18/06/2018, 15:39

Chế độ Sankin Kotai ở Nhật Bản thời kỳ Edo

CHẾ ĐỘ SANKIN KOTAI Ở NHẬT BẢN THỜI EDO QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN, MỤC TIÊU VÀ CƠ CHẾ PGS.TS Nguyễn Văn Kim 1. Sankin kotai và những mục tiêu chính trị Khi viết về chế độ phong kiến Nhật Bản thời Edo, các nhà sử học và chuyên gia nghiên cứu lịch sử tư tưởng, kinh ...

CHẾ ĐỘ SANKIN KOTAI Ở NHẬT BẢN THỜI EDO
QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN, MỤC TIÊU VÀ CƠ CHẾ

Sankin-Kotai

PGS.TS Nguyễn Văn Kim 

1. Sankin kotai và những mục tiêu chính trị

Khi viết về chế độ phong kiến Nhật Bản thời Edo, các nhà sử học và chuyên gia nghiên cứu lịch sử tư tưởng, kinh tế… đều hết sức chú ý đến chế độ sankin kotai mà Mạc phủTokugawa thực hiện ở Nhật Bản(1). Có thể thấy, sankin kotai là một chính sách lớn của Mạc phủ Tokugawa nhằm thâu tóm quyền lực về chính trị, kiểm soát hoạt động của các lãnh chúa đồng thời qua đó khẳng định lòng trung thành của các daimyo với tướng quân.

Trải qua hơn 2 thế kỷ, chế độ Bakuhan taisei (Mạc phiên thể chế) trong đó có sankin
kotai luôn diễn ra nhiều vận động và biến đổi nhưng để giữ thế ổn định về chính trị, các
tướng quân Tokugawa luôn tìm cách duy trì và theo đuổi những mục tiêu chiến lược của
mình. Bằng những biện pháp khôn khéo nhưng cũng hết sức cương quyết, Mạc phủ Edo đã
xác lập được sự “cân bằng” tương đối về quyền lực chính trị giữa chính quyền trung ương với các lãnh chúa địa phương để rồi từ đó xây dựng nên mối quan hệ “tôn chủ – bồi thần” rất điển hình ở Nhật Bản.

Theo quy định, nhìn chung cứ cách một năm các lãnh chúa lại phải về Edo để diện kiến tướng quân (Tokugawa shogun). Để bảo đảm cho cuộc sống lâu dài và thường xuyên ở
“kinh đô” mỗi lãnh chúa đều phải tự xây dựng cho mình một cơ sở lưu trú riêng. Khi hết thời hạn quy định, các daimyo cùng đoàn tuỳ tùng có thể trở về địa phương nhưng phải để vợ con lại thành Edo. Do vậy, sankin kotai thực chất là chế độ con tin. Các lãnh chúa đã dùng sinh mạng của những người có quan hệ máu thịt và võ sĩ thân tín để bảo đảm đặc quyền và vị thế phong kiến của mình. Mặt khác, thông qua việc thực hiện chế độ sankin kotai, chính quyền trung ương cũng muốn giám sát thường xuyên, trực tiếp với các daimyo, ngăn chặn khả năng nổi dậy đồng thời làm suy giảm sức mạnh quân sự, kinh tế của các lãnh chúa.

Trở lại lịch sử chúng ta thấy, chế độ con tin đã từng xuất hiện rất sớm trong lịch sử một số quốc gia châu Á(2). Ở Nhật Bản, vào thời Chiến quốc (Sengoku jidai: 1494-1600), trong bối cảnh chính trị vô cùng phức tạp, ngay cả những người nắm giữ quyền lực lớn nhất thời bấy giờ như Oda Nobunaga (1534-1582) và Toyotomi Hideyoshi (1536-1598) cũng phải sử dụng chế độ con tin để củng cố mối liên minh quân sự, chính trị. Sau khi nắm được thực quyền ở Nhật Bản, Toyotomi Hideyoshi đã yêu cầu tất cả các lãnh chúa đồng minh, kể cả những daimyo vừa chịu sự thần phục, phải đưa vợ con về Osaka, Kyoto và Nagoya, nơi ông từng đóng đại bản doanh, làm con tin. Cùng với yêu cầu đó, ông còn đề nghị nhiều lãnh chúa cử binh lực tham gia vào các trận chiến hoặc duy trì an ninh cho khu vực thành Osaka và kinh đô Kyoto. Tháng 9-1589, nhận thức rõ được ưu thế chính trị của mình, Toyotomi Hideyoshi đã yêu cầu tất cả các lãnh chúa đồng minh phải xây dựng cơ sở lưu trú thường xuyên cho “gia đình” gần cung điện Jurakudai tại Kyoto. Đến năm 1590, để bày tỏ sự trung thành của mình, lãnh chúa Date đã là một trong những daimyo tiên phong, tình nguyện đưa hơn 1.000 người gồm vợ con, gia nhân và binh sĩ về thành Fushimi, nơi Hideyoshi lập trướng phủ, để “phục vụ” chủ tướng.

Trong quá trình vươn lên giành đoạt quyền lực chính trị cao nhất ở Nhật Bản, từ tuổi ấu thơ chính Tokugawa Ieyasu cũng từng tham gia vào chế độ con tin và là nạn nhân của chế độ này(3). Lúc trưởng thành, vì những mưu tính lâu dài cho sự nghiệp chính trị, Tokugawa
cũng đã phải đưa sinh mạng của vợ và con trai cả làm “vật chứng” để giữ lòng tin với Oda
Nobunaga. Nhưng sau khi 2 “tam kiệt”(4) qua đời, do xây dựng được một liên minh chính trịmạnh và có những quyết định chính xác nên Tokugawa Ieyasu đã trở thành người đứng đầu tập đoàn võ sĩ có thế lực nhất ở Nhật Bản. Sớm nhận thấy xu thế phát triển của tập đoàn võ sĩ này, từ năm 1596 một số lãnh chúa như Todo Takatora đã tự nguyện thần phục Tokugawa.

Các lãnh chúa nhiều danh vọng như Maeda Toshinaga và Hori Hideharu… ngay trước trận
Sekigahara cũng đã ngả theo tập đoàn Tokugawa. Trong và sau khoảng thời gian đó, các lãnh chúa lớn ở Nhật Bản như: Date, Nabeshima, Hosokawa, Mori và Shimazu từ chỗ là “bề tôi” của Oda Nobunaga rồi Toyotomi Hideyoshi, không còn cách nào khác, đã phải hướng về tập đoàn võ sĩ đang lên ở miền Đông và suy tôn Tokugawa Ieyasu làm chủ soái(5).

Từ kinh nghiệm của những người đứng đầu các tập đoàn võ sĩ lớn, đến lượt mình, trong phạm vi lãnh địa, nhiều daimyo cũng yêu cầu võ sĩ cao cấp thuộc quyền phải đưa vợ con đến lâu đài làm con tin và gánh vác trách nhiệm phong kiến. Tiêu biểu trong số đó là trường hợp của han Kagoshima (Satsuma), vùng Kyushu. Tại lãnh địa này, từ thời Shimazu Iehisa ( -1587) những võ sĩ được hưởng nhiều ruộng đất (shiryo shu) và có thu nhập cao đều phải xây dựng cơ sở lưu trú gần thành Kagoshima. Bản thân họ và gia đình phải thường xuyên sống ở đó và chịu sự giám sát của lãnh chúa. Sau khi Tokugawa Ieyasu giành được chính quyền, trong quá trình thiết lập và thực hiện chế độ sankin kotai, do có nhiều kinh nghiệm thực tế và cũng muốn tranh thủ thiện cảm của shogun, Shimazu luôn là lãnh chúa đi đầu trong việc tuân thủ chế độ này. Năm 1603, mặc dù có nhiều khó khăn về kinh tế nhưng lãnh chúa Shimazu Yoshihisa (1533-1611) đã là một trong những daimyo đầu tiên đưa vợ, 3 con trai và nhiều võ sĩ thân tín về “kinh đô”. Việc một lãnh chúa ở xa Edo và có thế lực như Shimazu nhưng đã sớm chịu thần phục chính quyền Tokugawa đã tác động hết sức mạnh mẽ đến thái độ còn nhiều suy tính của không ít lãnh chúa.

Có thể nói, hành động của các lãnh chúa như Maeda, Shimazu… đã có ý nghĩa khai mở, khích lệ nhiều daimyo khác phải sớm đi đến quyết định tham gia và tuân thủ chế độ sankin kotai đồng thời tạo nên những động lực mạnh mẽ để Mạc phủ sớm đi đến thiết chế hoá chế độ này. Trên thực tế, Shimazu không chỉ là một trong những lãnh chúa đầu tiên bày tỏ “trách nhiệm” của mình với chính quyền Edo mà còn là người (thông qua vai trò cố vấn của Ise Sadamasa) đề xuất với Doi Toshikatsu, đại diện của Mạc phủ, về việc cần thiết phải thiết lập một chế độ “phục vụ” bắt buộc đối với tất cả các lãnh chúa. Theo quan điểm của Shimazu Yoshihisa, Mạc phủ cần phải xây dựng một chế độ thần thuộc trên bình diện quốc gia chứ không phải chỉ là sự bày tỏ mối quan hệ và lòng trung thành cá nhân của lãnh chúa. Là người luôn nhạy cảm với những vấn đề chiến lược, đề xuất của Shimazu lập tức được Tokugawa Ieyasu chấp thuận và chính ông đã trọng thưởng cho người đưa ra sáng kiến một con ngựa quý(6).

Bằng nhãn quan của một nhà chính trị dày dạn kinh nghiệm, Tokugawa Ieyasu hiểu rõ sức mạnh của các lãnh chúa đặc biệt là các tozama daimyo, những đặc quyền cố hữu cùng uy
lực của họ ở địa phương. Để cuốn hút các lãnh chúa vào vòng quay của một cơ chế chính trị
mới, ông đã tỏ ra hết sức thận trọng trong các bước đi chính trị. Nhằm phân hoá các lãnh
chúa, Tokugawa Ieyasu đã chia daimyo ra làm ba loại đồng thời thực thi một số chính sách
nhằm ngăn chặn sự liên kết giữa các lãnh chúa. Trong quá trình đi đến xây dựng và thể chếhoá chế độ sankin kotai, mặc dù hiểu rõ tính hiệu quả của chế độ con tin nhưng chính quyền Edo vẫn chủ trương coi trọng biện pháp thuyết phục, lôi kéo hơn là dùng bạo lực, cưỡng chế.

Nhằm làm giảm thiểu sự bất bình từ phía các lãnh chúa, Mạc phủ đã công nhận và ban cấp
cho nhiều lãnh chúa nhất là tozama daimyo những vùng đất rộng lớn đồng thời luôn đối xử với họ một cách trọng thị. Trên thực tế, một số lãnh chúa ngoài việc được nhận tước hiệu cao quý còn có thể mang họ gốc của nhà Tokugawa là Matsudaira. Trong những năm đầu thời kỳ Edo, Mạc phủ còn dùng quan hệ hôn nhân để thắt chặt “tình cảm thân thiện” với nhiều lãnh chúa. Mặt khác, các lãnh chúa cũng được khuyên nên sớm đưa gia quyến về Edo và xây dựng cơ sở thứ hai để tiện việc sống ổn định, lâu dài. Bằng những biện pháp đó, “Ngay từ đầu, Mạc phủ đã kiểm soát các lãnh chúa ngoại dạng bằng sự kết hợp giữa chính sách răn đe và ban thưởng để rồi sau đó thắt họ vào sự ràng buộc về chính trị”(7).

Cũng cần phải thấy rằng, sau thắng lợi trong trận Sekigahara năm 1600, nhằm củng cố liên minh với các lãnh chúa đồng minh, mặc dù Tokugawa Ieyasu chỉ mới quản lý được 30 % lãnh thổ toàn quốc nhưng ông đã dành hầu hết diện tích đất chiếm được để chia cho các lãnh chúa.

Theo truyền thống của giới võ sĩ đây chính là nguyên tắc thiết yếu, có thể coi là “nguyên tắc máu” để tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các lãnh chúa này. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với chính quyền Tokugawa vẫn là nhiều tập đoàn võ sĩ đang thực sự nắm quyền lực ở các địa phương. Sự liên kết giữa các lực lượng này để chống lại chính quyền mới được thiết lập ở Edo là một mối nguy thực tế. Do vậy, nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của Tokugawa Ieyasu là phân hoá và làm suy yếu lực lượng của các daimyo. Ông đã thuyên chuyển nhiều lãnh chúa vùng đồng bằng Kanto và khu vực Kyoto-Osaka về miền Tây Nhật Bản. Tại những khu vực đó, Mạc phủ đặt sự quản lý trực tiếp hay giao phó quyền quản lý cho một số lãnh chúa tin cậy. Đến thời tướng quân Tokugawa Hidetada (1579-1632) và Tokugawa Iemitsu (1603-1651), hai ông vẫn tiếp tục chính sách thuyên chuyển, tịch thu đất đai của các lãnh chúa để thiết lập một thiết chế chính trị mới bảo đảm an ninh chiến lược cho chính quyền Edo.

Về phần mình, do lo sợ bị tịch thu ruộng đất, thuyên chuyển hay cắt giảm lãnh địa… các lãnh chúa đã phải bày tỏ thái độ thân thiện, sẵn sàng hợp tác và tuân thủ nhiều chủ trương
của Mạc phủ Edo(8). Tháng 11-1609, tướng quân thứ hai của triều đại Tokugawa là Hidetada
(cq: 1605-1623) đã yêu cầu các lãnh chúa phải về Edo vào cuối đông để “đón Xuân”. Đây
được coi là sự kiện mở đầu cho việc thực hiện chế độ bắt buộc các daimyo phải về Edo diện
kiến tướng quân của chính quyền phong kiến Nhật Bản. Trong bối cảnh chính trị lúc bấy giờ có thể coi đây là đòn thử nghiệm của tướng quân Tokugawa đối với các lãnh chúa về chủ
trương thiết lập chế độ con tin trước khi đi đến chính thức thực hiện chế độ này. Quyết định táo bạo đó của chính quyền Edo đã thu được kết quả. Dường như không có một sự chống đối mạnh mẽ nào từ phía các lãnh địa, năm 1610 nhiều lãnh chúa đã cử con tin về Edo và năm sau, theo yêu cầu của Mạc phủ, các tozama daimyo đã được triệu tập về cung Nijo ở Kyoto để tuyên thệ và ký cam kết trung thành với chính quyền Tokugawa.

Sau những thắng lợi chính trị hết sức căn bản đó, Mạc phủ đã có điều kiện tập trung lực lượng để gạt bỏ trở lực chính trị cuối cùng ở miền Tây do Toyotomi Hideyori (1593-1615) đứng đầu. Cuối cùng, bằng chiến thắng quân sự hạ thành Osaka năm 1615, chính quyền Edo đã tiếp tục khẳng định được sức mạnh chính trị trội vượt của mình ở Nhật Bản. Để quản lý các lãnh chúa và võ sĩ chặt chẽ hơn nữa, nhận thấy điều kiện đã chín muồi, tháng 11 năm đó Mạc phủ đã cho ban hành luật “Vũ gia chư pháp độ”(Buke shohato) gồm 13 điều. Bộ luật đã khẳng định những nguyên tắc căn bản trong quan hệ giữa Mạc phủ với các lãnh chúa địa phương cũng như phương châm sống, hành động của đẳng cấp võ sĩ. Điều 9 của Bộ luật
ghi rõ: “Các lãnh chúa về Edo phục vụ (sankin) phải tuân theo các quy định sau: trong Shoku Nihongi đã ghi rõ rằng: Nếu như không được giao phó một trách nhiệm chính thức nào thì bất cứ ai cũng không được tự ý tập trung binh lực. Hơn thế nữa, không ai được phép cho hơn 20 kỵ sĩ cùng đi về kinh đô… Như vậy, từ xưa đã có lệnh cấm tập trung một lực lượng quân đội lớn. Đối với các lãnh chúa có thu nhập từ 200.000 koku cho đến 1.000.000 koku không được phép đưa quá 20 kỵ sĩ đi cùng. Các lãnh chúa có thu nhập từ 100.000 koku trở xuống thì sốlượng kỵ sĩ đi theo phải phù hợp với địa vị của mỗi người. Khi thực hiện nhiệm vụ chung, sốlượng tuỳ tùng cũng phải tương hợp với chức phận của từng lãnh chúa”(9). Sau khi Luật vũ gia ban hành, nội dung bộ luật đã được các lãnh chúa thực hiện
nghiêm cẩn. Trước tình thế đó, từ năm 1615 số lượng các lãnh chúa về Edo trình diện vào
những dịp nhất định trong năm cũng ngày càng tăng lên. Đến năm 1622 đặc biệt là từ sau
năm 1632, thời tướng quân Tokugawa Iemitsu (cq: 1623-1651), Mạc phủ muốn tập trung hơn nữa quyền lực và thể chế hoá mọi hoạt động của chính thể phong kiến nhất là việc quản lý các địa phương. Trong thời gian đó, uy lực của chính quyền Edo đã bao trùm lên hầu khắp
lãnh thổ Nhật Bản nhưng việc đồng thời có nhiều lãnh chúa tập trung về Edo cũng đặt cho
chính quyền Tokugawa phải đứng trước những tình thế chính trị phức tạp. Do vậy, đến năm 1635, trong quá trình bổ sung và hoàn thiện Luật vũ gia, Mạc phủ đã rất coi trọng vấn đề triệu hồi các lãnh chúa. Để thể chế hoá một chủ trương lớn đồng thời tạo ra cơ chế vận hành cho chế độ đó, Mạc phủ tuyên bố: “Luật quy định rằng tất cả các daimyo (đại danh) và shomyo(tiểu danh) đều phải có trách nhiệm lần lượt (kotai) về Edo. Các lãnh chúa phải về Edo phục vụ (sankin) vào mùa hè tức là vào tháng 4 hàng năm. Giờ đây, số lượng các võ sĩ thuộc quyền và tuỳ tùng đi theo lãnh chúa đều đã quá lớn. Điều đó không những gây nên sự hao phí cho các lãnh địa và địa phương mà còn là nguyên nhân dẫn đến sự khốn cùng của dân chúng. Vì vậy, từ nay phải giảm bớt số người về Edo. Trong trường hợp được lệnh về Kyoto cũng phải tuân theo chỉ thị cụ thể. Đối với những công việc chung, số lượng người đi theo cũng cần phải phù hợp với địa vị của mỗi daimyo và shomyo”(10).

Từ những nội dung mang tính nguyên tắc đó, chính quyền Edo đã đi tới khẳng định vị trí độc tôn của mình về chính trị. Thông qua việc chính thức thiết lập chế độ sankin kotai, Mạc phủ cũng muốn loại bỏ truyền thống lưu giữ con tin ở các địa phương. Điều 13 của Luật vũ gia ghi rõ: “Nếu kẻ nào đó tự ý bắt các võ sĩ bên dưới làm con tin thì sẽ bị trừng phạt bằng tội lưu đày hay xử trảm, sự trừng phạt này chỉ được thực hiện sau khi quy định trên đây được ban hành. Nhưng nếu như (lãnh chúa nào đấy) thấy cần phải có sự bảo đảm bằng việc lưu giữ con tin thì người đó phải báo cáo cho chính quyền cấp trên (tức Mạc phủ) biết”(11). Trên thực tế, vì lo sợ bị “tổn thương” trong quan hệ với chính quyền Edo, các lãnh chúa đã mau chóng huỷ bỏ chế độ con tin vẫn được thực hiện như một phương cách quản lý truyền thống trong các lãnh địa.

Điều có thể thấy được là, chủ trương thâu tóm quyền lực chính trị của Mạc phủ Tokugawa không chỉ được thực hiện bằng một chính sách đơn biệt. Để tăng cường sức mạnh quân sự, chính trị đồng thời qua đó làm giảm tiềm lực của các lãnh chúa, song song với việc ban hành luật pháp, nắm quyền chủ động trong chính sách đối ngoại… ở trong nước Mạc phủ còn đề ra nhiều kế hoạch như: xây dựng các công trình kiến trúc, phát triển hệ thống giao thông, thuỷ lợi, khai phá đất nông nghiệp trên quy mô lớn… Nhằm khẳng định uy thế và cũng vì sự an toàn của chính mình, ngay sau khi được phong chức tướng quân năm 1603, Tokugawa Ieyasu lập tức có chủ trương xây dựng Edo thành một pháo đài quân sự và trung tâm chính trị có quy mô lớn nhất Nhật Bản. Để thực hiện kế hoạch xây dựng thành, tháng 7-1604 Tokugawa Ieyasu đã ban hành mệnh lệnh yêu cầu các lãnh chúa chuẩn bị nhân lực, khả năng tài chính, khai thác gỗ, đá và đóng thuyền lớn làm phương tiện vận tải. Mạc phủ quy định: đối với các lãnh chúa, cứ mỗi 100.000 koku thu nhập thì phải cung cấp 1.120 nhân lực, bao gồm cả các nhà quản lý, để tham gia việc kiến dựng thành.

Cũng cần phải chú ý là, sau trận Sekigahara mặc dù những người đứng đầu các han
Kagoshima và Choshu đã sớm có những biểu hiện thần phục chính quyền Edo nhưng Mạc
phủ vẫn đặt ra nhiều thử thách với cả 2 lãnh chúa ngoại dạng này. Họ được yêu cầu phải cung cấp người, vật liệu và tiền bạc cho việc xây thành. Theo lệnh của Mạc phủ, ngoài việc phải đóng góp 150 thoi vàng, Shimazu còn phải khẩn trương đóng 300 thuyền có trọng tải lớn và thực hiện hàng nghìn lượt vận chuyển đá từ han Izu về Edo. Mỗi chuyến thuyền trung bình chở được 2 tảng đá và cần đến hàng trăm người để vận chuyển từ núi xuống thuyền và sau đó lại đưa đến địa điểm cần thiết. Đến năm 1629, tuy công việc xây dựng thành đã căn bản hoàn tất nhưng Mạc phủ vẫn huy động 68 lãnh chúa về Edo. Thực hiện kế hoạch tái thiết và mở rộng thành Osaka trong những năm 1620-1630, Mạc phủ cũng đã yêu cầu 64 lãnh chúa tham gia. Kế hoạch đó của chính quyền Edo không chỉ làm suy giảm sức mạnh kinh tế của các lãnh chúa mà còn là sự thể hiện uy lực của chính quyền Edo với các lãnh chúa miền Tây Nhật Bản(12). Ngoài ra, để đắp hệ thống ngăn lũ ở Ise, Mino và Owari hay kiến tạo khu định cư mới cho thị dân nằm giữa Fukagawa và Hibiya gần với vùng Asakusa ở Edo, Mạc phủ cũng đã huy động hàng chục vạn nhân công từ các lãnh địa.

Ngoài những trách nhiệm nêu trên, Mạc phủ còn yêu cầu các lãnh chúa phải thực hiện
nghĩa vụ quân sự (gun’yaku). Trong vụ tấn công hạ thành Osaka năm 1615, các lãnh chúa nếu có thu nhập mỗi 200.000 koku thì phải đóng góp 349 kỵ binh, 700 binh sĩ trang bị súng trường, 150 lính bắn cung, 300 người mang giáo và 60 người khoẻ mạnh để khuân vác. Đây cũng là dịp chính quyền Edo thử thách lòng trung thành của lãnh chúa Shimazu. Riêng chiến dịch tấn công hạ thành Osaka, Satsuma được yêu cầu cung cấp 13.800 quân và 500 chiến thuyền. Để trấn áp cuộc nổi dậy của nông dân và các tín đồ Cơ đốc giáo ở Shimabara năm 1637-1638, lãnh địa này cũng phải huy động 11.200 quân và chiếm lĩnh đảo Amakusa làm cứđiểm tập kết binh lực cho liên quân Tokugawa.

Điều cần chú ý là, ngoài những mục tiêu và động cơ chính trị như đã trình bày ở trên thì, như một nguyên nhân tự nhiên, trong quá trình về Edo thực hiện nghĩa vụ xây dựng, khai
hoang, phát triển hệ thống giao thông thuỷ, bộ và công trình thoát nước… các lãnh chúa cũng có điều kiện giao tiếp tương đối thường xuyên với tướng quân và giới quan chức cao cấp của Mạc phủ. Do sự cần thiết phải có sự quyết đoán và thời hạn hoàn tất công trình, các lãnh chúa phải thường xuyên có mặt ở Edo để theo dõi tiến độ thi công và sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm với các lãnh chúa khác khi được yêu cầu. Do vậy, đến năm 1635 khi chế độ sankin kotai được chính thức thực hiện thì việc sinh sống thường xuyên ở Edo cũng không phải điều xa lạ đối với nhiều lãnh chúa.

Nhìn lại khung cảnh chính trị và xã hội Nhật Bản trong khoảng 30 năm đầu của thế kỷ XVII chúng ta thấy, với tư cách là chính quyền trung ương Mạc phủ Tokugawa đã đồng thời giải quyết được nhiều vấn đề trọng đại mà lịch sử đặt ra. Các chính sách và chủ trương chiến
lược được thực hiện trong thời gian này đã tạo nên nền tảng thiết yếu cho sự tồn tại và phát triển của chế độ phong kiến Nhật Bản hơn 2 thế kỷ sau đó. Việc ban hành luật pháp, tịch thu ruộng đất và thuyên chuyển các lãnh chúa cùng chủ trương nắm độc quyền về ngoại thương… là những minh chứng rõ rệt về sức mạnh của chính quyền Edo. Trên thực tế, “Động lực của tất cả những chính sách đó là để hạn chế tính độc lập của các han, cảnh báo họ về khả năng bị mất lãnh địa, làm suy yếu sức mạnh tài chính bởi sự gánh vác nghĩa vụ và Mạc phủ đã làm cho họ bị cuốn theo, cùng sống chết với chính quyền Tokugawa, làm suy giảm năng lực học thuật, thương nghiệp cũng như tự do trong quan hệ đối ngoại. Nhưng tất cả những chính sách đó vẫn chưa đủ. Quyền tự chủ của các han còn bị kiềm toả bởi chế độ sankin kotai”(13).

2. Nội dung và cơ chế vận hành

Như vậy là, sau hơn 3 thập kỷ vận động và phát triển, đến năm 1635 chế độ sankin kotai đã được chính thức thiết lập ở Nhật Bản. Nhưng ngay trong khoảng thời gian đó thì đối tượng chủ yếu của chế độ sankin kotai vẫn là các lãnh chúa ngoại dạng(14). Ngoài việc muốn loại trừ những mối nguy tiềm ẩn về chính trị hẳn là Mạc phủ cũng thấy đây là các lãnh chúa lớn, giàu có, có khả năng thực hiện nghĩa vụ về Edo. Theo lệnh của tướng quân Tokugawa Iemitsu, các tozama daimyo được chia làm 2 nhóm: nhóm miền Đông và nhóm miền Tây
luân phiên thực hiện chế độ “Luân phiên trình diện”. Để thống nhất, Mạc phủ quy định lấy tháng 4 hàng năm là thời gian luân chuyển giữa hai nhóm. Về tự nhiên, đây là thời điểm chuyển giao giữa mùa Xuân và mùa Hạ, thời tiết đã bắt đầu ấm dần lên do vậy việc đi lại cũng bớt phần khó khăn. Ở Nhật Bản, dịp đầu tháng 4 cũng là mùa hoa Anh đào (sakura) nở rộ.

Thực hiện chủ trương đó, hạ tuần tháng 6 năm 1635, lãnh chúa Maeda và 25 tozama daimyo đã được phép trở về lãnh địa. Thay vào đó, 55 lãnh chúa ngoại dạng từ miền Tây dẫn đầu là Shimazu đã kéo về Edo. Như vậy, mệnh lệnh của Tokugawa Iemitsu đã thể chế hoá chế độ sankin kotai, thống nhất thời gian và số lượng các lãnh chúa về Edo hàng năm. Đây chính là một bước tiến lớn nhằm điển chế hoá chế độ sankin kotai. Theo nhật ký của Richard Cocks, người đứng đầu thương quán Anh ở Hirado (1616-1621) thì năm 1616 chính Hidetada đã chủ trương kéo dài thời gian các lãnh chúa ở Edo. R. Cock viết: “Hoàng đế Nhật Bản (tức shogun – TG) đã yêu cầu tất cả các vua (daimyo) về Edo và giữ họ ở đó tới 7 năm. Vì vậy, họ phải đem theo vợ con và sống trong những khu nhà luôn sẵn sàng có những người phục vụ do Hoàng đế cử đến. Những người này luôn chú ý lắng nghe và quan sát xem có gì xảy ra. Hành động đó chính là để ngăn ngừa sự nổi dậy”(15).

Cùng với tozama daimyo, các lãnh chúa thân phiên (shimpan daimyo) như Kii và Owari cũng phải tuân thủ chế độ sankin kotai trong khi đó han Mito, một trong ba ngự tam gia (gosanke) lại được miễn trừ, không phải thực hiện chế độ này. Mặc dù có sự phân biệt đó
nhưng Mạc phủ luôn coi 3 lãnh địa này là một khối thống nhất và muốn phát triển thành trụ cột của chế độ Tokugawa. Đây là các lãnh địa đứng đầu, có thế lực nhất trong đời sống chính trị Nhật Bản. Với vị thế đó, những kiến nghị của 3 “thân phiên”, đặc biệt là han Mito cố vấn cao cấp bên cạnh Mạc phủ, luôn có ảnh hưởng đến những quyết định trọng yếu của chính quyền Edo. Gosanke “luôn có hai nhiệm vụ chính thức ở Edo. Các lãnh chúa đó tin rằng họ có thể đề đạt những kiến giải về nhiều vấn đề chính trị một cách tổng quát và sau nữa cũng được quyền tham vấn đối với các tướng quân kế nhiệm về những giải pháp chính trị phức tạp”(16).

Như đã trình bày ở trên, sau khi quy chế về sankin kotai được chính thức ban hành, Tokugawa Iemitsu đã cho triệu tập các lãnh chúa phổ đại (fudai daimyo) đến dinh của tướng
quân để nghe thông báo về việc họ tạm được miễn trừ chưa phải thực hiện chế độ sankin
kotai. Tuy nhiên, các fudai vẫn phải ở lại Edo để sẵn sàng gánh vác trách nhiệm chung khi có lệnh điều động. Đến năm 1642, do đã tích luỹ được những kinh nghiệm cần thiết, Mạc phủ
quyết định mở rộng chế độ sankin kotai đối với các lãnh chúa fudai. Tháng 5 năm đó, 69 lãnh chúa phổ đại cũng được chia làm hai nhóm để thay nhau về Edo hàng năm. Đến tháng 9-1642, Mạc phủ lại ra lệnh cho 9 fudai phải tham gia vào chế độ này. Nhóm này về Edo “phục vụ” vào tháng 8 trong khi đó 14 fudai vùng Kanto và các lãnh chúa phổ đại khác thì về Edo vào tháng 2 hàng năm. Chủ trương bố trí thời gian chênh lệnh giữa các nhóm của chính quyền Tokugawa nhằm tránh việc các lãnh chúa tập trung về Edo quá đông. Khác với các tozama và 2 shimpan daimyo phải có trách nhiệm “phục vụ” ở Edo trong thời hạn 1 năm, các fudai daimyo chỉ về trình diện trong thời hạn 6 tháng. Điều chắc chắn là, trước khi đi đến quyết định đó Mạc phủ đã có sự lường tính kỹ lưỡng về khả năng bảo đảm an ninh chiến lược cũng như tiềm lực kinh tế có phần hạn chế của các lãnh chúa phổ đại. Cũng cần phải nói thêm là, thời Edo mặc dù đối tượng chủ yếu của chế độ sankin kotai là các daimyo và một sốshomyo nhưng trên thực tế Mạc phủ cũng đã yêu cầu khoảng 30 võ sĩ kỳ bản (hatamoto hay còn gọi là kotai yoriai) tham gia vào chế độ này. Phần lớn các samurai cao cấp này đều có quan hệ thân tộc với họ Tokugawa và hiển nhiên do thực hiện sankin kotai nên cũng được đối xử và nhận một số đặc quyền phong kiến như nhiều lãnh chúa khác. Theo quy định của chính quyền Tokugawa, các lãnh chúa thân phiên Owari và Kii đến Edo và trở về lãnh địa vào tháng 3, tozama daimyo đi và đến vào tháng 4 (hoặc tháng 6) còn các fudai đi về vào tháng 2 và tháng 8. Tuy nhiên, tuỳ theo tình hình cụ thể mà một số lãnh chúa, đặc biệt là các fudai, đã không nhất thiết phải về Edo theo thời gian quy định. Có thể coi đây là một trong những biện pháp chính trị của chính quyền Tokugawa để giữ bí mật về lực lượng quân sự đồng thời còn nhằm kiểm tra mối quan hệ và lòng trung thành của một số lãnh chúa.

Ngoài những quy định và lịch trình đi lại mang tính nguyên tắc nêu trên, đối với các lãnh chúa ở xa hay có những hoàn cảnh đặc biệt, Mạc phủ luôn có sự điều chỉnh cho phù hợp
với điều kiện thực tế. Những trường hợp như lãnh chúa So ở Tsushima do ở ngoài đảo xa
đồng thời là cửa ngõ giao lưu của Nhật Bản với bán đảo Triều Tiên nên cứ 3 năm mới phải về
Edo một lần. Thêm vào đó, So chỉ phải ở lại Edo trong thời gian 4 tháng. Đoàn sankin của
lãnh địa này thường đến vào tháng 11 và trở về Tsushima vào tháng 2 năm sau. Như vậy, thời gian “phục vụ” của họ nằm trọn vào mùa Đông. Đây là thời kỳ lạnh giá, nhiều sương mù… việc đi biển rất khó khăn và chắc hẳn sự vắng mặt của họ cũng không ảnh hưởng nhiều đến khả năng bảo đảm an ninh ở vùng duyên hải miền Tây Nhật Bản. Tương tự như vậy, lãnh chúa Matsumae ở Yezo vùng Bắc Hải Đạo (Hokkaido) cũng được Mạc phủ giảm nhẹ việc đi lại. Theo quy định cứ 5 năm thì lãnh chúa này mới phải về Edo trong 4 tháng. Ngoài ra, các lãnh chúa như: Kuroda, Nabeshima, Goto và Omura có nhiệm vụ bảo vệ cảng quốc tếNagasaki cũng chỉ phải về Edo vào mùa đông tức là từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau. Đối với các hatamoto thời gian ở Edo cũng chỉ hạn chế từ 4 đến 6 tháng. Trong những hoàn cảnh riêng biệt khác nếu như một lãnh địa nào đó bị động đất, hoả hoạn hay phải thực hiện nghĩa vụ phong kiến thì có thể được xét miễn hay hoãn việc thực hiện sankin kotai. Sau vụ đại hoả hoạn Meireki năm 1657 tiêu huỷ hầu hết thành Edo(17), 14 lãnh chúa đã được phép rời Edo, 22 lãnh chúa có nghĩa vụ sankin 4 tháng đã được hoãn lại 2 tháng và 17 lãnh chúa khác cũng được miễn trừ không phải về trình diện trong năm đó. Sau các vụ động đất và hoả hoạn diễn ra vào năm 1721, 1772 và 1855, Mạc phủ cũng có những cách ứng xử thích hợp. Năm 1760, thành Kanazawa ở Kaga bị cháy lớn. Để khắc phục hậu quả, Mạc phủ đã cho Maeda vay 50.000 ryo và miễn trừ nghĩa vụ sankin năm đó. Năm 1762, hoả hoạn lại diễn ra ở Satsuma và lãnh địa này cũng được phép hoãn nghĩa vụ về Edo đồng thời còn được Mạc phủ cho vay 20.000 ryo vàng.

Đến năm 1651 khi tướng quân thứ ba Tokugawa Iemitsu qua đời, sankin kotai đã trở
thành một bộ phận không thể thiếu trong cơ chế hoạt động của chế độ phong kiến Nhật Bản. Do vậy, mặc dù có một số thay đổi nhưng chế độ sankin kotai đã được áp dụng hầu như xuyên suốt thời Edo. Trong quá trình thực hiện, Mạc phủ đã có những biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với những lãnh chúa không tuân lệnh. Năm 1636, Nambu Shigenao (1606-1664) lãnh chúa vùng Morioka về Edo chậm đã bị lưu giữ ở Edo suốt 3 năm. Một số khác thậm chí còn có thể bị cắt giảm hay tịch thu lãnh địa.Trong các đoàn sankin kotai, ngoài lãnh chúa và gia đình còn có một lượng lớn võ sĩ, gia nhân, người phục vụ và cả các trí thức, nghệ nhân… theo “về kinh phục vụ”. Thành phần của đoàn tuỳ tùng nhiều khi còn bao gồm cả lực lượng võ sĩ về Edo để bảo vệ các cơ quan trọng yếu của Mạc phủ và thực hiện một số nghĩa vụ quân sự khác. Trên đường đến Edo, theo truyền thống quân sự Nhật Bản, các đoàn sankin kotai luôn được chia làm 3 bộ phận:

1. Osendachi (Tiền quân hay Đoàn tiền trạm), 2. Omodachi (Trung quân hay Đoàn chính, lãnh chúa luôn đi trong đoàn này). Và cuối cùng là 3. Oatodachi (Hậu quân hay Đoàn đi sau). 

Sau khi đến Edo, lãnh chúa và tuỳ tùng sống tập trung trong các dinh thự và cơ sở lưu
trú riêng của lãnh địa. Với các lãnh chúa nhỏ, luôn có từ 100 đến 200 người thường xuyên
sống ở Edo. Nhưng, trong dinh thự của các lãnh chúa lớn luôn có đến hàng nghìn người làm việc và sinh sống. Thời Genroku (1688-1703), ngay cả lãnh chúa Ii ở Hakone tuy có thu nhập khiêm tốn 350.000 koku nhưng cũng có đến 5.000 người thường xuyên lưu trú. Cơ sở của lãnh địa Kaga cũng luôn có khoảng 4.000 người nhưng khi lãnh chúa Maeda và tuỳ tùng về Edo thì số lượng người có thể tăng lên đến 8.000. Đến thời Enkyo (1744-1748) lượng người trong dinh của Maeda đã tăng lên đến 10.000 ngay cả khi không có lãnh chúa ở đó.

Trong trường hợp của phiên Kaga, vào thời Maeda Tsunatoshi (1643-1724), đoàn sankin thường có khoảng 4.000 người tham gia bao gồm cả các võ sĩ cao cấp đi tháp tùng, võ sĩ bảo vệ, thư ký, người quản lý, người phục vụ, chuyên chở hàng hoá cho đến cả những người chuyên vác ô, chăm sóc ngựa… (18).

Vào đầu thời Tokugawa, lãnh chúa Matsuura cai quản vùng Hirado cũng đã cùng với đoàn tuỳ tùng đông tới 1.000 người kéo về Edo. Bác sĩ người Đức, Engelbert Kaempfer làm việc cho thương quán Hà Lan ở Nagasaki năm 1692, đã chứng kiến nhiều đoàn sankin trên đường đến Edo. Ông viết: “… đoàn tuần hành được tổ chức tuyệt vời. Đó là đoàn của một lãnh chúa lớn, được gọi như vậy, tất cả khoảng 20.000 người, còn đoàn của các shomyo thì có khoảng 10.000 người”(19). Rõ ràng, con số mà E. Kaempfer cung cấp là không xác thực. Các đoàn sankin kotai tuy đông nhưng không thể có quy mô lớn đến nhưvậy. Khi về Edo các võ sĩ luôn đem theo mình vũ khí gồm: gươm, giáo, khiên và cung tên… 

Từ thời Genroku (1688-1703) trong khuynh hướng “quý tộc hoá” các loại vũ khí mà võ sĩ
mang theo đều được trang trí tinh xảo và thường được dát kim loại quý. Để phân biệt đẳng
cấp, ngoài vị trí trong các đoàn tuần hành và thứ bậc khi diện kiến tướng quân thì cách thức ăn mặc cùng những mô típ trang trí trên trang phục và vũ khí của các võ sĩ cũng luôn có sự khác biệt. Trong các chuyến về Edo, theo truyền thống Nhật Bản, lãnh chúa bao giờ cũng mang theo quà biếu tướng quân. Nhìn chung, quà biếu thường là những vật phẩm có giá trị như: tơ lụa, bạc, gốm sứ, ngựa quý… Cũng cần phải thấy rằng quà tặng luôn có nhiều loại.

Ngoài số quà biếu chính thức mang tính chất nghi lễ khi diện kiến shogun các lãnh chúa còn những loại tặng vật khác gửi biếu thêm tướng quân hoặc tặng cho giới võ sĩ cao cấp trong hệ thống chính quyền.

Trong thời gian ở Edo, một số daimyo mà điển hình là lãnh chúa Shimazu, hàng tháng
đều có quà biếu tướng quân. Ở han Saga, lãnh chúa Nabeshima còn đặc chế ra loại gốm sứ cao cấp, có kỹ thuật chế tác và hoạ tiết hết sức tinh xảo chuyên dùng để biếu Thiên hoàng, Mạc phủ và nhiều lãnh chúa đồng minh khác. So với Hizen, mặc dù gốm Takatori không thật nổi tiếng nhưng lãnh chúa Kuroda cũng thường xuyên gửi biếu tướng quân cùng với một số loại sản phẩm khác như loại lụa đặc biệt để dệt obi (đai dùng trong kimono) và một số loại hải sản quý. Do có chất lượng và trình độ mỹ thuật khiêm nhường nên Tosa chỉ dùng gốm Odo để biếu các viên chức Mạc phủ và lãnh chúa chứ không gửi biếu tướng quân. Theo một sốnhà nghiên cứu, số lượng quà biếu của các địa phương là rất lớn. Vì vậy, “Do Mạc phủ không thể sử dụng hết số quà biếu này nên chúng đã được đưa ra thị trường qua một số thương nhân”(20). Về phần mình, để bày tỏ thái độ “trọng thị” trước sự tận tuỵ và trung thành của các daimyo, Mạc phủ bao giờ cũng tặng lại những vật phẩm có giá trị. Thông thường, tặng phẩm của tướng quân luôn có giá trị cao hơn so với quà biếu của các lãnh địa.

Thống kê mức quà biếu chính thức của 10 lãnh chúa tozama năm 1853 chúng ta thấy Mạc phủ đã nhận tổng cộng 340 thoi bạc và 150 súc lụa nhưng đã tặng lại 550 thoi bạc và 190 súc lụa cho các lãnh chúa. Cụ thể:

Bảng 3. Lượng quà biếu của lãnh chúa và tặng phẩm của tướng quân

bang 3

Nguồn: Toshio G. Tsukahiza: Feudal Control in Tokugawa Japan…, p.66.

Mặt khác, nhiều lãnh chúa tuy sống ở Edo nhưng vẫn không thể nào quên được hương vị của quê hương như: rượu sake, cá, nước chấm, trái cây… Do vậy, trong quá trình thực hiện nghĩa vụ sankin không ít lãnh chúa đã phải tự tổ chức nên một hệ thống tiếp tế lương thực và nhu yếu phẩm. Từ chỗ chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của đoàn sankin kotai, các đặc sản nổi tiếng của nhiều địa phương cũng dần được giới tiêu thụ ở Edo biết đến và chúng được chuyển về Edo với khối lượng lớn. Trong đó, Hachinohe thường chở về thóc gạo, đậu tương, lúa mì.

Kaga đưa về ngói, nước chấm, rượu sake… Do nhu cầu tiêu dùng ngày một cao, nhiều sản
phẩm nổi tiếng của các địa phương như gốm Hizen; kimono, tơ lụa và đồ sơn mài từ Kyoto… đã được các lãnh chúa và thị dân Edo hết sức ưa chuộng. Điều có thể khẳng định là, cùng với sự phát triển của kinh tế thương nghiệp, những nhu cầu tiêu dùng và trao đổi tặng vật thông qua chế độ sankin kotai đã tác động đến kinh tế địa phương và thu hút một lực lượng lao động lớn chuyên sản xuất, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm trên các thị trường lớn của Nhật Bản.

3. Các tuyến đường dẫn đến “kinh đô” và sự suy tàn của chế độ luân phiên trình diện

Trong nhận thức của các lãnh chúa thì thành Edo, nơi “trị vì” của tướng quân Tokugawa thực sự là trung tâm chính trị, là “kinh đô” của Nhật Bản. Tuân thủ chế độ sankin kotai, khi về Edo các lãnh chúa thường đi theo 5 tuyến đường chính được gọi là Gokaido, bao gồm:

Tokaido (Đông Hải đạo), Nakasendo (Trung Sơn đạo), Nikko dochu (Nhật Quang đạo
trung) Oshu dochu (Áo Châu đạo trung) và Koshu dochu (Giáp Châu đạo trung). Tất cả đều
bắt đầu từ Nihonbashi (Cầu Nhật Bản). Đây được coi là đầu mối giao thông, trung tâm
thương nghiệp của Edo và toàn thể Nhật Bản(21). Trên thực tế, Gokaido đã được thiết lập từ
thời Chiến quốc đến thời Edo vẫn được tiếp tục mở mang và hoàn thiện. Hầu hết các lãnh chúa miền Tây (vùng Shikoku và Chugoku) khi thực hiện sankin đều đi theo Tokaido. Đây là tuyến đường có mật độ lưu thông cao nhất Nhật Bản. Năm 1821, trong số 198 daimyo rời Edo thì đã có tới 116 theo Tokaido trở về lãnh địa. Năm 1821, có 245 daimyo (với tổng thu nhập là 18.367.000 koku) thực hiện chế độ sankin kotai và họ đã đi lại trên 8 tuyến đường dẫn đến Edo cụ thể như sau:

Bảng 4. Số lãnh chúa đi trên các tuyến đường và mức thu nhập (koku)

Tuyến đường             Số lãnh chúa đi trên tuyến đó                      Tổng thu nhập của lãnh chúa
Tokaido                              146                                                           12.000.000
Nakasendo                        30                                                             2.158.000
Nikko dochu                     4                                                                184.000
Koshu dochu                    37                                                              2.858.000
Oshu dochu                      3                                                                83.000
Iwatsuki-do                      1                                                                20.000
Mito Kaido                       23                                                              894.000
Nerima-dori                     1                                                                 70.000
Tổng số                             245                                                            18.367.000

Nguồn: Toshio G. Tsukahiza: Feudal Control in Tokugawa Japan…, p.71.

Để tiện việc đón tiếp khi các lãnh chúa về Edo, chính quyền Tokugawa đã cho xây
dựng các “quán sứ” trên các trục đường chính dẫn đến Edo như: Shinagawa trên đường
Tokaido, Itabashi trên đường Nakasendo và Senju trên dường Oshu dochu. Khi chế độ sankin kotai mới được thiết lập, đối với các lãnh chúa có địa vị cao mỗi khi về Edo thậm chí còn được shogun ra tận ngoại thành tiếp đón. Cùng với chủ trương ngày càng hoàn thiện hoá chếđộ sankin kotai, trên Gokaido chính quyền Tokugawa đã từng bước thiết lập một hệ thống các trạm nghỉ cho các đoàn sankin và công chúng. Năm 1603, chỉ riêng tuyến Tokaido đã xây dựng được 33 trạm nghỉ (shuku eki hay shukuba machi) và đến năm 1632 đã lập thêm được 20 trạm nữa. Như vậy, trước khi chế độ sankin kotai được chính thức thiết lập thì chỉ riêng tuyến Tokaido đã có 53 shuku eki. Mục tiêu của việc lập thêm những trạm mới này là để giảm bớt khoảng cách giữa các trạm cũ ví như trên tuyến Tokaido việc lập trạm Totsuka vào năm 1604 là để giảm bớt khoảng cách 16km giữa Hodogaya và Fujisawa, trạm Kawasaki lập năm 1623 để giảm 20km giữa Shinagawa và Kanagawa. Cùng với Tokaido, các tuyến đường khác cũng đều lập thêm nhiều trạm mới. Đến năm 1635, trên cả 5 tuyến đã có 248 trạm(22). Tuỳ theo chất lượng từng tuyến đường mà Mạc phủ quyết định đặt trạm.

Khoảng cách giữa các trạm thường từ 4 đến 12km. Ngoài những chức năng chung như nơi nghỉ ngơi, chữa bệnh, cung cấp dịch vụ đi lại, thông tin, ngựa trạm, địa điểm giải trí… để phục vụ nhu cầu của người qua lại, mỗi trạm đều ít nhiều tổ chức hoạt động kinh doanh. Ở đó, người ta thường bán những vật phẩm thiết yếu cùng với đặc sản địa phương. Tại các trạm lớn, hoạt động của hệthống dịch vụ luôn được tổ chức hoàn hảo.

Theo quy định, mỗi trạm phải có một nhà nghỉ chính (honjin) để đón tiếp các lãnh
chúa và võ sĩ cao cấp. Ngoài ra, còn có một số nhà nghỉ khác (waki-honjin) để đón tuỳ tùng và lữ quán (hatagoya) chuyên phục vụ khách vãng lai. Để tiện cho việc nghỉ ngơi và chăm sóc động vật hầu hết các trạm đều được lập tại những địa điểm tương đối rộng rãi, gần nguồn nước. Theo quan điểm của Constantine N. Vaporis thì vào thời Edo, trên các tuyến đường thuộc hệ thống Gokaido có 4 loại trạm nghỉ: 1. Trạm núi, chủ yếu là nơi dừng chân trên đỉnh đèo; 2. Trạm nông thôn, ở vùng đồng bằng nhưng tương đối xa vắng; 3. Trạm cảng thị, ở trong hay gần các bến cảng; và 4. Trạm thị trấn, thành thị, là các trạm nằm ở trung tâm hành chính, dân cư. Loại trạm này đóng nhiều chức năng khác nhau chứ không chỉ đơn thuần là nơi dừng chân của người qua lại. Trên tuyến Tokaido, ở loại hình 3 và 4, mỗi trạm thường có đội ngũ phục vụ và cung cấp dịch vụ, số người làm việc, sinh sống ở đây thường khoảng 3.000-4.000. Các trạm như: Fuchu, Kuwana, Okazaki, Hamamatsu, Odawara, Numazu, Yoshida, Kakegawa và Kameyama… thuộc tuyến Tokaido là những trạm lớn, nơi dừng chân chủ yếu của các lãnh chúa. Trong những năm 1630-1640, Mạc phủ đã yêu cầu tăng số người phục vụ ở mỗi trạm trên tuyến Tokaido trung bình lên gấp 3 lần gồm 100 khuân vác và 100 ngựa trạm. Trên tuyến Nakasendo, mức độ yêu cầu đối với mỗi loại là 50 còn các tuyến khác trong hệ thống Gokaido là 25. Trên thực tế, quy định đó của Mạc phủ không phải bao giờcũng được các địa phương bảo đảm chính xác. Thông thường lượng người phục vụ ở các trạm đều cao hơn so với yêu cầu.

Nhìn chung, việc điều hành và quản lý các trạm là do chính quyền địa phương đảm trách. Tại mỗi trạm như vậy đều có hệ thống quản lý đứng đầu là trạm trưởng (ton’ya-ba). Các trạm phải có trách nhiệm: “Phục vụ không chậm trễ bất kể đêm hay ngày, mưa hay nắng” với những hoạt động liên tục của hệ thống nhà nghỉ, ngựa trạm, thông tin, dịch vụ sửa chữa
phương tiện, thuyền qua sông và cả người khuân vác… Về phần mình, cùng với việc thực
hiện chế độ kiểm tra thường xuyên hoạt động của các trạm, Mạc phủ còn thiết lập một chế độtheo dõi bí mật trên các tuyến đường. Để bảo đảm hoạt động thông suốt của các trạm và toàn bộ hệ thống giao thông, trước mỗi dịp các lãnh chúa về Edo, Mạc phủ đều yêu cầu chính quyền địa phương sửa sang đường và cầu. Điều 15 của Luật Vũ gia ban hành năm 1635 khẳng định: “Đường, ngựa trạm, cầu phà phải được quan tâm và bảo đảm hoạt động thường xuyên. Luật nghiêm cấm bất cứ một hành vi thiếu trách nhiệm hay cản trở nào”(23). Vì lo sợ tình trạng mất an ninh và xuất phát cả từ những nguyên nhân kinh tế, đối với các lãnh chúa sống tại những khu vực tương đối tách biệt với Honshu (Bản Châu), Mạc phủ có thể cho phép các lãnh chúa đó đi theo những tuyến đường biển ngắn nhưng sau đó lập tức phải nhập vào hệ thống đường bộ và tuân thủ nguyên tắc của hệ thống này. Điều hiển nhiên là, Mạc phủ và chính quyền các địa phương chỉ bảo đảm cho sự thông suốt của hệ thống giao thông, tạo điều kiện cung cấp dịch vụ còn việc sử dụng và chi phí cho các dịch vụ đó là trách nhiệm của các đoàn sankin cùng lữ khách. Khi đi qua các trạm, tất cả các đoàn sankin thậm chí mỗi khách lữ hành, nếu đi đơn lẻ, đều phải xuất trình giấy phép đi lại do chính quyền hay cơ sở quản lý cấp(24).

Để bảo đảm an ninh, ngoài việc thực hiện sự giám sát thường xuyên tại hệ thống trạm nghỉ, Mạc phủ còn lập thêm các trạm kiểm tra (sekisho). Thời Tokugawa Hidetada, 53 trạm kiểm tra đã được dựng lên chủ yếu trên 2 tuyến đường chính dẫn đến Edo là Tokaido và Nakasendo. Trạm Arai dựng năm 1601 trên tuyến Tokaido và Kiso Fukushima dựng năm
1602 trên tuyến Nakasendo là những trạm lớn, có mức độ ki

0