18/06/2018, 15:45
Nhìn lại lịch sử Champa
Michael Vickery Người dịch: Hà Hữu Nga Như đầu đề của bài viết muốn nói, tôi cho rằng lịch sử Champa, với tư cách là một tổng thể hầu như chưa có một nghiên cứu phê phán nào, kể từ khi cuốn sách 1 của Georges Maspéro xuất bản năm 1928, nay cần phải được nhìn lại với ...
Michael Vickery
Người dịch: Hà Hữu Nga
Như đầu đề của bài viết muốn nói, tôi cho rằng lịch sử Champa, với tư cách là một tổng thể hầu như chưa có một nghiên cứu phê phán nào, kể từ khi cuốn sách1 của Georges Maspéro xuất bản năm 1928, nay cần phải được nhìn lại với các vấn đề sau:
i) Nguồn gốc của người Chăm nói tiếng Nam Đảo hiện sinh sống tại Việt Nam và Cambodia;
ii) Vấn đề Lâm Ấp; có phải Lâm Ấp chính là Champa do những hồ sơ đầu tiên liên quan đến vấn đề này, hay là do được xác định về sau, còn nếu Lâm Ấp không phải là Champa thì đó là gì?2 ;
iii) Các quan hệ với Việt Nam, đặc biệt là quan niệm cho rằng Champa, bao gồm cả Lâm Ấp thường xuyên là nạn nhân của tệ bành trướng của người láng giềng phía bắc;
iv) Cách kể về lịch sử Champa của Maspéro. Mặc dù cuốn sách của ông lập tức thu hút sự xét đoán của độc giả ngay sau khi xuất bản và càng ngày càng thấu đáo hơn kể từ Rolf Stein, nhưng các kết luận chủ yếu của ông lại được trao truyền theo nghĩa đen vào công trình tổng hợp nổi tiếng của Georges Coedès, và đã tiếp tục tác động ảnh hưởng mạnh mẽ đến các công trình nghiên cứu khác, kể cả việc chấp nhận chung của một số nhà ngôn ngữ cho đến tận thập kỷ vừa qua 3.
Bài viết này bao gồm cả việc xem xét lại vị thế chính trị – hành chính của các vùng người Chăm sinh sống được xác định căn cứ vào các di tích kiến trúc và bi ký trải dài từ Quảng Bình đến nam Phan Rang. Có nghĩa là nhìn lại xem liệu có phải Champa là một nhà nước/vương quốc thống nhất duy nhất như mô tả trong các công trình nghiên cứu kinh điển đã có hay đó là một loại liên chính thể do người Chăm nói tiếng Nam Đảo thống trị, hay cả hai, hoặc đó là những chính thể hoàn toàn riêng biệt, thỉnh thoảng có tranh chấp? 4
Các nguồn tư liệu: Có ba loại nguồn tư liệu cho lịch sử Champa: (1) các di tích vật chất – kiến trúc gạch vẫn được coi là hệ thống đền tháp đi liền với các công trình điêu khắc, và các tư liệu thu được từ các cuộc khai quật khảo cổ học; (2) các bi ký bằng tiếng Chăm cổ và tiếng Phạn; và (3) các sử liệu chữ Hán và tiếng Việt về mối quan hệ giữa các quốc gia đó và các chính thể khác thuộc các vùng phía nam Trung Quốc, trong đó có bắc Việt Nam, và vùng lãnh thổ thuộc nam Việt Nam ngày nay.
Các di tích vật chất: Các di tích vật chất trên mặt đất, hệ thống đền tháp thông qua các công trình kiến trúc đã cho thấy tối thiểu có ba vùng bắt đầu phát triển vào cùng một thời gian – khoảng các thế kỷ 8 – 9. Tuy nhiên, chắc chắn là đã có các kiến trúc sớm hơn giờ đây không còn nữa và niên đại khởi đầu thực sự thì sớm hơn. Kể từ Bắc vào Nam, các vùng đó là (1) Quảng Nam, nhất là lưu vực sông Thu Bồn, khu vực Mỹ Sơn, Trà Kiệu và Đồng Dương; (2) vùng Nha Trang với phức hợp Po Nagar, và (3) vùng Phan Rang, trong đó các bộ phận thuộc di tích Hòa Lai có thể có niên đại vào thế kỷ 8, và có lẽ có thể gồm cả các kiến trúc Pô Dam và Phan Thiết xa hơn về phía Nam.5
Một vùng khác, ở đó có số lượng lớn các di tích đền tháp, đó chính là khu vực Quy Nhơn, nhưng các kiến trúc ở đó lại có niên đại thế kỷ 11 – 13, mà không có các di tích sớm hơn. Toàn bộ các vùng này đều nằm ở các cảng rất thuận tiện thuộc các cửa sông, hoặc trên các con sông, không xa biển. Một di chỉ cổ tại lưu vực Thu Bồn ở đó toàn bộ các công trình kiến trúc trên mặt đất đã biến mất theo thời gian, là đề tài thu hút rất nhiều mối quan tâm, nhưng ở đó các công trình điêu khắc ấn tượng thì lại vẫn còn, đó là Trà Kiệu, cách Mỹ Sơn khoảng 20 – 30 km; tầm quan trọng của nó có lẽ từ thế kỷ thứ nhất đã được khảo cổ học phát lộ6.
Hai con sông có tầm quan trọng hơn cả trong lịch sử sớm Champa, mặc dù cho đến bây giờ vẫn chưa được chú ý đúng mức. Một là – tôi sẽ chỉ rõ, con sông chưa bao giờ được quan tâm đến – sông Trà Kúk ở Quảng Ngãi với hai ngôi thành cổ Châu Sa (rõ ràng là một thành lũy lớn) và Cổ Lũy (nơi này đã phát hiện được một số công trình điêu khắc quan trọng, có lẽ niên đại từ thế kỷ 7 – 8). Cả hai ngôi thành này đều nằm gần cửa sông, cùng với các di tích của ngôi tháp Chánh Lộ có các công trình điêu khắc rất đáng chú ý, có niên đại thế kỷ 11. Việc gần như bỏ qua thành Châu Sa của các nhà khảo sát trước đây có lẽ do họ không phát hiện được hệ thống đền tháp ấn tượng, mà lại chỉ có một bi ký 7. Còn con sông kia là Đà Rằng – Sông Ba, đổ vào biển ở Tuy Hòa, giữa Quy Nhơn và Nha Trang; đó là một lưu vực rộng nhất ở Việt Nam. Các di tích của các giai đoạn khác nhau đã được phát hiện dọc triền sông, một bi ký Phạn thế kỷ XV ở vùng cửa sông, và Thành Hồ rộng hơn thành Châu Sa, cách biển khoảng 15 km. Không còn nghi ngờ gì nữa, đây là một tuyến đường thủy quan trọng vào nội địa 8.
Một vùng khác cũng bị bỏ qua, đó là vùng phía cực bắc của Champa ở Quảng Trị và Quảng Bình, rõ ràng là thuộc thế kỷ 9 – 10, khi Indrapura và khu vực đền tháp Đồng Dương hưng thịnh và khi các di chỉ Phật giáo Đại thừa phát triển tại Ròn/Bắc Hạ, Đại Hữu, Mỹ Đức và Hà Trung 9. Vùng này có lẽ được đưa vào phạm vi “triều vua thứ sáu” của Maspéro, nhưng các công trình tưởng niệm của nó đã không được nghiên cứu trong thời gian ông đang viết về vấn đề này, và tầm quan trọng của vùng này chưa bao giờ được đánh giá đúng mức. Hơn nữa, ý nghĩa to lớn của nó lại bị lu mờ đi trong các văn liệu với việc quy cho các công trình đó thuộc “phong cách” được đặt tên cho các trung tâm xa hơn về phía nam, chẳng hạn như Đồng Dương, Mỹ Sơn, v.v…10. Việc chú ý thiết yếu đến vùng này buộc chúng ta phải diễn giải lại lịch sử các sự kiện trong các thế kỷ 10 – 11.
Cần phải nhấn mạnh rằng việc định niên đại nhiều di tích kiến trúc và việc phát hiện các công trình điêu khắc trên mặt đất vẫn cần phải được nghiên cứu kỹ hơn, vì người ta đã không còn chấp nhận các diễn giải cũ là hợp lý nữa. Các mẫu bao gồm Mỹ Sơn E-1, được định niên đại bằng cách so sánh với điêu khắc Cambodia cách xa 700 km với một bi ký mơ hồ đi kèm; cụm tháp Hòa Lai, Phan Rang được định niên đại theo Damrei Krap ở Phnom Kulen, Cambodia, căn cứ vào một mẩu huyền thoại trên bi ký Cambodia Sdok Kak Thom; phong cách Tháp Mắm, Bình Định thì dựa vào cách xử lý nặng tính hư cấu của Maspéro; còn phong cách Mỹ Sơn A1 trước hết dựa trên một định kiến của Henri Parmentier cùng một bi ký bị lạm dụng và giờ đây không còn được phân biệt rõ ràng khỏi Trà Kiệu mà ngày nay rất ít người đồng ý vì những phong cách Trà Kiệu khác nhau được khảo cổ học thực địa phát hiện11. Vì vậy trong giai đoạn nghiên cứu này thì việc định niên đại các công trình kiến trúc và điêu khắc của lịch sử Champa đều khá lỏng lẻo.
Bi ký: Bi ký Champa được thể hiện bằng hai ngôn ngữ, Chăm và Phạn. Bi ký Chăm được coi là cổ nhất chính là bia Võ Cạnh được phát hiện tại một di chỉ gần Nha Trang. Nó được định niên đại vào khoảng thế kỷ 2 – 4, và càng ngày người ta càng có những ý kiến khác nhau về việc nó có thuộc Champa hay thuộc về một thủ lĩnh Phù Nam đã từng chinh phục vùng đất sau đó đã trở thành một phần của Champa. Quan điểm cuối cùng của Coedès được Maspéro ủng hộ cho rằng bia đó thuộc Phù Nam, và vị thủ lĩnh được xác định rõ ràng, có tên श्री मार* Śrī Māra, được viết bằng chữ Hán là 范師蔓* Fan Shih man Phạm Sư Mạn, còn tôn giáo thời kỳ đó là Đạo Phật. Quan điểm đó được thịnh hành đến tận năm 1969, khi Jean Filliozat cho rằng tước vị Māra có lẽ có nguồn gốc từ một tước vị hoàng gia पाण्ड्य* Pandyan, còn nội dung của tấm bi ký có thể cũng chỉ ẩn ý Ấn Độ giáo như là Phật giáo mà thôi. Cách xử lý như vậy dường như cho thấy bia Võ Cạnh có thể không được coi là thuộc Phù Nam, hoặc Champa, và chắc chắn không thuộc Lâm Ấp 12.
Tuy nhiên ngày nay William Southworth đã lôi cuốn sự chú ý đến những đặc điểm nhất định của nội dung bi ký, có vẻ thể hiện xã hội Nam Đảo; nếu lập luận ấy đứng vững thì có thể hoàn trả lại cho một thực thể Chăm tấm bi ký đầu tiên đó, mặc dù nó không thuộc Lâm Ấp. Như Southworth đã lưu ý, đoạn dịch dưới đây của Filliozat và Claude Jacques: “Tác giả của tấm bi ký này có lẽ không hề là hậu duệ của Śrī Māra, mà là một người con rể đã kết hôn với dòng tộc mẫu hệ thống trị. Trọng tâm then chốt của dòng tộc này rõ ràng là người con gái của cháu nội Śrī Māra, mà tác giả của tấm bi ký xuất thân từ gia đình đó, còn nội dung tấm bi ký đã cho thấy tôn ty mẫu hệ này”.
Có nghĩa là loại vật quyên cúng này được mô tả trong bi ký là “rất thông thường trong các xã hội mẫu hệ”, và tấm bi ký “chủ yếu được thúc đẩy bởi các mối quan tâm xã hội bản địa”. Cái tên Śrī Māra có thể vẫn thuộc về nguồn gốc Tamil như Filliozat đề xuất – mà người Chăm học được trong các chuyến hải hành đến Ấn Độ và sử dụng cái tên đó một thời gian cho đến khi tước vị phạn वर्मन्* varmache chở, bảo vệ* trở thành phổ biến vào giai đoạn sau. Nha Trang, như Southworth đã mô tả, là một cảng “trên tuyến thương mại chính qua Đông Nam Á” từ Ấn Độ đến bắc Việt Nam và nam Trung Quốc, “tạo ra một bối cảnh lịch sử và địa lý hợp lý cho việc dựng bia Võ Cạnh” 13. Tấm bia được coi là cổ xưa thứ hai, thế kỷ IV, sau Võ Cạnh là một văn bản cổ ngữ Chăm thuộc Đông Yên Châu, gần Trà Kiệu. Được phát hiện tại vùng Thu Bồn, không xa Mỹ Sơn, đây cũng là loại văn bản cổ nhất của bất cứ cổ ngữ Nam Đảo hoặc Đông Nam Á nào 14.
Cả hai tấm bia sớm này đều biệt lập và có thể không thuộc vào số còn lại, những tấm bia còn sót lại không được phân bố hoàn toàn phù hợp với các di tích vật chất. Nhóm bia có nội dung mạch lạc nhất gắn liền với sự phát triển sớm của lưu vực sông Thu Bồn, di chỉ Mỹ Sơn, đồng thời chỉ có những văn bản biệt lập ở nơi khác. Từ thế kỷ V-VIII có 20 bi ký tất cả đều bằng chữ Phạn, trừ hai bia ở Mỹ Sơn hoặc gần đó. Theo các thống kê của Southworth thì 19 bi ký với 279 dòng văn bản ở Quảng Nam, với 12 bi ký và 258 dòng ở Mỹ Sơn, nhưng chỉ có ba bi ký với 13 dòng ở nơi khác 15. Sau đó từ giữa thế kỷ VIII đến giữa thế kỷ IX, khoảng 774 đến 854, có một nhóm 8 bia mạch lạc nhất ở phía Nam. Hầu hết các bia này đều ở Phan Rang, chỉ có vài cái ở Nha Trang; 5 tấm bia hòan toàn, hoặc một phần, viết bằng chữ Chăm. Tiếp theo, từ 875 (hoặc sớm hơn tý chút) đến 965, có 25 bi ký được coi là thuộc triều इन्द्रपुरा* Indrapura/Đồng Dương, lại ở phía bắc vùng Thu Bồn, nhưng riêng biệt khỏi Mỹ Sơn. Các bi ký này đều phác họa một khu vực rõ ràng từ Quảng Nam đến Quảng Bình và chỉ có loại cổ tự trong các văn tập đã được công bố phát hiện ở phía bắc Huế. Bốn bi ký nhóm này ở phía Nam và 16 bi ký hoàn toàn hoặc một phần thuộc chữ Chăm 16. Một bi ký có nhiều cổ tự Chăm hơn cả, và có lẽ liên quan là bia Mỹ Sơn, có niên đại 991 (xem bên dưới).
Về sau các bi ký này phân bố khá đồng đều giữa Bắc và Nam cho đến đầu thế kỷ XIII, sau đó có 32 bia được phát ở phía Nam, và chỉ có sáu bia ở Mỹ Sơn, niên đại muộn nhất là 1263. Sau năm 991, trong số 75 bia đã biết cho đến cái cuối cùng năm 1456 thì chỉ có 5 cái bằng chữ Phạn, tất cả đều trước năm 1263, và số còn lại là chữ Chăm. Trong cùng giai đoạn có 18 bia Mỹ Sơn tính đến chiếc cuối cùng được định niên đại 1263 và một bia khác từ cuối thế kỷ शक* śaka XII, hai trăm năm sau khi các vua Champa, theo Maspéro, được cho là chuyển về phía nam đến विजय* Vijaya do sức ép của người Việt, một hoàn cảnh buộc phải xem xét lại các mối quan hệ giữa hai chính thể này.
Thật khác thường là Bình Định/Quy Nhơn mặc dù rõ ràng có tầm quan trọng như hệ thống tháp gạch đã chứng tỏ và rõ ràng các nguồn tư liệu Champa và Cambodia đều chú ý đến nó, nhưng ở đây lại chỉ thấy có 7 bi ký rất ngắn – tất cả đều muộn màng, và chỉ có một bi ký có nhiều giá trị lịch sử hơn cả (C53 and C54/1178-1278, C58/1259, C55/1265, C52/thế kỷ ś., C47/1401, C56/1456). Tất cả các bi ký chủ yếu của các nhà cai trị được cho là đã kiểm soát Bình Định trước thế kỷ XIII đều được chạm khắc tại Mỹ Sơn. [Về vấn đề này, xin xem ở dưới, trong phần nói về Vijaya.
Một tập hợp các bi ký chi tiết và mạch lạc nhất, chí ít là có một chục văn bản, liên quan đến các mối quan hệ của các thế kỷ XI – XIII, hầu như hoàn toàn là chiến tranh với Cambodia. Việc thảo luận chi tiết về các bi ký này được trình bày tại mục về lịch sử tự sự ở phía dưới. Công trình đầu tiên về các bi ký Champa bắt đầu vào cuối thế kỷ XIX. Abel Bergaigne bắt đầu tổng hợp các thông tin từ các bi ký từ năm 1888, và công bố các văn bản Phạn ngữ năm 1893. Công trình đầu tiên về các bi ký Chăm ngữ là của Étienne Aymonier năm 1891. Sau đó, trong một loạt bài viết, Louis Finot đã xử lý cả các bi ký Chăm ngữ và Phạn ngữ, bằng cách biến đổi một số vấn đề diễn giải về sau của Aymonier. Édouard Huber cũng đã thực hiện một công trình nghiên cứu quan trọng liên quan 17.
Vẫn còn những vấn đề về việc giải thích theo nghĩa đen một số văn bản Chăm ngữ. Vì hầu hết các bi ký được Aymonier xử lý trong bài viết năm 1891, nhưng ông đã không công bố chính văn bản đó, và cũng không hề đưa ra một bản dịch đầy đủ, mà chỉ tóm tắt các chi tiết quan trọng. Rõ ràng là một số bi ký vẫn cần có những diễn giải mới, để rồi cuối cùng, nó đã thu hút được sự chú ý của một nhà Chăm học tài năng. Khi Louis Finot tiếp tục công việc công bố và dịch các bi ký Chăm, ông luôn chọn các văn bản mà Aymonier không xử lý; và vì ông không phải là một chuyên gia về ngôn ngữ, nên không thể chấp nhận toàn bộ các bản dịch của ông mà không đặt câu hỏi. Vì chất lượng không chắc chắn của các bản dịch cổ ngữ Chăm, nhất là công trình của Aymonier, và của cả Finot nữa, nên tất cả các diễn giải về các sự kiện lịch sử dựa vào đó đều phải được trình bày bằng cách thông báo trước rằng để có được những bản dịch tốt hơn thì buộc phải xem xét lại một số chi tiết.
Giờ đây đã có một công trình mới của Anne-Valérie Shweyer về các bi ký Champa được sử dụng làm hướng dẫn cho tất cả các xuất bản phẩm. Nó có ý liệt kê toàn bộ các bi ký đã được công bố theo trật tự niên đại, đã được hiệu chỉnh với các cột ghi số đăng ký, vị trí, tên người và tên các thần được đề cập và các công bố khác liên quan 18. Ngoài công trình của Shweyer, không có một nghiên cứu nguyên bản nào mới về các bi ký Chăm trước năm 1920, và danh mục tư liệu chuẩn về các bi ký Champa, cả Chăm ngữ và Phạn ngữ, đều có niên đại từ 1923 19.
Sử sách Trung Quốc và Việt Nam
Các nguồn sử liệu Trung Quốc được Maspéro sử dụng là các bộ sử sách chính thức của các triều đại dẫn từ 文獻通考* Văn hiến Thông khảo của 馬端臨* Mã Đoan Lâm, do Hervey de Saint-Denys dịch ra tiếng Pháp với tựa đề Ethnographie des peuples étrangers Man tộc khảo và đã được Maspéro trích dẫn bằng từMéridionaux 20, Nam man. Mới đây Geoff Wade đã dịch một số phần của một văn bản viết về Champa khác, 宋會要* Song huiyao Tống Hội yếu*, không được Maspéro sử dụng, văn bản này về nhiều tình tiết quan trọng lại khác hẳn với 宋史* Tống sử được Maspéro trích dẫn, sẽ được chú thích ở dưới. Đối với một số giai đoạn của lịch sử Champa thì các sử sách này được biên soạn muộn hơn nhiều so với thời điểm diễn ra các sự kiện, và rõ ràng là các nguồn tài liệu gián tiếp. Như Wade đã mô tả, 宋會要* Song huiyao Tống Hội yếu được biên soạn “trong một quá trình trải từ đầu thế kỷ XI đến giữa thế kỷ XIII … nhưng chưa bao giờ được in ra”. Sau đó nó đã được sử dụng làm một nguồn sử liệu cho việc biên soạn Tống sử vào thế kỷ XIV 21. Với những điều kiện này, người ta cần phải trì tín để đảm bảo rằng mọi chi tiết về Champa trong các thế kỷ X – XI cần được chấp nhận là thực sự, và những bất nhất về sử liệu cần phải được xem xét kỹ càng.
Các nguồn sử liệu Việt Nam đã được sử dụng để viết lịch sử Champa gồm có Ðại Việt sử ký Toàn thư (Tt), Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục (Cm), andViệt sử lược (Vsl) 22. Trong việc sử dụng các nguồn sử liệu Việt Nam của Maspéro có một vấn đề còn mơ hồ và không được các công trình sau này để ý đến, đó là sự tồn tại của hai truyền thống biên niên sử chủ yếu khác nhau về một số sự kiện liên quan đến Champa, và cả các chính thể khác nữa. Trước hết, đó là Toàn thư được Cương mục đi theo, và thứ hai là Việt sử lược. Maspéro đã sử dụng phiên bản này hoặc phiên bản khác, rõ ràng là theo quyết định võ đoán của ông về sự kiện “cần diễn ra” như vậy. Các ví dụ về vấn đề này sẽ được chỉ ra ở phần sau.
Đối với khu vực đang được đề cập, các sử sách Trung Quốc và Việt Nam thường bắt đầu bằng việc tham chiếu vào một chính thể có tên gọi là Lâm Ấp, nằm ở phía nam Giao Chỉ, các tỉnh của Việt Nam được coi là dưới quyền quản lý của Trung Quốc; trước hết nó được ghi chú bằng cái tên đó vào những năm 220 – 230, và dẫn chiếu cuối cùng xuất hiện năm 757. Lâm Ấp là một vùng có vấn đề vì các hoạt động gây hấn chống lại Giao Châu ở phía bắc. Sau khi Lâm Ấp biến mất khỏi các ghi chép của Trung Quốc thì các sử sách chính thức của Trung Quốc trong một thế kỷ thỉnh thoảng có nhắc đến một chính thể có tên gọi là Hoàn Vương, rõ ràng là thuộc vùng Lâm Ấp, cho đến giữa thế kỷ thứ 9 người ta vẫn nhận là Champa bằng tên gọi Chiêm Thành, “Thành của người Chăm”.
Xuyên suốt thời kỳ Lâm Ấp cho đến giữa thế kỷ VII, tức là một thế kỷ trước khi cái tên đó biến mất – các thủ lĩnh Lâm Ấp trong các sử sách Trung Quốc có tước vịFan và sau đó là những cái tên có từ một đến ba âm tiết, với thủ lĩnh cuối cùng,范鎭龍* Fan Zhenlong Phạm Trấn Long, xuất hiện trong khoảng năm 645 [舊唐書* Cựu Đường thư cxcvii, 32a; 新唐書* Tân Đường thư ccxxii, 下 19a; 文獻通考*Văn hiến Thông khảo xxiv, 46b]. Nói chung không thể đồng nhất một cách hợp lý những cái tên Fan với tên của những người trị vì trong các bi kí Champa đương thời, mặc dù Maspéro đã thử và sau đó các nhà sử học đã đi theo. Vào giữa thế kỷ thứ VIII đến cuối thế kỷ IX, khi tất cả các bi ký đều ở phía Nam thì người Trung Quốc không ghi các tước vị Fan và các tham chiếu của họ về Hoàn Vương không cho biết tên những người trị vì của chính thể đó dưới bất kỳ dạng thức nào.
Những cái tên trong các sử sách Trung Quốc và Việt Nam rõ ràng có thể quy vào những người trị vì Champa bắt đầu từ những năm 860 và tiếp tục – dù có khoảng trống lớn – đến cuối thế kỷ XII, sau đó trong khoảng gần một trăm năm dưới sự can thiệp của người Angkor vào Champa, rõ ràng là người Việt và người Trung Quốc đã ít chú ý đến nó. Các nguồn sử liệu đó bắt đầu lại cho thấy những cái tên của những người trị vì Champa từ đầu thế kỷ XIV và tiếp tục qua một vài thập kỷ cho đến khi không còn bi ký Champa nữa. Như Stein đã nhấn mạnh, không thể đồng nhất hầu hết những cái tên trong các văn bản Trung Quốc và Việt Nam với những cái tên trong các bi ký. Hầu hết những cái tên trong các bi ký là các tước vị có chữ varma, mà cách dịch chuẩn sang chữ Hán là 跋摩 ba mo bạt ma. Trong toàn bộ lịch sử Champa từ वर्मन्* varma đầu tiên, có lẽ vào thế kỷ thứ tư, đến năm 1471, chỉ có bốn trường hợp được phiên âm bằng chữ Hán 跋摩 ba mo bạt ma, mà tất cả đều thuộc thế kỷ VI-VII, và rất ít thấy trường hợp trong đó các yếu tố phiên âm chữ Hán khác có thể đồng nhất với một tước vị địa phương nào; một trong những ngoại lệ hiếm hoi là các âm Hán 庐陀罗lu tuo luo Lư Đà La và 庐陀 lu tuo Lư Đà cho रुद्रवर्मन्* Rudra-[varman] vào giữa thế kỷ thứ VIII. Còn có một trường hợp phiên âm Hán và âm Việt đáng tin cậy cho một tước vị Chăm yāï po ku vijaya śrī (xem bên dưới). Như tôi đã đề cập liên quan đến một trường hợp trong một bài viết trước đây, và sẽ tiếp tục đề cập đến trong bài viết này, lý do cho sự bất nhất này có lẽ là do người Trung Quốc và người Việt không quan tâm đến cái chính thể Champa đã được ghi trong các bi ký 23.
Nhìn lại lịch sử Champa
I. Các cội nguồn Champa và dân Chăm: Mãi cho đến gần đây, người Chăm vẫn được coi là một bộ phận của những “làn sóng” di chuyển dân cư ra khỏi Trung Quốc để đến Đông Nam Á lục địa, trong đó có một số nhóm tiếp tục di chuyển đến vùng đảo Nusantara. Các nhóm dân cư nói chung được xác định trong khuôn khổ thể chất về phương diện nhân học. Trước hết người Australoid-Melanesoid xuất hiện, tương đồng với các thổ dân Úc và các nhóm người Papua New Guinea, sau đó hai nhóm Indonesians, Proto- và Deutero- kế tiếp. Người Chăm – vì họ nhận ngôn ngữ của mình là Indonesian, bây giờ gọi là Austronesian, một nhánh, trong thời gian đó nhìn chung không được chấp nhận – được coi là những tàn dư của những người Indonesians vẫn còn trên lục địa này, sau khi số còn lại đã tiếp tục di chuyển đến các đảo dưới sức ép của làn sóng di dân mới nhất lúc đó là người Mon – Khmer. Theo quan điểm này, toàn bộ các cuộc vận động ấy có lẽ đã được hoàn thành trước khi bắt đầu Kỷ nguyên Thiên chúa. Vậy là Champa hoàn toàn là một cường quốc nội địa, và theo quan điểm đó, thì người láng giềng Phù Nam ở phương nam cũng vậy. Với những biến thể ngẫu nhiên thứ yếu, tất cả các học giả trước đây đều chấp nhận điều này, kể cả Coedès, Maspéro và Stein; nguồn gốc lục địa của người Chăm gần đây nhất vẫn còn được Jacques Népote duy trì và được ẩn trong “các bài viết cho Hội thảo về Champa tại Đại học Copenhagen” ngày 23/5/1987 24. Người ta cũng công nhận rằng người Tày/ Thái đã di cư đến các môi trường sống ngày nay muộn hơn nhiều so với các cuộc di dân đã phác họa ở trên, và người ta cũng tin rằng người Việt, được cho là một nhánh Sinitic (thuộc các nhóm Hoa ngữ), đã di chuyển đến vùng bắc Việt Nam ngày nay một cách độc lập so với các cuộc di dân kia.
Bắt đầu vào khoảng 30 năm trước, khi việc tập hợp thành các nhóm nhân học thể chất không còn thịnh hành nữa, và ngôn ngữ học ngày càng tiến bộ thì người ta quyết định rằng các ngôn ngữ Nam Đảo, kể cả tiếng Chăm phát triển không phải thông qua các tộc người di cư ra khỏi Trung Quốc theo con đường Đông Nam Á lục địa, sau đó đi ra các đảo nữa, mà là theo đường biển – có lẽ bắt đầu tại Đài Loan, sau đó đến Philippines, Indonesia, các đảo Thái Bình Dương, Madagascar, và trong các cuộc di cư cuối cùng, các tổ tiên của nười Chăm từ Borneo đến bờ biển Việt Nam ngày nay vào khoảng 500 năm TCN và những năm đầu của Kỷ nguyên Thiên chúa, mặc dù các xác định niên đại như vậy vẫn chỉ rất tương đối 25. Một số nhà khảo cổ học cho rằng Văn hóa Sa Huỳnh thuộc ven biển miền trung Việt Nam chính là bằng chứng vật chất đầu tiên của người Chăm, mặc dù những nghiên cứu tới sẽ thay đổi quan điểm này, và có thể không phải chỉ có một cuộc đổ bộ duy nhất của những người Chăm có nguồn gốc biển đầu tiên 26. Tuy nhiên không nghi ngờ gì rằng tiếng Chăm là một ngôn ngữ Nam Đảo, có mối quan hệ gần gũi với ngôn ngữ Ache, Malay và xa hơn với các ngôn ngữ của người Indonesia, Philippines, Polynesia và Madagascar.
Như nhà tiền sử học Peter Bellwood đã xác định, “tư tưởng cũ, vì vậy thường được lặp lại trong các công trình phổ biến ngày nay là người Nam Đảo di cư từ châu Á lục địa qua bán đảo Malay hoặc Việt Nam là hoàn toàn sai lầm”. Hơn nữa Bellwood còn cho rằng các di tích khảo cổ học Sa Huỳnh có thể đồng nhất với người Chăm đầu tiên, là những người có lẽ đã đến đó vào thiên niên kỷ thứ nhất TCN. Hoặc, dẫn lại Bellwood, “Heine Geldern [1932] rõ ràng đã nhầm lẫn … khi ông gợi ý rằng những người Nam Đảo đầu tiên đã di cư từ Châu Á lục địa qua bán đảo Malay đến Indonesia. Hành trình thực sự của cuộc di chuyển của người Nam Đảo là đi theo một hướng khác 27. Tất nhiên, có thể đã không chỉ có một cuộc đổ bộ duy nhất dọc ven biển trung Việt Nam, mà những di tích Champa sớm nhất được biết cho đến nay đã cho thấy có lẽ đó là những di tích ở phía nam của Huế. Khi họ đến đó, vùng này đã có các cư dân nói tiếng Mon – Khmer. Trong thực tế, về phương diện ngôn ngữ, Đông Nam Á lục địa thời đó có lẽ là một khối Mon – Khmer thuần nhất 28.
Rolf Stein, trong một nghiên cứu chủ chốt về Lâm Ấp đã bất đồng một cách mạnh mẽ với Maspéro về nhiều chi tiết và dường như đã chỉ ra một cách dứt khoát rằng trước thế kỷ thứ V, chí ít thì Lâm Ấp và Champa có thể đã khác biệt nhau, và ông cũng xem xét bằng chứng về vị trí ngôn ngữ của Lâm Ấp, mà ông tin là thuộc Mon-Khmer. Chúng ta cần phải nhấn mạnh lại là Stein vẫn tin rằng người Chăm đã di cư trên đất liền và vì vậy mà họ đã từng ở trong vùng nam Trung Quốc – bắc Việt nam hàng trăm năm hoặc thậm chí hàng ngàn năm. Stein không nói về điều này một cách dứt khoát, nhưng qua các ghi chú của ông thì rõ ràng là ông chấp nhận điều đó như một thực tiễn cơ bản không cần gì phải khẳng định lại một lần nữa. Vì vậy khi cho rằng người Chăm đã tiếp xúc với người Trung Quốc trong một thời gian quá lâu dài, ông đã phân tích ngữ âm thái cổ (thế kỷ VIII – III TCN) và ngữ âm cổ (thế kỷ VI SCN) của các chữ Hán được sử dụng để gọi Lâm Ấp và Chăm, cuối cùng đã phát hiện ra rằng chúng gần như đồng nhất, bắt đầu bằng nhóm phụ âm “KR” HOẶC “PR”. Thông qua phân tích này, ông đã tìm cách phát hiện ra cách phát âm gốc của các từ tiếng Hán thích hợp, và ông cho rằng Lâm Ấp và Chăm đều là Mon-Khmer 29.
Tuy nhiên giờ đây người ta hiểu rằng người Chăm không đến bờ biển miền trung Việt Nam trước thiên niên kỷ I TCN, và trong một vùng có lẽ đã có ít hoặc không có tiếp xúc với người Trung Quốc vào thời gian mà người Trung Quốc đang chú ý đến họ và viết về họ. Vì vậy chữ Hán được sử dụng để chỉ về họ đã có một cái gì đó gần với cách phát âm hiện đại của chính chữ đó, và có lẽ đã đại diện – như Stein và sau đó là Bergaigne đã nhận ra – cho một sự thể hiện một cái tên nào đó mà người Chăm đã sử dụng cho chính bản thân họ, nhưng về điều đó, giờ đây chúng ta không thể biết được. Vì vậy, nghiên cứu của Stein về các cách phát âm thái cổ của các chữ đó là không thích hợp, như đã được Paul Demiéville 30 lưu ý. Hiểu biết mới này về các cội nguồn Chăm dựa trên cơ sở ngôn ngữ có nghĩa là người Chăm phải được hiểu như là một trong những dân tộc đi biển vĩ đại của Đông Nam Á tiền sử, và vì vậy mà vị thế kinh tế-chính trị của Champa cũng cần phải được nhìn nhận lại. Ngày nay đã có một sự đồng thuận cho rằng đến thế kỷ XII, nghề đi biển và thương mại biển trong vùng Đông Nam Á và giữa Đông Nam Á với Trung Quốc và Ấn Độ là do các nhóm địa phương chi phối, nổi bật trong số đó là những người nói tiếng Nam Đảo, kể cả người Chăm. Diễn giải này về nguồn gốc người Chăm và niên đại tương đối của sự kiện họ cập bến tại khu vực thuộc Việt Nam ngày nay đã đánh gục sự ngờ vực lòng kiên định của một số nhà nghiên cứu về tính đa tộc thuộc của Champa cổ, tối thiểu là trong việc mô tả các nhóm tộc người gồm có các nhóm riêng rẽ (nhưng lại liên hệ gần gũi) là Chăm, Jarai, Rhadé, Churu và Raglai cũng như các nhóm Mon – Khmer khác nhau. Ngày nay người ta hiểu rằng các ngôn ngữ Jarai, Rhadé, Churu, Raglai và các ngôn ngữ Nam Đảo khác tại Champa và Việt Nam về sau đã phát triển vượt ra khỏi ngôn ngữ Chăm, và có lẽ không phải là các ngôn ngữ riêng biệt trong giai đoạn Champa cổ điển cho đến tận thế kỷ XV. Từ khi người Chăm đầu tiên chen vào lãnh thổ Mon-Khmer, không nghi ngờ gì nữa, các chính thể Champa luôn luôn bao gồm một số nhóm ngôn ngữ tộc người và vì Champa gồm có các cảng thị ở cửa các con sông chính, nên một số lãnh thổ xem cài nào đó có thể dân cư Mon-Khmer luôn luôn đông hơn dân cư Nam Đảo 31.
Như chuyên gia về ngôn ngữ Mon-Khmer Gérard Diffloth đã mô tả quá trình ấy:
“Bằng chứng ngôn ngữ cho thấy rằng những gì thực sự đã diễn ra chính là cái mà những người nói tiếng Chăm (Cổ) đã chuyển đến một lãnh thổ (Tây Nguyên) mà lúc đó toàn bộ do người nói ngôn ngữ Mon-Khmer (đặc biệt là những người nói các loại hình ngôn ngữ Bahnar, Sre, Mnong, và có lẽ cả Sedang và các ngôn ngữ khác) cư chiếm, đã xác lập việc kiểm soát chính trị đối với họ, và cuối cùng đã làm cho họ chuyển đổi ngôn ngữ, từ bỏ ngôn ngữ Mon-Khmer gốc của họ và chấp nhận một loại ngôn ngữ Chăm để giờ đây đã trở thành Jarai, Rhade, …v.v. Điều này đã được thực hiện một cách rất rõ ràng bằng một thực tế là các loại ngôn ngữ Chăm đó chính là loại hình ngôn ngữ Bahna về phương diện cấu trúc, chứ không phải là Nam Đảo, và ngữ vựng của họ có chứa hàng trăm hạng mục từ Bahnaric không phải là những từ vay mượn, mà là những gì còn giữ lại được từ các ngôn ngữ trước đây. Cơ tầng Mon-Khmer trong ngôn ngữ Chăm Núi là rất rõ ràng và buộc ta phải giật mình vì nó đã đánh lừa được các nhà nghiên cứu trước đây, kể cả Schmidt là người đã đưa các nhóm Chamic vào tiểu hệ Mon-Khmer [xem thêm Stein, Lâm Ấp, ở dưới], khi cho rằng các nhóm đó là “các ngôn ngữ pha trộn”, một khái niệm không còn được sử dụng nữa” 32.
Đám Copenhagen cũng đã duy trì một ý tưởng cũ của Finot cho rằng thuật ngữ “Cham/Cam” không phải là tên của một nhóm tộc người, mà chỉ là một apocopehiện tượng mất âm chủ của “Champa”. Đây là một vị trí đặc biệt phải giữ. Cái tên Champa có thể được hiểu là một sự mô phỏng cái tên चम्प* Champa ở Ấn Độ, nhưng việc chọn cái tên đó cho một khu vực trên bờ biển Đông Nam Á, như Stein thừa nhận, có lẽ vì cái tên của nhóm người ở đây có cái gì đó giống thế /cam/. Cái tên đó có lẽ do chính họ lựa chọn sau các chuyến hải hành đến Ấn Độ chứ không phải là bị buộc phải dùng cái tên đó do những người Ấn Độ đem đến, như Finot tin tưởng một cách chắc chắn. Từ điển của Aymonier và Antoine Cabaton năm 1906 đã đưa ra chữ čaü như là cái tên hiện nay cho họ, bằng ngôn ngữ của họ, như từ điển năm 1971 của Gérard Moussay, đánh vần trong bản chữ viết Chăm, phiên âm là căm. Những người láng giềng hiện đại của họ, không nghi ngờ gì nữa đã rất ngây thơ về các định kiến Ấn Độ học, nên đã gọi họ là čam (Rade), cam(Jarai, Chru), cap (Raglai), …v.v; còn cái được gọi là Chiêm tiếng Việt để diễn giải lịch sử Champa cổ, nhưng phiên bản Cham của họ, hệt như cách định danh chính thức của người Trung Quốc đối với Champa sau thế kỷ thứ IX (占城 ZhanchengChiêm Thành) là thành của người Chăm, chứ không phải là thành của Champa? Ngay bản thân Po Dharma là người Chăm, khi không đề cập gì đến ý thức hệ nhóm Paris của ông, cũng có thể đặt tên cho cuốn sách của mình một cách vô thức là Quatre lexiques malais-cam anciens Bốn từ điển Mã Lai – Chăm cổ, khi không xem xét đến ngôn ngữ Chăm cổ thực sự, mà là ngôn ngữ Chăm thế kỷ XIX33.
II. Vấn đề Lâm Ấp
Đối với những người châu Âu đầu tiên quan tâm đến vấn đề này thì lịch sử Champa được bắt đầu bằng một chính thể có tên gọi Lâm Ấp (âm cổ là Liem-.iep) lần đầu tiên được ghi trong sử liệu Trung Quốc là đã dấy loạn chống lại chính quyền Giao Chỉ vào thế kỷ thứ III SCN. Trong suốt các thế kỷ tiếp theo cho đến khi cái tên Lâm Ấp biến mất khỏi các sử sách Trung Quốc (và sau này là cả sử sách Việt Nam) sau năm 757, thì nó được mô tả là một thực thể hiếu chiến thường gây sức ép về phía bắc chống lại các tỉnh do người Trung Quốc cai quản, mà ngày nay là bắc Việt Nam. Vì vậy các ghi chép đầu tiên bằng chữ Hán xác định nó thuộc phía Bắc, nhưng các sử gia chẳng hạn như Maspéro thì lại tin rằng bia Võ Cạnh gần Nha Trang là thuộc về chính thể này, và vì vậy mà Lâm Ấp gốc mở rộng từ xa về phía Bắc cho đến tận vùng Nam Trung bộ Việt Nam ngày nay. Các bi ký bằng chữ Phạn và chữ Chăm thấy có từ thế kỷ V tại vùng lưu vực sông Thu Bồn, trong số đó quan trọng nhất là bia Mỹ Sơn, và tiếp tục phát triển về số lượng và tầm quan trọng cho đến thế kỷ VIII đều được coi là thuộc chính thể mà người Trung Quốc gọi là Lâm Ấp này, và giả thuyết đó đã củng cố cho quan điểm coi Lâm Ấp và Champa là một.
Sử sách Trung Quốc không diễn giải gì về Lâm Ấp, tối thiểu như đã mô tả trong các văn liệu hiện thời, chẳng hạn như việc cung cấp các chỉ dẫn cụ thể về tộc thuộc hoặc ngôn ngữ. Nếu các di tích khảo cổ học về Sa Huỳnh thực sự đại diện cho người Chăm thì các di tích xa về phía Nam của vùng này dường như lại được phản ánh trong các sử liệu Trung Quốc viết về Lâm Ấp. Hơn nữa, ngoài các di tích khảo cổ học ra thì không có ghi chép đương thời nào khác của địa phương (chẳng hạn bi ký) cho đến khi có tấm bia chữ Chăm đầu tiên có niên đại giả định thuộc thế kỷ IV, và muôn hơn đôi chút là các bi ký chữ Phạn gắn liền với Champa, nhưng toàn bộ các bi ký này dường như cũng là phía nam Lâm Ấp như các văn liệu Trung Quốc mô tả. Stein cũng đã lưu ý về các vấn đề này, và sau khi đọc kỹ các nguồn tư liệu Trung Quốc liên quan, ông cho rằng trung tâm của Lâm Ấp sớm là ở Qusu [區鷫* Khu Túc?]/Ba Đồn, phía bắc của cái có vẻ được coi là trung tâm chủ yếu của người Chăm, và cho rằng sự hợp nhất giữa hai vùng – nếu điều đó đã xảy ra – không phải mãi cho đến thế kỷ thứ VI. Tuy nhiên ông cũng nhận rằng, thủ đô của Lâm Ấp mà người Trung Quốc đã cướp phá năm 605 có lẽ là Trà Kiệu, nơi mà các phát hiện khảo cổ học dường như cho thấy là thuộc về Champa, và có thể là trung tâm của Champa từ thế kỷ I hoặc thế kỷ II 34.
Trong một xuất bản phẩm trước đây, tôi cho rằng Lâm Ấp về mặt ngôn ngữ là thuộc Mon – Khmer, nhưng có lẽ tôi thấy rằng một bộ phận của nó có thể bị hấp thu vào Champa trong thời gian người Trung Quốc vẫn còn đang sử dụng cái tên Lâm Ấp, và điều đó được thể hiện trong cuộc xâm chiếm năm 605 như đã được Stein phân tích 35. Có lẽ tôi vẫn thiên về ý kiến cho rằng nhóm ngôn ngữ-tộc người chủ yếu của Lâm Ấp là Mon-Khmer, có lẽ thuộc ngành Katu, hoặc thậm chí thuộc ngành Việt hoặc Việt Mường chuyển về phía bắc khi người Trung Quốc lần đầu tiên biết về họ, cho đến khi họ hợp nhất thành cái mà cuối cùng trở thành Việt Nam đầu tiên. Giờ đây các nhà ngôn ngữ cho rằng địa bàn gốc của các ngôn ngữ Việt – Mường là Nghệ An, và Urheimat [Nguyên quán*] của ngành Katu là ở Trung Lào 36. Cùng với quá trình này, người Chăm, mà trung tâm đầu tiên có nhiều khả năng nhất là Trà Kiệu, cũng đã mở rộng về phía bắc đến cái được gọi là lãnh thổ Lâm Ấp cổ, mà người Trung Quôc không biết hoặc không quan tâm đến nó, chính là các phức hợp ngôn ngữ-tộc người được tiếp tục gọi là “Lâm Ấp” cho đến giữa thế kỷ VIII.
Gợi ý buổi đầu của tôi là Lâm Ấp là Mon-Khmer căn cứ vào tước vị Fan được người Trung Quốc sử dụng cho cả thủ lĩnh Lâm Ấp lẫn một số thủ lĩnh sớm của Phù Nam, và đối với Phù Nam, tôi thấy tương ứng với tước vị poñ được sử dụng cho thủ lĩnh địa phương, vẫn thường thấy trong các bi ký Khmer thế kỷ VII, nhưng lại không bao giờ thấy kể từ giữa thế kỷ VIII. Poñ là tước vị Khmer duy nhất hoàn toàn tương đồng về nghĩa với Fan, cách phát âm cổ là b’iwAm 37. Fan đầu tiên ở Lâm Ấp là Fan Xiong/Phạm Hùng [范 熊* Phạm Hùng] được ghi lại vào thế kỷ IV còn Fan cuối cùng là thế kỷ VII. Về sau không thấy Fan xuất hiện trong danh mục sử liệu Trung Quốc và Việt Nam viết về các thủ lĩnh Lâm Ấp và Champa nữa. Hệt như một Fan nào đó trong sử liệu Trung Quốc về Phù Nam đã được mô tả là “tướng” nhưng lại không phải là các thủ lĩnh trị vì, còn các poñ nào đó trong các bi ký Khmer thế kỷ VII lại là những hình tượng tối cao khác trong vùng của họ, vì vậy tại Lâm Ấp cũng có Fan, không được coi là những người trị vì. Một Văn nào đó, xuất thân nghèo khổ nhưng cuối cùng đã trở thành Fan, được mô tả là đã trở thành thủ lĩnh tại Tây Quyển, nhưng lại không phải là người trị vì Lâm Ấp, có tên là Fan Chui [范神成* Phạm Chút, Phạm Trần Thành] ; có một nhân vật Fan Jian 范健* [Phạm Kiện] , là tướng của thủ lĩnh Lâm Ấp Fan Huda [范胡達* Phạm Hồ Đạt]; hai Fan khác không phải là vua cũng thấy dưới triều Fan Yang Mah [范陽邁*Phạm Dương Mại]; một sứ thần của Fan Yang Mah II đã được phong tước Fan Long Pa; và một Phạm (= Fan) nào đó tên Côn Sa Đạt … không được Maspéro đề cập đến, nhưng lại được ghi trong chính sử Việt. Còn có một Fan Xiong [范 熊* Phạm Hùng] thứ hai dường như đã cạnh tranh với người trị vì Lâm Ấp Fan Huda[范胡達* Phạm Hồ Đạt] bằng việc gửi một sứ thần đến Trung Quôc, khiến cho Maspéro đã có đôi chút hư cấu lịch sử 38.
Từ thế kỷ thứ V đến giữa thế kỷ VIII có hai tập hợp sử liệu – các bi ký bằng chữ Chăm và các bi ký chữ Phạn ghi lại các hoạt động (thường là gây chiến) của Lâm Ấp dưới sự lãnh đạo của các Fan. Đối với Maspéro, và đối với hầu hết các sử gia sau này, hai tập ghi chép ấy liên quan đến cùng một chính thể, và những cái tên Ấn Độ trong các bi ký được đồng nhất với những cái tên Fan như đã thấy qua các sử liệu Trung Quốc. Các di tích kiến trúc thế kỷ VII – VIII phía nam Huế, thuộc lưu vực sông Thu Bồn rõ ràng thuộc về một chính thể có thể có lý để gọi là “Champa”, bổ sung cho các bi ký, trong khi các nguồn sử liệu Trung Quốc và sau này là Việt Nam tiếp tục cho biết những cái tên mà Maspéro đồng nhất với cùng các nhân vật trị vì thường với nhiều tưởng tượng.
Lẫn lộn nghiêm trọng trong cách xử lý của Maspéro về các sử liệu Trung Quốc và các bi ký Champa bắt đầu từ sớm, trong “triều đại thứ hai” (336 – 420) của mình, ông đã kê ra cái tên Bhadravarman [भद्रवर्मन्*] đầu tiên (rõ ràng là thấy trong ba bi ký được định niên đại dựa vào khoa nghiên cứu cổ bản thuộc thế kỷ V) được tiếp tục bởi một गंगाराज* Gaïgārāja nào đó mà ông đã đồng nhất với một Di Zhen nào đó trong văn liệu Trung Quốc ghi chép về Lâm Ấp; tuy nhiên गंगाराज* Gaïgārāja chỉ được đề cập theo cách hồi tưởng trong bi ký C96 năm 658 của Vikrāntavarman [विक्रान्तवर्मन्*]. Sau đó trong toàn bộ giai đoạn từ đầu thế kỷ V đến thế kỷ VII ngay cả bi ký C96 cũng không có bi ký nào, vì vậy mà cái tên chữ Phạn không chắc chắn, có thể được phân tích để thể hiện một Fan trị vì cho đếnरुद्रवर्मन्* Rudravarman I, lại được đặt tên theo cách hồi tưởng trong bi ký năm 658 và cái tên đó đã được phiên âm một cách đáng tin cậy bằng chữ Hán là Lu-tuo-luo-ba-mo [庐陀罗跋摩* Lư Đà La Bạt Ma*] trong một sử liệu ghi năm 52939. Một cái tên वर्मन्* varma (chữ Hán là ba-mo 跋摩*) khác Pi-cui-ba-mo [范弼毳跋摩* Phạm Bật Thuế Bạt Ma*] xuất hiện sớm hơn đôi chút trong sử liệu Trung Quốc, được Maspéro định niên đại 526-7 và dịch ra chữ Phạn không phải là không có lý विजयवर्मन्* Vijayavarman – nhưng lại không hề thấy trong bi ký. Tuy nhiên cái tên của người kế vị Vijayavarman được khôi phục lại – Devavarman देववर्मन्*từ Fan Tiankai [范天凱* Phạm Thiên Khải*] thì lại không thể chấp nhận được, cho dù Pelliot hoàn toàn không phản đối 40. Vì vậy, đối với cái mà Maspéro gọi là “triều đại thứ ba” (420 – 530), tôi sẽ nói rằng cái mà chúng ta có là Lâm Ấp theo sử liệu Trung Quốc , nhưng có lẽ lại không hề có gì về Champa. Đối với “triều đại thứ tư” (529 – 757), toàn bộ những cái tên tiếng Phạn đều là của những người kế vị trong bi ký Vikrāntavarman năm 658, ngoại trừ रुद्रवर्मन्* Rudravarman đệ nhị.
Cách xử lý mới mẻ và triệt để nhất về chủ đề này là Southworth. Ông chấp nhận các bằng chứng văn bản Trung Quốc cho rằng Lâm Ấp gốc là ở phía bắc Huế và trình bày một phát hiện mới từ các nguồn Trung Quốc – “một trong những điều ngạc nhiên nhất của đề tài này”, cụ thể là “có các tư liệu nói về mười vương quốc dọc ven biển Việt Nam, bao gồm cả vương quốc Tây Đồ…[通典,卷一八八林邑國條,又注引,林邑國記之西屠國* – Sách Thông điển quyển nhất bát bát Lâm Ấp điều, hựu chú dẫn Lâm Ấp quốc ký chi Tây Đồ quốc* – Sách Thông điển, quyển 188, hạng mục Lâm Ấp, có chú dẫn Lâm Ấp quốc ký nói về nước Tây Đồ*]…là nước đầu tiên trong số các quốc gia độc lập cách Lâm Ấp 200 dặm (100 – 120km) về phía nam, “cho thấy một cách khá chắc chắn vị trí của quốc gia này nằm trong hệ thống lưu vực sông Thu Bồn” 41. Sau đó vào các thế kỷ V-VI (giai đoạn mà cả Stein và Boisselier đều đồng ý là Lâm Ấp gốc có thể đã hợp nhất với Champa sớm), “sự phân biệt giai đoạn đầu giữa Lâm Ấp và Tây Đồ trong các sử liệu Trung Quốc đã dần dần trở nên lẫn lộn và các ghi chép về lịch sử của họ đã hợp nhất lại”. Điều này thấy rõ trong các mâu thuẫn giữa hai bộ sử Trung Quốc khác nhau cùng ghi về giai đoạn này. Trong Nam sử thì vua Lâm Ấp Fan Hu-da, tài liệu muộn nhất xác định niên đại là năm 413, đã nhường ngôi cho người con trai Fan Yang-mai, mà niên đại đầu tiên của vị này lại là niên đại mà một phái bộ được gửi đến Trung Quốc, năm 421. Tuy nhiên trong Lương thư, Fan Hu-da lại truyền ngôi cho con là Di-zhen, là người đã thoái vị để nhường cho ngôi cho một người cháu, rồi người này bị giết, sau đó một người anh em của Di-zhen [敵真* Địch Chân] đã lên ngôi có tên gọi là Wen-di [文敵 Văn Địch]. Đến lượt mình, ông lại bị người con trai của vua Phù Nam giết chết; một Fan khác là Fan Zhou-nong, [范諸農* Phạm Chư Nông] đã trở thành vua và con trai ông là Fan Yang-mai [范陽邁* Phạm Dương Mại] kế vị, rồi gửi sứ bộ sang Trung Quốc vào năm 421 42. [文敵後為扶南王子當根純所殺,大臣范諸農平其亂,而自立為王. 諸農死,子陽邁立*. Văn Địch hậu vi Phù Nam vương tử đương căn thuần sở sát, đại thần Phạm Chư Nông bình kỳ loạn, nhi tự lập vi vương. Chư Nông tử, tử Dương Mại lập – Sau đó Văn Địch bị con của Phù Nam vương là Đương Căn Thuần giết, đại thần Phạm Chư Nông dẹp xong loạn ấy, tự lập làm vua. Chư Nông chết, con là Dương Mại kế vị*].
Như Southworth đã lưu ý, khó mà có đủ thời gian cho bấy nhiêu sự kiện xảy ra trong vòng từ năm 413 – 421, và người Trung Quốc chắc chắn đã đưa nhầm câu truyện của một chính thể khác vào đó. Cái tước vị Di/Địch trong tiếng Hán và tiếng Việt hoàn toàn không có trong truyền thống Lâm Ấp như cách ghi của người Trung Quốc, còn báo cáo của họ thì ghi lại rằng Di Zhen/Ðịch Chân đã từ bỏ ngai vàng và đi hành hương đến sông Hằng tại Ấn Độ đã đồng nhất ông với Gaïgārāja trong bi ký C96 Mỹ Sơn. Vậy là người có tên Địch là thuộc lưu vực sông Thu Bồn, có thể là Tây Đồ, và đó được gọi là “sự trùng hợp rõ ràng sớm nhất giữa một vị vua Lâm Ấp được sử sách Trung Quốc cung cấp với một người trị vì được ghi trong bi ký thuộc lưu vực sông Thu Bồn” 43. Có lẽ tôi vẫn muốn coi Gaïgārāja không phải là một vị vua lịch sử, mà là tổ tiên huyền thoại của dòng dõi Thu Bồn đầu tiên, không chỉ được đề ập đến trong bi ký C96, mà còn cả trong bi ký C73A là Gaïgeśa, còn trong bi ký C81 là Gaïgeśvara. Vậy là người Trung Quốc, trong tích truyện về Di-zhen đã ghi lại một huyền thoại Thu Bồn. Nó đã không làm giảm giá trị kết luận của Southworth về sự trùng hợp giữa các nguồn sử liệu Trung Quốc về Lâm Ấp và bi ký Thu Bồn.
Kể từ đó, theo Southworth, cái tên Lâm Ấp có thể được coi là để chỉ vùng lưu vực sông Thu Bồn thuộc Champa; và ông kết luận rằng cái nhà nước Tây Đồ được công nhận trước đây đã hấp thụ “lãnh thổ, các truyền thống chính trị cũ, và hấp thụ cả các nhượng địa thương mại của người láng giềng phía bắc là Lâm Ấp” 44. Tuy nhiên điều đó lại không có ích gì với tám thủ lĩnh Fan được người Trung Quốc ghi lại từ khoảng năm 420 đến giữa thế kỷ VI, khi không hề có bi ký Champa; và nếu sự thật là Lâm Ấp và tước vị Fan là Mon-Khmer thì khó mà chấp nhận rằng Fan bị người Cham thay thế khi họ đã chấp nhận sử dụng các tước vị Phạnvarman và dharma. Tất nhiên sự thật thì yang (một tước vị để chỉ thần hoặc hoàng gia) mai/mah (vàng) nghe có vẻ Nam Đảo, và bi ký C96 – được cho là quay trở lại với thế kỷ V – đã cho thấy rằng người Chăm không thể hoàn toàn chấp nhận một truyền thống những cái tên varma (chữ Hán là ba-mo 跋摩*) cho những người trị vì của họ.
Southworth không quan tâm đến sự khác biệt khả dĩ về ngôn ngữ-tộc người giữa Lâm Ấp và Champa. Ông thừa nhận rằng chúng có thể là một – tức là ngôn ngữ – tộc người Nam Đảo – nhưng lại không hề chú ý chút nào đến vấn đề này, mà chỉ nói rằng khi người Trung Quốc cướp phá thủ đô Lâm Ấp vào năm 605, họ đã phát hiện được những cuốn sách bằng chữ Côn Lôn, “có vẻ là một loại phương ngữ Chăm hoặc Nam Đảo” 45. Điều đó không chắc đúng. Những gì liên quan đến Côn Lôn đều chỉ cho biết rằng đó có nghĩa là một ngôn ngữ nào đó thuộc Đông Nam Á hải đảo mà thôi, và cũng có thể ám chỉ đến Mon-Khmer cũng hệt như đối với Nam Đảo vậy. Thật ra thì nếu Côn Lôn là cách thể hiện theo kiểu Trung Quốc của kuruï, như ai đó đã nói thì hầu như chắc chắn đó là Mon-Khmer hơn là Nam Đảo. Southworth cho rằng
Có thể bạn quan tâm
- 1 So sánh khác biệt hai dòng tư tưởng Nam Bắc Trung Quốc : Nho gia và Đạo gia
- 2 Lý lịch tóm tắt Top 10 độc tài theo Newsweek
- 3 Lịch sử, sự thật và sử học
- 4 Hãy bãi bỏ án tử hình
- 5 Thổ Nhĩ Kỳ dân chủ đến mức nào?
- 6 Vụ Snowden: những vành tai nổi giận
- 7 Vua Mongkut và đường lối cách tân Thái Lan theo Phật giáo
- 8 Loạn 12 sứ quân và sự thực lịch sử
- 9 Quá trình du nhập chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam
- 10 Sam Rainsy là ai?
0