23/05/2018, 15:44

Những hiện tượng sinh lí không bình thường của cây nho

Nho không ra hoa Hiện tượng nho không ra hoa hoặc ra hoa rất ít sau khi cắt cành có biểu hiện khác nhau tùy theo giống. Giống nho Anab-e-Shahi có biểu hiện rõ nhất. Ở Ninh Thuận, giống nho đỏ Cardinal cũng có hiện tượng này. Đó là do cây không phân hóa được mầm hoa hoặc mầm hoa bị chết sau khi đã ...

Nho không ra hoa

Hiện tượng nho không ra hoa hoặc ra hoa rất ít sau khi cắt cành có biểu hiện khác nhau tùy theo giống. Giống nho Anab-e-Shahi có biểu hiện rõ nhất. Ở Ninh Thuận, giống nho đỏ Cardinal cũng có hiện tượng này. Đó là do cây không phân hóa được mầm hoa hoặc mầm hoa bị chết sau khi đã phân hóa. Nguyên nhân của hiện tượng này chủ yếu do chế độ dinh dưỡng, sau đó là thời tiết.

Cả 3 nguyên tố dinh dưỡng chính là đạm, lân và kali đều cần cho sự ra hoa của cây nho. Thiếu đạm làm giảm lượng diệp lục dẫn đến ra hoa không đều hoặc không ra hoa. Ngược lại nếu thừa đạm làm sinh trưởng quá mạnh cũng hạn chế ra hoa. Lân có tác dụng thúc đẩy sự hình thành mầm hoa. Trong các nguyên tố vi lượng thì sắt, kẽm và bo rất quan trọng trong việc hình thành hoa, đặc biệt là kẽm. Theo Srosi (1968), hàm lượng kẽm trong lá có quan hệ trực tiếp với năng suất nho. Đủ kẽm làm tăng tỉ lệ chồi mang quả. Khai thác quá mức liên tục tới 3 vụ một năm làm cây nho suy yếu cũng gây ra hiện tượng ít hoa và rụng quả nhiều.

Thời tiết nóng ẩm và mưa nhiều cũng làm chết mầm hoa. Sâu bệnh gây hại làm cây suy yếu cũng hạn chế ra hoa.

Sự hình thành các chất điều hòa sinh trưởng trong cây cũng ảnh hưởng đến sự ra hoa. Ở thời kỳ trước khi ra hoa nếu hàm lượng Auxin cao sẽ kích thích việc tạo ra Etylen, thúc đẩy sự hình thành hoa trong cây nho. Ngược lại, nếu hàm lượng Gibberellin (GA3) cao thì sự hình thành hoa bị kìm hãm. Lượng Cytokinin cao cũng kích thích sự hình thành chồi mang hoa. Trong thực tế người ta cũng sử dụng các chất ức chế sinh trưởng (Choloromequat) và Cytokinin để xử lý thúc đẩy nho ra hoa.

Rụng nụ, hoa và quả

Hiện tượng rụng nụ, hoa và quả cũng là hiện tượng phổ biến trên nhiều giống nho ở các nước, nhiều trường hợp quả chín cũng vẫn bị rụng, ở Ninh Thuận, giống nho đỏ Cardinal bị rụng nhiều ở giai đoạn nụ, hoa và quả non, ít rụng khi quả chín. Hoa bị rụng thường là hoa không hoàn hảo, hạt phấn ít hoặc yếu, bầu nhụy phát triển không đầy đủ. Sự rụng này phụ thuộc vào giống nho, bón đạm nhiều làm tỉ lệ C/N thấp cũng tăng tỉ lệ rụng. Theo Bindra và Singh, hàm lượng cao của các chất ức chế sinh trưởng trong cây như axit ascorbic làm hoa và quả non rụng nhiều, do thúc đẩy sự hình thành tầng rời ở cuống hoa quả. Các chất Cytokinin như Adenine, Kinetin làm chậm sự lão hóa và hạn chế hình thành tầng rời nên giảm rụng hoa quả.

Để hạn chế rụng nụ, hoa và quả người ta thường cung cấp thêm chất bo và phun các chất kích thích sinh trưởng nhóm Auxin như IAA, IBA, NAA. Thường phun Borat natri nồng độ 0,01% trước khi hoa nở khoảng 7 ngày và lúc hoa nở hoàn toàn. Phun Sulfat kẽm (ZnSƠ4) nồng độ 0,05-0,1% hai lần vào thời điểm trước khi nở hoa và khi hình thành quả hoàn toàn cũng có tác dụng hạn chế rụng hoa, quả.

Thời tiết quá nóng hoặc quá ẩm do mưa nhiều vào thời kỳ nở hoa cũng gây rụng hoa. Có thể khắc phục bằng phun nước chống nóng và điều chỉnh mùa vụ cắt cành để thời kỳ ra hoa lệch với thời gian thường xảy ra điều kiện thời tiết bất thuận hoặc dùng giống nho có sức chống chịu cao.

Hiện tượng nho “kéo râu”

Trên giàn nho thường thấy những cụm hoa rất nhỏ đeo bên cạnh tua cuốn, người trồng nho gọi là hiện tượng nho “kéo râu”. Nguyên nhân chủ yếu là do ở giai đoạn chuẩn bị phân hóa mầm hoa bị thiếu lân và kali. Bón nhiều đạm và bón muộn kích thích sự sinh trưởng của ngọn cũng hạn chế sự phát triển của hoa. Có thể khắc phục một phần hiện tượng này bằng các biện pháp như ngắt ngọn, bón thêm kali, phun phân bón lá có nhiều lân, kali và chất vi lượng (nhất là kẽm và sắt) hoặc phun chất điều hòa sinh trưởng Auxin, Cytokinin.

Quả nho “cầm màu”

Đó là hiện tượng quả nho không chín được, có khi để thêm trên giàn tới một vài tháng vẫn không chuyển màu. Quả nho bị cầm màu giá bán thấp hơn nhiều so với nho có màu đẹp. Ở Ninh Thuận thấy rằng quả nho chín vào thời gian có nhiệt độ không khí cao như các tháng 5-6-7 thường hay bị cầm màu. Nguyên nhân có thể là do nhiệt độ cao ảnh hưởng đến sự tạo thành ethylen là chất gây nên sự chín. Ngoài ra bón phân không thích hợp và để số quả quá nhiều cũng gây nên hiện tượng quả chậm chín.

Khắc phục hiện tượng này bằng tỉa bỏ các chùm hoa quá nhỏ và các quả bị dẹt, bón hoặc phun lên lá phân có nhiều kali vào thời điểm quả nho sắp chín, phun nước hoặc phun Ethrel khi có một số quả bắt đầu chín chuyển màu. Ngoài ra cần chú ý trừ mối và tuyến trùng để bảo vệ bộ rễ nho.

Hiện tượng nứt quả

Nguyên nhân gây nứt quả thường là do thời tiết quá khô hoặc quá ẩm khi quả bắt dầu chín, do sâu và nhện gặm vỏ quả và bệnh hại, nhất là bệnh phấn trắng (Uncinula necator). Biện pháp khắc phục là nên tưới nước vừa phải trong mùa khô, bón gốc hoặc phun lên lá các loại phân nhiều kali khi quả sắp chín, chú ý phòng trừ sâu bệnh kịp thời. Ngoài ra phun các chất điều hòa sinh trưởng Auxin và Cytokinin cũng hạn chế một phần nứt quả.

0