24/06/2018, 17:19

Ôn tập lịch sử Việt Nam từ năm 1930 đến năm 1945 (Phần 1) – Lịch sử 12

Câu 1: Chứng minh phong trào cách mạng 1930-1931 mang tính cách mạng triệt để,có quy mô rộng lớn và hình thức đấu tranh quyết liệt? Đảng cộng sản Việt Nam ra đời đã kịp thời lãnh đạo phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân, mở đầu là phong trào cách mạng 1930-1931 với tính ...

Câu 1: Chứng minh phong trào cách mạng 1930-1931 mang tính cách mạng triệt để,có quy mô rộng lớn và hình thức đấu tranh quyết liệt?

Đảng cộng sản Việt Nam ra đời đã kịp thời lãnh đạo phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân, mở đầu là phong trào cách mạng 1930-1931 với tính chất cách mạng triệt để, có quy mô rộng lớn và hình thức đấu tranh quyết liệt :

– Tính cách mạng triệt để :
+ Phong trào đấu tranh đã nhằm vào 2 kể thù cơ bản là bọn thực dân và phong kiến tay sai.
+ Trước sức mạnh của phong trào đấu tranh, chính quyền của dịch bị tê liệt, tan rã ở nhiều huyện xã thuộc Nghệ An và Hà Tĩnh.

– Có quy mô rộng lớn :
+ Từ tháng 2- 4/1930, nổ ra nhiều cuộc đấu tranh của công nhân và nông dân.
+ 5/1930, nhiều cuộc đấu tranh của quần chúng nổ ra trên khắp cả nước nhân ngày quốc tế lao động 1/5.
+ Các tháng 6,7,8 liên tiếp nổ ra các cuộc đấu tranh của công nhân, nông dân,… trên khắp cả nước.
+ Tại Nghệ Tĩnh, phong trào dấu tranh của quần chúng phát triển mạnh mẽ nhất, quyết liệt nhất với nhiều cuộc biểu tình của nông dân (9-1930), hàng nghìn người kéo đến huyện lị, tỉnh lị đòi giảm sưu thuế ở các huyện Thanh Chương, Nam Đàn,.. ( Nghệ An), Kỳ Anh (Hà Tĩnh),.. được công nhân Vinh- Bến thủy hưởng ứng.
+ Tiêu biểu là cuộc đầu tranh của khoảng 8000 nông dân (12-9-1930) ở huyện Hưng Nguyên-Nghê An kéo đến huyện lị phá nhà lao, đốt huyện đường, vây lính khố xanh,….

– Hình thức đấu tranh quyết liệt :
+ Quần chúng đấu tranh từ mít tinh, biểu tình, biểu tình thị uy đến đấu tranh nửa vũ tranh để tấn công địch, phá nhà lao, đốt huyện đường,…
+ Đặc biệt, tại Nghệ An và Hà Tĩnh quần chúng đã đấu tranh vũ trang cướp chính quyền địch và thành lập chính quyền cách mạng ( Xô viết ).

—-> Phong trào cách mạng 1930-1931 của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng đã thể hiện khả năng lãnh đạo tài tình của Đảng, cũng như quyền lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng nước ta. Mở ra bước phát triển mới của cách mạng Việt Nam.

Câu 2: Những bài học rút ra từ cách mạng 1930-1931 là gì?

Phong trào CM 30 – 31 là cao trào CM đầu tiên do ĐCS VN phát động lãnh đạo đã dành được những thắng lợi to lớn. Đây là cao trào CM rộng lớn có quy mô toàn quốc mang tính chất CM triệt để và có hình thức đấu tranh quyết liệt với đỉnh cao là Xô viết Nghệ tĩnh. Cao trào tuy tồn tại chỉ được gần 2 năm nhưng đã để lại những ý nghĩa lịch sử to lớn đối với CMVN.
– Cao trào CM 30 – 31 với đỉnh cao là  Nghệ tĩnh là bước thắng lợi đầu tiên của CM VN, mở đầu 1 thời kỳ đấu tranh CM mới của nhân dân ta, nó có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ tiến trình phát triển về sau của CM VN.

– Qua cao trào CM 30 – 31 đã khẳng định trên thực tế những nhân tố cơ bản đầu tiên đảm bảo cho thắng lợi của CM giải phóng dân tộc ở VN.
+ Khẳng định rằng CM muốn thắng lợi trước hết phải có sự lãnh đạo của 1 Đảng CM chân chính – Đảng theo CN Mác – Lê nin mang lập trường của giai cấp Công nhân là người đại biểu cho toàn thể nhân dân lao động.
+ Khẳng định phương hướng của CM giải phóng dân tộc là đúng đắn, đường lối chính trị mà Đảng vạch ra là thích hợp, đáp ứng đúng nguyện vọng thiết tha của quần chúng nhân dân lao động. Đường lối đó là ngọn đuốc soi đường chỉ lối đưa CMVN đi lên.
+ Qua phong trào chứng tỏ năng lực tổ chức và lãnh đạo của ĐCS vượt hơn hẳn các tổ chức yêu nước khác. Uy tín của Đảng được nâng lên trong quần chúng, đã tự khẳng định vai trò lãnh đạo và năng lực tổ chức trong thực tiễn.

– Cao trào CM 30 – 31 phát triển mạnh đã dẫn tới sự thành lập Xô viết nghệ tĩnh. Đây là hình thức chính quyền Nhà nước công nông đầu tiên ở Việt Nam. Tuy chỉ tồn tại trong thời gian ngắn nhưng chính quyền Xô viết đã để lại ấn tượng sâu sắc trong quần chúng Cách mạng, có tác dụng cổ vũ khích lệ nhân dân tiến lên.
Chính quyền Xô viết trở thành biểu tượng về lòng tin và sức mạnh của quần chúng công nông.
– Qua thực tiễn lãnh đạo cao trào CM 30 -31 Đảng ta đã trưởng thành nhanh chóng và sớm khẳng định uy tín và đại vị của mình trong ptrào CS và CNQT.
Ngày 11/4/1931 QTCS đã ra quyết định công nhận ĐCS Đông Dương là 1 chi bộ độc lập trực thuộc QTCS. Được sánh vai cùng các Đảng anh em khác.

Qua cao trào CM 30 – 31 đã để lại cho Đảng ta những bài học kinh nghiệm quí báu để về chỉ đạo CM về sau:
+ Bài học về thời cơ CM.
+ Bài học về xây dựng khối liên minh công nông.
+ Bài học về điều hành chính quyền.
+ Bài học về kết hợp 2 nhiệm vụ chống ĐQ và chống PK.
Với những ý nghĩa to lớn trên cao trào CM 30 – 31 thực sự là 1 cuộc tổng diến tập lần thứ nhất chuẩn bị cho sự thắng lợi của CMT8 sau này.
Phong trào đã để lại cho Đảng ta nhiều bài học quý báu về công tác tư tưởng, về xây dựng khối liên minh công nông và mặt trận dân tộc thống nhất, về tổ chức và lãnh đạo quần chúng đấu tranh,…

Câu 3: Vì sao phong trào cách mạng 1930- 1931 là cuộc diễn tập đầu tiên chuẩn bị cho thắng lợi của cách mạng tháng Tám 1945?

1.Cao trào cách mạng 1930-1931 là cuộc tổng diễn tập đầu tiên của Cách mạng Tháng 8-1845.
-Cao trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô Viết-Nghệ Tĩnh là một phong trào quần chúng tự giác và rộng lớn chưa từng có ở Đông Dương, tiến công vào dinh luỹ của chủ nghĩa đế quốc và bọn tay sai. ảnh hưởng của cao trào vang dội khắp Đông Dương và các thuộc địa. Đây là cuộc tổng diễn tập đầu tiên do Đảng ta lãnh đạo , là bước cần thiết chuẩn bị cho thắng lợi Cách mạng Tháng 8/1945.

+Cao trào cách mạng 1930-1931 khẳng định những nhân tố bảo đảm cho thắng lợi cách mạng Việt Nam.
+Trước hết, cao trào khẳng định đường lối cách mạng Việt Nam do Đảng vạch ra là đúng đắn. Đó là đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội , là đường lối cách mạng chống đế quốc và chống phong kiến triệt để.
+Cao trào đem lại cho công nhân, nông dân và nhân dân lao động nước ta niềm tin vững chắc vào đường lối cách mạng giải phóng giai cấp , giải phóng dân tộc do Đảng ta lãnh đạo .
+Cao trào đã “Khẳng định trên thực tế quyền lãnh đạo , năng lực lao động cách mạng của giai cấp công nhân mà đại biểu là Đảng ta”.
+Cao trào đã xây dựng được khối liên minh công nông trong thực tế. Lần đầu tiên giai cấp công nhân sát cánh cùng giai cấp nông dân vùng dậy chống đế quốc và phong kiến , thành lập chính quyền Xô Viết.

+Cao trào cách mạng 1930-1931 rèn luyện đội ngũ đảng viên quần chúng và đem lại cho họ niềm tin vững chắc vào sức mạnh và năng lực sáng tạo của mình.
+Cao trào cách mạng 1930-1931 và Xô Viết Nghệ Tĩnh là bước phát triển nhảy vọt của cách mạng Việt Nam, là cái mốc đánh dấu sự trưởng thành của Đảng ta.
-Là cuộc tổng diễn tập lần thứ nhất để tiến tới tổng khởi nghĩa tháng 8/1945.
+Bài học kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ chống đế quốc chống phong kiến thực hiện độc lập dân tộc và người cày có ruộng.
+Xây dựng khối liên minh công nông làm nền tảng cho việc mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất.
+Xây dựng chính quyền cách mạng , chính quyền Xô Viết công nông.
+Bài học về xây dựng Đảng ở nước thuộc địa nửa phong kiến .

Câu 4:Nguyên nhân nào dẫn đến sự bùng nổ của phong trào cách mạng 1930 – 1931?

* Về kinh tế:

Do bị đế quốc và phong kiến áp bức bóc lột nặng nề, thêm vào đó thời kì 1929 – 1933 thế giới lại diễn ra cuộc khủng hoảng kinh tế của TBCN, làm cho đời sống của nhân dân càng thêm khốn khổ. Mâu thuẫn xã hội càng gay gắt, khiến cho nhân dân ta nhận thấy chỉ còn một con đường là vùng lên đấu tranh chống ách áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến.

* Về chính trị:

Đầu năm 1930, cuộc khởi nghĩa Yên Bái của Việt Nam Quốc dân đảng bùng nổ và thất bại. Lợi dụng cơ hội này bọn đế quốc Pháp đẩy mạnh chính sách khủng bố trắng đối với cách mạng. Hàng nghìn người bị bắt, tra tấn, tù đày. Tình hình đó làm cho không khí chính trị ở Đông Dương vốn đã căng thẳng lại càng thêm căng thẳng.

+ Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời:

Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đề ra hai khẩu hiệu chiến lược: “Độc lập dân tộc” và “Ruộng đất dân cày”. Hai khẩu hiệu này đã đáp ứng nguyện vọng của đại đa số nhân dân, nhất là nông dân. Đảng đã kịp thời lãnh đạo nhân dân ta đấu tranh chống đế quốc Pháp và phong kiến tay sai giành độc lập, tự do.

Từ ba nguyên nhân trên dẫn tới sự bùng nổ phong trào cách mạng 1930-1931 ở nước ta, trong đó Đảng ra đời và lãnh đạo là nguyên nhân cơ bản nhất, quyết định sự bùng nổ phong trào.

Câu 5: Trình bày những nét chính về diễn biến của phong trào cách mạng (1930 – 1931)?

– Tháng 2 – 1930 đã nổ ra cuộc bãi công của 3 000 công nhân đồn điền cao su Phú Riềng.

– Trong tháng 4-1930 nổ ra các cuộc bãi công của công nhân nhà máy sợi Nam Định, nhà máy cưa Bến Thủy, nhà máy xi măng Hải Phòng, đồn điền cao su Dầu Tiếng. Phong trào đấu tranh của nông dân đã nổ ra ở Hà Nam, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tình v.v… Truyền đơn, cờ đỏ búa liềm của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xuất hiện trên các đường phố Hà Nội và ở một số địa phương khác.

– Đặc biệt, nhân ngày Quốc tế Lao động (1-5-1930), lần đầu tiên công nhân và các tầng lớp nhân dân Đông Dương tỏ rõ dấu hiệu đoàn kết với vô sản thế giới và biểu dương lực lượng của mình: khắp nơi đã xuất hiện nhiều truyền đơn, cờ Đảng, mít tinh, bãi công, biểu tình, tuần hành v.v… Các cuộc đấu tranh của công nhân đã nổ ra ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Hòn Gai, cẩm Phả, Vinh – Bến Thủy, Sài Gòn – Chợ Lớn, v.v… Các cuộc đấu tranh của nông dân cũng nổ ra ở Thái Bình, Hà Nam, Kiến An, Nghệ An, Hà Tình, Quảng Ngãi, Bình Định và trên khắp các tỉnh Nam Kì.

Câu 6: Phong trào đấu tranh của công nhân và nông dân Nghệ -Tĩnh diễn ra như thế nào?

– Nghệ – Tĩnh là nơi phong trào phát triển mạnh mẽ nhất. Tháng 9-1930, phong trào công nông đã phát triển tới đỉnh cao. Khẩu hiệu đấu tranh chính trị được kết hợp với các khẩu hiệu kinh tế.

– Các cuộc đấu tranh diễn ra quyết liệt, quần chúng tổ chức tuần hành thị uy, biểu tình có vũ trang tự vệ, tấn công vào cơ quan chính quyền địch ở địa phương. Công nhân Vinh – Bến Thủy bãi công để ủng hộ
phong trào nông dân và phản đối chính sách khủng bố” của Pháp.

Câu 7: Vì sao phong trào đấu tranh ở Nghệ – Tĩnh lại lên cao?

Sở dĩ phong trào đấu tranh ở Nghệ Tĩnh dâng cao như vậy là vì bên cạnh những nét chung, Nghệ Tĩnh có những nét riêng:

– Đây là vùng đất nghèo lại bị ánh thống trị của đế quốc và phong kiến áp bức bóc lột nặng nề.

– Nơi đây có truyền thống cách mạng.

– Các tổ chức cộng sản và cơ sở Đảng ở đây khá mạnh.

– Có điều kiện thuận lợi cho liên minh công nông vì ở đây các cơ sở công nghiệp như Vinh – Bến Thủy là những trung tâm phát triển.

Câu 8: Chính quyền Xô viết Nghệ – Tĩnh đã thực hiện những chính sách gì?

– Về chính trị: kiên quyết trấn áp bọn phản cách mạng, đồng thời thực hiện các quyền tự do dân chủ cho nhân dân.

– Về kinh tế: bãi bỏ các thứ thuế do đế quốc và phong kiến đặt ra, chia lại ruộng đất công cho nông dân, bắt địa chủ giảm tô, xóa nợ.

– Về văn hóa: khuyến khích nhân dân học chữ Quốc ngữ, bài trừ mê tín dị đoan và các hủ tục v.v…

– Về xã hội: các tổ chức quần chúng đều phát triển mạnh. Việc tuyên truyền giáo dục ý thức chính trị cho quần chúng qua hội nghị, mít tinh, sách báo cách mạng được tổ chức rộng rãi. Mỗi làng đều có tổ chức các đội tự vệ vũ trang, nhờ đó trật tự trị an làng xóm được bảo đảm, nạn trộm cướp không còn.

Câu 9:  Phong trào cách mạng 1930 – 1931 với đỉnh cao là Xô viết Nghệ – Tĩnh có ý nghĩa như thế nào?

-Phong trào cách mạng 1930 – 1931 với đỉnh cao là Xô viết Nghệ – Tĩnh chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn nhưng có ý nghĩa lịch sử to lớn.

– Phong trào khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng đáp ứng được nguyện vọng cơ bản của quần chúng là “Độc lập dân tộc” và “Ruộng đất dân cày”.

– Phong trào đã khẳng định quyền lãnh đạo và năng lực lãnh đạo của giai cấp công nhân, Đảng Cộng sản Đông Dương đối với cách mạng Đông Dương.

– Từ phong trào, khối liên minh công nông được hình thành, công nhân và nông dân đã đoàn kết trong đấu tranh cách mạng.

– Phong trào cách mạng 1930 – 1931 khẳng định sự trưởng thành của giai cấp công nhân Việt Nam nên được đánh giá cao trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Quốc tế Cộng sản đã công nhận Đảng Cộng sản Đông Dương là phân bộ độc lập, trực thuộc Quốc tế Cộng sản.

– Phong trào cách mạng 1930 – 1931 để lại cho Đảng ta nhiều bài học quý báu về công tác tư tưởng, về xây dựng khối liên minh công nông và mặt trận dân tộc thống nhất, về tổ chức, lãnh đạo quần chúng đấu tranh.

– Phong trào có ý nghĩa như cuộc tập dượt đầu tiên của Đảng và quần chúng cho Tổng khởi nghĩa tháng Tám sau này.

Câu 10: Từ 1930 – 1945 vấn đề dân tộc ở Đông Dương đã được giải quyết như thế nào?

– Bán đảo Đông Dương gồm 3 quốc gia dân tộc, có quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời, cùng đoàn kết chống kẻ thù chung. Tuy nhiên việc giải quyết vấn đề dân tộc ở Đông Dương trong thời kỳ 1930 – 1945 đã có những cách thức khác nhau.
– Khi mới ra đời, Đảng CS Việt Nam chủ trương lãnh đạo cách mạng dân tộc, đoàn kết mọi lực lượng trong dân tộc Việt Nam để lật đổ ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc và tư sản thành lập chính phủ công, nông, binh. Từ tên Đảng đến việc tập hợp lực lượng dân tộc và việc thành lập chính quyền được giải phóng trong khuôn khổ một quốc gia Việt Nam.

– Từ tháng 10/1930 vấn đề dân tộc được nhìn nhận trong phạm vi toàn Đông Dương, vì thế Đảng Cộng sản được đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương nhằm lãnh đạo nhân dân Đông Dương hoàn thành các nhiệm vụ của cuộc cách mạng tư sản dân quyền rồi tiếp tục tiến lên Chủ nghĩa Xã hội.
Ngày 18/11/1930 Đảng ra chỉ thị thành lập Hội phản đế Đồng Minh Đông Dương nhằm tập hợp lực lượng trên toàn Đông Dương. Kể từ đây vấn đề dân tộc được giải quyết ở cả 3 nước Đông Dương, thể hiện ở chủ trương thành lập mặt trận dân chủ Đông Dương (1936 – 1939) Mặt trận thống nhất nhân dân Phản đế Đông Dương (11/1939). Hình thức chính quyền được dự kiến là liên bang Cộng hoà Đông Dương, tức là một chính quyền chung cho cả xứ Đông Dương.

– 5/1941, hội nghị TW8 chủ trương giải quyết vấn đề dân tộc trong phạm vi từng nước ở Đông Dương, thành lập ở mỗi nước một mặt trận riêng, Việt Nam độc lập đồng minh, Ai lao độc lập đồng mimh, Khơ me độc lập đồng minh, thực hiện tập hợp lực lượng trong từng quốc gia …, đoàn kết trong nội bộ từ dân tộc, đồng thời cũng đoàn kết 3 dân tộc chống kẻ thù chung.
Vấn đề chính quyền cũng được giải quyết trong từng nước. Riêng ở Việt Nam sẽ thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, lấy lá cờ đỏ sao vàng 5 cánh làm lá cờ toàn quốc.

– Như vậy việc giải phóng vấn đề dân tộc ở Đông Dương đã trải qua những bước khác nhau với những nhận thức khác. Khi thì trong khuôn khổ từng nước khi thì trong phạm vi toàn Đông Dương, trong đó chủ trương giải quyết vấn đề dân tộc trong khuôn khổ từng nước là đúng đắn, nhằm thực hiện quyền dân tộc tự quyết, phát huy sức mạnh mỗi dân tộc trong cuộc đấu tranh từ giải phóng mình, làm thất bại những luận điệu xuyên tạc của kẻ thù về vấn đề dân tộc, đồng thời tạo điều kiện đoàn kết 3 dân tộc chống kẻ thù chung.

– Đến đại hội 2 của Đảng (2/1951) cuộc cách mạng của 3 nước Đông Dương có bước phát triển mới -> yêu cầu của cách mạng từng nước là phải thành lập một Đảng Mác – Lê Nin riêng có cương lĩnh phù hợp, tách Đảng cộng sản Đông Dương thành lập ở mỗi nước Đông Dương một đảng cách mạng riêng. Ở Việt Nam thành lập Đảng lao động Việt Nam (2/1951). Ở Lào thành lập Đảng nhân dân cách mạng Lào (1955) CPC thành lập Đảng nhân dân cách mạng Cam Pu Chia 1951.

Phần tiếp theo:

Phần 2:Ôn tập lịch sử Việt Nam từ năm 1930 đến năm 1945 (Phần 2) – Lịch sử 12

Phần 3:Ôn tập lịch sử Việt Nam từ năm 1930-1945 (Phần 3) – Lịch sử 12

Những chuyên mục hay của Lịch sử lớp 12:

  • Giải bài tập Sách giáo khoa môn Lịch sử lớp 12
  • Câu hỏi ôn tập môn Lịch sử lớp 12
  • Đáp án môn Lịch sử lớp 12
  • Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 12
0