Daniel Ellsberg và chiến tranh Việt Nam
Vũ Hội (Tổng hợp) Tháng 10/1969, Daniel Ellsberg – một sỹ quan nghiên cứu chiến lược của Lầu Năm Góc – đã quyết định sao chụp hàng nghìn trang tài liệu mật chứa đựng nhiều sự dối trá của chính phủ Mỹ về cuộc chiến tranh Việt Nam. Hai năm sau, ông công bố các tài liệu nói trên ...
Vũ Hội (Tổng hợp)
Tháng 10/1969, Daniel Ellsberg – một sỹ quan nghiên cứu chiến lược của Lầu Năm Góc – đã quyết định sao chụp hàng nghìn trang tài liệu mật chứa đựng nhiều sự dối trá của chính phủ Mỹ về cuộc chiến tranh Việt Nam. Hai năm sau, ông công bố các tài liệu nói trên trong một sự kiện được mô tả là “tấn công vào sự toàn vẹn của chính phủ” và khiến “cả nước Mỹ kinh hoàng”. Hành động quả cảm này khiến Ellsberg bị giới cầm quyền coi là “người nguy hiểm nhất nước Mỹ”, đặt ông đối mặt với một mức án lên tới 115 năm tù giam, nhưng đồng thời nó đã góp phần tạo ra một làn sóng phản chiến lớn chưa từng có. Cùng với vụ bê bối “Watergate”, bản “Tài liệu Lầu Năm Góc” đã góp phần dẫn đến sự ra đi của Tổng thống Nixon.
Tóm tắt sự kiện
Ellsberg sinh ngày 7/4/1931, lớn lên tại thành phố Detroit, bang Michigan, Mỹ. Ông tốt nghiệp Đại học danh tiếng Harvard năm 1952, sau đó lấy bằng tiến sĩ kinh tế cũng tại trường đại học này. Luận án tiến sỹ của ông có nhan đề “Rủi ro, Mơ hồ và Quyết định”, được coi như một bước ngoặt dẫn tới sự ra đời của lý thuyết về quyết định và kinh tế hành vi. Ellsberg có 3 năm phục vụ trong lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ, từ 1954 đến 1957. Từ năm 1959-1964, ông là một chuyên gia phân tích chiến lược tại RAND – một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại California – và là chuyên gia của Bộ Quốc phòng và Nhà Trắng chuyên về các vấn đề chỉ huy và kiểm soát vũ khí nguyên tử, lập kế hoạch chiến tranh nguyên tử và ra quyết định trong các tình huống khủng hoảng. Năm 1964, Ellsberg gia nhập Bộ Quốc Phòng với tư cách là Trợ lý Đặc biệt cho John McNaughton – trợ lý cho Bộ trưởng Quốc phòng McNamara. Các báo cáo của Ellsberg đã dẫn đến quyết định của McNamara triển khai kế hoạch leo thang đánh bom miền Bắc Việt Nam, bắt đầu vào tháng 2/1965 và kéo dài trong hơn 3 năm sau đó.
Cảm thấy có điều gì đó không ổn về cuộc chiến, Ellsberg xin chuyển sang Bộ Ngoại giao và sang công tác tại Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn 2 năm để được tận mắt chứng kiến những gì đang diễn ra. Khi trở về Mỹ, quan điểm của Ellsberg đã thay đổi từ chỗ đánh giá Việt Nam là một “vấn đề cần giải quyết” thành “đó là một bãi lầy” mà Mỹ cần rút khỏi. Ông quay trở lại RAND năm 1967, phục vụ cho một dự án nghiên cứu tối mật của McNamara về Việt Nam giai đoạn 1945-1968. Đây chính là bản tài liệu sau này nổi tiếng với tên gọi “Tài liệu Lầu Năm Góc”. Sau khi đọc hết toàn bộ 7.000 trang tài liệu (chỉ có 3 người làm được việc này), Ellsberg vỡ ra rằng cuộc chiến tranh Việt Nam thực chất là một cuộc chiến do Mỹ khơi mào và nó được duy trì qua bốn đời tổng thống liên tiếp mặc dù họ đều biết đây là một cuộc chiến “không thể thắng”. Ông tiếp tục tìm hiểu và biết lý do đằng sau là họ không muốn “mất mặt”.
Với những gì đọc được từ Tài liệu Lầu Năm Góc và chứng kiến tận mắt tại Việt Nam, Ellsberg kết luận cuộc chiến tại Việt Nam không chỉ là một “bãi lầy”, hay “một mục đích cao cả sai lầm”, mà còn là một tội ác – một cuộc tàn sát tập thể. Ông tuyên bố một câu nổi tiếng về sự can dự của Mỹ tại Việt Nam: “Không phải chúng ta đứng về phe phi nghĩa, mà chúng ta là phe phi nghĩa”.
Cũng trong thời gian này, Ellsberg gặp gỡ nhiều nhà hoạt động phản chiến, những người ủng hộ các giải pháp hòa bình và chịu ảnh hưởng rất lớn của họ. Quan điểm chống chiến tranh, chấp nhận ngồi tù của họ khiến Ellsberg càng nghi ngờ về những việc mình đang làm để giúp chính phủ Mỹ đi đến cùng của cuộc chiến.
Tháng 10/1969, với sự giúp đỡ của Anthony Russo, một cựu thành viên của RAND, Ellsberg bắt đầu sao chụp 7.000 trang Tài liệu Lầu Năm Góc. Từ đó đến đầu năm 1971, ông trao một số trang cho một vài nghị sỹ, trong đó có William Fulbright, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và thượng nghị sỹ George McGovern – người tranh cử tổng thống bằng bản cương lĩnh chống chiến tranh. Tuy nhiên, những nỗ lực của các nghị sỹ này nhằm tạo ra sự thay đổi đối với Quốc hội cũng như chính phủ Mỹ đã không mang lại hiệu quả.
Tháng 3/1971, Ellsberg trao bản sao của tài liệu tối mật cho tờ New York Times, nơi chúng bắt đầu được công bố một số nội dung chính kể từ ngày 13/6 năm này và tạo ra một cơn chấn động trong dư luận Mỹ. Không khó để Cục Điều tra Liên bang xác định Ellsberg là đầu mối tình nghi số một nơi bản tài liệu bị rò rỉ và một trong những vụ truy nã nổi tiếng nhất trong lịch sử nước Mỹ đã được tiến hành. Trong 2 tuần lẩn trốn ở thành phố Cambridge, bang Massachusettes, Ellsberg tiếp tục tiết lộ tài liệu cho hơn một chục tờ báo khác, trong đó có tờ Bưu điện Oasinhtơn. Ông còn gửi cho thượng nghị sỹ Mike Gravel, người đã chuyển nó thành tư liệu âm thanh để lưu tại Thượng viện.
Sau khi cảm thấy bản tài liệu đã an toàn, Ellsberg quyết định ra đầu thú tại tòa án liên bang Boston ngày 28/6/1971. Ông bị buộc tội theo Luật Gián điệp với các tội danh “tàng trữ trái phép” và “đánh cắp” bản Tài liệu Lầu Năm Góc, đối mặt với án tù lên tới 20 năm. Tháng 12/1971, Anthony Russo cũng bị khởi tố, và Ellsberg bị tăng thêm tội danh “đồng lõa” và 8 tội danh khác, đưa án phạt tối đa của ông lên 115 năm.
Vụ xét xử Russo-Ellsberg được tiến hành vào ngày 3/1/1973, ngay sau khi Richard Nixon tái đắc cử Tổng thống với một chiến thắng vang dội. Vụ xử kéo dài được 4 tháng thì bất ngờ xuất hiện một tình tiết quan trọng liên quan đến vụ “Watergate” cũng đang trong giai đoạn điều tra. Một nhóm người núp bóng “Đội Điều tra Đặc biệt” của Nhà Trắng đã bị phát hiện từng đột nhập vào văn phòng của bác sỹ tâm lý của Ellsberg vào năm 1971. Vài ngày sau, một tờ báo đưa tin Thẩm phán Matthew Byrne, chủ tọa phiên tòa xét xử Ellsberg-Russo, đã từng được trợ lý hàng đầu của Nixon đến thăm và hứa hẹn chức vụ Giám đốc FBI. Tiếp đến, dư luận lại sục sôi sau khi biết được các cuộc điện thoại của Ellsberg đã từng bị ghi lén trong gần 2 năm. Ngày 11/5/1973, vụ xét xử Ellsberg-Russo đã được tuyên hủy do chính phủ có quá nhiều vi phạm. Tất cả các tội danh chống lại hai người đều bị hủy bỏ và họ được trả tự do.
Trong khi đó, vụ đột nhập vào văn phòng bác sỹ tâm lý của Ellsberg đã dẫn tới hai trong bốn luận điểm được đưa ra trong bản cáo buộc bất tín nhiệm đối với Tổng thống Nixon, khiến ông cuối cùng đã phải từ chức vào ngày 8/8/1974. Một ngày trước khi vụ án Russo-Ellsberg bị hủy, ngày 10/5/1973, Quốc hội Mỹ bỏ phiếu ngừng viện trợ cho cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Binh lính Mỹ lần lượt rút quân và cuộc chiến chính thức chấm dứt vào ngày 30/4/1975 khi Quân Giải phóng cùng các lực lượng cách mạng và nhân dân Việt Nam kết thúc thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Phục vụ cỗ máy chiến tranh
Năm 1959, Ellsberg đến làm việc tại RAND – viết tắt của Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển – ra đời năm 1946 do quân đội Mỹ thành lập nhằm nghiên cứu tình hình thế giới sau sự xuất hiện của vũ khí nguyên tử. Đầu những năm 1950, tổ chức này đóng vai trò chủ yếu trong việc nghiên cứu chính sách quân sự cho chính phủ Mỹ.
Khi bắt đầu đến RAND làm việc, Ellsberg mới 28 tuổi. Đến năm 1960, ông đã được coi là một trong những chiến lược gia phân tích chiến tranh trẻ tuổi hàng đầu của Mỹ. Quá trình nghiên cứu luận án tiến sỹ tại Đại học Havard với đề tài “Ra quyết định trong những tình huống thông tin không rõ ràng” đã được Ellsberg mang ra áp dụng khi làm việc cho RAND, trong đó ông nghiên cứu các tình huống chính phủ Mỹ với những thông tin mơ hồ sẽ phải lựa chọn có sử dụng vũ khí hạt nhân hay không, và nếu lựa chọn thì sẽ phải tiến hành như thế nào.
Sáng ngày 4/8/1964, Ellsberg bắt đầu nhận công việc chính thức tại Lầu Năm Góc, trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ, với tư cách là thành viên một nhóm nghiên cứu hoạch định chính sách đối với Việt Nam, trực tiếp dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara. Cũng trong ngày làm việc đầu tiên này, Ellsberg đã trực tiếp nhận những tin tức liên quan đến vụ thứ hai trong “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ”.
Những bức điện khẩn được chuyển về từ hạm đội tàu chiến của Mỹ thông báo chúng liên tiếp bị các tàu phóng ngư lôi của Bắc Việt tấn công khi đang làm nhiệm vụ tuần tra trên hải phận quốc tế thuộc Vịnh Bắc Bộ. Qua tay Ellsberg, các bức điện được báo cáo lên McNamara rồi Tổng thống Johnson.
Vin vào “vụ tấn công” này, chính quyền của Tổng thống Johnson đã đệ trình lên Quốc hội Mỹ xin tăng cường nguồn nhân lực và tài lực để mở rộng kế hoạch tham chiến tại Việt Nam.
Trong một buổi họp báo được truyền hình rộng rãi tới mọi người dân Mỹ ngay sau đó, Tổng thống Johnson khẳng định miền Bắc Việt Nam đã có “những hành động thù địch mới nhằm vào Mỹ” trên Vịnh Bắc Bộ và buộc Mỹ phải điều động các lực lượng quân sự tiến hành các biện pháp đáp trả. “Tôi sẽ ngay lập tức đề nghị Quốc hội thông qua một nghị quyết”, Johnson nói. Và ngay ngày hôm sau (5/8/1964), không quân Mỹ đã mở một loạt cuộc ném bom bắn phá nhiều mục tiêu ở miền Bắc Việt Nam.
Nghị quyết mà Johnson nhắc đến chính là “Nghị quyết Đông Nam Á” (hay vẫn được biết nhiều hơn dưới cái tên “Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ”) mà Quốc hội Mỹ chính thức thông qua ngày 7/8/1964, theo đó cho phép chính quyền Mỹ hỗ trợ bất cứ quốc gia Đông Nam Á nào được xem là bị đe dọa bởi “sự hiếu chiến của Cộng sản”. Đây là cái cớ để Mỹ tiến hành leo thang cuộc chiến tranh tại Việt Nam, mặc dù trước đó Johnson khẳng định: “Chúng tôi vẫn không tìm cách mở rộng chiến tranh”.
Sáng ngày 4/8/1964, Ellsberg bắt đầu nhận công việc chính thức tại Lầu Năm Góc, trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ, với tư cách là thành viên một nhóm nghiên cứu hoạch định chính sách đối với Việt Nam, trực tiếp dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara. Cũng trong ngày làm việc đầu tiên này, Ellsberg đã trực tiếp nhận những tin tức liên quan đến vụ thứ hai trong “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ”.
Những bức điện khẩn được chuyển về từ hạm đội tàu chiến của Mỹ thông báo chúng liên tiếp bị các tàu phóng ngư lôi của Bắc Việt tấn công khi đang làm nhiệm vụ tuần tra trên hải phận quốc tế thuộc Vịnh Bắc Bộ. Qua tay Ellsberg, các bức điện được báo cáo lên McNamara rồi Tổng thống Johnson.
Vin vào “vụ tấn công” này, chính quyền của Tổng thống Johnson đã đệ trình lên Quốc hội Mỹ xin tăng cường nguồn nhân lực và tài lực để mở rộng kế hoạch tham chiến tại Việt Nam.
Trong một buổi họp báo được truyền hình rộng rãi tới mọi người dân Mỹ ngay sau đó, Tổng thống Johnson khẳng định miền Bắc Việt Nam đã có “những hành động thù địch mới nhằm vào Mỹ” trên Vịnh Bắc Bộ và buộc Mỹ phải điều động các lực lượng quân sự tiến hành các biện pháp đáp trả. “Tôi sẽ ngay lập tức đề nghị Quốc hội thông qua một nghị quyết”, Johnson nói. Và ngay ngày hôm sau (5/8/1964), không quân Mỹ đã mở một loạt cuộc ném bom bắn phá nhiều mục tiêu ở miền Bắc Việt Nam.
Nghị quyết mà Johnson nhắc đến chính là “Nghị quyết Đông Nam Á” (hay vẫn được biết nhiều hơn dưới cái tên “Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ”) mà Quốc hội Mỹ chính thức thông qua ngày 7/8/1964, theo đó cho phép chính quyền Mỹ hỗ trợ bất cứ quốc gia Đông Nam Á nào được xem là bị đe dọa bởi “sự hiếu chiến của Cộng sản”. Đây là cái cớ để Mỹ tiến hành leo thang cuộc chiến tranh tại Việt Nam, mặc dù trước đó Johnson khẳng định: “Chúng tôi vẫn không tìm cách mở rộng chiến tranh”.
Thay đổi từ chuyến đi tới Việt Nam
Không mấy ai nghi ngờ về tính xác thực của diễn biến thứ hai trong “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” ngày 4/8/1964 để Mỹ ném bom nhiều địa điểm ở miền Bắc Việt Nam ngay trong ngày 5/8/1964. Thượng nghị sỹ Fulbright – Chủ tịch Ủy ban Quan hệ Đối ngoại và là người trực tiếp chuyển “Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ” lên Thượng viện Mỹ – cho biết ông tin vào câu chuyện của Tổng thống Johnson và Bộ trưởng McNamara khi đó, bởi “trong hoàn cảnh như vậy không có một lý do nào để nghi ngờ”.
Tuy nhiên, các tài liệu và nhân chứng sau này đã chứng minh rằng “sự kiện ngày 4/8” chỉ là một sự bịa đặt nhằm tạo ra một biện minh hợp pháp cho việc Mỹ leo thang các cuộc tấn công vào miền Bắc Việt Nam. Những bức điện khẩn được chuyển về liên tiếp trong một khoảng thời gian rất ngắn cũng khiến Ellsberg không khỏi nghi ngờ về tính xác thực của chúng. Hôm đó, sếp trực tiếp của ông, Trợ lý Bộ trưởng John McNaughton, đang bận làm việc với Bộ trưởng McNamara.
Họ thảo luận về những mục tiêu tấn công trả đũa mà Mỹ dự định sẽ tiến hành nhằm vào miền Bắc Việt Nam, sau khi diễn ra vụ thứ nhất của “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” trước đó vài ngày. Vì vậy các bức điện được chuyển trực tiếp tới tay Ellsberg. Sau này, trong cuốn hồi ký của mình ông viết: “Những bằng chứng được chuyển tới trong vài ngày cho thấy dường như đã không có cuộc tấn công nào xảy ra vào ngày 4/8/1964. Năm 1967, các tài liệu dường như đều khẳng định không có cuộc tấn công thứ hai, và năm 1971, tôi buộc phải tin vào sự ngờ vực này”.
Về tuyên bố “không mở rộng cuộc chiến” của Johnson, Ellsberg cho rằng đây là một “lời nói dối có chủ đích”. Những ngày làm việc cho Lầu Năm Góc đã giúp ông hiểu được rằng mở rộng chiến tranh là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Johnson khi đó, và họ dự kiến sẽ tiến hành ngay sau khi diễn ra tổng tuyển cử. Tuy nhiên, bí mật này đã được chính phủ giấu kín, nói đúng hơn là được hàng ngàn nhân viên đang làm việc cho chính phủ, trong đó có Ellsberg, ém nhẹm với thế giới bên ngoài.
Liên quan đến vụ tìm kiếm “bằng chứng máu” ngày 10/2/1965, sau này Ellsberg thừa nhận: “Trên thực tế, đó là tình tiết hổ thẹn nhất mà tôi đã làm trong một thời điểm quan trọng, để giúp McNamara thuyết phục Tổng thống rằng ông ta nên bắt đầu tiến hành một chiến dịch ném bom có hệ thống – điều mà tôi hoàn toàn phản đối”, ông nói.
Sau khi Nhà Trắng quyết định thực hiện chiến dịch ném bom miền Bắc dựa trên “bằng chứng máu”, Ellsberg không muốn là người ngồi nhà để nhận những thông tin do đồng đội cung cấp nữa. Ông muốn tận mắt chứng kiến cuộc chiến tàn khốc. Những năm tháng tham gia lực lượng thủy quân lục chiến đã dạy cho Ellsberg bài học là muốn biết rõ những gì đang diễn ra, anh phải có mặt tại đó. Vậy là Ellsberg tình nguyện ra chiến trường. Tại đại bản doanh của Bộ, người ta cho ông xem một bản đồ gồm hàng trăm đơn vị tuần tra của lính ngụy hàng đêm ở Sài Gòn. Một viên sỹ quan đã tiết lộ rằng bản đồ đó chỉ là một sự huyễn hoặc, cũng giống như các tin tức thắng trận gửi về nhằm củng cố tinh thần của binh sỹ. Những nơi đó không có mặt các đội tuần tra ban đêm của quân Cộng hòa mà chỉ có Việt Cộng. Họ làm chủ đất nước về đêm.
Trước khi đến Sài Gòn, Ellsberg thường bị ám ảnh với những suy nghĩ trong đầu về vấn đề an ninh ở đây, rằng mỗi cậu bé bán báo, đánh giầy, người đạp xích lô cũng có thể là một du kích. Trước cửa Đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn là những bức tường bê tông lớn và binh lính có vũ trang chặn và kiểm tra tất cả những người ra vào. Nhưng không lâu sau đó Ellsberg cảm nhận được cuộc sống vẫn diễn ra bình thường và sự thân thiện của người dân trên đường phố. Ông cho biết chưa thấy ở đâu trên thế giới trẻ em lại thân thiện, vui tươi đến vậy, cho dù rất có thể bố mẹ chúng đang là kẻ thù trực tiếp của ông bên kia chiến tuyến.
Cũng như vậy, sau nhiều lần trực tiếp đi tuần và tham gia các trận tấn công vào các ngôi làng nơi có bóng dáng của Việt Cộng, quan điểm của Ellsberg về cuộc chiến bắt đầu thay đổi. Ông cảm phục những người lính ăn uống kham khổ, sống lẩn khuất trong những khu rừng, dưới đầm lầy, sử dụng những loại vũ khí thô sơ chiếm được từ thời Pháp nhưng “đang siết chặt vòng vây với binh sỹ Mỹ”. Ellsberg chợt hiểu rằng người Mỹ không thể chiến thắng kẻ thù đang ngày đêm chiến đấu trên mảnh đất của họ, đơn giản vì họ sẽ không bao giờ bỏ cuộc.
Không thể chiến thắng
Tháng 10/1966, Ellsberg trở về Mỹ nghỉ phép. Trong một lần cùng ngồi trên chuyên cơ với McNamara bay tới căn cứ không quân Andrews, bang Maryland, Ellsberg tranh thủ đưa tập báo cáo ghi lại những suy nghĩ của anh về Việt Nam cho McNamara đọc. McNamara có vẻ rất chăm chú. Cảm giác được cấp trên quan tâm làm ông hạnh phúc. Nhưng điều khiến Ellsberg hạnh phúc hơn đó là được dịp bày tỏ cho Bộ trưởng biết những suy nghĩ của ông về tình trạng sa lầy của Mỹ tại chiến trường Việt Nam. McNamara gọi Ellsberg lại nói chuyện và thừa nhận việc Mỹ gửi thêm 100.000 quân tới Việt Nam được một năm nhưng tình hình vẫn không tốt hơn, “điều đó có nghĩa là mọi việc đang xấu đi”.
Tuy nhiên, ngay sau khi máy bay hạ cánh xuống căn cứ không quân Andrews, nơi một đám đông phóng viên đã chờ sẵn để được nghe ý kiến của McNamara sau chuyến đi tới Việt Nam, thật bất ngờ, McNamara thay đổi hẳn 180 độ so với những gì ông ta nói với Ellsberg ngay trước đó. Ông nói: “Các bạn hỏi là tôi lạc quan hay bi quan. Hôm nay, tôi có thể nói rằng tiến triển quân sự trong 12 tháng qua đã vượt quá mong đợi của chúng ta”. Đứng bên trong, Ellsberg nghĩ: “Mình hy vọng không bao giờ phải nói dối như vậy”.
Nói về tương lai của Mỹ trong cuộc chiến ở Việt Nam, Tổng thống Johnson đã nhiều lần khẳng định với người dân Mỹ: “Chúng ta sẽ chiến thắng”. Tuy nhiên, với chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, sự lạc quan của ông ta bắt đầu lung lay. Trong các cuộc tấn công của Quân Giải phóng, toàn bộ các lực lượng của Mỹ đều rơi vào tình thế bất ngờ. Lần đầu tiên, chiến tranh đã chạm vào các thành phố lớn ở miền Nam, chạm tới trung tâm của Sài Gòn. Chiến dịch Mậu Thân là một đòn giáng mạnh vào ý chí của binh sỹ và làm lung lay niềm tin của công chúng Mỹ vào cuộc chiến này.
Sau đó, khi Tướng William Westmoreland, Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ tại Sài Gòn đề nghị tăng quân, đề nghị này đã bị tờ Thời báo New York chộp được. Câu chuyện bị tiết lộ đã dấy lên nhiều ý kiến phản đối trong Quốc hội Mỹ. Các thượng nghị sỹ cho rằng, người dân đã bị Tổng thống bịt mắt và vì vậy, họ không lường hết những hậu quả của cuộc chiến. Sự ủng hộ của dân chúng Mỹ đối với cuộc chiến đặc biệt giảm mạnh sau chiến dịch Mậu Thân 1968, khiến Tổng thống Johnson buộc phải rút lui trong cuộc bầu cử Tổng thống vào năm đó.
Năm 1968, Richard Nixon ra tranh cử Tổng thống Mỹ với tuyên bố: “Chưa bao giờ chúng ta phải sử dụng nhiều vũ lực một cách thiếu hiệu quả như ở Việt Nam hiện nay. Tôi cam kết với các bạn, chúng ta sẽ có một kết thúc vẻ vang trong cuộc chiến Việt Nam”. Ngày 20/1/1969, Richard Nixon được chọn làm Tổng thống thứ 37 của Mỹ. Người dân Mỹ cầm lá phiếu bỏ cho Nixon với hy vọng ông ta đã chuẩn bị sẵn một kế hoạch khả thi có thể chấm dứt chiến tranh.
Henry Kissinger – Cố vấn An ninh Quốc gia cho Nixon và từng giữ chức Ngoại trưởng Mỹ trong nhiều năm liền – cũng từng đề cập đến chuyện Mỹ cần phải rút khỏi Việt Nam. Vào thời điểm này, đây là một quan điểm rất cấp tiến đối với một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ. Điều đó khiến không chỉ Ellsberg mà hầu như mọi người dân Mỹ đều cho rằng Tổng thống Nixon cũng có quan điểm tiến bộ như vậy.
Tuy nhiên, với một số người trong cuộc, họ hiểu hy vọng chính quyền Nixon sẽ sớm ngừng tham chiến tại Việt Nam chỉ là một ảo vọng. Cuối năm 1969, Mort Halperin từng nói với Ellsberg: “Nixon sẽ tiếp tục, và ông ta đang dọa sẽ leo thang cuộc chiến”. Một đoạn băng giải mật sau này cho thấy mức độ hiếu chiến của Nixon cao đến cỡ nào: “Để giành chiến thắng, chúng ta phải sử dụng tối đa sức mạnh chống lại đất nước nhỏ bé khốn kiếp này”, Nixon nói.
Nhưng tại thời điểm đó, Ellsberg không nghĩ vậy. Tại Tổng hành dinh của RAND, ông đã thảo một bản báo cáo trong đó nêu ra 6-7 lựa chọn về cách tiếp cận đối với Việt Nam để Kissinger đưa ra tại cuộc họp đầu tiên của ông ta tại Hội đồng An ninh Quốc gia. Sau khi đọc báo cáo, Kissinger gọi Ellsberg lên, nói: “Ellsberg, cậu không đưa ra một lựa chọn chiến thắng nào”. Ellsberg trả lời: “Tôi không nghĩ là chúng ta có một lựa chọn để chiến thắng. Chúng ta có thể tăng gấp đôi quân, nhưng sẽ chỉ giữ yên ổn tình hình cho đến khi rút khỏi Việt Nam. Hoặc chúng ta có thể sử dụng vũ khí nguyên tử và giết tất cả mọi người, nhưng đó không phải là một chiến thắng”.
Tài liệu Lầu Năm Góc
Trên thực tế, bản thân Bộ trưởng Quốc phòng McNamara cũng rất nghi ngờ khả năng Mỹ và Việt Nam Cộng hòa sẽ thắng lợi nếu kéo dài cuộc chiến. Trong những cuộc họp bí mật, ông ta đã đề nghị ngừng chiến dịch ném bom và thay bằng các giải pháp ngoại giao, song các đề nghị đó đều bị Tổng thống Johnson bác bỏ.
Vì vậy, tháng 6/1967, McNamara ra lệnh tiến hành một nghiên cứu toàn diện về quá trình tham gia của Mỹ vào cuộc chiến Việt Nam. Bản nghiên cứu có tên “Quan hệ Mỹ – Việt Nam 1945 – 1967”. Sỹ quan Lầu Năm Góc Mort Halperin, người sau này phụ trách công tác giám sát quá trình nghiên cứu kể lại: “Chúng tôi tới RAND để tuyển những người từng kinh qua nghiên cứu lịch sử. Tất nhiên, một trong số những người chúng tôi tuyển là Ellsberg”. Ngoài đáp ứng yêu cầu trên, người tham gia cần có kỹ năng phân tích nhạy bén, có khả năng phân chia các nhóm vấn đề và đề xuất những điểm mấu chốt cần nghiên cứu. Một tiêu chí có thêm càng tốt: Đó là đã từng phục vụ tại Việt Nam. Và đáp ứng những yêu cầu này không ai tốt hơn Ellsberg.
Ellsberg không bao giờ nghĩ rằng việc tham gia thực hiện nghiên cứu bản tài liệu sẽ không chỉ thay đổi cuộc sống của ông, mà cả lịch sử hiện đại của nước Mỹ.
Toàn bộ bản tài liệu Quan hệ Mỹ – Việt, hay còn gọi là bản “Tài liệu Lầu Năm Góc” được Bộ Quốc phòng Mỹ xếp vào dạng tuyệt mật, thậm chí mỗi một trang đều được đóng dấu “Tuyệt mật”. Ngay bản thân sự tồn tại của nghiên cứu này cũng được coi là tuyệt mật, không phải với người Việt Nam, những người trên thực tế không quan tâm tới chuyện này, mà chính là với Tổng thống Johnson. Bộ Quốc phòng sợ rằng nếu việc nghiên cứu tài liệu này đến tai Johnson, ông ta sẽ tìm cách ngăn chặn nó. Johnson biết McNamara có một sự hoài nghi lớn về tương lai của Mỹ trong cuộc chiến và có một nhóm người rất quyết tâm làm mọi thứ để kéo Mỹ ra khỏi Việt Nam.
Tháng 8/1969, Ellsberg bắt đầu đọc những trang đầu tiên của Tài liệu Lầu Năm Góc. Hiểu được cuộc chiến từ giai đoạn khởi đầu đã ảnh hưởng tới ông một cách ghê gớm. Nó thay đổi toàn bộ cảm nhận của Ellsberg về tính hợp pháp của cuộc chiến.
Ellsberg biết rằng chiến tranh Việt Nam ngay từ ban đầu đã là một cuộc chiến tranh của Mỹ. Cựu Tổng thống Truman đã tài trợ hàng tỷ USD và vũ khí để giúp người Pháp chiếm lại một trong những thuộc địa cũ của họ ở Đông Dương, dù biết rằng người Pháp đang chống lại một phong trào đấu tranh giành được sự ủng hộ của cả một dân tộc có truyền thống kiên cường chống giặc ngoại xâm. Tổng thống Eisenhower lên nắm quyền tháng 1/1953 sử dụng “Học thuyết Domino” để biện minh cho việc tiếp tục tài trợ cho Pháp và gửi chuyên gia Mỹ đến tham chiến tại Việt Nam. Tổng thống kế nhiệm Kennedy với tuyên bố “cố gắng giúp Việt Nam duy trì độc lập và không rơi vào sự khống chế của Cộng sản” đã lừa dối công chúng và Quốc hội rằng Mỹ sẽ chỉ cần gửi chuyên gia đến Việt Nam; song trên thực tế các cố vấn quân sự của Kennedy nói với ông ta rằng miền Nam Việt Nam sẽ thất thủ nếu không có sự cam kết của Mỹ đưa quân đến trợ giúp. Và giờ đây, Tổng thống Johnson cũng đang đi theo “vết xe dối trá” của những người tiền nhiệm với tuyên bố “chúng ta không tìm cách mở rộng chiến tranh” nhưng trên thực tế lại làm điều ngược lại.
Với bản tài liệu mật trong tay, Ellsberg hiểu rằng “các tổng thống đều muốn tránh vết nhơ bị mất Đông Dương vào tay Cộng sản trong nhiệm kỳ của mình”. Nếu không có bàn tay của Mỹ thọc vào, ban đầu là gián tiếp và sau đó là trực tiếp, cuộc xung đột tại Việt Nam sẽ không tàn khốc như những gì đã diễn ra suốt từ thập kỷ 1940. Sẽ không có cuộc chiến nào sau năm 1954 nếu Mỹ và tay chân ngụy quyền tại Việt Nam được Mỹ tài trợ không quyết tâm đi ngược lại và phá hoại quá trình giải quyết chính trị bằng tổng tuyển cử như đã cam kết trong Hiệp định Giơnevơ. Ellsberg hiểu rằng ngay từ đầu, sự tham chiến của Mỹ tại Việt Nam đã là một tội ác, được bốn đời tổng thống thực hiện, và giờ đây tổng thống thứ năm đang tiếp tục nối tay cho chuỗi sai lầm không biết bao giờ mới chấm dứt này. Hàng trăm ngàn người bị lính Mỹ giết hại thực sự là một tội ác giết người phi lý. Tội ác đó phải được ngăn chặn. Ellsberg kết luận, trong cuộc chiến này không phải người Mỹ “đứng về phe phi nghĩa”, mà chính họ “là phe phi nghĩa”.
Trong đầu Ellsberg chợt nảy ra ý rằng những gì ông có trong két sắt ở RAND là 7.000 trang tài liệu minh chứng cho sự dối trá của bốn vị tổng thống và chính quyền của họ trong vòng 23 năm, nhằm che giấu các kế hoạch và hành động của những vụ giết người hàng loạt. Ông không muốn sẽ tiếp tục che giấu điều đó nữa và bằng cách nào đó ông sẽ phải công bố tập tài liệu này.
Bước ngoặt tư tưởng
Tuy nhiên, từ sự thay đổi trong nhận thức đến chỗ quyết định hành động là một khoảng thời gian dài, với những cuộc giằng co dữ dội trong tư tưởng. Bước ngoặt của cuộc đấu tranh tư tưởng đó diễn ra vào một ngày cuối tháng 8/1969, khi Ellsberg đến Đại học Haverford ở gần thành phố Philadelphia để dự Hội nghị Liên đoàn Phản chiến Quốc tế (WRI).
Tại hội nghị, Ellsberg đã gặp nhiều gương mặt tiêu biểu trong làn sóng quốc tế chống chiến tranh như Bob Eaton hay Pastor Martin Niemoller. Chính họ, những người dám hy sinh cả cuộc đời để đấu tranh chống lại bạo lực và sự bạo tàn của chiến tranh, đã truyền cho ông một sức mạnh tinh thần để đối mặt với gian nan, mà ông biết chắc sẽ phải đương đầu khi quay lưng lại cỗ máy chiến tranh trong chính quyền Mỹ.
Một trong những người đầu tiên tác động tới Ellsberg là Janaki Natajaran Tschannerl, một cô gái Ấn Độ đấu tranh cho hòa bình theo Tư tưởng Gandhi mà Ellsberg đã từng gặp trước đó hơn 1 năm. Janaki là người đầu tiên đưa Ellsberg (khi đó vẫn là một người theo phái “diều hâu” rất tích cực) đến với khái niệm “phi kẻ thù” trong tư tưởng triết học Gandhi của nhà lãnh đạo vĩ đại của Ấn Độ Mahatma Gandhi.
Tại hội nghị WRI, ban tổ chức đã quyết định hủy một ngày họp (27/8/1969) để các đại biểu tới thành phố Philadelphia biểu tình bên ngoài Tòa nhà Bưu điện, phản đối phiên xét xử Bob Eaton – người mà ngay đêm hôm trước Ellsberg đã có cơ hội nói chuyện và nghe những lời thổ lộ về lý tưởng chống chiến tranh tới cùng của anh ta. Trước ngày ra tòa, Eaton vẫn tham gia đầy đủ các hoạt động của hội nghị, kể cả phiên kéo dài tới tận 10 giờ 30 phút đêm, sau đó là tiệc và khiêu vũ.
Eaton đang cầm một cốc bia và miệng không ngớt nói về những chiến lược lâu dài và những chiến thuật để thay đổi nước Mỹ. Ellsberg gợi ý rằng đó không phải là việc để làm vào đêm cuối cùng trước khi ngồi tù. Eaton trả lời ngay lập tức: “Nhưng đó là cách của tôi. Tôi là nhà tổ chức. Tôi sẽ là nhà tổ chức trong tù, giống như khi tôi tự do ở bên ngoài vậy”. Câu nói quả quyết của Eaton khiến Ellsberg suy nghĩ rất nhiều.
Tại cuộc biểu tình ủng hộ Eaton, trong Ellsberg xuất hiện một cuộc giằng co tâm lý, giữa lòng ngưỡng mộ những thanh niên dám đương đầu với vòng lao lý để đấu tranh cho hòa bình và sự sợ hãi của một sỹ quan Lầu Năm Góc đang phục vụ cho cuộc chiến tranh Việt Nam.
Ellsberg kể lại: “Tôi cảm thấy ngớ ngẩn… Nếu đồng nghiệp của tôi ở RAND hoặc Lầu Năm Góc thấy tôi làm việc này, họ sẽ nghĩ tôi điên mất”. Và tự lúc nào, Ellsberg thấy mình hòa vào dòng người kéo dài phân phát những tờ bướm kêu gọi phản chiến và thả tự do cho Eaton. Kết thúc cuộc biểu tình, Ellsberg “cảm nhận được sự tự do” của một người lần đầu tiên không tuân thủ trách nhiệm công dân để đấu tranh cho lẽ phải.
Tuy nhiên, sự kiện cuối cùng thức tỉnh lương tri để biến Ellsberg thành một người phản chiến hoàn toàn, là bài diễn thuyết của Randy Kehler vào ngày cuối cùng của hội nghị WRI (28/8/1969). Là nhà đấu tranh cho hòa bình và công bằng xã hội, người dành cả cuộc đời để phản đối thuế bưu chính phục vụ chiến tranh, Kehler cũng sắp bị chính quyền tống giam vì những hành động phản chiến của mình. Kehler tâm sự về cuộc đời riêng tư và con đường dẫn anh ta tới WRI. Rồi Kehler nói: “Hôm qua một người bạn của chúng ta, Bon Eaton, đã vào trại giam. Cách đây một tuần, Davis Harris, chồng của Joan Baez, đã vào trại giam. Và tôi thực sự hạnh phúc được gia nhập họ.
Nhưng tôi không lo lắng, bởi tôi biết tất cả các bạn ở đây sẽ đi tiếp chặng đường”. Nghe đến đây, toàn bộ khán phòng đứng bật dậy với những tràng pháo tay không ngớt. Riêng Ellsberg thì không thể. Ông lảo đảo ngồi phịch xuống ghế. Lát sau, Ellsberg rời khán phòng tìm đến khu vệ sinh, ngồi bệt xuống nền gạch và khóc. Ông khóc hơn một tiếng đồng hồ, trong đầu quẩn quanh những ý nghĩ: “Điều tốt nhất mà những người trẻ giỏi nhất ở đất nước mình có thể làm, đó là vào tù”.
Cuối cùng, Ellsberg đứng dậy rửa mặt và nghĩ: “Ok, vậy mình có thể làm gì để giúp chấm dứt cuộc chiến này? Mình đã sẵn sàng để vào tù chưa?” Sau này Ellsberg kể lại: “Câu nói tôi sẽ vào tù giống như một nhát rìu chẻ đầu tôi ra thành hai mảnh; nhưng trên thực tế, chính cuộc đời tôi mới bị chẻ làm đôi. Và phần đời diễn ra sau câu nói đó mới thực sự là cuộc đời tôi được sống”.
Hành động
Trở lại RAND, Ellsberg tìm đến Anthony Russo, một cựu đồng nghiệp trực tính, thông minh và cũng phản đối chiến tranh gay gắt. Russo từng tới Việt Nam trong nhiều tháng và có những bản báo cáo về việc lính Mỹ sử dụng nhục hình đối với các tù nhân Việt Nam. Ông chính là người giúp Ellsberg giấu chiếc máy photocopy tại một địa điểm bí mật và cùng Ellsberg sao chụp bản tài liệu mật. Sau này, Russo cũng phải ngồi tù vì từ chối ra làm nhân chứng chống lại Ellsberg đồng thời cũng bị xét xử cùng Ellsberg vì tội đồng lõa
Trước hành động dũng cảm của Russo, Ellsberg quyết định đây chính là người ông “chọn mặt gửi vàng” để đưa bản “Tài liệu Lầu Năm Góc” ra trước công chúng.
Các bản báo cáo về tội ác của lính Mỹ tại Việt Nam là nguyên nhân khiến Russo bị sa thải khỏi RAND. Sau khi nghỉ việc, Russo vẫn thường qua lại với Ellsberg và trong một lần như vậy, Russo tâm sự rằng qua nghiên cứu các tài liệu ở RAND ông đã phát hiện sự dối trá của chính quyền Mỹ. Ellsberg đáp lại: “Tôi biết còn có một tài liệu chứa đựng sự dối trá ở cấp độ cao hơn nhiều”.
Giữ im lặng trước những gì được đọc và được nghe khiến Ellsberg có cảm giác đồng lõa với tội ác. Là một chuyên gia nghiên cứu của RAND, quan tâm và hiểu rõ những vấn đề nội bộ trong chính phủ, từ trước đến nay, Ellsberg vẫn đóng vai trò như một người tham gia trong guồng máy đó, thậm chí ngay cả khi ông lên tiếng chỉ trích nó.
Chỉ trích nhưng không hành động. Ellsberg thực hiện nhiệm vụ được giao như một cỗ máy. Trong đầu ông chợt vang lên câu nói nổi tiếng của Henry David Thoreau: “Hãy bỏ phiếu, lá phiếu không phải là một mẩu giấy, mà là toàn bộ sự ảnh hưởng của bạn”. Ellsberg nghĩ: “Điều gì sẽ xảy ra nếu mình từ bỏ quyền được tiếp cận nguồn tin mật, sự nghiệp, đặc quyền tiếp cận với những người hoạch định chính sách? Điều gì sẽ xảy ra nếu mình chấp nhận ra tòa?”. Và ông tự đưa ra câu trả lời: “Không sao cả. Trong két của mình có hàng ngàn trang tài liệu về sự lừa dối này. Mình sẽ không là một phần của hệ thống lừa dối này nữa”.
Sau đó, Ellsberg gặp Russo, nói: “Anh biết về bản báo cáo tôi từng nói rồi đấy. Tôi có nó và tôi sẵn sàng công bố chúng. Anh giúp tôi được chứ?”. Russo bảo Ellsberg lo cho một chiếc máy photocopy và anh ta sẽ tìm một chỗ thuận tiện và bí mật để tiến hành việc sao chép hàng ngàn trang tài liệu mật. Họ bắt đầu công việc vào ngày 1/10/1969.
Hết ngày làm việc hôm đó, Ellsberg nhét vài trang tài liệu vào cặp để đưa ra ngoài. Đi ngang qua nhân viên bảo vệ, ông cảm thấy rõ tiếng trống ngực thình thịch. Ông không thể không nghĩ về những cam kết bảo mật đã ký kể từ khi bắt đầu làm việc cho chính phủ. Bên cạnh những dòng cam kết đó bao giờ cũng là lời cảnh báo có thể bị truy tố nếu “vi phạm an ninh quốc gia”. Một khi thông tin bị rò rỉ, không phải là quá khó để có thể lần ra dấu vết. Chỉ có 12 người được phép tiếp cận “Tài liệu Lầu Năm Góc” bên ngoài trụ sở Bộ Quốc phòng, trong đó có Ellsberg.
Chiếc máy photocopy mà Ellsberg nhờ được hiện đại nhất lúc bấy giờ nhưng phải mất vài giây mới sao chụp được một trang. Ngoài ra, để tránh trường hợp bị phát hiện và tịch thu trước khi công bố, Ellsberg muốn bản tài liệu phải được nhân ra một vài bản để cất giấu ở những nơi khác nhau. Việc này đòi hỏi phải thực hiện ở một cửa hàng dịch vụ. Vấn đề nảy sinh là dòng chữ “tuyệt mật” có mặt ở mỗi trang tài liệu. Chúng cần được che kín khi sao chụp. Vì vậy, công việc tưởng chừng như không bao giờ chấm dứt.
Ellsberg thường làm việc hết đêm, sáng sớm hôm sau lại mang tài liệu đến nhét vào ngăn kéo bảo mật tại văn phòng rồi mới trở về nhà. Đó là một căn nhà nhỏ, hẹp trông ra biển ở Malibu. Ellsberg thường nhảy sóng trước khi lên giường vào mỗi buổi sáng. Những cơn sóng giúp ông lấy lại thăng bằng nhanh hơn trong những cuộc đấu tranh tư tưởng khi phải làm công việc giống như một tên tội phạm.
Tại thời điểm Ellsberg bắt đầu sao chụp bản “Tài liệu Lầu Năm Góc”, ông có hai người con với người vợ trước, con trai Robert 13 tuổi và con gái Mary 10 tuổi. Cả hai đều được huy động cho công việc của bố. Ellsberg trực tiếp nói với con trai: “Bố có một bản tài liệu mật về cuộc chiến Việt Nam và muốn sao chép nó để công bố với Quốc hội. Liệu con có thể giúp được không?” Sau này, Robert kể lại anh không nghĩ rằng Ellsberg cần tới sự giúp đỡ về sức lực, mà ông tìm một chỗ tựa về tinh thần.
Đó là một công việc nguy hiểm và rất quan trọng đối với ông và ông muốn con trai mình đóng góp một phần nào đó. Trong thâm tâm, Ellsberg cũng nghĩ lũ trẻ sẽ được tham gia “một công việc có tính chất lịch sử”, để chúng sẽ không hiểu sai về người cha, dù sau này có phải chứng kiến ông đứng sau vành móng ngựa.
Ellsberg cũng kể hết mọi chuyện với vợ là Patricia Marx, cho cô đọc một số trang tài liệu mật. Trong những cuộc trò chuyện, hai người đã đề cập đến khả năng Ellsberg sẽ phải ngồi tù suốt phần đời còn lại. Patricia là người vợ thứ hai của ông và cũng là một người chống chiến tranh quyết liệt. Sau này bà kể lại: “Tôi cảm thấy rùng rợn bởi tính chất máu lạnh, tính toán và ngôn ngữ miêu tả những vụ tra tấn.
Họ dùng những từ ngữ “chúng ta sẽ xoáy sâu thêm 1 vòng chiếc đinh ốc vào người lính Bắc Việt này” hay “hãy thử đòn tra tấn nhúng nước”. Patricia không thể hiểu nổi tại sao các nhà lãnh đạo của Mỹ lại có thể sử dụng những ngôn từ đó và lừa dối người dân? Hiểu rằng trước sau chồng mình cũng sẽ buộc phải công bố bản tài liệu mật, bà chỉ biết khóc và nói: “Anh làm đi”.
Hy vọng và thất vọng
Cứ như vậy, sau vài tháng, công việc sao chép 47 chương, 7.000 trang tài liệu cũng được hoàn thành. Giờ là lúc tìm người gửi gắm để công bố chúng ra trước dư luận. Nếu câu hỏi “có nên công bố bản tài liệu hay không?” giằng co tư tưởng Ellsberg mãnh liệt ra sao, thì câu hỏi “làm cách nào để công bố?” cũng cân não như vậy.
Đối với những tài liệu quan trọng chỉ có 2 con đường hiệu quả nhất để đến với công luận: Qua báo chí hoặc qua Quốc hội. Là người nắm vững luật, Ellsberg hiểu các thượng nghị sỹ là những người có quyền ngăn cản chính phủ thi hành một dự luật và có quyền không tiết lộ danh tính người cung cấp thông tin. Tuy nhiên, một thượng nghị sỹ cũng không được công bố thông tin nếu không có sự đồng ý của Nhà Trắng.
Nếu cố tình làm vậy, họ sẽ đối mặt với tội danh tiết lộ bí mật an ninh quốc gia hoặc bị cáo buộc phản quốc. Đó là lý do tại sao trong Quốc hội Mỹ từ lâu vẫn có nhiều người công khai chỉ trích chiến tranh, một số còn nắm trong tay những thông tin mật về sai lầm của chính phủ Mỹ khi tham chiến tại Đông Dương, song tất cả vẫn chỉ dừng lại ở sự chỉ trích. Không ai dám biến chúng thành hành động ngăn cản. Còn nếu thông qua một hạ nghị sỹ, thì vấn đề là hạ nghị sỹ không có quyền ngăn cản một dự luật và không thể đưa tài liệu vào sử dụng tại Quốc hội.
Ellsberg đã tìm cách tiếp cận nhiều nghị sỹ, trong đó có Thượng nghị sỹ William Fulbright – Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, hay các nghị sỹ George McGovern và Pete McCloskey – những người từng ra tranh cử tổng thống Mỹ với chủ trương chống chiến tranh. Điều Ellsberg quan tâm không phải là sự an toàn của chính ông, bởi dù các nghị sỹ có giữ bí mật nguồn cung cấp thông tin thì cũng không khó để các cơ quan an ninh lần ra manh mối. Ông hy vọng thông qua Quốc hội, bản “Tài liệu Lầu Năm Góc” sẽ giúp đưa ra một dự luật chấm dứt cuộc chiến tranh hao người tốn của tại Việt Nam.
Thượng nghị sỹ Fulbright là người đã để lại một ấn tượng sâu sắc với Ellsberg khi ông nói cảm thấy “xấu hổ” vì có một phần trách nhiệm trong việc thông qua “Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ”, cho phép chính phủ Mỹ ném bom đánh phá miền Bắc Việt Nam. Sau khi gửi phần lớn các trang “Tài liệu Lầu Năm Góc” để Fulbright nghiên cứu, kể cả những trang nghiên cứu bổ sung về “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, tháng 12/1970, Ellsberg đến văn phòng của Fulbright để thảo luận xem có thể làm được những gì với những trang tài liệu này.
Thượng nghị sỹ Fulbright đã gợi ý nhiều cách để có thể ngăn chặn chính sách tham chiến của Mỹ, nhưng rốt cuộc buổi thảo luận đã không mang lại cách thức nào khả dĩ. Thậm chí, Ellsberg còn cảm thấy rất thất vọng khi Fulbright hỏi lại: Chẳng phải những sự dối trá qua các đời tổng thống Mỹ “ruốt cuộc chỉ là lịch sử thôi sao?”.
Sau đó, Ellsberg đến tìm Pete McCloskey, hạ nghị sỹ thuộc bang California. Trong một buổi diễn thuyết sau chuyến đi thực tế tới Đông Dương, McCloskey đã tiết lộ những thông tin “nhạy cảm” về chiến dịch ném bom bí mật của Mỹ tại Lào. Ông nói: “Tôi cho rằng họ (chính phủ Mỹ) đang nói dối về Việt Nam”. Ấn tượng trước từ “nói dối” của Hạ nghị sỹ McCloskey, Ellsberg đã lẻn đến trao cho ông một mẩu giấy, viết: “Ông nói đúng. Tôi có những tài liệu chứa đựng thông tin mà ông vừa đề cập”. Tuy nhiên, ngay sau đó Hạ nghị sỹ McCloskey phải lên máy bay tới bang California và đề nghị Ellsberg đi cùng để trao đổi công việc. Khỏi phải nói ông
Người tiếp theo Ellsberg đặt hy vọng là Thượng nghị sỹ George McGovern. Cuối tháng 1/1971, Ellsberg đến văn phòng của McGovern và kể hết mọi chuyện, từ việc đã sao chụp Tài liệu Lầu Năm Góc như thế nào, đã trao cho Thượng nghị sỹ Fulbright ra sao và đề nghị đưa bản tài liệu cho ông đọc. Ellsberg nói, khi tranh cử, McGovern đã tuyên bố rằng ông muốn nói sự thật với nhân dân Mỹ về cuộc chiến, vì vậy Ellsberg sẽ trao cho McGovern nhiều sự thật đến mức ông có thể nói từ nay tới khi bầu cử diễn ra cũng chưa hết. McGovern tỏ ra rất hào hứng và quả quyết sẽ đưa bản tài liệu vào hồ sơ Thượng viện để có thể dùng nó ngăn cản một dự luật nào đó liên quan đến chiến tranh, đồng thời khẳng định sẽ làm tất cả để bảo vệ Ellsberg. Ellsberg cảm tưởng cuối cùng thì ông cũng đã tìm được người cần tìm.
Tuy nhiên, một tuần sau, McGovern gọi điện lại, nói: “Tôi xin lỗi, tôi không thể làm được”. Không thất vọng như lần trước bị Thượng nghị sỹ Fulbright từ chối, Ellsberg đón nhận tin này với một vẻ bình thản kỳ lạ. Ông chỉ đáp lại ngắn gọn “Tôi hiểu”. Ông hiểu rằng, cho dù McGovern không thể bị chất vấn về nguồn gốc tập tài liệu mật, kể cả bởi FBI hay Bộ Tư pháp, bởi ông là một thượng nghị sỹ, thì việc công bố một tài liệu quan trọng như vậy có thể khiến ông – một người đang tranh cử tổng thống – bị coi là dùng thủ đoạn, hoặc tệ hơn bị cho là thiếu trách nhiệm đối với đất nước với tư cách sẽ là một tổng thống trong tương lai.
Quyền lực thứ tư
Trước khi tìm đến quốc hội, Ellsberg đã suy nghĩ nhiều về việc nhờ đến báo chí – vốn được coi là quyền lực thứ tư trong xã hội – để đưa bản Tài liệu Lầu Năm Góc ra công luận. Con đường này khiến ông đối mặt với nhiều rủi ro pháp lý hơn, cộng thêm các tờ báo sẽ không thể đăng tải hết toàn bộ nội dung bản tài liệu, nhưng trước sự bế tắc qua con đường các nghị sỹ, Ellsberg không còn lựa chọn nào khác.
Tháng 3/1971, Ellsberg quyết định tiết lộ bản Tài liệu Lầu Năm Góc cho tờ Thời báo New York (New York Times – NYT) thông qua Neil Sheehan – một phóng viên ông đã quen biết từ trước. Thất bại trước khiến ông trở nên thận trọng. Ông chỉ trao một số trang tài liệu cho Sheehan và đặt điều kiện chỉ trao toàn bộ nếu ban biên tập đồng ý đăng trên tinh thần sẽ tạo ra một sự kiện lớn tác động tới dư luận và chính quyền Mỹ. Ellsberg không hề biết rằng chỉ lướt qua những dòng đầu tiên, ban biên tập tờ NYT hiểu ngay đây là một vấn đề cực kỳ nhạy cảm và họ phải mất khá nhiều thời gian để thảo luận có đăng hay không và nếu đăng thì sẽ như thế nào. Công ty luật tư vấn cho NYT nói rằng không nên đăng bài này, bởi bài báo có thể khiến ban biên tập vào tù chiểu theo Luật Gián điệp. Tuy nhiên, luật sư Jim Goodale làm việc cho NYT có quan điểm ngược lại. Vậy là quyết định đăng Tài liệu Lầu Năm Góc được nhất trí thông qua.
Sau này, Max Frankel, trưởng văn phòng đại diện của NYT tại Oasinhtơn khi đó kể lại: “Chúng tôi sẽ không bao giờ yên ổn nếu quyết định không đăng tập tài liệu. Sớm hay muộn thì người ta cũng biết rằng chúng tôi đã có nó trong tay, đã chùn bước, đã không đăng và đó sẽ là một sự hổ thẹn”.
Để giữ bí mật tuyệt đối, ban biên tập tờ NYT quyết định chuyển công việc viết lách và biên tập ra ngoài tòa soạn đến một dãy phòng thuê riêng tại khách sạn Hilton ở thành phố New York. Một nhóm biên tập viên được huy động làm việc cấp tốc, lựa chọn các nội dung xuất bản, viết bình luận. Và cuối cùng, điều Ellsberg chờ đợi bấy lâu đã đến: Chủ nhật ngày 13/6/1971, bài báo đầu tiên của loạt bài về “Tài liệu Lầu Năm Góc” được xuất bản trên tờ NYT, trong đó có đoạn trích lời trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng: “Chúng ta có mặt ở Việt Nam 10% là để giúp miền Nam Việt Nam, 20% để giữ chân Trung Quốc và 70% để giữ thể diện cho nước Mỹ”. Bài báo lập tức gây tiếng vang lớn trong dư luận. Báo chí khắp thế giới đua nhau đưa tin về sự kiện này.
Khỏi phải nói bài báo khiến chính quyền Mỹ tức giận đến nhường nào. Các tài liệu giải mật cho thấy, ngay hôm đó, tại Nhà Trắng, Tổng thống Nixon triệu tập Chánh Văn phòng Alexander Haig đến tuyên bố: “Cho dù nó bị rò rỉ từ bất cứ bộ nào, tôi sẽ sa thải người đứng đầu”. Hai ngày sau, trong một cuộc họp với sự có mặt của Kissinger và nhiều quan chức khác, Nixon nói: “Tôi không quan tâm các ông cảm thấy thế nào về cuộc chiến… Đó là một đòn tấn công vào sự toàn vẹn của chính phủ. Thề có Chúa, tôi sẽ chống lại tờ báo khốn kiếp đó. Chúng không biết sẽ phải đối mặt với điều gì đâu”. Cố vấn pháp lý của Nixon kể lại, khi đó Kissinger đã nói: “Daniel Ellsberg là kẻ nguy hiểm nhất đối với nước Mỹ. Chúng ta phải chặn hắn lại bằng mọi giá”.
Ngay ngày hôm đó, khi loạt bài về bản Tài liệu Lầu Năm Góc mới ra được 3 kỳ, Bộ trưởng Tư pháp John Michell gửi thư cho tòa soạn NYT yêu cầu ngừng xuất bản và trao trả bản sao tài liệu mật, nhưng bị NYT từ chối. Tiếp đến, Bộ Tư pháp viện đến sự trợ giúp của tòa án liên bang New York và tờ NYT nhận được trát yêu cầu tạm dừng loạt bài gây xôn xao dư luận. Lần đầu tiên trong lịch sử, một tòa án liên bang Mỹ đã ngăn cản sứ mệnh thông tin của một tờ báo, bất chấp Hiến pháp Mỹ ghi rõ “không được phép hạn chế quyền tự do ngôn luận hoặc tự do báo chí”.
Lúc này, Ellsberg đang cùng vợ lẩn trốn ở thành phố Cambrigde, bang Massachusettes, bởi FBI đã khoanh vùng ông là nghi can số một tiết lộ Tài liệu Lầu Năm Góc. Trong vòng 13 ngày, hai vợ chồng ông phải sử dụng tên giả sống chui lủi trong những nhà trọ hoặc những địa điểm bí mật do bạn bè sắp đặt. Cái tên Ellsberg đã trở thành tâm điểm của câu chuyện được báo chí miêu tả là “cuộc săn lùng lớn nhất của FBI trong nhiều thập kỷ”.
Lo sợ độc giả sẽ không được đọc phần còn lại của bản tài liệu, Ellsberg tìm cách liên lạc với nhiều tờ báo khác để họ tiếp tục đưa tin. Ngày 18/6/1971, tờ Bưu điện Oasinhtơn (Washington Post) bắt đầu đăng kỳ đầu tiên trong loạt bài điều tra dựa trên tập Tài liệu Lầu Năm Góc do Ellsberg cung cấp. Nhưng cũng giống như tờ NYT, ngay lập tức tờ Bưu điện Oasinhtơn nhận được lệnh của tòa án yêu cầu tạm ngừng đưa vấn đề này để chờ một quyết định chính thức.
Tuy nhiê