễn Đình Chiểu cũng vậy”. Theo anh (chị), trong bài văn cần nêu và làm rõ những ý chính nào ?

Trả lời:

Cần phải làm rõ 2 ý cơ bản dưới đây:

a) Nguyễn Đình Chiểu là một ngôi sao mà ánh sáng của nó không dễ nhận ra, “con mắt của chúng ta phải chăm chú nhìn thì mới thấy”. Bởi lẽ:

– Thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu có thể còn nhiều chỗ thô mộc, không thật giống với “hòn ngọc đã qua tay người thợ thiên tài” như bản dịch Chinh phụ ngâm, hay Truyện Kiều trước đó, hoặc thơ của Nguyễn Khuyến, hay Tú Xương sau đó. Chính tác giả Phạm Văn Đồng cũng thừa nhận : tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu – như Truyện Lục Vân Tiên chẳng hạn – có “đôi chỗ sơ sót về văn chương”.

– Về nội dung tư tưởng cũng như về hình thức nghệ thuật, tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu có những điểm còn xa lạ, làm cho người đọc nhiều khi cảm thấy khó hiểu, khô khan. Tác giả bài viết không phủ nhận, cũng không né tránh sự thực đó, khi ông viết những câu như : “Tất nhiên những giá trị luân lí mà Nguyễn Đình Chiểu ca ngợi, ở thời đại chúng ta, theo quan điểm của chúng ta thì có phần đã lỗi thời”.

Đấy là những lí do khiến ánh sáng của “ngôi sao” Nguyễn Đình Chiểu trên bầu trời văn nghệ không phải lúc nào và với ai cũng đều dễ thấy.

b) Nhưng điều nói trên không thể che mờ chân lí: Nguyễn Đình Chiểu là “vì sao có ánh sáng khác thường”, “và càng nhìn thì càng thấy sáng”. Có thể khẳng định chắc chắn điều đó bởi:

– Những ngôi sao sáng chói trong nền văn học của dân tộc và nhân loại luôn là “người thư kí trung thành của thời đại”. Tác phẩm của họ được coi là những “tấm gương” phản chiếu chân thực diện mạo của cuộc sống và con người trong thời đại đó. Nguyễn Đình Chiểu cũng là một nhà văn như thế: “Thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu làm sống lại trong tâm trí cùa chúng ta phong trào kháng Pháp oanh liệt và bền bỉ của nhân dân Nam Bộ từ 1860 về sau”, suốt mấy chục năm trời, “những tác phẩm đó […] quý giá ở chỗ nó […] ghi lại lịch sử của một thời khổ nhục nhưng vĩ đại !”.

– Những ngôi sao sáng của văn học luôn giúp người đọc từ chỗ nhận ra và yêu quý lẽ sống đẹp đẽ nhất của thời đại, biết tham gia vào cuộc đấu tranh vì một lí tưởng chân chính và cao quý của đất nước và con người, về mặt này, Nguyễn Đình Chiểu cũng không phải là ngoại lệ : “Không phải ngẫu nhiên mà thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu, một phần lớn là những bài văn tế, ca ngợi những người anh hùng suốt đời tận trung với nước, và than khóc những người liệt sĩ đã trọn nghĩa với dân”; “Nguyễn Đình Chiểu cũng như nhiều bậc hiền triết ngày xưa ở phương Đông hoặc phương Tây, vẫn để lại cho đời sau những điều giáo huấn đáng quý trọng”; “các nhân vật của Lục Vân Tiên : Lục Vân Tiên, Nguyệt Nga, Tiểu đồng… là những người đáng kính, đáng yêu, trọng nghĩa khinh tài, trước sau một lòng, mặc dầu khổ cực, gian nguy, quyết phấn đấu vì nghĩa lớn”.

Nguyễn Đình Chiểu đã nêu cao hai trong số các tình cảm tốt đẹp và lớn lao nhất của con người: yêu nước và thương dân. Ông đã dùng ngòi bút để chiến đấu cho lẽ phải, và với ông, lẽ phải chỉ có thể gắn liền cùng đất nước, nhân dân.

– Đã là ngôi sao sáng trong văn học thì tác phẩm không thể không có giá trị nghệ thuật cao. Như đã nói ở trên, về mặt hình thức văn chương, tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu không tránh khỏi ít nhiều hạn chế. Song những hạn chế đó không ngăn tác giả viết nhiều câu văn, câu thơ rất hay trong Truyện Lục Vân Tiên, tác phẩm được đánh giá là “bản trường ca thật là hấp dẫn từ đầu đến cuối”. Hoặc trong Xúc cảnh, bài thơ đẹp tựa “những đoá hoa, những hòn ngọc rất đẹp”, Và nhất là trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc; ở đó, “ngòi bút, nghĩa là tâm hồn trung nghĩa của Nguyễn Đình Chiểu đã diễn tả, thật là sinh động và não nùng, cảm tình của dân tộc đối với người chiến sĩ của nghĩa quân, vốn là người nông dân, xưa kia chỉ quen cày cuốc, bỗng chốc trở thành người anh hùng cứu nước”.

2. Giả sử có bạn thắc mắc : Bài viết của Phạm Văn Đồng được viết để ca ngợi Nguyễn Đình Chiểu trong tư cách một ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc. Vậy tại sao tác giả lại đưa vào bài viết nhiều kiến thức đáng lẽ phải thuộc môn Lịch sử ? Một số không nhỏ các bài cáo, bài hịch, bài thơ được trích dẫn cũng không phải của Nguyễn Đình Chiểu. Liệu bài viết có vì thế mà trở nên không thật chặt chẽ hay không ? Anh (chị) sẽ trả lời thắc mắc đó thế nào ?

Trả lời:

Cần làm rõ :

a) Trong bài viết, quả có không ít những kiến thức lịch sử, cũng như các sáng tác thơ văn không phải của Đồ Chiểu. Do đó, nhận xét nêu trong bài tập không phải không có căn cứ.

b) Tuy nhiên, không thể từ đấy mà đi đến kết luận rằng tác giả của bài nghị luận “hình như có phần lan man”, không chặt chẽ. Bởi vì:

– Trước hết, tác giả không hề sao nhãng chủ đề chính của bài viết là nói về Nguyễn Đình Chiểu như một ngôi sao sáng của nền văn nghệ dân tộc. Toàn bài viết rõ ràng đã tập trung làm nổi bật những giá trị lớn lao của nhà văn (về cuộc đời, con người, quan điểm viết văn, làm thơ) cùng các sáng tác của ông (Truyện Lục Vân Tiên và thơ văn yêu nước).

– Mặt khác, Phạm Văn Đồng đã phân tích thơ văn Nguyễn Đình Chiểu trên cái nền lịch sử và văn hoá thời đại. Đó là phương pháp luận khoa học mà tác giả đã vận dụng một cách sâu sắc và chặt chẽ. Chính Phạm Văn Đồng từng quan niệm, văn học nghệ thuật là sự hiểu biết, khám phá và sáng tạo đối với hiện thực. Nếu có thể ví tác phẩm văn học với một bông hoa, thì bông hoa văn chương chỉ có thể nở ra từ cái cây đời sống. Cho nên, không hiểu đời sống, không thể hiểu đúng, đánh giá đúng văn chương. Ngược lại, đã tách khỏi đời sống, đã không quan tâm đến cái là hoàn cảnh, là môi trường sống, là nơi đã sinh ra một tác phẩm văn thơ, thì sự nhận thức về tác phẩm văn thơ đó khó tránh khỏi trở nên khô héo.

Vì thế, những kiến thức về hoàn cảnh lịch sử mà Phạm Văn Đồng đưa vào trong bài viết có hai tác dụng:

+ Làm cho tác phẩm hiện lên trong mối liên hệ máu thịt cùng đời sống, nhờ thế, những tác phẩm trở nên sống động, có linh hồn, chứ không nhợt nhạt, không đơn thuần chỉ là chữ nghĩa.

+ Làm cho nhiều ý nghĩa của tác phẩm được lí giải sáng rõ hơn. Ví như, từ việc tái hiện một cách sinh động hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ, Phạm Văn Đồng có thể giúp người đọc hiểu được vì sao phần lớn thơ văn yêu nước của một con người như Nguyễn Đình Chiểu phải “là những bài văn tế, ca ngợi những người anh hùng suốt đời tận trung với nước, và than khóc những người liệt sĩ đã trọn nghĩa với dân” ; hoặc vì sao tác giả Truyện Lục Vân Tiên lại “cố ý viết một lối văn “nôm na”, dễ hiểu, dễ nhớ”.

– Tương tự thế, với việc đặt tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu trên cái nền của văn chương thời ấy, Phạm Văn Đồng có thể làm cho những áng thơ văn đó mang được không khí và hơi thở của văn học thời đại bấy giờ ; và từ đó, khiến diện mạo của chúng càng thật hơn, tươi mới và sinh động hơn. Đấy là còn chưa kể, bằng thao tác so sánh (ví dụ, giữa Bình Ngô đại cáo và Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc), những nét đặc sắc của thơ văn Nguyễn Đình Chiểu càng được biểu hiện rõ ràng.

3. Tìm những ví dụ chứng tỏ rằng tác giả Phạm Văn Đồng đã viết bài Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc không chỉ bằng trí tuệ của một người luôn suy nghĩ sâu xa về quá khứ và hiện tại của đất nước, mà còn bằng một trái tim đang tràn ngập niềm hứng khỏi lớn lao.

Trả lời:

Cần nhận thấy :

– Phạm Văn Đồng đã viết về Nguyễn Đình Chiểu không chỉ bằng một lí trí sâu sắc mà còn bằng tất cả sức mạnh của bầu máu nóng đang chảy mạnh mẽ trong trái tim và trong huyết quản của một chiến sĩ cách mạng yêu thiết tha dân tộc và đất nước của mình. Tác giả đã cố gắng thể hiện tình yêu ấy trong từng dòng chữ. Bài viết, do đó, vừa có sự tỉnh táo, lại vừa có sự say mê.

– Có thể thấy rõ những dấu hiệu ngôn ngữ của niềm say mê ấy qua :

+ Những câu văn giàu sắc thái biểu cảm, nhiều câu trong số đó kết thúc bằng dấu cảm (dấu chấm than). Chẳng hạn như : “[…] những tác phẩm đó, ngoài những giá trị văn nghệ, còn quý giá ở chỗ nó soi sáng tâm hồn trong sáng và cao quý lạ thường của tác giả, và ghi lại lịch sử của một thời khổ nhục nhưng vĩ đại !” hay : “Có lẽ dưới suối vàng, linh hồn của Nguyễn Đình Chiểu và những nghĩa quân lúc bấy giờ, ngày nay phần nào đã được hả dạ !”,…

+ Những từ ngữ biểu hiện niềm cảm xúc đang dâng trào, không thể kìm nén, bao gồm cả cảm xúc chung của mọi người và cảm xúc, ấn tượng, kỉ niệm riêng của cá nhân người viết được đưa vào trong một số lớn các câu văn, làm cho những nội dung trong đó được chiếm lĩnh không chỉ bằng trí tuệ mà còn bằng – và nhất là bằng – tình cảm. Ví dụ : “Hồi tưởng cuộc chiến đấu anh dũng vô song của dân tộc Việt Nam ta ở Nam Bộ lúc bấy giờ, ruột gan chúng ta đau như cắt xé” ; “Ngòi bút, nghĩa là tâm hồn trung nghĩa của Nguyễn Đình Chiểu đã diễn tả, thật là sinh động và não nùng, cảm tình của dân tộc đối với người chiến sĩ của nghĩa quân” hay : “Tôi không nhớ tôi đọc Lục Vân Tiên lúc nào, song đến nay tôi còn thuộc lòng nhiều vần thơ rất hay”…

0