18/06/2018, 15:39

Bí mật đằng sau mối quan hệ Mỹ-Cuba

Hoài Nam (Theo Rebelion) Sau thất bại thảm hại trong chiến dịch tấn công vào bãi biển Giron tháng 4/1962 và những trải nghiệm rút ra từ cuộc khủng hoảng tên lửa hạt nhân tháng 10/1962, Tổng thống Mỹ John F. Kennedy dường như nhận thấy rằng ý định thay đổi chế độ ở Cuba thông qua ...

khung hoang ten lua Cuba

Hoài Nam (Theo Rebelion)

Sau thất bại thảm hại trong chiến dịch tấn công vào bãi biển Giron tháng 4/1962 và những trải nghiệm rút ra từ cuộc khủng hoảng tên lửa hạt nhân tháng 10/1962, Tổng thống Mỹ John F. Kennedy dường như nhận thấy rằng ý định thay đổi chế độ ở Cuba thông qua những cuộc tấn công quân sự trực tiếp là không sáng suốt và bắt đầu tính tới một loạt phương án chiến thuật khác có thể đáp ứng được những lợi ích chiến lược của nước Mỹ. Trong một loạt sự lựa chọn được đưa ra bàn thảo, Tổng thống Kennedy đã chấp nhận khai thác một cách cẩn trọng và kín đáo một thỏa hiệp tạm thời với chính phủ Cuba… 

Yếu tố tác động tới quan điểm của Kennedy

Ngay sau khi cuộc khủng hoảng Tháng Mười được Mỹ và Liên Xô giải quyết êm thấm, Tổng thống Kennedy nhận thấy rằng một thỏa thuận với Cuba nếu đạt được sẽ tạo điều kiện cho chính phủ Mỹ thực hiện ý định xây dựng một bầu không khí hòa bình với Liên Xô vào thời điểm đó. Tuy nhiên, trước khi bắt đầu tìm kiếm kênh tiếp xúc với La Habana, Tổng thống Kennedy rất muốn tìm hiểu xem phía Cuba sẵn sàng nhượng bộ đến đâu trong trường hợp hai bên đạt được một thỏa thuận nào đó. Ngoài ra, ông chủ Nhà Trắng cũng nhận thấy quyết định của Liên Xô rút tên lửa hạt nhân khỏi lãnh thổ Cuba mà không tham khảo ý kiến trước đã khiến cho lãnh đạo Cuba không hài lòng và đây có thể là cơ hội đáng để Mỹ khai thác.

my va cuba 1
Tổng thống Mỹ J F.Kennedy (trái) và cố vấn An ninh Quốc gia McGeorge Bundy.

Ông Arthur M. Schesinger, cố vấn riêng của Kennedy sau này đã tiết lộ trong một cuốn sách rằng những suy nghĩ của Tổng thống đã thay đổi đáng kể sau những gì xảy ra tại Cuba hồi tháng 10/1962 (cuộc khủng hoảng tên lửa). Vào thời điểm đó, đối với Kennedy, một thế giới mà các quốc gia đe dọa lẫn nhau bằng tên lửa hạt nhân không những là phi lý mà còn là một thế giới không thể chịu đựng nổi. Chính vì vậy, Cuba đã gợi mở một cảm giác rằng thế giới này có một mối quan tâm chung về việc tránh để xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân và mối quan tâm đó còn hơn cả những lợi ích quốc gia và ý thức hệ mà vào một thời điểm nào đó tưởng như là những yếu tố sống còn.

Trong một bài phát biểu tháng 6/1963 ở trường Đại học Americana, Tổng thống Kennedy đã kêu gọi xây dựng một nền hòa bình trên thế giới và kiến nghị xem xét lại những hành động của Mỹ đối với Liên Xô. Ông khẳng định, không có một quốc gia nào trong lịch sử lại phải chịu đựng như Liên Xô trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai và cho rằng nếu hai bên không thể xóa bỏ những khác biệt thì chí ít cũng có thể cùng nhau giữ được sự đa dạng của thế giới bởi vì xét cho cùng thì tất cả đều có mối liên hệ là sống trên cùng một trái đất, cùng hít thở một bầu không khí và cùng đấu tranh vì tương lai của các thế hệ mai sau.

my va cuba 2
Tàu chiến và máy bay của Mỹ ở áp sát lãnh hải Cuba trong vụ khủng hoảng tên lửa tháng 10/1962.

Ngay sau đó, Mỹ và Liên Xô đã ký hiệp định về việc cấm thử vũ khí hạt nhân, thiết lập được một đường dây nóng liên lạc trực tiếp giữa Nhà Trắng và Điện Kremlin trong trường hợp khẩn cấp, qua đó tạo ra được một bầu không khí bớt căng thẳng hơn giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới trong suốt năm 1963. Và tất cả những quyết định trên đều có tác động rất lớn trong chính sách của Mỹ đối với Cuba.

Ngày 11/4/1963, Gordon Chase, thư ký của Cố vấn An ninh Quốc gia McGeorge Bundy đã gửi cho Bundy một bản báo cáo, trong đó nhấn mạnh rằng tất cả các nhân vật chóp bu trong chính quyền Mỹ đều quan tâm giải quyết vấn đề Cuba nhưng đến thời điểm đó thì hầu hết những người này đều muốn giải quyết bằng những “hành động xấu xa” công khai hoặc bí mật và quên đi một phương thức khác là “kéo Fidel Castro một cách từ từ về phía Mỹ”. Chase đưa ra nhận định của mình rằng nếu thực hiện thành công nước cờ “xích lại gần Cuba một cách hòa bình” thì những lợi ích đối với nước Mỹ là vô cùng lớn. Tuy nhiên, Chase cũng đề cập tới hai yếu tố có thể cản trở mong muốn tìm kiếm một sự thỏa hiệp tạm thời giữa chính quyền của Tổng thống Kennedy và Cuba: Sự phản đối của các thế lực cực hữu ngay trong nội bộ nước Mỹ và khả năng Fidel Castro từ chối lời đề nghị từ phía Mỹ.

Những gì Chase đề xuất trên thực tế chỉ là một cách khác để thực thi chính sách của Mỹ đối với Cuba, một phương thức mềm dẻo và linh hoạt hơn. Nhưng rõ ràng là mục tiêu cuối cùng của chính sách đó vẫn không hề thay đổi: Tước đi nguyên tắc chủ quyền của Cuba về chính sách đối ngoại trong ngắn hạn, đặc biệt là trong mối quan hệ với Liên Xô và sự ủng hộ đối với các phong trào cách mạng ở Mỹ Latinh, và về lâu dài là triệt tiêu cách mạng Cuba, điều này phù hợp với những lợi ích cơ bản của Oasinhtơn. Lịch sử sau này cũng đã chứng minh rằng Tổng thống Kennedy đã đồng ý khai thác khả năng này.

Tìm kiếm kênh liên lạc

Vào tháng 4/1963, chính quyền Kennedy bắt đầu xem xét mọi khả năng để có thể giải quyết “vấn đề Cuba” và những ý nghĩ đó đã trở thành nỗi ám ảnh đối với vị tổng thống thứ 35 của nước Mỹ cho tới ngày định mệnh 22/11/1963. Chính vì vậy, ngoài những đề xuất về các âm mưu phá hoại bí mật, những chiến dịch gây sức ép ngoại giao và kế hoạch can thiệp quân sự mà tất cả đều đã biết, một số tài liệu tuyệt mật của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ còn đề cập tới khả năng triển khai một thỏa thuận nào đó với chính phủ Cuba.

Lisa Howard   Fidel Castro tại La Habana 1963.
Nữ nhà báo Lisa Howard (phải) trong cuộc phỏng vấn Chủ tịch Fidel Castro tại La Habana năm 1963.

Trong báo cáo về “Vấn đề Cuba” được trình lên Tổng thống, Cố vấn An ninh Quốc gia McGeorge Bundy đã giải thích tính hợp lý của ý tưởng này như sau: “Luôn tồn tại khả năng Fidel Castro hoặc bất cứ quan chức cấp cao nào đó trong chính quyền Cuba nhận thấy những lợi thế của việc thay đổi một cách từ từ sự phụ thuộc của họ vào Mátxcơva. Chỉ tính riêng về vấn đề kinh tế, cả Mỹ và Cuba đều được lợi rất nhiều nếu hai bên thiết lập quan hệ và một cuộc cách mạng ngoại giao toàn diện như vậy có lẽ không phải là sự kiện đáng kinh ngạc nhất trong thế kỷ 20.

Những cuộc thương lượng về việc trả tự do cho 1.200 lính đánh thuê tham gia vào cuộc xâm lược tại bãi biển Giron (Cuba) trước đó đã trở thành kênh đối thoại đầu tiên giữa hai quốc gia láng giềng. Trong thời gian đó, James Donovan, một luật sư ở New York được chính phủ Mỹ chỉ định tham gia cuộc đàm phán trên, đã có một số cuộc tiếp xúc với Chủ tịch Fidel Castro và trở thành người đầu tiên chuyển tải thông điệp của Fidel Castro về ý định sẵn sàng giải quyết những bất đồng giữa hai nước. Những thông tin tình báo của CIA vào khoảng cuối tháng 6/1963 cũng cho thấy phía Cuba có quan tâm tới việc xích lại gần Mỹ.

William Attwood
William Attwood, Phó Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc dưới thời Tổng thống Kennedy, người đã tích cực tìm kiếm kênh liên lạc giữa Mỹ và Cuba.

Ngày 6/6/1963, một “Nhóm công tác đặc biệt” của Mỹ bắt đầu thảo luận về nội dung những cuộc nói chuyện giữa luật sư James Donovan và Fidel Castro, cũng như những thông tin tình báo về việc Cuba cũng mong muốn cải thiện quan hệ với Mỹ. Tại cuộc họp đó, các thành viên của “Nhóm công tác đặc biệt” đã phân tích nhiều phương án khác nhau để thiết lập một kênh liên lạc với nhà lãnh đạo Cách mạng Cuba và tất cả đều nhất trí cho rằng những nỗ lực này sẽ đem lại hiệu quả.

Tuy nhiên, chính nhà báo của kênh truyền hình ABC, Lisa Howard, người vừa tới Cuba vào tháng 4 năm đó với dự định phỏng vấn Fidel Castro, mới chính là nhân tố tạo ra được mối liên hệ giữa hai nước. Tháng 9/1963, Howard đã thông báo cho William Attwood, Phó Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc, về việc Fidel Castro bày tỏ ý định sẵn sàng thiết lập một kênh liên lạc nào đó với chính quyền Mỹ và tìm kiếm khả năng trảo đổi về một thỏa hiệp tạm thời giữa hai bên. Ý kiến này cũng đã được Đại sứ Ghinê tại La Habana, Seydon Diallo tiết lộ cho Attwood trong một cuộc gặp giữa hai nhân vật này ở New York. Ngoài ra, Attwood cũng đã đọc được một bài báo của Howard đăng trên tờ War-Peace Report có tiêu đề “Những lời ám chỉ của Castro” (Castro´s Overture”, trong đó nữ nhà báo này cho biết trong cuộc phỏng vấn kéo dài 8 tiếng, nhà lãnh đạo Cuba còn đề cập một cách chi tiết hơn về mong muốn đàm phán với Mỹ về quan hệ song phương. Chính từ những thông tin trên mà Attwood và Howard bắt đầu triển khai kế hoạch thúc đẩy các cuộc tiếp xúc bí mật giữa Oasinhtơn và La Habana.

Ngày 12/9/1963, Attwood, đang vô cùng phấn khích về ý tưởng thiết lập một mối liên kết nào đó giữa chính quyền Mỹ và Cuba, đã ngay lập tức nói chuyện với Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Averell Harriman về đề tài này. Sau khi nghe thuộc cấp trình bày, Harriman đã yêu cầu Attwood phải viết một báo cáo chi tiết và chỉ 6 ngày sau tài liệu này đã nằm trên bàn của vị Thứ trưởng.

Theo báo cáo của Attwood, nếu kế hoạch đạt được những kết quả tích cực thì vấn đề Cuba có thể sẽ được loại khỏi chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ vào năm 1964. Attwood phân tích rằng, việc thực thi kế hoạch không đồng nghĩa với việc đưa ra một “thỏa thuận” ngay lập tức với Fidel Castro mà nếu xét từ góc nhìn chính trị thì có thể còn nguy hiểm hơn là không làm gì cả, nhưng đó sẽ là một cuộc điều tra kín đáo về khả năng vô hiệu hóa Cuba theo đúng với những lợi ích của Mỹ.

Attwood cũng tiết lộ rằng, thông qua các cuộc nói chuyện trong giới ngoại giao, ông ta nhận thấy có lý do để tin rằng mặc dù cuộc bao vây thương mại có thể gây thiệt hại một mức độ nào đó nhưng chưa đủ gây nguy hiểm tới vị thế của Cuba, tuy nhiên nước này vẫn mong muốn có được một sự tiếp xúc chính thức với Mỹ để thảo luận về quan hệ song phương, thậm chí họ sẵn sàng thảo luận về khả năng bình thường hóa quan hệ. Attwood kết luận, tất cả những thông tin trên có thể không đúng nhưng cũng chẳng mất gì nếu phía Mỹ tìm hiểu xem liệu có đúng là Fidel Castro muốn đối thoại hay không và liệu Cuba sẽ chấp nhận nhượng bộ đến đâu, đồng thời nhà ngoại giao này cũng đề xuất cấp trên cho phép mình được tiếp xúc trực tiếp với Trưởng phái đoàn Cuba tại Liên hợp quốc, Carlos Lechuga để thăm dò ý định của La Habana.

Những cuộc tiếp xúc bí mật

Rõ ràng những ẩn ý đằng sau dự định khai thác mối quan hệ với La Habana của Oasinhtơn vẫn là nhằm mục đích vô hiệu hóa quốc đảo Caribê này dựa trên những lợi ích Mỹ và buộc Cuba phải nhân nhượng càng nhiều càng tốt, trong đó bao gồm cả những vấn đề nguyên tắc về chính sách đối ngoại trong mối quan hệ với Liên Xô và sự ủng hộ đối với các phong trào cách mạng ở Mỹ Latinh.

 Carlos Lechuga

Đại sứ Cuba tại Liên hợp quốc Carlos Lechuga (trái), một trong những mắt xích quan trọng trong việc kết nối kênh liên lạc giữa Mỹ và Cuba.

Nếu Cuba không chấp nhận những điều kiện đó thì Mỹ cũng không mạo hiểm để tìm kiếm một thỏa hiệp tạm thời và quan điểm này luôn được giữ vững trong một vài thời điểm mà Oasinhtơn bày tỏ ý định thúc đẩy việc “bình thường hóa” quan hệ với La Habana. Tuy nhiên, về phía Cuba, các nhà lãnh đạo nước này luôn phản đối bất cứ phương thức đàm phán nào có thể ảnh hưởng tới chủ quyền đất nước. Cho dù cũng rất ủng hộ việc bình thường hóa quan hệ nhưng chính phủ Cuba luôn khẳng định các cuộc thương lượng phải dựa trên sự bình đẳng, không áp đặt và ra điều kiện vì điều đó đồng nghĩa với việc từ bỏ những nguyên tắc chủ quyền thiêng liêng, bất di bất dịch của cách mạng Cuba.

Ngày 18/9/1963, sau khi gửi bản báo cáo tình hình và đề xuất phương thức tiếp cận với phía Cuba cho Adlai Stevenson, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc, ông William Attwood đã được Thứ trưởng Ngoại giao Averell Harriman gọi lên gặp trực tiếp để thảo luận. Ít ngày sau đó, phái đoàn Mỹ tại Liên hợp quốc nhận chỉ thị từ Tổng thống Kennedy đồng ý cho Attwood tìm cách tiếp xúc một cách kín đáo với Đại sứ Cuba tại Liên hợp quốc Carlos Lechuga. Ngay sau đó Attwood đã gọi điện cho Lisa Howard để nhờ nhà báo này giúp tiếp cận với vị trưởng phái đoàn Cuba. Vì đã có mối quan hệ từ trước nên nhà báo Howard không khó khăn để “rỉ tai” Đại sứ Lechuga về ý định của Attwood muốn hai người gặp nhau để thảo luận về một “vấn đề hệ trọng”.

Rene Vallejo
Rene Vallejo, người được giao nhiệm vụ thay mặt Fidel tiếp xúc với các quan chức Mỹ để tìm cách tổ chức một cuộc gặp giữa đại diện chính phủ Mỹ và lãnh đạo Cuba.

Tối 23/9, một cuộc gặp không chính thức giữa Attwood và Đại sứ Lechuga ở ngay dinh thự của Howard nhân dịp cả hai người đều được nhà báo này mời tới dự một buổi tiệc. Sau khi nghe Attwood trình bày ý định của chính phủ Mỹ muốn đối thoại và thảo luận về mối quan hệ Mỹ-Cuba, Đại sứ Lechuga đã gợi ý Attwood nên bay sang Cuba để gặp trực tiếp và trao đổi với Chủ tịch Fidel Castro. Ít ngày sau đó ông Lechuga nhận được câu trả lời rằng sau khi xem xét đề xuất trên, chính phủ Mỹ nhận thấy việc Attwood sang Cuba vào lúc đó là không thích hợp bởi vì điều đó có thể sẽ làm rò rỉ thông tin và gây chú ý cho giới truyền thông. Tuy nhiên, phía Mỹ cũng sẵn sàng gặp trực tiếp Fidel hoặc đặc phái viên của nhà lãnh đạo này tại trụ sở Liên hợp quốc.

Ngày 28/10, Đại sứ Lechuga đã gửi thư phúc đáp Attwood, trong đó thông báo La Habana cũng không có ý định cử ai đó tới Liên hợp quốc để gặp gỡ các quan chức Mỹ nhưng vẫn để ngỏ khả năng hai bên tiếp tục liên lạc với nhau thông qua các con đường khác. Trong khi đó, nhà báo Howard đưa ra đề xuất gặp gỡ với thư ký của Fidel là Rene Vallejo tại nhà riêng của Howard, qua đó hai người có thể làm trung gian để chuyển thông điệp của nhau. Đến ngày 31/10, Vallejo đã gọi điện cho Howard thông báo rằng Fidel sẵn sàng đưa một máy bay tới Mêhicô để đón đại diện do chính phủ Mỹ cử sang và sau đó đưa người này tới một sân bay bí mật ở Varadero của Cuba để gặp riêng với nhà lãnh đạo Cuba. Tuy nhiên, Howard trả lời rằng rất khó để Nhà Trắng chấp nhận đề xuất này và có lẽ tốt nhất là chính Vallejo, với tư cách là người phát ngôn cá nhân của Fidel, bay sang Liên hợp quốc hoặc Mêhicô để gặp gỡ với đại diện của chính phủ Mỹ.

Hai tuần sau đó, vào ngày 11/11, một lần nữa Vallejo lại gọi điện cho nhà báo Howard để nhắc lại ý định của Fidel muốn gặp một đặc phái viên nào đó của chính phủ Mỹ tại Cuba. Ngay sau khi thông điệp này được chuyển cho cố vấn An ninh Quốc gia McGeorge Bundy, ông này đã chỉ thị cho Attwood trước tiên cần phải tìm cách gặp gỡ với ông Vallejo ở trụ sở Liên hợp quốc để thăm dò xem ý định của Fidel liên quan tới các cuộc tiếp xúc với Mỹ là gì và liệu phía Cuba có chấp nhận đàm phán theo những yêu cầu của Mỹ hay không bởi vì nếu Cuba không sẵn sàng đàm phán theo hướng này thì dù Mỹ có cử đại diện sang La Habana mọi chuyện cũng sẽ không đi tới đâu.

Đề nghị mời ông Vallejo sang Liên hợp quốc đã được Attwood nhanh chóng thông tin cho phía Cuba nhưng câu trả lời vẫn như những lần trước. Tuy nhiên, ông Vallejo đã chỉ thị cho Đại sứ Lechuga trực tiếp thảo luận với Attwood về một chương trình làm việc dự kiến với Fidel trong một thời điểm thích hợp. Trong thời gian đó, một loạt các nhân vật thân cận của Tổng thống Kennedy dưới sự chỉ đạo trực tiếp của cố vấn An ninh Quốc gia Bundy đã tập trung mọi nỗ lực để tìm cách thiết lập kênh liên lạc với Fidel bởi vì như lời của Gordon Chase, thư ký của ông Bundy, ông chủ Nhà Trắng đang rất sốt ruột muốn biết kết quả các cuộc gặp gỡ nhằm đánh giá và lên kế hoạch cho các bước đi tiếp theo.

Thông điệp của Kennedy tới Fidel

Cùng thời gian đó, Tổng thống Kennedy nhận được thông tin nhà báo người Pháp, Jean Daniel, đang có mặt tại Mỹ và chuẩn bị tới Cuba để phỏng vấn Chủ tịch Fidel Castro.

Jean Daniel
Nhà báo người Pháp Jean Daniel (trái) trong cuộc gặp với Chủ tịch Fidel Castro tại Cuba năm 1963.

Ngay lập tức, ông Daniel đã được mời tới Nhà Trắng để nói chuyện về một số đề tài mà Tổng thống Kennedy muốn nhà báo này thảo luận khi tiếp xúc với Fidel Castro. Theo lời kể của chính Daniel thì trong cuộc gặp gỡ đó, Tổng thống Kennedy đã thừa nhận nước Mỹ đang phải trả giá cho những lỗi lầm đã phạm phải trong thời kỳ chế độ độc tài Batista còn cầm quyền ở Cuba và rằng trước đó ông đã từng đồng tình với những định hướng ban đầu của cách mạng Cuba. Tuy nhiên quan điểm này đã thay đổi bởi vì “Cuba đã chấp nhận trở thành tiền tiêu của Liên Xô tại Mỹ Latinh” và “vì lỗi của họ mà thế giới đã đứng bên bờ vực của một cuộc chiến tranh hạt nhân tháng 10/1962”.

Tổng thống Kennedy cũng tâm sự rằng, sau những gì xảy ra hồi tháng 10/1962, dường như người Liên Xô đã hiểu về những phản ứng của nước Mỹ nhưng ông không rõ Fidel nhìn nhận vấn đề này như thế nào và Tổng thống đề nghị ông Daniel thăm dò ý của nhà lãnh đạo Cuba. Tổng thống Mỹ cũng khẳng định, “giờ đây nước Mỹ có cơ hội để làm những gì tốt hơn cho Mỹ Latinh”. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, Mỹ không thể cho phép phong trào cách mạng cộng sản lan rộng ra các nước khác ở Mỹ Latinh. Ông chủ Nhà Trắng cho rằng, có hai phương án để ngăn chặn sự ảnh hưởng của Liên Xô: bao vây cấm vận và nỗ lực hướng tới tiến bộ xã hội, đồng thời thừa nhận đây là hai cuộc chiến vô cùng khó khăn.

am sat kennedy
Vụ ám sát Tổng thống Kennedy tại Dallas ngày 22/11/1963 xảy ra đúng vào thời điểm ông đang mong muốn cải thiện quan hệ với Cuba.

Theo nhà báo Daniel, cuối cuộc gặp, Tổng thống Kennedy kết luận rằng, việc Mỹ có tiếp tục cuộc bao vây cấm vận Cuba hay không còn tùy thuộc vào sự ủng hộ của Cuba đối với các phong trào cách mạng ở Tây Bán cầu. Trên tinh thần đó, ngày 18/11, trong một bài phát biểu tại Miami, Tổng thống Kennedy đã phát đi một thông điệp nhấn mạnh nếu hai bên giải quyết được những vấn đề còn vướng mắc thì chính phủ Mỹ sẵn sàng hợp tác với nhân dân Cuba vì mục tiêu tiến bộ mà vài năm trước đó đã đem lại niềm tin và sự ủng hộ của dư luận khu vực.

Tuy nhiên, chỉ 4 ngày sau đó, ngày 22/11/1963, Tổng thống Kennedy đã bị ám sát trong khi đi vận động tranh cử ở Dallas. Sự kiện làm rung động chính trường Mỹ đó lại xảy ra đúng vào ngày mà nhà báo Jean Daniel, theo đề nghị của Tổng thống Kennedy, đang có cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Fidel Castro tại La Habana để tìm kiếm một sự thỏa hiệp giữa hai nước.

Về cuộc gặp với nhà báo Daniel, sau này Chủ tịch Fidel Castro nhớ lại: “Sau khi nhận được tin nhà báo Daniel đã có mặt ở La Habana và mang theo một thông điệp của Tổng thống Kennedy, tôi đã mời ông ta đến Varadero gặp gỡ và trao đổi. Trên thực tế, những gì mà Daniel chuyển tải không hẳn là một thông điệp mà chỉ là những suy nghĩ của Kennedy về cuộc khủng hoảng tháng 10/1962, về hiểm họa nổ ra một cuộc chiến tranh và hậu quả của nó. Tổng thống Mỹ muốn Daniel nói chuyện với tôi và tìm hiểu xem tôi nhận thức đến đâu về mối hiểm nguy đó. Mục đích chính trong “thông điệp” của Tổng thống Kennedy là muốn Daniel nói chuyện thật nhiều với tôi về những vấn đề trên và sau đó quay lại Mỹ thông báo cho ông ta về nội dung cuộc gặp. Chính vì vậy nhà báo Daniel suy luận rằng đó là một cử chỉ mong muốn thiết lập mối liên hệ giữa hai nước và khai thác xem chúng tôi suy nghĩ như thế nào về tất cả những việc đã xảy ra. Tuy nhiên, khi Daniel vẫn còn chưa trình bày hết tất cả những gì ông ấy muốn nói thì chúng tôi nhận được thông tin về vụ ám sát Kennedy”.

Sau những gì đã trao đổi với nhà báo Daniel, Chủ tịch Fidel cho rằng chính quyền của Tổng thống Kennedy thực sự mong muốn thiết lập một kênh liên lạc hay một sự trao đổi nào đó, bởi vì với quyền lực và uy tín tạo được sau cuộc khủng hoảng tháng 10/1962, Kennedy có thể làm những việc mà trước đó ông ta chưa bao giờ làm. Theo nhận xét của Fidel thì Tổng thống Mỹ có ý chí và quyết tâm để thực hiện điều đó bởi vì phải rất dũng cảm thì Kennedy mới dám đối mặt với những ý kiến trái ngược nhau về những vấn đề liên quan đến quan hệ Cuba – Mỹ.

Kế hoạch đảo lộn sau cái chết của Kennedy

Đúng là Kennedy không bỏ qua khả năng khai thác việc xích lại gần với Cuba, nhưng vẫn luôn luôn duy trì chính sách cứng rắn với nước này. Cũng có một thực tế là việc sử dụng biện pháp quân sự tấn công Cuba là điều rất không nên làm vào thời điểm đó bởi khả năng thương vong cao của lính Mỹ cũng như tác động xấu tới các đồng minh và dư luận thế giới, kể cả dư luận Mỹ. 

 kennedy 2

Mặc dù có quyết tâm đối thoại nhưng Tổng thống Kennedy vẫn đồng ý cho triển khai các hoạt động khủng bố nhằm vào Cuba.

Mặt khác thì khả năng quốc phòng của Cuba đã được tăng cường và lực lượng chống đối cách mạng ở trong nước đã suy yếu đáng kể. Tuy nhiên, lựa chọn đó không hoàn toàn bị gạt bỏ nếu tính về lâu dài hoặc trong trường hợp xuất hiện một sự kiện bất thường nào đó có thể được dùng làm cái cớ hợp pháp.

Như vậy có thể thấy vào thời gian đó, chiến lược của Kennedy đối với Cuba là sử dụng tất cả mọi con bài có thể đáp ứng những lợi ích của Mỹ. Theo cách đó, Mỹ đã phối hợp các hoạt động khủng bố với các chiến thuật ngoại giao và việc lập ra đội quân đánh thuê, xây dựng một kế hoạch với nhiều phương án nhằm gây sức ép tối đa lên đảo quốc này, làm cho chế độ của Fidel Castro bị xói mòn dần dần đến chỗ bị sụp đổ hoặc buộc phải thương lượng theo các điều kiện phù hợp với lợi ích của Mỹ

Vụ ám sát Tổng thống Kennedy đã phá hỏng cơ hội cải thiện quan hệ giữa Mỹ và Cuba.
Trước đó, ngày 19/6/1963, theo đề nghị của “Nhóm thường trực”, Tổng thống Kennedy đã thông qua kế hoạch phá hoại những ngành kinh tế cơ bản của Cuba như điện lực, lọc dầu, các kho tàng, vận tải đường sắt và đường bộ. Và đến ngày 12/11, Kennedy phê chuẩn kế hoạch của CIA cho phép “một nhóm chống Castro” tiến hành hoạt động nhằm vào Cuba xuất phát từ Nicaragoa và Côxta Rica cũng như một loạt các kế hoạch phá hoại các nhà máy lọc dầu, các kho chứa dầu, một nhà máy điện lớn, các nhà máy đường, cầu đường sắt, các bến tàu, cầu cảng, các tàu biển của Cuba. Kennedy đồng thời thực hiện chính sách cô lập Cuba về mặt ngoại giao, xiết chặt cuộc bao vây cấm vận kinh tế và thúc đẩy các hoạt đông chống phá bí mật khác. CIA cũng không từ bỏ âm mưu tiến hành ám sát Fidel Castro. Đích thân Tổng Thanh tra của CIA dưới thời Kennedy sau này đã viết: “Có nhiều khả năng là chính vào lúc Tổng thống Kennedy bị bắn thì một quan chức CIA cũng đang gặp gỡ một nhân viên người Cuba ở Pari và giao cho người này phương tiện để ám sát Fidel Castro.

Chỉ 3 ngày sau khi vụ ám sát Kennedy xảy ra, trong thư gửi cố vấn An ninh Quốc gia McGeorge Bundy, trợ lý Gordon Chase đã bày tỏ sự nghi ngờ về khả năng xích lại gần Cuba với việc Lyndon B.Johnson trở thành người đứng đầu Nhà Trắng.

Chase tâm sự: “Trong khi luôn nghĩ rằng Tổng thống Kennedy có thể đã đạt được một thỏa thuận với Fidel Castro và tin rằng ông có thể giành được sự ủng hộ tối thiểu của dư luận trong nước, thì tôi lại không chắc rằng Tổng thống Johson có thể làm được điều đó. Có một vấn đề là một vị tổng thống mới chưa từng đối đầu thắng lợi với Castro và những người cộng sản (ví dụ như Tổng thống Kennedy trong vụ tên lửa tháng 10/1962) thì có nhiều nguy cơ bị người dân Mỹ lên án là “mềm yếu”. Mặt khác việc Lee Oswald (thủ phạm bắn chết Kennedy) bị cáo buộc là người ủng hộ Fidel Castro sẽ càng làm cho việc xích lại gần Cuba trở nên khó khăn hơn.

Tuy vậy, Chase cũng bày tỏ quan điểm cho rằng một cuộc nói chuyện sơ bộ giữa Attwood và Đại sứ Lechuga cũng đem lại lợi ích để có được “một tài liệu có giá trị về điều mà Fidel Castro coi là có thể thương lượng được (chẳng hạn vấn đề quan hệ với Liên Xô) và cũng là một dấu hiệu để xem ông ta đánh giá như thế nào về tác động của sự kiện ngày 22/11 (vụ ám sát Kennedy) đối với mối quan hệ Cuba – Mỹ.

Ngày 4/12/1963, Đại sứ Lechuga đã gặp Atwood tại Liên hợp quốc và thông báo với người đại diện của Mỹ rằng, ông ta có trong tay lá thư của Fidel Castro trong đó nhà lãnh đạo Cuba thông qua các chi tiết của cuộc đàm phán và chương trình nghị sự cho cuộc gặp gỡ sắp tới. Tuy nhiên, sau khi Atwood thông báo cho Chase thì ngay lập tức nhận được chỉ đạo trả lời với phía Cuba rằng quyết định sẽ phải chờ một thời gian bởi vì lúc này các chính sách của Mỹ đang được xem xét lại.

Johnson không chọn hướng đi của người tiền nhiệm

Gordon Chase đã không nhầm bởi vì Johnson ngay lập tức đã bày tỏ quan điểm không sẵn sàng tiếp tục các động thái sơ khai đã diễn ra dưới thời Kennedy hướng tới việc khai thác khả năng có được một hiệp ước tạm thời với Cuba. Trong thời gian đó, số ít người được biết về sáng kiến ngoại giao tiếp cận Cuba đã báo cáo mọi chi tiết với Tổng thống Johnson.

New York , Che Guevara
Trong chuyến công du tới New York tháng 12/1964, Che Guevara còn chuyển cho phía Mỹ một thỏa thuận tạm thời của chính phủ Cuba.

Ngày 17/12/1963, Tổng thống tới thăm Cơ quan đại diện của Mỹ tại Liên hợp quốc và nói với Attwood rằng ông đã đọc rất chăm chú bản báo cáo về Cuba do Attwood soạn thảo trong đó tổng hợp lại mọi diễn biến và các cuộc đàm phán vào mùa thu giữa Mỹ và Cuba. Tuy nhiên, dường như mọi việc lại cho thấy ý đồ của Johnson muốn chứng tỏ cho mọi người thấy ông là người chống cộng quyết liệt nhằm mục tiêu tranh cử vào năm 1964 trước ứng cử viên Đảng Cộng hòa Richard Nixon. Và Johnson đã chấm dứt mọi bước tiến của sáng kiến tiếp cận Cuba về ngoại giao.

Ở phía bên kia, Fidel Castro vẫn tỏ ra sẵn sàng tiếp tục cuộc đối thoại. Ngày 12/2/1964, nhà lãnh đạo Cuba đã gửi qua nữ nhà báo Lisa Howard một thông điệp miệng tới Tổng thống mới của Mỹ, trong đó nói rằng: “Tôi chờ đợi một cách nghiêm túc việc Cuba và Mỹ có thể ngồi lại vào thời điểm thích hợp trong một bầu không khí thiện chí và tôn trọng lẫn nhau để thương thảo về những bất đồng giữa hai bên. Tôi nghĩ rằng không có bất cứ vấn đề tranh cãi nào giữa chúng ta mà lại không thể thảo luận và giải quyết trong bầu không khí hiểu biết lẫn nhau. Tất nhiên trước hết cần phải phân tích những bất đồng đó. Giờ đây tôi cho rằng sự thù địch giữa Cuba và Mỹ là điều vừa trái tự nhiên vừa không cần thiết, và nó có thể được loại bỏ”. Tuy nhiên, Fidel cũng nhấn mạnh: “Hãy nói với Tổng thống không nên hiểu thái độ hòa giải cũng như nguyện vọng thương thuyết của tôi như một dấu hiệu của thế yếu. Một cách hiểu như vậy có thể sẽ là một sai lầm nghiêm trọng trong tính toán”.

Trong suốt cả năm 1964, Fidel Castro đã gửi các tín hiệu gián tiếp tới Tổng thống Johnson, thể hiện ý muốn thương lượng để giải quyết các vấn đề cản trở mối quan hệ bình thường giữa Mỹ và Cuba. Nữ nhà báo Howard tiếp tục là kênh liên lạc không chính thức chuyển tải các thông điệp của Fidel. Tháng 6/1964, bà Howard đến Liên hợp quốc để liên lạc trực tiếp với Đại sứ Mỹ Adlai Stevenson để thiết lập cái mà Chase gọi là “đường liên hệ Castro-Lisa Howard-Stevenson-Tổng thống Mỹ”. Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo New York Times vào tháng 7/1964, nhà lãnh đạo Cuba đưa ra đề nghị thương lượng rộng rãi về các vấn đề đang chia rẽ Cuba và Mỹ. Fidel Castro nêu rõ rằng việc bình thường hóa quan hệ sẽ cho phép hai bên thảo luận ngay cả các hình thức bồi thường đối với các công ty của Mỹ về những tài sản bị Cuba quốc hữu hóa trong những năm đầu sau ngày cách mạng thành công.

Sau đó, trong một chuyến thăm tới Liên hợp quốc vào tháng 12 năm đó, Che Guevara đã đưa ra cho phía Mỹ một thỏa thuận tạm thời thông qua thượng nghị sĩ Eugene McCarthy, người đã được bà Howard mời tới nhà và gặp gỡ với Bộ trưởng Công nghiệp Cuba. Mặc dù phía Cuba mong muốn xích lại gần với Mỹ, nhưng chính quyền Johnson lại đòi hỏi phải có được những tín hiệu muốn giảm căng thẳng một cách rõ ràng hơn từ Cuba, và Mỹ vẫn tiếp tục chính sách hiếu chiến đối với nước này, bằng cách cô lập về ngoại giao, cấm vận kinh tế, tiến hành các hoạt động bí mật và các kế hoạch của CIA với mục tiêu ám sát các nhà lãnh đạo cách mạng. Sự thật là, ngoài một số lý do khác thì có một lý do cơ bản là Johnson rất lo sợ bị coi là một người muốn hòa giải với Cuba trước thềm cuộc bầu cử tổng thống vào cuối năm 1964. Vì vậy, các cuộc tiếp xúc Mỹ- Cuba đã được khởi động từ thời chính quyền Kennedy dường như đã đến hồi chấm dứt.

Chủ quyền không phải để thương lượng

Cuối cùng nổi lên một câu hỏi thường lặp đi lặp lại trong giới nghiên cứu của thời kỳ này, đó là liệu đã có thể đạt tới những bước đi chắc chắn hơn trong việc bình thường hóa quan hệ với Cuba nếu không xảy ra vụ ám sát Kennedy?

Trả lời câu hỏi này rõ ràng là đi vào lĩnh vực lịch sử phản sự kiện và người ta chỉ có thể nói rằng xét từ bình diện mà Kennedy và những người nắm được vấn đề này đánh giá về “sự tiếp cận ngọt ngào với Cuba”, dựa trên việc yêu cầu nước này cắt đứt quan hệ với Liên Xô và từ bỏ việc giúp đỡ các phong trào cách mạng ở Tây Bán cầu, thì hoàn toàn không thể đi những bước sâu sắc và thực chất hơn để tiến tới việc bình thường hóa quan hệ Mỹ – Cuba.

Cuba La Habana.
Một cuộc mít tinh ủng hộ chính phủ cách mạng Cuba ở thủ đô La Habana.

Ban lãnh đạo Cuba luôn nêu rõ rằng chủ quyền không phải là thứ có thể đem ra thương lượng. Mặt khác, các kế hoạch ám sát Fidel Castro của CIA, cũng như các hoạt động phá hoại chống Cuba, cuộc cấm vận kinh tế và việc cô lập ngoại giao vẫn được tiếp tục. Các tài liệu của chính quyền Kennedy đã được giải mật cho thấy rõ chiến lược lặng lẽ xích lại gần Cuba đã vạch ra hướng khai thác với giả định là ban lãnh đạo Cuba chấp nhận đàm phán theo những điều kiện đáp ứng lợi ích của Mỹ, đồng thời Mỹ vẫn tiếp tục thực hiện các chính sách cứng rắn buộc Cuba phải làm điều đó. Liệu người ta có thể có chút hy vọng nào về một sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai bên theo một quan niệm chính trị như vậy?

Một số tác giả cho rằng vụ ám sát Kennedy có liên quan tới một âm mưu của CIA và giới Mafia chống Cuba, các thế lực này không tha thứ cho Kennedy vì nhiều lý do, trong đó có việc cấm quân đội Mỹ tiến công vào Cuba, tước bỏ quyền kiểm soát của CIA trong các hoạt động chống Cuba, và việc Kennedy có thể đã cam kết với Liên Xô là sẽ không xâm lược đảo quốc Caribê khi giải quyết vụ khủng hoảng tháng 10/1962, và hơn thế nữa, đã có những bước đi bí mật xích lại gần Cuba. Nếu giả thuyết này là đúng thì CIA và giới Mafia chống Cuba liệu có để yên cho Kennedy tiến hành những bước đi có ý nghĩa hơn trong việc bình thường hóa quan hệ với Cuba? Liệu các thế lực này sẽ chịu khoanh tay đứng nhìn?

Quan hệ của Cuba với Liên Xô và việc họ ủng hộ các phong trào cách mạng Mỹ Latinh là những vấn đề cấp thiết nhất đối với chính phủ Mỹ trong chính sách đối với Cuba thời kỳ đó, bởi vì hai yếu tố đó trong chính sách đối ngoại của Cuba chính là những ngọn roi quất mạnh vào cái được gọi là “lợi ích sống còn” của Mỹ, nhưng đó lại không phải là bản chất của cuộc xung đột như nhiều người đã nghĩ và đã tuyên truyền trong suốt một thời gian dài.

Ý chí chủ quyền của một bên (Cuba) và tham vọng bá quyền của bên kia (Mỹ) mới chính là bản chất của cuộc đối đầu, và điều này đã không hề thay đổi kể từ thế kỷ 19. Rõ ràng mục đích chủ yếu của Mỹ là bóp nghẹt ý chí chủ quyền của Cuba, trước hết là trong chính sách đối ngoại – đó là mối quan tâm trước mắt của Mỹ – và sau đó là trong chính sách đối nội, và nếu có thể thì giành lại quyền thống trị đã từng có đối với hòn đảo này trong suốt 60 năm, trước khi nó trở thành tấm gương cho các dân tộc khác ở Tây Bán Cầu còn đang nằm trong vòng ảnh hưởng của Mỹ noi theo. Mặt khác, Cuba sẽ không nhượng bộ trước áp lực của Mỹ trong bất cứ phương diện nào liên quan tới quyền tự quyết của họ dù cho Mỹ có đem cả việc bình thường hóa quan hệ ra mồi chài.

Theo các nhà phân tích Cuba, điểm nhấn mà chính quyền Kennedy đặt vào chính sách đối ngoại của Cuba chỉ là một biểu hiện tình thế và là bề nổi của những lý do thật sự đằng sau cuộc xung đột. Sau này lịch sử đã chứng minh rằng khi mà những lập luận tô vẽ Cuba như một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Mỹ không còn lý do tồn tại nữa, đặc biệt là sau sự sụp đổ của phe xã hội chủ nghĩa, và khi không còn một người lính Cuba nào (làm nghĩa vụ quốc tế) ở nước ngoài, thì cuộc xung đột vẫn tiếp tục và chính phủ Mỹ không hề có ý định đi tới một sự hiểu biết với Cuba.

Trái lại, thái độ hiếu chiến đối với Cuba còn tăng thêm, và điều đó một lần nữa chứng tỏ bản chất thực sự mang tính song phương của cuộc xung đột – dù rằng nó luôn trải qua tính chất đa phương trong nhiều giai đoạn lịch sử – và khi đó chính sách của Mỹ là tập trung vào hiện thực nội bộ của Cuba. Tất cả những điều này cho thấy mục đích của Mỹ đối với nước Cuba cách mạng bao giờ cũng chỉ có một: Đó là việc thay đổi chế độ đã và đang thực hiện một chính sách đối nội và đối ngoại hoàn toàn độc lập ngay trước mũi của siêu cường này.

0