23/05/2018, 15:56

Tình hình sản xuất hoa Lily cắt trên thế giới và ở Việt Nam

Tình hình sản xuất hoa Lily trên thế giới Hoa Lily cắt cành là một loại hoa đẹp, hiện đang là một trong số 6 loại hoa cắt phổ biến và có giá trị nhất (Hồng, Cúc, Phăng, Lay ơn, Đồng tiền, Lily). Tuy Lily là loại hoa mới phát triển gần đây, nhưng vì ngoài vẻ đẹp quyến rũ chúng lại có hương thơm ...

Tình hình sản xuất hoa Lily trên thế giới

Hoa Lily cắt cành là một loại hoa đẹp, hiện đang là một trong số 6 loại hoa cắt phổ biến và có giá trị nhất (Hồng, Cúc, Phăng, Lay ơn, Đồng tiền, Lily). Tuy Lily là loại hoa mới phát triển gần đây, nhưng vì ngoài vẻ đẹp quyến rũ chúng lại có hương thơm thanh nhã. Vì vậy, Lily là một trong những loại hoa được ưa chuộng nhất trên thế giới.

Năm 1997, Hà Lan có 356ha Lily, đứng thứ 2 trong tổng diện tích hoa cắt trồng bằng củ (sau Tuylíp). Sở dĩ hoa Lily được phát triển mạnh trong những năm gần đây là do người Hà Lan đã tạo ra rất nhiều giống mới có hoa đẹp, chống chịu sâu bệnh tốt, năng suất cao. Ngoài ra, còn do kỹ thuật điều khiển hoa phát triển nhanh có thể cho hoa quanh năm. Một nguyên nhân nữa là do có sự đầu tư cơ giới hoá trong việc trồng và chăm sóc đã làm giảm giá thành; vì vậy hiệu quá kinh tế từ việc trồng Lily cao hơn hẳn trước đây.

Hiện nay, Hà Lan mỗi năm trồng 18.000ha hoa Lily, trong đó xuất khẩu 70%.

Nhật Bản là nước có truyền thống dùng hoa cắm và cũng là một trong những nước tiêu thụ và nhập khẩu hoa cắt lớn nhất châu Á (mỗi năm khoảng 500 triệu USD). Nhật cũng là nước sản xuất hoa lớn, diện tích sản xuất hoa năm 1992 của nước này là 4.600ha với 36.000 hộ, sản lượng đạt 900 triệu Yên, trong đó hoa Cúc chiếm vị trí thứ nhất tiếp đó đến hoa Hồng và hoa Phăng. Hoa Lily đứng ở vị trí thứ 4, trong đó có 2 giống Lily là StarGager và CasaBlanca không những rất được ưa chuộng ở Nhật mà còn nổi tiếng trên thế giới.

Những năm gần đây Hàn Quốc là một trong những nước phát triển nghề trồng hoa mạnh, lượng xuất khẩu hoa của Hàn Quốc lớn nhất khu vực Đông Bắc Á. Theo thống kê năm 2002, Hàn Quốc có 5.000ha trồng hoa với 1,2 vạn người tham gia, giá trị sản lượng đạt 700 triệu USD, gấp 8 lần năm 1989. Trong đó, Lily là loại cây có hiệu quả kinh tế cao nhất trong các loại hoa ở Hàn Quốc.

Kênia là nước sản xuất hoa chủ yếu của châu Phi và là nước xuất khẩu hoa tươi lớn nhất châu lục này. Hiện nay, nước này có tới 3 vạn nông trường với hơn 2 triệu người trồng hoa, chủ yếu là hoa Phăng, hoa Lily, hoa Hồng. Mỗi năm nước này xuất khẩu sang châu Âu 65 triệu USD, trong đó riêng hoa Lily chiếm 35%.

Công nghệ sản xuất hoa Lily cắt cành ở Đài Loan rất tiên tiến, trình độ canh tác còn cao hơn Hàn Quốc, chỉ kém Nhật Bản; năm 2001 nước này đã có 490ha trồng Lily, trong đó xuất khẩu Lily cắt cành đạt 7,4 triệu USD.

Hà Lan là nước có công nghệ tạo giống và trồng Lily tiên tiến nhất hiện nay. Mỗi năm Hà Lan tạo ra từ 15 – 20 giống mới, sản xuất 1,315 triệu củ giống Lily, cung cấp cho 35 nước khác nhau trên toàn thế giới.

Ngoài các nước kể trên còn có nhiều nước trồng Lily lớn khác như: Italia, Mỹ, Đức, Mêhicô, Colombia, Israel… giống hoa Lily Chiến sỹgiống hoa Lily Chiến sỹ

Tình hình sản xuất hoa Lily ở Việt Nam

Theo kết quả điều tra ở một số tỉnh trên cả nước chúng tôi có nhận xét về tình hình trồng Lily như sau: Chủng loại hoa quý này hiện mới được trồng ở một số tỉnh thành phố có nghề trồng hoa phát triển: Đà Lạt, Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng… Phải nói rằng so với các chủng loại hoa khác thì chủng loại hoa này chiếm tỷ lệ cả về diện tích và số lượng còn quá nhỏ.

Đà Lạt là nơi hiện đang có diện tích trồng Lily nhiều nhất so với các địa phương khác trên cả nước (chiếm khoảng 8% trong tổng diện tích trồng hoa), còn ở Hà Nội, Hải Phòng chỉ mới trồng mang tính chất thử nghiệm. Tình hình phát triển hoa Lily ở Đà Lạt khá thuận lợi, một phần do thiên nhiên ưu đãi cho sự phát triển của các giống hoa nói chung và cho hoa Lily nói riêng, một phần do kỹ thuật trồng Lily của Đà Lạt tương đối cao nên hoa sinh trưởng phát triển khá tốt. Hiện nay, Lily là một trong những loại hoa đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho một số công ty hoa ở Đà Lạt.

Một số đặc điểm chung của nghề trồng Lily ở Việt Nam như sau:

– Là một loại mới, kỷ thuật sản xuất còn lạc hậu.

– Thiếu sự chỉ đạo thống nhất, sản xuất thiếu tính đồng bộ.

– Diện tích ít, sản lượng thấp, chất lượng hoa chưa cao.

-Đầu tư cho khoa học kỹ thuật chưa nhiều, củ giống trong nước bị thoái hoá nghiêm trọng, phần lớn giống phải nhập từ nước ngoài, do đó bị động và dẫn đến giá thành sản xuất cao.

Triển vọng của nghề trồng Lily

Ngày nay, đời sống người dân đã được nâng cao, nhu cầu hoa tươi ngày càng lớn. ở Hà Lan bình quân mỗi người mỗi năm tiêu thụ 150 cành hoa các loại: Pháp 80 cành, Anh 50 cành, Mỹ 60 cành, Việt Nam chỉ có 4,5 cành. Như vậy, tiềm năng thị trường hoa ở Việt Nam còn rất lớn.

Hoa Lily cắt cành mới phát triển gần đây nhưng do có dáng đẹp, mùi thơm quý phái, màu sắc hấp dẫn, quanh năm có hoa, được rất nhiều người ưa chuộng do vậy nhu cầu tiêu dùng sẽ ngày càng cao.

Hiện nay, ở Việt Nam Lily được xếp vào loại hoa cao cấp, thường đắt gấp 10 – 15 lần so với các loại hoa Cúc, hoa Hồng, Cẩm Chướng, Hồng Môn, chỉ sau Phong lan, Địa lan. Vì bán được giá cao nên việc trồng Lily đang thu hút lớn các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước, chính vì thế nghề này rất có triển vọng phát triển.

Một số yêu cầu cần lưu ý trong sản xuất và kinh doanh hoa Lily

Sản xuất Lily khác với sản xuất các loại hoa khác. Sản xuất hoa Lily cần đầu tư lớn và có tính thời vụ cao, cần phải tính toán cho Lily nở đúng vào các dịp lễ, tết. Ngoài ra lá, hoa phải tươi, màu sắc đẹp, nhiều nụ, cành cứng, thẳng, đạt tiêu chuẩn phẩm cấp cao, mặt khác sau khi cắt xuống còn phải bảo quản, cất giữ đóng gói, vận chuyển. Vì vậy, sản xuất hoa Lily đòi hỏi kỹ thuật cao, công nghệ khép kín.

Người sản xuất kinh doanh Lily trước hết phải căn cứ vào đặc tính sinh lý, yêu cầu kỹ thuật, vào nhu cầu thị trường để lựa chọn chủng loại; sau đó xác định quy mô và phương thức sản xuất. Trồng hoa Lily là một ngành trồng trọt tập trung trên diện tích không cần lớn lắm, sản lượng tính theo đơn vị là cây (cành), mỗi hecta Lily có thể cho 20 – 25 vạn cành. Một năm trồng 2 – 3 vụ thì mỗi năm có thể cho 60 vạn đến 75 vạn cành; mỗi vụ lại chia ra làm nhiều đợt, mỗi đợt tiêu thụ bao nhiêu là con số để xác định thời vụ và quy mô sản xuất. Nếu không căn cứ vào thị trường, việc đầu tư sản xuất Lily quá nhiều, giá bán thấp hơn giá thành sẽ gây tổn thất cho người sản xuất. Quy mô sản xuất hoa tươi nói chung không giống như quy mô sản xuất công nghiệp là “càng lớn càng có lợi”, mà cần phải tính toán hợp lý và nên bắt đầu từ quy mô nhỏ, đứng vững rồi sẽ phát triển mở rộng.

Sau khi xác định quy mô sản xuất thì cần xác định phương thức sản xuất. Ví dụ: nếu trồng ngoài trời thì lúc nào trồng, lúc nào cắt hoa. Nếu trồng trong nhà lưới thì lúc nào trồng, lúc nào cắt hoa? Dùng kiểu nhà nào? Trồng trên đất hay trồng trên khay? Trồng trong chậu thì dùng loại củ nào? Diện tích kho lạnh là bao nhiêu, nguồn củ giống ở đâu? Vấn đề chống thoái hoá như thế nào?…

Khi xây dựng nhà lưới nên chọn loại đầu tư ít, phù hợp với khí hậu địa phương, sao cho tiết kiệm nhất, đồng thời hiệu quả sản xuất cao. Ngoài ra còn phải xây dựng kho lạnh, hệ thống hạ nhiệt, hệ thống chiếu sáng bổ sung để đảm bảo cho hoa đạt chất lượng cao nhất.

Ngoài yếu tố chính là chất lượng hoa thì giá thành sản xuất cùng cần được đặc biệt quan tâm. Chỉ có hạ được giá thành sản phẩm mới tăng được sức mạnh cạnh tranh, nâng cao được hiệu quả kinh tế, nhanh thu hồi vốn, tái đầu tư mở rộng. Muốn hạ giá thành sản xuất Lily cần phải lựa chọn giống tốt và tác động các biện pháp kỹ thuật để nâng cao tỷ lệ hoa nở, giảm tỷ lệ hao hụt.

0