Hung Nô liệt truyện
Sử kí – Hung Nô liệt truyện Tư Mã Thiên soạn Tích Dã chuyễn ngữ Tổ tiên người Hung Nô là dòng dõi họ Hạ Hậu, tên là Thuần Duy. Từ thời Đường-Ngu về trước có người Sơn Nhung, men bãi cỏ ven sông mà di chuyển, không có thành quách ở một chỗ, không có nghề cày ruộng, ...
Sử kí – Hung Nô liệt truyện
Tư Mã Thiên soạn
Tích Dã chuyễn ngữ
Tổ tiên người Hung Nô là dòng dõi họ Hạ Hậu, tên là Thuần Duy. Từ thời Đường-Ngu về trước có người Sơn Nhung, men bãi cỏ ven sông mà di chuyển, không có thành quách ở một chỗ, không có nghề cày ruộng, nhưng cũng đều có chia đất. Không có sách vở, lấy lời nói làm giao kèo. Trẻ con biết cưỡi dê, giương cung bắn chim-chuột, trẻ mới lớn thì bắn cáo-thỏ, dùng làm đồ ăn. Người sức khỏe có thể uốn cung, đều làm kẻ cưỡi ngựa mang giáp. Thói thường, rỗi thì theo vật nuôi, nhân đó săn bắn cầm thú làm nghề sinh sống, gấp thì người ra tập dượt chiến đấu để đánh chiếm, là tính trời sinh vậy. Binh khí đánh xa thì có cung-tên, binh khí đánh gần thì có đao-thiền. Có lợi thì đến, không có lợi thì lùi, không ngại chạy trốn. Có lợi thì ở lại, không biết lễ nghĩa. Từ quân trưởng trở xuống đều ăn thịt vật nuôi, mặc vỏ da của nó, trùm áo len. Người khỏe thì ăn thịt ngon béo, người già thì ăn phần thừa. Coi trọng người khỏe mạnh, coi nhẹ kẻ già yếu. Cha chết thì con lấy vợ của cha, anh hay em chết thì đều lấy vợ của nhau. Thói thường có tên nhưng không húy, lại không có tên tên họ.
Nhà Hạ đạo suy, cho nên Công Lưu bị mất chức quan coi nghề nông. Sau đó hơn ba trăm năm, người Nhung Địch đánh đại vương tên là Đản Phụ, Đản Phụ bỏ chạy đến dưới núi Kì, còn người đất Bân đều theo Đản Phụ mà lập ấp ở đấy, lập nên nhà Chu. Sau đó hơn một trăm năm Tây Bá của nước Chu tên là Xương đánh người Khuyển Di. Hơn chục năm sau đó, Vũ Vương đánh vua Trụ rồi dựng ấp Lạc, lại trú ở thành Phong Hạo, đuổi thả người Côn Di ở phía bắc sông Kính-Lạc theo mùa vào cống, mệnh gọi là ‘hoang phục’. Hơn hai trăm năm sau đó, nhà Chu đạo suy mà Mục Vương đánh người Khuyển Nhung, lấy được bốn con sói trắng, bốn con hươu trắng đem về. Từ đó về sau, người hoang phục không đến. Do đó nhà Chu bèn đặt hình phạt ‘Phủ hình’. Hơn hai trăm nam sau thời Mục Vương, U Vương nhà Chu vì việc của người vợ yêu là Bao Tử mà gây hấn với Thân Hầu. Thân Hầu oán mà cùng với người Khuyển Nhung đánh giết U Vương nhà Chu ở dưới núi Li, bèn lấy ấp Tiêu Hoạch của nhà Chu lại trú ở miền sông Kính-Vị, xâm đánh Trung Quốc. Tương Công nước Tần cứu nhà Chu, do đó Bình Vương nhà Chu bỏ thành Phong Hạo mà dời sang miền đông ở ấp Lạc. Vào thời bấy giờ, Tương Công nước Tần đánh người Nhung đến núi Kì, bắt đầu xếp vào hàng chư hầu. + Sáu mươi lăm năm sau đó thì người Sơn Nhung qua nước Yên mà đánh nước Tề, Hi Công nước Tề đánh với người Sơn Nhung ở ngoài thành nước Tề. Hơn bốn mươi bốn năm sau đó thì người Sơn Nhung đánh nước Yên. Người nước Yên cáo cấp cho người nước Tề, Hoàn Công nước Tề lên phía bắc đánh người Sơn Nhung, người Sơn Nhung chạy. Hơn hai mươi năm sau đó thì người Nhung Địch đến ấp Lạc, đánh Tương Vương nhà Chu, Tương Vương chạy đến ấp Phiếm của nước Trịnh. Lúc trước, Tương Vương nhà Chu muốn đánh nước Trịnh, cho nên lấy người con gái Nhung Địch làm vợ, cùng với quân Nhung Địch đánh nước Trịnh. Xong rồi bỏ vợ người Địch, bà vợ người Địch oán, còn người mẹ của Tương Vương gọi là Huệ Hậu có con là tên là Tử Đái, muốn lập Tử Đái, do đó Huệ Hậu cùng bà vợ người Địch, Tử Đái làm ứng giúp ở trong, mở cửa đón người Nhung Địch, cho nên người Nhung Địch vào được, đánh đuổi Tương Vương nhà Chu, bèn lập Tử Đái làm thiên tử. Do đó người Nhung Địch có kẻ trú ở ấp Lục Hồn, phía đông đến tại nước Vệ, đánh cướp xâm lấn Trung Quốc. Người Trung Quốc ghét họ, cho nên nhà Thơ hát về họ rằng: “Đi đánh Hiểm Duẫn, đến tại Thái Nguyên”, “Kéo xe rầm rập, đắp thành Sóc Phương”. Tương Vương nhà Chu đã bốn năm ở ngoài, bèn sai sứ cáo cấp cho người nước Tấn. Văn Công nước Tấn vừa lập, muốn sửa nghiệp bá, liền dấy binh đánh đuổi người Nhung Địch, giết Tử Đái, đón Tương Vương nhà Chu vào trú ở ấp Lạc.
Vào thời bấy giờ, Tần-Tấn là nước mạnh. Văn Công nước Tấn đánh người Nhung Địch, trú ở miền sông Ngân-Lạc phía tây sông Hà, gọi là người Xích Địch, người Bạch Địch Mục Công nước Tần có được Do Dư, tám nước người Nhung miền tây theo về nước Tần, cho nên từ núi Lũng đến phía tây có người Nhung ở các ấp Miên Chư, ấp Địch, ấp Hoàn phía bắc núi Kì-Lương, sông Kính-Tất có người Nhung ở các nước Nghĩa Cừ, nước Đại Lệ, nước Ô Chi, nước Hủ Diễn. Còn phía bắc nước Tấn có người Nhung ở các nước Lâm Hồ, nước Lâu Phiền. Phía bắc nước Yên có người Đông Hồ, người Sơn Nhung. Đều chia ra ở nơi hang núi, tự có quân trưởng, hơn trăm giống người Nhung ở nhiều chỗ, nhưng chẳng hợp làm một được.
Từ dó hơn một trăm năm sau, Trác Công nước Tấn sai Ngụy Giáng sang hòa với người Nhung Địch, người Nhung Địch theo nước Tấn. Hơn trăm năm sau, Triệu Tương Tử qua núi Câu Chú mà đánh chiếm đất Đại để đến gần người Hồ-Mạch. Sau đó đã cùng với Hàn-Ngụy diệt Trí Bá, chia đất Tấn mà có nước, do đó nước Triệu có đất phía bắc đất Đại, núi Câu Chú; nước Ngụy có miền phía tây sông Hà, quận Thượng, biên giới kề với người Nhung. Sau đó người Nhung nước Hữu Cừ đắp thành quách để tự giữ, nhưng người Tần dần dần lấn chiếm; đến thời Huệ Vương bèn đánh lấy hai mươi lăm tòa thành của nước Nghĩa Cừ. Huệ Vương lại đánh nước Ngụy, người Ngụy đem hết miền tây sông Hà và quận Thượng dâng cho người Tần. Vào thời Chiêu Vương nước Tần, vua người Nhung nước Hữu Cừ cùng Tuyên thái hậu dâm loạn, Tuyên thái hậu là mẹ của Chiêu Vương. sinh hai con. Tuyên thái hậu lừa mà giết vua nước Nghĩa Cừ ở cung Cam Tuyền, rồi dấy binh đánh phá nước Nghĩa Cừ. Do đó người Tần có quận Lũng Tây, quận Bắc Địa, quận Thượng, đắp thành dài để chống rợ Hồ. Còn Vũ Linh Vương nước Triệu cũng đổi mặc áo theo thói rợ Hồ, tập cưỡi ngựa bắn cung, lên phía bắc phá các nước Lâm Hồ, Lâu Phiền, đắp thành dài, từ đất Đại qua dưới núi Âm, đến cửa Cao làm rào ngăn. Lại đặt quận Vân Trung, quận Nhạn Môn, quận Đại. Sau đó nước Yên có tướng giỏi tên là Tần Khai làm con tin ở chỗ rợ Hồ, rợ Hồ rất tin Tần Khai. Tần Khai về mà đánh phá đuổi rợ Hồ miền đông, rợ Hồ miền đông phải lùi hơn nghìn dặm. Người cùng Kinh Kha đi đâm vua nước Tần tên là Tần Vũ Dương là cháu của Khai vậy. Người nước Yên cũng đắp thành dài, từ huyện Tạo Dương đến huyện Tương Bình, đặt quận Thượng Cốc, quận Ngư Dương, quận Hữu Bắc Bình, quận Liêu Tây, quận Liêu Đông để chống rợ Hồ. Vào thời bấy giờ, bảy nước đeo dây mũ mà có ba nước kề với người Hung Nô. Sau đó vào lúc nước Triệu có tướng tên là Lí Mục, người Hung Nô không dám đến gần nước Triệu. Sau này người Tần diệt sáu nước, mà Thủy Hoàng Đế sai Mông Điềm đem hàng chục vạn người lên phía bắc đánh rợ Hồ, thu hết đất phía nam sông Hà. Dựa vào sông Hà làm rào ngăn, đắp thành ở bốn mươi bốn huyện gần sông Hà, dời lính thú đến ở đấy. Lại mở đường thẳng từ huyện Cửu Nguyên đến huyện Vân Dương men theo hang hốc trũng núi hiểm có thể sửa chữa được mà đắp thành, từ huyện Lâm Thao đến quận Liêu Đông dài hơn vạn dặm. Lại qua sông Hà chiếm lấy miền giữa núi Dương, đất Bắc Giá . Vào thời bấy giờ, rợ Đông Hồ mạnh mà người Nguyệt Chi thịnh. Thiền vu Hung Nô tên là Đầu Man, Đầu Man không thắng được quân Tần, dời lên phía bắc. Được hơn mươi năm thì Mông Điềm chết, chư hầu phản nhà Tần, miền Trung Quốc rối loạn, những người mà nhà Tần đày đi làm lính thú ở biên giới đều bỏ về, do đó người Hung Nô được rảnh, dần dần vượt sông Hà về lại phía nam kề đất Trung Quốc ở rào ngăn cũ.
Thiền vu có thái tử tên là Mạc Đốn. Sau lại có yên chi mà mình yêu, sinh con út, nhưng thiền vu muốn bỏ Mặc Đốn mà lập con út, bèn sai Mặc Đốn làm con tin ở nước Nguyệt Chi. Người nước Nguyệt Chi muốn giết Mặc Đốn, Mặc Đốn trộm ngựa tốt của người nước ấy, cưỡi ngựa trốn về. Đầu Man cho là khỏe, sai quản vạn quân cưỡi ngựa. Mặc Đốn bèn làm minh đích, tập dượt quân lính cưỡi ngựa bắn tên, lệnh nói: “Nếu có kẻ mà khi minh đích bắn ra mà không cùng bắn thì chém kẻ đó”. Đi săn chim thú, có kẻ không bắn khi mà minh đích bắn ra, liền chém kẻ đó. Rồi thì Mặc Đốn lấy minh đích tự bắn con ngựa tốt của mình, tả hữu có kẻ không dám bắn, Mặc Đốn bèn chém kẻ không bắn ngựa tốt. Được mấy chốc, lại lấy minh đích tự bắn người vợ yêu của mình, tả hữu có vẻ sợ, không dám bắn, Mặc Đốn lại chém kẻ đó. Được mấy chốc, Mặc Đốn ra săn, lấy minh đích bắn con ngựa tốt của thiền vu, tả hữu đều bắn con ngựa đó. Do đó Mặc Đốn biết tả hữu của mình đều dùng được. Mặc Đốn theo cha mình là thiền vu tên là Đầu Man đi săn, lấy minh đích bắn Đầu Man, tả hữu của Mặc Đốn cũng đều bắn theo minh đích mà bắn giết thiền vu tên là Đầu Man, rồi giết hết những bà mẹ cùng em và đại thần không nghe lệnh mình. Mặc Đốn tự lập làm thiền vu.
Mặc Đốn đã lập, bấy giờ rợ Đông Hồ cường thịnh, nghe tin Mặc Đốn giết cha tự lập, bèn sai sứ đến nói với Mặc Đốn, muốn có con ngựa ngàn dặm thời Đầu Man. Mặc Đốn hỏi bầy tôi, bầy tôi đều nói: “Ngựa ngàn dặm là ngựa quý của nước Hung Nô, đừng cho”. Mặc Đốn nói: “Há không cho người nước gần mà yêu một con ngựa ư”? Bèn đưa ngựa ngàn dặm cho họ. Được mấy chốc, người Đông Hồ cho là Mặc Đốn sợ mình, lại sai sứ đến nói với Mặc Đốn, muốn được một yên chi của thiền vu. Mặc Đốn lại hỏi tả hữu, tả hữu đều giận nói: “Người Đông Hồ vô đạo mới muốn có yên chi! Xin đánh chúng”. Mặc Đốn nói: “Há không cho người nước gần mà yêu một người con gái ư”? Rồi đưa yên chi mà mình yêu cho người Đông Hồ. Vua người Đông Hồ càng thêm kiêu, sang lấn miền tây. Ở giữa đất Hung Nô có đất bỏ không, chẳng ai ở, rộng ngàn dặm, người Đông Hồ đều ở bên chỗ ấy làm âu đoạt. Sứ của người Đông Hồ nói với Mặc Đốn rằng: “Đất bỏ không ở ngoài là âu đoạt mà mgười Hung Nô cho nước ta là đất mà người Hung Nô không đến được, ta muốn có nó”. Mặc Đốn hỏi bầy tôi, bầy tôi có kẻ nói: “Đất bỏ không ấy, cho họ cũng được”. Do đó Mặc Đốn cả giận nói: “Đất là cái gốc của nước, sao lại cho nó”! Những kẻ nói là cho đất đều bị chém. Mặc Đốn lên ngựa, lệnh người trong nước là kẻ đến sau thì chém, rồi sang miền đông đánh úp nước Đông Hồ. Người Đông Hồ lúc trước coi nhẹ Mặc Đốn, không sắm sửa. Kịp lúc Mặc Đốn đem quân đến, đánh đại phá vua Đông Hồ, lại bắt được người dân và gia súc của nước ấy. Đã về, sang miền tây đánh đuổi người Nguyệt Chi, xuống phía nam đánh lấy nước Lâu Phiền, đất phía nam sông Hà của Bạch Dương Vương, xâm lấn đất Yên-Đại, thu hết đất mà nhà Tần sai Mông Điềm đoạt của người Hung Nô, kề với rào lũy phía nam sông Hà là cửa ải cũ của nhà Hán, đến các huyện Triều Na, Phu Thi, rồi vào đất Yên-Đại. Bấy giờ quân Hán chống nhau với Hạng Vũ, người Trung Quốc khổ vì binh đao, cho nên Mặc Đốn được tự cường, có hơn ba mươi vạn quân cầm cung.
Từ đời Thuần Duy cho đến đời Đầu Man là hơn một ngàn năm, lúc lớn lúc nhỏ, chia riêng rời rã, thế đại không truyền được mà theo lần lượt. Nhưng đến đời Mặc Đốn thì người Hung Nô lớn mạnh nhất, người rợ miền bắc đều theo phục hết, lại làm nước địch với nước Trung Quốc ở phía nam, cho nên thế đại tên chức quan mới truyền mà chép được.
Đặt Tả hiền vương, Hữu hiền vương, Tả lộc li, Hữu lộc li vương, Tả đại tướng, Hữu đại tướng, Tả đại đô úy, Hữu đại đô úy, Tả đại đương hộ, Hữu đại đương hộ, Tả cốt đô hầu, Hữu cốt đô hầu. Cốt đô là đại thần khác họ. Từ chức như Tả-Hữu hiền vương trở xuống đến chức Đương hộ, chức to thì quản vạn quân cưỡi ngựa, chức nhỏ thì quản vài ngàn quân cưỡi ngựa, cả thảy là hai mươi tư chức quan trưởng, lập hiệu là ‘Vạn kị’. Các đại thần đều là chức nối truyền. Họ Hô Diên, họ Lan, sau đó có họ Tu Bốc, ba họ này là quý tộc của người Hung Nô. Các vương tướng bên trái trú ở miền đông, thẳng từ quận Thượng Cốc để sang, phía đông kề nước Uế, Mạch, Triều Tiên; các vương tướng bên phải trú ở miền tây, thẳng từ quận Thượng về phía tây, gần nước Nguyệt Chi, Đê, Khương; . còn đình của thiền vu thì ở quận Đại, quận Vân Trung đều có chia đất, theo bãi cỏ ven sông mà di dời. Còn nước của Tả-Hữu hiền vương, Tả-Hữu lục li vương là nước lớn nhất, có Tả-Hữu cốt đô hầu phụ chính. Hai mươi tư quan trưởng cũng đều tự đặt các chức Thiên trưởng, Bách trưởng, Thập trưởng. Bì tiểu vương, Tướng, Phong, Đô úy, Đương hộ, Thư cừ.
Tháng giêng mỗi năm, các kẻ lớn nhỏ hội ở đình thiền vu, cúng tế. Tháng năm, hội lớn ở thành Lung, tế tổ tiên, trời đất, quỷ thần. Mùa thu, ngựa béo, hội lớn ở đất Đái Lâm xét đếm số người vật. Luật pháp của người Hung Nô, rút đao hơn một thước thì giết, kẻ trộm thì phạt thu hết người nhà, có tội nhỏ thì khắc mặt, phạm tội nặng thì giết. Bắt giam ngục không quá mười ngày, cho nên kẻ bị tù trong nước này không quá vài người. Còn thiền vu mỗi sáng ra khỏi trại, bái mặt trời lúc vừa mọc, buổi đêm thì bái mặt trăng. Lúc ngồi, người lớn thì ngồi bên trái và hướng mặt về phía bắc. Ngày thì chuộng ngày mậu, kỉ. Lúc tống tang, có quan quách áo da vàng bạc, lại không đắp che mộ và mặc áo tang; bầy tôi ở gần được sủng ái phải chết theo, nhiều có đến mấy ngàn, trăm người. Làm việc gì thì xem trăng sao, mặt trăng tròn đầy thì đánh chiếm, mặt trăng khuyết thì lui binh. Khi đánh chiếm, chém một đầu hoặc bắt sống địch thì tặng một chén rượu, còn cái mà người nào bắt lấy được thì nhân đó cho luôn kẻ đó, bắt được người thì lấy làm nô tì. Cho nên khi đánh đấu, người người tự đua theo mối lợi, giỏi đem binh dụ dỗ để đánh địch. Cho nên gặp địch thì đuổi theo tìm mối lợi như chim họp bầy, lúc thua khốn thì vỡ lở như mây tan. Đánh trận xong mà chở người bị chết về thì được lấy hết của cải của người bị chết.
Sau đó lên phía bắc đánh các nước Hồn Dữu, Quật Diệc, Đinh Linh, Cách Côn, Tân Lê. Do đó quý nhân đại thần nước Hung Nô đều phục, cho rằng thiền vu Mặc Đốn là người hiền.
Mấy giờ nhà Hán mới định Trung Quốc, dời Hàn Vương tên là Tín đến ở quận Đại, đô ở thành Mã Ấp. Người Hung Nô vây đánh lớn thành Mã Ấp, Hàn Vương tên là Tín hàng Hung Nô. Người Hung Nô được Tín, nhân đó dẫn quân xuống nam qua núi Câu Chú, đánh vào quận Thái Nguyên, đến dưới thành Tấn Dương. Cao Đế tự đem binh đến đánh quân Hung Nô. Gặp lúc mùa đông mưa tuyết lạnh lắm, quân lính bị lạnh rụng ngón tay đến hai ba phần mười, do đó Mặc Đốn vờ thua chạy để dụ quân Hán. Quân Hán đuổi đánh Mặc Đốn, Mặc Đốn náu trong quân mạnh của mình, tỏ vẻ yếu mệt, do đó vua Hán đem hết binh đến, phần nhiều là quân bộ có đến hai mươi hai vạn người, lên bắc đuổi Mặc Đốn. Cao Đế đến huyện Bình Thành trước, quân bộ chưa đến hết, Mặc Đốn thả hơn bốn mươi vạn quân cưỡi ngựa mạnh vây Cao Đế ở núi Bạch Đăng, bảy ngày quân Hán trong ngoài không cứu đưa lương ăn cho nhau được. Quân cưỡi ngựa Hung Nô, phía tây đều cưỡi ngựa trắng, phía đông đều cưỡi ngựa bàng xanh, phía bắc đều cưỡi ngựa li đen, phía nam đều cưỡi ngựa tuynh. Cao Đế bèn sai sứ đến tặng nhiều cho yên chi, yên chi mới nói với Mặc Đốn rằng: “Hai vua không nên gây khó nhau. Nay nếu lấy được đất nhà Hán thì thiền vu rút cuộc cũng chẳng ở được. Vả lại vua Hán cũng có khí thần, thiền vu nên xét lại”. Mặc Đốn hẹn với các tướng của Hán Vương tên là Tín là bọn Vương Hoàng, Triệu Lợi mà quân của Hoàng-Lợi lại không đến, ngờ rằng bọn ấy có mưu với vua Hán, cũng nghe lời của yên chi, mới giải vây một góc. Do đó Cao Đế sai quân đều cung chuyển bắn nhiều hướng ra ngoài theo góc giải vây mà ra thẳng, rút cuộc hội với đại quân, còn Mặc Đốn cũng dẫn quân mà bỏ đi, vua Hán cũng dẫn quân mà về, sai Lưu Kính đến kết ước hòa thân.
Sau đó Hàn Vương tên là Tín làm tướng của nước Hung Nô, cùng bọn Triệu Lợi, Vương Hoàng bội ước, vào cướp quận Đại, quận Vân Trung. Chẳng được bao lâu, Trần Hi phản, lại cùng hợp mưu với Hàn Tín đánh quận Đại. Nhà Hán sai Phàn Khoái đến đánh chúng, lấy lại các huyện quận Đại, Nhạn Môn, Vân Trung nhưng không ra khỏi ải lũy. Bấy giờ người Hung Nô vì có nhiều tướng Hán đến hàng, cho nên Mặc Đốn thường đi đến lấn cướp quận Đại. Do đó nhà Hán lo việc ấy, Cao Đế bèn sai Lưu Kính đem công chúa trong họ hàng đến làm yên chi của thiền vu, hằng năm cấp nhiều đồ ăn, rượu, gạo, tơ lụa cho người Hung Nô, hẹn đưa anh em đến để hòa thân, Mặc Đốn mới dừng đánh cướp chút ít. Sau đó Yên Vương tên là Lô Oản phản, đem mấy nghìn người trong bọn hàng Hung Nô, qua lại gây khổ ở quận Thượng Cốc đến phía đông.
Cao Đế băng, vào thời Hiếu Huệ-Lữ thái hậu, nhà Hán vừa định, cho nên người Hung Nô kiêu. Mặc Đốn bèn tác thư gửi Cao Hậu, nói bậy. Cao Hậu muốn đánh hắn. Các tướng nói: “Hiền vũ như Cao Đế mà còn bị khốn ở Bình Thành nữa là”. Do đó Cao Hậu mới thôi .
Đến thời Hiếu Văn Đế mới lập, lại sửa việc hòa thân. Tháng năm năm thứ ba, Hữu hiền vương nước Hung Nô vào ở đất phía nam sông Hà, lấn trộm người Man Di nơi rào lũy quận Thượng, giết cướp người dân. Do đó Hiếu Văn Đế hạ chiếu Thừa tướng tên là Quán Anh phát tám vạn năm ngàn xe ngựa đến huyện Cao Nô đánh Hữu hiền vương. Hữu hiền vương chạy ra ải lũy. Văn Đế đến quận Thái Nguyên. Bấy giờ Tế Bắc Vương phản, Văn Đế về, bãi binh của Thừa tướng.
Năm sau đó, thiền vu gửi thư cho vua Hán nói: “Thiền vu Hung Nô mà trời dựng nên kính hỏi hoàng đế vô dạng. Lúc trước hoàng đế nói về việc hòa thân, cho nên gửi thư tỏ ý này, cùng mừng. Quan lại nơi biên giới lấn ép Hữu hiền vương, Hữu hiền vương lại không xin lệnh thần mà nghe kế của bọn Hậu Nghĩa Lô Hầu Nan Chi, chống nhau với quan lại nhà Hán, cắt điều ước của hai vua, bỏ tình thân của anh em. Hoàng đế lại gửi thư đến, thần cũng sai sứ gửi thư nhưng không đến được, cho nên sứ Hán không đến. Nhà Hán vì vậy mà không hòa thân nữa, nước bên cạnh này chẳng được nhờ. Nay chỉ vì quan lại nhỏ mà làm vỡ điều ước, phạt Hữu hiền vương, sai hắn sang tây đến đánh nước Nguyệt Chi. Nhờ phúc của trời, quan quân tài giỏi, sức ngựa khỏe đã diệt phá nước Nguyệt Chi, chém giết bắt hàng hết nước ấy. Lại định nước Lâu Lan, nước Ô Tôn, nước Hô Kiệt. Những dân cầm cung đều hợp làm một nhà. Miền bắc đã định, muốn cất binh nghỉ quân sĩ mà nuôi ngựa, bỏ việc trước, nối lại điều ước cũ để vỗ dân biên giới, để hợp với việc trước đây, khiến cho kẻ nhỏ được thành lớn, kẻ già được ở yên chỗ, đời đời yên vui. Chưa biết ý của hoàng đế ra sao, cho nên sau quan Lang trung tên là Hệ Hồ Tiện gửi thư xin dâng một con thác đà, bốn con ngựa cưỡi, đôi ngựa tứ kéo xe. Nếu hoàng đế không muốn người Hung Nô ở gần bên thì hãy hạ chiếu sai quan dân rời xa. Sứ giả đến, hãy liền gửi thư lại”. Vào giữa tháng sáu thì sứ giả đi đến đất Tân Vọng, thư đưa đến, nhà Hán bàn xem đánh hay hòa thân tốt hơn. Công khanh đều nói: “Thiền vu vừa phá nước Nguyệt Chi, thừa thắng, không nên đánh. Vả chăng được đất Hung Nô, cằn cỗi, không ở được. Hòa thân hay nhất”. Vua Hán nghe theo.
Năm thứ sáu thời Hiếu Văn Hoàng Đế, nhà Hán gửi thư cho thiền vu Hung Nô rằng: “Hoàng đế kính hỏi đại thiền vu Hung Nô vô dạng. Sứ giả là Lang trung trên là Hệ Hồ Tiện gửi thư cho trẫm rằng: ‘Hữu hiền vương không xin lệnh, sau nghe kế của bọn Hậu Nghĩa Lô Hầu Nan Chi, cắt điều ước của hai vua, bỏ tình thân của anh em. Nhà Hán vì vậy mà không hòa thân nữa, nước bên cạnh này chẳng được nhờ. Nay chỉ vì quan lại nhỏ mà làm vỡ điều ước, phạt Hữu hiền vương, sai hắn sang tây đến đánh nước Nguyệt Chi, bình hết nước này. Muốn cất binh nghỉ quân sĩ mà nuôi ngựa, bỏ việc trước, nối lại điều ước cũ để vỗ yên dân biên giới, khiến cho kẻ nhỏ được thành lớn, kẻ già được ở yên chỗ, đời đời yên vui’. Trẫm rất khen ý này’, cũng là ý của những bậc vua thánh thời xưa vậy. Nhà Hán kết làm anh em với người Hung Nô, cho nên cấp tặng nhiều cho thiền vu. Kẻ bộ ước bỏ tình thân của anh em thường là tại người Hung Nô. Còn việc Hữu hiền vương lúc trước đã tha, thiền vu chớ phạt nặng. Nếu thiền vu có ý như lời thư thì hãy nêu rõ cho các quan lại biết, lệnh họ chớ bội ước, giữ lấy lòng tín, làm theo như lời thư của thiền vu. Sứ giả có nói thiền vu tự đem quân đánh nước ngoài có công, rất khổ vì việc binh. Có một áo lụa cổ thêu, một áo dài cổ thêu, một áo bào cổ gấm, một cái tỉ dư, một dây đeo vàng ròng, một cái tư bì vàng ròng, mười bó vải thêu, ba mươi bó vải gấm, bốn mươi bó lụa đỏ dày, bốn mươi bó lụa xanh, sai quan Trung đại phu tên là Ý, quan Yết giả tên à Lệnh Kiên trao cho thiền vu”.
Mấy chốc sau, Mặc Đốn chết, con là Kê Dục lập, hiệu là thiền vu Lão Thượng.
Thiền vu Lão Thượng tên là Kê Dục mới lập, Hiếu Văn Hoàng Đế lại đưa công chúa trong họ hàng làm yên chi của thiền vu, sai quan hoạn người nước Yên tên là Trung Hàng Thuyết hầu giúp công chúa. Thuyết không muốn đi, vua Hán ép sai đi. Thuyết nói: “Nếu ta phải đi, sẽ gây hại cho nhà Hán”. Trung Hàng Thuyết đã đến, nhân đó hàng thiền vu, thiền vu rất thân tín hắn.
Trước đây, người Hung Nô ưa đồ ăn, tơ lụa của nhà Hán, Trung Hàng Thuyết nói: “Dân chúng nước Hung Nô chẳng bằng một quận của nhà Hán, nhưng mạnh được là do đồ ăn, áo mặc có khác, chớ ngóng theo nhà Hán. Nay thiền vu đổi tục ưa đồ Hán, đồ Hán đưa vào không quá hai phần mười mà người Hung Nô đã theo hết vào nhà Hán rồi. Nay có được tơ lụa của nhà Hán, hãy đem đặt ở trong bụi cỏ, áo quần đều xé nát để tỏ rõ không bằng cái đẹp đẽ của áo lông da. Được đồ ăn của nhà Hán đều vứt đi, để tỏ rõ không bằng cái ngon lành của mứt sữa”. Do đó Thuyết dạy tả hữu của thiền vu biết ghi chép để xét đếm dân chúng súc vật.
Nhà Hán gửi thư cho thiền vu, dùng thẻ gỗ dài một thước một tấc, lời rằng: “Hoàng đế kính hỏi đại thiền vu Hung Nô vô dạng”, ghi rõ lời nói và những đồ vật trao tặng. Trung Hàng Thuyết xui thiền vu gửi thư dùng tấm gỗ dài một thước hai tấc cho nhà Hán, còn gói ấn đều làm cho thêm to lớn, nói lời kiêu ngạo rằng: “Đại thiền vu Hung Nô mà trời đất sinh ra mặt trời mặt trăng sắp đặt kính hỏi thăm hoàng đế nhà Hán vô dạng”, cũng chép rõ lời nói và các đồ vật trao tặng.
Sứ Hán có người nói: “Thói người Hung Nô coi nhẹ người già”. Trung Hàng Thuyết hỏi vặn Hán sứ rằng: “Còn thói nhà Hán khi phát lính thú theo quân đi, người già cả há có tự bớt nhiều đồ ăn ngon béo để đem cho người đi lính thú ăn uống không”? Sứ Hán nói: “Phải”. Trung Hàng Thuyết nói: “Người Hung Nô đều rõ lấy đánh trận làm việc, mà người già yếu lại không đánh đấu được, cho nên đồ ăn uống ngon béo thì cấp cho người khỏe mạnh, chẳng qua là để tự giữ gìn, như thế cha con đều được giữ giúp nhau lâu dài, há lại nói người Hung Nô coi khinh người già”? Sứ Hán nói: “Cha con người Hung Nô lại ở cùng lều rạp mà nằm. Trung Hàng Thuyết nói: “Tục của người Hung Nô, người ăn thịt súc vật, uống sữa của nó, mặc da của nó, súc vật ăn cỏ uống nước, tùy mùa mà di chuyển. Cho nên lúc gấp thì người ta tập cưỡi ngựa bắn cung, lúc rỗi thì người ta vui vẻ không có việc chi. Ràng buộc bởi lề thói xem nhẹ để dễ làm việc. Vua tôi chất phác, việc của một nước như của của một người. Cha con anh em chết thì lấy vợ của người đó là sợ bị mất dòng dõi vậy. Cho nên người Hung Nô dẫu loạn nhưng chắc lập được dòng dõi. Nay người Trung Quốc dẫu tốt, không lấy vợ của cha anh mình, nhưng người thân càng xa rời thì dẫn đến giết nhau, dẫn đến đổi họ, đều từ đó mà ra. Vả lại cái hẹp hòi của lễ nghĩa là trên dưới sinh ra oán hờn, mà vua ở ngôi nhà cao, vắt hết sức của dân. Người ta ra sức cày trồng để làm cơm áo, đắp thành quách để tự giữ, cho nên dân gấp rút mà không tự tập dượt đánh đấu, lúc rỗi rãi thì mệt mỏi vì làm lụng. Ê, người ở nhà đất kia, tới thăm chớ có nhiều lời, lại còn thao thao mà xét nét, kẻ đội mũ kia còn cố làm chi”? Từ đó về sau, sứ Hán có người muốn bàn luận, Trung Hàng Thuyết liền nói: “Sứ Hán chớ nhiều lời, chỉ mong đồ tơ lụa, rượu, gạo mà nhà Hán chuyển cho người Hung Nô, số đồ phải đúng, lại còn ngon đẹp nữa vậy, lấy chi để nói đây? Còn những đồ cấp cho hãy sắm sửa cho tốt, nếu không sắm sửa lại thô xấu thì ta đợi đến mùa thu lúa chín sẽ đem quân cưỡi ngựa ruổi đến giẫm xéo cây lúa của các ngươi”. Ngày đêm dạy thiền vu xem chỗ lợi hại.
Năm thứ mười bốn thời Hiếu Văn Hoàng Đế, hơn mười bốn vạn quân cưỡi ngựa của thiền vu Hung Nô vào cửa Tiêu huyện Triều Na, giết viên Đô úy quận Bắc Địa tên là Ngang, bắt được người dân, gia súc rất nhiều, rồi đến huyện Bành Dương. sai cánh quân khác vào đốt cung Hồi Trung, sai quân cưỡi ngựa dò xét đến cung Cam Tuyền huyện Ung. Do đó Văn Đế lấy Trung úy tên là Chu Xá, Lang trung lệnh tên là Trương Vũ làm tướng quân, phát nghìn cỗ xe, mười vạn quân cưỡi ngựa, đóng quân kề thành Trường An để phòng giữ rợ Hồ. Lại bái Xương Hầu tên là Lô Khanh làm tướng quân ở quận Thượng, bái Ninh Hầu tên là Ngụy Túc làm tướng quân ở quận Bắc Địa, bái Long Lư Hầu tên là Chu Táo làm tướng quân ở quận Lũng Tây, bái Đông Dương Hầu tên là Trương Tương Như làm Đại tướng quân, bái Thành Hầu tên là Đổng Xích làm Tiền tướng quân, phát xe ngựa lớn đến đánh rợ Hồ. Thiền vu ở lại trong rào lũy hơn một tháng rồi bỏ đi, quân Hán đuổi người Hồ khỏi ải rồi về, không đánh giết được họ. Người Hung Nô ngày càng kiêu, hàng năm vào biên giới giết cướp người dân gia súc rất nhiều, ở quận Vân Trung, Liêu Đông là khổ nhất, đến như ở quận Đại vẫn bị đánh cướp hơn vạn người. Nhà Hán lo việc này, bèn sai sứ gửi thư cho người Hung Nô. Thiền vu cũng sai quan Đương hộ báo tạ, lại nói việc hòa thân.
Năm Nguyên Hậu thứ hai thời Hiếu Văn Đế (năm 162 TCN), hoàng đế sai sứ gửi thư cho người Hung Nô rằng: “Hoàng đế kính hỏi đại thiền vu Hung Nô vô dạng. Sứ giả là Đương hộ Thư cư tên là Điêu Cừ Nan, Lang trung tên là Hàn Liêu đến gửi hai con ngựa cho trẫm, đã đến, trẫm kính nhận. Theo phép của tiên đế: từ thành dài lên phía bắc là nước của dân cầm cung, vâng mệnh thiền vu; từ thành dài trở vào là nước của dân đội mũ, trẫm coi trị lấy. Làm cho muôn dân cày ruộng dệt vải săn bắn mà có cơm áo, cha con không rời, vua tôi yên ổn, đều không bạo ngược. Nay nghe nói có người xấu ác tham đi cướp lấy cái lợi của dân, bội nghĩa dứt ước, vứt mạng của muôn dân, bỏ cái vui của hai vua, nhưng việc ấy đã việc trước đây rồi. Trong thư nói: ‘Hai nước đã hòa thân, hai vua vui mừng, cất binh nghỉ quân nuôi ngựa, đời đời yên lành, đổi mới ổn định’. Trẫm rất khen ý ấy. Thánh nhân còn ngày càng đổi mới, sửa việc thay cũ, làm cho người già nghỉ yên, người trẻ được lớn, đều giữ được ngôi vua mà trọn tuổi trời. Trẫm và thiền vu đều theo cái đạo ấy, noi trời giúp dân, đời đời truyền nhau, nối đến vạn đời, thiên hạ chẳng ai không được lợi. Nhà Hán là nước đối địch với nước Hung Nô, người Hung Nô ở miền bắc, trời lạnh, khí hại đến sớm, cho nên sai quan lại hằng năm gửi các đồ vải tơ lụa, gạo, rượu, vàng và các đồ khác cho thiền vu. Nay thiên hạ yên ổn, vạn dân vui vẻ, trẫm và thiền vu là cha mẹ của dân. Trẫm xét nghĩ việc trước, coi đấy là việc nhỏ, lỗi bởi bầy tôi mưu lầm, đều không đáng để chia rẽ tình thân anh em. Trẫm nghe nói vòm trời chẳng che riêng ai, mặt đất chẳng nâng một người. Trẫm với thiền vu đều nên bỏ việc nhỏ, cùng vâng đạo lớn, phá vỡ cái ác trước để mưu việc lâu dài, làm cho dân của hai nước như con một nhà. Từ vạn dân trăm họ, cho đến dưới đến cá rùa, trên lên chim bay, các loài đi ngọ nguậy trên đất ngọ nguậy nghênh mỏ, chẳng chi không tìm đến yên lành mà tránh nguy diệt. Cho nên không ngăn kẻ theo về, đấy là đạo của trời vậy. Cùng bỏ việc trước, trẫm tha cho dân bỏ trốn, thiền vu cũng đừng trạch bọn Chương Ni. Trẫm nghe nói đế vương thời cổ, hẹn ước rạch ròi mà không nói ngoa. Thiền vu lưu ý, thiên hạ yên ổn, sau khi hòa thân, nhà Hán không trách lỗi trước, thiền vu nên xét việc này”.
Thiền vu đã ước hòa thân, do đó hạ chế lệnh cho quan Ngự sử nói: “Đại thiền vu Hung Nô gửi thư cho trẫm, nói là đã định việc hòa thân, những kẻ trốn tránh không đủ để mở đất thêm dân. Người Hung Nô không vào ải, người Hán cũng không ra ải, kẻ phạm lệnh ước thì có thể giết đi, như vậy mới hòa thân lâu dài không dứt, đều lợi. Trẫm đã hứa theo. Nay bố cáo thiên hạ cho mọi người biết rõ”.
Năm Hậu Nguyên thứ tư, thiền vu Lão Thượng tên là Kê Dục chết, con tên là Quân Thần lập làm thiền vu. Đã lập, Hiếu Văn Hoàng Đế lại hòa thân với người Hung Nô, còn Trung Hàng Thuyết lại giúp thiền vu.
Thiền vu tên là Quân Thần lập được bốn năm, người Hung Nô lại dứt hòa thân, vào đánh quận Thượng, Vân Trung, vào mỗi quận đều có ba vạn quân cưỡi ngựa, giết cướp rất nhiều rồi bỏ đi. Do đó vua Hán sai ba vị tướng quân đem quân đóng ở quận Bắc Địa, đến quận Đại thì đóng quân ở núi Câu Chú, đến nước Triệu thì đóng quân ở cửa Phi Hồ, ở men biên giới cũng đều giữ vững để phòng giữ giặc Hồ. Lại đặt ba vị tướng quân đóng quân ở huyện Tế Liễu phía tây Trường An, cửa Cức phía bắc sông Vị, trên sông Bá để phòng giữ rợ Hồ. Quân cưỡi ngựa rợ Hồ vào biên giới núi Câu Chú quận Đại, nhà Hán đốt lửa làm hiệu nối từ cung Cam Tuyền đến thành Trường An. Được mấy tháng, quân Hán đến biên giới, quân Hung Nô cũng rời xa ải lũy, quân Hán cũng rút về. Hơn một năm sau, Hiếu Văn Đế băng, Hiếu Cảnh Đế lập, có Triệu Vương lại bèn ngầm sai người đến nước Hung Nô. Ngô-Sở phản, muốn hợp mưu với Triệu Vương vào biên. Quân Hán vây phá quân Triệu, người Hung Nô cũng nghỉ. Từ đó về sau, Hiếu Cảnh Đế lại hòa thân với người Hung Nô, mở chợ cửa ải, cấp cho người Hung Nô, đưa công chúa đến như ước cũ. Cuối cùng vào thời Cảnh Đế, người Hung Nô ít khi vào cướp biên giới, không có cướp lớn.
Hoàng đế ngày nay (tức Hiếu Vũ Đế) lên ngôi, nêu rõ kết ước hòa thân, đối đãi rộng rãi, mở chợ cửa ải, cấp nhiều đồ dùng cho người Hung Nô. Người Hung Nô từ thiền vu trở xuống đều thân với nhà Hán, qua lại dưới thành dài.
Nhà Hán sai kẻ phạm cấm người huyện Mã Ấp tên là Niếp Ông Nhất đem đồ dùng trao đổi với người Hung Nô, giả bán đồ dùng ở thành Mã Ấp để dụ thiền vu. Thiền vu tin theo, lại tham đồ dùng của người Mã Ấp, bèn đem mười vạn quân cưỡi ngựa vào cửa Vũ Châu. Tướng Hán phục hơn ba mươi vạn quân ở bên Mã Ấp; Ngự sử đại phu tên là Hàn An Quốc làm Hộ quân, giúp bốn vị tướng quân để đánh thiền vu. Thiền vu đã vào cửa ải của nhà Hán, chưa đến Mã Ấp cách hơn trăm dặm, thấy gia súc ở trên bãi mà không có người chăn, lấy làm lạ, bèn đánh đình. Bấy giờ quan Úy lại quận Nhận Môn đi tuần xét, thấy giặc, giữ đình ấy, thiền vu biết mưu của quân Hán, thiền vu bắt được, muốn giết quan Úy lại ấy, quan Úy lại bèn báo cho thiền vu biết chỗ mà quân Hán náu. Thiền vu cả kinh nói: “Ta vốn nghi rồi”. Liền dẫn quân về. Ra khỏi ải, nói: “Ta bắt được quan Úy lại là ý trời, trời sai hắn nói cho ta biết”. Lấy quan Úy lại làm Thiên Vương. Quân Hán hẹn thiền vu vào Mã Ấp thì tung ra đánh. Thiền vu không đến, cho nên quân Hán không đánh được. Tướng quân nhà Hán là Vương Khôi xuất quân bản bộ ra khỏi quận Đại đánh xe đồ của rợ Hồ, nghe tin thiền vu về, quân đông, không dám ra. Nhà Hán cho rằng Khôi vốn là người bày mưu phục binh này mà không đi đánh, bèn chém Khôi. Từ đó về sau, người Hung Nô dứt hòa thân, đánh ải đường yếu hại, vào cướp các nơi biên giới của nhà Hán, không thể kể hết. Nhưng người Hung Nô tha, vẫn thích mở chợ cửa ải, ham đồ dùng của nhà Hán, nhà Hán cũng không dứt mở chợ cửa ải để gần người Hung Nô.
Vào mùa thu năm năm sau việc phục binh ở Mã Ấp, nhà Hán sau bốn vị tướng quân đều đem một vạn quân cưỡi ngựa đánh rợ Hồ ở dưới chợ cửa ải. Tướng quân tên là Vệ Thanh ra quận Thượng Cốc, đến thành Lung, chém được bảy trăm đầu rợ Hồ. Công Tôn Hạ ra quận Vân Trung, không đánh được gì. Công Tôn Ngao ra quận Đại, bị rợ Hộ đánh diệt hơn bảy nghìn người. Lí Quảng ra quận Nhạn Môn, bị rợ Hồ đánh thua, người Hung Nô còn bắt sống được Quảng, sau Quảng trốn về được. Nhà Hán bắt giam Quảng, Ngao; Quảng lấy tiền chuộc làm dân thường. Mùa đông năm ấy, người Hung Nô nhiều lần vào cướp biên giới, quận Ngư Dương rất khổ. Nhà Hán sai tướng quân tên là Hàn An Quốc đến đóng quân ở quận Ngư Dương để ngăn rợ Hồ. Mùa thu năm sau, hai vạn quân cưỡi ngựa Hung Nô vào đất biên của nhà Hán, giết Thái thú quận Liêu Tây, bắt hơn hai ngàn người. Rợ Hồ lại đánh phá hơn một ngàn quân của Thái thú quận Ngư Dương, vây tướng quân nhà Hán tên là Hàn An Quốc, bấy giờ hơn ngàn quân cưỡi ngựa của An Quốc chết cũng gần hết, kịp lúc quân cứu từ nước Yên đến, người Hung Nô mới bỏ đi. Người Hung Nô lại vào quận Nhạn Môn, bắt giết hơn một ngàn người. Do đó nhà Hán sai tướng quân Vệ Thanh đem ba vạn quân cưỡi ngựa ra quận Nhạn Môn, tướng quân Lí Tức ra quận Đại đi đánh rợ Hồ, chém được mấy ngàn đầu rợ Hồ. Năm sau đó, Vệ Thanh lại ra quận Vân Trung về phía tây đến quận Lũng Tây, đánh Lâu Phiền Vương, Bạch Dương Vương của rợ Hồ ở miền nam sông Hà, chém được mấy ngàn đầu rợ Hồ, bắt hơn trăm vạn con dê, bò. Do đó nhà Hán bèn lấy đất phía nam sông Hà, đắp thành Sóc Phương, sửa lại chỗ cũ mà Mông Điềm thời Tần làm ải lũy, dựa vào sông Hà làm chỗ giữ. Nhà Hán cũng bỏ đất Tạo Dương huyện Đấu Tích của quận Thượng Cốc cho rợ Hồ. Năm đó là năm Nguyên Sóc thứ hai thời nhà Hán.
Mùa đông năm sau, thiền vu Hung Nô tên là Quân Thần chết. Em của thiền vu Quân Thần là Tả lộc li vương tên là Y Trĩ Tà tự lập làm thiền vu, đánh phá thái tử của thiền vu Quân Thần tên là Ư Đan. Ư Đan trốn sang hàng nhà Hán, nhà Hán phong Ư Đan làm Thiệp An Hầu, được mấy tháng thì chết.
Thiền vu Y Trĩ Tà đã lập, mùa hạ năm ấy, mấy vạn quân cưỡi ngựa Hung Nô vào giết Thái thú quận Đại tên là Cung và cướp hơn một ngàn người. Mùa thu năm ấy, người Hung Nô lại vào quận Nhạn Môn, cướp giết hơn một ngàn người. Năm sau đó, người Hung Nô lại vào quận Đại, quận Định Tương, . quận Thượng, ở mỗi quận đều có ba vạn quân cưỡi ngựa, cướp giết mấy ngàn người. Hữu hiền vương Hung Nô oán nhà Hán đoạt lấy đất phía nam sông Hà mà đắp thành Sóc Phương, cho nên nhiều lần vào đánh cướp biên giới, kịp lúc ấy vào đất phía nam sông Hà, lấn đánh quận Sóc Phương, cướp giết rất nhiều quan dân. Mùa xuân năm sau đó, nhà Hán lấy Vệ Thanh làm Đại tướng quân, dem bảy vị tướng quân, hơn mười vạn người, ra cửa Cao quận Sóc Phương đánh rợ Hồ. Hữu hiền vương cho rằng quân Hán không đến được, uống rượu say, quân Hán ra khỏi ải sáu, bảy trăm dặm, buổi đêm vây Hữu hiền vương. Hữu hiền vương cả kinh, chạy trốn thoát thân, những quân cưỡi ngựa mạnh các nơi theo sau bỏ đi. Quân Hán bắt được năm vạn một ngàn người dân trai gái của Hữu hiền vương, bắt được hơn mười viên Bì tiểu vương. Mùa thu năm ấy, một vạn quân cưỡi ngựa Hung Nô vào giết Đô úy quận Đại tên là Chu Anh, cướp hơn một ngàn người.
Mùa xuân năm sau đó, nhà Hán lại sai Đại tướng quân tên là Vệ Thanh đem sáu vị tướng quân, hơn mười vạn quân cưỡi ngựa, lại di ra quận Định Tương cách mấy trăm dặm đánh người Hung Nô, trước sau bắt chém hơn một vạn chín ngàn đầu rợ Hồ, nhưng quân Hán cũng mất hai vị tướng quân, hơn ba ngàn quân cưỡi ngựa. Hữu tướng quân tên là Kiến chỉ thoát được thân, Chính nghĩa: Kiến là cha của Tô Vũ. còn Tiền tướng quân Ông Hầu tên là Triệu Tín vì binh bất lợi, hàng người Hung Nô. Triệu Tín là Bì tiểu vương của rợ Hồ, trước hàng nhà Hán, nhà Hán phong làm Ông Hầu, làm Tiền tướng quân cùng Hữu tướng quân đem quân đi riêng, một mình gặp quân của thiền vu, cho nên quân chết cả. Thiền vu đã có được Ông Hầu, cho làm Tự thứ vương, lấy chị mình gả cho Tín, cùng mưu đánh quân Hán. Tín dạy thiền vu lên hướng bắc đến bãi cát, để dụ làm khó quân Hán, chặn đường hiểm mà đánh lấy, không cần đến gần ải. Thiền vu theo kế ấy. Năm sau đó, hơn vạn quân cưỡi ngựa rợ Hồ vào quận Thượng Cốc, giết mấy trăm người.
Mùa xuân năm sau đó, nhà Hán sai Phiếu kị tướng quân tên là Khứ Bệnh đem một vạn quân cưỡi ngựa ra quận Lũng Tây, qua núi Yên Chi hơn ngàn dặm, đánh người Hung Nô, bắt chém được một vạn tám ngàn đầu quân cưỡi ngựa, phá được người vàng tế trời của Hưu Đồ Vương. Mùa hạ năm đó, Phiếu kị tướng quân lại cùng Hợp Kị Hầu đem mấy vạn quân cưỡi ngựa ra quận Lũng Tây, Bắc Địa cách hai ngàn dặm, đánh rợ Hung Nô. Qua huyện Cư Diên, đánh vào núi Kì Liên, bắt chém hơn ba vạn đầu rợ Hồ, bắt chém hơn bảy mươi viên Bì tiểu vương. Bấy giờ người Hung Nô cũng vào đến quận Đại, Nhạn Môn, cướp giết mấy trăm người. Nhà Hán sai Bác Vọng Hầu cùng tướng quân Lí Quảng ra quận Hữu Bắc Bình đánh Hữu hiền vương nước Hung Nô. Hữu hiền vương vây Lí tướng quân, Lí tướng quân có đến bốn ngàn quân, chết gần hết, giết địch cũng hơn như vậy. Kịp lúc quân của Bác Vọng Hầu đến cứu, Lí tướng quân mới thoát được. Quân Hán chết mất mấy ngàn người, Hợp Kị Hầu đến sau hẹn của Phiếu kị tướng quân, cùng vowus Bác Vọng Hầu bị xét tội đáng chết, cho lấy tiền chuộc làm dân thường.
Mùa thu năm đó, thiền vu oán Hồn Da Vương, Hưu Đồ Vương ở miền tây bị quân Hán đánh giết mấy vạn người, muốn gọi về mà giết đi. Hồn Da Vương và Hưu Đồ Vương sợ, mưu hàng nhà Hán, nhà Hán sai Phiếu kị tướng quân đến đón họ. Hồn Da Vương giết Hưu Đồ Vương, chiếm lấy quân của Hưu Đồ Vương mà hàng nhà Hán, cả thảy có hơn bốn vạn người, nhưng kêu lên là mười vạn người. Do đó nhà Hán có được Hồn Da Vương, cho nên các quận Lũng Tây, Bắc Địa, Hà Tây càng ít bị rợ Hồ vào đánh, dời dân nghèo miền Quan Đông đến ở miền nam sông Hà và miền Tân Tần Trung mà nhà Hán đoạt của người Hung Nô để giữ đất ấy, ại giảm nửa lính thú ở quận Bắc Địa về phía tây. Năm sau đó, người Hung Nô vào quận Hữu Bắc Bình, Định Tương, mỗi quận đều có mấy vạn quân cưỡi ngựa, giết cướp hơn một ngàn người rồi đi.
Mùa xuân năm sau đó, nhà Hán mưu rằng: “Ông Hầu tên là Tín bày kế cho thiền vu đến trú ở phía bắc bãi cát, cho rằng quân Hán không đến được”. Bèn sắm sửa ngựa thóc, phát mười vạn quân cưỡi ngựa, cả thảy mười bốn vạn con ngựa cõng đồ dùng chưa kể lương thực và đồ nặng. Lệnh cho Đại tướng quân tên là Vệ Thanh, Phiếu kị tướng quân tên là Khứ Bệnh được chia quân. Đại tướng quân ra quận Định Tương, Phiếu kị tướng quân ra quận Đại, đều hẹn qua bãi cát đánh người Hung Nô. Thiền vu nghe tin, bỏ xa xe nặng, đem quân mạnh đợi ở phía bắc bãi cát, tiếp chiến với Đại tướng quân một ngày, đến chiều tối, gió lớn thổi, quân Hán tung quân hai phía phải trái vây đánh thiền vu. Thiền vu tự thấy đánh không bằng được quân Hán, thiền vu bèn riêng mình cùng mấy trăm quân cưỡi ngựa khỏe phá vòng vây của quân Hán ở góc tây bắc mà chạy trốn. Buổi đêm quân Hán đuổi theo không được. Quân Hán đi bắt chém một vạn chín ngàn đầu rợ Hung Nô, lên phía bắc đến thành của Triệu Tín ở núi Điền Nhan rồi về.
Thiền vu đã chạy trốn, quân của thiền vu các nơi rối loạn chống nhau với quân Hán rồi theo thiền vu. Thiền vu lâu ngày không gặp được với đại quân của mình, Hữu lộc li vương của thiền vu cho rằng thiền vu đã chết, bèn tự lập làm thiền vu. Thiền vu thật có lại được quân của mình, do đó Hữu lộc li vương bèn bỏ hiệu thiền vu ấy, lại làm Hữu lộc li vương.
Phiếu kị tướng quân của nhà Hán ra quận Đại cách hơn hai ngàn dặm, tiếp chiến với Tả hiền vương, quân Hán bắt chém được cả thảy hơn bảy vạn đầu rợ Hồ, các viên tướng của Tả hiền vương đều bỏ chạy. Phiếu kị tướng quân tế thần núi ở núi Lang Cư Tư, tế thần đất ở núi Cô Diên, đến gần biển Hàn rồi về.
Sau đó, người Hung Nô trốn xa, cho nên phía nam bãi cát không có đình của thiền vu. Quân Hán qua sông Hà từ quận Sóc Phương về phía tây đến huyện Lệnh Cư, ác nơi thông kênh làm ruộng, năm sáu vạn quan lại quân sĩ dần dần lấn lướt đến gần đất cũ Hung Nô lên phía bắc.
Lúc trước, hai vị tướng quân của nhà Hán ra vây đánh thiền vu, giết được tám chín vạn quân địch, nhưng quân lính Hán cũng chết mấy vạn người, ngựa của quân Hán chết đến hơn mười vạn con. Người Hung Nô dẫu khốn, bỏ đi xa, nhưng nhà Hán cũng ít ngựa, không đến lại được. Người Hung Nô dùng kế của Triệu Tín, sai sứ đến nhà Hán, nói lời hay xin hòa thân. Thiên tử lệnh bàn nghị, có người nói là hòa thân, có người nói là nhân đây bắt họ thần phục. Thừa tướng trưởng sử tên là Nhâm Xưởng nói: “Người Hung Nô vừa bị thua khốn, nên sai họ làm bầy tôi ở ngoài, đến chầu ở biên ải”. Nhà Hán sai Nhâm Xưởng đến gặp thiền vu. Thiền vu hỏi kế của Xưởng, giận lắm, giữ lại không cho về. Trước đây nhà Hán cũng có sứ Hung Nô đến hàng, thiền vu cũng liền giữ sứ Hán lại cho ngang nhau. Nhà Hán thu lại quân mã, gặp lúc Phiếu kị tướng quân tên là Khứ Bệnh chết, do đó nhà Hán lâu ngày không lên miền bắc đánh rợ Hồ.
Được mấy năm, thiền vu Y Trĩ Tà đã lập được mười ba năm thì chết, con tên là Ô Duy lập làm thiền vu. Năm đó là năm Nguyên Đỉnh thứ ba thời nhà Hán. Thiền vu Ô Duy lập, lúc này thiên tử nhà Hán bắt đầu ra tuần xét quận huyện. Sau đó nhà Hán đang hướng về phía nam đánh hai nước Việt, không đánh Hung Nô, người Hung Nô cũng không đánh vào biên ải.
Thiền vu Ô Duy lập được ba năm, nhà Hán đã diệt nước Nam Việt, sai quan Thái bộc cũ trên là Hạ đem một vạn năm ngàn quân cưỡi ngựa ra huyện Cửu Nguyên cách hơn hai ngàn dặm, đến giếng Phù Tư rồi về, không thấy một người Hung Nô. Nhà Hán lại sai viên Tòng Kị Hầu cũ tên là Triệu Phá Nô đem hơn một vạn quân cưỡi ngựa ra huyện Lệnh Cư cách mấy ngàn dặm, đến dòng sông Hung Nô rồi về,cũng không thấy một người Hung Nô.
Bấy giờ thiên tử đi tuần xét biên giới, đến quận Sóc Phương, đem hơn mười tám vạn quân cưỡi ngựa để tỏ oai quân, lại sai Quách Cát dụ cáo thiền vu. Quách Cát đã đến nước Hung Nô, viên Chủ khánh nước Hung Nô hỏi sứ Hán, Quách Cát lễ kém mà nói hay, nói: “Ta muốn gặp thiền vu mà nói lời”. Thiền vu gặp Cát, Cát nói: “Đầu của vua Nam Việt đã treo ở cửa ải phía bắc nhà Hán. Nay thiền vu không đến đánh với quân Hán được, thiên tử tự đem quân đợi ở biên ải, nếu thiền vu không đến được thì nên ngoảnh mặt về phía nam thần phục vào nhà Hán. Sao lại chạy xa, trốn náu ở miền đất lạnh phía bắc bãi cát không có cây cỏ ven sông, chẳng làm chi được”. Nói xong thì thiền vu giận lắm, liền chém viên Chủ khách đã cho vào gặp, lại giữ Quách Cát ở lại không cho về, dời Cát lên miền bắc. Do vậy thiền vu rút cuộc không dám đến đánh ở biên giới nhà Hán, nghỉ ngơi nuôi quân mã, tập dượt săn bắn, mấy lần sai sứ đến nhà Hán, dùng lời hay ý ngọt cầu xin hòa thân.
Nhà Hán sai bọn Vương Ô đi dò xét người Hung Nô. Theo pháp luật Hung Nô, sứ Hán mà không bỏ cờ mao mà khắc bôi mực lên mặt thì không được vào lêu rạp. Vương Ô là người quận Bắc Địa, học theo thói rợ Hồ, bỏ cờ mao, khắc mặt, được vào lều rạp. Thiền vu thích Ô, vờ vâng theo nói lời ngọt, lại sai thái tử của mình vào nhà Hán làm con tin để xin hòa thân.
Sứ Hán tên là Dương Tín đến nước Hung Nô. Bấy giờ nhà Hán sang miền đông đánh nước Uế, Mạch, Triều Tiên lập thành quận, lại đặt quận Tửu Tuyền ở miền tây để cắt đứt con đường qua lại của người Hồ và người Khương. Nhà Hán lại phía tây thông sứ các nước Nguyệt Chi, Đại Hạ, ại đem công chúa gả cho vua nước Ô Tôn để làm nước ứng giúp ở phía tây nước Hung Nô. Lại mở rộng thêm ruộng đến đất Huyền Lôi làm ải lũy, Tập giải: Hán thư âm nghĩa chép: “Huyền Lôi là tên đất, tại phía bắc nước Ô Tôn”. nhưng người Hung Nô rút cuộc không dám vì vậy mà nói gì. Năm đó Ông Hầu tên là Tín chết, những kẻ làm việc của nhà Hán cho rằng người Hung Nô đã suy yếu, nến bắt họ theo phục. Dương Tín là người thẳng thắn cứng rắn, vốn không phải bầy tôi cao quý, thiền vu không thân. Thiền vu muốn gọi vào, không chịu bỏ cờ mao, thiền vu bèn ngồi ngoài lều rạp gặp Dương Tín. Tín đã gặp thiền vu, dụ rằng: “Nếu muốn hòa thân, hãy đem thái tử của thiền vu làm con tin ở nhà Hán”. Thiền vu nói: “Không phải là điều ước cũ. Theo điều ước cũ, nhà Hán thường sai công chúa đến, cấp cho các đồ ăn, tơ lụa để hòa thân, thì người Hung Nô cũng không gây rối ở biên giới. Nay lại muốn trái ước cổ, sai thái tử ta làm con tin, không được vậy”. Thói tục Hung Nô, thấy sứ Hán không phải là người tôn quý trong cung, mà là người học đạo Nho, liền cho là sứ Hán muốn dụ, bèn bắt bẻ lời ấy, nếu là người tuổi trẻ thì cho là sứ Hán muốn đâm giết mình, bèn bắt bẻ khí hăng. Mỗi khi sứ Hán vào nước Hung Nô, người Hung Nô liền trả đũa ngang nhau. Nhà Hán giữ sứ Hung Nô lại, người Hung Nô cũng giữ sứ Hán lại, phải ngang bằng mới chịu thôi.
Dương Tín đã về, nhà Hán sai Vương Ô đến, nhưng thiền vu lại lấy lời ngọt để nịnh, muốn có được nhiều đồ dùng của nhà Hán, nói dối Vương Ô rằng: “Ta muốn vào nhà Hán gặp thiên tử, đối mặt kết làm anh em”. Vương Ô về báo cho vua Hán, vua Hán giúp thiền vu đắp đàn thề ở thành Trường An. Người Hung Nô nói: “Không có sứ giả người tôn quý của nhà Hán thì ta không nói thật với họ”. Người Hung Nô sai người tôn quý của mình đến nhà Hán, bị bệnh, vua Hán cho uống thuốc, cho cho khỏi, không may mà chết. Rồi sứ Hán tên là Lộ Doãn Quốc đeo ấn thao quan Nhị thiên thạch làm sứ đến, nhân đó tống tang, táng nhiều theo đến mấy ngàn vàng, nói: “Đây là người tôn quý của nhà Hán”. Thiền vu cho rằng người Hán giết người sứ tôn quý của mình, bèn giữ Lộ Doãn Quốc ở lại không cho về. Những lời mà thiền vu nói chỉ là vờ dối Vương Duy, chắc không có ý vào nhà Hán mà sai thái tử đến làm con tin. Do đó người Hung Nô nhiều lần sai quân đi riêng lấn vào biên ải. Nhà Hán mới sai Quách Xương làm Bạt Hồ tướng quân cùng Trác Dã Hầu đóng quân ở quận Sóc Phương về phía đông để ngăn rợ Hồ. Lộ Doãn Quốc ở nước Hung Nô ba năm thì thiền vu chết.
Thiền vu Ô Duy lập được mười năm thì chết, con tên là Ô Sư Lô lập làm thiền vu. Tuổi nhỏ, hiệu là thiền vu Nhi. Năm đó là năm Nguyên Phong thứ sáu. Từ đó về sau, thiền vu càng dời về phía tây bắc, quân mé trái đóng ở quận Vân Trung, quân mé phải đóng ở quận Tửu Tuyền, Đôn Hoàng.
Thiền vu Ô Duy lập được mười năm thì chết, con tên là Ô Sư Lô lập làm thiền vu. Tuổi nhỏ, hiệu là thiền vu Nhi. Năm đó là năm Nguyên Phong thứ sáu. Từ đó về sau, thiền vu càng dời về phía t