26/04/2018, 12:50

Phong cách ngôn ngữ khoa học trang 45 SBT Văn 12 tập 1: Giải câu 1, 2, 3,4,5,6...

Giải câu 1, 2, 3,4,5,6 trang 45 Sách bài tập (SBT) Ngữ Văn 12 tập 1. Soạn bài Phong cách ngôn ngữ khoa học trang 45 Sách bài tập (SBT) Ngữ Văn 12 tập 1 1. Bài tập 1, trang 76, SGK. Bài Khái quát văn học Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến hết thế kỉ XX (trong Ngữ văn 12, tập 1) ...

Giải câu 1, 2, 3,4,5,6 trang 45 Sách bài tập (SBT) Ngữ Văn 12 tập 1. Soạn bài Phong cách ngôn ngữ khoa học trang 45 Sách bài tập (SBT) Ngữ Văn 12 tập 1

1. Bài tập 1, trang 76, SGK.

Bài Khái quát văn học Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến hết thế kỉ XX (trong Ngữ văn 12, tập 1) là một bản khoa học. Hãy cho biết:

a) Văn bản đó trình bày những nội dung khoa học gì?

b) Văn bản đó thuộc ngành khoa học nào?

c) Ngôn ngữ khoa học ở dạng viết của văn bản đó có đặc điểm gì dễ nhận thấy? (Chú ý hệ thống đề mục từ lớn đến nhỏ, các thuật ngữ khoa học…

Trả lời:

Bài tập yêu cầu nhận xét về một văn bản khoa học thuộc loại văn bản giáo khoa. Đây là văn bản được viết mạch lạc, rõ ràng theo từng phần, từng mục. Lần lượt nhận xét theo câu hỏi ở đề bài:

a) Văn bản đó trình bày nội dung khoa học về văn học Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến hết thế kỉ XX. Nội dung khái quát được chia tách thành nhiều phương diện như hoàn cảnh lịch sử xã hội, văn hoá, quá trình phát triển và những thành tựu chủ yếu của văn học giai đoạn này, những đặc điểm cơ bản…

b) Văn bản đó thuộc ngành khoa học xã hội và nhân văn (hoặc khoa học xã hội, hoặc khoa học ngữ văn). Điều đó thể hiện qua nội dung khoa học trên đây, đồng thời thể hiện qua hình thức ngôn ngữ, như dùng nhiều thuật ngữ khoa học xã hội và nhân văn: văn học, nhà văn, sáng tác, tác phẩm, ngôn ngữ…

c) Một số đặc điểm của văn bản ở dạng viết: hệ thống đề mục từ lớn đến nhỏ và có đánh số thứ tự chặt chẽ ; dùng nhiều thuật ngữ khoa học ; dùng nhiều kiểu chữ khác nhau tuỳ thuộc nội dung biểu đạt; dùng cách đóng khung một số phần…

2. Bài tập 2, trang 76, SGK.

Giải thích và phân biệt thuật ngữ khoa học với từ ngữ thông thường qua các ví dụ sau trong môn Hình học: điểm, đường thẳng, đoạn thẳng, mặt phẳng, góc, đường tròn, góc vuông…

Trả lời:

Bài tập này yêu cầu giải thích và phân biệt những thuật ngữ khoa học có nguồn gốc từ từ ngữ thông thường. Mỗi từ ngữ chỉ có một hình thức âm thanh và kiểu cấu tạo nhưng nghĩa trong khoa học (khái niệm khoa học) và nghĩa trong cách dùng thông thường hằng ngày không hoàn toàn giống nhau, cần phân biệt để dùng đúng trong từng phong cách ngôn ngữ

– Phong cách ngôn ngữ khoa học và phong cách ngôn ngữ sinh hoạt. Ví dụ : đoạn thẳng.

– Trong ngôn ngữ sinh hoạt hằng ngày : đoạn thẳng chỉ một đoạn không cong queo, không gấp khúc, không uốn lượn về một chiều nào…

– Trong văn bản khoa học (Hình học): đoạn thẳng là đoạn ngắn nhất nối liền hai điểm. Đó là nghĩa của thuật ngữ Hình học.

Đối với các từ ngữ khác cũng cần so sánh, phân biệt và giải thích như vậy.

3. Xác định các thuật ngữ khoa học và khái niệm mà chúng biểu hiện trong phần trích văn bản khoa học sau đây:

Như vậy dù hiểu văn hoá theo nghĩa nào – làm cho đẹp hơn hay làm cho có trình độ cao hơn – thì kinh doanh cũng gắn với văn hoá. Theo C. Mác sự sáng tạo theo những nguyên tắc của cái đẹp là một quy luật của lao động và các hoạt động của con người. Dù làm việc gì hay chế tạo ra cái gì con người cũng muốn làm cho đẹp. Đó là một dấu hiệu quan trọng đánh dấu sự tiến hoá của con người so với con vật. Mĩ hoá hay văn hoá theo nghĩa đó là quy luật phổ biến của hoạt động con người bao gồm các hoạt động lao động sản xuất cụ thể và các hoạt động phi vật thể, trong đó có hoạt động kinh doanh.

(Lê Ngọc Trà, Văn chương, thẩm mĩ và văn hoá, NXB Giáo dục, 2007)

Trả lời:

Phần trích dẫn là một đoạn văn trong một công trình khoa học chuyên sâu, khảo cứu về văn hoá.

Do đó trong đoạn văn sử dụng nhiều thuật ngữ khoa học : văn hoá, nghĩa, kinh doanh, sự sáng tạo, nguyên tắc, cái đẹp, quy luật, lao động, hoạt động, con người, chế tạo, dấu hiệu, sự tiến hoá, con vật, mĩ hoá, phi vật thể.

Có thuật ngữ được hình thành từ từ ngữ thông thường của ngôn ngữ sinh hoạt (như cái đẹp là một thuật ngữ ngành khoa học xã hội và nhân văn nhưng đã có từ lâu trong ngôn ngữ hằng ngày : cái nết đánh chết cái đẹp), có thuật ngữ được tạo ra trong lĩnh vực khoa học (như sự tiến hoá). Điều cần chú ý là khi dùng trong lĩnh vực khoa học thì các từ ngữ đó phải dùng theo nghĩa khái niệm khoa học.

4. Hãy phân tích và nhận xét về kết cấu câu văn sau đây trong một văn bản khoa học:

Mặc dù cho đến nay loài người chưa vượt ra khỏi hệ Mặt Trời và chỉ mới khẳng định ở thời điểm hiện tại trong hệ Mặt Trời chỉ ba hành tinh có sự sống, trong đó sự sống trên Quả Đất đạt trình độ cao nhất nhưng chúng ta có căn cứ để tin rằng sự sống trong vũ trụ là phố biến, và đến ngày nào đó thì việc tiếp nhận tín hiệu ngoài Quả Đất, đón tiếp khách từ vũ trụ sẽ không còn là mơ ước mà là hiện thực.

(Trần Bá Hoành – Nguyễn Minh Công, Sinh học 12, NXB Giáo dục, 2006)

Trả lời:

Đây là một câu văn khá dài trong văn bản khoa học (còn gọi là kiểu câu trường cú). Câu văn gồm nhiều bộ phận, nhiều thành phần ngữ pháp ở các tầng bậc khác nhau, tạo nên một cấu trúc phức tạp. Nhưng nhờ các (quan hệ từ, các dấu câu và do được tổ chức mạch lạc nên câu văn vẫn biểu hiện sáng rõ tư tưởng khoa học. Chính kết cấu phức tạp của câu văn cũng phù hợp với sự biểu hiện những mối quan hệ trừu tượng, đa diện của nội dung. Đó là một đặc điểm của ngôn ngữ khoa học.

a) Cấp độ thứ nhất, câu văn được phân tích thành hai vế có quan hệ nhượng bộ tăng tiến phối hợp vói quan hệ đối lập :

– Vế 1: Mặc dù…  cao nhất

– Vế 2 : nhưng… hiện thực

b) Cấp độ thứ hai, tách trong mỗi vế các thành phần ngữ pháp thấp hơn :

– Vế 1:

+ Trạng ngữ: cho đến nay + Chủ ngữ: loài người

+ Vị ngữ: chưa vượt ra khỏi… và chỉ mới khẳng định… có sự sống + Phần chú thích : trong đó… đạt trình độ cao nhất

– Vế 2:

+ Chủ ngữ: chúng ta

+ Vị ngữ : có căn cứ để tin rằng… là hiện thực. Trong vị ngữ này có phần phụ sự sống… là hiện thực bổ sung ý nghĩa cho động từ tin rằng.

5. Nhận xét về đặc điểm sử dụng phương tiện ngôn ngữ (từ, kiểu câu) của câu văn thuộc phong cách ngôn ngữ khoa học sau đây:

Nếu hai tam giác có các cạnh tương ứng bằng nhau từng đôi một thì hai tam giác ấy bằng nhau.

Trả lời:

Trong câu văn đó có những phương tiện ngôn ngữ đặc trưng cho phong cách khoa học:

– Dùng các thuật ngữ toán học: tam giác, cạnh, bằng nhau.

– Kiểu câu ghép có 2 vế chỉ điều kiện (giả thiết) và kết quả (Nếu… thì…). Nó thể hiện một lập luận : có luận cứ (điều kiện) và kết luận (kết quả).

6. Văn bản sau đây thuộc phong cách ngôn ngữ nào ?

Muốn tìm diện tích hình thang,

Đáy nhỏ, đáy lớn ta mang cộng vào.

Rồi đem nhân với chiều cao,

Chia đôi lấy nửa, lẽ nào còn sai.

Trả lời:

Văn bản tuy viết theo văn vần, nhưng vẫn thuộc phong cách ngôn ngữ khoa học chứ không phải phong cách ngôn ngữ nghệ thuật, vì:

– Có nội dung thông tin khoa học (cách tính diện tích hình thang), phục vụ mục đích khoa học.

– Dùng nhiều thuật ngữ khoa học : diện tích, hình thang, đáy nhỏ, đáy lớn, cộng, nhân, chiều cao, chia.

– Các thuật ngữ khoa học thì biểu hiện khái niệm khoa học, còn toàn văn bản thì thể hiện quy tắc khoa học về tính diện tích hình thang. Cả các khái niệm và cả quy tắc đều mang tính trừu tượng, khái quát và tính chính xác cao.

– Tuy viết theo dạng văn vần, nhưng văn bản không có tính hình tượng và trung tính về biểu cảm (khác với văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ nghệ thuật).

0