Lecomte Du Nouy bình luận về thuyết tiến hóa
Trích từ sách Lecomte Du Nouy & Học Thuyết Viễn Đích (1968) Nguyễn Văn Thọ Pierre André Léon Lecomte du Nouy sinh ngày 20.12.1883 tại Paris. Cha là một kiến trúc sư lỗi lạc, mẹ là một nữ văn sĩ. Năm 27 tuổi ông đậu tiến sĩ luật. Về tín ngưỡng ,Ong không tin có phép lạ , ...
Trích từ sách Lecomte Du Nouy & Học Thuyết Viễn Đích (1968)
Nguyễn Văn Thọ
Pierre André Léon Lecomte du Nouy sinh ngày 20.12.1883 tại Paris. Cha là một kiến trúc sư lỗi lạc, mẹ là một nữ văn sĩ. Năm 27 tuổi ông đậu tiến sĩ luật. Về tín ngưỡng ,Ong không tin có phép lạ , nhưng ông rất ngưỡng mộ Chúa Jésus và coi Ngài như một bậc chí nhân, đại nhân, đã lướt thắng được mọi yếu đuối nhân loại. Năm 37 tuổi ông nộp luận án tiến sĩ khoa học tại đại học Sorbonne. Năm 40 tuổi ông sang Mỹ làm việc trong viện nghiên cứu Rokfeller ở New York. Trong suốt 7 năm ở đây , Lecomte du Nouy công bố được tất cả 57 công trình khảo cứu khoa học. Năm 1936 ông thôi làm việc ở Viện Pasteur Paris, bắt đầu chuyen sang suy tư triết học và tín ngưỡng. Ông nhận thấy rằng nhiều nhà khoa học và chính trị quá vội vàng kết luận là không có Thượng Đế. Và ông sợ hãi khi nhận thấy rằng vì chối bỏ đạo giáo , con người trở nên hư hỏng và mất hết những nguồn vui thiêng liêng thanh khiết… Thế là từ năm 1938 trở đi cho đến khi mất năm 1947, ông đã để hết tâm trí thực hiện một công trình vĩ đại, đó là học thuyết viễn đích, một học thuyết nói lên niềm tin vào Thượng Đế, vào sự tiến hóa, vào các giá trị tâmthần và siêu nhiên, cũng như vào định mệnh sang cả của con người trong tương lai.
Thuyết viễn đích của ông nêu lên hấp lực tiến hóa (TH) như một lực định hướng, như trọng lực hay từ lực đối với vạn vật. Vạn vật giống như nước chảy từ ngọn núi xuống thung lũng, có phần rải rác vướng lại dọc đường, phần khác tuôn về tận đáy. Đó là cách ông bày tỏ tác lực điều hướng của cuộc TH mà mục tiêu sâu xa là đạt đến tinh thần, đến tâm linh (conscience, esprit, âme humaine). Luật tự nhiên đã tác động vạn vật từ khởi thủy, nhưng chính những cố gắng tự thân sẽ điều chỉnh hướng tiến. Có vô vàn thử thách, chỉ những chủ thể nào đạt được một tiến bộ thực sự mới tồn tại và tiếp tục tiến hóa.
Thuyết viễn đích chủ trương cuộc tiến hóa quần sinh có một mục phiêu thâm viễn là thực hiện một giống người siêu đẳng, thần nhân. Thuyết viễn đích, như vậy, ngược lại với các thuyết Lamarck, Darwin, Weismann vì những học thuyết này đi tìm lý do của cuộc tiến hóa, còn thuyết viễn đích lại đi tìm cùng đích của cuộc tiến hóa. Thuyết viễn đích đặt ra một cùng đích xa xăm nhưng rõ rệt, cho nên nó cũng khác với các thuyết cùng đích gần gũi, của Cuvier, Lamarck, [2] hay cùng đích mơ hồ đại khái của C. Von Nageli, và Kolliker. Vì nó chủ trương con người còn tiến hóa hàng trăm ngàn năm, hàng tỉ năm nữa, cho nên nó cũng khác với sự tin tưởng của giáo dân là ngày tận thế chẳng còn xa. Vì thuyết viễn đích tôn trọng sự cố gắng cá nhân và chủ trương Thượng Đế hướng dẫn công cuộc tiến hóa một cách vi diệu, nên nó cũng khác với các thuyết định mệnh, số mệnh (Déterminisme, fatalisme). Thuyết viễn đích chủ trương tiến hóa nhưng chấp nhận sự hướng dẫn của Thượng Đế, nên khác hẳn thuyết tiến hóa duy vật, vô thần.
Xét về phương diện lập luận và cấu tạo, Lecomte du Noüy đã xây dựng Thuyết viễn đích dựa trên:
1) – thuyết tiến hóa, một học thuyết khoa học đang được thịnh hành khắp năm châu.
2) – tin tưởng Thượng Đế hướng dẫn quần sinh và nhân loại đến một định mạng sang cả, đến một giống người siêu đẳng trong tương lai.Trong chương kết tác phẩm «Tương lai tinh thần», ông có trích dẫn một câu của Jules Lachelier đầy ý nghĩa, và cũng là phản ảnh tâm tư ông: «Về phương diện khảo cứu, tôi là những người không muốn bỏ Darwin và chẳng muốn bỏ Moise.»
Bác sĩ Nguyễn Văn Thọ sinh ngày 15 tháng 12 năm 1921 tại Chi Long, Hà Nam, Bắc Việt. Ông tốt nghiệp Đại học Y khoa Hà nội năm 1952. Kể từ năm 1956 Bác sĩ Thọ đă nghiên cứu về Triết học Đông phương, bắt đầu từ Khổng Giáo trong suốt 9 năm liền, sau đó là Lão Giáo, rồi đến Bà La Môn, Phật Giáo và tiếp theo là Thiên Chúa Giáo và các đạo giáo ở Âu Châu. Năm 1960 tác giả được trao giải thưởng văn chương Tinh Việt Văn Đoàn qua tác phẩm Trung Dung Tân Khảo.
Từ năm 1967 cho đến 1975, Bác sĩ là Giáo sư Đại Học Văn Khoa và Minh Đức, Sài Gòn khoa Triết Học Đông Phương.
Năm 1982 Bác sĩ cùng gia đình định cư tại Hoa Kỳ và lấy bằng Bác Sĩ Y Khoa tương đương tại Hoa Kỳ vào năm 1983. Tác giả tiếp tục các công trình Văn Hoá, và diễn giảng về Kinh Dịch và Văn Hóa Á Châu.
Các sách đã xuất bản tại Việt Nam:
– Khảo Luận & Phê Bình Học Thuyết Khổng Tử (1960)
– Lecomte Du Nouy & Học Thuyết Viễn Đích (1968)
– Khổng Học Tinh Hoa (1970)
– Những Tương Đồng Giữa Phật Giáo, Khổng Giáo, Thiên Chúa Giáo (1970)
– Chân Dung Khổng Tử (1973)
I . Những cường điểm của học thuyết tiến hóa
Nếu chúng ta chỉ nhìn phiến diện, thì ta thấy thuyết tiến hóa ngày nay như là một nhà cách mạng đã thành công rực rỡ.
Nó đã trở thành một đại học thuyết của thời đại mới và đã đánh dấu một kỷ nguyên mới cho nhân loại.
Thuyết tiến hóa ngày nay đã chính thức được giảng dạy trong các trường học.
Và tuy thỉnh thoảng, ở một vài nơi vẫn có những «vụ án con khỉ» xảy ra, như:
Vụ án John Thomas Scopes ở tiểu bang Tennessee năm 1925. [1]
Vụ án Susan Epperson tại tiểu bang Arkansas năm 1966. [2]
Nhưng rốt cuộc thuyết tiến hóa vẫn được phát triển, truyền bá.
Các tôn giáo, sau khi đã mạ lỵ phỉ báng (hào hứng nhất là cuộc đấu lý, đấu khẩu giữa Giám mục Wilberforce và Huxley tại Oxford năm 1860), [3] cấm đoán [4] thuyết tiến hóa, dần dà cũng phải thay đổi thái độ, để đi đến chỗ dung hòa nhượng bộ.
Trong một thông điệp tháng 8 năm 1950, Đức Giáo Hoàng Piô XII tuyên bố giáo dân được học thuyết tiến hóa, miễn là thuyết này chỉ tìm căn nguyên thể xác con người trong một sinh cơ tiền tại. [5]
Và từ đầu thế kỷ XX thay vì dùng Thánh Kinh để phi bác thuyết tiến hóa, các nhà biện giải Thánh Kinh, ngược lại, đã cố sức giải thích Thánh Kinh cho phù hợp với các khám phá khoa học. [6]
Ví dụ:
Có nhiều nhà biện giải Thánh Kinh giải thích rằng sáu ngày trong Thánh Kinh phải hiểu là sáu thời kỳ, vì chữ Yôm vừa có nghĩa là «ngày» vừa có nghĩa là “thời kỳ”. Và nhiều người tán thưởng lối giải thích đó.
Nhưng những người thành khẩn hơn cho rằng giải thích như vậy là vô lý, vì «Yôm» chẳng bao giờ có nghĩa là «thời kỳ địa chất». Và câu «vậy có buổi chiều và buổi mai» không bao giờ có nghĩa là «hai ba tỉ năm đã qua»… [7]
Hơn thế nữa các vị Thủ lãnh Giáo Hội dần dà cũng công nhận rằng những chuyện về khai thiên lập địa, tạo dựng quần sinh viết trong Sáng thế ký không phải là những chân lý khoa học lịch sử, mà chỉ là những câu chuyện bóng bẩy, [8] phản ảnh những kiến thức của quần chúng, theo những điều tai nghe mắt thấy thông thường và được diễn tả bằng một lối văn thông dụng. [9]
Thật là một sự chuyển biến về tư tưởng hết sức lớn lao, nếu ta nhận định rằng trong vòng bao nhiêu thế kỷ, các dân tộc Châu Âu và khu vực Địa Trung Hải đã tin rằng các lời tường thuật của Thánh Kinh về sự tạo dựng vũ trụ quần sinh, và về Hồng Thủy, là lịch sử hết sức chính xác về vũ trụ.
Ngày nay, phần đông những người sùng thượng Thánh kinh như Thiên Chúa giáo, Do Thái giáo, Hồi Giáo, chỉ còn coi những truyện kể trong Sáng thế ký như những huyền thoại thần kỳ. [10]
Cách nay vài thế kỷ, bất kỳ một học giả nào muốn bảo toàn danh dự hoặc muốn có chút tiếng tăm, thời phải lo sao cho những điều mình quan sát khảo nghiệm phù hợp với Thánh Kinh [11] hoặc với quan niệm truyền thống của giáo quyền, nếu không sẽ bị tai hoạ. [12]
Năm 1744, trong quyển lịch sử vạn vật Buffon chủ trương trái đất đã có khoảng 70.000 năm, thế mà đã bị coi là một sự xúc phạm lớn lao, và tác phẩm bị cấm đoán. [13]
Khi Darwin chết, người ta vẫn con dạy rằng vũ trụ được tạo dựng năm 4963 năm trước công nguyên, và cuốn Tự Điển Larousse xuất bản năm 1882 ghi rằng: «Đó là niên kỷ duy nhất được chấp nhận trong các trường.» [14]
Đến ngày nay, thì ta có thể chắc chắn không còn ai dại dột mà có những chủ trương như vậy nữa.
Trước kia không ai dám bàn cãi đến vấn đề Adam thủy tổ con người, sống trong vườn địa đàng giữa những con sông Pishôn (?), Gihôn (?), Tigre và Euphrate. [15]
Ngày nay các nhà bác học lại còn muốn đi tìm tiên tổ của Adam [16] và nơi thực sự đã phát tích khởi nguyên ra con người. [17]
Nhờ có những tư tưởng, những giả thuyết táo bạo như thế, nên con người đã làm phục sinh được cả một dĩ vãng tiền sử bao la với những người tiền sử, như:
Nam Hầu (Australopithèques) cách nay chừng 700.0000 đến 500.000 năm.
Hầu nhân (Pithécanthrope) cách nay chừng 500.000 đến 150.000 năm. [18]
Người Néanderthal cách đây chừng 100.000 năm.
Người Cromagnon Linh nhân (Homo-Sapiens) cách đây chừng 30.000 năm. [19]
Hơn nữa, người ta còn tìm ra được một kho tàng nghệ thuật tiền sử vô cùng quý báu, đó là những «bích hoạ» trong nhiều hang động Âu châu như:
Động Altamira (Tây Ban Nha). [20]
Động Eysies (gần Périgueux, Pháp [21] có di tích người Cromagnons).
Động Pech Merle (Quận Lot, Pháp). [22]
Động Lascaux (Dordogne, Pháp).
Người ta đã tìm ra được 112 động có bích hoạ nguyên ở Âu châu mà phần đông là ở Tây Nam nước Pháp và Tây Ban Nha. [23]
Dù muốn dù không, chúng ta cũng phải công nhận rằng thuyết tiến hóa đã có nhiều công lao với khoa học và lịch sử tư tưởng nhân loại.
Nó đã cố thâu thập và tìm tòi những chứng cứ để bắt buộc mọi người chấp nhận sự biến thiên biến dịch của vũ trụ quần sinh, nhờ vậy mà sự hiểu biết của chúng ta về thiên văn, địa lý quần sinh ngày một thêm phong phú, chính xác.
Học thuyết tiến hóa không phải công lao của một vài người, mà đã có hàng trăm, hàng ngàn nhà bác học, các danh nhân trên thế giới góp phần xây dựng.
Nó đã bắt buộc nhân loại phải bỏ những nhãn quan chật hẹp về không gian cũng như về thời gian, đem lẽ biến dịch lồng vào cuộc đời, khuyến cáo mọi người không còn được ù lì bất động mà phải vùng lên tự tạo lấy tương lai cho mình và cho nhân loại.
Nó đem lại cho con người một niền tin mới mẻ vào những sức mạnh tiềm ẩn trong con người.
Và thay vì sống lo âu hồi hộp chờ đợi vào một ngày tận thế sắp tới, [24] con người ngày nay nhận thức ra rằng mình hãy còn ở vào lúc bình minh của cõi đời.
Nó cũng đã vạch rõ cho mọi người thấy một cách khoa học rằng cho đến bây giờ những ý niệm về con người cũng như về vũ trụ hãy còn rất nhiều thiếu sót, vậy chớ có nên độc đoán, cố chấp, một chiều. [25]
Học thuyết tiến hóa đã thúc nay và đã thực hiện được những tiến bộ lớn lao về mọi ngành khoa học, nhất là các khoa vạn vật, thiên nhiên, cổ nhân, cổ vật, cổ sự, nó đã tăng trưởng tầm kích con người trăm nghìn lần hơn, cả về dĩ vãng lẫn tương lai.
Nó đã vạch cho thấy các đạo giáo lớn không phải một chốc mà thành, nhưng cũng đã có những bước đi chập chững, cũng đã phải vay mượn nhờ cậy vào những trào lưu tư tưởng, những đạo giáo đã có từ trước. [26]
Học thuyết tiến hóa cũng ảnh hưởng đến chính trị không ít.
Ảnh hưởng của hoàn cảnh đến sinh linh, ảnh hưởng của xã hội đến con người, cái chủ trương ấy của Lamarck, đã được các đảng xã hội, cũng như các đảng viên Mác xít lấy làm nền tảng cho học thuyết của mình. [27]
Ngược lại, chủ trương của Darwin, «mạnh được yếu thua, khôn sống bống chết» đã được các nước thực dân lấy làm phương châm để bào chữa cho những hành vi dã man đàn áp của mình. [28]
Nó đã làm nảy sinh ra một nền luân lý vị kỷ, vụ lợi, và có lẽ cũng là một trong những nguyên nhân gây ra trận đại chiến 1914, theo W. Dampier. [29]
Hơn nữa thuyết tiến hóa ngày nay đã được đa số các nhà bác học công nhận. [30]
Tóm lại thuyết tiến hóa đã gây một cơn bão tố lớn lao trong lịch sử tư tưởng và đã sinh nhiều chuyển hướng quan trọng trong tâm thần nhân loại, [31] chẳng kém gì học thuyết Karl Marx. [32]
II . Những nhược điểm của thuyết tiến hóa
Tuy nhiên thuyết tiến hóa rất nhiều nhược điểm và có thể nói được có rất nhiều «tử huyệt».
1) Nhược điểm của chủ trương loài nọ biến sang loài kia.
Trước hết thuyết tiến hóa chủ trương sinh linh đã biến hóa từ loài nọ qua loài kia, từ côn trùng đến con người, và đưa ra bằng chứng là theo những khám phá cổ sinh vật học và địa chất học thì các loài đã xuất hiện một cách lớp lang, thứ tự, loài hạ đẳng thô sơ có trước, loài thượng đẳng phức tạp sinh sau.
Nhưng chính các nhà cổ sinh vật học lại thú nhận rằng các loài, các giống y như là đột hiện, đột khởi, khó mà minh chứng được loài nào đã sinh ra loài nào. [33] Nếu vậy thì chứng cứ đưa ra là một hư chứng.
Nếu giả thuyết tiến hóa mà đúng, nghĩa là theo thời gian, loài này phải biến ra loài kia, thì sau một tỉ năm tiến hóa, đào thải, các loài thô sơ, nhỏ thó, các loài hạ đẳng vì xuất sinh ra trước chắc chắn đã mai một hết rồi, sân khấu đời đã được nhường cho những loài thượng đẳng. Nhưng thực tế thì ngược lại; hiện nay ước lượng có tới bốn triệu giống sinh linh; người ta mới biết được chừng một triệu giống, mỗi năm biết thêm được chừng hai mươi ngàn giống. [34]
Trong một triệu giống còn lại đó: sâu bọ đã chiếm mất 600.000 giống, mà các động vật có vú chỉ có 15.000 giống. [35]
Tại sao mặc dầu những vật thượng đẳng chuyên môn hà hiếp, tiêu diệt các loài vật hạ đẳng, mà các loài này cũng không chịu chết, chịu biến?
Rắc rối hơn nữa, những tổ tiên của chúng ta vẫn còn sống sờ sờ; suốt ngày chuyên lo báo hại chúng ta. Đó là những siêu trùng, những vi trùng. Chẳng biết siêu trùng hay vi trùng là tổ tiên chúng ta, nhưng chắc rằng giữa đôi bên, ta và chúng, chẳng có một chút gì là thương xót, kính nể lẫn nhau: tổ tiên, thì lo hại con cháu; con cháu thì chế độc dược để tiêu diệt tổ tiên. Thật là vô cùng hỗn loạn. Mỗi ngày, người ta lại còn tìm ra thêm nhiều loại siêu trùng, siêu siêu trùng mới, thành thử công cuộc của nhân loại hiện nay đi tìm tổ tiên lại càng thêm khó khăn vất vả!
Người ta đã vô tình hay hữu ý trà trộn hay sự kiện hoàn toàn khác nhau:
1) Các loài xuất hiện kế tiếp nhau và một ngày một tiến hóa hơn, hoàn bị hơn.
2) Và các loài đã biến hóa sinh xuất ra nhau.
Áp dụng lý luận ấy vào cuộc đời ta mới thấy rõ ngụy biện.
Ví dụ: người Chàm đã xuất hiện trước người Việt ở miền Trung; các người da đỏ Sioux, Iroruois, Cherokees đã xuất hiện trước các người Anglo-Saxons ở Hoa Kỳ. Nếu vậy thì người Chàm đã biến hóa thành người Việt; người Sioux, Iroquois, Cherokees đã biến hóa thành người Mỹ hiện nay chẳng sai, bởi vì chúng ta có những hài cốt, những di tích lịch sử chứng minh!…
Hoặc là ra đường chúng ta thấy có đủ loại xe, có bánh như nhau và cũng di chuyển được như nhau; có cái nhỏ, có cái to, có cái giản dị, có cái phức tạp. Nào xe đạp, nào Honda, Suzuki, Vespa, Lambretta, Cyclo đạp, Cyclo máy, ôtô, GMC v.v…Áp dụng định luật tiến hóa, ta kết luận: nhất định xe đạp đã sinh ra xe gắn máy, xe gắn máy đã sinh ra ôtô, ôtô sinh ra GMC vì hình thù tất cả đều tương tự như nhau, như vậy chắc chắn là phải xuất sinh cùng một thủy tổ là cái xe đạp!
André Lamouche trong quyển «Định mệnh con người» cũng đã nhận thấy cái ngụy biện ấy. [36]
Từ sự kiện đã quan sát được là sinh linh, đã liên tiếp xuất hiện, tuần tự tiến hóa nghĩa là có loài này hơn loài kia, loài sau thường hoàn hảo hơn loài trước mà kết luận được loài nhỏ đã sinh ra loài to, loài hạ đẳng sinh ra loài thượng đẳng, thì thật là một ngụy biện siêu phàm, đáng kể là sản phẩm của Gorgias, nhà ngụy biện trứ danh Hi Lạp; của Huệ Tử [37] hay của Công Tôn Long! [38]
2) Nhược điểm, của chủ trương vạn vật xuất sinh từ một tế bào nguyên thủy.
Chẳng những thế, học thuyết tiến hóa còn chủ trương: vạn vật đã phát sinh từ một gốc, không phải là từ một con trùng, một tế bào không mà thôi, mà còn từ nguyên tử đầu tiên của vật chất, theo thuyết máy móc.[39]
Giả thuyết này trên phương diện thực nghiệm đã vấp phải trở ngại là không tìm ra được những sinh vật trung gian, và những sự biến hóa nghiệm thấy thường rất hữu hạn. [40]
Về vấn đề lý, nếu chấp nhận một «mầm mống duy nhất» thì phải chấp nhận rằng trong tế bào nguyên thủy đã tiềm ẩn tất cả sinh vật, tất cả các hình trạng sinh linh – Weismann cho rằng cứ lý phải vậy; Lecomte du Noüy cho rằng chẳng phải vậy; Darwin, Lamarck cho rằng tất cả biến hóa là do cố gắng cá nhân, là do hoàn cảnh xui khiến; mỗi người một phách, nội bộ chia rẽ như thập nhị sứ quân. [41]
3) Nhược điểm của thuyết di truyền tập tính.
Các ông tổ của thuyết tiến hóa như Lamarck, Darwin, Herbert, Spencer chủ trương rằng sở dĩ có tiến hóa chính là nhờ ở sự di truyền tập tính.
Herbert Spencer chủ trương phải có di truyền tập tính, nếu không thuyết tiến hóa sẽ sụp đổ. [42]
Lecomte du Noüy cũng tin có di truyền tập tính. Ông nại ra các thí nghiệm của Kellog và Bell về các loại sâu róm, của Arnold Pictet và Fischer trên các loại bướm, và kết luận tập tính có thể di truyền. [43]
Tưởng nên ghi nhận rằng Mitchourine (1855-1935) và Lyssenko cũng chủ trương di truyền tập tính. Hai nhà bác học Nga này cho rằng các phần tử nhỏ của thân thể, kể cả chất dịch, đều có thể mang tính di truyền, chứ không phải cứ nhiễm thể mới mang được tính di truyền. [44]
Nhưng đa số các nhà di truyền học trong đó có Weismann chủ trương ngược lại rằng tập tính không thể di truyền được, vì các tập tính chỉ có tác dụng đến hình hài, chứ không có tác dụng đến di tử, chủng tử. Nhưng chỉ khi nào di tử, chủng tử biến thiên, hoán cải, thì mới có những sự thay đổi thực sự về hình hài và mới có sự truyền tử lưu tôn. [45]
Jean Rostand một nhà sinh lý học lỗi lạc viết như sau:
«Tai hại thay cho học thuyết Lamarck, là những sự biến cải trên bình diện hình hài do ảnh hưởng của hoàn cảnh hay do hoạt động không bao giờ truyền lại được cho con cháu. Những biến cải ấy hoàn toàn là sở hữu cá nhân, vì chẳng có một cái gì có thể nhập vào gia tài di truyền được; như vậy, nó không có giá trị gì về phương diện tiến hóa. [46]
Không những Wallace và Weismann, [47] mà ngay cả phái chủ trương thuyết sậu biến của De Vries cũng không chấp nhận thuyết di truyền tập tính. [48]
Ta cũng nên biết vụ ngụy tạo chứng cứ của P. Kammerer về di truyền tập tính đã bị G.K. Noble phanh phui năm 1926, và Paul Kammerer xấu hổ, đã tự sát. [49]
Tạp chí Life xuất bản ngày 17-3-1947 cho rằng các nhà di truyền học hiện tại ít ai tin thuyết di truyền tập tính. [50]
Vậy nếu trở ngược lại lập luận của Herbert Spencer nói trên, ta sẽ phải đi đến kết luận: vì chưa chứng minh được rằng tập tính di truyền, nên chưa thể kết luận vật này đã biến thành vật nọ…
Thuyết di truyền tập tính còn chứa ẩn nhiều ngụy biện ghê gớm:
Theo thuyết này, thì chẳng có gì là thiên bẩm, thiên phú. Mọi sự đều là thủ đắc, tập thành.
Tai mắt, chân tay, cổ cánh đã sinh ra hoàn toàn là đấu tranh sinh tồn, ảnh hưởng ngoại cảnh, nói cách khác, «nhu cầu hoạt động sinh ra cơ quan». [51]
Thú thực, dẫu chúng ta quí trọng các nhà bác học mấy mặc lòng, nhưng mà chúng ta cũng không thể nào chấp nhận những giả thuyết thần kỳ đó được.
Từ một sự kiện mọi người đều công nhận là ngoại cảnh, thủy thổ có thể ảnh hưởng, có thể biến cải sinh vật, mà mập mờ đi đến kết luận rằng mọi sự đều do ngoại cảnh sinh và không có gì là bẩm sinh, thiên phú, thực là một nguy biện ngoại hạng!
4) Nhược điểm của thuyết đấu tranh sinh tồn, tuyển lựa tự nhiên.
Darwin có ý niệm về «đấu tranh sinh tồn», sau khi đọc sách của Malthus, [52] và về tuyển lựa tự nhiên, sau khi quan sát những cách thức lựa giống, lai giống của các nhà chăn nuôi súc vật. [53]
Cho nên, ông nghĩ rằng đấu tranh để sống sót là một cuộc đấu chí tử giữa sinh linh, do đó chỉ những vật thật mạnh, thật giỏi mới sống sót.
Đó là cách tuyển lựa tự nhiên của trời đất.
Sự đấu tranh và tuyển lựa ấy bắt buộc mọi loài phải biến cải, tiến hóa, để có thể kháng cự thù địch một cách hữu hiệu hơn.
Các sự biến cải ấy sẽ được truyền tử lưu tôn, và dần dà sinh ra các nòi giống mới. [54]
Đã đành, sống trên đời bất kỳ loài nào cũng phải cố gắng, có vậy mới có miếng nuôi thân, có thể tiến tới.
Nhưng từ đó đi đến kết luận mọi loài sinh ra là cốt để xâu xé lẫn nhau, tranh cướp nhau miếng ăn, giành giật nhau đất sống thì kể cũng quá khích.
Theo chủ trương mạnh được yếu thua, khôn sống bống chết này, thì lẽ ra trên đất những sâu bọ, ruồi muỗi phải chết hết, còn những khủng long, độc xà phải được phát triển; dưới nước, những tôm tép, mòi lẹp phải chết hết, chỉ những kình nghê mới sống sót. Nhưng trái lại, trên thực tế, các loài vật nhỏ vẫn đầy dẫy nhan nhản…
Nếu sau ngót một tỷ năm tiến hóa, mà những sinh vật li ti hạ đẳng, thô sơ yếu đuối như nay vẫn còn sống sót, thì cứ như thuyết Darwin, chúng phải là những con vật mạnh mẽ, lanh lợi, sung sướng nhất, thích ứng nhất với hoàn cảnh rồi, mà đã thích ứng quá mức như vậy, thì làm gì có tiến hóa nữa ! [55]
Ngoài ra, đào thải, tuyển lựa là chọn tốt, bỏ xấu, chứ không phải sinh ra những đặc tính mới. Như vậy, thì tại sao loài này có thể khác loài kia được ?
Giáo sư Culter đại học Chicago cho rằng: nhược điểm của thuyết đào thải tuyển lựa tự nhiên là nó không sinh ra được đặc tính mới. [56]
Đã đành trong quần sinh có những loài mạnh ăn thịt loài yếu, nhưng những loài yếu lại sinh sôi nảy nở rất nhiều để bù đắp lại: một con cá có thể đẻ hàng triệu trứng, các loài côn trùng thường cũng sinh sôi nảy nở rất nhiều, rất nhanh. [57] Lại nữa, ta thấy trong loài vật nhỏ, nhiều con có phép ẩn thân (mimétisme), lẩn trong cây cỏ, hòa mình vào với lá, cành khéo đến nỗi nhiều khi không nhận được chúng. Như vậy, y như là tạo vậy cũng cố sức bảo tồn các loài đã có, không muốn chúng bị tiêu diệt đi.
Hơn nữa định luật đấu tranh sinh tồn cũng không hoàn toàn đúng; vì chúng ta thấy loài vật tuy dữ nhưng thường không ăn thịt hay làm hại lẫn nhau:
«Ong kia đâu có đốt nhau,
Hổ kia đâu có xé xâu đồng loài.» [58]
Xét về loài người, thì ta chỉ thấy những kẻ lưu manh hạ cấp mới lo hãm hại người, còn những chính nhân quân tử mọi nơi mọi đời đều hi sinh vì người, tán trợ phụ bật người, lấy câu «thành nhân chi mỹ, bất thành nhân chi ác» [59] làm phương châm. Khắp thế giới, hiện nay, có nhiều cơ quan cứu trợ, và các nước đàn anh bất kỳ là trong màn sắt, hay ngoài màn sắt cũng lo giúp đỡ những nước hậu tiến. Tất cả các chủ nghĩa, các chính thể bất kỳ xanh, đỏ, trắng, vàng, đều muốn loại trừ mọi sự bất công, bóc lột, muốn cho mọi người được no ấm, có những điều kiện tiến bộ đồng đều, thế có phải là phản lại Darwin hay không ?
Học thuyết Darwin cho rằng sự tuyển lựa đào thải cốt là thải loại những đặc điểm vô ích. Nếu vậy thì đến con người đáng lý phải có cách chư chim, có móng vuốt như hổ, có da thịt như voi, biết bơi, biết lội như cá, biết leo trèo như khỉ vượn, bởi vì tiên tổ từ loài sâu bọ sấp lên, thường con nào cũng có sở trường: biết bay, biết lội, biết trèo, mà những tài ngoại đó chẳng cần tập cũng biết, hơn nữa rất cần cho cuộc sinh nhai.
Thế mà, đến con cháu, xa xăm là loài người, thì mất cánh, mất lông, mất vuốt; da thịt lại mềm mại xinh xắn; quên bay, quên lội, dốt chạy, dốt trèo; nhưng lại đốc giống ra thông minh, linh lợi, biết nói, biết hát, biết đùa, biết giỡn, đóng tuồng, diễn kịch, cầu khẩn van vái thần minh, thì kể cũng lạ thật.
5) Nhược điểm của thuyết sậu biến (mutationnisme)
De Vries chủ trương vạn vật tiến hóa là nhờ sậu biến, ngẫu biến.
Nhưng thuyết sậu biến không cắt nghĩa được tại sao cuộc tiến hóa lại có chiều hướng, một ngày lại một thêm hoàn hảo hơn, tinh vi hơn.
Vả lại các nhà khoa học nhận thấy rằng phần nhiều các sự biến hóa hoặc tự nhiên hoặc nhân tạo thường là những quái thai và thường tảo vong, yểu tử. [60]
6) Thuyết tiến hóa có nhiều tranh chấp nội bộ.
Như ta đã nói trên thuyết tiến hóa đã do nhiều người đóng góp xây dựng, nhưng thực ra mỗi người đưa ra một ý kiến và chẳng ai chịu ai.
Phái Lamarck thì phi bác Darwin, phái Darwin thì phủ nhận học thuyết Lamarck. [61]
Weismann và De Vries không chấp nhận thuyết di truyền tập tính v.v…
Lamarck chủ trương: ngoại cảnh và lề lối sinh hoạt gây nên các biến hóa nơi quần sinh, không có gì đã được tiền định từ trong trứng. Darwin cho rằng sự biến hóa là kết quả của sự đấu tranh sinh tồn đào thải tự nhiên, và loài nào có nhiều khả năng hơn sẽ sống sót. Weismann chủ trương ngược lại rằng biến hóa là một hiện tượng nội tạo ẩn áo, chỉ lệ thuộc vào sự cấu tạo thiên tiên của trứng. Hoàn cảnh bên ngoài có thể hỗ trợ, hoặc làm trở ngại chứ không có thể hướng dẫn được công cuộc đó. Sự diễn biến của các giai đoạn phát triển chỉ tùy thuộc vào cơ cấu đầu tiên của trứng sinh vật. [62]
Vì chưa có thuyết nào hoàn hảo để giải thích được sự biến hóa, nên đầu thế kỷ XX, ta lại thấy vô số lý thuyết mới ra đời như:
– Thuyết tổng hợp của J. Huxley, Dobzhansky và Simpson. [63]
– Thuyết của Mitchourine và Lyssenko. [64]
Và một số lý thuyết khác, nhưng cũng không giải thích thêm được gì. [65]
7) Các nhà bác học đôi khi cũng đã mắc phải những lầm lẫn lớn lao và đôi khi cũng có gian ý, ngụy tạo chứng cứ.
Những vụ điển hình nhất là:
Huxley tưởng mình đã tìm ra được sinh chất ở đáy biển. Ông gọi chất đó là Bathybius Hœckele. Hœckel cũng tưởng thật, đã từ chất đó, mô tả suy diễn ra cả cuộc tiến hóa quần sinh mãi sau Huxley mới thú nhận mình đã lầm và cái chất có danh từ Bathybius mỹ mạo ấy chỉ là chất Sulfat vôi. [66]
b) Vụ ngụy tạo đồ bản của Hœckel. [67]
c) Vụ Dawson ngụy tạo xương người tiền sử Piltdown bằng cách dũa xương đười ươi rồi cắm vào hàm một sọ người tiền sử. Teilhard de Chardin, Keith Woodward và nhiều bác học khác đều mắc lừa. Mãi đến ngày 22-11-1953, giáo sư Oakley mới khám phá ra được vụ ngụy tạo ấy. [68]
d) Vụ man trá của bác sĩ Dubois đã từ chiếc sọ đười ươi dựng nên câu chuyện «hầu nhân xứ Java».[69]
e) Vụ ngụy tạo chứng cứ của Paul Kammerrer [70] v.v…
Tuy nhiên muốn cho công bằng ta cũng phải nhận rằng những vụ ngụy tạo này là thế gian thường tình, vì ngay đạo giáo cũng đã thường phạm những lỗi lầm này, như lịch sử đã chứng minh.
8) Các biện chứng nêu ra trong các sách giáo khoa được trình bày một cách rất khéo léo, bằng cách trưng ra một vài bằng chứng, còn bao nhiêu khó khăn đều được đậy điệm bỏ qua đi hết.
Thường các sách giáo khoa minh chứng thuyết tiến hóa như sau:
Các sinh vật có cùng một thủy tổ và loài hạ đẳng dần dà đã biến thành loài thượng đẳng.
Ta có thể chứng minh bằng:
– Khoa cổ sinh vật học (paléonlogie)
– Khoa cơ thể học đối chiếu (Anatomie comparée)
– Khoa phôi học (embryologie)
a/ Khoa cổ sinh vật học cho thấy sự xuất sinh tuần tự của các loài sinh vật. Sự khảo sát địa khai, đã cho biết rằng qua các thời kỳ địa chất các loài vật đã xuất sinh theo một thứ tự nhất định: nhưng loài hạ đẳng, đơn sơ bao giờ cũng xuất hiện trước những loài cao đẳng phức tạp hơn…
b/ Cơ thể học đối chiếu cho thấy «những vật thuộc cùng một nhóm» được kiến tạo theo một hoành đồ chung (nguyên tắc hoành đồ nhất trí của Geoffroy St. Hilaire).
c/ Khoa phôi học cho thấy các bào thai động vật mới đầu giống nhau, sau dần mới khác.
Nhưng sự xuất sinh theo một thứ tự nhất định của các loài vật không có nghĩa là loài nọ biến hóa ra loài kia.
Nguyên tắc «hoành đồ nhất trí» của Geoffroy Saint Hilaire chỉ đúng một phần nào nơi động vật có xương sống, nhưng không thể áp dụng cho toàn thể sinh linh.
Ví dụ, nếu tất cả đều có một tổ chức, một cốt cách tương tự nhau, thì sao côn trùng lại không có xương cốt, các loài cua ốc, sò hến xương cốt lại y như hiện ra bên ngoài, các loài động vật có xương sống, thì xương cốt lại lặn vào bên trong?
Đó chính là điểm đã gây thảm bại cho Geoffroy Saint Hilaire, con người đã sáng tạo ra học thuyết, trong cuộc tranh luận với Cuvier về thuyết hoành đồ nhất trí của ông, trước Hàn lâm viện Pháp năm 1830. [71]
Nguyên tắc «Hoành đồ nhất trí» của Geoffroy Saint Hilaire cũng không giải thích được tại sao nơi sinh vật thượng đẳng thì hình hài phức tạp trong một cơ thể có nhiều cơ quan.
Còn nơi sinh vật hạ đẳng tối sơ thì hình hài cơ thể giản dị hết sức đến mức độ chỉ gồm có một tế bào; thế nhưng về phương diện sinh lý thì đôi đàng đều làm được những công việc chính yếu như nhau. [72]
Khoa phôi thai học chỉ đề cập đến điểm tương đồng giữa các bào thai động vật nhưng đã bỏ qua những điểm tương dị ghê tởm:
Ví dụ:
1/ Sự sinh sản bằng cách phân thân của các loại vi trùng. [73]
2/ Sự sinh sản bằng âm dương hợp chủng của các sinh vật. [74]
3/ Sự sinh sản bằng trứng, bằng cách ấp ủ bên ngoài nơi rắn rết, cá mú, chim chóc. Ngược lại nơi các động vật có vú thì lại đổi thành sự thai nghén bên trong.
Ấy chưa kể đến những nghi vấn lớn lao là làm sao những con trùng không tim, không óc, không phổi, không mũi, không tai, không mắt lại biến thành được những động vật, những con người có tay chân mặt mũi tim óc hẳn hoi với 14 tỉ não bào, và những dây thần kinh như mắc cửi khắp thân hình. Cái đó thì các sách giáo khoa không đề cập tới.
III. Tổng luận về thuyết tiến hóa.
Trên đây chúng ta đã cố tìm cho ra những cái hay cái dở của thuyết tiến hóa.
Chúng ta khen, khi đặt mình vào hàng ghế những khán giả dễ dãi chỉ nhìn xem những thành quả phiến diện, nhất thời của học thuyết, rồi vỗ tay phụ hoạ theo.
Chúng ta thấy có nhiều điểm đáng phê bình, nếu chúng ta chịu đi sâu vào hậu trường của học thuyết, cân nhắc lại từng lời lẽ, lý luận, chứng cứ, và nếu chúng ta dám bạo dạn nói lên những cảm nghĩ riêng tư, bất chấp mọi dư luận đang thịnh hành.
Để kết luận, chúng ta phải bái phục công trình tìm tòi của các nhà khoa học, cũng như phương pháp, lề lối làm việc và những sáng kiến tân kỳ.
Chúng ta cũng không phủ nhận ảnh hưởng mãnh liệt và sâu rộng của thuyết tiến hóa khắp năm châu.
Nhưng từ những sự kiện dĩ nhiên mọi người đều công nhận như:
– Có sự biến dịch trong vũ trụ và trong vạn vật quần sinh.
– Vũ trụ vạn vật có lớp lang, thứ tự, hệ thống.
– Các sinh vật xuất sinh tuần tự.
– Ngoại cảnh có ảnh hưởng lớn lao đến đời sống sinh vật,
– Muốn tiến tới cần phải cố gắng liên tục v.v…
Đi đến kết luận là loài nọ đã biến thành loài kia, vi trùng đã biến dần thành quần sinh, thành nhân loại, và những sự biến hóa ấy đã được xui khiến bởi ảnh hưởng ngoại cảnh và sự đấu tranh sinh tồn, thì kể là một kết luận vội vàng, không chính xác; mà đã không chính xác thì biện luận mấy cũng không che giấu nổi nhược điểm.
Tuy nhiên nó đã đặt lại cả một vấn đề siêu hình qua các bằng chứng khoa học.
Nó đã thẳng thắn đặt lại mấy quan niệm:
Nhất thể vạn thù của các nhà huyền học Á Đông, [75] và Âu Phi thời cổ, cũng như quan niệm biến dịch, biến thiên mà Phục Hi, Văn Vương cũng như Héraclite đã chủ trương từ ngàn xưa.
Cái nhược điểm trọng yếu của thuyết tiến hóa chính là không qui định được «nguyên sinh», «nguyên thể» là gì, mà cho rằng hoặc là nguyên tử vật chất nhỏ nhoi, hoặc tế bào, hoặc là vi trùng vi thảo, mà quên mất phần thần khí, quên mất đại khối vũ trụ.
Cứ theo lý luận trên, thì tiến hóa không phải là sự phát huy những tiềm năng tiềm lực sẵn có, mà là biến hình, biến dạng tùy thế của vi thảo, vi trùng.
Vũ trụ không phải là những biến hóa lớp lang thứ tự của một đại thể mà là sự hợp tan vô định, vô tình của những vi thể vi trần. [76]
Học thuyết biến hóa hiện nay có thể nói được là đối đỉnh của học thuyết biến hóa của các nhà huyền học đông tây từ trước đến nay.
Thuyết này chủ trương:
Nhất thể biến vạn thù,
Vạn thù qui nhất thể.
Tức là cả vũ trụ sinh linh đều là phân thể một đại thể. Đại thể ấy có nhiều danh hiệu tùy nơi tùy thời: hoặc là Thái Cực, là đạo, là Logos, là chân tâm. Đại thể ấy sinh ra mọi sự, mọi loài. Mọi loài vì là phân thể của một đại thể, [77] nên dĩ nhiên có một mối giây thân ái, liên laic, hết sức chặt chẽ với nhau. Mọi sự vì vậy có những điểm tương đồng, tương dị. Căn nguyên thì tương đồng, nhưng phân nhiệm thì tương dị v.v…
Ta lật ngược học thuyết trên thì sẽ ra thuyết tiến hóa hiện nay, nhưng vì thuyết tiến hóa khởi sự từ tiểu ly, tiểu tiết, nên khi muốn tái tạo lại vũ trụ, quần sinh đã gặp rất nhiều khó khăn trở ngại.
Thuyết tiến hóa, vì quên mất đại thể, quên mất thần khí nên quên lãng cả ảnh hưởng tâm thần, cho rằng mọi sự đều vô tình, vô ý.
Nhưng các nhà khoa học chân chính cho rằng chối bỏ tâm thần, tình ý là phản lại thực tại.
Cuénot đã phải nhận rằng trong quần sinh có sự hô ứng tương liên, tương hợp lạ lùng: đố nào, ngàm ấy; rau nào sâu ấy; ong giúp hoa, hoa giúp ong. [78] Ông thú nhận rằng có nhiều sự thích ứng không thể nào giải thích bằng ngẫu nhiên được, mà phải tin vào một huyền lực siêu nhiên biến hóa, tiềm ẩn ngay nơi sinh vật. Huyền lực ấy tác động trên vật chất y như một ý niệm của nghệ sĩ tác dụng nguyên liệu được dùng.[79]
Charles Richet đã dám chứng minh rằng trong khoa sinh lý học, cái gì cũng có mục đích, ý tứ. [80]
L. Cuénot cũng tuyên bố: vây sinh ra để bơi, cách để bay, mắt để nhìn. [81]
Và nếu trong những tiểu tiết ta thấy có ý, có tình, thì vũ trụ cũng phải có ý tứ, cùng đích. [82]
Các nhà khoa học chủ trương thuyết tiến hóa còn có một nhược điểm khác là thường chỉ chú trọng đến ảnh hưởng của ngoại cảnh hay của di tử, chủng tử [83] mà sao nhãng hẳn những ảnh hưởng ý chí tâm tình.
Tuy nhiên, Larmarck và nhiều triết gia lại đặt ảnh hưởng ấy lên hàng đầu. [84]
Thế là các lý thuyết gia về thuyết tiến hóa hãy còn đứng ngoài lâu đài, chưa vào được phía «bên trong», theo từ ngữ Schopenhaur. [85]
Nói tóm lại, muốn đi tìm nguồn gốc phát sinh tiến hóa, phải đi sâu vào căn cơ vũ trụ. [86]
Các nhà huyền học cổ kim đều đã chủ trương như vậy. Thánh Paulo cũng đã nói: vô hình sinh hữu tướng. [87]
Teilhard de Chardin cũng chủ trương Tạo hóa vẫn còn hoạt động trong lòng sâu vũ trụ và vạn vật. [88]
Teilhard de Chardin (1881-1955)
Các nhà truyền học Á Đông cũng đã đi sâu vào Thái Cực, vào vô tướng để tìm ra duyên do tiến hóa nơi vạn hữu. [89]
Nhiều nhà bác học hiện nay đã công nhận rằng cái «thực tại khoa học» chỉ là một lớp màng vỏ mong manh bao phủ ngoài thực tại chân thực, như những làn sóng nhấp nhô trên mặt trùng dương. [90]
Thực thể vô tận ấy nay mang thêm nhiều danh hiệu mới mẻ như là «Trùng dương» của Dirac, «Tiềm giới» của Louis de Broglie, Bohn và Vigier, «Cảnh giới đặc thù» của Wheeler v.v… [91] Thế là Đông Tây gặp gỡ, kim cổ giao duyên…
André Lamouche cho rằng người ta đã lẫn lộn hai chữ Tiến hóa, và biến hóa. Sự tiến hóa nghĩa là trong vũ trụ, quần sinh có nhiều trình độ, tinh thô, cao thấp khác nhau sự tiến hóa ai cũng phải nhận, vì nó là một sự kiện. Còn sự biến hóa ngĩa là loài này biến ra loài khác là một giả thuyết rất mơ hồ, huyền hoặc chưa có thể chứng minh được. [92]
Vả lại, người ta chấp nhận thuyết tiến hóa có khi cũng vì những lý do tình cảm và chính trị. Giáo sư Watson, đại học đường Luân Đôn thuyên bố như sau:
Thuyết tiến hóa đã được các nhà động vật học chấp nhận, không phải vì đã thực sự quan sát thấy vậy hay vì đã có thể chứng minh, hoặc kiểm chân được bằng những lý luận mạch lạc xác đáng, nhưng chính là vì thuyết đối lập, «sự tạo dựng trực tiếp», cũng không thế nào tưởng tượng được. [93]
Theo bác sĩ Calman thuộc Anh quốc Bảo tàng viện, thì các nhà khoa học đã chấp nhận học thuyết này «như là một lợi khí để có thể giao tranh với các giáo hữu bảo thủ». [94]
Đó cũng là ý kiến của Pierre Rousseau trong quyển lịch sử khoa học. Theo Pierre Rousseau, thì thuyết tiến hóa chính là một thứ khí giới chiến tranh đã được đưa vào trận địa để phản kích lại thông điệp Syllabus của Đức Giáo Hoàng Pio IX lưu hành năm 1864, và cộng đồng Vaticano I năm 1870. [95]
Thuyết tiến hóa còn được sùng thượng, một phần cũng vì phong vị vật chất vô thần của nó.
Nhưng, những lý do tình cảm, chính trị, đấu tranh ấy không làm tăng được giá trị nội tại của thuyết tiến hóa.
Vì vậy, nhưng nhà học giả thành khẩn hoặc là phủ nhận thuyết tiến hóa vì thấy chưa đủ lý cứ, hoặc là chấp nhận với sự dè dặt sau khi đã thay đổi nội dung và thêm thắt vào nhiều quan điểm mới mẻ.
Năm 1929, Louis Vialleton đã không ngần ngại viết rằng thuyết tiến hóa là một «huyễn tượng» vì chủ trương toàn là trực hệ, mà lúc trình bày đồ án biến hóa thì chỉ thấy bàng hệ. [96]
Jean Serviers cho rằng: Thuyết tiến hóa là một tín điều, một triết lý của người da trắng cốt để lấp liếm những sự xâm lăng, đàn áp, và những tội ác của họ. Thuyết tiến hóa tuy đã trở thành tín điều, nhưng chưa dựa trên những chứng cứ chắc chắn. Chúng ta đang sống giữa một sự trá ngụy khoa học vĩ đại. [97]
Trong bộ Bách khoa tự điển Pháp xuất bản năm 1938, Paul Lemoine, một nhà địa chất học danh tiếng và là Viện trưởng viện cổ sinh vật Pháp đã viết như sau: «Thuyết tiến hóa sắp đến ngày bị bác bỏ» và ông không ngần ngại viết thêm:
«Thuyết tiến hóa là một thứ tín điều mà hàng giáo phẩm không còn tin nữa, nhưng vẫn giữ cho quần chúng.» [98]
Trong quyển «Nhân loại từ đâu tới», thuộc bộ Bách khoa Planète, N. Albessard viết:
«Người ta thường chấp nhận rằng tiến hóa là một sự tiệm thăng tiệm tiến đến một tâm thần biết suy tư, mà Teilhard de Chardin đã đề cập tới. Quan niệm này làm cho con người trở thành những Hi mã lạp sơn chứa chất một sự nhẫn nại vô biên của vạn vật. [99]
«Trong ta, tính lại có 30 triệu thế kỷ bì bõm dưới đáy biển; cố gắng phi thường để lướt thắng hoàn cảnh; khám phá thần tốc, hoặc bò man vất vả, điên cuồng nhưng rồi vẫn có thể trở lại khôn ngoan. Trong vòng ba tỉ năm, sự sống đã lần mò để thực hiện ra ta ngày nay. Cái lối nhìn đời ấy, tuy rất xứng tâm, xứng ý con người, nhưng khốn nỗi lại chỉ là một giả thuyết không hơn không kém.» [100]
Bertrand Russell lại bi quan hơn, ông nói: «Tôi nghĩ rằng vũ trụ toàn thành bởi những mảnh miếng, những nhảy cẫng nhát gừng, và chẳng làm gì có hệ thống duy nhất, liên tục, thứ tự, mạch lạc.» [101]
James Jeans chủ trương phải đem thần linh về lại với vũ trụ và cho rằng thần linh là căn cốt vũ trụ. Thần linh không còn phải là như một người xa lạ trong giang sơn vật chất nữa. [102]
Thế là chủ trương «thần khí điều động vật chất» của Virgile lại được sống lại. [103] Gần đây Julian Huxley và Teilhard de Chardin cũng chủ trương «Thiên tâm», Thiên tính là bản thể của vũ trụ. [104]
Đó chính là chủ trương của Dịch Kinh: bản thể của vũ trụ là Thái Cực.
Lecomte du Noüy sữa chữa thuyết tiến hóa bằng sự chấp nhận có Thượng Đế tạo dựng sinh vật, hướng dẫn quần sinh đến một mục phiêu siêu việt là thần nhân…
Về thuyết tiến hóa, Lecomte du Noüy cũng nhận định một cách chân thành như sau:
«Nếu ta lưu tâm đến sự dốt nát của chúng ta, nếu ta đo lường cân nhắc sự dốt nát ấy một cách thành khẩn, ta sẽ đi đến một kết luận kỳ dị này là niềm tin của ta về sự tiến hóa, cho đến bay giờ còn thuộc về trực giác siêu hình chứ chưa phải khoa học…» [105]
Để tổng kết lại, ta thấy rằng muốn có cái nhìn toàn bích phải đi từ nhất đến vạn, rồi lại đi từ vạn quay trở về nhất, nói cách khác, đi từ Thái Cực, hay Đạo ra quần sinh vạn hữu, rồi lại đi từ quần sinh vạn hữu trở về Thái Cực, và Đạo, thế tức là đi từ vô tướng ra vạn tượng, rồi lại từ vạn tượng quay trở về vô tướng; từ gốc lên ngọn rồi lại từ ngọn trở về gốc. [106]
Các nhà khoa học đi có một chiều từ ngọn trở về gốc. Công cuộc đó thực là khó khăn, vì ta không biết hết chi diệp, cốt cán. Nhưng nó hợp với nguyện ước của mọi người, cho nên ai cũng công nhận. [107]Nhưng chối bỏ nguồn gốc, chối bỏ ý tứ mục đích và cho rằng muôn loài ngẫu nhiên sinh xuất ra nhau, từ vi trùng, vi thảo cho đến con người, thì cũng y như chủ trương rằng cây không cần có gốc; ngọn, búp có thể sinh ra cành lá và thân cây. Đó là một lập luận cưỡng lý cần phải soát xét và đảo chuyển lại.