Nuôi vịt sinh sản
Vịt xiêm đẻ theo 2 chu kỳ: Chu kỳ 1 từ 26 tuần, kéo dài 6-7 tháng. Sau đó nghỉ đẻ 2-3 tháng. Chu kỳ 2 từ tuần 64, kéo dài 5-6 tháng. Chọn vịt sinh sản Vịt mái có màu lông đặc trưng của giống, đạt trọng lượng 2,5 – 2,7 kg, thân hình cân đối, lông óng mượt, mào đỏ tươi, bụng mềm, lỗ huyệt ướt, ...
Vịt xiêm đẻ theo 2 chu kỳ: Chu kỳ 1 từ 26 tuần, kéo dài 6-7 tháng. Sau đó nghỉ đẻ 2-3 tháng. Chu kỳ 2 từ tuần 64, kéo dài 5-6 tháng.
Chọn vịt sinh sản
Vịt mái có màu lông đặc trưng của giống, đạt trọng lượng 2,5 – 2,7 kg, thân hình cân đối, lông óng mượt, mào đỏ tươi, bụng mềm, lỗ huyệt ướt, vùng xương chậu nở rộng. Vịt trống có trọng lượng 4,4 – 4,5 kg, dáng hùng dũng, ức rộng, mào đỏ, có phản xạ tốt khi kiểm tra gai giao cấu, gai giao cấu có màu hồng sáng, dài 3 – 4 cm. Tỷ lệ ghép 1 trống cho 4-5 mái, trống dự phòng 5%. Nên luân chuyển trống giữa các hộ chăn nuôi để tránh đồng huyết.
Chuồng nuôi vịt sinh sản
Chuồng nuôi vịt sinh sản cũng tương tự như chuồng nuôi vịt hậu bị, có sân chơi, bãi chăn thả. Trong chuồng nuôi đặt ổ đẻ có kích thước 0,4 x 0,4 x 0,2 m, mỗi ổ đẻ cho 4 – 5 vịt cái. Thường xuyên quét dọn, vệ sinh chuồng, máng ăn máng uống, ổ đẻ. Bể tự tạo phải thay nước hàng ngày cho vịt tắm.
Máng ăn, máng uống có thể bố trí ở sân chơi hay trên bãi chăn thả bảo đảm đủ chỗ đứng ăn. Nước sạch uống tự do sao cho đảm bảo 300 – 500 ml/con/ngày.
Mật độ chuồng nuôi đảm bảo 3 – 4 con/m2 nền chuồng, diện tích sân chơi gấp đôi nền chuồng.
Chăm sóc và nuôi dưỡng
Thức ăn
Kết hợp lúa với thức ăn hỗn hợp sao cho hàm lượng protein trong thức ăn là 16 – 18 % và mức ME 2700 – 2800 Kcal/kg. Lượng thức ăn tinh theo năng suất trứng, khi đẻ rộ vịt cái ăn 160 – 170g/con/ngày, vịt đực 190 – 200 g/con/ngày. Nếu có sẵn thức ăn tươi như cua, còng, ốc, trùn đất có thể giảm lượng thức ăn hỗn hợp. Hàng ngày cung cấp rau xanh hay bèo cho vịt ăn với lượng 150 – 200 g/con/ngày. Tận dụng được thức ăn tươi xanh sẵn có tại địa phương sẽ giảm được đáng kể chi phí thức ăn.
Chế độ chiếu sáng
Khi vịt đẻ rộ thời gian chiếu sáng cần 14 – 15 giờ/ ngày ở chu kỳ 1, và tăng lên 16 – 17 giờ/ngày ở chu kỳ 2. Thắp sáng bổ sung vào buổi tối với bóng 75 W/15 m2 chuồng nuôi. Bóng tròn treo cách nền chuồng khoảng 2,5 m.
Nhặt trứng và bảo quản
Tập cho vịt đẻ trong ổ ngay từ đầu trứng sẽ được đẻ trong ổ sạch, không bị dơ. Nhặt trứng thường xuyên 3-4 lần/ngày. Chọn trứng đủ tiêu chuẩn để ấp, đó là trứng có kích thước trung bình, vỏ láng đều, trứng dơ ít có thể rửa bằng nước muối ấm hoặc lau nhẹ bằng cồn, trứng dính nhiều bùn đất, trứng ướt phải loại bỏ vì dễ bị thối.
Trứng bảo quản lạnh ở nhiệt độ khoảng 18°c có thể bảo quản trong vòng 1 tuần. Nhiệt độ 23 – 30°c thời gian bảo quản 3 – 4 ngày. Trứng xếp nằm ngang và đảo trứng hàng ngày trong quá trình bảo quản nhằm tránh dính và giết phôi.
Quy trình phòng bệnh
Trong 3 ngày đầu cho vịt uống nước có pha vitamin ADE và B tổng hợp để tăng sức đề kháng cho vịt. Cho uống kháng sinh phòng bệnh đường ruột. Chích vaccin dịch tả lần 1 vào lúc 12 tuần tuổi, lần 2 lúc 21 – 22 tuần tuổi trước khi vịt vào đẻ kỳ 1, lần 3 lúc 62 – 64 tuần tuổi trước khi vào kỳ đẻ 2.