18/06/2018, 15:39

Cuộc chiến tàu ngầm bí mật giữa Mỹ và Liên Xô

Vũ Long tổng hợp (theo truyền hình và báo chí Đức) Không ở đâu cuộc Chiến tranh Lạnh lại nóng hơn dưới lớp băng vĩnh cửu của vùng Bắc Cực. Không ở đâu lại nguy hiểm hơn ở độ sâu thăm thẳm của đại dương. Cách xa đất liền, các siêu cường rình mò nhau ở những cự li ngắn. ...

Arctic Submarines war

Vũ Long tổng hợp

(theo truyền hình và báo chí Đức)

Không ở đâu cuộc Chiến tranh Lạnh lại nóng hơn dưới lớp băng vĩnh cửu của vùng Bắc Cực. Không ở đâu lại nguy hiểm hơn ở độ sâu thăm thẳm của đại dương. Cách xa đất liền, các siêu cường rình mò nhau ở những cự li ngắn.

Các tàu ngầm Mỹ thậm chí thâm nhập vào hải cảng của Liên Xô, theo dõi đối thủ và do thám dưới đáy biển. Liên Xô phải chống chọi với 3 đối thủ: Thiên nhiên, người Mỹ và kỹ thuật của mình. Đó là một cuộc chiến với những mất mát khủng khiếp. Hai siêu cường đã nhiều lần mất tàu ngầm không phải vì tai nạn hạt nhân. Cũng không rõ có bao nhiêu vụ va chạm tàu ngầm dưới đáy biển. Ước đoán phải có hàng chục vụ như vậy.

Cuộc chạy đua phát triển tàu ngầm

Trong Chiến tranh thế giới thứ 2, có tới 30.000 binh sĩ trong tổng số 40.000 binh sĩ các đội tàu ngầm Đức đã bị chết, trên 660 tàu ngầm bị đánh đắm. Nước Đức đã không thắng cuộc chiến tranh bằng tàu ngầm và cái chết dưới nước thật tang thương. Tuy nhiên, Mỹ và Liên Xô đã không ngần ngại tiếp tục cuộc Chiến tranh Lạnh với kỹ thuật Đức mà họ tịch thu được, dù Đức đã thất bại. Với tư cách là công cụ gián điệp, tàu ngầm xem chừng khó nhận biết hơn và khó bắn hơn là máy bay hoặc tên lửa, mặc dù những kỹ thuật này cũng được ưa chuộng.

Tàu ngầm lớp 21 của Đức với ống thông hơi có thể lặn nhiều ngày và khi ở ngầm dưới nước thì chạy nhanh hơn ở trên mặt nước. Nó được coi là tàu ngầm thực sự đầu tiên, cho dù chiếc tàu chạy ngầm dưới nước đầu tiên là của Mỹ và bằng gỗ. Ngay lập tức Liên Xô cũng tham gia cuộc chơi, từ loại tàu ngầm lớp 21 của Đức, Liên Xô cải tiến thành tàu ngầm 613.

Năm 1954, chiếc tàu ngầm Mỹ USS 571 Nautilus được hạ thủy, đây là loại phỏng theo tàu 21 của Đức chạy bằng năng lượng nguyên tử, nó có thể ở dưới nước hàng tháng trời và phải 20 năm mới cần tới những thanh nhiên liệu mới. Năm 1959, chiếc tàu ngầm đầu tiên loại này xuất hiện ở Bắc Cực. Dưới lớp băng vĩnh cửu thì hầu như không thể xác định được vị trí của tàu ngầm và Bắc Cực kéo dài tới tận bờ biển Liên Xô, tức là nó có thể bí mật chạy tới bờ biển Liên Xô mà khó bị phát hiện.

Ban đầu, tàu được trang bị vũ khí có cánh điều khiển giống như bom bay V1 của Đức với đầu đạn nguyên tử. Nhưng muốn phóng nó, tàu ngầm phải nổi lên trên mặt nước, sẽ bị lộ và có thể bị tấn công. John Pina Craven, kỹ thuật viên trưởng của Hải quân Mỹ và người đứng đầu chương trình tên lửa Polaris, trong đó thử nghiệm việc phóng tên lửa hạt nhân từ tàu, đã tìm cách lắp tên lửa hạt nhân vào tàu ngầm. Hải quân Mỹ tỏ ra rất phấn khởi, vì giờ đây họ cũng có tên lửa hạt nhân chứ không chỉ không quân mới có.

Để làm điều đó, 4 tàu ngầm tiêm kích được cưa ngang và đằng sau tháp được gắn thêm bộ phận mang theo tên lửa hạt nhân. Từ đó, mỗi tháng có thêm một tàu ngầm mới được chế tạo. Sự cân bằng trong răn đe hạt nhân được dựa vào việc mỗi bên đều có thể bị tổn thương nên ngăn cản các bên muốn tự mình tiến hành cuộc tấn công trước tiên. Nhưng Craven cho biết, cũng có những người muốn vươn tới sự trội hơn tuyệt đối, vươn tới một cuộc chiến tranh nguyên tử có thể thắng được. Ví dụ như Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, người muốn có một hệ thống phòng thủ tên lửa từ trên vũ trụ, nhằm chấm dứt sự cân bằng về khả năng răn đe và có thể tạo điều kiện cho một cuộc chiến tranh tấn công, vì nếu được vậy, nước Mỹ sẽ không thể bị tổn thương nữa.

tau ngam 1

Tàu ngầm K-3, tàu ngầm nguyên tử đầu tiên của Liên Xô.

Năm 1959, với chiếc K-3, Liên Xô đã có chiếc tàu ngầm nguyên tử đầu tiên của mình. Những thế hệ tàu ngầm thứ hai và thứ ba đã có trình độ kỹ thuật tốt hơn, không thua kém tàu ngầm Mỹ và cũng được những người có trình độ hơn điều khiển. Trong thời gian này, Mỹ bắt đầu lắp đặt “Sosus”, một loại “rệp”, một hệ thống micrô ở đáy biển để sớm phát hiện khi tàu ngầm Liên Xô xuất hiện, vì vậy họ nắm được vị trí di chuyển của tàu ngầm Liên Xô.

Đầu năm 1968, chỉ trong vòng vài tuần lễ đã có 2 tàu ngầm bị đắm, một chiếc của Liên Xô và một chiếc của Mỹ. Điều gì thực sự xảy ra khi đó, cho tới giờ vẫn nằm trong vòng bí ẩn. Nhiều người đã đi sâu nghiên cứu, hỏi các nhân chứng để tìm hiểu và viết thành sách như cuốn “Scorpion Down” của nhà báo quân sự Ed Offley, hoặc như nhà làm phim Dirk Pohlmann đã làm một bộ phim tài liệu dài với tiêu đề “Cái chết dưới đáy biển sâu – sự trả đũa của các siêu cường”. Tuy nhiên, nhiều ý kiến được đưa ra vẫn là giả thiết. Cả hai bên Nga và Mỹ đều im lặng về các sự cố này.

Trong bộ phim “Cái chết dưới đáy biển sâu – sự trả đũa của các siêu cường”, bà Barbara Foli Lake, vợ của Vernon Mark Foli, một thủy thủ xấu số trong chiếc tàu ngầm Mỹ bị đắm nói: “Tôi rất sợ nghe hải quân nói, vì không biết điều đó có phải sự thật không. Điều này sẽ ám ảnh tôi tới chết, vì tôi không biết điều gì đã xảy ra”.

Bà Irina Schurawina, vợ thuyền trưởng Alexander Schurawin xấu số nói: “Người ta cấm ngặt chúng tôi nói tới sự cố này. Hãy im mồm, chẳng có điều gì xảy ra cả. Hãy cầu Chúa phù hộ cho các người, nếu các người nói gì về việc đó”. Phải chăng vào năm 1968, thế giới đang đứng bên bờ vực cuộc chiến tranh thế giới thứ ba? Khi tàu ngầm mang vũ khí nguyên tử của hai bên bị đắm và có thể đã bị đánh đắm?

Vì sao chiếc tàu ngầm K-129 bị đắm?

Ngày 24/2/1968, tại vùng Viễn đông Vladivostock thuộc Liên Xô, tàu ngầm K-129 đã tiến hành một cuộc tuần tiễu. Các binh sĩ không phàn nàn gì, mặc dù họ lại phải lên đường ngay, trong khi vừa mới cập cảng. Đến đầu tháng 3, Thiếu tướng hải quân Victor Dygalo đã nhận được một tin xấu cho biết đã mất liên lạc với tàu K-129.

tau ngam 2

Tàu K-129 trước khi bị đắm.

Hải quân Liên Xô liền bắt đầu huy động lực lượng tìm kiếm tàu K-129 và điều này không qua mắt được phía Mỹ. Phía Mỹ cũng huy động lực lượng tìm kiếm với hy vọng có thể thu được nhiều chiến lợi phẩm từ con tàu xấu số này.

Chiếc tàu ngầm K-129 của Liên Xô bị đắm ngày 11/3/1968 ở Thái Bình Dương, làm 98 thủy thủ thiệt mạng. K-129 là một chiếc tàu ngầm chạy bằng dầu diezel, được đưa vào sử dụng năm 1960, được trang bị 3 tên lửa đạn đạo hạt nhân hiện đại nhất khi đó có tầm bắn 1.200 km, và hai quả ngư lôi nguyên tử.

Về nguyên nhân của vụ đắm tàu này, phía Liên Xô cho rằng có liên quan tới tàu ngầm Mỹ Swordfish đóng ở Hawaii, đã cập cảng Yokosuka của Nhật Bản ngay sau khi tàu K-129 biến mất. Tại đó, những người qua đường cũng thấy rõ chiếc kính tiềm vọng của con tàu bị cong, cho thấy có sự va đập nào đó. Họ cho rằng tàu Swordfish đã đâm phải tàu K-129 làm nó bị đắm. Trước đó, tàu Swordfish đã từng dính líu tới nhiều chiến dịch do thám mạo hiểm. Có người còn cho biết là tháp của con tàu chạy bằng năng lượng nguyên tử này cũng bị hư hại. Phải chăng đã có vụ va chạm ngầm dưới nước giữa hai con tàu trong Chiến tranh Lạnh?

Luận thuyết này vẫn được phổ biến trong Hồng quân Liên Xô. Thiếu tướng hải quân Nga Victor Dygalo đã phát biểu ám chỉ rằng hai siêu cường đã thỏa thuận im lặng về sự cố này, tương tự như trong trường hợp chiếc tàu ngầm nguyên tử USS Scorpion, cũng bị đắm năm 1968 và được cho là không có tác động ngoại lai. Trong vụ việc này, những nhà văn giàu trí tưởng tượng của phương Tây cho rằng, vì có sự ganh đua giữa cơ quan mật vụ Liên Xô KGB và Hồng quân Liên Xô, nên KGB đã có kế hoạch tấn công Trân Châu Cảng bằng vũ khí hạt nhân và tìm cách đổ lỗi cho Trung Quốc là nước đang có quan hệ căng thẳng với Liên Xô vì không chịu theo đường lối của Liên Xô. Qua đó, Liên Xô có thể “Tọa sơn quan hổ đấu!”.

Những người này cho rằng tàu K-129 muốn bắn một quả tên lửa nguyên tử vào Hawaii mặc dù không được Kremlin cho phép, nhưng đã gây ra cơ chế tự hủy đề phòng những trường hợp như vậy.

Nhưng trái với những lời đồn đoán này, tàu K-129 không phải trên đường tới Trân Châu Cảng, mà bị đắm cách Hawaii khoảng 1.500 hải lý. Như vậy, nơi xảy ra tai nạn còn gần căn cứ của nó ở Petropawlowsk hơn là Hawaii.

Ngay cả cuốn nhật ký hành trình của tàu Swordfish, sau nhiều lần đòi hỏi mới được trao cho Nga năm 2007, cho thấy vào thời điểm đáng ngờ đó, chiếc tàu ngầm Mỹ đang ở nơi khác, trên thực tế là đang cùng Hạm đội Thái Bình Dương ở vùng biển ngoài khơi CHDCND Triều Tiên, nơi chiếc tàu do thám Pueblo với toàn bộ trang thiết bị của Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ đã bị đối phương bắt cóc.

Nếu như tàu Swordfish thực sự đâm vào tàu K-129 và muốn che giấu điều này thì có lẽ nó đã không chạy vào một cảng công cộng mà chiếc tàu với kính tiềm vọng bị cong còn được chụp ảnh đưa lên báo. Trong bức ảnh này, người ta không nhận thấy những hư hại trên tháp con tàu.

Theo hệ thống giám sát âm thanh của quân đội Mỹ, với một mạng lưới micro khổng lồ ngầm dưới nước để nghe những tiếng động và xác định sự di chuyển của các con tàu, thì đã xảy ra hai vụ nổ trên tàu K-129. Những bức ảnh chụp ngầm dưới nước cho thấy vụ tai nạn đã xảy ra ở khu vực chứa ngư lôi. Có ý kiến cho rằng vì một lý do nào đó, một quả ngư lôi đã phát nổ khiến con tàu K-129 bị đắm.

Chỉ sau đó ít lâu, con tàu Scorpion của Mỹ cũng bất ngờ bị đắm và cả hai bên cũng lại im lặng. Vậy điều gì thực tế đã xảy ra? USS Scorpion là một tàu ngầm tiêm kích lớp Skipjack, được đưa vào sử dụng năm 1960 và bị đắm năm 1968. Theo thông báo chính thức của hải quân Mỹ, việc chạy máy quá nóng đã dẫn tới việc tàu Scorpion bị đắm. Cũng có tin nói rằng pin của quả ngư lôi MK 37 bị cháy, dẫn tới đầu đạn bị nổ làm đắm tàu.

Nhưng theo bộ phim tài liệu nói trên, tàu USS Scorpion đã bị tàu ngầm Liên Xô đánh đắm để trả đũa cho sự cố mà họ cho là tàu ngầm Mỹ đã làm đắm tàu K-129. Trong thời gian đó, tàu Scorpion nhận được lệnh nghiên cứu về sự di chuyển bất thường của tàu ngầm Liên Xô gần quần đảo Azoren trên Đại Tây Dương. Tàu Scorpion thường xuyên phải báo cáo về tổng hành dinh của hải quân ở Norfolk về vị trí, hướng đi của mình. Trong thời gian này, KGB có một điệp viên cài cắm trong hải quân Mỹ.

tau ngam 3

John Anthony Walker, điệp viên KGB trong hải quân Mỹ

Đó là John Anthony Walker, sĩ quan thông tin của hải quân Mỹ và vì hám tiền đã bán thông tin mật cho KGB, ví dụ như chìa khóa mật mã. Qua đó, cơ quan mật vụ và hải quân Liên Xô có được thông tin để cài bẫy tàu Scorpion.

Theo bộ phim tài liệu này, một chiếc máy bay lên thẳng đã cất cánh từ một tàu khu trục, mang theo hai quả ngư lôi. Nó bay theo hướng tàu Scorpion và thả xuống dưới nước máy định vị âm thanh. Khi vị trí tàu Scorpion được xác định, chiếc máy bay lên thẳng liền bay tới và dùng một quả ngư lôi đánh đắm con tàu này. Sau đó, chiếc máy bay lên thẳng bay tới một tàu khu trục khác và hạ cánh xuống đây với một quả ngư lôi còn lại. Chỉ một nhóm nhỏ khoảng 5-6 người trên tàu Liên Xô được biết về kế hoạch này.

Dự án Azorian bí mật trục vớt tàu K-129

tau ngam k129

Đám sương mù bao quanh chiếc tàu Hughes Glomar Explorer của CIA đã dần dần mờ nhạt đi. Tháng 1/2010, lần đầu tiên CIA công bố những tài liệu mật xung quanh Dự án Azorian, theo đó năm 1974, cơ quan mật vụ ngoài nước của Mỹ với một chiếc tàu chuyên dụng được ngụy trang đã trục vớt một chiếc tàu ngầm của Liên Xô bị chìm trong những tình huống kỳ bí ở độ sâu 5.000 mét. Nhưng có tới 1/3 báo cáo tổng hợp này vẫn bị bôi đen. Cho dù một số câu hỏi vẫn còn để ngỏ, nhưng phần lớn nội dung đã được tiết lộ.

Năm 1975, báo chí Mỹ đã đưa tin về việc một năm trước đó, tàu Hughes Glomar Explorer của CIA đã trục vớt được một chiếc tàu ngầm Liên Xô. Tổng thống Mỹ Gerald Ford và các cố vấn của mình đã nhất trí với nhau là không bình luận gì về những tin tức nói trên, kể cả qua các kênh ngoại giao.

Việc trình bày quan điểm chính thức sẽ làm cho phía Liên Xô phải có phản ứng và có thể gây ra những căng thẳng không lường trước. Vì vậy, người ta im lặng. Mặc dù sự im hơi lặng tiếng có thể gây ra những lời đồn đoán, nhưng những nhà văn nghiêm túc và các nhà sử học thì không đụng chạm tới sự kiện này. Ngay cả biên niên sử về CIA của Tim Weiner cũng không nhắc gì tới chiến dịch tốn phí tới nửa tỉ USD, chiến dịch được coi là tốn kém nhất được biết đến của CIA.

Mãi tới năm 1993, trong khuôn khổ thỏa thuận giải quyết những vụ việc chưa được rõ ràng của Chiến tranh Lạnh, CIA mới trao cho Tổng thống Nga Boris Yelsin một bộ phim, trong đó cho thấy lễ mai táng trên biển theo nghi lễ quân sự hài cốt những thủy thủ Liên Xô, một sự kiện gián tiếp ám chỉ chiến dịch bí mật của CIA. Cuối cùng, Giám đốc CIA Woolsey thậm chí còn trao cho phía Nga chiếc chuông của chiếc tàu ngầm được trục vớt.

Những hồ sơ được giải mật của CIA vẫn không đưa ra được lời giải đáp cho những câu hỏi còn để ngỏ là vì sao chiếc tàu ngầm này bị đắm? Điều gì xảy ra thực sự trong quá trình trục vớt? CIA muốn biết điều gì khi bỏ công sức, tiền của nhiều như vậy để trục vớt một xác tàu đã nằm 6 năm trong nước biển? Vì sao mà những kết quả thu được vẫn còn được giữ bí mật, sau khi Chiến tranh Lạnh đã kết thúc tới 2 thập kỷ?

Do phía Mỹ sớm xác định được vị trí tàu đắm dựa vào hệ thống giám sát âm thanh và đưa một chiếc tàu ngầm xuống chụp rất nhiều ảnh xác con tàu đắm, nên đây là cơ hội có một không hai của CIA là lần đầu tiên có thể xem xét kỹ lưỡng tại chỗ những công nghệ tàu ngầm Liên Xô, cũng như những tên lửa hạt nhân hiện đại nhất khi đó. Những tin tức tình báo mà CIA thu lượm được đằng sau bức rèm sắt vốn rất khiêm tốn; ngược lại, họ lại hay bị cung cấp thông tin giả để đánh lạc hướng. Giờ đây, họ có khả năng thu được những tin tức quý giá ở dưới đáy Thái Bình Dương, kể cả ở độ sâu 5.000 mét. Họ có cơ hội nghiên cứu công nghệ tàu ngầm Liên Xô, thu được hệ thống mật mã và khóa mật mã của Liên Xô, cũng như lần đầu tiên có được những quả tên lửa hạt nhân của Liên Xô, những thứ mà người ta không thể tới gần trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Các điệp viên CIA tại Langley hy vọng đây sẽ là một thành tích ngoạn mục của mình.

Trong những năm 1960, tàu ngầm có ý nghĩa chiến lược quyết định với tư cách là bệ phóng tên lửa đạn đạo hạt nhân cơ động. Mặc dù năm 1962, người ta còn đánh giá là mối đe dọa trực tiếp, khi Mỹ triển khai tên lửa ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ với Liên Xô và Liên Xô triển khai tên lửa ở Cuba, nhưng hoạt cảnh về mối đe dọa này đã lỗi thời từ lâu, vì tàu ngầm có thể đi khắp nơi và phóng tên lửa hạt nhân ở bất kỳ chỗ nào.

Trong nhiều năm trời, CIA đã thảo luận với Nhà Trắng về khả năng và kế hoạch trục vớt chiếc tàu ngầm K-129. Vào thời điểm mà Mỹ muốn đưa người lên Mặt Trăng thì ở Oasinhtơn, người ta không biết tới khái niệm “bất khả thi”. Cho dù dự án này chỉ hứa hẹn ít thành công và chi phí sẽ rất lớn, nhưng cuối cùng, đích thân Tổng thống Nixon đã quyết định thực hiện chiến dịch đầy tham vọng này.

Do dự án này cần nhiều người tham gia và quy mô lớn như vậy nên không thể giữ kín, vì vậy cần tìm ra một cớ để che giấu sứ mạng thực sự và giải thích được những hoạt động bên ngoài dễ thấy. Để ngụy trang cho hoạt động dưới đáy biển, có thể viện cớ khoan thăm dò dầu mỏ hoặc sứ mạng nghiên cứu khoa học, như tàu Glomar Challenger đã tiến hành. Chiếc tàu khoan thuộc tập đoàn của nhà tỉ phú Howard Hughes có khả năng khoan sâu tới 7 km. Tuy nhiên, CIA cần tới một chiếc tàu chuyên dụng lớn hơn và cũng có khoang chứa hàng lớn hơn.

Vì Hughes ngay từ Thế Chiến II đã sản xuất cho Lầu Năm góc và cung cấp các cơ sở của mình làm căn cứ cho các hoạt động bí mật của CIA, nên người ta đã thuyết phục được nhà tỉ phú này làm đối tác đáng tin cậy cho việc ngụy trang.

Cũng không rõ CIA nói thật cho Hughes biết tới mức nào, nhưng dư luận thì được cho biết là với một chiếc tàu mới, Hughes muốn nghiên cứu về khả năng khai thác và sử dụng lớp mangan phủ ở đáy biển.

 Những kẻ cướp mộ hiện đại

Năm 1973, việc đóng chiếc tàu Glomar Explorer (viết tắt của chữ Global Marine Explorer – Thám hiểm biển toàn cầu) đã được hoàn thành ở Pennsylvania, có chỗ cho 180 thủy thủ và một tháp khoan đặc biệt, có thể nối các đoạn mũi khoan với nhau thành một trục dài trên 5.000 mét, để có thể chuyển những hàng hóa bí mật lấy được trong chiếc tàu đắm lên tàu. Trước khi tàu Glomar di chuyển với khu vực hoạt động, để ngụy trang, nó tiến hành một số chuyến đi, trong đó huấn luyện việc xử lý các vật liệu phóng xạ.

Bên cạnh tháp khoan, tàu Glomar Explorer có hai thiết bị đặc biệt có thể hạ xuống theo chiều thẳng đứng. Chức năng bí mật của nó là có thể kéo những đồ vật lớn từ đáy biển lên mặt nước. Để cố định vị trí của chiếc tàu ngầm bị đắm, ở bờ biển phía tây, hãng sản xuất vũ khí Lockheed, không có quan hệ gì với xưởng đóng tàu ở Pennsylvania, đã chế tạo một chiếc móng vuốt khổng lồ, được đặt tên là “Clementine”. Chiếc móng vuốt “Clementine” sẽ được thả xuống để cặp vào chiếc tàu ngầm đã bị vùi một phần xuống đáy biển và kéo nó lên khỏi chỗ bùn đất. Chiếc móng vuốt được hỗ trợ bằng thủy lực, có khả năng chịu được áp lực ở độ sâu 5.000 mét, có một camera và động cơ điều khiển để những người trên tàu có thể quan sát mục tiêu.

Để có thể lắp chiếc móng vuốt khổng lồ vào chiếc tàu mà người ngoài không nhìn thấy, người ta đã phải làm riêng một chiếc nhà nổi như nhà chứa máy bay để chở nó tới, nhằm che mắt các vệ tinh do thám. Không những thế, chiếc nhà nổi này được thiết kế để khi cần có thể lặn xuống cùng với lô hàng bí mật bên trong.

Đầu năm 1974, khi chiếc tàu Glomar Explorer được đưa tới Long Beach, chiếc nhà nổi cũng được người nhái hộ tống cho lặn xuống đáy biển. Trong đêm, chiếc tàu được định vị trên chiếc nhà nổi và bí mật tiếp nhận chiếc móng vuốt khổng lồ. Từ một chiếc tàu “nghiên cứu”, Glomar Explorer đã trở thành một chiếc tàu trục vớt của CIA mà người ngoài không thể quan sát được.

Tháng 5/1974, mọi thử nghiệm trên tàu Glomar đã hoàn tất. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Richard Nixon muốn chờ cho qua cuộc gặp gỡ thượng đỉnh với Chủ tịch Liên Xô Leonid Brezhnev, vì không muốn việc bí mật trục vớt con tàu quân sự đối phương có thể làm ảnh hưởng tới cuộc gặp này. Việc trục vớt trộm một con tàu quân sự bị đắm với tên lửa hạt nhân như vậy chẳng khác gì một vụ cướp mộ thời hiện đại.

Tháng 6/1974, một vụ trộm bí ẩn đã xảy ra ở trụ sở công ty trước đây của Howard Hughes tại Los Angeles, nơi ông ta cất giữ tài liệu lưu trữ. Vì trước hết là tài liệu bị mất trộm, nên CIA sợ rằng những thông tin về con tàu Glomar cũng bị tiết lộ. Những người có trách nhiệm vô cùng lo lắng vì chiến dịch tốn kém nhất trong mọi thời đại của CIA có thể bị phanh phui với Liên Xô và dư luận trước khi nó được bắt đầu, như nhiều chiến dịch trước đây của CIA.

Nhưng vụ trộm có lẽ do nội bộ thực hiện, mà việc điều tra xem chừng đã bị ngăn cản từ bên trên. Ông tỉ phú mờ ám Hughes ngay trước đó đã bị tòa án ra phán quyết phải đưa ra những tài liệu, nhưng những tài liệu đó đã bị đánh cắp. Người gác cổng sau này thú nhận là đã lấy một tài liệu về tàu Glomar, nhưng sau đó đã thiêu hủy, một điều cũng khó tin.

Cho dù có nhiều điều cho thấy là một tài liệu như vậy không hề tồn tại, nhưng trên thực tế, Liên Xô cũng có nghe phong thanh về kế hoạch trục vớt tàu K-129 và thậm chí biết tới mật danh “Jennifer”, mà một nhóm lên kế hoạch đã sử dụng cho chiến dịch bí mật này. Nhưng KGB xem chừng không tin lắm lời chỉ điểm này, vì cho rằng không thể trục vớt con tàu ngầm từ độ sâu 5.000 mét. Có lẽ họ cũng không biết hoặc không ngờ tới sự tồn tại của chiếc móng vuốt khổng lồ để trục vớt con tàu.

Ngày 4/7/1974, tàu Glomar đã đi tới vị trí bên trên chiếc tàu K-129 bị đắm để thả chiếc móng vuốt bí mật xuống nước. Các nhà sử học đã xác định được vị trí này nhờ một con tàu Anh, do một trường hợp cấp cứu y học đã phải nhờ tới sự giúp đỡ của tàu Glomar, nhưng không biết tới sứ mạng bí mật của nó.

Nhưng các vị khách không mời khác cũng xuất hiện. Đó là con tàu Chazhma của Nga xuất hiện vào ngày 18/7, sử dụng máy móc quang học từ một máy bay lên thẳng để xem xét con tàu nghiên cứu bất thường này. Vì lý do an ninh, thuyền trưởng tàu Glomar đã cho phong tỏa bãi đỗ dành cho máy bay lên thẳng, nhằm ngăn cản phía Liên Xô cho máy bay đổ bộ xuống con tàu. Nhưng phía Liên Xô chỉ phát ra tín hiệu quang học để hỏi về trang thiết bị của con tàu và sứ mạng của nó và người ta đã trả lời theo đúng câu chuyện được bịa ra ban đầu. Chiếc tàu Chazhma xem chừng không thắc mắc gì nên đã quay đi.

Nhưng ngày 22/7, một con tàu khác của Nga lại xuất hiện với vẻ bề ngoài là con tàu dân sự SB-10. Trước mắt các thủy thủ Mỹ là hai phụ nữ không mặc quần áo xuất hiện trên chiếc tàu Nga, một mẹo thông thường của cơ quan mật vụ, khi muốn tạo điều kiện cho những nhà chụp ảnh giấu mặt có được những bức ảnh chính diện của điệp viên đối phương. Nhưng những người trên tàu Nga xem chừng không hình dung được việc người ta muốn trục vớt một tàu ngầm ở độ sâu 5.000 mét như thế nào. Con tàu lạ cứ tò mò tiến sát tới con tàu Glomar làm cho nó phải dùng đèn pha chiếu lại làm lóa mắt. Thậm chí con tàu SB-10 thả cả thợ lặn xuống nước, làm cho tàu Glomar phải làm động tác tránh. Cuối cùng, con tàu Nga cũng chia tay mà không mường tượng được là chỉ vài nghìn mét dưới “con tàu nghiên cứu”, chiếc “lưỡi câu” lớn nhất của mọi thời đại đang chuẩn bị bắt con mồi của mình.

Hành động mờ ám bị phanh phui

Tài liệu và sách vở về sứ mạng từ lâu được biết tới dưới tên gọi “Dự án Jennifer” hoặc “Dự án Azorian” vẫn còn nhiều chỗ trống nên thường có nhiều lời đồn đoán. Có những tin đồn lan truyền được cho là của thủy thủ đoàn, theo đó CIA đã trục vớt được toàn bộ tàu ngầm K-129. Nhưng xem chừng điều này không hợp lý, vì kích thước của tàu Glomar nhỏ hơn tàu K-129. Một đồn đoán khác khá phổ biến cho rằng trong lúc trục vớt, tàu K-129 đã bị vỡ ra nên chỉ trục vớt được một phần con tàu. Nhưng các chuyên gia Nga cho rằng tàu ngầm này được thiết kế rất vững chắc nên không thể bị vỡ.

Tổng thống Mỹ Richard Nixon, người ra lệnh trục vớt tàu K-129, nhưng đã phải từ chức trước khi thu được chiến lợi phẩm.
Sự thật có lẽ nằm ở khoảng giữa. Cuối năm 2009, bộ phim tài liệu về “Dự án Azorian” của nhà làm phim người Mỹ Michael White sống ở Viên (Áo), được phát hành bằng DVD đã xuất hiện, trong đó có nhiều tư liệu phim gốc – thực ra là bí mật – về cuộc thám hiểm này cũng như nhiều cuộc phỏng vấn những người tham gia như các kỹ sư và nhà quản lý.

Bộ phim dài gần 2 giờ đồng hồ này có lẽ cũng là lý do để cho CIA, sau 35 năm im lặng, đã giải mật báo cáo của CIA năm 1978, những báo cáo mà lần đầu tiên được lưu truyền trong nội bộ CIA năm 1985. Phần lớn báo cáo này vẫn còn bị bôi đen và những cựu binh, những người muốn viết sách về sứ mạng này, vẫn phải chịu sự kiểm duyệt của CIA. Nhưng trong bộ phim tư liệu đầy tham vọng của White thì chỉ còn ít bí mật của chiến dịch căng thẳng, gây ấn tượng mạnh về công nghệ này là không được đề cập tới.

Ngay khi bị nổ, K-129 đã bị vỡ làm đôi. Mục tiêu của sứ mạng này ngay từ đầu là trục vớt phần thân còn tương đối lành lặn với khoang chứa ngư lôi và chiếc tháp cũng như nơi mà người ta cho rằng có tên lửa hạt nhân R-21. Trong quá trình trục vớt, điểm yếu không phải là con tàu ngầm được chế tạo chắc chắn của Liên Xô mà lại là chiếc móng vuốt Clementine.

Khi quắp vào K-129, ngón tay đòn của Clementine đã có vấn đề và bị gãy ra. Sau này, người ta mới nhận ra rằng chất kim loại nhằm làm giảm trọng lượng để chế tạo chiếc móng vuốt, đã không đủ chắc chắn. Trên đường lên khỏi mặt nước, ngay trước mục tiêu đã gãy thêm những “ngón tay” khác. Mặc dù người ta dùng lưới để giảm thiểu mất mát, nhưng với những “ngón tay” còn lại, người ta chỉ còn trục vớt được một ít “chiến lợi phẩm” lên trên mặt nước.

Những gì người ta đã tìm được ngoài thi thể các thủy thủ Liên Xô và chiếc chuông của con tàu cho tới nay về mặt chính thức vẫn còn được bảo mật. Chỉ một ít thành viên thủy thủ đoàn là được phép vào khoang chứa hàng. CIA cho rằng, thành công lớn của sứ mạng này chính là phát hiện rằng vỏ con tàu ngầm Liên Xô dày hơn nhiều so với dự đoán trước đây. Một chuyên gia đánh giá, đây là cái giá xứng đáng cho toàn bộ sứ mạng. Nhưng chính trong xác tàu, người ta lại tìm thấy lớp mangan, rất phù hợp với câu chuyện họ bịa ra để che giấu cho sứ mạng thật sự.

Chiến lợi phẩm quan trọng nhất từ xác tàu có lẽ là hai quả ngư lôi nguyên tử của Liên Xô, mà cơ quan mật vụ Nga cho rằng CIA đã thành công. Thậm chí trong bộ phim tài liệu của White có thể nhìn thấy các chuyên gia đang xem xét, đánh giá quả ngư lôi trên tàu Glomar.

Một phần vật liệu bị nhiễm xạ đã được thả về biển, hài cốt các thủy thủ Nga được mai táng trên biển. Một nhà quản lý bị chết trong quá trình thực hiện chiến dịch đã được thực hiện theo nguyện vọng cuối cùng của ông là tro của ông được rắc xuống biển từ con tàu Glomar Explorer.

Ngay trong năm đó, câu chuyện giật gân này đã bị rò rỉ tới những nhà báo điều tra nổi tiếng, trong đó có cả Seymour Hersh, người đã phanh phui vụ thảm sát Sơn Mỹ. Đích thân Giám đốc CIA William Colby đã phải gọi điện đi khắp nơi, thuyết phục các chủ bút rằng việc công bố thông tin này sẽ làm nguy hại tới an ninh quốc gia. Việc bắt cóc tàu chiến nước ngoài có thể được coi là một hành động gây chiến, nhất là trong trường hợp này, một siêu cường với tư cách là một kẻ cướp mộ lại muốn chiếm bom nguyên tử của một cường quốc khác.

Những tờ báo lớn chấp nhận lý luận này và không cho các nhà báo đăng câu chuyện trên. Họ không muốn phải chịu trách nhiệm về một cuộc khủng hoảng giữa các siêu cường như đã xảy ra một thập kỷ trước đó, khi Liên Xô triển khai tên lửa ở Cuba.

Nhưng một nhà báo điều tra, người từng đoạt giải Pulitzer là Jack Anderson và từng làm cho Nixon điêu đứng, đã không chịu khuất phục và đã công bố câu chuyện này vào năm 1975. Sau khi Anderson là người đầu tiên đưa tin, các đồng nghiệp khác đã đồng loạt công bố những tình tiết mà họ điều tra được. Khi sự việc bị bại lộ, CIA đã cân nhắc và quyết định không tiếp tục trục vớt con tàu đắm đó nữa.

Từ nhiều năm trước, Anderson đã gây áp lực với Tổng thống Nixon thông qua việc phanh phui các khoản tiền hối lộ. Một người quyên góp trong nhiều năm là tỉ phú Howard Hughes. Vì có nhiều thông tin nhạy cảm của chính phủ được tiết lộ với những nhà báo như Anderson, nên Nixon đã tuyển mộ một đội quân riêng trong cơ quan mật vụ, được gọi là “thợ hàn” để hàn gắn những chỗ rò rỉ thông tin. Đội quân mật này của Nixon thậm chí đã lên kế hoạch đầu độc Anderson.

Ngoài ra, đội quân mật này phải tìm hiểu xem đối thủ chính trị của Nixon biết những gì về việc quyên góp bất hợp pháp của Hughes. Mối quan hệ giữa người Mỹ giàu nhất và Tổng thống “của ông ta” đã lạnh nhạt đi, vì Hughes tỏ ra khó chịu với việc chính phủ Mỹ tiếp tục các vụ thử hạt nhân trên mặt đất, những vụ thử có lúc làm nhà của Hughes ở Las Vegas bị rung chuyển.

Một nguy cơ rủi ro nữa là Robert Maheu, nguyên là một điệp viên và là người vận động hành lang cho Hughes, mặc dù không còn được Hughes tin dùng, nhưng lại có mối quan hệ tốt với những chính khách hàng đầu của đảng Dân chủ, mà ông ta đã thuyết phục được để làm người vận động ngoài hành lang cho Hughes. Vì từ nhiều năm qua, không ai nhìn thấy Hughes, nên Nixon chẳng biết gì về người quyên góp tài chính cho mình. Cơ quan thuế thậm chí cho rằng Hughes đã chết từ năm 1970, những sự việc khác là do các nhà quản lý của ông sắp đặt.

Ngày 8/8/1974, hai ngày trước khi tàu Glomar Explorer trục vớt “chiến lợi phẩm” đầu tiên từ con tàu K-129, Nixon đã phải từ chức vì vụ Watergate. Năm 1975, khi Anderson công bố câu chuyện của mình về con tàu của CIA thì kẻ thù lớn nhất của ông là Nixon đã trở thành chuyện quá khứ.

Giờ đây, chiếc tàu Glomar Explorer được đổi tên là “GSF Explorer” và phục vụ sứ mệnh khoan thăm dò dầu khí. Quả thực đã có lúc nó được sử dụng để khai thác mangan và trên 20 năm không được sử dụng tới cho tới năm 1996, người ta dùng nó vào hoạt động khoan dầu. Ngôi nhà nổi chứa chiếc móng vuốt khổng lồ Clementine sau này được dùng để cất giữ chiếc tàu tàng hình đầu tiên của hải quân Mỹ. Cho tới bây giờ, người ta vẫn giữ kín nơi cất giấu những gì trục vớt được từ tàu ngầm K-129.

 

0