23/05/2018, 15:59

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cam

Quả cây cam ngoài việc dùng để ăn tươi còn dùng để làm đồ hộp, mứt, nước ngọt, làm rượu v.v… Vỏ quả, hoa, lá cam có thể chế biến dầu dùng trong công nghiệp thực phẩm và mỹ phẩm. Trong đông y dùng vỏ quả, lá và rễ cam để làm thuốc chữa ho, trị cảm, trợ tim. Ngoài ra quả cam còn là mặt hàng ...

Quả cây cam ngoài việc dùng để ăn tươi còn dùng để làm đồ hộp, mứt, nước ngọt, làm rượu v.v… Vỏ quả, hoa, lá cam có thể chế biến dầu dùng trong công nghiệp thực phẩm và mỹ phẩm. Trong đông y dùng vỏ quả, lá và rễ cam để làm thuốc chữa ho, trị cảm, trợ tim. Ngoài ra quả cam còn là mặt hàng xuất khẩu quan trọng.

Trồng cam trong vườn nhà cho thu nhập cao hơn các loại cây ăn quả khác (táo, chuôi, hồng xiêm) và đòi hỏi người làm vườn phải nắm được kỹ thuật thâm canh cây cam.

Một số giống cam tốt được trồng hiện nay trong nhân dân và nông trường quốc doanh được thể hiện dưới bảng 23.

Tuy nhiên, mỗi địa phương cũng có những giống tốt: cam Mường Pồn (Điện Biên), cam Sa Đéc (Đồng Tháp), cam Cái Bè (Tiền Giang), cam Xuân (Khánh Hoà), cam Gia Rai (Gia Lai – Công Tum…) ngoài ra còn một số giống cam nhập nội, có triển vọng: chín sớm – cam Hamlin, chín muộn – cam Valenxia. cây camcây cam

Yêu cầu ngoại cảnh

Nhiệt độ: Nhiệt độ cần cho sinh trưởng của cam quýt từ 12 – 39°c, thích hợp nhất ở 23 – 29°C. Nơi có nhiệt độ bình quân năm 15°C là trồng được cam quýt. Cam quýt không chịu được rét nhưng so với nhiều cây ăn quả nhiệt đối khác cam chịu lạnh khá hơn nhiều, cho nên ở miền Bắc nước ta cam cũng có thể trồng ở mọi nơi. Một số giống cam tốt được trồng phổ biếnMột số giống cam tốt được trồng phổ biến

Nước: Lượng mưa hàng năm 1.000 – 1.500 mm và phân bố đều là trồng cam tốt. Độ ẩm không khí thích hợp 70 – 80% ‘ Trồng cam ở nơi có độ ẩm không khí cao cho quả lớn và đều, vỏ bóng, nước nhiều, vị ngọt, ngon, màu sắc quả đẹp, ít rụng quả.

Nhưng độ ẩm quá cao sẽ thuận lợi cho sâu bệnh phát triển và gây hại.

Ánh sáng: Ưa đầy đủ ánh sáng. Ánh sáng tán xạ thích hợp cho cây hơn là ánh sáng trực xạ. Thiếu ánh sáng cây sinh trưởng kém, khó phân hoá mầm hoa, ít quả, dẫn đến năng suất thấp.

Đất đai: Vùng đất phù sa ven sông xốp, nhẹ, nhiều màu rất tốt cho cam quýt phát triển. Các loại đất phù sa cổ, bazan, phiến thạch, dốc tụ… trồng cam vẫn tốt, miễn là có tầng dày > 1m, thoát nước tốt trong mùa mưa và có mực nước ngầm thấp. Độ pH 4 – 8, tốt nhất 5,5 – 6,5.

Gió: Cần có biện pháp để hạn chế tác hại của bão hàng năm, gió Lào vào mùa hè.

Kỹ thuật trồng và chăm sóc

Làm đất, đào hố, bón phân lót: Trước khi trồng cày đất sâu 40 – 45cm, bừa nhỏ và phẳng, nhặt hết cỏ. Đào hố rộng 60 – 80cm, sâu 60cm. Phơi ải hố 20 – 25 ngày, sau đó bón phân lót, lấp hố trước khi trồng 20 – 30 ngày. Lượng phân bón lót cho mỗi hố như sau: Phân hữu cơ 30 – 50kg + 250 – 300 g fotfat (hay lân nung chảy) + 200 – 250 g sulfat kali + 1kg vôi bột. Trộn đều với đất mặt để lấp hố.

Mật độ khoảng cách trồng: Tuỳ theo giống, đất đai, khí hậu khoảng cách trồng có thể là 6 x 5m,  6 x 4m hay 5 x 4m.

Thời vụ trồng, cách trồng: Vụ xuân trồng vào tháng 2, 3. Vụ thu tháng 8, 9, 10. Dùng cuốc moi đất chính giữa hố vừa lớn hơn bầu cây con, đặt bầu vào hố, thân cây thẳng, mắt ghép quay về hướng gió chính, mặt bầu cao hơn mặt đất, điểu chỉnh cho cây thẳng hàng rồi lấp đất và nén chặt. Sau đó tưới mỗi gốc 30 – 40 lít nước. Lúc mới trồng cứ 3 – 5 ngày tưới một lần trong tháng đầu tiên.

Trồng xen cây ho đậu, cây phân xanh trong vườn cam giúp tăng độ màu mỡ cho đất, hạn chế cỏ dại, chống xói mòn và giữ ẩm cho cây. Có thể dùng lạc, đỗ tương, các loại rau, đậu hồng đào, cỏ stylô. Ở vùng đồi thì dùng cây cốt khí, các loại muồng để trồng xen trong vườn cam khi cây còn nhỏ ở những năm đầu.

Chống cỏ dại, tưới nước trong mùa khô và tiêu nước chống úng kịp thời cho cây vào mùa mưa.

Bón phân cho cam: Lượng phân bón cho cam ở các lứa tuổi, có thể tham khảo trong bảng sau:

Lượng phân bón cho cam ở các lứa tuổi
Thời vụ bón phân: cho vườn cam đang có quả

 Thời vụ bón phân: cho vườn cam đang có quả
Phương pháp bón:

+ Bón lót cuối năm: Cuốc rãnh sâu 30 – 40cm theo hình chiếu của tán cây cam. Cho phân hữu cơ, lân và vôi xuống rồi lấp đất lại. Đất thấp, mực nước ngầm cao thì nên đào rãnh nông, trái lại ở vùng đồi có thể cuốc sâu hơn.

+ Bón thúc phân vô cơ: Sunfat đạm, urê, supe lân, sunfat kali, clorua kali…vãi đều phân theo hình chiếu tán cây, lấy cuốc lật đất 5 – 10cm, lấp phân, Nếu trời hanh khô có thể hoà phân vào nước để tưới cho cây.

+ Phun lên lá để bổ sung dinh dưỡng cho cây các nguyên tố vi lượng như Mn, Fe, Zn5 B, Mo…và các chất kích thích sinh trưởng 2,4D, NAA, GA để tăng tỷ lệ đậu quả và làm cho quả chóng lớn.

Thu hoạch quả cam

Tuỳ giống sớm hay muộn mà thời gian thu hái khác nhau, cần hái đúng độ chín khi tỷ lệ chất khô đạt 9% trở lên hoặc khi 1/3 vỏ quả đã chuyển màu vàng. Thu hái cần nhẹ nhàng tránh xây xước hoặc bầm dập. Nên hái quả vào những ngày khô ráo. Thu hái đến đâu có kế hoạch vận chuyển, tiêu thụ đến đó.

 

0