18/06/2018, 15:39

Quá trình mở rộng lãnh thổ nước Mỹ trong thế kỷ XIX

K hoa Thị Hằng Bài viết nghiên cứu các vấn đề như: Thương vụ Louisiana (1803), Vấn đề Florida (1819), sáp nhập Oregon (1846) và Texas (1845), …cũng như các cuộc thương thuyết giữa chính phủ Mĩ với chính phủ các nước Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Nga nhằm sáp nhập các vùng ...

states_map_orig

Khoa Thị Hằng

Bài viết nghiên cứu các vấn đề như: Thương vụ Louisiana (1803), Vấn đề Florida (1819), sáp nhập Oregon (1846) và Texas (1845), …cũng như các cuộc thương thuyết giữa chính phủ Mĩ với chính phủ các nước Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Nga nhằm sáp nhập các vùng đất trên vào lãnh thổ Mĩ. Phân tích những tác động của quá trình mở rộng lãnh thổ Mĩ tới những chuyển biến trong xã hội Mĩ như sự thay đổi thành phần dân cư, chuyển biến về kinh tế-xã hội, tác động đối với sự hình thành một số yếu tố cấu thành đặc điểm văn hóa Mĩ, tác động đối với việc hình thành chính sách đối ngoại của Mĩ trong thế kỷ XIX.

TÌNH HÌNH NƯỚC MĨ VÀ YÊU CẦU MỞ RỘNG LÃNH THỔ MĨ TRONG THẾ KỶ XIX

Bối cảnh quốc tế và khu vực

Bối cảnh quốc tế

Để tái lập nền quân chủ ngay khi cuộc chiến chống Napoleon chưa kết thúc, các nước châu Âu thuộc liên minh chống Pháp đã tổ chức Hội nghị Vienne nhằm định đoạt cục diện mới ở châu Âu theo chiều hướng có lợi cho mình. Nhằm bảo vệ quyền lợi theo quy định tại hiệp ước Vienne, các nước châu Âu đã thành lập các tổ chức như “Đồng minh Thần thánh” và “Đồng minh Tứ cường” để chống lại phong trào đấu tranh của quần chúng.

Tình hình phức tạp trong quan hệ quốc tế đầu thế kỷ XIX cũng đã tác động lớn đến Mĩ. Mặc dù vào thời điểm này, vị thế của Mĩ trên trường quốc tế còn thấp kém thậm chí là mục tiêu tranh chấp của Anh, Pháp và Nga nhưng Mĩ không để các nước này lôi kéo vào các vụ tranh chấp quốc tế mà tận dụng cơ hội để phát triển đất nước. “Vận mệnh hiển nhiên” của Mĩ không chỉ dừng lại ở Bắc Mĩ mà còn được mở rộng trên toàn thế giới.

 Bối cảnh khu vực

Cuộc chiến tranh giành độc lập của 13 bang thuộc địa Anh ở Bắc Mĩ giành thắng lợi, tác động mạnh mẽ tới phong trào giải phóng dân tộc của nhân dân khu vực Mĩ-Latinh. Cùng với sự suy yếu của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha trong những thập niên đầu của thế kỷ XIX, phong trào đấu tranh giành độc lập của nhân dân Mĩ-Latinh phát triển mạnh. Tất cả các nước thuộc khu vực Mĩ-Latinh nói tiếng Tây Ban Nha như Argentina, Mexico, Brazin, Columbia, Chile đều thành lập các quốc gia độc lập.

Không muốn bất cứ nước châu Âu nào xác lập hoặc duy trì ảnh hưởng tại khu vực này. Năm 1825, Mĩ cho quân chiếm đảo Puerto Rico đồng thời gây sức ép với Colombia buộc phải cho Mĩ quyền tự do thông thương qua eo đất Panama. Năm 1845-1846, Mĩ can thiệp bằng vũ lực vào Mexico, sáp nhập một nửa lãnh thổ Mexico vào nước Mĩ. Như vậy, bằng những thủ đoạn tinh vi núp dưới chiêu bài “độc lập dân tộc”, “hợp tác và đoàn kết” nhân dân các nước Mĩ- Latinh, Mĩ đã dần tạo được chỗ đứng ở khu vực và loại bỏ thế lực của các nước châu Âu, biến Mĩ- Latinh thành “sân sau” vào đầu thế kỷ XX.

 Tình hình nước Mĩ và yêu cầu mở rộng lãnh thổ Mĩ

 Nước Mĩ nửa đầu thế kỷ XIX :

Sau Chiến tranh giành độc lập, Mĩ có điều kiện phát triển nền kinh tế tự chủ. Với những lợi thế về lực lượng lao động, tài nguyên thiên nhiên, đất đai, bờ biển dài với những hải cảng tốt,… cùng với những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra ở châu Âu nói chung và Mĩ nói riêng đã góp phần làm cho kinh tế Mĩ phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, sau Chiến tranh giành độc lập, kinh tế Mĩ phát triển theo hai con đường chủ yếu: công thương nghiệp, nông nghiệp trại chủ nhỏ ở miền Bắc và kinh tế nông nghiệp đồn điền ở miền Nam.

Nền kinh tế công nghiệp phát triển nhanh chóng sau chiến tranh giành độc lập chứng tỏ nước Mĩ lúc này đã thực sự thoát khỏi lệ thuộc vào nền kinh tế Anh, tạo điều kiện cho nền kinh tế tư bản dân tộc phát triển. Vì vậy, Mĩ cần phải mở rộng thị trường trong nước mà miền Tây, một vùng đất trù phú với nhiều nguồn tài nguyên khoáng sản, là một vùng đất chưa được khai thác hết, có khả năng trở thành điểm tựa cho sự phát triển và vươn lên của Mĩ ởnhững giai đoạn sau.

Nền nông nghiệp Mĩ đầu thế kỷ XIX, về bản chất là nền kinh tế nông nghiệp tư bản chủ nghĩa. Nhưng mô hình phát triển theo hai chiều hướng khác nhau ở hai miền Nam, Bắc tất yếu sẽ dẫn đến những xung đột, cạnh tranh về quyền lợi giữa chủ nô và trại chủ đặt ra yêu cầu cấp thiết là sự phát triển mang tính thống nhất và ổn định. Mô hình nào lạc hậu hơn, kìm hãm sự phát triển chung của nền kinh tế sẽ bị tiêu diệt còn mô hình tiến bộ tạo điều kiện cho sự tăng trưởng và cân bằng giữa các lĩnh vực kinh tế sẽ giành được ưu thế.

 Chế độ nô lệ -rào cản đối với việc mở rộng và thống nhất lãnh thổ

Sau Chiến tranh giành độc lập, việc Hiến pháp Mĩ mặc nhiên công nhận sự tồn tại của chế độ nô lệ đã thúc đẩy hoạt động buôn bán nô lệ da đen từ châu Phi sang Mĩ và tạo điều kiện mở rộng chế độ nô lệ. Đầu thế kỷ XIX, sự dịch chuyển của đường biên giới đã làm số lượng bang ở Mĩ tăng lên. Từ năm 1816 đến năm 1821, 6 bang mới được thành lập trong đó có 3 bang phát triển chế độ nô lệ là Mississipi, Illinois và Maine. Điều này đồng nghĩa với việc chế độ nô lệ đã được mở rộng từ miền Nam sang miền Tây. Việc độc canh cây bông đã làm cho đất đai ở miền Nam suy kiệt, hơn nữa các chủ nô miền Nam không chịu áp dụng các thành tựu kỹ thuật để cải tiến mà lại muốn mở rộng diện tích trồng bông sang những vùng đất mới mầu mỡ. Trong khi đó, ở miền Bắc, công nghiệp phát triển mạnh cần có nơi cung cấp nguyên liệu nên các chủ kinh doanh miền Bắc cũng muốn tìm đến những vùng đất phì nhiêu để trồng ngô, lúa mì và chăn nuôi gia súc. Vào đầu thế kỷ XIX, sự tồn tại chế độ nô lệ là một vấn đề phức tạp của nước Mĩ và khó có thể giải quyết ngay được, bởi quyền lợi được thực hiện bình đẳng ở cả hai miền Nam, Bắc. Cho nên, diện tích lãnh thổ càng được mở rộng thì càng khó tránh khỏi tranh chấp về việc tồn tại hay không tồn tại chế độ nô lệ ở những bang mới.

Nước Mĩ nửa sau thế kỷ XIX

Nội chiến 1861-1865- kết thúc chế độ nô lệ ở Mĩ

Giữa thế kỷ XIX, sản xuất công nghiệp Mĩ đứng hàng thứ tư thế giới. Để tăng cạnh tranh với các nước châu Âu, yêu cầu phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa mang tính đồng bộtrong công nghiệp và nông nghiệp trở nên bức thiết. Trong khi đó, sự tồn tại của chế độ nô lệ ở miền Nam là trở ngại lớn trên con đường phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa của Mĩ bởi sự lạc hậu, yếu kém của mô hình này. Không những thế, để bảo vệ chế độ nô lệ, những chủ nô miền Nam đã tìm cách cô lập và khống chế sự phát triển của kinh tế công thương nghiệp trong nước bằng cách không cho hàng hoá của miền Bắc thâm nhập vào thị trường miền Nam nhưng lại nhập hàng hoá từ nước ngoài. Điều này, không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới lợi ích của tư sản công thương miền Bắc mà còn gây tổn hại lợi ích quốc gia dân tộc và khơi sâu thêm mâu thuẫn giữa tư sản công thương với chủ nô.

Ngày 20/12/1860, bang Nam Carolina tuyên bố tách khỏi liên bang mở đầu cho phong trào ly khai giữa các bang miền Nam đối với chính quyền Liên bang.

Ngày 3/4/1865, quân đội Liên bang chiếm được Richmon buộc quân đội Hiệp bang đầu hàng. Cuộc Nội chiến gây nhiều thiệt hại về người và của, làm cho miền Nam bị kiệt quệ và phải lệ thuộc vào miền Bắc nhiều năm sau đó mới phục hồi. Cuộc Nội chiến chấm dứt đã vĩnh viễn xoá bỏ chế độ nô lệ, xoá bỏ một phương thức sản xuất lạc hậu, trì trệ ngáng trở xã hội phát triển.

Những chuyển biến mạnh mẽ về kinh tế – cơ sở cho sự bành trƣớng lãnh thổ Cuộc Nội chiến(1861-1865) chấm dứt đã mở ra một giai đoạn phát triển toàn diện về kinh tế và chính trị cho nước Mĩ- tạo điều kiện cho quốc gia này chuyển sang giai đoạn phát triển cao hơn của chủ nghĩa tư bản là chủ nghĩa đế quốc.

*Về công nghiệp

Sau cuộc Nội chiến, những năm tăng trưởng mạnh mẽ trong công nghiệp bắt đầu. Nếu như vào đầu thế kỷ XIX, thế mạnh của nền công nghiệp của Mĩ là công nghiệp nhẹ thì sau Nội chiến công nghiệp chế tạo phát triển nhanh chóng: nhiều bằng phát minh sáng chế được cấp, các nhà máy thép với quy mô lớn được xây dựng và nhiều thành thị cũng mọc lên.

Những phát minh mới của Alexander Graham Bell và Thomas A. Edison cùng việc sử dụng năng lượng điện phổ biến trong đời sống sản xuất đã thực sự làm thay đổi cấu trúc kinh tế nói chung và công nghiệp nói riêng trong đó phải nói đến sự phát triển của công nghiệp chế tạo thép, đường sắt, dầu khí, ngân hàng.

*Về nông nghiệp

Cùng với sự phát triển công nghiệp, nông nghiệp Mĩ cũng đạt bước tiến đáng kể. Đầu thế kỷ XIX, nền nông nghiệp Mĩ vẫn cơ bản mang tính chất tự cung tự cấp thì sau Nội chiến, cùng với những phát minh sáng chế được áp dụng trong công nghiệp, nhiều cải tiến kỹ thuật trong nông nghiệp cũng xuất hiện. Góp phần thúc đẩy nông nghiệp Mĩ phát triển nhanh chóng, tạo bước chuyển trong nền nông nghiệp Mĩ sang nông nghiệp phục vụ thị trường hay nông nghiệp thương mại, tư bản chủ nghĩa.

Có thể nói, sự phát triển mạnh mẽ kinh tế tư bản chủ nghĩa sau Nội chiến đã tạo ra những thuận lợi đáng kể để Mĩ xác lập quyền lực của nhà nước trên toàn lãnh thổ, khẳng định chủ quyền dân tộc ở những vùng đất mới khai phá, cô lập được các nước tư bản châu Âu, độc quyền sở hữu khu vực châu Mĩ.

Sự hình thành học thuyết “sứ mệnh hiển nhiên”-tiền đề luận của chính sách bành trướng của Mĩ

Sau khi giành được độc lập, tư tưởng nói trên đã được các nhà cầm quyền Mĩ hợp lý hoá cho mục đích mở rộng lãnh thổ với tên gọi “thuyết bành trướng do định mệnh”, gồm những nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, tính tất yếu của việc thành lập Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

Thứ hai, việc bành trướng lãnh thổ Mĩ, là sứ mệnh mà Thượng đế giao cho.

Thứ ba, tính thiêng liêng của việc truyền bá chế độ dân chủ là vận mệnh mà Thượng đế giao phó để hoàn thành công việc này.

Với hệ lý luận trên, các nhà cầm quyền Mĩ đã ra sức thúc đẩy sự lớn mạnh của nước Mĩ bằng con đường mở rộng lãnh thổ.

Thế kỷ XIX là thế kỷ củng cố và phát triển của Mĩ. Những thành tựu đáng ghi nhận trong sự phát triển kinh tế Mĩ sau Nội chiến đã tạo điểm tựa vững chắc để Mĩ từng bước thực hiện chiến lược phát triển đất nước, trong đó có chính sách mở rộng lãnh thổ và thôn tính những vùng đất chịu sự kiểm soát của các nước châu Âu trên lãnh thổ Bắc Mĩ và Trung Mĩ, loại bỏ ảnh hưởng của các nước châu Âu ra khỏi châu Mĩ.

QUÁ TRÌNH MỞ RỘNG LÃNH THỔ MĨ TRONG THẾ KỶ XIX

 vụ Louisianna- mở đầu quá trình Tây tiến

Với vị trí trung tâm giữa hai miền Đông và Tây nước Mĩ, Lousiana không chỉ là một vùng đất địa-kinh tế mà còn có ý nghĩa chiến lược hết sức to lớn về địa-chính trị, địa-quân sự.

Sự chiếm đóng của Pháp ở đây rõ ràng đe doạ nghiêm trọng đến độc lập và hoà bình của Mĩ. Với việc lấy lại lãnh thổ Louisiana, Napoleon muốn thâu tóm các thuộc địa của Tây Ban Nha ở phía Đông và phía Tây bang Florida. Việc chiếm lĩnh phần lục địa với hơn 400 dặm bờ biển, Pháp có thể thiết lập các căn cứ quân sự kiểm soát vịnh Caribe, vịnh Mexico, kiểm soát thung lũng Missisippi nhằm biến Mĩ trở thành một vệ tinh khác giống Bỉ, Hà Lan, Thụy Sĩ, Đức và Ý. Như vậy, quyền lực của Napoleon mở rộng không chỉ ở châu Âu mà còn ra cả Bắc Mĩ.

Ngày 15/04/1803, cuộc thương thuyết mua Louisiana diễn ra giữa Livingston và Moroe với Bộ trưởng Marbois. Ngày 2 / 5 / 1803, tại văn phòng của Bộ trưởng Tài chính Marbois, hiệp ước về vấn đề Louisiana đã được ký kết giữa Pháp và Mĩ. Tính từ thời điểm này, Louisiana chính thức thuộc sở hữu của Mĩ với giá 15 triệu đô la.

Vấn đề Florida (1819)- mở rộng biên giới Đông Nam

Sau “vận may” có được từ thương vụ Louisiana, nước Mĩ tiếp tục thực hiện kế hoạch tiếp theo trong việc mở rộng lãnh thổ. Vấn đề đường biên giới không được ghi trong hiệp ước Louisiana ký với Pháp năm 1803 tạo ra cơ hội mới cho các nhà lãnh đạo Mĩ. Họ lợi dụng điểm này để giải thích một cách tuỳ tiện về việc mở rộng lãnh thổ theo Hiệp ước Louisiana, trong đó bao gồm cả khu vực phía Tây Florida- đang thuộc sở hữu của Tây Ban Nha. Trước tình hình đó, Jefferson đã đẩy mạnh hành động để giành Tây Florida và thậm chí cả Đông Florida bởi đây là vùng đất có vị trí rất quan trọng.

Sau những nỗ lực đàm phán kéo dài, Hiệp ước Adams-Onìs được ký tại Washington ngày 22 tháng 2 năm 1819. Việc sáp nhập Florida vào lãnh thổ Mĩ đã làm cho lãnh thổ của nước này có một đường bờ biển kéo dài từ phía Bắc New Scotland tới sông Mississipi ở phía Nam.

 Sáp nhập Oregon (1818-1846)- mở rộng lãnh thổ phía Tây Bắc

Việc sở hữu Louisiana và Florida đã thúc đẩy làn sóng di cư từ Đông sang Tây. Khả năng sở hữu đất đai màu mỡ với giá rẻ đã thu hút hàng đoàn người đến đây với mong muốn tìm cơ hội làm ăn mới. Đến năm 1830, vùng đất phía Tây đã dày đặc người định cư sinh sống bằng nghề nông. Bên kia biên giới của Louisiana là một dải đất rất lớn gồm núi, sa mạc, cao nguyên và bờ đá vẫn còn hoang sơ được gọi là Quốc gia Oregon. Việc xác lập ranh giới của vùng này cũng chưa rõ ràng bởi đây từng là khu vực tranh chấp của bốn nước là Tây Ban Nha, Anh, Nga và Mĩ. Nhưng đến những năm 1820, sau nhiều cuộc tranh cãi vùng đất này chỉ còn là nơi tranh chấp của Anh và Mĩ.

Trong bối cảnh đó, Anh và Mĩ đã chấp nhận thương thảo về vấn đề Oregon. Lord Aberdeen, Oregon bị phân đôi lấy ranh giới vĩ tuyến thứ 49o làm mốc, phần phía Nam vĩ tuyến thứ 49 thuộc về Mĩ còn phần phía Bắc vĩ tuyến thứ 49 thuộc về Anh. Bằng thoả ước này, vấn đề Oregon vốn đã kéo dài từ trước thời Quincy Adams đã được giải quyết bằng con đường thoả hiệp.

Sáp nhập Texas (1845), Hiệp uớc Guadalupe Hidago (1848)-mở rộng lãnh thổ về phía Tây Nam

Texas là vùng đất nằm giữa Louisiana và sa mạc phía bắc của Mexico thuộc chủ quyền của Mexico.

Tháng 12/1845, Quốc hội Mĩ chính thức phê chuẩn việc sáp nhập Texas vào lãnh thổ Mĩ với tư cách là một bang nô lệ.

Ngay khi Mĩ sáp nhập Texas, Mexico đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Mĩ và những người yêu nước Mexico đã lên tiếng đòi phát động chiến tranh. Ngày 11/5/1846, Tổng thống Mĩ đọc thông điệp chiến tranh trước Quốc hội. Chiến tranh Mĩ-Mexico bùng nổ, kéo dài đến tháng 2/1848 và gây ra những thiệt hại nặng nề cho cả Mĩ và Mexico. Nhưng cuộc chiến này đã tạo những lợi thế lớn cho Mĩ trong việc khẳng định ảnh hưởng của mình đối với Mexico. Ngày 2/2/1848, Mĩ và Mexico ký Hiệp ước Guadalupe Hidalgo, chấm dứt chiến tranh Mĩ-Mexico.

Cuộc chiến tranh kết thúc đã đẩy nhanh quá trình bành trướng lãnh thổ Mĩ, khẳng định sức mạnh của học thuyết “Sứ mệnh hiển nhiên” đồng thời nâng cao uy tín của những người theo chủ nghĩa bành trướng trong chính phủ, thúc đẩy chính quyền Mĩ tiếp tục việc mở rộng lãnh thổ không chỉ ở khu vực Bắc Mĩ còn vươn ra bên ngoài. 

Thương vụ Gadsden (1854)- hoàn chỉnh biên giới Tây Nam

Sau chiến tranh Mĩ-Mexico (1846-1848), Mexico rơi vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng: kho bạc trống rỗng, quân đội hỗn loạn, các thế lực bên ngoài lăm le xâm lược.

Những vấn đề của Mexico cũng là mối lo ngại đối với Mĩ vì có thể đe doạ trực tiếp tới vùng biên giới nước Mĩ. Song, điều đó cũng tạo thuận lợi cho Mĩ trong việc giải quyết những tranh chấp về lãnh thổ. Cụ thể là, Tổng thống Pierce đã cử James Gadsden đến Mexico đàm phán.

Kết quả là, ngày 30/12/1853, Mexico đồng ý ký hiệp ước với Mĩ, trong đó chấp thuận sáp nhập El Paso vào lãnh thổ Mĩ đồng thời bổ sung thêm các vùng tam giác vào lãnh thổ Mĩ bao gồm khu vực phía Nam của Azirona và New Mexico. Đổi lại, Mĩ trả cho Mexico 10 triệu đô la. Hiệp ước này đã giải quyết dứt điểm những tranh chấp lãnh thổ giữa Mĩ và Mexico.

 Thương vụ Alaska (1867) và việc sáp nhập Hawaii (1898)-kết thúc quá trình mở rộng lãnh thổ.

 Thương vụ Alaska (1867)

Sau Nội chiến, Mĩ bước vào thời kỳ tái thiết. Cùng với những cải cách nhằm phát triển kinh tế, ổn định chính trị và xã hội, vấn đề mở rộng lãnh thổ tiếp tục được đặt ra. Mặc dù trước Nội chiến, lãnh thổ lục địa Mĩ đã mở rộng gấp 2/3 so với trước và tiến sát đến bờ biển Thái Bình Dương nhưng tham vọng của Mĩ không dừng lại ở đấy. Mĩ tiếp tục muốn vươn xa hơn nữa để tìm những đường biên giới mới và mở rộng ảnh hưởng, cạnh tranh với các nước phương Tây. Người mở đầu cho sự hồi sinh của chủ nghĩa bành trướng sau Nội chiến là Bộ trưởng William Henry Seward với thành công trong việc mua Alaska (1867) từ Nga.Với việc mua Alaska, lãnh thổ Mĩ không những mở rộng ra đại dương mà còn đem về cho Mĩ nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú. Hơn nữa, với việc sở hữu Alaska, Mĩ đã tạo ra vành đai bảo vệ khỏi sự tấn công của các nước phương Tây, đồng thời hạn chế ảnh hưởng của Anh ở Canada, tạo bàn đạp dần loại bớt sự hiện diện của Anh ở Bắc Mĩ.

Việc sáp nhập Hawaii (1898)

Với vị trí nằm ở trung tâm Thái Bình Dương, từ thế kỷ XIX, Hawaii được coi là điểm trung chuyển thương mại tới phương Đông của thương nhân Mĩ. Quần đảo này vừa là nơi tiếp nhiên liệu cho tàu buôn vừa là nơi cung cấp các thương phẩm có giá trị như lông thú, gỗ đàn hương cho thương nhân Mĩ. Tuy nhiên, do sự cạn kiệt nhanh chóng của nguồn gỗ đàn hương, thương nhân Mĩ chuyển sang săn bắt cá voi. Cùng với thương nhân Mĩ, năm 1820, những nhà truyền giáo đầu tiên đã đến và mang đức tin của Chúa đến với những người bản địa nơi đây. Theo gót các nhà truyền giáo, người Mĩ cũng đã tìm đến đây định cư và sở hữu nhiều đất đai phát triển các đồn điền trồng mía cung cấp cho thị trường Mĩ.

Ngày 16/6/1897, chính phủ Mĩ ký với chính phủ lâm thời Cộng hoà Hawaii hiệp ước sáp nhập. Trong các ngày 15/6 và 6/7/1898, Hạ viện và Thượng viện Mĩ phê chuẩn, chính thức sáp nhập quần đảo Hawaii vào lãnh thổ Mĩ. Sự kiện trên, đã góp phần làm cho lãnh thổ Mĩ được mở rộng ra đại dương.

Trước yêu cầu phát triển của nền kinh tế, nhu cầu mở rộng thị trường gắn liền với mở rộng lãnh thổ, trong suốt thế kỷ XIX, nước Mĩ đã đẩy mạnh quá trình mở rộng lãnh thổ với những hình thức khác nhau. Từ các cuộc đàm phán mua bán và tận dụng thời cơ buộc đối phương nhượng lãnh thổ như: thương vụ Louisiana(1803), giải quyết vấn đề Florida (1819), Oregon (1846), vụ mua bán Gadsden(1854), và Alaska (1867) đến sử dụng vũ lực để thâu tóm và sáp nhập lãnh thổ như việc đoạt Texas và một số vùng đất của Mexico năm 1848, lãnh thổ Mĩ đã mở rộng gấp 2 đến 3 lần so với trước Chiến tranh giành độc lập.

 TÁC ĐỘNG CỦA VIỆC MỞ RỘNG LÃNH THỔ ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN CỦA NƯỚC MĨ.

 Những thay đổi về thành phần và phân bố dân cư

Việc mở rộng lãnh thổ thông qua xâm chiếm, mua bán và sáp nhập đã làm tăng sự đa dạng về thành phần dân cư ở Mĩ. Sự mở rộng lãnh thổ này đã làm cho cơ cấu dân cư Mĩ thay đổi. Đặc biệt là sự gia tăng sắc tộc bởi mỗi vùng đất được mua hay sáp nhập vào nước Mĩ không chỉ đơn thuần về mặt địa lý mà còn bao gồm cả yếu tố con người. Những người dân sống trên những vùng đất được mua hay sáp nhập sẽ trở thành công dân Mĩ trên cơ sở tự nguyện. Như vậy, rõ ràng việc lãnh thổ Mĩ mở rộng đã tác động lớn tới việc làm gia tăng thành phần dân cư Mĩ.

Không những thế, việc lãnh thổ mở rộng và những chính sách khuyến khích nhập cư của chính phủ đã thu hút số lượng lớn dân nhập cư từ các châu lục đến Mĩ. Đó chính là một trong những yếu tố hình thành nên đặc điểm dân cư Mĩ- một dân tộc “đa sắc tộc”.

Có thể nói, quá trình mở rộng lãnh thổ Mĩ trong thế kỷ XIX đã tác động rất lớn tới sự thay đổi thành phần và sự phân bố dân cư ở Mĩ. Qua đó đã góp phần tạo nên một số đặc điểm trong dân số Mĩ trong đó phải nói đến tính đa dạng của thành phần dân cư, tính đa sắc tộc và tính di động cao trong kết cấu dân cư Mĩ.

 Chuyển biến về kinh tế-xã hội

Về kinh tế

Quá trình mở rộng lãnh thổ Mĩ thế kỷ XIX tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế Mĩ. Trước tiên là nông nghiệp. Vào đầu thế kỷ XIX, mặc dù nền kinh tế Mĩ đã phát triển theo con đường chủ nghĩa tư bản nhưng nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế căn bản. Sự phát triển của kinh tế nông nghiệp gắn liền với sự phát triển của nguồn tài nguyên đất.

Cùng với sự phát triển kinh tế nông nghiệp, việc lãnh thổ mở rộng đã cung cấp những nguồn nguyên nhiên liệu phục vụ cho sự phát triển của ngành công nghiệp. Nước Mĩ vốn đã sở hữu nhiều nguồn tài nguyên, khoáng sản thì việc lãnh thổ mở rộng càng làm cho nguồn tài nguyên trở nên phong phú đáp ứng nhu cầu sản xuất như: gỗ, than đá, dầu mỏ, sắt, quặng.Mặt khác, lãnh thổ mở rộng góp phần mở rộng thị trường dân tộc tạo điều kiện cho sựphát triển nền kinh tế nội thương thông qua hệ thống các tuyến đường giao thông như đường bộ, đường thuỷ đặc biệt là đường sắt. Đường sắt cũng góp phần hết sức quan trọng cho sự phát triển của kinh tế Mĩ. Sự xuất hiện của các tuyến đường sắt xuyên lục địa giúp việc vận chuyển hàng hoá từ miền Tây sang Đông một cách nhanh chóng thuận tiện đem lại giá trị kinh tế lớn. Hơn nữa, sự gia tăng số km chiều dài đường sắt xuyên lục địa không những thống nhất thị trường dân tộc mà còn khẳng định chủ quyền Mĩ ở những vùng đất mới.

Có thể nói, quá trình mở rộng lãnh thổ Mĩ đã tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển một nền kinh tế toàn diện trên cơ sở khai thác những nguồn lực sẵn có ở những vùng đất mới, đưa nền kinh tế Mĩ chuyển từ giai đoạn cạnh tranh sang giai đoạn phát triển cao hơn-giai đoạn chủ nghĩa đế quốc.

Về xã hội

Sau chiến tranh giành độc lập, việc dân số Mĩ gia tăng nhanh chóng cùng với dòng người nhập cư đã đặt ra những yêu cầu cấp thiết cho chính phủ Mĩ trong việc giải quyết nhu cầu về đất đai và nhà cửa. Mặt khác, sự mở rộng chế độ nô lệ cũng đặt ra nhiều vấn đề liên quan tới việc sở hữu đất đai và việc cân bằng giữa các bang có chế độ nô lệ với các bang không có chế độ nô lệ.

Tuy nhiên, việc mở rộng lãnh thổ cũng gắn liền với việc cuộc sống của người dân bản địa ở những vùng được mở rộng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đối với người Mĩ bản địa, dân da trắng là những kẻ xâm nhập không được hoan nghênh bởi đã làm đảo lộn cuộc sống của họ, buộc họ phải dời bỏ những vùng đất tổ tiên, xúc phạm tới tâm linh của người bản địa mà người Mĩ trong giai đoạn đầu đã cố tình không hiểu. Chính điều này, đã làm cho mối quan hệ giữa những người di cư đến miền Tây với người bản địa trở nên căng thẳng, trong nhiều trường hợp là quan hệ thù địch.

Ngoài ra, việc lãnh thổ được mở rộng cũng tác động tới việc xoá bỏ chế độ nô lệ. Nếu không xoá bỏ thì việc mở rộng lãnh thổ đồng nghĩa với việc mở rộng chế độ nô lệ, khơi sâu thêm mâu thuẫn giữa hai miền Nam Bắc đặc biệt là sau chiến tranh Mĩ-Mexico (1846-1848) vấn đề càng trở nên căng thẳng và trầm trọng hơn. Trước những bất cập đó, để thực hiện thành công công cuộc mở rộng lãnh thổ thì việc xoá bỏ chế độ nô lệ là một việc làm cần thiết.

Tác động đối với sự hình thành một số yếu tố cấu thành đặc điểm văn hoá Mĩ.

Quá trình Tây tiến và mở rộng đất định cư sang phía Tây tác động sâu sắc tới sự hình thành một số đặc điểm văn hoá Mĩ. Trước tiên phải nói tới yếu tố chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa bình đẳng. Với mật độ dân cư thưa thớt ở những vùng đất rộng, không có sự hỗ trợ của những người hàng xóm liền kề, phải đối mặt với một môi trường vật chất không dễ chinh phục và phải tự lực để sinh tồn cho nên để bảo vệ mình họ phải biết lo cho bản thân mình trước. Điều này là cơ sở tạo nên tính tự chủ về hành vi trong hành động của người Mĩ và họ dám chịu trách nhiệm trước hành động của mình.

Bên cạnh đó, sự hoang vu của những vùng đất mới lại khiến một xã hội phức tạp trở thành một xã hội mang tính cộng đồng và bình đẳng. Trong điều kiện vật chất khó khăn, khắc nghiệt của miền Tây và lối sống cộng đồng của những người bản địa đã ảnh hưởng tới nếp sống của những người miền Tây. Họ thường tham gia vào các hoạt động xã hội và cố gắng giúp đỡ lẫn nhau.

Việc mở rộng lãnh thổ đã dẫn đến sự thay đổi thành phần dân cư nhưng chính sự thay đổi này đã góp phần vào sự hình thành một nền văn hoá đa dạng ở Mĩ.

Cuối cùng, quá trình mở rộng lãnh thổ Mĩ góp phần hình thành nên một đặc điểm nữa trong văn hoá Mĩ đó là sự di chuyển liên tục từ vùng này sang vùng khác. Trước những áp lực cuộc sống, để thay đổi người Mĩ sẵn sàng di chuyển sang vùng đất mới nhằm cải thiện cuộc sống nhanh chóng hoà nhập vào cuộc sống ở bất cứ nơi nào mà họ đến. Rõ ràng là, việc lãnh thổ được mở rộng đã tác động đến sự hình thành văn hoá Mĩ tạo nên điểm riêng biệt cho bản sắc văn hoá Mĩ.

Tác động đối với việc thực hiện chính sách đối ngoại

So với các nước tư bản ở châu Âu, Mĩ là nước ra đời muộn, vị thế của Mĩ trên trường quốc tế còn yếu. Bản thân nước Mĩ, mặc dù đã thoát khỏi số phận thuộc địa nhưng còn gặp rất nhiều khó khăn đặc biệt là sự bao vây của các nước châu Âu xung quanh đe doạ nền độc lập non trẻ.

Tuy nhiên, không phải vì thế mà Mĩ bị lép vế trước các cường quốc châu Âu ở Bắc Mĩ. Bằng những hoạt động khôn khéo và nắm bắt nhanh những cơ hội có được, vào đầu thế kỷ XIX lợi dụng những khó khăn của Pháp, Mĩ đã sở hữu vùng đất Louisiana (1803), rồi bằng con đường sáp nhập Mĩ buộc Tây ban Nha phải giao vùng Florida (1819), Texas (1845).

Tiếp đến, bằng con đường chiến tranh, Mexico phải chấp nhận cắt một nửa lãnh thổ của mình cho Mĩ kiểm soát. Năm 1867, Mĩ mua lại vùng Alaska tiếp đến năm 1898 Mĩ sáp nhập thành công quần đảo Hawaii vào lãnh thổ Mĩ. Như vậy, bằng con đường mở rộng lãnh thổ trong thếkỷ XIX, Mĩ đã tạo cho mình một vị thế địa-chiến lược trên bản đồ địa-chính trị quốc tế so với nước Mĩ thủa ban đầu, vừa góp phần phát triển nội lực kinh tế đất nước vừa loại bỏ dần các thế lực châu Âu ở Bắc Mĩ và vươn lên làm chủ châu Mĩ, đồng thời khiến các nước châu Âu đặc biệt là Anh, Pháp phải nhìn Mĩ bằng con mắt dè trừng trước một nước Mĩ đang đe doạ vịtrí của họ ở châu Mĩ.

Quá trình mở rộng lãnh thổ Mĩ trong thế kỷ XIX đã tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế, chính trị -xã hội, văn hoá và việc thực hiện chính sách đối ngoại Mĩ. Tuy nhiên, việc mở rộng lãnh thổ cũng đặt ra nhiều vấn đề cho nước Mĩ cần phải giải quyết đặc biệt là đối với người bản địa Mĩ.

K ẾT LUẬN

Sau Chiến tranh giành độc lập, nước Mĩ bước vào thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước. Nền kinh tế tư bản chủ nghĩa có điều kiện phát triển nhưng Mĩ cũng đứng trước nhiều thách thức mới, trong đó có việc giải quyết các vấn đề quốc nội như xây dựng và củng cố chính quyền liên bang, giải quyết những khó khăn về tài chính và những vấn đề xã hội đặc biệt là vấn đề miền Tây.

Thứ nhất, việc lãnh thổ mở rộng tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển kinh tế Mĩ, từ một nước nông nghiệp nhanh chóng trở thành cường quốc công nghiệp đứng đầu thế giới. Song, cùng với đó, Mĩ cũng đứng trước những thách thức lớn đặc biệt là sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường trong nước dẫn đến sự thâu tóm, sáp nhập những công ty nhỏ vào công ty lớn hình thành nên các công ty độc quyền (Trust) thao túng, lũng đoạn nền kinh tế Mĩ. Bên cạnh đó, việc lãnh thổ Mĩ mở rộng cũng đặt ra những vấn đề xã hội phức tạp như sự gia tăng dân số, ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội trở nên phổ biến, đặc biệt là sự phân biệt sắc tộc, tôn giáo gay gắt ở Mĩ. Trong đó phải nói tới sự kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người da màu- nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện những xung đột sắc tộc, tôn giáo khiến xã hội Mĩ rơi vào tình trạng bất ổn, đòi hỏi chính phủ Mĩ phải tiếp tục quan tâm giải quyết.

Thứ hai, quá trình mở rộng lãnh thổ một mặt thể hiện sức mạnh quân sự Mĩ, mặt khác tạo tiền đề cho việc xây dựng lực lượng quốc phòng lớn mạnh hơn nhằm bảo vệ lợi ích của Mĩ và đương đầu với các nước châu Âu cụ thể là Anh ở khu vực Mĩ-Latinh và các khu vực khác. Tuy nhiên, cũng đặt Mĩ trước những xung đột lợi ích gay gắt với các châu Âu và những khu vực mà Mĩ sử dụng sức mạnh hải quân. Đến cuối thế kỷ XIX, Mĩ đã được biết đến không chỉ là một siêu cường kinh tế mà còn là một nước “đế quốc” hiếu chiến.

Thứ ba, những thành công trong việc mở rộng lãnh thổ tạo ra “chỗ đứng” quan trọng giúp Mĩ từng bước khẳng định vị thế và tầm ảnh hưởng đối với các nước châu Âu. Thông qua các hiệp ước ký với Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha, Mĩ đã từng bước gạt bỏ sự có mặt của những quốc gia này ở Bắc Mĩ và toàn bộ châu Mĩ. Không những thế, quá trình mở rộng lãnh thổ bằng con đường “thương vụ” còn hoàn thiện chính sách ngoại giao của Mĩ trên con đường “tìm kiếm cơ hội kinh tế”.

Việc loại bỏ dần ảnh hưởng của các nước châu Âu ra khỏi Bắc Mĩ và khu vực Mĩ- Latinh giúp Mĩ xây dựng một “sân sau” vững chắc đáp ứng những yêu cầu cần thiết khi Mĩ hội nhập vào “sân chơi” chung của các cường quốc.

trích từ Luận văn Thạc sĩ

ngành: Lịch sử thế giới

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn

0