Nho sinh, vua quan và kẻ sỹ
Phan Cẩm Thượng Thiên tử trọng hiền hào Văn chương giáo nhĩ tào Vạn ban giai hạ phẩm Duy hữu đọc thư cao. (Nhà vua trọng kẻ hiền Lấy văn chương dạy chúng mày Mọi nghề đều hèn hạ Chỉ có đọc sách là cao siêu. (Bài thơ giáo huấn trẻ con khi học chữ ...
Phan Cẩm Thượng
Thiên tử trọng hiền hào
Văn chương giáo nhĩ tào
Vạn ban giai hạ phẩm
Duy hữu đọc thư cao.(Nhà vua trọng kẻ hiền
Lấy văn chương dạy chúng mày
Mọi nghề đều hèn hạ
Chỉ có đọc sách là cao siêu.(Bài thơ giáo huấn trẻ con khi học chữ Nho)
Bốn giai tầng trong xã hội phong kiến Việt Nam – sỹ nông công thương, giai tầng cao nhất là sỹ, tức là những người đi học đạo Nho và đi thi làm quan, đứng đầu cho giai tầng này chính là ông vua mà thôi.
Tuy nhiên sỹ đi học mà thi đỗ, còn vua thì không thể, hoặc là cha truyền con nối, hoặc tự nổi lên xưng hùng xưng bá thành vua, nên dân gian gọi là Được làm vua, thua làm giặc. Xét trong lịch sử Việt Nam, theo quan điểm của các nhà Nho sử gia, có các vua nhà Ngô, Đinh, Lê (Tiền Lê) Lý, Trần, Lê (Lê sơ và Hậu Lê), Tây Sơn, Nguyễn được coi là chính thống, còn vua nhà Hồ, nhà Mạc được coi là tiếm ngôi, hai triều đại đó được gọi là Nhuận Hồ và Ngụy Mạc. Bên cạnh đó còn thời gian dài binh quyền nằm trong tay hai vị chúa, chúa Trịnh Đàng Ngoài và chúa Nguyễn Đàng Trong. Họ cũng có tước vương, và thực nắm quyền lực, nhưng danh vị hoàng đế vẫn của vua Lê.
Dưới quan điểm của chúng ta bây giờ, đó là những câu chuyện lịch sử bất khả kháng và đều cần được nghiên cứu như nhau. Lịch sử vương quyền Việt Nam mới kéo dài từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 20; trước thế kỷ 10, Việt Nam nằm trong vòng kiềm tỏa của thời kỳ Bắc thuộc, cũng có nhiều cuộc khởi nghĩa nổi lên chống quân xâm lược phương Bắc, nhiều người xưng hùng xưng bá, nhưng đều chưa thành nhà nước và căn bản là tồn tại ngắn ngủi với hy vọng tự cường mà thôi.
Tất cả các ông vua lên ngôi đều được coi là có tướng mạo đặc biệt, xuất thân đặc biệt và gắn với những truyền thuyết hoành tráng, những điềm lành và được dân gian truyền tụng. Ví dụ truyền thuyết cờ lau tập trận của Đinh Tiên Hoàng, truyền thuyết đối thoại với Phật của Lý Thái Tổ ở chùa Kiến Sơ, điềm bài thơ trên cây gạo về sự thay thế của nhà Lý với nhà Tiền Lê, đất phát tích ở Lam Sơn của vua Lê Lợi… Tất nhiên không ai làm vua được lại là người bình thường và đương nhiên phải gắn với những câu chuyện không bình thường mà lịch sử thậm chí còn ghi chép như sự thực. Một vị vua khởi nghiệp thường có xuất thân hoặc nghèo hèn nhưng có chí khí, hoặc xuất thân từ gia đình gia thế chọn được đất tốt long xà mà cắm huyệt, các vị đó lại có tướng mạo phi phàm, như mũi rồng, trán cao, râu năm chòm, mắt sáng như đèn, ăn như hùm beo, tiếng nói kêu như chuông, một ngày được trời giao thiên mệnh, chém rắn trắng, hay giao long, rồi khi đi đường người ta nom thấy bốn con rồng bò tiền hô hậu ủng sau ngài, khi ngài ngủ gác chân lên cả tượng Phật mà tượng sợ chết khiếp, lại có đám mây ngũ sắc như chiếc tán luôn che đầu. Cứ thế cứ thế, sự thật và huyền thoại được trộn lẫn vào nhau trong suốt cuộc đời của một ông vua và sau này người ta tin tưởng vua và gia tộc vua có chân thiên mệnh cai trị thiên hạ, đương nhiên cứ thế cha truyền con nối vạn tuế, vạn vạn tuế. Nếu xét trên sự thực lịch sử, tất cả các vị vua khởi nghiệp ở Việt Nam đều xuất thân từ võ quan, khi họ nắm được binh quyền trong tay thì tùy vào thời cơ và lòng dân, họ có thể lập nên một triều đại mới. Đinh Bộ Lĩnh là tướng của xứ quân Trần Lãm; Lê Hoàn là Thập đạo tướng quân, Điện tiền đô chỉ huy sứ của nhà Đinh (tổng chỉ huy quân đội); Lý Công Uẩn cũng là Điện tiền chỉ huy sứ triều nhà Tiền Lê. Trần Thủ Độ tuy không làm vua, nhưng là Điện tiền chỉ huy sứ của nhà Lý và lập ra nhà Trần. Hồ Quý Ly là Phụ chính Thái sư nhiếp chính của nhà Trần. Lê Lợi là thủ lĩnh quân khởi nghĩa chống quân Minh. Mạc Đăng Dung là Đô chỉ huy sứ của vua Lê. Nguyễn Kim, Trịnh Kiểm, Nguyễn Hoàng phò vua Lê đánh nhà Mạc đều là võ tướng sau thành các chúa nắm binh quyền. Nguyễn Huệ (Quang Trung) là võ tướng tài nhất quân Tây Sơn. Nguyễn Ánh là người kế vị các chúa Nguyễn, mưu cơ xuất sắc ở Đàng Trong. Nói như cách các vị vua võ công khởi nghiệp là quân lực quan trọng hơn vương miện. Các truyền thuyết chỉ thêm thắt cho tính chính thống của một ông vua mà thôi. Dẫu vua nào cũng mong gia tộc và giang sơn của mình vạn đại vô cương, nhưng thực tế những triều đại dài nhất ở Việt Nam cũng chỉ hơn hai trăm năm, ngắn nhất là nhà Hồ có bảy năm. Người Việt do đó mới có những câu dành cho vua quan: Con vua rồi lại làm vua / Con anh sãi chùa lại quét lá đa / Bao giờ dân nổi can qua / Con vua thất thế lại ra quét chùa và Quan nhất thời / Dân vạn đại. Đó chính là đời sống sinh động của chính trị và quyền lực. Những vị vua khởi nghiệp bao giờ cũng văn võ song toàn, đến thời thịnh trị, vua chúa bắt đầu ăn chơi trụy lạc, bóc lột sức dân, xây cất đền đài, triều đại suy vi dần, rồi đến chỗ tiêu vong, nhanh thì bởi một cuộc đảo chính khác. Lê Hoàn đảo chính nhà Đinh, Lý Công Uẩn đảo chính nhà Tiền Lê, Trần Thủ Độ đảo chính nhà Lý, Hồ Quý Ly đảo chính nhà Trần, Mạc Đăng Dung đảo chính nhà Lê Sơ… cứ như thế lịch sử diễn ra như một trò đùa, nhưng đẫm máu và tàn bạo. Mỗi cuộc chính biến là hàng ngàn người thành ma, đền đài cung điện nguy nga bị thiêu đốt. Trừ những cuộc chống ngoại xâm oai hùng mà toàn dân tộc đồng lòng thì chuyện triều chính chả có gì hay cả. Nói như Marx, nó luôn kết thúc bằng một màn hài kịch.
Viên thư lại. Ảnh trong sưu tập của M.Passignat.
Bưu ảnh Đông Dương đầu thế kỷ 20.
Nguồn: NXB Thế giới.
Đội ngũ quan lại hình thành trên nền tảng chính trị khác nhau của từng thời đại. Trừ thời Đinh, người ta bổ nhiệm cả chức tước cho sư sãi, thời Lý sư sãi cũng có tiếng nói không nhỏ trong cung đình, còn lại, những thời khác, quan trường là đất của các nhà Nho. Đội ngũ quan lại hình thành trên hai ngạch văn và võ, ở những triều đại sơ khai hay khởi nghiệp, quan lại hầu hết là những người tham gia quân khởi nghĩa từ đầu có nhiều công lao, được cử vào những trách nhiệm quan trọng bất kể học vấn, xuất thân, vì tất cả đều như vậy. Trong quá trình xây dựng triều chính, người ta có thể tiến cử những người có tài lên làm quan, không cần một trình tự nào cả. Sau khi binh quyền nắm trong tay, các ông vua đều biết rằng có thể ngồi trên yên ngựa lấy được thiên hạ, nhưng không thể ngồi trên yên ngựa cai trị thiên hạ (xem Hán Cao Tổ trong Sử ký Tư Mã Thiên), nên tiến hành tuyển cử quan lại, trong đó văn quan là tất yếu. Trong lịch sử khoa cử, có cả thi văn lẫn võ, nhưng thi võ ít được nhắc đến, hầu hết các trạng nguyên có tên tuổi đều thuộc ngạch thi văn. Chế độ khoa cử được coi là có từ thời Lý, người được coi đỗ trạng nguyên đầu tiên chính là Lê Văn Thịnh, tuy nhiên trong suốt thời Lý – Trần (thế kỷ 11 – 14), Phật giáo vẫn nắm vai trò thống trị tư tưởng xã hội, Nho giáo thu hẹp trong việc đào tạo con cái vua quan, khoa cử vẫn không mang tính hệ thống và thường niên. Văn miếu ban đầu được lập ra để dạy dỗ thái tử nên gọi là Quốc tử giám. Chế độ khoa cử đi vào đời sống của Nho giáo và kẻ sỹ Việt Nam một cách rộng rãi phải đợi đến thời Lê Sơ, thế kỷ 15.
Nho giáo, cùng với đạo Phật và đạo Lão, đều được coi là du nhập vào nước ta từ Ấn Độ và Trung Hoa đầu Công Nguyên. Riêng Nho giáo có lẽ chỉ bắt đầu từ việc Sỹ Nhiếp mở trường dạy chữ Hán và Nho giáo ở Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh) vào thế kỷ 2. Song từ đó đến thời nhà Lý thế kỷ 11, người ta ít nhắc đến cái việc đào tạo đó ra sao. Khi nhà Đinh, nhà Tiền Lê, nhà Lý kế tiếp nhau nắm quyền lực, phần lớn đội ngũ quan lại và trí thức dựa vào Phật giáo, những người không chỉ nắm Phật học mà có kiến thức, chữ nghĩa nói chung có thể giúp công việc hành chính, tư tưởng và bang giao. Ngoài việc chữ Hán được dùng như là văn tự chính thức, không có đội ngũ kẻ sỹ nhà Nho nào cả. Thế lực Phật giáo lớn đến nỗi có thể đưa cả một người như Lý Công Uẩn không hề xuất thân quyền quý lên làm vua. Nhưng trong vòng năm trăm năm sau đó, từ thời nhà Lê Sơ đến nhà Nguyễn, người ta ghi chép được tên tuổi tất cả những người đỗ đạt làm quan hay không làm quan là môn đệ của Khổng Tử, những người đem Nho giáo thâm nhập vào xã hội làng xã Việt Nam một cách sâu sắc, trong khi toàn bộ các sắc tộc khác ở Việt Nam và Đông Nam Á không hề tiếp nhận Nho giáo và hình thành một lối tổ chức xã hội khác. Nho giáo giới hạn ở bốn nước Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam, hình thành những cơ cấu xã hội phong kiến có nhiều nét tương đồng và đều có tầng lớp trí thức là môn đệ của Khổng Tử. Đạo Khổng đề cao tư tưởng trung quân, cương thường xã hội và gia đình, nhưng rất ít đề cập đến quốc gia, dân tộc, khiến các nhà Nho có thể hy sinh quyền lợi của đất nước để trung quân. Ví dụ điển hình là Nhạc Phi, viên tướng nhà Tống đang cầm quân đánh quân xâm lược Kim, bị gọi về để xử chết mà vẫn về, khiến nhà Tống sau đó bại vong. Bà mẹ của Nhạc Phi hiểu rất rõ tính tình của con mình, nên trước khi ra trận đã viết lên lưng ông bốn chữ Trung quân, Báo quốc, nhưng tiếc thay Nhạc Phi không hiểu được điều đó. Ở Nhật Bản, người ta cũng cảm thấy những hạn chế của Nho giáo nên mở một cuộc tranh luận với đề tài: Phải làm thế nào nếu Khổng Tử cùng 72 vị tiên hiền dẫn một đạo quân tiến đánh nước Nhật. Câu trả lời là phải đánh lại Khổng Tử. Những câu chuyện như thế chưa từng được đề cập ở Việt Nam, và hậu quả rất lớn là vào thời Nguyễn, các quan thay mặt vua hy sinh quyền lợi của đất nước, ký hòa ước và dẹp các cuộc khởi nghĩa, rồi sau ân hận họ bèn tự tử. Đó là trường hợp của Phan Thanh Giản, và cả Tam nguyên Trần Bích San, sau khi đi sứ ở Pháp về cũng tìm đến cái chết.
Tầng lớp Nho sinh chiếm không nhiều so với dân số luôn có hơn 90% là nông dân thuần túy. Trong một làng từ 500 – 1.000 dân thì người học chữ Nho và đi thi có khi chỉ là 1%, tương đương năm – bảy người. Nhưng họ là người có chữ, đọc sách, có tư tưởng nên có khả năng ảnh hưởng đến người khác. Xã hội Việt Nam thời Lý – Trần là một xã hội rất chất phác, lấy tôn chỉ Phật giáo làm ứng xử xã hội, không biết đến tam cương ngũ thường, thọ mai gia lễ, chỉ sau thế kỷ 15, đã biến thành một xã hội lễ nghĩa Khổng Mạnh, đưa những nghi thức tang ma và tín ngưỡng phức tạp của Tam giáo vào đời sống, tất nhiên là cộng thêm những tập tục của từng vùng miền. Chỉ cần mấy ông đồ Nho trong làng là cả làng xã được Nho giáo hóa cho đến tận bây giờ, và là một thứ Tống Nho hủ lậu. Phật giáo mất địa vị thống trị xã hội sau những cải cách của Lê Lợi, hạn chế xây chùa, cho hoàn tục sư dưới 50 tuổi, đã trở thành một thứ Phật giáo trong làng cũng phiền toái như Nho giáo trong làng. Điều mà Trần Trọng Kim nêu ra là: Phật giáo vào Việt Nam thì biến thành mê tín dị đoan, Nho giáo vào Việt Nam thì biến thành tín điều lễ nghĩa. Nghĩa là một thứ đạo lý mất gốc trọng những nghi thức bên ngoài phức tạp.
Đội ngũ quan lại thành danh do thi cử, trừ một số là thân vương, hoặc mua bán quan tước, nghiễm nhiên thành quan lại. Đó là lớp văn quan, còn võ quan cũng có thi cử, nhưng nếu tự học giỏi võ thì không nhất thiết qua trường lớp nào cả, võ tướng được chứng tỏ trong chiến đấu chứ không phải trên sách vở hay võ đài. Việc thi cử để trở thành một ông quan cũng không dễ, họ phải trải qua ba kỳ thi từ địa phương đến trung ương, gọi là thi Hương, thi Hội và thi Đình. Thi đình là kỳ thi cuối cùng khó nhất, thi ngay trong triều đình, đôi khi do đích thân nhà vua ra đề. Thi Đình có bốn kỳ, ai đỗ cả bốn thì mới được coi là hàng tiến sỹ, đỗ ba kỳ mà trượt kỳ cuối thì gọi là phó bảng, nếu bổ làm quan thì cũng chỉ là đi dạy học. Tất cả những tiến sỹ đó lại được chia thành ba giáp, nhất – nhị – tam, đỗ đệ nhất giáp lại lấy ba người đứng đầu là Trạng nguyên, Bảng nhãn và Thám hoa. Nếu là tiến sỹ đều có thể bổ nhiệm làm quan lại to nhỏ, gọi là tiến sỹ xuất thân, nếu ai không muốn làm quan thì về quê ở ẩn, an nhàn và cũng được xã hội trọng vọng như là một bậc tiên hiền không màng công danh phú quý. Tất cả các tiến sỹ sau khi đỗ đạt đều được vua ban yến tiệc, cờ biển, áo mũ, đi chơi kinh thành, rồi rước vinh quy về làng, dân làng phải lên tận huyện đón và cắt ruộng đất cho ngài làm đất hương hỏa. Sau đó triều đình sẽ bổ nhiệm chức vụ, tất nhiên thời gian đầu bao giờ cũng thử việc tại các địa phương, ví dụ như làm huyện lệnh.
Khái niệm quan liêu – có nghĩa là các quan, bọn quan, hệ thống quan lại. Việc học hành chỉ thuần Nho giáo với những tư tưởng giáo huấn hình thành có hệ thống từ 500 năm trước Công Nguyên, và rất ít thay đổi hàng ngàn năm sau. Bốn bộ sách, năm bộ kinh do Khổng Tử và các học trò biên soạn gọi là Tứ thư, Ngũ kinh là nòng cốt tư tưởng của kẻ sỹ và quan lại, gần như họ không biết đến sự thay đổi của thời cuộc đòi hỏi triết lý cũng phải thay đổi theo, và nhất là trong đạo đó không có chỗ nào cho kinh tế và khoa học kỹ thuật. Các tiến sỹ Nho giáo được coi là có lối học cử tử, nhất nhất như sách của đức Thánh Khổng Mạnh, đôi khi học thuật đó rất xa lạ với thực tế, và họ sẵn sàng uốn nắn thực tế cho đúng sách vở chứ không phải là ngược lại. Với một xã hội nông nghiệp dường như là bất biến, Nho giáo lại có vẻ phù hợp, người dân chỉ cần vua sáng tôi hiền, sưu thuế giảm bớt, chính sách không hà khắc là việc làm nông thuận lợi một phần. Một nhà nước phong kiến tích cực chỉ cần quan tâm đến vài điều là hệ thống đê điều sao cho không lụt lội, tích trữ lương thực cứu đói và ổn định giá cả, mở rộng cửa cho nghề thủ công và buôn bán nhỏ, và đảm bảo an ninh làng xã khỏi đạo tặc, cũng như chế độ tư hữu và công hữu về ruộng đất.
Quá trình này cho thấy phần lớn các tiến sỹ Nho giáo không hữu dụng và rập khuôn, nên dân gian có câu: Nhà Lê có hai tư ông tiến sỹ / Tám ông chân / Tám ông ngụy / Tám ông chân ngụy. Sau này thì nhiều người cũng than rằng: tiến sỹ thì đầy triều mà nhân tài vẫn hiếm. Kẻ làm quan bao giờ cũng được vua ban bổng lộc, cụ thể là cắm đất phong cho họ không chỉ đủ sống, mà còn dư dật. Đất đai đó nếu được tập ấm thì có thể truyền cho con cháu, còn nếu không, hết tại vị thì trả lại cho triều đình. Một cách khác là quan lại được thu thuế một số hộ nhất định trong địa phương làm bổng lộc, hoặc hằng năm được vua ban một số hộc thóc làm lương. Còn nói chung mặc dù làm quan, nhưng không có chế độ lương như bây giờ, nên nếu là quan thanh liêm thì cũng nghèo. Tình hình đó dẫn đến chế độ tham nhũng tràn lan, nhất là các quan lại địa phương, mặc dù để khuyến khích sự trong sạch, thỉnh thoảng vua vẫn trực cho mấy nén bạc vào gói thuốc lào rồi trực tiếp ban thưởng.
Thê tử bất giác hỷ
Hoàng khuyển độc hữu tình
Đương môn ngọa dao vỹ.
Vợ con mặt không vui
Chó vàng riêng có tình
Nằm giữa cửa vẫy đuôi.
Những nhà giàu thường góp tiền, mời ông đồ về nhà dạy học cho trẻ con, và về nghĩa đen, người ta nói rằng đứa trẻ này học hết chữ của thầy. Vốn là chữ Hán có lượng từ cần nhớ mặt chữ nhất định, trong khoảng 3 – 7 ngàn từ là đọc được sách cơ bản, 10 ngàn từ là có thể thi đỗ trạng nguyên, các ông đồ (thầy giáo) phân biệt trình độ cũng dựa trên cơ sở này: ai biết nhiều chữ hơn, sau đó thuộc kinh sách hơn, biết phân tích kinh sách hơn, và biết làm thơ làm văn. Một người đi học cũng phải đi theo lịch trình đó: biết chữ, kinh sách, làm văn thơ, ngoài ra không cần kiến thức gì khác. Rõ ràng với lối học như vậy, kẻ sỹ hầu hết là những người xa lạ với kiến thức kinh tế, ít thực tế xã hội, các kinh sách họ cần thuộc lòng đều xuất xứ từ Trung Quốc từ hơn 1.500 năm về trước (tùy theo thời), nói chung là ít tính cập nhật.
Sau khi thi đỗ làm quan địa phương, việc chính của họ là đốc thúc thu thuế cho nhà nước, dựa trên bộ luật của triều đình xử lý các vụ việc địa phương vốn không nhiều (chủ yếu là tranh chấp đất đai). Quan lại thực ra rất nhàn, nếu không làm được, sợ trách nhiệm, họ đẩy việc lên quan trên, quan trên lại đẩy lên quan trên nữa, và rất có thể nhiều việc vặt vãnh đưa đến tận tay ông vua.
Từ năm, bảy tuổi, đứa trẻ được đi học. Những đứa trẻ nhà nghèo nhưng thông minh sẽ được cả họ góp tiền nuôi đến khi đi thi, và nó sẽ phải cố gắng đỗ đạt để sau khi làm quan còn trả nợ dòng họ bằng lợi thế địa vị của mình. Thoạt tiên thầy đồ sẽ dạy nó lễ nghĩa, chào mời, hầu hạ trà – thuốc – rượu cho thầy, mài mực, quét nhà, đóng quyển và ăn ở tốt với đồng học, nếu sai trái, thầy sẽ đánh đòn – cái này gọi là Tiên học lễ, Hậu học văn, và Yêu cho roi cho vọt / Ghét cho ngọt cho bùi – sau đó mới được học chữ. Sau mười năm, lưng vốn kha khá, nó có thể ứng thí (đi thi); có đứa thông minh hơn thì 13, 14 tuổi đã đi thi – khoa cử xưa không hạn chế tuổi ứng thí, nhưng nếu trẻ quá thì có thể bị đánh trượt cho bớt kiêu ngạo, để khoa sau sẽ lấy. Sau khi có chữ, không phải tất cả đều đi thi, hoặc thi xong thì đều đỗ, số người biết chữ tự nhiên gia nhập đội ngũ kẻ sỹ, tham gia dạy học, làm thầy thuốc, thầy địa lý, thầy bói, ông sư, ông từ, thầy phù thủy, đạo sỹ… Tóm lại, tất cả các nghề liên quan đến chữ nghĩa tinh thần đều được gọi là thầy, trên nguyên tắc kẻ sỹ chỉ là nhà Nho. Quan lại cũng kính nể họ, bởi vì ngày nào đó kể cả ông vua cũng phải xem bói, nhờ thầy địa lý đặt mồ mả.
Đối với nhiều người, quá trình đi thi diễn ra cả đời, như trường hợp nhà thơ Tú Xương dự thi đến tám khoa mà vẫn trượt. Trừ những khoa ân thi đột xuất, thì cứ ba năm một khoa, nếu thi trượt ba năm sau mới có cơ hội làm lại. Có gia đình, con đã đỗ làm quan mà bố vẫn còn lều chõng đi thi. Thi đỗ thì mở vinh dự cả họ, mát mặt cả làng; thi trượt thì cay đắng không để đâu cho hết, cái nỗi cay đắng ấy còn đeo đẳng cho đến đứa trẻ và gia đình người Việt ngày nay. Bao giờ gột sạch được tâm lý bị điểm kém và thi trượt cũng là bình thường, thì học thức của người Việt mới có cơ tiến bộ.
Tam giáo Nho, Lão, Phật và việc xuất xử là quan trọng với xã hội xưa. Xử có nghĩa là ra làm quan, giúp vua trị nước, trổ tài kinh bang tế thế. Xuất có nghĩa là lui về quê, lên núi đi ở ẩn, lánh xa cuộc đời ô trọc, biến mình thành tiên Phật giữa cuộc đời trần tục. Tam giáo vào Việt Nam từ đầu Công nguyên, nhưng một ngàn năm sau mới ảnh hưởng tới hệ chính trị và tư tưởng. Giới Nho sinh kẻ sỹ không xuất hiện trước thời Lý, vai trò lãnh đạo xã hội lúc đó thuộc về các thủ lĩnh quân sự và ít nhiều là giới sư tăng vào cuối thế kỷ 10. Tuy nhiên cái mô hình cát cứ phong kiến và các tiểu quốc trong một quốc gia của Đông Nam Á có những nhược điểm mà phong kiến Việt Nam không muốn theo, họ muốn có một nhà nước mạnh tập quyền và tìm thấy sức mạnh ấy ở Nho giáo, một thứ đạo trị quốc có tính chính trị mà Phật giáo không có. Tất cả các đệ tử của Khổng Tử đều sẵn sàng làm quan và biết làm quan, chứ các vị sư sãi và đạo sỹ thì không thể. Nho giáo nhanh chóng chiếm lĩnh đời sống thường nhật trong việc tổ chức nhà nước và xã hội, gia đình, còn Phật giáo biến thành tôn giáo ở làng, ổn định và ru ngủ dân chúng. Đạo giáo và tư tưởng của Lão Tử thì quá khó khăn và trừu tượng để thực hành, nên cũng chỉ có ít người đi theo. Giới trí thức xa lánh xã hội biến mình thành ẩn sỹ không nhiều, và họ cũng không có điều kiện thành ẩn sỹ như giới văn nhân sỹ đại phu Trung Quốc. Tức là muốn đi ở ẩn cũng cần có vài trăm mẫu ruộng, vài chục người hầu, thật quá sức với một ông quan thanh liêm. Từ giới Nho sỹ tách ra các loại thầy như trên đã nói, trong đó có thầy đồ làm mọi việc tín ngưỡng, văn thư cho làng xã – họ không giàu có nhưng tạm đủ ăn, và được tôn trọng trong góc chiếu giữa đình. Kẻ sỹ làm quan và kẻ sỹ không làm quan hình thành một đẳng cấp trong xã hội phong kiến, dẫu vậy họ cũng không thành quý tộc, phần lớn là nghèo với vài mẫu ruộng, nhà gỗ và một hai người hầu, không có tài sản gì lớn.
Nho học và Nho sinh đi với kinh sách, nhưng việc xuất bản sách thời xưa rất hạn chế, đa phần vẫn chép tay. Kinh sách không phổ cập trên đường phố, chợ búa, hầu như không mua được, trong Kinh sách lại chủ yếu là Tứ thư, Ngũ Kinh từ thời Khổng Tử, thơ văn các triều đại, sách bói toán địa lý, sách thuốc, còn tuyệt không có sách nào về tri thức xã hội và khoa học. Điều đó cho thấy người trí thức xưa hình thành như thế nào, với một bên là nghề trồng lúa của nông dân và một bên là đạo lý của Khổng Tử, đơn giản chỉ như vậy.
Thời của các thủ lĩnh cát cứ, như Đinh Tiên Hoàng, không biết gì đến lễ nghĩa Nho giáo, và họ cai trị không có một hệ tư tưởng nào cụ thể, tất nhiên với chút đạo lý Phật giáo sơ khai. Không có Nho sinh và cũng không có kẻ sỹ, chỉ thuần túy là các chiến binh, thủ lĩnh quân sự, tướng lĩnh và sư tăng. Nho giáo được đưa vào chương trình dạy thái tử từ thời Lý, và cũng có vài khoa thi nhất định, nhưng xem toàn bộ chế độ khoa cử thì lớp Nho sinh còn rất hạn chế. Phải đợi đến thời Lê sơ tầng lớp này mới phát triển mạnh mẽ, chỉ riêng thời Lê đã chiếm 2/3 số tiến sỹ trong khoa cử Việt Nam, chứng tỏ đó là thời thịnh trị của Nho giáo và thi cử.
Với hai con đường chính lập nghiệp là văn và võ, quan lại hình thành trong các triều đại Lê Trịnh ở Đàng Ngoài và Nguyễn ở Đàng Trong và phân hóa sâu sắc sau cuối thế kỷ 18, đặc biệt sau chính biến của nghĩa quân Tây Sơn, dần dẫn đến triều đại Tây Sơn. Khoa cử và Nho sinh lại có cơ hội phát triển trong thời Nguyễn, nhất là những năm nửa đầu thế kỷ 19. Năm 1858, khi Pháp chính thức xâm lược Việt Nam thì chế độ khoa cử bắt đầu đi xuống, nhiều nhà Nho không muốn cộng tác với triều đình và tự mình khởi nghĩa văn thân. Người ta đã nhìn sự tôn quân và đạo của Khổng Tử một cách khác. Trong thời kỳ cát cứ và thủ lĩnh, sự cha truyền con nối là không nhất thiết. Thủ lĩnh quân sự lên nắm quyền bằng thực tài võ nghệ, cầm binh, cho nên người ta không dễ chấp nhận một ông con thủ lĩnh yếu đuối. Nhưng khi chế độ quân chủ trưởng thành, người ta bắt buộc phải chấp nhận một ông vua theo dòng trưởng bất chấp ông vua đó bao nhiêu tuổi, có tài năng hay không. Kết quả của hầu hết các triều đại là vua khởi nghiệp là minh quân, nhưng vua cháu chắt lại bất tài vô đạo và dẫn đến một cuộc chính biến mới. Tuy nhiên đạo lý Khổng giáo chẳng có gì thay đổi, nó vẫn tôn quân tôn trưởng và buộc người dân chấp nhận một chế độ phong kiến không lựa chọn, nếu may mắn thì là triều đại vua sáng tôi hiền, không may mắn thì vua tối quan tham, còn cái chế độ phong kiến ấy là bất biến.
Trên nguyên tắc, chế độ quan lại có tập ấm và không tập ấm: khi được tập ấm, con có thể thừa kế chức vụ và ruộng đất vua ban cho cha; không tập ấm thì hết đời cha con cái cũng giống như dân thường. Trong lịch sử quan chế Việt Nam, việc tập ấm theo con đường võ dễ dàng hơn, vì người con nếu có võ nghệ và tài cầm binh dễ được nhận biết; còn trong con đường văn, sự tập ấm hầu như không có, vì chỉ có khoa cử mới có thể chứng tỏ được học vấn. Ở Trung Quốc, tầng lớp quan lại sau khi không làm quan nữa thì bắt đầu tham gia hoạt động văn nghệ (tầng lớp văn nhân sỹ đại phu) và chính họ quyết định sự phát triển của văn hóa nghệ thuật của đất nước; còn ở Việt Nam, quan lại về vườn chỉ có thể làm thơ và ảnh hưởng tới đời sống văn hóa không nhiều. Trường hợp như Nguyễn Khuyến là hiếm hoi. Đóng góp của quan lại Việt Nam đối với sự phát triển của văn hóa nghệ thuật là không nhiều, trừ văn học. Văn hóa nghệ thuật thời phong kiến phụ thuộc chính vào hoạt động văn nghệ của nông dân và giai tầng thợ thủ công – những người làm ra các công trình kiến trúc điêu khắc, âm nhạc, dân ca và thơ ca truyền miệng.
Thực ra không phải đợi đến Khổng Tử mới có trí thức. Nho giáo và nhiều tư tưởng khác có sẵn trong từng thời từng lúc của xã hội phong kiến phương Đông nhiều loạn lạc. Tầng lớp thuyết khách du hiệp đầy rẫy trong xã hội nhiều tiểu quốc ở Trung Quốc và các nước khác từ trước Công nguyên, vốn rất linh hoạt về tư tưởng, không lấy quốc gia làm trọng, đi theo chủ thì thờ chủ, chủ không tốt, không tạo điều kiện cho tài năng của họ, thì chạy sang quốc gia khác, thờ chủ khác. Khi Nho giáo dần dần nắm địa vị độc tôn trong các hệ tư tưởng trị quốc, thì môn đệ của Nho giáo là những Nho sinh cũng có những nét tương tự như truyền thống của du hiệp thuyết khách. Quân, Sư, Phụ – Vua, Thầy, Cha là ba đấng họ tôn thờ và trung thành, có thể hiến dâng cả tính mạng, còn đất nước dân tộc rất ít khi được nhắc đến, hay thể hiện lòng trung. Đó chính là nhược điểm của trí thức Nho giáo coi cái rường mối xã hội quan trọng hơn các quan hệ tự nhiên khác.
Cuộc đời của nhà Nho là cuộc đời sống với những lý tưởng bất biến, cũng có thể khả dĩ trong một xã hội bất biến, dân số ít, kinh tế thuần nông nghiệp, tứ dân sỹ – nông – công -thương ai nấy chăm lo làm đúng bổn phận của mình. Lý tưởng đó ít nhất đã kéo dài gần một ngàn năm tưởng chừng chỉ lặp đi lặp lại như bốn mùa xuân – hạ – thu – đông, nhưng khi chạm vào thế kỷ 19 với sự bành trướng của chủ nghĩa Thực dân và khoa học kỹ nghệ phương Tây, nó chợt trở nên mỏng manh và tan vỡ.