Aung San Suu Kyi
Aung San Suu Kyi sinh ngày 19 tháng 6 năm 1945 tại Rangoon, Myanma (Miến Điện), là con gái của tướng Aung San, người đã lãnh đạo thành công cuộc chiến giành độc lập cho Miến Điện từ tay người Anh vào năm 1947. Nhưng ông bị ám sát ngay trong năm đó, khi cô con gái mới được 2 tuổi. Trong ...
Aung San Suu Kyi sinh ngày 19 tháng 6 năm 1945 tại Rangoon, Myanma (Miến Điện), là con gái của tướng Aung San, người đã lãnh đạo thành công cuộc chiến giành độc lập cho Miến Điện từ tay người Anh vào năm 1947. Nhưng ông bị ám sát ngay trong năm đó, khi cô con gái mới được 2 tuổi. Trong những năm 1988-1995 bà hoạt động đòi tự do nhân quyền cho Myanma và bị chính quyền Myanma giam lỏng. Năm 1990, bà được trao Giải tưởng niệm Thorolf Rafto. Bà được tặng giải Nobel Hòa bình năm 1991
Tự do khỏi nỗi khiếp sợ
Lâm Yến dịch
Tiểu Luận “Tự do khỏi nỗi khiếp sợ” của Aung San Suu Kyi lần đầu được phổ biến để xuất bản với mục đích kỷ niệm Giải thưởng Sakharov vì Tự do Tư tưởng mà Nghị viện Châu Âu trao tặng. Lễ trao giải diễn ra tại Strasbourg vào ngày 10 tháng Sáu 1991 mà không có sự hiện diện của bà.
Không phải quyền lực làm cho tha hóa, mà chính là sự khiếp sợ. Sự khiếp sợ đánh mất quyền lực làm tha hóa những kẻ đang nắm trong tay quyền lực và sự khiếp sợ bị quyền lực trừng phạt làm tha hóa những người đang nằm dưới tay quyền lực. Đại đa số người Miến quen thuộc với bốn gati, bốn hình thức của tha hóa. Changda-gati (Tham), sự tha hóa bắt nguồn từ lòng ham muốn, là sự từ bỏ chính đạo để tìm kiếm tặng vật bất chính hay những thứ mình thèm khát. Dosa-gati (Sân) là việc đi vào lạc đạo nhằm trừng phạt những người mà mình ghét bỏ, Moga-gati (Si) là sự sai lầm do si đần. Nhưng có lẽ cái tồi tệ nhất trong bốn hình thức tha hóa là Bhaya-gati (Úy), không phải chỉ vì bhaya (sự khiếp sợ) làm tê cứng và dần phá hủy tất cả các cảm giác về đúng-sai, mà nó thường là nguồn cơn của ba hình thức tha hóa còn lại. Giống như Tham, khi không bắt nguồn từ tính hám lợi thuần túy thì có thể là sản phẩm của sự khiếp sợ cảnh nghèo túng hoặc sợ làm phật lòng những người mình yêu quí, sự khiếp sợ bị vượt qua, bị lăng nhục hoặc thương tổn theo cách nào đó có thể xô đẩy con người đến những ác ý. Cũng khó có thể xua tan u mê trừ phi có tự do theo đuổi chân lý và không bị trói buộc bởi sự khiếp sợ. Với quan hệ gần gũi đến thế giữa sự khiếp sợ và tha hóa, không có gì phải ngạc nhiên là ở bất kỳ xã hội nào, khi sự khiếp sợ lan tràn, tha hóa dưới mọi hình thức sẽ bám rễ sâu trong lòng xã hội.
Việc công chúng không hài lòng với những khó khăn kinh tế vẫn được nhìn nhận là nguyên nhân chính dẫn tới phong trào đòi dân chủ ở Miến, được châm ngòi bởi những cuộc biểu tình của sinh viên năm 1988. Đúng là nhiều năm với những chính sách thiếu ăn nhập, các giải pháp sai lạc của chính quyền, lạm phát leo thang và thu nhập thực tế tụt giảm đã đưa đất nước đến tình trạng khủng hoảng kinh tế. Nhưng không phải những khó khăn trong việc nâng cao hơn mức sống – ở mức gần như không thể chấp nhận được – là lý do duy nhất xói mòn lòng kiên trì của người dân vốn đôn hậu và hiền lành, mà còn do sự lăng nhục bởi một lối sống bị biến dạng bởi tha hóa và khiếp sợ.
Các sinh viên đã đấu tranh không phải thuần túy vì cái chết của các đồng chí, mà còn chống lại sự phủ nhận quyền được sống của họ bởi chính thể toàn trị – một chính thể đã tước đi sự hiện diện của lẽ phải và không đem đến bất kỳ một hi vọng nào cho tương lai. Và vì các cuộc tranh đấu của sinh viên đã truyền tải rõ ràng sự thất vọng của công chúng, những cuộc biểu tình này lan nhanh thành một phong trào toàn quốc. Một trong những người ủng hộ nhiệt thành nhất cho phong trào là các doanh gia, những người đã hình thành những kỹ năng và quan hệ cần thiết để không chỉ tồn tại mà còn giàu có trong hệ thống. Nhưng sự giàu có không đem đến cho họ cảm nhận thực sự về an ninh và thành đạt, và họ không thể không nhận thấy rằng nếu họ và đồng bào họ, bất kể địa vị kinh tế, muốn có được một sự sinh tồn khả dĩ thì một bộ máy nhà nước khả tín ít ra phải là điều kiện cần, nếu không phải là điều kiện đủ. Người dân Miến đã lo ngại về tình trạng bấp bênh của kẻ nằm dưới sự trị vì của người khác, khi mà thân phận họ “như nước trong bụm tay” của những kẻ nắm quyền lực tối cao.
Chúng ta đẹp xanh như ngọc
Trên bụm tay người
Nhưng ôi, chúng ta cũng có khi là
Những vụn gương vỡ nát
Trên bụm tay người
Các vụn gương, những mảnh nhỏ nhất, óng ánh và sắc nhọn, có thể tự bảo vệ mình khỏi những bàn tay muốn nghiền nát chúng là một biểu trưng sống động của tinh thần can đảm, một phẩm chất cần thiết của những người muốn giải phóng mình khỏi sự kìm kẹp của bạo quyền. Bogyoke Aung San coi mình là một nhà giải phóng và không ngừng tìm kiếm câu trả lời cho những trở ngại mà Miến Điện gặp phải trong thời khắc thử thách của dân tộc. Ông hô hào đồng bào mình hãy can đảm hơn: “Hãy đừng lệ thuộc vào lòng can đảm và tinh thần dũng cảm của người khác, mỗi người trong các bạn hãy biết hi sinh để trở thành một anh hùng và tạo dựng sự dũng cảm và can đảm của chính mình. Chỉ đến khi đó chúng ta mới có thể cùng chung hưởng tự do thực sự”.
Nỗ lực cần thiết để tránh không bị tha hóa – trong một môi trường mà sự khiếp sợ là một phần máu thịt của sự tồn tại hàng ngày – không tức khắc rõ ràng với những người có may mắn sống trong những nhà nước có sự hiện diện của pháp quyền (rule of law). Luật pháp công minh không chỉ ngăn chặn sự tha hóa thông qua việc trừng phạt không thiên vị những kẻ phạm pháp. Luật pháp còn giúp tạo dựng một xã hội mà trong đó mọi người có thể thỏa mãn những yêu cầu căn bản-vốn thiết yếu cho việc bảo tồn nhân phẩm con người mà không cần phải cầu viện đến những hành vi tha hóa. Khi thiếu vắng luật pháp như thế, gánh nặng gìn giữ các nguyên tắc của công lý và sự đoan chính chuyển sang vai những con người bình thường. Chính hiệu ứng tích lũy những nỗ lực bền bỉ và sự nhẫn nại sẽ thay đổi một dân tộc – nơi lý trí và lương tri bị bóp méo bởi sự khiếp sợ – sang một xã hội mới- nơi luật pháp tồn tại là để đáp ứng khát vọng của con người về sự hòa hợp và công lý, trong khi giúp ngăn chặn những tính ác trong bản chất thiên bẩm của con người.
Trong một thời đại mà sự phát triển lớn lao của kỹ nghệ đã tạo ra những vũ khí chết người-những thứ có thể được, và đang được, những kẻ nắm quyền vô đạo dùng để thống trị kẻ yếu và không có khả năng tự vệ, có một đòi hỏi cấp thiết về mối quan hệ gần gũi hơn giữa chính trị và đạo đức, trên cả cấp độ dân tộc và quốc tế. Tuyên ngôn Nhân quyền Toàn cầu của Liên hợp Quốc khẳng định rằng tất cả mọi người và mọi hợp phần của xã hội phải đấu tranh nhằm thúc đẩy tự do và các quyền cơ bản mà theo đó mọi người, bất kể chủng tộc, quốc gia và tôn giáo đều được hưởng. Tuy nhiên, chừng nào còn tồn tại các chính quyền được thiết lập dựa trên sự áp bức thay vì sự chấp thuận của công chúng, chừng nào còn tồn tại các nhóm lợi ích chỉ biết đặt lợi ích trước mắt lên trên hòa bình và thịnh vượng lâu dài, thì hành động phối hợp quốc tế bảo vệ và phát huy quyền con người bất quá chỉ là một nửa cuộc đấu tranh. Vẫn sẽ có những đấu trường nơi các nạn nhân của bạo quyền phải tự dựa vào những nội lực của chính họ để bảo vệ các quyền bất khả nhượng với tư cách là những thành viên của gia đình nhân loại.
Cuộc cách mạng rốt ráo là cuộc cách mạng trong tinh thần, được khai sinh từ niềm tin trí tuệ về nhu cầu cần phải thay đổi các thái độ và các giá trị – những thứ định hình tiến trình phát triển của một dân tộc. Một cuộc cách mạng chỉ tập trung vào thay đổi các chính sách của nhà nước và các thể chế, với mục tiêu cải thiện các điều kiện vật chất, sẽ chỉ có rất ít cơ hội thành công thực sự.
Thiếu vắng cuộc cách mạng trong tinh thần, nguồn gốc tạo ra cái vô đạo của trật tự cũ vẫn sẽ tiếp tục vận hành, gây ra một đe dọa thường trực cho quá trình cải cách và phục hồi. Sẽ không đủ nếu chỉ cổ súy cho tự do, dân chủ và các quyền con người. Cần có quyết tâm thống nhất nhằm duy trì cuộc đấu tranh, chấp nhận hi sinh vì chân lý vững bền, chống lại các ảnh hưởng tha hóa của lòng ham muốn, của ác ý, của si đần và sự khiếp sợ.
Người ta từng nói rằng các vị Thánh là những tội nhân luôn cố gắng [rửa sạch lỗi lầm của mình]. Vì thế, người tự do là những người bị áp bức luôn cố gắng và trong quá trình đó, chuyển hóa mình để thích hợp với việc gánh vác các trách nhiệm và gìn giữ các nguyên tắc cho một xã hội tự do. Trong số những sự tự do cơ bản mà con người mong ước nhằm tạo dựng một cuộc sống tràn đầy và không bị trói buộc, tự do khỏi khiếp sợ nổi lên là một phương tiện, đồng thời là mục đích. Một dân tộc muốn xây dựng một đất nước mà trong đó các thể chế dân chủ mạnh được xây dựng bền vững như là một bảo đảm chống lại sự lạm quyền của nhà nước thì trước hết phải học cách giải phóng tâm mình khỏi sự vô cảm và sự khiếp sợ.
Luôn là một người thực hành những gì mình kêu gọi, bản thân Aung San luôn chứng tỏ sự can đảm – không chỉ là những biểu hiện bên ngoài, mà còn là sự can đảm cho phép ông nói lên sự thật, giữ lời, chấp nhận phê bình, thừa nhận những lỗi lầm mình có và sửa chữa, tôn trọng đối lập, hòa đàm với kẻ thù và để dân chúng vào vị trí quan tòa phán xét sự xứng đáng của ông trong vai trò lãnh đạo. Chính vì sự dũng cảm đạo đức như thế mà ông luôn được kính yêu ở Miến – không chỉ với tư cách là một chiến binh anh hùng mà còn với tư cách là nguồn cảm hứng và lương tri cho cả dân tộc. Những từ ngữ do Jawaharlal Nehru sử dụng khi nói về Thánh Gandhi có thể áp dụng tốt trong trường hợp của Aung San:
“Tinh hoa trong các bài giảng của ngài là sự không khiếp sợ và sự thật, cùng với các hành động thống nhất với hai yếu tố này [trong khi vẫn] luôn quan tâm đến phúc lợi của đám đông”.
Gandhi, nhà truyền giáo vĩ đại của tư tưởng bất bạo động, và Aung San, người sáng lập quân đội quốc gia, là hai người có tính cách rất khác nhau, nhưng cũng giống như có sự tương đồng hiển nhiên trong những thách thức của chế độ toàn trị ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào, thì cũng có những tương đồng trong các phẩm chất vốn có ở những người đứng lên đối mặt với những thách thức ấy. Nehru, người nhìn nhận việc lan truyền lòng can đảm trong dân chúng Ấn là một trong những thành tựu vĩ đại nhất của Gandhi, là một nhà chính trị canh tân, nhưng khi ông tiếp cận với các đòi hỏi của phong trào đòi độc lập trong thế kỉ hai mươi, ông đã nhận thấy là mình quay trở về với triết học cổ điển Ấn: “Món quà lớn nhất cho một cá nhân hay một dân tộc… là Abhaya, không khiếp sợ, không thuần túy là sự can đảm bề ngoài, mà còn là sự vắng bóng sự khiếp sợ trong tâm”.
Sự can đảm có thể là một món quà, nhưng có lẽ còn quý giá hơn nếu can đảm được khơi lên từ sự nỗ lực, thứ can đảm đến từ việc gieo trồng thói quen không để sự khiếp sợ kiểm soát hành vi của mình, thứ can đảm có thể được miêu tả bằng “tự tại trước áp lực” – sự tự tại được làm mới liên tục ngay khi đối mặt với những áp lực căng thẳng và dai dẳng.
Trong một hệ thống chính trị luôn chối bỏ sự tồn tại của các quyền con người cơ bản, sự khiếp sợ có vẻ như là thuộc tính nổi bật. Sợ tù đày, sợ tra tấn, sợ cái chết, sợ bị mất đi những bạn bè, gia đình, tài sản hay phương tiện sống, sợ đói nghèo, cô lập, trước thất bại. Hình thức quỷ quyệt nhất của sự khiếp sợ là hình thức ngụy trang dưới mặt nạ common sense (lẽ thường) hoặc thậm chí là sự thông thái, kết án những hành vi can đảm bé nhỏ thường nhật – những hành vi giúp bảo toàn niềm tự trọng và phẩm giá ẩn chứa trong mỗi con người – là [những hành vi] ngu ngốc, khinh suất, không đáng giá hoặc vô ích. Không dễ dàng để quần chúng đang khiếp sợ dưới sự cai trị hà khắc hiểu rằng họ có thể tự giải thoát mình khỏi bầu khí độc của sự khiếp sợ hãi đang làm họ kiệt sức. Ấy thế mà ngay cả khi dưới sự đàn áp của những bộ máy cai trị hà khắc nhất, tinh thần can đảm vẫn trỗi dậy hết lần này qua lần khác, vì sự khiếp sợ không phải là trạng thái tinh thần tự nhiên của một người văn minh.
Suối nguồn của lòng can đảm và sự vững vàng trước bạo quyền vô hạn độ thường là lòng tin son sắt vào các giá trị đạo đức thiêng liêng kết hợp với sự hiểu biết lịch sử rằng dù cho mọi khó khăn, lịch sử loài người được đặt trên một lộ trình duy nhất là sự tiến bộ cả về tinh thần lẫn vật chất. Chính khả năng tự cải biến và sửa sai là yếu tố quan trọng nhất phân biệt con người với con vật. Cội rễ của trách nhiệm người là khái niệm hoàn mỹ, sự khao khát đạt được nó, sự thông tuệ để tìm đường đến với nó, và sự sẵn lòng đi theo con đường đó cho tới đích cuối cùng, hoặc ít ra cũng đi được khoảng cách cần thiết để vượt lên trên các giới hạn cá nhân và các trở ngại của môi trường. Chính viễn kiến của con người về thế giới tương thích với nhân tính duy lý và văn minh đã dẫn chúng ta đến chỗ dám chịu đựng mất mát để xây dựng các xã hội tự do khỏi đói nghèo và khiếp sợ. Các khái niệm như sự thực, công lý và lòng trắc ẩn không thể bị loại trừ vì lặp đi lặp lại quá nhiều trong khi chúng thường là những bức tường thành duy nhất hiên ngang chống lại bạo quyền.
Nguyên bản tiếng Anh: Freedom From Fear
Nhóm Duy Tân Trẻ giữ bản quyền của bản dịch tiếng Việt
Aung San Suu Kyi nhận giải Nobel hòa bình 1991
(Phát Biểu của Francis Sejersted, Chủ tịch Ủy Ban Nobel Na Uy)
Lâm Yến dịch
Hôm nay chúng ta tụ họp nơi đây để tôn vinh Aung San Suu Kyi vì sự cống hiến vĩ đại của bà cho dân chủ và quyền con người, và để trao tặng bà Giải Nobel Hòa Bình năm 1991. Sự kiện đặc biệt này gợi ra những tình cảm ít nhiều mâu thuẫn nhau. Chủ nhân Giải Nobel không thể có mặt cùng chúng ta ngày hôm nay. Sự cống hiến vĩ đại mà chúng ta cùng đang tôn vinh còn chưa đến hồi kết. Bà vẫn đang tiếp tục cuộc tranh đấu của mình. Sự dũng cảm và tận tụy của bà đã biến bà thành tù nhân lương tâm ngay trên đất nước mình, Burma. Sự vắng mặt của bà ngày hôm nay đem đến cho chúng ta mối quan ngại và lo lắng, cho dù những tình cảm này chỉ là cái bóng mờ so với sự âu lo mà gia đình bà đang trải qua. Chúng ta chào đón cơ hội này để bày tỏ đến họ sự đồng cảm sâu đậm nhất của mình tới họ, tới chồng bà, Micheal Aris, và tới các con trai bà, Alexander và Kim. Chúng tôi chia sẻ với các bạn, và chúng tôi rất hàm ơn các bạn đã tới Oslo để nhận Giải Nobel thay cho vợ và mẹ của các bạn.
Sự lo lắng và quan ngại của chúng ta được trộn lẫn với cảm giác tin tưởng và hi vọng. Trong cuộc tranh đấu tốt đẹp cho hòa bình và hòa hợp, chúng ta phụ thuộc vào những cá nhân mẫu mực, những người có thể trở thành biểu tượng của các giá trị mà chúng ta kiếm tìm, và có thể huy động những gì tốt nhất ẩn chứa trong từng cá nhân chúng ta. Aung San Suu Kyi chính là một người như thế. Bà hợp nhất sự tận tụy và bền bỉ với một viễn kiến mà theo đó, mục đích và các phương tiện kết hợp lại thành một. Những thành tố cơ bản của nó là: dân chủ, sự tôn trọng các quyền con người, hòa hợp giữa các nhóm, bất bạo động, kỷ luật cá nhân và tập thể.
Bà đã tự mình chỉ rõ các mạch nguồn cảm hứng của bà: chính yếu là Thánh Gandhi và phụ thân của bà, Aung San, lãnh tụ cuộc đấu tranh giải phóng Burma. Triết gia về bất bạo động và vị Tướng Quân khác nhau ở nhiều điểm, nhưng cũng có nhiều tương đồng cơ bản. Trong cả hai, chúng ta có thể tìm thấy độc lập chân chính, sự khiêm nhường thành thực và “một sự giản dị hết mực”, như lời của Aung San Suu Kyi khi nói về phụ thân mình. Với Aung San, lãnh đạo là một trách nhiệm, và chỉ có thể được thực thi trên nền tảng là sự khiêm nhường trước việc mình làm và sự tin tưởng và kính trọng của những người được dẫn dắt.
Trong khi không có gì phải nghi ngờ rằng Aung San Suu Kyi đã lấy cảm hứng lớn từ Gandhi và phụ thân mình, bà cũng đưa thêm những suy tư độc lập của mình vào cái đã trở thành cương lĩnh chính trị của bà. Sự tinh túy vẫn là tính giản dị hết mực như bà tìm thấy từ phụ thân mình. Việc quyền con người chiếm vị trí trung tâm trong tư tưởng của bà đã phản ánh cảm nhận chân thành của Suu Kyi về nhu cầu phải bảo vệ nhân phẩm của con người. Con người không chỉ có quyền sống trong một xã hội tự do, mà con người còn có quyền được tôn trọng. Trên cương lĩnh này, bà đã xây dựng một chính sách được đặc trưng bởi sự hòa quyện tuyệt vời giữa chủ nghĩa hiện thực tỉnh táo và chủ nghĩa lý tưởng nhìn xa trông rộng. Và trong trường hợp của bà, nó không chỉ là một lý thuyết: bà đã đi một con đường dài để chỉ ra cách làm thế nào áp dụng một học thuyết như thế trong thực tiễn chính trị.
Để một học thuyết về hòa bình và hòa hợp được đưa vào thực tiễn, một điều kiện tiên quyết là sự can đảm. Aung San Suu Kyi biết rõ điều này. Một trong các bài phát biểu của bà bắt đầu bằng lời khẳng định rằng không phải quyền lực làm cho tha hóa, mà chính là nỗi khiếp sợ. [1] Nhận định này hướng tới chế độ toàn trị trên đất nước bà. Họ đã tự cho phép mình bị tha hóa vì họ sợ hãi những người dân mà họ đáng nhẽ ra phải dẫn dắt. Điều này dẫn họ vào vòng luẩn quẩn. Dầu vậy, theo bà, đòi hỏi can đảm, đầu tiên và trước hết là một nhu cầu chung, cho tất cả chúng ta. Bà đã tự chứng minh sự can đảm của mình trong hành động. Bà đã một mình đứng trước họng súng. Liệu có gì chống nổi lòng can đảm nhường ấy? Điều gì đã diễn ra trong đầu người Thiếu Tá khi vào giây chót y đã ra lệnh không bắn? Có thể là y đã bị ấn tượng bởi sự quả cảm của bà, có thể là y đã nhận thấy rằng bạo lực vô nhân sẽ không đem lại bất kỳ điều gì. [2]
Bạo lực chính là kẻ thù tồi tệ nhất của chính nó, và sự can đảm là vũ khí sắc bén nhất chống lại bạo lực. Aung San Suu Kyi trở thành một biểu tượng nổi bật không đơn thuần chỉ vì sự can đảm đầy ấn tượng của bà, cũng giống như Gandhi và phụ thân của bà, Aung San. Aung San bị bắn ngay giữa cuộc kháng chiến. Nhưng nếu những kẻ dàn xếp vụ ám sát đó nghĩ rằng (cái chết đã) loại ông ra khỏi nền chính trị Burma, họ đã sai lầm. Ông trở thành biểu tượng đoàn kết của một Burma tự do, và là nguồn cảm hứng cho những người hiện nay đang tranh đấu cho một xã hội tự do. Ngoài những bài học và nguồn cảm hứng mà ông đem lại, vị trí của ông trong lòng người, hơn bốn mươi năm sau khi ông tạ thế, đã đem lại cho Aung San Suu Kyi xuất phát điểm chính trị mà bà cần có. Bà đã đón nhận lấy tài sản thừa kế ấy, và nay chính bản thân bà trở thành biểu tượng của công cuộc tranh đấu chống lại bạo lực và cho một xã hội tự do, không chỉ ở Burma, mà còn ở những phần còn lại của Á Châu và nhiều nơi khác trên thế giới.
Tôi tin những người bình thường chúng ta đều cảm nhận được rằng với sự can đảm và những ý tưởng cao thượng của bà, Aung San Suu Kyi khơi dậy những gì tốt đẹp nhất trong từng con người chúng ta. Chúng ta cảm nhận rằng chúng ta cần chính xác những người như bà để gìn giữ niềm tin của mình vào tương lai. Đó chính là cái đã đem lại cho bà quyền lực với tư cách là một biểu tượng, và cũng là lý do tại sao sự đối xử bạo ngược với bà cũng giống như một sự xúc phạm những gì thiêng liêng nhất trong trái tim chúng ta. Người phụ nữ bé nhỏ bị quản chế đại diện cho một hi vọng lạc quan. Biết rằng bà vẫn còn đó đem đến cho chúng ta sự tin tưởng và niềm xác tín vào sức mạnh của lẽ phải.
Aung San Suu Kyi sinh năm 1945. Phụ thân của bà bị giết khi bà mới hai tuổi. Bà không có ký ức riêng gì về cha mình. Thân mẫu của bà là một nhà ngoại giao, Aung San Suu Kyi đã sống nhiều năm tuổi trẻ và phần lớn phần đời về sau của mình ở nước ngoài. Vào năm 1967, bà lấy bằng về Chính Trị, Triết Học và Kinh Tế tại trường Cao Đẳng St. Hugh’s thuộc Đại Học Oxford. Từ năm 1969 về sau, bà làm việc hai năm cho Liên Hiệp Quốc tại New York. Năm 1972, bà thành hôn với Micheal Aris, một chuyên gia về Tây Tạng người Anh. Đã có thời gian gia đình họ sống ở Bhutan, nhưng vào giữa những năm bảy mươi, họ chuyển lại về Oxford. Ngoài việc là một người nội trợ với hai con nhỏ, Aung San Suu Kyi tiếp tục nghiên cứu và dần tập trung vào lịch sử và văn chương Burma hiện đại. Bà là học giả trong một thời gian ngắn tại Đại Học Kyoto, Nhật Bản và tại Học Viện Nghiên Cứu Cao Cấp Ấn Độ tại New Delhi. Khi bà quay trở lại Burma năm 1988, bà bỏ dở công việc nghiên cứu của mình tại Trường Nghiên cứu phương Đông và châu Phi London. Không có nhiều sự kiện bên ngoài gợi ý về vai trò mà bà (sẽ) dấn thân vào kể từ năm 1988. Tuy nhiên, bà đã sẵn sàng.
Có rất nhiều bằng chứng rằng số phận những đồng bào mình đã thường xuyên đè nặng trên tâm trí người phụ nữ này. Người bạn đời của bà cho chúng tôi biết rằng bà thường nhắc nhở ông về một ngày bà sẽ phải quay trở về Burma, và bà sẽ cần đến sự giúp đỡ của ông. [3] Những nghiên cứu của bà, như chúng ta thấy, đã ngày càng tập trung vào lịch sử Burma hiện đại. Nghiên cứu về phụ thân mình và vai trò của ông trong lịch sử Burma hiển nhiên đã tăng cường sự tận tâm chính trị của bà và cảm giác rằng sứ mệnh của ông đã chuyển sang vai bà. [4]
Khi chuyển sang Nhật Bản, bà đã thực sự theo bước chân của phụ thân mình. Trong Thế Chiến Hai, Aung San đã xây dựng lực lượng quân đội độc lập của Burma từ một căn cứ của Nhật Bản. Khi Nhật xâm lược Burma, Aung San và binh sỹ của ông cũng theo về nước. Không lâu sau, họ chuyển mục tiêu từ đấu tranh chống sự đô hộ của người Anh sang kháng chiến chống quân chiếm đóng Nhật và ủng hộ quân Đồng Minh tái chiếm Burma. Sau cuộc chiến, ông dẫn đầu các cuộc thương thảo với người Anh để dẫn đến nền độc lập cuối cùng. Aung San Suu Kyi có vẻ như đã cảm nhận được sự cấp thiết phải nghiên cứu quá trình dẫn tới nền độc lập của nhà nước Burma, và để hiểu những tư tưởng chi phối nền chính trị. Trong một bài viết sắc sảo so sánh sự thực dân hóa ở Ấn và Burma, bà đã chỉ ra những nét đặc thù trong di sản văn hóa Burma. [5] Lịch sử là quan trọng. Chúng ta lựa chọn chúng ta là ai thông qua việc lựa chọn truyền thống nào chúng ta sẽ thuộc về. Aung San Suu Kyi tìm kiếm những nét mà bà nhìn nhận là các mặt tinh hoa nhất của di sản dân tộc và văn hóa và gắn bó mình với chúng. Kiến thức uyên bác này cùng với sự ý thức sâu sắc về bản sắc của mình là những sức mạnh không thể khuất phục trong đấu tranh chính trị.
Sự kiện Aung San Suu Kyi quay trở lại Burma năm 1988, về danh nghĩa, không liên quan đến tình hình chính trị mà do thân mẫu của bà lâm trọng bệnh. Dầu vậy, sự bất ổn chính trị cũng vừa bắt đầu. Đã có những cuộc biểu tình và đụng độ với cảnh sát và khoảng vài trăm người bị thiệt mạng. Tình trạng bất ổn tiếp tục trong khi bà chăm sóc thân mẫu đang trong tình trạng hấp hối. Đó là tình huống mà bà đã quyết tâm tham gia tích cực vào cái mà bà gọi là “cuộc đấu tranh lần thứ hai cho độc lập dân tộc”.
Chính thể quân sự lên nắm quyền ở Burma từ năm 1962. Tình trạng hỗn loạn nổ ra năm 1988 là một phản ứng đối với sự đàn áp ngày càng tăng. Trong mùa hè năm đó, vào thời điểm mà tình hình hết sức bấp bênh, Aung San Suu Kyi can thiệp bằng một lá thư gửi tới chính phủ, đề nghị thành lập một ủy ban tư vấn gồm các nhân vật độc lập có uy tín nhằm dẫn dắt đất nước đi tới các cuộc tuyển cử đa đảng. Trong thư, bà nhấn mạnh tầm quan trọng phải có kỷ luật và tránh sử dụng các biện pháp bạo lực từ cả hai phía, và đề nghị thả các tù nhân chính trị. [6]
Vài ngày sau đó, bà có buổi nói chuyện với vài trăm ngàn người trước cửa ngôi Chùa Shwedagon lớn tại Rangoon, nêu ra cương lĩnh chính trị dựa trên các quyền con người, dân chủ và bất bạo động. Vào ngày 18 tháng Chín, sau một vài tuần lưỡng lự, các lực lượng quân sự phản ứng lại bằng cách thắt chặt các hạn chế. Cái gọi là “Hội Đồng Tái Lập Trật Tự và Luật Pháp Nhà Nước” (SLORC) ra đời, và thiết quân luật được áp dụng mà theo đó các cuộc hội họp bị cấm và cá nhân có thể bị kết án không qua xét xử.
Các chính đảng không bị cấm (có lẽ vì với việc cấm các cuộc hội họp, họ cho rằng không cần phải làm thêm điều này). Một tuần sau sự ra đời của SLORC, Aung San Suu Kyi và một số ít các thành viên của lực lượng đối lập thành lập Liên Minh Dân Tộc vì Dân Chủ”, viết tắt là NLD. Bà dấn bước, tham sự vào hoạt động chính trị mạnh mẽ, thách thức sự cấm đoán hội họp và các khiêu khích quân sự và tổ chức các cuộc mít tinh đông đảo trên toàn quốc. Một nét nổi bật trong chương trình chính trị là sự lôi cuốn của bà đối với nhiều nhóm sắc tộc khác nhau trên cả nước mà trước nay vẫn thường xung đột.
Chắc chắn vì uy tín cá nhân của bà mà chế độ phải ngần ngại lâu đến như vậy, nhưng vào tháng 7 năm 1989, bà bị quản thúc tại gia. Tháng 5 năm 1990, các cuộc bầu cử được tổ chức, theo đó NLD đã thắng lớn với hơn 80 phần trăm số ghế trong quốc hội. Mọi người đều đồng tình rằng về cơ bản, đó là một chiến thắng của Aung San Suu Kyi.
Tại sao SLORC lại chấp nhận tuyển cử tự do? Có thể vì họ dự đoán một kết quả rất khác, một kết quả mà bằng cách nào đó cung cấp cho họ tính hợp hiến họ cần để duy trì quyền lực. Thế tiến thoái lưỡng nan của một chế độ như vậy đã lộ rõ – bị sa vào bẫy của chính những dối lừa mà họ tạo ra. Trong bất cứ trường hợp nào, họ từ chối công nhận kết quả bầu cử. Cuộc bầu cử đã bị thủ tiêu trên thực tế. SLORC tiếp tục cầm quyền, nhưng tính hợp hiến đã giảm đi. Mất tính hợp hiến thường được khỏa lấp bởi việc gia tăng đàn áp. Tổ chức Ân Xá Quốc Tế đã báo cáo các vi phạm nghiêm trọng và liên tục về các quyền con người. [7] Ngày nay, chính quyền Burma có vẻ như đã phát triển thành một trong những chính thể đàn áp mạnh nhất trên toàn cầu.
Trong những thập kỷ gần đây, Ủy Ban Nobel Na Uy đã trao tặng một số Giải Hòa Bình vinh danh những đóng góp vì quyền con người. [8] Việc này được thực hiện dựa trên niềm tin rằng điều kiện tiên quyết cơ bản nhất cho hòa bình là sự nhìn nhận quyền của mọi người được sống và được tôn trọng. Một động cơ khác nằm ở nhận thức rằng, ở dạng cơ bản nhất, quan niệm về các quyền con người không chỉ là ý tưởng Tây Phương, mà chung cho tất cả các nền văn hóa chính. Cho phép tôi được trích đọc một đoạn trong bài viết “Trong Cuộc Kiếm Tìm Dân Chủ” của Aung San Suu Kyi:
Ở đâu không có công lý, ở đó không có hòa bình bền vững.
…Luật pháp công bằng nâng đỡ các quyền con người là những nền tảng cần thiết của hòa bình và an ninh, điều này chỉ bị phủ nhận bởi những bộ óc đóng kín, những kẻ cho rằng hòa bình là sự câm lặng của các lực lượng đối lập và an ninh là phương tiện bảo đảm quyền lực của họ. Người Burma liên tưởng hòa bình và an ninh với sự dịu mát và bóng râm:
Bóng râm của cây cỏ luôn dịu mát
Bóng râm của mẹ cha còn dịu mát hơn
Bóng râm của thầy còn dịu mát hơn nữa
Vẫn chưa bằng bóng râm của người cai trị
Nhưng mát dịu hơn cả là bóng râm của lời Phật dạy.
Vì vậy, để đem lại cho người dân sự dịu mát cần thiết của hòa bình và an ninh, các nhà cai trị phải thấm nhuần lời dạy của Đức Phật. Tâm điểm của những lời dạy này là quan niệm về sự thật, về lẽ phải và sự nhân ái. Một chính phủ dựa trên những phẩm chất như thế là một chính phủ mà người dân Burma tìm kiếm trong cuộc tranh đấu vì dân chủ. [9]
Đây không phải lần đầu tiên sự ngược đãi chính trị tại quê hương đã ngăn cản Chủ Nhân Giải Hòa Bình đích thân tới nhận giải. Nó đã từng xảy ra với Carl von Ossietzky vào năm 1936, đau yếu trong một trại tập trung của Hitler. [10] Nó cũng từng xảy ra với Andrei Sakharov và với Lech Walesa. Ossietzky qua đời trước khi chế độ sụp đổ, nhưng Andrei Sakharov và Lech Walesa đã nhìn thấy những công cuộc đấu tranh của họ viên mãn. [11] Chúng ta hi vọng rằng Aung San Suu Kyi sẽ nhìn thấy cuộc tranh đấu của bà lên ngôi trong thành công.
Tuy nhiên, chúng ta cũng đối mặt với một khả năng rằng đây không phải là lần cuối cùng Chủ Nhân Giải Hòa Bình không thể tới tham dự. Hãy để điều đó nhắc nhở chúng ta rằng trong một thế giới như thế giới của chúng ta đang có đây, hòa bình và hòa hợp không thể đạt được một lần và cho mãi mãi. Chúng ta không bao giờ được phép hạ thấp các tiêu chuẩn của chúng ta. Ngược lại, một thế giới tốt đẹp hơn đòi hỏi ở chúng ta sự tỉnh táo hơn nữa, can đảm hơn nữa, và khả năng hình thành trong mỗi chúng ta sự “giản dị hết mực” như những gì Chủ Nhân Nobel của năm nay đã nói. Điều này áp dụng với mỗi chúng ta với tư cách là những cá nhân, và đặc biệt cần cho những người ở vị trí quyền lực và lãnh đạo. Hãy tỏ ra can đảm và khiêm nhường – như Aung San Suu Kyi. Kết quả có thể là một thế giới tốt đẹp hơn.
Nhóm Duy Tân Trẻ giữ bản quyền cho bản dịch tiếng Việt.
[1]“Freedom from Fear” trong Freedom, pp. 180-185. Trích dẫn lời châm ngôn thường được dẫn của Huân Tước Acton, “Quyền lực luôn có khuynh hướng tha hóa và quyền lực tuyệt đối dẫn đến tha hóa tuyệt đối”.
[2]Năm 1988, mặc cho sự phản đối của nhà nước, Aung San Suu Kyi thực hiện chuyến diễn thuyết khắp đất nước. Khi bà đang dạo bước cùng các đồng sự trên một con phố, binh lính đã dàn hàng trước nhóm của bà và đe dọa sẽ nổ súng nếu họ không dừng bước. Suu Kyi yêu cầu các đồng sự của mình lùi ra và bà bước lên. Vào giây phút cuối cùng, người thiếu tá chỉ huy đã hạ lệnh cho binh sĩ không khai hỏa. Bà sau đó đã giải thích, “Có vẻ như sẽ đơn giản hơn nhiều khi đem đến cho họ một mục tiêu hơn là đem tất cả những người khác vào”
[3]Freedom, Lời giới thiệu, trang. xvii.
[4]“My Father”, in Freedom, pp. 3-38. Lần đầu tiên xuất bản do Queensland Press năm 1984 trong loạt bài về các Lãnh Đạo của Á Châu dưới tên Aung San. Tái bản năm 1991 do Kiscadale, Edinburgh, với tên Aung San of Burma: A Biographical Portrait by His Daughter.[Aung San của Miến Ðiện: Chân dung Tiểu sử qua Con gái ông].
[5]“Intellectual Life in Burma and India under Colonialism” [Ðời sống trí thức ở Miến Ðiện và Ấn Ðộ trong thời Thuộc điạ], trong Freedom, pp. 82-139.
[6]“The Formation of a People’s Consultative Committee” [Sự hình thành một Ủy ban Cố vấn của Nhân dân], 15 Tháng Tám 1988, dịch bởi by Suu Kyi, trong Freedom, trang. 192-197. Đề xướng chính trị đầu tiên của bà.
[7]Tổ chức Ân Xá Quốc Tế nhận Giải Nobel Hòa Bình năm 1977. Xem Irwin Abrams, ed., Nobel Lectures, Peace. 1971-1980 [Các diễn văn Nobel Hòa bình] (Singapore: World Scientific, 1997): 161-177. Ân Xá Quốc Tế tổ mở chiến dịch tranh đấu gây áp lực bãi bỏ quản chế với Suu Kyi, một “tù nhân lương tâm”.
[8]Giải thưởng năm 1935 cho tù nhân trại tập trung Carl von Ossietzky có thể được coi là giải thưởng nhân quyền sớm nhất. Những người nhận giải sau này gồm Albert Lutuli (1960), Martin Luther King, Jr. (1964), René Cassin (1968), Séan MacBride (1974), Tổ chức Ân Xá Quốc Tế (1977), Adolfo Pérez Esquivel (1980), Lech Walesa (1983), Desmond Tutu (1984), Elie Wiesel (1986) và Dalai Lama thứ 14 (1989). Sau năm 1991, gồm Rigoberta Menchú Tum (1982), và chủ nhân của năm 1996 từ Đông Timor, José Ramos-Horta và giám mục Belo. Xem Abrams, The Nobel Peace Prize and the Laureates (Boston: G.K. Hall), 3rd printing, 1990): 175-6 và phần giới thiệu về những người nhận giải này. Và những bài giảng của các chủ nhân giải Nobel nhân quyền gần đây nhất trong Abrams, ed., Nobel Lectures, Peace. 1971-1980, trích dẫn trong phần chú trên, và tập dành cho năm 1981-1990.
[9]Quest for Democracy”, trong Freedom, trang. 167-179, đặc biệt trang 177-178.
[10]Chiến dịch quốc tế vận động trao giải cho Carl von Ossietzky đã khiến ông được đưa ra khỏi trại tập trung và chuyển đến một bệnh viện tại Berlin trước khi Ủy Ban Nobel Na Uy tuyên bố vào năm 1936 rằng ông được nhận giải thưởng hoãn từ năm 1935. Chính quyền Phát xít từ chối không cho ông tới Oslo tham dự lễ nhân giải. Xem Irwin Abrams, The Nobel Peace Prizes, pp. 125-129; Abrams, “Carl von Ossietzky Retrospective”, The Nobel Prize Annual 1989 (Boston: G.K. Hall, 1990): 12-23.
[11]Từ Nobel Lectures, Peace 1991-1995, Editor Irwin Abrams, World Scientific Publishing Co., Singapore, 1999.
Nguồn: