23/05/2018, 15:58

Thực trạng phát triển tre trúc song mây ở việt nam

Thực trạng về diện tích Thực trạng diện tích rừng tre trúc Nước ta được xác định là nằm ở trung tâm vùng phân bố của tre trúc, nên rất phong phú và đa dạng về loài. Theo Nguyễn Hoàng Nghĩa (2005) thì Việt Nam có 216 loài tre nứa thuộc 25 chi và có thể có thể đến 250 loài. Theo Nguyễn Ngọc Bình ...

Thực trạng về diện tích

Thực trạng diện tích rừng tre trúc

Nước ta được xác định là nằm ở trung tâm vùng phân bố của tre trúc, nên rất phong phú và đa dạng về loài. Theo Nguyễn Hoàng Nghĩa (2005) thì Việt Nam có 216 loài tre nứa thuộc 25 chi và có thể có thể đến 250 loài. Theo Nguyễn Ngọc Bình và Phạm Đức Tuấn (2007) thì tổng diện tích rừng tre các loại, kể cả rừng tự nhiên và rừng trồng, kể cả rừng thuần loài và hỗn loài, cả nước có gần 1,5 triệu hecta (bảng 01). Trong đó, hơn 1,4 triệu hecta là rừng tự nhiên, bao gồm gần 800 ngàn hecta là rừng thuần loài và hơn 600 ngàn hecta là rừng hỗn loài. Rừng trồng có gần 74 ngàn hecta, chủ yếu là trồng các loài như: Luồng; Mai xanh, tre Bát độ và một số loài tre lấy măng khác. Diện tích tre trúc phân bố theo các vùng ở Việt NamDiện tích tre trúc phân bố theo các vùng ở Việt Nam

Thực trạng diện tích trồng song mây

Nước ta cũng được xác định là trung tâm phân bố của các loài song mây nói chung, nên rất đa dạng và phong phú về thành phần loài. Theo Vũ Văn Dũng và Lê Huy Cường (1996) thì ở Việt Nam có khoảng trên 30 loài, phân bố rộng khắp trong các trạng thái rừng tự nhiên khác nhau từ Bắc tới Nam, trong đó có khoảng 55,5% số loài đặc hữu của vùng Đông Nam á. Đến năm 2010, đã phát hiện ở Việt Nam có thêm 15 loài mới phân bố ở các vùng sinh thái khác nhau, nâng tổng số các loài song mây ở Việt Nam lên khoảng 4 – 5 loài, nhiều nhất ở các tỉnh ven biển Miền Trung. Hiện nay ở khu vực Đông Nam á cũng như ở nước ta, song mây được xác định là sản phẩm thương mại quan trọng đứng thứ 3 sau gỗ và tre trúc. Tuy nhiên, đến những năm cuối của thế kỷ trước các sản phẩm này chủ yếu được khai thác ở trong rừng tự nhiên, do chúng phân bố rất rải rác ở trong rừng tự nhiên nên không thể thống kê được diện tích và dự đoán được trữ lượng. Những năm đầu của thế kỷ 21 phần lớn sản phẩm này đã được khai thác từ rừng trồng nên có thể thống kê được diện tích. Diện tích trồng mây - song đến hết năm 2009Diện tích trồng mây – song đến hết năm 2009

Theo Nguyễn Quốc Dựng và các cộng sự (2010), tính đến hết năm 2009 cả nước có 12 tỉnh trồng được hơn 3.031ha song mây (bảng 02), gồm 4 loài chủ yếu là: Mây nếp (Calamus tetradactylus), Mây nước (Daemonorops poilanei), Song mật (Calamus platyacanthus) và Mây đắng (Calamus walkeri), nhưng phần lớn diện tích này là Mây nếp. Ngoài ra, một số tỉnh khác đã trồng tới hàng chục hecta nhưng chưa thống kê được như: Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn. Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Ninh,…

Thực trạng về số lượng các cơ sở sản xuất chế biến mây tre

Theo số liệu thống kê của ngành mây tre đan trong những năm đầu của thế kỷ 21 thì cả nước có 2.017 làng nghề với nhiều loại hình sản xuất như hộ gia đình, tổ sản xuất, tổ hợp tác, các hợp tác xã, các doanh nghiệp tư nhân… Trong đó, làng nghề sử dụng nguyên liệu là tre, trúc, song, mây (gọi chung là mây tre đan) có số lượng lớn nhất với 713 đơn vị phân bố rộng khắp ở các vùng trong cả nước (bảng 03), chiếm 24% tổng số làng nghề thủ công, thu hút khoảng 350.000 lao động.

Phân bố làng nghề thủ công theo vùngPhân bố làng nghề thủ công theo vùng

Theo kết quả điều tra của Dự án JICA từ năm 2002 – 2003 thì nghề làm giấy dó bằng nguyên liệu từ tre nứa đã gắn với văn hoá Việt từ khoảng 1.000 năm trước đây, mặc dù hiện nay giấy công nghiệp đã phát triển và sử dụng rất rộng rãi nhưng vân còn 8 làng nghê làm giấy truyền thống, chiếm 0,3% tổng số làng nghề. Một số địa phương vẫn giữ được làng nghề làm giấy như: Bắc Ninh, Thái Bình, Thanh Hoá. Ngoài ra, còn có một số cơ sở sản xuất giấy vàng mã từ tre nứa như ở các tỉnh: Yên Bải, Lào Cai, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên,…

Theo kết quả điều tra của Cục chế biến thương mại nông lâm thuỷ sản và nghề muối của Bộ NN&PTNT đến năm 2006 thì hầu hết các cơ sở sản xuất mây tre đan xuất khẩu đều thiếu tới 50% nguyên liệu đầu vào. Chính vì vậy, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt “Đề án bảo tồn và phát triển LSNG giai đoạn 2006 – 2020”. Nội dung bảo tồn và phát triển LSNG cũng đã được lồng ghép trong chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2006 – 2020.

Theo số liệu thống kê của Viện Điều tra Qui hoạch rừng năm 2011 thì cả nước có 186 doanh nghiệp, 55 làng nghề thủ công và 517 hộ gia đình tham gia chế biến các sản phẩm LSNG (bảng 04), chủ yếu là các sản phẩm sử dụng nguyên liệu tre trúc song mây như: bàn, ghế, giường, kệ, khay, đũa, giỏ sách, mành, chiếu,… chưa kể đến các nhà máy chế biến giấy và bột giấy quy mô lớn. Phân bố các cơ sở chế biến theo vùng đến 2011 (Nguồn: Viện Điều tra Quy hoạch rừng, 2011)Phân bố các cơ sở chế biến theo vùng đến 2011 (Nguồn: Viện Điều tra Quy hoạch rừng, 2011)

Thực trạng thị trường các sản phẩm mây tre

Trước giai đoạn đổi mới, thị trường nói chung và thị trường LSNG của Việt Nam nói riêng rất nhỏ bé và phân tán, chủ yếu thị trường tiêu dùng trong nước và một số quốc gia thuộc khối XHCN. Từ khi đổi mới, nhất là từ sau năm 1995 nền kinh tế thị trường phát triển, thị trường được mở rộng sang cả các nước thuộc khối TBCN, đó là động lực thúc đẩy mở rộng sản xuất và xuất khẩu. Thị trường các mặt hàng nông sản của Việt Nam phát triển mở rộng và được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm, trong đó có các mặt hàng LSNG. Hiện nay LSNG và các sản phẩm chế biến từ LSNG của Việt Nam đã được xuất khẩu tới trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau trên thế giới. Theo thống kê chưa đầy đủ trong khoảng 10 năm gần đây kim ngạch xuất khẩu LSNG và các sản phẩm chế biến từ LSNG tăng nhanh đến 2008 và giảm vào các năm 2010 – 2011 (năm 2003: 154 triệu USD; 2004: 198 triệu USD; 2007: 219 triệu USD; 2008: 250 triệu USD; 2011: 200 triệu USD). Một số thị trường lớn và ổn định với các mặt hàng mây tre đan của Việt Nam gồm: Nhật Bản, Đức, Đài Loan, Pháp, Hoa Kỳ, Anh, Tây Ban Nha, Italia, Hà Lan, Bỉ, Canada, Hàng Quốc, Nga, Thụy Điển, úc,…

Tóm lại.

Với các số liệu đã dẫn trên đây tuy chưa thống kê cập nhật được đầy đủ và kịp thời các thông tin liên quan, nhất là thông tin về nhu cầu sử dụng nguyên liệu và thị trường tiêu thụ các sản phẩm từ mây tre trong một vài năm gần đây, nhưng xu hướng phát triển các ngành nghề liên quan đến nguyên liệu mây tre cũng cho thấy luôn luôn có nhu cầu nguyên liệu lớn, mà khả năng cung cấp từ rừng tự nhiên ngày càng hạn chế, rừng trồng thì chưa phát triển. Vì thế, việc gây trồng các loài mây tre nhăm cung cấp nguyên liệu cho sản xuất là rất cần thiết. Tuy các loài LSNG khá phong phú như đã nêu ở bài phân loại, nhưng trong phạm vi tài liệu này cũng chỉ mới giới thiệu kỹ thuật gây trông cho 11 loài tre trúc và 3 loài song mây, đây là số lượng rất khiêm tốn trong số các loài tre trúc song mây hiện có ở Việt Nam. Đồng thời các loài tre trúc song mây cũng chỉ là một nhóm nhỏ nằm trong hệ thống phân loại các loài LSNG như đã nêu ở trên. Cho nên sau loạt bài này, chắc chắn sẽ còn có nhiều công trình nghiên cứu tiếp theo và cũng sẽ có một số ấn phẩm về kỹ thuật gây trồng các loài cây thuộc nhóm LSNG khác để góp phần phục vụ sản xuất cũng như nghiên cứu khoa học và đào tạo.

0