23/05/2018, 15:08

Họa Mi là giống chim dữ

Nhiều người chưa hề thấy con chim Họa Mi lần nào, cứ tưởng tượng con chim có giọng hót thật hay mà người đời thường ca tụng này chắc là đẹp lắm. Trong trí tưởng tượng, chắc ai cũng cho rằng Họa Mi phải có bộ lông với nhiều màu sắc tuyệt đẹp, và đó chắc là con chim hiền lành nhất, dễ thương nhất. ...

Nhiều người chưa hề thấy con chim Họa Mi lần nào, cứ tưởng tượng con chim có giọng hót thật hay mà người đời thường ca tụng này chắc là đẹp lắm.

Trong trí tưởng tượng, chắc ai cũng cho rằng Họa Mi phải có bộ lông với nhiều màu sắc tuyệt đẹp, và đó chắc là con chim hiền lành nhất, dễ thương nhất.

Nếu trí tưởng tượng của ai đó càng phong phú thì khi được tận mắt thấy được con Họa Mi bằng xương bằng thịt, chắc chắn họ sẽ…ngỡ ngàng, nếu không nói là tuỵệt vọng!

Phải nói là nhìn bên ngoài, Họa Mi chỉ là con chim tầm thường về vóc dáng, nhất là bộ lông màu vàng sẫm, như màu áo nâu cũ sắp sờn rách của một người nhà quê chân lấm tay bùn của thuở xa xôi nào đó. Cặp mắt tuy được viền trắng như chim Vành Khuyên, và phía trên cũng là một ngấn trắng khiến đuôi mắt dài ra, nhưng cũng không tô điểm được gì cho vẻ đẹp của con chim tăng phần rạng rỡ ra cả.

Nhan sắc chim Họa Mi chỉ tầm thường có vậy. Thế nhưng nhờ tài hót hay đá giỏi, nên từ xưa Họa Mi được ở trong lồng son, trong gác tía các cung đình của các vua chúa, vì đây là giống chim của giới vương giả, quí tộc chứ không phải của giới bình dân!

Trong vườn ngự uyển của các vua chúa Trung Hoa, và của Việt Nam, cs treo nhiều lồng chim hót, nhưng chỉ có Họa Mi là được nuôi nhiều nhất.

Ngày nay, Họa Mi là con chim của đại chúng chứ không thuộc riêng một giai cấp nào. Nó không phải là giống chim khó nuôi, già trẻ lớn bé gì cũng nuôi được cả, miễn là biết chút ít kỹ thuật nuôi dưỡng là được.

Người ta nuôi Họa Mi vì nó có giọng hót thật hay, khó có giọng chim hót rừng nào bì kịp. Nó cũng có tài đấu đá mà chắc chắn ai được chứng kiến một lần thì sẽ nhớ mãi đến cả đời. Nhất là được chứng kiến trận đấu giữa hai con chim thuộc loại… “kỳ phùng địch thủ”.

Phải nói chim Họa Mi là giống chim dữ, thật dữ.

Sau mùa thaỵ lông, chim Họa Mi nào cũng bắt đầu căng lửa, chúng có thể cất tiếng hót cả ngày mà cơ hồ không biết mỏi mệt! Nếu gặp một đối thủ xứng tay, hai chim sẽ gân cổ lên mà hót như hét thẳng vào mặt nhau, như nạt nộ nhau, vì con nọ cố gắng dùng giọng hót hay của mình đẻ đè con kia ngậm miệng cho bằng được! Quả thật chim nào yếu lửa tất sẽ bị đè, và từ đó chỉ biết lơ láo đứng nhìn chứ không dám há mỏ hót một câu nào nữa cả.

Nếu chủ nuôi không xách lồng đi nơi khác thì con chim thất thế sẽ hoảng vía hoảng hồn luôn, từ đó về sau hễ nghe giọng chim kia hót lên là nó lại hoảng sợ liên tiếp nhảy lồng như cố tìm đường chạy trốn!

Giọng chim Họa Mi thường lảnh lót, vừa ngân vang tỏ rõ được uy quyền sang cả cho nên ai nghe cũng thích, và ai cũng chuộng nuôi. Con chim đã tỏ rõ được tính ý dữ dằn của nó qua giọng hót với nhiều làn điệu vô cùng phong phú, càng nghe càng thích; dù người khó tính đến đâu cũng không thể chê bai được. Nhưng, Họa Mi không những chỉ dữ ở giọng hót mà còn ở cả tính háu đá của nó nữa.

Khi căng lửa, hễ gặp chim lạ treo gần là hai con hướng vào nhau mà bay nhào tới hậm hực như muốn đọ sức với nhau ngay. Chúng bay lên cầu cất cao giọng hót như tỏ lời thách dấu với nhau, rồi lại nhảy xuống bổ lồng cắn lên cắn xuống tỏ sự bứt rứt khó chịu… Và, nếu được đá với nhau thì cả hai chim đều nhất loạt tung cả hai chân về phía trước, cố nắm cho được chân cẳng hay đầu cổ kẻ thù mà bấu chặt, khóa chặt lại không cho nhúc nhích cục cựa. Trong khi đó cái mỏ cứng và nhọn của nó cứ nhắm vào các phần da thịt, và những nơi yếu huyệt của đối phương mà mà lia lịa cho đến khi mệt mỏi mới chịu tạm buông ra.

Con chim bị một trận đòn nhừ tử như vậy thì chỉ còn gượng mà bò lết. Thế nhưng, giống chim này háu đá lắm! Con thắng tếe thì hăng hái đã đành, nhưng con thất thế cũng cố “thua keo này bày keo khác” vậy! Chúng lại lăn xả vào nhau cố tung đòn, tung thế ra mà khóa, mà mổ với nhau một cách chí tử.

Nhìn hai con Họa Mi đấu đá vơi nhau, không ai là không phục tài của chúng. Trước hết là phải khen con chim có sức mạnh phi thường, đấu đá từ hiệp này sang hiệp khác mà cơ hồ không biết mệt. Kế đó, cũng phải khen đến sự lì đòn của chúng. Những cú mổ, cú đạp, khiến lông mình rơi rụng, mặt mày trầy xước, chân cẳng hầm giập nhiều chỗ máu me. Có nhiều con ngón chân bị giập, móng chân bị sứt ra khiến máu nhỏ xuống thành giọt đọng vũng, thế mà chúng do say máu nên không biết đau, cứ hùng hục xông vào mà cấu xé,…

Điều sau cùng người xem phải thán phục chim Họa Mi nữa là sự khôn ngoan, quyền biến của nó trong cách ra đòn, gỡ thế một cách tài tình. Chúng còn biết ăn miếng trả miếng, biết trả đòn đúng lúc, vừa chính xác vừa nhanh lẹ, y như hai võ sĩ thứ thiệt đang biểu diễn võ thuật vậy.

Trong kỳ thi đá, có nhiều con Họa Mi được gọi là vô địch, vì nó lần lượt hạ được cả chục đói thủ tài ba mà không một lần bị thua. Với chim vô địch này hễ đá là thắng. Thắng từ trận này sang trận khác, đến khi không còn chim nào đấu đá nổi nữa mới thôi.

Nhưng chim đá thua, chắc chắn là do thiếu sức kém lài, nhưng hầu hết là thua trong danh dự. Chúng nó cũng ra sức đấu đá hết mình, cũng làm cho đối phương nhiều phen xiểng niễng, chứ đâu phải rụt cổ để chịu thua một cách dễ dàng.

Chính vì Họa Mi có biệt tài như vậy cho nên từ xa xưa nó mới được nhiều người chuộng nuôi. Con Họa Mi nuôi hót cũng có hùng khí của con chim hót, mà con chim nuôi đá cũng có tài uy lực kiên cường toát ra từ dáng vóc đến cử chỉ hay nhảy mạnh bạo của nó…

Vì vậy, những con chim nổi tiếng hót hay, và những con chim thắng trận oanh liệt đều được nhiều người hết lời khen ngợi và lúc nào cũng được nhắc nhở tới. Công lao của chú chim tuy nhiều, nhưng kể ra cũng không thấm tháp gì trước giải thưởng sáng giá do chim quí mang về. Đó là phần thưởng tinh thần quí giá đối với nghệ nhân nuôi chim, nhờ đó mà quên đi được những nhọc nhằn suốt những tháng ngày dài phải khổ công tập luyện cho con chim quí.

0