18/06/2018, 15:39

Lịch sử trang phục Châu Âu

Valentine Vu Anh Ho Nguyen Fashion Lecturer Raffles International College, HCMC Đế Chế La Mã Phương Đông Bối cảnh lịch sử Thủ đô của Đế Chế La Mã là Constantinople, một thành phố Hy Lạp được Hoàng Đế La Mã là Constantine chọn lựa vào năm 330 ...

frank

Valentine Vu Anh Ho Nguyen
Fashion Lecturer 
Raffles International College, HCMC  
Đế Chế La Mã Phương Đông
 
Bối cảnh lịch sử
 
Thủ đô của Đế Chế La Mã là Constantinople, một thành phố Hy Lạp được Hoàng Đế La Mã là Constantine chọn lựa vào năm 330 để trở thành thủ đô của phần phía đông Đế Chế  La Mã. Nằm tại cửa Biển Đen, thành phố này và những vùng đất lân cận nắm quyền chi phối cả thương mại đường thủy lẫn đường bộ giữa phía Tây và Trung Á, Nga, và Viễn Đông. Đồng thời, thành phố này cũng được dãy núi Balkan hiểm trở bảo vệ khỏi những thổ dân xâm lược, những người tràn qua Rome và bán đảo Ý.
byzantine 1056
Như là kết quả tất yếu, Constantinople đã trở thành thủ phủ của nền kinh tế Địa Trung Hải cho tới năm 1200. Nhưng ngoài việc đảm bảo sự tồn tại của thành phố, vị trí địa lý cũng mang lại không ít những thay đổi về tính chất cho thành phố này. Nằm tại giao điểm của Đông và Tây, thành phố này và đế chế mà nó làm thủ đô trở thành nơi hội tụ văn hóa và nghệ thuật Đông Tây phong phú. Về trang phục, người ta có thể thấy điều này phản ánh qua sự tiến hóa từ từ của phong cách La Mã với sự thêm thắt ngày càng tăng các yếu tố Đông Phương.
 
Trong suốt quá trình lịch sử, Đế Chế La Mã liên tục chìm ngập trong chiến tranh với hàng loạt các kẻ thù: Ba Tư, Ả Rập, Bungari, Avars, Thổ Nhĩ Kỳ Seljuk và cuối cùng là Thổ Nhĩ Kỳ Ottaman. Thậm chí quân Thập Tự Chinh cũng trở thành kẻ thù của đế chế này. Vào cuộc Thập Tự Chinh Thứ Tư, quân Thập Tự Chinh không thể chi trả khoản tiền mà người Venice đòi để vận chuyển họ đến Vùng Đất Thánh. Sau khi thương thuyết, quân Thập Tự Chinh đồng ý sẽ chiếm thành Zara cho người Venice. Nhưng sau khi chiếm được Zara, họ vẫn thiếu tiền thanh toán cho chuyến đi tới Jerusalem. Bị người Venice thúc ép trả nợ, quân Thập Tự Chinh phải chấp nhận yêu sách của một người muốn chiếm ngôi Hoàng Đế La Mã để đổi lấy lượng tiền mặt cần thiết nếu quân Thập Tự chinh giúp ông ta chiếm Constantinople. Quân Thập Tự Chinh bắt buộc tuân theo, nhưng khi người ấy nuốt lời hứa trong cuộc thỏa thuận năm 1204 thì quân Thập Tư Chinh chiếm luôn Constantinople, cướp bóc thành phố, phá hủy các tác phẩm viết tay và các công trình văn hóa nghệ thuật vô giá khác rồi lập ra Đế Chế Thập Tự Chinh. Vào năm 1261, một vị hoàng đế La Mã đã chiếm lại được Constantinople nhưng thời kỳ hoàng kim của đế chế này không còn nữa. Đế Chế La Mã bị thu hẹp chỉ nhỉnh hơn một bang của Balkan. Đời sống nghệ thuật và văn hóa của thành phố được hồi sinh, nhưng nguy cơ bị Thổ Nhĩ Kỳ xâm lược vẫn còn đó. Cuối cùng, vào năm 1453, người Thổ Nhĩ Kỳ Ottoman đã chiếm được Constantinople và hủy diệt hoàn toàn đế chế này.
 
trang phuc chau au 1
Công nghệ sản xuất vải
 
Những người La Mã đã biết dệt ra những tấm vải đẹp. Từ thế kỷ thứ 4 cho đến thứ 6, vải linen và len đã là những loại chất liệu vô cùng thông dụng. Việc sản xuất ra các loại tơ lụa vẫn còn là bí mật được người Trung Quốc nắm giữ đầu tiên, sau đó tới người Hàn Quốc và Nhật Bản. Dần dần kiến thức sản xuất tơ lụa bắt đầu lan tràn sang phương tây. Các lái buôn đã mang tơ lụa và có thể là cả tơ thô tới Hy Lạp và Rome trước thế kỷ thứ nhất trước công nguyên, nhưng việc sản xuất lụa vẫn còn vô cùng hạn chế. Những nhà sử học La Mã cho rằng vào thế kỷ thứ 6 có hai nhà sư đã mang bí quyết của nghề nuôi tằm đến cho hoàng đế La Mã. Họ không chỉ học được cách làm cho tằm đẻ trứng, phát triển, cách cho tằm ăn, mà còn lén mang theo rất nhiều trứng tằm từ Trung Quốc sang trong một cái ống tre rỗng.
 
Từ thời điểm này cho tới thế kỷ thứ 9 khi người Hy Lạp ở Sicily cũng bắt đầu sản xuất tơ lụa, người La Mã độc quyền sản xuất tơ lụa cung cấp cho toàn bộ phía Tây của thế giới. Hoàng đế La Mã đã rất biết tận dụng lợi thế độc quyền này của mình bằng cách lấy một mức giá thật cao, vì vậy chỉ những người giàu nhất mới có khả năng mua được loại vải này. Gấm dệt tại La Mã đặc biệt được thèm khát. Những thiết kế dùng làm hoa văn của loại gấm này thường là các hoa văn Ba Tư nguyên bản. Những đề tài trong Thiên Chúa Giáo cũng được mô tả trên những tấm vải gấm có hoa văn phức tạp. Khi được may thành quần áo hoặc thành màn treo tường, những loại vải cao cấp này có thể được trang hoàng với những viên đá quý hoặc bán quý, những mảnh sứ nhỏ hình trái tim, họa tiết thêu, và/hoặc những miếng đính.
Chế độ Quân Chủ Phong Kiến.
 
Chế độ phong kiến phát triển do nhu cầu cần được bảo vệ khi đế chế Carolingian sụp đổ dưới sự tấn công của người Vikings, Magyars và Saracens. Chính phủ trung ương biến mất; pháp luật và trật tự không còn. Sự an toàn chỉ còn tìm thấy trong quân đội. Rất giống như những vị thủ lĩnh trong các bộ lạc của Đức đã tập hợp những chiến binh của mình trong các đội chiến quân, những người lãnh đạo tập trung xung quanh họ những người huấn luyện chiến binh. Rồi một sáng kiến mới, bàn đạp ngựa, đã cách mạng hóa cuộc chiến bằng cách kết hợp giữa sức mạnh con người và động vật để tạo ra những chiến binh trên lưng ngựa với gươm và thương. Những chiến binh này trở thành những chiến binh thép trên lưng ngựa. Những hiệp sĩ, là những chiến binh thuần thục, cần hàng năm trời  tập luyện để điều khiển ngựa và vũ khí. Thời gian luyện tập này bắt đầu khi họ còn rất trẻ và không rẻ chút nào. Những hiệp sĩ cần không những một mà là nhiều con ngựa, được nuôi và huấn luyện đặc biệt để phục vụ cho chiến tranh. Hơn nữa, phải có người trông nom ngựa cho các hiệp sĩ này. Vì vậy, hiệp sĩ trở thành những chiến binh cao quý và chuyên nghiệp.
 
Các hiệp sĩ cũng là tùy tùng của một vị lãnh chúa. Từ “vassal” xuất phát từ tiếng Celtic có nghĩa là “người phục vụ”. Những người nô bộc này giống như những chiến binh trong trận chiến của quân đội Đức, những người thề trung thành với chỉ huy của mình. Để làm cho cấp dưới trung thành với mình, vị lãnh chúa sẽ ban cho họ đất đai, được gọi là thái ấp, để trả công cho những gì mà họ cống hiến cho quân đội. Các hiệp sĩ sẽ sống tại thái ấp của mình khi không còn tham gia chiến đấu. Cùng với thái ấp là những người nông nô, những người làm ruộng cho lãnh chúa và các hiệp sĩ. Nông nô có rất nhiều năm sống tự do trước khi tổ tiên của họ dâng sự tự do của bản thân và gia đình mình cho vị lãnh chúa để đổi lấy sự bảo vệ.
 
Theo lý thuyết, hoàng đế phong kiến là một vị lãnh chúa tối cao và là người chủ thực sự của tất cả đất đai trong lãnh thổ của mình. Những người cận thần của ông rất trung thành, nhưng nếu ông bị một người cấp dưới độc lập và hùng mạnh thách đấu, vị vua này chỉ có thể gọi những người cận thần khác của ông tập hợp binh lính của họ lại để giúp đưa vị quý tộc nổi loạn vào kỷ cương trở lại. Nếu những người cận thần này không trung thành, vị lãnh chúa không có quân đội quốc gia để huy động. Trong cấp độ địa phương, vị lãnh chúa và cận thần của mình có quyền thi hành bất kỳ luật lệ hiện hành nào.
trang phuc chau au 2
Lãnh chúa phong kiến không chỉ chống lại những kẻ xâm lược hiếu chiến, mà còn gây chiến với những quý tộc phong kiến khác. Tuy nhiên, chiến tranh ngày đó, không phải nguy hiểm như chiến tranh bây giờ. Những hiệp sĩ mặc áo giáp sắt thường bị bắt và đòi tiền chuộc nhiều hơn là bị giết. Chỉ những người nông nô và những tá điền là bị thiệt hại nhiều hơn cả bởi vì cuộc sống, gia đình và mùa màng của họ đều bị hủy hoại trong trận chiến.
 
Những vị lãnh chúa và hiệp sĩ phong kiến xây lâu đài trên đất đai của mình như là một nơi an toàn để bảo vệ họ. Đầu tiên, những tòa lâu đài này được cấu trúc bằng gỗ chỉ nhằm để phòng thủ, nhưng từ thế kỷ thứ 12 chúng được xây dựng rất công phu. Lâu đài không chỉ là thành lũy phòng thủ mà còn là nhà cho vị lãnh chúa và gia đình ông ta. Chúng thường không tiện nghi, lạnh lẽo, ẩm ướt, tăm tối và rất nhiều gió bởi vì các cửa sổ ở những bức tường bên ngoài không có gì ngoài những chấn song không kính.
 
Chế độ phong kiến Châu Âu có rất nhiều dạng bởi vì nó được phát triển từ thực tế và tập tục của từng vùng. Khởi nguồn tại phía Bắc nước Pháp, nó lan rộng đến phía Nam, đến Đức và phía bắc nước Ý. Nước Anh không có chế độ phong kiến nguyên gốc cho tới khi công tước William của Normandy xâm lược nước Anh vào năm 1066 và trở thành vua nước Anh.
 
Người Anglo-Saxon và người Norman Britain
 
Sau khi các quân đoàn La Mã rút quân về từ đông bắc nước Đức, người Angles, Saxon và Jutes xâm lược nước Anh vào thể kỷ thứ 5, dẫn dắt những người Britons chính thống, người Celts, tây tiến sang xứ Wales, Devon, Cornwall và phía bắc Scotland. Người Anglo-Saxon an cư lạc nghiệp, kết hôn trong họ tộc và chuyển sang Cơ Đốc Giáo, và thành lập ra 7 vương quốc Anglo-Saxon. Vào thể kỷ thứ 9, người Anglo-Saxon bị người Danes (Vikings) xâm lược, chúng đến cướp bóc và giành lãnh thổ. Vua Anglo-Saxon, Alfred the Great (871-899), đã thu phục người Danes, và sáp nhập họ với triều đại của mình dưới trướng một vì vua. Khi dòng dõi của Vua Alfred qua đời năm 1066, William the Conqueror, Bá tước xứ Normandy, giành lại ngai vàng. Ông lấn chiếm nước Anh và tiêu diệt những người Anglo-Saxon chống đối muốn giành ngai vàng trong trận chiến Hastings. William I thiết lập một hệ thống nhà nước phong kiến được tổ chức và tập trung quyền lực tốt hơn Châu Âu rất nhiều. Dưới triều đại Henry II (1154-1189), một trong những vì vua vĩ đại nhất nước Anh, người có mẹ là cháu ngoại của William I và có cha thuộc gia đình Plantagenet, nước Anh đòi Pháp đòi được bồi thường những vùng đất rộng lớn từ Pháp. Những yêu sách này dựa trên một sự thật rằng William the Conqueror đã từng cai trị Normandy và Henry II đã kết hôn cùng Eleanor của xứ Aquitaine, người thừa kế một vùng đất rộng phía Vùng Tây Bắc nước Pháp. Rất nhiều năm sau đó, Pháp và Anh đánh nhau vì yêu sách này. Đỉnh điểm là Cuộc Chiến Trăm Năm (1337 – 1453), kết thúc bằng việc người Anh bị trục xuất ra khỏi nước Pháp trừ một vị trí ở Calais. Gia đình Plantagenet thống trị nước Anh cho đến năm 1399.
 
Thời trang nam giới thế ký X-XI
anglo-saxon-man-warriorjpg
 
Trang phục lót bao gồm áo sơ mi mặc trong và quần đùi. Loại trang phục mà cuối cùng tiến hóa thành những chiếc áo sơ mi nam hiện đại ngày nay bắt nguồn từ trang phục lót. Mặc ngay trên da, loại trang phục này hầu như không được nhìn thấy hoặc chỉ nhìn thấy một phần. Chỉ sau thế kỷ 19, áo sơ mi mới không bị coi là trang phục lót nữa.
 
Những chiếc áo sơ mi mặc lót, đôi khi còn được gọi là chemises, là loại áo ngắn tay bằng vải linen. Quần đùi, hay còn gọi là braies, là những chiếc quần ống túm ở đầu gối nhưng được may rộng, thắt nịt ở eo. Chiều dài có thể thay đổi, dài từ đầu gối cho tới mắt  cá chân, phủ gần hết vớ chân. 
 
Đàn ông thường mặc hai chiếc áo tunic (áo ống dài thắt ngang lưng), cái này khoác lên cái kia, một cái ở ngoài và một cái ở trong. Thường thì cả hai chiếc áo có độ dài bằng nhau mặc dù đôi lúc chiếc áo bên trong thường hơi dài hơn một tý để lộ phần lai áo ra bên ngoài. Nếu như chiếc áo bên ngoài có chiều dài ngắn hơn, nó thường có tay áo ôm vừa vặn. Đôi khi, ống tay áo thường dài qua tay một chút và được xắn lên qua khỏi cổ tay. Nếu áo bên ngoài có chiều dài dài hơn, chúng cũng có tay áo ôm vừa vặn, hoặc (thường thấy hơn) là có tay áo rộng để lộ tay áo của chiếc áo tunic bên trong.
 
Áo tunic thường có cổ tròn hoặc cổ vuông. Loại trang phục này thường được thắt dây nịt ở eo. Chúng được may bằng chất liệu linen và len. Những người nghèo hầu như chỉ mặc len. Lụa được nhập khẩu bởi những người vô cùng giàu có. Sự phân chia giai cấp thể hiện ở độ dài và cách trang trí áo tunic. Áo tunic bên ngoài của những người giàu có thường được trang trí bởi những dải lụa thêu ở cổ, tay áo và các đường lai. Giới quý tộc và tăng lữ thường mặc những chiếc áo thụng dài có độ rũ vào những dịp nghi lễ trang trọng. Còn những người thợ săn và binh lính ở mọi tầng lớp thường chỉ mặc những chiếc áo tunic ngắn tiện dụng.
 
Áo choàng không tay (mantle) cho đàn ông có thể mặc mở hoặc kín. Những chiếc áo choàng mở được may bằng một mảnh vải có cài ở một bên vai, hoặc áo choàng kín là một mảnh vải dài với một đường rạch để có thể chui đầu qua. Áo choàng trong thế kỷ 10 thường có hình vuông, những chiếc áo choàng bán nguyệt bắt đầu xuất hiện vào thế kỷ 11. Những người đàn ông giữ vị trí chính trị quan trọng hoặc có thế lực trong tôn giáo thường mặc áo choàng quấn quanh người như áo choàng của người Hy Lạp trong những dịp lễ. 
 
Những thanh niên trẻ thường cạo râu nhẵn nhụi, còn người trung niên thì để râu quai nón. Tóc được chẻ ngôi giữa, để rơi tự nhiên xuống hai bên mặt, dài tới gáy hoặc hơn dù là tóc thẳng hay dợn sóng.
 
Ngoại trừ những chiếc mũ bảo vệ đội trong chiến tranh, mũ trùm đầu (hood) và mũ có dây buộc dưới cằm (bonnet) theo kiểu Phrygian là những loại mũ thông dụng nhất. Mũ với vành mũ tròn nhỏ và chóp nhọn xuất hiện trong cộng đồng những người Do Thái vào thế kỷ 11 trong các tác phẩm hội họa. Những loại mũ này, cũng như râu quai nón có vẻ như là một phần của trang phục truyền thống được người Do Thái mặc một cách tự nguyện. Những loại mũ này có thể xuất phát từ những chiếc mũ hình nón được những người không theo đạo Hồi mặc tại các quốc gia Hồi Giáo và được đưa vào Châu Âu qua con đường Tây Ban Nha hoặc Đế Chế La Mã.
 
Để che đôi chân, đàn ông thường mặc những chiếc quần không đáy dài tới mắt cá chân hoặc đi bít tất dài. Bít tất dài được làm bằng chất liệu dệt, cắt và may vừa vặn với ống chân, cao tới đầu gối hoặc tới bẹn. Bao chân (còn gọi là ghệt) được làm bằng len tháo rời và quấn chặt xung quanh ống chân tới đầu gối và được mặc cùng với bít tất dài hoặc mặc không. Vớ thường ngắn hơn bít tất dài, thường có màu sáng. Vài loại vớ được trang trí ở đầu ngón chân có thể được mang trùm lên lai quần, mang chồng lên bít tất dài hoặc mang với băng chân.
 
Giày ống có thể là ngắn tới mắt cá chân hoặc cao hơn, tới nửa bắp chân và thường được trang trí. Giày đế bằng dành cho tuổi trung niên thường không có đế cao. Những đôi giày thường có mũi nhọn. Các đôi giày thường ôm sát và cao tới mắt cá chân, với những sợi dây bằng da hay bằng vải để thắt khi cần thiết. 
 
Thời trang nữ thế kỷ X-XI
anglo-saxon-lady-woman
 
Thời trang của đàn ông và phụ nữ có một vài chỗ khác nhau trong suốt thế kỷ 10 và 11. Phụ nữ mặc những bộ trang phục linen thoải mái và rất gần với làn da, được gọi là “chemise” tại Pháp, tuy được cắt dài hơn nhưng những chiếc áo này cũng rất giống với chiếc áo sơ mi lót của đàn ông.
 
Bên ngoài chiếc áo này, phụ nữ mặc áo tunic dài chạm sàn với tay áo ôm sát và có viền thêu ở cổ, đường lai và tay áo. Ngoài cùng, họ mặc những chiếc áo tunic dài chạm sàn có tay rộng để lộ tay áo tunic bên trong. Chiếc áo tunic ngoài cùng thường được kéo lên và thắt lùng phùng ở eo. Một vài chiếc áo tunic mặc trong được trang trí đường viền tại cổ tay và đường lai.
 
Khi đi ra ngoài, phụ nữ thường mặc cả áo choàng kín và mở. Một số chiếc áo choàng còn được may theo kiểu áo kép được lót bằng màu sắc tương phản nhau. Áo choàng mùa đông có thể được lót bằng lông thú.
 
Những cô gái trẻ thường thả tóc suông và không che gì cả. Những phụ nữ đã có chồng và những người phụ nữ lớn tuổi thường che tóc bằng những tấm mạng, kéo xung quanh khuôn mặt phía dưới cằm; hoặc có thể để mở, thả hờ hai bên mặt và thả dài tới giữa ngực. Những người giàu sẽ đeo mạng bằng lụa hoặc linen; những người ở tầng lớp thấp hơn dùng những loại linen rẻ tiền hơn hoặc dùng len.
 
Phụ nữ mang bít tất ôm sát dài tới đầu gối. Giày phụ nữ cũng tương tự như đàn ông. Phụ nữ cũng mang những đôi dép hở với những dải băng quấn quanh mắt cá, tương tự như những đôi giày của các thầy tu. Clogs là những khối gỗ cao giúp cho đôi giày tránh được nước, bùn đất và tuyết, nhất là đối với những đôi giày da.
 
Có rất ít trang sức được tìm thấy trong những bức họa và điêu khắc của thời kỳ này, những tài liệu ghi lại chỉ ra rằng những người phụ nữ giàu có đeo băng đô bằng vàng và vòng cổ hoặc ngọc trai, vòng đeo tay, nhẫn và hoa tai. Những chiếc dây nịt cẩn trang sức (thường được gọi là girdles) cũng thỉnh thoảng thấy xuất hiện trong hội họa.
GIAI ĐOẠN ĐẦU THỜI KỲ TRUNG CỔ THẾ KỶ XII
 
Những sự kiện chính trị, kinh tế và xã hội đã có những ảnh hưởng gián tiếp lẫn trực tiếp lên phong cách thời trang của thời kỳ này. Sự phong phú của nguyên liệu trong sản xuất trang phục, cách ăn mặc của các nhà hiền triết có địa vị trong xã hội, và những nhu cầu thực tế mà quần áo phải đáp ứng, từng yếu tố một đều đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển trang phục.
 
Những cuộc Thập Tự Chinh
Vào thế kỷ thứ 11, dưới sự thúc giục của Đức Giáo Hoàng Urban II, giới cầm quyền ở Châu Âu đã thực hiện cuộc Thập Tự Chinh đầu tiên trong số bảy cuộc Thập Tự Chinh chống lại các tín đồ Hồi Giáo. Họ ra vẻ muốn giải phóng vùng đất thánh của những người theo đạo Cơ Đốc khỏi sự cai trị của người Hồi Giáọ, nhưng động cơ thật sự trong mỗi cuộc Thập Tự Chinh đều khác nhau, ban đầu là từ sự sùng bái tôn giáo đích thực rồi biến tướng thành những cuộc tranh giành thế lực và của cải.
 
Vào giai đoạn cuối của các cuộc Thập Tự Chinh ở thế kỷ 13, có rất nhiều sản phẩm và công nghệ sản xuất được nhập khẩu vào Châu Âu. Quân Thập Tự Chinh học được kỹ thuật in hoa văn lên vải từ người Hồi Giáo, những người mà trước đó học được kỹ thuật này từ Giáo Hội Ai Cập. Thức ăn, gia vị, thuốc men, các công trình nghệ thuật, và vải vóc được mang trở về cho quân Thập Tự Chinh. Những loại chất liệu mới như muslin, vải dimity (loại vải cotton mỏng và bóng), và vải lụa thêu hoa được đưa vào sử dụng, kể cả những loại sợi mới và cotton. Rất nhiều quân Thập Tự Chinh dừng chân tại Constantinople trên đường ra chiến trường và trên đường về, do đó, sự ảnh hưởng mạnh mẽ của Đế Chế La Mã vào trang phục của giới quý tộc phương Tây vẫn còn tiếp diễn.
 
Những mối liên hệ văn hóa chồng chéo không chết theo sự kết thúc của quân Thập Tự Chinh. Thương mại ngày càng mở rộng đặc biệt là giữa các cảng biển của người Ý và Trung Đông.
 
Thành trì và các kiến trúc thời Trung Cổ  
Lãnh chúa phong kiến và gia đình của ông có một khoảng không gian riêng trong những tòa lâu đài rộng và kiên cố. Các phòng được thông gió rất ít. Vào mùa đông, chỉ có một lò sưởi lớn để sưởi ấm. Những bộ trang phục bằng len chẳng những rất hữu ích vào mùa đông để chống lại cái lạnh, mà chúng còn được mặc vào mùa hè khi mà những tòa lâu đài vẫn tiếp tục ẩm ướt và giá lạnh. So với tiêu chuẩn hiện đại, đồ nội thất gia dụng thời đó rất đơn giản và không tiện nghi cho lắm, tuy nhiên, ngày càng có nhiều những vật dụng cao cấp như thảm, màn treo tường và ghế nệm được mang trở về từ phương Đông như là những chiến tích của cuộc Thập Tự Chinh. Bất chấp những tiến bộ này, những bộ trang phục nhiều lớp vẫn là cách ăn mặc thực tế và thoải mái nhất.
 
Định chế của tinh thần hiệp sĩ và tinh thần thượng võ, hệ thống huấn luyện các hiệp sĩ, quy định các chàng trai trẻ không những học nghệ thuật chiến đấu mà còn học phong cách và cử chỉ của những người thuộc tầng lớp thượng lưu. Thông thường, để làm được điều này, những hiệp sĩ trẻ phải rời khỏi gia đình và thường trú tại lâu đài của một vị lãnh chúa quyền lực. Những tòa nhà này, đặc biệt là những tòa nhà của các vị công tước hay các vị hoàng đế, thường có sẵn nhiều họa sĩ, nhà thơ và những nghệ sĩ nhạc kịch, những nhạc công và những người làm trong ngành giải trí khác. Những lâu đài tại phía Nam nước Pháp được đặc biệt ghi nhận là trung tâm của nghệ thuật, âm nhạc và văn học thơ ca. Thêm vào đó, chúng còn cung cấp sân khấu để trình diễn thời trang. 
 
Đời sống thành thị
 
Sau khi thành Rome thất thủ, rất nhiều trung tâm đô thị thịnh vượng trước đây bị giảm đi dân số một cách rõ rệt. Trong suốt thế kỷ 10 và 11, đời sống thành thị đã được hồi sinh. Châu Âu đã trải qua điều này và kinh tế bắt đầu đi lên trong lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng và thương mại, do đó từ thế kỷ 12 và 13, những thành phố lớn bắt đầu trở thành những trung tâm sầm uất với dân số tăng chóng mặt. Trong số những người định cư tại thành thị, có những thương gia giàu có, những người mà sự giàu có của họ được thể hiện ở chỗ họ sẽ ăn mặc y chang phong cách đang thịnh hành của giới quý tộc. Chính vì thế mà giới tăng lữ không chấp nhận sự phân biệt giai cấp không rõ ràng này.
 
TRANG PHỤC CHO ĐÀN ÔNG VÀ PHỤ NỮ VÀO THẾ KỶ XII
Ít nhất một vài phong cách thời trang thế kỷ XII được nhìn nhận là đã tiến rất xa so với những bộ trang phục cổ truyền trước đó. Có 3 kiểu trang phục thanh lịch trong thời kỳ này được thể hiện trong hội họa. Kiểu thứ nhất là loại áo tunic ôm sát hơn một chút so với thế kỷ trước. Đàn ông và đàn bà thuộc tầng lớp thấp thường mặc những chiếc áo tunic này. Loại thứ hai là những bộ trang phục một mảnh ôm vừa vặn, được gọi là những chiếc áo bliaut. Loại thứ ba là những loại trang phục ôm sát người với phần trên được nối với chân váy, được gọi là bliaut gironé.
 
Những bộ trang phục trong giai đoạn đầu thường suông, xẻ dưới cánh tay và được buộc bằng dây ren chứ không cài nút như bây giờ. Những bộ trang phục bliaut được làm cho ôm sát hơn bằng cách cắt thành đường cong ở đường sườn, gần với phần thân trên. Các miếng chèn hình tam giác (gores) được may lèn vào váy để làm cho chiếc váy rộng hơn lên.
  
Bliaut gironé thì lại phức tạp hơn trong kỹ thuật cắt cúp so với những bộ trang phục trong giai đoạn trước đó, có phần chân váy phồng được ráp vào phần thân áo trên. Và những bộ trang phục này cũng được xẻ và cột dây ren một bên. Đường nối giữa phần chân váy và phần áo trên ở trên thường nằm dưới đường eo tự nhiên. Phần chân váy và phần áo trên được may lại với nhau và một mảnh vải xéo thường được chèn vào để cho phần hông được vừa vặn. Những đường nối thường được giấu đi bằng những dây vải trang trí. Tuy nhiên không có bằng chứng nào cho thấy tay áo được ráp vào thân. Bliaut gironé, những bộ trang phục được cắt may cầu kỳ, ôm sát cơ thể chỉ được sử dụng hạn chế cho đàn ông và đàn bà ở tầng lớp thượng lưu. Chúng được làm từ những loại lụa đắt tiền như satin hoặc nhung, được thêu bằng chỉ vàng, và trang trí bằng đá quý. 
 
Một điểm khác biệt nữa của trang phục bliaut minh chứng cho những thay đổi vượt bậc trong cái nhìn về tính khiêm nhường chính là cách xẻ và cột dây của nó. Cả trang phục bliaut và áo lót đều được cài bằng cách cột dây ren. Những nút thắt bằng ren này thỉnh thoảng bị tuột ra và để lộ phần da trần bên trong.
 
CÁC THÀNH PHẦN CỦA TRANG PHỤC NAM THẾ KỲ XII
 
Người ta mặc áo mantle (áo choàng không tay) khi đi ra ngoài, không có thay đổi lớn nào trong phong cách ăn mặc truyền thống.             
 
Như đã nói trên, những người đàn ông thuộc tầng lớp thượng lưu mặc những chiếc bliaut. Cả áo tunic bên ngoài tunic mặc bên trong vẫn tiếp tục là trang phục chủ yếu cho hầu hết đàn ông, mặc dù trong vài trường hợp chiếc áo tunic bên trong không được để lộ ra bên ngoài, điều này dẫn đến sự ngộ nhận là đàn ông chỉ mặc có một chiếc áo tunic. Cánh tay áo có rất nhiều dạng, những dạng chính thường là: 
 
– Ống tay áo ôm sát với họa tiết trang trí và cổ tay áo lật
– Tay áo dài tới khuỷu tay
– Áo tunic bên ngoài để lộ ống tay áo ôm sát của áo tunic bên trong
– Tay áo ôm sát ở phần trên và rộng dần xuống dưới thành hình cái chuông
 
Tóc và trang sức cho tóc
 
Hầu hết đàn ông đều để râu quai nón và ria mép. Chiều dài của tóc thì cũng lắm vẻ, nhưng thường không dài quá vai. Những vị tu sĩ lên án những kẻ để tóc dài và để râu ngằn thành từng chỏm nhỏ, nhọn. Những người này bị xem là không có nam tính.
 
Khi ra ngoài, đàn ông mang những chiếc mũ trùm đầu hay những chiếc nón tròn nhỏ có núm trên đỉnh. Mũ ni, loại mũ có cột dây dưới cằm và có hình dáng gần giống như những chiếc mũ em bé ngày nay, bắt đầu được sử dụng trong giai đoạn cuối của thế kỷ này.
 
Giày
 
Giày và bốt giống như ở thế kỷ trước được tiếp tục sử dụng. Trong số những cải tiến gây phẫn nộ cho những nhà đạo đức học là những đôi giày dài, mũi nhọn rất được những người đàn ông thượng lưu ưa chuộng.
 
CÁC THÀNH PHẦN CỦA TRANG PHỤC PHỤ NỮ THẾ KỶ XII
4
Nếu như trang phục cho những phụ nữ ở giai cấp thấp thay đổi rất ít, thì trang phục cho phụ nữ ở giai cấp thượng lưu lại có rất nhiều thay đổi như đã mô tả ở trên. Áo lót phụ nữ,  áo tunic mặc bên trong, và áo tunic mặc bên ngoài đều ôm sát cơ thể. Một vài tác phẩm điêu khắc mô tả những chiếc áo bliaut gironé trong thời kỳ này cho thấy chất liệu thường được xếp pli, thêu xích móc hoặc tạo nếp nhăn.
Trang phục mặc ngoài
 
Tay áo bliaut dành cho nữ giới và những chiếc áo tunic thậm chí dài hơn và phóng khoáng hơn trong các đường cắt cúp so với những kiểu áo của đàn ông. Một số bức vẽ minh họa cho thấy rằng cuối những cánh tay áo ôm sát sẽ là những cổ tay lòng thòng dài tới sàn nhà. Nếu mặc cả hai áo tunic bên trong và tunic bên ngoài thì phần tay áo bên trong thường dài và vừa vặn trong khi tay áo bên ngoài thì lại có phần cổ tay loe, hoặc ống tay áo phía dưới rộng có dải băng trang trí, hoặc cánh tay hẹp ở trên và dần xòe ra ở dưới thành hình cái chuông.
 
Chainse là một loại trang phục bên ngoài đặc thù khác dành cho phụ nữ thượng lưu. Được may bằng những loại chất liệu có thể giặt ủi như là linen, loại trang phục này thường dài và được xếp pli. Có rất nhiều nhà lịch sử trang phục lầm lẫn giữa áo chainse và áo lót phụ nữ (chemise). Tuy nhiên, người ta nhận thấy rằng áo chainse thì được mặc ngoài áo chemise và la loại trang phục hoàn toàn tách biệt. Áo chainse không cần phải mặc với áo tunic bên ngoài, giống như “áo mặc nhà” và có vẻ đặc biệt được ưa chuộng vào cuối thế kỷ 12. Có thể loại áo này được coi là trang phục mùa hè, vì chúng có thể giặt ủi và được may bằng chất liệu nhẹ.
 
Những người Pháp lớn tuổi mặc áo măng-tô, từ này đã được người Anh mượn để đặt tên cho áo “mantle” (áo choàng không tay), loại áo này là một loại áo choàng mặc khi ra ngoài dành cho phụ nữ tầng lớp thượng lưu. Áo choàng ngày xưa cho giới thượng lưu thường dài, không tay, xẻ trước và lưng được thắt bằng dây ruy băng dài có móc gài cả hai bên đường cài nút thân trước.
 
Một số mẫu áo măng-tô cực kỳ xa xỉ. Có loại được mô tả là làm bằng hoa hồng và vải trắng từ Ấn Độ, được dệt hoặc thêu hình muông thú và hoa lá, cắt may một mảnh, và được lót bằng lông thú ướp hương thơm. Chúng có cổ điểm các đường viền màu xanh đậm và màu vàng, trên vai có móc khóa cẩn trang sức bằng hai viên hồng ngọc.
 
Một số áo choàng được viền hoặc trang trí bằng lông. Áo choàng lông và áo có viền lông là tên gọi chung của một số những loại trang phục được trang trí bằng lông bao gồm áo khoác ngoài, áo tunic mặc trong và áo tunic mặc ngoài.
 
Tóc và trang sức cho tóc
 
Phụ nữ ở tầng lớp cao nhất thường để tóc thành hai bím dài rồi quấn lên ở hai bên khuôn mặt. Những chiếc bím tóc này đôi khi dài gần chạm đất, và những ghi chép đương thời cho thấy rằng những món tóc giả cũng thường được thêm vào để tạo thêm độ dài ưng ý và được coi là thời trang. Những dải ruy băng trang trí có thể được bện vào bím tóc hoặc vào đoạn cuối của bím tóc để giữ những móc cài nữ trang. Tiếp đến là một chiếc mạng che mặt rộng được trùm lên, tuy nhiên người ta vẫn có thể thấy được mái tóc.
 
Hầu hết mọi phụ nữ đều che tóc mình hoàn toàn và mang mạng che mặt thật kín sao cho chỉ chừa lại khuôn mặt. Những cải tiến mới trong lĩnh vực khăn trùm tóc có thể kể đến những chiếc mũ barbette, fillet và wimple. Barbette là một dải băng bằng linen được mang vòng qua một bên thái dương, xuống cằm rồi lại vòng lên thái dương bên kia. Barbette thường đi cùng fillet. Fillet là một dải băng đứng bằng linen, nhìn giống như vương miện, nơi để phủ những chiếc mạng che mặt lên. Còn wimple lại là một chiếc khăn choàng bằng linen loại tốt hoặc bằng lụa quấn từ đầu xuống ngang cổ, phần giữa đặt ngay cằm và mỗi đầu khăn được giấu vào sau tai hay sau thái dương. Một chiếc wimple thường đi cùng với một chiếc mạng che mặt. Không được những phụ nữ có con nhỏ ưa chuộng sau thời kỳ Trung Cổ, wimple trở thành một phần trong trang phục của các nữ tu Thiên Chúa Giáo tại Rome và tiếp tục được sử dụng cho tới thập niên 1960.
GIAI ĐOẠN ĐẦU THỜI KỲ TRUNG CỔ THẾ KỶ XIII
 
Sản xuất vải
 
Một cuộc cách mạng lớn trong tổ chức các nhà sản xuất vải đã diễn ra. Trong giai đoạn đầu của thời kỳ Trung cổ, những người phụ nữ làm việc trong khuê phòng hoặc tại nhà là những người đã tạo ra hầu hết các loại chất liệu vải. Từ năm 1300, công việc dệt do đàn ông đảm trách còn phụ nữ chỉ chuẩn bị sợi và quay sợi. Nhuộm và hồ vải được đặc biệt làm bằng tay và được thực hiện ở bên ngoài ngôi nhà. Trong những nghiên cứu về công việc của phụ nữ trong giai đoạn đầu của thời kỳ Trung cổ, người ta cho rằng sự suy giảm số nô lệ và sự dịch chuyển dân số từ nông thôn ra các trung tâm thành thị là một trong những lý do của những thay đổi này. Kết quả là các xưởng làm việc của phụ nữ biến mất và việc sản xuất vải được chuyển về thực hiện tại các hộ gia đình. Đàn ông, những cựu nông dân trước đây phải tìm việc làm tại các trung tâm đô thị, và nhận lãnh những công việc mà trước đây phụ nữ đảm trách.
 
Những sự phát triển này cùng với những thay đổi trong khoa học kỹ thuật, sự ra đời của nhà máy chạy bằng hơi nước đã cung cấp năng lượng cho việc hồ áo len từ thế kỷ thứ 10. Cho đến thế kỷ thứ 12, khung cửi nằm ngang đã cho phép người dệt có thể ngồi chứ không phải đứng như khung cửi thẳng đứng trước đây nữa. Khung cửi nằm ngang có chân bàn đạp để di chuyển sợi dọc và có thêm vào một khoang, gọi là con thoi, để điều khiển sợi ngang. 
Cho đến thế kỷ thứ 12, những người thợ thủ công châu Âu đã thành lập một số trung tâm sản xuất quần áo xuất khẩu. Những phường hội thương mại được thành lập đầu tiên vào thế kỷ thứ 11, không phải bởi những người thợ mà là những lái buôn, những người muốn ngăn chặn việc nhập khẩu các loại hàng hóa cạnh tranh. Từ thế kỷ thứ 12, những người thợ thủ công bắt đầu hình thành những phường hội của riêng mình. Chỉ cần học việc tại một phường hội nào đó, một chàng thanh niên trẻ có thể trở thành một thợ thủ công thực tập, các phường hội này có thể quy định số lượng nghệ nhân và đặt ra các tiêu chuẩn chất lượng, mức giá, và quy định điều kiện làm việc.
 
Các phường hội kinh doanh vải vóc được phép thuê vợ và con gái để quay sợi và dệt. Những người vợ góa của các thành viên trong hội có thể thừa hưởng công việc kinh doanh của người chồng quá cố và trở thành thành viên của hội. Tuy nhiên, mức lương cho đàn bà lúc nào cũng thấp hơn của đàn ông.
 
Len là một loại sợi đặc biệt trong ngành kinh doanh vải sợi châu Âu. Len ở Anh được xem là loại len tốt nhất vào thời đó. Có rất nhiều len từ Anh được nhập khẩu vào Flanders, nơi mà những người thợ dệt lành nghề làm ra những tấm vải chất lượng cao. Những nhà kinh doanh vải không giới hạn số lượng quần áo len. Linen được sản xuất tại Châu Âu và được dùng để may các vật dụng trong nhà và quần áo. Sản xuất lụa, từ giữa những năm 1200, đã trở thành ngành công nghiệp chính của Italy, Sicily và Tây Ban Nha. Cotton, nguyên thủy là sản phẩm từ Ấn Độ, được người Ma Rốc giới thiệu tới Tây Ban Nha.
 
Trang phục cho đàn ông thế kỷ XIII 
 
Trong suốt thế kỷ thứ 13, đàn ông thường mặc những bộ trang phục tiện dụng tương tự như những bộ trang phục được mô tả trên Mốt Trẻ các số trước đây; tuy nhiên, tên gọi của những bộ trang phục trong thời kỳ này lại có chút ít thay đổi. Nói tóm lại, một người đàn ông thường mặc những chiếc quần ống túm dài tới đầu gối hoặc ngắn hơn một tí và những chiếc áo sơ mi lót bằng vải linen. Mặc ngoài áo sơ mi lót là chiếc cote (áo tunic bên trong) và mặc chồng lên áo cote là chiếc áo surcote (áo tunic bên ngoài). Trong mùa lạnh hoặc để bảo vệ cơ thể khi ra ngoài, họ sẽ mặc thêm một chiếc áo khoác nữa, đại loại giống chiếc áo choàng có thể được cắt may ôm vừa vặn hay rộng một chút.
 
Sự giản dị trong trang phục dành cho quan lại càng được nhấn mạnh vào thời vua Louis IX. Louis, một người đàn ông vô cùng sùng đạo, là vị vua duy nhất của Pháp được phong Thánh bởi nhà thờ Thiên Chúa Giáo. Trong suốt thời gian trị vì của ông, những chiếc áo lâm triều trở nên giản dị hơn và sự xa hoa không được khuyến khích.
 
Trang phục
 
Đàn ông thượng lưu thường mặc những chiếc áo cote dài, còn những người lao động thì mặc ngắn hơn. Có hai loại tay áo được mô tả phổ biến nhất. Một là những chiếc tay áo dài và ôm sát. Còn lại là loại tay áo được cắt rất phồng bên dưới cánh tay, hẹp dần rồi ôm sát ở cổ tay.
 
Trong mô tả về áo surcote (áo tunic mặc ngoài cùng) cũng cho thấy nhiều điểm nhau trong cắt cúp. Một số người mặc những chiếc áo không tay với đường cổ tròn hoặc ngang và nách áo rộng, thân áo được ráp ngay bên dưới nách áo rộng này. Những chiếc áo khác lại có tay áo dài tới khuỷu tay hoặc ¾ cánh tay hoặc một chiếc áo tay dài và phồng ở phía trên rồi hẹp dần về phía cổ tay. Những chiếc áo surcote dài thường có đường xẻ lên tới eo để cho người mặc có thể dễ dàng cỡi ngựa hoặc dễ dàng cử động. Thậm chí cả những chiếc surcote ngắn và những chiếc áo cote không mặc kèm surcote thỉnh thoảng cũng có đường xẻ như thế này tại thân trước.
 
Sự khác biệt giữa áo surcote và các loại áo choàng không tay cũng như áo măng tô rất mờ nhạt. Người ta không mặc áo surcote chồng lên những loại trang phục mặc ngoài kể trên. Thành phần chính của trang phục ra phố bao gồm áo choàng và áo măng tô để mở hoặc gài kín. Áo măng tô được mặc qua vai và cài ngang phần thân trước bằng một dải ruy băng là biểu tượng của tầng lớp thượng lưu.
 
Áo garnache là một loại áo choàng dài với cánh tay áo rộng. Thường được lót và viền cổ bằng lông, loại áo này được mở hai bên hông, dưới cánh tay.
 
Áo tabard nguyên thủy là một loại trang phục ngắn, rộng với tay ngắn hoặc không tay được các thầy tu và đàn ông ở tầng lớp thấp mặc. Trong một vài trường hợp, chúng được thắt tại vùng eo dưới cánh tay một chút bằng cách may gút hoặc bằng một sợi dây vải. Vào những thế kỷ sau, loại trang phục này trở thành một bộ phận trong trang phục quân đội hoặc trang phục của người hầu trong các gia đình quý tộc. Các họa tiết trang trí được sử dụng cho áo tabard sẽ cho biết chủ của người đang mặc chúng là ai.
Áo slit hoặc fitch, loại trang phục mà những cặp mắt hiện đại ngày nay cho là trông giống như những chiếc túi áo, được làm thành những chiếc áo mặc ra bên ngoài thùng thình để người mặc có thể cho cả tay vào trong áo khi trời lạnh hoặc để lấy ví tiền treo ở thắt lưng của chiếc áo bên trong.
 
Tóc và trang sức cho tóc
Độ dài của tóc vừa phải và tóc được rẽ ngôi giữa. Những thanh niên trẻ có mái tóc ngắn hơn những người già. Nếu có râu quai hàm thì chúng cũng rất ngắn. Rất nhiều đàn ông không để râu vì sự có mặt của những chiếc mũ bảo hiểm kín của quân đội che hoàn toàn khuôn mặt. Điều này rất bất tiện khi có râu.
 
Trang sức cho tóc quan trọng nhất là mũ ni và mũ trùm đầu. Mũ trùm đầu giờ đây không đi kèm với áo choàng nữa. Vào cuối thế kỷ 13, mũ trùm đầu càng ôm sát đầu hơn nữa và chúng thường được may với một ống vải dài treo lủng lẳng phía sau lưng. Người Pháp gọi chúng là cornette, và người Anh gọi là liripipe.
 
Trang phục cho phụ nữ thế kỷ XIII 
 
Ngoại trừ việc phụ nữ không mặc quần ngắn, còn thì những loại trang phục khác trong tủ quần áo của họ cũng giống như trang phục của đàn ông: Áo lót bên trong, áo cote, áo surcote, và áo mặc ra phố, áo măng tô hoặc áo choàng không tay.
 
Trang phục
 
Áo cote cũng có tay áo ôm và tay áo dài phủ cánh tay. Áo surcote cũng có tay hoặc không. Nếu có tay thì chỉ dài tới giữa khuỷu tay hoặc cổ tay và thường là rất rộng và tròn. Áo surcote không tay thường được cắt với nách tay rộng sao cho có thể nhìn thấy chiếc áo cote bên trong. 
 
Những bộ trang phục rộng trùm kín người được cho là đứng đắn trong suốt thời đại của Thánh Louis được thay bằng những bộ trang phục vừa vặn hơn cho tới cuối thế kỷ thứ 13. Trong những tháng mùa hè ấm áp, một số phụ nữ mặc áo surcote bên ngoài áo sơ mi bên trong, nhưng điều này là rất mạo hiểm và bị coi là dấu hiệu của những hành vi đồi bại. Nhiều phụ nữ dùng ren quấn chiếc áo cote (áo tunic bên trong) thật chặt để làm nổi bật các đường cong của mình dưới nách tay áo rộng của chiếc áo surcote.
 
Những chiếc áo măng tô không cài nút của những người phụ nữ thuộc tầng lớp quý tộc thường mặc trong nhà cũng như khi ra phố. Áo choàng giống như những chiếc áo của thế kỷ thứ 11 và 12 vẫn tiếp tục được sử dụng, một số có kèm theo mũ trùm dành cho mùa đông lạnh giá. 
 
Tóc và trang sức cho tóc
 
Những thiếu nữ trẻ tiếp tục để đầu trần trong khi những phụ nữ đã trưởng thành thì lại mang khăn trùm đầu. Bím tóc dài (như thế kỷ thứ 12) không còn nhìn thấy nữa. Mạng che mặt và lưới trùm tóc bao phủ toàn bộ mái tóc. Barbettes, fillets, và wimples vẫn tiếp tục tồn tại, mặc dù đôi lúc chúng bị trùm lên bởi lưới trùm tóc của mạng che mặt.
0