Kỹ thuật trồng và chăm sóc chuối laba
Thiết kế đồng ruộng Khi tập trung từ 1 vài Ha trở lên cần phải dành 1 diện tích nhất định để thiết kế đảm bảo các mục đích sau: * Thiết kế khu vực nhà ở, sinh hoạt của công nhân, nơi chứa vật tư, nơi tập kết sản phẩm để sơ chế các chòi bảo vệ… * Chống gió bão : nhất là các vùng có ...
Thiết kế đồng ruộng
Khi tập trung từ 1 vài Ha trở lên cần phải dành 1 diện tích nhất định để thiết kế đảm bảo các mục đích sau:
* Thiết kế khu vực nhà ở, sinh hoạt của công nhân, nơi chứa vật tư, nơi tập kết sản phẩm để sơ chế các chòi bảo vệ…
* Chống gió bão : nhất là các vùng có gió lớn và thường bị ảnh hưởng của bão.
* Chống úng, tiêu thoát nước vào mùa mưa và thuận tiện cho việc tưới nước trong mùa khô. Những nơi có phèn phải thiết kế mương líp chống phèn bốc vào mùa nắng.
* Thuận lợi giao thông để chuyên chở phân bón, vật tư … cũng như chuyên chở chuối đến nơi sơ chế, tiêu thụ sản phẩm.
Chống gió bão
Đối với vùng Lâm Đồng nói chung và 03 huyện Lâm Hà, Đơn Dương, Đức Trọng tuy không bị ảnh hưởng trực tiếp của bão nhưng thường xuyên có những cơn gió, lốc xoáy đầu vụ, gió đông làm rách lá chuối ảnh hưởng đến năng xuất. Vì vậy khi trồng chuối tập trung với diện tích lớn từ 1 Ha trở lên nên thiết kế những hàng cây chắn gió.
Chống úng, hạn
– Chống úng: Đối với những vùng chân đất thấp, mùa mưa mạch nước ngầm xì ra cần phải đào mương thoát nước để chống úng. Một số nơi trồng trên đất ruộng 1 vụ, nông dân dùng máy múc đào lật đất xong dùng máy múc lên líp(luống) đào hố phơi ải đất từ 2 – 3 tháng . Tùy theo đất mà có khoảng cách thích hợp, thông thường khoảng cách giữa 02 mương thoát nước là 6 – 7 mét, trồng 02 hàng chuối.
– Đối với đất đỏ Bazan có tầng canh tác sâu, nên đào hố vuông rộng và sâu 80cm, một số nơi dùng máy đào hố sâu 1 – 1,2 mét, rộng 1 mét, hoặc đào thành hào theo đường bình độ, hào sâu 1 – 1,2 mét, rộng 1 mét sau đó đưa toàn bộ cỏ, cây (bắp) bã vỏ cà phê tươi, phân chuồng, vôi, lân …. xong đưa lại tầng đất mặt xuống lấp khoảng 30 – 40 cm phơi ải đất và ủ hoai từ 2 – 3 tháng trước khi trồng.
– Chống hạn: Do địa hình đồi núi, Yêu cầu vùng trồng chuối là phải có đủ nước tưới khi thời gian nắng kéo dài nhất là vào mùa khô khi chuối trổ buồng. Vì vậy khi chọn đất trồng chuối phải đảm bảo có nước tưới đầy đủ. Mặt khác thiết kế hệ thống tưới nước sao cho thuận tiện, chi phí thấp, hiệu quả .
Giao thông
Thiết kế giao thông nội bộ trong vùng sản xuất nơi có diện tích lớn đảm bảo phương tiện cơ giới vận chuyển vật tư phân bón và sản phẩm.
Kỹ thuật trồng
– Chuẩn bị đất trồng : Chuối LaBa được trồng trên nhiều chân đất khác nhau; tốt nhất là đất đỏ Bazan, đất xám, đất phù sa cổ, đất ven sông suối …..nhưng tốt nhất là đất tốt, tơi xốp, nhiều mùn nhất là đất phù sa, đất bùn ao phơi ải….. Đất trồng càng tốt cho năng xuất cao và ngược lại, cần bón vôi để nâng cao độ pH của đất.
– Làm đất: Trước khi trồng phải cầy bừa kỹ để diệt các loại cỏ dại nguy hiểm như cỏ tranh, cỏ ống … thu gom, ban đất. Hiện nay nhiều hộ nông dân đã dùng máy múc để đào lật đất sâu từ 0,6 – 1 mét rồi mới bón vôi trước khi tiến hành đào hố.
-Hố trồng chuối : Tùy theo từng dạng đất, địa hình mà có cách đào hố khác nhau; cây chuối cấy mô 60 x 60 x 80 cm. Cây con bứng từ củ mẹ 70 x 70 x 70 x 80 cm. Sau đó đưa tầng đất mặt xuống hố lấp lại từ 15 – 20cm.
Thông thường hố đào hình vuông trước 1 tháng để phơi ải, mỗi hố bón lót 5 -> 10kg phân chuồng hoai + phân lân + vôi bón vào hố xong trộn với lớp đất mặt dưới hố. Trước khi trồng 5 – 7 ngày bón lót phân hữu cơ vi sinh + thuốc trừ sâu Mocap hoặc Basaudin hạt để trừ sâu sau đó trộn đều đất. Đất dốc nên đào hố theo đường bình độ.
Bón vôi: Có hai cách bón vôi: bón toàn bộ bề mặt của đất hoặc bón theo từng hố đào, tùy theo độ pH mà bón vôi nhiều hay ít vì cây chuối LaBa phát triển tốt nhất khi pH từ 6 – 7.
Khoảng cách trồng: thay đổi tùy theo địa hình đất, đất tốt hoặc xấu. Thông thường nông dân trồng khoảng cách 3m x 3 m, trồng theo hướng Đông – Tây để tận dụng tốt ánh sáng mặt trời, trồng theo hình chữ nhật hay nanh sấu. Mật độ hố đào để trồng khoảng 100 cây -> 110 cây/ 1.000 m2 . Không nên trồng sát hàng bìa vườn vì cây chuối khi trổ buồng cao 3 mét dễ đổ qua vườn khác.
Tuy nhiên một số nơi nông dân đào hố thành rãnh (hào)dài sâu từ 0,8 đến 1,2 mét mật độ trồng còn lại từ 65 – 80 cây/1.000 m2
Cách trồng cây con chuối : Có hai trường hợp
– Đối với chuối cấy mô: Chọn những cây con mập mạnh, không bị nhiễm bệnh tiến hành trồng. Dự trù số cây con chết phải trồng dặm lại từ 2 – 5 %. Đặt mặt bầu đất (chuối con cấy mô) hay điểm tiếp giáp củ với thân giả (dạng chồi và củ) thấp hơn mặt líp từ 15 – 20 cm tùy theo loại đất. Nếu đất thoát nước tốt thì trồng sâu khoảng 20 cm (dạng đất đỏ bazan, đất cát pha…) nhưng đừng để nước đọng lại trong hố . Khi trồng dùng cuốc bới trộn lại đất phân trong hố đào sau đó đặt bầu đất chuối cấy mô xuống hố trồng, dùng dao hoặc kéo cắt bịch đất (chú ý cẩn thận để khỏi bể bầu đất và đứt rễ) sau đó lấp đất lại và nén chặt chung quanh gốc chuối.
Chú ý : đừng nén đất quá chặt làm dập con chuối. Nếu trời nắng quá có thể che tủ cây con trong tuần lễ đầu. Nếu trời không mưa tiến hành tưới nước ngay và lần tưới nước tiếp theo cách 2 – 3 ngày 1 lần.
– Trồng bằng cây con : Nên chọn các cây có hình búp măng có củ lớn. Khi bứng ở vườn chuối mẹ nên chọn vườn ít dấu hiệu bệnh Sigatoka. Panama, bunchy top. Sau khi bứng tiến hành ngay các việc sau:
– Gọt sạch rẽ sát củ, gọt các chổ củ rễ bị hư thối để lọai bỏ tuyến trùng, sùng đục củ. Cắt bớt 2/3 lá để giảm bớt sự bốc hơi nước.
– Đem ra khỏi vườn đào để tránh sùng đục củ đẻ trộn vào ban đêm. Dựng cây ở chổ thoáng, mát. Tránh ẩm ướt, chất đống, tránh phơi nắng hay mưa sẽ làm củ mau thối.
– Cắt 2/3 lá chuối trước khi trồng để bớt thoát nước. trước khi trồng. Hố đào và bón phân lót như chuối cấy mô có thể rộng hơn, dùng cuốc bới lại hố đào sau đó đặt cây con xuống hố trồng sau đó lấp đất lại.
-Trước khi trồng cần phân lọai cây con chuối theo kích thước để sau này chúng nở hoa tương đối đồng đều khi trồng.
– Tiến hành xử lý cây con chuối bứng từ cây mẹ bằng cách dùng 1 miếng vải bạt 4 m2 đào hố chứa nước hoặc thùng phi chứa nước… sau đó pha thuốc Basudin nước hoặc Mocap, thuốc Antonick, Zineb hoặc Mancozeb (Ridomil) hoặc các loại thuốc trừ bệnh phổ rộng …khác theo tỷ lệ khuyến cáo của nhà sản suất. Nhúng (ngâm) 1/3 cây chuối con (phần củ gốc) vào hố nước có pha thuốc 10 phút vớt ra để ráo trước khi mang trồng mục đích diệt sùng đục củ, sâu bệnh khác.
Cần lưu ý là đặt mặt cắt của củ cây giống từ cây mẹ về một phía để khi trổ buồng, buồng cũng hướng về một phía, tạo thuận lợi cho thu hoạch. Nếu trồng trên sườn đồi thì đặt mặt cắt của củ cây giống hướng xuống phía chân đồi để khi cây trổ buồng chuối sẽ ở phía trên. Và làm thế để khi chuối có buồng, các buồng sẽ kéo cây vào phía trong làm cây đỡ bị đổ.
Chú ý: Chỉ trồng âm khi biết rõ nơi trồng không bị ngập úng. Dậm đất cho chặt để tránh đổ ngả vì gió và cây sẽ mau bắt rễ hơn.
Không nên trồng sâu quá cây con bị ngộp rễ chậm phát triển, trồng nông quá cây chuối mau trồi gốc ở vụ sau ảnh hưởng đến năng xuất.
Thời vụ trồng: chuối LaBa được trồng quanh năm, tốt nhất nên trồng khi đất đủ ẩm hoặc vào đầu mùa mưa, cây sinh trưởng và phát triển tốt cho tỉ lệ sống cao.
Hiện nay do xác định được thời gian trổ buồng đến thu hoạch và chủ động tưới nước nên nhiều hộ nông dân trồng chuối chọn thời điểm khi thu hoạch giá bán chuối tại thị trường có lợi nhất và cho hiệu quả kinh tế cao nhất, tránh thu hoạch tập trung vào những mùa giá chuối trên thị trường thấp, không có lợi cho người sản xuất.
Bón phân cho chuối laba
Cây chuối sinh trưởng và phát triển chia làm 3 giai đoạn:
– Thời kỳ đầu: Thời kỳ dinh dưỡng và sinh trưởng của cây con.
– Thời kỳ giữa: Thời kỳ phân hóa mầm hoa. (giai đoạn quan trọng hình thành buồng, trái)
– Thời kỳ cuối : Thời kỳ ra hoa và phát triển buồng trái.
Sản lượng của cây chuối cao hay thấp chủ yếu quyết định bởi sự phân hóa mầm hoa để có số lượng nải và quả. Nhưng sự phân hóa này lại quyết định ngay trong thời kỳ đầu về lượng dinh dưỡng và sinh trưởng của cây chuối.
Sau thời kỳ cây chuối đã phân hóa mầm hoa, dù có bón phân như thế nào thì năng xuất vẫn giới hạn.
Yêu cầu về dinh dưỡng của cây chuối tương đối lớn, chất dinh dưỡng cần thiết này tuyệt đại đa số có trong đất hoặc phối hợp bón phân cho đất trồng chuối. Theo nguồn tư liệu của Viện nghiên cứu chuối quốc tế như sau : Thành phần dinh dưỡng bình quân của 1 cây chuối (g/cây)
Nguồn tư liệu : Twyfor – I – T (1976)
Tổng số dinh dưỡng cần thiết cho sự sinh trưởng và phát triển của cây chuối đạt năng xuất cao trong 1 năm (g/cây) . Tổng số dinh dưỡng cần thiết cho sự sinh trưởng và phát triển của cây chuối
Phân tích 01 cây chuối đạt năng suất cao cho thấy : lượng Kali rất cao gấp 3,6 -> 3,75 lần đạm; CaO và MgO rất cao nhưng hầu hết trên 75% tập trung vào thân và lá chuối.
Trung bình với năng suất 32 tấn/ha, cây chuối lấy đi 80kg N, 49kg P2O5 và 1.145kg K2O. Như vậy có thể thấy ngay rằng chuối là một trong số ít có nhu cầu kali lớn nhất. Tuy nhiên, rễ, thân, lá và đặc biệt cuống buồng, vỏ quả chuối giữ một lượng dinh dưỡng rất lớn, nên trong điều kiện có thể nên trả lại tối đa các bộ phận này cho đất (rễ chứa 5 – 10%; thân: 10 – 12%… so với tổng lượng hút).
Cân đối đạm – kali cho chuối có tầm quan trọng đặc biệt, tuy nhiên tỷ lệ canxi và magiê cũng rất quan trọng vì chúng chi phối hiệu lực của kali. Một số thí nghiệm cho thấy bón cân đối NPK cho chuối làm tăng năng suất 26 – 27 tạ/ha hay 9-28% với hiệu suất 13,2 – 27,5kg chuối/kg K2O tùy theo liều lượng kali sử dụng. Bón vôi cũng là biện pháp có hiệu quả nếu đất chua.
Hiện tại, để đảm bảo chuối có phẩm chất tốt hơn, người ta còn phun kẽm và bo với lượng 5 – 10kg/ha (1 – 3 lần phun/vụ). Tuy nhiên, phun vi lượng cho chuối là biện pháp còn ít được áp dụng.
Đây là nguyên nhân tại sao phải trồng chuối trên đất tốt phì nhiêu nếu không phải bón phân hữu cơ, đầu tư chăm sóc và quản lý tốt.
Lượng phân tổng quát bón cho 01 gốc chuối LaBa đạt năng xuất cao khuyến cáo như sau:
– Phân chuồng bón lót : 10 – 15kg/hốc;
– N: 200g đạm nguyên chất tức khoảng 450g Ure/ gốc/ năm.
– P25: 100g – 120g Lân nguyên chất tức khỏang 625g – 700g lân Lâm thao / gốc/ năm.
– K2O: 400g Kali nguyên chất tức khỏang 660g Kcl / gốc/ năm.
Có thể chia cây chuối ra làm 2 thời kỳ:
– Thời kỳ kiến thiết cơ bản .
– Thời kỳ kinh doanh.
Thời kỳ kiến thiết cơ bản: Là thời kỳ từ khi đặt trồng đến khi thu hoạch. Đây là thời kỳ rất quan trọng, nếu không tưới nước, bón phân, phòng trừ sâu bệnh kịp thời sẽ ảnh hưởng đến năng xuất thu hoạch
Bón phân:
Có thể chia ra từng đợt bón phân cho chuối LaBa trồng bằng mô như sau::
+ Đợt 1: 10 – 15 ngày sau trồng 10g Urê + 10g Kali /hốc.
+ Đợt 2: 30 ngày sau trồng 20g Urê + 20g Kali/hốc.
+ Đợt 3: 50- 60 ngày sau trồng 50 g Urê + 50 g Kali/hốc
+ Đợt 4: 90 – 100 ngày sau trồng 80 g Urê + 100g Kali/hốc.
+ Đợt 5: 120 – 140 ngày sau trồng 100 g Urê + 150 g Kali/hốc.
+ Đợt 6: 170 – 180 ngày sau trồng 100 g Urê + 150 g Kali/hốc.
+ Đợt 7: 210 – 230 ngày sau trồng 40 g Urê + 150 g Kali/hốc. Thời kỳ này cây chuối đã trổ buồng rất cần đạm và Kali, mặt khác cần cung cấp dinh dưỡng cho từ 2-3 chồi con tiếp theo. Sau 02 tháng kể từ ngày ra buồng nên bón phân tiếp theo lượng bón 150 g Urê + 150 g Kali/bụi. Phân bón cho cây chuối trồng bằng phương pháp nuôi cấy mô
Nếu sử dụng phân bón NPK (20-20-15+ VL; 16-16-8 13s; 15-5-20+2VL….) Trong 3 – 4 tháng đầu nên sử dụng phân bón có hàm lương đạm cao; từ tháng thứ 6 trở đi nên bón các loại phân có hàm lượng Kali cao, nếu thiếu phải bổ sung thêm kali đơn chất.Tuy nhiên tổng lượng phân thay đổi tùy theo độ phì của đất, năng suất của cây, mật độ trồng…
Ngoài phân bón NPK cần bón thêm :
– Phân chuồng từ 10 – 15kg/gốc vào đợt 3 hoặc đợt 4 và 10 – 15kg/gốc trước hoặc sau thu hoạch buồng chuối, và lập lại sau sáu tháng. Khi bón phân chuồng nên đào hố từ 3-4 theo hình vuông hay lục giác cách gốc 30 – 60 cm, sâu 20cm sau đó lấp lại, lần sau bón thì đào hố ngược lại.
– Bón vôi để nâng cao pH của đất đồng thời cung cấp CaO cho cây, phòng trừ nấm bệnh .
Trồng bằng cây con hay bằng củ có thể chỉ cần bón 3 – 4 lần. Mùa gốc lần bón đầu sau thu họach, lần hai lúc cây được 10 lá lớn và lần bón cuối trước khi chuối trổ buồng. Riêng phân lân chỉ bón 1 lần sau thu họach.
Để tránh sự rửa trôi củ nước mưa và sự bốc thoát hơi nước nên chôn phân cách gốc từ 30 – 60 cm trở ra, nơi có nhiều rễ nuôi cây. Bón theo băng hay hình bán nguyệt luân phiên.
Cần chú ý:
* Làn cỏ sạch trước khi bón phân.
* Tưới ẩm đất trước khi bón nếu trời không mưa.
* Vun đất vào gốc sau khi bón, tránh làm đứt nhiều rễ.
Làm cỏ, cắt bỏ lá già, kết hợp phòng trừ sâu bệnh, tỉa chồi và để chồi
Làm cỏ, cắt bỏ lá già, lá bị nhiễm bệnh, tỉa chồi phải thường xuyên khoảng 1 tháng/lần làm cho vườn chuối thông thoáng, gom hết lá già, lá bệnh ra khỏi vườn chuối; khi tỉa chồi, dùng dao cắt ngang thân sát mặt đất và hủy đỉnh sinh trưởng bằng cách dùng cây sắt nhọn đâm ngoắy vào đỉnh sinh trưởng sau đó nhỏ vài giọt dầu DO (Gasoil, dầu hôi).
Nên tiến hành tỉa vào lúc trời nắng ráo, tránh để đọng nước xung quanh làm chồi con bị thối lây sang cây mẹ. Việc để chồi thực hiện sau khi trồng 2 – 5 tháng, chừa lại cây con mập, khỏe mọc cách xa cây mẹ trên 20cm, sao cho mỗi bụi cây chuối có 3 – 4 cây có hình bậc thang cách nhau khoảng 4 – 5 tháng.
Trong 3 – 4 tháng năm đầu tiên trồng chuối, nông dân có thể tận dụng đất để trồng những cây họ đậu khác để hạn chế cỏ dại. Không nên trồng những cây họ bầu bí, cà, ớt và bắp.
Thời kỳ kinh doanh
Thời kỳ trổ buồng đến khi cây chuối cho thu hoạch, tiếp tục chăm sóc các cây con tiếp theo.
Trong giai đoạn này 01 gốc chuối thường xuyên có từ 3 – 4 đến cây; mỗi cây con kế tiếp nên để cách nhau từ 4 – 5 tháng . Nhu cầu lượng dinh dưỡng để nuôi 1 bụi chuối sẽ nhiều hơn.
Bẻ bắp – che và chống quày
– Ở những nơi có mật độ con Bù Lạch cao trước khi chuối trổ buồng cần phun xịt thuốc trừ sâu, rầy rệp như Basa, kết hợp với các loại thuốc phòng bệnh như Zineb, Macoze, Kocide …để diệt trừ bù lạch cắn phá tạo thành những vết sẹo trên quả chuối non và phun xịt lại khi chuối nhú buồng.
– Tiến hành chặt bỏ những bẹ lá chuối cạ vào buồng chuối để buồng chuối thông thóang không bị trầy xước.
– Sau khi xuất hiện 1 – 2 nải trung tính, tiến hành bẻ bắp cách nải cuối cùng khoảng 20cm vào buổi trưa để hạn chế sự mất nhựa. Tiến hành cắt tỉa những trái đôi và dị dạng, tỉa bỏ những nải chuối quá nhiều quả để quả chuối đồng đều và đẹp hơn. Đồng thời xoa gãy vòi nhụy trái để quả chuối đẹp hơn kết hợp phun xịt thuốc phòng sâu bệnh trước khi bao quày chuối.
– Dùng túi polyetylen màu xanh dương có đục lỗ để bao quày, mục đích giữ cho màu sắc vỏ trái được đẹp hơn, hạn chế bù lạch chích hút trái non và sẽ làm tăng năng suất quày chuối thêm 1kg.
– Nên dùng cây chống quày tránh đỗ ngã.Trong giai đoạn nầy có thể phun thuốc sâu và thuốc bệnh để phòng ngừa một số dịch hại .
Thu hoạch
Tùy theo chế độ chăm sóc, bón phân, tưới nước thông thường nếu chăm bón tốt : Từ trồng đến trổ khoảng 7 – 8 tháng; từ trổ đến thu hoạch buồng khoảng 115 – 130 ngày tùy theo thời vụ và thị trường đòi hỏi. Thường độ chín của quả được xác định qua màu sắc vỏ, độ no đầy và góc cạnh của trái. Lúc thu quày tránh làm cho trái bị trầy xước, sau đó vận chuyển đến nơi tiêu thụ.
Vệ sinh vườn và chăm sóc cây con tiếp theo
– Chặt bỏ, băm nhỏ những cây chuối đã thu hoạch đem ra khỏi vườn hoặc phơi khô đốt, đào hố chôn lấp xong rắc vôi…
Phân bón qua lá : Hiện nay là 1 biện pháp quan trọng nhằm cung cấp nhanh dưỡng chất cho giúp cây phát triển nhanh, khỏe, kháng bệnh tốt. Từ 7 – 15 ngày sau khi trồng nên sử dụng phân bón qua lá kết hợp với thuốc phòng trừ sâu bệnh, chất kích thích tăng trưởng (Chế phẩm WEGH (phân bón sinh học), chế phẩm hữu cơ từ cá, rong tảo biển,Antonik, Gibberellin (GA3), Cytokinin…) phun xịt cho cây chuối theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất giúp cây chuối con phục hồi và phát triển nhanh, đồng thời phòng trừ được sâu bệnh, nên phun thuốc cách nhau 1 tháng 1 lần . Phun lúc sáng sớm hoặc chiều mát.
Trong qua trình thâm canh chuối nên sử dụng những chế phẩm sinh học hữu cơ vừa nâng cao chất lượng quả chuối, vừa cải tạo đất, kết hợp bón thêm càng nhiều phân chuồng, phân hữu cơ …. càng tốt . Một số nơi nông dân tận dụng vỏ cà phê tươi sau khi ủ hoai làm phân hữu cơ bỏ vào vườn trồng chuối rất hiệu quả và giữ ẩm rất tốt.
Chẩn đoán vài dấu hiệu thiếu dinh dưỡng
-Thiếu N: chẩn trên toàn cây, cây còi cọc, bị chùn đọt, tốc độ ra lá giảm khiến chu kỳ của cây kéo dài, buồng nhỏ, năng suất kém.
-Thiếu P: chẩn trên lá già, lá bị cháy mép thành các đường răng cưa lớn và không liên tục.
-Thiếu K: chẩn trên lá già, lá bị vàng, màu vàng rực, gân giữa bị gãy, lá nhuộm nâu và treo trên vây lâu ngày, buồng nhỏ, cây chống chụi với khô hạn yếu.
-Thiếu Mg: chẩn trên lá già gồm: hiện tượng bệ lá xanh dương và hiện tượng cháy xoăn mép lá.
-Thiếu các chất vi lượng như Zn,Fe, Ca: chẩn trên lá non, có đốm sọc (Zn), có màu nâu đỏ trên đọt xì gà (Fe), lá non bị vàng mép hình răng cưa (Ca), vv…
Tưới nước
Sau khi trồng nếu trời không mưa cần tưới nước ngay và lần tưới nước tiếp theo cách 2 – 3 ngày tưới 1 lần, tưới tiếp tục hễ nắng hạn kéo dài 2 tuần liền. Vũ lượng hữu hiệu đối với chuối là ≥ 100 mm/ tháng. Lập lại lần tưới sau từ 3 – 7 ngày/ lần tùy sức giữ nước của đất. Cần kiểm soát chất lượng nước và sự tăng trưởng của cây, hễ khoảng cách giữa hai lóng giả không bị chùn lại, bản lá to xanh, tốc độ ra lá đều (7 – 10 ngày/lá) là đạt.
– Phòng trừ cỏ dại: Kết hợp cơ giới lúc làm đất, làm cỏ bằng tay, bằng hóa chất : như thuốc, vv.
Đề phòng gió bão bằng các biện pháp
– Phát triển và chấn chỉnh các đai cản gió.
– Vun gốc cao 10 cm để tránh trốc gốc.
– Dùng từ 1 – 2 cây chống buồng có cột dây chằng cây chuối với cọc chống hay với buồng. Cọc cần chống sâu 40 – 60 cm, cột dây ở 3 nơi: giữa thân, ngọn thân, cuống buồng. Việc chống buồng theo thế chân vạc gồm 2 cây tre bắt chéo vào nhau rất tốt nhưng tốn kém.
– Chừa lại 1 – 2 con chuối vững hơn và có cây thay thế liền khi cây mẹ bị đổ ngả.
– Sau cơn mưa bão cần:
*Thoát nước đọng.
*Dựng lại cây bị nghiêng.
*Chặt bỏ cây bị gãy đổ, trốc gốc …
Tỉa chừa con: Quyết định với vòng quay trong năm tức số buồng thu họach được trên mỗi bụi. Thường tuổi chênh lệch giữa cây chuối mẹ và con hay giữa hai chị em là 4 – 6 tháng. Con chừa lại phải mọc ở vị trí sao cho lá của nó không chạm vào buồng mẹ. Củ của nó phải mọc sâu để tránh gãy đổ trước khi thu họach. Con cắt bỏ nên cắt sát gốc rồi hủy đỉnh sinh trưởng đi.
Chăm sóc buồng chuối khi trổ
– Xoa gãy vòi nhụy: Tùy theo thị trường mà quyết định có nên xoa gãy vòi nhụy hay không. Đối với thị trường nội địa, nếu xoa gãy vòi nhụy phần chóp đầu quả chuối to, thương lái mua thấp hơn chuối LaBa không xoa đầu nhụy.
Nếu xoa đầu nhụy, khi trời nắng dùng tay xoa gãy vòi nhụy lần 1 sau khi trổ nải thứ 4, lần 2 sau khi trổ hết nải.
– Tỉa bớt trái trên nải: Những nải đầu nhiều trái mọc quá khít, cần tỉa bớt để cho các nảỉ phát triển đều. Dùng dao cắt sát cuống trái, tránh làm rơi nhựa ra vỏ quả.
– Bao buồng: Với mục đích làm mẫu mã quả đẹp hơn: chống rám nắng, sâu bệnh phục vụ cho việc xuất quả tươi. Bao buồng sau khi đã phun thuốc lần tứ hai, đã tỉa nải để loại bỏ những quả dị tật hoặc nải quá nhiều quả, thông thường khoảng 15 – 20 ngày sau khi trổ . Bao buồng bằng nylon màu xanh, có đục sẵn nhiều lỗ nhỏ cho thông khí. Khích thước bao là 120 x 75 cm. Lùa bao vào buồng từ dưới lên, dùng dây nylon màu (dây này thay đổi màu theo lịch trổ buồng) cột túm ở phần trên, đầu dưới cột hẹp mép lại nhưng không kín để tránh gió giật rách bao. Mùa nắng do trời quá nắng bên ngoài bao nylon phía trên bọc thêm một lớp giấy ciment để tránh cháy nắng.
Thu họach, vận chuyển – sơ chế
a-Thu hoạch: Tùy theo thị trường tiêu thụ mà có thời gian thu hoạch khác nhau. Từ trổ đến thu hoạch phải mất khoảng 115 – 130 ngày tùy theo nhiệt độ và ẩm độ. Nếu thu hoạch quá sớm năng xuất thấp.
Đối với thị trường nội địa thường thu hoạch khi quả chuối căng, no tròn.
Đối với thị trường xuất khẩu, thường thu họach lúc quả ¾ gầy, nghĩa là quả còn góc cạnh rõ. Người quản lý cần gám sát nhiều hôm trước và có kế họach vận chuyển trước khi cắt .
Khi thu họach cần 1 – 2 công nhân chặt và vít cây mẹ xuống để khi thu buồng không rơi xuống đất. Tránh xây sát buồng. Sau thu họach cây mẹ cần cát bỏ.
b- Vận chuyển: Vác, gánh hoặc khiêng buồng đến điểm tập kết gần nhất, tại đây phải có những thanh cây để móc buồng lên, phía trên lợp lá tránh nắng. Rờ moọc sẽ gom các buồng về nhà sơ chế. Xe chở chuối và chỗ sơ chế cũng phải có chổ móc buồng. Cần phải làm nhanh gọn trong vòng 4 – 6 giờ vì chuối mau hư.